LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 10

Phẩm 21: BỐN MƯƠI PHÁP BẤT CỘNG

Bồ-tát dùng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để niệm về sinh thân của Phật xong, nay phải niệm về các pháp công đức của Phật.

Như kệ nói:

Lại nên dùng bốn mươi

Pháp bất cộng niệm Phật

Là pháp thân chư Phật

Không phải chỉ nhục thân.

Chư Phật tuy có vô lượng các pháp không cùng chung với người khác, nhưng thâu tóm lại thì có bốn mươi pháp. Nếu người nào tưởng nhớ đến tức được hoan hỷ. Vì sao? Vì chư Phật không phải là sắc thân mà là pháp thân. Như kinh nói: “Ông không nên chỉ dùng sắc thân quán Phật, nên dùng pháp để quán”.

Những gì là bốn mươi pháp bất cộng? Đó là:

  1. Bay đi tự tại.
  2. Biến hóa không lường.
  3. Như ý Thánh là vô biên.
  4. Nghe âm thanh tự tại.
  5. Vô lượng trí lực nhận biết tâm người khác.
  6. Tâm được tự tại.
  7. Thường ở nơi xứ trí tuệ an ổn.
  8. Thường không mắc sai lầm.
  9. Được diệu lực của Tam-muội Kim cang.
  10. Khéo nhận biết pháp bất định.
  11. Khéo nhận biết sự việc ở định vô sắc.
  12. Thông tỏ đầy đủ các sự việc vĩnh viễn diệt trừ.
  13. Khéo nhận biết tâm không tương ưng với pháp vô sắc.
  14. Có Ba-la-mật uy lực lớn.
  15. Có Ba-la-mật vô ngại.
  16. Hết thảy hỏi đáp, thọ ký, đều đáp đầy đủ bằng Ba-la-mật.
  17. Đầy đủ ba luân thuyết pháp.
  18. Những gì giảng nói đều chẳng không.
  19. Những gì giảng nói không lầm lỗi.
  20. Không ai có thể xâm hại Phật.
  21. Là vị đại tướng trong các Hiền Thánh.

25. Bốn điều không giữ gìn.

29. Bốn pháp vô sở úy.

  1. Mười lực của Phật.
  2. Giải thoát vô ngại.

Đó là bốn mươi pháp bất cộng. Nay sẽ nói rộng.

Bay đi tự tại: Nghĩa là chư Phật bay đi tự tại theo ý mình, đều nhanh chóng đầy đủ như ý muốn, không trở ngại. Vì sao? Vì nếu Phật muốn đi trên không, thì trước cất lên một chân rồi cất tiếp chân nữa tức có thể như ý.

Hoặc muốn cất chân bay lên hư không mà đi, hoặc muốn đứng yên bất động mà đi tức đều có thể đi được, hoặc ngồi yên theo lối kiết già mà đi cũng có thể bay đi được, hoặc muốn nằm yên mà đi cũng lại có thể đi được.

Hoặc muốn có hoa sen báu: lưu ly xanh làm cộng, san hô thật làm cánh, vàng ròng làm tua, ngọc Như ý làm đài, vô lượng hoa vây quanh, như lúc mặt trời mới mọc, hoa sen báu ấy hiện ra khắp hư không, Đức Phật đặt chân lên đó mà đi.

Hoặc muốn như cung điện của Nhật, Nguyệt, Thắng điện của Đế thích, cung điện của các trời Dạ-ma, Đâu-suất-đà, Hóa-lạc, Thahóa-tự-tại, cung điện của các Phạm vương, Phật cũng tùy ý hóa ra như thế, an tọa trong đó mà đi, tức đều có thể làm xong ngay.

Hoặc lại dùng vô số nhân duyên khác tùy ý có thể bay đi. Thế nên nói: “Tùy theo các điều đã nguyện đều có đầy đủ hết”. Do vậy, chư Phật có thể dùng một bước là vượt qua Hằng hà sa số Tam thiên đại thiên thế giới.

Có người nói: “Trong khoảng thời gian chỉ một niệm, Đức Phật có thể vượt qua trăm ngàn cõi nước”.

Có người nói: “Nếu biết trong một niệm, một bước đi, Đức Phật có thể đi như vậy, tức là có thể lường tính được”.

Trong kinh nói: “Thần lực của chư Phật là vô lượng”, vì thế nên biết, chư Phật phi hành nơi hư không luôn tự tại vô lượng vô biên. Vì sao? Vì nếu hàng đại đệ tử Thanh văn có thần thông tự tại, chỉ trong khoảng một niệm là có thể đi qua trăm ức các châu Diêm-phù-đề, Cù-đà-ni, Phất-bà-đề, Uất-đa-la, vượt qua các trời Tứ Đại vương, trời Đạo-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suấtđà, trời Hóa-lạc, trời Tha-hóa-tự-tại và trời Phạm. Chỉ trong một nháy mắt đã vượt qua bao nhiêu là niệm. Tích tập các niệm ấy để thành một ngày, bảy ngày, một tháng, một năm cho đến trăm năm. Trong một ngày vượt qua năm mươi ba ức hai trăm chín mươi sáu vạn sáu ngàn Tam thiên đại thiên thế giới. Người Thanh văn trong trăm năm đã đi qua như thế thì Phật chỉ một niệm là có thể vượt qua.

Lại nữa, giả sử khiến số cát trong sông Hằng cứ một hạt là một kiếp, có vị Đại Thanh văn thần thông bậc nhất, thọ mạng với số đại kiếp như những hạt cát sông Hằng như thế, ở trong một niệm vượt qua từng ấy thế giới. Tích chứa những niệm như vậy để làm thành số ngày, tháng, năm, rồi dùng sức tự tại vượt qua hết số đại kiếp cõi nước. Còn Đức Phật có thể chỉ trong một niệm là vượt qua. Chư Phật phi hành đều tự tại nhanh chóng như vậy. Đối với hết thảy núi Thiết-vi, mười núi báu, xứ Tứ Thiên vương, xứ trời Đao-lợi, Dạma, Đâu-suất-đà, Hóa-lạc, Tha-hóa-tự-tại, Phạm thế, Phạm chúng, Đại phạm, Thiểu quang, Vô lưọng quang, Quang âm, Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh, Quảng quả, Vô tưởng, Bất quảng, Bất não, Hỷ kiến, Diệu kiến, A-ca-ni-trá, tất cả các xứ trời như thế, từ kiếp gió lớn, kiếp nước lớn, đến kiếp hỏa tận v.v… cùng các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, các Thiên ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng các người có thần thông đều cũng không thể gây trở ngại. Cho nên nói bay đi vô ngại.

Lại, bay đi tự tại như ý, nghĩa là tạo được cảnh ra vào trong lòng đất, đi qua vách đá, núi non cùng các thứ chướng ngại. Đối với những sự việc ấy, Phật hơn hẳn các Thánh nhân.

Lại, Phật có thể dùng thân bình thường đứng thẳng tới cõi Phạm thiên, người Thanh văn không thể theo kịp. Đó là những chỗ khác nhau.

Biến hóa không lường: Là có vô lượng diệu lực trong sự biến hóa. Các bậc Thánh khác thì biến hóa có hạn lượng, có biên vực. Chư Phật thì biến hóa không hạn lượng, không biên vực. Các bậc Thánh khác thì trong một niệm biến hóa một thân. Còn Phật dùng một niệm tùy ý biến hóa có vô lượng sự việc. Như trong Kinh Đại Thần Thông nói: “Đức Phật từ nơi rốn hiện ra hoa sen, trên hoa lại có hóa Phật, tuần tự hiện bày khắp, trên đến trời A-ca-ni-trá. Chư Phật biến hóa tạo ra các sự việc với vô số màu sắc, vô số hình tướng, đều dùng một niệm”. Lại, người Thanh văn có thể biến hóa ở trong một ngàn cõi nước. Còn chư Phật thì có thể biến hóa tự tại ở trong vô lượng vô biên cõi nước.

