LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 7

Chương 1: KIỀN ĐỘ TẠP

Phẩm thứ 2: TRÍ, phần 3

Vì sao khi cúng tế ngạ quỷ thì ngạ quỷ tìm tới, cho đến nói rộng?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn giải thích kinh Phật. Như kinh nói: Bà-la-môn Sinh Văn đi đến chỗ Đức Phật, hỏi Phật: Sa-môn Cù Đàm! Tôi có người bà con vừa mới qua đời, muốn cúng cho họ thức ăn, vậy họ có ăn được không?

Đức Phật nói với Bà-la-môn: Sự việc này không nhất định. Vì sao? Vì xứ sinh có tới năm đường: Địa ngục cho đến nẻo trời. Này Bà-la-môn! Nếu người bà con của ông sinh trong địa ngục, tức ăn thức ăn trong địa ngục để tự sống còn, làm sao họ có thể thọ nhận thức ăn thí cho của ông? Sinh trong loài súc sinh, trong nẻo người, trời cũng lại như thế.

Bà-la-môn nói: Thưa Sa-môn Cù Đàm! Nếu người bà con của tôi không sinh trong ngạ quỷ, thì thức ăn của tôi đã thí cho ai sẽ nhận lãnh?

Đức Phật nói với Bà-la-môn: Muốn khiến cho trong nẻo ngạ quỷ không có người bà con của ông, thì không có điều ấy.

Kinh kia tuy nói thí cho ngạ quỷ thì ngạ quỷ tìm đến, nhưng chưa nói lý do vì sao đến? Nay muốn nói cúng tế thì ngạ quỷ sẽ đến, không phải xứ khác, nên tạo ra phần Luận này. Kinh Phật kia là nhân duyên căn bản của Luận này, trong các kinh điều nào chưa nói nay sẽ nêu bày tường tận.

Vì sao khi cúng tế thì ngạ quỷ tìm đến?

Hỏi: Vì nẻo ngạ quỷ này là cao hơn, hay vì nẻo ấy là thấp kém mà đến? Nếu vì nẻo ngạ quỷ này là thấp kém, thì địa ngục, súc sinh mới là thấp kém. Nếu vì nẻo này là hơn, thì nẻo người, trời mới là cao hơn?

Đáp: Nên nói thế này: Không do cao hơn mà ngạ quỷ đến cũng không vì thấp kém mà đến.

Hỏi: Vậy làm sao chúng có thể đến?

Đáp: Vì nẻo ấy tự là như thế, cho đến nói rộng.

Có hai sự việc nên có cúng tế thì ngạ quỷ đến: (1) Nghiệp. (2) Nẻo này tự như thế.

Trước đã nói: Cũng như các loài chim: Hồng nhạn, khổng tước, anh vũ, xá-lợi, cù-sí-la, cộng mạng v.v… đều có thể bay đi, cho đến nói rộng. Nhưng về sức thần không hơn con người, thế mạnh cũng không hơn con người, mà tùy theo chỗ mong muốn, các thứ chim kia có thể bay đi trong hư không, dạo chơi lâu ở đấy. Còn con người muốn trụ nơi hư không, cách mặt đất bốn ngón tay, trải qua trong khoảnh khắc cũng không có khả năng. Như các loài chim kia thì có thể bay đi, vì xứ sinh tự là như thế. Nẻo ngạ quỷ này hễ có cúng tế thì đến, vì xứ sinh là thế. Cũng như trong một nẻo địa ngục, cũng có người tự nhận biết về thọ mạng đời trước. Như kinh nói: Chúng sinh ở địa ngục có suy nghĩ như thế này: Các Sa-môn, Bà-la-môn luôn nói như vầy: Tham dục là tai họa, lỗi lầm, là nơi chốn đáng sợ trong vị lai, do đó cần phải đoạn trừ tham dục. Chúng ta do không thể đoạn trừ nhân duyên của tham dục, nên nay phải nhận lấy nỗi khổ não dữ dội này.

Hỏi: Các chúng sinh kia khi suy nghĩ như thế là lúc mới sinh, là thời gian giữa, hay là thời gian sau cùng?

Đáp: Là lúc mới sinh, không phải là thời gian giữa hay sau cùng. Vì sao? Vì khi mới sinh, chưa thọ nhận khổ. Nếu đã thọ nhận khổ thì sự việc tiếp theo trước vừa diệt hãy còn không thể nhớ lại huống chi là sự việc lâu xa.

Hỏi: Là trụ nơi tâm nào để suy nghĩ như thế? Là tâm thiện, bất thiện hay vô ký?

Đáp: Trụ nơi ba thứ tâm, có thể có suy nghĩ này.

Hỏi: Là địa ý hay là năm thức thân?

Đáp: Là địa ý, không phải năm thức thân.

Hỏi: Là oai nghi, công xảo hay tâm báo?

Đáp: Là oai nghi, không phải là công xảo, tâm báo. Vì sao? Vì xứ ấy không có công xảo, còn tâm báo là địa năm thức thân.

Hỏi: Là nhớ nghĩ về bao nhiêu đời?

Đáp: Một đời, vì chết ở xứ kia sinh đến trong đấy.

Hoặc có thuyết nói: Cũng có thể nhớ nghĩ về nhiều đời.

Lời bình: Không nên lập ra thuyết này. Như thuyết trước là tốt.

Hỏi: Cũng có thể nhận biết được tâm người khác, sự việc ấy là thế nào??

Đáp: Nếu lính ngục dùng các thứ dụng cụ như gông cùm, xiềng xích để giết hại, thì đứng ở trước chúng khởi suy nghĩ như vầy: Ý của lính ngục kia nay muốn giết ta.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết ấy. Nếu như thế thì con người cũng có thể nhận biết, có thể gọi là tha tâm trí chăng? Nên nói như thế này là tốt: Vì vô số kia có xứ sinh được trí, nên có thể nhận biết sự việc này.

Hỏi: Đầu tiên nhận biết, giữa nhận biết hay là sau nhận biết?

Đáp: Nên nói rộng như trước. Trong loài súc sinh cũng có thể tự nhận nhận về thọ mạng đời trước. Như trong kinh nói: Thương Khư! Nếu mày là cha ta, là Đô-đề-da thì có thể lên ngồi ở đây. Con chó Thương Khư liền lên ngồi.

Lại nói như thế này: Nếu mày là cha ta, là Đô-đề-da, thì có thể ăn thức ăn này. Chó Thương Khư liền ăn.

Lại nói như thế này: Nếu mày là cha ta, là Đô-đề-da, thì có thể chỉ cho ta chỗ vật báu được cất giấu. Chó Thương Khư liền chỉ cho biết.

Hỏi: Lúc suy nghĩ như thế là ban đầu, chính giữa hay là sau?

Đáp: Cả ba thời gian đều cùng có thể.

Hỏi: Là trụ nơi tâm nào?

Đáp: Trụ trong tâm thiện, bất thiện, vô ký, đều có thể. Tâm oai nghi, công xảo và tâm báo cũng có thể.

Hỏi: Có thể nhận biết được bao nhiêu đời?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Có thể nhận biết được một đời, là nơi chết kia sinh đây.

Lại có thuyết cho: Có thể nhận biết được nhiều đời.

Hỏi: Vì sao biết được?

Đáp: Từng nghe có một người nữ, đặt con trẻ của mình ở một nơi, vì có nhân duyên nên phải đi đến chỗ khác, không ở đó. Bấy giờ, có một con chó sói chạy tới tha đứa bé này đi. Lúc ấy, có người chận bắt lại và nói: Vì sao mày lại mang đứa trẻ này đi?

Chó sói đáp: Vì mẹ của đứa bé này là chỗ oán thù của tôi.

Người kia lại hỏi: Có thù oán gì?

Sói vội đáp: Mẹ của đứa trẻ này đã thường xuyên ăn thịt con tôi trong suốt năm trăm đời. Tôi cũng thường xuyên giết con của bà ấy trong năm trăm đời qua. Nếu bà ấy có thể dứt bỏ tâm oán thù cũ thì tôi cũng có thể bỏ.

Lúc này, người kia hỏi mẹ của đứa bé: Bà có thể dứt bỏ tâm thù oán được chăng?

Mẹ đứa bé đáp: Nay tôi đã có thể dứt bỏ được.

