LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 9

Chương 1: KIỀN ĐỘ TẠP

Phẩm thứ 2: TRÍ, phần 5

Thế nào là danh thân? Thế nào là cú thân? Thế nào là vị thân? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì ý của người tạo luận này muốn như vậy. Cho đến nói rộng.

Lại có thuyết nói: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử, ở trong luận này hiện bày đủ thứ sự việc, khéo đối với nghĩa tướng. Hoặc có người nghi: Vị kia chỉ khéo đối với nghĩa, không khéo đối với văn. Vì để đoạn trừ những nghi như vậy, cùng nhằm hiện bày ở trong văn nghĩa luôn được tự tại, nên tạo ra phần Luận này.

Lại có thuyết cho: Như các nhà Thanh luận, muốn khiến cho chữ là pháp của sắc, thể của chữ là thanh, thanh thì thuộc về sắc ấm. Vì đoạn trừ những ý như vậy, nên tạo ra thuyết như vầy: Chữ là tâm bất tương ưng hành, thuộc về hành ấm.

Lại có thuyết nêu: Danh thân, cú thân, vị thân này là pháp xuất yếu, có khả năng soi chiếu rõ về phiền não. Vì sao? Vì nếu xứng hợp với tên gọi của phiền não, nên biết pháp này là phiền não. Nếu xứng hợp với tên gọi của xuất yếu, nên biết pháp này là xuất yếu. Do danh thân, cú thân, vị thân có khả năng soi chiếu rõ về pháp xuất yếu của phiền não, nên tạo ra phần Luận này.

Lại có thuyết nói: Do nhận biết rõ về các pháp như danh, cú, vị v.v… nên có ba thứ Bồ-đề sai biệt.

Hỏi: Sự việc này là thế nào?

Đáp: Nếu là tuệ tăng thượng, nhận biết rõ về pháp như danh v.v… đó gọi là Phật. Nếu dùng trung tuệ gọi là Phật-bích-chi. Nếu dùng hạ tuệ gọi là Thanh văn.

Lại có thuyết cho: Do nhận biết rõ về pháp như danh v.v… nên gọi một người là Phật, vì thuyết giảng pháp vô lượng.

Lại có thuyết nêu: Nếu không thể quan sát về danh, cú, vị thân, thì sinh lỗi lầm tai hại lớn. Nếu có thể quan sát chúng thì sinh thiện lợi lớn.

Hỏi: Sự việc này là thế nào?

Đáp: Nếu không thể quan sát về danh, cú, vị thân, thì hành ác của phiền não như con sông chảy mãi không dừng. Như mắng thái tử Lưu Ly là kẻ nô tỳ. Sao dám bước lên giảng đường của giòng họ Thích? Thái tử kia do không thể quan sát bốn, năm chữ, nên đã cùng với trăm ngàn chúng sinh đọa trong đường ác. Nếu có thể quan sát bốn, năm chữ thì hành ác tuy là như núi v.v… cũng có thể gắng nhẫn được. Do không biết quan sát nên mới có sự tổn giảm như vậy.

Hỏi: Lúc Hành giả bị người khác trách mắng, làm thế nào để quan sát danh thân v.v…khiến tâm giận dữ không sinh?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: A câu lư xa Tần dịch là mắng. Câu lư xa Tần dịch là tiếng gọi. Hành giả nên suy nghĩ như thế này: Ta nay không nên suy nghĩ về chữ A ấy. Vì sao? Vì nếu có chữ A đó là mắng, còn không có chữ A thì là tiếng gọi. Nếu ta không nghĩ về chữ A ấy, tức thì chỉ khiến người khác cả ngày trọn đêm luôn tạo ra tiếng gọi. Như vậy đối với ta làm sao sinh tâm giận dữ.

Lại có thuyết cho: Hành giả nên suy nghĩ như thế này: Nếu dùng những chữ như thế là mắng ta, thì đối với phương này đó là thứ ngôn ngữ thấp kém, xấu xa, nhưng đối với phương khác lại là lời khen ngợi. Ta, nếu đối với thứ ngôn ngữ thấp kém, xấu xa của phương này sinh sầu khổ, đối với ngôn ngữ nơi phương khác sinh vui mừng, tức là ta đã luôn có lo, có khổ, có vui, có mừng. Đâu có người nào tạo khổ, vui cho ta? Do việc này nên không sinh tâm giận dữ.

Lại có thuyết nêu: Kẻ mắng ta dùng những chữ như thế, Hành giả nên suy nghĩ như vầy: Kẻ khen ngợi ta là dùng chữ ấy hay lại có thể dùng chữ khác. Xem xét kỹ, chẳng thấy có chữ nào khác, chỉ là các chữ đó, đem đảo lộn thứ lớp, nói là trách mắng, nói là khen ngợi. Ta nay vì sao ở trong những chữ ấy lại sinh giận dữ?

Lại có thuyết nói: Hành giả nên suy nghĩ như thế này: Nếu người mắng ta, mới chỉ là một ít nhập của một giới, một ít nhập của một nhập, một ít nhập của một ấm. Còn những người không mắng ta là mười bảy giới so với một ít nhập của một giới, mười một nhập so với một ít nhập của một nhập, bốn ấm so với một ít nhập của một ấm. Như vậy, kẻ không mắng ta thì nhiều, kẻ mắng ta thì ít. Vậy ta do đâu để sinh giận dữ.

Lại có thuyết nêu: Hành giả nên suy nghĩ như vầy: Sự mắng nhiếc này nên gọi là gì khi đã thành tựu? Gọi là người mắng nhiếc hay gọi là người nhận mắng nhiếc? Suy xét thì nên là người mắng đã thành tựu. Nếu như vậy thì chính là tự mắng nhiếc. Đối với ta vì sao lại sinh giận dữ?

Lại có thuyết cho: Hành giả nên suy nghĩ như thế này: Nếu dùng một chữ thì không thành mắng, hai chữ thì thành. Nhưng không thể có cùng một lúc nêu lên được hai chữ. Nếu khi nêu lên chữ sau thì chữ trước đã diệt, không đến với chữ sau. Như vậy, chỉ do ý phân biệt nên nói là người mắng nhiếc, là người nhận mắng nhiếc. Do sự việc này nên không sinh tâm giận dữ.

Lại có thuyết nói: Hành giả nên suy nghĩ như vầy: Người mắng nhiếc cùng với ta nhất thời cùng một sát-na diệt. Các ấm sinh sau cũng không là người mắng nhiếc hay là người nhận mắng nhiếc. Như thế, pháp mắng nhiếc là không thể thủ đắc, vậy nên không sinh tâm giận dữ.

Lại có thuyết cho: Hành giả nên suy nghĩ như vầy: Người mắng nhiếc, người thọ nhận mắng nhiếc thảy đều là không. Vì sao? Vì không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, không tạo tác, không người tạo tác, không thọ nhận, không người thọ nhận, chỉ có tụ của các ấm là không, nên không sinh tâm giận dữ.

Hành giả nên dùng những pháp như vậy để quán về danh thân, cú thân, vị thân.

Hỏi: Vì sao lại dựa vào danh, cú, vị thân để tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn cho văn nghĩa của luận đây được hiện bày đầy đủ, nên tạo ra phần Luận này.

Lại có thuyết nói: Do dựa vào văn này nên có thể làm sáng rõ rất nhiều nghĩa trong các ấm, giới, nhập, cũng có thể tán thán ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng. Do sự việc ấy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là danh thân?

Đáp: Danh thân, tiếng Phạn có ba thứ: Một ngữ gọi là danh. Hai ngữ gọi là danh thân. Ba ngữ trở lên gọi là đa danh thân.

Một ngữ gọi là danh: Là một pháp một danh.

Hai ngữ gọi là danh thân: Là hai pháp, hai danh.

Ba ngữ trở lên gọi là đa danh thân: Là ba pháp, ba danh trở lên gọi là đa danh thân.

Cú thân, vị thân cũng như vậy.

Ở đây hỏi về danh thân, là hỏi về đa ngữ danh thân.

Hỏi: Do đâu hỏi đa ngữ danh thân, không hỏi danh, không hỏi danh thân?

Đáp: Do ý của người tạo luận kia muốn như vậy, cho đến nói rộng.

Lại có thuyết nói: Nên hỏi nhưng không hỏi, phải biết đây là nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại có thuyết cho: Số đông danh thân đều nhập trong đa ngữ danh thân, cho nên hỏi đa ngữ danh thân, không hỏi danh và danh thân.

Danh, nghĩa là xưng ngữ, chủng chủng ngữ, tăng ngữ. Tư tưởng thường nêu đặt được đời truyền nói, gọi là danh. Những ngữ như vậy v.v…, đều nói đó là danh.

Hỏi: Vì sao hỏi về đa danh thân mà trả lời về danh?

Đáp: Do danh thành tựu đầy đủ, là đa danh thân. Đa danh thân trở lại làm cho đa danh thân thành tựu đầy đủ. Lại nữa, danh có thể sinh đa danh thân. Đa danh thân trở lại sinh đa danh thân. Cho nên hỏi đa danh thân, đáp về danh.

Hỏi: Thể tánh của danh, đa danh thân là gì?

Đáp: Là tâm bất tương ưng hành.

Đã nói về thể tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Thế nào gọi là danh?

Đáp: Danh, cũng gọi là tùy, cũng gọi là cầu, cũng gọi là hợp. Tùy, nghĩa là tùy theo sự tạo tác ấy, nên có danh như thế. Cầu, nghĩa là do danh ấy cầu có vật kia thích ứng. Lại nữa, cầu, bốn ấm gọi là cầu. Do bốn ấm nên có thể giữ lấy các giới, có thể giữ lấy các nẻo, có thể giữ lấy các đời v.v… nên gọi là cầu. Hợp, là đối với nghĩa, đối với sự tạo tác tương ưng nên gọi là hợp.

Hỏi: Thế nào gọi là đa danh thân?

