SỐ 227
KINH TIỂU PHẨM BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 11: VIỆC MA

Khi ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã nói công đức của người thiện nam, tín nữ. Vậy như thế nào là những trở ngại?

–Này Tu-bồ-đề! Người nói pháp không muốn nói ngay. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người nói pháp, nói một cách quá nhiều, không dừng nghỉ. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Người nói pháp nói một cách không tột cùng. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Người nào khi ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật mà cống cao ngã mạn. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Người nào khi ghi chép đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật mà giỡn cợt với nhau. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Khi ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật mà khinh lờn nhau. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Người nào ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-lamật với tâm tán loạn. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Người nào ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-lamật với tâm không chuyên nhất. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Hành giả suy nghĩ ở trong Bát-nhã ba-la-mật mà không cảm nhận điều gì hay liền đứng dậy bỏ đi. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Hành giả suy nghĩ ở trong Bát-nhã ba-la-mật mà không được thọ ký nên tâm họ không thanh tịnh liền đứng dậy bỏ

đi. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Hành giả suy nghĩ trong Bát-nhã ba-la-mật không nói tên mình, vì vậy tâm họ không thanh tịnh. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề! Hành giả suy nghĩ trong Bát-nhã ba-la-mật không nói đến nơi sinh sống của mình như thành ấp, làng mạc, vì vậy họ không thích nghe Bát-nhã ba-la-mật, liền bỏ đi. Tùy theo ý nghĩ của mình trải qua bao nhiêu kiếp mới trở lại tu Bồ-tát đạo. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Các kinh không thể đạt đến Nhất thiết trí, Bồ-tát bỏ Bát-nhã ba-la-mật mà đọc tụng các kinh ấy, đó là Bồ-tát ấy bỏ gốc lấy cành lá. Vì sao? Vì Bồ-tát ấy nhờ Bát-nhã ba-la-mật mới thành tựu được pháp thế gian và xuất thế gian, nhờ học Bát-nhã ba-la-mật mới có thể học pháp thế gian và xuất thế gian, nếu bỏ Bát-nhã ba-la-mật Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Tu-bồ-đề! Ví như con chó bỏ thức ăn của chủ cho lại đi xin thức ăn của người khác.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đời vị lai có Bồ-tát bỏ Bát-nhã ba-lamật thâm sâu, trở lại y cứ vào các kinh thuộc hàng Thanh văn, Bíchchi-phật, Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Này Tu-bồ-đề! Ví như người được voi mà không xem nó, ngược lại chỉ xem dấu chân nó, ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như vậy, đã được Bát-nhã ba-lamật thâm sâu mà lại bỏ đi để cầu Nhất thiết trí trong hàng Thanh văn, Bích-chi-phật. Ông nghĩ thế nào về việc đó, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Này Tu-bồ-đề! Ví như người muốn thấy biển lớn, khi thấy biển rồi lại bỏ đi tìm nước trong dấu chân trâu và nói: “Nước trong biển này nhiều đến thế ư?” Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Tu-bồ-đề! đời vị lai có Bồ-tát cũng như vậy, đã được Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu mà lại bỏ đi để đọc tụng các kinh thuộc hàng Thanh văn, Bích-chi-phật. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Ví như người thợ xây một cung điện như cung điện trời Đế Thích, nhưng lại đo đạc theo cung điện mặt trăng, mặt trời. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Đời vị lai có Bồ-tát cũng như vậy, đã được Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu nhưng bỏ đi lại cầu Nhất thiết trí trong các kinh thuộc hàng Thanh văn, Bích-chi-phật. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Ví như người muốn diện kiến Chuyển luân vương, đã được diện kiến rồi nhưng không biết lại suy nghĩ dung mạo, oai đức của Chuyển luân vương như thế nào, khi thấy dung mạo của các tiểu vương liền cho đó là dung mạo, oai đức của Chuyển luân vương. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Đời vị lai có Bồ-tát cũng như vậy, đã được Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu nhưng bỏ đi lại cầu Nhất thiết trí trong các kinh thuộc hàng Thanh văn, Bích-chi-phật. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Ví như một người đang đói bỏ trăm món ăn ngon để ăn cơm thiu sáu mươi ngày. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như vậy, đã được Bát-nhã ba-lamật thâm sâu nhưng bỏ đi lại cầu Nhất thiết trí trong các kinh thuộc hàng Thanh văn, Bích-chi-phật. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Ví như người được châu báu vô giá nhưng lại so sánh với thủy tinh. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

– Này Tu-bồ-đề! Đời vị lai có Bồ-tát cũng như vậy, đã được Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu nhưng lại so sánh với các kinh thuộc hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, rồi cầu Nhất thiết trí ở trong đó. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Khi đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật, phần nhiều đều nói các việc làm ngăn ngừa phá bỏ Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật có thể đọc tụng biên chép được sao?

