LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 53

Chương 3: KIỀN ĐỘ TRÍ

Phẩm thứ 2: THA TÂM TRÍ, phần 5

Hỏi: Trong sáu thông này, bao nhiêu thứ là minh không phải là thị hiện? Bao nhiêu thứ là thị hiện không phải là minh? Bao nhiêu thứ là minh cũng là thị hiện? Bao nhiêu thứ không phải là minh cũng không phải là thị hiện?

Đáp: Hai thứ là minh không phải là thị hiện: Là trí niệm tiền thế và trí sinh tử. Hai thứ là thị hiện không phải là minh: Là thân thông và tha tâm trí thông. Là minh cũng là thị hiện: Là lậu tận thông. Không phải là minh cũng không phải là thị hiện: Là thiên nhĩ thông.

Hỏi: Sáu Thông này, vì sao ba thứ là thị hiện, ba thứ không phải là thị hiện?

Đáp: Khiến cho người khác tin ưa sinh khởi tưởng hy hữu, nhập nơi pháp, gọi là thị hiện. Ba thông kia thì không như vậy. Nếu tạo ra thuyết này: Thiên nhĩ của ta nghe tiếng, thiên nhãn trông thấy sắc, có thể nhận biết vô số sự việc sinh trong quá khứ. Nhưng người đều sinh nghi về sự việc này, hoặc giả, hoặc thật.

Từng nghe: Có một Cư sĩ mời Ni-kiền-đà-nhã-đề-tử và chúng đệ tử đến nhà thọ thực. Bấy giờ, Ni-kiền-đà-nhã-đề-tử đã vào nhà Cư sĩ rồi, lại mỉm cười. Cư sĩ bèn hỏi: Đại sư đã lìa bỏ những thứ vui đùa, vì sao nay lại cười? Sư đáp: Vì nay trong pháp của ta hiện có pháp vi diệu, ông có muốn được nghe chăng?

Lúc ấy, Cư sĩ tỏ vẻ ân cần, trân trọng hỏi, Sư bèn đáp: Ở phía nam, bên cạnh sông Bạt-đề, có hai con khỉ cùng đấu với nhau không dứt, bỗng nhiên rơi xuống sông, bị dòng nước cuốn trôi, vì thế nên ta cười.

Cư sĩ lại hỏi: Thiên nhãn của Đại sư thật là hy hữu, sáng sạch mới được như thế.

Bấy giờ, các Ni-kiền đều ngồi vào giường, theo thứ tự ngồi ăn ở đầu dưới, lấy cơm lấp canh lại, còn thầy họ thì ngồi ở đầu trên, các Ni-kiền khác múc canh đổ lên trên. Những Ni-kiền còn lại, đúng giờ đều đến ăn, riêng một mình Sư của họ không ăn.

Cư sĩ hỏi: Hôm nay vì sao Đại sư không ăn?

Sư đáp: Vì cơm này không có canh, nên ta không ăn.

Cư sĩ bèn nói với Sư: Do thiên nhãn sáng sạch và hy hữu của Đại sư mới như thế. Tức đã trông thấy bên sông Bạt-đề về phía nam có hai con khỉ rơi xuống sông nhưng lại không thấy canh dưới đáy cơm chăng?

Do sự việc này, nên ba Thông không phải là thị hiện, không thể khiến người khác tin ưa, sinh tưởng hy hữu, nhập vào pháp Phật. Nếu dùng thân thông tạo các thứ biến hóa, như khiến một thân thành nhiều, nhiều thân trở lại nhập làm một, trên đến trời Phạm thế, khiến nhiều chúng sinh sinh tưởng hy hữu. Hoặc người có thể nhận biết tâm người khác đã có những pháp nhớ nghĩ, tức nên nói với người ấy: Ông đã có những nhớ nghĩ như thế, nên tạo tư duy như thế đều như tâm ấy, nhưng không trái nhau, khiến cho nhiều chúng sinh đối với pháp Phật đều sinh tưởng hy hữu. Nếu vì người khác nói pháp, khiến họ xa lìa phiền não cấu uế, được pháp nhãn thanh tịnh, tức cũng khiến cho nhiều chúng sinh đối với pháp Phật sinh tưởng hy hữu.