Bấy giờ, chó sói quan sát tâm của bà mẹ đứa bé, tuy ngoài miệng nói bỏ thù hận, nhưng tâm vẫn không buông bỏ. Chó sói liền hại mạng đứa bé rồi bỏ đi.

Sự việc này tức súc sinh có thể nhận biết tâm người khác, cũng có thể nhận biết về thọ mạng đời trước.

Hỏi: Nhận biết vào thời gian nào?

Đáp: Thời gian đầu tiên, giữa và sau đều nhận biết.

Hỏi: Trụ nơi tâm nào nhận biết?

Đáp: Tâm thiện, bất thiện, vô ký đều nhận biết. Địa ý nhận biết, không phải là năm thức thân. Tâm oai nghi, công xảo, tâm báo cũng có thể nhận biết. Văn của kinh kia tuy không nói, nhưng nơi nẻo ngạ quỷ cũng có được trí này.

Hỏi: Vì sao nhận biết được?

Đáp: Từng nghe có một người nữ bị ngạ quỷ bắt, có người liền dùng chú thuật, hỏi quỷ: Vì sao ngươi gây xúc não cho người nữ kia?

Quỷ đáp: Vì người nữ này là oán gia của tôi suốt trong năm trăm đời, đã thường xuyên giết tôi, tôi cũng thường đoạn dứt mạng căn của người ấy trong năm trăm đời. Nếu người ấy có thể dứt bỏ tâm oán thù xưa thì tôi cũng dứt bỏ.

Bấy giờ, người nữ nói như thế này: Nay tôi đã dứt bỏ tâm oán thù rồi. Ngạ quỷ quán biết người nữ kia ngoài miệng tuy nói là dứt bỏ nhưng tâm không buông bỏ. Nó liền đoạn mạng căn của người nữ rồi bỏ đi.

Hỏi: Vào thời gian nào nhận biết?

Đáp: Nói rộng như trên. Về nẻo của chư thiên cũng có xứ sinh được trí này nhưng không có hiện sự để có thể nói.

Hỏi: Là nhận biết vào thời gian nào?

Đáp: Nói rộng như trên. Trong nẻo người không có trí sinh đắc như đây.

Hỏi: Vì sao không có?

Đáp: Vì không phải là vật dụng nơi chốn thích hợp.

Lại nữa, trong loài người có trí xem tướng, có trí nhìn xem nói tướng. Trí sinh đắc kia đã bị che lấp do trí như thế.

Lại nữa, trong nẻo người tuy không có trí sinh đắc này, nhưng có sự thắng diệu, đó là tha tâm trí và nguyện trí.

Hỏi: Vì nhận biết được bao nhiêu tâm?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Địa ngục trở lại nhận biết tâm của địa ngục. Súc sinh trở lại nhận biết tâm của súc sinh. Ngạ quỷ trở lại nhận biết tâm của ngạ quỷ.

Lại có thuyết cho: Địa ngục trở lại nhận biết tâm của địa ngục. Súc sinh trở lại nhận biết tâm của súc sinh, cũng nhận biết tâm của địa ngục. Ngạ quỷ trở lại nhận biết tâm của ngạ quỷ, lại cũng nhận biết tâm của súc sinh, địa ngục. Trời thì nhận biết hết tâm của năm nẻo.

Hỏi: Nếu súc sinh không nhận biết tâm của trời, thì làm sao thông suốt như nơi Kinh Thi Thiết Thế Giới đã nói (Tức Luận A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc – ND). Như nói: Long vương Thiện Trụ, Long vương Y La Bạt Na đều nhận biết tâm của Đế thích đã nghĩ gì? Cũng như một trượng phu tráng kiện, chỉ trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, là đã từ trụ xứ của mình mất hẳn, hiện ra đứng trước Đế thích?

Đáp: Đây là tỷ trí. Vì sao nhận biết? Vì khi chư thiên muốn ra quân chiến đấu, thì các đốt xương nơi xương sống lưng của Long vương Thiện Trụ tự nhiên phát ra âm thanh, là biết ngay các trời quyết chiến đấu với A-tu-la. Nếu khi nào chư thiên muốn đi dạo chơi, thì trên lưng của Long vương Y-la-bạt-na tự nhiên có mùi hương cùng hình tượng cánh tay hiện ra. Long vương suy nghĩ: Nay trên lưng của ta có mùi hương và hình tượng cánh tay hiện ra, nhất định là chư thiên đang muốn đi dạo chơi nơi vườn, rừng.

Ngạ quỷ cũng có trí sinh đắc, có thể nhận biết mạng mình nơi đời trước, như kệ nói:

Ta vốn cầu của cải

Như pháp, hoặc phi pháp

Người khác được vui kia

Nay ta chịu khổ não.

Hỏi: Được nhận biết vào lúc nào?

Đáp: Nói rộng như trên.

Chư thiên cũng có trí sinh đắc, có thể tự nhận biết được mạng đời trước của mình. Như kệ nói:

Rừng Kỳ Hoàn, nay ta

Các Thánh chúng hằng trụ

Pháp vương cũng ở đây

Nay tâm ta hoan hỷ.

Hỏi: Được nhận biết vào thời gian nào?

Đáp: Nói rộng như trên.

Hỏi: Vì sao con người không có trí sinh đắc để tự nhận biết về thọ mạng đời trước của mình?

Đáp: Vì không phải là vật dụng thượng trung hạ của trí kia. Nói rộng như trên.

Lại nữa, vì bị pháp khác che lấp, như tánh tự nhớ nghĩ đến trí của đời trước.

Lại nữa, tuy con người không có trí sinh đắc để tự nhận biết về thọ mạng đời trước của mình, nhưng có điều thắng diệu, đó là nguyện trí, túc mạng thông, khiến cho con người cũng có thể nhận biết.

Sấm sét, gió nổi lên, mưa đổ xuống, là chỉ súc sinh có thể tạo ra, không phải là xứ khác. Trong nẻo súc sinh, chỉ rồng là có thể tạo ra, không phải là loài khác. Nơi nẻo súc sinh kia cũng có khả năng khởi trận gió, đổ cơn mưa. Gần là quả công dụng (quả sĩ dụng) của rồng nơi trụ xứ của chúng. Xa là phát ra ngoại biên, là quả oai thế (quả tăng thượng) của rồng.

Hỏi: Một con rồng có thể tạo ra những sự việc v.v… như thế chăng?

Đáp: Có thể tạo ra.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao kinh lại nói khác? Như nói: Hoặc trời có thể mưa, hoặc trời có thể nổi gió, cho đến nói rộng.

Đáp: Tùy theo đối tượng ưa thích. Hoặc có sự ưa thích mưa, hoặc có sự ưa thích gió, cho đến nói rộng. Nói chung do đối tượng ưa thích không đồng, nên kinh nói có khác. Những sự việc như thế vì tự nó là như vậy. Đối tượng ưa muốn có khác, nhưng nẻo ngạ quỷ kia tự nó là như vậy, nên thí thức ăn thì đến.

Lại có thuyết nói: Xứ sinh của năm nẻo đều có pháp tự nó là như vậy. Như sắc báo của địa ngục, đoạn dứt rồi lại nối tiếp, vì xứ sinh tự nó là như vậy. Trong súc sinh có thể bay trên hư không, còn ngạ quỷ hễ thí thức ăn thì tìm đến. Nơi con người, có kẻ dũng mãnh, tráng kiện, có kẻ giàu sức nhớ nghĩ, có kẻ tu phạm hạnh. Kẻ dũng mãnh tráng kiện không thấy quả nhưng có thể tu nhân rộng. Kẻ giàu sức nhớ nghĩ đối với những việc đã làm đã nói, tuy lâu xa vẫn có thể nhớ lại. Người tu phạm hạnh có thể được phần giải thoát, căn thiện của phần đạt được chánh quyết định. Trong nẻo trời, các vật cần dùng thì tự nhiên tùy ý. Các nẻo như thế v.v… đều có xứ sinh với pháp tự nó là như vậy ở xứ sinh.