–Tu-bồ-đề! Không thể được. Người nam, người nữ nào khi chép Bát-nhã ba-la-mật mà nghĩ mình chép Bát-nhã ba-la-mật, nên biết đó là việc ma. Này Tu-bồ-đề! Lúc ấy nên bảo họ chớ cho việc ghi chép văn tự là ghi chép Bát-nhã ba-la-mật. Nếu họ dùng văn tự để chỉ bày ý nghĩa Bát-nhã ba-la-mật thì bảo họ chớ đắm trước văn tự. Nếu đắm trước văn tự Bồ-tát nên biết đó là việc ma; không đắm trước tức là bỏ việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Khi ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã bala-mật mà nhớ nghĩ các việc như đất nước, thành ấp, xóm làng, quốc vương, oán tặc, chiến đấu; nhớ nghĩ cha mẹ, anh chị em. Đó là những việc do ma khiến nên suy nghĩ như vậy để ngăn chặn, phá bỏ Bát-nhã ba-la-mật. Tu-bồ-đề! Những việc đó Bồ-tát nên biết là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Khi ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật có người cúng dường y phục, thức ăn uống, giường chõng thuốc men với dụng ý ngăn ngừa, phá bỏ Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ác ma tạo ra mọi cách làm cho Bồ-tát có phương tiện để được các kinh thâm sâu. Đối với các kinh thâm sâu này Bồ-tát không tham trước, nhưng Bồ-tát lại bỏ Bát-nhã ba-la-mật để vin vào kinh điển thâm sâu này vì cho Bát-nhã ba-la-mật không có phương tiện. Này Tu-bồ-đề! Ta đã nói các phương tiện về Bátnhã ba-la-mật một cách rõ ràng, nên cầu trong đó, nhưng Bồ-tát lại cầu các phương tiện trong các kinh thâm sâu của Thanh văn, Bíchchi-phật. Ý ông thế nào, người đó có trí không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Tu-bồ-đề! Như thế nên biết đó cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người nghe pháp muốn nghe Bát-nhã bala-mật nhưng người nói pháp mệt mỏi không thích nói. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Tu-bồ-đề! Người nói pháp không mệt nhọc, ưa nói Bát-nhã bala-mật nhưng người nghe pháp có việc muốn đến nước khác nên không được ghi chép đọc tụng, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người nghe pháp có niệm lực, trí lực, muốn nghe, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật nhưng người nói pháp muốn đến nước khác nên không biên chép, đọc tụng và thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật được. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người nói pháp quý trọng đối với tài vật, y phục, ăn uống nhưng người nghe pháp tiếc của không cúng nên không được ghi chép đọc tụng và giảng nói Bát-nhã ba-la-mật. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người nghe pháp có lòng tin và quý mến muốn cúng dường người nói pháp, nhưng người nói pháp và đọc tụng không thông suốt, người nghe pháp không thích nghe và tiếp thu, do đó người nghe pháp không được ghi chép, đọc tụng và nói Bát-nhã ba-la-mật. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người nói pháp tâm thích nói pháp nhưng người nghe pháp không muốn tiếp thu nên không được ghi chép, đọc tụng và nói Bát-nhã ba-la-mật. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người nói pháp thân rất mỏi mệt nặng nề, ưa ngủ nghỉ, không ưa thích nói pháp, người nghe pháp muốn nghe, thọ trì, đọc tụng. Không hòa hợp như thế cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu khi ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật, có người đến nói các khổ trong ba đường ác: Trong địa ngục có các khổ như vầy, trong loài ngạ quỷ, súc sinh có các khổ như vầy, chi bằng diệt hết khổ ngay thân này để chứng Niết-bàn, cần gì phải tái sinh để chịu các khổ ấy. Như thế, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên biết đó cũng là ma sự.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu khi ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật, có người đến ca ngợi sự vui sướng ở các cõi trời: Trong Dục giới có những khoái lạc năm dục, trong Sắc giới có khoái lạc thiền định, trong Vô sắc giới có tịch diệt định lạc. Những sự vui trong ba cõi đều là tướng vô thường, khổ, không, hoại diệt, đối với thân này có thể chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-lahán, không cần phải thọ lại thân sau. Bồ-tát nên biết đó cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người thuyết pháp thương mến đồ chúng nói như vầy: “Ai theo tôi thì tôi ban cho pháp Bát-nhã ba-la-mật, ai không theo thì tôi không ban cho.” Do nhân duyên này khi được nhiều người theo, người thuyết pháp muốn đi qua chỗ có sự nguy hiểm đến tánh mạng liền nói với mọi người: “Thiện nam tử, các ông biết hay chăng? Quý vị cần gì phải theo tôi qua chỗ nguy hiểm ấy, hãy khéo cân nhắc và suy nghĩ kỹ sau khỏi hối hận. Cớ sao đến chỗ đói khát oán tặc này”? Người thuyết pháp đem những lý do vụn vặt này để xa lìa mọi người. Người nghe pháp không vui, nghĩ đây là thái độ họ muốn bỏ mình, chẳng phải thái độ ban cho Bátnhã ba-la-mật, nên không được ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy là không hòa hợp, Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người thuyết pháp có việc phải đi qua chỗ có thú dữ như: Cọp, chó sói, sư tử, giặc cướp giết hại và chỗ không có nước, nên nói với mọi người: “Quý vị biết không, chỗ tôi đến sẽ đi qua chỗ có thú dữ, giặc cướp giết hại và chỗ không có nước, quý vị đâu có thể chịu sự khổ như vậy.” Người thuyết pháp đem những lý do nhỏ ấy để xa lìa mọi người, mọi người không thể theo được và nghĩ đây là thái độ họ muốn bỏ mình chẳng phải thái độ ban cho Bát-nhã ba-la-mật nên thoái lui. Những khó khăn này Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người thuyết pháp rất trọng người đàn-việt, vì thế thường lui tới đem việc ấy nói với người nghe pháp: “Các thiện nam tử, tôi có nghe người đàn-việt? Các vị nên đến thăm hỏi. Mọi người nghĩ rằng nghĩa đây là biểu hiện thái độ không ban cho Bát-nhã ba-la-mật nên những người nghe pháp bỏ đi, không được học tập, ghi chép, đọc tụng hay nói Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy là không hòa hợp, Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Những ác ma cố làm những việc đó là muốn không có người nào đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao ác ma cố làm những việc ấy khiến người ta không đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật?