Lại nữa, Phật còn có thể biến hóa gấp bội là do chư Phật có được Tam-muội biến hóa kiên cố. Lại, chư Phật biến hóa có thể vượt qua Hằng hà sa v.v… thế giới, đều từ một thân xuất phát.

Lại nữa, Phật có thể hóa hiện vô lượng vô biên thế giới khắp mười phương, thọ thân ở đời này là sinh ra, thân chạm đất, đi bảy bước, xuất gia, học đạo, phá trừ các quân ma, thành đạo, chuyển pháp luân, các sự việc như vậy, đều dùng một niệm tạo thành. Các hóa Phật này đều cũng lại có khả năng hành tác hết thảy Phật sự. Như thế, các sự việc được biến hóa của chư Phật là vô lượng vô biên. Lại ở trong Như ý Thánh còn có vô lượng lực.

Như ý Thánh là vô biên: Là từ thân phóng ra hào quang chiếu sáng như lửa rực cháy. Lại còn hiện ra các trận mưa, biến hóa thọ mạng dài ngắn tùy ý. Trong một niệm có thể bay tới cõi Phạm thiên. Có thể biến hóa các vật dụng, tùy ý tự tại có thể lay động đại địa, hào quang có thể soi chiếu tới vô lượng thế giới không hề đứt đoạn.

Như ý Thánh không ngang bằng với phàm phu, không có hạn lượng, vượt quá các lượng. Các phàm phu tuy có thể biến hóa các vật dụng, nhưng ít, không đáng nói. Người Thanh văn có thể tách hàng ngàn cõi nước ra rồi có thể hợp lại như trước. Có thể khiến thọ mạng hoặc đến một kiếp, hay giảm một kiếp, rồi có thể khiến thành ngắn. Từ ngắn lại có thể khiến kéo dài. Chỉ trong một niệm, có thể đi đến ngàn cõi nước nơi thế giới Phạm thiên. Có thể tùy ý biến hóa trong ngàn cõi nước. Có thể lay động ngàn cõi nước. Thân có thể phóng ra hào quang tỏa sáng nối tiếp không dứt, chiếu khắp ngàn cõi nước. Giả sử thân hoại, có thể lưu lại thần lực, biến hóa như cũ, ở ngàn cõi nước.

Phật-bích-chi hạng thấp có thể ở trong vạn cõi nước biến hóa vạn thứ. Phật-bích-chi hạng vừa có thể ở trong trăm vạn cõi nước biến hóa trăm vạn thứ. Phật-bích-chi hạng trên có thể ở trong ba ngàn đại thiên cõi nước biến hóa như trên.

Chư Phật Thế Tôn có thể ở trong vượt hơn Hằng hà sa v.v… thế giới biến hóa, thân phát ra nước lửa, có thể nghiền nát Hằng hà sa v.v… thế giới, khiến chúng như vi trần. Lại có thể hợp trở lại, có thể trụ. Thọ mạng vô lượng số kiếp có thể rút ngắn lại. Từ rút ngắn có thể khiến dài ra, có thể trụ nơi vô lượng thời gian. Biến hóa tùy ý, là có thể dùng một niệm đi đến vô lượng vô biên Hằng hà sa v.v… thế giới, có thể dùng thân đứng thẳng tới cõi Phạm thiên. Lại có thể biến hóa vô lượng vô biên A-tăng-kỳ thế giới, đều khiến thành vàng, hoặc khiến thànhbạc, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não v.v… Nói tóm lại là có thể biến ra vô lượng vật báu theo ý mình muốn.

Lại nữa, có thể biến nước trong biển cả của Hằng hà sa v.v… thế giới đều khiến là sữa, tô, dầu, lạc, mật tùy ý mà thành.

Lại nữa, có thể dùng một niệm biến hóa các núi đều là vàng ròng, số lượng không thể tính đếm, kể xiết.

Lại nữa, có thể làm chấn động tất cả cung điện của chư Thiên nơi cõi Dục, cõi Sắc trong vô lượng vô biên thế giới. Lại nữa, dùng một niệm có thể khiến cho tất cả sắc vàng ròng tỏa sáng chiếu cùng khắp vô lượng thế giới như vậy. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, ánh sáng nơi các cung điện của chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc đều khiến không hiện. Tuy nhập diệt, nhưng sau đấy có thể tùy ý ở lâu bên cạnh các thế giới nhiều như vậy, khiến thần lực lưu hành khắp không đoạn dứt.

Nghe âm thanh tự tại: Là chư Phật luôn tùy ý tự tại trong việc nghe nhận âm thanh. Hoặc nghe được vô lượng trăm ngàn vạn ức âm thanh kỹ nhạc cùng lúc trổi lên. Hoặc nghe tiếng nói cùng lúc phát ra của vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh. Hoặc xa hoặc gần tùy ý đều có thể nghe hết.

Giả như khiến chúng sinh hiện có trong Hằng hà sa v.v… tam thiên đại thiên thế giới, đem trăm ngàn vạn ức từng ấy thứ kỹ nhạc, cùng lúc trổi lên âm lượng lan khắp thế giới. Lại có chúng sinh trong Hằng hà sa v.v… thế giới, cùng lúc dùng Phạm âm vang truyền khắp thế giới. Chư Phật nếu muốn ở đó nghe một thứ âm thanh, thì tùy ý nghe được. Người khác thì không thể nghe.

Phạm vi nghe được của hàng Thanh văn, nếu có người dùng thần lực lớn ngăn cản thì họ không thể nghe được. Còn phạm vi nghe được âm thanh của chư Phật thì vẫn có thể nghe như thường, tuy có người dùng thần lực lớn làm chướng ngại.

Thanh văn có thể nghe âm thanh trong ngàn cõi nước. Còn chư Phật – Thế Tôn thì nghe được âm thanh vượt quá vô lượng vô biên thế giới, cho đến âm thanh hết sức nhỏ cũng nghe được.

Đại thần lực nơi Thanh văn trụ ở thế giới Phạm thiên, phát ra âm thanh lớn có thể vang đến khắp trong ngàn cõi nước. Còn chư Phật – Thế Tôn, hoặc trụ ở cõi này, hoặc trụ ở thế giới Phạm thiên, hay trụ nơi xứ khác, âm thanh phát ra vang truyền khắp vô lượng vô biên thế giới.

Nếu muốn khiến chúng sinh nghe được âm thanh rất nhỏ nơi vượt quá vô lượng vô biên thế giới, Phật đều có thể khiến họ nghe được. Muốn khiến không nghe tức liền không được nghe. Thế nên, chỉ có chư Phật mới được diệu lực tự tại trong việc nghe nhận âm thanh.

Vô lượng trí lực nhận biết tâm người khác: Là chư Phật – Thế Tôn đều nhận biết hết tâm của chúng sinh hiện tại trong vô lượng vô biên thế giới. Người khác chỉ tùy theo danh tướng nên biết. Chư Phật chỉ lấy nghĩa của danh tướng nên biết.

Lại nữa, người khác không có khả năng biết được tâm của các chúng sinh ở cõi Vô sắc. Chư Phật thì có thể biết rõ. Người khác tuy có trí nhận biết tâm người khác, nhưng nếu bị thế lực lớn ngăn cản thì không thể biết được. Giả như hết thảy chúng sinh đều thành tựu tha tâm thông, đều như các Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Phật-bích-chi v.v… dùng thần lực của mình ngăn cản tâm một người, không khiến biết tâm kẻ khác, nhưng Phật thì có thể phá trừ thần lực ấy để nhận biết tâm các chúng sinh.

Lại nữa, chư Phật dùng thần lực đều biết hết thảy tâm của chúng sinh hạng trên, vừa, dưới, tâm tịnh, tâm cấu. Lại biết các tâm đều có đối tượng duyên, từ duyên này đến duyên khác, thứ lớp đều biết khắp tất cả các duyên. Lại do thật tướng nên biết tâm chúng sinh. Vì thế chư Phật dùng vô lượng diệu lực để nhận biết tâm người khác.

