LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: CHỨNG TỊNH

Lúc đó, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt. Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bísô: Nếu có các loài hữu tình đối với lời dạy bảo của các thầy mà phát sinh lòng tin tưởng lắng nghe thọ nhận, lại có thể vâng lời làm theo, thì các thầy nên thương xót dùng tất cả mọi phương cách và phương tiện khuyên bảo khuyến khích, khiến cho họ được trụ vào bốn thứ chứng tịnh. Bốn thứ đó là:

  1. Phật chứng tịnh.
  2. Pháp chánh tịnh.
  3. Tăng chứng tịnh.
  4. Thánh sở ái giới (Giới được bậc Thánh yêu thích).

Vì sao như thế? Vì có các giới đất, nước, lửa, gió, gọi đó là bốn thứ đại, có thể nhận cho sửa đổi dễ dàng. Nhưng một khi đã thành tựu được bốn thứ chánh tịnh kia rồi thì các hàng đệ tử Phật tất không thể cải đổi dễ dàng được. Do đa văn học nhiều mà các hàng đệ tử của Phật thành tựu được bốn thứ chứng tịnh đó rồi, nếu lại còn bị đọa vào địa ngục, bàng sinh và cõi quỷ…, thì không thể nào có điều này được. Do vậy, nếu ai nghe lời dạy bảo của các thầy mà lắng nghe tin tưởng, nhận lãnh và tuân hành, thì các thầy hãy nên thương xót dùng đủ mọi phương tiện mà khuyến khích, giúp đỡ cho họ được trụ vào bốn pháp chứng tịnh đó.

1. Thế nào là Phật chứng tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói đây là các đệ tử của Thánh, do tướng như thế mà tùy niệm nhớ nghĩ đến chư Phật. Bảo rằng Đức Thế Tôn đây là bậc Như Lai A La Hán Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc Già Phạm.

Nói: “Đây, ở đây”: Nghĩa là cõi Dục này, hoặc thế giới này, châu Thiệm Bộ này. Lại có nơi nói: Đây, tức là thân này, do các sự giữ gìn giữa nhau và các thân xác (trì đẳng trì khu đẳng khu) tụ họp lại mà có được cái tự thế. Lại có chỗ nói: Đây là chỗ sinh này (cuộc đời này, đời sống này). Phật và các đệ tử, các vị tiên Mâu-ni, các bậc trí tuệ sáng suốt, các bậc giỏi điều phục, các bậc giỏi điều thuận. Lại có chỗ nói: Đây, nghĩa là các giáo pháp này đem truyền trao dạy bảo, khuyên răn diễn giảng khéo léo…, cho nên gọi là “Đây”.

Nói đệ tử Thánh: Chính là chỉ cho Phật Pháp Tăng. Quy y Phật Pháp Tăng rồi nên gọi là đệ tử của Thánh.

Do cái tướng như thế mà tùy niệm nhớ nghĩ đến Phật, là do tướng này, pháp môn này, lý này ở chỗ chư Phật mà khởi ý niệm tùy niệm, chuyên chú nhớ nghĩ không quên mất, không để sót, không mất pháp tánh, tâm sáng suốt, tánh nhớ rõ ràng, cho nên nói là do tướng như thế mà tùy niệm nhớ nghĩ đến Phật.

Nói “Nghĩa là, tức là bảo”: Tức là tướng như thế, hình trạng như thế, chủng loại như thế. Nên nói là “tức là”.

Nói “đây”: Nghĩa là giới như thế, pháp như thế, tuệ như thế, thần thông như thế, giải thoát như thế, trụ nhiều (đa trụ) như thế. Nên gọi là “đây, này”.

Nói “Thế Tôn”: Sau này sẽ giải thích.

Nói “Như Lai”: Như Đức Thế Tôn có nói: Từ đêm Bồ-tát chứng quả Bồ-đề Vô thượng Chánh đẳng…, cho đến đêm Phật nhập cõi Niếtbàn vô dư y, trong khoảng thời gian đó, nếu có những điều được nói ra, tuyên dương, trình bày, diễn giảng v.v…, thì tất cả đều là Như cả, nghĩa là không có hư vọng, không biến dời đổi khác, chắc thật đúng lý, không điên đảo lầm lẫn, tất cả đều dùng chánh tuệ như thật thấy biết rồi mới nói, mới diễn giảng, nên gọi là Như Lai.

A-la-hán, tóm tắt có hai thứ tính chất A-la-hán, là tánh hữu vi và tánh vô vi.

Thế nào là tánh hữu vi A-la-hán? Nghĩa là cái được về quả và cái được về được, các thứ căn và lực vô học, giới (thi la) vô học, căn thiện vô học, mười pháp vô học và những chủng loại của các pháp vô học v.v…, đó gọi là tánh hữu vi A-la-hán.

Thế nào là tánh vô vi A-la-hán? Nghĩa là tham – sân – si, tất cả các phiền não thấy đoạn dứt, vượt lên trên tất cả các cõi, đoạn dứt hết nói năng, ba thứ lửa cũng yên tĩnh vĩnh viễn, tiêu khát hết hẳn, kiêu ngạo phóng túng cũng lìa xa, hang động nhà cửa đều phá sạch, vượt khỏi bốn dòng thác lũ. Rốt ráo tột bậc nên lìa bỏ, diệt độ và Niết-bàn. Thế nên gọi là tánh vô vi A-la-hán. Như Lai đã thành tựu đầy đủ vẹn toàn các điều đã nói về hữu vi và vô vi A-la-hán như thế, cho nên gọi là A-la-hán.

Lại còn tham sân si và các phiền não khác đều phải đoạn trừ, đối với điều đó Như Lai đã đoạn dứt, đã biết khắp từ lâu. Giống như cây đa la đã bị bới tung gốc rễ và bẻ ngọn không còn sót chút gì. Và ngay cả ở đời sau sẽ vĩnh viễn không còn sinh lại nữa. Nên gọi là A-la-hán.

Vả lại, ba nghiệp ác của thân ngữ ý đều phải trừ dứt, thì đối với việc đó Như Lai đã đoạn dứt, biết khắp và cho đến rộng nói. Nên gọi là A-la-hán.

Lại chư Phật từ quá khứ đều đã lìa xa mọi điều xấu ác bất thiện. Nếu có những tạp nhiễm và các quả khổ dị thục thì sau này sẽ bị thiêu đốt tơi bời. Do đó trong đời vị lai sẽ vĩnh viễn không còn sinh lại nữa. Nay Đức Phật cũng như thế, nên gọi là A-la-hán.

