LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 18

Chương 1: KIỀN ĐỘ TẠP

Phẩm thứ 4: ÁI KÍNH, phần 3

Đức Thế Tôn nói: Vô học thành tựu giới thân, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Đây là kinh Phật. Trong kinh, Đức Phật nói: Vô học thành tựu giới thân. Tuy nói như thế nhưng không phân biệt. Kinh Phật là chỗ dựa căn bản của luận ở đây. Nay vì muốn giải thích rộng kinh Phật, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, sở dĩ tạo ra phần Luận này là vì trước đã nói về cảnh giới Niết-bàn của thân hữu dư, cảnh giới Niết-bàn của thân vô dư. Niết-bàn nên nói là học, vô học, phi học phi vô học. Như ở đây đều nói là quả A-la-hán vô vi. Nay vì nói quả A-la-hán hữu vi, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là giới thân (giới uẩn) vô học?

Đáp: Giới thân, giới khẩu vô học và mạng tịnh, như trong chi vô học của xứ khác đã nêu. Chánh nghiệp tức là giới thân vô học ở đây. Chánh ngữ tức là giới khẩu. Chánh mạng là mạng tịnh.

Hỏi: Như ngoài giới thân, khẩu, lại không có mạng tịnh, vì sao lập ra ba tên gọi này?

Đáp: Vì tịnh và bất tịnh cùng đối nhau, nên lập ba tên gọi.

Bảy nghiệp bất thiện từ tham, sân, si sinh.

Từ tham sinh: Đây gọi là tà mạng. Từ sân, si sinh: Thân nghiệp là tà nghiệp. Khẩu nghiệp là tà ngữ.

Từ tham sinh, không còn tạo tác nữa, là chánh mạng. Từ sân, si sinh, không còn tạo tác nữa. Thân nghiệp là chánh nghiệp. Khẩu nghiệp là chánh ngữ.

Lại có thuyết nói: Hoặc vì mạng hữu vi, hoặc do vui chơi tiếp xúc, hoặc vì do tâm oán ghét, nên khởi bảy nghiệp bất thiện. Nếu vì mạng thì đó gọi là tà mạng. Nếu không vì mạng, khởi thân nghiệp là tà nghiệp, khởi khẩu nghiệp là tà ngữ.

Lại có thuyết cho: Hoặc vì mạng hữu vi, nên đã tạo các thứ phương thuốc, chú thuật. Hoặc vì sự việc khác của hữu vi. Phần còn lại như trước đã nói.

Lại có thuyết nêu: Hoặc vì bốn thứ ái, nên hành các hành ác. Hoặc vì sự việc khác. Nếu vì bốn thứ ái, nên hành các hành ác, thì đó gọi là tà mạng. Phần còn lại như trước đã nói.

Lại có thuyết nói: Nếu hành năm sự việc như dua nịnh, lừa dối v.v…, thì đó gọi là tà mạng. Nếu vì sự việc khác, thì phần ấy như trước đã nói.

Lại có thuyết nêu: Hoặc có tội già, hoặc có tội tánh. Nếu tạo tội già, thì đó gọi là tà mạng. Nếu tạo tội tánh, thì phần còn lại như trước đã nói. Vì sao? Vì tội già khó đoạn trừ.

Lại có thuyết cho: Có nghiệp bất thiện căn bản, có nghiệp bất thiện phương tiện. Nếu hành nghiệp bất thiện phương tiện thì đó gọi là tà mạng. Nếu tạo nghiệp bất thiện căn bản thì phần còn lại như trước đã nói. Vì sao? Vì nghiệp phương tiện khó dứt trừ. Cùng với điều nêu trên trái nhau, đây gọi là chánh mạng.

Vô học thành tựu giới thân, cho đến nói rộng.

Hỏi: Như học, phi học phi vô học cũng thành tựu giới thân. Vì sao chỉ nói vô học?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đây là Đức Như Lai giáo hóa chưa hoàn tất, chỉ lược nói phần hơn.

Lại có thuyết nêu: Vì nói nghĩa hơn hết. Vì sao? Vì nếu lấy pháp để nói, thì pháp vô học là hơn. Nếu theo người để nói thì người vô học là hơn. Nói rộng như trên, tức pháp vô học vượt hơn pháp học.

Lại có thuyết cho: Đức Thế Tôn hoặc khen ngợi đệ tử hơn hết, hoặc khen ngợi đệ tử bậc trung, hoặc khen ngợi đệ tử bậc hạ. Khen ngợi đệ tử hơn hết như kệ nói:

A-la-hán rất vui

Do không có khát ái

Cũng đoạn trừ ngã mạn

Phá tan lưới vô minh.

Khen ngợi đệ tử bậc trung như trong Kinh Tán Thất Thiện Nhận đã nêu. Khen ngợi đệ tử bậc hạ như trong Kinh Trì Dụ đã nói. Ở đây, chỉ nói khen ngợi hàng đệ tử hơn hết.

Hỏi: Thế nào là nghĩa của Thi la?

Đáp: Nghĩa mát mẻ là nghĩa của Thi la. Vì sao? Vì phá giới có thể làm cho thân tâm nóng bức. Trì giới có thể khiến thân tâm mát mẻ.

Lại có thuyết nói: Nghĩa học tập là nghĩa của Thi la. Vì sao? Vì thường xuyên tu tập phước thiện.

Hỏi: Thế nào là định thân (định uẩn) vô học?

Đáp: Là vô học nơi ba tam muội không, vô tướng, vô nguyện.

Hỏi: Thể của định là một, vì sao nói là ba?

Đáp: Do ba sự việc nên nói ba: (1) Do đối trị. (2) Do tâm có mong muốn. (3) Do cảnh giới. Do đối trị nên nói không. Không là pháp đối trị gần của ngã kiến.

Hỏi: Thân kiến có hai thứ: (1) Hành nơi ngã. (2) Hành nơi ngã sở. Không có hai thứ: (1) Hành nơi không. (2) Hành vô ngã. Hành này cùng với hành nào kia làm đối trị gần?

Đáp: Hành vô ngã đối trị nơi ngã kiến. Hành không đối trị nơi ngã sở kiến.

Lại nữa, hành vô ngã đối trị năm ngã kiến. Hành không đối trị mười lăm ngã sở kiến.

Lại nữa, hành vô ngã đối trị kiến chấp của mình. Hành không đối trị đối tượng kiến chấp của mình.

Lại nữa, hành vô ngã đối trị ái thân của ngã. Hành không đối trị ái thân của ngã sở.

Lại nữa, ấm không phải là ngã, là hành vô ngã. Trong ấm không có ngã là hành không.

Lại nữa, nhãn nhập không phải là ngã, là hành vô ngã. Trong nhãn nhập không có ngã là hành không. Cho đến ý nhập nói cũng như thế.

Lại nữa, tánh không là hành vô ngã. Không có đối tượng hành là hành không.

Do tâm có mong muốn, nên nói là vô nguyện. Vô nguyện nghĩa là không nguyện nơi hữu.

Hỏi: Nếu do tâm mong muốn, không nguyện nơi hữu, gọi là vô nguyện. Cũng là tâm mong muốn, không nguyện nơi Thánh đạo, cũng gọi là vô nguyện chăng?

