LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 13

Phẩm 26: THÍ DỤ, phần 2

Hỏi: Bồ-tát đã khéo nhận biết các pháp này, tuy chưa đạt được Phật đạo, nhưng hoàn toàn không thoái chuyển. Điều ấy được thí dụ như thế nào?

Đáp:

Như Đạo sư đại lực

Khéo biết tướng đường tốt

Xứ này cùng xứ kia

Đổi đường được thích hợp.

Tư lương, vật đi đường

Thảy đều khiến đầy đủ

Ở trong đường hiểm nọ

Khiến mọi người an ổn.

Tới được thành ấp lớn

Mọi người không còn lo

Do Đại Đạo sư này

Khéo nhận biết về đường.

Hay biết các Địa chuyển

Đầy đủ pháp trợ đạo

Bồ-tát khéo biết đường

Xứ đây kia xấu tốt.

Tự vượt hiểm sinh tử

Còn dẫn dắt chúng sinh

Giúp tới xứ an ổn

Thành Niết-bàn vô vi.

Tất khiến nơi đường ác

Không gặp các nạn khổ

Lực phương tiện Bồ-tát

Khéo nhận biết về đạo.

Tướng đường tốt: Là hai bên đường có nhiều củi, cỏ, nước, không có giặc cướp, sư tử, chó sói và các thứ thú dữ, trùng độc, cũng không lạnh, không nóng. Không có núi non hiểm trở, khe, đầm, hố sâu, luồng lạch cắt ngang, ải cao, rừng rậm gai gốc, um tùm. Đường đi cũng không dốc ngược, không dẫn xuống thung lũng, bằng thẳng. Thường ít ngã rẽ lại rộng cho nhiều người cùng đi, đi không biết mỏi mệt, phần nhiều có hoa, quả, vật có thể ăn được. Có những thứ như thế gọi là tướng đường tốt. Trái với những thứ trên gọi là tướng đường xấu.

Xứ này: Là nơi chốn mọi người có thể dừng chân nghỉ đêm, ăn uống.

Xứ kia: Là từ xứ này đến xứ khác. Hoặc tá túc lại trong khoảng hai đêm, cũng gọi là xứ khác.

Đổi đường: Là thấy có nhiều đường rẽ.

Đến thành lớn: Là đường này nên đi, còn đường khác thì không nên đi.

Tư lương: Là lương thực như bún, gạo, cơm vắt, mật v.v… mang theo để ăn trên đường đi.

Đại lực: Là có uy lực lớn, nhiều tài sản vật dụng, khéo hiểu được pháp trị.

Chuẩn bị đầy đủ: Là có sẵn nhiều thức ăn uống, không bị thiếu hụt.

An: Là không có giặc cướp đe dọa. Ổn: Là không có bệnh tật, khổ sở, suy yếu.

Thành: Là nơi dung nạp được nhiều người, có thể khiến mọi người đều đến được thành lớn. Vị Đạo sư khéo nhận biết tướng đường, tự mình không có hoạn nạn, cũng khiến cho nhiều người không gặp nạn. Do am hiểu về đường đi nên không gặp phải các thứ nóng lạnh, đói khát, giặc cướp, thú dữ, trùng độc, núi, nước độc, hầm hố sâu v.v… làm hại. Vì sao? Vì khéo nhận biết tướng tốt xấu của đường đi. Đem những thí dụ trên đây thí dụ cho mười Địa, như Địa Hoan hỷ v.v… Như người đi đường luôn đi không dừng nghỉ, có thể mau đến thành lớn. Bồ-tát hành mười Địa như thế, sẽ tới thành Niết-bàn lớn của pháp Phật. Như đường tốt kia có nhiều củi, cỏ, nước v.v… người đi đường không thiếu thốn thứ gì.

Cỏ: Là như người cỡi ngựa đi đường, có nhiều cỏ tốt nên sức ngựa luôn mạnh mẽ. Công đức của đường mười Địa cũng như vậy. Bốn thắng xứ: Đế, Xả, Diệt, Tuệ, trợ giúp các công đức nên gọi là cỏ. Vì sao? Vì nếu người quý nơi sự thật, ưa tùy theo lời nói chắc chắn, nên gần gũi người nói thật. Thấy lời nói thật có nhiều lợi lạc, nên đi theo sự thật, ghét bỏ lời nói dối, xa lìa nói dối, thấy rõ lỗi lầm của nói dối nên không còn muốn nghe. Do các nhân duyên ấy mà được thắng xứ Đế, ba xứ còn lại như Xả v.v… cũng nên nhận biết như vậy. Như đường tốt kia cần phải có voi, ngựa, bò, lừa v.v… mới đến được thành lớn. Cỏ giúp cho chúng thêm sức. Như vậy, bốn xứ Đế, Xả, Diệt, Tuệ, có thể khiến hành giả đi đến pháp Phật, vào thành Niết-bàn lớn.

Củi: Là chỉ cho tuệ văn, tư, tu, có khả năng hành tác đạt đến trí tuệ lớn, như củi có thể khiến lửa cháy, cũng khiến lửa cháy mạnh, dữ. Như thế tuệ văn, tư, tu có khả năng phát sinh trí tuệ lớn, có thể khiến tăng trưởng. Như lửa có thể thiêu đốt, có thể nấu nướng, có thể chiếu sáng, lửa trí tuệ cũng như vậy, thiêu đốt các phiền não, thành thục các căn thiện, chiếu sáng bốn Thánh đế. Như lửa là trí tuệ, củi là các pháp có khả năng sinh ra trí tuệ.

