LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 5

Phẩm 9: DỊ HÀNH

Hỏi: Những sự việc ban đầu của Bồ-tát A duy việt trí này, như trước đã nói. Đạt đến phần vị A duy việt trí ấy, người tu tập phải hành trì những hạnh khó làm trong lâu dài mới có thể đạt được. Nếu Bồ-tát rơi vào địa Thanh văn, Phật-bích-chi, như vậy là một suy hoại lớn, như trong pháp Trợ đạo nói:

Nếu rơi địa Thanh văn

Và địa Phật-bích-chi

Đó là Bồ-tát chết

Tức mất hết thảy ích.

Nếu đọa vào địa ngục

Không khởi sợ như thế

Nếu rơi địa Nhị thừa

Mới là nỗi sợ lớn.

Vì đọa trong địa ngục

Rốt cùng được đến Phật

Nếu rơi địa Nhị thừa

Hoàn toàn ngăn Phật đạo.

Phật tự ở trong kinh

Giải nói sự như thế

Như người tham mạng sống

Chém đầu tức kinh hoảng.

Bồ-tát cũng như thế

Nếu ở địa Thanh văn

Và địa Phật-bích-chi

Nên sinh sợ hãi lớn.

Thế nên, những gì chư Phật đã giảng nói đều là phương tiện giúp cho sự hành đạo được dễ dàng, mau đạt tới vị A duy việt trí. Xin nói về điều đó?

Đáp: Như ông vừa nói, rõ là lời của kẻ yếu đuối không có tâm lớn, không phải là lời nói của bậc trượng phu có ý chí vững chắc. Vì sao? Vì nếu người phát nguyện muốn cầu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, chưa đạt được vị A duy việt trí, thì trong thời gian tu tập ấy, không tiếc cả thân mạng, đêm ngày tinh tấn, như cứu lửa cháy đầu, như trong pháp Trợ đạo nói:

Bồ-tát chưa đạt đến

Địa A duy việt trí

Nên siêng năng tinh tấn

Như cứu lửa cháy đầu.

Gánh vác lời nguyện nặng

Là cầu đạt Bồ-đề

Luôn nên siêng tinh tấn

Không sinh tâm biếng trễ.

Nếu cầu thừa Thanh văn

Và thừa Phật-bích-chi

Chỉ là thành lợi mình

Thường phải siêng tinh tấn.

Huống chi đối Bồ-tát

Tự độ cũng độ người

Đối người hai Thừa này

Phải tinh tấn ức bội.

Phật giảng nói như thế cho những người hành trì pháp Đại thừa. Người phát nguyện cầu Phật đạo, việc ấy nặng hơn việc nâng lên cao Tam thiên đại thiên thế giới. Ông nói phần vị A duy việt trí là pháp rất khó hành trì, phải trải qua lâu dài mới có thể đạt được? Nếu có đạo dễ hành trì, mau chóng đạt đến địa A duy việt trí, thì đó chính nói là lời của người yếu kém, khiếp nhược, không phải là lời của bậc Đại nhân có chí vững chắc. Nếu ông tất muốn nghe phương tiện này, nay sẽ nói rõ. Pháp Phật có vô lượng môn, như đường đi nơi thế gian có đường dễ đi, có đường khó đi. Đi theo đường nơi đất liền thì khó, còn nương thuyền theo dòng nước thì dễ chịu hơn. Đường đi của Bồ-tát cũng vậy. Có người siêng hành tinh tấn, có người lấy tin tưởng làm phương tiện dễ hành trì để mau đạt tới A duy việt trí, như kệ nói:

Phương Đông: Phật Thiện Đức

Nam: Phật Chiên Đàn Đức

Tây: Phật Vô Lượng Minh

Phương Bắc: Phật Tướng Đức

Đông Nam: Vô Ưu Đức

Tây Nam: Phật Bảo Thí

Tây Bắc: Phật Hoa Đức

Đông Bắc: Tam Thừa Hạnh

Phương Dưới: Phật Minh Đức

Phương Trên: Quảng Chúng Đức

Các Thế Tôn như thế

Hiện ở nơi mười phương

Nếu người muốn mau đến

Nơi địa Bất thoái chuyển

Nên đem tâm cung kính

Nắm giữ xưng danh hiệu.

Nếu Bồ-tát muốn nơi thân này đến được địa A duy việt trí, thành tựu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, phải nên nhớ nghĩ đến chư Phật trong mười phương, xưng niệm danh hiệu các Ngài. Như trong phẩm A duy việt trí của Kinh Bảo Nguyệt Đồng Tử Sở Vấn đã nói: Phật bảo Đồng tử Bảo Nguyệt: Cách đây về phương Đông, vượt qua vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật không thể nghĩ bàn, có thế giới tên là Vô Ưu. Đất nơi cõi ấy bằng phẳng, do bảy báu hợp thành, các sợi tơ vàng ròng đan xen khắp chốn. Cây báu bày thành hàng dùng để trang nghiêm. Không có các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, và những xứ ách nạn. Cõi nước thanh tịnh không chút cấu uế, không có cát sỏi, gạch ngói, đá sạn, núi non hiểm trở, gò nổng, vực sâu, khe động thâm u. Chư Thiên thường tuôn mưa hoa đầy khắp mặt đất. Đời ấy có Phật tên là Thiện Đức gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật – Thế Tôn, với chúng Đại Bồ-tát cung kính vây quanh. Thân Phật tỏa hào quang sắc màu như ánh sáng trên núi Đại Kim, như khối châu báu vĩ đại, vì các đại chúng giảng nói rộng chánh pháp, đầu giữa sau đều thiện, có lời, có nghĩa, không xen tạp, đầy đủ sự thanh tịnh, như thật, không sai sót.

Sao gọi là không sai sót? Là không sai sót về đất nước gió lửa. Không sai sót về cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Không sai sót về sắc thọ tưởng hành thức.

Này Đồng tử Bảo Nguyệt! Đức Phật ấy đã thành Phật đến nay hơn sáu mươi ức kiếp. Lại, cõi nước của Đức Phật ấy ngày đêm không khác nhau, chỉ lấy số lượng ngày tháng năm theo châu Diêmphù-đề này để nói về kiếp sống trên châu ấy. Hào quang của Phật ấy luôn chiếu khắp nơi thế giới mình. Mỗi một lần giảng nói pháp là khiến cho vô lượng vô biên ngàn vạn ức A-tăng-kỳ chúng sinh trụ ở pháp Nhẫn vô sinh. Gấp nhiều lần số chúng sinh như vậy được trụ ở pháp nhẫn thứ nhất, pháp nhẫn thứ hai, pháp nhẫn thứ ba.

Này Đồng tử Bảo Nguyệt! Do diệu lực nơi bản nguyện của Đức Phật ấy, nên nếu có chúng sinh ở phương khác, đã từng gieo trồng các căn thiện trước Đức Phật, thì Đức Phật này chỉ dùng ánh sáng chạm vào thân, tức thì người ấy chứng được pháp Nhẫn vô sinh.