Lại Đức Phật Thế Tôn đã thành tựu được các công đức thật tốt lành cao quý, là bậc xứng đáng thọ hưởng các thứ quý hiếm đẹp đẽ nhất về y phục, ăn uống, ngọa cụ, thuốc men và mọi thứ vật dụng cúng dường khác, cho nên gọi là A-la-hán. Như có tụng:

Ở đời đáng thọ dụng,
Các vật thật quý hiếm,
Như Lai xứng đáng nhận,
Nên gọi là A-la-hán.

Bậc Chánh Đẳng Giác, như Đức Thế Tôn nói: Có tất cả các pháp có tính chất đúng đắn thì tất cả Như Lai đều thấy biết hiểu rõ, thấu suốt rõ ràng đúng nhất, nên gọi là Chánh Đẳng Giác. Còn các thứ pháp, đó là bốn niệm trụ, bốn chánh đẳng, bốn thứ thần thông, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo, tất cả Như Lai đều thấy biết, hiểu rõ, thấu suốt rõ ràng đúng nhất, nên gọi là Chánh Đẳng Giác. Lại đối với tất cả các thứ khổ tập diệt đạo đều có thể hiểu biết ngay đời này, có thể chứng được các đạo quả như quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất hoàn và quả A-la-hán. Lại có thể chứng được trí thông suốt túc trụ tùy niệm (hiểu biết các đời quá khứ), chứng được trí thông suốt tử sinh, chứng được trí thông suốt lậu tận, chứng được đạo thông suốt hay diệt hết tham sân si, kiêu mạn, lỗi lầm (cấu đạo)… Tất cả Như Lai đều thấu biết, hiểu rõ một cách đúng đắn rõ ràng nhất, rất thành thật, kiên trì, ân cần trân trọng mà khởi ý niệm (tác ý). Do nhân duyên đó, pháp môn đó, nghĩa lý đó, và tướng hiểu biết đúng đắn rõ ràng nhất đó, nên gọi là Chánh Đẳng Giác.

Minh Hạnh viên mãn. Thế nào là Minh? Nghĩa là có ba thứ Minh vô học:

  1. Là Minh vô học tác chứng túc trụ tùy niệm.
  2. Là Minh vô học tác chứng tử sinh.
  3. Là Minh vô học tác chứng lậu tận.

Đó gọi là Minh.

Thế nào là Hạnh? Nghĩa là Phật có các thứ vô học về thân luật nghi, về ngữ luật nghi, và đời sống thanh tịnh. Đó gọi là Hạnh.

Lại còn, Phật có các oai nghi cử chỉ rất cao đẹp, tới lui nhìn ngó, co duỗi, cúi ngẩng, khi mặc Tăng-già-lê, khi đắp y mang bát…, tất cả đều tề chỉnh, ngay ngắn, nghiêm trang. Đó gọi là Hạnh. Hạnh này cùng với Minh trước, nên gọi chung là Minh Hạnh. Như Lai đã thành tựu đầy đủ vẹn toàn Minh Hạnh như thế, luôn luôn sống một cách trong trắng, một cách vi diệu tuyệt vời, một cách không lầm lỗi. Thế nên gọi là Minh Hạnh vẹn toàn.

Nói Thiện Thệ, là Đức Phật đã thành tựu được chốn cực lạc an ổn không khó khăn, dẫn thẳng đến Pháp tuyệt diệu nhiệm mầu, nên gọi là Thiện Thệ.

Lại tham sân si và các thứ phiền não khác sinh ra các thứ ngăn trở, làm khó khăn cho việc tiến đến với chánh pháp thì đối với điều đó Như Lai đã dứt hết, đã biết khắp. Như cây đa la đã bị đào tung gốc rễ và bẻ ngọn nên không thể sinh lại ở đời sau nữa, cho nên gọi là Thiện Thệ.

Lại như chư Phật Thế Tôn thời quá khứ đều nương nhờ pháp như thật, nhờ đạo không hư vọng mà vượt thoát ra khỏi thế gian, có đầy đủ công đức cao quý vi diệu. Một lần đến với Niết-bàn là đến mãi, một khi rời khỏi cõi thế gian là không bao giờ trở lại. Nay Phật cũng thế, nên gọi là Thiện Thệ.

Thế gian giải là năm uẩn chấp gọi là thế gian. Như Lai đối với năm uẩn đã thấy biết hiểu rõ, thấu suốt rõ ràng đúng nhất, nên gọi là Thế gian giải. Lại năm đường thì gọi là thế gian. Như Lai đối với điều đó đã thấy biết, hiểu rõ ràng đúng nhất, nên gọi là Thế gian giải.

Lại nói sáu cõi cũng gọi là thế gian. Đối với điều này Như Lai đã

hiểu biết thấu suốt rõ ràng đúng nhất nên gọi là Thế gian giải.

Lại ba cõi gồm thâu một chỗ, cũng gọi là thế gian. Từ đó mà sinh, từ đó mà khởi lên, từ đó mà ra. Đối với các việc ấy, Như Lai đã thấy biết, hiểu thấu suốt rất rõ ràng đúng nhất, nên gọi là Thế gian giải.

Vô thượng trượng phu, như Đức Thế Tôn nói: Có các loài hữu tình hoặc không có chân, hoặc hai chân, bốn chân, nhiều chân, có sắc hoặc không sắc, có tưởng hoặc không tưởng, không phải tưởng, không phải không tưởng… Trong số đó thì Như Lai được tôn xưng là bậc cao nhất, đáng tôn trọng quý kính nhất, cao tột bậc nhất không ai trên được (vô thượng). Do đó gọi là Vô thượng trượng phu.

Điều ngự sĩ, nghĩa là Phật Thế Tôn tóm tắt đã dùng ba cách điều phục chế ngự khéo léo nhất để chế phục các loài hữu tình đã được hóa độ.

  1. Là đối với một loại người phải dùng toàn thô dữ.
  2. Là đối với loại khác thì có cả mềm dẻo, thô dữ.
  3. Là đối với một loại người chỉ dùng toàn mềm dẻo, dịu dàng.

