LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 28

Chương 2: KIỀN ĐỘ SỬ

Phẩm thứ 1: BẤT THIỆN, phần 4

* Ba kiết này, bao nhiêu thứ là bất thiện, bao nhiêu thứ là vô ký? Cho đến chín mươi tám sử, có bao nhiêu thứ là bất thiện, bao nhiêu là thứ vô ký?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Tất cả phiền não đều là bất thiện, vì không có đối tượng nắm giữ thiện xảo. Như Phái Thí Dụ đã tạo ra thuyết như thế. Vì nhằm dứt bỏ ý tưởng như vậy, cũng nhằm nêu rõ phiền não có thứ là bất thiện, có thứ là vô ký. Nếu không có đối tượng nắm giữ thiện xảo là bất thiện, thì các phiền não nên nói là không có thiện xảo, không nên nói là bất thiện. Vì sao? Vì không có thiện xảo là không biết nắm giữ là tương ưng, vì không thể dùng tự thể trở lại tương ưng với tự thể.

Lại nữa, hoặc có thuyết cho: Các phiền não nơi cõi dục đều là bất thiện, các phiền não của cõi sắc, vô sắc đều là vô ký. Vì nhằm dứt bỏ ý của thuyết như thế, cũng để nêu bày Thân kiến, Biên kiến là pháp vô ký, nên tạo ra phần Luận này.

Lại có thuyết nêu: Sở dĩ tạo luận, là vì nghĩa gì nên tạo luận? Đáp: Vì muốn khiến nghĩa ấy được thành lập, nên tạo ra phần Luận này. Thế nên, trước nêu câu hỏi: Do nghĩa gì, Tôn giả kia tạo luận lập chương trước? Đáp: Vì muốn hiện bày môn. Nay vì nhằm hiện bày môn nên tạo ra phần Luận này.

Ba kiết này, bao nhiêu thứ là bất thiện, bao nhiêu thứ là vô ký?

Đáp: Một thứ là vô ký: Nghĩa là thân kiến.

Hỏi: Vì sao thân kiến là vô ký?

Đáp: Nếu pháp là không hổ không thẹn cùng với không hổ không thẹn tương ưng, từ không hổ không thẹn sinh, cùng với không hổ không thẹn làm quả y (quả đẳng lưu) là bất thiện. Thân kiến thì không tương ưng với không hổ không thẹn, không từ nơi không hổ không thẹn sinh, không cùng với không hổ không thẹn làm quả y, nên là vô ký.

Lại nữa, kiết này không hoàn toàn làm hoại tâm trông mong.

Hỏi: Thế nào là không hoàn toàn làm hoại tâm trông mong?

Đáp: Tức như nghĩa trên đã nói. Lại nữa, kiết này không cùng với tu thí giới trái nhau, nên là vô ký. Như người chấp ngã, tu hành bố thí, là muốn cho ngã được an vui. Giữ giới là muốn khiến ngã được sinh lên cõi trời. Tu tập là muốn khiến ngã được giải thoát.

Lại nữa, kiết này đối với tự thể là ngu tối, nhưng không bức bách người khác. Như người chấp ngã khi mắt thấy sắc, không khởi suy nghĩ này: Mắt là chủ thể thấy sắc, sắc là đối tượng có thể thấy, nhưng khởi suy nghĩ: Ngã là chủ thể thấy sắc, ngã sở là đối tượng có thể thấy, cho đến ý nhận biết pháp, không có suy nghĩ này: Ý là chủ thể nhận biết pháp, pháp là đối tượng có thể nhận biết. Nhưng có suy nghĩ: Ngã là chủ thể nhận biết pháp, ngã sở là đối tượng có thể nhận biết.

Không bức bách người khác: Các kiến điên đảo như thế v.v… là không gây bức bách đối với người khác.

Lại nữa, vì thân kiến không sinh báo, nên là vô ký.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Vì sao kiến này là vô ký? Đáp: Vì kiến này không thể khởi nghiệp thân, miệng thô.

Hỏi: Nếu như vậy thì phiền não bất thiện cũng có thứ không thể khởi nghiệp thân, miệng thô, chúng nên là thân kiến chăng?

Đáp: Lúc tham, giận dữ, ngu si tăng thịnh, tức có thể khởi.

Lại nữa, vì kiến này không thể khiến người bị đọa vào nẻo ác, nên là vô ký.

Hỏi: Nếu như vậy thì phiền não bất thiện cũng có thứ không thể khiến con người bị đọa vào nẻo ác?

Đáp: Lúc tham, giận, si gia tăng mạnh, thì có thể khiến con người bị đọa vào nẻo ác. Còn khi kiến này tăng thịnh, thì không thể khiến con người bị đọa vào nẻo ác.

Lại nữa, kiến này không thể sinh quả không yêu thích, nên là vô ký.

Hỏi: Kiến này có thể sinh khởi hữu sau, tức là sinh quả không yêu thích. Vì sao? Vì như Đức Phật nói: Tỳ-kheo nếu khởi hữu sau, cho đến dù chỉ một sát-na, Ta cũng không khen ngợi. Vì sao? Vì người dấy khởi hữu là tạo pháp khổ.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Đối tượng chấp giữ của kiến này là điên đảo, cũng sinh điên đảo, nên là bất thiện. Nếu như thân kiến không phải là bất thiện, thì cái gì là bất thiện? Đức Thế Tôn cũng nói: Cho đến ngu tối nhỏ cũng là bất thiện. (Không có phần đáp? ND).

Hai thứ nên phân biệt:

Hỏi: Vì sao nói là nên phân biệt?

Đáp: Tức nghĩa này nên phân biệt, là phần bất thiện, là phần vô ký.

Lại nữa, vì nghĩa này cần phải mở ra, nên nói là phân biệt.

Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề tạo ra thuyết: Vì nghĩa ấy cần giải nêu rõ, nên nói là phân biệt: Giới thủ, nghi, nếu ở cõi dục là bất thiện, nếu ở cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Hỏi: Vì sao phiền não của cõi sắc, vô sắc là vô ký?

Đáp: Nếu pháp là không hổ, không thẹn cùng với không hổ, không thẹn tương ưng, từ nơi không hổ, không thẹn sinh, làm quả y (quả đẳng lưu) cho không hổ, không thẹn, là bất thiện. Vì phiền não của cõi sắc, vô sắc cùng với trên là trái nhau, nên là vô ký.

Lại nữa, vì phiền não này không làm hoại tâm trông mong. Thế nào là không làm hoại tâm trông mong? Là do như nghĩa đã nói ở trên.

Lại nữa, phiền não của cõi sắc, vô sắc không thể sinh báo. Vì không thể sinh báo nên là vô ký. Sở dĩ không thể sinh báo là vì bị bốn chi, năm chi định chế phục. Cũng như rắn độc đã bị chú thuật chế phục, thì không thể cắn người. Phiền não kia cũng như thế.

Lại nữa, vì chẳng phải là vật chứa đựng của báo, nên phiền não của cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Nếu như cõi sắc, vô sắc có thể sinh báo, thì sinh báo gì? Nên sinh thọ khổ. Thọ khổ là pháp của cõi dục, không thể do phiền não của cõi sắc, vô sắc mà thọ nhận báo trong cõi dục.

Lại nữa, cõi sắc, vô sắc không phải là hoàn toàn có thể sinh điên đảo, chỉ có một ít pháp tương tợ. Như tà kiến của cõi sắc, vô sắc hủy báng nói là không có khổ. Tuy nhiên hai cõi trên cũng có an vui giống nhau. Kiến thủ của cõi trên chấp các ấm kia cho là bậc nhất, nhưng cũng có chỗ giống nhau về bậc nhất. Giới thủ của cõi trên chấp các ấm kia cho là có thể đạt thanh tịnh, nhưng cõi trên cũng có chỗ giống nhau về có thể đạt thanh tịnh. Nghĩa là đạo của cõi sắc có thể làm tịnh cõi dục. Đạo của cõi vô sắc có thể làm tịnh cõi sắc. Thế nên phiền não của hai cõi ấy nhất định không phải là bất thiện.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Vì sao các phiền não của cõi sắc, vô sắc là vô ký? Đáp: Vì không thể khởi nghiệp thân, miệng thô. Hỏi: Phiền não bất thiện cũng có thứ không thể khởi nghiệp thân miệng thô, nên chúng là vô ký?

Đáp: Lúc tham, giận, si tăng thịnh, là có thể khởi nghiệp thân miệng thô. Các phiền não kia lúc tăng thịnh thì không thể khởi nghiệp thân, miệng thô. Lại nữa, các phiền não kia không thể khiến con người bị đọa vào nẻo ác, nên là vô ký.

Hỏi: Phiền não bất thiện cũng có thứ không thể khiến con người bị đọa vào nẻo ác, chúng cũng nên là vô ký?

Đáp: Lúc tham, giận, si tăng thịnh, tức có thể khiến con người bị đọa vào nẻo ác. Còn các phiền não kia lúc tăng thịnh thì không thể khiến con người bị đọa vào nẻo ác. Lại nữa, các phiền não kia không thể sinh quả không yêu thích.

Hỏi: Nếu sinh một ít hữu sau là quả không yêu thích, nói rộng như trên.