Nhiều nước: Là có nhiều dòng sông lớn, mọi người tùy ý lấy dùng. Suối, giếng, ao thì không thể như vậy. Lại nữa, nhiều nước, như người đi thuyền xuôi theo dòng nước đến thành lớn. Nước nơi suối, giếng, ao thì không thể như thế. Như kinh nói: “Tin là sông lớn, phước đức là bờ”. Như sông có thể trừ được nóng, khát, cấu uế, có thể phát sinh thế mạnh, trong pháp thiện tin cũng như vậy, có khả năng diệt trừ sức nóng của ba độc, diệt trừ cấu uế của ba hành ác, diệt trừ khát ái của ba hữu, là Niết-bàn nên ở trong pháp thiện, tâm tin có thế mạnh.

Như đường tốt kia có nhiều gốc cỏ thuốc, khiến người đi đường không thiếu. Con đường của mười Địa cũng như vậy. Gốc là sự yêu mến của tâm sâu xa. Như có gốc tức sinh cành lá, hoa trái. Tâm sâu xa yêu mến đạo thì phát sinh các công đức như chánh niệm, đại nguyện v.v… Cỏ thuốc gọi là các Ba-la-mật. Như cỏ thuốc có khả năng diệt trừ các thứ độc. Các cỏ thuốc Ba-la-mật diệt trừ các độc tham sân si, các bệnh phiền não cũng lại như vậy.

Như đường tốt kia không mất Vi-bà-đà, nên đi đường được an ổn (Vi-bà-đà đời Tần gọi là nghĩa không đối, là phù hiệu). Như người đi đường không đánh mất phù hiệu, thì tại nơi chốn sẽ đến không có trở ngại. Đường của mười Địa cũng lại như vậy. Không mất phù hiệu thì các Địa là những nơi đi qua, các căn thiện được gom góp, có thể tùy ý trợ giúp thành tựu, căn thiện hiện tại được tăng trưởng. Người đó lại có thể giáo hóa đạo Thanh văn, đạo Phật-bích-chi, đạo chư Thiên và chúng sinh ở cõi Dục, cõi Sắc, khiến an trụ nơi Phật đạo. Hoặc ma, hoặc ngoại đạo đều không thể gây loạn được, đó gọi là không mất phù hiệu.

Như đường tốt kia không có các thứ muỗi mòng, trùng độc, đường của mười Địa cũng như vậy, cũng không có ưu sầu, tiếng khóc than.

Như đường tốt kia không có nạn cướp giựt, đường của mười Địa cũng như vậy, không có các thứ giặc ác của năm Cái. Như Phật bảo các Tỳ-kheo: “Giặc nơi xóm làng đó là năm cái. Như giặc trước cướp đoạt đồ vật, sau mới hại mạng, giặc năm cái cũng như vậy, trước đoạt lấy căn thiện, sau đó đoạn dứt tuệ mạng, khiến rơi vào nẻo buông lung mà chết”.

Như trong đường đi không có các thú dữ như sư tử, chó sói v.v…, đường của mười Địa cũng như vậy, không có giận dữ, tranh chấp. Các thú dữ như sư tử v.v… thì ưa hại mạng người, còn giận dữ v.v… thì vì não hại kẻ khác nên sinh, cũng lại như vậy. Như thú dữ ham ăn thịt, uống máu, giận dữ thì ăn thịt tuệ đa văn, uống máu tuệ tu v.v… cũng lại như vậy.

Như đường tốt kia không có lỗi xấu của nóng lạnh, đường của mười Địa cũng như vậy, không có lỗi xấu về lạnh lẽo, không rơi vào địa ngục Hàn băng, không có lỗi xấu về nóng bức, không rơi vào địa ngục Nhiệt.

Như đường tốt kia không có các nạn như hầm sâu v.v…, đường của mười Địa cũng như vậy, không có các nạn như khổ hạnh của ngoại đạo v.v… Khổ hạnh của ngoại đạo như: nướng đốt thân, dầm mình trong băng, nhổ tóc, một ngày tắm ba lần, đứng một chân, ngày ăn một bữa, hai ngày một bữa, cho đến một tháng ăn một bữa, im lặng cho đến chết, luôn giơ một cánh tay lên trời, luôn hành nhẫn nhục, dùng năm thứ lửa đốt thân, nằm trên bàn chông, nhảy vào lửa cháy, nhảy xuống nước, từ trên bờ cao gieo mình, đứng trong lò lửa sâu, lấy phân trâu bò làm củi đốt mình, đi thẳng một hướng, không tránh hiểm nạn, luôn mặc áo ẩm ướt, nằm trong nước v.v…, đọa đày thân tâm nhưng không có chánh trí. Đường của mười Địa không có những thứ ấy nên nói là không có các nạn.

Như đường tốt không có các đường tà đâm ngang, đường của mười Địa cũng như vậy, không có nghiệp ác của thân, miệng, ý, nên gọi là không có nẻo tà.

Như đường tốt không gai gốc, đường của mười Địa cũng như vậy, không có các thứ gai gốc của nghiệp chướng, nên gọi là không có gai gốc. Như người bị gai đâm vào chân thì bỏ dở đoạn đường đang đi, hành giả bị chông gai nghiệp chướng đâm thì không thể đi tới pháp Phật để vào Niết-bàn.

Như đường đi thẳng tắp, đường của mười Địa cũng như vậy, không có dua nịnh, quanh co, lừa dối, nên gọi là chánh trực.

Như đường ít ngả rẽ, đường của mười Địa cũng như vậy, ít có đường khác. Vì sao? Vì đều là người phát tâm Đại thừa, ít người hành đạo Thanh văn, Phật-bích-chi, nên ít có đường khác. Hoặc có khi Bồ-tát hành đạo Nhị thừa, nên biết Bồ-tát ấy chưa đến được địa Bồ-tát, chưa vào chánh vị, chỉ hành nơi bên đường.