Điều phục tâm Ba-la-mật bậc nhất: Là chư Phật khéo nhận biết các thiền định, Tam-muội giải thoát, khi trụ, nhập, khởi. Chư Phật nếu nhập định hay không nhập định đều muốn buộc giữ tâm trong một duyên, tùy ý ở lâu bên cạnh thì có thể trụ như ý. Từ trong duyên này lại trụ nơi duyên khác, tùy ý đều có thể trụ. Hoặc Phật trụ nơi tâm bình thường, không muốn cho người khác biết, thì không ai có thể nhận biết được.

Giả sử tất cả chúng sinh đều có trí nhận biết được tâm của người khác, như Đại Phạm vương, như Đại Thanh văn, Phật-bích-chi đã thành tựu trí tuệ, biết được tâm của người khác. Nếu đem hết các trí này dồn cho một người, người này muốn biết tâm bình thường của Phật, nhưng nếu Phật không cho thì cũng không thể biết.

Như trong Kinh Thất Phương Tiện nói: Hành giả khéo nhận biết tướng định, khéo nhận biết tướng định trụ, khéo nhận biết tướng định khởi, khéo nhận biết tướng định an ổn, khéo nhận biết tướng định hành xử, khéo nhận biết tướng định sinh, khéo nhận biết các pháp thích nghi với định, các pháp không thích nghi với định. Đó gọi là chư Phật điều phục tâm Ba-la-mật bậc nhất.

Chư Phật thường an trụ trong hạnh an tuệ: Nghĩa là trí tuệ an trụ của chư Phật luôn không động, niệm thường tại tâm. Vì sao? Vì trước nhận biết, sau sinh hành trì, tùy ý trụ trong đối tượng duyên nên hành không trở ngại. Do đoạn dứt hết thảy phiền não, do đã vượt qua tánh động. Như Phật bảo Tôn giả A-nan: “Phật ngay nơi đêm Phật chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, là đã đối với tất cả thế gian, so với Thiên ma, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, do đã diệt hết nẻo khổ, giáo hóa đầy đủ, nên muốn nhập Niết-bàn vô dư”. Trong khoảng thời gian ấy, Phật đối với các thọ đều nhận biết chúng khởi, chúng trụ, chúng sinh, chúng diệt. Đối với các tướng, các xúc, các giác, các niệm, Phật cũng đều nhận biết chúng khởi, chúng trụ, chúng sinh, chúng diệt. Trong bảy năm, suốt đêm ngày, ma ác không ngừng theo đuổi Phật, nhưng chúng không tìm được khuyết điểm của Phật, chúng luôn thấy ý niệm của Phật, luôn gắn liền nơi niệm an tuệ. Đó gọi là chư Phật thường trụ trong hạnh an tuệ.

Đối với pháp không quên mất: Là chư Phật đã được pháp không thoái chuyển, đã thông đạt năm tạng pháp, được pháp vô thượng, vì vậy chư Phật thường không quên mất. Từ khi chư Phật chứng đạo bên cội cây Bồ-đề, cho đến khi nhập Niết-bàn vô dư, hoặc Thiên ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng Thánh nhân khác đều không thể khiến Phật quên mất pháp.

Như trong Kinh Pháp Ấn nói: “Những gì Phật chứng đắc ở đạo tràng, đó gọi là chứng đắc thật, lại không có pháp nào hơn”.

Như trong Kinh Y Mao Thụ nói: “Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu người nói lời chân thật, cho là có người có thể đối với pháp không quên mất, thì nên nói người đó chính là Ta”. Vì sao? Vì Ta là người duy nhất không quên mất. Đó gọi là chư Phật đối với pháp không quên mất.

Tam-muội Kim cang: Là Tam-muội Kim cang của chư Phật, Thế Tôn, là pháp bất cộng, không gì có thể hủy hoại được, nơi tất cả xứ đều không có chướng ngại. Do đạt được Chánh Biến Tri, do phá trừ hết thảy pháp chướng ngại. Do cùng thân thâu tóm xuyên suốt. Do có được sức mạnh của công đức lợi ích. Do trong các thiền định là tối thượng, nên không người nào có thể hoại. Thế nên gọi là Tammuội Kim cang. Như kim cương báu, không vật nào có thể hủy hoại được. Tam-muội này cũng như vậy, không pháp nào có thể hủy hoại được. Vì vậy gọi là Tam-muội Kim cang.

Hỏi: Do đâu không thể hủy hoại được?

Đáp: Vì nơi tất cả xứ không có gì cản trở được. Như Kim cang của trời Đế thích, không có nơi chốn ngăn ngại, Tam-muội này cũng như vậy.

Hỏi: Tam-muội Kim cang này do đâu gọi là tất cả xứ không bị ngăn ngại?

Đáp: Vì nó thông đạt đúng về hết thảy các pháp. Chư Phật trụ trong Tam-muội này, đều có thể thông đạt hết quá khứ, hiện tại, vị lai. Do các pháp được gồm thâu trong năm tạng này là không thể nói, vượt khỏi ba đời, cho nên gọi là tất cả xứ không bị chướng ngại. Nếu chư Phật trụ trong Tam-muội này, đối với các pháp hiện có, nếu không thông đạt thì gọi là có chướng ngại. Nhưng thật không phải vậy, thế nên gọi là vô ngại.

Hỏi: Vì sao Tam-muội này thông đạt tất cả các pháp?

Đáp: Vì Tam-muội này có khả năng trừ bỏ tất cả pháp chướng ngại. Đó là những chướng ngại của phiền não, của định, của trí. Do có thể trừ bỏ hết thảy các chướng ngại, nên gọi là có khả năng thông đạt tất cả các pháp.

Hỏi: Tam-muội này do đâu có khả năng loại trừ hết thảy các chướng ngại, các Tam-muội khác thì không thể?

Đáp: Do Tam-muội này khéo cùng xuyên suốt hai pháp, có khả năng hủy hoại các núi phiền não, khiến chúng hoàn toàn diệt hết. Do nó thông đạt đúng khắp tất cả pháp. Do khéo đạt được tâm giải thoát không hư hoại, thế nên Tam-muội này có khả năng loại trừ hết thảy chướng ngại.

Hỏi: Tam-muội này do đâu cũng xuyên suốt hai pháp?

Đáp: Do trụ trong Tam-muội này thì được diệu lực, có thể đạt được hết thảy các công đức, còn các Tam-muội khác thì không có được diệu lực như thế. Vì vậy, Tam-muội này có khả năng cùng xuyên suốt.

Hỏi: Vì sao trụ nơi Tam-muội này thì có được diệu lực, có khả năng đạt được tất cả các công đức?

Đáp: Do Tam-muội này là bậc nhất, là hơn hết trong tất cả các định. Thế nên, trụ trong Tam-muội này có thể đạt được các công đức.

Hỏi: Vì sao Tam-muội này là bậc nhất, là hơn hết trong tất cả các định?

Đáp: Vì Tam-muội này được tạo thành do vô lượng vô biên căn thiện, nên nó là bậc nhất, là hơn hết trong tất cả các định.

Hỏi: Vì sao Tam-muội này được tạo thành do vô lượng vô biên căn thiện?

Đáp: Tam-muội này chỉ người Nhất thiết trí mới có, những người khác thì không có. Vì thế gọi là Tam-muội Kim cang.