–Này Tu-bồ-đề! Ác ma lừa dối mọi người: “Đây chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật chân thật, ta có kinh nói về Bát-nhã ba-la-mật chân thật.” Này Tu-bồ-đề! Ác ma lừa dối mọi người như thế ngươi chưa được thọ ký sẽ sinh ra nghi ngờ Bát-nhã ba-la-mật, do nghi ngờ nên không đọc tụng, không tu tập Bát-nhã ba-la-mật. Như thế, này Tu-bồ-đề Bồ-tát nên biết đó cũng là việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Lại có ma sự nếu Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật liền chứng thực tế quả Thanh văn. Như thế, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Phẩm 12: TIỂU NHƯ

Đức Phật bảo:

–Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật có nhiều ách nạn như vậy đó.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Bát-nhã ba-la-mật có nhiều ách nạn. Ví như có của báu thì có nhiều giặc cướp. Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, hành giả nào không thọ trì, đọc tụng, tu tập Bátnhã ba-la-mật nên biết họ là người mới phát tâm, thiếu trí tuệ, thiếu lòng tin, không thích đại pháp, bị ma nhiếp phục.

–Đúng vậy, đúng vậy, Tu-bồ-đề! Hành giả nào không thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật nên biết họ là người mới phát tâm, thiếu trí tuệ, thiếu lòng tin, không thích Đại pháp, bị ma nhiếp phục.

Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật tuy có nhiều việc ma và ách nạn như vậy nhưng nếu thiện nam, thiện nữ nào có khả năng thọ trì, ghi chép, đọc tụng, thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật thì nên biết các người này đều nhờ vào năng lực của Phật. Vì sao? Ác ma tuy có những việc làm muốn tiêu diệt Bát-nhã ba-la-mật, nhưng chư Phật cũng có những việc làm giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Ví như người mẹ có nhiều con hoặc mười, hoặc trăm, hoặc mười vạn, người mẹ bị bệnh, mỗi người con đều lo lắng chữa chạy và ước nguyện: “Chúng ta phải làm cách nào hữu hiệu nhất để mẹ được khỏi bệnh, sống lâu, thân thể được an ổn, không bị các khổ về nóng, lạnh, mưa, gió, muỗi mòng độc hại. Chúng ta phải cho mẹ uống thuốc để mẹ được lành bệnh. Vì sao? Vì mẹ sinh thành dưỡng dục chúng ta, ban cho chúng ta thọ mạng, chỉ dạy chúng ta việc đời, ân ấy thật sâu nặng.”

Tu-bồ-đề! Nay chư Phật hiện tại trong mười phương luôn nghĩ đến Bát-nhã ba-la-mật: “Bát-nhã ba-la-mật có thể sinh ra chư Phật, có thể biểu hiện Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Nhất thiết trí của chư Phật đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra.

Tu-bồ-đề! Chư Phật chứng đắc Vô thượng Bồ-đề hoặc đã chứng, đang chứng, sẽ chứng đều do Bát-nhã ba-la-mật. Tu-bồ-đề Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện Nhất thiết trí của mười phương chư Phật, cũng biểu hiện thế gian.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Ngài nói Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện chư Phật, biểu hiện thế gian. Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là thế gian?

Phật dạy:

–Năm ấm là thế gian.

–Bạch Đức Thế Tôn! Sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện năm ấm?

–Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện tướng bất hoại của năm ấm. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Không là tướng bất hoại; vô tướng, vô tác là tướng bất hoại. Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện thế gian như thế.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Chư Phật tùy theo vô lượng tâm tánh của chúng sinh mà biết như thật về tâm của họ. Như vậy, này Tu-bồđề! Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện chư Phật và thế gian.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Tâm chúng sinh loạn động hay thu nhiếp, tâm loạn động hay thu nhiếp ấy, chư Phật biết như thật.

Tu-bồ-đề! Như Lai làm thế nào để biết tâm loạn động hay tâm thu nhiếp của chúng sinh? Như Lai dùng pháp tướng để biết vậy. Tubồ-đề! Nhờ pháp tướng nên Như Lai biết tâm không phải loạn động và biết tâm loạn động như thế. Như Lai làm thế nào để biết tâm thu nhiếp? Này Tu-bồ-đề! Như Lai biết rốt ráo tướng của tâm, biết như thật rốt ráo về tướng ấy, đó là biết tâm thu nhiếp.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Chúng sinh có tâm nhiễm ô, Như Lai biết như thật về tâm nhiễm ô, tâm sân giận, tâm ngu si, Như Lai biết như thật về tâm sân giận, tâm ngu si. Như Lai làm thế nào để biết như thật về tâm nhiễm ô, tâm sân giận, tâm ngu si? Này Tu-bồ-đề! Tướng như thật của tâm nhiễm ô tức chẳng phải tâm nhiễm ô, tướng như thật của tâm sân giận, tâm ngu si tức chẳng phải tâm sân giận, tâm ngu si. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Nhất thiết trí của chư Phật sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật.

Khi chúng sinh xa lìa tâm nhiễm ô, Như Lai làm thế nào để biết như thật chúng sinh xa lìa tâm nhiễm ô; xa lìa tâm sân giận, như thật biết xa lìa tâm sân giận; xa lìa tâm ngu si, như thật biết xa lìa tâm ngu si? Này Tu-bồ-đề! Xa lìa tâm nhiễm ô không xa lìa tướng nhiễm ô; xa lìa tâm sân giận không xa lìa tướng sân giận; xa lìa tâm ngu si không xa lìa tướng ngu si. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật, biểu hiện cho chư Phật và thế gian.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Tâm chúng sinh rộng rãi, Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật biết như thật tâm rộng rãi ấy. Như Lai làm thế nào để biết như thật tâm rộng rãi của chúng sinh? Này Tu-bồđề! Tâm chúng sinh không tăng, không rộng rãi, không xa lìa tướng xa lìa. Đó là Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật để biết như thật về tâm rộng rãi của chúng sinh.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Tâm chúng sinh rộng lớn, Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật biết như thật tâm rộng lớn ấy. Như Lai làm thế nào để biết tâm rộng lớn của chúng sinh? Này Tu-bồ-đề! Như Lai biết đó là tâm không đến, không đi, không trụ. Như thế Tu-bồ-đề đó là Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật để biết như thật về tâm rộng lớn của chúng sinh.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Tâm chúng sinh vô lượng Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật biết như thật tâm vô lượng ấy. Như lai làm thế nào để biết như thật tâm vô lượng của chúng sinh? Này Tu-bồđề! Như Lai biết đó là tâm loạn động, còn tâm trụ là tâm ở trong vắng lặng, không chỗ nương tựa như hư không vô lượng, biết tâm cũng như vậy. Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Đó là Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật để biết như thật về tâm vô lượng của chúng sinh.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Chúng sinh không thể thấy tâm, Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật biết như thật chúng sinh không thể thấy tâm. Như Lai làm thế nào để biết như thật chúng sinh không thể thấy tâm? Như Lai dùng nghĩa vô tướng để biết như thật chúng sinh không thể thấy tâm. Đó là Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật để biết như thật chúng sinh không thể thấy tâm.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Chúng sinh không hiện tâm, Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật biết như thật chúng sinh không hiện tâm. Như Lai làm thế nào để biết như thật chúng sinh không hiện tâm? Đó là tâm thuộc ngũ nhãn không thể thấy. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật để biết như thật chúng sinh không hiện tâm.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật biết sự ẩn hiện của chúng sinh. Như Lai làm thế nào để biết sự ẩn hiện của chúng sinh? Chúng sinh có sự ẩn hiện là nương theo sắc sinh ra; nương theo thọ, tưởng, hành, thức sinh ra. Những gì là các sự ẩn và hiện? Sự sống chết đó là ngã và thế gian là thường, nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ngã và thế gian vô thường. Thường, vô thường, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường đều nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thế giới hữu biên, thế giới vô biên, hữu biên, vô biên, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, những tri kiến ấy đều nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sau khi chết mất hẳn, không mất hẳn, vừa mất hẳn, vừa không mất hẳn, chẳng phải không mất hẳn, nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng phải không nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, những tri kiến ấy đếu nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thân tức là thần tri kiến ấy nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thân khác, thân khác tri kiến ấy nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, này Tu-bồđề! Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật để biết sự ẩn hiện của chúng sinh.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật biết được tướng của sắc. Sao gọi là biết được tướng của sắc? Đó là biết như như. Tu-bồ-đề! Như Lai biết tướng của thọ, tưởng, hành, thức. Làm thế nào để biết tướng của thọ, tưởng, hành, thức? Đó là biết như như.