Như đường tốt kia không có rừng rậm cản trở, đường của mười Trụ cũng như vậy, không có rừng rậm của các thứ ác nơi năm dục.

Hỏi: Do đâu không nói là hoàn toàn không có rừng rậm của năm dục, chỉ nói là không có rừng ác?

Đáp: Người phát tâm Đại thừa về nhân duyên của phước đức thì có năm dục là thứ nhất, thế nên không được nói là không, chỉ nói là không có ác thôi. Lại nữa, như rừng rậm âm u thì khó vào, khó đi qua, do nhiều cản trở. Bồ-tát đối với năm dục thì không như vậy. Không như phàm phu đối với năm dục thường sinh ra nhiều lỗi ác. Thế nên chỉ nói là không có rừng rậm.

Như đường rộng chứa được nhiều người mà không cùng trở ngại, đường của mười Trụ cũng như vậy, có thể dung nạp nhiều thứ, là vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh cùng phát tâm nơi đạo vô thượng mà không gây trở ngại gì cho nhau. Là trăm ngàn vạn ức chúng sinh, hoặc hết thảy chúng sinh cùng phát tâm nơi đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, cùng đi con đường này, cũng không cùng gây trở ngại gì.

Như đường có nhiều người cùng đi, đường của mười Trụ cũng như vậy, chư Phật quá khứ, hiện tại nhiều như cát sông Hằng, khi hành đạo Bồ-tát đều đi đường này.

Như đường tốt kia khi đi không mỏi mệt, đường của mười Trụ cũng như vậy, có nhiều an vui của nhân quả, đó là có nhiều người sinh vào cõi trời, người hưởng quả báo, ưa xa lìa dục, nên nhận được niềm vui hoan hỷ, niềm vui của thiền định, niềm vui không hỷ, niềm vui hiện tại. Do được những niềm vui ấy nên không có mỏi mệt.

Như đường tốt kia có nhiều cây cho hoa trái, đường của mười Trụ cũng như vậy, có nhiều cây cho hoa trái. Cây là ba căn thiện. Hoa là hoa bảy giác. Như kinh nói: “Bảy hoa là bảy giác ý. Trái là bốn quả Sa-môn”. Nếu không có các pháp như thế là lỗi lầm, trái ngược với công đức của đường tốt. Cho nên đường tốt này gọi là lìa ác.

Như người dẫn đường đã biết rõ đúng đường là đúng, chỗ nên ăn là nên ăn, nơi nên ngủ đêm là nên ngủ v.v… Bồ-tát hành mười Địa cũng như vậy, biết xứ nào có thể ngủ đêm, xứ nào có thể ăn uống, xứ có thể ngủ đêm, gọi là xứ có chư Phật hiện tại. Xứ có thể ăn uống là chốn có thể tu tập pháp thiện. Như ăn uống có thể đem lợi ích cho các căn cũng giúp cho thọ mạng, các pháp thiện cũng như vậy, có thể làm tăng ích các căn như tín v.v…, hỗ trợ cho tuệ mạng thành tựu. Ngủ đêm nơi xứ khác, là từ chỗ Đức Phật kia đến chỗ Đức Phật khác.

Lại nữa, khoảng giữa nơi cõi nước của Đức Phật này và cõi nước của Đức Phật kia, cũng gọi là xứ khác.

Khéo nhận biết đường chuyển: Là như người dẫn đường kia nhận biết đường không yên ổn liền chuyển hướng. Bồ-tát cũng như vậy, khéo nhận biết đường này dẫn tới Thanh văn, đường này dẫn tới Phật-bích-chi, đường này dẫn tới Phật. Nhận biết như vậy, liền bỏ đường Thanh văn, bỏ đường Phật-bích-chi, chỉ đi con đường dẫn tới Phật đạo.

Như đường tốt kia có các thức ăn uống, đường của mười Trụ cũng như vậy, có nhiều hành bố thí, trì giới, tu thiền.

Như người dẫn đường kia dùng nhiều tiền của vật dụng khéo có thể trị pháp, có thế mạnh lớn, Bồ-tát cũng như vậy, có của cải vật là trị pháp, nên có uy lực lớn. Tài sản là có bảy thứ như: Tín, giới, hổ, thẹn, xả, văn, tuệ. Trị pháp là hết thảy các ma, đủ loại Sa-môn, Bà-lamôn, Luận sư ngoại đạo, đều khuất phục hết, đó là uy lực.

Như thành lớn kia không có các thứ giặc oán, dịch bệnh, bạo tử cùng vô số thứ suy não, nên gọi là thành an ổn. Thành lớn Niết-bàn cũng như vậy, không có các ma, các phái ngoại đạo, không có tham dục, giận dữ, buông lung, chết chóc, buồn lo, bi thương, khổ não, than khóc, nên gọi là an ổn.

Như thành lớn kia có nhiều thứ ăn uống, nên gọi là phồn thịnh. Thành Niết-bàn cũng như vậy, có nhiều thiền định, Tam-muội, giải thoát sâu xa, nên gọi là phồn thịnh.

Như thành lớn kia dung nạp rất nhiều người, nên gọi là thành lớn. Thành Niết-bàn cũng như vậy, dung nạp nhiều chúng sinh nên gọi là lớn. Giả sử hết thảy chúng sinh không thọ nhận các pháp nên đều nhập Niết-bàn vô dư, nhưng tánh của Niết-bàn thì không tăng, không giảm.

