LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 50

Chương 3: KIỀN ĐỘ TRÍ

Phẩm thứ 2: THA TÂM TRÍ, phần 2

Đã nói về thể tánh của Trí niệm tiền thế (Trí nhớ nghĩ về đời trước). Về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là trí niệm tiền thế?

Đáp: Vì nhớ lại năm ấm của đời trước, nên gọi là trí niệm tiền thế.

Về cõi: Là cõi sắc.

Hỏi: Vì sao trong cõi vô sắc không có trí niệm tiền thế?

Đáp: Vì cõi ấy không phải là nhân của trí kia, cho đến nói rộng.

Lại nữa, trí niệm tiền thế là nhân nơi sắc sinh, còn cõi vô sắc thì không có sắc, nên không có trí ấy.

Về địa: Ở nơi địa của bốn thiền căn bản, không phải trong các biên vô sắc. Vì sao? Vì nếu có xứ định, là đối tượng nương dựa của thông, thì xứ ấy có trí niệm tiền thế. Trong các biên vô sắc, vì không có định là đối tượng nương dựa của thông, nên không có trí kia.

Hỏi: Do địa nào trí niệm tiền thế suy niệm? Do thiền trung gian chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Do nơi thiền thứ nhất.

Lại có thuyết cho: Do nơi thiền thứ hai.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Do nơi thiền thứ nhất. Vì sao? Vì đồng một địa.

Về thân là đối tượng nương dựa: Là dựa vào thân của cõi dục, cõi sắc.

Về hành: Không có đối tượng hành.

Về duyên: Trí niệm tiền thế của thiền thứ nhất nhận biết về năm ấm đời trước của cõi dục cùng năm ấm đời trước của thiền thứ nhất. Cho đến trí ấy của thiền thứ tư nhận biết về năm ấm đời trước của cõi dục cùng năm ấm đời trước của thiền thứ tư. Không nhận biết cõi vô sắc.

Hỏi: Vì sao trí niệm tiền thế không nhận biết cõi vô sắc?

Đáp: Vì trí ấy không nhận biết pháp của địa trên. Nơi thiền thứ nhất không nhận biết năm ấm đời trước của thiền thứ hai. Cho đến nơi thiền thứ ba không nhận biết năm ấm đời trước của thiền thứ tư. Trong cõi vô sắc tức không có trí niệm tiền thế.

Hỏi: Sinh nơi cõi dục, cõi sắc, khởi định vô sắc hiện ở trước, trí niệm tiền thế có thể nhận biết được không?

Đáp: Không nhận biết. Vì sao? Vì như không nhận biết quả thì nhân cũng như thế.

Hỏi: Nếu trí niệm tiền thế không nhận biết cõi vô sắc, thì như nơi kinh Phật nói làm sao thông? Như nói: Đức Thế Tôn đối với vô số các sự việc đời trước ở quá khứ, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, tất cả mọi thứ hình dạng, hoạt động và lời nói đều có thể nhớ biết rõ. Ở đây nói thứ gì là sắc? Thứ gì không phải là sắc?

Đáp: Sắc là Hữu của thời gian trước, không có sắc là Trung hữu.

Hỏi: Nếu như vậy thì Thanh văn cũng có thể nhận biết, đâu có khác gì với Đức Phật?

Lại có thuyết nói: Sắc là cõi dục, cõi sắc. Không có sắc là cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu như vậy thì Đức Thế Tôn làm sao nhận biết cõi vô sắc?

Đáp: Dùng tỷ tướng để nhận biết.

Hỏi: Nếu như vậy thì Thanh văn dùng tỷ tướng cũng có thể nhận biết, so với Đức Phật đâu có khác?

Đáp: Như ngoại đạo quán sự việc của đời trước, nếu nơi cõi dục, cõi sắc không thấy, thì nói là đoạn diệt.

Hàng Thanh văn quán sự việc của đời trước, nếu ở trong cõi dục, cõi sắc, vượt quá hai vạn kiếp không thấy, thì nói là chúng sinh sinh nơi xứ không, nhưng chúng sinh kia hoặc ở nơi địa trên, chưa hết thọ mạng của mình.

Nếu vượt quá bốn vạn kiếp không thấy, thì nói là chúng sinh sinh nơi xứ thức, nhưng chúng sinh ấy, hoặc tái sinh nơi xứ không, hoặc ở nơi địa trên, chưa hết thọ mạng của mình.

Nếu vượt quá sáu vạn kiếp không thấy, thì nói là chúng sinh sinh nơi xứ vô sở hữu, nhưng chúng sinh kia, hoặc ba lần sinh nơi xứ không, hoặc một lần sinh, nửa lần sinh nơi xứ thức, hoặc ở nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng, chưa hết thọ mạng của mình.