Đáp: Vì có rất nhiều danh hợp tụ nên gọi là đa danh thân. Như một con chim không gọi là nhiều thân chim, phải có rất nhiều chim mới gọi là đa thân chim. Ngựa v.v… cũng như vậy. Như vậy một danh không gọi là đa danh thân, phải có nhiều danh tập hợp mới gọi là đa danh thân. Cú thân, vị thân, nên biết cũng như thế.

Như vậy là có danh, có danh thân, có đa danh thân.

Danh, là có danh một chữ, danh hai chữ, danh nhiều chữ. Danh một chữ gọi là danh. Danh hai chữ gọi là danh thân. Danh nhiều chữ: Hoặc nói là ba chữ, hoặc nói là bốn chữ gọi là đa danh thân. Danh hai chữ cũng gọi là danh. Danh bốn chữ gọi là danh thân. Hoặc sáu chữ, hoặc tám chữ, gọi là đa danh thân. Danh ba chữ cũng gọi là danh. Sáu chữ gọi là danh thân. Hoặc chín chữ, hoặc mười hai chữ, gọi là đa danh thân. Danh bốn chữ cũng gọi là danh. Danh tám chữ gọi là danh thân. Hoặc mười hai chữ, hoặc mười sáu chữ, gọi là đa danh thân. Như vậy cho đến nhiều chữ lập môn cũng thế.

Như danh thân, thì vị thân nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Thế nào là cú thân?

Đáp: Tùy theo nghĩa đầy đủ của , sự việc hiện ra như thế, đó gọi là cú thân. Sở dĩ dẫn kệ này là để tác chứng. Như nói:

Các ác chớ làm

Các thiện phụng hành

Tự tịnh ý mình

Là chư Phật dạy.

Các ác chớ làm: Là đầu cho đến nói rộng.

Tùy theo nghĩa đầy đủ của : Tức là nghĩa bài kệ đã đầy đủ.

Sự việc hiện ra như thế: Là các sự việc trong kệ nói đã hiện rõ, đó gọi là cú thân.

Kệ này có nói, có giải. Như trong kệ nói: Các ác là nói, chớ làm là giải. Những cú tiếp sau cũng nói như vậy.

Như nói: Các ác, đối với nói là đủ, đối với giải là chưa đủ, đối với cú là không đủ, đối với kệ là không đủ. Chớ làm, đối với nói, đối với giải, đối với cú là đủ, đối với kệ là không đủ.

Cho đến Là chư: Đối với nói, đối với giải, đối với cú là đủ, đối với kệ là không đủ. Phật dạy: Đối với nói, đối với giải, đối với kệ là đủ. Trong kệ này, không dài, không ngắn, tám chữ là một , ba mươi hai chữ là một kệ. Đây là pháp kết kệ, gọi là A-nậu-trá-xiển-đề, là pháp số của kinh luận, cũng là pháp số tính về sự biên chép. Sáu chữ là một , gọi là kệ đầu. Hai mươi sáu chữ là , là kệ sau. Hoặc có trường hợp dưới sáu chữ là , kệ này gọi là Chu-lợi-đồ. Nếu hơn hai mươi sáu chữ là , kệ này gọi là Ma-la.

Hỏi: Thế nào là vị thân?

Đáp: Chữ nói là vị thân. Sở dĩ dẫn kệ sau đây là để tác chứng. Như nói:

Dục là gốc kệ

Chữ tức là vị

Kệ dựa nơi danh

Tạo là thể kệ.

Dục là gốc kệ. Vậy thế nào là Dục?

Đáp: Dục: Là ý muốn tạo ra kệ. Ý muốn tạo ra kệ, đó gọi là dục.

Gốc: Là đối tượng khởi, là đối tượng nhân, đó gọi là gốc.

Chữ tức là vị: Nghĩa là các chữ tức là vị.

Kệ dựa nơi danh: Nghĩa là kệ dựa vào danh mới có.

Tạo là thể kệ: Nghĩa là người tạo là người làm ra kệ. Kệ được sinh từ người làm ra kệ. Như nước từ suối chảy ra, như sữa chảy ra từ bầu sữa. Kệ từ người tạo sinh, nên dùng làm thể.

Có danh, có danh thân, có đa danh thân. Có cú, có cú thân, có đa cú thân. Có vị, có vị thân, có đa vị thân.

Danh một chữ: Gọi là danh, không gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Không gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Đó gọi là vị, không gọi là vị thân, không gọi là đa vị thân.

Danh hai chữ: Gọi là danh, không gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Không gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Đó gọi là vị, gọi là vị thân, không gọi là đa vị thân.

Danh hai chữ kia, một chữ là danh, gọi là danh. Hai chữ gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân, không gọi là cú, không gọi là cú thân. Đó gọi là vị, gọi là vị thân, không gọi là đa vị thân.

Danh bốn chữ: Gọi là danh, không gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Không gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Đó gọi là vị, gọi là vị thân, không gọi là đa vị thân.

Danh bốn chữ kia, một chữ là danh, gọi là danh. Hai chữ gọi là danh thân. Ngoài hai chữ gọi là đa danh thân, không gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Đó gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Dùng hai chữ là danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Không gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Đó gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Danh tám chữ: Gọi là danh, không gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Đó gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Đó gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Danh tám chữ kia, dùng một chữ là danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, gọi là đa danh thân. Gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân. Dùng hai chữ là danh cũng như vậy.

Bốn chữ là danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Mười sáu chữ là danh: Gọi là danh, không gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Gọi là cú, gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Mười sáu chữ kia, một chữ là danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, gọi là đa danh thân. Gọi là cú, gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân. Hai chữ, bốn chữ là danh cũng như vậy.

Tám chữ là danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Gọi là cú, gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Ba mươi hai chữ là danh: Gọi là danh, không gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Gọi là cú, gọi là cú thân, gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Ba mươi hai chữ kia: Một chữ là danh, hai chữ là danh, bốn chữ là danh, tám chữ là danh, như trước đã nói. Mười sáu chữ là danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Gọi là cú, gọi là cú thân, gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Một chữ một danh nói rộng như trên.

Một chữ hai danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Không gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, không gọi là đa vị thân.

Một chữ bốn danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, gọi là đa danh thân. Không gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân.

Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Một chữ tám danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, gọi là đa danh thân. Gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Một chữ mười sáu danh: Đó gọi là cú, gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Ngoài ra, như trên đã nói.

Một chữ ba mươi hai danh nói đều đầy đủ.

Hai chữ một danh như trước đã nói.

Hai chữ hai danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Không gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Hai chữ hai danh: Một chữ là danh, như trước đã nói.

Bốn chữ một danh, như trước đã nói.

Bốn chữ hai danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Gọi là cú, không gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Bốn chữ hai danh kia: Một chữ, hai chữ là danh, như nói ở trước. Tám chữ một danh, như nói ở trước. Tám chữ hai danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Gọi là cú, gọi là cú thân, không gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Tám chữ hai danh kia, Một chữ, hai chữ, bốn chữ là danh, như trước đã nói. Mười sáu chữ là một danh, cũng như trước đã nói. Mười sáu chữ hai danh: Gọi là danh, gọi là danh thân, không gọi là đa danh thân. Gọi là cú, gọi là cú thân, gọi là đa cú thân. Gọi là vị, gọi là vị thân, gọi là đa vị thân.

Mười sáu chữ là hai danh kia, một chữ, hai chữ, bốn chữ, tám chữ là danh, đều như trước đã nói.

Hỏi: Danh là tùy xứ sở của thân hay là tùy xứ sở của ngữ?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Danh tùy xứ sở của ngữ. Họ nói như vầy: Danh tùy xứ sở của ngữ. Nghĩa là sinh trong cõi dục, tạo ngữ của cõi dục. Ngữ là cõi dục. Danh là cõi dục. Người là cõi dục. Là nghĩa đã nói.

Hoặc hệ thuộc ba cõi, hoặc không hệ thuộc. Sinh nơi cõi dục, tạo ngữ của địa thiền thứ nhất, ngữ là địa thiền thứ nhất, danh là địa thiền thứ nhất, người là cõi dục, là nghĩa đã nói.

Hoặc hệ thuộc ba cõi, hoặc không hệ thuộc. Sinh trong thiền thứ nhất, tạo ngữ của địa thiền thứ nhất, ngữ là địa thiền thứ nhất, danh là địa thiền thứ nhất, người là địa thiền thứ nhất, là nghĩa đã nói.

Hoặc hệ thuộc ba cõi, hoặc không hệ thuộc. Sinh trong thiền thứ nhất, tạo ngữ của cõi dục, ngữ là cõi dục, danh là cõi dục, người là thiền thứ nhất, là nghĩa đã nói.

Như trước nói: Sinh trong thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, tạo ngữ của địa thiền thứ nhất, ngữ là thiền thứ nhất, danh là thiền thứ nhất, người là thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, là nghĩa đã nói.

Như trước nói: Sinh trong thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, tạo ngữ của cõi dục, ngữ là cõi dục, danh là cõi dục, người là thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, là nghĩa đã nói.

Hỏi: Những người nói như thế này: Danh tùy xứ sở của ngữ. Danh là cõi dục, thiền thứ nhất. Vậy địa của ba thiền khác có danh không?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không.

Lại có thuyết cho: Có. Nhưng không thể nói.

Lời bình: Không nên nói như thế. Nói như trước là tốt.

Lại có thuyết nói: Danh tùy nơi chốn của con người. Họ nói như thế này: Danh tùy theo nơi chốn của người, nghĩa là sinh trong cõi dục, tạo ngữ của cõi dục. Ngữ là cõi dục, danh là cõi dục, người là cõi dục, là nghĩa đã nói.

Như trước nói: Sinh trong cõi dục, tạo ngữ của địa thiền thứ nhất. Ngữ là địa thiền thứ nhất, danh là cõi dục, người là cõi dục, là nghĩa đã nói.

Như trước nói: Sinh trong thiền thứ nhất, tạo ngữ của địa thiền thứ nhất. Ngữ là thiền thứ nhất, danh là thiền thứ nhất, người là thiền thứ nhất, là nghĩa đã nói.