Đáp: Tâm mong muốn không nguyện mong nơi ấm, nhưng Thánh đạo thì dựa vào ấm. Tâm mong muốn không nguyện mong nơi đời, nhưng Thánh đạo thì ở nơi đời. Tâm mong muốn không nguyện mong nơi khổ, nhưng Thánh đạo thì dựa vào khổ. Tâm mong muốn không nguyện mong tăng trưởng, nhưng Thánh đạo dựa vào tăng trưởng.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao Thánh nhân tu đạo?

Đáp: Vì muốn đạt đến Niết-bàn. Vì sao? Vì Thánh nhân quán sát, trừ Thánh đạo, thì không có pháp nào có thể đạt đến Niết-bàn, do vậy nên tu đạo.

Do cảnh giới nên nói là vô tướng. Vô tướng nghĩa là không có mười tướng. Vì không có mười tướng nên nói là vô tướng. Mười tướng là sắc, thanh, hương, vị, xúc, nam, nữ và ba tướng hữu vi. Niết-bàn không có tướng như thế, nên địa kia duyên nơi Niết-bàn.

Lại nữa, ấm là tướng có, còn định kia duyên nơi ấm không sinh.

Lại nữa, pháp trước sau là tướng có, còn định kia duyên nơi không có trước, sau.

Lại nữa, nếu pháp có thượng, trung, hạ, thì đó gọi là tướng có, còn định kia duyên nơi không có thượng, trung, hạ.

Lại có thuyết cho: Do hành nên nói là ba. Định không kia hành nơi hai hành là hành không, hành vô ngã. Định vô nguyện hành nơi mười hành, nghĩa là hành khổ, hành vô thường, bốn hành của tập đế và bốn hành của đạo đế. Định vô tướng hành nơi bốn hành là bốn hành của diệt đế.

Lại có thuyết nêu: Do đối trị nên nói là ba. Hành không là đối trị gần của ngã kiến. Vô nguyện là đối trị gần của giới thủ. Vô tướng là đối trị gần của si.

Hỏi: Thế nào là tuệ thân (tuệ uẩn) vô học?

Đáp: Là hoặc trí, hoặc kiến, hoặc minh, hoặc giác, hoặc hiện quán, cho đến nói rộng.

Lời bình: Thuyết này có thể như vậy. Song ở đây nói tuệ thân chánh, không nói tuệ thân phân biệt. Văn ấy nên nói như thế này: Thế nào là tuệ thân vô học? Đáp: Là tận trí, vô sinh trí không gồm thâu tuệ vô học.

Hỏi: Thế nào là giải thoát thân (giải thoát uẩn) vô học?

Đáp: Là chánh quán vô học tương ưng với giải thoát. Thời giải thoát này là đại địa, là tận trí, vô sinh trí, là chánh kiến vô học tương ưng với giải thoát.

Hỏi: Thế nào là giải thoát tri kiến thân (giải thoát tri kiến uẩn) vô học?

Đáp: Là tận trí, vô sinh trí.

Hỏi: Vì sao nói tận trí, vô sinh trí là giải thoát tri kiến thân vô học?

Đáp: Là do ở trong thân của người giải thoát sinh khởi.

Hỏi: Tuệ thân vô học và giải thoát tri kiến thân vô học có gì khác biệt?

Đáp: Khổ trí, tập trí vô học, là tuệ thân vô học. Vì sao? Vì hai trí này duyên nơi pháp trói buộc. Diệt trí, đạo trí vô học là giải thoát tri kiến thân vô học. Vì sao? Vì hai trí này duyên nơi pháp không có trói buộc.

Lại nữa, khổ trí, tập trí, diệt trí vô học là tuệ thân vô học. Vì sao? Vì ba trí này duyên nơi giải thoát, không duyên nơi duyên thuộc trí vô lậu giải thoát. Đạo trí vô học là giải thoát tri kiến thân vô học. Vì sao? Vì đạt trí này duyên nơi giải thoát, cũng duyên nơi duyên thuộc trí vô lậu giải thoát.

Giải thoát có hai thứ: Là giải thoát hữu vi và giải thoát vô vi. Hữu vi là đối tượng duyên của khổ trí, tập trí. Vô vi là đối tượng duyên của diệt trí. Trí kiến giải thoát vô lậu là đối tượng duyên của đạo trí. Thế nên, đạo trí là giải thoát tri kiến thân vô học, vì dùng đạo trí để duyên nơi ba trí.

Lại có thuyết nói: Tuệ hoặc đối trị tà tuệ, hoặc đối trị với không hiểu biết. Nếu đối trị tà tuệ, là tuệ thân vô học. Nếu đối trị với không hiểu biết, là giải thoát tri kiến thân vô học. Như tà tuệ, không hiểu biết, thì lợi căn, độn căn, ngu, trí cũng như thế.

Giới thân ở sáu địa, là vị chí, trung gian và bốn thiền căn bản. Thân khác ở chín địa.

Hỏi: Phật, Phật-bích-chi, Thanh văn, nơi năm thứ thân này có khác biệt không?

Đáp: Nếu lấy địa, lấy thể thì không có khác biệt. Nếu lấy căn thì có khác biệt. Người lợi căn nói là hơn. Người căn bậc trung nói là trung bình. Người căn bậc hạ nói là thấp.

Như Đức Phật nói với các Tỳ-kheo: Một cứu cánh, không phải là các cứu cánh, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Đây là kinh Phật. Kinh Phật nói: Một cứu cánh, không phải là các cứu cánh. Kinh Phật tuy nói một cứu cánh, nhưng không phân biệt là do phát tâm nên nói cứu cánh, hay là do sự việc thành tựu nên nói cứu cánh. Kinh Phật là chỗ dựa căn bản của Luận này. Nơi kinh chư Phật không nói, nay vì muốn nói rõ nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Cứu cánh có hai, vì sao Đức Thế Tôn chỉ nói một?

Đáp: Tôn giả Ba-xa nói: Một cứu cánh, nghĩa là cứu cánh của phát tâm, không có hai cứu cánh của phát tâm. Một cứu cánh của sự việc thành tựu, không có hai cứu cánh của sự việc thành tựu. Đức Thế Tôn cũng nói một đế, không có hai đế. Nghĩa là một khổ đế, không có khổ đế thứ hai. Cho đến một đạo đế, không có đạo đế thứ hai.

Lại có thuyết nói: Chỉ một cứu cánh, không có hai cứu cánh. Nghĩa là cứu cánh của sự thành tựu. Cứu cánh của phát tâm đều vì sự thành tựu nên phát tâm.

Lại có thuyết cho: Các ngoại đạo v.v… mỗi mỗi đều tự ở trong pháp họ đã làm sinh tưởng cứu cánh. Đức Phật nói như vầy: Chỉ trong pháp giảng nói thiện là có pháp cứu cánh. Trong pháp giảng nói ác là không có pháp cứu cánh.

Lại có thuyết nêu: Ở đây không nói cứu cánh đệ nhất, chỉ nhằm nói về lỗi lầm của các ngoại đạo. Các ngoại đạo v.v…, kẻ đoạn kiến thì không phải đối với thường kiến, kẻ thường kiến thì không phải đối với đoạn kiến. Đức Phật nói thế này: Nếu thường kiến là cứu cánh, thì đoạn kiến là không phải. Nếu đoạn kiến là cứu cánh, thì thường kiến là không phải. Nhưng thường, đoạn đều cùng không phải là pháp cứu cánh. Thế nên, vì nhằm nói lỗi của ngoại đạo, nên nói là một cứu cánh, không phải là nhiều cứu cánh.