***

Phẩm 22: VẤN NẠN VỀ NGƯỜI NHẤT THIẾT TRÍ TRONG BỐN MƯƠI PHÁP BẤT CỘNG, phần 1

Hỏi: Ông nói: Tam-muội Kim cang này chỉ người Nhất thiết trí có, những người khác thì không. Nếu Tam muội này chỉ người Nhất thiết trí mới có, người khác không có, tức không có Tam-muội này. Vì sao? Vì không có người Nhất thiết trí. Vì sao? Vì pháp được nhận biết thì vô lượng vô biên, nhưng trí tuệ thì có hạn lượng, có biên vực. Do trí tuệ này có hạn lượng, có biên vực, nên nó không thể biết được vô lượng sự việc. Như hiện nay, nơi châu Diêm-phù-đề, các loài chúng sinh dưới nước, trên đất liền đã vượt quá những sự tính toán. Ba loại chúng sinh ấy, hoặc nam, hoặc nữ, phi nam, phi nữ, ở trong thai, rồi là hài nhi, thiếu niên, tráng niên, già yếu. Nào các pháp khổ vui, các pháp tâm, tâm số, trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Nào nghiệp thiện, ác đã tích tập, đang tích tập, sẽ tích tập. Nào quả báo đã thọ nhận, đang thọ nhận, sẽ thọ nhận, nào vạn vật sinh diệt.

Lại, cũng trong châu Diêm-phù-đề này, nào những núi non, sông suối, ao hồ, cỏ cây, rừng rậm, gốc rễ, cành lá, hoa trái, những thứ có thể nhận biết là không có bờ bến. Còn ba châu thiên hạ khác cũng như vậy. Như nơi bốn châu thiên hạ muôn vật trong Tam thiên đại thiên thế giới đều cũng như thế. Như muôn vật trong Tam thiên đại thiên thế giới, muôn vật có thể nhận biết trong hết thảy thế giới cũng như vậy. Chỉ mới số lượng ở thế gian này, đã là vô lượng vô biên, khó có thể nhận biết cho hết, huống chi là các châu Diêm-phùđề trong các thế gian khác, nào chúng sinh, nào phi chúng sinh, nào các vật. Do nhân duyên ấy nên biết, vật có thể nhận biết là là vô lượng vô biên.

Không có người Nhất thiết trí, vì nếu cho trí tuệ có năng lực lớn, ở trong pháp được nhận biết không bị chướng ngại, nên nhận biết khắp tất cả các vật có thể nhận biết. Do pháp như hư không hiện bày khắp trong tất cả pháp, do đó nên có người Nhất thiết trí, thì điều ấy không đúng. Nếu có trí với đại lực có thể như thế thì đại trí ấy không thể tự biết mình. Như nơi đầu ngón tay không thể tự xúc chạm. Do đấy không có Nhất thiết trí. Nếu bảo lại có thứ trí, có khả năng tự biết trí ấy, thì cũng không đúng. Vì sao? Vì có cái vô cùng vượt hơn nó, nên trí ấy do tự biết hay do người khác mà biết, cả hai đều không đúng. Nếu trí ấy có vô lượng lực, nhưng do không tự nhận biết, nên không được nói là có vô lượng lực. Do vậy, không người nào có trí có thể nhận biết hết thảy pháp. Vì không có trí nhận biết hết thảy các pháp nên không có người Nhất thiết trí. Vì sao? Vì người Nhất thiết trí là do có trí nhận biết được tất cả các pháp.

Lại nữa, các pháp nơi đối tượng nhận thức là vô lượng vô biên, nếu hòa hợp hết thảy trăm ngàn vạn ức người trí lại hãy còn không thể biết hết, huống gì là một người. Thế nên, không một người có thể nhận biết tất cả các pháp, tức là không có Nhất thiết trí. Nếu cho không do nhận biết khắp về tất cả núi sông, chúng sinh, phi chúng sinh, nên gọi là người Nhất thiết trí. Chỉ là do nhận biết hết thảy kinh sách, nên gọi là người Nhất thiết trí, thì cũng không đúng. Vì sao? Vì trong pháp Phật không nói đến nghĩa của các kinh sách như Vệ-đà v.v… Nếu Phật là người Nhất thiết trí, thì phải dùng nghĩa của các kinh sách như Vệ-đà v.v…, nhưng thật sự thì Phật không dùng. Thế nên Phật không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, bốn bộ kinh Vệ-đà-la là có lượng, có giới hạn, đời nay hãy còn không người có thể nhận biết hết, huống chi là có người nhận biết hết thảy các kinh sách. Vì vậy không có người Nhất thiết trí.

Lại nữa, có kinh sách có thể tăng trưởng tham dục, ca vũ, âm nhạc v.v… Nếu người Nhất thiết trí nhận biết sự việc này, tức có tham dục, do kinh sách này là nhân duyên của tham dục. Nếu có nhân tất có quả. Nếu người Nhất thiết trí không nhận biết sự việc này thì không gọi là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, có các kinh sách giúp sức cho giận dữ, cho vui thích, lừa dối con người. Đó là các thứ sách vở cai trị thế gian v.v… Nếu nhận biết những sự việc ấy tức có giận dữ. Vì sao? Vì có nhân ắt có quả. Nếu không nhận biết thì không gọi là Nhất thiết trí. Cho nên biết là không có người Nhất thiết trí.

Lại nữa, Phật không hẳn đã biết hết sự việc của đời vị lai. Ví như nay tôi vấn nạn về người Nhất thiết trí: Phật không có kinh sách nào dự ký: Người này, dòng họ như thế, gia đình như thế, ở xứ nọ, đem những sự việc như thế vấn nạn người Nhất thiết trí. Nếu cho Phật nhận biết hết thảy, thì vì sao không thấy nói đến việc này? Nếu cho là trong kinh có nói, thì trong kinh nên có nhưng không thấy nói đến việc này. Thế nên biết Phật không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, nếu Phật biết hết sự việc của đời vị lai, thì phải nên dự tri là: Điều-đạt xuất gia sẽ phá hoại Tăng. Nếu nhận biết thì không nên cho phép xuất gia.

Lại nữa, Phật không biết ông ta đặt bẫy cây xô đá, nếu Phật dự tri thì không nên đi kinh hành nơi đó.

Lại nữa, Phật không biết con gái của Bà-la-môn Chiên-già đem chuyện dâm dục hủy báng Phật. Nếu Phật biết trước thì nên nói cho các Tỳ-kheo biết về sau sẽ có sự việc ấy.

Lại nữa, có Phạm chí ghét Phật, nên ở nơi xứ khác đã giết chết cô Tôn-đà-la rồi lén đem chôn ở bờ hào Tinh xá Kỳ Hoàn. Phật không biết việc này. Nếu biết trước, Phật nên đến chỗ của Phạm chí để cứu mạng cô gái ấy. Ngay như Điều-đạt xô đá hại Phật, Phật cũng không biết trước, nói chi đến các việc con gái của Bà-la-môn hay con gái của Phạm chí. Do không biết nên biết Phật không biết hết các việc xảy ra trong vị lai. Vì vậy Ngài không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, Phật vào thôn xóm của Bà-la-môn khất thực, rồi ra về bát không. Phật không thể biết trước việc lúc ma nhập khiến tâm người biến đổi, cho đến không có được một bữa ăn. Nếu biết trước như vậy, thì Phật không nên vào khất thực nơi thôn xóm Bà-la-môn ấy. Do đó, biết Phật không biết hết sự việc đời vị lai.