Này Đồng tử Bảo Nguyệt! Nếu các thiện nam, thiện nữ nghe danh hiệu Đức Phật này có thể tin nhận, tức không thoái chuyển nơi đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Sự việc của chín vị Phật còn lại nơi chín phương kia đều cũng như vậy.

Nay sẽ giải nói danh hiệu của chư Phật và tên cõi nước của các vị Phật ấy.

1. Phật Thiện Đức: Phật này có đức độ thuần thiện, chỉ toàn là an lạc, không phải như phước đức của chư Thiên, Long, Thần, lắm lúc gây não hại cho chúng sinh.

2. Phật Chiên Đàn Đức: Về phương Nam, cách đây vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Hoan Hỷ, Đức Phật nơi thế giới ấy hiệu là Chiên Đàn Đức, hiện đang giảng nói pháp. Ví như hương Chiên-đàn, nhưng lại trong mát, danh xưng của Đức Phật này xa nghe như mùi thơm Chiên-đàn tỏa khắp, diệt trừ lửa nóng ba độc của chúng sinh, khiến được mát mẻ.

3. Phật Vô Lượng Minh: Về phương Tây, cách đây vượt qua vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Thiện Giải, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Vô Lượng Minh, hiện đang giảng nói pháp. Thân Phật phóng hào quang cùng ánh sáng của trí tuệ tỏa chiếu vô lượng vô biên.

4. Phật Tướng Đức: Về phương Bắc, cách cõi này vượt qua vô số vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Bất Khả Động, Đức Phật ở cõi ấy tên là Tướng Đức, hiện đang giảng nói pháp. Phước đức của Đức Phật ấy cao vời, sáng tỏ cũng như tướng tràng.

5. Phật Vô Ưu Đức: Về phương Đông Nam, cách đây vượt qua vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Nguyệt Minh, Đức Phật nơi cõi ấy tên là Vô Ưu Đức, hiện đang giảng nói pháp. Thần đức của Đức Phật ấy khiến cho hàng trời, người không lo âu, sầu khổ.

6. Phật Bảo Thí: Về phương Tây Nam, cách đây vượt qua vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Chúng Tướng, Đức Phật nơi cõi ấy tên Bảo Thí, hiện đang giảng nói pháp. Đức Phật ấy đã đem các thứ báu như căn, lực, giác đạo vô lậu để luôn thí cho chúng sinh.

7. Phật Hoa Đức: Về phương Tây Bắc, cách đây vượt qua vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Chúng Âm, Đức Phật nơi cõi ấy tên Hoa Đức, hiện đang giảng nói pháp. Sắc thân của Đức Phật ấy như hoa tươi đẹp, đức độ thì vô lượng.

8. Phật Tam Thừa Hạnh: Về phương Đông Bắc, cách đây vượt qua vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là An Ẩn, Đức Phật nơi cõi ấy tên Tam Thừa Hạnh, hiện đang giảng nói pháp. Đức Phật ấy thường giảng nói về hạnh của các hàng Thanh văn, Phậtbích-chi và Bồ-tát. Có người nói: “Đức Phật này thuyết giảng cho các Thừa thượng, trung, hạ đều tinh tấn tu tập, nên gọi là Tam Thừa Hạnh”.

9. Phật Minh Đức: Về phương Dưới, cách đây vượt qua vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Quảng Đại, Đức Phật nơi cõi ấy tên Minh Đức, hiện đang giảng nói pháp. Minh là thân sáng, trí tuệ sáng, cây báu phát sáng, ba thứ ánh sáng này luôn chiếu khắp thế gian.

10. Phật Quảng Chúng Đức: Về phương Trên, cách đây vượt qua vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Chúng Nguyệt, Đức Phật ở cõi đó tên Quảng Chúng Đức, hiện đang giảng nói pháp. Đệ tử của Đức Phật ấy có phước đức rộng lớn do Bổn sư ban cho nên gọi là Quảng Chúng Đức.

Đó là chư Phật trong mười phương, đầu tiên là Phật Thiện Đức, sau cùng là Phật Quảng Chúng Đức. Nếu người nhất tâm xưng danh hiệu của chư Phật ấy, tức đạt được không thoái chuyển nơi quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, như kệ nói:

Nếu có người được nghe

Danh hiệu chư Phật này

Tức được vô lượng đức

Như vì Bảo Nguyệt nói.

Ta lễ chư Phật ấy

Trong mười phương hiện tại

Như có niệm danh hiệu

Tức đạt không thoái chuyển.

Phương Đông cõi Vô Ưu

Phật hiệu là Thiện Đức

Sắc tướng như núi vàng

Tiếng tăm không biên vực.

Nếu người nghe tên Phật

Liền được không thoái chuyển

Ta nay chấp tay lễ

Nguyện trừ hết ưu não.

Phương Nam cõi Hoan Hỷ

Phật hiệu Chiên Đàn Đức

Mặt tịnh như trăng tròn

Hào quang sáng không lường.

Diệt nhiệt não ba độc

Của hết thảy chúng sinh

Nghe tên đạt bất thoái

Thế nên cung kính lễ.

Phương Tây thế giới Thiện

Phật hiệu Vô Lượng Minh

Thân sáng, trí tuệ sáng

Tỏa chiếu khắp muôn nơi.

Nếu nghe tên Phật ấy

Tức được không thoái chuyển

Ta nay cúi đầu lễ

Nguyện dứt nẻo sinh tử.

Phương Bắc cõi Vô Động

Phật hiệu là Tướng Đức

Thân đủ các tướng tốt

Dùng đó tự trang nghiêm.

Phá trừ các ma oán

Khéo hóa độ trời, người

Nghe tên đạt bất thoái

Thế nên cung kính lễ.

Đông Nam: cõi Nguyệt Minh

Có Phật hiệu Vô Ưu

Hào quang hơn nhật nguyệt

Người gặp phiền não diệt.

Thường vì chúng nói pháp

Trừ các khổ trong ngoài

Mười phương Phật khen ngợi

Thế nên cung kính lễ.

Tây Nam: cõi Chúng Tướng

Phật hiệu là Bảo Thí

Thường đem các pháp báu

Rộng thí cho hết thảy.

Chư Thiên đầu mặt lễ

Mũ báu để dưới chân

Ta nay dùng năm thể

Quy mạng bậc Bảo Thí.

Tây Bắc: cõi Chúng Âm

Phật hiệu là Hoa Đức

Thế giới các cây báu

Diễn nói pháp âm diệu.

Luôn dùng hoa bảy giác

Trang nghiêm nơi chúng sinh

Tướng bạch hào như trăng

Ta nay đầu mặt lễ.

Đông Bắc: cõi An Ẩn

Do các báu hợp thành

Phật hiệu Tam Thừa Hạnh

Vô lượng tướng nghiêm thân.

Trí tuệ sáng không lường

Xua tan ám vô minh

Chúng sinh không sầu lo

Thế nên cung kính lễ.