Do sự việc này, nên ba Thông khiến cho người khác tin ưa, sinh tưởng hy hữu nên đến với pháp Phật.

Hỏi: Đối với những người nào thì nên vì họ hiện thần biến? Đối với những người nào thì không nên vì họ hiện thần biến?

Đáp: Nếu là người hoàn toàn tin, hoặc hoàn toàn không tin, thì không nên vì họ hiện thần biến. Nếu là người ở vào khoảng giữa, không nhất định tin, không nhất định không tin, tức nên vì họ hiện thần biến, khiến họ đi vào pháp Phật. Do đâu nhận biết như thế? Vì kinh nói: Phật đang ở tại khu rừng Ba-bà-lợi-ca-am-la gần thành Naca-kiền-đà. Bấy giờ, có một vị Cư sĩ tên là Sí-bạt-đa, đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một phía, bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Thành Na-ca-kiền-đà này rất thịnh vượng, an vui, đa số dân chúng đều kính tin Phật, Pháp, Tăng. Chỉ mong Đức Thế Tôn có thể cho phép một vị Sa-môn ra trước nhiều người của quốc độ này, hóa hiện vô số các thứ thần biến thuộc pháp của bậc thượng nhân, khiến người của thành Na-ca-kiền-đà càng sinh tâm kính tin đối với Phật, Pháp, Tăng.

Đức Phật bảo Cư sĩ Sí-bạt-đa: Ta không vì các đệ tử nói như vầy: Các ông đi đến xứ kia, ở trước nhiều người, hiện bày các thứ thần biến thuộc pháp của bậc thượng nhân. Ta vì các đệ tử nói lời này: Các ông nên che giấu pháp thiện, hiện bày pháp ác.

Lúc ấy, vị Cư sĩ lại bạch Phật: Đức Thế Tôn đã nhận thấy lỗi lầm tai hại nào nên không khiến các đệ tử hiện thần biến, lại nói lời này: Nên che giấu pháp thiện, hiện bày pháp ác?

Đức Phật bảo vị Cư sĩ: Thị hiện có ba thứ: (1) Thị hiện thần túc. (2) Thị hiện khi nhận biết tâm người khác. (3) Thị hiện để nói pháp.

Thế nào là Thị hiện thần túc? Này vị Cư sĩ! Nếu Sa-môn, Bàla-môn thị hiện vô số các thứ thần biến, như một thân hóa làm nhiều thân, nhiều thân hợp làm một thân, cho đến thân Phạm thế được tự tại. Người có tâm tin trông thấy, hướng về kẻ không tin nói thế này: Tôi thấy Sa-môn, Bà-la-môn thị hiện vô số các thứ thần biến: Một thân hóa làm nhiều thân, nhiều thân nhập làm một thân, cho đến thân Phạm thế đều được tự tại. Người không tin nghe rồi nói với người tin: Ông thấy sự việc này có gì khác lạ. Có chú thuật tên Kiền-đà-la, có người thọ trì, đọc tụng chú này cũng có thể thị hiện đủ các thứ thần biến.

Này vị Cư sĩ! Ý ông nghĩ sao? Người không tin như thế há chẳng phải là giận trách các người tin hay sao?

Vị Cư sĩ bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Thật sự là họ sinh giận trách.

Lại nữa, này vị Cư sĩ! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn, nói tâm người khác có những nhớ nghĩ như vầy: Ông có những nhớ nghĩ như thế, tư duy như thế, tất như những điều đã nói không có hư giả. Người có tâm tin nghe rồi hướng về người không tin nói thế này: Tôi thấy Sa-môn, Bà-la-môn nhận biết nơi tâm của người khác hiện có pháp nhớ nghĩ, cho đến nói rộng. Khi đó, người không tin nói: Ông thấy sự việc này có gì khác lạ? Có thứ chú thuật tên là Sát-ni-ca. Nếu có kẻ thọ trì, đọc tụng chú này, thì có thể nhận biết nơi tâm người khác hiện có pháp nhớ nghĩ, cho đến nói rộng.