Tu-bồ-đề! Như Lai nói năm ấm như tức nói đến ẩn và hiện, năm ấm như tức là thế gian như, năm ấm như tức là tất cả pháp như, tất cả pháp như tức là quả Tu-đà-hoàn như, quả Tư-đà-hàm, quả Ana-hàm, quả A-la-hán, Bích-chi-phật như; Bích-chi-phật như tức Như Lai như, các như đều là nhất như, không hai, không khác, không hết, không lượng. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Như Lai nương vào Bát-nhã ba-la-mật biết được tướng Như. Đó là Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện cho chư Phật, thế gian và có thể sinh ra chư Phật.

Chư Phật biết thế gian như, như thật đắc Như nên gọi là Như Lai.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như này rất thâm sâu, Vô thượng Bồ-đề của chư Phật đều từ như này sinh ra. Bạch Thế Tôn! Như Lai đắc pháp thậm thâm ấy có thể vì chúng sinh thuyết tướng chân như, nhưng ai có thể tin hiểu tướng chân như ấy? Chỉ có Bồ-tát không thoái chuyển, bậc có chánh kiến đầy đủ, bậc A-la-hán mãn nguyện mới có thể tin hiểu.

Này Tu-bồ-đề! Như vậy là vô tận, Như Lai nói như thật về vô tận.

Phẩm 13: TƯỚNG VÀ VÔ TƯỚNG

Lúc bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân và một vạn Thiên tử cõi Dục, hai vạn Thiên tử cõi Phạm thế cùng đến đảnh lễ Đức Phật rồi đứng sang một bên, thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp này thật thâm sâu, ở trong pháp đó, sao gọi là tác tướng.

Đức Phật bảo với các đệ tử:

–Các Pháp dùng chân không làm tướng; dùng vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sinh, vô diệt, vô y làm tướng.

Chư Thiên thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã nói các tướng ấy như là không, không có chỗ y cứ, các tướng như thế. Tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la không thể hoại diệt. Vì sao? Vì tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la tức là tướng ấy.

Bạch Đức Thế Tôn! Các tướng ấy không thể tạo tác, không ở trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức, các tướng ấy chẳng phải do nhân tạo tác, cũng chẳng phải do phi nhân tạo tác.

Đức Phật bảo các Thiên tử ở cõi Sắc:

–Này chư Thiên tử! Có người hỏi hư không do ai tạo tác? Người đó hỏi đúng không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Hư không, không có ai tạo tác. Vì sao? Vì hư không vô vi. Này chư Thiên tử, các tướng ấy cũng như vậy, có Phật hay không có Phật các tướng ấy vẫn thường trụ không khác, Như Lai chứng đắc các tướng ấy nên gọi là Như Lai.

Các Thiên tử thưa:

–Như Lai thuyết các tướng thậm thâm, trí tuệ của chư Phật vô ngại, có thể biểu hiện chân như, cũng có thể thuyết hành tướng Bátnhã ba-la-mật. Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật là hành xứ của chư Phật cũng chính là biểu hiện cho chư Phật và thế gian.

Lại nữa Tu-bồ-đề:

–Chư Phật y chỉ vào pháp và cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán pháp. Pháp đó là Bát-nhã ba-la-mật, chư Phật cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật sinh ra chư Phật.

Tu-bồ-đề! Như Lai là Bậc biết ân, biết báo ân, nếu có người hỏi đúng đắn ai biết ân và biết báo ân, hãy đáp Đức Phật là Bậc biết ân và biết báo ân.

Tu-bồ-đề! Tại sao gọi Đức Phật là Bậc biết ân và biết báo ân? Chỗ hành đạo và hành pháp của Đức Như Lai, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, chính là hộ niệm đạo ấy và pháp ấy. Vì sự việc đó cho nên biết rằng, Phật là Bậc biết ân và biết trả ân.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như Lai biết tất cả pháp là vô tác, đó cũng chính là biết ân. Tu-bồ-đề! Như Lai cũng nhờ Bát-nhã ba-lamật mà biết tướng của tất cả pháp là vô tác, đắc trí tuệ ấy là nhờ vào nhân duyên Bát-nhã ba-la-mật. Do đó Bát-nhã ba-la-mật cũng biểu hiện cho chư Phật và thế gian.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp không biết, không thấy sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện cho chư Phật và thế gian?