Hỏi: Như nói một cứu cánh, không phải là nhiều cứu cánh, cho đến nói rộng. Vậy cứu cánh gọi là pháp gì?

Đáp: Đức Thế Tôn hoặc nói cứu cánh của đạo, hoặc nói cứu cánh của Niết-bàn.

Thế nào là nói cứu cánh của đạo? Như kệ nói:

Nếu không biết đạo

Là thông sáng mạn

Chưa đến cứu cánh

Không điều mà chết.

Không biết đạo: Nghĩa là không thấy tám đạo.

Là thông sáng mạn: Nghĩa là ngoại đạo, ngu nhỏ tự cho là thông sáng, sinh kiêu mạn.

Chưa đến cứu cánh: Tức tuy lại phát khởi ý nhưng không đến cứu cánh.

Không điều mà chết: Là như có phiền não mà sinh, có phiền não mà chết.

Như kệ nói cứu cánh của đạo, thế nào là cứu cánh của Niếtbàn? Như kệ nói:

Đến cứu cánh không sợ

Không nói cũng không hối

Nhổ hết mũi tên hữu

Thân này là biên sau.

Đến cứu cánh: Cứu cánh có hai thứ: (1) Cứu cánh của phát tâm. (2) Cứu cánh của sự thành. Tức là đến cứu cánh của sự thành bậc nhất.

Không sợ: Là khéo tu về tam muội không, hiểu sâu pháp duyên khởi, nên không sợ nẻo ác cùng các thứ khổ của sinh tử.

Không nói: Là không như lời nói vô nghĩa của các ngoại đạo nói về tà trí, tà kiến.

Không hối: Là khéo đoạn trừ giới thủ, sinh trí rốt ráo.

Nhổ hết mũi tên hữu: Là do khéo tu tập Thánh đạo, có thể khiến cho hữu ái đã dứt hết, vĩnh viễn diệt, vắng lặng, trụ trong pháp không lưu chuyển.

Thân này là biên sau: Vì đã dứt hết nhân của hữu ái kia, nên không còn sinh nữa. Vì không còn sinh, nên thân này là biên sau.

Đây là cứu cánh tột

Đạo tịch diệt vô thượng

Dứt hết tất cả tướng

Xuât yếu đến không chết.

Đây là cứu cánh tột: Là nói cứu cánh của sự thành.

Tịch diệt: Là lìa ba thứ lửa. Đạo là nơi chốn trí đã an lập.

Vô thượng: Là không có đối tượng nương dựa.

Có thể dứt hết tất cả tướng: Là hiển bày việc đoạn trừ tướng của tất cả nghiệp, đoạn trừ tướng của tất cả phiền não.

Xuất yếu: Là trừ diệt các phiền não đạt được thanh tịnh.

Đến không chết: Là đạt đến pháp bất diệt hoàn toàn.

Như Bà-la-môn Sổ Mục-kiền-liên đi đến chỗ Đức Phật, bạch Phật: Các đệ tử được Sa-môn Cù-đàm hóa độ, tất cả đều đạt đến cứu cánh chăng?

Đức Thế Tôn bảo: Này Bà-la-môn! Sự việc ấy không nhất định. Hoặc có người đạt đến, có người không đạt đến. Trong đây nói Niếtbàn là cứu cánh của sự thành, có phát tâm, có cứu cánh của phát tâm, có sự thành, có cứu cánh của sự thành.

Hỏi: Thế nào là cứu cánh của phát tâm? Cho đến cứu cánh của sự thành?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đạo thế tục đó gọi là phát tâm, không phải là cứu cánh. Thánh đạo gọi là phát tâm, cũng gọi là cứu cánh. Đối tượng đoạn trừ của đạo thế tục đó gọi là sự thành, không gọi là cứu cánh. Đối tượng đoạn trừ của đạo vô lậu đó gọi là sự thành, cũng gọi là cứu cánh.

Lại có thuyết cho: Đạo trung gian quả đó gọi là phát tâm, không gọi là cứu cánh. Đạo quả Sa-môn căn bản đó gọi là phát tâm, cũng gọi là cứu cánh. Đối tượng đoạn trừ của đạo trung gian quả đó gọi là sự thành, không gọi là cứu cánh. Đối tượng đoạn trừ của đạo quả Sa-môn căn bản đó gọi là sự thành, cũng gọi là cứu cánh.

Lại có thuyết nêu: Đạo học đó gọi là phát tâm, không gọi là cứu cánh. Đạo vô học đó gọi là phát tâm, cũng gọi là cứu cánh. Đối tượng đoạn trừ của đạo học đó gọi là sự thành, không gọi là cứu cánh. Đối tượng đoạn trừ của đạo vô học đó gọi là sự thành, cũng gọi là cứu cánh.

Như Đức Thế Tôn nói: Có các Phạm chí ngoại đạo, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Đây là kinh Phật. Trong kinh, Đức Phật nói: Có các Phạm chí ngoại đạo đã biện luận như thế này: Ta đã đoạn các thủ, cho đến nói rộng. Kinh Phật tuy nêu ra như vậy, nhưng không phân biệt. Kinh Phật là chỗ dựa căn bản của Luận này. Những điều trong kinh chư Phật không nói, nay A-tỳ-đàm đều muốn nêu bày, nên tạo ra phần Luận này.

Ở đây hỏi về ba sự: (1) Như các ngoại đạo thật sự không đoạn trừ các thủ. Vì sao Đức Phật nói các ngoại đạo cho là họ đã đoạn trừ các thủ? (2) Như các ngoại đạo không thiết lập việc đoạn trừ các thủ. Vì sao nói các ngoại đạo thiết lập đoạn trừ dục thủ, giới thủ, kiến thủ? (3) Như các ngoại đạo đã thiết lập việc đoạn trừ dục thủ, giới thủ, kiến thủ, nhưng không thiết lập việc đoạn trừ ngã thủ? Ở trong ba thứ nêu hỏi này, Tôn giả Ca Chiên Diên Tử trước hết đáp câu hỏi giữa.

Hỏi: Như các ngoại đạo không đoạn trừ các thủ, vì sao nói là họ đoạn trừ dục thủ, giới thủ, kiến thủ, cho đến nói rộng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đây là lời thuyết pháp có tính đột nhiên của Đức Thế Tôn. Thuyết này phải nên ngăn bỏ, không nên tùy thuận. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn thuyết pháp, không do là không có nhân duyên, cũng không do là ít nhân duyên. Chư Phật giảng nói đều có nhân duyên, chẳng phải là không có nhân duyên. Đều có chỗ tạo tác, chẳng phải là không có chỗ tạo tác. Đều có đối tượng hóa độ, chẳng phải là không có đối tượng hóa độ. Nếu người khác không có duyên thì Đức Phật rốt cuộc sẽ không giảng nói.

Lại có thuyết cho: Vì Đức Thế Tôn hiện bày là các ngoại đạo cũng có đoạn phần ít các thủ nên nói như thế. Thuyết này cũng nên ngăn bỏ, không nên tùy thuận. Vì sao? Vì như hàng phàm phu đoạn trừ giới thủ, kiến thủ nơi cõi dục, cho đến đoạn trừ giới thủ, kiến thủ của xứ vô sở hữu. Vậy hàng phàm phu cũng đoạn trừ ngã thủ của địa thiền thứ nhất, cho đến đoạn trừ ngã thủ của xứ vô sở hữu. Thế nên thuyết này cũng không được dụng. Tuy nhiên, Đức Phật – Thế Tôn luôn giảng nói rộng về các pháp, cho đến giảng nói rộng lời này, là nghĩa chân thật.