Như trước nói: Sinh trong thiền thứ nhất, tạo ngữ của cõi dục. Ngữ là cõi dục, danh là thiền thứ nhất, người là thiền thứ nhất, là nghĩa đã nói.

Như trước nói: Sinh trong thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, tạo ngữ của địa thiền thứ nhất. Ngữ là thiền thứ nhất, danh cùng với người tức là địa kia, là nghĩa đã nói.

Như trước nói: Sinh trong thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, tạo ngữ của cõi dục. Ngữ là cõi dục, danh cùng với người tức là địa kia, là nghĩa đã nói.

Hỏi: Hoặc nói như thế này: Danh tùy theo xứ sở của người. Vậy địa thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư có danh không? Cõi vô sắc có danh không?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không.

Lại có thuyết nói: Có, nhưng không thể nói.

Lời bình: Không nên nói như thế. Nói như trước là tốt.

Hỏi: Danh là số chúng sinh hay chẳng phải là số chúng sinh?

Đáp: Danh là số chúng sinh.

Hỏi: Danh là nuôi lớn, là báo, hay là nương dựa?

Đáp: Tất cả danh là nương dựa, chẳng phải là nuôi lớn, chẳng phải là báo.

Hỏi: Nếu danh chẳng phải là báo thì nơi Luận này làm sao thông? Như Đức Phật nói với Tôn giả A-nan: Ta cũng nói: Danh từ nghiệp sinh ra.

Đáp: Ở đây, nói nghiệp là quả oai thế. Nói từ nghiệp sinh ra, như là tạo nghiệp tốt thì cũng sinh danh tốt.

Hỏi: Danh nên nói là thiện, là bất thiện, hay là vô ký?

Đáp: Danh nên nói là vô ký.

Hỏi: Cái gì thành tựu danh này? Là người nói hay là pháp được nói? Nếu là người nói, thì người đoạn căn thiện, cũng nói pháp thiện, có thể thành tựu được thiện chăng? Người lìa Dục, cũng nói pháp bất thiện, có thể tạo thành bất thiện chăng? Còn nếu là pháp được nói, thì pháp chẳng phải số chúng sinh cùng pháp vô vi cũng là pháp được nói có thể thành tựu được danh chăng?

Đáp: Nên nói như thế này: Danh thành tựu từ người nói.

Hỏi: Nếu như vậy thì người đoạn căn thiện cũng nói pháp thiện, người lìa Dục lại nói pháp bất thiện là có thể thành tựu được thiện, bất thiện chăng?

Đáp: Không phải. Vì sao? Vì danh kia tuy thành tựu danh của pháp thiện, bất thiện, nhưng thể của danh là pháp vô ký.

Nhất tâm nghe tiếng, có thể khởi lên một ngữ. Một ngữ không thể nói một chữ.

Hỏi: Như nói A, đó chẳng phải là một chữ chăng?

Đáp: Chỉ trong thời gian như thế đã trải qua nhiều sát-na.

Đức Thế Tôn một tâm khởi một ngữ, một ngữ nói một chữ. Chỉ có Đức Phật, Thế Tôn mới nói như vậy, lời nói ấy nhanh, nhẹ, không có lỗi, là bậc từ biện đệ nhất.

Hỏi: Từng có pháp quá khứ có danh quá khứ, vị lai, hiện tại chăng?

Đáp: Có pháp quá khứ có danh quá khứ: Như Đức Phật Tỳ Bà Thi dùng danh như vậy, nói pháp quá khứ. Pháp quá khứ có danh vị lai: Như Đức Phật Di Lặc dùng danh như vậy, nói pháp quá khứ. Pháp quá khứ có danh hiện tại: Như hiện tại hôm nay dùng danh như vậy nói pháp quá khứ.

Hỏi: Từng có pháp vị lai có danh vị lai, quá khứ, hiện tại chăng?

Đáp: Có pháp vị lai có danh vị lai: Như Đức Phật Di Lặc dùng danh như vậy, nói pháp vị lai. Pháp vị lai có danh quá khứ: Như Đức Phật Tỳ Bà Thi dùng danh như thế nói pháp vị lai. Pháp vị lai có danh hiện tại: Như hiện tại hôm nay dùng danh như thế nói pháp vị lai.

Hỏi: Từng có pháp hiện tại có danh hiện tại, quá khứ, vị lai chăng?

Đáp: Có pháp hiện tại có danh hiện tại: Như hiện tại hôm nay dùng danh như thế nói pháp hiện tại. Pháp hiện tại có danh quá khứ: Như Đức Phật Tỳ Bà Thi dùng danh như thế nói pháp hiện tại. Pháp hiện tại có danh vị lai: Như Đức Phật Di lặc dùng danh như thế nói pháp hiện tại.

Như ngữ có khả năng nói danh, danh có khả năng hiển bày nghĩa.

Hỏi: Tất cả danh đều có khả năng hiển bày nghĩa phải không?

Đáp: Tất cả danh đều có khả năng hiển bày nghĩa.

Hỏi: Nếu như vậy thì dùng những danh như thế hiển bày đoạn kiến, thường kiến, đầu thứ hai, tay thứ ba, ấm thứ sáu, nhập thứ mười ba, giới thứ mười chín. Những danh như vậy là hiển bày về nghĩa gì?

Đáp: Là hiển bày về tưởng thường, tưởng đoạn của chúng sinh, tưởng đầu thứ hai, tưởng tay thứ ba, tưởng ấm thứ sáu, tưởng nhập thứ mười ba, tưởng giới thứ mười chín. Hiển bày về những nghĩa như vậy.

Hỏi: Nếu do danh hiển bày được tất cả pháp vô ngã, thì pháp ấy có chỗ nào không hiển bày?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không hiển bày về tự thể, tương ưng, cùng có. Các pháp khác đều hiển bày.

Lại có thuyết nêu: Chỉ trừ tự thể. Các pháp khác thảy đều hiển bày.

Lại có thuyết cho: Chỉ trừ bốn chữ, đó là các pháp vô ngã. Các pháp còn lại thảy đều hiển bày.

Lại có thuyết nói: Tất cả pháp đều hiển bày. Vì sao? Vì như chữ Bà hiển bày là chữ Bà. Chữ Sa thì hiển bày là chữ Sa.

Hỏi: Là danh nhiều hay là nghĩa nhiều?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Nghĩa nhiều. Vì sao? Vì nghĩa gồm thâu mười bảy giới và một ít nhập của một giới. Mười một nhập và một ít nhập của một nhập. Bốn ấm và một ít nhập của một ấm. Còn danh chỉ gồm thâu một ít nhập của một giới, một nhập, một ấm.

Lại có thuyết nói: Danh nhiều, chẳng phải là nghĩa nhiều. Vì sao? Vì một nghĩa có nhiều danh. Như sách Ni-kiền-đồ phân biệt về các danh, cho một nghĩa có tới ngàn danh.

Lời bình: Nói như thế này là tốt: Nghĩa nhiều chẳng phải là danh nhiều. Vì sao? Vì không cần phải dùng các sự việc khác. Chỉ dùng sự gồm thâu giới v.v… là đã nhiều.

Nghĩa gồm thâu mười bảy giới và một ít nhập của một giới, mười một nhập và một ít nhập của một nhập, bốn ấm và một ít nhập của một ấm. Còn danh chỉ gồm thâu một ít nhập của một giới, một nhập, một ấm. Nhưng danh kia cũng là nghĩa. Nếu như vậy tức nên gồm thâu hoàn toàn ấm giới nhập.

Lại có thuyết nói: Nếu dùng để nói pháp, tức danh nhiều hơn nghĩa. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn nói pháp, một nghĩa dùng nhiều danh để nói. Nếu dùng ấm, giới, nhập, thì nghĩa nhiều hơn danh.

Hỏi: Nghĩa là có thể nói hay không thể nói? Nếu có thể nói thì khi nói lửa tức lưỡi bị đốt, nói dao tức lưỡi bị cắt đứt, nói bất tịnh tức lưỡi bị nhiễm ô. Nếu như không thể nói, thì vì sao có điên đảo? Như gọi voi thì ngựa đến, gọi ngựa thì voi đến. Lại như Kinh này nói làm sao thông? Đức Phật nói với các Tỳ-kheo: Pháp do Ta giảng nói, văn cũng thiện, nghĩa cũng thiện.

Đáp: Nên tạo ra luận như vầy: Nghĩa thì không thể nói.

Hỏi: Nếu như vậy thì làm thế nào để mọi sự cầu tìm không điên đảo?

Đáp: Thời xưa, con người đặt tên cho voi, có tưởng như thế này: Gọi voi thì voi đến, không phải là ngựa. Gọi ngựa thì ngựa đến, không phải là voi.

Lại có thuyết nói: Ngữ có khả năng sinh danh. Danh có khả năng hiển bày nghĩa. Như vậy, ngữ sinh danh voi. Danh voi có khả năng hiển bày nghĩa voi. Ngựa v.v… cũng như vậy.

Kinh này nói làm sao thông? Tôn giả Hòa-tu-mật đáp: Nói hiển bày văn nghĩa là nói đến nghĩa.

Lại có thuyết cho: Vì để phá bỏ các pháp của ngoại đạo đã nói. Pháp ngoại đạo đã nói, hoặc vô nghĩa, hoặc chỉ có một ít nghĩa. Đức Thế Tôn nói pháp có nghĩa và có nhiều nghĩa, thế nên nói là nói nghĩa.

Lại có thuyết nêu: Những pháp ngoại đạo nói, văn cùng với nghĩa trái nhau, nghĩa cùng với văn trái nhau. Đức Thế Tôn nói pháp, văn không trái nghĩa, nghĩa không trái văn.

Hỏi: Văn nghĩa có những sai biệt gì?

Đáp: Văn là vị. Nghĩa là đối tượng của vị.

Hỏi: Vị kia cũng là vị khác với đối tượng vị, hay vị kia cũng là đối tượng vị?

Đáp: Vị kia cũng là đối tượng vị.