Đáp: Tôn giả Phật Đà Đề Bà nói: Nếu như phiền não của cõi sắc, vô sắc không phải là bất thiện, thì cái gì là bất thiện? Đức Thế Tôn cũng nói: Phiền não sinh khởi nghiệp nên là bất thiện.

Ba căn bất thiện: Chỉ là bất thiện. Vì sao? Vì căn bất thiện này là phiền não bất thiện, làm nhân, làm rễ, làm xuất xứ, làm gốc, làm hữu, làm duyên, lập tập, làm chỗ sinh cho pháp bất thiện.

Ba lậu: Một thứ là vô ký, là hữu lậu. Sở dĩ là vô ký tức như đã nói ở trên.

Hai thứ nên phân biệt là dục lậu và vô minh lậu.

Dục lậu: Hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Vì sao dục lậu là bất thiện? Vì đó là không hổ, không thẹn cũng cùng với không hổ, không thẹn tương ưng. Là không hổ, không thẹn nên bất thiện, tức là tự thể. Cùng với hai thứ ấy tương ưng là nhận lấy ba mươi bốn thứ: Hoàn toàn bất thiện có ba thứ. Phần ít, nghĩa là thùy miên, trạo cử tương ưng với không hổ, không thẹn là bất thiện.

Vì sao dục lậu là vô ký? Vì không cùng với không hổ, không thẹn tương ưng. Đây là nói về thân kiến, biên kiến, cũng nói về phần ít của ba thứ, nghĩa là thùy, miên, trạo cử, tương ưng với thân kiến, biên kiến đó gọi là vô ký.

Hỏi: Không hổ không cùng với không hổ tương ưng, không thẹn không cùng với không thẹn tương ưng, có thể thuộc về dục lậu vô ký chăng?

Đáp: Văn ấy nên nói như thế này: Thế nào là vô ký không thuộc về không hổ không thẹn, không tương ưng với dục lậu?

Không hổ không thẹn không gồm thâu, tức là không hổ không thẹn còn lại không tương ưng, là trừ không hổ không thẹn tương ưng, nhưng không nói là có ý gì? Đáp: Không hổ tuy không cùng với không hổ tương ưng, nhưng cùng với không thẹn tương ưng. Không thẹn tuy không cùng với không thẹn tương ưng, nhưng cùng với không hổ tương ưng. Vì sao? Vì không lìa nhau. Thế nên chẳng phải thuộc về dục lậu vô ký.

Vô minh lậu: Hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký:

Vì sao vô minh lậu là bất thiện? Vì cùng tương ưng với không hổ không thẹn. Như thế tức là nói vô minh nơi cõi dục do bốn thứ đoạn, nghĩa là do kiến tập, kiến diệt, kiến đạo và tu đạo đoạn cùng khổ đế đoạn phần ít.

Phần ít, nghĩa là ba kiến, nghi, ái, giận, mạn tương ưng với vô minh và vô minh không chung.

Vì sao vô minh lậu là vô ký? Vì không cùng với không hổ không thẹn tương ưng. Như thế tức là nói vô minh nơi cõi dục tương ưng với thân kiến, biên kiến. Vô minh nơi cõi sắc, vô sắc do năm thứ đoạn.

Hỏi: Vì sao trong mười triền, chỉ nói cùng với không hổ không thẹn tương ưng mà không nói các thứ khác?

Đáp: Vì ý của người tạo luận muốn như thế. Tùy theo ý muốn của người tạo luận, nhưng cũng không trái với pháp tướng.

Lại nữa, hai triền ấy hoàn toàn là bất thiện, cùng với tất cả phiền não bất thiện tương ưng. Triền phẩn, triền phú (che giấu), triền tật (ganh ghét), triền xan (keo kiệt) tuy hoàn toàn là bất thiện, nhưng không cùng với tất cả phiền não bất thiện tương ưng. Triền thùy, triền trạo cử tuy cùng với tất cả phiền não bất thiện tương ưng, nhưng không hoàn toàn là bất thiện. Vì sao? Vì là bất thiện và vô ký. Triền miên, triền hối không phải là hoàn toàn bất thiện. Vì sao? Vì miên có thiện, bất thiện, vô ký. Hối có thiện, bất thiện, vô ký. Còn không hổ không thẹn thì hoàn toàn là bất thiện, cùng với tất cả phiền não bất thiện tương ưng. Nên tùy có từng ấy không hổ không thẹn tương ưng là có từng ấy phiền não bất thiện. Có từng ấy phiền não bất thiện là có từng ấy tương ưng với không hổ không thẹn. Như tùy có từng ấy cái hộp là có từng ấy nắp đậy. Pháp kia cũng như thế.

Bốn lưu: Một thứ là vô ký, là hữu lưu. Vì sao? Vì là pháp của cõi sắc, vô sắc. Như nói phiền não của cõi sắc, vô sắc là vô ký, hữu lưu này cũng như thế.

Ba thứ nên phân biệt, là dục lưu, kiến lưu và vô minh lưu.

Dục lưu hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Thế nào là bất thiện? Nghĩa là không hổ không thẹn cùng tương ưng với dục lưu. Không hổ không thẹn tức là nói về thể của không hổ không thẹn. Tương ưng với dục lưu là nói về hai mươi bốn thứ hoàn toàn bất thiện và phần ít của ba thứ, là thùy, miên, trạo cử tương ưng với không hổ không thẹn.

Thế nào là vô ký? Nghĩa là dục lưu không cùng với không hổ không thẹn tương ưng. Như thế tức là nói phần ít của thùy, miên, trạo cử cùng với thân kiến, biên kiến của cõi dục tương ưng.

Kiến lưu hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Thế nào là bất thiện? Nghĩa là ba kiến hệ thuộc cõi dục, là tà kiến, kiến thủ, giới thủ.

Thế nào là vô ký? Nghĩa là hai kiến hệ thuộc cõi dục, là thân kiến, biên kiến, năm kiến hệ thuộc cõi sắc, vô sắc.

Vô minh lưu hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Thế nào là bất thiện? Nghĩa là vô minh lưu cùng với không hổ không thẹn tương ưng.

Thế nào là vô ký? Nghĩa là vô minh lưu không cùng với không hổ không thẹn tương ưng.

Bốn ách: Cũng giống như bốn lưu.

Bốn thủ: Một thứ là vô ký, là Ngã ngữ thủ. Vì sao? Vì là pháp của cõi sắc, vô sắc. Như nói: Phiền não của cõi sắc, vô sắc là vô ký. Thủ này cũng như thế.

Ba thứ nên phân biệt, là Dục thủ, Kiến thủ, Giới thủ.

Dục thủ hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Thế nào là bất thiện? Là không hổ, không thẹn cùng với dục thủ tương ưng. Không hổ, không thẹn tức nói về tự thể. Cùng tương ưng với dục thủ tức nói về hai mươi tám thứ hoàn toàn bất thiện và phần ít của bốn thứ, nghĩa là thùy, miên, trạo cử, vô minh cùng với không hổ, không thẹn tương ưng.

Thế nào là vô ký? Là dục thủ không cùng với không hổ, không thẹn tương ưng, tức là nói về phần ít của bốn thứ: Thùy, miên, trạo cử, vô minh, cùng với thân kiến, biên kiến hệ thuộc cõi dục tương ưng.

Kiến thủ hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Thế nào là bất thiện? Là hai kiến hệ thuộc cõi dục, tức tà kiến, kiến thủ.

Thế nào là vô ký? Là hai kiến hệ thuộc cõi dục, tức thân kiến, biên kiến, cùng bốn kiến của cõi sắc, cõi vô sắc.

Giới thủ: Nơi cõi dục là bất thiện, nơi cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Bốn phược (Bốn thứ trói buộc thân): Có hai thứ là bất thiện, tức tham dục trói buộc thân, giận dữ trói buộc thân. Hai thứ nên phân biệt là kiến thủ trói buộc thân, giới thủ trói buộc thân: Hệ thuộc cõi dục là bất thiện. Hệ thuộc cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Năm cái: Chỉ là bất thiện.

Năm kiết: Có ba thứ bất thiện là kiết giận, kiết ganh ghét và kiết keo kiệt. Hai thứ nên phân biệt là kiết ái và kiết mạn: Hệ thuộc cõi dục là bất thiện. Hệ thuộc cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Năm kiết phần dưới: Có hai thứ bất thiện là kiết dục ái, kiết giận dữ. Một thứ vô ký là kiết thân kiến. Hai thứ nên phân biệt là kiết giới thủ và kiết nghi: Hệ thuộc cõi dục là bất thiện. Hệ thuộc cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Năm kiết phần trên: Chỉ là vô ký.

Năm kiến: Có hai thứ vô ký là thân kiến, biên kiến. Ba thứ nên phân biệt là tà kiến, kiến thủ và giới thủ: Hệ thuộc cõi dục là bất thiện. Hệ thuộc cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Sáu ái thân: Có hai thứ bất thiện là tỷ xúc sinh ái thân, thiệt xúc sinh ái thân. Bốn thứ nên phân biệt là nhãn xúc sinh ái thân, nhĩ xúc sinh ái thân, thân xúc sinh ái thân, nếu hệ thuộc cõi dục là bất thiện, hệ thuộc cõi Phạm thế là vô ký. Ý xúc sinh ái thân, hệ thuộc cõi dục là bất thiện, hệ thuộc cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Bảy sử: Có hai thứ bất thiện là sử dục ái và sử giận dữ. Một thứ vô ký là sử hữu ái. Bốn thứ nên phân biệt là sử mạn, sử vô minh, sử kiến, sử nghi.

