LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 54

Chương 3: KIỀN ĐỘ TRÍ

Phẩm thứ 2: THA TÂM TRÍ, phần 6

Kinh Phật nói: Đức Phật bảo Tỳ-kheo: Nếu có chúng sinh có thể tin ưa pháp do các ông giảng nói, các ông nên đem tâm từ bi vì họ giảng nói bốn pháp tịnh không hoại, khiến họ an trụ để tu tập pháp này. Nói rộng như nơi Khế kinh.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn giảng nói kinh này?

Đáp: Đức Thế Tôn muốn vì người thuyết pháp, chỉ bày rõ về duyên nơi pháp nên nghe. Người thuyết pháp do không biết nên vì ai giảng nói, vì ai không nên giảng nói, nên dễ sinh tâm lo sợ. Đức Phật chỉ rõ: Các ông không nên xem nhẹ đối tượng cần được giảng nói. Nếu chúng sinh nào có thể tin ưa pháp do các ông giảng nói, thì mới có thể vì họ giảng nói.

Lại nữa, vì muốn nêu bày về pháp báo ân, nên Đức Phật giảng nói kinh này. Kinh nói: Phật bảo Tỳ-kheo: Nếu người ở trong trăm năm, một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, từ nơi này đi đến chốn khác, cũng không gọi là báo ân cha mẹ. Phật bảo Tỳ-kheo: Nếu như cha mẹ không tin nơi chánh pháp, thì chỉ dẫn khiến tin. Cha mẹ không giới, thì vì cha mẹ giảng nói giới thiện. Cha mẹ có tánh keo kiệt, thì chỉ dẫn khiến bố thí. Cha mẹ không có tuệ, thì chỉ dẫn khiến tu tuệ. Như vậy mới gọi là báo ân cha mẹ.

Hỏi: Trong pháp của chư Phật, pháp thiện hiện có đều nên đem giáo hóa cho con người. Vì sao chỉ riêng nói giáo hóa bốn tịnh không hoại?

Đáp: Tôn giả Ba-xa nói: Ở đây Thánh đạo do Đức Thế Tôn giảng nói gọi là pháp tịnh không hoại. Tất cả Thánh đạo hoặc là pháp tương ưng, hoặc là pháp cùng có. Nếu nói tín, tức là nói Thánh đạo của pháp tương ưng. Nếu nói giới, tức là nói Thánh đạo của pháp cùng có.

Lại nữa, đây là nói tóm tắt về môn đầu tiên cho hạng mới nhập pháp. Hết thảy pháp thiện hiện có của pháp Phật, hoặc là sắc, hoặc là không phải sắc. Nếu nói Giới, nên biết là đã nói pháp thiện của tánh sắc. Nếu nói Tín, nên biết là đã nói pháp thiện của tánh không phải sắc. Như pháp sắc, pháp không phải sắc, thì các pháp tương ưng – không tương ưng, có nương dựa – không nương dựa, có hành – không hành, có thế dụng – không thế dụng, có duyên – không duyên, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, pháp thiện hiện có, hoặc là tánh căn, hoặc không phải là tánh căn. Nếu nói tín, nên biết là đã nói pháp thiện của tánh căn. Nếu nói giới, nên biết là đã nói pháp thiện của tánh không phải căn.

Lại nữa, vì dựa vào bốn tịnh không hoại, nên Đức Phật đã thiết lập bốn quả Sa-môn.

Lại nữa, bốn tịnh không hoại này có hai thứ tướng: (1) Tướng không hoại. (2) Tướng tịnh.

Tướng không hoại, nghĩa là tín vô lậu, không bị phi tín hủy hoại. Giới vô lậu không bị phi giới hủy hoại. Tín ở trong tâm số pháp là tướng tịnh. Giới ở trong pháp bốn đại là tướng tịnh.

Lại nữa, vì nhằm chỉ rõ về phương tiện để ngăn chận sự sợ hãi về nghèo cùng và nẻo ác. Giới có thể ngăn chận sự sợ hãi về nẻo ác. Tín có thể ngăn chận sự sợ hãi về nghèo cùng. Tín, giới vô lậu tuy không có chướng ngại, nhưng chẳng phải là không nhân nơi tín, giới hữu lậu.

Lại nữa, vì muốn dẫn dắt người đã dựa vào ngoại đạo, được thọ nhận sự giáo hóa của Phật, khiến họ nhập pháp Phật. Các Tỳ-kheo, hoặc có thân thuộc dựa vào ngoại đạo thọ nhận sự giáo hóa, nên vì sự thân ái, tán dương pháp Phật, chê trách pháp ngoại đạo, khiến những người thân kia sinh giận, chuyển đổi, xa lìa pháp ngoại đạo.