Này vị Cư sĩ! Nên biết là Ta do những lỗi lầm tai hại như thế, nên không cho phép các đệ tử của mình thị hiện những thứ thần biến, mà nói thế này: Các ông nên che giấu pháp thiện, phát lộ pháp ác.

Do sự việc này, nên đối với người hoàn toàn tin, hay đối với kẻ hoàn toàn không tin, không nên vì họ hiện các thứ thần biến. Nếu là hạng ở giữa, không nhất định tin, cũng không nhất định không tin, thì nên vì họ hiện các thứ thần biến, giúp họ đi vào pháp Phật.

Thế nào gọi là thị hiện?

Đáp: Như pháp của người giữ cửa, nên gọi là Thị hiện. Như người giữ cửa chỉ rõ pháp bên trong khiến cho người bên ngoài biết. Chỉ rõ pháp bên ngoài khiến cho người bên trong biết.

Chỉ rõ pháp bên trong khiến cho người bên ngoài biết. Như nói: Hiện nay vua đang ở trong cung, tắm gội, ăn uống, xem các thứ châu báu.

Chỉ rõ pháp bên ngoài khiến cho người bên trong biết. Như nói: Hiện nay có người ở thôn đó, nước đó, đem tín vật như thế, hiện đứng chờ bên ngoài cổng.

Do sự việc này, nên nói như pháp của người giữ cửa, gọi là Thị hiện.

Kinh Phật nói: Bồ-tát vào thời gian đầu đêm thì khởi thông, khởi minh. Đến nửa đêm thì khởi thông, khởi minh. Lúc cuối đêm thì khởi thông, khởi minh.

Hỏi: Vì sao vào thời gian đầu, giữa, cuối đêm, Bồ-tát khởi thông, khởi minh?

Đáp: Vì Hằng hà sa số các vị Bồ-tát này hành chánh pháp theo thứ lớp.

Lại nữa, sở dĩ vào đầu, giữa, và cuối đêm khởi thông, khởi minh là vì muốn khiến cho thân này thành tựu pháp khí.

Lại nữa, vì muốn khiến cho đối tượng tạo tác được phân minh sáng rõ.

Lại nữa, vì muốn cho sự an ổn đầy đủ nên khởi thông. Vì muốn soi chiếu xa nên khởi minh.

Lại nữa, dụ như đạo giải thoát, vô ngại, nên khởi thông, khởi minh. Thông như đạo vô ngại, Minh như đạo giải thoát.

Lại nữa, dụ như kiến đạo, tu đạo. Thông như kiến đạo, Minh như tu đạo.

Lại nữa, dụ như pháp hữu lậu thiện, pháp vô lậu, pháp hữu lậu vô lậu vô ký. Hai thông là hữu lậu thiện, đó là thân thông và niệm tiền thế trí thông. Một thông là vô lậu, đó là lậu tận trí thông. Một thông là hữu lậu, vô lậu, đó là tha tâm trí thông. Hai thông là vô ký không ẩn mất, đó là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông.

Lại nữa, là theo thứ lớp hàng phục chúng ma. Từng nghe: Bồtát tu khổ hạnh, nhận biết lối tu này không phải là đạo nên từ bỏ, nhận mười sáu thứ cháo sữa của hai chị em Bà-la-môn Nan-đà, khiến thân có sức. Lại từ bên người tốt nhận cỏ, đến bên cội cây Bồ-đề, đích thân trải cỏ, cũng như Long vương Bà-tu-ca cuộn thân, ngồi kiết già, phát lời thề: Ta ngồi ở đây, nếu không dứt hết lậu thì rốt cuộc không đứng dậy.

Bấy giờ, cả đại địa hiện đủ sáu cách chấn động, như chiếc thuyền trong biển cả. Cũng chấn động đến cung trời Tự Tại, chao đảo như chiếc lá Khư-đà-lê.

