LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: MỞ ĐẦU

Kính lạy hết thảy Phật

Cùng đạo lớn vô thượng

Và các chúng Bồ-tát

Tâm vững trụ mười Địa.

Thanh văn, Phật-bích-chi

Không có ngã, ngã sở

Nay giải nghĩa mười Địa

Tùy thuận Phật giảng nói.

Hỏi: Vì nhân duyên gì khiến ông nói là muốn giải thích về nghĩa mười Địa của Bồ-tát?

Đáp: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, trời, người, A-tu-la, là sáu nẻo hiểm nạn, gây nhiều sợ hãi. Hết thảy chúng sinh nơi các nẻo ấy cứ trôi nổi trong biển cả sinh tử, tùy theo nghiệp mình gây tạo nên mãi lặn hụp nơi vô số lớp sóng đó. Bao nước mắt đã chảy, bao giọt sữa đã tuôn, bao mồ hôi, máu mủ tanh nồng là những khối

nước uế tạp đáng chán. Những chứng bệnh hủi, hói, gầy còm, thổ huyết, mụt lở loét nơi tay chân, ung nhọt, do khí nóng xông lên làm ói mửa, sình trướng. Các thứ bệnh tật xấu ác như thế chính là đám quỷ La-sát quái ác. Buồn khổ là những thứ nước luôn khuấy động. Khóc than kêu gào là âm thanh của muôn ngàn đợt sóng dữ. Các thứ khổ não thọ nhận chính là tảng đá Ốc tiêu nơi đáy biển sâu. Chết chóc là bờ dốc cao, không ai có thể vượt qua. Kiết sử, phiền não, nghiệp hữu lậu là những cơn gió lốc bất định. Bốn thứ điên đảo là những dối gạt. Ngu si, vô minh là vùng tối tăm rộng lớn. Theo nghiệp ái nên hàng phàm phu luôn bước đi trong ấy, từ vô thỉ đến nay, cứ như vậy mà quanh quẩn nơi biển cả sống chết, chưa từng đến được bờ giác. Ai đạt tới bờ kia thì phải vận dụng mọi khả năng để cứu độ vô lượng chúng sinh. Do nhân duyên ấy nên nói về nghĩa mười Địa của Bồ-tát.

Hỏi: Nếu người không có khả năng tu hành mười Địa của Bồtát thì không thể vượt khỏi biển cả sinh tử chăng?

Đáp: Nếu người tu tập theo thừa Thanh văn, thừa Phật-bíchchi, thì cũng vượt qua được biển sinh tử. Nếu người muốn dùng Đại thừa vô thượng để vượt qua biển lớn sinh tử thì phải tu hành đầy đủ mười Địa.

Hỏi: Tu tập theo hai thừa Thanh văn, Phật-bích-chi, thì trong bao lâu có thể vượt qua biển cả sinh tử?

Đáp: Tu tập theo thừa Thanh văn thì một đời là thoát khỏi, hoặc hai đời, có khi hơn số đó, tùy căn trí lợi độn, lại còn do nhân duyên tu hành từ đời trước. Tu tập theo thừa Phật-bích-chi thì bảy đời là vượt khỏi, hoặc tám đời mới vượt qua. Nếu tu tập theo Đại thừa thì phải trải qua một Hằng hà sa đại kiếp, hoặc hai, ba, cho đến mười trăm ngàn vạn đời, hoặc hơn số đó, sau đấy mới tu hành đầy đủ mười Địa của Bồ-tát thành tựu Phật đạo, cũng tùy theo căn trí lanh hay chậm và nhân duyên tu hành từ đời trước.

Hỏi: Phật, Thanh văn và Phật-bích-chi cùng đến bờ bên kia, đối với sự giải thoát có gì khác nhau?

Đáp: Việc này cần phải phân biệt. Giải thoát khỏi phiền não thì không có gì khác nhau, nhân nơi giải thoát này, nhập Niết-bàn vô dư, trong đó cũng không khác nhau, vì không có tướng. Chỉ chư Phật với thiền định thâm diệu, giải thoát khỏi các chướng, thì hết thảy các thứ ngăn ngại đều được giải thoát, là khác biệt đối với Thanh văn, Phật-bích-chi, không thể giải thích hết bằng lời, cũng không thể lấy ví dụ để so sánh.

Hỏi: Cái học của ba Thừa đều là đạt đến Niết-bàn vô dư, nếu trong Niết-bàn vô dư không có sai khác, thì chúng ta đâu cần phải qua lại trong Hằng hà sa đại kiếp nơi sinh tử để hành trì đầy đủ hạnh tu của mười Địa. Chi bằng theo thừa của Thanh văn, Phật-bích-chi để mau chóng diệt trừ các khổ não?

Đáp: Lời ấy có tính chất yếu kém, không phải là lời nói của tâm đại bi tạo lợi ích. Nếu các Bồ-tát hành theo tâm nhỏ hẹp không có tâm từ bi, thì không thể tinh tấn tu tập mười Địa. Như thế, hàng Thanh văn, Phật-bích-chi cũng không do đâu mà được độ thoát, cũng lại không có ba Thừa khác nhau. Vì sao? Vì tất cả hàng Thanh văn, Phật-bích-chi đều phát sinh từ Phật, nếu không có chư Phật thì do đâu mà có hai Thừa kia? Nếu không tu mười Địa thì làm sao có chư Phật? Nếu không có chư Phật thì cũng không có Pháp, Tăng. Cho nên những gì ông nêu ở trên rõ là làm dứt mất hạt giống Tam bảo, không phải lời nói của bậc Đại nhân có trí tuệ, do vậy không chấp nhận được. Vì sao? Vì nơi thế gian có đến 4 hạng người:

  1. Tự lợi.
  2. Lợi tha.
  3. Gồm cả tự lợi và lợi tha.
  4. Không tự lợi và lợi tha.

Trong ấy, hạng thứ ba như trên là có khả năng thực hành từ bi đem lợi ích cho người khác, đáng gọi là bậc Thượng nhân. Như kệ nói:

Thế gian đáng xót thương

Thường chỉ vì lợi mình

Dốc lòng tìm giàu, vui

Rơi vào lưới tà kiến.

Luôn lo sợ chết chóc

Trôi lăn trong sáu đường

Các Bồ-tát đại bi

Thực hành việc hy hữu.

Chúng sinh đến lúc chết

Không ai cứu hộ được

Chìm sâu trong tối tăm

Lưới phiền não buộc kín.

Nếu người phát khởi nguyện

Tâm đại bi hiện hành

Gánh vác khổ chúng sinh

Trách nhiệm nặng vì họ.

Nếu người tâm quyết định

Riêng nhận chịu khổ nhọc

Đạt được quả an ổn

Cho hết thảy cùng hưởng.

Được chư Phật khen ngợi

Người tối thượng bậc nhất

Cũng là hàng ít có

Kho tàng lớn công đức.

Người thế gian thường nói:

Nhà không sinh con hư

Chỉ thành đạt lợi mình

Không giúp ích cho ai.

Nếu sinh làm trai thiện

Siêng giúp ích nhiều người

Thì như vầng trăng tròn

Chiếu sáng tất cả nhà.

Người có nhiều phước đức

Do nhiều thứ nhân duyên

Lợi ích như biển cả

Lại cũng như đại địa.

Không cầu ở thế gian

Vì từ bi nên trụ

Người sống vậy là quý

Là thọ mạng bậc nhất.

Như thế, Thanh văn, Phật-bích-chi, đối với Phật về việc giải thoát khỏi phiền não tuy không sai khác, nhưng có khác biệt lớn, đó là phải trụ lâu trong sinh tử để cứu độ vô lượng chúng sinh, tạo nhiều lợi ích, tu tập đầy đủ mười Địa của Bồ-tát.