Vào thời Đức Phật chưa ra đời, các phái dị học của ngoại đạo được nhiều danh tiếng, lợi dưỡng. Sau khi Phật xuất thế, che lấp các ngoại đạo, cũng như ánh sáng của mặt trời che lấp đốm lửa, nhiều đệ tử của ngoại đạo quy phục Đức Thế Tôn, lợi dưỡng của các ngoại đạo ngày càng giảm thiểu.

Khi ấy, các ngoại đạo đều tập họp tại một nơi chốn cùng nhau bàn bạc: Sa-môn Cù-đàm lúc chưa ra đời, tất cả danh tiếng, lợi dưỡng hiện có của thế gian đều quy về chúng ta. Nay Sa-môn Cù-đàm đã xuất thế, những sự việc như vậy v.v… ngày càng giảm thiểu. Rõ ràng là Samôn Cù-đàm kia không có thật đức, chỉ do hình dung đoan nghiêm, giỏi về Kinh, Luận. Hình dạng của chúng ta thô tục, không đủ để so sánh. Những kinh pháp do Ông ấy giảng nói lại khó có thể đạt tới. Nay chúng ta cần tạo các phương tiện để có được kinh pháp của Ông ấy. Nếu có được thì những lợi dưỡng của thế gian đều trở về với chúng ta. Lại bàn bạc: Như Ma nạp Tô Thi v.v… trong chúng của ta là hạng thông sáng, lợi căn, lại có sức nhớ nghĩ, tất có thể thọ trì kinh pháp do Sa-môn Cù-đàm giảng nói. Nay có thể sai anh ta đến đấy làm đệ tử của Sa-môn Cù-đàm. Cù-đàm tất vì người này giảng nói rộng về kinh pháp. Sau khi đọc tụng xong, Tô Thi sẽ vì chúng ta giải nói.

Lúc này, bàn bạc như thế xong, ngoại đạo liền nói với Ma nạp Tô Thi: Anh nên đi đến trụ xứ của Sa-môn Cù-đàm xin làm đệ tử, xuất gia ở trong pháp Phật, để được nghe kinh pháp, lại có thể thọ trì.

Bấy giờ, Đức Như Lai do mười lực, bốn vô sở úy, ở trong đại chúng, rộng vì hàng người, trời giảng nói các pháp. Có cả các ngoại đạo ở bên cạnh đại chúng lần lượt đi lại để trộm nghe pháp, tâm luôn lo sợ. Do tâm lo sợ, nên kẻ nhớ thì ít, kẻ quên thì nhiều. Do nghĩa này, nên biết Đức Thế Tôn đã giảng nói rộng các pháp. Các ngoại đạo v.v… chỉ tụng đoạn trừ ba thọ, quên đoạn trừ ngã thọ.

Lại có thuyết nêu: Đức Thế Tôn giảng nói pháp, hoặc có khi giảng nói đầy đủ hoặc có khi giảng nói không đầy đủ, nhưng các công việc cần thực hiện Đức Thế Tôn đều đã làm đầy đủ. Như kinh nói bốn niệm xứ, thì về nghĩa của niệm xứ tức là đầy đủ. Như nói một niệm xứ, thì về nghĩa gọi là không đầy đủ. Như nói chúng sinh trụ nơi thân quán thân, như đất có trên móng tay, còn chúng sinh không trụ nơi thân quán thân, thì như đất nơi đại địa. Như nói năm cái, bảy giác chi, sáu giới, thì ở đây nói cũng là không đầy đủ. Như nói mười cái, mười bốn giác chi, mười tám giới, đây gọi là đầy đủ. Do sự việc ấy nên nơi các công việc cần thực hiện, không gì là không đầy đủ.

Đức Thế Tôn thuyết pháp có khi đầy đủ, có khi không đầy đủ. Các dị học của ngoại đạo thọ nhận các tên gọi nơi pháp Phật, cho đến nói rộng. luận chủ vì để chứng nên dẫn kinh Phật. Như kinh nói: Có các Phạm chí ngoại đạo đến giảng đường, nơi các Tỳ-kheo đang tập hợp, nói lời như vầy: Các Trưởng lão! Như Sa-môn Cù-đàm, thầy của các ông, vì các đệ tử nên nói: Nên đoạn trừ năm cái, đối với bốn niệm xứ luôn an định tâm mình, tu bảy giác chi. Chúng tôi vì các đệ tử cũng giảng nói pháp như thế, cho đến nói rộng.

Các ngoại đạo kia cùng với cái đều cùng sinh, đều cùng tử vẫn còn không nhận biết được cái, huống chi là thấy biết về Niệm xứ, Giác chi. Hãy còn không ngửi được mùi hương, huống chi là nhận biết về vị. Tuy nhiên, Đức Phật luôn giảng nói rộng về các pháp, cho đến nói rộng. Như Phạm chí Ma-kiền-đề đi đến chỗ Đức Phật, mặc Uất-đa-la-tăng, dùng tay sờ vào y này, ra vẻ như bệnh, như thân bị mụt nhọt, bị trúng tên, bị ghẻ lở, rồi nói như thế này: Sa-môn Cùđàm! Thân này không có bệnh, tức là Niết-bàn. Phạm chí kia thân không có bệnh, thường được ăn uống. Vì thân không bệnh, nên nói là thân không có bệnh. Do được ăn uống, nên nói là Niết-bàn. Phạm chí kia hãy còn không nhận biết được bốn đại điều hòa nên không bệnh, huống chi là nhận biết các kiết diệt hết tức là Niết-bàn?

Lại có thuyết cho: Không có bệnh là đạo, Niết-bàn là quả của đạo. Phạm chí kia hãy còn không nhận biết về đạo không bệnh, huống hồ là quả của đạo không bệnh. Nhưng Đức Phật luôn giảng nói các pháp, cho đến nói rộng.

Về câu hỏi tiếp kia, nay sẽ nói:

Hỏi: Vì sao Phạm chí ngoại đạo không thiết lập việc đoạn trừ ngã thủ?

Đáp: Như Bản Luận nói: Phạm chí ngoại đạo nơi đêm dài sinh tử đã chấp trước nơi ngã, chấp trước nơi chúng sinh, cho đến nói rộng.

Lại có thuyết cho: Dị học của ngoại đạo đối với ngã thủ (ngã ngữ thủ) tâm sinh sợ hãi. Như người đứng nơi đỉnh núi cao sợ ngã xuống dưới. Ngoại đạo kia cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Sợ bỏ kiến giải của mình, chạy theo kiến giải của người khác. Dị học của ngoại đạo lấy ngã kiến làm căn bản cho kiến chấp của mình nên không muốn bỏ.

Lại có thuyết nói: Vì sợ đoạn trừ thọ mạng của mình.

Lại có thuyết cho: Sợ bị người đồng phạm hạnh khinh thường.

Về câu hỏi thứ nhất nay sẽ nói:

Hỏi: Như các ngoại đạo không nhận biết việc đoạn trừ các thủ, vì sao nói là đoạn trừ các thủ?