Phương trên, cõi Chúng Nguyệt

Trang nghiêm bằng các báu

Chúng Đại đức Thanh văn

Và Bồ-tát vô lượng.

Sư tử trong các Thánh

Hiệu là Quảng Chúng Đức

Các ma đều kinh sợ

Thế nên cung kính lễ.

Phương dưới thế giới Quảng

Phật hiệu là Minh Đức

Tướng thân đẹp vượt bậc

Núi vàng Diêm-phù-đàn.

Thường đem mặt trời tuệ

Nở hoa các căn thiện

Cõi nước báu rộng lớn

Ta cúi lạy từ xa.

Quá khứ vô số kiếp

Có Phật hiệu Hải Đức

Chư Phật hiện tại này

Từ Phật ấy phát nguyện.

Thọ mạng là vô lượng

Hào quang chiếu không cùng

Cõi nước rất thanh tịnh

Nghe tên là thành Phật.

Nay mười phương, hiện tại

Đầy đủ thành mười lực

Thế nên cung kính lễ

Tối tôn trong trời, người.

Hỏi: Chỉ nghe danh hiệu của mười vị Phật trên đây, ghi nhớ trong tâm, liền đạt được không thoái chuyển nơi đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, vậy còn có các Đức Phật khác, các vị Bồ-tát khác, để tới được A duy việt trí?

Đáp:

Như Phật A-di-đà

Cùng các Đại Bồ-tát

Nhất tâm niệm xưng tên

Cũng được không thoái chuyển.

Lại có chư Phật như Đức Phật A-di-đà cũng nên cung kính lễ bái, niệm danh hiệu. Nay sẽ nói đủ các Đức Phật ấy như sau: Phật Vộ Lượng Thọ, Phật Thế Tự Tại Vương, Phật Sư Tử Âm, Phật Pháp Ý, Phật Phạm Tướng, Phật Thế Tướng, Phật Thế Diệu, Phật Từ Bi, Phật Thế Vương, Phật Nhân Vương, Phật Nguyệt Đức, Phật Bảo Đức, Phật Tướng Đức, Phật Đại Tướng, Phật Châu Cái, Phật Sư Tử Man, Phật Phá Vô Minh, Phật Trí Hoa, Phật Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương, Phật Trì Đại Công Đức, Phật Vũ Thất Bảo, Phật Siêu Dũng, Phật Ly Sân Hận, Phật Đại Trang Nghiêm, Phật Vô Tướng, Phật Bảo Tạng, Phật Đức Đảnh, Phật Đa Già La Hương, Phật Chiên Đàn Hương, Phật Liên Hoa Hương, Phật Trang Nghiêm Đạo Lộ, Phật Long Cái, Phật Vũ Hoa, Phật Tán Hoa, Phật Hoa Quang Minh, Phật Nhật Âm Thanh, Phật Tế Nhật Nguyệt, Phật Lưu Ly Tạng, Phật Phạm Âm, Phật Tịnh Minh, Phật Kim Tạng, Phật Tu Di Đảnh, Phật Sơn Vương, Phật Âm Thanh Tự Tại, Phật Tịnh Nhãn, Phật Nguyệt Minh, Phật Như Tu Di Sơn, Phật Nhật Nguyệt, Phật Đắc Chúng, Phật Hoa Sinh, Phật Phạm Âm Thuyết, Phật Thế Chủ, Phật Sư Tử Hành, Phật Diệu Pháp Ý Sư Tử Hống, Phật Châu Bảo Cái San Hô Sắc, Phật Phá Si Ái Ám, Phật Thủy Nguyệt, Phật Chúng Hoa, Phật Khai Trí Tuệ, Phật Trì Tạp Bảo, Phật Bồ Đề, Phật Hoa Siêu Xuất, Phật Chân Lưu Ly Minh, Phật Tế Nhật Minh, Phật Trì Đại Công Đức, Phật Đắc Chánh Tuệ, Phật Dũng Kiện, Phật Ly Siểm Khúc, Phật Trừ Ác Căn Tài, Phật Đại Hương, Phật Đạo Ánh, Phật Thủy Quang, Phật Hải Vân Tuệ Du, Phật Đức Đảnh Hoa, Phật Hoa Trang Nghiêm, Phật Nhật Âm Thanh, Phật Nguyệt Thắng, Phật Lưu Ly, Phật Phạm Thanh, Phật Quang Minh, Phật Kim Tạng, Phật Sơn Đảnh, Phật Sơn Vương, Phật Âm Vương, Phật Long Thắng, Phật Vô Nhiễm, Phật Tịnh Diện, Phật Nguyệt Diện, Phật Như Tu Di, Phật Chiên Đàn Hương, Phật Uy Thế, Phật Nhiên Đăng, Phật Nan Thắng, Phật Bảo Đức, Phật Hỷ Âm, Phật Quang Minh, Phật Long Thắng, Phật Ly Cấu Minh, Phật Sư Tử, Phật Vương Vương, Phật Lực Thắng, Phật Hoa Xỉ, Phật Vô Úy Minh, Phật Hương Đảnh, Phật Phổ Hiền, Phật Phổ Hoa, Phật Bảo Tướng.

Các Đức Phật – Thế Tôn này hiện đang trụ trong các thế giới thanh tịnh nơi mười phương, hết thảy đều xưng danh hiệu, nhớ nghĩ. Bổn nguyện của Đức Phật A-di-đà như thế này: Nếu có người xưng niệm danh hiệu của Ta, tự quy về, tức nhập vị Tất định, để chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Vì vậy nên thường nhớ nghĩ đến Ngài. Dùng kệ để xưng tán:

Vô lượng tuệ tỏa chiếu

Thân như núi vàng ròng

Con nay thân, miệng, ý

Chấp tay, cúi đầu lạy.

Sắc vàng sáng vi diệu

Hiện khắp các thế giới

Theo vật sắc thêm tươi

Thế nên cung kính lễ.

Nếu người lúc mạng chung

Được sinh về cõi ấy

Tức đủ vô lượng đức

Thế nên con quy kính.

Người thường niệm Phật này

Vô lượng lực, uy đức

Tức thì nhập Tất định

Thế nên con luôn niệm.

Người cõi ấy mạng hết

Nếu phải chịu các khổ

Không đọa địa ngục ác

Thế nên quy mạng lễ.

Nếu người sinh cõi đó

Trọn không đọa ba đường

Cùng nẻo A-tu-la

Con nay quy mạng lễ.

Người, trời thân tướng đồng

Cũng như đỉnh núi vàng

Chốn quay về hơn hết

Thế nên đầu mặt lễ.

Người sinh về nước ấy

Đủ Thiên nhãn nhĩ thông

Khắp mười phương không ngại

Đảnh lễ Thánh Trung Tôn.

Chúng sinh nơi nước ấy

Thần biến và tâm thông

Cũng đủ trí túc mạng

Thế nên quy mạng lễ.

Người sinh về nước đó

Không ngã, không ngã sở

Không sinh tâm đây, kia

Thế nên cung kính lễ.