Lại nữa, vua A-xà-thế định hại Phật nên đem voi Thủ Tài cho uống rượu say rồi thả ra. Vì không biết nên Phật vào thành Vươngxá khất thực. Nếu biết trước thì không nên vào thành. Như vậy, Phật không biết các sự việc sẽ xảy ra. Do không biết trước các việc sẽ xảy ra, nên Phật không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, do không biết nhân duyên thỉnh Phật của Ác-niết-đạtđa, nên Phật đã dẫn các Tỳ-kheo đến nước Vĩ-la-xà. Vị Bà-la-môn này quên mất chuyện trước đã thỉnh Phật ấy, nên không nhớ việc cúng dường, khiến Phật phải ăn lúa ngựa. Nếu biết trước chuyện ấy, thì Phật không nên nhận lời thỉnh để phải chịu cảnh ăn lúa ngựa trong ba tháng. Vì thế, nên biết Phật không biết hết sự việc xảy ra ở vị lai. Do không biết trước sự việc sẽ xảy ra, nên Phật không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, Phật nhận Tu-niết-xoa-đa-la làm đệ tử, tức là không biết sự việc xảy ra nơi vị lai. Ông này có tâm ác, cố chấp, khó giáo hóa, không tin lời Phật. Nếu biết trước thì sao còn nhận ông ấy làm đệ tử? Nhận ông ta làm đệ tử là do không biết sự việc xảy ra ở vị lai. Do không biết trước việc sẽ xảy ra, nên Phật không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, nếu Phật là người Nhất thiết trí tức nên phòng trước, che chở người chưa phạm tội, kiết giới cho họ. Do trước kia, không biết nhân duyên kiết giới, do đã có người phạm tội, nên sau mới kiết giới, tức không biết sự việc xảy ra nơi vị lai. Vì không biết trước sự việc sẽ xảy ra, nên Phật không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, pháp Phật chỉ lấy người có số tuổi xuất gia, thọ giới đặt lên vị Thượng tọa để cung kính lễ bái, không lấy tuổi già, dòng dõi tôn quý, các nhà có công đức, trí tuệ, học rộng, thiền định, quả đoạn, thần thông làm lớn. Nếu là người Nhất thiết trí, nên chọn người cao tuổi, quý tộc, các nhà có công đức, trí tuệ, học rộng, thiền định, quả đoạn, thần thông làm lớn để cung kính cúng dường. Nếu làm như vậy gọi là khéo chế định.

Số tuổi: Là số tuổi thọ giới, như Đạo nhân năm tuổi lạy người sáu tuổi.

Quý tộc: Là thế gian có bốn loại chúng sinh: Bà-la-môn, Sátđế-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la. Thủ-đà-la nên cung kính Tỳ-xá, Sát-đế-lợi, Bà-la-môn. Tỳ-xá nên cung kính Sát-đế-lợi, Bà-la-môn. Sát-đế-lợi nên cung kính Bà-la-môn.

Các nhà có công đức: Là những nhà buôn bán, chuyên nghề, cư sĩ, trưởng giả, đại thần, vua v.v… Trong các nhà này, thì nhà nhỏ phải cung kính nhà lớn. Do đó, nên người xuất gia từ dòng họ thấp kém phải cung kính người xuất gia từ dòng họ cao quý. Người có công đức nhưng hủy giới thì phải cung kính lễ bái người trì giới. Người giữ giới không nên lạy người phá giới. Người không hành trì mười hai hạnh Đầu-đà nên lễ bái người hành mười hai hạnh Đầu-đà. Người không tu đầy đủ hạnh Đầu-đà nên lễ bái người tu đầy đủ hạnh Đầu-đà.

Trí tuệ: Người không có trí tuệ nên lễ kính người có trí tuệ. Học rộng: Người thiếu hiểu biết nên lễ kính người học rộng. Thiền định: Người không đọc tụng nhiều nên lễ kính người đọc tụng nhiều.

Quả vị: Người Tu-đà-hoàn nên lễ kính người Tư-đà-hàm. Cứ thế lần lượt nên lễ kính bậc A-la-hán. Hết thảy người phàm phu nên lễ kính người chứng quả. Đoạn trừ: Là người đoạn trừ kiết sử được phần ít, người chưa đoạn trừ kiết sử nên lễ kính người đoạn trừ nhiều kiết sử. Thần thông: Người chưa có đủ thần thông nên lễ kính người có đầy đủ thần thông.

Nếu là Phật thì cũng phải theo thứ lớp như thế. Đó là cách khéo nói về pháp cung kính, cúng dường. Những điều này đã nói ở trên, nhưng thật sự thì không như vậy. Do đó, nên biết Phật không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, Phật hãy còn không nhận biết được sự việc xảy ra trong hiện tại. Nếu ông hỏi tôi làm sao biết Phật không nhận biết việc xảy ra trong hiện tại, nay tôi sẽ nói đến. Trong chúng sinh, có người kiết sử mỏng, có người không nghiệp chướng, có người lìa tám nạn, có người đủ năng lực hành trì pháp sâu xa, có người có khả năng thành tựu chánh pháp, nhưng Phật không biết. Phật thành đạo rồi, định nói pháp lần đầu, sinh nghi như vầy: “Pháp Ta chứng đắc thật là thâm diệu, cao xa, nhiệm mầu, vắng lặng, khó biết, khó hiểu, chỉ người trí có thể dùng nội tâm để nhận biết. Chúng sinh nơi thế gian tham đắm việc đời. Như thế, ở đấy, việc khó thấy thứ nhất là thấy rõ người nào đoạn trừ hết phiền não, diệt ái, chán lìa sinh tử. Nếu Ta giảng nói pháp, chúng sinh không nhân hiểu, thì thật là uổng phí công sức”. Khởi những nghi như vậy, là Phật đã không nhận biết thật sự có các chúng sinh kiết sử mỏng, có người không có nghiệp chướng, có người lìa khỏi tám nạn, có người có thể hành trì pháp thâm diệu, có người có khả năng thành tựu chánh pháp. Do không biết những chúng sinh như thế, vậy nên biết Phật không nhận biết sự việc trong hiện tại.

Lại nữa, Phật nghĩ như vầy: “Xưa, Ta tu khổ hạnh, năm Tỳkheo cúng dường, hầu hạ giúp đỡ Ta, nên họ phải được lợi ích trước hết, nhưng hiện tại họ đang ở đâu?”. Phật nghĩ vậy rồi, khi ấy, có vị Trời thưa: “Hiện nay năm người ấy đang ở trong vườn Lộc Dã xứ Ba-la-nại”. Do vậy, nên biết Phật không nhận biết sự việc trong hiện tại, tức không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, sau khi chứng đạo, nhận lời thuyết pháp, Phật nghĩ như vầy: Ta nay giảng nói pháp, ai là người nên nghe đầu tiên? Rồi Ngài mới nghĩ: Uất-đầu-lam-phất, ông này có trí nhạy bén, dễ có thể khai ngộ. Lúc này, ông Uất-đầu-lam-phất đã qua đời, nhưng Phật mới tính chuyện đi đến trụ xứ của ông ta. Khi ấy, vị Trời thưa: Ông ấy đã mất hồi đêm qua. Phật lại suy nghĩ, đổi ý, muốn hóa độ ông A-la-la, thì Thiên thần lại thưa: Ông ta đã qua đời được bảy ngày rồi. Nếu là người Nhất thiết trí, Phật tất phải biết những vị này đã qua đời rồi. Nhưng thật ra thì Phật không nhận biết, do không nhận biết sự việc đã xảy ra, nên không gọi là người Nhất thiết trí. Pháp của người Nhất thiết trí là ai đáng độ thì độ, không đặt theo quy tắc nào.

Lại nữa, có nhiều chỗ Phật nói lời nghi ngờ, như khi đến thành Ba-liên-phất, Phật nói thành này sẽ tan hoang do ba nhân duyên là lụt lội, hỏa hoạn, người bên trong mưu kết với kẻ địch bên ngoài. Nếu là người Nhất thiết trí thì Phật không nên có những lời nghi hoặc ấy. Thế nên biết Phật không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, Phật hỏi những sự việc như: Các Tỳ-kheo hội họp nơi đây, đang luôn bàn về những chuyện gì? Nếu là người Nhất thiết trí thì không nên hỏi các việc như vậy. Do phải hỏi người khác mới biết, nên không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, Phật tự khen ngợi mình, hủy báng người khác. Như trong kinh nói: Phật bảo: Này A-nan! Chỉ có Ta là người bậc nhất, không ai có thể so sánh ngang hàng được. Phật bảo các Tỳ-kheo: Nikiền-tử là những người xấu xa, tồi tệ, do họ sống theo năm pháp tà, họ là những người không có tâm tin, không biết hổ thẹn, ít hiểu biết, biếng nhác, ít suy nghĩ, trí tuệ mỏng. Lại, Phật còn nói những chuyện không đáng gì của các đệ tử ngoại đạo, Phạm chí, Ni-kiền-tử. Nếu tự khen ngợi mình, chê bai người khác, thì người thế gian hãy còn hổ thẹn, huống chi là người Nhất thiết trí! Do sự việc ấy nên không phải là người Nhất thiết trí.