Ma vương lúc này bèn nghĩ thầm: Nay cung điện này vì sao bị chấn động? Quán sát mới biết là Bồ-tát đang ngồi kiết già nơi cội Bồđề lập thệ nguyện kiên cố. Ma vương vội rời khỏi cung điện, đi đến chỗ Bồ-tát, nói lời này: Vị con của tộc họ Sát-đế-lợi! Nên rời khỏi nơi đây! Hiện nay là thời kỳ đầy ác trược, chúng sinh ương bướng, ông không thể nào chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Đúng lý ông nên ở ngôi vị Chuyển luân vương, ta sẽ hiến dâng ông bảy thứ báu.

Lúc ấy, Bồ-tát nói với ma ác: Những gì ông nói hôm nay cũng như trẻ con. Mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao có thể khiến cho chúng rơi rụng. Rừng núi, đại địa có thể treo lơ lửng ở hư không. Nhưng muốn khiến ta nơi tòa ngồi này, không dứt hết lậu mà đứng dậy, là không có việc ấy.

Ma ác lại nói: Nay ta nói lời dịu dàng, đẹp đẽ nhưng ông không nghe, thì ta sẽ hiện ra những việc kinh hãi lớn để cho ông thấy. Ma ác nói dứt lời, liền mưa xuống các thứ hoa, rồi trở lại cung điện của mình, bố cáo khắp sáu cảnh trời cõi dục: Các ngươi đều phải mang đủ các thứ binh khí, gậy gộc để chuẩn bị chiến đấu. Nay ta đang có kẻ oán địch hiện ở nơi cội cây Bồ-đề.

Khi ma ác đi rồi, không bao lâu sau, Bồ-tát suy nghĩ: Nếu cùng với người thường, cuộc tranh chấp có xảy ra hãy còn không thể khinh xuất, huống chi là với kẻ có uy thế trong cõi dục.

Lúc này, Bồ-tát quán xét kỹ về đạo lìa dục, nhanh chóng lìa dục của cõi dục, lập tức khởi thần túc của thiền thứ nhất, hóa làm vô số thứ loại để cùng đối địch với ma. Nếu các ma hóa ra loài chim bay đến, ta nên hóa ra loài mèo chồn để ngăn lại. Quân ma nếu hóa ra loài mèo chồn, ta nên hóa ra hình dáng chó dữ để đối trị. Quân ma nếu hóa ra hình dáng chó dữ, ta nên hóa ra hình dáng chó sói, báo để ngăn chận. Quân ma nếu hóa ra hình dáng chó sói, báo, ta nên hóa ra hình dáng cọp để đối địch. Quân ma nếu hóa ra hình dáng cọp, ta nên hóa ra hình dáng sư tử để ngăn lại. Quân ma nếu hóa ra các hình dáng sư tử, ta nên hóa ra vô số đao kiếm để ngăn chận. Quân ma nếu hóa ra đao kiếm, ta nên hóa ra ngọn lửa dữ để ngăn chúng. Quân ma nếu hóa ra ngọn lửa dữ, ta nên hóa làm trận mưa lớn để đối địch. Quân ma nếu hóa ra trận mưa dữ dội, ta nên hóa ra chiếc lọng lớn. Các loại đối địch như thế có vô lượng thứ. Ta lại hóa ra đài lưu ly kiên cố, thân tuy ở trong ấy nhưng có thể nhìn thấy xa. Nơi phần đất phía trước tòa, hóa một vật lớn có thể phát ra tiếng sấm động vang dội.

Khởi tạo các pháp biến hóa như thế xong, Bồ-tát lại suy nghĩ: Ta không từng làm kẻ hành đạo gây tạo trở ngại chăng? Liền khởi trí niệm tiền thế, thấy trong trăm ngàn vạn đời của mình ở quá khứ, không từng làm người hành đạo gây tạo trở ngại, chỉ dùng vô số vật dụng hành đạo để làm việc lợi ích.

Bồ-tát lại suy nghĩ: Ta đã tạo nghiệp thiện gì? Ma ác đã tạo nghiệp thiện gì? Chỉ thấy ma ác tạo ra một hội thí vô hạn lớn. Như hội ma ác đã làm, ta đã tạo ra số lượng gấp bội là trăm ngàn vạn hội thí vô hạn. Phước nghiệp bố thí của ma ác hãy còn không như ta, huống chi là phước nghiệp của việc giữ giới tu định.