Thế nào là Như Lai đối với một loại người chỉ dùng toàn mềm dẻo dịu dàng? Nghĩa là Đức Như Lai vì người ấy mà nói diệu hạnh (hạnh tốt đẹp) của thân này, hạnh tốt đẹp của thân này sẽ chiêu cảm quả dị thục, đây là hạnh tốt của lời nói. Hạnh tốt của lời nói thì nó sẽ chiêu cảm quả dị thục, đây là hạnh tốt của ý. Hạnh tốt của ý này thì nó sẽ chiêu cảm quả dị thục, đây là trời, là người, là đường thiện, là cõi vui là Niết-bàn… Đó là chỉ dùng cách mềm dẻo dịu dàng.

Thế nào là Như Lai đối với một loại người phải dùng toàn dữ dằn? Nghĩa là Đức Như Lai nói với họ: Đây là hạnh ác của thân, hạnh ác của thân này sẽ chiêu cảm quả xấu dị thục. Đây là hạnh ác của lời nói, hạnh xấu của lời nói này sẽ chiêu cảm quả xấu dị thục. Đây là hạnh xấu của ý nghĩ, hạnh xấu của ý này sẽ chiêu cảm quả xấu dị thục. Đây là địa ngục, là bàng sinh, là cõi quỷ, đây là hiểm nạn, là đường dữ, là đọa lạc. Đó là chỉ dùng toàn dữ dằn.

Thế nào là Như Lai đối với một loại người dùng cả mềm dẻo dịu dàng và dữ dằn? Nghĩa là có nhiều lúc thì nói đây là hạnh tốt của thân, của lời nói, của ý nghĩ. Hạnh tốt của thân, của lời nói, của ý nghĩ sẽ chiêu cảm quả dị thục. Hoặc có nhiều lúc lại nói đây là hạnh xấu của thân, của lời nói, của ý nghĩ. Hạnh xấu của thân, của lời nói, của ý nghĩ sẽ chiêu cảm quả dị thục. Có lúc thì nói trời người, đường thiện, cõi vui là Niết-bàn. Hoặc có khi lại nói về địa ngục, bàng sinh, cõi quỷ, các hiểm nạn, đường dữ, đọa lạc… Đó là vừa mềm dẻo vừa dữ dằn.

Đức Như Lai đối với mọi người dùng ba thứ điều ngự khéo léo đó mà điều phục như thế, ngăn cấm khiến cho được tịch tĩnh tĩnh lặng như thế không còn gì cả. Dứt bỏ hẳn tham sân si và các thứ phiền não khác không còn sót tí nào. Khiến họ dứt hẳn, yên tĩnh hẳn bằng những cách điều ngự thật cao quý, khéo léo hiệu quả, cao tột nhất. Khiến họ được mát mẻ tuyệt diệu, dứt hẳn cong queo dơ bẩn, khéo léo diệt trừ hết các thứ kiêu ngạo hỗn láo, giấu giếm, dua nịnh, tội lỗi, nên gọi Như Lai là Điều Ngự Sĩ.

Thiên nhân sư, như Đức Thế Tôn bảo thầy A-nan-đà: Ta không những chỉ là Thầy của các vị Bí-sô, Bí-sô Ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-sáchca… Mà đối với các vị Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn v.v… và các chúng trời, người…, thì ta là thầy, là bậc thầy cao quý, là tùy sư, là bậc mô phạm, là bậc mô phạm giỏi, cao quý, là bậc tùy mô phạm (Tùy: biết ứng phó thích nghi), vì họ mà hướng dẫn dìu dắt. Thế nên gọi Như Lai là Thiên nhân sư.

Phật là Đức Như Lai có tri kiến vô học, trí tuệ sáng suốt hiểu biết đầy đủ, rõ ràng đúng đắn như thật tất cả các pháp. Các trí tuệ đó luôn phát khởi đầy đủ và thành tựu, nên gọi là Phật.

Như có một vị Đại Bà-la-môn đến chỗ Phật, dùng một bài kệ để khen ngợi và hỏi Phật:

Lễ Đạo sư trên đời,
Bậc Giác ngộ tối thượng,
Duyên gì có mẹ cha,
Tôn kính gọi Phật-đà?

Thương xót vị Bà-la-môn ấy, Đức Thế Tôn cũng dùng bài kệ bảo vị ấy:

Bà-la-môn nên biết,
Ta như khứ, lai Phật,
Thành tựu tướng bậc giác,
Nên ta tên Phật-đà.
Bà-la-môn nên biết,
Ta quán hành ba cõi,
Đều có pháp sinh diệt,
Nên ta tên Phật-đà.
Bà-la-môn nên biết,
Ta rõ việc phải đoạn,
Việc tu chứng đã xong,
Nên ta tên Phật-đà.
Bà-la-môn nên biết,
Ta đối tất cả cảnh,
Đủ mọi trí hiểu biết,
Nên ta tên Phật-đà.
Bà-la-môn nên biết,
Ta từ vô lượng kiếp,
Tu các hạnh thuần tịnh,
Trải vô lượng sinh tử,
Nay với thân rốt sau,
Lìa tên độc phiền não,
Chứng được vô thượng giác,
Nên Ta tên Phật-đà.

Bạc-già-phạm, có pháp thiện thì gọi là Bạc-già-phạm. Thành tựu được các pháp thiện vô thượng hoặc tu tập các pháp thiện thì gọi là Bạcgià-phạm. Đã tu tập các pháp thiện vô thượng, chư Phật Thế Tôn lại tu tập đầy đủ giới của thân và trí tuệ của tâm, thành tựu Đại ngã không có hạn lượng, thành tựu vô lượng pháp nên gọi là Bạc-già-phạm.

Lại nữa, Phật Thế Tôn có đầy đủ oai đức lớn, có thể đi hoặc đến, hoặc thành hoặc hoại, có thể tự tại di chuyển, dời đổi, nên gọi là Bạcgià-phạm. Lại Phật Thế Tôn phá tan vĩnh viễn tất cả tham sân si v.v…, các pháp bất thiện xấu ác. Vĩnh viễn phá tan tất cả tạp nhiễm của kiếp sau, và quả dị thục bị khổ thiêu đốt. Vĩnh viễn phá tan tất cả già-bệnhchết ở đời sau, nên gọi là Bạc-già-phạm.

Như có kệ:

Phá hẳn tham sân si,
Các pháp ác, chẳng thiện,
Đủ pháp vô lậu quý,
Nên gọi Bạc-già-phạm.