Hỏi: Nếu như vậy thì vị cùng với đối tượng vị có khác biệt gì?

Đáp: Đối tượng vị thì thuộc về mười bảy giới và một ít nhập của một giới, thuộc về mười một nhập và một ít nhập của một nhập, thuộc về bốn ấm và một ít nhập của một ấm. Còn vị thì thuộc về một ít nhập của một giới, một nhập, một ấm.

Lại có thuyết nói: Nghĩa là sắc phi sắc, còn văn là phi sắc. Như sắc – phi sắc nơi nghĩa, thì tương ưng – bất tương ưng, hữu y – vô y, hữu thế dụng – vô thế dụng, hữu hành – vô hành, có duyên – không duyên cũng vậy. Còn văn là không tương ưng cho đến là không duyên.

Lại có thuyết cho: Nghĩa là có thể thấy, không thể thấy. Văn là không thể thấy. Nghĩa là có đối, không đối. Văn là không đối. Nghĩa là hữu lậu, vô lậu. Văn là hữu lậu. Nghĩa là hữu vi, vô vi. Văn là hữu vi. Nghĩa là thiện, bất thiện, vô ký. Văn là vô ký. Nghĩa thì gắn với thế gian, không gắn với thế gian. Văn thì gắn với thế gian. Nghĩa thì hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc. Văn thì hệ thuộc cõi dục, cõi sắc. Nghĩa là học, vô học, phi học phi vô học. Văn là phi học phi vô học. Nghĩa thì do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn. Văn thì do tu đạo đoạn. Nghĩa là nhiễm ô, không nhiễm ô. Văn là không nhiễm ô.

Như nhiễm ô – không nhiễm ô nơi nghĩa, thì có lỗi – không lỗi, đen – trắng, ẩn mất – không ẩn mất, thoái chuyển – không thoái chuyển, có báo – không báo cũng vậy. Văn thì không nhiễm ô, cho đến không báo.

Đó là những khác biệt của văn và nghĩa.

Như kinh nói: Thế nào là danh? Bốn ấm là danh.

Hỏi: Như vậy, danh là tâm bất tương ưng hành, thuộc về ấm.

Vì lý do gì Đức Thế Tôn nói bốn ấm là danh, chẳng phải là sắc ấm?

Đáp: Phật nói pháp sắc, pháp phi sắc là hai phần. Các pháp sắc là sắc ấm, các pháp phi sắc là bốn ấm. Các danh hiển bày nghĩa là tâm bất tương ưng hành thuộc về ấm.

Danh có sáu thứ, đó là: công đức, xứ sinh, thời, tùy dục, tác sự và tướng.

Công đức là danh: Như tụng Tu-đa-la, nên gọi là người tụng Tu-đa-la. Tụng Tỳ-ni nên gọi là người giữ giới luật. Tụng A-tỳ-đàm nên gọi là người A-tỳ-đàm. Do đạt được quả Tu-đà-hoàn nên gọi là Tu-đà-hoàn, cho đến đạt được quả A-la-hán n gọi là A-la-hán.

Xứ sinh là danh: Nghĩa là nếu sinh ở trong thành, gọi là người trong thành. Như vậy, tùy sinh vào cõi nước nào gọi là người nước đó.

Thời là danh: Nghĩa là khi còn nhỏ gọi là trẻ con, đến lúc già gọi là người già.

Tùy dục là danh: Nghĩa là khi sinh, cha mẹ làm công việc đặt tên, cũng có khi các Sa-môn, Bà-la-môn làm công việc đặt tên.

Tác sự là danh: Nghĩa là như có khả năng vẽ gọi là họa sư, có khả năng làm ra các vật đồng, sắt thì gọi là thợ đồng sắt.

Tướng là danh: Nghĩa là như người cầm gậy, cầm lọng, nên gọi là người cầm gậy, cầm lọng.

Lại có thuyết nêu: Danh là bốn thứ, đó là Tưởng, Chỉ để, Đát địa đa, Tam ma sa.

Tưởng là danh: Như ở đời, người sang trọng lấy kẻ nô bộc làm danh. Người bần tiện lấy sự tôn quý làm danh.

Chỉ để là danh: Như chỉ cho loài đi bằng bụng, gọi là trùng phục hành.

Đát địa đa là danh: Như thờ trời Tỳ Nữu gọi là người thờ trời Tỳ Nữu. Như từ trời Bà Tu Đề Bà sinh, gọi là con của Bà Tu Đề Bà.

Tam ma sa là danh: Như màu sắc loang lỗ của con bò thì gọi là bò đốm. Như người được vua giao phó công việc gọi là người của vua.

Lại có thuyết nói: Danh có hai thứ, đó là sinh và tác.

Sinh là danh: Như nói Bà-la-môn, Sát-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà.

Tác là danh: Như khi sinh, cha mẹ làm công việc đặt tên. Hoặc có khi các Sa-môn, Bà-la-môn làm công việc đặt tên.

Lại có thuyết cho: Sinh là danh: Là khi sinh, cha mẹ làm công việc đặt tên. Cũng có khi Sa-môn, Bà-la-môn làm công việc ấy. Tác là danh: Là về sau này, lại vì bạn bè thân quen tạo ra danh, gọi là danh thứ hai.

Lại có thuyết nêu: Danh có hai thứ, đó là hữu tướng và vô tướng. Hữu tướng là danh: Là các danh như vô thường, khổ, không, vô ngã, ấm, nhập v.v… Vô tướng là danh: Là các danh như chúng sinh, người, Na la, Thiền đầu v.v… Nếu Đức Phật xuất hiện ở đời thì tạo ra danh hữu tướng. Nếu Phật không xuất thế, chỉ có danh vô tướng.

Lại có thuyết nói: Danh có hai thứ, đó là cộng và bất cộng. Bất cộng là danh: Như các danh Tam bảo v.v… Cộng là danh: Như các danh khác.

Lại có thuyết cho: Tất cả danh đều là cộng, không có danh bất cộng. Vì sao? Vì một nghĩa có thể lập tất cả danh. Tất cả nghĩa có thể lập một danh.

Lại có thuyết nêu: Danh có hai thứ, đó là quyết định và không quyết định. Quyết định là danh: Như danh núi Tu-di, bốn châu thiên hạ, biển lớn, thế giới này khi mới thành lập. Không quyết định là danh: Như các danh khác v.v…

Lại có thuyết nói: Không có danh quyết định. Vì sao? Vì những biên phương khác, cũng là núi Tu-di v.v… nhưng lại tạo ra tên gọi khác.

Lời bình: Nói như thế này là tốt: Khi thế giới mới thành lập, gọi là núi Tu-di, bốn châu thiên hạ, biển lớn, thì danh cũng như vậy.

Hỏi: Như khi kiếp tận, hết thảy đều tan hoại, ai lại tạo ra danh này?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Là Tiên nhân nhập nơi sức của định rồi truyền đi danh này.

Lại có thuyết cho: Chúng sinh có lực của nhân, có thể nói danh này.

Hỏi: Các danh là có trước rồi cùng truyền đi hay lại mới tạo ra?

Đáp: Thế giới khi mới thành lập, các danh như núi Tu-di v.v… có trước rồi cùng truyền đi, các danh khác thì không nhất định.

Lại có thuyết nói: Danh có hai thứ, đó là vật và tác.

Vật là danh: Như các danh Đề bà đạt đa, Diên nhã đạt đa. Tác là danh: Như các danh người tạo tác, người cắt cỏ, người nấu ăn, người đọc sách v.v…

Hỏi: Là có nhận biết rõ biên vực tận cùng của danh không?

Đáp: Có. Chỉ Đức Phật mới có thể. Ngoài ra, không có người nhận biết. Vì sao? Vì Đức Phật có khả năng nhận biết biên vực tận cùng của tất cả danh nên gọi là Nhất thiết trí.

Như kinh nói: Đức Như Lai xuất thế nên có danh thân v.v… xuất hiện ở đời.

Hỏi: Như Phật xuất thế hoặc không xuất thế thì luôn có danh thân v.v.. hiện ở thế gian. Vì sao nói Đức Như Lai xuất thế nên có danh thân v.v… xuất hiện ở thế gian?

Đáp: Nói danh thân v.v… xuất hiện nơi thế gian, đó là danh của ấm, giới, nhập. Danh tùy thuận vô ngã, tùy thuận giải thoát, tùy thuận không, đoạn nhân kiến, sinh giác ý, trừ bỏ phiền não, hướng đến xuất yếu, đình chỉ ngu si, sinh trí tuệ, đoạn do dự, sinh quyết định, chán lìa sinh tử, ưa thích tịch tĩnh, dứt bỏ ý của ngoại đạo, vui nơi ý của nội đạo. Thuyết giảng những danh thân như vậy, nên gọi là xuất hiện ở thế gian.

Hỏi: Như lửa gọi là lửa, danh như vậy là danh hữu tướng hay danh vô tướng?

Đáp: Là danh hữu tướng. Như vừa nói, tất cả danh đều hiển bày nghĩa, danh này gọi là hữu tướng.

Hỏi: Nếu như vậy thì lửa có tướng gì?

Đáp: Phàm là nghĩa có hai thứ: Hữu tướng và vô tướng. Như ngoài lửa, không có tướng của lửa, nên nói là vô tướng. Như ánh lửa là tướng của lửa, nên nói là có tướng của lửa.

Kinh Phật có ba loại danh để nói pháp: Là quá khứ, vị lai, hiện tại.

Hỏi: Ba loại danh thuyết pháp này, thể tánh là gì?

Đáp: Như Ba-già-la-na nói: Thể tánh của ba loại danh thuyết pháp gồm thâu mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm.

Hỏi: Như Ba-già-la-na nói: Thể tánh của ba loại danh thuyết pháp gồm thâu mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm. Đã nói là đối tượng được hiển bày của ngữ, thì danh này nên là một ít nhập của một giới, một nhập, một ấm. Vậy vì sao nói là gồm thâu mười tám giới, mười hai nhập, năm ấm?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì đã giữ lấy ba loại danh thuyết pháp và quyến thuộc.