Lúc này, Bồ-tát dùng diệu lực của phước đức, ngồi lại cho ngay ngắn. Khi ấy, ma ác đem ba mươi sáu ức quân ma, tạo ra đủ mọi thứ hình sắc, tướng mạo hung dữ, ồ ạt kéo đến vây quanh cây Bồ-đề.

Bồ-tát nói với ma ác: Ông đã tạo ra một hội thí vô hạn. Như hội thí vô hạn của ông đã làm, Ta đã tạo ra hội thí gấp trăm ngàn vạn lần số lượng của ông.

Ma ác nói với Bồ-tát: Hội thí của ta lấy ông làm chứng, còn ai làm chứng cho ông?

Bấy giờ, Bồ-tát liền dùng bàn tay có tướng tốt trang nghiêm ấn mạnh xuống mặt đất, phát ra âm thanh lớn. Quân ma nghe âm thanh vang dội ấy, tức thì tan vỡ.

Lúc này, Bồ-tát dùng thiên nhãn của nghiệp báo, trông thấy sắc cách xa một do-tuần, nhưng không nghe âm thanh, bèn khởi thiên nhĩ thông, thì ngoài một do-tuần tuy nghe âm thanh, nhưng không thấy hình sắc. Tiếp theo, liền khởi thiên nhãn thông, tuy thấy sắc, nghe tiếng, nhưng không biết tâm của các chúng sinh kia đang nghĩ gì? Bồ-tát lại khởi tha tâm trí thông, nhận biết nơi hàng quyến thuộc của Đế thích tâm sinh khởi hoan hỷ, còn nơi đám quyến thuộc của Ma vương thì tâm sinh sầu não.

Bồ-tát lại suy nghĩ thế này: Vì việc gì mà ma ác lại phát khởi tâm độc ác này? Đều do nơi năm dục, tham vướng nơi năm dục, đều do nơi phiền não.

Vì sự việc ấy liền khởi lậu tận thông, nên nói như thế này: Là theo thứ lớp hàng phục ma, nên vào đầu đêm, giữa và cuối đêm, Bồtát luôn khởi Thông, Minh hiện ở trước.

* Nếu khi kiến khổ, trước đã được những gì là tịnh không hoại? Khi kiến tập, diệt, đạo, trước đã được những gì là tịnh không hoại?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Hoặc có thuyết cho: Kiến đế trong một lúc, không có kiến đế theo thứ lớp, như phái Tỳ-bà Xà-bà-đề.

Hỏi: Phái kia vì sao tạo ra thuyết như thế?

Đáp: Vì phái kia đã dựa vào kinh Phật. Kinh Phật nói: Nếu đối với khổ không nghi, thì cũng đối với tập, diệt, đạo không nghi. Nếu nói đối với khổ không nghi thì cũng đối với tập, diệt, đạo không nghi. Điều này há chẳng phải là kiến đế trong một lúc chẳng phải là theo thứ lớp sao?

Để ngăn chận ý của thuyết như thế, lại cũng nhằm làm rõ kiến đế là theo thứ lớp. Vì nếu kiến đế trong một lúc không phải theo thứ lớp, tức trái với kinh Phật. Như nói: Cư sĩ Tu-đạt-đa đi đến chỗ Đức Phật, thưa hỏi như thế này: Bạch Thế Tôn! Kiến đế là trong một lúc hay là kiến đế theo thứ lớp?

Đức Phật bảo Cư sĩ: Kiến đế là theo thứ lớp, không phải là kiến đế trong một lúc. Ví như cách thức bước lên bốn từng cấp.

Hỏi: Nếu kiến đế là theo thứ lớp, không phải là trong một lúc, thì như kinh do phái Tỳ-bà Xà-bà-đề đã nêu dẫn làm sao thông hợp?

Đáp: Văn của kinh kia nên nói như thế này: Nếu đối với đạo không nghi, thì cũng đối với khổ, tập, diệt không nghi. Tức nên nói như thế, nhưng không nói là có ý gì? Đáp: Kinh Phật nói về người được quả. Nếu một người được quả, tức đối với bốn đế không nghi.