Hỏi: Phật luôn có đại bi, ông là đệ tử thường xưng tán Phật có tâm thương xót chúng sinh. Nếu quả như lời ông nói, thì ông hãy dùng những nhân duyên nào để phân biệt làm sáng tỏ, nhằm khai ngộ, dắt dẫn. Người thực hành từ bi nếu được nghe ông giảng thì tâm họ thanh tịnh, tôi cũng thấy vui thích. Vậy trước hết, kệ ông nói về nghĩa của mười Địa (8 câu kệ ở đầu Luận), ông hãy giải thích?

Đáp: Kính (kệ): Là tâm cung kính.

Lạy (kệ): Là cúi mình tiếp xúc với chân.

Hết thảy Phật (kệ): Là chư Phật khắp mười phương trong ba đời.

Cùng đạo lớn vô thượng (kệ): Là tất cả các pháp đều thấy biết như thật, thông suốt, không sót. Lại không có gì hơn, nên nói là vô thượng. Vì là đạo của bậc Đại nhân tu hành nên gọi đạo lớn.

Và các chúng Bồ-tát (kệ): Là những vị vì đạo vô thượng mà phát tâm hành trì nên gọi là Bồ-tát.

Hỏi: Chỉ có phát tâm là thành Bồ-tát chăng?

Đáp: Không phải chỉ có phát tâm mà được gọi là Bồ-tát. Nếu người phát tâm tất có thể thành tựu đạo vô thượng mới được gọi là Bồ-tát. Hoặc có người chỉ phát tâm cũng được gọi là Bồ-tát. Vì sao? Vì nếu lìa phát tâm ban đầu thì không thể thành tựu đạo vô thượng. Như Đại kinh nói: “Ai mới phát tâm cũng được gọi là Bồ-tát, cũng như Tỳ-kheo dù chưa chứng đạo, cũng được gọi là Đạo nhân”. Đó là Bồ-tát danh tự để dần dần tu tập chuyển thành pháp chân thật. Trong phần sau giải thích về Địa Hoan Hỷ sẽ nói rộng về tướng như thật nơi Bồ-tát.

Chúng (kệ): Là từ buổi phát tâm đầu tiên cho đến khi đạt đạo giải thoát kim cang vô ngại, trong thời gian ấy, gồm đủ các Bồ-tát quá khứ, hiện tại, vị lai, nên gọi là chúng Bồ-tát.

Tâm vững (kệ): Là tâm như núi chúa Tu-di, không thể hư hoại được, cũng như đại địa này không thể bị nghiêng động.

Trụ mười Địa (kệ): Là mười Địa, như Địa Hoan Hỷ v.v… Phần sau sẽ nói rộng.

Hỏi: Bồ-tát lại còn có các công đức thù thắng, vì sao chỉ khen ngợi tâm vững chắc?

Đáp: Bồ-tát phải có công đức nơi tâm vững chắc mới có khả năng thành tựu sự nghiệp lớn (Đại thừa), không rơi vào hàng Nhị thừa, là hạng tâm nguyện vốn yếu kém, sợ hãi sinh tử, tự nghĩ: “Vì sao phải ở lâu trong sinh tử chịu bao khổ não không bằng mau duyên vào hai thừa Thanh văn, Phật-bích-chi diệt hết các khổ”. Hơn nữa tâm yếu kém là những kẻ đối với các thứ địa ngục, như địa ngục Đẳng hoạt, địa ngục Hắc thằng, địa ngục Chúng hợp, địa ngục Khiếu hoán, địa ngục Đại Khiếu hoán, địa ngục Thiêu chá, địa ngục Đại Thiêu chá, địa ngục Vô gián, và những địa ngục quyến thuộc như:

Địa ngục lửa đốt thành tro bụi, địa ngục phân sôi, địa ngục rừng cháy, địa ngục máng gươm trên cây, địa ngục có đường đi dắt toàn dao, địa ngục cột đồng cháy, địa ngục bị mũi nhọn đâm chích, địa ngục sông muối. Hết thảy các địa ngục ấy đều được sắp đầy những dụng cụ như búa sắt, dao nhọn, kích nhọn, cung tên sắt, chày vồ, gậy sắt, chuông sắt, lưỡi cày bằng sắt, khiên giáo, cối chày, bánh xe đều bằng sắt, tất cả dụng cụ ấy dùng để tra khảo tội nhân, như: chém, chặt, cắt, đâm, đánh đập, lột da, lóc thịt, xiềng cùm, đốt cháy, luộc nấu, tra tấn bằng roi sắt, máy nghiền nát, đánh đâm thân thể tội nhân cho nhừ ra. Những thú dữ như: chồn, chó, cọp, sói, sư tử tranh nhau đến cấu xé thân thể ấy. Ở trên thì cú, quạ, kênh kênh sắt bay đến mổ rỉa, cắn ăn các thân tội nhân đó. Những nơi khác, quỷ ác dồn đuổi tội nhân, buộc phải chạy qua rừng cây đầy kiếm, trên dưới đều là núi lửa bốc cháy, cho bánh xe lửa cán ngang cổ, rồi cầm gậy sắt nóng đỏ để quật ngã. Hoặc lấy cả ngàn cây đinh đóng vào tội nhân, hoặc dùng dao cắt gọt, nạo lưỡi, cắt lưỡi, lùa cả đám vào hỏa ngục tối tăm, khi thân thể tội nhân nát nhừ rồi đem giam vào chỗ hôi thối. Ở đây, thân thể tội nhân bị đặt lên những vỉ sắt nóng bao quanh, còn bị lột da lóc thịt, tay chân bị trói chặt, quăng vào vạc nước sôi để luộc nấu. Những quả tạ sắt liên tục ném vào đầu tội nhân, khiến não vỡ tung, mắt lồi ra. Thân họ phải đeo những vòng sắt nóng, với sức nóng dữ dội, máu tuôn ra lai láng. Hoặc có tội nhân phải lặn xuống sông đầy phân thối, hoặc phải đi trên đường tua tủa dao kiếm, những dao kiếm bên trên ấy tự nhiên rớt xuống như mưa, như ngựa phóng nhanh, lao vào chém đứt thân thể và tứ chi. Có con sông gồm đủ nước chua, cay, mặn, hôi thối, những kẻ bị quăng xuống đó, thân thể nứt ra rồi rệu rã, chỉ còn trơ bộ xương. Đám ngục tốt vớt những bộ xương ấy ra rồi kéo lê, giẫm đạp lên v.v… Những nỗi thống khổ ấy là không cùng tận, tội nhân cứ phải sống rất lâu ở đó để nhận chịu, muốn chết lại không được. Nếu nghe thấy những việc hãi hùng ấy, ai lại không sợ hãi, cầu mong tu tập theo thừa của Thanh văn, Phật-bích-chi?

Lại nữa, còn có địa ngục Băng giá, địa ngục Át-phù-đa, địa ngục Ni-la-phù-đà, địa ngục A-ba-ba, địa ngục A-la-la, địa ngục A-hầu-hầu, địa ngục Hoa sen trắng, địa ngục Hoa sen xanh, địa ngục nhiều thứ Hoa sen đủ sắc, địa ngục Hoa sen hồng, địa ngục Hoa sen đỏ, thường ở trong chỗ u tối thăm thẳm đầy sợ hãi. Những ai hủy báng Hiền Thánh đều bị đọa vào những ngục ấy, hình tướng giống như nhà cửa, phòng xá, núi non, gò đống, gió lạnh thô dữ kích động nỗi đau thương, thân như nắm cỏ khô, da thịt rơi rụng như lá mùa đông. Rét buốt khiến da thịt nứt nẻ, máu mủ hôi tanh tuôn ra. Thân thể bị giam trong chốn hôi thối đó. Gió lạnh quất vào gây muôn ngàn đắng cay khổ não, chỉ biết khóc than, tâm không còn nghĩ gì khác. Cứ gào khóc không hề có chỗ nào để nương dựa. Những tội ấy là do hủy báng Hiền Thánh. Những ai tâm nguyện yếu kém nghe thấy những việc kia thì sao không lo sợ mong cầu tu theo thừa của Thanh văn, Phật-bích-chi?