Như người dẫn đường kia có khả năng đưa nhiều chúng sinh tới nơi an ổn bằng cách chỉ rõ đường tốt, nên gọi là Đạo sư. Bồ-tát cũng như vậy, khéo dẫn dắt chúng sinh, chỉ rõ chánh pháp của Phật, chỉ rõ Niết-bàn, để từ đường hiểm sinh tử đến được Niết-bàn, nên gọi là bậc Đại Đạo sư.

Như người dẫn đường kia khéo nhận biết tướng của đường đi, thân cùng với người khác đều không có ác. Bồ-tát cũng như vậy, tự mình không có tham, giận, si, triền cái, khổ hạnh xấu, không già, chết nơi hầm sâu, cũng không rơi vào địa ngục nóng lạnh hay ngạ quỷ, nên gọi là tự mình không làm ác, những người tùy tùng cũng không làm ác. Thế nên trong kệ nói:

Khéo nhận biết tướng đạo,

Tự mình không làm ác,

Người khác cũng không ác.

***

Phẩm 27: LƯỢC NÓI VỀ HẠNH

Bồ-tát Địa Hoan Hỷ

Nay đã lược nói xong

Bồ-tát trụ Địa này

Nhiều lần vua Diêm-phù.

Thường lìa cấu tham lận

Không mất niệm Tam bảo

Tâm luôn nguyện làm Phật

Cứu hộ các chúng sinh.

Đã lược nói xong Địa thứ nhất là Địa Hoan Hỷ. Pháp của chư Phật là vô lượng vô biên, Địa này là gốc. Nếu nói rộng cũng vô lượng vô biên, cho nên đây chỉ lược nói. Bồ-tát trụ trong Địa này phần nhiều làm Chuyển luân Thánh vương ở châu Diêm-phù-đề, có uy lực mạnh, đều do nhân duyên đời trước đã tu tập Địa này. Tin, vui thích bố thí, không có cấu uế của tham lam keo kiệt, do thường bố thí cho Tam bảo nên không mất niệm về Tam bảo, thường nghĩ đến sự việc thành Phật, cứu độ chúng sinh. Bồ-tát trong tâm mình luôn có những niệm thiện như vậy.

Lại nữa:

Nếu muốn được xuất gia

Tâm siêng hành tinh tấn

Hay được vài trăm định

Được thấy vài trăm Phật.

Biến động trăm thế giới

Phi hành cũng như vậy

Nếu muốn phóng hào quang

Chiếu sáng trăm thế giới.

Giáo hóa trăm loại người

Được trụ thọ trăm kiếp

Phân biệt vài trăm pháp

Biến hóa làm trăm thân.

Hóa hiện trăm Bồ-tát

Thị hiện làm quyến thuộc

Lợi căn hơn số ấy

Nương nơi thần lực Phật.

Đã nói tướng Sơ Địa

Quả, lực, tịnh, trị pháp

Nay lại nói tiếp nữa

Địa thứ hai: Vô Cấu.

Quả: Là được vài trăm thứ định, thấy vài trăm Phật. Uy lực: Là có thể giáo hóa vài trăm chúng sinh.

Nghĩa nơi những câu kệ còn lại: Như đã nói ở trước, không cần giải thích nữa. Nay sẽ nói Địa thứ haiVô Cấu.

Hỏi: Ông muốn nói rộng về pháp của Bồ-tát phải làm, vì nghĩa của Địa thứ nhất hãy còn nhiều, các người học e càng nói rộng thì tâm biếng trễ sinh không thể đọc tụng. Do đó, nay ông nên lược giải thích các pháp của Bồ-tát nên làm cho người không thể đọc tụng nhiều.

Đáp:

Bồ-tát pháp hiện có

Là pháp đều nên hành

Tất cả ác nên bỏ

Đó gọi là lược nói.

Những gì đã nói trong các phẩm ở trên đều có khả năng sinh và làm tăng trưởng pháp của các Địa. Như trong các phẩm trên nói, hoặc nói ở những chỗ khác, những gì khiến sinh lỗi ác, Bồ-tát đều nên xa lìa. Đó gọi là lược nói. Bồ-tát nên hành trì như trong Kinh Pháp Cú đã nói:

Các ác chớ làm

Các thiện phụng hành

Tự tịnh tâm ý

Là chư Phật dạy.

một pháp gồm thâu Phật đạo, Bồ-tát nên làm: Đó là ở trong pháp thiện nhất tâm không phóng dật. Như Phật bảo Tôn giả A-nan: “Ta không phóng dật nên đạt được đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng”. Như kệ nói:

Không phóng dật thành Phật

Thế gian không ai bằng

Nếu người không phóng dật

Việc gì mà chẳng thành.

Lại có hai pháp có thể gồm thâu Phật đạo: 1. Không phóng dật. 2. Trí tuệ. Như kệ nói:

Không phóng dật, trí tuệ

Phật nói là cửa lợi

Không thấy không phóng dật

Mà việc lại không thành.

Lại có ba pháp có thể gồm thâu Phật đạo: 1. Giới học thù thắng. 2. Tâm học thù thắng. 3. Tuệ học thù thắng. Như kệ nói:

Giới sinh Tam-muội trên

Tam-muội sinh trí tuệ

Trí phá các phiền não

Như gió thổi tan mây.

Lại có bốn pháp có thể gồm thâu Phật đạo: 1. Xứ đế. 2. Xứ xả. 3. Xứ diệt. 4. Xứ tuệ. Như kệ nói:

Đế, xả, định đầy đủ

Được tuệ lợi thanh tịnh

Tinh tấn cầu Phật đạo

Nên thâu bốn pháp này.