Đức Phật nói như thế này: Các ông không có lực, vô úy nên không nhận biết tâm hành và các căn của chúng sinh. Các ông đối với những người kia, nếu có tâm thương xót, thì nên vì họ giảng nói bốn tịnh không hoại. Nếu có được bốn tịnh không hoại, thì tâm không dời động. Vì sao? Vì Tỳ-kheo nên biết, bốn đại có thể khiến đổi khác. Nếu người được bốn tịnh không hoại thì không có đổi khác.

Hỏi: Tánh của tất cả các pháp đều không đổi khác, vì sao riêng nói bốn đại là không đổi khác?

Đáp: Vì dùng bốn pháp để làm rõ bốn pháp.

Lại nữa, hành giả trước hết quán tướng của bốn đại không đổi khác, sau đấy đối với tất cả pháp mới thấy được tướng không đổi khác.

Lại nữa, ngoại đạo chấp bốn đại là thường. Đức Phật nói bốn đại không phải là pháp thường. Giả như khiến bốn đại như ngoại đạo đã nói là thường, thì pháp thường này có thể khiến đổi khác. Nếu đệ tử của ta đã thành tựu bốn tịnh không hoại mà có đổi khác thì không có điều ấy.

Lại nữa, bốn đại có thể giữ gìn sự tăng trưởng lần lượt của pháp sinh tử.

Kinh Phật nói: Tín là vòi của voi lớn.

Hỏi: Vì sao Đức Phật nói tín là vòi của voi lớn?

Đáp: Do có khả năng giữ lấy những thứ mình hiện có. Như voi có vòi thì có thể giữ lấy các vật của số chúng sinh và phi số chúng sinh. Đệ tử bậc Thánh cũng như vậy, có bàn tay tín nên có thể giữ lấy pháp thiện.

Kinh Phật nói: Nếu đệ tử Thánh thành tựu tịnh không hoại đối với Phật, phần nhiều khi trụ nơi pháp này, thì thời gian trước đã thành tựu tịnh không hoại nơi Phật. Chư Thiên, tâm rất hoan hỷ, nói như thế này: Như chúng ta do thành tựu trụ nhiều nơi tịnh không hoại đối với Phật, nên mới sinh đến cảnh giới này. Các đệ tử Thánh cũng thành tựu tịnh không hoại đối với Phật, khi thân hoại mạng chung, cũng sẽ sinh đến đây, cùng với chúng ta là đồng xứ.

Thành tựu tịnh không hoại đối với Pháp, tịnh không hoại đối với Tăng, tịnh không hoại đối với Giới cũng như thế.

Hỏi: Chư Thiên kia trước đã ở nơi đây, đều thành tựu bốn tịnh không hoại. Vì sao chư Thiên hoặc có người tán thán tịnh không hoại đối với Phật. Hoặc có người cho đến tán thán tịnh không hoại đối với Giới?

Đáp: Chúng sinh hoặc có người vì tịnh không hoại đối với Phật, siêng tu phương tiện nhập nơi pháp Phật. Hoặc có người cho đến vì tịnh không hoại đối với Giới, siêng tu phương tiện nhập nơi pháp Phật. Nếu vì tịnh không hoại đối với Phật, chư Thiên siêng tu phương tiện nhập nơi pháp Phật, tức sẽ tán thán tịnh không hoại đối với Phật. Cho đến vì tịnh không hoại đối với Giới, chư Thiên siêng tu phương tiện nhập nơi pháp Phật, tức sẽ tán thán tịnh không hoại đối với Giới.

Lại nữa, chư Thiên hoặc có người ưa quán đối với Phật. Hoặc có người ưa quán đối với Giới. Nếu là người ưa quán đối với Phật, tức sẽ tán thán tịnh không hoại đối với Phật. Cho đến nếu là người ưa quán đối với Giới, tức sẽ tán thán tịnh không hoại đối với Giới.

Kinh Phật nói: Vua A-xà-thế thành tựu tín vô căn.

Hỏi: Tất cả pháp hữu vi đều có căn. Vì sao kinh Phật nói tâm tin của vua A-xà-thế là không căn?

Đáp: Vì tin này không có căn của kiến đạo. Như nói: Tín tương ưng với trí không hoại lấy kiến đạo làm căn. Vì tâm tin của vua A-xàthế không có căn của kiến đạo, nên nói là không căn, nhưng có tín tương tợ với kiến đạo làm căn.

Lại nữa, vì không có căn thiện của trí vô lậu, nên nói là không căn. Tín vô lậu dùng trí vô lậu, căn thiện vô lậu làm căn. Vua kia không được trí vô lậu, cũng không được căn thiện vô lậu, chỉ được tín tương tợ với vô lậu.

