LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 15: GIÁC CHI

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, có vị Bí-sô đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi sang một bên bạch Phật: Đức Thế Tôn thường nói đến giác chi. Vậy giác chi nói ở đây có nghĩa như thế nào?

Đức Thế Tôn bảo: Giác chi này nói rõ là có bảy giác chi. Bảy thứ ấy là:

  1. Niệm giác chi.
  2. Trạch pháp giác chi.
  3. Tinh tấn giác chi.
  4. Hỷ giác chi.
  5. Khinh an giác chi.
  6. Định giác chi.
  7. Xả giác chi.

Các giác chi như thế dần theo thứ tự mà khởi và cũng dần theo thứ tự mà chứng được, cần phải tu tập rèn luyện để khiến cho nó được viên mãn.

Khi đó, vị Bí-sô lại bạch Phật: Thế nào là các giác chi này dần theo thứ tự mà khởi, dần theo thứ tự mà chứng được và tu hành khiến cho viên mãn?

Đức Phật bảo thầy Bí-sô: Nếu đối với thân mình mà luôn theo dõi quan sát tìm xét thân mình, luôn an trụ trong chánh niệm, xa lìa ngu si, thì khi đó liền khởi lên Niệm giác chi. Khi được Niệm giác chi rồi thì cố gắng tu tập rèn luyện khiến cho được đầy đủ viên mãn. Người ấy do niệm này mà đối với các pháp cần tuyển chọn, nên tuyển chọn cùng cực, khắp nơi tìm xét suy nghĩ, khắp nơi tìm hiểu (tầm tứ), luôn luôn xét đoán tìm hiểu kỹ lưỡng…, khi đó liền khởi lên (sinh ra) Trạch pháp giác chi. Được Trạch pháp giác chi rồi thì cố gắng tu tập khiến được đầy đủ trọn vẹn. Người này do Trạch pháp mà phát sinh mạnh mẽ sự siêng năng chuyên cần, tâm không hề hèn kém lui sụt. Bấy giờ liền khởi lên Tinh tấn giác chi. Được Tinh tấn giác chi rồi liền cố gắng tu tập khiến được đầy đủ toàn vẹn. Do sức tinh tấn siêng năng này mà phát sinh niềm vui tốt nhất, xa lìa các ái dục ham muốn. Bấy giờ liền khởi lên Hỷ giác chi. Khi được Hỷ giác chi thì nên cố gắng tu tập khiến nó được đầy đủ vẹn toàn. Người ấy do hỷ của niềm hoan lạc này nên thân và tâm đều được khinh an (nhẹ nhàng khoan khoái) xa lìa được các nặng nề thô trược. Bấy giờ liền khởi lên Khinh an giác chi. Khi được Khinh an giác chi thì nên cố gắng tu tập khiến nó được đầy đủ vẹn toàn. Do Khinh an đó nên người ấy liền có cảm xúc khoái lạc với niềm hoan lạc. Do có hoan lạc nên tâm định. Bấy giờ liền khởi lên Định giác chi. Khi được Định giác chi thì nên cố gắng tu tập để nó được toàn vẹn. Do tâm đã định nên người ấy diệt trừ hết các tham lam lo sầu và trụ vào sự buông xả cao độ. Bấy giờ liền khởi lên Xả giác chi. Khi được Xả giác chi thì nên cố gắng tu tập khiến nó được vẹn toàn. Rồi đối với các thứ thọ- tâm- pháp mà theo dõi quan sát tìm hiểu…, rộng nói cũng như thế. Đó là các giác chi, như thế mà thứ tự dần sinh khởi, thứ tự dần đạt được và cố gắng tu tập khiến chứng được đầy đủ vẹn toàn.

1. Thế nào là Niệm giác chi?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói, nếu các hàng đệ tử của Thánh luôn theo dõi quan sát nội thân với các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm đầy đủ và trừ bỏ các tham lam sầu lo ở đời, rồi đối với ngoại thân và cả nội -ngoại thân cũng theo dõi quan sát với đầy đủ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ tham sầu y như thế. Rồi đối với trong và ngoài của ba thứ thọ- tâm- pháp…, rộng nói cũng y như vậy. Khi tu tập bốn niệm trụ thân- thọ- tâm- pháp như thế thì hết thảy tác ý tương ưng với vô lậu, các niệm tùy niệm (nghĩ nhớ theo đuổi) chuyên niệm (nghĩ chuyên vào một việc) và nghĩ nhớ, không quên không lỗi, không trái không sót, không mất pháp tánh, tâm luôn sáng suốt, ghi nhớ lâu bền, đều gọi chung là niệm. Cũng gọi là niệm căn, cũng gọi là niệm lực, niệm giác chi, hay chánh niệm. Đó là đạo tùy hành, đạo đều có, đạo vô lậu xuất thế không có chấp trước và chuyển biến mãi của Phật của Thánh, nên nó chánh thức diệt hết các khổ đến tận cùng biên giới. Những người tu học nên đối với các hành, thấy được mà luôn suy tư tìm xét quan sát khiến cho đạt đến chỗ rốt ráo. Đối với các hành thì phải nhìn thấy thật rõ, thật thấu suốt các tai họa lỗi lầm của chúng. Còn đối với Niết-bàn thì cũng thấy thật tinh tường thấu suốt các công đức. Như bậc A-la-hán với tâm giải thoát thì luôn luôn tư duy quan sát khiến đạt đến chỗ rốt ráo. Hết thảy tác ý tương ưng với vô lậu, các niệm tùy niệm (nhớ nghĩ theo đó mãi)…, cho đến tâm sáng suốt ghi nhớ lâu bền. Đó gọi là Niệm giác chi.

