NGŨ PHƯƠNG TIỆN NIỆM PHẬT MÔN

SỐ 1962

MỘT QUYỂN

Đại Sư Trí Giả ở núi Thiên thai soạn.

Ngưng tâm Thiền
Chế tâm Thiền
Thể chân Thiền
Phương tiện tùy duyên Thiền
Dứt nhị biên phân biệt Thiền.

Phàm trụ tâm vào một cảnh thì gọi là Ngưng tâm. Mặt khác, như lúc hành giả niệm Phật, quán tưởng kim tướng bạch hào của Đức Như Lai đều lắng đọng rõ ràng tịch tịnh, đó gọi là Ngưng tâm thiền. Kế đến, trước tuy đã Ngưng tâm, mà chỗ tập quán còn phân tán, cần phải kiềm chế, khiến cho trở lại duyên chặt vào kim tướng, đó gọi là Chế tâm thiền. Lại nữa, trước tuy đã Chế tâm, trú vào cảnh định , đã chẳng phải là lý quán, đều thuộc sự tu, tức là Thể nó vốn không, vậy còn ai để mà chế? Không có Phật, không có người niệm danh hiệu Phật, ấy là Thể chân thiền.

Lại nữa, trước tuy đã Thể chân, mà vẫn còn vướng động nơi không tịch, vô lượng danh tướng còn mê muội chưa rõ ràng. Nay đem vô sở đắc để làm phương tiện, từ không nhập vào giả, vạn tướng đều thông suốt rõ ràng, không bị cảnh trần không mê hoặc, nhiễu loạn, ấy gọi là Phương tiện thiền.

Lại nữa, Thể chân thiền và Phương thiện thiền đều căn cứ vào Không và Hữu, không lìa nhị biên, khiến cho khi quán tưởng thì dù là tịnh hay loạn cũng đều không có tướng mạo, bặt hết danh xưng, dứt mọi tư tưởng, ấy gọi là Dứt nhị biên thiền.

Phải thấy rõ ngọn nguồn từ cạn đến sâu như thế mới gọi là quán tưởng rốt ráo; tuy không sâu mà cạn vẫn rõ ràng. Từ đó mới lần lượt nói rõ về năm pháp môn niệm Phật.

Thứ nhất là pháp môn xưng danh vãng sinh niệm Phật Tam-muội. Thứ hai là pháp môn quán tưởng diệt tội niệm Phật Tam-muội. Thứ ba là pháp môn chư cảnh duy tâm niệm Phật Tam-muội. Thứ tư là pháp môn Tâm cảnh câu ly niệm Phật Tam-muội. Và thứ năm là pháp môn Tánh khởi viên thông niệm Phật Tam-muội.

Chư Phật vì tâm đại từ đại bi, nên mỗi khi thuyết pháp, Ngài thường khuyên các vị Bồ-tát và các đệ tử nên khéo dùng các pháp phương tiện để cho chúng sinh dễ hiểu. Tự thân Ngài lại dùng vô lượng phương tiện để khai thị Bát-nhã ba-la-mật. Vậy, Đức Phật giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mật nhằm mục đích gì? Phật dạy: Vì muốn khiến chư vị Bồ-tát tăng trưởng niệm Phật Tam-muội.

Vì nhân duyên gì lại khiến niệm chư Phật? Phật bảo: Người niệm Phật đó, nên biết là không khác với Văn-thù-sư-lợi và chư Bồ-tát. Vì sao? Vì Tam-muội này là chỗ du hí của chư Phật Thế Tôn, là chỗ xuất phát ban đầu của các Đại Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm…

Nên biết, cửa vào biển Phật pháp có rất nhiều phương tiện. Nếu dùng một lời mà có đầy đủ các pháp môn thì không gì bằng niệm Phật. Vì tất cả chư Hiền Thánh đều từ niệm Phật mà sinh ra; tất cả trí tuệ đều từ niệm Phật mà có. Dù là hàng Thập-tín Bồ-tát và bậc Tam hiền Bồ-tát cũng đều không lìa niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng, nhẫn đến không lìa niệm Nhất-thiết-chủng-trí. Từ hàng Sơ địa Bồ-tát cho đến Bát địa, Cửu địa, Thập địa cũng đều không lìa niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng; cho đến cũng không lìa. Niệm Nhất-thiết-chủng-trí.