Đáp: Đây là Đức Thế Tôn đã tùy theo ngôn thuyết của thế gian. Luận chủ vì để làm chứng nên dẫn kinh Phật. Như nói: Có các chúng sinh thấy diệt, đoạn hoại. Trong thật nghĩa là không có chúng sinh, vì tùy theo thế tục ngoại đạo nên nói là có chúng sinh. Ở đây cũng như thế, cho đến nói rộng.

Có hai trí: (1) Trí đoạn. (2) Trí nhận biết. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì trước nói dị học của ngoại đạo thiết lập việc đoạn trừ các thủ, không thiết lập việc đoạn trừ ngã thủ. Tuy nêu ra như thế, nhưng không phân biệt là trí đoạn hay là trí nhận biết. Nay vì muốn nói rõ, nên tạo ra phần Luận này.

Có hai trí, nghĩa là trí đoạn, trí nhận biết.

Hỏi: Thế nào là trí nhận biết?

Đáp: Nếu thấy biết, minh giác, hiện quán, là trí nhận biết. Trí đối với không trí. Thấy đối với tà tuệ. Minh đối với vô minh. Giác đối với tà kiến. Hiện quán đối với tà quán.

Lại có thuyết nói: Ở đây nói trí nhận biết vô lậu. Vì sao? Vì không có đạo thế tục có thể hiện quán. Do sự việc này, nên chỉ nói trí nhận biết vô lậu.

Lại có thuyết cho: Trong đây cũng nói trí nhận biết hữu lậu, vô lậu. Vì sao biết được? Vì trí thế tục cũng có tướng của thấy biết, minh giác, hiện quán.

Hỏi: Đạo thế tục không có nghĩa hiện quán, vì sao nói là hiện quán?

Đáp: Quán hiện ở trước rõ ràng là nghĩa của quán hiện tiền. Tức đạo thế tục cũng có thể hiện quán.

Hỏi: Nếu như vậy thì nói những thế tục nào là trí nhận biết?

Đáp: Trừ hiện quán rỗng lặng tương ưng với tuệ, đó là vô lượng giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba, tám thắng xứ, mười nhất thiết xứ. Trừ các quán như thế v.v… tương ưng với tuệ. Các quán về tướng chung, tướng riêng, trừ ngu trong duyên, trừ ngu nơi thể của vật, các quán thật khác, như văn, tư, tu, Noãn, Đảnh, Nhẫn, Pháp thế đệ nhất, là các thứ như thế v.v…

Hỏi: Vì sao nhận biết nhất định tuệ thế tục là hiện quán?

Đáp: Như nói nghĩa nhận biết rõ của quán hiện tiền là nghĩa của hiện quán, tuệ thế tục cũng có thể hiện quán nhận biết rõ. Làm sao biết được? Vì như Kinh Thành Dụ nói: Ta chưa thành tựu Tam Bồ-đề v.v…, cũng có thể sinh khởi hiện quán ấy. Do sự việc này, nên biết được tuệ thế tục cũng có thể tạo ra hiện quán.

Hỏi: Thế nào là trí đoạn?

Đáp: Nếu tất cả ái, giận, si đều dứt, tất cả phiền não đều đoạn trừ, thì gọi là trí đoạn.

Hỏi: Như đoạn không có đối tượng duyên, còn trí thì có đối tượng duyên, vì sao nói đoạn gọi là trí?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì đoạn là quả của trí nên đoạn được gọi là trí. Như A-la-hán là quả của trí, nên dùng tên của trí để nêu. Như thiên nhãn, thiên nhĩ là quả của thông, nên dùng tên gọi của thông để nói. Như sáu nhập là quả của nghiệp, nên dùng tên của nghiệp để nói. Như sáu nhập này là nghiệp gốc. Như thế đoạn là quả của trí, nên mang tên là trí đoạn.

Hỏi: Như trong tu đạo đoạn là quả của trí, trong kiến đạo đoạn là quả của nhẫn, vì sao nói là trí đoạn?

Đáp: Vì đoạn kia là quả của trí thế tục. Nếu dùng đạo thế tục lìa dục của cõi dục, cho đến lìa dục của xứ vô sở hữu, thì việc lìa dục nơi cõi dục kia, cho đến lìa dục của xứ vô sở hữu là quả của trí thế tục.

Hỏi: Đạo thế tục có công xứ thì có thể như thế. Đạo thế tục đối với xứ phi tưởng phi phi tưởng không có công sức. Dục nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng do kiến đạo đoạn đều là quả của nhẫn. Vì sao đoạn của kiến đạo kia lại là trí đoạn?

Đáp: Tôn giả Tăng-già-bà-tu nói: Có hai trí đoạn: (1) Là quả của tuệ. (2) Là quả của trí. Trí đoạn kia là quả của tuệ.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết này. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn nói hai trí: (1) Là trí đoạn. (2) Là trí nhận biết. Không nói tuệ đoạn.

Lại có thuyết cho: Trí đoạn là quả công dụng của trí nhận biết vô lậu. Vì sao? Vì như người Tu-đà-hoàn do đạo vô lậu nên chứng được quả Tư-đà-hàm. Đạo vô ngại thứ sáu nên chứng chung với việc đoạn trừ sáu phẩm kiết nơi ba cõi do kiến đạo đoạn và nơi cõi dục do tu đạo đoạn. Người Tư-đà-hàm do đạo vô lậu nên chứng được quả A-nahàm. Đạo vô ngại thứ chín nên chứng chung với việc đoạn trừ phiền não nơi ba cõi do kiến đạo đoạn cùng phiền não nơi cõi dục do tu đạo đoạn. Người A-na-hàm nên chứng được định kim cang dụ của quả A-la-hán, tức chứng chung với việc đoạn trừ phiền não nơi ba cõi do kiến đạo, tu đạo đoạn nên đoạn là quả công dụng của định kim cang dụ. Do sự việc này nên đoạn là quả công dụng của trí nhận biết vô lậu.

Tôn giả Phật-đà-la-trắc nói: Nên nói là pháp đoạn. Vì sao? Vì đây là pháp thù thắng bậc nhất, ứng hợp bậc nhất, rốt ráo bậc nhất của các Thánh đạo.

Tôn giả Cù-sa nói: Ở đây nên nói là xả đoạn. Vì sao? Vì xả bỏ tất cả pháp sinh tử nên được đoạn này. Lại nữa, vì từ trong trí chủng sinh, nên nói là trí đoạn. Như sinh trong họ Cù-đàm nên gọi là Cùđàm. Đoạn kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Đoạn kia tuy không có đối tượng duyên, nhưng trụ ở tướng trí. Như mắt của quá khứ, vị lai tuy không thể thấy, nhưng là tướng thấy. Như thọ của quá khứ, vị lai, tuy không có đối tượng hiểu biết, nhưng là tướng của thọ, cho đến tuệ nói cũng như thế. Như vậy, tuy đoạn không có đối tượng duyên nhưng là tướng của trí, thế nên gọi là trí đoạn.

Hỏi: Như đoạn một kiết thân kiến, cũng gọi là trí đoạn, vì sao nói tất cả kiết dứt hết gọi là trí đoạn?

Đáp: Vì đoạn một thân kiến cũng là trí đoạn. Nhưng ở đây nói đoạn tất cả kiết hết là trí đoạn, không nói là trí đoạn trừ dần dần.