Nếu vượt quá tám vạn kiếp không thấy, thì nói là chúng sinh sinh nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng, nhưng chúng sinh kia, hoặc bốn lần sinh nơi xứ không, hai lần sinh nơi xứ thức, một lần sinh, nửa lần sinh nơi xứ vô sở hữu.

Đức Thế Tôn nếu khi muốn quán cõi vô sắc, hoặc chúng sinh ở trong cõi dục, cõi sắc mạng chung, thì quán chúng sinh kia khi chết, tâm nhận biết là chúng sinh sinh nơi xứ không, là chúng sinh sinh nơi xứ thức, là chúng sinh sinh nơi xứ vô sở hữu, là chúng sinh sinh nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng, là chúng sinh hết thọ mạng của mình, là chúng sinh không hết thọ mạng của mình.

Nếu chúng sinh ở nơi cõi vô sắc mạng chung, sinh nơi cõi dục, cõi sắc, thì quán khi sinh, tâm nhận biết là chúng sinh từ nơi xứ không chết, cho đến từ nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng chết, là chúng sinh đã hết thọ mạng của mình, là chúng sinh không hết thọ mạng của mình.

Trí tỷ tướng của ngoại đạo thấy là đoạn diệt. Trí tỷ tướng của Thanh văn, về đối tượng nhận biết, hoặc như sự việc ấy, hoặc không như sự việc ấy. Trí tỷ tướng của Đức Phật – Thế Tôn sáng sạch, tốt đẹp, đều như sự việc ấy, không có hư dối.

Về niệm xứ: Là duyên chung nơi pháp niệm xứ.

Tôn giả Cù-sa nói: Là bốn niệm xứ. Như đã nói nhớ nghĩ về sự việc vui khổ của đời trước, nếu nhớ nghĩ về khổ vui, há không phải là thọ niệm xứ chăng? Đáp: Về thời gian của đời trước, hoặc từng được vui đã cần đủ, khổ đã cần đủ, do nhớ nghĩ về sự việc ấy nên nói như thế, nhưng thật ra là duyên chung nơi pháp niệm xứ.

Về trí: Là đẳng trí.

Tôn giả Cù-sa nói: Là sáu trí, trừ tha tâm trí, diệt trí. Sở dĩ trừ tha tâm trí là do duyên nơi hiện tại. Sở dĩ trừ diệt trí vì diệt trí duyên nơi vô vi.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết như thế này: Là một đẳng trí.

Về tam muội: Không cùng với tam muội tương ưng.

Về căn: Cùng tương ưng chung với ba căn.

Về đời: Là ở ba đời.

Duyên nơi ba đời: Quá khứ, hiện tại thì duyên nơi quá khứ. Vị lai thì duyên nơi ba đời.

Thiện, bất thiện, vô ký: Là thiện.

Duyên nơi thiện, bất thiện, vô ký: Là duyên nơi ba thứ.

Hệ thuộc ba cõi: Là hệ thuộc cõi sắc.

Duyên nơi hệ thuộc ba cõi: Là duyên nơi cõi dục, cõi sắc.

Là học, vô học, phi học phi vô học: Là phi học phi vô học.

Duyên nơi học, vô học, phi học phi vô học: Là duyên nơi phi học phi vô học.

Do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn: Là do tu đạo đoạn.

Duyên nơi kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn: Là duyên nơi kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn.

Duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa: Là duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa.

Duyên nơi thân mình, thân người khác, không phải thân: Là duyên nơi thân mình, thân người khác.

Lìa dục đắc, phương tiện đắc: Là lìa dục đắc. Cũng có khi dùng phương tiện lìa dục, được phương tiện khởi hiện ở trước.

Nơi thiền thứ nhất lìa dục của cõi dục, đắc, cho đến thiền thứ tư lìa dục của ba thiền, đắc.

Thánh nhân, phàm phu của pháp Phật đắc vốn từng được, chưa từng được về trí niệm tiền thế. Phàm phu của ngoại đạo đắc vốn từng được trí niệm tiền thế. Lúc lìa dục được phương tiện khởi hiện ở trước. Đức Phật không dùng phương tiện khởi hiện ở trước. Phậtbích-chi dùng phương tiện bậc hạ. Thanh văn hoặc dùng phương tiện bậc trung, hoặc dùng phương tiện bậc thượng.

Hỏi: Phương tiện của trí niệm tiền thế là thế nào?

Đáp: Như Luận Thi Thiết nói: Hành đầu tiên cho người mới nhập pháp, là theo thứ lớp nhận lấy tướng của ý thức diệt trước, nhớ nghĩ lại tướng đã nhận biết. Lại nhận lấy tướng của ý thức đã diệt từ lâu.