Sử mạn, sử nghi hệ thuộc cõi dục là bất thiện, hệ thuộc cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Sử vô minh hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là bất thiện? Là sử vô minh cùng với không hổ, không thẹn tương ưng. Thế nào là vô ký? Là sử vô minh không cùng với không hổ, không thẹn tương ưng.

Sử kiến hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là bất thiện? Là ba kiến hệ thuộc cõi dục. Thế nào là vô ký? Là hai kiến hệ thuộc cõi dục cùng năm kiến hệ thuộc cõi sắc, vô sắc.

Chín kiết: Có ba thứ là bất thiện: Là kiết giận dữ, kiết keo kiệt, kiết ganh ghét. Sáu thứ nên phân biệt: Là kiết ái, kiết mạn, kiết thủ, kiết nghi: Hệ thuộc cõi dục là bất thiện. Hệ thuộc cõi sắc, vô sắc là vô ký.

Kiến vô minh hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là bất thiện? Là vô minh cùng với không hổ, không thẹn tương ưng. Thế nào là vô ký? Là vô minh không cùng với không hổ, không thẹn tương ưng.

Kiết kiến hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là bất thiện? Là tà kiến hệ thuộc cõi dục. Thế nào là vô ký? Là thân kiến, biên kiến hệ thuộc cõi dục, cùng ba kiến hệ thuộc cõi sắc, vô sắc.

Chín mươi tám sử: Có ba mươi ba thứ là bất thiện, sáu mươi bốn thứ là vô ký, một thứ nên phân biệt là sử vô minh hệ thuộc cõi dục do kiến khổ đoạn, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Thế nào là bất thiện? Là sử vô minh cùng với không hổ, không thẹn tương ưng. Thế nào là vô ký? Là sử vô minh không cùng với không hổ, không thẹn tương ưng.

Môn này là Tỳ-bà-sa, Ưu-ba-đề-xá tức nên phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao gọi là thiện? Vì sao gọi là bất thiện? Vì sao gọi là vô ký?

Đáp: Nếu là đối tượng nắm giữ của thiện xảo, sinh ra quả ái, an ổn, nên gọi là thiện.

Đối tượng nắm giữ của thiện xảo: Là đạo đế.

Sinh ra quả ái: Là phần ít của khổ đế, tập đế.

An ổn: Là diệt đế.

Nếu không là đối tượng nắm giữ của thiện xảo, sinh ra quả không yêu thích, không an ổn, nên gọi là bất thiện. Đây là nói về phần ít của khổ đế, tập đế. Trái với đây là vô ký.

Lại nữa, sinh quả ái, sinh quả của thọ lạc là thiện. Sinh quả không yêu thích, sinh quả thọ khổ là bất thiện. Trái với đây là vô ký.

Lại nữa, sinh chủng tử hữu đáng yêu thích là thiện. Sinh chủng tử hữu không đáng yêu thích là bất thiện. Trái với đây là vô ký.

Lại nữa, sinh trong nẻo đáng yêu thích là thiện. Sinh trong nẻo không đáng yêu thích là bất thiện. Trái với đây là vô ký.

Lại nữa, ở trong phần tịch diệt, thể tánh nhẹ nhàng là thiện. Ở trong phần tăng thạnh, thể tánh nặng chìm là bất thiện. Trái với đây là vô ký.

Tôn giả Bà-đa nói: Do bốn sự việc nên gọi là thiện: (1) Thể. (2) Gần gũi. (3) Có thể khởi. (4) Thật nghĩa.

Thể: Là tự thể. Hoặc có thuyết nói: Hổ, thẹn là tự thể. Hoặc có thuyết cho: Ba căn thiện là tự thể.

Gần gũi: Là tâm, tâm số pháp.

Có thể khởi: Là có thể khởi nghiệp thân miệng và tâm bất tương ưng hành.

Thật nghĩa: Là Niết-bàn. Vì an ổn nên nói là thiện.

Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề đã tạo ra thuyết: Tự thể thiện là trí. Gần gũi thiện là thức. Có thể khởi thiện là có thể khởi nghiệp thân miệng.

Thật nghĩa thiện là Niết-bàn.

Do bốn sự việc nên gọi là bất thiện: (1) Thể. (2) Gần gũi. (3) Có thể khởi. (4) Thật nghĩa.

Thể: Là tự thể. Hoặc có thuyết nói: Không hổ không thẹn là tự thể. Hoặc có thuyết cho: Ba căn bất thiện là tự thể.

Gần gũi: Là tâm tâm pháp số.

Có thể khởi: Là có thể khởi nghiệp thân miệng và tâm bất tương ưng hành.

Thật nghĩa: Vì sinh tử không an ổn, nên nói là bất thiện.

Do đấy phái Tỳ-bà Xà-bà-đề đã tạo ra thuyết: Tự thể: Là ngu si. Gần gũi: Là thức. Có thể khởi: Là có thể khởi nghiệp thân miệng. Thật nghĩa: Là sự sinh tử.

Tôn giả Ba-xa nói: Nếu pháp là chánh quán, thì cùng với chánh quán tương ưng, từ chánh quán sinh quả y, quả giải thoát, đó gọi là thiện. Nếu pháp chẳng phải là chánh quán, cho đến không từ chánh quán sinh quả y, thì đó gọi là bất thiện. Cùng với sự việc này trái nhau, gọi là vô ký. Như chánh quán, không chánh quán, thì hổ thẹn, không hổ không thẹn, căn thiện, căn bất thiện, năm căn như tín v.v…, năm cái, nói cũng như thế.

Kinh Tập Pháp nói: Vì sao gọi là thiện? Đáp: Vì có quả đáng yêu mến, quả tốt đẹp, quả thích hợp, quả vừa ý, nên gọi là thiện. Về quả báo nói cũng như thế. Hỏi: Vì sao gọi là bất thiện? Đáp: Vì có quả không yêu mến, quả không tốt đẹp, quả không thích hợp, quả không vừa ý, nên gọi là bất thiện. Về quả báo nói cũng như thế. Cùng với sự việc này trái nhau là vô ký.

Hỏi: Đức Thế Tôn đã quyết định ghi nhận khổ, quyết định ghi nhận tập, quyết định ghi nhận diệt, quyết định ghi nhận đạo, nói rộng về mười hai nhập, thiết lập giải thoát hiển hiện. Vì sao nói vô ký?

Đáp: Không do không giải thoát nên nói vô ký, chỉ vì Đức Thế Tôn đối với pháp thiện, ghi nhận là thiện, pháp bất thiện ghi nhận là bất thiện, còn pháp này không phải là pháp thiện đã ghi nhận, không phải là pháp bất thiện đã ghi nhận, nên nói là vô ký.

Lại nữa, Đức Thế Tôn nói: Pháp thiện có quả đáng yêu thích. Pháp bất thiện có quả không đáng yêu thích. Pháp này không sinh quả yêu thích, không yêu thích, nên nói là vô ký.

Lại nữa, do hai sự việc nên gọi là thiện: (1) Do tự thể. (2) Do có báo.

Bất thiện cũng như thế. Vô ký tuy có tự thể, nhưng không sinh báo nên nói là vô ký. Đức Thế Tôn hoặc có khi không giải nói, gọi là vô ký. Như kinh nói: Sa-môn Cù-đàm! Thế giới này là thường chăng? Đức Phật nói: Câu hỏi này không nên đáp.

Hỏi: Vì lý do gì Đức Phật không đáp câu hỏi ấy?

Đáp: Vì ngoại đạo chấp con người là thường. Các ngoại đạo kia đi đến chỗ Đức Phật, hỏi như thế này: Sa-môn Cù-đàm! Con người là thường chăng? Là chẳng phải thường chăng?

Đức Phật suy nghĩ: Không có nhân, ngã. Nếu đáp không có, các ngoại đạo kia sẽ nói: Tôi không hỏi về có không.

Nếu như nói thường, vô thường, vì không có pháp làm sao nói có thường, vô thường? Như hỏi: Con của thạch nữ có cung kính, hiếu thuận chăng? Ngoại đạo kia sẽ suy nghĩ: Thạch nữ không có con. Ta nếu đáp không có, họ sẽ nói thế này: Tôi không hỏi về không có. Nếu như nói về cung kính, hiếu thuận họ sẽ nói: Thạch nữ không có con, sao lại nói cung kính, hiếu thuận? Câu hỏi kia cũng như thế.

Luận này chẳng phải là có, chẳng phải là thật. Vì chẳng phải là có, chẳng phải là thật, nên Đức Thế Tôn không đáp.

Có bốn cách đáp, như Phẩm Trí nơi Kiền Độ Tạp đã nói rộng.

* Ba kiết này, bao nhiêu thứ có báo, bao nhiêu thứ không có báo? Cho đến chín mươi tám sử, bao nhiêu thứ có báo, bao nhiêu thứ không có báo?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Như Phái Thí Dụ nói: Trừ tư không có nhân báo, trừ thọ không có quả báo. Vì nhằm ngăn dứt ý tưởng của người nói như thế, cũng muốn hiện bày năm ấm là quả báo.