Lại nữa, Đức Thế Tôn hoặc nói trí là trí nhận biết, hoặc nói trí là trí đoạn.

Thế nào là nói trí là trí nhận biết? Như kệ nói:

Hiền này, người tuổi trẻ

Muốn lợi ích thế gian

Ái hay sinh các khổ

Biết được là thông sáng.

Nhân duyên của vua Đa-cầu là chỗ căn bản của kệ này. Từng nghe có vị vua tên là Đa-cầu, bẩm tánh bạo ác, tham lam không chán, luôn tìm cách cướp đoạt mọi thứ của cải của dân chúng. Bấy giờ, dân chúng khắp nơi đều tụ tập, cùng bàn bạc tìm cách khiến vua thoái vị, lập người em kề của vua lên ngôi trị vì thiên hạ.

Khi đó, vua Đa-cầu đến tại một ấp thuộc vùng biên giới nước cư ngụ, hằng ngày bện cỏ làm dép bán để tự kiếm sống. Một hôm vua em hỏi các quan: Ta có người anh cả nay đang ở đâu? Các quan tâu: Nghe nói hiện ở tại một ấp thuộc vùng biên giới nước, bện cỏ làm dép bán, kiếm sống qua ngày. Vua em nghe tâu về chuyện này, tâm sinh buồn sầu, suy nghĩ: Ta chỉ có một người anh hiện đang sống khổ sở như thế. Ta nay đâu cần tới ngôi vua này. Liền sai sứ đến tận nơi để triệu trở về nước, rồi cấp cho một thôn xóm.

Lúc này, dân chúng gần gũi, nương dựa rất đông. Ấp được giao cho người anh không cung cấp đủ thức ăn và các thứ cần dùng. Vua em lại cấp hai thôn, ba thôn, cho đến nửa nước, người anh cũng cố tình cho là không đủ. Thế là vua anh đem nhân lực của nửa nước khởi binh giết chết em, tự lập ngôi vua.

Bấy giờ, Đế thích suy nghĩ: Nay quốc vương này không biết ân nghĩa, nên đã gây ra tội ác như thế. Ta sẽ đến đó dối gạt nhằm khiến vua phải khổ não. Rồi Đế thích tự hóa thân thành hình dáng một người Bà-la-môn, đầu vấn búi tóc, thân mặc áo thô, tay trái cầm quân trì, tay phải chống pháp trượng, đi đến chỗ vua kia, dùng lời tốt đẹp khen ngợi vua, rồi đứng qua một phía.

Vua hỏi: Đại Bà-la-môn từ đâu đến đây? Bà-la-môn đáp: Tôi từ ngoài biển cả đến.

Vua lại hỏi: Ngoài biển lớn có việc gì lạ chăng? Bà-la-môn nói: Tôi thấy có một nước, dân chúng rất đông đúc, giàu có, an vui vô cùng.

Vua lại hỏi: Như ta ngày nay quân binh rất đông, nếu đem quân thảo phạt có thể thắng được chăng? Bà-la-môn nói: Đến đó tất là có thể được.

Vua lại hỏi: Ai nên vì ta dẫn đường đi trước? Bà-la-môn thưa: Tôi sẽ dẫn đường.

Vua lại hỏi: Nếu có thể như vậy thì sau bao nhiêu ngày ông sẽ chỉ đường cho ta? Bà-la-môn đáp: Sau bảy ngày. Nói xong rồi ra đi.

Ngày qua ngày, vua tính ra đã tới ngày hẹn. Đến ngày thứ bảy, từ sáng sớm nhà vua cho người tìm kiếm khắp nơi vị Bà-la-môn hôm trước nhưng đều không thấy đâu cả. Do không tìm thấy, nên tâm vua sinh sầu khổ, ngồi trong tĩnh thất.

Bấy giờ, Bồ-tát Thích Ca sinh trưởng trong thôn Bà-la-môn thuộc quốc vương ấy, vì có chút việc nên đi đến thành vua, nghe nói vua đang buồn khổ, không người nào có thể ngăn giúp được, nên nói với các quan: Tôi có thể trừ bỏ nỗi buồn khổ trong tâm của vua. Các quan liền đưa Bồ-tát đến chỗ vua. Lúc ấy, vì quốc vương, Bồ-tát đã nói các nghĩa nơi kinh qua kệ:

Đuổi tìm năm dục

Nếu khi được rồi

Cho là vừa ý

Tất sinh hoan hỷ.

Cho đến nói hết kệ của phẩm nhiễm dục. Khi Bồ-tát tụng xong kệ này, tâm sinh khởi tưởng nhàm chán tức lìa được ái dục. Do lìa dục, nên Bồ-tát lại nói tiếp kệ này:

Nên làm, nói là chánh

Không làm, đâu được nói

Nếu nói không thể làm

Không gọi là người trí.

Bồ-tát nói một kệ này, một nửa là vì Đế thích, một nửa là vì quốc vương. Nếu không thể làm thì không nên hứa với người khác. Nếu đã hứa với người khác, thì cần làm ngay, nhưng không làm là việc không tốt. Vua cũng cần phải trù tính, lường xét xem người kia có thể đi, hay không thể đi? Lại vào thời nào, từng thấy có người từ ngoài biển cả đến, vội tin theo lời họ nói? Lúc này, quốc vương ở chỗ Bồ-tát, tâm sinh hoan hỷ, bèn nói kệ:

Hiền này người tuổi trẻ

Muốn lợi ích thế gian

Ái hay sinh các khổ

Biết được là thông sáng.

Do kệ này nên nói trí là trí nhận biết.

Thế nào là nói trí là trí đoạn? Như nói: Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta sẽ nói về pháp nơi đối tượng nhận biết của trí là trí thành tựu trí.

Hỏi: Thế nào là pháp nơi đối tượng nhận biết của trí?

Đáp: Là năm ấm.

Hỏi: Như trí nhận biết tất cả pháp, vì sao chỉ nói nhận biết năm ấm?

Đáp: Nếu nêu ra câu hỏi này, thì như nơi chương sau sẽ đáp, là do chỉ nhận biết khổ. Ở đây đều nên nói hết.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì ở đây nói trí đoạn, không nói trí nhận biết, nhận biết về năm ấm, không nhận biết về tất cả pháp.

Hỏi: Nếu như vậy nên tạo ra phần Luận này: Như năm ấm là đối tượng nhận biết của hai trí là trí nhận biết và trí đoạn, vì sao Đức Thế Tôn bỏ trí nhận biết chỉ nói trí đoạn?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Do nhân nơi năm ấm này nên đạt được trí đoạn, trí nhận biết, vì thế phần sau đáp nhận biết về diệt v.v…, ở đây đều nên nói: Thế nào là trí? Đáp: Là tất cả kiết dứt hết, cho đến nói rộng.

Hỏi: Như Đức Phật nói: Tất cả hành dứt hết gọi là cảnh giới đoạn. Ở đây, vì sao nói tất cả kiết dứt hết là trí đoạn?

Đáp: Đây là lời lược nói về chỗ hơn hẳn chưa trọn vẹn để giáo hóa chúng sinh của Đức Như Lai.

Lại có thuyết cho: Nếu nói kiết dứt hết, nên biết là nói về tất cả hành hữu lậu đều đoạn trừ. Như trên đã nêu: Nếu là quá khứ thì tất cả đều diệt chăng? Ở đấy đã đáp, tức ở đây đều nên nói.