Lại Đức Phật Thế Tôn đối với các pháp chưa được nghe nhưng có thể tự hiểu biết thông suốt, vì có được trí giác tối thượng cao tột nhất, thành tựu các trí hiện pháp, trí không chướng ngại. Biết rõ các việc sắp tới, tu tập quả Phạm hạnh vì toàn thể các đệ tử mà phân biệt diễn giải giảng nói. Thiết lập Đại Pháp hội, thí mọi giáo pháp cho tất cả loài hữu tình, nên gọi là Bạc-già-phạm.

Như có kệ:

Như Lai lập pháp hội,
Khắp thương kẻ bơ vơ,
Nên làm thầy trời người,
Kính cẩn thoát biển khổ.

Lại Đức Phật Thế Tôn vì các hàng đệ tử mà tùy nghi nói pháp đều khiến cho họ được vui mừng cung kính tin nhận, đúng theo lời dạy bảo chánh pháp mà tu hành, danh thơm tiếng tốt của Ngài lan khắp bốn phương trời, ai cũng nghe biết, ai cũng khen ngợi kính lễ. Đó gọi là Bạc-già-phạm. Nếu các hàng đệ tử của Phật do các tướng như thế mà tùy niệm nghĩ nhớ đến chư Phật. Do sự thấy biết làm căn bản, chứng trí tương ưng với các niềm tin và tính chất của sự tin tưởng, tính chất tin tưởng ở hiện tại, tùy thuận ấn khả (chấp thuận), hoàn toàn kính mến ái mộ với tự tánh của kính mến ái mộ thực sự. Do đó lòng luôn lắng yên và thanh tịnh, nên gọi đó là Phật chứng tịnh. Đối với những điều như thế, nếu ai giỏi khuyên bảo khích lệ mọi người có được, an lập được đầy đủ, thì phải biết đó gọi là dùng mọi phương tiện khuyên bảo khích lệ mọi người có được, an lập được đầy đủ, thì phải biết đó gọi là dùng mọi phương tiện khuyên bảo khuyến khích và giúp đỡ an lập, khiến mọi người đều được trụ vào Phật chứng tịnh.

2. Thế nào là gọi là Pháp chứng tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn có nói: Các hàng đệ tử Phật, do tướng như thế mà tùy niệm nghĩ nhớ đến chánh pháp, là đối với các chánh pháp của Phật đã khéo léo diễn nói, nếu ai được nghe thấy thì sẽ không còn nóng nảy bứt rứt khổ sở nữa. Đúng lúc, hướng dẫn dìu dắt quan sát gần gũi khiến cho những người có trí sẽ được nội chứng.

Nói về “đây, này” tức là chỉ cho cõi Dục này, thế giới này hay châu Thiệm-bộ này. Lại có chỗ nói “đây” là sự duy trì giữ gìn giữa các thân xác của thân này và nhóm họp tụ tập lại mà có được cái tự thể. Lại có chỗ nói “đây” là nơi sinh ra, nơi sống của Phật và các đệ tử của Ngài, của các vị Tiên Mâu-ni, các bậc Bác học thông tuệ, các bậc giỏi điều phục, các bậc giỏi điều thuận. Lại có chỗ nói “đây” là các giáo pháp được dạy bảo trao truyền khuyên răn khéo diễn giảng chỉ bày, thế nên nói là đây.

Các hàng đệ tử của Thánh (Phật). Thánh tức là Phật, Pháp, Tăng. Ai đã quy y với Phật, Pháp, Tăng thì gọi là đệ tử Thánh.

Do tướng đó mà tùy niệm nghĩ nhớ chánh pháp, là nhờ vào tướng này, pháp môn này, nghĩa lý này mà đối với các chánh pháp khởi ý niệm tùy niệm nghĩ nhớ, chuyên chú nghĩ nhớ, không quên mất, không để sót, có tính chất không quên chánh pháp, tâm trí sáng suốt, tánh nhớ rõ ràng đầy đủ. Đó gọi là do tướng này mà tùy niệm nghĩ nhớ chánh pháp.

Nói khéo nói, khéo diễn giảng, là những điều Đức Phật nói về

khổ thì đích thực là khổ, về tập, diệt, đạo thì đích thực là tập, diệt, đạo, nên gọi là khéo nói. Nếu Đức Phật Thế Tôn đối với các thứ không phải khổ mà nói là khổ, không phải tập, diệt, đạo mà nói là tập, diệt, đạo thì không phải là khéo nói. Vì Đức Phật Thế Tôn đối với khổ thì nói là khổ, với tập, diệt, đạo thì nói là tập, là diệt, là đạo, thì đó là khéo nói.

Nói hiện tại được nghe thấy (hiện kiến), là ngay khi tu tập những điều Đức Thế Tôn nói về khổ, tập, diệt, đạo, và ngay lúc đang quan sát đạo lý ở trong hiện pháp thì liền nhập vào khổ, tập, diệt, đạo mà quan sát, nên gọi là hiện thấy (hiện kiến). Còn như ngay khi tu tập các điều Thế Tôn nói về khổ tập diệt đạo, và khi quan sát đạo lý nhưng không phải ở trong hiện pháp mà nhập vào khổ tập diệt đạo và quan sát chánh pháp của Thế Tôn thì có thể chẳng phải là hiện thấy. Vì chính lúc tu tập các pháp khổ tập diệt đạo mà Thế Tôn đã nói thì lúc quan sát đạo lý phải ở trong hiện pháp, rồi nhập vào khổ tập diệt đạo mà ngay lúc ấy quán sát, cho nên chánh pháp của Phật gọi là hiện thấy.

Lại chính lúc tu tập các điều Thế Tôn nói thì giỏi đoạn được là do thấy khổ, thấy tập, thấy diệt, thấy đạo mà đoạn và do tu đạo mà đoạn tùy niệm, thì ở trong hiện pháp đoạn là do thấy khổ, thấy tập, thấy diệt, thấy đạo mà đoạn và do tu mà đoạn trừ tất cả tùy miên, cho nên gọi là hiện thấy.

Nếu chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói thì giỏi đoạn được là do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn và lúc dựa vào tu mà đoạn tùy miên, nhưng không phải ở trong hiện pháp, đoạn là do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn và do tu mà đoạn trừ tùy miên, thì chánh pháp của Thế Tôn chẳng phải là hiện thấy.

Chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói thì giỏi đoạn do thấy khổ-tậpdiệt-đạo mà đoạn, và lúc do tu mà đoạn tùy miên, nhưng ở trong hiện pháp là do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và do tu mà đoạn trừ tất cả tùy miên. Cho nên chánh pháp của Phật gọi là hiện thấy.