Lại nữa, vua A-xà-thế mới cúng dường Phật không lâu, cũng không gần gũi các Tỳ-kheo có đức mà đã được tâm tín như thế. Nếu nhà vua đang ở trên lầu cao hoặc khi cỡi voi ngựa, trông thấy Đức Phật – Thế Tôn liền tiến về phía trước, hướng tới Đức Phật, gieo mình xuống đất, thân không thọ khổ, đó là tín lực không căn, cũng là do oai thần của Đức Phật. Thế nên gọi là tâm tin không căn.

Lại nữa, tín này không có nhân tương tợ, không có pháp cùng với tín ấy làm nhân tương tợ, như cây khô không có rễ. Tâm tin của vua kia cũng như vậy, nên gọi là không căn.

Lại nữa, tuy nhà vua có tâm tin này, nhưng không tránh khỏi bị đọa vào nẻo ác, nên gọi là tín không căn.

* Trong bốn điên đảo này, bậc Tu-đà-hoàn có bao nhiêu thứ đoạn, bao nhiêu thứ không đoạn?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Như phái Tỳ-bà Xà-bà-đề nói: Có mười hai thứ điên đảo. Đó là điên đảo về vô thường có tưởng là thường, nên tâm điên đảo, kiến điên đảo. Điên đảo về khổ có tưởng vui, nên tâm điên đảo, kiến điên đảo. Điên đảo về vô ngã có tưởng ngã, nên tâm điên đảo, kiến điên đảo. Điên đảo về bất tịnh có tưởng tịnh, nên tâm điên đảo, kiến điên đảo. Tám điên đảo là do kiến đạo đoạn. Bốn điên đảo là do tu đạo đoạn.

Tám điên đảo do kiến đạo đoạn: Là điên đảo về vô thường có tưởng thường nên kiến điên đảo. Điên đảo về khổ có tưởng vui nên kiến điên đảo. Điên đảo về vô ngã có tưởng ngã nên kiến điên đảo. Điên đảo về bất tịnh có tưởng tịnh nên kiến điên đảo.

Bốn điên đảo do tu đạo đoạn: Điên đảo về vô thường chấp là thường nên tâm điên đảo. Điên đảo về khổ chấp là vui nên tâm điên đảo. Điên đảo về vô ngã chấp là ngã nên tâm điên đảo. Điên đảo về bất tịnh chấp là tịnh nên tâm điên đảo.

Các thứ điên đảo do kiến đạo đoạn: Khi khổ tỷ nhẫn hiện ở trước thì đoạn rốt ráo. Các thứ điên đảo do tu đạo đoạn: Lúc định kim cang dụ hiện ở trước thì đoạn rốt ráo.

Hỏi: Vì sao phái kia lại tạo ra thuyết như vậy?

Đáp: Vì phái kia đã dựa vào kinh Phật. Kinh Phật nói: Phật bảo Tỳ-kheo: Bốn điên đảo này là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo, cho đến nói rộng. Vì dựa vào kinh ấy, nên nói mười hai điên đảo.

Do hai sự việc để ngăn chận ý của thuyết như thế, tức tạo ra hỏi đáp. Hoặc tạo ra câu hỏi này: Bốn điên đảo ấy, bậc Tu-đà-hoàn có bao nhiêu thứ đoạn, bao nhiêu thứ không đoạn? Tức là nhằm ngăn chận ý nêu có mười hai thứ điên đảo của thuyết kia. Hoặc tạo ra lời đáp này: Tu-đà-hoàn đều đoạn hết. Tức nhằm ngăn chận ý của thuyết kia nói do tu đạo đoạn. Vì sao? Vì trong tu đạo không có pháp như thế. Đây là do Tu-đà-hoàn đoạn.

Nếu điên đảo có mười hai thứ, cũng là do tu đạo đoạn, thì trái với kinh Phật. Như nói: Phật bảo Tỳ-kheo: Nếu có bốn điên đảo, đối tượng bị điên đảo, nên biết đều là hàng phàm phu ngu tiểu. Vì sao? Vì hàng phàm phu quán pháp sinh tử, không thấy đầu mối, như xem ruột của loài chó.

Kinh Phật nếu nói bốn, nên biết tức không có mười hai. Nếu nói đều là phàm phu ngu tiểu, nên biết tức không phải là do tu đạo đoạn.

Hỏi: Nếu điên đảo chỉ có bốn thứ, thì như kinh do phái Tỳ-bà Xà-bà-đề đã dẫn làm sao thông hợp?

Đáp: Vì tâm, tưởng gần gũi với điên đảo, nên cũng gọi là điên đảo.

Hỏi: Các số pháp như thọ v.v… cũng gần gũi với pháp điên đảo, vì sao không gọi là điên đảo?

Đáp: Vì hai pháp này là pháp ngôn thuyết của thế tục. Thế tục đều nói: Người này tâm điên đảo, tưởng điên đảo, không nói thọ điên đảo, tư điên đảo.