Lại có thuyết cho: Phương hướng, quốc độ cũng có xứ sinh với pháp tự nó là như vậy. Như quốc độ Kế Tân, về mùa thu, người ta quàng vào cổ bò tràng hoa Uất kim, còn ở phương khác hạng sang trọng hơn nhưng không thể có được. Như nước Na-già-la, người thường đều uống toàn rượu Bồ đào, còn ở phương Đông, tuy là người giàu sang cũng không thể được như vậy. Như người sang trọng hơn hết ở phương Đông thì mặc áo lụa sống, người thường thì mặc áo lông cừu. Ở phương Bắc, người sang trọng nhất thì mặc áo lông cừu, người thường thì mặc áo lụa sống. Các phương của các nẻo đều có xứ sinh với pháp tự nó là như vậy, tùy ý có thể được quả. Ngạ quỷ kia cũng thế, thí cho chúng thức ăn, tùy ý có thể được quả. Lại nữa, có người trong đêm dài sinh tử có những mong muốn như thế, có các nhớ nghĩ như thế cho đến nói rộng. Trong đêm dài sinh tử, người kia có những mong muốn, có những nhớ nghĩ như thế, đã nhớ nghĩ về quả có được. Cũng như trong xóm làng nhỏ hẹp xa xôi kia, có người giàu có nổi tiếng, nên gìn giữ của cải, trong nhà nuôi nhiều bò, dê, may nhiều y phục, chất chứa nhiều lúa, gạo và mọi vật dụng cho cuộc sống. Vì tên tuổi được đề cao, nên không hề bố thí cho người. Vì không thí cho người, nên khi thân hoại mạng chung, bị đọa trong loài ngạ quỷ.

Lại có thuyết nói: Có người tánh vốn gần gũi, yêu thương, đối với hàng quyến thuộc luôn có ý muốn giúp ích cho họ. Vì bà con nên đã tạo điều kiện tìm kiếm của cải, hoặc đúng như pháp, hoặc không theo đúng như pháp. Đến khi được của tiền rồi, những kẻ kia do keo kiệt, nên đối với quyến thuộc của mình, hãy còn không có tâm thí cho, huống chi là đối với người khác. Vì không có tâm thí cho, nên thân hoại mạng chung, bị đọa trong loài ngạ quỷ. Hoặc phải ở nơi chốn bẩn thỉu, hôi hám bên cạnh ngôi nhà cũ. Các người thân thuộc v.v… sinh tâm khổ não suy nghĩ như vầy: Người kia đã gom góp chất chứa của cải, vật dụng, tự mình không dám dùng, lại không thể thí cho người khác. Chính vì tâm khổ não, nên muốn thí cho người kia thức ăn, do đó mới xin các quyến thuộc, bạn thân, tri thức, Sa-môn, Bà-la-môn bố thí cho kẻ kia thức ăn uống. Bấy giờ, ngạ quỷ tự thấy tài vật của quyến thuộc, sinh khởi tưởng là mình có, liền nghĩ như thế này: Của vật như đây là do ta đã gom góp cất chứa, nay đem thí cho người, nên tâm rất hoan hỷ. Đối với phước điền đã sinh khởi tâm kính tin, tức thì tăng trưởng tư duy tương ưng xả. Do nghiệp nhân như thế nên có thể được hiện báo. Vì vậy thí cho ngạ quỷ thức ăn thì họ kéo đến.

Lại có thuyết nêu: Lúc ở đời quá khứ đã tạo nghiệp như thế nên thí cho thì đến. Sự việc ấy là thế nào?

Tôn giả Hòa-tu-mật đáp: Các ngạ quỷ đó, do tánh keo kiệt, nên có tưởng điên đảo và kiến điên đảo. Vì mang tưởng, kiến điên đảo, nên thấy sông không phải là sông, thấy nước không phải là nước, đối với thức ăn uống ngon sạch thấy là bất tịnh. Còn các người thân thuộc vì kẻ đó, nên lúc tu bố thí, có thể sinh khởi tâm tin, tức trừ bỏ điên đảo, nên thấy sông là sông, thấy nước là nước, thấy thức ăn là thức ăn.

Lại có thuyết nói: Ngạ quỷ có hai loại: (1) Loại ưa tịnh. (2) Loại ưa bất tịnh.

Loại ưa tịnh: Vì do tính keo kiệt, luyến tiếc, nên có tưởng điên đảo đối với sông v.v…, như trước đã nói.

Loại ưa bất tịnh: Thấy sông thì khô cạn, đối với thức ăn uống đựng đầy bát thì thấy trong bát trống rỗng. Nếu các quyến thuộc, vì người đó tu bố thí, bấy giờ ngạ quỷ kia thấy rồi, đối với những vật dụng đã thí và chỗ phước điền sinh tâm hoan hỷ, tức có thể tăng trưởng tư duy tương ưng với tưởng xả. Do nghiệp này, nên đã dứt trừ được tưởng điên đảo.

Loại ưa tịnh: Đối với sông thấy là sông, thấy nước là nước, thức ăn uống đầy trong bát đựng thấy là thức ăn tịnh.

Loại ưa bất tịnh: Thấy sông đầy nước, ở trong bát trống rỗng nhưng thấy bát đựng đầy thức ăn.

Do sự việc ấy nên nói như thế này: Thí thức ăn cho ngạ quỷ thì ngạ quỷ tìm đến.

Lại có thuyết cho: Ngạ quỷ kia do đời trước đã tạo một ít việc thiện, là thí cho các thức ăn uống, không sinh tưởng điên đảo, chỉ vì tính keo kiệt, luyến tiếc, nên thân tâm khiếp nhược. Vì khiếp nhược, nên không thể đi đến chỗ các ngạ quỷ có uy đức. Hoặc có nhân duyên đi đến chỗ ấy, nhưng tâm không ưa thích. Vì sao? Vì tự thân thấp kém. Ngạ quỷ có uy đức kia, do nhân duyên phước đức, nên có các thứ ăn uống. Ngạ quỷ này, vì thân tâm khiếp nhược, nên không dám ăn thức ăn của ngạ quỷ có uy đức. Nếu có các bà con, vì ngạ quỷ này nên tu bố thí, lúc ấy ngạ quỷ kia thấy rồi, đối với vật đã thí cho cùng với phước điền sinh tâm hoan hỷ. Vì tâm tin ưa vui thích này, nên được thân tâm hơn hẳn. Do được thân tâm hơn, nên có thể đi đến chỗ các ngạ quỷ có uy đức, sinh tâm ưa thích, được thức ăn uống và có thể ăn được hết. Do sự việc này, nên thí thức ăn cho ngạ quỷ thì ngạ quỷ tìm đến.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Không nên để người khác tạo tác, người khác nhận lấy, chỉ có các người bà con kia đã vì ngạ quỷ nọ nên mới tu hành bố thí. Ngạ quỷ nọ, nếu đối với của vật, phước điền đã sinh tâm tin kính, nên đối với quả báo này cũng có phần của nó. Vì sự việc ấy, nên thí cho thức ăn thì ngạ quỷ tìm đến, không phải là nẻo khác.

Hỏi: Vì ngạ quỷ cũng tạo ra phước, hay vì chỉ được thức ăn uống, cũng tăng ích cho thân ngạ quỷ?

Đáp: Cũng được ăn uống, cũng tăng ích thân cho ngạ quỷ. Được ăn uống như trước đã nói. Còn thế nào là tăng ích cho thân ngạ quỷ? Thân ngạ quỷ hôi thì được thơm, sắc xấu thì được tốt đẹp, va chạm thô thì được tế, thân không có uy đức thì được thân uy đức.

Hỏi: Trong các nẻo khác cũng có thể được quả báo như thế này chăng?

Đáp: Nếu nơi nẻo khác có thể sinh khởi tâm tin thì vẫn được. Còn nơi nẻo nào không thể sinh thì không được.

Hỏi: Nếu trong các nẻo đều được quả báo như thế, vì sao ở đây chỉ nói một mình nẻo ngạ quỷ không nói nẻo khác?

Đáp: Vì các ngạ quỷ bị đói khát, thường xuyên có tâm trông mong ăn uống để tự sống còn, nẻo khác không hẳn đã có tâm như thế. Vì vậy nên không nói.

Lại có thuyết nói: Vì trong nẻo ngạ quỷ thường xuyên có tâm cầu xin, tâm trông mong, thế nên hễ thí cho thì đến.

Có năm nẻo là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, người, trời.

Hỏi: Thể tánh của năm nẻo là vô ký không ẩn mất hay là cả ba thứ? Nếu là vô ký thì làm sao thông suốt thuyết của phái Ba-già-lana? Như nói: Tánh của các nẻo là đối tượng sai khiến của tất cả sử. Nếu có cả ba thứ thì sẽ hủy hoại thể của các nẻo. Thế nào là hủy hoại thể của nẻo?