Hỏi: Nhận lấy tướng của ý thức đã diệt từ lâu, là dùng thời gian hay là dùng sát-na?

Đáp: Là dùng thời gian. Nếu dùng sát-na thì không thể nhớ nghĩ được một nửa liền chết, có thể là phương tiện nhưng không có đầy đủ. Nhận lấy tướng của thời sinh lão này, là nhớ nghĩ về các sự việc đã nhận lấy. Tiếp theo nhận lấy tướng của thời trung niên. Tiếp nữa là nhận lấy tướng của thời kỳ thiếu niên. Tiếp theo là nhận lấy tướng của thời nhi đồng, nhận lấy tướng của thời hài nhi. Theo thứ lớp nhận lấy tướng của thời Ba-xa-khư, nhận lấy tướng của thời Kiện-na, thời Ty-thi, thời A-phù-đà, thời Ca-la-la, nhớ nghĩ về các sự việc đã nhận biết. Tiếp theo nhận lấy tướng của tâm khi sắp vào thai mẹ, nhớ nghĩ về các sự việc đã nhận biết. Đó gọi là trí niệm tiền thế đầy đủ.

Không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì trung hữu chết giữa chừng, tiếp theo là trung hữu vào thai mẹ, tức thuộc về đời này.

Lời bình: Nên nói như thế này: Nếu có thể nhớ nghĩ, nhận biết về một sát-na sau cùng lúc chết của đời trước, đó gọi là trí niệm tiền thế đầy đủ.

Hỏi: Khi muốn tu trí niệm tiền thế, thì duyên nơi thân mình hay là duyên nơi thân người khác?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Duyên nơi thân mình.

Hỏi: Nếu như vậy thì người mạng chung ở cõi vô sắc tức không thể như thế?

Đáp: Lại có thuyết cho: Duyên nơi thân người khác.

Lời bình: Nên lập ra thuyết này: Duyên nơi thân mình và cũng duyên nơi thân người khác. Duyên nơi thân mình tạo ra phương tiện, nếu tự thấy người từ nơi cõi vô sắc mạng chung, thì duyên nơi thân người khác khiến được đầy đủ. Nếu duyên nơi thân người khác tạo phương tiện, thấy người khác từ nơi cõi vô sắc mạng chung, thì duyên nơi thân mình, khiến được đầy đủ. Thế nên, duyên nơi thân mình, duyên nơi thân người khác, để tu trí niệm tiền thế, khiến được đầy đủ.

Hỏi: Trí niệm tiền thế là nhớ nghĩ những việc mình đã từng trải qua, hay là nhớ nghĩ những việc mình chưa từng trải qua?

Đáp: Nhớ nghĩ những sự việc đã từng trải qua.

Hỏi: Nếu như vậy thì không có sự việc nhớ nghĩ sinh nơi cõi trời Tịnh cư. Vì sao? Vì không có người từng sinh nơi cõi trời Tịnh cư?

Đáp: Từng trải qua có hai thứ: Là hoặc thấy, hoặc nghe. Xứ trời Tịnh cư tuy không từng thấy nhưng vẫn từng được nghe.

Hỏi: Là nhân nơi cõi dục sinh trí này, hay là nhân nơi cõi sắc sinh trí này?

Đáp: Cũng nhân nơi cõi dục, cũng nhân nơi cõi sắc. Hoặc có người nhân nơi cõi dục tạo ra phương tiện, ở nơi cõi sắc được đầy đủ. Hoặc có người nhân nơi cõi sắc tạo ra phương tiện, ở nơi cõi dục được đầy đủ. Hoặc có người nhân nơi cõi dục tạo ra phương tiện, ở nơi cõi dục được đầy đủ. Hoặc có người nhân nơi cõi sắc tạo ra phương tiện, ở nơi cõi sắc được đầy đủ.

Nhân nơi cõi dục tạo ra phương tiện, ở nơi cõi sắc được đầy đủ: Là cùng với tánh ác khó ở chung. Chúng sinh cùng ở nơi một xứ, khởi suy nghĩ như vầy: Như tánh ác ấy là khó ở chung. Chúng sinh đều là người mạng chung ở cõi dục. Quan sát về thời gian này chính là người mạng chung ở cõi sắc.

Nhân nơi cõi sắc tạo ra phương tiện, ở nơi cõi dục được đầy đủ: Là cùng với tánh thiện dễ có thể ở chung. Chúng sinh cùng ở nơi một xứ, khởi suy nghĩ như vầy: Như tánh thiện ấy là dễ có thể ở chung. Chúng sinh đều là người mạng chung ở cõi sắc. Quan sát về thời gian này chính là người mạng chung ở cõi dục.