Hỏi: Thể tánh của điên đảo là gì?

Đáp: Thể tánh của điên đảo là tuệ.

Hỏi: Nếu thể tánh của điên đảo là tuệ, thì trong năm kiến ấy có bao nhiêu thứ là điên đảo, bao nhiêu thứ không phải điên đảo?

Đáp: Hai kiến rưỡi là điên đảo, hai kiến rưỡi không phải là điên đảo. Hai kiến rưỡi là điên đảo, đó là thân kiến, kiến thủ và thường kiến trong biên kiến. Hai kiến rưỡi không phải là điên đảo, đó là tà kiến, giới thủ và đoạn kiến trong biên kiến.

Hỏi: Vì sao hai kiến rưỡi là điên đảo, hai kiến rưỡi không phải là điên đảo?

Đáp: Do ba sự việc nên là điên đảo: (1) Do mãnh liệt. (2) Do chấp giữ hư dối. (3) Do tánh hoàn toàn là điên đảo.

Tà kiến đoạn kiến thuộc về biên kiến, tuy là mãnh liệt và tánh hoàn toàn là điên đảo, nhưng không phải là chấp giữ hư dối. Vì sao? Vì hoàn toàn hủy hoại thể của vật. Giới thủ tuy là mãnh liệt, cũng là chấp giữ hư dối, nhưng chẳng phải tánh hoàn toàn là điên đảo. Vì sao? Vì có một ít tương tợ. Có đạo của cõi sắc có thể lìa cõi dục. Có đạo của cõi vô sắc có thể lìa cõi sắc. Đó là thể tánh của điên đảo, cho đến nói rộng.

Đã nói về thể tánh. Về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là điên đảo? Điên đảo là nghĩa gì?

Đáp: Vì đối tượng chấp giữ là điên đảo, nên gọi là điên đảo. Điên đảo này hoàn toàn do kiến khổ đoạn.

Hỏi: Vì sao điên đảo hoàn toàn do kiến khổ đoạn?

Đáp: Vì nhân nơi khổ sinh, nên trở lại do kiến khổ đoạn.

Lại nữa, điên đảo này dựa vào quả sinh, nên trở lại do thấy quả đoạn.

Lại nữa, tánh của thân kiến là do kiến khổ đoạn. Điên đảo này là do thân kiến tức do kiến khổ đoạn, nên điên đảo cũng do kiến khổ đoạn.

Lại nữa, khổ đế là pháp thô hiện. Nếu ở trong pháp thô hiện ấy nhầm lẫn thì bị Thánh Hiền quở trách. Như người giữa ban ngày đi lạc đường tức bị nhiều người chê trách. Sự việc kia cũng như thế. Ba đế còn lại là vi tế. Nếu ở trong pháp vi tế có nhầm lẫn thì Thánh Hiền không hẳn đã quở trách. Như người nếu vào ban đêm có sự nhầm lẫn thì không hẳn bị nhiều người chê trách.

Lại nữa, hành giả đã kiến khổ rồi lại còn có tâm điên đảo, thì không có điều ấy. Vì để phân biệt nên mới nói như thế.

Nếu như khiến hành giả kiến khổ đế xong, không kiến ba đế còn lại, một người khác hỏi:

Hỏi: Ấm này là thường hay là vô thường?

Đáp: Là vô thường. Vì không có một sát-na dừng lại.

Hỏi: Là khổ hay là vui?

Đáp: Là khổ. Như viên sắt nóng.

Hỏi: Là tịnh hay là bất tịnh?

Đáp: Là bất tịnh. Như đống phân nhơ.

Hỏi: Có ngã hay không có ngã?

Đáp: Không có ngã. Vì không có sự tạo tác, không có người tạo tác.

Hỏi: Những người Kiên tín, Kiên pháp cũng đoạn trừ điên đảo, vì sao chỉ nói Tu-đà-hoàn?

Đáp: Tức nên nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu giảng chưa trọn vẹn.

Lại nữa, người kiên tín, kiên pháp là tướng phân biệt, đối với điên đảo này, hoặc có người đoạn trừ, hoặc có người không đoạn trừ. Ở đây hoàn toàn nói về tướng không phân biệt.

Lại nữa, vì muốn khiến người nghi có được quyết định. Tuđà-hoàn hành pháp của hàng phàm phu đã hành. Cùng với vợ con đồng cư trú một xứ, tay tiếp xúc những vật, người trơn mịn, mặc các thứ y phục như Kiêu-xa-da, dùng hương Chiên-đàn xoa thân, cũng đeo đủ các thứ vòng hoa, chuỗi ngọc, cũng sai khiến nô tỳ, tôi tớ theo hầu hạ, cũng có khi dùng tay đánh, bắt chúng sinh. Người đời thấy các sự việc này, nên cho là Tu-đà-hoàn không đoạn trừ điên đảo.