Lại có năm pháp có thể gồm thâu Phật đạo: 1. Tín căn. 2. Tinh tấn căn. 3. Niệm căn. 4. Định căn. 5. Tuệ căn. Như kệ nói:

Tín căn, tinh tấn căn

Niệm, định, tuệ kiên cố

Hợp pháp đại bi này

Trọn không thoái Phật đạo.

Như người được năm căn

Hay thông đạt năm trần

Đạt được căn như tín v.v…

Hay thông tướng các pháp.

Lại có sáu pháp có thể gồm thâu Phật đạo: Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ Ba-la-mật. Như kệ nói:

Sáu Độ như đã nói

Hàng phục các phiền não

Thường tăng trưởng căn thiện

Không lâu sẽ thành Phật.

Lại có bảy pháp có thể gồm thâu Phật đạo: Đó là bảy chánh pháp: Tín, hổ, thẹn, văn, tinh tấn, niệm, tuệ. Như kệ nói:

Muốn được bảy chánh pháp

Nên ưa tinh tấn định

Trừ bỏ bảy pháp tà

Hay biết các công đức.

Người đó mau đạt được

Phật Bồ-đề vô thượng

Vớt kẻ chìm sinh tử

Khiến ở xứ yên ổn.

Lại có tám pháp có thể gồm thâu Phật đạo: Đó là tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân: Ít tham muốn, biết đủ, xa lìa, tinh tấn, niệm, định, tuệ, vui thích không hý luận. Như kệ nói:

Nếu người tâm quyết định

Trụ tám Đại nhân giác

Là để cầu Phật đạo

Trừ các giác quán ác.

Như vậy tức không lâu

Chứng được đạo vô thượng

Giống như người hành thiện

Tất sẽ được quả tốt.

Lại có chín pháp có thể gồm thâu Phật đạo: Đó là đại nhẫn, đại từ, đại bi, tuệ, niệm, kiên tâm, không tham, không giận, không si. Như kệ nói:

Đầy đủ nơi đại nhẫn

Đại từ và đại bi

Lại hay trụ nơi tuệ

Niệm cùng trong kiên tâm.

Thâm tâm nhập không tham

Căn thiện không giận, si

Nếu hay hành như thế

Phật đạo tức tại tay.

Lại có mười pháp có thể gồm thâu Phật đạo: Đó là mười đạo thiện: Tự không sát sinh. Không dạy người khác sát sinh. Thấy giết tâm không khen. Thấy giết tâm không vui, cho đến tà kiến cũng như vậy. Đem phước đức đó hồi hướng về đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Như kệ nói:

Không não hại chúng sinh

Cũng không hành trộm cướp

Không dâm phạm vợ người

Là ba nghiệp của thân.

Không nói dối, hai lưỡi

Không nói ác, thêu dệt

Không tham, sân, tà kiến

Là bảy hành khẩu, ý.

Như thế tức hay mở

Cửa Phật đạo vô thượng

Như muốn chứng đắc Phật

Nên hành cửa này trước.

Những pháp như vậy Bồ-tát nên khiến cho chúng phát sinh, phát sinh rồi nên gìn giữ, gìn giữ rồi nên làm cho tăng trưởng. Nơi một pháp thiện từ một chuyển tăng.

Cũng nên biết, người cầu Phật đạo, nơi một pháp ác nên mau chóng xa lìa. Đó là xa lìa phóng dật. Như kệ nói:

Nếu người không thể vượt

Đường sinh tử hiểm ác

Đó là đáng quở trách

Là việc tội ác nhất.

Tuy thích nơi giàu, vui

Nhưng sinh nhà nghèo kém

Không thể trồng phước thiện

Phải làm tôi tớ người.

Đều do nơi phóng dật

Nhân duyên đã gây tạo

Cho nên người có trí

Mau xa như ác độc.

Nếu chưa thành đại bi

Nhẫn vô sinh, không thoái

Mà hành nơi phóng dật

Đó tức gọi là chết.

Lại có hai lỗi nên mau chóng xa lìa: 1. Tham địa Thanh văn. 2. Tham địa Phật-bích-chi. Như Phật nói:

Nếu rơi địa Thanh văn

Cùng địa Phật-bích-chi

Đó là Bồ-tát chết

Cũng gọi mất hết thảy.

Tuy đọa nơi địa ngục

Không nên sinh sợ hãi

Nếu rơi vào Nhị thừa

Bồ-tát nên sợ lớn.

Tuy đọa nơi địa ngục

Không ngăn mãi Phật đạo

Nếu rơi vào hai Thừa

Phật đạo bị ngăn mãi.

Phật nói kẻ tham sống

Chặt đầu tất kinh hoàng

Như vậy muốn làm Phật

Nhị thừa phải kinh sợ.

Lại có ba lỗi nên mau chóng xa lìa: 1. Ghét các Bồ-tát. 2. Ghét việc Bồ-tát làm. 3. Ghét kinh Đại thừa thâm diệu. Như kệ nói:

Trí nhỏ do duyên nhỏ

Ghét giận các Bồ-tát

Cũng ghét đạo Bồ-tát

Cũng ghét kinh Đại thừa.

Không hiểu nên không tin

Đọa nơi địa ngục lớn

Sợ hãi la thảm thiết

Việc đó nên xa lìa.

Lại có bốn lỗi nên mau chóng xa lìa: 1. Dua nịnh. 2. Quanh co. 3. Tánh nóng nảy. 4. Không có từ bi. Như kệ nói:

Tự nói là Bồ-tát

Tâm dua nịnh, quanh co

Tánh nóng chẳng bao dung

Không hành tâm từ bi

Là gần ngục A-tỳ

Lìa Phật đạo rất xa.