Đáp: Chúng sinh địa ngục thì nên tạo thành nghiệp phiền não của Tha hóa tự tại thiên. Và Tha hóa tự tại thiên thiện cũng tạo thành nghiệp phiền não, bất thiện của chúng sinh địa ngục.

Nên lập ra thuyết thế này: Thể tánh của nẻo là vô ký không ẩn mất.

Hỏi: Nếu như vậy thì thuyết của phái Ba-già-la-na làm sao thông suốt?

Đáp: Thuyết kia nên nói như thế này: Thể tánh của các nẻo địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, người đều là sử nhất thiết biến (tùy miên biến hành) của cõi dục và đối tượng sai khiến của các sử do tư duy đoạn. Thể tánh của nẻo trời là sử nhất thiết biến của ba cõi và đối tượng sai khiến của các sử (tùy miên tùy tăng) do tư duy đoạn.

Hỏi: Đối tượng sai khiến của các sử nên nói như thế, nhưng không nói là có ý gì?

Đáp: Vì người tụng Luận kia lầm lẫn, nên lập ra thuyết như thế.

Lại có thuyết cho: Tâm hòa hợp nơi các nẻo là đối tượng dứt trừ của năm hành, là do đối tượng sai khiến của tất cả sử.

Lại có thuyết nêu: Thể tánh của các nẻo có ba thứ.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao không hủy hoại thể tánh của nẻo?

Đáp: Nếu đã thành tựu mà nói thì hủy hoại. Nếu do hành hiện tại mà nói thì không hủy hoại.

Hỏi: Thế nào là do hành hiện tại mà nói thì không hủy hoại?

Đáp: Như địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ tạo nên nghiệp phiền não và thiện của Tha hóa tự tại thiên, nhưng không hiện hành ở trước. Như Tha Hóa Tự Tại Thiên tạo nên nghiệp phiền não và bất thiện của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh nhưng không hành hiện tại.

Lời bình: Nên lập ra thuyết này: Thể tánh của địa ngục là vô ký không ẩn mất. Vì sao nhận biết như thế? Vì như Tôn giả Xá-lợiphất đã nói như vầy: Này các Trưởng lão! Nếu lậu của địa ngục hiện ở trước thì sẽ phải chịu rất nhiều thống khổ của địa ngục do chính nghiệp thân miệng ý của mình gây tạo ra. Đó gọi là quả báo nhơ bẩn, vẩn đục, tà vạy của thân miệng ý. Sinh trong địa ngục, vừa sinh xong là thọ nhận ngay quả báo của địa ngục, từ sắc cho đến thức. Đấy gọi là nẻo địa ngục. Các Trưởng lão! Trừ năm ấm này ra, lại không có pháp nào được gọi là nẻo địa ngục.

Do sự việc này nên biết được thể tánh của nẻo là vô ký không ẩn mất. Tuy nhiên, vì quả báo nên năm nẻo có khác biệt. Đó là tánh của nẻo.

Nay sẽ nói về nẻo (thú).

Hỏi: Vì sao gọi là nẻo?

Đáp: Đi đến xứ sinh kia, hướng tới sự nối tiếp của sinh kia. Đó gọi là nẻo.

Đã nói về tướng chung của các nẻo. Nay sẽ nói đến từng tướng riêng của các nẻo:

Hỏi: Vì sao gọi là nẻo địa ngục?

Đáp: Là phần của địa ngục, là làm bạn với chúng sinh của địa ngục, thọ nhận thân xứ của địa ngục, có được thể tánh, được các nhập, được sinh vào xứ địa ngục đó, được sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô ký không ẩn mất. Đó gọi là nẻo địa ngục.

Hỏi: Vì sao gọi là Nê-lê-ca?

Đáp: Nê-lê-ca Tần dịch là không có. Vì sao? Vì trong địa ngục đó không có sự vui mừng, không có khí, vị, không có hoan hỷ, không có lợi lạc. Vì không có vui mừng nên nói là không có.

Lại có thuyết nói: Vì tạo tác các hành ác của thân, miệng, ý tăng thượng, nên sinh vào xứ đó, nối tiếp sinh vào xứ đó. Đó gọi là nẻo địa ngục.

Lại có thuyết cho: Nẻo địa ngục là nêu đặt danh, tưởng, bất tất như danh, đều có nghĩa của nó.

Lại có thuyết nêu: Là nẻo thấp kém. Không có chỗ thấp kém nào trong năm nẻo như nẻo địa ngục, nên gọi là thấp kém.

Lại có thuyết nói: Là sự đọa lạc của đường, nẻo, như kệ dưới đây nói:

Các người đọa địa ngục

Thân họ đều treo ngược

Vì hủy báng Hiền Thánh

Và các bậc tịnh hạnh

Các căn đều hủy hoại

Như cá bị thiêu nướng.

Lại có thuyết nêu: Nê-lê-ca Tần dịch là không có xứ đi. Vì sao? Vì chúng sinh sinh trong nẻo ấy không có xứ đi, không có nơi nương dựa, không có chỗ cứu giúp, nên gọi là không có xứ đi.

Lại vì sao gọi là A-tỳ-chí? A-tỳ-chí Tần dịch là vô gián, cũng gọi là thuần thọ thống khổ, cũng gọi là trăm đinh đóng vào thân, cũng gọi là sáu khổ xúc.

Lại có thuyết cho: Chúng sinh sinh trong xứ ấy, đa số không có chỗ dung nạp, nên nói là vô gián.

Không nên lập ra thuyết này. Vì sao? Vì số người sinh vào địa ngục khác thì nhiều, người sinh trong A-tỳ-chí thì ít. Vì sao nhận biết? Vì có ít chúng sinh tạo nghiệp ác của thân miệng ý tăng thượng, nên sinh trong A-tỳ-chí ít. Có người tạo nghiệp ác của thân miệng ý tăng thượng, như một ít chúng sinh, nhưng tạo ra hành thiện tăng thượng thì được sinh trong Hữu đảnh. Xứ kia cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Vì không có sự vui tạm thời, nên gọi là vô gián.

Hỏi: Nếu như vậy, trong đại địa ngục khác có ý lạc hay là lạc thọ chăng?

Đáp: Tuy không có ý lạc nhưng lạc thọ có hai thứ: Một là y. Hai là báo. Tất cả địa ngục đều không có lạc thọ của báo nhưng có lạc thọ của y. Trong A-tỳ-chí, lạc thọ của y cũng không có. Vì sao nhận biết trong đại địa ngục khác có lạc thọ của y? Như nơi Kinh Thi Thiết Thế Giới nói: Trong địa ngục Xướng hoạt, khi có gió lạnh thổi đến, thân chúng sinh trở lại sinh máu, thịt. Hoặc hô lên lời này: Các chúng sinh sống! Các chúng sinh sống! Bấy giờ, chúng sinh tức thì sống trở lại. Do sự việc này nên biết được ở địa ngục khác có lạc thọ của y. Trong A-tỳ-chí không có sự việc như thế, nên không có lạc thọ của y.

Lại có thuyết nói: Chúng sinh sinh trong A-tỳ-chí, thân họ tuy to lớn, nhưng vì thời gian nhận chịu thống khổ không có gián đoạn nên gọi là vô gián.

Hỏi: Địa ngục tọa lạc ở xứ nào?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Địa ngục tọa lạc phía dưới châu Diêm-phù-đề, sâu cách bốn vạn do-tuần, có địa ngục A-tỳ-chí.

Hỏi: Các địa ngục khác tọa lạc ở trên, dưới, hay là ở bên cạnh?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Địa ngục A-tỳ-chí trụ ở trung ương, còn các địa ngục khác thì ở bốn phía chung quanh. Như thành thị hiện nay ở chính giữa, còn các thôn xóm thì vây quanh.

Hỏi: Châu Diêm-phù-đề này chiều dọc rộng bảy ngàn do-tuần. Các địa ngục ở dưới cũng đều rộng lớn. Như kệ nói:

Lửa dữ đầy khắp nhiều do-tuần

Người thấy sợ hãi, lông thân dựng

Các chúng sinh ác luôn bị đốt

Sức lửa dậy, không thể đến gần.

Địa ngục như thế, mỗi mỗi đều rộng lớn làm sao có thể dung nạp?