Hỏi: Thế nào là trí thành tựu?

Đáp: Là A-la-hán dứt hết các lậu.

Hỏi: Như người học, xứ xứ đều có trí, vì sao chỉ nói A-la-hán là người trí?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đây là sự thuyết giảng chưa trọn vẹn của Đức Như Lai, cho đến nói rộng.

Lại có thuyết cho: Vì là hơn hẳn nên đáp như trên. Người vô học vượt hơn người hữu học. Ở đây nên nói rộng.

Lại có thuyết nêu: Người học tùy theo chỗ mình nhận biết, chẳng cần phải bỏ hữu. Người vô học tùy theo chỗ nhận biết của mình, đều có thể xả bỏ hữu. Trong đây cũng nói: Nói như thế nào? Đáp: Tất cả kiết đã dứt hết. Ai dứt hết tất cả kiết? Chỉ là người vô học.

Lại có thuyết nói: Văn ấy nên nói như thế này: Thế nào là trí nhận biết? Đáp: Nếu thấy, biết, minh, giác, hiện quán v.v…, cho đến nói rộng. Cũng như nói về người hiền, tuổi trẻ v.v…, cho đến nói rộng.

Thế nào là trí đoạn? Đáp: Tất cả kiết đã dứt hết. Cũng như nói: Nay ta sẽ giảng nói về pháp trí, cho đến nói rộng.

Nếu quy hướng nơi Phật, người kia nên quy hướng ở đâu? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Do chẳng phải là nơi chốn quy hướng, sinh khởi tưởng về nơi chốn quy hướng. Vì nhằm hiển bày về nơi chốn quy hướng chân thật, nên tạo ra phần Luận này.

Như kệ nói:

Có nhiều quy hướng

Núi, sông, rừng, cây

Vườn, lầu tháp, miếu

Do sợ người khác.

Quy này chẳng yên

Quy này không hơn

Về chỗ quy hướng

Không thể khỏi khổ.

Nếu quy hướng Phật

Pháp và chúng Tăng

Nơi bốn Thánh đế

Hay dùng tuệ thấy.

Hướng này là yên

Hướng này thù thắng

Hướng này vượt khỏi

Tất cả các khổ.

Thế nên, do chẳng phải là nơi chốn quy hướng lại sinh khởi tưởng quy hướng. Vì muốn hiện bày về nơi chốn quy hướng chân thật, nên tạo ra phần Luận này.

Lại có thuyết cho: Vì nhằm ngăn chận các chúng sinh ngu tối trong sự quy hướng. Những chúng sinh ấy hoặc cho quy hướng Phật là quy hướng nơi thân của Như Lai gồm các phần đầu, chân v.v… do cha mẹ đã sinh ra. Vì nhằm ngăn chận ý tưởng như thế, tức nêu: Nếu người quy hướng Phật, thì nên quy hướng nơi Bồ-đề của Phật, là pháp vô học. Nếu người quy hướng nơi pháp, nghĩa là quy hướng nơi pháp thiện, bất thiện, vô ký và việc tu hành của các Tỳ-kheo, là pháp nên làm, không nên làm. Nếu quy hướng nơi pháp, phải nên quy hướng về pháp Niết-bàn dứt hết ái. Nếu quy hướng về Tăng, nghĩa là quy hướng nơi người xuất gia của bốn tánh, nhằm khiến cho chúng sinh ở trong pháp này đều được quyết định. Nếu người quy hướng Tăng, phải nên quy hướng nơi pháp học pháp vô học. Thế nên, vì muốn ngăn chận chúng sinh ngu tối trong sự quy hướng, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nếu quy hướng Phật thì người kia nên quy hướng về gì?

Đáp: Phật là thật có pháp này. Do có pháp này, nên thiết lập nên ngôn ngữ như thế, danh xưng như thế, tư tưởng như thế, gọi là Phật, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao phải nêu bày như vầy: Phật nghĩa là thật có pháp này. Do có pháp này nên thiết lập ngôn ngữ, danh xưng, tư tưởng như thế, gọi là Phật?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì Phật chỉ có sự thiết lập, tạo ra ngôn ngữ như thế, danh xưng, tư tưởng như thế là Phật, nhưng không có thật.

Vì nhằm ngăn chận ý tưởng như thế, nên tạo ra thuyết này: Phật nghĩa là thật có pháp này, cho đến nói rộng. Nếu người quy hướng thì quy hướng nơi Bồ-đề của Phật, là pháp vô học như thế.

Hỏi: Nếu pháp Bồ-đề vô học là Phật chân thật, thì nơi Kinh này nói làm sao thông? Như nói: Cư sĩ Tu Đạt hỏi: Sao gọi là Phật? Người kia đáp: Phật, nghĩa là có người thuộc dòng họ Thích, do tin tưởng xuất gia, cạo bỏ tóc râu, thân mặc y nhuộm. Đó gọi là Phật.

Đáp: Đây là nói về đối tượng nương dựa của Phật. Nếu nói về đối tượng nương dựa, nên biết là cũng nói về chủ thể nương dựa.

Hỏi: Nếu nói pháp Bồ-đề vô học là Phật chân thật, thì vì sao kẻ có tâm ác làm thân Phật chảy máu phải mắc tội nghịch?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Do tâm oán ghét pháp Bồ-đề vô học, là vì tâm ác làm thân Phật chảy máu nên mắc phải tội nghịch.

Lại có thuyết cho: Vì làm hư hoại đối tượng nương dựa của Bồđề vô học. Nếu đã hủy hoại đối tượng nương dựa, tức cũng hủy hoại chủ thể nương dựa. Thế nên phạm tội nghịch.

Hỏi: Nếu quy hướng Pháp thì người kia nên quy hướng nơi nào?

Đáp: Nếu quy hướng pháp tức nên quy hướng nơi Niết-bàn đã lìa dứt hết ái.

Hỏi: Nếu quy hướng Tăng thì người kia nên quy hướng nơi nào?

Đáp: Tăng, nghĩa là thật có pháp này, cho đến nói rộng. Đó gọi là Tăng.

Hỏi: Thế nào là quy? Thế nào là hướng? Quy hướng là nghĩa gì?

Đáp: Quy là phần ít của đạo đế, diệt đế. Hướng là lời nói nơi miệng.

Lại có thuyết nói: Hướng, nghĩa là có thể khởi tâm để miệng nói ra lời.

Lại có thuyết cho: Tin đúng nơi pháp này, đó gọi là hướng.

Lời bình: Nói như thế này là tốt: Có thể khởi miệng, lời nói, tâm và thể của năm ấm nơi pháp cùng có là hướng.

Hỏi: Thế nào là nghĩa quy hướng?

Đáp: Nghĩa cứu hộ là nghĩa của quy hướng.

Hỏi: Nếu nghĩa cứu hộ là nghĩa của quy hướng, thì sao Đềbà-đạt-đa cũng quy hướng Phật, Pháp, Tăng, mà bị đọa nơi nẻo ác, không được cứu hộ?