Hỏi: Sự việc này là thế nào?

Đáp: Ngữ có khả năng sinh danh. Danh có khả năng hiển bày nghĩa. Cho nên nói là đã giữ lấy cùng với quyến thuộc.

Lại có thuyết cho: Vì ba nghĩa thuyết pháp nên nói ba danh thuyết pháp. Vì sao? Vì người nói, người nghe đều là ở nơi nghĩa. Do sự việc này nên nói gồm thâu hết thảy ấm, giới, nhập.

Hỏi: Vì sao pháp hữu vi nói là ba danh thuyết pháp, pháp vô vi thì không nói như vậy?

Đáp: Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Kinh này vì nói pháp hữu vi, mà pháp hữu vi thì không được tạo ra danh thứ tư, thứ năm thuyết pháp.

Lại có thuyết nêu: Kinh này là nói về tất cả pháp. Pháp vô vi thì gắn liền trong đời hiện tại. Vì sao? Vì do pháp hiện tại có thể chứng đắc pháp vô vi. Vì vậy nên pháp vô vi cũng ở trong ba loại danh thuyết pháp.

Lại có thuyết nói: Nếu có ba tánh thì nói là ba danh thuyết pháp. Ba tánh là ngữ, danh, nghĩa. Pháp vô vi tuy nói là có nghĩa nhưng không ngữ, không danh, cho nên nói không ở trong ba danh thuyết pháp.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nói: Đời là ba danh thuyết pháp?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì để ngăn chận ý của ngoại đạo. Ngoại đạo ở trong đời là hạng ngu tối.

Lại có thuyết cho: Vì nhằm trừ bỏ ý cho trong đời vị lai nói không có quá khứ, vị lai, cho nên nói đời là ba thứ danh thuyết pháp.

Lại có thuyết nêu: Ngoại đạo tạo ra thuyết này: Nếu là vô ngã, thì pháp do con người giảng nói trọn không có chỗ thực hiện. Vì nhằm trừ bỏ ý như vậy nên nói thuyết này: Tuy không có ngã nhưng là vì đời nên nói.

Hỏi: Nếu vì quá khứ nói pháp, giải thích các sự việc hiện tại, vị lai. Nếu vì vị lai thuyết pháp, giải thích các sự việc quá khứ, hiện tại. Nếu vì hiện tại thuyết pháp, giải thích các sự việc quá khứ vị lai. Vậy đối với ba thứ danh thuyết pháp, đó là danh thuyết pháp nào?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Thuyết như thế, ở trong ba thứ danh thuyết pháp là thuyết khác biệt .

Lại có thuyết cho: Nếu vì quá khứ thuyết pháp, giải thích các sự việc hiện tại, vị lai: Vì là quá khứ, tức đời quá khứ. Giải thích các sự việc hiện tại, vị lai: Tức thuộc về đời hiện tại, vị lai. Cho đến vì hiện tại thuyết quá khứ, vị lai cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Nếu lập ra thuyết này: Là nói về nghĩa của ba đời. Nếu vì quá khứ, là nói nghĩa của quá khứ. Giải thích vị lai, hiện tại là nói về nghĩa vị lai, hiện tại. Vị lai, hiện tại cũng như thế.

Như kinh nói: Có ba thứ danh thuyết pháp. Không có danh thứ tư, thứ năm.

Hỏi: Nếu nói ba thứ danh thuyết pháp, có thuyết, có giải, đối với nghĩa đã đủ, vì sao lại nói là không có thứ tư, thứ năm?

Đáp: Không có thứ tư, là nhằm ngăn chận có đời thứ tư. Không có thứ năm, tức quyết định nghĩa này không có đời thứ năm.

Lại có thuyết nói: Không có thứ tư, là nhằm ngăn chận đời thứ tư. Nói không có thứ năm, là nhằm ngăn chận pháp vô vi.

Lại có thuyết cho: Nên nói bốn thứ danh thuyết pháp, đó là bốn Thánh đế. Nói không có thứ năm, là không có đế thứ năm. Nói không có thứ sáu, là nhằm ngăn chận hư không phi số diệt.

Lại có thuyết nêu: Nên có năm thứ danh thuyết pháp, đó là năm ấm. Không có thứ sáu, là không có ấm thứ sáu. Không có thứ bảy, là nhằm ngăn chận pháp vô vi. Đó là danh thuyết pháp của ba đời. Không có thứ tư, thứ năm, nên có một thứ danh thuyết pháp, đó là tác quán, không có thứ hai, thứ ba. Không có thứ hai, là không có tác quán thứ hai. Không có thứ ba, là nhằm ngăn chận pháp không thuộc về tác quán.

Lại có thuyết nói: Nên có hai thứ danh thuyết pháp, đó là định, tuệ. Không có thứ ba, là không có định thứ hai, hoặc tuệ thứ hai.

Không có thứ tư, là nhằm ngăn chận pháp không thuộc về định, tuệ.

Đây là nói danh thuyết pháp của ba đời, không có thứ tư, thứ năm. Không có thứ tư, là nhằm ngăn chận đời thứ tư. Không có thứ năm, là nhằm ngăn chận pháp không thuộc về ba đời. Do số pháp như thế, nên nói có ba môn giải thoát, nói bốn đế, năm ấm, sáu Thánh minh phần tưởng, bảy giác phần, tám đạo phần, chín định thứ lớp, mười thứ pháp vô học, mười lực của Như Lai. Tức nên có mười thứ danh thuyết pháp, không có thứ mười một, thứ mười hai. Không có thứ mười một, là không có lực thứ mười một. Không có thứ mười hai, là nhằm ngăn chận pháp không thuộc về mười lực.

Tức kinh kia nói: Nên dùng bốn sự việc để quan sát con người để biết Trưởng lão kia là có thể nói cho biết hay là không thể nói cho biết. Những gì là bốn? (1) Không trụ thị xứ phi xứ. (2) Không trụ trí luận. (3) Không trụ phân biệt. (4) Không trụ đạo tích.

Hỏi: Bốn sự việc này có gì khác biệt?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không trụ thị xứ phi xứ: Nghĩa là không nhận biết như thật về thị xứ phi xứ. Không trụ trí luận: Nghĩa là không nhận biết như thật về trí cùng với không trí. Không trụ phân biệt: Nghĩa là không nhận biết như thật về thế đế, đệ nhất nghĩa đế. Không trụ đạo tích: Nghĩa là không nhận biết như thật về tập đạo tích của thân này, không nhận biết như thật về diệt đạo tích của thân này.

Lại có thuyết cho: Không trụ thị xứ phi xứ: Nghĩa là như mắt, sắc có thể sinh nhãn thức, cho đến ý pháp có thể sinh ý thức, gọi là thị xứ. Không nhận biết như thật gọi là không trụ. Không trụ trí luận: Nghĩa là không nhận biết như thật về mười trí. Không trụ phân biệt: Nghĩa là không nhận biết như thật về kinh liễu nghĩa, không liễu nghĩa. Không trụ đạo tích: Nghĩa là không nhận biết như thật về bốn thứ đạo tích.

Lại có thuyết nêu: Không trụ thị xứ phi xứ: Nghĩa là không thể tự quyết định để nói là thị xứ phi xứ. Không trụ trí luận: Nghĩa là không thể gắng nhận phân biệt về hỏi đáp trước sau. Không trụ phân biệt: Nghĩa là không nhận biết như thật về chân thật, lừa dối. Không trụ đạo tích: Nghĩa là người khác theo như pháp hỏi, tâm không vui vẻ, vừa ý.

Lại có thuyết nói: Không trụ thị xứ phi xứ: Nghĩa là không phân biệt về có, không. Không trụ trí luận: Nghĩa là không hiểu luận của người trí. Không trụ phân biệt: Nghĩa là không nhận biết giả thiết không có lời nói của xứ này. Không trụ đạo tích: Nghĩa là không có sự tùy thuận ứng hợp với giác ý.

Lại có thuyết cho: Không trụ thị xứ phi xứ: Nghĩa là đối với luận đã nêu bày không phân biệt nghĩa của mình, nghĩa của người khác. Không trụ trí luận: Nghĩa là đối với pháp đã nghe trước kia, chấp vướng không bỏ. Về sau, nghĩa được nghe không thể quán sát. Không trụ phân biệt: Nghĩa là người khác nói nghĩa chính đáng, tâm sinh lo nghĩ, ngờ vực. Như người thấy tô cho là gạo, cơm. Không trụ đạo tích: Nghĩa là không nhận thức được thứ lớp nơi người khác đã giảng nói, nên lấy trước làm giữa, lấy giữa làm sau.

Lại có thuyết nêu: Không trụ thị xứ phi xứ: Nghĩa là không nhận biết sự việc hiện ở trước, có thể hiểu rõ hay không thể hiểu rõ. Không trụ trí luận: Nghĩa là không thể dùng tưởng so sánh, trù lượng để biện luận. Không trụ phân biệt: Nghĩa là không nhận biết thứ lớp trước sau đã giảng nói. Không trụ đạo tích: Nghĩa là không hiểu ý của người khác đã hỏi.

Tôn giả Bà-ma-lặc nói: Không trụ thị xứ phi xứ: Nghĩa là không thể nêu bày một cách quyết định. Không trụ trí luận: Nghĩa là không nhận biết sự giả dối với chân thật. Không trụ phân biệt: Nghĩa là không gắng nhận phân biệt việc hỏi đáp trước sau. Không trụ đạo tích: Nghĩa là thấy người khác biện luận như pháp, tâm không vui vẻ, vừa ý.

Tôn giả Tăng-già-bà-tú nói: Không trụ thị xứ phi xứ: Nghĩa là không nhận biết Kinh Đa Giới đã nói về nghĩa của thị xứ phi xứ. Không trụ trí luận: Nghĩa là không nhận biết phần thể của bốn mươi bốn trí, bảy mươi bảy trí. Không trụ phân biệt: Nghĩa là không nhận biết nẻo xuất yếu phiền não. Không trụ đạo tích: Nghĩa là không nhận biết như thật về pháp diệt, đạo của sắc.