Vượt ra ngục ba cõi

Mắt như cánh hoa sen

Chúng Thanh văn vô lượng

Thế nên cung kính lễ.

Các chúng sinh nước này

Tâm tánh đều nhu hòa

Tự nhiên hành mười thiện

Đảnh lễ chúng Thánh vương.

Từ thiện sinh sáng sạch

Số vô lượng vô biên

Bậc nhất trong lưỡng túc

Thế nên con quy mạng.

Nếu người nguyện thành Phật

Tâm niệm A-di-đà

Ứng thời liền hiện thân

Thế nên con quy mạng.

Lực bản nguyện Phật ấy

Chư Bồ-tát mười phương

Đến cúng dường, nghe pháp

Thế nên con đảnh lễ.

Chư Bồ-tát cõi ấy

Đầy đủ các tướng tốt

Dùng tự trang nghiêm thân

Con nay quy mạng lễ.

Các Đại Bồ-tát kia

Ba thời nơi mỗi ngày

Cúng dường mười phương Phật

Thế nên cung kính lễ.

Nếu người trồng căn thiện

Nghi thì hoa không nở

Người tâm tin thanh tịnh

Hoa nở tức thấy Phật.

Phật hiện tại mười phương

Dùng vô số nhân duyên

Khen công đức Phật ấy

Con nay quy mạng lễ.

Cõi nước ấy nghiêm tịnh

Thù thắng vượt cung trời

Công đức rất sâu dày

Thế nên lễ chân Phật.

Chân Phật ngàn vòng xoáy

Mềm mại sắc hoa sen

Người thấy đều hoan hỷ

Đầu mặt lễ chân Phật.

Bạch hào sáng giữa mày

Như vầng trăng thanh tịnh

Vẻ sáng mặt càng tăng

Đầu mặt lễ chân Phật.

Lúc xưa cầu Phật đạo

Hành các việc kỳ diệu

Như các kinh đã nói

Đầu mặt cung kính lễ.

Những gì Phật ấy nói

Phá trừ mọi gốc tội

Lời hay tạo lợi ích

Con nay cung kính lễ.

Đem lời hay đẹp kia

Cứu các bệnh tham dục

Đã độ, nay cũng độ

Thế nên cũng kính lễ.

Tối tôn trong trời người

Chư Thiên đầu mặt lễ

Mũ bảy báu chạm chân

Thế nên con quy mạng.

Tất cả chúng Hiền Thánh

Cùng các chúng trời người

Thảy đều cùng quy mạng

Thế nên con cũng lễ.

Nương thuyền tám đạo kia

Vượt qua biển khó vượt

Tự độ cũng độ người

Con lễ bậc Tự tại.

Chư Phật vô lượng kiếp

Tán dương công đức kia

Cũng hãy không thể hết

Quy mạng người thanh tịnh.

Con nay cũng như thế

Xưng tán vô lượng đức

Do nhân duyên phước này

Mong Phật thường nhớ con.

Nơi đời này đời trước

Phước đức hoặc lớn nhỏ

Con nguyện nơi cõi Phật

Tâm thường được thanh tịnh.

Do nhân duyên phước ấy

Được phước đức thượng diệu

Nguyện các loài chúng sinh

Thảy đều cũng sẽ được.

Lại cũng phải niệm chư Phật: Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí,

Phật Tỳ Thủ Bà Phục, Phật Câu Lưu San Đề, Phật Ca Na Ca Mâu Ni, Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng Phật Di Lặc ở đời vị lai. Hết thảy đều nên nhớ nghĩ đến và lễ bái. Dùng kệ xưng tán:

Thế Tôn Tỳ-bà-thi

Dưới cây đạo Vô ưu

Thành tựu Nhất thiết trí

Các công đức vi diệu.

Chánh quán nơi thế gian

Tâm ấy được giải thoát

Con nay đem năm thể

Quy mạng bậc vô thượng.

Phật Thi Khí, Thế Tôn

Ở nước Bân-đà-lợi

Đạo tràng ngồi dưới cây

Thành tựu đạo Bồ-đề.

Thân sắc không gì sánh

Sáng như núi vàng ròng

Con nay tự quy mạng

Bậc vô thượng ba cõi.

Thế Tôn Tỳ-thủ-bà

Ngồi dưới cây Sa-la

Tự nhiên thông đạt hết

Tất cả trí tuệ diệu.

Ở trong các trời, người

Bậc nhất không ai bằng

Thế nên con quy mạng

Hết thảy bậc Tối thắng.

Phật Ca Cầu Thôn Đại

Đắc A-nậu-đa-la

Tam-miệu-tam-bồ-đề

Dưới cây Thi-lợi-sa.

Thành tựu đại trí tuệ

Vĩnh viễn thoát sinh tử

Con nay quy mạng lễ

Bậc nhất không gì sánh.

Ca-na-hàm Mâu-ni

Đại Thánh vô thượng tôn

Dưới cây Ưu-đàm-bát

Thành tựu được quả Phật.

Thông đạt tất cả pháp

Vô lượng cùng vô biên

Thế nên con quy mạng

Vô thượng tôn bậc nhất.

Phật, Thế Tôn Ca-diếp

Mắt như hai hoa sen

Cây Ni-câu-lâu-đà

Nơi ấy thành Phật đạo.

Ba cõi không sợ hãi

Bước đi như Tượng vương

Con nay tự quy mạng

Đảnh lễ bậc Tối thượng.

Phật Thích-ca Mâu-ni

Dưới cây A-du-đà

Hàng phục các ma oán

Thành tựu đạo vô thượng.

Diện mạo như trăng tròn

Thanh tịnh không chút bợn

Con nay cung kính lễ

Bậc dũng mãnh đệ nhất.

Phật Di-lặc vị lai

Ngồi dưới cây Na-già

Thành tựu tâm rộng lớn

Tự nhiên đắc Phật đạo.

Công đức thật bền chắc

Không ai vượt hơn được

Thế nên con tự quy

Pháp vương diệu tối thắng.

Lại có các Đức Phật: Phật Đức Thắng, Phật Phổ Minh, Phật Thắng Địch, Phật Vương Tướng, Phật Tướng Vương, Phật Vô Lượng Công Đức Minh Tự Tại Vương, Phật Dược Vương Vô Ngại, Phật Bảo Du Hành, Phật Bảo Hoa, Phật An Trụ, Phật Sơn Vương. Tất cả cũng đều phải nhớ nghĩ đến, cung kính lễ bái. Dùng kệ khen ngợi:

Trong thế giới Vô Thắng

Có Phật hiệu Đức Thắng

Con nay cung kính lễ

Cùng Pháp bảo, Tăng bảo.

Thế giới Tùy Ý Hỷ

Có Phật tên Phổ Minh

Con nay tự quy mạng

Cùng Pháp bảo, Tăng bảo.

Trong thế giới Phổ Hiền

Có Phật hiệu Thắng Địch

Con nay quy mạng lễ

Cùng Pháp bảo, Tăng bảo.