Đáp: Địa hình to lớn này, phía dưới rộng, phía trên hẹp, giống như đống lúa đổ vun trên mặt đất. Thế nên, kinh nói: Biển cả rộng dần thì càng sâu.

Lại có thuyết nói: Ngục A-tỳ-chí ở cuối cùng phía dưới. Tiếp theo phía trên có địa ngục Hỏa Chích. Tiếp đó là địa ngục Chích. Tiếp đến là địa ngục Đại Khiếu Hoán. Tiếp theo là địa ngục Khiếu Hoán. Tiếp nữa là địa ngục Áp. Tiếp theo là địa ngục Hắc Thằng. Tiếp theo nữa là địa ngục Xướng Hoạt.

Ngục A-tỳ-chí kia ngang rộng cao thấp là hai vạn do-tuần, chu vi gồm tám vạn do-tuần. Ngoài ra, các ngục khác ngang rộng một vạn chín ngàn do-tuần.

Hoặc có thuyết nói: Ngoài ra, các ngục khác đều ngang rộng một vạn do-tuần.

Lại có thuyết cho: Cách phía dưới châu Diêm-phù-đề bốn vạn do-tuần, có ngục A-tỳ-chí. Ngục A-tỳ-chí ngang rộng cao thấp là hai vạn do-tuần, chu vi tám vạn do-tuần. Địa ngục Hỏa Chích ngang rộng cao thấp là năm ngàn do-tuần, cho đến địa ngục Xướng Hoạt mỗi ngục đo được năm ngàn do-tuần.

Bảy địa ngục như thế, hợp thành ba vạn năm ngàn do-tuần. Năm ngàn do-tuần còn lại gồm: Đất màu xanh: một ngàn do-tuần.

Đất màu vàng: một ngàn do-tuần. Đất màu đỏ: một ngàn do-tuần. Đất màu trắng: một ngàn do-tuần: năm trăm do-tuần là Đất thó trắng, năm trăm do-tuần là đất sét. Mỗi mỗi địa ngục đều có mười sáu quyến thuộc.

Hỏi: Thế nào là mười sáu?

Đáp: Mỗi mỗi địa ngục đều có bốn cửa, mỗi mỗi cửa đều có bốn quyến thuộc:

1. Phía trên là địa ngục Nhiệt Sa (Cát nóng), phía dưới là địa ngục Một Tất (chìm đến đầu gối).

2. Địa ngục Ác trùng, Phí thỉ (Phân sôi).

3. Có địa ngục Đạo đạo (Đường đao), địa ngục Vũ đao diệp (Mưa lá dao), địa ngục Đao lâm (Rừng đao). Ba địa ngục như thế là quyến thuộc thứ ba.

4. Địa ngục Nhiệt thán hà (Sông tro nóng).

Mỗi mỗi cửa như thế đều có bốn thứ quyến thuộc. Ngục A-tỳchí chung cho thân mình và quyến thuộc, hợp lại có mười bảy. Bảy địa ngục còn lại cũng thế. Hợp toàn bộ có một trăm ba mươi sáu.

Trong các địa ngục quyến thuộc đều dùng đủ thứ khổ để trừng trị tội nhân. Nơi địa ngục chính dùng một thứ khổ để trị phạt tội nhân. Phía dưới châu Diêm-phù-đề cũng có địa ngục chính, phía trên đất Diêm-phù-đề chỉ có địa ngục biên, hoặc ở trên núi, hoặc ở trong hang, hoặc ở đồng hoang vắng, hoặc ở giữa khoảng không. Các châu Phất-bà-đề, Cù-đà-ni, chỉ có địa ngục biên, không có địa ngục chính. Châu Uất-đơn-việt không có địa ngục chính, cũng không có địa ngục biên. Vì sao? Vì ở châu đó là quả báo tịnh.

Hỏi: Vì sao bên dưới châu Diêm-phù-đề có địa ngục chính, còn xứ khác thì không có?

Đáp: Vì con người của châu Diêm-phù-đề tu điều thiện mạnh mẽ, nhạy bén, mà tạo nghiệp bất thiện cũng mạnh mẽ, nhạy bén không kém. Thế nên nơi châu Diêm-phù-đề có địa ngục chính, còn xứ khác thì không có.

Hỏi: Như phương khác cũng tạo năm vô gián, cũng tạo các nghiệp nặng khác, vậy ở xứ nào thì thọ nhận báo của nghiệp đó?

Đáp: Thọ nhận báo ấy ở dưới châu Diêm-phù-đề này.

Hỏi: Các lính của địa ngục là chúng sinh hay không phải là chúng sinh? Nếu là chúng sinh, thì phần nhiều tạo nghiệp bất thiện, vậy phải ở xứ nào để lại nhận báo này? Nếu không phải là chúng sinh, thì như Đàm-ma-tu-bồ-đề đã nói kệ làm sao thông?

Người giận dữ ương bướng

Thường ưa làm các ác

Thấy người khổ sinh mừng

Chết làm lính Diêm-la.

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Là số chúng sinh.

Hỏi: Nếu như vậy thì đã tạo nhiều nghiệp bất thiện, phải ở nơi nào để lại thọ nhận báo này?

Đáp: Tức thọ nhận báo ở xứ kia. Vì sao? Vì tạo nghiệp vô gián, căn thiện bị đoạn dứt, là kẻ tà kiến tăng thượng, cũng phải thọ nhận báo như thế, huống chi là lính địa ngục.

Lại có thuyết nói: Không phải là số chúng sinh. Do nhân duyên tạo nghiệp tội ác của các chúng sinh, nên những kẻ kia thật sự không phải là chúng sinh, chỉ tạo hình tượng chúng sinh hiện ra trước tội nhân, dùng vô số các sự việc để trừng trị các tội nhân.

Hỏi: Nếu như vậy làm sao thông suốt kệ của Đàm-ma-tu-bồ-đề đã nói?

Đáp: Tạo ra văn tụng này bất tất phải thông suốt. Vì sao? Vì tạo ra văn tụng là có thêm, có bớt, có được, có mất.

Hỏi: Nếu muốn thông suốt thì sự việc ấy phải như thế nào?

Đáp: Các lính địa ngục dùng xích sắt trói cột chúng sinh, là tội nhân, dẫn đến trụ xứ của vua Diêm-la, đó là số chúng sinh. Ngoài ra những thứ trừng trị các tội nhân, không phải là số chúng sinh. Nói như thế là tốt.

Hỏi: Thân hình của chúng sinh ở địa ngục như thế nào?

Đáp: Thân hình như con người.

Hỏi: Ngôn ngữ như thế nào?

Đáp: Lúc mới sinh chưa thọ nhận thống khổ đều nói lời Thánh. Sau khi thọ nhận khổ, tuy có phát ra tiếng thống khổ, cho đến không một lời nào để có thể phân biệt, chỉ vang lên âm thanh của gậy gộc, đánh đập thân thể tội nhân cho nát tan.

Hỏi: Thế nào gọi là nẻo súc sinh?

Đáp: Là phần của nẻo súc sinh, cùng làm bạn với súc sinh, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì gọi là nẻo súc sinh?

Đáp: Vì thân hình của chúng là nằm ngang, nên đi cũng là đi ngang. Vì chúng đi ngang, nên thân hình cũng là nằm ngang. Do đó gọi là nẻo súc sinh.

Lại có thuyết nói: Thân, miệng, ý tạo ra hành vi lỗi lầm, phải sinh trong nẻo đó, nên gọi là nẻo súc sinh.

Lại có thuyết cho: Súc sinh là danh giả đặt, tưởng giả đặt, bất tất như danh đều có nghĩa ấy.

Lại có thuyết nêu: Vì hiện có khắp, nên gọi là nẻo súc sinh. Súc sinh này có khắp trong năm nẻo: Trong địa ngục có súc sinh không chân như Năng-cứu-đà. Có hai chân như Ô-cưu-la-na v.v… Có bốn chân như chó v.v… Có nhiều chân như loài trăm chân v.v…. Trong ngạ quỷ cũng có súc sinh không chân như rắn v.v… Có hai chân như Ô-cưu-la-na v.v… Có bốn chân là loài có oai đức như voi, ngựa v.v…, không có oai đức như chó v.v… Có nhiều chân như loài trăm chân v.v… Trong loài người cũng có súc sinh không chân như loài trùng sâu v.v… đi bằng bụng. Có hai chân như hồng nhạn v.v… Có bốn chân như voi, ngựa v.v… Có nhiều chân như loài trăm chân v.v… Trong các trời như trời Tứ Thiên vương, trời Ba mươi ba, có hai chân như nhạn, khổng tước v.v… Có bốn chân như voi, ngựa v.v… Có hai chân tự ở trên như chim nhạn, chim khổng tước v.v…

Hỏi: Nghe chư thiên tự ở trên cũng cưỡi voi, ngựa. Nay nói không có, sự việc ấy là thế nào?