Lại nữa, sinh làm súc sinh như: heo, chó, cáo, mèo, chồn, chuột, khỉ con, dã nhân, cọp, sói, sư tử, beo, gấu, voi, ngựa, bò, dê, rít, bò cạp, sên, rắn độc, mọt, rùa, thuồng luồng, cá trạch, ốc, rồng có sừng, bồ câu, cú, kênh kênh. Những loài cầm, thú ấy tàn hại nhau. Người ta bủa lưới bắt đem về mổ, giết, xẻ thịt ăn, không phải là ít. Lúc sống thì bị roi, móc đánh đập, xỏ mũi, ghì đầu, bắt kéo chở nặng, còn bị đánh đập rách da, lồi thịt, đau đớn không thể chịu nổi, bị xông vào khói lửa đốt, khổ độc vô cùng. Khi chết, chúng còn bị lột da, ăn thịt. Đối với các nỗi thống khổ như vậy, những kẻ tâm ý vốn yếu kém, thấy nghe việc ấy sao không sợ hãi, không mong cầu theo thừa Thanh văn, Phật-bích-chi?

Lại như trong loài quỷ đói: Có quỷ cổ như cây kim, có quỷ miệng luôn bốc lửa. Có quỷ đói chuyên ăn đồ ói mửa, có quỷ đói ăn đồ bẩn trong thau giặt, có quỷ đói ăn máu mủ, có quỷ đói ăn phân dơ. Có quỷ đói ăn tên Phù-đà, có quỷ đói ăn tên Cưu-bàn-trà. Có quỷ Dạ-xoa, quỷ La-sát, quỷ Tỳ-xá-xà, quỷ Phú-đơn-na, quỷ Ca-la Phú-đơn-na v.v… Đám quỷ này râu tóc rối bù, móng vuốt dài, lỗ mũi to, trong mình nhiều dòi bọ, hôi thối đáng kinh hãi, bị bức bách trong đói khát, ganh ghét, keo kiệt, luôn bị khổ não giày vò. Chúng chưa từng được ăn, nếu ăn thì đồ ăn không qua khỏi yết hầu, vì quá nhỏ. Chúng thường chạy đi tìm máu mủ, phẩn uế, đờm dãi, nước bẩn trong chậu. Những loài mạnh lấn lấy được nhưng lại không thể ăn. Chúng đều lõa hình nên nóng lạnh càng ập vào thân. Gió độc thổi khiến cơ thể đau đớn quằn quại. Ngoài ra còn bị muỗi mòng, trùng độc rút rỉa nơi thân, bụng luôn cồn cào đói khát như lửa đốt. Những tâm nguyện yếu kém khi nghe các sự việc ấy làm sao không sợ hãi, không mong cầu nơi hai thừa Thanh văn, Phật-bích-chi?

Trong thế giới con người bị khổ do ân ái lìa chia, khổ do oán ghét mà cứ phải gặp, khổ vì già, vì bệnh, vì chết, vì cơ cực nghèo cùng. Có biết bao cảnh khổ như vậy, ngay đến các cõi trời, A-tu-la cũng không tránh khỏi khổ, khi phước báo đã hết. Những tâm nguyện yếu kém khi nghe những việc ấy làm sao không sợ hãi, không mong cầu ở hai thừa Thanh văn, Phật-bích-chi?

Nếu người có tâm vững chắc, khi nghe thấy hết các thứ khổ não chúng sinh phải chịu trong địa ngục, trong kiếp quỷ đói, súc sinh, trời, người, A-tu-la, thì họ sẽ sinh tâm đại bi không hề sợ hãi. Họ lập nguyện như vầy: “Những chúng sinh sống trong đau khổ, không ai cứu vớt, không nơi nương cậy, sau khi chứng đắc Niết-bàn, ta sẽ cứu độ họ”. Vì tâm đại bi cùng siêng năng, tinh tấn, nên không bao lâu sẽ đạt sở nguyện. Thế nên tôi nói: “Trong công đức của Bồ-tát, tâm vững bền là bậc nhất”.

Lại nữa, Bồ-tát có 8 pháp có thể tập hợp hết thảy công đức:

  1. Tâm đại bi.
  2. Tâm vững bền.
  3. Trí tuệ.
  4. Phương tiện.
  5. Không phóng dật.
  6. Tinh tấn vô hạn.
  7. Luôn thâu giữ sự nhớ nghĩ.
  8. Tri thức thiện.

Do vậy, người mới phát tâm phải mau chóng thực hành 8 pháp này, như cứu lửa cháy đầu, sau đó mới tu trì các công đức khác.

Hơn nữa, do nương vào tám pháp này mới có được bốn Hướng bốn Quả của tất cả chúng Thanh văn, đó là Hướng Tu-đà-hoàn, Quả Tu-đà-hoàn v.v…

Phật-bích-chi: Không có ngã, ngã sở (kệ). Khi thế gian không có Phật, không có pháp của Phật, thì những người tự đắc đạo gọi là Phật-bích-chi. Các vị Hiền Thánh đã lìa khỏi sự tham chấp của ngã, ngã sở, nên gọi là bậc không có ngã, ngã sở.

Nay giải nghĩa mười Địa, Tùy thuận Phật giảng nói (kệ): Là trong Kinh Thập Địa, thứ lớp đã thuyết giảng, nay sẽ tùy theo thứ lớp ấy giải thích đầy đủ.

Hỏi: Những điều ông nói không khác với kinh. Nghĩa của kinh đã được lập cần gì phải nói thêm nữa, hay là ông muốn tự hiển bày tài năng để cầu danh, cầu lợi?

Đáp:

Tôi không vì tự hiện

Mà trau chuốt văn từ

Cũng không tham lợi dưỡng

Nên tạo ra Luận này.

Hỏi: Nếu không như thế thì tạo ra Luận ấy để làm gì?

Đáp:

Tôi vì lòng từ bi

Lợi ích cho chúng sinh

Không nhằm nhân duyên khác

Nên tạo ra Luận này.

Thấy chúng sinh cực khổ trong sáu đường không ai cứu giúp. Vì muốn cứu độ họ nên tôi dốc đem sức trí tuệ của mình làm ra Bộ Luận này. Không phải vì tự hiện trí lực để cầu danh lợi, cũng không có tâm ganh ghét, tự cao để cầu cúng dường.

Hỏi: Về lòng từ bi tạo lợi ích cho chúng sinh, trong kinh đã nói, cần gì phải tự giải thích nữa cho khổ nhọc? Đáp:

Có người thấy kinh Phật

Thông đạt đệ nhất nghĩa

Có người khéo giải thích

Mà hiểu nghĩa chân thật.

Có người nhờ trí tuệ, lợi căn nghe những lời Phật giảng nói trong các kinh thâm diệu liền có thể thấu đạt về đệ nhất nghĩa, gọi là người hiểu kinh sâu xa, đó là Bồ-tát mười Địa. Đệ nhất nghĩa tức là nghĩa như thật của mười Địa. Có những Luận sư với tâm từ bi, thuận theo lời Phật đã giảng nói, tạo sự luận bàn, tăng thêm lời lẽ cho ý nghĩa được sáng tỏ. Nhờ đó có người đọc và thông suốt được nghĩa của mười Địa. Như kệ nói:

Có người khéo chuốt văn

Câu chương đều đẹp đẽ

Có người giỏi kệ, tụng

Có người ưa câu phức

Có người ưa thí dụ

Nhân duyên mới hiểu được

Chỗ ưa thích có khác

Tùy thuận không bỏ qua.