Nhân nơi cõi dục tạo ra phương tiện, ở nơi cõi dục được đầy đủ: Là cùng với tánh ác khó ở chung. Chúng sinh cùng ở nơi một xứ, khởi suy nghĩ thế này: Như tánh ác ấy là khó ở chung. Chúng sinh tất mạng chung ở nơi cõi dục. Quan sát về thời gian này chính là người mạng chung ở cõi dục.

Nhân nơi cõi sắc tạo ra phương tiện, ở nơi cõi sắc được đầy đủ: Là cùng với tánh thiện dễ có thể ở chung. Chúng sinh cùng ở nơi một xứ, khởi suy nghĩ thế này: Như tánh thiện ấy là dễ có thể ở chung. Chúng sinh tất mạng chung ở nơi cõi sắc. Quan sát về thời gian này chính là người mạng chung ở cõi sắc.

Hỏi: Là quán về mỗi mỗi đời hay là quán về nhiều đời?

Đáp: Khi mới học là quán mỗi mỗi đời. Lúc đầy đủ thì quán trăm ngàn vạn đời. Đức Thế Tôn khi mới học, tức có thể quán trăm ngàn vạn đời.

Hỏi: Là có thể bỏ qua trăm ngàn vạn đời để quán trăm ngàn vạn đời lâu xa chăng?

Đáp: Mới học thì không thể. Sau khi đầy đủ thì có thể. Đức Thế Tôn khi mới học là có thể bỏ qua trăm ngàn vạn đời để quán trăm ngàn vạn đời lâu xa.

Hỏi: Theo thứ lớp quán về đời trước, cho đến thời gian lâu xa. Nếu khi muốn dừng lại đều trở lại theo thứ lớp để dừng, hay là dừng lại cùng một lúc?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Trở lại theo thứ lớp để dừng.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Tùy ý quán, cũng tùy ý dừng lại.

Hỏi: Theo thứ lớp quán về đời trước, trải qua thời gian lâu xa, bỏ rồi tức có thể quán đời vị lai chăng?

Đáp: Chỉ Đức Phật – Thế Tôn là có thể, chẳng phải là người khác. Vì sao? Vì trí quán về đời trước của Đức Phật – Thế Tôn theo thứ lớp có thể xuất sinh trí quán vị lai. Trí quán vị lai theo thứ lớp có thể sinh trí quán đời trước, không dùng phương tiện, tất cả công đức đều hiện ở trước.

Hỏi: Ở trong một sát-na có thể quán bao nhiêu đời?

Đáp: Có thể quán một đời. Vì sao nhận biết được? Như trong Tỳ-ni nói: Tôn giả Thâu-tỳ-đa nói như thế này: Trong khoảnh khắc một phát ý, tôi có thể nhớ nghĩ về sự việc trong năm trăm đời quá khứ.

Các Tỳ-kheo đều nói: Nên xua đuổi vị Tỳ-kheo ấy. Vì sao? Vì tự xưng là đạt được sự việc, không thể có như thế, vì vượt quá pháp của con người.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Không nên xua đuổi Tỳ-kheo ấy. Vì sao? Vì Tỳ-kheo ấy từ nơi trời Vô tưởng sinh đến thế gian này. Thọ mạng của trời Vô tưởng trải qua năm trăm kiếp, nên khi nhớ nghĩ lại sự việc của một đời thì nói là năm trăm đời.

Hỏi: Ở trong khoảnh một lúc có thể quán bao nhiêu nẻo?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Có thể quán một nẻo.

Lại có thuyết cho: Có thể quán hai nẻo là nẻo địa ngục, súc sinh. Hoặc nẻo súc sinh, ngạ quỷ. Hoặc nẻo súc sinh, trời. Hoặc nẻo súc sinh, người. Hoặc khi quán Chuyển Luân Vương, tức nhớ nghĩ về ba nẻo: Là nẻo người, súc sinh, ngạ quỷ. Nẻo người: Là vua và quan thuộc. Nẻo súc sinh: Là voi, ngựa. Nẻo ngạ quỷ: Là quỷ thần thọ nhận sự cúng tế và các thần như chuyển luân v.v… Nếu khi quán vua Đảnh sinh, tức nhớ nghĩ đến bốn nẻo: Nẻo súc sinh là voi, ngựa.

Nẻo ngạ quỷ là quỷ thần thọ nhận sự cúng tế. Nẻo trời là Đế thích và quyến thuộc. Nẻo người là vua Đảnh sinh và quyến thuộc.