2. Thế nào là Trạch pháp giác chi?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói, nếu hàng đệ tử của Thánh biết đúng như thật các pháp thiện hay pháp bất thiện, có tội hay không có tội, đáng tu hay không đáng tu, pháp nào thấp kém, pháp nào thắng diệu (cao siêu mầu nhiệm), pháp nào đen hay trắng, pháp nào có đối địch, pháp nào duyên sinh…

Hay biết đúng như thật pháp nào thiện hay bất thiện.

Thế nào là pháp thiện? Nghĩa là nghiệp thiện của thân và ngữ, pháp thiện của tâm và tâm sở, tâm không tương ưng với thiện và sự trạch diệt (sự chọn lựa về tịch diệt), thì gọi là pháp thiện.

Thế nào là pháp bất thiện? Nghĩa là nghiệp bất thiện của thân và miệng (hành động và lời nói bất thiện), pháp bất thiện của tâm và tâm sở, tâm không tương ưng với chẳng thiện, đó là pháp bất thiện.

Người này đối với pháp thiện và bất thiện nói trên mà dùng chánh tuệ như thật để chọn lựa tột cùng, dùng tầm khắp nơi suy tư, dùng tứ khắp nơi tìm xét, suy xét tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Đó gọi là biết đúng như thật về các pháp thiện và bất thiện.

Hay biết đúng như thật về các pháp có tội và không tội.

Pháp có tội là sao? Tức là ba hạnh ác, ba căn chẳng thiện, mười nghiệp đạo bất thiện. Đó là ba pháp có tội.

Pháp không tội là sao? Tức là ba diệu hạnh, ba căn thiện, mười nghiệp đạo thiện. Đó là pháp không tội.

Người này đối với pháp có tội và không tội như thế, mà dùng chánh tuệ như thật để chọn lựa, chọn lựa tột cùng, dùng tầm mà suy xét khắp chốn, dùng tứ mà tìm hiểu mọi nơi, suy xét tìm hiểu thật kỹ lưỡng.

Đó gọi là hay biết đúng như thật các pháp có tội và không tội.

Giữ biết đúng như thật pháp nào đáng tu và không đáng tu.

Thế nào là pháp đáng tu? Đó là ba diệu hạnh, ba căn thiện, mười nghiệp đạo thiện. Việc gần gũi các bậc Thiện sĩ, lắng nghe chánh pháp tác ý đúng lý, cung kính lắng nghe, kín đáo giữ gìn căn môn, ăn uống biết độ lượng chừng mực, đầu hôm cuối đêm luôn tĩnh thức để suy tư, siêng tu các pháp thiện…, đó gọi là pháp đáng tu, cần phải tu.

Lại còn các pháp: Tứ niệm trụ (thân thọ tâm pháp), bốn chánh thắng, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo, bốn chánh hạnh, bốn pháp tích, Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na…, cũng gọi là các pháp cần phải tu.

Thế nào là pháp không nên tu? Đó là ba hạnh ác, ba căn bất thiện, mười nghiệp đạo bất thiện, gần gũi giao du với người chẳng thiện, lắng nghe pháp bất chánh, tà pháp, không tác ý đúng lý, làm các hạnh phi pháp, không cung kính lắng nghe, không cung kính học hỏi, không giữ gìn căn môn, ăn uống không biết độ lượng chừng mực, đầu hôm cuối đêm quen thói ngủ li bì, không siêng tu pháp thiện…, đó gọi là pháp không nên tu.

Người này đối với pháp nên tu và pháp không nên tu, dùng chánh tuệ như thật mà tuyển chọn, tuyển chọn tột cùng, dùng tầm mà suy xét khắp chốn, dùng tứ mà tìm hiểu mọi nơi, suy xét tìm hiểu kỹ càng mọi lẽ. Đó gọi là biết đúng như thật pháp nào nên tu và không nên tu.

Giỏi biết đúng như thật pháp nào là thấp kém hay thắng diệu (cao quý tuyệt diệu).