Lại nên dùng bốn sự việc để quán xét con người, để biết Trưởng lão kia nên dùng luận quyết định đáp, tạo ra lời đáp quyết định, là có thể cho ngữ, cho đến nói rộng.

Thế nào là Luận quyết định đáp? Như hỏi: Đức Phật là Chánh đẳng Chánh giác chăng? Nên quyết định đáp: Phải! Pháp Phật đây là tốt đẹp chăng? Nên quyết định đáp: Phải! Thanh văn này là chúng tùy thuận tốt đẹp chăng? Nên quyết định đáp: Phải! Tất cả hành là vô thường, tất cả hành là vô ngã, Niết-bàn là tịch tĩnh chăng? Nên quyết định đáp: Phải! Đó gọi là Luận quyết định đáp.

Hỏi: Vì sao hỏi như thế, lại tạo ra quyết định đáp?

Đáp: Câu hỏi này có lợi ích về nghĩa, có thể làm tăng trưởng điều thiện, cũng có thể tăng tiến phạm hạnh, thông đạt giác ý, có thể đạt được Niết-bàn. Thế nên, người hỏi như vậy là tạo ra luận quyết định đáp.

Hỏi: Thế nào là luận phân biệt đáp?

Đáp: Nếu nêu ra câu hỏi: Vì tôi thuyết pháp chăng? Người kia nên đáp thế này: Pháp cũng rất nhiều: Quá khứ, vị lai, hiện tại. Thiện, bất thiện, vô ký. Hệ thuộc cõi dục, hệ thuộc cõi sắc, hệ thuộc cõi vô sắc, không hệ thuọc. Học, vô học, phi học phi vô học. Do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn và không đoạn. Các pháp như thế v.v… thì ông nói pháp nào? Như thế tùy theo điều đã hỏi, nên phân biệt đáp. Đó gọi là luận phân biệt đáp.

Hỏi: Thế nào là Luận phản vấn đáp?

Đáp: Như nói: Vì tôi giảng nói pháp chăng? Nên đáp thế này: Pháp cũng có rất nhiều, có pháp quá khứ v.v… cho đến pháp không đoạn. Trong các pháp ấy, tôi sẽ vì ông giảng nói pháp nào? Đó gọi là luận phản vấn đáp (Luận đáp bằng cách hỏi lại).

Hỏi: Phân biệt đáp với phản vấn đáp có gì khác biệt?

Đáp: Nếu do đáp mà nói thì không có khác biệt. Nếu do chỗ đã hỏi nên có khác biệt. Vì sao? Vì hỏi có hai thứ: Có người vì muốn nhận biết nghĩa nên hỏi và vì muốn gây xúc não nên hỏi.

Nếu có người vì muốn nhận biết nghĩa nên hỏi: Xin vì tôi nói pháp? Nên đáp thế này: Pháp cũng có rất nhiều: Có pháp quá khứ v.v… cho đến pháp không đoạn. Ở trong pháp này, vì ông giảng nói pháp nào? Nếu nói: Vì tôi giảng nói pháp quá khứ. Nên đáp: Pháp quá khứ cũng rất nhiều: Có pháp thiện, bất thiện, vô ký. Nếu nói: Vì tôi giảng nói pháp thiện. Nên đáp: Pháp thiện cũng rất nhiều: Có sắc cho đến thức. Nếu nói: Vì tôi giảng nói về pháp sắc. Nên đáp: Sắc cũng rất nhiều: Có không sát sinh cho đến không nói lời thêu dệt. Nếu nói: Vì tôi giảng nói pháp không sát sinh. Nên đáp: Không sát sinh có ba thứ: Từ không tham, không giận, không si sinh, vì ông giảng nói pháp nào? Nếu nói: Vì tôi giảng nói từ không tham sinh. Nên đáp: Từ không tham sinh có hai thứ là tác, vô tác. Nếu người vì muốn nhận biết nghĩa nên hỏi, thì nên theo thứ lớp phân biệt nói rõ.

Nếu có người vì muốn xúc não mà hỏi, nên đáp: Pháp cũng rất nhiều, vì ông giảng nói pháp nào? Không nên nói: Có pháp quá khứ, vị lai v.v… cho đến pháp không đoạn. Nếu nói: Vì tôi giảng nói pháp quá khứ, nên đáp thế này: Pháp quá khứ cũng rất nhiều. Không nên nói có pháp thiện, bất thiện, vô ký. Nếu nói: Vì tôi giảng nói pháp thiện, nên đáp: Pháp thiện cũng rất nhiều. Không nên nói:

Từ sắc cho đến thức. Nếu nói: Vì tôi giảng nói sắc, nên đáp: Sắc cũng rất nhiều. Không nên nói: Từ không sát sinh cho đến không nói lời thêu dệt. Nếu nói: Vì tôi giảng nói không sát sinh, nên đáp: Không sát sinh cũng rất nhiều. Không nên nói: Từ không tham, không sân, không si sinh. Nếu nói: Vì tôi giảng nói từ không tham sinh, nên đáp: Từ không tham sinh cũng rất nhiều. Không nên nói: Có tác, vô tác.

Như vậy, đối với người vì xúc não mà hỏi, nên đáp như thế, cho đến câu hỏi hết. Hoặc có khi tự đáp. Như thế, người mong cầu nghĩa tốt đẹp nên hỏi. Cũng có kẻ vì muốn thử giác ý của người khác sâu cạn nên hỏi. Hoặc có người vì tìm hiểu nghĩa nên hỏi. Hoặc có kẻ vì khi dể người khác nên hỏi. Hoặc có người vì chất phác, ngay thẳng nên hỏi. Hoặc có kẻ vì dua nịnh, quanh co nên hỏi. Hoặc có người vì tánh tình yếu kém nên hỏi. Hoặc có kẻ cậy mình có trí nên hỏi. Như người vì yếu kém hỏi thì nên phân biệt đáp. Đối với kẻ tự ỷ mình có trí mà hỏi, nên đáp bằng cách hỏi vặn lại, cho đến câu hỏi hết, đôi khi tự đáp.

Hỏi: Thế nào là luận gác bỏ việc đáp?

Đáp: Như các ngoại đạo đi đến chỗ Đức Thế Tôn, nêu câu hỏi như thế này: Sa-môn Cù-đàm! Thế giới này là thường hay vô thường? Phật nói: Là không nên đáp.

Hỏi: Vì sao ngoại đạo hỏi thế giới thường, vô thường, Đức Phật không đáp?

Đáp: Các người ngoại đạo đã cho con người là thường còn, đi đến chỗ Đức Phật hỏi như thế này: Con người là thường hay là vô thường? Đức Phật suy nghĩ: Rốt ráo là không có con người. Nếu đáp: Không có con người, thì ngoại đạo kia sẽ nói: Tôi không hỏi là có hay không có con người. Nếu đáp về đoạn, thường, thì rốt ráo đã không có con người, làm sao có đoạn, thường?

Như có người hỏi người khác: Thiện nam! Con của Thạch nữ có cung kính, hiếu thuận chăng? Người kia suy nghĩ: Thạch nữ không có con. Nếu ta đáp: Thạch nữ không có con, người kia sẽ nói: Tôi không hỏi về có con hay không có con. Còn nếu đáp về sự cung kính, hiếu thuận thì Thạch nữ không có con, làm sao có cung kính hiếu thuận? Ngoại đạo kia cũng như thế.

Phần luận của câu hỏi này không phải là chân thật. Vì chẳng phải có, chẳng phải thật, nên Đức Phật không đáp.

Như vậy, hữu thường vô thường, cũng hữu thường cũng vô thường, chẳng phải hữu thường chẳng phải vô thường, thế giới là hữu biên vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, chẳng phải hữu bên, chẳng phải vô biên, nên biết cũng như thế.

Ngoại đạo lại hỏi: Sa-môn Cù-đàm! Thần (Ngã) tức là thân chăng? Đức Phật nói: Câu hỏi này không nên đáp.

Hỏi: Vì sao Đức Phật không đáp?

Đáp: Vì các ngoại đạo đã cho thân là thần, đi đến chỗ Phật hỏi thế này: Sa-môn Cù-đàm! Thân này tức thần, cho đến nói rộng.

Đức Phật suy nghĩ: Có thân, không có thần. Nếu Ta đáp: Có thân, không có thần, ngoại đạo kia sẽ nói: Tôi không hỏi là có hay không có. Nếu phải đáp về thần khác với thân, thì rốt ráo đã không có thần, làm sao là thân, là khác?

Như có người hỏi người khác: Thiện nam! Sừng thỏ và sừng bò đều giống nhau chăng? Người kia suy nghĩ: Thỏ không có sừng, bò có sừng. Nếu ta đáp: Thỏ không có sừng, bò có sừng, người kia sẽ nói: Tôi không hỏi là có hay không có. Nếu nói về cùng giống nhau thì thỏ không có sừng, làm sao nói là cùng giống nhau? Ngoại đạo kia cũng như thế.

Phần luận của câu hỏi này là có, là không, là hư, là thật, nên Đức Phật không đáp. Thân khác, thần khác cũng lại như thế.

Lại hỏi thế này: Sa-môn Cù-đàm! Sau khi diệt độ, Như Lai là đoạn hay là thường? Cho đến rộng nêu ra bốn trường hợp. Đức Phật nói: Câu hỏi này không nên đáp.

Hỏi: Vì sao Đức Phật không đáp?

Đáp: Vì các ngoại đạo cho thần là xưa không nay có, đi đến chỗ Đức Phật hỏi như thế này: Sa-môn Cù-đàm! Như thần này, xưa không nay có, đã có vậy là thường hay là đoạn? Đức Phật suy nghĩ: Rốt ráo là không có thần, làm sao xưa không nay có, đã có là hoặc đoạn hoặc thường. Phần luận của câu hỏi này là chẳng phải có, chẳng phải thật. Do câu hỏi này luận về chẳng phải có, chẳng phải thật, nên Đức Phật không đáp.