Không có sự việc này, vì để phân biệt nên nói như thế. Nếu khiến năm nẻo cùng ở tại một xứ, thì vào một lúc có thể nhớ nghĩ đến năm nẻo.

Kinh Phật nói: Phái Thường Kiến cho: Nhớ nghĩ về các sự việc đời trước có ba thứ: (1) Có thể nhớ nghĩ về các sự việc trong hai vạn kiếp. (2) Có thể nhớ nghĩ về các sự việc trong bốn vạn kiếp. (3) Có thể nhớ nghĩ về các sự việc trong sáu vạn kiếp.

Hỏi: Do những yếu tố nào khiến phái Thường Kiến cho là có thể nhớ nghĩ về các sự việc trong hai vạn kiếp, bốn vạn kiếp, sáu vạn kiếp?

Đáp: Phái Thường Kiến cho căn có thượng, trung, hạ. Hạ: Là có thể nhớ nghĩ về các sự việc trong hai vạn kiếp. Trung: Là có thể nhớ nghĩ về các sự việc trong bốn vạn kiếp. Thượng: Là có thể nhớ nghĩ về các sự việc trong sáu vạn kiếp.

Lại nữa, còn có nhớ nghĩ về kiếp lửa, nước, gió hủy hoại. Nhớ nghĩ về kiếp lửa hủy hoại thì có thể nhớ nghĩ về các sự việc nơi hai vạn kiếp. Nhớ nghĩ về kiếp nước hủy hoại thì có thể nhớ nghĩ về các sự việc nơi bốn vạn kiếp. Nhớ nghĩ về kiếp gió hủy hoại thì có thể nhớ nghĩ về các sự việc nơi sáu vạn kiếp.

Lại nữa, còn có nhớ nghĩ về các căn hỷ, lạc, xả lúc hủy hoại. Nhớ nghĩ về sự hủy hoại của hỷ căn là hai vạn kiếp. Nhớ nghĩ về sự hủy hoại của lạc căn là bốn vạn kiếp. Nhớ nghĩ về sự hủy hoại của xả căn là sáu vạn kiếp.

Lại nữa, hoặc là tánh của Thanh văn, hoặc là tánh của Phậtbích-chi, hoặc là tánh của Phật. Tánh của Thanh văn nhớ nghĩ hai vạn kiếp. Tánh của Phật-bích-chi nhớ nghĩ bốn vạn kiếp. Tánh của Phật nhớ nghĩ sáu vạn kiếp.

Hỏi: Nếu là tha tâm trí thì đều nhận biết tâm tâm số pháp của người khác chăng?

Đáp: Hoặc là tha tâm trí không nhận biết tâm tâm số pháp của người khác. Cho đến nói rộng làm bốn trường hợp:

1. Là tha tâm trí nhưng không nhận biết tâm tâm số pháp của người khác: Là tha tâm trí ở quá khứ, vị lai, có tướng như thế nhưng không nhận biết tâm tâm số pháp của người khác. Vì sao? Vì đối tượng tạo tác của quá khứ là đã xong. Vị lai thì chưa có đối tượng tạo tác.

2. Nhận biết tâm tâm số pháp của người khác nhưng không phải là tha tâm trí: Là như có một người: Hoặc do tướng nên nhận biết. Hoặc nghe giọng nói của người kia. Hoặc do xứ sinh đạt được, trí như thế nên có thể nhận biết.

Hỏi: Ai là có thể dùng tướng để nhận biết?

Đáp: Con người là có thể.

Từng nghe: Thích tử Bạt-nan-đà đi đến nhà của một Ưu-bà-tắc, thấy bên cạnh cổng nhà ấy có buộc một con nghé màu sắc lang lổ.

Bấy giờ, Thích tử Bạt-nan-đà nói với Ưu-bà-tắc: Nghé con buộc bên cổng nhà ông màu sắc lang lổ rất đẹp. Nếu dùng da nó để làm phụ cụ thì rất tốt.

Ưu-bà-tắc nghe nói như thế bèn nghĩ: Vị Tỳ-kheo này muốn có được tấm da của nghé con để làm phụ cụ. Tức thì giết nghé, lấy da cho Tỳ-kheo. Thích tử Bạt-nan-đà cầm tấm da nghé kia đi đến Kỳ Hoàn, bò mẹ rống vang rồi chạy theo ông.

Sự việc như thế v.v…, gọi là do tướng để nhận biết.

Hỏi: Ai là nghe tiếng nói có thể nhận biết?