Chương, câu gọi là tô điểm nơi câu nghĩa, không phải là kệ tụng. Kệ gọi là những nghĩa lý sâu xa, ngôn từ ở trong các câu. Kệ có loại câu bốn chữ, loại câu năm chữ, loại câu bảy chữ v.v… Kệ có 2 thứ:

  1. Kệ bốn câu gọi là Ba-đà.
  2. Kệ sáu câu gọi là Kỳ-dạ.

Câu phức: Là lời lẽ nói thẳng.

Thí dụ: Là do người không hiểu được nghĩa sâu xa, nên nhờ dụ khiến lãnh hội được. Có thí dụ thật, có thí dụ giả.

Nhân duyên: Là suy tìm nguyên do của sự việc, tùy theo sở thích không nên bỏ qua.

Hỏi: Ông sẽ làm gì với sở thích khác nhau của từng chúng sinh?

Đáp: Tôi phát tâm nơi đạo vô thượng, không bỏ ai, tùy sức để đem lợi ích cho họ, hoặc bằng tiền của, hoặc bằng giáo pháp. Như kệ nói:

Nếu người có trí lớn

Được nghe kinh như thế

Không cần giải thích thêm

Vẫn hiểu nghĩa mười Địa.

Nếu có phước đức lợi căn, bất chợt được nghe Kinh Thập Địa liền hiểu ngay nghĩa của mười Địa, đâu cần giải thích. Tôi tạo luận không phải vì hạng ấy.

Hỏi: Người thiện là sao?

Đáp: Nếu nghe lời Phật giảng nói mà hiểu ngay, ví như người lớn có thể uống thuốc đắng, trẻ con thì phải trộn mật vào mới uống được. Người thiện nói tóm tắt có 10 pháp:

  1. Lòng tin.
  2. Tinh tấn.
  3. Nhớ nghĩ.
  4. Định.
  5. Khéo giữ nghiệp thiện của thân.
  6. Khéo giữ nghiệp thiện của miệng.
  7. Khéo giữ nghiệp thiện của ý.
  8. Không tham.
  9. Không giận dữ.
  10. Không ngu si.

Như kệ nói:

Nếu người do văn kinh

Khó có thể đọc tụng

Nhưng tạo Tỳ-bà-sa

Người ấy được lợi ích.

Những ai tâm trí tối tăm, biếng trễ, sử dụng kinh văn khó khăn, đọc tụng không nổi. Khó là do có nhiều câu văn khó, khó tụng, khó nói, khó am hiểu. Nếu có người vui thích tô điểm cho câu lời thêm sáng rõ, hay đẹp, dùng những ví dụ tạo các kệ tụng v.v… Vì nhằm tạo ra những lợi ích như thế, nên tôi viết Luận này. Do vậy, ông vừa nói: “Chỉ kinh Phật cũng đủ đem lợi ích cho chúng sinh, cần gì phải giải thích thêm”. Lời ông nói thật chưa đúng. Vì sao? Như kệ nói:

Suy nghĩ tạo Luận này

Tâm thiện phát khởi sâu

Dĩ nhiên với pháp ấy

Cúng dường Phật hơn hết.

Khi viết Luận này, tôi đã suy nghĩ, phân biệt. Tôi nghĩ đến Tam bảo và chúng Bồ-tát, lại cũng nghĩ đến sáu pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Phát tâm thiện sâu xa, đó là tự lợi, còn diễn nói, soi sáng chánh pháp đó là cúng dường Phật không gì sánh bằng, ấy là lợi tha. Như kệ nói:

Thuyết pháp: Thắp đèn pháp

Là dựng ngọn cờ pháp

Cờ pháp ấy: Hiền Thánh

Tướng ấn của pháp diệu.

Nay tôi tạo Luận này

Đế, Xả và Diệt, Tuệ

Là bốn xứ công đức

Tự nhiên mà tu tập.

Hôm nay, tôi viết Luận này là vì bốn công đức tự tu tập thắp sáng mình, do vậy tâm không thấy mỏi mệt. Hết thảy sự chân thật gọi là Đế. Lời Phật giảng nói là chân thật nhất trong hết thảy sự thật. Lời của Ngài không biến đổi, hư hoại. Tôi giải thích và giảng nói giáo pháp của Phật tức là ở xứ tích tập Đế. Xả gọi là thí. Thí có hai: Tài thí và Pháp thí. Hai thứ ấy thì pháp thí là hơn hết. Như Phật bảo các Tỳkheo: “Một là nên bố thí pháp, hai là nên bố thí của cải. Pháp thí là thù thắng”. Do vậy khi tôi bố thí pháp, tức là ở xứ tích tập Xả. Khi tôi giảng nói nghĩa của mười Địa, thân khẩu ý tôi không có nghiệp ác, cũng không khởi tham, sân, si và các kiết sử khác. Ngăn giữ tội này là ở xứ tích tập Diệt. Nói pháp cho chúng sinh đều hiểu, được báo trí tuệ lớn, vì thuyết pháp tức là ở xứ tích tập Tuệ. Do vậy, tạo Luận này là tích tập bốn xứ công đức ấy (Đế, Xả, Diệt, Tuệ).

Lại nữa:

Tôi tạo luận mười Địa

Tâm mình được thanh tịnh

Tâm ham muốn sâu xa

Tinh tấn không mệt mỏi.

Nếu người nghe thọ trì

Tâm lại được thanh tịnh

Tôi cũng vui xẻ chia

Dốc lòng viết Luận này.

Nghĩa của hai bài kệ ấy đã rõ, khỏi cần nói lại. Muốn tâm mình, tâm người thanh tịnh, nên giải thích nghĩa của mười Địa này với tâm thanh tịnh, sẽ đến được nơi cần đến, sẽ được quả báo lớn. Như Đức Phật nói với Ca-lưu-đà-di: Ông chớ oán giận A-nan. Nếu Ta không thọ ký cho Tôn giả A-nan: Sau khi Ta nhập diệt, A-nan sẽ chứng đắc A-la-hán, do tâm thanh tịnh này làm nhân duyên của nghiệp, sẽ bảy lần làm chủ cõi trời Tha-hóa-tự-tại, như kinh đã nói rộng.

***

Phẩm 2: NHẬP ĐỊA THỨ NHẤT

Hỏi: Những lời ông vừa nói khiến tâm tôi tỏ ngộ, nên rất vui mừng. Nay ông giải thích về mười Địa thì lợi ích tất sẽ nhiều nữa. Những gì là mười Địa?

Đáp:

Pháp mười Địa trong ấy

Chư Phật quá, hiện, vị

Vì các hàng Phật tử

Đã nói, hiện, sẽ nói:

Địa đầu là Hoan Hỷ

Địa hai là Ly Cấu

Địa ba là Minh Địa

Địa bốn là Diệm Địa.

Địa năm là Nan Thắng

Địa sáu là Hiện Tiền

Địa bảy là Thâm Viễn

Địa tám là Bất Động.

Địa chín là Thiện Tuệ

Địa mười là Pháp Vân Tướng mười Địa phân rõ Sau đây sẽ nói rộng.

Hai chữ Trong ấy là trong nghĩa của Đại thừa. Mười là số pháp. Địa là thềm bậc, là trụ xứ của Bồ-tát có căn thiện. Chư Phật là Như Lai trong mười phương ba đời. Nói là mở bày, giải thích. Phật tử là con chân thật của Phật, chính là các Bồ-tát, nên Bồ-tát gọi là Phật tử. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều giảng nói mười Địa này, nên viết: Đã nói, hiện, sẽ nói.