Lại hỏi thế này: Sa-môn Cù-đàm! Tự tạo tác tự thọ nhận chăng? Đức Phật nói: Câu hỏi này không nên đáp.

Hỏi: Vì sao Đức Phật không đáp?

Đáp: Vì các ngoại đạo đã cho ngã tạo tác, ngã thọ nhận. Đức Thế Tôn luôn giảng nói không có ngã.

Lại hỏi thế này: Sa-môn Cù-đàm! Người khác tạo tác, người khác thọ nhận chăng? Đức Phật nói: Câu hỏi này không nên đáp.

Hỏi: Vì sao Đức Phật không đáp?

Đáp: Vì các ngoại đạo nói như vầy: Trời Tự Tại tạo tác ngã thọ nhận. Đức Thế Tôn thường giảng nói tự hành tạo ra quả báo.

Lại hỏi thế này: Sa-môn Cù-đàm! Không tạo tác thì không thọ nhận chăng? Đức Phật nói: Câu hỏi này không nên đáp.

Hỏi: Vì sao Đức Phật không đáp?

Đáp: Vì các ngoại đạo nói như vầy: Khổ vui không từ nhân sinh. Đức Phật thường giảng nói có nhân có duyên.

Hỏi: Ba cách đáp như trước cùng với pháp đáp là tương ưng, vì sao ở đây gọi là luận đáp, cho đến không nói một câu?

Đáp: Tuy Đức Phật không nói, nhưng đây là luận đáp căn bản. Vì sao? Vì cùng với lý đáp tương ưng, cho đến không nói một câu, nhưng đối với lý là khéo thông suốt. Hoặc có khi im lặng nhưng về lý lại được hơn, huống chi là ngôn thuyết mà không hơn sao?

Từng nghe nói có vị Đại luận sư tên Xa-đề-la, đến nước Kế Tân. Bấy giờ, trong rừng Phật Tích có vị A-la-hán tên là Bà-tú-la, đầy đủ ba minh, đã lìa dục của ba cõi, thông đạt ba tạng, đối với kinh luận, nội ngoại không gì là không nghiên cứu tường tận.

Lúc đó, Luận sư Xa-đề-la nghe trong khu rừng kia có vị A-lahán nổi tiếng, nên vội vàng đến đó. Tới nơi, sau vài lời hỏi han Tôn giả Bà-tú-la, rồi ngồi qua một phía. Luận sư Xa-đề-la nói với Tôn giả Bà-tú-la: Ai sẽ lập môn luận trước?

Tôn giả Bà-tú-la đáp: Tôi là người ở đây lâu, nên lập môn luận trước. Nhưng vì ông đã từ xa đến, nên cho ông tùy ý lập môn luận trước.

Luận sư Xa-đề-la nói: Tất cả luận là luận có đáp.

Tôn giả Bà-tú-la nghe lời này xong, vẫn ngồi yên lặng. Các nhóm đệ tử của Luận sư Xa-đề-la đồng nói lớn: Sa-môn Thích tử hôm nay đã thua rồi! Thế là họ vội đứng dậy ra đi.

Bấy giờ, Tôn giả Bà-tú-la nói: Nên đi nhanh theo thầy các ông. Nếu là Xa-đề-la tất tự nhận biết sự việc này.

Từ trong khu rừng ấy, thầy trò Luận sư Xa-đề-la lần lượt đi về phía trước. Luận sư tự suy nghĩ: Sa-môn Thích tử vì sao nói lời như thế? Liền tự nhớ lại: Vì ta đã nói: Tất cả luận là luận có đáp. Sa-môn Thích tử kia đã im lặng không nói, tức là luận của ta không có đáp. Vậy Sa-môn Thích tử đã hơn ta. Tức như điều mình vừa nghĩ, Luận sư Xa-đề-la bảo các đệ tử: Nay ta nên trở vào rừng để tạ lỗi Tôn giả Bà-tú-la.

Các đệ tử nói: Thầy đã thắng ở giữa đại chúng, đâu cần phải trở lại nơi ấy.

Luận sư Xa-đề-la lại nói: Ta thà đối bên người trí chịu thua, không nên đối bên kẻ ngu được thắng . Tức thì quay trở lại, đến chỗ Tôn giả Bà-tú-la nói như vầy: Tôn giả là người thắng cuộc, còn tôi thì thua. Nay Tôn giả là thầy, tôi là đệ tử.

Như thế, im lặng nhưng có thể được thắng, đâu cần phải là ngôn thuyết.

Như Đức Phật, Thế Tôn thường quở trách các đệ tử là kẻ ngu si, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Đức Phật, Thế Tôn không có ái tương tợ, không có giận dữ tương tợ, không có kiêu mạn tương tợ, không có vô minh tương tợ. Ái, giận của Đức Thế Tôn đã đoạn dứt, lìa bỏ sự yêu ghét, diệt tất cả cội rễ của tranh tụng. Các đệ tử thì còn có tập khí phiền não, như Tất-lăng-già-bà-ta có tập khí giận dữ. Trưởng lão kia đã mắng vị thần sông Hằng: Là kẻ tôi tớ xấu xa, ở chỗ nhỏ hẹp. Trưởng lão A-nan thì có tập khí hữu ái, vì xót thương các Thích tử. Tôn giả Xá-lợi-phất có tập khí kiêu mạn, bỏ thuốc theo bệnh v.v… Đối với các tập khí như thế, Đức Phật, Thế Tôn đã vĩnh viễn không có. Vì sao? Vì đã lìa dứt hết thảy. Chư Phật không có tập khí phiền não của phương tiện thiện xảo, nhưng vẫn có ngôn thuyết tương tợ của phương tiện thiện xảo.

Lời nói tương tợ với ái, như nói: Thiện lai (Khéo đến đây) Tỳkheo! Vui thích có thể xuất gia.

Lời nói tương tợ với giận dữ: Ông là kẻ tôi tớ của dòng họ Thích. Các Thích chủng là chủ của ông.

Lời nói tương tợ với kiêu mạn, như nói: Ta đã thành tựu mười lực, bốn vô sở úy.

Lời nói tương tợ với vô minh, như nói: Đại vương từ nơi nào đến? Như bảo Tôn giả A-nan: Vì sao ngoài vườn rừng lại có tiếng ồn ào lớn tiếng?

Hỏi: Như Lai đã nhổ sạch hết gốc rễ của tập khí, vì sao lại còn có lời nói tương tợ như thế?

Đáp: Vì nhằm gìn giữ ruộng của sự thọ nhận hóa độ.

Sự việc ấy là thế nào? Trong đây nên nói rộng về nhân duyên phá Tăng. Vì sao? Vì tức là nhân duyên căn bản của phần Luận này.

Các Tỳ-kheo bị Đề-bà-đạt-đa phá hoại, Tôn giả Xá-lợi-phất giáo hóa khiến họ quay trở về. Các Tỳ-kheo kia tự thấy rất hổ thẹn, cùng có tâm nghi: Chúng ta đã gần gũi với Đề-bà-đạt-đa, giới cấm đã thọ sẽ không mất chăng? Do tâm hổ thẹn, cũng đi đến chỗ Đức Phật. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng lời lẽ dịu dàng, thân ái bảo: Thiện lai Tỳ-kheo! Vui thích có thể xuất gia. Lúc Đức Phật nói lời như thế, các Tỳ-kheo kia đều trừ bỏ được sự hổ thẹn và tâm nghi của mình.

Sở dĩ mắng Am-bà-trá là kẻ tôi tớ: Là nhằm phá bỏ tâm kiêu mạn của người ấy. Do phá bỏ tâm kiêu mạn, nên hai thân thứ lớp được sinh lên cõi trời, kiến Thánh đế.

Sở dĩ nói: Ta đã thành tựu mười lực, bốn vô sở úy: Là vì đối với người không biết được công đức của Phật, muốn khiến cho họ biết.

Sở dĩ nói: Đại vương từ nơi nào đến? Vì Đức Phật muốn sinh khởi pháp thứ lớp của cuộc đàm luận.

Sở dĩ hỏi: Vì sao ngoài vườn rừng có tiếng ồn ào lớn tiếng? Là vì Đức Phật muốn khiến Tôn giả A-nan sinh tâm thân cận chốn nhàn tĩnh.

Do các nhân duyên như thế, nên tạo ra phần Luận này.

Vì sao Đức Thế Tôn quở trách các đệ tử là kẻ ngu si? Điều này có hai nghĩa: (1) Là quở trách. (2) Nói là kẻ ngu si. Nay muốn nói về nghĩa kẻ ngu si, nên nói như thế.

Hỏi: Thế nào gọi là kẻ ngu si?

Đáp: Là ở trong pháp Phật sinh ngu si. Pháp Phật đó là đạo.

Hỏi: Thế nào là ở nơi đạo sinh ngu si?

Đáp: Không thể khiến cho đạo ngu si, chỉ ở nơi tự thân tăng trưởng sự ngu si.

Lại có thuyết nói: Cũng có thể khiến cho đạo ngu si. Vì sao? Vì do xa lìa đạo, khiến đạo không được tự tại.

Lại có thuyết cho: Đức Phật đã giảng nói pháp đoạn ngu si. Người này đối với pháp ấy không đoạn được ngu si, trái lại còn ngu si thêm, nên nói như thế.

Ở trong pháp Phật sinh ngu si, không sinh phân biệt: Nghĩa là đã làm cho phương tiện, công dụng của Phật không có hiệu quả thực sự.

Sự việc ấy là thế nào? Như người nữ không sinh sản, gọi là không có phần sinh sản. Cũng như thế, người đã nghe Phật giảng nói, không thọ nhận thai của Thánh đạo, người ấy ở trong pháp Phật gọi là người không có phần sinh sản.

Không quả: Nghĩa là không có quả nương dựa, quả giải thoát.

Không đắc: Nghĩa là ở trong pháp Phật không có chỗ đạt được.