Lại nữa, kinh ấy nói về người không hành nghi. Nếu người kiến khổ, rốt ráo không hành nơi nghi, nên nói như vậy.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Hành giả mới nhập nơi nghĩa của kiến đạo, gọi là tin đối với tất cả xứ.

Hỏi: Tôn giả kia đã nói: Kiến đế theo thứ lớp, không nói kiến đế trong một lúc. Vì sao lại nêu bày như thế?

Đáp: Nên hiểu ý của Tôn giả kia đã nói. Vì Tôn giả kia nói: Hành giả lúc ở nơi khổ pháp nhẫn lại là lúc không dừng trụ, tất được tất cả tín. Ví như đem vật đựng bằng đất sét ở nơi lầu ba tầng ném xuống đất, trong khoảnh khắc chưa tới đất, về nghĩa đã gọi là vỡ tan. Pháp kia cũng như vậy.

Thế nên, vì muốn ngăn chận nghĩa của người khác, cũng nhằm hiển bày nghĩa của mình, cùng nêu rõ nghĩa tương ưng của pháp tướng, nên tạo ra phần Luận này.

Pháp vô học trong thân Phật, đó gọi là Phật duyên với tín vô lậu kia, gọi là tín không hoại đối với Phật. Ba căn hiện có trong thân Phật-bích-chi, hai căn hiện có trong thân Bồ-tát, ba đế gọi là pháp, nếu duyên với tín vô lậu kia, gọi là tín không hoại đối với pháp. Pháp học, pháp vô học hiện có trong thân Thanh văn, nếu duyên với tín vô lậu kia, gọi là tín không hoại đối với Tăng.

Hỏi: Giới vô lậu là giới được bậc Thánh yêu thích. Nếu khi kiến khổ thì trước đã được những tín gì?

Đáp: Được pháp. Tức ở nơi pháp khổ.

Tôn giả Cù-sa nói: Pháp lỗi lầm tai hại của tín đối với khổ đế. Pháp công đức của tín đối với diệt đế.

Hỏi: Nếu khi kiến tập thì trước đã được những tín gì?

Đáp: Được pháp. Tức ở nơi pháp tập.

Tôn giả Cù-sa nói: Pháp lỗi lầm tai hại của kiến đối với tập đế. Pháp công đức của kiến đối với diệt đế.

Hỏi: Nếu khi kiến diệt thì trước đã được những tín gì?

Đáp: Được pháp. Tức ở nơi pháp diệt.

Hỏi: Hành giả khi kiến ba đế là đã được hai thứ tịnh không hoại, đó là tín và giới. Vì sao chỉ nói tín, không nói giới?

Đáp: Tức nên nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu giảng chưa trọn vẹn.

Lại nữa, vì ở đây không hỏi có được bao nhiêu thứ tịnh không hoại. Chỉ hỏi: Có được duyên nơi tịnh không hoại nào? Do giới là pháp không duyên, thế nên không nói.

Hỏi: Nếu khi kiến đạo thì trước đã được những tín gì?

Đáp: Được tín không hoại đối với Phật, Pháp, Tăng.

Pháp sư nước ngoài nói như vầy: Khi kiến đạo đế trong khoảnh khắc ba sát-na, tín căn hiện ở trước, nhận lấy pháp hồi chuyển tương ưng với đạo đế kia.

Có bốn thứ tịnh không hoại: Tín kia nếu duyên nơi pháp vô học trong thân Phật, đó gọi là tín không hoại đối với Phật. Nếu duyên nơi ba căn trong thân Phật-bích-chi, hai căn trong thân Bồtát, đó gọi là tín không hoại đối với Pháp. Nếu duyên nơi pháp học, vô học trong thân Thanh văn, đó gọi là tín không hoại đối với Tăng. Nhận lấy giới hồi chuyển của đạo đế kia, gọi là giới được bậc Thánh yêu thích.

Không nên như Pháp sư nước ngoài đã nói. Sa-môn nước Kế Tân đã nêu bày: Tín kia duyên chung nơi pháp không có phân biệt, gọi là tín không hoại đối với pháp. Chỉ khi tín hiện ở trước, vị lai tức có vô lượng tu tín. Vị lai tu tín.