Thế nào là pháp thấp kém? Đó là các pháp bất thiện, bị che trùm vô ký, đó là pháp thấp kém.

Thế nào là pháp thắng diệu? Nghĩa là các pháp thiện và không bị che lấp vô ký, đó là pháp thắng diệu.

Người này đối với pháp thấp kém và thắng diệu như thế, dùng chánh tuệ như thật mà tuyển chọn, tuyển chọn tột cùng, dùng tầm mà suy xét khắp chốn, dùng tứ mà tìm hiểu mọi nơi, suy xét tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Đó là giỏi biết đúng như thật pháp nào thấp kém hay thắng diệu.

Giỏi biết đúng như thật pháp đen hay trắng, pháp bất thiện gọi là đen, pháp thiện gọi là trắng, pháp có tội thì gọi là đen, pháp không tội thì gọi làtrắng, pháp không đáng tu thì gọi là đen, pháp nên tu thì gọi là trắng, pháp thấp kém thì gọi là đen, pháp thắng diệu thì gọi là trắng…

Người này đối với pháp trắng -đen như thế, dùng chánh tuệ như thật mà tuyển chọn, tuyển chọn tột cùng, dùng tầm mà suy xét khắp chốn, dùng tứ mà tìm hiểu mọi nơi, suy xét tìm hiểu thật kỹ lưỡng thấu suốt. Đó gọi là khéo biết đúng như thật các pháp đen- trắng.

Giỏi biết đúng như thật về các pháp đối địch nhau.

Thế nào là pháp có đối nghịch? Nghĩa là tham và không tham đối nghịch nhau, sân giận và không sân giận, si mê và không si mê…, gọi là pháp có đối nghịch.

Người này đối với pháp có đối nghịch như thế dùng chánh tuệ như thật mà tuyển chọn, tuyển chọn tột cùng, dùng tầm mà suy xét khắp chốn, dùng tứ mà tìm hiểu mọi nơi, suy xét tìm hiểu thật kỹ lưỡng thấu suốt. Đó gọi là giỏi biết đúng như thật về các pháp có đối nghịch.

Giỏi biết đúng như thật về các pháp duyên sinh, nghĩa là pháp duyên khởi và pháp duyên đã sinh, thì gọi chung là pháp duyên sinh. Người này đối với pháp duyên sinh như thế, dùng chánh tuệ như thật mà tuyển chọn, tuyển chọn tột cùng, dùng tầm mà suy xét khắp chốn, dùng tứ mà tìm hiểu mọi nơi, suy xét tìm hiểu thật kỹ lưỡng thấu suốt. Đó gọi là giỏi biết đúng như thật về pháp duyên sinh.

Người này biết đúng như thật về pháp thiện- chẳng thiện, rộng nói

cho đến khi pháp duyên sinh, cả thảy có vô lậu tác ý tương ưng mà đối với pháp tuyển chọn, tuyển chọn tột bậc, hiểu rõ, hiểu rõ tất cả, hiểu rõ gần, thấu suốt các điều sâu kín, thẩm xét sáng suốt tinh tường, tuệ hành sáng rõ, Tỳ-bát-xá-na, gọi chung là tuệ, cũng gọi là tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp, giác chi, chánh kiến. Đó gọi là đạo tùy hành, đạo đều có, đạo tùy chuyển, đều là đạo vô lậu xuất thế không có chấp trước của Phật, nên nó chính thức diệt hết các khổ tận cùng biên giới gây khổ. Những người tu học, thấy có các hành nào thì suy tư tìm xét quan sát kỹ lưỡng, khiến đạt được đến chỗ rốt ráo. Đối với các hành phải thấy sâu xa cái tai họa lầm lỗi của chúng. Còn đối với Niết-bàn thì cũng thấy sâu xa thấu suốt các công đức. Nếu bậc A-la-hán đối với tâm giải thoát mà suy xét tìm hiểu quan sát thấu suốt khiến đạt đến chỗ rốt ráo. Hết thảy tác ý tương ưng với vô lậu, đối với pháp mà tuyển chọn…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Trạch pháp giác chi.

3. Thế nào là Tinh tấn giác chi?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói, nếu các hàng đệ tử Thánh:

Vì muốn đoạn dứt các pháp ác bất thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích, phát sinh mạnh mẽ sự siêng năng cần mẫn, khích lệ tâm, giữ gìn tâm.

Vì muốn ngừa các pháp ác bất thiện chưa sinh thì đừng sinh, nên khởi lòng ham thích, phát sinh mạnh mẽ sự siêng năng cần mẫn, khích lệ tâm, giữ gìn tâm.

Vì muốn các pháp thiện chưa sinh phải sinh ra, nên khởi lòng ham thích, phát sinh mạnh mẽ sự siêng năng cần mẫn, khích lệ tâm, giữ gìn tâm.