–Này Tu-bồ-đề! Đúng vậy, đúng vậy. Tất cả pháp không biết, không thấy. Này Tu-bồ-đề! Nhưng tại sao tất cả pháp không biết? Vì tất cả pháp là không. Tại sao tất cả pháp không thấy được? Vì tất cả pháp không chỗ y cứ. Vì vậy tất cả pháp không biết, không thấy.

Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ Bát-nhã ba-la-mật nên đắc pháp như vậy, thế nên Bát-nhã ba-la-mật cũng biểu hiện cho chư Phật và thế gian. Như vậy không thấy sắc nên biểu hiện thế gian, không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên biểu hiện thế gian. Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện chư Phật và thế gian như thế.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao nói không thấy sắc nên biểu hiện thế gian? Tại sao gọi là không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên biểu hiện thế gian?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu không duyên vào sắc để sinh ra sắc thì gọi là không kiến chấp sắc; nếu không duyên vào thọ, tưởng, hành, thức để sinh ra thọ, tưởng, hành, thức thì gọi là không kiến chấp thọ, tưởng, hành, thức. Không kiến chấp thế gian như vậy gọi là thấy rõ thế gian.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Thế gian không, Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện như thật thế gian không; tướng xa lìa của thế gian, Bát-nhã bala-mật biểu hiện như thật tướng xa lìa của thế gian; tướng thanh tịnh của thế gian, Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện như thật tướng thanh tịnh của thế gian; thế gian tịch diệt, Bát-nhã ba-la-mật biểu hiện như thật thế gian tịch diệt.

Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật cũng biểu hiện chư Phật và thế gian như thế.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật là việc lớn nên xuất hiện; Bát-nhã ba-la-mật là những việc không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường, không gì sánh bằng nên xuất hiện. Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật là việc lớn, là những việc không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường, không gì sánh bằng nên xuất hiện. Tu-bồ-đề! Sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật là Đại sự, không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường, không gì sánh bằng nên xuất hiện?

Tu-bồ-đề! Pháp Như Lai, pháp tự nhiên, pháp của Bậc Nhất Thiết Trí rộng lớn không thể nghĩ bàn, không thể trù tính. Vì thế, Bát-nhã ba-la-mật là việc lớn, việc không thể nghĩ bàn cho nên xuất hiện. (Sao gọi Bát-nhã ba-la-mật là việc không thể cân, việc không thể đo lường nên xuất hiện?)

Tại sao Bát-nhã ba-la-mật là việc không gì sánh bằng nên xuất hiện? Này Tu-bồ-đề! Không gì sánh bằng Như Lai huống nữa là hơn. Thế nên, Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật là việc không gì sánh bằng nên xuất hiện.

–Bạch Đức Thế Tôn! Chỉ có pháp Như Lai, pháp tự nhiên, pháp của Bậc Nhất Thiết Trí không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường; còn sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường hay sao?

–Này Tu-bồ-đề! Sắc cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường; thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường. Tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể tính lường. Vì sao? Này Tu-bồ-đề vì thật tướng của các pháp không có tâm, tâm sở pháp.

Tu-bồ-đề! Sắc không thể cân; thọ, tưởng, hành, thức không thể cân. Tất cả pháp cũng không thể cân, trong các pháp này không có phân biệt.

Tu-bồ-đề! Sắc không thể tính lường; thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể tính lường. Tất cả pháp cũng không thể tính lường? Này Tu-bồ-đề! Vì sao? Sắc không thể tính lường; thọ, tưởng, hành, thức không thể tính lường, tất cả pháp không thể tính lường. Này Tubồ-đề! Sắc lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt; thọ, tưởng, hành, thức lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt; tất cả pháp lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt.

Tu-bồ-đề! Vì sao sắc lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt; thọ, tưởng, hành, thức lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt; tất cả pháp lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt? Này Tu-bồ-đề! Vì sao sắc vô sở hữu; thọ, tưởng, hành, thức vô sở hữu; tất cả pháp vô sở hữu nên lượng không thể nắm bắt?

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Hư không có tâm và tâm sở pháp không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Tu-bồ-đề! Do nhân duyên này nên tất cả pháp không thể nghĩ bàn, diệt mọi tính lường nên gọi là không thể nghĩ bàn; diệt mọi cân lường nên gọi là không thể lường. Tu-bồ-đề! Đo lường là hoạt động của thức. Tu-bồ-đề! Vô lượng là vượt mọi sự tính lường. Tu-bồ-đề! Như hư không không thể nghĩ bàn, không thể đo, không thể tính lường; Như Lai pháp, tự nhiên pháp, Nhất thiết trí, nhân pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể tính lường.