Lại có năm lỗi nên mau chóng xa lìa: 1. Tham dục. 2. Giận dữ. 3. Ham ngủ nghỉ. 4. Đùa cợt. 5. Nghi ngờ. Đó gọi là năm Cái che lấp tâm. Như kệ nói:

Nếu có người phóng dật

Các Cái tức che tâm

Sinh Thiên hãy còn khó

Huống chi chứng được quả.

Nếu siêng hành tinh tấn

Tức phá tan các Cái

Khi các Cái đã tan

Theo nguyện tất đều thành.

Lại có sáu lỗi trái với sáu Ba-la-mật, nên mau chóng xa lìa: Tham lam bỏn sẻn, phá giới, giận dữ, biếng trễ, đùa cợt, ngu si. Như kệ nói:

Xan tham tâm cấu uế

Phá giới cùng biếng trễ

Vô tri như bò, dê

Ưa giận như rắn độc.

Tâm loạn như khỉ vượn

Không xa lìa các Cái

Sinh Thiên là rất khó

Huống là được Phật đạo.

Lại có bảy lỗi nên mau chóng xa lìa: Ưa nhiều sự việc. Ham đọc tụng nhiều. Ưa thích ngủ nghỉ. Ưa thích nói năng. Tham lợi dưỡng. Thường muốn khiến người khác vui. Tâm đạo mê muội, hành theo ái dục. Như kệ nói:

Người xấu ưa nhiều chuyện

Ham đọc nhiều kinh ngoài

Người ngu ham ngủ nghỉ

Ưa tụ tập nói năng.

Tuy nguyện muốn làm Phật

Nhưng vướng sâu lợi dưỡng

Tôi tớ ân ái ấy

Mê muội nơi Phật đạo

Những kẻ ác như vậy

Tự cho là Bồ-tát.

Lại có tám pháp nên mau chóng xa lìa: Tà kiến. Tà tư duy. Tà ngữ. Tà nghiệp. Tà mạng. Tà phương tiện. Tà niệm. Tà định. Như kệ nói:

Nếu có người ngu si

Hành nơi tám tà đạo

Học các kinh pháp tà

Ưa thuận theo thầy tà.

Xa lìa tám Thánh đạo

Các công đức thâm diệu

Vướng sâu nơi phiền não

Mà mong cầu Bồ-đề.

Người ngu si như thế

Muốn qua nơi biển lớn

Bỏ thuyền tốt, chắc chắn

Ôm đá mong cầu qua.

Lại có chín pháp nên mau chóng xa lìa: 1. Không nghe hiểu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. 2. Nghe rồi không tin. 3. Nếu tin thì không nhận. 4. Nếu nhận thì không đọc tụng, thọ trì. 5. Nếu đọc tụng, thọ trì, nhưng không biết nghĩa sâu xa. 6. Nếu biết thì không giảng nói. 7. Giảng nói nhưng không hành như lời. 8. Có hành nhưng không thường xuyên. 9. Có hành thường xuyên nhưng không khéo hành. Như kệ nói:

Người ngu không muốn nghe

Đạo Chánh chân vô thượng

Nghe rồi không thể tin

Lại không thể tụng trì.

Không biết nghĩa, không nói

Không như lời nói, hành

Không thể thường, khéo hành

Lại không niệm, tuệ an.

Người ngu si như thế

Không nhận được đạo quả

Cũng như kẻ tội ác

Không thể sinh cõi trời.

Lại có mười lỗi nên mau chóng xa lìa: Đó là mười đạo bất thiện. Như kệ nói:

Người ngu lúc còn trẻ

Tham ái nơi năm dục

Lìa bỏ mười đạo thiện

Hành mười đạo bất thiện.

Vui chư Thiên tại tay

Mà lại tự từ bỏ

Như tham tiền lời nhỏ

Mà bỏ kho báu lớn.

Hỏi: Khi nói tướng của đạo vô thượng, ông đã nói vô số nhân duyên quở trách, là không phát nguyện Bồ-tát, tự cho là Bồ-tát, chỉ là Bồ-tát danh tự. Nếu ba thứ ấy không gọi là Bồ-tát, thì phải thành tựu những pháp gì để được gọi là Bồ-tát chân thật?

Đáp:

Không chỉ phát nguyện suông

Tự nói là Bồ-tát

Tên gọi là Bồ-tát

Để thành tựu, lược nói

Đủ ba mươi hai pháp

Mới gọi là Bồ-tát.

Nếu người phát tâm muốn cầu Phật đạo, tự nói là Bồ-tát, chỉ nhận danh hiệu suông, không hành các công đức, tâm từ bi, các Bala-mật v.v… thì không gọi là Bồ-tát, như thành đất gọi là thành báu, chỉ là tự lừa dối mình, cũng lừa dối chư Phật, cũng lừa dối chúng sinh ở thế gian. Nếu người có ba mươi hai pháp diệu, cũng có thể phát nguyện tu tập, đó gọi là Bồ-tát chân thật. Những gì là ba mươi hai pháp?