Hoặc có người duyên nơi pháp vô học của Phật, đó gọi là không chung khi duyên nơi tín không hoại của Phật. Hoặc có người duyên nơi ba căn của Phật-bích-chi, hai căn của Bồ-tát, đó gọi là không chung khi duyên nơi tín không hoại của Pháp. Hoặc có người duyên nơi pháp học, vô học trong thân Thanh văn, đó gọi là không chung khi duyên nơi tín không hoại của Tăng.

Hoặc có người duyên nơi pháp vô học trong thân Phật, ba căn trong thân Phật-bích-chi, hai căn trong thân Bồ-tát. Hoặc có người duyên nơi pháp vô học trong thân Phật, duyên nơi pháp học, vô học trong thân Thanh văn. Hoặc có người duyên nơi ba căn trong thân Phật-bích-chi, duyên nơi hai căn trong thân Bồ-tát, duyên nơi pháp học, vô học trong thân Thanh văn. Hoặc có người duyên nơi pháp vô học trong thân Phật, duyên nơi ba căn trong thân Phật-bích-chi, duyên nơi hai căn trong thân Bồ-tát, duyên nơi pháp học, vô học trong thân Thanh văn.

Hết thảy các duyên như thế đều là duyên chung nơi tín không hoại đối với pháp, cũng được giới hồi chuyển là giới được bậc Thánh yêu thích.

Như khi kiến đạo đế, trong khoảnh khắc ba sát-na, đạo tỷ trí cũng như thế. Chỗ khác nhau: Là người hành vào lúc này, ba khoảnh tâm kiến đạo đế, không được tu duyên nơi tín ba đế trước, là lúc tu khoảnh khắc.

Hỏi: Như thể của diệt, đạo là tịnh, là xứ tịnh. Khi kiến được tịnh không hoại thì có thể như thế. Thể của khổ, tập đế không phải là tịnh, không phải là xứ tịnh. Vì sao? Vì là pháp phiền não, hành ác, tà kiến, điên đảo. Nhưng vì sao khi kiến lại được tịnh không hoại?

Đáp: Do hai sự việc nên được tịnh không hoại: (1) Có thể tin. (2) Có thể cầu.

Đối với diệt, đạo đế được tịnh không hoại có hai sự việc, là do có thể tin, cũng là có thể cầu.

Đối với khổ, tập đế được tịnh không hoại chỉ có một sự việc, là có thể tin, không phải là có thể cầu.

Tôn giả Cù-sa nói: Nếu bị bức bách do khổ, tập, thì kiến diệt, đạo là hơn. Như người bị gió bão bức bách, thì thấy nhà cửa là thắng diệu. Kiến diệt, đạo kia cũng như thế.

Người kiên tín đối với đạo kiên tín do hai sự việc nên được tịnh không hoại: (1) Có thể tin. (2) Có thể cầu. Đối với đạo kiên pháp cũng có hai sự việc.

Người kiên pháp đối với đạo kiên pháp cũng do hai sự việc: (1) Có thể tin. (2) Có thể cầu. Đối với đạo kiên tín chỉ là có thể tin, không phải là có thể cầu.

Đạo tín giải thoát, đạo kiến đáo, đạo thời giải thoát, đạo phi thời giải thoát, đạo Thanh văn, đạo Phật-bích-chi, đạo Phật đều tùy theo tướng để nói.

Hỏi: Nếu tin pháp vô học trong thân của Tôn giả Xá-lợi-phất, là tín không hoại đối với Pháp hay là tín không hoại đối với Tăng? Nếu là Pháp thì người kia tức duyên nơi pháp vô học trong thân Thanh văn. Nếu là Tăng thì một mình Tôn giả Xá-lợi-phất không phải là Tăng?

Đáp: Nên nói là Tăng.

Hỏi: Nếu như vậy thì một người làm sao là Tăng?

Đáp: Nếu theo pháp mà nói là Tăng. Nếu theo người mà nói thì không phải là Tăng.

Nếu dựa vào thiền vị chí được thiền chưa từng được. Khi tịnh không hoại đối với Phật hiện ở trước thì hiện tại có hai, là đối với Phật và giới, vị lai có bốn.