Chỉ vì pháp môn niệm Phật có nhiều mức hiểu khác nhau, tùy theo ý nghĩa đó mà tên gọi có sự sai khác. Chúng sinh vì chấp danh mới có sự giải thích khác nhau, thế là rơi vào ma giới, xem nhẹ trì niệm danh hiệu Phật, và cho mình là đã chọn được lối tu tối thắng hơn. Vì thương xót hạng người này, nên nay tôi lược nói qua.

Như luận về người tu nhân, thì không lìa Tam-hiền Thập-Thánh; nếu luận về sự chứng quả, thì chính là chư Phật Như Lai. Người tu nhân, nên buộc tâm thường niệm mười phương chư Phật. Người chứng quả, lại đặc khải thêm cho pháp này là vi diệu thanh tịnh đệ nhất thiền. Nên biết, pháp môn dễ nhập mà chứng sâu, đều không gì bằng niệm Phật.

Than ôi! Người học đạo trong thời mạt pháp này, xem nhẹ việc dễ nhập mà làm mất đi sự chứng sâu. Vì thấy chỗ ràng buộc đó nên thật đáng thương xót.!

Lại nữa, chư Phật vì thấy chúng sinh thích xưng danh hiệu chư Phật, để cầu sinh về nước kia, nên chỉ bày pháp môn xưng danh vãng sinh niệm Phật. Vì chúng sinh ưa thích thấy được thân Phật, mà lo sợ chướng ngại không thấy, nên Ngài chỉ bày pháp môn Quán tướng diệt tội. Chúng sinh có mê tâm chấp cảnh, nên Ngài chỉ bày pháp môn Chư cảnh duy tâm. Chúng sinh vì chấp thật hữu, nên Ngài chỉ bày pháp môn Tâm cảnh đều lìa. Chúng sinh ưa định thâm tịch, hướng về vô sinh diệt, nên Phật chỉ bày pháp môn Tánh khởi viên thông.

Cao cả thay! Đức Thế Tôn khéo cứu nạn chúng sinh, khai thị ra một con đường thẳng đến quả Bồ-đề. Pháp môn thậm thâm đó chính là niệm Phật. Chỉ mong bậc Đại trí lường xét bậc sanh đắc biết được người thâm tu định tuệ, khéo giải kinh luận, xin xét lại pháp môn này cùng các kinh liễu nghĩa Đại thừa, có thâu hết nghĩa lý không cùng tận, xin hãy nói ra. Nên biết, xưng một danh hiệu Phật, trí sâu thì sâu, một lời mà đầy đủ hết các pháp môn, tin thì có chứng nghiệm vậy.

Trên đây tôi đã trình bày xong ý nghĩa của năm pháp môn niệm Phật. Bây giờ lần lượt về phương tiện thể nhập.

Nếu như hành giả niệm xưng A-di-đà-Phật, tâm tâm nguyện sinh về nước Cực lạc, đó chính là Xưng danh vãng sinh môn. Hành giả tưởng tượng ra Phật thân, chuyên chú không thôi, liền được thấy Phật, quang minh rực rỡ, chiếu đến người hành trì, lúc này bao nhiêu tội nghiệp đều tiêu trừ, đó chính là Quán tướng diệt tội môn. Lại quán thân Phật này do tâm khởi ra, không tách biệt cảnh giới, đây là Chư cảnh duy tâm môn.