  1. Thâm tâm là mong cầu an lạc cho tất cả chúng sinh.
  2. Có thể nhập trong trí của chư Phật.
  3. Tự suy xét kỹ nhận biết về khả năng hành Phật đạo của mình.
  4. Không ghét bỏ khác.
  5. Tâm đạo kiên cố.
  6. Không giả trá kết tạo thân ái.
  7. Cho đến khi chưa vào Niết-bàn, luôn làm bạn thân với chúng sinh.
  8. Thân sơ đồng một tâm.
  9. Đã thừa nhận sự việc thiện tâm không thoái chuyển.
  10. Đối với tất cả chúng sinh không đoạn tâm đại từ.
  11. Không đoạn dứt tâm đại bi đối với hết thảy chúng sinh.
  12. Luôn cầu chánh pháp, tâm không mỏi mệt, biếng trễ.
  13. Siêng khởi tinh tấn tâm không chán đủ.
  14. Học rộng để hiểu nghĩa.
  15. Thường tự xét lỗi mình.
  16. Không chê bai khuyết điểm người khác.
  17. Thường tu tâm Bồ-đề đối với tất cả sự việc thấy nghe.
  18. Bố thí không cầu báo.
  19. Trì giới không cầu tất cả xứ sinh.
  20. Nhẫn nhục, không nổi giận gây trở ngại cho hết thảy chúng sinh.
  21. Có thể siêng tinh tấn tu tập hết thảy căn thiện.
  22. Không sinh theo định vô sắc.
  23. Tạo phương tiện để gồm thâu trí tuệ.
  24. Bốn Nhiếp pháp là phương tiện gồm thâu.
  25. Thương xót như nhau đối với người trì giới hay kẻ phá giới.
  26. Một lòng nghe pháp.
  27. Nhất tâm trụ nơi A-lan-nhã.
  28. Không vui thích vô số tạp sự của thế gian.
  29. Không tham vướng nơi Tiểu thừa.
  30. Thấy rõ lợi ích của Đại thừa là lớn.
  31. Xa lìa tri thức ác.
  32. Thân cận tri thức thiện.

Bồ-tát trụ nơi ba mươi hai pháp ấy, tức có khả năng thành tựu mười pháp: Đó là bốn tâm vô lượng. Có thể hiện bày diệu dụng nơi năm thần thông. Luôn nương dựa vào trí. Không bỏ chúng sinh thiện, ác. Đã nói lời quyết định tất đều là thật. Tích tập hết thảy pháp thiện tâm không chán đủ. Bồ-tát thành tựu ba mươi hai phápmười pháp này gọi là Bồ-tát chân thật.

***

Phẩm 28: PHÂN BIỆT NGHIỆP ĐẠO CỦA ĐỊA THỨ HAI, phần 1

Các Bồ-tát đã được

Đầy đủ Địa thứ nhất

Muốn được Địa thứ hai

Nên sinh mười thứ tâm.

Các Bồ-tát đã được Địa thứ nhất là Địa Hoan Hỷ, vì nhằm đạt được Địa thứ hai nên sinh mười thứ tâm. Nhân nơi mười tâm này nên có thể được Địa thứ hai. Như người muốn lên lầu trên để nhìn ngắm phải nhân nơi thang để lên.

Hỏi: Những gì là mười tâm làm phương tiện để thành tựu được Địa thứ hai?

Đáp:

Tâm trực, tâm kham dụng

Tâm nhuyến, phục, tịch diệt

Chân diệu, không tạp, tham

Tâm lớn, vui là mười.

Các Bồ-tát đã đạt đầy đủ Địa thứ nhất, muốn đạt được Địa thứ hai phải sinh khởi mười tâm phương tiện này:

  1. Tâm trực.
  2. Tâm kham dụng.
  3. Tâm nhu nhuyến.
  4. Tâm hàng phục.
  5. Tâm tịch diệt.
  6. Tâm chân diệu.
  7. Tâm không tạp.
  8. Tâm không tham.
  9. Tâm vui thích rộng.
  10. Tâm lớn.

Tâm trực: Là lìa dua nịnh, quanh co. Do lìa dua nịnh, quanh co nên tâm chuyển thành mềm dịu.

Tâm mềm dịu (nhu nhuyến): Là không cứng rắn, thô ác. Bồ-tát được tâm mềm dịu này nên sinh vô số thiền định, cũng tu tập các pháp thiện, quán xét tướng thật của các pháp, nên tâm tức có thể hành tác (kham dụng).

Tâm kham dụng: Là nên sinh tâm hàng phục.

Tâm hàng phục: Là khéo có thể hàng phục các căn như mắt v.v… Như trong kinh nói: Đạo thiện là những gì? Đó là Tỳ-kheo hàng phục được nhãn căn cho đến ý căn. Do hàng phục được sáu căn nên gọi là tâm hàng phục. Tâm đã hàng phục rồi thì dễ sinh tâm tịch diệt (Vắng lặng).

Tâm tịch diệt: Là có thể diệt trừ các phiền não như tham lam, giận dữ, ngu si. Trước là hàng phục tâm rồi tức ngăn chận khiến được vắng lặng. Lại có người nói: Được các thiền định đó gọi là tâm tịch diệt. Như kinh nói: “Nếu người khéo nhận biết tướng của thiền định, không tham vị của thiền định, đó gọi là tâm tịch diệt”. Được tâm tịch diệt rồi, tất sinh tâm chân diệu.

Tâm chân diệu: Là ở trong sự việc đã nguyện về thần thông của các thiền định, như ý được dùng. Ví như vàng ròng tùy ý được dùng. Hành giả đã được tâm trực, cho đến tâm chân diệu rồi, vì gìn giữ tâm ấy nên vui thích sinh tâm không tạp.

Tâm không tạp: Là không cùng với người xuất gia, tại gia tùng sự. Hành giả nghĩ như vầy: Ta đã được các tâm như thế, đều do sức lực của thiền định. Do các tâm này nên được vô lượng lợi ích như Địa thứ hai. Nếu cùng với nhiều người xen tạp thì mất lợi này. Vì sao? Vì nếu người hành xen tạp với nhiều người, thì sáu căn như mắt v.v… có lúc trở lại phát sinh các pháp bất thiện. Vì sao? Vì gần gũi với pháp có thể cấu nhiễm, có thể giận dữ, có thể si ám, nên các căn phát động thì lửa phiền não thiêu đốt. Lửa phiền não đã thiêu đốt thì mất hết lợi này. Do thấy các lỗi lầm đó nên sinh tâm không tạp. Không nên hành xen tạp với người tại gia, xuất gia, người ấy được tâm không tạp rồi, tiếp theo sinh tâm không tham.