Lại chính lúc tu tập lời của Thế Tôn nói mà giỏi chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và lúc do tu mà đoạn tùy miên, ở trong hiện pháp liền chứng được các cái thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và do tu mà đoạn các tùy miên, nên gọi là hiện thấy.

Nếu chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói mà giỏi chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và lúc do tu mà đoạn tùy miên nhưng không ở trong hiện pháp, chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và do tu mà đoạn trừ các tùy miên, thì chánh pháp của Thế Tôn chẳng phải là hiện thấy. Vì chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói mà giỏi chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và lúc do tu mà đoạn tùy miên, liền chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và do tu sự mà đoạn các tùy miên, cho nên chánh pháp của Phật gọi là hiện thấy (hiện kiến).

Nói không nóng nảy bứt rứt, nghĩa là tám chi Thánh đạo gọi là không nóng. Vì sao? Vì nóng là phiền não, mà trong tám chi Thánh đạo thì tất cả phiền não không thể nào có được, không thể nào gần được, không có, không thể nào có được, cho nên chánh pháp của Phật gọi là không nóng.

Nói đúng lúc, tức là tám chi Thánh đạo này gọi là đúng lúc. Vì sao? Vì chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói về khổ tập diệt đạo và lúc đang quan sát đạo lý, liền nhập vào khổ-tập-diệt-đạo mà hiện rõ quan sát, cho nên gọi là đúng lúc.

Nếu chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói về khổ-tập-diệt-đạo và hiện rõ quan sát đạo lý, sau đó mới nhập vào khổ-tập-diệt-đạo mà hiện rõ quan sát thì chánh pháp của Thế Tôn chẳng phải là đúng lúc. Vì chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói về khổ-tập-diệt-đạo và lúc hiện rõ quan sát đạo lý, thì phải nhập vào khổ-tập-diệt-đạo mà hiện rõ quan sát, cho nên chánh pháp của Phật gọi là đúng lúc.

Lại chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói thì giỏi đoạn trừ thấy khổ-tậpdiệt-đạo, và lúc do tu mà đoạn trừ tùy miên, thì liền đoạn trừ do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và do tu mà đoạn tất cả tùy miên, nên gọi là đúng lúc.

Nếu chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói mà giỏi đoạn trừ do thấy khổ-tập-diệt-đạo, mà đoạn trừ và do tu để đoạn trừ tùy miên. Sau đó mới đoạn trừ do thấy khổ-tập-diệt-đạo, mà đoạn và do tu đoạn trừ tất cả tùy miên, thì chánh pháp của Thế Tôn chẳng phải là đúng lúc. Vì chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói thì giỏi đoạn trừ do thấy về khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn tùy miên, cho nên chánh pháp của Phật gọi là đúng lúc.

Lại chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói thì giỏi chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo mà đoạn, và do tu mà đoạn tùy miên diệt đạo tức thì chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo, mà đoạn và do tu để đoạn diệt hết các tùy miên, cho nên gọi là đúng lúc.

Nếu chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói thì giỏi chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo, mà đoạn và do tu để đoạn trừ tùy miên. Sau đó mới chứng do thấy khổ-tập-diệt-đạo, mà đoạn trừ và do tu đoạn trừ các tùy miên diệt, thì chánh pháp của Thế Tôn chẳng phải là đúng lúc. Vì chính lúc tu tập lời Thế Tôn nói thì giỏi chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo, mà đoạn trừ và do lúc tu mà đoạn trừ tùy miên diệt đạo, liền chứng được do thấy khổ-tập-diệt-đạo, mà đoạn trừ và do tu mà diệt hết, đoạn trừ các tùy miên, cho nên chánh pháp của Phật gọi là đúng lúc.

Nói dẫn đường, tức là tám chi Thánh đạo gọi là dẫn đạo. Vì sao? Là vì nếu ai tu tập và tu tập mãi về tám chi Thánh đạo thì đối với khổ tập-diệt-đạo mà hiện rõ quan sát thì nó có thể hướng dẫn, dìu dắt, có thể tùy theo, đeo đuổi theo mãi, cho nên chánh pháp của Phật gọi là dẫn đạo dìu dắt.

Nói quán gần, thì tám chi Thánh đạo gọi là quán gần. Vì sao? Là vì nếu tu tập và tu tập càng nhiều về tám chi Thánh đạo thì có thể đối với khổ-tập-diệt-đạo mà thấy biết đúng như thật về khổ-tập-diệt-đạo, cho nên chánh pháp của Phật gọi là quán gần.

Người trí được nội chứng, Phật và đệ tử Phật được gọi là bậc trí, người trí. Đối với khổ-tập-diệt-đạo mà Thế Tôn đã nói thì người trí tự trong tâm trí sẽ thấy biết hiểu rõ, thấu suốt rõ ràng đúng đắn là khổ-tập- diệt-đạo, cho nên chánh pháp của Phật gọi là người trí được nội chứng (sự nội chứng của người trí).

Nếu các đệ tử Phật do tướng như thế mà theo đó nhớ nghĩ chánh pháp. Thấy làm căn bản, chứng trí tương ưng với các niềm tin, với tính chất của sự tin tưởng, tin tưởng ngay hiện tiền, tùy thuận, chấp nhận, ái mộ và tính chất của sự ái mộ. Tâm trí được chứng đắc và tâm sẽ luôn được thanh tịnh. Đó gọi là pháp chứng tịnh. Nếu ai có thể đối với pháp này khuyên bảo khuyến khích và an lập, thì phải biết đó gọi là dùng mọi phương tiện để khuyên bảo khuyến khích và lập nên khiến mọi người được trụ vào pháp chứng tịnh đó.