Đáp: Do nhân duyên nghiệp phước của chúng sinh kia, nên đã tạo ra hình voi, ngựa chẳng phải là số chúng sinh để tự vui thích.

Lại có thuyết nói: Vì đui mù, tối tăm, nên gọi là súc sinh. Đui mù, tối tăm nghĩa là vô minh. Trong năm nẻo, nẻo nhiều vô minh nhất là súc sinh.

Hỏi: Trụ xứ của súc sinh chính thức là nơi chốn nào?

Đáp: Trụ xứ căn bản là trong biển cả, các bãi nhỏ cũng có.

Hỏi: Hình dạng của chúng ra sao?

Đáp: Hình dạng chúng nghiêng về một bên, cũng có thân hình hướng lên trên, như Tỳ-xá-già, như Y-lô-tát-ca, như Xà-lô-phá-cúcla, Khẩn-na-la v.v…

Hỏi: Ngôn ngữ của chúng thế nào?

Đáp: Vào thời kỳ thế giới mới thành lập, tất cả chúng sinh đều nói lời của Thánh. Về sau, vì lỗi lầm tai hại của ăn uống, thời thế chuyển ác, tâm tà vạy, dua nịnh quá nhiều, nên có vô số thứ ngôn ngữ, cho đến có loại không thể nói.

Hỏi: Thế nào là nẻo ngạ quỷ?

Đáp: Là phần ngạ quỷ, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao gọi là Tỳ-đế-lê?

Đáp: Tỳ-đế-lê Tần dịch là Tổ phụ. Hoặc có chúng sinh, lần đầu tiên sinh trong nẻo ngạ quỷ kia, nên được gọi là Tổ phụ. Về sau, các chúng sinh sinh vào xứ ngạ quỷ đó, sự sinh nối tiếp cũng được gọi là Tổ phụ, thế nên nẻo này gọi là Tổ phụ.

Lại có thuyết nói: Chúng sinh nơi suốt đêm dài sinh tử không lo tu hành bố thí rộng, tâm cứ tham lam keo kiệt, sinh trong nẻo ngạ quỷ kia nên gọi là ngạ quỷ.

Lại có thuyết cho: Đó là danh giả nêu đặt, cho đến nói rộng.

Lại có thuyết nêu: Vì đói khát quá nhiều, nên gọi là ngạ quỷ. Các chúng sinh kia to trông như quả núi, cuống họng nhỏ như lỗ kim. Suốt trăm ngàn năm, chúng không nghe nói đến tiếng nước uống, cũng không từng trông thấy, huống chi là được tiếp xúc.

Lại có thuyết nói: Vì bị xua đuổi, sai khiến nên gọi là ngạ quỷ. Chúng luôn bị chư thiên xua đuổi, sai khiến khắp mọi nơi, thế nên nẻo này còn gọi là khu sử.

Lại có thuyết nêu: Vì luôn có trông mong nơi người khác, nên gọi là ngạ quỷ.

Do những nhân duyên như thế, nên nẻo này được gọi là ngạ quỷ.

Hỏi: Nẻo này trụ ở xứ nào?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Cách dưới châu Diêm-phù-đề khoảng năm trăm do-tuần có trụ xứ của vua Diêm-la, đó là trụ xứ căn bản. Ngoài ra, tại các bãi cũng có. Ở các bãi của châu Diêm-phù-đề có hai thứ ngạ quỷ: (1) Có uy đức. (2) Không có uy đức.

Ngạ quỷ có uy đức: Ở tại rừng hoa quả, dưới mọi thứ cây, trong rừng, núi tươi đẹp, cũng có cung điện ở trong hư không.

Ngạ quỷ không có uy đức: Ở nơi những hố phân cấu uế, bất tịnh. Tại châu Phất-bà-đề, Cù-đà-ni cũng có hai thứ: Có uy đức, không có uy đức. Ở châu Uất-đơn-việt chỉ có loại ngạ quỷ có uy đức. Vì sao? Vì châu đó là nơi chốn của quả báo thanh tịnh. Trời Tứ Thiên vương, trời Ba Mươi Ba chỉ có ngạ quỷ có uy đức.

Lại có thuyết cho: Về phía Tây châu Diêm-phù-đề có năm trăm bãi, khoảng giữa hai bãi có năm trăm thành của ngạ quỷ. Hai trăm năm mươi thành là ngạ quỷ có uy đức ở, còn hai trăm năm mươi thành kia là ngạ quỷ không có uy đức ở. Thế nên, Chuyển luân Thánh vương Ni-di mới bảo kẻ cầm cương xe là Ma-đa-la: Ta muốn lên cõi trời, ngươi có thể đi từ đường này để cho ta được chứng kiến cảnh các chúng sinh kẻ thì đang thọ nhận quả báo ác, người thì đang thọ hưởng phước báo thiện. Bấy giờ, Ma-đa-la – người cầm cương xe, tức theo như lời vua bảo, tuần tự đi qua các thành. Lúc ấy, về tội phước vua kia đều trông thấy: Người có uy đức thì như các thiên tử, đầu đội mão trời, thân mặc áo trời, đồ ăn thức uống ngọt ngon, mỗi mỗi người đều dạo chơi vui vẻ. Kẻ không uy đức thì lõa hình, không có y phục, lấy tóc tự che, tay cầm đồ đựng bằng sành, đi xin ăn để tự nuôi sống.

Hỏi: Thân hình của chúng như thế nào?

Đáp: Có loại đứng thẳng, có loại nghiêng một bên, hoặc mặt giống như heo, y như tượng vẽ trên vách.

Hỏi: Ngôn ngữ thì thế nào?

Đáp: Thời kỳ thế giới mới thành lập, tất cả chúng sinh đều nói ngôn ngữ của Thánh. Ngoài ra, như trước đã nói.

Lại có thuyết nói: Tùy xứ chết của ngạ quỷ, sinh đến nẻo ngạ quỷ nọ, như hình dáng trước kia và tùy theo tiếng nói gốc của nẻo ngạ quỷ đó.

Lời bình: Không nên lập ra thuyết ấy. Vì sao? Vì nếu từ cõi vô sắc chết, sinh đến nẻo ngạ quỷ này lại có thể không có hình dáng, không có lời nói chăng? Do đó, nên nói như vầy: Tùy theo xứ sinh kia nên hình dáng, ngôn ngữ cũng như thế.

Hỏi: Thế nào là nẻo người?

Đáp: Là phần của con người, là bè bạn của con người, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao gọi là Ma-nậu-xa?

Đáp: Ma-nậu-xa Tần dịch là ý. Xưa có vị vua tên là Đảnh Sinh, hóa độ bốn châu thiên hạ, khuyên bảo các chúng sinh khi làm công việc gì, trước hết phải để ý, khéo suy tư, khéo trù tính và phải khéo nhớ nghĩ. Khi ấy, các chúng sinh liền như lời vua dạy bảo, mỗi khi làm việc gì đều tư duy, cân nhắc, nghĩ nhớ kỹ. Sau đấy, quả nhiên tự có đủ mọi thứ khác biệt của tác nghiệp công xảo. Vì do con người muốn làm điều gì, trước hết phải để ý tư duy, thế nên gọi người là ý. Như người trước chưa có, đây gọi là thời gian, lần lượt cùng gọi to: Đa-la thường già! Cũng gọi to: A-bà-đạt-đồ!

Lại có thuyết nói: Do thân, miệng, ý tu nghiệp thiện phẩm hạ, được sinh trong nẻo người kia, nên gọi là nẻo người.

Lại có thuyết cho: Là danh giả nêu đặt, nói rộng như trên.

Lại có thuyết nêu: Vì nghiêng nhiều về sự kiêu mạn nên trong năm nẻo có tâm kiêu mạn nhiều nhất là nẻo người, thế nên nơi này được gọi là nẻo người.