Vì muốn khiến nghi ấy được quyết định, nên mới nêu bày như thế. Người kiên tín, kiên pháp, tâm thiện hữu lậu, tâm vô ký không ẩn mất hãy còn không hiện ở trước, huống chi là tâm nhiễm ô.

Hỏi: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm lúc khởi nhiễm ái, là khởi từ tưởng vui, tưởng tịnh, hay là khởi từ tưởng khổ, tưởng bất tịnh? Nếu khởi từ tưởng vui, tưởng tịnh thì vì sao không là điên đảo? Nếu khởi từ tưởng khổ, tưởng bất tịnh, thì vì sao lại khởi nhiễm ái?

Đáp: Nên nói như thế này: Khởi từ tưởng vui, tưởng tịnh.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao không là điên đảo?

Đáp: Vì trước đã nói: Do ba sự việc nên là điên đảo: (1) Do mãnh liệt. (2) Do chấp giữ hư dối. (3) Do tánh hoàn toàn là điên đảo.

Tu-đà-hoàn nhiễm ái, tuy là mãnh liệt và chấp giữ hư dối, nhưng chẳng phải tánh hoàn toàn là điên đảo.

Lại nữa, hoặc có người đối với đế chấp lạc chấp tịnh. Hoặc có người đối với cảnh giới chấp lạc chấp tịnh. Đối với đế chấp lạc chấp tịnh, thì Tu-đà-hoàn đã vĩnh viễn đoạn trừ. Đối với cảnh giới chấp lạc chấp tịnh thì Tu-đà-hoàn chưa đoạn trừ.

Lại có thuyết cho: Tu-đà-hoàn lúc khởi nhiễm ái thì chấp khổ, chấp bất tịnh.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao lại khởi nhiễm ái?

Đáp: Từ vô thủy đến nay đã hành tập pháp này, thân tâm sinh nhiệt não. Vì để chế phục tâm ấy, nên khởi nhiễm ái này. Cũng như Bà-la-môn Tự Hỷ, ngón tay chạm phải phân dơ, ông ta đến chỗ thợ rèn xin dùng lửa để làm sạch. Người thợ rèn nói: Có thể dùng tro đất để tẩy rồi dùng nước rửa sạch.

Bà-la-môn nói: Các vật như thế không thể làm sạch ngón tay tôi. Phải nên dùng lửa mới tẩy sạch.

Bấy giờ, người thợ rèn đốt chiếc kềm cho thật đỏ, rồi dùng kềm kẹp vào ngón tay người Bà-la-môn. Lúc đó, cánh tay người Bà-lamôn run lên, vì bị sức nóng bức bách bèn đưa ngón tay vào miệng. Người Bà-la-môn biết rõ ngón tay mình là bất tịnh, chỉ vì bị khổ bức bách nên mới đưa ngón tay vào miệng. Sự việc khởi nhiễm ái kia cũng như thế.

Lại nữa, từ vô thủy đến nay đã hành tập lâu xa theo phiền não và bị chúng bức bách. Nhằm đối trị pháp này mới khởi nhiễm ái. Như người có thân thể trắng trẻo, mềm mại, lại mọc mụt nhọt chịu nhiều khổ não, mong cầu được chữa trị. Thầy thuốc nói: Ông có thể dùng phân chó ướt để xoa vào mụt nhọt. Người bị bệnh biết rõ phân chó là bất tịnh, nhưng vì nhằm chữa trị bệnh nên dùng phân chó để xoa. Việc khởi nhiễm ái của Tu-đà-hoàn kia cũng như thế.

* Trong ba tam muội này, Tu-đà-hoàn thành tựu bao nhiêu thứ trong quá khứ, thành tựu bao nhiêu thứ trong vị lai, thành tựu bao nhiêu thứ trong hiện tại?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì để ngăn chận lời nói của kẻ ngu trong đời cho là không có hành quá khứ, vị lai. Nói rộng như trên.

Hỏi: Trong ba tam muội này, người Tu-đà-hoàn có bao nhiêu thứ thành tựu trong quá khứ, bao nhiêu thứ thành tựu trong vị lai, bao nhiêu thứ thành tựu trong hiện tại?

Đáp: Vị lai đều thành tựu. Quá khứ diệt rồi không bỏ thì thành tựu. Hiện tại nếu hiện ở trước thì thành tựu.

Sát-na đầu tiên của đạo tỷ trí không có quá khứ thành tựu. Vì sao? Vì chưa có một sát-na sinh rồi diệt. Sinh rồi diệt là được quả nên bỏ. Vị lai thành tựu ba. Hiện tại thành tựu một là tam muội vô nguyện.