Nếu khởi chỗ từng được ấy hiện ở trước thì hiện tại có hai, vị lai không có. Cho đến dựa vào thiền thứ tư nói cũng như thế.

Nếu dựa vào định vô sắc được định chưa từng được, khi tịnh không hoại đối với Đức Phật hiện ở trước thì hiện tại có một, đó là tín Phật, vị lai có bốn.

Nếu khởi định đã từng được ấy hiện ở trước, thì hiện tại có một, vị lai không có.

Hỏi: Thế nào là lập tịnh không hoại? Là do tự thể hay là do đối tượng duyên? Nếu do tự thể, thì nên có hai thứ là tín và giới. Nếu do đối tượng duyên, thì nên có ba thứ là Phật, Pháp, Tăng. Vì sao? Vì giới không có đối tượng duyên.

Đáp: Nên nói như thế này: Do tự thể cũng do đối tượng duyên. Tự thể là giới. Đối tượng duyên là tín. Như tự thể, đối tượng duyên, thì tự thể Tam bảo, tự thể tam quy nói cũng như thế.

Đó là thể tánh của tịnh không hoại, cho đến nói rộng.

Đã nói về thể tánh của tịnh không hoại. Về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là tịnh không hoại? Tịnh không hoại là nghĩa gì?

Đáp: Do đạt được vô số quán giải, vô số lường xét, nên gọi là tịnh không hoại.

Lại nữa, vì không thể phá trừ, nên gọi là tịnh không hoại. Hoặc là Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Ma, hoặc Phạm và thế gian khác đều không thể theo như pháp phá bỏ được, nên gọi là tịnh không hoại.

Lại nữa, vì tín này là không thể đoạn, nên gọi là tịnh không hoại. Không có Sa-môn, Bà-la-môn có thể như pháp đoạn dứt được. Nói rộng như trên.

Tôn giả Cù-sa nói: Nếu đối với pháp Phật, không hành vô số thứ quán giải, không hành vô số lường xét, cũng như chiếc thuyền trên dòng nước không dây buộc, nên bồng bềnh, dễ vỡ. Cùng với trên trái nhau tức không chao đảo dễ vỡ, nên gọi là tịnh không hoại.

Hỏi: Đức Thế Tôn vì sao trước nói tịnh không hoại đối với Phật, cho đến sau nói tịnh không hoại giới?

Đáp: Nếu nêu bày như vậy thì văn nghĩa được thuận hợp, người nói tức dễ, kẻ thọ nhận cũng dễ hiểu.

Lại nữa, Phật dụ như thầy thuốc, Pháp dụ như không bệnh, Tăng dụ như người chăm sóc bệnh nhân, Giới dụ cho thuốc hay.

Lại nữa, vì Phật có thể giảng nói pháp nên ở đầu. Đức Phật vì hạng người nào giảng nói pháp? Do đấy tiếp theo là nói tín Pháp. Vì ai giảng nói pháp? Vì Tăng giảng nói. Do đấy tiếp theo là nói tín Tăng. Là do sự việc gì gọi là Tăng? Là do giới nên gọi là Tăng. Do đấy tiếp theo là nói tín Giới.

Lại nữa, có khả năng chỉ dẫn chúng sinh về đạo, nên trước hết là tín Phật. Vì có khả năng dẫn đến thành Niết-bàn, nên tiếp theo là nói tín Pháp. Vì cũng như bạn thiện, nên tiếp theo là nói tín Tăng. Vì như tư lương, nên tiếp theo là nói tín Giới.

Lại nữa, tin Phật như thuyền sư, tin Pháp như bờ kia, tin Tăng như người đồng vận chuyển, tin Giới như chiếc thuyền.

Kinh Phật nói Giới được bậc Thánh yêu thích này không vỡ, không xuyên thủng, không có uế ác xen tạp, được người trí tán thán.

Hỏi: Giới được bậc Thánh yêu thích, vì sao gọi là không vỡ, không xuyên thủng, không có uế ác xen tạp?

Đáp: Nói rộng như nơi Kiền Độ Tạp.

HẾT – QUYỂN 53