Không vị: Nghĩa là không được vị xuất ly, vị nhàn tĩnh, vị đạo phẩm và vị tịch diệt, nên nói là không vị.

Không lợi: Nghĩa là không có lợi của quả thiện. Ví như lương y, dốc sức tìm kiếm các thứ cỏ thuốc khắp bốn phương để chữa trị cho bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân nọ lại đem cỏ thuốc ném vào đống phân rác, tức sinh hai lỗi lầm tai hại: (1) Bệnh của mình không khỏi. (2) Uổng công sức của vị lương y. Như thế, chư Phật, Thế Tôn đã hành tác trăm ngàn vạn thứ khổ hạnh, ân cần tìm kiếm thuốc của Thánh đạo vô lậu, vì người thọ nhận sự hóa độ nhằm giải thoát cho họ. Nhưng người nghe pháp lại không thể tu hành, tức sinh hai lỗi lầm tai hại: (1) Không thể tự chữa lành các bệnh phiền não. (2) Uổng công chư Phật đã hành tạo công đức.

Lại nữa, sinh ngu si: Nghĩa là có thể khiến cho tự thân không phải là pháp khí, nên gọi là sinh ngu si.

Lại có thuyết nói: Vì đoạn tâm trông mong của Đức Phật, nên gọi là sinh ngu si.

Tâm trông mong của Đức Phật: Nghĩa là mong muốn khiến cho chúng sinh được giải thoát các khổ. Vì chúng sinh kia không thể tu phương tiện lìa khổ, nên nói là đoạn tâm trông mong của Phật.

Lại có thuyết cho: Đoạn dứt pháp Phật khiến không nối tiếp. Nếu bản thân của người kia tu chánh hạnh, thì cũng khiến cho người khác tu chánh hạnh. Lần lượt như thế khiến cho nhiều chúng sinh tu theo chánh hạnh. Nếu tự thân không thể tu chánh hạnh, tức cũng khiến người khác không tu chánh hạnh. Lần lượt như vậy cũng khiến cho nhiều chúng sinh không tu chánh hạnh. Người như thế không thể tạo lợi ích cho một thân, huống là đem lại ích lợi cho nhiều người.

Lại có thuyết nêu: Vốn có thể hành tác xuất gia nhưng không thể đạt được, gọi là sinh ngu si. Lại nữa, ở trong pháp Phật, không như nghĩa, hành theo thứ lớp, gọi là người ngu si. Ở đây, dùng lời Phật nói làm hành của pháp Phật, nên như nghĩa hành theo thứ lớp, nhưng lại không thể hành, nên nói là người ngu si.

Lại có thuyết nói: Như chỗ nên làm gọi là hành theo thứ lớp như nghĩa. Người kia ở trong pháp Phật, không hành như chỗ ứng hợp, gọi là không hành theo thứ lớp như nghĩa.

Không tùy thuận: Nghĩa là ở trong pháp Phật, không tùy thuận như pháp.

Không hành theo thứ lớp: Nghĩa là ở trong pháp Phật, không tạo hành nối tiếp.

Phạm các lỗi lầm xấu ác: Nghĩa là phạm đối với pháp Phật.

Hành không như pháp: Nghĩa là không hành pháp thứ lớp gọi là Thánh đạo.

Lại có thuyết cho: Không như nghĩa, ngữ hành theo thứ lớp. Nghĩa là không thể hành trong tất cả thời gian. Như Tỳ-kheo Bà-thalợi, sau ba tháng mới thọ nhận pháp ăn không phi thời.

Lại có thuyết nêu: Không như nghĩa hành theo thứ lớp. Đây là trả lời thuyết trước đã nói: Ở trong pháp Phật sinh ngu si.

Hỏi: Thế nào là sinh ngu si?

Đáp: Là đối với giáo giới của Phật, không như nghĩa hành theo thứ lớp, cho đến không như pháp tu hành theo thứ lớp. Pháp cũng như thế.

Vì sao Đức Phật quở trách các đệ tử? Đây là trả lời nghĩa đã nói ở trước. Đáp: Chư Phật, Thế Tôn thường xuyên ban lời chỉ dạy, khuyên răn. Như hiện nay, Hòa thượng, A-xà-lê thường hướng đến các đệ tử, do tâm ý xót thương nói là người ngu si. Đức Phật cũng như thế. Do tâm thương xót, muốn đem lại lợi ích cho đệ tử, nên nói là người ngu si. Chư Phật, Thế Tôn thường dùng bốn việc để giáo hóa: (1) Dùng lời khen ngợi tốt đẹp. (2) Dùng lời quở trách. (3) Dùng người khác làm nhân. (4) Dùng sự buông bỏ.

Khen ngợi tốt đẹp: Như khen ngợi Tôn giả Ức Nhĩ v.v…: Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo có thể dùng âm thanh thanh tịnh, vi diệu để đọc tụng kinh pháp.

Quở trách: Như quở trách Ưu-đà-da v.v…

Người khác làm nhân: Như lúc chuyển pháp luân, Đức Phật vì năm Tỳ-kheo giảng nói pháp, khiến cho tám vạn chư thiên đắc đạo. Như vua Tần-bà-ta-la đón tiếp Phật, đã khiến cho tám vạn hàng người trời đều đắc đạo. Như khi Đế thích thưa hỏi Phật, cũng có tám vạn chư thiên đắc đạo.

Buông bỏ: Như Phạm chí Độc Tử Tánh v.v…

Những người nên dùng sự quở trách để giáo hóa, nếu không quở trách thì họ không thọ nhận sự hóa độ. Vì thế, nên Đức Phật, Thế Tôn quở trách đệ tử.

Như A-xà-lê hướng vào đệ tử cận trụ, Hòa thượng hướng vào đệ tử đồng trụ, dùng lời lẽ bức thiết nặng nề để quở trách họ. Nhưng Hòa thượng, A-xà-lê kia không phải là tâm ác, chỉ vì đệ tử không thuận pháp nên mới quở trách. Như cha mẹ thấy con làm chuyện phi pháp, vì để bảo vệ con nên đã dùng lời lẽ khổ bức để quở trách, cha mẹ kia không hề có tâm ác. Nếu khi các con đang làm chuyện phi pháp, cha mẹ tức sinh tâm khổ não. Vì muốn ngăn trừ sự việc ấy, nên đã dùng lời lẽ khổ bức, tha thiết quở trách con. Đức Phật cũng như thế, không do tâm ác. Nếu phải nên dùng lời quở trách để khiến thọ nhận sự hóa độ, nếu không quở trách thì người kia rốt cuộc không thể điều phục. Thế nên Đức Thế Tôn đã quở trách các đệ tử.

Lại có thuyết nói: Tâm đại bi của Phật luôn coi trọng nơi tất cả thời gian, thường khởi suy nghĩ: Dùng phương tiện gì để đem lại lợi ích cho chúng sinh? Nếu Đức Như Lai không quở trách Đề-bà-đạt-đa thì các người tùy tùng là những Tỳ-kheo còn lại sẽ còn thường xuyên xúc nhiễu Đức Thế Tôn. Nếu như đang hướng tới người nữ Vô tỉ, không nói là vật đựng đầy phân nước tiểu như thế, thì tâm dục của người nữ kia không do đâu được thôi dứt. Nếu không quở mắng Ambà-la-trá là kẻ tôi tớ thì ông ta không do đâu để dẹp bỏ tính kiêu mạn.

Nếu Phật không quở mắng sư Phất-ca-la-bà-la kia, thì cũng không do đâu để có thể trừ bỏ tính kiêu mạn. Những sự việc như thế v.v…, vì tăng ích công đức, nên cũng quở trách người khác.

Lại nữa, do hai sự việc nên quở trách người khác: (1) Người căn thiện không thành thục, dùng sự quở trách nên khiến căn thiện được thành thục. (2) Căn thiện tuy đã thành thục, nhưng không tạo ra phương tiện, dùng lời quở trách khiến sinh phương tiện, đạt được đạo quả.

Hỏi: Do nghĩa gì nên nói là người si? Vì do từ si sinh nên nói là người si, hay là do si hiện hành nên nói là người si?

Nếu từ si sinh nên nói là người si, thì A-la-hán cũng là người si. Vì sao? Vì thân A-la-hán từ si sinh.

Nếu do si hiện hành nên nói là người si, thì chỉ A-la-hán mới có thể nói là người không si. Vì sao? Vì A-la-hán không còn si hiện hành. Nếu như vậy thì làm sao thuông suốt nơi Kinh này. Như nói: Người si nên đi xa, chớ dừng lại trước ta.

Lời bình: Nên lập luận này: Si hiện hành hiện ra trước, gọi là người si.

Hỏi: Nếu như vậy thì chỉ A-la-hán là người không si, làm sao thông suốt nơi Kinh này, cho đến nói rộng?

Đáp: Kinh ấy nên nói như vầy: Tỳ-kheo nên tránh xa, chớ đứng trước ta.

Từng nghe lúc Đức Phật bát Niết-bàn, chư thiên Trường Thọ hiềm nghi về sự việc như thế này: Đại đức Tỳ-kheo Thần Lực hôm nay vì sao lại đứng trước chúng ta, che khuất phía trước, khiến chúng ta không được trông thấy thân của Đức Thế Tôn. Đây là lần sau cùng, chúng ta trông thấy thân Đức Thế Tôn. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn không lâu phải bát Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhận biết tâm niệm của chư thiên, nên bảo Tỳ-kheo: Nên tránh xa, chớ đứng trước ta.

Lại có thuyết nói: Trước kia Đức Phật đã nói, nên dùng lời quở trách khiến người được hóa độ để quở trách họ. Nếu quở trách A-la-hán để được thắng tấn thì Đức Phật cũng quở trách nói là người ngu si.

Hỏi: Người có ái, có giận dữ, có kiêu mạn, có chấp, có si, vì sao nói là người si, không nói là người ái v.v…?

Đáp: Vì si hiện có khắp tất cả xứ. Nếu hành si nơi địa kia, tức là người si của địa ấy.

HẾT – QUYỂN 9