Lại nữa, vì sao tạo ra phần Luận này? Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đã thọ nhân báo thì không có thể tánh. Như Bộ Ca Diếp Duy đã nói thế này: Nghĩa của nhân chỉ đến khi báo chưa thành thục, nếu báo thành thục thì không còn có nghĩa của nhân. Cũng như hạt giống chưa sinh mầm thì có nghĩa hạt giống. Nếu khi mầm đã mọc thì không có nghĩa của hạt giống nữa. Nghĩa của nhân kia cũng như thế. Vì nhằm ngăn dứt ý như đã nêu của Bộ kia, lại cũng nêu rõ về báo, tuy nhân đã thành thục, nhưng vẫn có thể tánh.

Lại có thuyết nói: Vì sao tạo ra phần Luận này? Đáp: Vì các ngoại đạo. Như ngoại đạo nói: Nghiệp thiện ác không có quả báo. Vì nhằm ngăn trừ ý tưởng như thế, cũng để làm rõ nghiệp thiện ác là có quả báo.

Thế nên, nhằm ngăn trừ nghĩa của người khác, làm sáng tỏ nghĩa của mình, cũng nêu bày nghĩa tương ưng của pháp tướng, nên tạo ra phần Luận này.

Giả như không vì nhằm ngăn trừ nghĩa của người khác, không vì làm sáng tỏ nghĩa của mình, chỉ nhằm nói rõ nghĩa tương ưng của pháp tướng, nên tạo ra phần Luận này, như văn của môn đầu đã nói, tức văn của môn này cũng nên nói như thế.

Ba kiết, nếu bất thiện thì có báo, vô ký thì không có báo. Cho đến chín mươi tám sử cũng như vậy.

Môn này là nói rộng, tức Ưu-ba-đề-xá, Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Là do báo của tự pháp cùng có nên nói có báo, hay là do báo của tha pháp cùng có nên nói có báo? Nếu do báo của tự pháp cùng có nên nói có báo, thì vì sao nhân quả không cùng nhau? Cũng trái với kệ đã nói, như nói:

Tạo ác không báo ngay

Như Tát-già ném sữa

Không đốt ngay ngu, nhỏ

Cũng như lửa dưới tro.

Có loại cỏ gọi là Tát-già, nếu đem mài nhuyễn nát, bỏ vào trong sữa, tức thì thành lạc. Nhân, quả thì không như thế. Vậy là thế nào? Đáp: Như lửa dưới đáy tro, mới đạp qua thì không nóng, đứng lại lâu mới thấy nóng. Như thế, nghiệp bất thiện lúc tạo nhân sinh mừng vui, khi biến thành quả thì sinh ấm, giới, nhập của các nẻo ác.

Nếu do báo của tha pháp cùng có nên nói có báo, thì Thánh đạo vô lậu cũng cùng với báo của tha pháp cùng có nên nói là có báo?

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Vì cùng với báo của tự pháp cùng có, nên nói là có báo.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao nhân quả không cùng có? Cũng trái với kệ đã nói.

Đáp: Cùng có có hai thứ: (1) Có cùng. (2) Đều cùng.

Có cùng: Là có nhân có quả, có duyên có báo.

Có nhân có quả: Như nhân đã tạo từ trước trong trăm ức kiếp tuy diệt nhưng vẫn làm nhân tác cho pháp của đời sau. Pháp này đối với nhân tuy cách xa vẫn gọi là có nhân. Pháp kia đối với quả tuy cách xa vẫn gọi là có quả.

Có duyên: Như mặt trời, mặt trăng cách mặt đất này bốn ngàn do-tuần, nếu mắt duyên đến, liền sinh nhãn thức. Cảnh giới tuy xa vẫn sinh nhãn thức. Đó gọi là có duyên.

Có báo: Nghiệp đã gây tạo từ trước trong trăm ức kiếp, tuy diệt nhưng ở nơi thân hiện tại sinh báo. Nghiệp kia đối với báo này tuy cách xa, vẫn nói là có báo.

Đều cùng: Là như có giác, có quán, có hỷ, có dụng.

Có giác: Là pháp tương ưng của giác.

Có quán: Là pháp tương ưng của quán.

Có hỷ: Là pháp tương ưng của hỷ căn.

Có dụng: Là tạo pháp tương ưng của quán.

Ở đây dùng Có cùng để tạo luận, không dùng Đều cùng.

Lại nữa, Có cùng có hai thứ: (1) Có cùng. (2) Cùng không lìa nhau.

Có cùng: Như nói: Có nhân, cho đến có báo.

Cùng không lìa nhau: Như nói: Có giác, cho đến có dụng.

Ở đây, dùng Có cùng để tạo luận, không nói Cùng không lìa nhau.

Lại nữa, có ba thứ cùng có: (1) Cùng gần. (2) Cùng xa. (3) Cùng gần xa.

Cùng gần: Như nói có giác cho đến có dụng.

Cùng xa: Như nói có nhân cho đến có báo.

Cùng gần xa: Như nói có lậu, có sử, có duyên, có thể.

Có lậu: Là pháp hữu lậu, hoặc cùng với lậu tương ưng, hoặc cùng với lậu làm đối tượng duyên tương ưng. Tạo duyên đều cùng là hữu lậu. Như có lậu, có sử cũng như vậy.

Có duyên: Là duyên có gần có xa. Duyên gần, duyên xa đều cùng là có duyên. Như có duyên thì có thể cũng như vậy.

Ở đây dùng Cùng xa để tạo luận, không dùng Cùng gần, không dùng Cùng gần xa.

Hỏi: Vì sao gọi là báo?

Đáp: Vì sinh ra pháp không giống nhau nên gọi là báo. Báo có hai thứ: Có giống nhau và có không giống nhau. Giống nhau: Như dựa nơi pháp thiện sinh pháp thiện, dựa nơi pháp bất thiện sinh pháp bất thiện, dựa nơi pháp vô ký sinh pháp vô ký.

Không giống nhau: Như pháp thiện, bất thiện sinh ra báo vô ký. Nghĩa của các báo khác, như nơi Phẩm Trí thuộc Kiền Độ Tạp đã nói rộng.

* Ba kiết này, bao nhiêu thứ do kiến đạo đoạn? Bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn? Cho đến chín mươi tám sử, bao nhiêu thứ do kiến đạo đoạn? Bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Phàm phu không thể lìa dục, Thánh nhân không thể dùng đạo thế tục để đoạn trừ kiết, như Phái Thí Dụ.

Tôn giả Phật Đà Đề Bà tạo ra thuyết này: Nếu người phàm phu không thể đoạn trừ kiết nhưng có thể chế ngự triền. Nói như thế gọi là nêu bày không che giấu.

Hỏi: Vì sao Phái Thí Dụ kia tạo ra thuyết ấy?

Đáp: Vì dựa vào kinh Phật. Như kinh Phật nói: Tỳ-kheo nên biết! Nếu dùng Thánh tuệ để thấy biết pháp thì đó gọi là đoạn trừ. Người phàm phu không có Thánh tuệ. Do không có Thánh tuệ, nên không gọi là đoạn trừ. Hỏi: Nếu như vậy thì như kinh này nói làm sao thông? Như nói: Tỳ-kheo nên biết! Uất-đầu-lam-phất đã đoạn trừ dục ái, sắc ái, đoạn dứt ái của xứ Không, cho đến ái của xứ vô sở hữu, sinh nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng, nên cũng nói Tiên nhân ngoại đạo có thể lìa dục ái. Người kia đáp: Kinh này không đoạn nói đoạn, không lìa dục nói lìa dục. Kinh khác cũng nói: Không đoạn là đoạn, không lìa dục là lìa dục.

Không đoạn là đoạn, như kệ nói:

Người chấp các vật là ta có

Lúc chết đều bỏ không mang đi

Như thế người trí không nên chấp

Ở trong các vật tưởng ta có.

Không lìa dục, nói lìa dục: Như nói: Như đồng nam, đồng nữ trong thôn xóm, tạo dựng ngôi nhà đất. Nếu đối với ngôi nhà đất này, khi chưa lìa dục, tâm chúng dấy khởi khát ái tức sửa sang, giữ gìn chấp là ta có. Nếu khi lìa dục, thì chúng hủy hoại rồi bỏ đi. Như kinh này, không đoạn nói đoạn, kinh kia cũng như vậy. Nhưng người phàm phu không thể đoạn trừ kiết. Nói người phàm phu đã lìa dục của cõi dục, là dùng đạo thế tục để chế phục phiền não của cõi dưới, duyên lên thiền thứ nhất, như cách bò đi của loài sâu Xà lâu. Lìa dục của cõi dục, cho đến lìa dục của xứ vô sở hữu, thì xứ phi tưởng phi phi tưởng không còn có địa nào trên để có thể duyên lên. Được lìa dục của xứ phi tưởng phi phi tưởng, như người trèo lên cây, chuyền từ cành này sang cành khác. Nếu chuyền đến ngọn cây, không có cành nhánh nữa, nên liền trở xuống. Như thế, người phàm phu duyên nơi pháp của địa trên, có thể chế ngự, điều phục phiền não của địa dưới nhưng không thể đoạn trừ. Cũng như chó sói đi qua giữa đám lau sậy, cây gai, tuy có thể khiến đám lau gai kia nằm rạp xuống, nhưng không thể cắt đứt. Sự việc kia cũng như thế.