Thế giới Thiện Tịnh Tập

Phật hiệu Vương Tràng Tướng

Con nay cung kính lễ

Cùng Pháp bảo, Tăng bảo.

Thế giới Ly Cấu Tập

Vô Lượng Công Đức Minh

Tự tại nơi mười phương

Thế nên cung kính lễ.

Trong thế giới Bất Cuống

Phật Vô Ngại Dược Vương

Con nay đầu mặt lễ

Cùng Pháp bảo, Tăng bảo.

Trong thế giới Kim Tập

Phật hiệu Bảo Du Hành

Con nay đầu mặt lễ

Cùng Pháp bảo, Tăng bảo.

Cõi Mỹ Âm Bảo Hoa

Phật An Lập Sơn Vương

Con nay đầu mặt lễ

Cùng Pháp bảo, Tăng bảo.

Đó là các Như Lai

Trụ thế giới phương

Đông Con đem tâm cung kính

Xưng tán quy mạng lễ.

Cúi mong các Như Lai

Trải lòng thương sâu dày

Hiện thân trước mặt con

Đều khiến tự được thấy.

Lại nữa, chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, đều nên nhớ nghĩ đến tất cả, cung kính lễ bái, dùng kệ để xưng tán:

Chư Phật đời quá khứ

Hàng phục các ma oán

Do sức đại trí tuệ

Lợi ích khắp chúng sinh.

Các chúng sinh thời đó

Đều tận tâm cúng dường

Cung kính và khen ngợi

Thế nên đầu mặt lễ.

Mười phương cõi hiện tại

Chư Phật không kể hết

Hơn số cát sông Hằng

Vô lượng và vô biên.

Xót thương các chúng sinh

Thường chuyển pháp luân diệu

Thế nên con cung kính

Quy mạng cùng kính lễ.

Chư Phật đời vị lai

Sắc thân như núi vàng

Tỏa sáng không có lượng

Các tướng tự trang nghiêm.

Ra đời độ chúng sinh

Sẽ vào nơi Niết-bàn

Chư Thế Tôn như thế

Con nay đầu mặt lễ.

Lại nữa, cũng phải nhớ nghĩ đến chư vị Đại Bồ-tát, như: Bồtát Thiện Ý, Bồ-tát Thiện Nhãn, Bồ-tát Văn Nguyệt, Bồ-tát Thi Tỳ Vương, Bồ-tát Nhất Thiết Thắng, Bồ-tát Tri Đại Địa, Bồ-tát Đại Dược, Bồ-tát Cưu Xá, Bồ-tát A Ly Niệm Di, Bồ-tát Đỉnh Sinh Vương, Bồ-tát Hỷ Kiến, Bồ-tát Tước Đa La, Bồ-tát Tát Hòa Đàn, Bồ-tát Trường Thọ Vương, Bồ-tát Sằng Đề, Bồ-tát Vĩ Lam, Bồ-tát Diệm, Bồ-tát Nguyệt Cái, Bồ-tát Minh Thủ, Bồ-tát Pháp Thủ, Bồ-tát Thành Lợi, Bồ-tát Di Lặc.

Lại có các Bồ-tát như: Bồ-tát Kim Cang Tạng, Bồ-tát Kim Cang Thủ, Bồ-tát Vô Cấu Tạng, Bồ-tát Vô Cấu Xưng, Bồ-tát Trừ Nghi, Bồ-tát Vô Cấu Đức, Bồ-tát Võng Minh, Bồ-tát Vô Lượng Minh, Bồ-tát Đại Minh, Bồ-tát Vô Tận Ý, Bồ-tát Ý Vương, Bồ-tát Vô Biên Ý, Bồ-tát Nhật Âm, Bồ-tát Nguyệt Âm, Bồ-tát Mỹ Âm, Bồ-tát Mỹ Âm Thanh, Bồ-tát Đại Âm Thanh, Bồ-tát Kiên Tinh Tấn, Bồ-tát Thường Kiên, Bồ-tát Kiên Phát, Bồ-tát Trang Nghiêm Vương, Bồ-tát Thường Bi, Bồ-tát Thường Bất Khinh, Bồ-tát Pháp Thượng, Bồ-tát Pháp Ý, Bồ-tát Pháp Hỷ, Bồ-tát Pháp Thủ, Bồ-tát Pháp Tích, Bồ-tát Phát Tinh Tấn, Bồ-tát Trí Tuệ, Bồ-tát Tịnh Uy Đức, Bồ-tát Na La Diên, Bồ-tát Thiện Tư Duy, Bồ-tát Pháp Tư Duy, Bồ-tát Bạt Đà Bà La, Bồ-tát Pháp Ích, Bồ-tát Cao Đức, Bồ-tát Sư Tử Du Hành, Bồ-tát Hỷ Căn, Bồ-tát Thượng Bảo Nguyệt, Bồtát Bất Hư Đức, Bồ-tát Long Đức, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ-tát Diệu Âm, Bồ-tát Vân Âm, Bồ-tát Thắng Ý, Bồ-tát Chiếu Minh, Bồ-tát Dũng Chúng, Bồ-tát Thắng Chúng, Bồ-tát Uy Nghi, Bồtát Sư Tử Ý, Bồ-tát Thượng Ý, Bồ-tát Ích Ý, Bồ-tát Tăng Ý, Bồtát Bảo Minh, Bồ-tát Tuệ Đảnh, Bồ-tát Lạc Thuyết Đảnh, Bồ-tát Hữu Đức, Bồ-tát Quán Thế Tự Tại Vương, Bồ-tát Đà La Ni Tự Tại Vương, Bồ-tát Đại Tự Tại Vương, Bồ-tát Vô Ưu Đức, Bồ-tát Bất Hư Kiến, Bồ-tát Ly Ác Đạo, Bồ-tát Nhất Thiết Dũng Kiện, Bồ-tát Phá Ám, Bồ-tát Công Đức Bảo, Bồ-tát Hoa Uy Đức, Bồ-tát Kim Anh Lạc Minh Đức, Bồ-tát Ly Chư Ám Cái, Bồ-tát Tâm Vô Ngại, Bồ-tát Nhất Thiết Hạnh Tịnh, Bồ-tát Đẳng Kiến, Bồ-tát Bất Đẳng Kiến, Bồ-tát Tam Muội Du Hý, Bồ-tát Pháp Tự Tại, Bồ-tát Pháp Tướng, Bồ-tát Minh Trang Nghiêm, Bồ-tát Đại Trang Nghiêm, Bồtát Bảo Đảnh, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Thường Hạ Thủ, Bồ-tát Thường Thảm, Bồ-tát Thường Hỷ, Bồ-tát Hỷ Vương, Bồ-tát Đắc Biện Tài Âm Thanh, Bồ-tát Hư Không Lôi Âm, Bồ-tát Trì Bảo Cự, Bồ-tát Dũng Thí, Bồ-tát Đế Võng, Bồtát Mã Quang, Bồ-tát Không Vô Ngại, Bồ-tát Bảo Thắng, Bồ-tát Thiên Vương, Bồ-tát Phá Ma, Bồ-tát Điện Đức, Bồ-tát Tự Tại, Bồ-tát Đảnh Tướng, Bồ-tát Xuất Quá, Bồ-tát Sư Tử Hống, Bồ-tát Vân Ấm, Bồ-tát Năng Thắng, Bồ-tát Sơn Tướng Tràng Vương, Bồtát Hương Tượng, Bồ-tát Đại Hương Tượng, Bồ-tát Bạch Hương Tượng, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Diệu Sinh, Bồ-tát Hoa Trang Nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đắc Đại Thế, Bồ-tát Thủy Vương, Bồ-tát Sơn Vương, Bồ-tát Đế Võng, Bồ-tát Bảo Thí, Bồ-tát Phá Ma, Bồ-tát Trang Nghiêm Quốc Độ, Bồ-tát Kim Kế, Bồ-tát Châu Kế.