3. Thế nào gọi là Tăng chứng tịnh?

Đáp: Như Đức Thế Tôn có nói: Các đệ tử của Thánh do tướng như thế mà theo đó nhớ nghĩ về Tăng, tức là đệ tử Phật, có đầy đủ diệu hạnh, thành thực ngay thẳng, làm việc đúng lý, thực hành các hạnh pháp tùy pháp, hạnh hòa kính, hạnh tùy pháp. Đối với các vị Tăng này thì có vị là Dự lưu hướng, có vị được quả Dự lưu; có vị là Nhất lai hướng, có vị được quả Nhất lai; có vị được Bất hoàn hướng, có vị được quả Bất hoàn; có vị được A-la-hán hướng, có vị được quả A-la-hán. Như thế gọi chung là bốn hướng bốn quả Bổ-đặc-già-la. Chúng đệ tử Phật có giới hạnh đầy đủ, trí tuệ đầy đủ, giải thoát đầy đủ, giải thoát tri kiến đầy đủ…, là bậc đáng được thỉnh mời, đáng quy phục, đáng cung kính. Đó là vô thượng phước điền mà tất cả thế gian nên cúng dường.

Nói là “đây”, nghĩa là cõi Dục này, thế giới này, châu Thiệm Bộ này. Lại có chỗ nói “đây”, nghĩa là thân này, có sự giữ gìn các phần của thân xác, tụ họp lại mà có tự Thể. Lại nói “đây” tức là chỗ sinh ra này, cuộc đời này có Phật và các đệ tử, có các tiên nhân Mâu-ni, các bậc thông tuệ sáng suốt, các người giỏi điều phục, giỏi điều thuận. Lại có chỗ nói “đây” là giáo pháp này được dạy dỗ, truyền trao, khuyên răn giảng giải, thuyết pháp. Đó gọi là đây, là này.

Nói đệ tử của Thánh, thì Phật Pháp Tăng gọi là Thánh, đã quy y Phật Pháp Tăng nên gọi là đệ tử Thánh. Do tướng như thế mà theo đó nhớ nghĩ đến chư Tăng, là do tướng này, pháp môn này, nghĩa lý này, ở chỗ chư Tăng mà khởi ý niệm theo đó mà nghĩ nhớ, chuyên chú nhớ nghĩ mãi không quên mất, không để sót, không quên mất pháp tánh, tâm trí sáng suốt ký ức tốt nhớ thật dai. Đó gọi là do tướng như thế mà tùy theo nhớ đến Tăng.

Nói là diệu hạnh (hạnh nghiệp thiện), nghĩa là Thế Tôn nói có bốn thứ hạnh:

  1. Khổ trì thông.
  2. Khổ tốc thông.
  3. Hạnh lạc trì thông.
  4. Hạnh lạc tốc thông.

Các đệ tử Phật ở trong các hạnh đó nên gọi là diệu hạnh.

Lại Thế Tôn nói có bốn thứ hạnh:

  1. Hạnh không an ổn.
  2. Hạnh được an ổn.
  3. Hạnh điều phục.
  4. Hạnh tịch tĩnh.

Các chúng đệ tử Phật chỉ có ba hạnh sau, nên gọi là diệu hạnh (hạnh nghiệp tốt lành).

Thực thà ngay thẳng, tám chi Thánh đạo này gọi là thực thà ngay thẳng. Vì sao? Vì tám chi Thánh đạo không hề cong vẹo viễn vông, không xa xôi mơ hồ mà là ngay thẳng chánh trực, hiện thực bằng phẳng, đi ngay vào cuộc sống hiện tại. Các chúng đệ tử của Phật có các hạnh đó nên gọi là hạnh thực thà ngay thẳng.

Hạnh đúng lý (làm đúng lý), tám chi Thánh đạo gọi là hạnh đúng lý. Các chúng đệ tử Phật ở trong hạnh đó nên gọi là hạnh đúng lý.

Lại Đức Thế Tôn nói có bốn niệm trụ (tứ niệm xứ), bốn thứ chánh thắng (bốn chánh cần), bốn thứ thần thông, năm căn, năm lực, bảy giác chi, và chánh định cùng các thứ tư lương đầy đủ nên gọi là đúng lý. Như Đức Thế Tôn nói: Chỉ có một con đường này, đạo lý này có khả năng giúp tất cả các loài hữu tình đều được thanh tịnh, vượt thoát mọi ưu sầu, diệt hết các khổ não và chứng được pháp đúng lý. Đó là các thứ chánh định, các thứ tư lương đầy đủ và bảy chi Thánh đạo…, của Phật, thì gọi là chánh định và tư lương đầy đủ của Phật.

Thế nào là bảy pháp? Tức đầu tiên là chánh kiến…, cho đến chánh niệm. Nhờ vào chánh định của Phật và với bảy chi Thánh đạo này để hướng dẫn dắt dìu việc tu hành, điều trị các lỗi lầm nên mới được thành tựu đầy đủ, cho nên gọi là chánh định tư lương đầy đủ của Phật. Các đệ tử Phật thực hành các việc như thế nên gọi là hạnh đúng lý.

Pháp tùy pháp hành thì Niết-bàn gọi là pháp, còn tám chi Thánh đạo thì gọi là tùy pháp. Các đệ tử Phật làm các việc đó, có các hạnh đó, nên gọi là pháp tùy pháp hành. Lại còn biệt giải thoát thì gọi là pháp, còn biệt giải thoát luật nghi (giới luật) thì gọi là tùy pháp. Chúng đệ tử Phật ở trong các hạnh đó, làm các việc đó, nên gọi là pháp tùy pháp hành.

Lại thân luật nghi (thân giữ luật). Giữ luận nghi và có đời sống thanh tịnh thì gọi là pháp, còn thọ trì tuân giữ các pháp ấy thì gọi là tùy pháp. Các chúng đệ tử Phật ở trong các hạnh đó, làm các việc đó thì gọi là pháp tùy pháp hành.

Hạnh hòa kính là các chúng đệ tử Phật có cùng một thứ giới luật, cùng các môn học, cùng một lời diễn nói, cùng một thứ biệt giải thoát thì cùng giữ giới, cùng học, cùng nói, cùng được biệt giải thoát. Điều Tỳ-kheo một trăm tuổi học, thầy Tỳ-kheo mới cũng phải học. Điều Tỳkheo mới học, thầy Tỳ-kheo một trăm tuổi cũng phải học. Pháp mà Tỳkheo một trăm tuổi học, thầy Tỳ-kheo mới cũng học như vậy. Pháp mà Tỳ-kheo mới phải học, thầy Tỳ-kheo một trăm tuổi cũng học như vậy.

Các chúng đệ tử Phật hay ở trong hạnh đó, có cùng một tính chất về một thứ giới, một môn học, một lời nói, một biệt giải thoát và có chung các tính chất cùng giữ giới, cùng học, cùng giảng nói, cùng biệt giải thoát…, cho nên gọi là hạnh hòa kính.