Vì nhằm ngăn dứt ý của người nói như thế, lại cũng nêu rõ người phàm phu có thể lìa dục, đạo thế tục có thể đoạn trừ kiết, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, sở dĩ tạo ra phần Luận này vì hoặc có thuyết nói: Thánh nhân không dùng đạo thế tục để đoạn trừ kiết. Vì sao? Vì Thánh nhân đâu có việc bỏ đạo vô lậu để dùng đạo thế tục. Vì nhằm ngăn dứt ý của người nói như thế, cùng nhằm biện minh Thánh nhân cũng dùng đạo thế tục để đoạn trừ kiết, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, sở dĩ tạo ra phần Luận này, là vì nhằm ngăn trừ ý của Sa-môn nói đoạn trừ kiết tức khắc. Tức có Sa-môn nói pháp đoạn trừ kiết tức khắc, như Định kim cang dụ đoạn trừ tất cả kiết. Không có kiết nào là không đoạn, không phá trừ, không nhập, không đạt được biên vực của kiết đó. Nghĩa là như sắt, sừng ngọc Bối kha, đá, ma ni v.v… Pháp đoạn trừ kiết kia cũng như thế.

Thuyết kia nói bốn quả Sa-môn phải có Định kim cang dụ đoạn trừ hết thảy kiết.

Hỏi: Nếu như vậy thì đâu dùng ba quả Sa-môn. Người kia đáp thế này: Ba quả Sa-môn đã chế phục phiền não, sau đấy Định kim cang dụ hiện ở trước, đoạn trừ tất cả kiết. Cũng như nông phu, tay trái nắm lấy cỏ, tay phải cùng lúc dùng liềm cắt cỏ. Pháp đoạn trừ kiết kia cũng như thế.

Vì nhằm ngăn dứt ý của thuyết như thế, cũng nhằm làm rõ phiền não có hai thứ, tức có hai thứ đối trị: (1) Kiến đạo đoạn. (2) Tu đạo đoạn. Kiến đạo đoạn: Là dùng kiến đạo làm đối trị. Tu đạo đoạn: Là dùng tu đạo làm đối trị.

Lại nữa, vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: “Cùng một lúc kiến đế, không phải là kiến đế theo thứ lớp”. Vì nhằm ngăn trừ ý của thuyết như thế, cùng nêu rõ kiến đế là có thứ lớp. Nếu như cùng một lúc kiến đế, không phải theo thứ lớp thì trái với kinh Phật. Như kinh nói: Cư sĩ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Đức Phật, thưa hỏi Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Là một lúc kiến đế hay là theo thứ lớp kiến đế? Đức Phật đáp: Này Cư sĩ! Theo thứ lớp kiến đế. Như pháp đi lên cầu thang.

Lại nữa, sở dĩ tạo ra phần Luận này, là muốn hiển bày phiền não có hai thứ, có hai thứ đối trị: (1) Loại do kiến đạo đoạn. (2) Loại do tu đạo đoạn.

Kiến đạo làm đối trị cho loại phiền não do kiến đạo đoạn. Tu đạo làm đối trị cho loại phiền não do tu đạo đoạn.

Vì thế, nhằm ngăn trừ nghĩa của người khác, làm sáng tỏ nghĩa của mình, cũng để nêu bày nghĩa tương ưng của pháp tướng, nên tạo ra phần Luận này. Giả như không ngăn trừ nghĩa của người khác, cũng không làm sáng tỏ nghĩa của mình, tức chỉ nhằm nói về nghĩa tương ưng của pháp tướng nên tạo ra phần Luận này.

Ba kiết này, bao nhiêu thứ do kiến đạo đoạn? Bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn? Kiết thân kiến do kiến đạo hiện ở trước có hai thứ: Hoặc do kiến đạo đoạn. Hoặc do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Hỏi: Thế nào là nghĩa ở trước?

Đáp: Nghĩa lập phần, nghĩa đáp trước là nghĩa ở trước.

Nghĩa lập phần: Là trước lập phần do kiến đạo đoạn, sau lập không nhất định.

Nghĩa đáp trước: Là trước đáp do kiến đạo đoạn, sau đáp không nhất định.

Thế nào là do kiến đạo đoạn? Đáp: Nếu thân kiến là hệ thuộc xứ phi tưởng phi phi tưởng, thì hoặc bậc kiên tín, kiên pháp dùng khổ nhẫn đoạn. Thân kiến ở cõi dục, cho đến xứ phi tưởng phi phi tưởng, có thể được dùng đạo thế tục đoạn trừ thân kiến nơi cõi dục, cho đến thân kiến nơi xứ vô sở hữu. Đối với xứ phi tưởng phi phi tưởng, đạo thế tục liền dừng trụ, không còn có thế dụng, nên trở lại khởi kiến đạo hiện ở trước, đoạn trừ thân kiến của xứ phi tưởng phi phi tưởng. Nếu nói thân kiến, tức là thể định. Nếu nói hệ thuộc xứ phi tưởng phi phi tưởng, tức là địa định. Nếu nói bậc kiên tín, kiên pháp, tức người định. Nếu nói khổ nhẫn, tức là đối trị định. Nếu nói đoạn trừ, tức sự việc mình đã làm là định. Đây là nói thân kiến, là đối trị không chung, đối trị quyết định, Thánh nhân có thể đoạn, phàm phu thì không thể đoạn, dùng đạo vô lậu, không dùng đạo thế tục, chỉ dùng kiến đạo, không dùng tu đạo, dùng nhẫn, không dùng trí.

Ở đây tức nói thân kiến như thế. Thân kiến khác nếu phàm phu đoạn thì do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đoạn thì do kiến đạo đoạn.

Thế nào là thân kiến khác? Đáp: Là từ cõi dục cho đến xứ vô sở hữu, nếu người phàm phu thì do tu đạo đoạn. Thánh nhân thì do kiến đạo đoạn. Phàm phu thì dùng đạo thế tục để đoạn. Thánh nhân thì dùng đạo vô lậu để đoạn. Phàm phu thì dùng trí đoạn. Thánh nhân thì dùng nhẫn đoạn. Người phàm phu có chín thứ thân kiến tạo ra chín thời gian đoạn. Thánh nhân có chín thứ thân kiến tạo ra một thời gian đoạn. Người phàm phu đoạn trừ có dừng dứt. Thánh nhân đoạn trừ không có dừng dứt. Người phàm phu đoạn thì không kiến đế. Thánh nhân đoạn thì kiến đế. Thế nên đáp: Thân kiến khác, nếu là phàm phu thì do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn thì do kiến đạo đoạn.

Kiết giới thủ, nghi, do kiến đạo hiện ở trước, có hai thứ: Hoặc do kiến đạo đoạn. Hoặc do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Nghĩa ở trước: Như trên đã nói.

Thế nào là do kiến đạo đoạn? Nếu giới thủ, nghi, hệ thuộc ở xứ phi tưởng phi phi tưởng, thì hoặc bậc kiên tín, kiên pháp, dùng các nhẫn đoạn trừ. Giới thủ, nghi, từ cõi dục cho đến xứ phi tưởng phi phi tưởng, nếu có thể đạt được đạo thế tục hiện ở trước, tức đoạn trừ giới thủ, nghi của cõi dục, cho đến xứ vô sở hữu. Đạo thế tục đối với xứ phi tưởng phi phi tưởng thì dừng trụ, không còn có thế dụng, trở lại khởi kiến đạo hiện ở trước, đoạn trừ giới thủ, nghi của xứ phi tưởng phi phi tưởng. Nếu nói giới thủ, nghi, tức là thể định. Nếu nói hệ thuộc xứ phi tưởng phi phi tưởng, tức là địa định. Nếu nói bậc kiên tín, kiên pháp, tức là người định. Nếu nói các nhẫn, tức là đối trị định. Nếu nói đoạn trừ, tức sự việc mình đã làm là định. Đây là nói giới thủ, nghi, tức là đối trị quyết định, đối trị không chung, Thánh nhân có thể đoạn, phàm phu không thể đoạn, dùng đạo vô lậu, không dùng đạo thế tục, chỉ dùng kiến đạo, không dùng tu đạo, dùng nhẫn, không dùng trí.

Ở đây, tức nói kiết giới thủ, nghi như thế. Kiết giới thủ, nghi khác, nếu người phàm phu đoạn thì do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đoạn thì do kiến đạo đoạn. Phần còn lại như trên đã nói.

Tham, giận, si và dục lậu, do tu đạo hiện ở trước có hai thứ: Hoặc do tu đạo đoạn. Hoặc do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Hỏi: Thế nào là nghĩa ở trước?

Đáp: Nghĩa lập phần, nghĩa đáp trước là nghĩa ở trước.

Nghĩa lập phần: Là trước lập phần do tu đạo đoạn, sau lập không nhất định.

Nghĩa đáp trước: Là trước đáp do tu đạo đoạn, sau đáp không nhất định.