Đáp: Từng nghe: Có một vị cư sĩ mặc y phục mới đi đến Tinh xá Kỳ Hoàn. Thích tử Bạt-nan-đà trông thấy, liền nói với cư sĩ: Lành thay, cư sĩ! Áo ông đang mặc có thể may thành Tăng-già-lê, Uất-đala-tăng, An-đà-hội, hoặc dùng làm phu cụ thì thích hợp. Bấy giờ, cư sĩ suy nghĩ: Vị Tỳ-kheo này muốn được chiếc áo của ta. Liền cởi áo đem cho Tỳ-kheo.

Lại có thuyết cho: Nghe tiếng nói có thể nhận biết, tức là do tướng để nhận biết. Văn kinh nên nói như thế này: Hoặc do tướng để nhận biết, hoặc do bói toán để nhận biết tâm tâm số pháp của người khác. Do tướng để nhận biết, như trước đã nói. Do bói toán để nhận biết, như các ngoại đạo. Hoặc do chỉ rõ điều lạ. Hoặc do xúc chạm nơi các vật dụng, y phục. Hoặc dùng toán số. Hoặc nhận lấy ngược lại hình tướng nên có thể nhận biết tâm tâm số pháp của người khác.

Hỏi: Ai là do nơi xứ sinh có thể nhận biết?

Đáp: Là chúng sinh nơi địa ngục, nhưng không có tên gọi nhất định.

Hỏi: Trí do nơi xứ sinh đạt được, là lúc sinh có thể nhận biết, hay nơi thời gian giữa có thể nhận biết, hoặc nơi thời gian sau có thể nhận biết?

Đáp: Là mới sinh chưa thọ nhận khổ nên có thể nhận biết. Về sau, lúc đã thọ nhận khổ, cũng không thể nhận biết được tự tâm, huống chi là tâm người khác.

Hỏi: Là lúc trụ nơi tâm thiện tức có thể nhận biết, hay là lúc trụ nơi tâm nhiễm ô, tâm vô ký tức có thể nhận biết?

Đáp: Trụ nơi ba thứ tâm đều có thể nhận biết.

Hỏi: Là trụ nơi ý thức hay là trụ nơi năm thức thân tức có thể nhận biết?

Đáp: Trụ nơi ý thức tức có thể nhận biết, không phải là năm thức thân.

Hỏi: Là trụ nơi tâm oai nghi, là trụ nơi công xảo, hay là trụ nơi tâm báo?

Đáp: Trụ nơi tâm oai nghi, không phải là công xảo, tâm báo. Vì sao? Vì chúng sinh kia không có công xảo nên không có tâm báo, vì tâm báo ở nơi năm thức.

Hàng súc sinh cũng có khả năng nhận biết tâm tâm số pháp của người khác.

Từng nghe: Có một người nữ đem đứa con nhỏ đặt ở một xứ, vì có việc cần phải đi đến chỗ khác. Có một con chó sói chạy đến tha đứa bé chạy đi. Lúc này, người trông thấy, nói: Vì sao sói lại tha con của bà ấy? Chó sói đáp: Vì mẹ của đứa bé này thường ăn thịt con của tôi, nên nay tôi trở lại ăn thịt con của bà. Nếu như bà ấy có thể dứt bỏ tâm oán thù, thì tôi cũng dứt bỏ. Người này nói với mẹ đứa bé: Bà có thể dứt bỏ tâm oán thù không? Người nữ đáp: Nay tôi đã dứt bỏ. Khi ấy, chó sói quán tâm của người nữ, nhận biết là không bỏ, chỉ ngoài miệng nói bỏ thôi. Sói liền giết đứa con của bà ta rồi bỏ đi.

Hỏi: Súc sinh là vào lúc sinh nhận biết, hay là nơi thời gian giữa nhận biết, hay là nơi thời gian sau nhận biết?

Đáp: Là cả ba thời gian đều nhận biết.

Hỏi: Trụ nơi tâm thiện, tâm nhiễm ô, tâm vô ký không ẩn mất để nhận biết chăng?

Đáp: Là trụ nơi cả ba thứ tâm đều có thể nhận biết.

Hỏi: Trụ nơi ý thức hay là trụ nơi năm thức thân để nhận biết?

Đáp: Là trụ nơi ý thức nhận biết, không phải là trụ nơi năm thức thân.

Hỏi: Trụ nơi oai nghi, công xảo hay nơi tâm báo để nhận biết?

Đáp: Là trụ nơi ba thứ đều có thể nhận biết.

Hàng ngạ quỷ cũng có khả năng nhận biết tâm tâm số pháp của người khác.