Các Đại Bồ-tát như thế, đều nên nhớ nghĩ, cung kính lễ bái, để cầu đạt đến địa A duy việt trí (Bất thoái chuyển).

***

Phẩm 10: TRỪ NGHIỆP

Hỏi: Có phải chỉ nhớ nghĩ và niệm danh hiệu chư Phật như Phật A-di-đà v.v… và niệm danh hiệu các Bồ-tát khác mà chứng được địa A duy việt trí, hay còn có phương tiện nào khác?

Đáp: Người cầu đạt địa A duy việt trí, không những chỉ nhớ nghĩ, niệm danh hiệu, kính lễ, còn cần phải đến trước chỗ Đức Phật sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng.

Hỏi: Việc đó như thế nào?

Đáp:

Vô lượng Phật mười phương

Thảy đều biết rõ hết

Ta nay đều đến trước

Phát lồ các tội xấu.

Ba, ba hợp chín thứ

Từ ba phiền não khởi

Thân đời này, đời trước

Tội ấy đều sám hối.

Ở trong ba đường ác

Nên phải nhận báo nghiệp

Nguyện đời này đền trả

Không chịu tội đường ác.

Mười phương chư Phật: Là hết thảy chư Phật trong hiện tại, mạng căn thành tựu, chưa nhập Niết-bàn.

Mười phương: Là bốn phương, bốn hướng và trên, dưới. Phật là người nhận biết hết những gì cần biết, không sót điều gì.

Phát lồ: Là đến trước chư Phật, bày tỏ rõ hết thảy tội, không che giấu. Sau đó không tái phạm, như đắp đê ngăn giữ nước.

Tội xấu: Là do không có trí tuệ sáng suốt, nên phạm nhiều các ác, hoặc pháp bất thiện, hoặc hữu phú vô ký.

Ba, ba thứ: Là thân, miệng ý gây ác, nhận quả báo đời này, quả báo nơi đời sau và đời sau nữa. Tự mình làm, dạy người khác làm, hoặc thấy người làm thì tùy hỷ.

Từ ba thứ phiền não khởi ba thứ phiền não: Là những trói buộc nơi cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Hoặc trợ giúp cho phiền não tham dục, hoặc trợ giúp cho phiền não giận dữ, hoặc trợ giúp cho phiền não ngu si. Hoặc phiền não loại trên, phiền não loại giữa, phiền não loại dưới v.v…

Thân đời này, đời trước, Tội ấy đều sám hối: Nghĩa là những thứ ác do thân đời này, đời trước đã tạo đều xin sám hối, không bỏ sót.

Địa ngục: Bao gồm tám thứ địa ngục nóng, mười thứ địa ngục lạnh. Súc sinh: Là những loài hoặc sinh từ đất, từ nước, hoặc không chân, hoặc hai chân, hoặc nhiều chân v.v… Ngạ quỷ: Là loài ăn các thứ dơ nhớp như đờm dãi, đồ ăn nôn ra, nước cặn do rửa ráy, máu mủ, phân nước tiểu v.v… Nếu ta tạo nghiệp ứng với ba đường ác ấy phải thọ nhận thì xin khiến cho tội đó nơi thân hiện tại thọ nhận, hoặc thân sau thọ nhận, không phải ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thọ khổ.

Lại nữa, Phật tự giảng nói pháp sám hối: Nếu Bồ-tát muốn sám hối tội, nên nói lên lời như vầy: Con nay đứng trước chư Phật hiện tại trong mười phương thế giới, các Ngài đã chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, chuyển pháp luân, tuôn mưa pháp, đánh trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, đem pháp bố thí đầy đủ cho chúng sinh, hầu hết đều được lợi ích, đều được an ổn. Các Ngài luôn thương xót thế gian, đem lợi lạc cho hàng trời, người. Hôm nay, con đem thân, miệng, ý, đầu mặt lễ chân chư Phật trong hiện tại. Cái thấy, cái biết của chư Phật là mắt của thế gian, là đèn sáng của thế gian.

Từ nẻo sinh tử vô thỉ đến nay, con gây ra bao tội nghiệp, vì sự bức bách của tham dục, giận dữ, ngu si, hoặc do không biết Phật, Pháp, Tăng, hoặc do không biết việc tội phước, phần nhiều thân, miệng ý của con đã gây nên nhiều thứ tội. Hoặc do tâm ác đã làm thân Phật chảy máu, hoặc hủy diệt chánh pháp, hoặc phá hoại chúng Tăng, giết hại bậc Chân nhân, A-la-hán. Hoặc tự hành mười điều bất thiện, hoặc dạy người khác làm, hoặc vui theo người khác đã làm. Hoặc đối với chúng sinh nói những lời thô ác. Hoặc cân đong gian dối để gạt lấy của cải người. Dùng những hạnh tà vạy não loạn mọi người. Hoặc bất hiếu với cha mẹ, hoặc trộm cắp đồ đạc trong tháp cùng vật dụng của Tăng bốn phương. Kinh giới do Phật giảng nói có khi đem đốt phá, làm trái lời dạy của các vị Hòa thượng, A-xà-lê. Hoặc thấy người vốn phát tâm theo thừa Thanh văn, thừa Phật-bíchchi, nay phát tâm Đại thừa thì nói xấu, chế nhạo, khinh rẻ, hiềm khích, ganh ghét, che giấu tâm mình. Hoặc ở trụ xứ của Phật nói lời độc ác, hoặc pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp v.v…

Những tội lỗi như thế, hôm nay, đứng trước chư Phật hiện tại, là bậc đã thấy, đã biết, đã chứng, con xin phát lồ hết những tội kia, không dám che giấu. Kể từ nay trở về sau, con không dám tái phạm.

Nếu có những tội phải bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tula, không được gặp Tam bảo, phải sinh vào chốn có nhiều nạn, thì con nguyện xin thọ nhận quả báo ngay trong đời hiện tại.