Pháp kia diệt rồi không bỏ. Nếu khởi tam muội không hiện ở trước, thì quá khứ thành tựu một là tam muội vô nguyện. Vị lai thành tựu ba. Hiện tại thành tựu một là tam muội không.

Pháp kia diệt rồi không bỏ. Nếu khởi tam muội vô tướng hiện ở trước, thì quá khứ thành tựu hai là tam muội không, vô nguyện. Vị lai thành tựu ba. Hiện tại thành tựu một là tam muội vô tướng.

Nếu diệt rồi không bỏ. Đối với ba tam muội này, nếu khởi một hiện ở trước, thì quá khứ, vị lai thành tựu ba, hiện tại thành tựu một, khởi hiện ở trước.

Ba tam muội, nói rộng như nơi chương Kiền Độ Sử đã nói.

Tín giải thoát chuyển căn tạo kiến đáo, nói rộng như trong Phẩm Người.

Nếu là đạo quá khứ thì đạo ấy là đã tu, đã được khinh an chăng? Cho đến nói rộng.

Tu có bốn thứ: (1) Tu đắc. (2) Tu hành. (3) Tu đối trị. (4) Tu trừ bỏ.

Pháp hữu vi thiện là tu đắc, tu hành. Pháp hữu lậu là tu đối trị, tu trừ bỏ.

Pháp sư nước ngoài nói: Tu có sáu thứ. Bốn thứ như trước nói, lại thêm hai thứ là tu giới, tu phân biệt.

Tu giới: Nghĩa là tu căn. Như nói: Nếu sáu căn này khéo điều phục, khéo che giấu, khéo giữ gìn thì khéo tu tập, nghĩa là có thể sinh khởi an vui.

Tu phân biệt: Nghĩa là phân biệt nơi thân. Như nói: Thân này đó là tóc, lông, móng, răng v.v… cho đến nói rộng.

Sa-môn nước Kế Tân nói thế này: Hai tu ấy, nên biết là ở trong hai tu trước, đó là tu đối trị, tu trừ bỏ. Thế nên tu vẫn có bốn thứ.

Trong đây, dựa vào hai thứ tu để tạo luận là tu đắc và tu hành. Như nói: Nếu tu pháp trí thì cũng tu tỷ trí chăng? Ở đây cũng dựa vào hai thứ tu để tạo luận. Như nói: Tu thân, tu tâm, tu giới, tu tuệ. Ở đây cũng dựa vào hai thứ tu để tạo luận là tu đối trị, tu trừ bỏ. Như nói: Thế nào là tu nhãn căn?

Ở đây cũng dựa vào hai thứ tu để tạo luận. Như nói: Nếu tu thiền thứ nhất thế tục thì cũng tu vô lậu chăng? Ở đây cũng dựa vào hai thứ tu để tạo luận là tu đắc, tu hành. Như nói: Nếu tu tam muội không thì cũng tu tam muội vô nguyện chăng? Ở đây cũng dựa vào hai thứ tu để tạo luận. Như nói: Nếu tu thân niệm xứ thì cũng tu thọ niệm xứ chăng? Ở đây cũng dựa vào hai thứ tu để tạo luận. Như nói: Nếu tu tưởng vô thường thì cũng quán tưởng vô thường chăng?

Trong đây, hoặc có người nói là tu đắc, hoặc có người nói là tu hành. Như nói: Thế nào là pháp có thể tu? Là tất cả pháp hữu vi thiện. Ở đây, tuy có nghĩa của bốn thứ tu, nhưng cũng dựa vào tu đắc, tu hành để tạo luận. Thế nên được tạo ra bốn trường hợp:

(1) Có pháp là tu đắc, tu hành, không phải là tu đối trị, tu trừ bỏ. (2) Có pháp là tu đối trị, tu trừ bỏ, không phải là tu đắc, tu hành.

1. Có pháp là tu đắc, tu hành cũng là tu đối trị, tu trừ bỏ.

2. Có pháp không phải là tu đắc, tu hành cũng không phải là tu đối trị, tu trừ bỏ.

Là tu đắc, tu hành không phải là tu đối trị, tu trừ bỏ: Là pháp hữu vi vô lậu.

Là tu đối trị, tu trừ bỏ không phải là tu đắc, tu hành: Là pháp nhiễm ô, là pháp hữu vi vô ký không ẩn mất.

Là tu đắc, tu hành cũng là tu đối trị, tu trừ bỏ: Là pháp hữu lậu thiện.

Không phải là tu đắc, tu hành cũng không phải là tu đối trị, tu trừ bỏ: Là pháp vô vi.