Vì muốn các pháp thiện đã sinh sẽ bền bỉ trụ mãi không quên mất, luôn tu bồi đầy đủ khiến càng rộng lớn mãi trí tác chứng, nên khởi lòng ham thích, phát sinh mạnh mẽ sự siêng năng cần mẫn, khích lệ tâm, giữ gìn tâm.

Người này khi tu tập bốn chánh thắng như thế, hết thảy tác ý tương ưng với vô lậu, với các sự siêng năng cần mẫn, thế lực mạnh mẽ, hăng hái tột độ khó ngăn cản, lòng luôn cố gắng mãi không ngừng, đều gọi chung là tinh tấn. Cũng gọi là cần tinh tấn, lực tinh tấn, Tinh tấn giác chi hay chánh cần. Đó là đạo tùy hành, đạo đều có, đạo tùy chuyển, đều là vô lậu xuất thế, không có chấp trước của Phật. Nên nó chính thức diệt hết các khổ tận cùng biên giới gây khổ. Những người tu học, thấy có các hạnh nào thì suy tư tìm xét quan sát kỹ lưỡng, khiến đạt được đến chỗ rốt ráo. Đối với các hành phải thấy sâu xa cái tai họa lầm lỗi của chúng. Còn đối với Niết-bàn thì cũng thấy sâu xa thấu suốt, các công đức. Nếu bậc A-la-hán đối với tâm giải thoát mà suy xét tìm hiểu quan sát thấu suốt khiến đạt đến chỗ rốt ráo. Hết thảy tác ý tương ưng với vô lậu, với các sự siêng năng cần mẫn…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là Tinh tấn giác chi.

4. Thế nào là Hỷ giác chi?

Đáp: Nghĩa là như Đức Thế Tôn nói, Đại danh nên biết, nếu các hàng đệ tử Thánh do tướng như thế mà nghĩ nhớ đến chư Phật, bảo đây là Đức Thế Tôn, là bậc Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác, Minh hạnh viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng trượng phu, Điều ngự sĩ, Thiên nhân sư, Phật – Bạc-già-phạm. Các vị đệ tử của Thánh đây khi dùng tướng như thế mà nghĩ đến Phật, thì tham sẽ không ràng buộc tâm, sân không ràng buộc tâm, si không ràng buộc tâm. Đối với Như Lai nên tâm người ấy ngay thẳng chánh trực. Vì tâm chánh trực nên được nghĩa có oai thế, được pháp có oai thế. Ở chỗ Như Lai nên có thể phát sinh niềm vui. Vì có vui nên sinh mừng, vì mừng nên thân được an, thân an nên có hoan lạc vì có hoan lạc nên tâm định, vì tâm đã định nên đối với các loài hữu tình bất bình đẳng, khác nhau mà luôn trụ vào chỗ bình đẳng. Đối với các loài hữu tình có não hại thì trụ vào chỗ không bị não hại, được dự vào dòng pháp, ở bên chư Phật mà tu tập tùy niệm…, cho đến có thể chứng được Niết-bàn rốt ráo.

Lại nữa, Đại danh nên biết, nếu hàng đệ tử Thánh do tướng như thế mà nghĩ đến chánh pháp, là chánh pháp của Phật, khéo nói các điều hiện thấy, không nóng nảy bứt rứt, đúng thời hướng dẫn chỉ đạo, quan sát đến gần, người trí được nội chứng. Người đệ tử Thánh đó, khi do tướng mà nhớ nghĩ đến pháp, thì tham sân si sẽ không ràng buộc tâm, ở chỗ chánh pháp, tâm người ấy ngay thẳng chánh trực. Vì tâm chánh trực nên được nghĩa có oai thế, ở chỗ chánh pháp giỏi phát sinh niềm vui, vì có vui nên sinh mừng, vì mừng nên thân an, vì thân an nên có hoan lạc vì có hoan lạc nên tâm định, vì tâm đã định nên đối với các loài hữu tình bất bình đẳng, mà được trụ vào chỗ bình đẳng. Đối với các loài hữu tình có não hại thì trụ vào chỗ không bị não hại. Được dự vào dòng pháp. Ở chỗ chánh pháp tu tập tùy niệm… cho đến có thể chứng được Niết-bàn rốt ráo.