Lại các chúng đệ tử Phật thường giúp đỡ, cung kính quý trọng nhau, nhường nhịn nhau. Đối với bậc Trưởng túc, lúc nào cũng trân trọng đứng dậy đón tiếp, khoanh tay, chấp tay mà an ủi thăm hỏi, lễ bái, luôn luôn biểu hiện sự hòa thuận kính nhường. Các đệ tử Phật luôn luôn làm như thế nên gọi là hạnh hòa kính.

Hạnh tùy pháp là tám chi Thánh đạo thì gọi là tùy pháp. Các hàng đệ tử Phật luôn luôn đối với tám pháp đó mà tuân giữ hành trì, tùy thuận, luôn ở trong đó mà dạo chơi ngắm xem đi lại…, nên gọi là hạnh tùy pháp.

*****

Tăng ở đây chính là các chúng đệ tử Phật. Ở đây sẽ chỉ bày rõ ràng về sự tụ họp, sự sâu kín (uẩn), các bộ phần, và các nghĩa tóm tắt (yếu lược).

Dự lưu hướng, tức là đã được đạo không gián đoạn và có thể chứng quả Dự lưu. Người này ở thế gian, đối với các tham dục và giận dữ trong cõi Dục, trước đây chưa thể đoạn dứt được nhiều phần trong các thứ vừa kể, đối với bốn pháp Thánh đế trước đây cũng chưa hiện rõ quán, thì nay đã hiện rõ quán nên gọi là Dự lưu hướng.

Quả Dự lưu, là ở trong hiện pháp đối với ba kết đã đoạn dứt và biết khắp, nhưng còn thân kiến và còn nghi ngờ về giới cấm thủ. Người này đang làm việc đoạn trừ các thứ đó, nên chưa thể tiến đến việc cầu mong chứng được quả Nhất lai, nên gọi là quả Dự lưu.

Nhất lai hướng, tức là đã được đạo không gián đoạn, có thể chứng được quả Nhất lai, là trong sự liên tục không gián đoạn để chứng quả Nhất lai, thì người này đối với các thứ tham dục giận dữ ở cõi Dục, do con đường ở thế gian hoặc trước đây đã đoạn dứt được nhiều phần các thứ, và trước đây chưa hiện rõ quán bốn pháp bốn Thánh đế thì nay đã tu tập hiện rõ quán, hoặc đã trụ vào quả Dự lưu rồi nên có thể tiến đến việc cầu chứng được quả Nhất lai, nên gọi là Nhất lai hướng.

Quả Nhất lai là ở trong hiện pháp đối với ba thứ kết đã đoạn dứt và biết khắp, đã đoạn trừ được rất nhiều phần các thứ tham dục, giận dữ. Vì người này đang làm việc đoạn trừ, chưa thể tiến cầu chứng quả Bất hoàn, nên gọi là quả Nhất lai.

Bất hoàn hướng, tức là đã được đạo không gián đoạn, có thể chứng được quả Bất hoàn. Nghĩa là trong đạo liên tục không gián đoạn để chứng được quả Bất hoàn, thì người này đối với các thứ tham dục giận dữ ở cõi Dục, do con đường ở cõi thế gian, mà trước đây đã dứt hẳn, nhưng đối với bốn Thánh đế trước đây chưa hiện rõ quán thì nay đang tu hiện rõ quán, hoặc đã trụ vào quả Nhất lai rồi, nên có thể tiến đến cầu được chứng quả Bất hoàn, nên gọi là Bất hoàn hướng.

Quả Bất hoàn, là ở trong hiện pháp đối với năm thứ kiết thuận phần dưới đã đoạn dứt thì biết khắp. Nhưng còn thân kiến còn nghi ngờ về giới cấm thủ và tham dục giận dữ, thì người này đang làm việc đoạn trừ các thứ đó, nên chưa thể tiến cầu chứng được quả vị A-la-hán. Nên gọi là quả Bất hoàn.

A-la-hán hướng, tức là đã được đạo không gián đoạn, có thể chứng được quả A-la-hán, là trong sự liên tục không gián đoạn này để chứng được quả A-la-hán cao quý nhất. Hoặc người này đã trụ vào quả Bất hoàn rồi nên có thể tiến cầu để chứng quả A-la-hán, nên gọi là Ala-hán hướng.

Quả A-la-hán, là ở trong hiện pháp (hiện đời) các tham-sân-si v.v…, tất cả các phiền não đều đã đoạn trừ hết, nên gọi là quả A-lahán.

Nói bốn đôi Bổ-đặc-già-la là Dự lưu hướng, quả Dự lưu là đôi thứ nhất. Nhất lai hướng và quả Nhất lai là đôi thứ hai. Bất hoàn hướng và quả Bất hoàn là đôi thứ ba. A-la-hán hướng và quả A-la-hán là đôi thứ tư.

Nói tám thứ riêng lẻ Bổ-đặc-già-la, là làm sáng tỏ, tách biệt rõ ràng các cấp bậc như Dự lưu hướng, các Bổ-đặc-già-la, tám chúng đệ tử Phật mỗi thứ riêng biệt khác nhau, tức là chỉ bày rõ ràng các thứ công đức cao quý tốt đẹp của chúng đệ tử Phật.

Giới hạnh đầy đủ, là các vị Tăng học và vô học đều thành tựu đầy đủ các giới học và vô học.

Định cụ túc (đầy đủ) là các vị Tăng học và vô học đều thành tựu đầy đủ các định học và vô học.

Tuệ đầy đủ là các vị Tăng học và vô học đều thành tựu đầy đủ các trí tuệ học và vô học.

Giải thoát đầy đủ là các vị Tăng học và vô học đều thành tựu đầy đủ các giải thoát học và vô học.

Giải thoát tri kiến đầy đủ là các vị Tăng học và vô học đều thành tựu đầy đủ các giải thoát tri kiến học và vô học.

Nói đáng mời thỉnh là kính tặng, dâng biếu, đáng cung kính cúng dường, đáng thờ kính cúng tế. Cho nên gọi là đáng mời thỉnh.

Nói đáng quy phục nghĩa là đã kính dâng biếu tặng và khéo léo kính dâng biếu tặng cung kính cúng dường, kính lễ hiến cúng khéo léo, dù công lao ít nhưng thâu nhận được nhiều kết quả lợi ích lớn lao. Cho nên gọi là đáng quy phục.