Như chư vị Bồ-tát đời quá khứ cầu Phật đạo, đã sám hối tội của nghiệp ác, nay con cũng phát lồ sám hối như thế, không dám che giấu, về sau không tạo tác như vậy nữa. Như chư Bồ-tát hiện tại cầu Phật đạo, sám hối tội lỗi của nghiệp ác, con cũng xin phát lồ sám hối như thế, không dám che giấu, về sau không hề tái phạm. Như các Bồ-tát đời vị lai cầu Phật đạo, sẽ sám hối tội lỗi của nghiệp ác, con cũng xin phát lồ sám hối như vậy, không dám che giấu, về sau không còn tạo tác như thế.

Như chư Bồ-tát đời quá khứ, hiện tại, vị lai cầu Phật đạo, sám hối tội lỗi của nghiệp ác, đã sám hối, hiện sám hối, sẽ sám hối, con cũng xin sám hối như vậy về tội lỗi nơi nghiệp ác của mình, không dám che giấu, về sau không còn gây tạo như thế.

Hỏi: Ông đã nói sám hối, còn thế nào là khuyến thỉnh?

Đáp:

Hết thảy Phật mười phương

Trong hiện tại thành đạo

Con thỉnh chuyển pháp luân

An lạc cho chúng sinh.

Hết thảy Phật mười phương

Nếu sắp bỏ thọ mạng

Con nay đầu mặt lạy

Thỉnh trụ lâu trong đời.

Chuyển pháp luân: Là giảng nói nghĩa của bốn Thánh đế, ba lượt chuyển thành mười hai tướng.

Đây là khổ đế. Đây là khổ tập. Đây là khổ diệt. Đây là con đường diệt khổ. Đó gọi là chuyển bốn tướng lần thứ nhất.

Đây là khổ đế nên biết. Đây là khổ tập nên đoạn. Đây là khổ diệt nên chứng. Đây là con đường diệt khổ nên tu. Đó gọi là chuyển bốn tướng lần thứ hai.

Đây là khổ đế đã biết. Đây là khổ tập đã đoạn. Đây là khổ diệt đã chứng. Đây là con đường diệt khổ đã tu. Đó gọi là chuyển bốn tướng lần thứ ba.

Bốn tướng: Là trong bốn đế này phát sinh mắt trí tuệ hiểu biết sáng suốt.

Có người nói: Ba thừa Thanh văn, Phật-bích-chi, Đại thừa gọi là pháp luân giải thoát. Nghĩa của ba Thừa này gọi là chuyển pháp luân.

An lạc cho chúng sinh: Nghĩa là năm dục lạc không gọi là an lạc. Đời này, đời sau được an lạc thanh tịnh, hội nhập nơi Tam thừa, đó gọi là an lạc. Người này khuyến thỉnh chư Phật chuyển pháp luân, là khiến các chúng sinh thọ nhận an lạc của Niết-bàn. Nếu chưa được Niết-bàn thì khiến thọ nhận an lạc của thế gian, cho nên nói là an lạc.

Thọ mạng: Là thọ nhận nhân duyên của nghiệp báo nên mạng căn nối tiếp được trụ. Như chỗ tạo tác của biến hóa tùy theo tâm nghiệp mà trụ. Tâm nghiệp dừng thì diệt.

Khuyến thỉnh: Là chí thành cầu nguyện chư Phật quán xét các chúng sinh lớn nhỏ đều như nhau. Cho nên cầu thỉnh là hy vọng được theo nguyện mình, đừng xả bỏ thọ mạng mà trụ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp để độ thoát chúng sinh.

Lại nữa, Phật tự giảng nói về pháp khuyến thỉnh: Bồ-tát nên nói như vầy: “Con nay kính lễ chư Phật hiện tại trong mười phương, mới chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, chưa chuyển pháp luân, xin thỉnh cầu các Ngài chuyển pháp luân, gióng trống pháp, thổi loa pháp, dựng ngọn cờ pháp, lập đền thờ pháp lớn, đốt ngọn đuốc đại pháp, dùng pháp ấy bố thí đầy đủ khắp chúng sinh, khiến hầu hết đều được lợi ích, an lạc. Xin các Ngài xót thương thế gian, tạo lợi ích cho cõi trời, người. Thế nên con nay khuyến thỉnh”. Đó gọi là khuyến thỉnh.

Chư Phật chuyển pháp luân trụ lâu: Là cũng nói chư Phật hiện tại trong mười phương, chư Phật ấy muốn xả bỏ thọ mạng, con kính thỉnh chư vị hãy trụ lâu nơi đời này, đem lại cho chúng sinh nhiều lợi ích, nhiều an lạc. Xin xót thương thế gian, tạo lợi ích cho hàng trời người.

Hỏi: Ông đã nói về pháp sám hốikhuyến thỉnh, còn thế nào là tùy hỷ?

Đáp:

Phước bố thí hiện có

Hạnh giữ giới, tu thiền

Sinh từ thân miệng ý

Khứ, lai, hiện đều có.

Người hành tập ba Thừa

Đầy đủ cả ba Thừa

Hết thảy phước phàm phu

Đều tùy thuận hoan hỷ.

Phước bố thí: Là phước sinh từ chỗ xả bỏ pháp keo kiệt.

Phước trì giới: Là phước do có thể chế ngự nghiệp thân, miệng phát sinh.

Hành thiền: Là tu các thiền định.

Từ thân, miệng sinh: Là nhân nơi thân, miệng bố thí, trì giới, nghênh đón tiễn đưa v.v…

Nhân nơi ý sinh: Là do tu tập thiền định, tâm từ bi v.v…

Quá khứ, hiện tại, vị lai hiện có: Là phước đức trong ba đời của tất cả chúng sinh.

Hành ba Thừa: Là người cầu học thừa Thanh văn, thừa Phậtbích-chi và Đại thừa.

Đầy đủ ba Thừa: Là người thành tựu thừa A-la-hán, thừa Phậtbích-chi và Phật thừa.

Hết thảy: Là đều hết, không sót.

Phàm phu: Là chưa đạt được bốn Đế.

Phước đức: Có hai thứ nghiệp là nghiệp thiện và nghiệp vô phú vô ký.

Tùy hỷ: Là thấy người khác làm phước thì tâm sinh vui mừng, gọi đó là thiện.

Hỏi: Ông đã nói về pháp sám hối, khuyến thỉnhtùy hỷ, còn thế nào là hồi hướng?

Đáp:

Phước đức tôi hiện có

Hết thảy đều hòa hợp

Vì tất cả chúng sinh

Hồi hướng đến Phật đạo.

Tôi: Là chính thân mình.

Phước đức hiện có: Là phước sinh từ thân, miệng, ý, từ nơi bố thí, từ nơi trì giới, từ tu thiền, từ tùy hỷ, từ khuyến thỉnh, hết cả những thứ ấy và các thứ thiện hiện có khác, đều gọi là phước đức hiện có.

Hết thảy đều hòa hợp: Là tâm nghĩ đến phước đức, tụ hợp chúng lại, nghĩ xét biết là rộng lớn.

Tất cả chúng sinh: Là chúng sinh trong ba cõi.

Chánh: Là như hồi hướng về chư Phật, như hồi hướng chân thật, hồi hướng về Bồ-đề.