Lại nữa, kinh Phật phần đầu và cuối nhiều khi lại trái nhau. Như trong kinh nói: Này các Tỳ-kheo! Ta mới thành đạo v.v…, rồi lại nói:

Ta đã đắc đạo từ ngàn xưa nơi chư Phật. Người có trí, ở thế gian hãy còn biết lìa bỏ sự trái nhau giữa trước và sau, huống chi là người Nhất thiết trí xuất gia lại có những trái ngược. Trước sau mâu thuẫn nhau, nên biết đó không phải là người Nhất thiết trí.

Do vậy, ông bảo chỉ có người Nhất thiết trí mới đạt được Tammuội Kim cang, sự việc ấy là không đúng. Do không có người Nhất thiết trí nên Tam-muội của Nhất thiết trí cũng không thành.

Đáp: Ông không nên nói như vậy. Phật thật sự là người Nhất thiết trí. Vì sao? Vì nói về tất cả pháp tức có năm tạng pháp là pháp quá khứ, pháp vị lai, pháp hiện tại, pháp ra khỏi ba đời, và pháp không thể nói. Chỉ duy Phật là người nhận biết khắp, đúng như thật về các pháp ấy.

Còn ở trước, ông nêu vấn nạn về pháp của đối tượng được nhận biết là vô lượng vô biên, cho nên không có người Nhất thiết trí. Nay tôi sẽ đáp: Nếu pháp của đối tượng được nhận biết là vô lượng vô biên, thì trí cũng là vô lượng vô biên. Dùng trí vô lượng vô biên để nhận biết pháp vô lượng vô biên thì không có lỗi.

Nếu cho sự nhận biết ấy cũng nên dùng trí để nhận biết, thì phạm lỗi vô cùng. Nay tôi sẽ đáp: Pháp nên dùng trí để nhận biết. Trí như người đời nói: Ta là người trí, ta là người không có trí, ta là người trí thô thiển, ta là người trí tinh tế. Vì nhân duyên đó nên dùng trí nhận biết về trí thì không phạm lỗi vô cùng. Như dùng trí hiện tại nhận biết trí quá khứ tức là biết hết tất cả pháp, không còn sót.

Lại nữa, như người đếm được mười điều thông suốt trên thân kẻ khác, thì sự nhận biết cũng vậy, mình biết mình cũng biết cả người khác tức không có lỗi, như đèn sáng thì sáng cho nó và sáng cho người khác.

Như ông nói là hòa hợp hết trí hiểu biết của cả trăm ngàn vạn ức người hãy còn không thể biết hết tất cả các pháp, huống gì là một người làm sao nhận biết cho hết? Chuyện đó không phải như vậy. Vì sao? Vì một người có trí tuệ thì có khả năng biết hết mọi chuyện. Còn tuy có rất nhiều người nhưng đều không có trí tuệ, thì họ không biết được điều gì, như có trăm ngàn người mù thì họ vẫn không thể chỉ được đường cho ai. Trong khi đó, chỉ cần một người có mắt sáng thì cũng đủ làm bậc thầy dẫn đường. Cho nên ông dùng một người để làm vấn nạn đối với nhiều người có trí khác, nhưng dù có trí, họ vẫn là không có trí đối với Phật. Cho nên việc ông nêu ra là không đúng.

Ông bảo Phật không nói đến các thứ ngoại điển như kinh Vệ-đà v.v… nên Ngài không phải là người Nhất thiết trí. Nay tôi đáp: Trong Vệ-đà, không có pháp tịch diệt thiện, chỉ có vô số các sự việc hý luận. Trong khi đó, những pháp do chư Phật giảng nói đều là pháp tịch diệt thiện cả.

Đức Phật tuy nhận biết các kinh như Vệ-đà v.v… nhưng vì chúng không thể khiến người đạt được pháp tịch diệt thiện cho nên Phật không nói tới.

Hỏi: Trong Vệ-đà cũng nói đến tịch diệt thiện, giải thoát: Thuở xưa, thế gian này u ám, không có gì cả. Rồi đầu tiên có một người to lớn xuất hiện, như vầng mặt trời. Nếu có người trông thấy vị ấy thì được qua khỏi nạn chết chóc. Ngoài ra, lại có đạo khác nói: Thân người nhỏ là thần nhỏ. Thân người lớn là thần lớn. Thân này là nhà ở của thần, thần luôn ngự trong ấy. Nếu dùng trí tuệ cởi mở sự trói buộc của thần ấy thì được giải thoát. Do vậy, nên biết trong Vệ-đà có nói đến tịch diệt giải thoát?

Đáp: Không có chuyện ấy. Vì sao? Vì trong kinh Vệ-đà có bốn thứ điên đảo là: Thế gian này là vô thường mà cho là riêng có thế gian thường. Như nói một người làm đền thờ trời thì sụp đổ, làm lại lần nữa cũng sụp đổ, nhưng làm ba lần thì không sập. Đó gọi là điên đảo, vì trong vô thường mà bảo là thường.

Thế gian này khổ mà bảo là có nơi chốn luôn vui sướng. Đó gọi là điên đảo, vì trong khổ mà cho là vui.

Lại bảo ngã là thần, chuyển làm con, mong sống lâu trăm tuổi. Con là thân khác sao nói là ngã. Đó gọi là điên đảo, vì trong vô ngã mà cho là ngã.

Lại bảo thân này là thanh tịnh bậc nhất không gì bằng. Vàng bạc châu báu cũng không quý bằng thân này. Đó gọi là điên đảo, vì trong bất tịnh mà cho là tịnh.

Điên đảo nên không thật. Đã không thật thì làm sao có tịch diệt? Do vậy, trong Vệ-đà không có pháp tịch diệt thiện.

Hỏi: Trong Vệ-đà nói: Nếu người có thể nhận biết Vệ-đà sẽ được thanh tịnh, yên ổn. Vì sao lại nói là không có pháp tịch diệt thiện?

Đáp: Nên nhận biết là trong Vệ-đà tuy có nói đến an ổn, nhưng đó không phải là giải thoát rốt cùng. Do ở trong thân khác mà khởi tưởng giải thoát. Cũng như nói nhân sinh lên cõi trời Trường Thọ nên nói là giải thoát. Thế nên, trong Vệ-đà thật sự không có giải thoát.

Lại nữa, trong Vệ-đà nói gọn là có ba nghĩa:

  1. Chú nguyện.
  2. Xưng tán.
  3. Phép tắc.

Chú nguyện: Là cầu mong cho mình có được vợ con, bò ngựa, vàng bạc, châu báu.

Xưng tán: Là thần lửa của ông, đầu đen, cổ đỏ, mình vàng thường ở trong năm đại của chúng sinh.

Phép tắc: Là chỉ rõ việc này nên làm, việc kia không nên làm.

Như đầu tiên nhận pháp thờ lửa từ sao mão, nhưng thật sự là pháp chú nguyện, xưng tán, tức không có tịch diệt giải thoát. Vì sao? Vì toàn là tham vướng vào hoan lạc của thế gian. Rõ ràng chú nguyện cho sống lại, không phải là trí tuệ chân thật. Không đoạn trừ phiền não, sao có giải thoát?

Hỏi: Pháp Vệ-đà là bậc nhất, do đã có từ xa xưa, có thể tin được. Ông bảo không có pháp tịch diệt thiện cho nên không đáng để tin? Điều đó không đúng. Vì sao? Vì pháp Phật chỉ mới ra đời gần đây, còn Vệ-đà từ lâu đã có mặt trên đời này. Do vậy, pháp xưa mới đáng tin, còn pháp mới đây là không đáng tin. Ông bảo trong Vệ-đà không có pháp tịch diệt thiện, điều ấy không đúng.