Lại nữa, Đại danh nên biết, nếu hàng đệ tử Thánh do tướng như thế mà nghĩ nhớ đến Tăng già (chư Tăng). Nghĩa là các đệ tử Phật, đầy đủ diệu hạnh, hạnh ngay thẳng thành thật, hạnh đúng lý, hạnh pháp tùy pháp, hạnh hòa kính, hạnh tùy pháp… Lại các vị đệ tử Phật có Dự lưu hướng, quả Dự lưu; có Nhất lai hướng, quả Nhất lai; có Bất hoàn hướng, quả Bất hoàn; có A-la-hán hướng, quả A-la-hán. Như thế gọi chung là có bốn đôi- tám lẻ Bổ đắc già la Tăng già như thế có đầy đủ giới hạnh, đầy đủ định lực, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, đáng được mời thỉnh, đáng khuất phục (quy phục), là ruộng phước vô thượng đáng cung kính, đáng được thế gian cúng dường. Các đệ tử Thánh khi có tướng như thế mà nghĩ đến Tăng già thì sẽ không bị tham sân si ràng buộc tâm. Ở chỗ Tăng già, tâm người ấy ngay thẳng chánh trực, vì tâm chánh trực nên được nghĩa có oai thế, được pháp có oai thế. Ở chỗ Tăng già sẽ khởi sinh các niềm vui. Vì vui nên sinh ra mừng, tâm mừng nên thân an, thân an nên có hoan lạc, có hoan lạc nên tâm định, tâm định nên đối với các loài hữu tình bất bình đẳng thì luôn trụ vào chỗ bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại thì trụ vào chỗ không bị não hại. Được dự vào dòng pháp, ở chỗ Tăng già mà tu tập tùy niệm…, cho đến có thể chứng được Niết-bàn rốt ráo.

Lại nữa, Đại danh nên biết, nếu hàng đệ tử Thánh do tướng như thế mà nhớ nghĩ đến giới hạnh của mình. Nghĩa là giới hạnh thanh tịnh của mình không hề thiếu sót, không lẫn lộn dơ bẩn, xứng đáng thọ lãnh phẩm vật cúng dường mà không chút tối tăm, khéo léo rốt ráo, khéo léo thọ trì tuân giữ. Bậc trí luôn khen ngợi không hề chê bai. Hàng đệ tử Thánh đó khi nhờ tướng như thế mà nghĩ nhớ đến giới hạnh của mình thì sẽ không bị tham sân si ràng buộc tâm. Ở chỗ giới hạnh của mình, tâm người ấy ngay thẳng chánh trực, vì tâm chánh trực nên được nghĩa có oai thế, được pháp có oai thế. Ở chỗ giới hạnh của mình nên khởi sinh niềm vui. Vì vui nên sinh ra mừng, vì tâm mừng nên thân an, vì thân an nên có hoan lạc, vì có hoan lạc nên tâm định, vì tâm định nên đối với các loài hữu tình bất bình đẳng thì luôn trụ vào chỗ bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại thì luôn trụ vào chỗ không bị não hại. Được dự vào dòng pháp, ở chỗ giới hạnh của mình mà tu tập tùy niệm…, cho đến có thể chứng được Niết-bàn rốt ráo.

Lại nữa, Đại danh nên biết, nếu hàng đệ tử Thánh do tướng như thế mà nghĩ nhớ đến hạnh bố thí của mình. Nghĩa là: Ta nay đây khéo có được các lợi ích tốt đẹp, tuy đang ở giữa số chúng sinh bị trói buộc ràng rịt của vô lượng sự tham lam keo kiệt dơ bẩn lầm lỗi, nhưng tâm luôn xa lìa được các tật xấu tham lam keo kiệt mà giỏi làm việc ban ân bố thí. Tuy đang ở tại gia nhưng không hề đam mê tham lam tất cả tiền tài báu vật mà buông tay bố thí, thường lo cúng kiến lớn, cúng dường các bậc phước điền, ban thí đầy đủ, vui thích phân chia bình đẳng…, các vị đệ tử Thánh do tướng như thế mà nghĩ nhớ đến hạnh bố thí của mình, khi đó thì tham sân si sẽ không ràng buộc tâm. Ở chỗ hạnh bố thí của mình, thì tâm người ấy ngay thẳng chánh trực. Do tâm chánh trực nên được nghĩa có oai thế, được pháp có oai thế. Ở chỗ hạnh bố thí của mình nên khởi sinh niềm vui. Vì vui nên sinh ra mừng, vì tâm mừng nên thân an, vì thân an nên có hoan lạc, vì có hoan lạc nên tâm định, vì tâm định nên đối với các loài hữu tình bất bình đẳng thì luôn trụ vào chỗ bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại thì luôn trụ vào chỗ không bị não hại. Được dự vào dòng pháp, ở chỗ hạnh bố thí của mình mà tu tập tùy niệm…, cho đến có thể chứng được Niết-bàn rốt ráo.