Đáng cung kính là đối với họ dù quen biết hay không quen biết thì đều nên đứng lên trân trọng đón tiếp, khom mình chấp tay cúi đầu, rạp mình đảnh lễ dưới chân các vị Thánh Tăng mà khen ngợi thăm hỏi: Sự đi đứng hành đạo của các vị có được an lạc chăng? Đó gọi là cung kính.

Nói là vô thượng, như Đức Thế Tôn bảo chúng Bí-sô: Tất cả mọi bộ phận chủng loại trong đại chúng đều hòa hợp. Các chúng đệ tử Phật là cao quý bậc nhất, rất đáng tôn quý kính trọng hơn cả, là tột bậc tối thượng không ai trên được nữa, nên gọi là vô thượng.

Nói phước điền (ruộng phước), như Đức Thế Tôn bảo với A-nanđà: Ta chưa hề thấy có các chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn v.v…, cùng hàng trời, người đáng được thọ nhận các sự ban ân bố thí, đã làm rồi khéo léo làm thêm, đã cúng dường rồi thì càng khéo giỏi cúng dường thêm, đã cúng kiến tế tự rồi thì càng khéo giỏi cúng kiến tế tự nhiều hơn…, như hàng Tăng chúng của Ta. Này A-nan nên biết: Nếu đối với các Tăng chúng của Ta mà đã ban tặng cúng thí cúng dường hiến cúng tế tự và lại càng khéo giỏi ban tặng cúng thí, cúng dường, hiến cúng tế tự…, thì công lao tuy ít nhưng lợi ích quả báu thâu nhận được hết sức lớn. Lại như vị Thiên đế lên tận đỉnh núi Linh Thứu dùng kệ vi diệu khen ngợi hỏi han:

Lễ bậc biện thuyết giỏi,
Pháp giúp đến bờ kia,
Vượt hết oán sợ hãi,
Đại Kiều-đáp-ma tôn.
Có vô lượng chúng sinh,
Ham phước tu bố thí,
Thường phát chí tín thành,
Tu các phước hữu y.
Mong Phật rũ lòng thương,
Nói phước điền cao quý,
Để vô lượng chúng sinh,
Thí ít được phước nhiều.

Vì thương xót tất cả chúng sinh nên Đức Thế Tôn cũng dùng kệ đặc biệt bảo với Thiên đế:

Nếu vô lượng chúng sinh,
Ham phước tu bố thí,
Luôn phát tâm thành tín,
Mà tu phước hữu y.
Nay Ta vì các vị,
Chỉ ruộng phước quý báu,
Khiến vô lượng chúng sinh,
Thí ít, được báu lớn.
Nếu tu bốn hướng Thánh,
Và trụ bốn quả Thánh,
Là Tăng đáng cúng dường,
Giới, định, tuệ quý, đủ.
Ruộng Tăng cao quý này,
Công đức rất rộng lớn,
Hay thấm nhuần vô lượng,
Như nước bốn biển cả.
Đệ tử quý của Phật,
Đã sinh pháp sáng suốt,
Kham nhận cúng dường quý,
Và thọ cúng kính hơn.
Chỉ thí ít vị Tăng,
Tức thí tất cả Tăng,
Nên được quả báu lớn,
Các bậc trí khen ngợi.
Trong các loại ruộng phước,
Ruộng Tăng quý hơn cả,
Chư Phật đều ngợi khen,
Thí được phước cao tột.
Đối chúng đệ tử Phật,
Thí ít mà phước lớn,
Nên những kẻ sáng suốt,
Nên cúng dường chúng Tăng.
Thánh chúng trì pháp diệu,
Đủ Minh Hạnh Đẳng trí,
Nên đối với Tăng bảo,
Bố thí thù thắng nhất.
Dùng ba thứ tịnh tâm,
Cúng dường Tăng ăn mặc,
Tất được báo vi diệu,
Là Thiện sĩ trời người.
Sống trong định phát sinh,
Lìa tên độc, bụi nhơ,
Thoát khỏi các đường dữ,
Hưởng vui cõi trời người.
Mình gom tiền, vật báu,
Chính tay mình bố thí,
Vì lợi mình và người,
Tất được quả báo lớn.
Có những kẻ sáng suốt,
Tâm tịnh tín bố thí,
Sẽ sinh vào cõi An lạc,
Hưởng vui quý thông minh.

Do nói như thế nên gọi là ruộng phước.

Đáng được đời ứng cúng là các đệ tử Thánh hay làm sạch, làm thanh tịnh thế gian, nên đáng cúng dường mọi thứ. Đã làm việc cúng thí thì ba nghiệp thân, miệng, ý được thanh tịnh. Cho nên gọi là đáng được đời ứng cúng.

Nếu các đệ tử Thánh do tướng như thế mà theo đó nghĩ nhớ đến các chúng Tăng (Tăng già). Do thấy làm căn bản, có chứng trí tương ưng với các niềm tin và có tính chất tin tưởng, tính chất tin tưởng hiện tiền, luôn biết tùy thuận chấp nhận, luôn có lòng ái mộ, đầy đủ tính chất ái mộ. Tâm trí luôn lắng yên, tâm trí luôn thanh tịnh. Đó gọi là Tăng chứng tịnh.

Nếu ai luôn luôn đối với các điều đó mà khuyên bảo khích lệ, an lập tạo nên…, thì nên biết đó gọi là Tăng chứng tịnh.

Nếu ai luôn luôn đối với các điều đó mà khuyên bảo khích lệ, an lập tạo nên…, thì nên biết đó gọi là dùng mọi phương tiện mà khuyên bảo khích lệ an lập khiến cho mọi người được trụ vào Tăng chứng Tịnh.

Thế nào là Thánh quý trọng giới luật? Nghĩa là thân luật nghi, ngữ luật nghi và có đời sống thanh tịnh đều vô lậu, thì gọi là Thánh quý mến giới luật.

Vì sao nói là Thánh quý trọng giới luật? Là chư Phật và các đệ tử Phật thì gọi là Thánh? Vì người đó tuân hành giới luật, ham thích, ái mộ, vui mừng, thuận theo không hề trái nghịch, nên gọi là Thánh quý mến giới hạnh.

Nếu có thể với điều đó mà dùng lời khuyên bảo khích lệ lập nên, thì phải biết đó gọi là dùng đủ các phương tiện để khuyên bảo khuyến khích an lập, khiến mọi người đều trụ vào chỗ Thánh quý mến giới luật, giới hạnh.