Khi Đức Phật nói pháp không thể nghĩ bàn, không gì sánh bằng này, có năm trăm Tỳ-kheo, hai trăm năm mươi Tỳ-kheo-ni không chấp vào các pháp, sạch hữu lậu tâm, được giải thoát, sáu vạn Ưubà-tắc, ba vạn Ưu-bà-di đắc Pháp nhãn tịnh trong các pháp, hai mươi Bồ-tát đắc Vô sinh pháp nhẫn, ở trong hiền kiếp này đều sẽ được thành Phật.

Khi ấy, Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này vì việc lớn nên xuất hiện, cho đến vì không gì sánh bằng nên xuất hiện.

Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này vì việc lớn nên xuất hiện, cho đến vì không gì sánh bằng nên xuất hiện. Nhất thiết trí của chư Phật đều ở trong Bát-nhã ba-lamật, tất cả quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật đều ở trong Bát-nhã bala-mật.

Tu-bồ-đề! Ví như vua Sát-đế-lợi đã được quán đảnh, mọi việc

trong thành ấp, xóm làng đều giao phó cho đại thần, vua không còn lo việc gì nữa. Này Tu-bồ-đề! Chư Như Lai cũng vậy, việc làm của Thanh văn, Bích-chi-phật, việc làm của Phật đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật có khả năng thành tựu mọi việc. Vì thế, này Tu-bồ-đề! Nên biết Bát-nhã ba-la-mật xuất hiện là việc lớn cho đến là việc không gì sánh bằng.

Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật không thọ nhận và không chấp trước sắc nên xuất hiện; không thọ nhận và không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức nên xuất hiện; không chấp trước quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, Bích-chi-phật cho đến Nhất thiết trí cũng không thọ nhận không chấp trước nên xuất hiện.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật không thọ nhận Nhất thiết trí và không chấp trước Nhất thiết trí?

–Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Ông có thấy pháp A-la-hán có thể thọ nhận không thể chấp trước được không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Con không thấy pháp đó có thể sinh ra sự chấp trước.

Phật dạy:

–Lành thay, lành thay, này Tu-bồ-đề! Ta cũng không thấy pháp của Như Lai. Vì không thấy nên không thọ nhận không chấp trước, do đó, Tu-bồ-đề! Nhất thiết trí không thể thọ nhận không thể chấp trước.

Lúc bấy giờ, chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Sự thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật thật khó hiểu, khó biết, người nào có thể hiểu được sự thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật thì nên biết đời trước người đó đã từng cúng dường chư Phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều tạo tác lòng tin và thực hành, tu hành ở trong địa Tín và Hạnh, hoặc giả một kiếp hoặc giả một kiếp giảm và có chúng sinh biết suy nghĩ quán nhẫn cho đến thông suốt sự thậm thâm của Bátnhã ba-la-mật dù chỉ một ngày thì phước nào hơn?

Phật bảo các Thiên tử:

–Thiện nam, thiện nữ nào nghe được sự thâm sâu của Bát-nhã ba-la-mật, mau chứng đắc Niết-bàn phước này hơn hẳn những người tu hành trong Tín hạnh địa suốt một kiếp hoặc một kiếp giảm.

Khi ấy các Thiên tử ở cõi Dục và cõi Sắc đầu đảnh lễ, nhiễu quanh Đức Phật và lui ra, đi một đoạn không xa rồi biến mất. Chư Thiên cõi Dục trở về trời Dục giới; chư Thiên tử cõi Sắc trở về trời Sắc giới.

Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ-tát có khả năng tin hiểu sự thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật, vì sao còn tái sinh cõi này?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu Bồ-tát nghe được sự thậm thâm của Bát-nhã ba-la-mật liền có lòng tin hiểu, không nghi ngờ, không hối hận, không trách móc, không vặn vẹo, thích thấy, thích nghe và luôn thực hành. Với ý niệm đó, Bồ-tát không rời khỏi người thuyết giảng Bát-nhã ba-lamật. Tu-bồ-đề! Ví như nghé con mới sinh ra không rời mẹ của nó. Bồ-tát cũng vậy, khi nghe được sự thậm thâm của Bát-nhã ba-lamật thì không rời người thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật, cho đến đọc tụng, ghi chép Bát-nhã ba-la-mật. Tu-bồ-đề! Nên biết, Bồ-tát này bỏ thân người lại vẫn tái sinh trong loài người.

–Bạch Đức Thế Tôn! Có một số Bồ-tát thành tựu nhân duyên công đức như thế, các vị ấy cúng dường chư Phật ở thế giới phương khác, vị kia sau khi mạng chung có sinh trở lại ở thế gian này hay không?