Lại có thuyết nói: Vì nẻo này có thể ngăn dứt ý nghĩ, nên trong năm nẻo có thể ngăn dứt ý thì không nơi nào bằng nẻo người. Vì sao? Vì con người có thể đạt được căn thiện của phần giải thoát, căn thiện của phần đạt, có thể gần gũi bốn pháp như thiện tri thức v.v…, cũng có thể tu hành, thân cận bốn pháp như thiện tri thức v.v… Thế nên, chốn này gọi là nẻo người.

Hỏi: Nẻo người trụ ở nơi chốn nào?

Đáp: Nẻo người trụ bốn châu thiên hạ, cũng trụ trên tám bãi lớn, đó là: (1) Câu-la-bà. (2) Kiều-la-bà. (3) Tỳ-địa-ha. (4) Tô-tỳđịa-ha. (5) Xa-trá. (6) Uất-đa-la-mạn-đề-na. (7) Bà-la. (8) Già-mala. Hai bãi Câu-la-bà, Kiều-la-bà là quyến thuộc của châu Uấtđơn-việt. Hai bãi Tỳ-địa-ha, Tô-tỳ-địa-ha là quyến thuộc của châu Phất-bà-đề. Hai bãi Xa-trá, Uất-đa-la-mạn-đề-na là quyến thuộc của châu Cù-đà-ni. Hai bãi Bà-la, Già-ma-la là quyến thuộc của châu Diêm-phù-đề.

Lại có thuyết nói: Hai bãi này là tên gọi riêng của châu Diêmphù-đề. Hai bãi của ba châu kia cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Trên các bãi này đều có người ở, song thân hình của họ thấp, nhỏ. Mỗi mỗi bãi này đều có năm trăm bãi nhỏ dùng làm quyến thuộc, hoặc có người ở hoặc không có người ở.

Hỏi: Hình tướng của con người như thế nào?

Đáp: Hình tướng của họ đứng thẳng.

Hỏi: Ngôn ngữ thì thế nào?

Đáp: Thời kỳ thế giới mới thành lập, con người đều nói lời Thánh. Ngoài ra, như trên đã nói.

Hỏi: Thế nào là nẻo trời?

Đáp: Là phần của trời, là bạn bè của trời, có được thân trời, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì lý do gì gọi là nẻo trời?

Đáp: Vì vượt hơn hết trong các nẻo. Có những vượt hơn gì? Đó là cảnh giới vượt hơn, an vui vượt hơn, pháp thiện vượt hơn, thân tướng vượt hơn, hình thể vượt hơn. Có những việc vượt hơn như thế, nên gọi là nẻo trời.

Lại có thuyết nói: Hành tác nghiệp thiện của thân, miệng, ý tăng thượng tức sinh trong xứ đó, nên gọi là nẻo trời.

Lại có thuyết cho: Đây là danh nêu đặt, nói rộng như trên.

Lại có thuyết nêu: Chư thiên không có ngày đêm, thường dùng ánh sáng tự soi chiếu, nên gọi là nẻo trời.

Lại có thuyết nói: Do nhân duyên hành thiện, nên sinh trong xứ kia, thường tự hiện bày mọi vui thích, nên gọi là nẻo trời.

Hỏi: Nẻo trời trụ ở nơi chốn nào?

Đáp: Trụ ở bên núi Tu-di, bốn biên ở trên nước, vòng quanh núi Tu-di, rộng một vạn sáu ngàn do-tuần, có trụ xứ của trời Chử Thủ. Tiếp theo là một vạn do-tuần về phía trên, vây quanh núi Tu-di, rộng tám ngàn do-tuần, là trụ xứ của trời Trì Hoa Man. Tiếp nữa là một vạn do-tuần về phía trên, vây quanh núi Tu-di, rộng bốn ngàn do-tuần, là trụ xứ của trời Thường Phóng Dật. Tiếp đến là hai vạn do-tuần về phía trên, vòng quanh núi Tu-di, rộng hai ngàn do-tuần, là trụ xứ của Tứ Thiên vương, có bảy thứ núi vàng, bốn thành của Thiên vương, thôn xóm của dân trời đều ở giữa bốn thành đó. Chư thiên ở xứ này so với dưới là rất nhiều. Tiếp theo là bốn vạn do-tuần về phía trên, là đỉnh núi Tu-di, có thành Thiện kiến, ngang rộng một vạn do-tuần, là trụ xứ của trời Ba Mươi Ba.

Hỏi: Đỉnh núi Tu-di ngang rộng bao nhiêu?

Đáp: Chu vi bốn vạn do-tuần.

Cách đỉnh núi Tu-di bốn vạn do-tuần, khoảng giữa như mây, có chư thiên Diệm Ma, dựa vào đất mà trụ.

Theo thứ lớp như thế, trên đến chư thiên Thiện kiến, đều nương vào đất mà trụ. Từ trời Thiện kiến, trên đến trời A-ca-nị-trá cũng dựa vào đất mà trụ.

Hỏi: Về dung lượng của các trời như thế nào?

Đáp: Như dung lượng của đỉnh núi Tu-di, trên đến trời Tha Hóa Tự Tại, dung lượng cũng như vậy. Như dung lượng của bốn châu thiên hạ, thì dung lượng của địa thiền thứ nhất cũng như vậy. Như dung lượng của một ngàn thế giới, thì dung lượng của địa thiền thứ hai cũng như vậy. Như dung lượng của hai ngàn thế giới, thì dung lượng của địa thiền thứ ba cũng như vậy. Như dung lượng của ba ngàn đại thiên thế giới, thì dung lượng của địa thiền thứ tư cũng như vậy.

Lại có thuyết nói: Như dung lượng của đỉnh núi Tu-di, thì dung lượng của chư thiên Diệm Ma là chuyển lớn gấp bội. Như vậy cho đến trời Tha Hóa Tự Tại, chuyển lớn gấp bội cũng thế. Như dung lượng của ngàn thế giới, thì dung lượng của thiền thứ nhất cũng thế. Như dung lượng của hai ngàn thế giới, thì dung lượng của thiền thứ hai cũng thế. Như dung lượng của ba ngàn đại thiên thế giới, thì dung lượng của thiền thứ ba cũng thế. Dung lượng của địa thiền thứ tư thì vô lượng vô biên. Thế nên, người khởi ngã kiến ở địa thiền thứ tư là kiến khó dứt trừ, khó xả bỏ.

Lại có thuyết cho: Dung lượng của địa thiền thứ tư là không nhất định. Nếu các thiên tử sinh trong thiền kia, tức có từng ấy cung điện, xứ sở. Nếu thiên tử mạng chung, thì xứ sở ấy liền diệt. Vì thế nên không nhất định.

Lời bình: Như thuyết trước nêu là tốt. Địa thiền thứ tư là vô lượng vô biên.

Hỏi: Địa thiền thứ tư kia là nơi ba tai họa không lan tới. Vì sao không phải là thường?

Đáp: Không phải là thường vì rơi vào các sát-na.

Hỏi: Hình dáng của chư thiên như thế nào?

Đáp: Hình dáng của chư thiên là đứng thẳng.

Hỏi: Ngôn ngữ thì thế nào?

Đáp: Đều nói bằng ngôn ngữ Thánh.

Đã nói về vô số lý do của các nẻo. Nay sẽ nói đến lý do của A-tu-la:

Hỏi: Vì sao gọi là A-tu-la?

Đáp: Tu-la là trời. Vì loài ấy không phải là trời, nên gọi là A-tu-la.

Lại có thuyết nói: Tu-la gọi là đoan nghiêm. Vì loài ấy không phải là đoan nghiêm, nên gọi là A-tu-la.

Do đâu nhận biết được? Vì vào thời kỳ thế giới mới thành lập, các A-tu-la trước cư trú tại đỉnh núi Tu-di. Về sau, chư thiên của trời Quang Âm mạng chung, sinh nơi đỉnh núi Tu-di, cũng có cung điện tự nhiên xuất hiện. Các A-tu-la dấy khởi giận dữ lớn, rồi lẫn tránh chư thiên. Như thế là có cung điện của trời thứ hai, lần lượt cho đến trời Ba Mươi Ba đều đầy trên đỉnh núi ấy. Các A-tu-la càng vô cùng giận dữ, bỏ đỉnh núi Tu-di, lui xuống phía dưới núi ở. Do giận dữ nên hình tướng không đoan nghiêm. Vì sự việc này, nên gọi là không đoan nghiêm.