Bồ-tát nơi Địa thứ nhất, mới được vị pháp thiện, tâm chứa nhiều hoan hỷ, nên gọi là Địa Hoan Hỷ.

Bồ-tát trong Địa thứ hai, hành mười đạo thiện, xa lìa những nơi cấu uế, nên gọi là Địa Ly Cấu.

Bồ-tát nơi Địa thứ ba, nghe nhiều học rộng, nói pháp cho mọi người nghe, có thể tạo sự chiếu sáng, nên gọi là Địa Minh.

Bồ-tát trong Địa thứ tư, càng tăng thêm việc bố thí, trì giới, lại học rộng, oai đức rực sáng, nên gọi là Địa Diệm.

Bồ-tát trong Địa thứ năm, có sức mạnh của công đức, các thứ ma không thể quấy phá được, nên gọi là Địa Nan Thắng.

Bồ-tát nơi Địa thứ sáu, trừ hết ma chướng, đạo pháp hiện ra trước mặt, nên gọi là Địa Hiện Tiền.

Bồ-tát trong Địa thứ bảy, xa gần trong ba cõi đều tôn làm Pháp vương, nên gọi là Địa Thâm Viễn.

Bồ-tát nơi Địa thứ tám, không gì làm lay chuyển được nguyện lực, dù đó là Thiên ma, là Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, nên gọi là Địa Bất Động.

Bồ-tát nơi Địa thứ chín, trí tuệ sáng rõ, điều phục nhu hòa tăng lên, nên gọi là Địa Thiện Tuệ.

Bồ-tát trong Địa thứ mười, đối với vô lượng thế giới nơi mười phương, có thể tuôn trận mưa pháp trong cùng một lúc, như kiếp của thế giới bị thiêu hủy xong, sẽ rưới mưa lớn làm thấm nhuần khắp nơi, nên gọi là Địa Pháp Vân.

Hỏi: Đã nghe tên mười Địa, bây giờ làm sao nhập Địa thứ nhất để nhận biết được tướng mạo của Địa này và tu tập?

Đáp:

Trồng căn thiện sâu dày

Khéo hành nơi các hạnh

Khéo tích tập tư lương

Khéo cúng dường chư Phật.

Tri thức thiện giữ gìn

Đầy đủ tâm sâu xa

Tâm bi nhớ chúng sinh

Tin hiểu pháp vô thượng.

Gồm đủ tám pháp ấy

Nên tự phát lời nguyện:

Tôi đã tự độ rồi

Sẽ cứu độ chúng sinh.

Do đạt được mười lực

Vào nơi tụ tất định

Sinh vào nhà Như Lai

Không có các lỗi lầm.

Liền chuyển đạo thế gian

Nhập đạo thượng xuất thế

Là đạt được Địa đầu

Địa này tên Hoan Hỷ.

Trồng căn thiện sâu dày (kệ): Là theo như pháp tu tập các công đức, nên gọi là trồng căn thiện sâu dày.

Căn thiện: Là không tham, không giận, không si. Các pháp thiện đều từ ba thứ này mà có, nên gọi là căn thiện. Các pháp ác cũng phát sinh từ tham, giận, si, nên ba pháp xấu này gọi là căn bất thiện. Trong A-tỳ-đàm đã phân biệt rất nhiều thứ tâm pháp, như trói buộc vào cõi Dục, trói buộc vào cõi Sắc, trói buộc vào cõi Vô sắc và không bị trói buộc, hợp thành mười hai thứ, có tâm tương ưng, có tâm không tương ưng, hợp làm hai mươi bốn thứ. Trong đó, căn thiện vô lậu sau khi tu tập, sẽ chứng quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Sự tu tập của Bồ-tát trong chín Địa còn lại, lúc chưa phát tâm cũng vẫn luôn hành trì. Hoặc trong một tâm có ba, hoặc trong một tâm có sáu, hoặc trong một tâm có chín, hoặc trong một tâm có mười hai. Hoặc chỉ chứa nhóm tâm tương ưng, không chứa nhóm tâm không tương ưng. Hoặc chứa nhóm tâm không tương ưng, không chứa nhóm tâm tương ưng. Hoặc chứa nhóm tâm tương ưng cùng tâm không tương ưng. Hoặc không chứa nhóm tâm tương ưng, tâm không tương ưng. Đó là sự phân biệt các căn thiện, như đã nói rộng trong A-tỳ-đàm. Ở đây, căn thiện là chúng sinh cầu đạo vô thượng và đã hành các pháp thiện, đều gọi là căn thiện, có thể phát sinh Nhất thiết trí, nên gọi là căn thiện.

Khéo hành nơi các hạnh (kệ): Khéo hành gọi là thanh tịnh. Các hạnh gọi là trì giới, theo thứ lớp thực hành trì giới thanh tịnh. Pháp trì giới này cùng với bảy pháp hòa hợp nên gọi là hành thiện. Những gì là bảy? 1. Hổ. 2. Thẹn. 3. Học rộng. 4. Tinh tấn. 5. Niệm. 6. Tuệ. 7. Thọ mạng trong sạch, nghiệp thân, miệng thanh tịnh. Thực hành bảy pháp này, tuân giữ đủ các giới, gọi là khéo hành thiện nơi các hạnh.

Lại nữa, kinh nói: “Các thiền là nơi chốn hành, nên người được thiền gọi là khéo hành nơi các hạnh”. Trong Luận này, không hẳn do thiền mới được phát tâm. Vì sao? Vì khi Phật còn tại thế, vô lượng chúng sinh đều phát tâm đâu cần có thiền.

Lại nữa, hàng bạch y tại gia cũng gọi là khéo hành.

Khéo tích tập tư lương (kệ): Phần trên của kệ đã nói:

Trồng căn thiện sâu dày

Khéo hành nơi các hạnh

Khéo tích tập tư lương

Khéo cúng dường chư Phật.

Tri thức thiện giữ gìn

Đầy đủ tâm sâu xa

Tâm bi nhớ chúng sinh

Tin hiểu pháp vô thượng.

Đó gọi là tư lương.

Lại nữa, hành gốc nơi pháp thiện tất nên tu hành, đấy cũng gọi là của cải cần dùng. Đó là bố thí, nhẫn nhục, ngay thẳng, tâm không dua nịnh, nhu hòa, cùng nương dựa, luôn vui vẻ thuận hợp, bỏ tánh giận dỗi, hoàn toàn không che giấu tội lỗi, không thiên chấp, không ngang bướng, không tranh cãi, không tự thị, không buông lung, bỏ kiêu mạn, bỏ các thứ lập dị, không tự khen mình, nhịn nhẫn trước các việc. Với tâm quyết định, quả cảm lãnh nhận công việc, không buông bỏ việc truyền trao dạy bảo, thiểu dục, tri túc, vui thích đời sống riêng lẻ. Các pháp như vậy, tùy hoàn cảnh hành trì, lần hồi có đầy đủ công đức thù thắng, là pháp vị bền chắc nên gọi là hành gốc. Nếu lìa bỏ những pháp ấy thì không thể đạt được những công đức thắng diệu. Do vậy, pháp hành gốc này và tám pháp hòa hợp là tư lương (hành trang) của Địa thứ nhất.

Khéo cúng dường chư Phật (kệ): Là pháp thường, như Bồ-tát nhiều đời cúng dường chư Phật. Cúng dường có 2 cách: 1. Khéo nghe chánh pháp Đại thừa hoặc rộng, hoặc lược. 2. Cung kính, lễ bái cúng dường bốn thứ cần thiết. Hành đủ 2 pháp cúng dường này, đối với chư Phật gọi là khéo cúng dường chư Phật.