Thế nào là do tu đạo đoạn? Đáp: Tham, giận, si và dục lậu, hàng học kiến tích dùng các trí đoạn, là do tu đạo đoạn. Tham, giận, si và dục lậu có năm loại: Loại do kiến khổ đoạn, cho đến loại do tu đạo đoạn. Kiến đạo hiện ở trước, đoạn trừ là khổ đế đoạn, cho đến đạo đế đoạn. Tham, giận, si và dục lậu, đối với tu đạo đoạn, tức dừng trụ, không còn có thế dụng, nên trở lại khởi tu đạo hiện ở trước, đoạn trừ tham, giận, si và dục lậu tức là do tu đạo đoạn. Nếu nói tham giận si và dục lậu, tức là thể định. Nếu nói bậc học kiến tích, tức là người định. Nếu nói tu đạo, tức là đối trị định. Nếu nói đoạn trừ, tức sự việc mình đã làm là định. Tham, giận, si và dục lậu này là đối trị không chung, đối trị quyết định, là Thánh nhân đoạn, không phải là người phàm phu, là do tu đạo đoạn, không phải là do kiến đạo đoạn, là trí đoạn, không phải là nhẫn đoạn.

Ở đây, tức nói tham, giận, si và dục lậu như thế. Pháp khác, nếu người phàm phu đoạn là do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đoạn là do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Thế nào là pháp khác?

Đáp: Pháp khác, nghĩa là có bốn thứ: Tức do kiến khổ đoạn, cho đến do kiến đạo đoạn. Nếu người phàm phu đoạn, thì do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đoạn, thì do kiến đạo đoạn. Phần còn lại nói rộng như trên. Do sự việc ấy, nên nói: Nếu là người phàm phu đoạn, là do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đoạn, là do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Nếu nói hàng học kiến tích do tu đạo đoạn trừ tham, giận, si và dục lậu, tức nói về tu đạo đoạn ngay trong thân Thánh nhân. Pháp khác, nếu nói người phàm phu đoạn là do tu đạo đoạn. Nếu Thánh nhân đoạn là do kiến đạo đoạn, tức là nói tham, giận, si và dục lậu, do kiến khổ, tập, diệt, đạo đoạn trừ trong thân phàm phu, Thánh nhân. Ở đây có pháp khác nào chưa nói đến?

Đáp: Tức tham, giận, si và dục lậu là do tu đạo đoạn trong thân người phàm phu.

Hỏi: Điều này vì sao không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, đã nói trong thuyết ở trước. Vì sao? Là do chủng loại nên lập chủng loại phiền não, không do ở trong thân lập chủng loại phiền não.

Chỉ ngang với năm thứ, không có chủng loại thứ sáu. Thánh nhân do kiến đạo đoạn trừ là chủng loại do kiến đạo đoạn trừ. Do tu đạo đoạn trừ là chủng loại do tu đạo đoạn trừ. Người phàm phu, nếu do kiến đạo đoạn, hoặc do tu đạo đoạn, đều hợp tập là do tu đạo đoạn. Vì sao? Vì người phàm phu đối với phiền não do năm thứ đoạn, tất do tu đạo đoạn, nghĩa này là quyết định.

Do sự việc ấy, nên biết là đã nói trong thuyết trước đây.

Hữu lậu, vô minh lậu, do kiến đạo hiện ở trước có ba thứ: Hoặc do kiến đạo đoạn. Hoặc do tu đạo đoạn. Hoặc do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Hỏi: Thế nào là nghĩa ở trước?

Đáp: Nghĩa lập phần, nghĩa đáp trước là nghĩa ở trước.

Nghĩa lập phần: Tức trước lập loại do kiến đạo đoạn, tiếp theo lập loại do tu đạo đoạn, sau đấy lập không nhất định.

Nghĩa đáp trước: Tức trước đáp về loại do kiến đạo đoạn, tiếp theo đáp về loại do tu đạo đoạn, sau đáp không nhất định.

Thế nào là do kiến đạo đoạn? Đáp: Nếu hữu lậu, vô minh lậu hệ thuộc nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng, thì hoặc bậc kiên tín, kiên pháp, dùng các nhẫn dứt trừ. Hữu lậu từ thiền thứ nhất cho đến xứ phi tưởng phi phi tưởng, có thể dứt trừ. Vô minh lậu từ cõi dục cho đến xứ phi tưởng phi phi tưởng, có thể đạt được đạo thế tục hiện ở trước, dứt trừ vô minh lậu, từ cõi dục cho đến xứ vô sở hữu, đoạn trừ hữu lậu từ thiền thứ nhất cho đến xứ vô sở hữu. Đối với xứ phi tưởng phi phi tưởng thì dừng trụ, không còn có thế dụng, nên trở lại khởi kiến đạo hiện ở trước, đoạn trừ hữu lậu, vô minh lậu của xứ phi tưởng phi phi tưởng là do kiến đạo đoạn. Kiến đạo đối với các lậu do tu đạo đoạn, liền dừng trụ, không còn có thế dụng, nên trở lại khởi tu đạo hiện ở trước, đoạn trừ hữu lậu, vô minh lậu, là do tu đạo đoạn. Nếu nói hữu lậu, vô minh lậu, tức là thể định. Nếu nói xứ phi tưởng phi phi tưởng, tức là địa định. Nếu nói bậc kiên tín, kiên pháp, tức là người định. Nếu nói các nhẫn, tức là đối trị định. Nếu nói đoạn trừ, tức là việc làm của mình đã định. Hữu lậu, vô minh lậu là đối trị bất cộng, đối trị quyết định, là Thánh nhân đoạn, không phải là phàm phu, do đạo vô lậu đoạn, không phải là đạo thế tục, do kiến đạo đoạn, không phải là tu đạo, do nhẫn đoạn, không phải do trí.

Trong đây tức nói về hữu lậu, vô minh lậu như thế.

Hỏi: Thế nào là do tu đạo đoạn?

Đáp: Là hữu lậu, vô minh lậu, hàng Học kiến tích tu tập đoạn trừ là do tu đạo đoạn. Hữu lậu, vô minh lậu có năm thứ: Là do kiến khổ đoạn, cho đến do tu đạo đoạn. Kiến đạo đoạn là do khổ đế đoạn, cho đến do đạo đế đoạn hữu lậu, vô minh lậu. Kiến đạo đối với các lậu do tu đạo đoạn liền dừng trụ, không còn có thế dụng, nên trở lại khởi tu đạo hiện ở trước, đoạn trừ hữu lậu, vô minh lậu, là do tu đạo đoạn. Nếu nói hữu lậu, vô minh lậu, tức là thể định. Nếu nói hàng học kiến tích, tức là người định. Nếu nói tu đạo, tức là đối trị định. Nếu nói đoạn trừ, tức là việc làm của mình đã định. Hữu lậu, vô minh lậu là đối trị bất cộng, đối trị quyết định, là do Thánh nhân đoạn, không phải là phàm phu, là do tu đạo đoạn, không phải do kiến đạo, là đạo vô lậu đoạn, chẳng phải do đạo thế tục, là trí đoạn, không phải là nhẫn đoạn.

Ở đây, tức nói hữu lậu, vô minh lậu như thế. Pháp khác: Nếu phàm phu đoạn thì do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đoạn thì do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Thế nào là pháp khác?

Đáp: Là vô minh lậu nơi cõi dục có bốn thứ. Hữu lậu, vô minh lậu, từ thiền thứ nhất cho đến xứ vô sở hữu có bốn thứ. Ở đây, nếu phàm phu đoạn trừ thì do tu đạo đoạn. Nếu Thánh nhân đoạn trừ thì do kiến đạo đoạn. Phần còn lại nói rộng như trên.

Ở trước có ba thứ: (1) Không chung. (2) Hoàn toàn. (3) Đầu tiên.

Không chung ở trước: Như ba kiết.

Hoàn toàn ở trước: Như tham, giận, si và dục lậu.

Đầu tiên ở trước: Như hữu lậu, vô minh lậu.

Nếu phiền não nơi ba cõi do kiến đạo đoạn, tức nên tạo ra hai thứ trường hợp ở trước của kiến đạo, như ba kiết. Nếu là nơi cõi dục do năm thứ đoạn, thì nên tạo ra hai thứ trường hợp ở trước của tu đạo, như tham, giận, si và dục lậu. Nếu là nơi ba cõi do năm thứ đoạn, thì nên tạo ra ba thứ trường hợp ở trước của kiến đạo, như hữu lậu, vô minh lậu. Đây là nói tóm lược về Tỳ-bà-sa.

Trong năm cái, hối là do tu đạo đoạn. Nghi, nếu phàm phu đoạn trừ là do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đoạn trừ là do kiến đạo đoạn. Năm kiết phần trên là do tu đạo đoạn. Năm ái thân là do tu đạo đoạn. Kiết ganh ghét, kiết keo kiệt là do tu đạo đoạn. Hai mươi tám thứ trong chín mươi tám sử là do kiến đạo đoạn. Mười sử là do tu đạo đoạn. Số sử còn lại, nếu phàm phu đoạn trừ là do tu đạo đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đoạn trừ là do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Như Luận Ba-già-la-na nói: Trong chín mươi tám sử, tám mươi tám thứ là do kiến đạo đoạn, mười thứ là do tu đạo đoạn. Vì sao ở đây nói hai mươi tám sử là do kiến đạo đoạn, mười sử là do tu đạo đoạn?