Hỏi: A-tu-la trụ ở nơi chốn nào?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: A-tu-la ở trong núi Tu-di. Núi ấy có những xứ trống vắng giống như che giấu vật báu, chính giữa có thành lớn, các A-tu-la cư trú ở đấy.

Hỏi: Nếu như vậy thì các rồng thấy quân của A-tu-la mặc áo giáp bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, tay cầm những binh khí, gậy gộc, cung tên, từ thành A-tu-la đi ra, lời này là khéo thông suốt. Còn như nói: A-tu-la bảo: Ta cư trú trong biển cả, đồng một vị mặn, thì thuyết này làm sao thông?

Đáp: Các dân chúng nơi thôn xóm của A-tu-la thì cư trú ở biển cả. Còn vua A-tu-la thì ở trong núi Tu-di.

Lại có thuyết nói: A-tu-la cư trú trong nước của biển cả, dùng vàng làm đất, trên mặt đất có đài vàng, ngang rộng năm trăm dotuần. Trên đài ấy có thành, các A-tu-la ở trong ấy.

Hỏi: Nếu như vậy thì Luận này khéo thông. Hoặc như nói: Các A-tu-la bảo: Ta cư trú nơi biển cả, đồng một vị mặn. Lời này có thể khéo thông suốt. Còn như nói: Quân của các A-tu-la từ trong thành đi ra, cho đến nói rộng. Sự việc này làm sao thông?

Đáp: Chư thiên sử dụng rồng trấn thủ ngay trong núi vàng để dò xét, do đó đã thấy rõ sự việc kể trên. Trong thành A-tu-la có bốn thứ vườn lầu gác: (1) Hoan Hỷ. (2) Hỷ Lạc. (3) Đại Hỷ Lạc. (4) Ái Lạc. Cũng có cây Chất-đa-la-ba-trá-lê.

Hỏi: A-tu-la là thuộc về nẻo trời hay thuộc về nẻo ngạ quỷ? Nếu là nẻo trời, thì vì sao chúng không có được chánh quyết định? Nếu là nẻo ngạ quỷ, thì vì sao chúng qua lại thân với chư thiên? Vì sao lại đánh nhau với chư thiên? Nơi Luận này làm sao thông? Như nói: Đế thích đã nói như vầy: Này vua Tỳ-ma-chất-đa-la! Ông vốn là trời của xứ này.

Đáp: Hoặc có thuyết nói: A-tu-la này thuộc về nẻo trời.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao chúng không có được chánh quyết định?

Đáp: Vì chúng bị tánh dua nịnh quanh co che lấp.

Hỏi: Sự việc ấy là thế nào?

Đáp: A-tu-la kia khởi suy niệm như thế này: Phật thiên vị chư thiên. Nếu Phật vì họ giảng nói bốn niệm xứ thì họ có suy nghĩ: Phật vì chúng ta nói bốn niệm xứ, tất đối với chư thiên giảng nói năm niệm xứ. Nếu Phật vì họ giảng nói ba mươi bảy pháp trợ đạo, thì họ lại có suy nghĩ: Phật vì chúng ta nói ba mươi bảy pháp trợ đạo, tất đối với chư thiên giảng nói ba mươi tám pháp trợ đạo. Vì tâm dua nịnh quanh co như thế đã che lấp, nên chúng không thể đạt được chánh quyết định.

Lại có thuyết nói: A-tu-la là thuộc về nẻo ngạ quỷ.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao chúng lại thân giao với chư thiên?

Đáp: Vì chư thiên tham sắc đẹp, nên không vì dòng họ. Như Xá-chi là A-tu-la nữ xinh đẹp bậc nhất, thế nên Đế thích đã cưới làm vợ. Cũng như vương nữ Đầu-ma Khẩn-na-la tên là Ma-nậu-halợi, được Bồ-tát Tu-đà-na chọn làm vợ. Bồ-tát là thuộc nẻo trời, còn Khẩn-na-la là nẻo súc sinh. Những trường hợp ấy đều vì nhan sắc xinh đẹp, không vì tộc họ.

Hỏi: Vì sao A-tu-la lại cùng đánh nhau với chư thiên?

Đáp: Vì cũng có trường hợp người không bằng, cùng với kẻ vượt hơn chiến đấu. Như kẻ tôi tớ cũng chiến đấu với chủ. Chó cũng tranh chấp với người. A-tu-la kia cũng như thế.

Hỏi: Vậy như Luận này nói làm sao thông suốt? Như nói: Này vua Tỳ-ma-chất-đa-la! Ông vốn là trời của xứ này.

Đáp: Vua Tỳ-ma-chất-đa-la là nhạc phụ của Đế thích, vì do tôn trọng, cung kính, nên nói như thế.

Hỏi: Như các thần nữ Bạt-đà-na, Chiên-đà-ca, Chiên-đà-lợi-ca, thần Y-trá-địa-bà và thần Ma-đầu-kiến-đà v.v… đều thuộc về nẻo trời hay là thuộc về nẻo ngạ quỷ? Nếu họ thuộc về nẻo trời thì vì sao lại đoạt tinh khí của con người, cũng đoạn sinh mạng con người tuy đã thọ nhận sự cúng tế của họ? Nếu thuộc về nẻo ngạ quỷ, thì như Luận này nói làm sao thông? Như kệ nói:

Uất-đa-lợi chớ náo

Tất-lăng-già cũng thế

Nếu ta thấy chân đế

Các ông cũng sẽ được.

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Các thần ấy là thuộc về nẻo trời.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao chúng lại đoạt tinh khí của con người, cũng đoạn mạng con người tuy đã thọ nhận sự cúng tế của họ?

Đáp: Các thần kia không đoạt tinh khí, không đoạn mạng sống, cũng không thọ nhận sự cúng tế của con người, nhưng là đã để cho đám quyến thuộc đôi khi có đoạt tinh khí, đoạn mạng sống, nhận sự cúng tế của con người.

Lại có thuyết cho: Các thần ấy là thuộc về nẻo ngạ quỷ.

Hỏi: Nếu như vậy thì như kệ đã nói làm sao thông?

Đáp: Vì các thần kia nói là có tâm tin, hướng đến đế, nhưng thật sự không kiến đế, ở trong đế đã ngu tối, thì đâu có thể thấy.

Hỏi: Như thần Ma-đầu-kiến-đà đã nói thì làm sao thông?

Đáp: Đó là ngôn ngữ tự cao, vì đã ngu đối với các nẻo, thì đâu có thể thấy được các nẻo có sai biệt. Chỉ vì tự cao nên nói như thế. Như hiện nay, người giàu có cũng tự xưng là cao quý đối với hàng tôi tớ. Thần Ma-đầu-kiến-đà kia cũng như thế. Họ chỉ là sứ giả giúp việc của Tứ Thiên vương, nhưng tự nói: Ta là trời, sinh trong trời Tứ Thiên vương. Các vị thần dựa vào đất trụ, đều thuộc về nẻo ngạ quỷ. Các thần Tỳ-xá-già, thần Khẩn-na-la, thần Hê-lâu-sách-ca, thần Bàlâu-ni, thần Xa-la-phá-cừu-la đều thuộc về nẻo súc sinh. Tuy hình tướng họ đứng thẳng, nhưng cũng có tướng mạo súc sinh, như lỗ tai nhọn, hoặc có mang giáp. Các loài Dạ-xoa, La-sát, Kiệt-trá, Phúđơn-na, Cưu-bàn-trà v.v… đều thuộc về nẻo ngạ quỷ. Như nói là phần của địa ngục, là bè bạn của địa ngục, tâm bất tương ưng hành như mạng căn v.v…, đây nói là chúng sinh của địa ngục.

Hoặc có thuyết nói: Không nên nói lời như thế này: Là đắc của xứ sở, đắc của thể tánh và đắc của các nhập. Nên nói là phần của địa ngục, bè bạn của địa ngục.

Lại có thuyết cho: Nên nói. Vì sao? Vì nói đắc của xứ sở là đắc của các giới. Đắc của thể tánh là đắc của các ấm. Đắc của các nhập là nói đắc của nhập nội, ngoại.

Hỏi: Nếu nói đắc của giới, ấm, nhập là đủ, vì sao lại nói sự sinh, là chúng sinh của địa ngục, được sắc vô ký cho đến thức?

Đáp: Vì nói về quả báo. Do quả báo nên năm nẻo có sự khác biệt.

HẾT – QUYỂN 7