Tri thức thiện (kệ): Bồ-tát tuy có bốn thứ tri thức thiện, trong đấy đã nói là có thể giáo hóa khiến đi vào Đại thừa, đủ các Ba-la-mật, có thể khiến an trụ nơi mười Địa. Đó là chư Phật, Bồ-tát, các Thanh văn, có khả năng chỉ bày giáo hóa tạo lợi ích, hoan hỷ đối với pháp Đại thừa, khiến không thoái chuyển.

Giữ gìn (kệ): Là xót thương dạy bảo, khiến căn thiện thêm lớn. Đó gọi là giữ gìn che chở.

Đầy đủ tâm sâu xa (kệ): Là hâm mộ Phật thừa, thừa Nhất thiết trí, Đại thừa vô thượng. Đó gọi là đầy đủ tâm sâu xa.

Hỏi: Trong Phẩm Hòa Hợp, Bồ-tát Vô Tận Ý nói với Tôn giả Xá-lợi-phất: Hết thảy sự phát tâm hiện có của các Bồ-tát đều gọi là tâm sâu xa chăng?

Từ một Địa đến một Địa khác, nên gọi là tâm hướng đến. Do công đức tăng ích nên gọi là tâm vượt qua. Do tới được sự nghiệp vô thượng nên gọi là tâm thượng đỉnh. Do gồm thâu trong pháp trên hết nên gọi tâm trên hết. Hiện tiền được pháp của chư Phật nên gọi là tâm hiện tiền. Do tập hợp pháp lợi ích nên gọi là tâm duyên. Do thông suốt các pháp nên gọi là tâm độ. Không mỏi mệt với bản nguyện nên gọi là tâm quyết định. Nguyện được viên mãn nên gọi là tâm hỷ. Do chính mình làm xong tất cả sự việc nên gọi là tâm không bè bạn. Do xa lìa tướng hư hoại nên gọi là tâm điều hòa. Do không có việc xấu ác nên gọi là tâm thiện. Tránh xa kẻ ác nên gọi là tâm không xen tạp. Bố thí là trên hết nên gọi là tâm buông bỏ việc khó làm. Cứu vớt kẻ phá giới nên gọi là tâm trì giới khó giữ. Có thể nhận lấy việc thấp kém, thêm điều ác, nên gọi là tâm nhẫn nhục điều khó nhẫn. Chứng Niết-bàn rồi, nhưng có thể xả bỏ, gọi là tâm tinh tấn đối với việc khó. Không ham mê thiền nên gọi là tâm thiền định việc khó. Không thấy chán đủ với căn thiện trợ đạo nên gọi là tâm tuệ đối với khó. Có khả năng làm tất cả sự việc nên gọi là tâm vượt qua các hành. Có trí tuệ, khéo tư duy, nên gọi là tâm xa lìa các thứ kiêu mạn. Làm các sự việc không mong trả ơn, nên gọi là tâm phước điền của hết thảy chúng sinh. Quán xét pháp sâu xa của chư Phật, nên gọi là tâm không sợ hãi. Không bị cản trở nên gọi là tâm tăng trưởng công đức. Luôn phát khởi tinh tấn, nên gọi là tâm vô tận. Có thể gánh vác chuyện quan trọng nên gọi là tâm không sầu muộn.

Lại nữa, nghĩa của tâm sâu xa là luôn nhớ nghĩ đến chúng sinh, hiện bày tâm từ tới khắp tất cả, cúng dường các bậc Hiền thiện, xót thương kẻ ác, tôn kính Sư trưởng, cứu độ người không được ai cứu vớt. Làm nơi nương dựa cho người không nơi nương dựa. Người không có chỗ ở giúp họ có chỗ ở. Người không đạt được cứu cánh, giúp họ hoàn thành. Người không bạn bè, có thể làm bạn với họ. Đối với người có tâm quanh co dối trá, luôn hành tâm ngay thẳng. Đối với người hư hỏng, tâm mình vẫn chính trực. Đối với người dua nịnh, mình vẫn không có tâm đó. Đối với người không biết ơn, luôn hiện tâm biết ơn. Người không biết làm việc, dạy họ làm việc. Hoàn cảnh không lợi ích, luôn hành tác lợi ích. Nơi các chúng sinh hành tà, mình phải hành chính. Đối với người kiêu mạn, mình không hề kiêu mạn. Nơi những người không nghe lời dạy bảo, thì cố gắng dẫn dạy, không nên giận trách. Đối với chúng sinh mắc tội, luôn làm người che chở. Người có lỗi lầm mà không biết lỗi, tùy lúc chỉ dạy, khuyên họ cúng dường phước điền, sau đó giáo hóa dễ hơn. Một lòng tinh tấn sống nơi A-lan-nhã. Không cầu lợi dưỡng, không tiếc mạng sống.

Lại nữa, nếu nội tâm đã thanh tịnh sẽ tránh khỏi mê lầm, dối gạt. Do miệng tạo nghiệp thiện nên không tự khen. Do chế ngự được tâm, nên biết đủ mà dừng, không tỏ uy lực hay dọa nạt. Tâm không cấu uế nên hành nhu hòa. Chứa nhóm căn thiện nên có thể vào chốn sinh tử. Vì các chúng sinh nên nhẫn chịu đủ thứ khổ.

Bồ-tát có những tướng của tâm sâu xa như vậy là không thể cùng tận. Hôm nay, ông chỉ nói có mỗi hành tướng của tâm sâu xa thì e không đủ?

Đáp: Chẳng phải là không đủ. Bồ-tát Vô Tận Ý đã gồm chung hết thảy tướng của tâm sâu xa lại một xứ rồi giảng nói. Nhưng trong đây thì rải ra nơi các Địa, vì đây là Kinh Thập Trụ. Hành tướng của tâm sâu xa được nói riêng nơi từng Địa. Do đó, Bồ-tát phải thuận theo nghĩa của tâm sâu xa trong các Địa, để có thể đạt được tâm ấy ngay trong các Địa ấy.

Nay tôi nói về hai tâm sâu xa trong Địa thứ nhất: 1. Tâm phát nguyện rộng lớn. 2. Tâm ở địa tất định.

Vì vậy nên biết, tùy vào mười Địa mà khéo nói về tâm sâu xa. Ông bảo e khó tránh khỏi thiếu sót, điều ấy là không đúng.

Tâm bi nhớ chúng sinh (kệ): Là Bồ-tát thành tựu lòng xót thương nên gọi là bi. Sao gọi là bi? Vì xót thương chúng sinh luôn cứu giúp những nạn khổ cho họ.

Tin hiểu pháp vô thượng (kệ): Là tín lực thông tỏ nơi pháp của chư Phật.

Phát nguyện: Tôi đã tự độ rồi, Sẽ cứu độ chúng sinh (kệ): Hết thảy pháp của chư Phật là gốc nơi nguyện. Lìa bỏ nguyện thì không thành, nên phải phát nguyện.

Hỏi: Vì sao ông không nói: Tôi sẽ cứu độ chúng sinh, lại nói: Tôi đã tự độ rồi, Sẽ cứu độ chúng sinh?

Đáp: Vì nếu mình chưa tự độ được thì không thể cứu độ kẻ khác. Như người đang chìm sâu trong vũng bùn, thì đâu có thể cứu giúp được ai! Lại nữa, nếu mình đang bị nước cuốn trôi thì không thể vớt kẻ đang chết chìm! Cho nên nói: Tôi tự độ rồi, sẽ cứu độ những người kia. Như kệ nói:

Nếu người tự vượt sợ

Làm chốn nương cho người

Mình còn ngờ, hối tiếc

Người sao nương dựa được?

Nếu mình không hành thiện

Bảo được ai hành thiện?

Nếu mình không vắng lặng

Sao khiến người vắng lặng?

Cho nên, trước hết mình phải khéo tự vắng lặng mới giáo hóa nhiều người. Như kệ Pháp Cú nói:

Nếu tự an thân mình

Tại nơi chốn thiện rồi

Sau đấy an người khác

Và mình cũng được lợi.