Hỏi: Tu là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa công lao là nghĩa của tu. Nghĩa học tập là nghĩa của tu. Nghĩa sáng sạch là nghĩa của tu. Hiện tiền tu dùng hành để gọi tên. Vị lai tu dùng đắc để gọi tên. Hiện tại do hiện ở trước nên gọi là tu. Vị lai do sẽ sinh nên gọi là tu.

Lại nữa, hiện tại vì có đối tượng tạo tác nên gọi là tu. Vị lai vì cùng với mong muốn nên gọi là tu.

Lại nữa, hiện tại vì ở trong thân nên gọi là tu. Vị lai vì do đạt được nên gọi là tu.

Hỏi: Nếu là đạo quá khứ thì đạo ấy là đã tu, đã được khinh an chăng?

Đáp: Nếu là đạo quá khứ thì đạo ấy là đã tu, đã được khinh an. Tu là hai thứ tu, tức tu đắc, tu hành. Đã được khinh an tức đã là quá khứ.

Hỏi: Từng có đạo đã tu, đã được khinh an, đạo ấy không phải là quá khứ chăng?

Đáp: Có. Là đạo vị lai, đã tu, đã được khinh an. Khởi quán bất tịnh hiện ở trước, vị lai có vô lượng sát-na tu. Từ sát-na thứ hai trở về sau, đều gọi là đạo đã tu, đã được khinh an, đó là tu đắc. Do ở nơi vị lai nên không gọi là quá khứ. Cho đến khởi tận trí đầu tiên hiện ở trước, vị lai có vô lượng tận trí theo sát-na tu. Từ tu sát-na thứ hai trở về sau, đều gọi là đạo đã tu, đã được khinh an, đó là tu đắc.

Hỏi: Nếu là đạo vị lai thì đạo ấy chẳng phải là đã tu, đã được khinh an chăng?

Đáp: Hoặc là đạo ở vị lai, đạo ấy chẳng phải là không đã tu, chẳng phải là không đã được khinh an, cho đến nói rộng làm bốn trường hợp.

Thế nào là đạo ở nơi vị lai, đạo ấy chẳng phải là không đã tu, chẳng phải là không đã được khinh an? Đáp: Là các đạo vị lai đã tu, đã được khinh an, như đã nói ở trên.

Thế nào là đạo chẳng phải là đã tu, chẳng phải là đã được khinh an, đạo ấy chẳng phải là vị lai? Đáp: Là khởi đạo chưa từng được hiện ở trước, khởi quán bất tịnh, cho đến tận trí hiện ở trước. Đạo ấy chẳng phải là đã tu, chẳng phải là đã được khinh an. Đạo ấy chẳng phải là vị lai, chẳng phải là đã tu: Vì là tu hành. Không phải vị lai: Vì là hiện tại.

Thế nào là đạo ở nơi vị lai, đạo ấy chẳng phải là đã tu, chẳng phải là đã được khinh an? Đáp: Là các đạo vị lai, chẳng phải là đã tu, chẳng phải là đã được khinh an, nghĩa là khởi quán bất tịnh, cho đến tận trí hiện ở trước, ở vị lai có vô lượng sát-na tu. Các tu vị lai đều cùng có với sát-na đầu tiên, là đạo kia chẳng phải là đã tu, đã được khinh an. Vì sao? Vì là hiện nay tu, hiện nay được khinh an. Đó là tu đắc nhưng đạo kia ở vị lai.

Thế nào là đạo không ở nơi vị lai, đạo ấy chẳng phải là không đã tu, chẳng phải là không đã được khinh an? Đáp: Là đạo quá khứ, cũng khởi đạo từng được hiện ở trước. Đạo từng được là từng được quán bất tịnh, cho đến tận trí khởi hiện ở trước.

Hỏi: Đạo ấy là hiện nay tu, hiện nay được khinh an là tu hành. Vì sao nói chẳng phải là không đã tu, chẳng phải là không đã được khinh an?

Đáp: Văn ấy nên nói như thế này: Là đạo quá khứ. Không nên nói là khởi đạo từng được hiện ở trước.

Nếu nói như thế thì có ý gì? Đáp: Đạo này tuy là tu hành, hiện nay tu, hiện nay được khinh an, nhưng cũng là tu đắc, đã tu, đã được khinh an.

Hỏi: Nếu là đạo hiện tại thì đạo ấy là hiện nay tu, hiện nay được khinh an chăng?

Đáp: Nếu là đạo hiện tại thì đạo ấy là hiện nay tu, hiện nay được khinh an. Hoặc có đủ hai thứ tu là tu đắc, tu hành. Hoặc chỉ có tu hành.

Hỏi: Từng có đạo hiện nay tu, hiện nay được khinh an, đạo ấy không phải là hiện tại chăng?

Đáp: Có. Là khởi đạo chưa từng được hiện ở trước, tương tợ với vị lai.