Lại nữa, Đại danh nên biết, nếu các đệ tử Thánh do tướng như thế mà nghĩ nhớ đến chư Thiên, là có các chúng trời Tứ đại vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc-biến-hóa, trời Tha-hóatự-tại… Các trời như thế vì đã thành tựu về tín- giới- văn- xả- tuệ, nên khi ở cõi này chết rồi sẽ được sinh lên các cõi trời ấy mà hưởng được bai nhiêu khoái lạc vui sướng. Nay ta đây cũng có các thứ tín – giới – văn – xả – tuệ, thì cũng sẽ được sinh lên các cõi đó và sẽ cùng với các chúng trời (chư Thiên) cùng hưởng các thứ hoan lạc vui sướng. Hàng đệ tử Thánh ấy, khi do tướng như thế mà nghĩ nhớ đến các trời, thì sẽ không bị tham sân si ràng buộc tâm. Ở chỗ chư Thiên, tâm người ấy ngay thẳng chánh trực. Vì chánh trực nên được nghĩa có oai thế, được pháp có oai thế. Ở chỗ chư Thiên nên sinh khởi được niềm vui. Do vui nên sinh ra mừng, tâm mừng nên thân an, vì thân an nên có hoan lạc, vì có hoan lạc nên tâm định. Vì tâm định nên đối với các loài hữu tình bất bình đẳng thì luôn trụ vào chỗ bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại thì luôn trụ vào chỗ không bị não hại. Được dự vào dòng pháp, ở chỗ của chư Thiên mà tu tập tùy niệm…, cho đến chứng được Niết-bàn rốt ráo.

Khi người ấy tu sáu pháp tùy niệm như thế, khi tác ý tương ưng với vô lậu thì tâm vui, rất vui và đang rất vui. Tính chất của vui, chủng loại của vui, thích ý vui lòng. Tính chất và chủng loại của vui mừng, niềm vui hòa hợp mãi không chia lìa. Hân hoan vui vẻ, có tánh kham nhiệm (đảm nhận công việc) mừng vui hớn hở, tính chất của mừng vui hớn hở (muốn nhảy múa), vui tươi và tính chất của vui tươi hoan hỷ…, gọi chung là Hỷ. Cũng gọi là Hỷ giác chi. Đó là đạo tùy hành, đạo đều có, đạo tùy chuyển, đều là đạo vô lậu xuất thế, không có chấp trước của Phật. Nên có thể chánh thức diệt hết các khổ đến tận cùng biên giới gây khổ. Những người tu học khi thấy có những hành nào, thì nên cố gắng suy tư tìm xét quan sát kỹ lưỡng khiến đạt đến chỗ rốt ráo. Đối với các hành thì nên thấy sâu xa biết được các tai họa lỗi lầm của chúng. Còn đối với Niết-bàn vĩnh viễn thì cũng sâu xa thấu suốt thấy được các công đức. Nếu bậc A-la-hán như tâm được giải thoát thì nên suy tư tìm xét quan sát kỹ lưỡng khiến đạt đến chỗ rốt ráo. Hết thảy tác ý đều tương ưng với vô lậu, thì tâm vui và rất vui…, cho đến vui vẻ, tính chất của vui vẻ hoan hỷ. Đó gọi là Hỷ giác chi.

*****

5. Thế nào là Khinh an giác chi?

Đáp: Đức Thế Tôn nói: Khánh Hỷ nên biết! Khi nhập vào sơ tĩnh lự thì nói năng đều yên dứt. Do đây làm điều kiện nên các pháp khác cũng đều yên dứt. Đây gọi là tướng thuận Khinh an thứ nhất.

Khi nhập vào đệ nhị tĩnh lự thì tầm và tứ đều yên dứt. Do đây làm điều kiện nên các pháp khác cũng đều yên dứt. Đây là tướng thuận Khinh an thứ hai.

Khi nhập vào đệ tam tĩnh lự thì các mừng vui lặng dứt. Do đây làm điều kiện nên các pháp khác cũng đều lặng dứt. Đây gọi là tướng thuận Khinh an thứ ba.

Khi nhập vào đệ tứ tĩnh lự thì các hơi thở vào ra đều lặng dứt. Do đây làm điều kiện nên các pháp khác cũng đều lặng dứt. Đây là tướng thuận Khinh an thứ tư.

Khi nhập vào định diệt tưởng thọ thì tưởng và thọ đều lặng dứt. Do đây làm điều kiện nên các pháp khác cũng đều lặng dứt. Đây là tướng thuận Khinh an thứ năm.

Khánh Hỷ nên biết, lại có phần Khinh an thượng diệu thứ sáu là cao vượt tối thượng, là trên hết, là vô thượng (không còn gì trên được nữa). Sự Khinh an như thế là rất cao quý, rất tuyệt diệu nhiệm mầu. Không còn sự Khinh an nào khác có thể hơn được.