Đáp: Về thời gian thì không đáng tin. Vô minh xuất hiện trước, chánh trí xuất hiện sau. Tà kiến ra đời trước, chánh kiến ra đời sau. Không thể cho vô minh, tà kiến xuất hiện trước, nên đáng tin. Còn chánh trí, chánh kiến xuất hiện sau, nên không đáng tin. Như trước có bùn nhớp, sau có hoa sen thơm. Trước có bệnh, sau có thuốc hay. Như vậy, không thể cho cái xuất hiện trước là quý. Do đấy, Vệđà xuất hiện trước, pháp Phật xuất hiện sau, mà bảo là pháp Phật không đáng tin, việc đó không đúng. Lại nữa, chư Phật như Phật Định Quang v.v… đã ra đời trước, từ thuở xa xưa, pháp của Ngài đã ra đời từ xưa, còn Vệ-đà thì xuất hiện sau này. Nếu ông cho cái gì xa xưa mới là quý thì chư Phật và pháp của chư Phật mới là quý.

Hỏi: Vệ-đà do không thể tạo pháp tịch diệt thiện, thế nên trong pháp Phật không nói tới. Nếu Phật nhận biết trong Vệ-đà đã không thể tạo được tịch diệt, nên không cần nhận biết làm gì. Nếu không nhận biết thì Ngài không phải là người Nhất thiết trí. Cả hai trường hợp đều phạm lỗi.

Đáp: Ông nói như thế là không đúng. Trước, Phật đã biết trong Vệ-đà không có pháp tịch diệt thiện, nên Ngài đã không nói tới, cũng không tu hành theo.

Hỏi: Nếu Đức Phật nhận biết Vệ-đà không đem lại lợi ích, nên không nói tới, không tu tập, thì biết để làm gì?

Đáp: Người đại trí tất phải nên phân biệt rõ đâu là đạo chánh, đâu là đạo tà. Muốn khiến cho vô lượng chúng sinh vượt qua đường hiểm ác nên phải hành nơi đạo chánh. Ví như người dẫn đường khéo thì phân biệt được đâu là đường quanh, đâu là đường thẳng, Phật cũng như vậy. Chính Ngài đã ra khỏi đường hiểm của sinh, già, bệnh, chết, cũng lại muốn khiến cho chúng sinh đều ra khỏi nơi đó. Ngài khéo nhận biết tám đường Thánh chân chánh, cũng nhận biết rõ về đường tà hiểm như Vệ-đà v.v… Biết lìa khỏi đường tà, đường hiểm, nên theo được đường chánh. Chỉ biết nhưng không nói. Cũng như nông phu gieo trồng lúa, đến mùa gặt thu được cả lúa và cỏ. Phật cũng như vậy. Vì đạo vô thượng nên siêng năng tinh tấn tu tập được đạo Bồ-đề, lại cũng biết các đạo tà khác như Vệ-đà v.v…, cho nên không có lỗi.

Như trước đây ông bảo: Không người nào có khả năng biết trọn bốn bộ Vệ-đà. Vấn nạn đó không đúng. Người thế gian đều có niệm lực, có người mỗi ngày có thể tụng thuộc năm bài kệ. Có người tụng thuộc cả trăm bài, hai trăm bài. Nếu mỗi ngày người nào không tụng thuộc nổi mười bài kệ, mà cho người ấy không tụng thuộc nổi trăm bài kệ hay hơn trăm bài kệ thì lời nói ấy là không thật. Các ông không có khả năng nhận biết hết rồi lại cho là không ai có trí tuệ. Nếu thấy một người không qua sông được, mà nói: Không ai có khả năng qua sông, thì người ấy đã nói không đúng. Vì sao? Vì vẫn còn có người khác có sức mạnh lớn có thể vượt qua sông. Ở đây cũng như vậy. Giả sử những người khác không có khả năng nhận biết hết, còn người Nhất thiết trí nhận biết, thì có lỗi gì?

Lại nữa, Tiên nhân Tỳ-bà tụng đọc thuộc làu hết Vệ-đà, cũng nên thành Nhất thiết trí. Nếu đã có người tụng thuộc lòng hết Vệ-đà, thì sao nói là không có Nhất thiết trí?

Còn như ông nói: Có kinh sách chỉ phát sinh thêm tham dục, giận dữ, tôi nay sẽ trả lời. Nếu người muốn sống lâu thì phải xa lìa nhân đưa đến sự chết. Đức Phật cũng như vậy, muốn đoạn trừ hết tham dục, giận dữ của chúng sinh thì phải biết đến nhân duyên của chúng.

Lại nữa, như ông nói: Có thể nhận biết kinh sách phát sinh tham dục, giận dữ, tức có người tham dục, giận dữ. Không có điều đó. Phật tuy nhận biết Vệ-đà là không có lợi, nhưng không làm theo thì không có lỗi. Như người nào đã biết rõ nhân duyên của chết thì không chết. Nếu theo nhân duyên của chết thì phải chết. Việc ở đây cũng vậy. Như ông bảo: Do không biết sự việc xảy ra trong vị lai nên không gọi là người Nhất thiết trí, nay xin đáp: Đây tức không phải là vấn nạn. Chúng ta cũng biết có những vấn nạn về Nhất thiết trí. Như trong kinh nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo: Hàng phàm phu không trí thường có ba tướng: Điều không cần suy nghĩ thì lại suy nghĩ. Điều không nên nói thì lại nói. Điều không nên làm thì lại làm”. Như vậy là đều đã nói tổng quát. Các ông là những phàm phu trong đời vị lai, không được lợi gì trong ba trường hợp vừa nói trên, đâu cần phải phân biệt, nói rõ bằng danh từ, tên gọi v.v… Nếu ông bảo Phật biết sẽ gặp nạn mà không dự báo trước, thì điều ấy cũng không hề gì, vì đâu có cần thiết. Trong bốn chúng hiện tại, cũng có người khéo đoạn trừ nghi ngờ vấn nạn. Nay tôi cũng có khả năng phá trừ các vấn nạn đó, đâu cần phải báo trước. Chẳng hạn hôm nay ông hiện trông thấy, trong số các Tỳ-kheo cũng có người có thể phá trừ các luận điểm của Bà-lamôn, thế nên cũng không cần báo trước.

Lại nữa, trước đây tôi cũng có giải đáp nhiều thắc mắc nằm rải rác trong các kinh cho những người không thể hiểu biết đầy đủ về pháp Phật, nên không nhận biết về nơi chốn.

Về việc Phật cho Điều-đạt xuất gia, tôi nay sẽ giải đáp: Ông bảo: Phật cho Điều-đạt xuất gia nên Phật không phải là người Nhất thiết trí, lời nói ấy là không đúng. Điều-đạt xuất gia không phải do Phật hóa độ.

Hỏi: Nếu Điều-đạt xuất gia là do người khác hóa độ thì sao Phật lại đồng ý?

Đáp: Thiện, ác đều có lúc, không hẳn hễ xuất gia là liền ác. Sau khi xuất gia, Điều-đạt cũng có các công đức trì giới, thế nên việc cho Điều-đạt xuất gia không có lỗi. Lại nữa, trong mười hai năm, Điềuđạt trì giới thanh tịnh, đọc tụng sáu vạn pháp tạng. Quả báo này về đương lai chẳng phải là không mà tất có lợi ích. Ông nói Điều-đạt đặt bẫy, xô đá, nay tôi sẽ nói: Do chư Phật đều thành tựu pháp không sát hại, nên hết thảy người thế gian không ai có thể giết hại Phật được.

Hỏi: Nếu thành tựu pháp không sát hại thì vì sao hòn đá lăn tới?

Đáp: Do đó là nghiệp của thân đời trước, Phật đã gieo trồng nghiệp hủy hoại thân, nên nhất định phải nhận quả báo, cũng là chỉ rõ cho chúng sinh biết, nghiệp báo không thể bỏ được, phải hiện nhận lấy, nên Ngài đã tự đến đó.