Lại quán tâm này cũng không có tự tướng có thể đắc, tức là Tâm cảnh câu ly môn. Hành giả lúc này hướng tâm vào định tịch tịnh thâm sâu, buông bỏ hết tất cả tâm ý và ý thức, thâm nhập Niết-bàn, được mười phương chư Phật gia bị hộ niệm, hưng khởi Bát-nhã môn. Bấy giờ, hành giả chỉ trong một niệm liền làm thanh tịnh cõi Phật và thành tựu ý nguyện cứu độ chúng sinh.

Như vậy thì công đức sở hửu của bốn môn trước, trăm ngàn vạn phần cũng không bằng một. Vì sao? Vì vô công dụng vị. Có thể lấy một thân làm vô lượng thân, xoay vần tụ tập, Phật quán niệm hộ trì. Pháp môn của chư Phật cùng tận vô biên, nguyên nhân của Phổ-hiền thảy đều viên mãn. Do bổn nguyện lực đó và pháp như thế, tức là Tánh khởi viên thông môn.

Hỏi: Vì sao gọi là Nhất hành Tam-muội?

Đáp: Trong kinh Đại Bảo Tích, phẩm 116 có nói: “Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, phải tu tập thế nào để mau chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề?” Phật đáp: “Đối với Nhất hành Tam-muội, nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào tu tập hạnh ấy thì sẽ mau chứng quả

Vô thượng Bồ-đề.”

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Tại sao lại gọi là Nhất hành Tammuội?”

Phật dạy: “Một tướng pháp giới, buộc duyên pháp giới, đó gọi là Nhất hành Tam-muội. Như thiện nam, thiện nữ nào muốn thể nhập vào Nhất hành Tam-muội, thì trước nên nghe Bát-nhã ba-la-mật, như thuyết mà hành trì, rồi sau mới có thể nhập vào Nhất hành Tam-muội. Như pháp giới duyên thì bất thoái chuyển, bất hoại diệt, bất tư nghì, vô ngại vô tướng. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn nhập vào Nhất hành Tam-muội thì nên ở chỗ vắng vẻ thanh nhàn, xả hết loạn ý, không giữ tướng mạo, nhất tâm niệm Phật, chuyên xưng danh hiệu, tùy theo phương của chư Phật, đoan thân chánh hướng, niệm niệm tương tục danh hiệu Phật, thì ở trong một niệm đó sẽ thấy cả tam thế chư Phật.

Vì sao? Vì niệm một vị Phật công đức vô lượng vô biên; công đức ấy cùng với vô lượng chư Phật không khác. Như thế, khi nhập vào Nhất hành Tam-muội, thì biết hết tướng của hằng hà sa chư Phật trong pháp giới không sai biệt. Lời văn này có thể minh chứng.

Hỏi: Người phần nhiều vẽ tượng Phật rồi lấy đó để quán tưởng lễ bái. Điều đó có Thánh nhân nào dạy chăng?

Đáp: Kinh Đại Bảo Tích quyển 89 có nói: Bấy giờ Đại Tinh Tấn Bồ-tát họa ra hình tượng Phật, rồi đem vào trong chốn núi sâu yên tĩnh không có bóng người cầm thú qua lại, Ngài mở bức tượng họa ra lấy cỏ làm tòa, đặt tượng hoa lên đó rồi ngồi kiết già, chánh thân chánh niệm, quán Đức Như Lai không rời và tư duy rằng: “ Đức Như Lai thật hi hữu vi diệu.” Đối với tượng họa mà Ngài còn ngồi ngay ngắn và tán thán vi diệu như vậy, huống nữa đối với thân Như Lai Chánh Biến Tri!

Bồ-tát lại nghĩ rằng: “Ta phải quán Phật thế nào đây?” Bấy giờ, có vị thần trong rừng biết được tâm niệm của Bồ-tát liền bạch rằng: “Thiện nam tử, ông đang nghĩ là phải quán tưởng Phật thế nào phải không?” Thần lại đáp: “Nếu muốn quán Phật, nên quán họa tượng. Quán họa tượng này không khác Đức Như Lai, đó gọi là quán Phật. Quán Phật như thế mới gọi là thiện quán.