Việc này như thế nào? Nghĩa là tâm từ nơi tham mà lại lìa nhiễm và được giải thoát, và từ nơi sân si mà lìa nhiễm và được giải thoát. Đây là tướng thuận Khinh an thứ sáu. Khi tư duy tìm xét về tướng này thì có tác ý tương ưng với vô lậu, nên thân được Khinh an và tâm cũng được Khinh an, tính chất của Khinh an, chủng loại của Khinh an…, gọi chung là Khinh an, cũng gọi là Khinh an giáo chỉ. Đấy là đạo tùy hành, đạo đều có, đạo tùy chuyển, đều là đạo vô lậu xuất thế, không có chấp trước của Phật. Nên có thể chánh thức diệt hết các khổ đến tận cùng biên giới gây ra khổ. Những người tu học, khi thấy có hành nào thì nên suy nghĩ quan sát tìm hiểu kỹ lưỡng khiến nó đạt đến chỗ rốt ráo. Đối với các hành hãy nhìn thấy sâu xa các tai họa lỗi lầm của chúng. Còn đối với Niết-bàn vĩnh viễn thì cũng thấy sâu xa các công đức. Nếu A-lahán như đối với tâm giải thoát, thì sẽ suy tư quan sát thấu suốt khiến đạt đến chỗ rốt ráo. Hết thảy tác ý đều tương ưng với vô lậu, thân và tâm đều được Khinh an, tính chất chủng loại của Khinh an… Đó là Khinh an giác chi.

6. Thế nào là Định giác chi?

Đáp: Đức Thế Tôn nói: Các thầy Bí-sô nên biết, Ta nói dựa vào bậc sơ tĩnh lự (sơ thiền) có thể diệt hết các lậu. Ta nói như vầy: Nếu dựa vào đệ nhị, đệ tam, đệ tứ tĩnh lự, và Không vô biên xú, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ…, có thể diệt hết các lậu. Các thầy Bí-sô nên biết! Ta dựa vào đâu mà nói là nếu y vào sơ tĩnh lự thì các lậu đều dứt hết? Nghĩa là có vị Bí-sô trước đây do tướng trạng của các hành như thế mà lìa dục và các pháp ác bất thiện, có tầm và tứ suy xét tìm hiểu cùng ly sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ vào sơ tĩnh lự. Nhưng người này không chịu suy nghĩ tìm xét tướng trạng của các hành như thế mà lại chỉ suy nghĩ về các thứ sắc – thọ – tưởng – hành – thức mà họ có hướng đến. Nghĩa là các pháp này như là các thứ bệnh, các thứ ung nhọt ghẻ lở, như tên độc gây khổ hại, nó là vô thường – khổ – không – vô ngã. Do vậy kẻ ấy đối với pháp này phải nên quyết tâm chán chê nhờm tởm, sợ hãi, ngăn trừ. Sau đó mới giữ gìn kiềm chế tâm mình, đặt nó vào chỗ cam lồ, rồi suy nghĩ cõi đó thật là vắng lặng nhiệm mầu, phải buông bỏ hết tất cả, chỉ lo diệt hết ái, lìa nhiễm, an trụ Niết-bàn, tịch diệt vĩnh viễn. Giống như việc ông thầy dạy bắn cung cho một đám học trò. Trước hết thì phải học bắn gần, bắn những tâm vòng tròn, rồi đến những hình người bằng bùn, bằng cỏ bện lại v.v…, sau đó thì mới bắn xa. Và sau này thì những vật to lớn cứng chắc thế nào cũng sẽ bị bắn tan hoại hết. Các thầy Bí-sô cũng vậy, trước hết phải từ các tướng mạo hình trạng của các hành như thế mà lìa dục và các pháp dữ, bất thiện rồi có tầm có tứ mà suy xét, ly sinh hỷ lạc và trụ đầy đủ vào sơ tĩnh lự. Nhưng người này không chịu suy nghĩ quan sát các tướng trạng các hành như thế, lại chỉ lo suy nghĩ về sắcthọ-tưởng-hành-thức mà họ có rồi hướng đến. Tức là hãy gọi các pháp này như bệnh, như ung thư ghẻ lở, như tên độc gây khổ hại, nó luôn là vô thường – khổ -không – vô ngã. Do vậy đối với các pháp đó phải quyết lòng chán chê ghê tởm, sợ sệt và ngăn trừ. Sau đó rồi mới thâu giữ tâm, kiềm chế đặt nó vào cõi cam lồ, và suy tưởng cảnh giới đó thật là vắng lặng yên tĩnh nhiệm mầu, buông bỏ tất cả, chỉ lo việc dứt ái, lìa nhiễm và Niết-bàn tịch diệt vĩnh viễn. Người đó chỉ thấy như thế, biết như thế thì sẽ từ dục lậu mà tâm được giải thoát, cũng sẽ từ hữu lậu, vô minh lậu mà tâm được giải thoát. Đời sống tu đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ nhận thân sau nữa. Ta dựa vào các việc như thế mà nói: Dựa vào sơ tĩnh lự thì khả năng dứt hết các tĩnh lự. Như việc nói dựa vào sơ tĩnh lự dứt hết các lậu, thì Ta nói dựa vào các bậc thứ hai, ba, tư tĩnh lự và Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ… Các lậu cũng dứt hết tùy theo mỗi chỗ cũng sẽ như thế.