Đáp: Văn ở đây là liễu nghĩa. Văn của Luận kia là chưa liễu nghĩa. Văn này là ý nêu bày trọn vẹn. Văn của Luận kia là ý nêu bày chưa trọn vẹn. Văn này không có lý do. Văn kia là có lý do. Văn này là thật nghĩa đế. Văn kia là tục đế.

Lại nữa, Luận Ba-già-la-na (Luận Phẩm Loại Túc) nói là thuận theo thứ lớp nơi pháp: Nói người bị trói buộc đủ, chẳng phải là người siêu việt. Ở đây không nói thuận theo thứ lớp nơi pháp, không nói người bị trói buộc đủ, không nói người siêu việt.

Lại nữa, trong Luận kia nói phàm phu, Thánh nhân lìa dục, Thánh đạo tạo tác, đạo thế tục tạo tác. Ở đây nói Thánh nhân lìa dục, không nói phàm phu, nói Thánh đạo tạo tác, không nói đạo thế tục.

Lại nữa, trong Luận kia nói lìa dục của cõi dục, cho đến lìa dục của xứ vô sở hữu, được chánh quyết định, nghĩa là trước dùng đạo thế tục đoạn trừ phiền não của cõi dục, cho đến xứ vô sở hữu. Kiến đạo kia đoạn trừ phiền não, giải thoát, được tác chứng sai biệt. Vì sao? Vì được giải thoát kia là do kiến đạo nên có sai biệt. Do sự việc ấy, nên Luận kia nói: Tám mươi tám sử là do kiến đạo đoạn, mười sử là do tu đạo đoạn.

Thế nên Tôn giả Cù-sa đã nêu rõ: Hai mươi tám sử là do kiến đạo đoạn. Mười sử là do tu đạo đoạn. Vì lý do gì Luận Ba-già-la-na nói: Tám mươi tám sử là do kiến đạo đoạn. Mười sử là do tu đạo đoạn? Luận kia đáp: Hai mươi tám thứ quyết định là do kiến đạo đoạn. Mười thứ là do tu đạo đoạn. Sáu mươi thứ là bất định. Bất định, nghĩa là ở trong kiến đạo nhưng có sai biệt.

Luận Ba-già-la-na nói: Vì theo thứ lớp nên nói tám mươi tám thứ do kiến đạo đoạn. Mười thứ là do tu đạo đoạn. Môn này là Tỳbà-sa đã phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao gọi là kiến đạo đoạn? Vì sao gọi là tu đạo đoạn? Như kiến không lìa tu, tu không lìa kiến. Trong kiến đạo, tu như thật cũng có thể đạt được. Trong tu đạo, kiến như thật cũng có thể đạt được. Kiến gọi là tuệ. Tu gọi là không phóng dật. Như thật là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa thường xuyên, nghĩa riêng chú trọng là nghĩa như thật. Trong kiến đạo, tuệ nhiều, không phóng dật ít. Trong tu đạo, không phóng dật nhiều, tuệ ít.

Lại nữa, nghĩa như nhau là nghĩa như thật. Như trong kiến đạo, tuệ cũng có từng ấy không phóng dật. Như trong tu đạo, không phóng dật cũng có từng ấy tuệ. Thế nên nghĩa như nhau là nghĩa như thật.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Thấy bốn chân đế là đoạn trừ các phiền não.

Làm sao phân biệt được đây là do kiến đạo đoạn, đây là do tu đạo đoạn?

Đáp: Vì kiến đoạn là do kiến chế phục, do kiến loại trừ hẳn các phiền não, nên nói là kiến đạo đoạn.

Lại có thuyết cho: Phiền não do kiến đạo đoạn, cũng nên nói là do tu đạo đoạn. Vì sao? Vì trong kiến đạo, tu như thật cũng có thể đạt được. Nên như nghĩa của tôi, do kiến đoạn, do kiến chế phục, do kiến loại trừ hẳn các phiền não, nên gọi là kiến đạo đoạn.

Hỏi: Vì sao gọi là tu đạo đoạn?

Đáp: Tùy đạo đã được, tu hành rộng khắp, đoạn dứt các phần sinh, dứt trừ lượng của sinh, dứt trừ chủng của sinh, khiến sử mỏng dần, khiến đoạn dứt hoàn toàn, nên gọi là tu đạo đoạn.

Lại có thuyết cho: Tu đạo đoạn trừ phiền não, cũng có thể nói là kiến đạo đoạn trừ. Vì sao? Vì trong tu đạo cũng có kiến như thật. Nên như nghĩa của tôi, tùy đạo đã được, tu hành rộng khắp, dứt trừ các phần sinh, dứt trừ lượng của sinh, dứt trừ chủng của sinh, khiến sử mỏng dần, khiến đoạn dứt hoàn toàn, nên gọi là tu đạo đoạn.

Hỏi: Nghĩa này là thế nào?

Đáp: Kiến đạo là đạo mạnh mẽ, nhạy bén. Nếu khi duyên nơi kiến đạo kia, thì chín thứ phiền não đều được đoạn trừ cùng một lúc. Tu đạo là đạo không mạnh mẽ, nhạy bén, thường xuyên phải tu tập thì chín thứ phiền não trong chín thời gian mới đoạn trừ được. Ví như dao bén, dao lụt, dùng vào việc cắt đồ vật. Dao bén chỉ xuống một nhát, dao lụt thì phải cắt thường xuyên mới đứt. Pháp đoạn kia cũng như thế.

Lại nữa, nếu đạo dùng kiến riêng nhiều để đoạn, gọi là kiến đạo đoạn. Nếu đạo do tu riêng nhiều để đoạn, gọi là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu dùng hai tướng đạo để đoạn, gọi là kiến đạo đoạn. Hai tướng: Là tướng kiến, tướng tuệ. Nếu dùng ba tướng đạo để đoạn thì gọi là tu đạo đoạn. Ba tướng: Là tướng kiến, tướng tuệ, tướng trí.

Lại nữa, nếu dùng bốn tướng đạo để đoạn, gọi là kiến đạo đoạn. Bốn tướng: Là mắt, ánh sáng, giác, tuệ. Nếu dùng năm tướng đạo để đoạn thì gọi là tu đạo đoạn. Năm tướng: Là mắt, ánh sáng, giác, tuệ, trí.

Lại nữa, nếu dùng nhẫn để đoạn là kiến đạo đoạn. Nếu dùng trí để đoạn là tu đạo đoạn.

Lại nữa, chín thứ kiết được đoạn trừ cùng một lúc là kiến đạo đoạn. Chín thứ kiết được đoạn trừ trong chín thời là tu đạo đoạn.

Lại nữa, do vị tri dục tri căn đoạn trừ là kiến đạo đoạn. Do dĩ tri căn đoạn trừ là tu đạo đoạn.

Lại nữa, lúc đoạn như đập vỡ cục đá ra là kiến đạo đoạn. Lúc đoạn như ngắt đứt ngó sen là tu đạo đoạn.

Lại nữa, cùng với phát ý trái nhau là kiến đạo đoạn. Cùng vơi phương tiện trái nhau là tu đạo đoạn.

Lại nữa, chưa từng kiến đế, mà kiến đế đoạn là kiến đạo đoạn. Đã từng kiến đế, mà quán lần nữa để đoạn là tu đạo đoạn.

Lại nữa, dùng đạo một nhân để đoạn là kiến đạo đoạn. Dùng đạo hai nhân để đoạn là tu đạo đoạn.

Lại nữa, như lực sĩ mặc áo giáp đoạn là kiến đạo đoạn. Như người ngồi trên xe do lừa kéo đi đoạn là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu lúc đoạn, tức đối tượng nhận biết của trí kia hành nơi tu đạo là kiến đạo đoạn. Nếu lúc đoạn, là trí khác, đối tượng nhận biết khác, hành nơi tu đạo khác, là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu là người hướng tới quả không thành tựu để đoạn là kiến đạo đoạn. Nếu là người hướng tới quả thành tựu để đoạn là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu là hàng kiên tín, kiên pháp đoạn, là kiến đạo đoạn. Nếu là hàng tín giải thoát, kiến đáo, thân chứng đoạn là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu đầu tiên phát khởi đạo đoạn là kiến đạo đoạn. Nếu thường xuyên phát khởi đạo đoạn là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu đoạn là thuộc về bốn quả Sa-môn, là kiến đạo đoạn. Nếu đoạn thuộc về hoặc ba, hoặc hai, hoặc một quả Sa-môn, là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu duyên nơi vô sở hữu sinh là kiến đạo đoạn. Nếu duyên nơi hữu sở hữu sinh là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu đoạn rồi không thoái chuyển là kiến đạo đoạn. Nếu đoạn rồi, hoặc thoái chuyển, hoặc không thoái chuyển, là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu đoạn rồi lại không buộc, không trói, là kiến đạo đoạn. Nếu đoạn rồi hoặc buộc, hoặc trói, là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu khi đoạn, nhẫn là đạo vô ngại, trí là đạo giải thoát, là kiến đạo đoạn. Nếu khi đoạn, trí là đạo vô ngại, trí là đạo giải thoát, là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu khi đoạn, trí tạo đạo phương tiện, nhẫn tạo đạo vô ngại, trí tạo đạo giải thoát, là kiến đạo đoạn. Nếu khi đoạn, trí tạo đạo phương tiện, trí tạo đạo vô ngại, trí tạo đạo giải thoát, là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu trước được phi số diệt, là kiến đạo đoạn. Nếu trước được phi số diệt, sau được số diệt, hoặc trước được số diệt, sau được phi số diệt, hoặc cùng một lúc được số diệt, phi số diệt, là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu khi đoạn, đạo duyên nơi một đế tu là kiến đạo đoạn. Nếu khi đoạn, đạo duyên nơi bốn đế tu là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu khi đoạn, đạo tu bốn hành là kiến đạo đoạn. Nếu khi đoạn, đạo tu mười sáu hành là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu khi đoạn, tu đạo tương tợ là kiến đạo đoạn. Nếu khi đoạn, tu đạo tương tợ, không tương tợ, là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu khi đoạn, hoặc tu một tam muội là kiến đạo đoạn. Nếu khi đoạn, hoặc tu ba tam muội là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu khi đoạn không dấy khởi, là kiến đạo đoạn. Nếu khi đoạn, hoặc dấy khởi hoặc không dấy khởi, là tu đạo đoạn.