Phàm sự việc đều trước là tự lợi, sau mới có thể lợi người. Vì sao? Như kệ nói:

Nếu tự thành lợi mình

Mới tạo lợi cho người

Tự bỏ, muốn lợi tha

Mất lợi, sau hối tiếc.

Cho nên nói: Ta đã tự độ rồi,

Sẽ cứu độ chúng sinh.

Hỏi: Được lợi gì để có thể thành tựu việc này và nhập Địa Tất định? Lại do tâm nào mà phát nguyện như vậy?

Đáp: Phải đạt được mười lực của Phật mới có thể thành tựu sự nghiệp ấy, để nhập Địa Tất định, mới có khả năng phát nguyện này.

Hỏi: Mười lực của Phật là gì?

Đáp: Lực thứ nhất là Phật tất thấu suốt nhân quả của tất cả các pháp. Lực thứ hai là Phật nhận biết rõ như thật về xứ quả báo của nghiệp nơi ba đời. Lực thứ ba là Phật nhận biết rõ như thật về các tướng của thiền định, Tam-muội, phân biệt về tịnh uế, xuất nhập. Lực thứ tư là Phật nhận biết rõ như thật về căn trí lợi, độn của chúng sinh. Lực thứ năm là Phật nhận biết rõ như thật về sở thích không đồng của chúng sinh. Lực thứ sáu là Phật nhận biết rõ như thật về vô số tánh dị biệt của thế gian. Lực thứ bảy là Phật nhận biết rõ như thật về hết thảy nơi chốn đạt đến của đạo. Lực thứ tám là Phật nhận biết rõ như thật về sự việc nơi thọ mạng của đời trước. Lực thứ chín là Phật nhận biết rõ như thật về việc sống chết. Lực thứ mười là Phật nhận biết rõ như thật về việc dứt sạch hết lậu. Đó gọi là mười lực của Phật. Do có mười lực này của Phật nên phát nguyện với tâm lớn lao là vào tụ Tất định.

Hỏi: Có phải ai mới phát tâm đều có tướng như thế chăng?

Đáp: Hoặc có người nói: Mới phát tâm là có tướng như vậy. Nhưng không phải. Vì sao? Việc này cần phân biệt, không nên trả lời quyết định. Vì sao? Vì hết thảy Bồ-tát khi mới phát tâm không phải đều nhập hết nơi Tất định. Hoặc có người khi mới phát tâm tức đã nhập Tất định. Hoặc có người lần lượt tu tập các công đức, như Phật Thích-ca Mâu-ni, khi mới phát tâm không vào Tất định, sau tu tập công đức, gặp được Phật Nhiên Đăng mới được nhập Tất định. Thế nên ông nói: Hết thảy Bồ-tát mới phát tâm đều nhập Tất định, là không đúng.

Hỏi: Nếu cho là không đúng thì vì sao ông nói: Do tâm này mà nhập Tất định?

Đáp: Vì có Bồ-tát mới phát tâm liền nhập Tất định, do tâm này nên có thể đạt được Địa thứ nhất. Nhân nơi trường hợp ấy, nên nói Bồ-tát mới phát tâm là nhập trong Tất định.

Hỏi: Đó là tâm ban đầu của Bồ-tát, còn tâm mới phát khởi của Phật Thích-ca Mâu-ni thì tâm ấy như thế nào?

Đáp: Tâm này không xen lẫn với các phiền não. Tâm này liên tục không tham nơi Thừa khác. Tâm này rất vững bền, các ngoại đạo không thể vượt hơn, quân ma không thể phá hoại. Tâm này luôn có thể tu tập các căn thiện. Tâm này có khả năng nhận biết rõ các pháp hữu vi là vô thường. Tâm này không lay động, có thể gồm thâu các pháp Phật. Tâm này không hề bị che phủ nên lìa các hành tà. Tâm này an trụ, không gì có thể khuynh động. Tâm này không gì có thể so sánh, cũng không trái nhau. Tâm này như kim cang thông đạt các pháp. Tâm này tích tập vô lượng phước đức không cùng tận. Tâm này bình đẳng với tất cả chúng sinh. Tâm này không cao thấp, không sai khác. Tâm ấy thanh tịnh, tánh không cấu nhiễm. Tâm này lìa các thứ uế tạp nên tuệ chiếu sáng. Tâm này không lỗi lầm nên không bỏ tâm sâu xa. Tâm này là tâm từ rộng lớn như hư không. Tâm này là sự thọ nhận lớn lao đối với tất cả chúng sinh. Tâm này không ngại nên trí không bị ngăn che. Tâm này đại bi trùm khắp không bao giờ dứt. Tâm này không dứt nên có thể hồi hướng đúng đắn. Tâm này là nơi chốn hướng về của hết thảy chúng sinh, được người trí khen ngợi. Tâm này đáng được quán xét nên Tiểu thừa chiêm ngưỡng. Tâm này khó thấy, hết thảy chúng sinh không thể thấy. Tâm này khó phá, có thể khéo hội nhập pháp Phật. Tâm này là nơi chốn trụ xứ của tất cả sự an lạc. Tâm này là tư lương của phước đức trang nghiêm. Tâm này lựa chọn tư lương của trí tuệ. Tâm này rất thuần hậu, vì lấy bố thí làm tư lương. Tâm này là đại nguyện vì do trì giới làm tư lương. Tâm này khó hư hoại do nhẫn nhục là tư lương. Tâm này khó vượt hơn, do tinh tấn là tư lương. Tâm này vắng lặng vì thiền định là tư lương. Tâm này không não hại vì trí tuệ làm tư lương. Tâm này không giận dữ vì tâm Từ sâu xa. Tâm này cội rễ bền chắc vì là tâm Bi thâm hậu. Tâm này rất vui thích vì là tâm Hỷ sâu dày. Tâm này không lay động nơi vui khổ do tâm Xả sâu bền. Tâm này luôn được thần lực của chư Phật hộ niệm. Tâm này nối tiếp Tam bảo khiến không đoạn dứt. Với vô lượng công đức như vậy, nên được dùng để trang nghiêm cho tụ Tất định khi mới phát tâm, như đã nói rộng trong Phẩm Vô Tận Ý.

Tâm này không xen lẫn với các phiền não: Nghĩa là sau khi thấy Đế, tư duy đoạn trừ được hai trăm chín mươi bốn thứ phiền não vốn không cùng hòa hợp với tâm, nên gọi là tâm không xen lẫn.

Tâm này liên tục không tham nơi Thừa khác: Là khi mới phát tâm nối tiếp cho đến sau này, vẫn một mực không tham thừa Thanh văn, Phật-bích-chi, chỉ muốn đạt được quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, nên gọi là liên tục không tham Thừa khác.

40 câu luận về tâm như thế: Nên nhận biết.

Hỏi: Ông vừa nói: Tâm này là thường, còn các pháp hữu vi đều là vô thường, như trong Kinh Pháp Ấn viết: “Người tu hành quán xét thế gian là không, hết thảy sự vật không có gì là thường còn, không có gì là không biến đổi, tan hoại”. Vậy thì điều ấy có trái nhau không?

Đáp: Ông đối với nghĩa này không có được lý đúng nên mới nêu vấn nạn ấy. Ở đây không nói tâm là thường, dù miệng nói là thường, nhưng phải hiểu chữ thường có nghĩa là Tất định, do tâm mới sinh thì ắt có khả năng tích tập căn thiện không nghỉ nên gọi là thường.

Sinh vào nhà Như Lai (kệ): Nhà Như Lai tức là nhà Phật. Như Lai: Như nghĩa là thật, Lai nghĩa là đến. Đến nơi chân thật nên gọi là Như Lai. Những gì là chân thật? Đó là Niết-bàn, không hư dối, nên gọi là như thật. Như trong kinh nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo: Thánh đế thứ nhất không có hư dối, là Niết-bàn”.