Tâm không tham: Là đối với người xuất gia, tại gia, không sinh tâm tham đắm. Người ấy nghĩ như vầy: Nếu ta đối với hàng xuất gia, tại gia sinh khởi tham vướng, tất họ sẽ tới hỏi ta điều này, chuyện nọ, thì ta sao có được tâm không tạp? Thế nên, ta muốn khiến các lợi ích như những thiền định an trụ nơi tâm không tạp, nên đối với hàng xuất gia, tại gia cần xả bỏ tâm tham đắm.

Hỏi: Theo pháp của Bồ-tát là không nên xả bỏ chúng sinh, không nên sinh tâm xả bỏ, như trong phẩm Trợ Bồ-đề nói:

Bồ-tát mới tinh tấn

Lực phương tiện hiện có

Nên khiến các chúng sinh

An trụ trong Đại thừa.

Nếu người dạy Hằng sa

Chúng sinh trụ La-hán

Không bằng dạy một người

Trụ Đại thừa thù thắng.

Nếu người uy lực ít

Không thể phát Đại thừa

Tiếp, nên dạy khiến trụ

Thừa Bích-chi, Thanh văn.

Nếu người không gắng trụ

Thừa Bích chi, Thanh văn

Nên dạy chúng sinh này

Khiến hành nhân duyên phước.

Không nhận trụ ba Thừa

Không hưởng vui trời, người

Thường đem chuyện đời này

Tùy nghi tạo lợi ích.

Nếu có các chúng sinh

Không nhận lợi Bồ-tát

Cũng không xả bỏ họ

Nên sinh đại từ bi.

Sao ông nói Bồ-tát được tâm không tạp, sinh tâm không tham, nếu Bồ-tát không tham đối với chúng sinh tức là xả bỏ chúng sinh, vậy thì sao có thể hóa độ?

Đáp: Nên tùy thuận nơi đạo Bồ-tát mà hành tâm xả kia. Vì sao? Vì người này nhân nơi tâm xả, nên sinh Tâm vui thích rộng. Tự suy nghĩ: Nếu xả bỏ các thứ náo nhiệt, ta sẽ được thiền định. Nhân nơi thiền định sẽ phát sinh pháp vui thích rộng lớn, vi diệu. Được pháp này rồi, thì sau đấy tức có thể làm lợi cho chúng sinh hơn bây giờ ngàn vạn lần. Thế nên vì tạo nhiều lợi ích cho chúng sinh nên hành tâm xả trong thời gian ngắn, tức tạm thời bỏ các thứ ồn ào để được thiền định, năm thần thông v.v… tạo lợi ích cho chúng sinh.

Do đâu Bồ-tát phải tạo ra phương tiện như vậy? Vì Bồ-tát nhằm đạt được Tâm lớn nên suy nghĩ: Người lớn vui thích nơi lợi ích lớn, nên không giữ lấy lợi nhỏ. Do đấy, nay ta nên cầu pháp của bậc Đại nhân, theo đấy mà tu học. Nên siêng gia tăng tinh tấn như thế vì lợi ích lớn, đó là những thiền định, thần thông, diệt khổ, giải thoát v.v… Vì thế, những điều ông nói trên là không đúng.

Hỏi: Trong Địa thứ nhất đã có các pháp như tâm ngay thẳng v.v… vì sao lại nói Bồ-tát muốn đạt được Địa thứ hai phải sinh khởi mười tâm nữa?

Đáp: Địa thứ nhất tuy có pháp này nhưng chưa được nguồn vui sâu xa, chưa có kiên cố. Ở Địa thứ hai này, tâm luôn vui thích càng chuyển thành kiên cố sâu vững, đủ khả năng thực hiện. Thế nên lời vấn nạn của ông là không hợp.

Hỏi: Nếu người nào ham chuộng sâu xa, vững chắc về pháp này thì được những sự việc khác biệt gì?

Đáp:

Nếu người cùng lúc được

Tâm ưa sâu, kiên cố

Thì không còn dụng công

Như sai khiến, luôn theo.

Như sai khiến người, nhất thời sinh mà luôn theo mình. Bồ-tát cũng như vậy, trong một lúc được tâm ưa chuộng sâu xa kiên cố, được rồi, thì luôn gắn liền, lại không cần dụng công mà sinh. Hoặc chỉ dùng một ít nhân duyên liền phát sinh. Vì sao? Vì gốc rễ đã cắm sâu nên cành nhánh nối nhau phát triển.

Hỏi: Nếu Bồ-tát đạt được mười thứ tâm này, thì sẽ có được những quả gì?

Đáp:

Nếu được các tâm này

Chánh trụ Địa thứ hai

Đủ ba thứ ly cấu

Nghiệp ác và phiền não.

Nếu Bồ-tát đạt được mười tâm như tâm trực v.v…, tức gọi là Bồ-tát trụ nơi Địa thứ hai.

Ba thứ Ly cấu đó là:

1. Ly cấu là tên gọi của Địa.

2 Ly cấu là ở trong Địa này, lìa cấu uế của nghiệp tội nơi mười đạo bất thiện.

3. Ly cấu là lìa khỏi cấu uế của các phiền não như tham dục, giận dữ v.v…, nên gọi là Ly cấu.

Lại nữa, nghĩa của Ly cấu v.v…

HẾT – QUYỂN 13