Hồi hướng Bồ-đề: Là đem các phước đức hướng về quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Lại, tùy hỷ, hồi hướng, hai sự việc này, Phật cũng đã tự giảng nói: Có Đại Bồ-tát nào muốn tùy hỷ, hồi hướng, nên nhớ nghĩ đến chư Phật, đoạn trừ nẻo tương tục trong ba cõi, diệt hết các hý luận, vét khô hết bùn lấy phiền não, đốt sạch các thứ chông gai, bỏ hết gánh nặng, đạt được lợi ích cho mình, chánh trí giải thoát tâm được tự tại, diệt hết kiết sử hữu lậu trải qua mười phương thế giới, vô lượng vô biên A-tăng-kỳ không thể nghĩ bàn.

Trong mỗi mỗi thế giới, cũng có vô lượng vô biên A-tăng-kỳ không thể nghĩ bàn chư Phật ra đời rồi nhập diệt. Từ lúc mới phát tâm cho đến thành Phật, nhập Niết-bàn vô dư, cho đến những pháp để lại chưa tận. Nơi suốt thời gian ấy, hết thảy phước đức nơi căn thiện hiện có của chư Phật ấy đều tương ưng với sáu Ba-la-mật và đã thọ ký cho Phật-bích-chi với căn thiện hiện có, hoặc những người Thanh văn có căn thiện. Hoặc căn thiện do bố thí, giữ giới, tu thiền, hoặc căn thiện vô lậu của bậc học, vô học, hoặc các phẩm giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, vô lượng công đức của đại từ đại bi v.v… tất cả pháp do chư Phật đã giảng nói, có người tin hiểu pháp ấy, thọ nhận tu học và được những pháp lợi này, đó là hết thảy căn thiện của những người ấy có được. Ở trong pháp ấy, cùng nói đến hàng phàm phu gieo trồng căn thiện và chư Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâula, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, được nghe pháp rồi, phát sinh các tâm thiện, cho đến súc sinh nghe pháp cũng phát sinh những tâm thiện. Và lúc chư Phật sắp vào Niết-bàn, những căn thiện chúng sinh đã gieo trồng được, là phước đức của những căn thiện ấy hòa hợp, nêu xưng khiến hoàn toàn đầy đủ, đều tùy hỷ với tâm niệm đó là sự tùy hỷ vô thượng, vô đẳng, vô đẳng đẳng, tối diệu, tối thắng, tối thượng.

Tùy hỷ xong, lấy phước đức do tùy hỷ ấy sinh ra, đem hồi hướng về quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Chư Phật hiện tại, vị lai cũng như vậy. Phước đức của chư Phật trong ba đời ấy cùng phước đức nhân nơi chư Phật sinh ra, tâm đều tùy hỷ, hồi hướng về đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Thế nên kệ nói:

Tội nên sám như thế

Phước khuyến thỉnh, tùy hỷ

Hồi hướng đạo vô thượng

Đều cũng nên như thế.

Như chư Phật đã nói

Con sám hối, khuyến thỉnh

Tùy hỷ và hồi hướng

Đều hành trì như vậy.

Thế giới từ vô thỉ đến giờ đã có vô lượng tội ngăn cản Phật đạo, cho nên sám hối trước chư Phật trong mười phương. Khuyến thỉnh chư Phật, tùy hỷ, hồi hướng cũng đều như thế. Như những gì chư Phật đã biết, đã thấy, cho phép sám hối, con cũng xin khuyến thỉnh, sám hối chư Phật như thế. Tùy hỷ, hồi hướng cũng lại như vậy. Sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng như thế thì gọi là hồi hướng đúng đắn.

Hỏi: Thế nào gọi là chư Phật đã biết, đã thấy, đã cho phép sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng?

Đáp: Sám hối, khuyến thỉnh như trước đã nói. Tùy hỷ, hồi hướng như trong Kinh Đại Phẩm, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật: Thế Tôn! Đã nói về Bồ-tát đối với hết thảy chư Phật nơi ba đời cùng các đệ tử, các phước đức nơi căn thiện hiện có của hết thảy chúng sinh, đều hòa hợp nêu tính để tùy hỷ tối thượng. Thưa Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là tùy hỷ tối thượng?

Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề: Nếu Bồ-tát đối với các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai không chấp giữ, không nhớ nghĩ, không thấy, không thủ đắc, không phân biệt, nhưng có thể suy nghĩ như vầy: Các pháp ấy đều từ sự nhớ nghĩ, tưởng đến, phân biệt cùng những nhân duyên hòa hợp mà có. Hết thảy pháp thật không sinh, không từ nơi đâu đến. Trong ấy, cho đến không một pháp nào đã sinh, đang sinh, sẽ sinh. Cũng không có pháp nào đã diệt, hiện diệt, sẽ diệt. Các pháp, tướng của chúng là như thế. Ta thuận theo tướng của các pháp ấy đều tùy hỷ. Tùy hỷ xong, cũng tùy thuận nơi tướng thật của các pháp hồi hướng về quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Đó gọi là tùy hỷ, hồi hướng tối thượng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Những thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo không muốn hủy báng Phật, nên lấy căn thiện như thế để hồi hướng, nên nghĩ như vầy: Như tâm, như trí, như mắt, như tri kiến của chư Phật, nhận biết được thể tướng, gốc ngọn của phước đức, căn thiện này từ đâu mà có, con cũng tùy theo tri kiến của chư Phật, tùy hỷ như thế. Như Phật đã chấp thuận, con cũng đem căn thiện hồi hướng như thế. Nếu Bồ-tát hồi hướng như vậy, tức không hủy báng chư Phật, cũng không lỗi lầm, thâm tâm tin hiểu, hồi hướng như thật. Đó gọi là hồi hướng lớn, hồi hướng đầy đủ.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Các thiện nam, thiện nữ đem phước đức của các căn thiện hồi hướng như vậy, như chư Hiền Thánh với phẩm giới, phẩm định, phẩm tuệ, phẩm giải thoát, phẩm giải thoát tri kiến, không bị trói buộc nơi cõi Dục, nơi cõi Sắc, nơi cõi Vô sắc, không ở tại quá khứ, hiện tại, vị lai, do không còn bị trói buộc vào ba cõi, nên sự hồi hướng ấy cũng không bị trói buộc, như thế nơi chốn hồi hướng cũng không bị trói buộc. Nếu Bồ-tát có thể đạt được tâm tin hiểu như thật như vậy, đó gọi là hồi hướng không mất, hồi hướng không độc hại, hồi hướng của pháp tánh. Nếu Bồ-tát đối với hồi hướng ấy chấp giữ tướng, tham vướng, đó gọi là hồi hướng sai lạc. Do đó, các Đại Bồ-tát nên như chư Phật nhận biết rõ về pháp tướng, đem pháp tướng ấy hồi hướng, có thể đạt đến quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Đó gọi là hồi hướng chân chánh.

HẾT – QUYỂN 5