Lúc ấy, Tinh Tấn Bồ-tát lại nghĩ: “Ta nay làm thế nào để quán tưởng bức họa tượng này và quán tưởng chư Như Lai đây?”

Rồi lại suy nghĩ: “Bức họa tượng này là phi giác, phi tri; tất cả các pháp cũng đều như thế, chỉ có danh tự. Danh tự như thế, tự tánh là không tịch, vốn không có sở hữu; thân của Như Lai, tướng cũng như thế. Tượng họa là phi chứng phi quả. Phi chứng là không đạt được, là không trụ, không đến, không đi, không sinh, không diệt, không tịnh, không sắc, không tham sân si. Hoạ tượng là phi ấm giới nhập, phi sơ, trung, hậu; tất cả các pháp cũng đều như thế; thân tướng của Như Lai cũng như thế. Họa tượng như thế là phi giác, phi tri, phi tác; tất cả chư Phật cũng lại như thế; cho đến lục căn cũng như thế.”

Bồ-tát quán thân Như Lai như thế rồi, ngồi kiết già trong suốt hai mươi mốt ngày thì thành tựu được Ngũ thông, cúng dường chư Phật. Chư Thiên đem hoa đến rải xuống cúng dường vì Phật đã giảng pháp này. Ở trong hội đó có hai vạn người chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; có vô lượng A-tăng-kỳ người trụ vào công đức Nhị thừa. Bồ-tát Đại Tinh Tấn đó tức là Phật Thích-ca Mâu-ni. Văn này có thể minh chứng.

Xét theo tứ giáo mà nói, vì tâm không tự sinh ra mà phải nhờ duyên khởi. Hành giả lúc niệm Phật, lấy ý tưởng làm nhân, còn hào quang của Như Lai chính là duyên, cũng gọi là pháp trần, vì nó đối lại với ý căn. Khi ta khởi niệm tức là sinh khởi quán tưởng. Xét ba tướng của căn trần, năng sở này thảy đều động, luôn luôn sinh diệt, một niệm chẳng dừng, biến khắp hư không, vô Phật vô niệm, ấy là Tạng giáo của Tiểu thừa.

Tức quán niệm Phật tâm, khởi ra năng sinh sở sinh, không có chỗ nào không phải là Không. Vọng nói là tâm khởi, tâm thật ra không có khởi.

Khởi vốn không có tự tánh, thể của nó là không. Chỗ quán Phật tướng như ảnh tượng trong gương, là hoa trên hư không, vô Phật vô niệm, đây là Thông giáo của Đại thừa. Tức quán niệm tâm Phật, khởi tức là pháp giả danh thấu suốt cạnh, sâu vô lượng danh tướng, như nhìn thấy rõ lòng bàn tay, biết rõ tâm này thì có Như Lai tạng, đoặn hoặc nhiều kiếp nói chúng chân thường, lìa một bên, hiển bày trung đạo, không Phật, không niệm, là Đại thừa biệt giáo. Tức quán niệm tâm Phật, khởi tức không, giả tức trung, căn hay trần đều từ pháp giới khởi ra. Khởi một niệm cũng vậy, khắp cõi chư Phật một niệm đều chiếu soi; Lục đạo chúng sinh trong mỗi sát-na đều phổ ứng, đầu tiên tức là sau cùng, nay mới được giác tri. Như người đại phú chấp đá là báo vật, tức không xã niệm mà lại cầu ly niệm, tức một bên mà ở giữa, vô Phật vô niệm. Đây là Viên giáo của Đại thừa.

Trong kinh Anh Lạc nói rõ sự đốn ngộ của Như Lai, chính là nghĩa này vậy.