Từng nghe: Có quỷ nhập trong thân một người con gái. Thầy dùng chú thuật hỏi quỷ: Vì sao quỷ gây xúc não cho người con gái kia? Quỷ đáp: Người con gái này trong năm trăm đời đã gây thù oán với tôi, thường đoạn dứt mạng tôi. Tôi cũng đoạn dứt mạng của cô ta. Nếu cô ta có thể từ bỏ tâm oán hận thì tôi cũng từ bỏ. Bấy giờ, thầy chú thuật hỏi cô gái có thể từ bỏ tâm oán thù không? Cô gái đáp: Tôi nay đã từ bỏ. Quỷ quán sát tâm của cô gái, tuy ngoài miệng nói là bỏ, nhưng tâm oán hận không bỏ. Liền đoạn dứt mạng sống của cô gái rồi bỏ đi.

Hỏi: Là lúc sinh nhận biết, hay nơi thời gian giữa, hoặc vào thời gian sau nhận biết?

Đáp: Cả ba thời gian đều nhận biết.

Hỏi: Trụ nơi tâm thiện, tâm nhiễm ô, hay tâm vô ký không ẩn mất để nhận biết?

Đáp: Là trụ nơi ba thứ tâm đều có thể nhận biết.

Hỏi: Trụ nơi ý thức nhận biết hay trụ nơi năm thức nhận biết?

Đáp: Là trụ nơi ý thức nhận biết.

Hỏi: Trụ nơi oai nghi, công xảo, hay tâm báo để nhận biết?

Đáp: Là trụ nơi ba thứ đều nhận biết.

Trong cảnh trời cũng có trí do xứ sinh đạt được có thể nhận biết tâm tâm số pháp của người khác, nhưng không có tên gọi nhất định. Thời gian đầu, giữa, sau nhận biết, nói rộng như nơi nẻo súc sinh, ngạ quỷ. Ngoài ra, nói rộng như nơi Kiền Độ Tạp.

3. Là tha tâm trí cũng nhận biết tâm tâm số pháp của người khác: Là nếu trí là tu, là quả của tu, từ nơi tu sinh, được rồi không mất, thì trí này hiện ở trước nhận biết tâm tâm số pháp của chúng sinh cõi dục, cõi sắc cùng tâm tâm số pháp vô lậu.

4. Không phải là tha tâm trí cũng không phải là nhận biết tâm tâm số pháp của người khác: Là trừ từng ấy sự việc trên.

Trừ từng ấy sự việc trên, như trước đã nói rộng. Hành ấm tạo thành bốn trường hợp này. Ở đây đều nói tha tâm trí của quá khứ, vị lai, hiện tại và trí của hiện tướng. Trí nghe người khác nói, trí sinh đắc tạo thành ba trường hợp trước. Ngoài ra, hành ấm, bốn ấm tương ưng, không tương ưng và pháp vô vi tạo thành trường hợp thứ tư. Đó gọi là trừ từng ấy sự việc trên.

Nếu là trí niệm tiền thế thì đều nhận biết vô số sự sinh của đời trước chăng? Cho đến nói rộng làm bốn trường hợp:

1. Là trí niệm tiền thế nhưng không nhận biết vô số sự sinh của đời trước: Là trí niệm tiền thế ở quá khứ, vị lai, có tướng của trí niệm tiền thế, nhưng không nhận biết vô số sự sinh của đời trước. Vì sao? Vì đối tượng tạo tác của quá khứ là đã xong. Ở vị lai thì chưa có đối tượng tạo tác.

2. Nhận biết vô số sự sinh của đời trước nhưng không phải là trí niệm tiền thế: Là như có một người: Có trí tự tánh niệm sinh. Có trí do xứ sinh đạt được.

Ai là có trí tự tánh niệm sinh?

Đáp: Con người có.

Ai là có trí do xứ sinh đạt được?

Đáp: Chúng sinh nơi địa ngục. Như kinh nói: Chúng sinh nơi địa ngục nói như thế này: Các Sa-môn, Bà-la-môn nhận thấy tham dục là lỗi lầm tai hại ở vị lai, nên đã vì chúng ta giảng nói pháp, phải nên đoạn trừ dục. Chúng ta đã không nghe theo lời giảng nói của chư vị ấy. Do nhân duyên tham dục nên nay phải thọ nhận quả báo thống khổ.

Hỏi: Chúng sinh nơi địa ngục là thời gian đầu nhận biết, hay là thời gian giữa, hoặc là thời gian sau nhận biết?

Đáp: Thời gian đầu nhận biết, không phải là giữa, sau. Vì như khi chưa thọ nhận khổ thì nhận biết. Lúc đã thọ nhận khổ, theo thứ lớp pháp nơi diệt trước đây cũng hãy còn không nhận biết, huống chi là pháp đã diệt trong thời gian lâu xa. Ngoài ra, nói rộng như nơi xứ tha tâm trí.

Súc sinh cũng có trí do xứ sinh đạt được. Như kinh nói: Nếu ông là cha ta, là Đô Đề chăng, thì có thể bước lên tòa này. Nói rộng như nơi Kiền Độ Tạp.