Đáp: Nếu là người đã quy hướng thì không phá giới hạnh, không vượt qua phần giới, tức có thể được cứu hộ. Nếu người đã quy hướng phá giới hạnh, vượt qua phần giới, thì không được cứu hộ. Như người vì sợ kẻ oán thù nên quy hướng nơi vua, cầu mong được vua cứu hộ. Vua nói với người kia: Nếu ngươi ở trong nước của ta, không vượt qua phần giới, thì ta có thể vì ngươi mà cứu hộ. Nếu vượt qua phần giới của ta, tức ta không thể cứu hộ. Như thế chúng sinh vì sợ nẻo ác nên quy hướng nơi Phật. Đức Phật nói: Nếu quy hướng nơi Ta, thì không nên phá giới hạnh, vượt qua phần giới. Nếu phá bỏ giới hạnh, vượt qua phần giới, thì Ta không thể cứu hộ. Thế nên, nghĩa cứu hộ là nghĩa của quy hướng.

Lại có thuyết cho: Tùy thuộc vào từng ấy quy hướng, tức có từng ấy cứu hộ. Do nhân duyên của quy hướng, nên được thoát khỏi nẻo ác.

Hỏi: Nếu người quy hướng Phật là quy hướng một vị Phật hay là quy hướng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng v.v…? Nếu quy hướng một vị Phật, thì vì sao không là quy hướng nơi phần? Nếu quy hướng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng, thì vì sao chỉ nói quy hướng một vị Phật? Và nơi Kinh này nói làm sao thông? Như nói: Ta là đệ tử của Phật Tỳ Bà Thi. Ta là đệ tử của Phật Thi Khí. Hoặc cho đến nói: Ta là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Lời bình: Nên lập ra thuyết này: Quy hướng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng v.v…

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao nói quy hướng một Đức Phật?

Đáp: Văn này nên nói như vầy: Ta quy hướng chư Phật, nhưng không nói. Vì nếu quy hướng một vị Phật nên biết cũng là quy hướng chư Phật.

Nói ta là một đệ tử của một Đức Phật nghĩa là tùy theo xứ thấy chân đế của vị Phật kia, nên nói: Ta là đệ tử của vị Phật đó.

Hỏi: Nếu người quy hướng pháp, là quy hướng các ấm diệt của tự thân, hay là quy hướng các ấm diệt của thân người khác, hay là quy hướng các ấm diệt của tự thân và thân người khác? Nếu quy hướng các ấm diệt của tự thân, thì vì sao không là quy hướng nơi phần? Nếu quy hướng nơi người khác, thì vì sao nói nghĩa cứu hộ là nghĩa của quy hướng?

Đáp: Nếu quy hướng nghĩa là quy hướng nơi tự thân và thân người khác.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao nói nghĩa cứu hộ là nghĩa của quy hướng?

Đáp: Tuy đối với Ta không có cứu hộ, nhưng về tánh là cứu hộ. Thế nên nghĩa cứu hộ là nghĩa của quy hướng.

Hỏi: Nếu quy hướng Tăng là quy hướng Tăng của một vị Phật, hay là quy hướng Tăng của chư Phật? Nếu quy hướng Tăng của một Phật thì vì sao không là quy hướng nơi phần? Nếu quy hướng Tăng của chư Phật thì vì sao nói là quy hướng Tăng của một Phật? Lại nơi Kinh này nói làm sao thông? Như nói: Phật bảo vị khách buôn: Ông nên quy hướng Tăng của đời vị lai.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Quy hướng tăng chư Phật.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao nói quy hướng Tăng của một Phật?

Đáp: Văn ấy nên nói thế này: Quy hướng Tăng của chư Phật nhưng không nói. Vì nếu quy hướng Tăng của một Phật, tức là quy hướng Tăng của chư Phật.

Như Kinh này nói làm sao thông? Nghĩa là do hiện tiền không có Tăng bảo.

Lại có thuyết cho: Vì Tăng bảo khó đạt được. Vì sao? Vì có Phật ra đời nhưng không có Tăng bảo.

Hỏi: Nơi chốn nào có quy hướng này?

Đáp: Nếu cùng với giới đều cùng có thì chỉ có trong con người. Nếu không cùng với giới đều cùng có thì nơi các nẻo khác đều có.

Hỏi: Có người thọ giới nhưng không thọ quy hướng, người này có đắc giới không?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không đắc giới. Vì sao? Vì nếu muốn thọ giới, trước hết phải thọ quy hướng.

Lại có thuyết cho: Nếu kẻ do tâm tự đại kiêu mạn nên không quy hướng, thì kẻ đó không đắc giới. Nếu người không biết là thọ giới trước, hay là thọ quy hướng trước, nếu không thọ quy hướng mà thọ giới, thì người này được giới, nhưng vị truyền giới đắc tội.

Hỏi: Nếu không cầu thọ quy hướng thì có được quy hướng không?

Đáp: Không được.

Hỏi: Nếu không được quy hướng, hoặc có trẻ sơ sinh hoặc còn nằm trong bụng mẹ mà cũng thọ quy hướng, thì điều này làm sao thông?

Đáp: Trường hợp này là tùy thuận giới. Người này về đời trước vốn hay ban cho người khác các vật dụng thọ giới. Nếu khi còn ở trong bụng mẹ, hoặc lúc mới sinh, cha mẹ đã vì chúng thọ quy hướng. Về sau, khi lớn khôn, làm chuyện phi pháp, người ta bèn trách: Lúc còn ở trong bụng mẹ và hồi mới sinh, ông đã thọ quy hướng rồi, hiện nay sao lại làm chuyện phi pháp! Sau khi nghe lời quở trách, người ấy tức có thể tránh xa điều ác, tu việc thiện. Thế nên vì tùy thuận giới, được thọ quy hướng, nhưng thật ra thì không được.

Lại có thuyết cho: Vì muốn khiến chúng sinh tin Phật, nên chư thiên vì đấy mà ủng hộ.

Hỏi: Nếu người khác vì cầu thọ quy hướng, thì người ấy có được không?

Đáp: Không được.

Hỏi: Nếu không được thì khi Phật sắp Niết-bàn, Tôn giả A-nan bạch Phật: Có một số người ở thành Câu Thi xin quy hướng Đức Thế Tôn, cũng quy Pháp, Tăng. Lời ấy làm sao thông?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì diệu lực nơi oai thần của Phật, nên khi sắp bát Niết-bàn, đã khiến cho các lực sĩ của thành Câu Thi đồng với người khác vì cầu mà được giới.

Lại có thuyết cho: Tôn giả A-nan đi vào thành Câu Thi, vì nhiều lực sĩ truyền trao quy hướng, giới, rồi trở lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Còn có chúng đệ tử sau cùng như thế.

Lại có thuyết nêu: Được. Như người nữ Ca Thi La và những người câm khác không thể nói.

Như nói: Nếu quy hướng Phật tức không bị đọa nơi nẻo ác.

Hỏi: Những người quy hướng Phật đều không bị đọa nơi nẻo ác chăng?

Đáp: Đây là vì những người có được tín không hoại, nên nói như thế.

Lại có thuyết cho: Vì người thâm tâm hết lòng quy hướng, nên nói như thế.

Hỏi: Như Pháp bảo là hơn Phật, vì sao khi quy hướng lại quy hướng Phật trước, sau mới quy hướng Pháp?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì Đức Phật ở trong giáo pháp là bậc tôn quý, nên trước phải quy hướng Phật.

Lại có thuyết cho: Cũng như người bệnh, trước phải nương dựa vào y sư, sau đấy mới uống thuốc. Đức Phật như vị y sư sáng suốt, Pháp như thuốc hay, Tăng như người trao cho thuốc.

HẾT – QUYỂN 18