Nghĩa là đệ nhị Tĩnh lự nên nói như thế này: Lại có vị Bí-sô, trước hết đã do các tướng trạng các hành như thế, tầm tứ đều vắng lặng, bên trong đều yên tĩnh, tâm luôn chuyên chú vào một cảnh, không tầm không tứ định sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ vào đệ nhị tĩnh lự. Nhưng người này không chịu suy nghĩ về các hình trạng các hành như thế…, cho đến rộng nói về Vô sở hữu xứ mà nói thế này: Lại có Bí-sô, trước hết do các tướng trạng của các hành như thế mà vượt lên tất cả Thức vô biên xứ, nhưng người này chẳng chịu suy nghĩ về các tướng trạng của các hành như thế, chỉ lo suy nghĩ về sắc – thọ – tưởng – hành -thức mà họ có được để hướng đến, cho đến rộng nói… Các thầy Bí-sô nên biết: Cho đến với tưởng định cũng có thể làm được những việc đáng làm như thế.

Lại có Phi tưởng phi phi tưởng xứ và định diệt tận, Ta nói với thầy Bí-sô tu các định như thế, phải nên nhiều lần xuất nhập ra vào khi tu định ấy và lúc nhập định bậc thứ bảy, hết thảy tác ý tương ưng với vô lậu, các tâm trụ đều trụ, cho đến tâm chuyên chú vào một cảnh…, gọi chung là định, cũng gọi là định căn, định lực, định giác chi, hay chánh định. Đây là đạo tùy hành, đạo đều có, đạo tùy chuyển…, đều là đạo vô lậu xuất thế, không chấp trước…, của Phật. Nên nó có khả năng chính thức diệt hết các khổ đến tận cùng biên giới gây ra khổ. Những người tu học nếu thấy các hạnh nào thì nên cố gắng suy tư quan sát tìm xét kỹ lưỡng khiến nó đạt đến chỗ rốt ráo. Đối với các hạnh thì phải thấy thật sâu xa về các tai họa lỗi lầm của chúng. Còn đối với Niết-bàn vĩnh viễn thì cũng phải thấy thấu suốt các công đức. Như bậc A-la-hán đối với tâm giải thoát mà suy tư quan sát kỹ lưỡng khiến cho nó đạt đến chỗ rốt ráo, hết thảy tác ý tương ưng với vô lậu thì các tâm trụ đều trụ…, cho đến tính chất của tâm chuyên chú vào một cảnh. Đó gọi là Định giác chi.

7. Thế nào là Xả giác chi?

Đáp: Là có vị Bí-sô suy nghĩ tư duy về đoạn giới, ly giới, diệt giới… Do đây mà phát khởi các tính chất về tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không cảnh giác, luôn được vắng lặng. Người này nghĩ: Ta nay nên đối với các pháp thuận theo tham, thuận theo sân, thuận theo si mà lìa bỏ tham sân si. Do đây mà phát khởi tâm có tính chất bình đẳng, chánh trực, không cảnh giác, mà luôn vắng lặng. Người này nghĩ: Ta nay đối với các pháp tham – sân – si thì tâm phải không thâu giữ, bị nhiễm. Do đây mà phát khởi tính chất của tâm bình đẳng, tính chất của tâm chánh trực, tính chất của tâm không cảnh giác, mà luôn vắng lặng. Người này suy nghĩ tìm xét kỹ lưỡng về sáu pháp thuận xả, hết thảy tác ý tương ưng với các tính chất của tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không cảnh giác, mà luôn vắng lặng…, gọi chung là Xả. Cũng gọi là Xả giác chi. Đây là đạo tùy hành, đạo đều có, đạo tùy chuyển, đều là đạo vô lậu xuất thế, không có chấp trước của Phật. Nên nó có khả năng chính thức diệt hết các khổ đến tận cùng biên giới gây ra khổ. Những người có tu học khi thấy có các gia hạnh nào thì nên tư duy quan sát kỹ lưởng khiến nó đạt đến chỗ rốt ráo. Đối với các hạnh thì phải sâu xa thấy được các tai họa lỗi lầm của chúng. Còn đối với Niết-bàn vĩnh viễn thì cũng nhìn thấu suốt các công đức. Nếu có bậc A-la-hán, như đối với tâm giải thoát mà suy tư quan sát kỹ lưỡng khiến cho nó đạt đến chỗ rốt ráo. Nếu có hết thảy tác ý tương ưng với vô lậu thì sẽ có các tính chất của tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm luôn vắng lặng không lo cảnh giác. Đó gọi là Xả giác chi.