* Ba kiết này, bao nhiêu thứ do kiến khổ đoạn, bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn? Cho đến chín mươi tám sử, bao nhiêu thứ do kiến khổ đoạn, bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Môn trước nhằm ngăn chận ý tưởng của Sa-môn nói đoạn trừ tức khắc các phiền não, nhưng không nhằm ngăn chận ý của thuyết cho cùng một lúc kiến đế, cũng không nêu rõ về thứ lớp kiến đế. Nay vì muốn ngăn trừ ý của thuyết cho cùng một lúc kiến đế, cũng nhằm làm rõ là kiến đế theo thứ lớp, nên tạo ra phần Luận này.

Lại có thuyết cho: Môn trước nhằm ngăn chận ý của thuyết cho cùng một lúc kiến đế, cũng nêu rõ về kiến đế theo thứ lớp, nhưng không từ thô hiện ra sáng rõ. Nay vì muốn từ thô hiện ra sáng rõ, ngăn chận ý của thuyết cho cùng một lúc kiến đế, cũng làm rõ là kiến đế theo thứ lớp, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, vì muốn hiển bày năm thứ đoạn phiền não và năm thứ pháp đối trị. Năm thứ đoạn phiền não: Là thứ do kiến khổ đoạn cho đến thứ do tu đạo đoạn. Năm thứ pháp đối trị: Khổ nhẫn, khổ trí là pháp đối trị của kiến khổ đoạn. Cho đến đạo nhẫn, đạo trí là pháp đối trị của kiến đạo đoạn. Trí là pháp đối trị của tu đạo đoạn. Do các sự việc như thế, nên tạo ra phần Luận này.

Ba kiết ấy, bao nhiêu thứ do kiến khổ đoạn, cho đến nói rộng?

Đáp: Một do kiến khổ đoạn là kiết thân kiến.

Hỏi: Vì sao kiết thân kiến chỉ do kiến khổ đoạn?

Đáp: Vì duyên nơi khổ sinh, nên trở lại do kiến khổ đoạn.

Lại nữa, kiến này duyên nơi quả sinh, nếu khi dùng tuệ quán quả thì kiến này liền đoạn.

Lại nữa, thân kiến là tánh điên đảo. Tất cả điên đảo đều do kiến khổ đoạn. Nếu khi điên đảo đã đoạn, thì kiến này tức đoạn ngay. Vì sao? Vì đồng một đối trị.

Lại nữa, phiền não này là thô, nên đầu tiên dùng đạo vô ngại để đoạn. Các phiền não vi tế khác, thì sau dùng Định kim cang dụ để đoạn. Ví như bụi bặm không bám chắc, phủi mạnh tay liền rớt xuống. Nếu bụi bặm bám chắc, phải dùng nước tẩy rửa và dùng nhiều công sức, sau đấy mới sạch. Cũng như đồ đựng bằng sành, chất béo không thấm sâu vào, dùng nước rửa liền sạch. Nếu chất béo thấm sâu vào đồ đựng, phải dùng nước nóng để rửa, sau đấy mới trừ sạch. Thân kiến kia cũng như thế.

Lại nữa, do căn của kiến này không ăn sâu vào địa của đối tượng duyên. Vì không ăn sâu vào nên tánh yếu kém, vì tánh yếu kém, nên đầu tiên là dùng đạo vô ngại đoạn. Căn của các phiền não khác ăn sâu vào địa của đối tượng duyên, nên sau đạo vô ngại, cho đến Định kim cang dụ đoạn trừ. Ví như rễ cây không ăn sâu vào đất, thì khi gió nhẹ thổi qua là có thể khiến ngã xuống. Nếu rễ cây ăn sâu vào đất, thì khi gió lớn thổi qua, cũng không thể khiến cây ngã rạp. Thân kiến kia cũng như thế.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Vì sao thân kiến chỉ do kiến khổ đoạn? Đáp: Vì thân kiến duyên nơi năm ấm, về sau, khi thấy như thật về năm ấm, thân kiến liền đoạn.

Lại nữa, kiến này từ nơi tưởng thường, tưởng lạc, tưởng tịnh, tưởng ngã sinh khởi. Nếu thấy rõ tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng bất tịnh, tưởng vô ngã, thì kiến này liền đoạn.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Kiến này từ nơi tự thân sinh, nên gọi là thân kiến. Nếu nhận thấy tự thân không có ngã thì kiến này đoạn trừ.

Kiết giới thủ hoặc do kiến khổ đoạn, hoặc do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Vì sao giới thủ không do kiến tập, kiến diệt đoạn?

Đáp: Là do ngoại đạo. Đối tượng hành của họ cùng với khổ, đạo trái nhau, không cùng với tập, diệt mâu thuẫn. Vì sao? Vì ngoại đạo cho tập như cấu uế, cho diệt như nơi chốn tắm gội, vì cầu tìm nơi chốn tắm gội nên hành vô số thứ khổ hạnh. Vì hành các thứ khổ hạnh, nên phiền não cấu uế tăng, càng nhiễm vào tâm. Như người vì muốn trừ bỏ cấu uế, lại lội xuống vũng nước đục để tắm gội thì càng bẩn thêm. Ngoại đạo kia cũng như thế.

Lại nữa, vì nhân nơi khổ sinh, nên trở lại do kiến khổ đoạn. Vì nhân nơi đạo sinh, nên trở lại do kiến đạo đoạn.

Lại nữa, nhân nơi cấu uế sinh là do kiến khổ đoạn. Nhân nơi tịnh sinh là do kiến đạo đoạn.

Lại nữa, đối tượng hành của nội đạo là do kiến khổ đoạn. Đối tượng hành của ngoại đạo là do kiến đạo đoạn.

Lại nữa, chẳng phải nhân chấp là nhân, là do kiến khổ đoạn. Chẳng phải đạo chấp là đạo, là do kiến đạo đoạn.

Kiết nghi do kiến khổ, tập, diệt, đạo đoạn.

Hỏi: Vì sao trong tu đạo đoạn không có nghi?

Đáp: Nếu khi chưa thấy Thể của đạo, tâm sinh do dự. Khi đã thấy Thể, tức tâm sinh quyết định. Thế nên trong tu đạo đoạn không có nghi.

Ba căn bất thiện, ba lậu, do kiến khổ đoạn cho đến do tu đạo đoạn. Nói chung là năm thứ đoạn. Hoặc có khi một thứ, hai thứ, bốn thứ, năm thứ đoạn. Môn còn lại, nói rộng như Bản Luận. Môn này là nói rộng, tức Ưu-ba-đề-xá, Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Vì sao gọi là kiến đạo đoạn, cho đến gọi là tu đạo đoạn?

Đáp: Nếu duyên quyết định, đối trị quyết định, gọi là kiến đạo đoạn. Nếu duyên không quyết định, đối trị không quyết định, thì gọi là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu xứ sở quyết định, duyên quyết định, đối trị quyết định, gọi là kiến đạo đoạn. Nếu xứ sở không quyết định, duyên không quyết định, đối trị không quyết định, thì gọi là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu dùng khổ nhẫn, khổ trí tạo pháp đối trị, cho đến đạo nhẫn, đạo trí tạo pháp đối trị, gọi là kiến đạo đoạn. Nếu dùng trí đối trị, thì gọi là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu kiến khổ đoạn, gọi là kiến khổ đoạn. Nếu kiến đạo đoạn, gọi là kiến đạo đoạn. Nếu hoặc kiến khổ, hoặc kiến tập, hoặc kiến diệt, hoặc kiến đạo đoạn, thì gọi là tu đạo đoạn.

Lại nữa, nếu trái với khổ gọi là kiến khổ đoạn, cho đến nếu trái với đạo gọi là kiến đạo đoạn. Nếu trái với khổ, tập, diệt, đạo đoạn, thì gọi là tu đạo đoạn.

HẾT – QUYỂN 28