Tương tợ có bốn thứ: (1) Tu tương tợ. (2) Giới tương tợ. (3) Cõi tương tợ. (4) Tánh tương tợ.

Tu tương tợ: Ở đây nói là khởi đạo chưa từng được hiện ở trước, tương tợ với vị lai nên tu.

Trong đây, hoặc có thuyết cho: Đạo hữu lậu tu tương tợ với đạo hữu lậu. Đạo vô lậu tu tương tợ với đạo vô lậu.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Đạo hữu lậu tu tương tợ với đạo hữu lậu, đạo vô lậu. Đạo vô lậu có tương tợ với đạo vô lậu, đạo hữu lậu. Vì sao? Vì sức của đạo vô lậu ấy, khởi đạo thế tục hiện ở trước, tu đạo vô lậu, hữu lậu. Khởi đạo vô lậu hiện ở trước, tu đạo hữu lậu, vô lậu.

Giới tương tợ: Như nơi Kiền Độ Nghiệp nói: Nếu thành tựu giới quá khứ thì cũng thành tựu giới tương tợ hiện tại, vị lai chăng? Giới tương tợ như đạt được giới giải thoát, thì có giới giải thoát tương tợ đạt được. Giới thiền thì có giới thiền tương tợ. Giới vô lậu thì có giới vô lậu tương tợ. Giới hữu tác thì có giới hữu tác tương tợ. Giới vô tác thì có giới vô tác tương tợ.

Cõi tương tợ: Như nơi Kiền Độ Căn nói: Nếu thành tựu nhãn căn tương tợ thì cũng thành tựu thân căn tương tợ chăng? Nếu pháp đồng ở nơi một cõi, có thể đạt được, thì gọi là cõi tương tợ. Pháp cõi dục cùng với pháp cõi dục tương tợ. Pháp cõi sắc cùng với pháp cõi sắc tương tợ. Pháp cõi vô sắc cùng với pháp cõi vô sắc tương tợ.

Tánh tương tợ: Như trong Tỳ-ni nói: Tôn giả Đà-bà-ma-la-tử, tay trái phóng ánh sáng, vì các Tỳ-kheo tương tợ phân chia phòng, nhà, giường nằm. Người tụng Tu-đa-la tương tợ cùng ở một nơi. Người tụng Tỳ-ni tương tợ cùng ở một nơi. Người tụng A-tỳ-đàm tương tợ cùng ở một nơi. Người hành pháp A-luyện-nhã tương tợ cùng ở một nơi. Vì muốn khiến các Tỳ-kheo đồng trụ hoặc đàm luận, hoặc yên lặng, nên mỗi người đều cùng tùy thuận.

Kinh khác cũng nói: Chủng loại chúng sinh tương tợ là cùng tùy thuận. Kẻ hành ác cùng với kẻ hành ác tùy thuận. Người hành thiện cùng với người hành thiện tùy thuận. Ở đây, đối với bốn thứ tương tợ này đã dựa vào tu tương tợ để tạo luận.

Khởi quán bất tịnh hiện ở trước, vị lai có vô lượng sát-na quán bất tịnh để tu. Các người tu vị lai đều cùng có với sát-na đầu tiên. Đó là hiện nay tu, là tu đắc.

Đạo ấy không phải là hiện tại, vì ở nơi vị lai. Niệm A-na-ban-na (Quán sổ tức), Niệm xứ, Noãn, Đảnh, Nhẫn, Pháp thế đệ nhất, Kiến đạo, Tu đạo, Tận trí, lúc hiện ở trước, nói cũng như thế.

Hỏi: Thoái chuyển quả A-la-hán, lúc trụ nơi quả Tu-đà-hoàn, thì quả Tu-đà-hoàn chỉ là đắc hay cũng là tu?

Đáp: Chỉ là đắc không phải là tu.

Hỏi: Nếu khi trở lại đạt được quả A-la-hán thì chỉ là đắc hay cũng là tu?

Đáp: Quá khứ là đắc không phải là tu. Vị lai là đắc cũng là tu

Hỏi: Vì sao quá khứ là đắc không phải là tu. Vị lai là đắc cũng là tu?

Đáp: Nếu có nhân của hiện tại thì có đắc, cũng là tu. Nếu không có nhân của hiện tại, thì chỉ là đắc, không phải là tu.

Hỏi: Quả Tu-đà-hoàn cũng có nhân của hiện tại, vì sao chỉ là đắc không phải là tu?

Đáp: Nếu có nhân của hiện tại, có thể thắng tấn là đắc, cũng là tu. Người trụ nơi quả Tu-đà-hoàn, tuy có nhân của hiện tại, nhưng là thoái chuyển đạo, nên chỉ là đắc, không phải là tu.

HẾT – QUYỂN 54