Lại nữa, Như là tướng không hư hoại, đó là tướng thật của các pháp. Lai là trí tuệ, là đến trong tướng thật, thấu đạt nghĩa của nó, nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, Không, Vô tướng, Vô tác gọi là Như. Chư Phật lại đến nơi ba cửa giải thoát ấy, cũng khiến cho chúng sinh đến được đó, nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, Như là bốn Đế, do Nhất thiết chủng thấy được bốn Đế, nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, Như là sáu pháp Ba-la-mật, đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Do sáu pháp này mà đến được Phật Địa nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, bốn xứ công đức là Đế, Xả, Diệt, Tuệ cũng gọi là Như, do bốn pháp này tức lại đến được Phật Địa nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, hết thảy pháp Phật gọi là Như, do chúng tức lại đến nơi chư Phật nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, hết thảy địa của Bồ-tát: Hoan Hỷ, Tịnh, Minh, Diệm, Nan Thắng, Hiện Tiền, Thâm Viễn, Bất Động, Thiện Tuệ, Pháp Vân đều gọi là Như, các Bồ-tát từ mười Địa này lại đến nơi quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, do tám phần Thánh đạo như thật mà đến nên gọi là Như Lai.

Lại nữa, đủ hai thứ quyền, trí mà thành tựu quả Phật nên gọi là Như Lai. Như ra đi không trở lại nên gọi là Như Lai.

Như Lai đó là mười phương ba đời chư Phật. Nhà của chư Phật gọi là nhà Như Lai. Nay, Bồ-tát ấy hành đạo Như Lai nối nhau không dứt, nên gọi là sinh vào nhà Như Lai. Lại, Bồ-tát ấy tất thành Như Lai nên gọi là sinh vào nhà Như Lai. Ví như sinh vào nhà Chuyển luân Thánh vương có tướng của Chuyển luân Thánh vương người ấy tất là Chuyển luân Thánh vương. Bồ-tát ấy cũng vậy, sinh vào nhà Như Lai, phát tâm như vậy tất sẽ thành Như Lai, nên gọi là sinh vào nhà Như Lai. Có người nói: Nhà Như Lai là bốn xứ công đức: Đế, Xả, Diệt, Tuệ. Các bậc Như Lai cũng từ bốn công đức này sinh ra, nên gọi là nhà Như Lai. Có người cho: “Bát-nhã Ba-la-mật cùng phương tiện là nhà Như Lai”, như trong Kinh Trợ Đạo nói:

Trí độ vô cực: Mẹ

Phương tiện quyền xảo: Cha

Sinh ra nên là cha

Nuôi dưỡng nên là mẹ.

Hết thảy thế gian lấy cha, mẹ làm nhà. Do hai công đức này giống như cha mẹ, nên gọi là nhà.

Có người nói: Pháp thiện và trí tuệ là nhà của chư Phật. Chư Phật sinh ra từ hai pháp này. Hai pháp này là cội rễ của các pháp thiện. Như trong kinh nói: “Hành đầy đủ hai pháp này thì có thể thành tựu chánh pháp. Pháp thiện là cha, trí tuệ là mẹ”. Hai pháp này hòa hợp gọi là nhà của chư Phật. Như kệ nói:

Pháp thiện cha Bồ-tát

Lấy trí tuệ làm mẹ Hết thảy các

Như Lai Sinh từ hai pháp này.

Có người nói: “Tam-muội Ban chu và Đại bi gọi là nhà của chư Phật”. Từ hai pháp này nên các Đức Như Lai xuất hiện ở đời. Trong đó, Tam-muội Ban chu là cha, Đại bi là mẹ.

Lại nữa, Tam-muội Ban chu là cha, pháp Nhẫn vô sinh là mẹ. Như trong Trợ Bồ-đề có nói:

Tam-muội Ban chu: Cha

Đại bi, Vô sinh: Mẹ

Hết thảy các Như Lai

Từ hai pháp này sinh.

Nhà không có lỗi lầm (kệ): Là nhà thanh tịnh. Thanh tịnh nghĩa là sáu pháp Ba-la-mật, bốn xứ công đức, phương tiện, Bát-nhã Bala-mật, pháp thiện, trí tuệ, Tam-muội Ban chu, Đại bi và các Nhẫn, là các pháp thanh tịnh, không có lỗi lầm, nên gọi là nhà thanh tịnh. Bồ-tát ấy dùng các pháp này làm nhà nên không có các lỗi lầm.

Chuyển đổi lỗi lầm, chuyển đổi đạo thế gian để nhập đạo vô thượng xuất thế: Gọi là đạo thế gian tức là nẻo hành trì của hàng phàm phu. Chuyển đổi nghĩa là dừng dứt. Đạo phàm phu tức không thể đưa đến Niết-bàn cứu cánh, chỉ luôn qua lại nơi sinh tử, nên gọi là đạo phàm phu. Xuất thế gian là nhân nơi đạo này tức có thể ra khỏi ba cõi, nên gọi là đạo xuất thế gian.

Thượng: Là tốt đẹp nên gọi là thượng. Nhập: Là chính thức hành đạo nên gọi là nhập

Dùng tâm này nhập nơi Địa thứ nhất nên gọi là Địa Hoan Hỷ.

Hỏi: Sao gọi Địa thứ nhất là Địa Hoan Hỷ?

Đáp:

Như được quả đầu tiên

Cứu cánh đến Niết-bàn

Bồ-tát đạt Địa này

Tâm luôn nhiều Hoan hỷ.

Tự nhiên được tăng trưởng

Hạt giống Phật, Như Lai

Nên những người như vậy

Được gọi là Hiền thiện.

Như được quả đầu tiên: Nghĩa là như người được quả Tu-đàhoàn là đã khéo lấp được cửa của ba đường ác, thấy pháp, hội nhập pháp, chứng đắc pháp, an trụ vững chắc trong pháp, không gì có thể làm nghiêng động, là cứu cánh tới Niết-bàn, đoạn trừ các pháp do kiến đế đoạn trừ nên tâm rất hoan hỷ.

Giả như còn ham ngủ nghỉ, biếng trễ, nên không đến được hai mươi chín Hữu. Ví như đem một sợi lông chia làm trăm sợi nhỏ, lấy một phần trăm sợi lông đó chấm lấy nước nơi biển cả, thì chỉ lấy được hai, ba giọt nước biển. Nỗi khổ đã chấm dứt, ví như nước nơi biển lớn, những thứ khác chưa diệt được, ví như hai, ba giọt nước biển ấy.

Tâm đại hoan hỷ, Bồ-tát như thế là vào Địa thứ nhất, nên gọi là sinh vào nhà Như Lai, tất được sự cung kính cúng dường của hết thảy hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già, các Thiên vương, Phạm vương, Sa-môn, Bà-la-môn cùng tất cả Thanh văn, Phật-bích-chi. Vì sao? Vì ngôi nhà đó không có lỗi lầm, đã chuyển đổi đạo thế gian nhập đạo xuất thế gian. Chỉ ưa thích cung kính Phật nên được bốn xứ công đức, được quả báo là sáu pháp Ba-la-mật đầy đủ pháp vị, không đứt mất hạt giống Phật nên tâm rất Hoan hỷ. Những nỗi khổ khác mà Bồ-tát này hiện có như vài ba giọt nước biển, nghĩa là tuy trăm ngàn ức kiếp mới chứng được đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, cũng còn phải chịu một chút khổ nơi sinh tử vô thỉ, như vài ba giọt nước biển, còn khổ thì đã diệt xong như biển cả. Do vậy nên Địa này gọi là Địa Hoan Hỷ.

HẾT – QUYỂN 1