Ông bảo việc cô Chiên-già, Phật không báo trước, tôi xin giải đáp: Do cô Chiên-già cố ý vu khống Phật, nhưng không hủy hoại được nhân duyên của người Nhất thiết trí. Nếu Phật báo trước: Cô Chiên-già sẽ đến hủy báng Ta, thì cô ấy sẽ không tới. Lại nữa, do đời trước, Phật đã chê bai người khác, nhân duyên của nghiệp tạo tội ấy, nên nay tất phải chịu.

Còn ông nói về trường hợp vì sao Phật không ngăn Tôn-đà-lợi vào Kỳ hoàn, nay tôi giải đáp: Sự việc này cũng không thể hủy hoại nhân duyên của người Nhất thiết trí. Phật không có sức khiến tất cả chúng sinh đều làm người an lạc.

Lại nữa, chư Phật đã lìa xa các thứ tranh tụng, không tự đề cao thân, không chấp vào việc giữ giới, cho nên không ngăn cản.

Lại nữa, nghiệp đời trước của Phật đã thành thục, nên phải chịu vu khống bảy ngày.

Lại nữa, chúng sinh thấy Phật nghe người khác hủy báng mình mà không buồn, được làm sáng tỏ cũng không vui, nên phát tâm nơi đạo vô thượng, phát nguyện như vầy: “Chúng con cũng sẽ đạt được tâm thanh tịnh như vậy”, thế nên không có lỗi.

Ông cũng đã nói việc Phật đi vào xóm làm Bà-la-môn khất thực, phải mang bát không ra về, nên không phải là người Nhất thiết trí. Nay tôi giải đáp: Phật không phải vì chuyện cơm ăn, mà trước hết là quán xét tâm người. Sau khi Ngài vào xóm làng, ma đã chuyển đổi tâm ý con người.

Hỏi: Sự việc này Phật nên biết trước là mình vào xóm làng, ma sẽ làm lòng người thay đổi chăng?

Đáp: Phật cũng biết trước sự việc ấy, nhưng vì tạo lợi ích lớn cho chúng sinh. Hành khất thực đối với chư Phật không phải chỉ có việc nhận thức ăn của người. Vì tạo lợi ích là độ thoát chúng sinh, nên có người đem tâm thanh tịnh tiếp rước, kính lễ, chiêm ngưỡng dung mạo Phật. Ấy đều là những lợi ích lớn nào phải chỉ là việc ăn uống? Dùng vô số cách tạo lợi ích cho chúng sinh nên không phải vào xóm làng là không có lợi ích.

Còn việc ông nói Phật phải đón lấy voi say, nay tôi giải đáp: Tuy biết trước sự việc này, nhưng do nhân duyên nên Phật cứ đến đó. Voi say này đã đến lúc nên được hóa độ. Với lại có thể ngăn cản nghiệp tạo tội làm hại Phật. Lại nữa, thân voi này như núi đen, mọi người đều thấy nó cúi đầu lạy Phật, tức đều khởi tâm cung kính Phật. Do nhân duyên như vậy, nên Phật cứ đến đó.

Lại nữa, Phật hướng tới con voi này, không có lỗi gì, nếu xảy ra việc xấu ông mới đặt câu hỏi ấy.

Ông đã nói sự việc Phật đến xứ Tùy-lan-nhã, là do Phật phải nhận quả báo của nghiệp từ đời trước.

Còn chuyện Phật nhận Tu-niết-xoa-đa-la làm đệ tử, nay tôi giải đáp: Vì thân, miệng, ý nơi thọ mạng của Phật, không cần bảo vệ, do không có gì phải lo sợ, nên Ngài nhận làm đệ tử.

Lại nữa, người này làm đệ tử sẽ được gần Phật, được trông thấy vô số thần lực lớn của Phật, được trông thấy các vua của chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la v.v… đến cúng dường Phật, thỉnh vấn nhiều pháp yếu sâu xa, từ đó tâm sẽ thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sẽ được nhân duyên lợi ích. Do vậy, tuy là kẻ ác, Phật vẫn nhận làm đệ tử.

Hỏi: Người này sinh nhiều tâm ác đối với Phật, như thế đáng lẽ không nên nhận làm đệ tử?

Đáp: Nếu không nhận làm đệ tử, người ấy vẫn có tâm ác, thế nên nhận làm đệ tử không có lỗi gì.

Còn ông nói về sự việc trước kia khi chưa tạo tội, vì sao Phật không chế giới? Nay tôi giải đáp: Trước khi kiết giới, Phật đã giảng nói tám Thánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, nói là con đường đi tới Niết-bàn, tức là đã nói về tất cả các giới.

Lại nữa, Phật đã giảng nói về ba học là khéo học giới, khéo học tâm (Định), khéo học tuệ. Nên biết, như vậy là Phật đã nói về tất cả các giới.

Lại nữa, Phật bảo các Tỳ-kheo: Hết thảy điều ác nhất định không nên làm. Như vậy sao có thể nói là trước Phật đã không kiết giới?

Lại nữa, Phật còn giảng nói mười đạo nghiệp thiện là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời ác, không nói thêu dệt, không tham lam ganh ghét, không giận dữ, không hành tà kiến. Điều ấy không phải là đã kiết giới sao? Trong mười hai năm trước, Phật đã giảng nói một kệ về pháp Bố-tát, đó là:

Hết thảy ác chớ làm

Tất cả thiện nên làm

Tự làm tịnh ý chí

Là lời chư Phật dạy.

Nói như vậy nên biết là từ trước Đức Phật đã kiết giới.

Lại nữa, Phật còn nói những nhân duyên của những điều ác nhỏ, đều nên xa lìa chúng. Như kệ nói:

Lìa các hành ác thân

Cũng lìa các ác miệng

Lìa các hành ác ý

Ác khác đều xa lìa.

Nói như vậy nên biết là từ trước Đức Phật đã kiết giới.

Lại nữa, trước kia Phật cũng đã nói đến các pháp giữ gìn. Như kệ nói:

Giữ thân là tốt thay!

Hay giữ miệng cũng tốt

Giữ ý là tốt thay!

Giữ hết thảy cũng tốt.

Tỳ-kheo giữ tất cả

Được xa lìa các khổ.

Nói như vậy nên biết là từ trước Đức Phật đã kiết giới.

Lại nữa, khi trước Phật cũng đã giảng nói về tướng thiện. Như kệ nói:

Tay chân chớ sai phạm

Bớt nói, hành thận trọng

Thường vui giữ ý định

Đó gọi chân Tỳ-kheo.

Nói như vậy nên biết là từ trước Đức Phật đã kiết giới.

Lại nữa, khi trước Phật đã giảng nói về pháp Sa-môn, tức nên biết Phật từ trước đã kiết giới. Sa-môn có bốn pháp: 1. Đối với giận dữ không đáp lại. 2. Đối với mạ lỵ nên im lặng. 3. Có thể nhận chịu sự đánh đập. 4. Bị giết hại vẫn nhẫn nhục.

Lại nữa, Phật còn giảng nói bốn niệm xứ là: Quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Đó là trụ xứ của đạo Niết-bàn. Nên biết đó là từ trước Phật đã kiết giới như thế. Ác rất nhỏ hãy còn ngăn cấm, huống nữa là nghiệp ác của thân, miệng. Những nhân duyên như thế nên biết là từ trước Phật đã kiết giới. Ví như vua lập pháp chế không nên làm điều ác. Sau đó, có kẻ phạm thì tùy theo tội nặng nhẹ mà xử trị đúng như pháp. Phật cũng như vậy, trước, Ngài nói chung về giới, sau đó, có người phạm mới nói tướng của tội. Như có người làm ác thì dạy khiến sám hối. Gây tạo tội thế nào thì nên sám hối như thế ấy. Không thấy bị đuổi. Diệt tẫn (đuổi hẳn) thì không còn ở chung. Thành những sự việc như vậy sau mới kiết giới.

HẾT – QUYỂN 10