Hỏi: Là thời gian đầu nhận biết, hay là thời gian giữa, hoặc thời gian sau nhận biết?

Đáp: Thời gian đầu nhận biết. Thời điểm giữa, sau cũng nhận biết. Nói rộng như nơi xứ tha tâm trí.

Ngạ quỷ cũng có trí do xứ sinh đạt được. Như kệ nói:

Ta tự chứa của cải

Do pháp và phi pháp

Nay người khác nhận vui

Nhưng ta chịu khổ não.

Hỏi: Là thời gian đầu nhận biết, hay là thời gian giữa, hoặc thời gian sau nhận biết?

Đáp: Thời gian đầu giữa sau đều nhận biết. Nói rộng như nơi xứ tha tâm trí.

Cảnh trời cũng có trí do xứ sinh đạt được. Như kệ nói:

Rừng Kỳ-đà hôm nay

Nơi Hiền Thánh Tăng trụ

Pháp vương cũng ở đó

Tâm ta rất hoan hỷ.

Hỏi: Là thời gian đầu nhận biết hay là thời gian giữa, sau nhận biết?

Đáp: Thời gian đầu, giữa, sau đều nhận biết. Nói rộng như nơi xứ tha tâm trí.

Hỏi: Vì sao trong loài người không có trí do xứ sinh đạt được?

Đáp: Vì nẻo người không phải là nhân của trí ấy, nói rộng như trên.

Lại nữa, vì bị trí niệm sinh che lấp.

Lại nữa, trong loài người tuy không có trí do xứ sinh đạt được, nhưng có trí niệm tiền thế, trí nguyện đều là thắng diệu.

3. Là trí niệm tiền thế cũng là nhận biết vô số sự sinh của đời trước: Tức nếu trí là tu, là quả của tu, từ tu sinh, được rồi không mất, do trí này nên đã nhớ nghĩ vô số sự sinh của đời trước, có tướng mạo như thế.

4. Không phải là trí niệm tiền thế cũng không phải là nhận biết vô số sự sinh của đời trước: Là trừ từng ấy sự việc trên.

Trừ từng ấy sự việc trên, nói rộng như trước. Ở đây hành ấm tạo thành bốn trường hợp. Trí niệm tiền thế của ba đời và trí niệm sinh hiện tại, trí do xứ sinh đạt được tạo thành ba trường hợp trước. Ngoài ra, hành ấm, bốn ấm tương ưng, không tương ưng và pháp vô vi tạo thành trường hợp thứ tư. Đó gọi là trừ từng ấy sự việc trên.

Nếu là trí niệm tiền thế thì cũng nhận biết ấm, giới, nhập và tâm của người khác trong quá khứ chăng? Cho đến nói rộng làm bốn trường hợp:

Trường hợp 1: Là trí niệm tiền thế tự duyên.

Trường hợp 2: Là phương tiện của nguyện trí duyên nơi người khác.

Trường hợp 3: Là trí niệm tiền thế duyên nơi người khác.

Trường hợp 4: Là phương tiện của nguyện trí tự duyên.

Bốn trường hợp này là tóm tắt về Tỳ-bà-sa.

Là trí niệm tiền thế nhưng không nhận biết ấm, giới, nhập và tâm của người khác trong quá khứ: Nếu trí là tu, là quả của tu, từ tu sinh, được rồi không mất, do trí này nhớ nghĩ về đời trước, sinh ra ấm, giới, nhập và tâm của chính mình. Đó là nói trí niệm tiền thế tự duyên.

Nhận biết ấm giới nhập và tâm của người khác trong quá khứ nhưng không phải là trí niệm tiền thế: Nếu trí là tu, cho đến nói rộng. Do trí này nên nhận biết ấm giới nhập và tâm trong quá khứ cùng đời này của người khác. Đó là nói phương tiện của nguyện trí duyên nơi người khác.

Là trí niệm tiền thế cũng nhận biết ấm, giới, nhập và tâm của người khác trong quá khứ: Nếu trí là tu, cho đến nói rộng. Do trí này nên nhận biết ấm giới nhập và tâm của người khác trong quá khứ của đời trước. Đó là nói trí niệm tiền thế duyên nơi người khác.

Không phải là trí niệm tiền thế cũng không nhận biết ấm, giới, nhập và tâm của người khác trong quá khứ: Nếu trí là tu, cho đến nói rộng. Do trí này nên nhận biết ấm giới nhập và tâm của thân mình trong quá khứ cùng đời này. Đó là nói phương tiện của nguyện trí tự duyên.

HẾT – QUYỂN 50