–Tu-bồ-đề! Có Bồ-tát thành tựu công đức như vậy là đã cúng dường chư Phật ở thế giới phương khác, sau khi bỏ thân ở phương đó sẽ tái sinh vào thế giới này, người kia khi mạng chung sẽ sinh trở lại thế gian này.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có Bồ-tát thành tựu công đức như vậy, vị đó ở cõi trời Đâu-suất nghe Bồ-tát Di-lặc giảng Bát-nhã ba-la-mật, hỏi những việc trong Bát-nhã ba-la-mật, sau khi bỏ thân ở đó sẽ tái sinh vào thế giới này.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đời trước nếu người nào nghe Bát-nhã bala-mật thâm sâu mà không hỏi ý nghĩa của nó, nếu sinh vào cõi người, tâm người đó vẫn còn nghi ngờ, do dự. Tu-bồ-đề! Nên biết đời trước người đó không chỗ đạt đến. Vì sao? Vì đối với Bát-nhã ba-la-mật tâm họ còn nghi ngờ, do dự.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đời trước, người nào trong một ngày, hai, ba, bốn, năm ngày nghe Bát-nhã ba-la-mật, hỏi những việc trong Bát-nhã ba-la-mật mà không làm đúng như pháp. Vào những kiếp sau, người đó lại tiếp tục được nghe Bát-nhã ba-la-mật hỏi những việc trong Bát-nhã ba-la-mật, tín tâm không bị trở ngại nhưng nếu xa lìa Pháp sư, không hỏi vặn lẽ khó khăn nữa, vẫn bị nhân duyên kéo dắt, thì mất Bát-nhã ba-la-mật sâu xa. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Pháp là như vậy.

Nếu người nào tuy có thể hỏi những lẽ khó khăn trong Bát-nhã ba-la-mật nhưng không thực hành đúng pháp, có lúc thích nghe có lúc không thích nghe Bát-nhã ba-la-mật, tâm họ bị dao động như tấm vải mỏng, nên biết Bồ-tát này mới phát tâm Đại thừa, lòng tin của Bồ-tát ấy không thanh tịnh, nếu không được Bát-nhã ba-la-mật bảo hộ, ở trong hai Địa, Bồ-tát ấy sẽ rơi vào một nơi, hoặc giả rơi vào địa Thanh văn, hoặc giả rơi vào địa Bích-chi-phật.

Phẩm 14: THUYỀN DỤ

Khi ấy, Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ví như chiếc thuyền bỗng dưng bị phá vỡ giữa biển lớn, người trong thuyền không với lấy được gỗ, hoặc ván hoặc phao, hoặc thây chết, nên biết, người đó không thể đến bờ bên kia mà bị chết chìm dưới nước. Tu-bồ-đề! Nếu người trong thuyền với lấy được gỗ ván, phao nổi, hoặc thây chết, nên biết, người đó không bị chết chìm, an ổn, không sầu não đến được bờ bên kia.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy, đối với quả Vô thượng Bồ-đề có tín tâm, có lòng kiên nhẫn, có sự ưa thích, có tâm thanh tịnh, có dục, có giải, có xả ly, có tinh tấn, nhưng không chấp thủ vào Bátnhã ba-la-mật, nên biết Bồ-tát đó bị thoái lui giữa đường, rơi vào Thanh văn địa hoặc Bích-chi-phật địa.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với qủa Vô thượng Bồ-đề, có tín, có nhẫn, có lạc, có tịnh tâm, có thâm tâm, có dục, có giải, có xả ly, có tinh tấn, chấp vào Bát-nhã ba-la-mật và được phương tiện Bát-nhã ba-la-mật bảo hộ giữa đường không thoái lui, vượt qua Thanh văn địa, Bích-chi-phật địa, sẽ trụ ngôi Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Ví như có người cầm bình đến sông, giếng, ao, suối lấy nước, nên biết, bình đó bị bể nát, không lâu sẽ trở lại thành đất. Vì sao? Vì bình đó chưa nung chín.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy, đối với quả Vô thượng Bồ-đề có tín, có nhẫn nại, có lạc, có tâm thanh tịnh, có thâm tâm, có dục, có giải, có xả ly, có tinh tấn nhưng không được phương tiện Bát-nhã bala-mật bảo hộ, nên biết Bồ-tát đó chưa đắc Nhất thiết trí, giữa đường bị thoái lui.

Tu-bồ-đề! Thế nào là Bồ-tát thoái lui giữa đường? Nghĩa là Bồ-tát rơi vào Thanh văn hoặc Bích-chi-phật địa.

Tu-bồ-đề! Ví như có người cầm bình đã nung chín đến sông, giếng, ao, suối lấy nước, cái bình đó chắc chắn không bị vỡ nên lấy được nước đem về. Vì sao? Vì bình đó đã được nung chín.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy, đối với quả Vô thượng Bồ-đề có tín, có nhẫn, có lạc, có tịnh tâm, có thâm tâm, có dục, có giải, có xả ly, có tinh tấn và được phương tiện Bát-nhã ba-la-mật bảo hộ, nên biết Bồ-tát đó không thoái lui giữa đường được Nhất thiết trí một cách an ổn.

Tu-bồ-đề! Ví như trong biển lớn, thuyền chưa được sửa chữa đàng hoàng mà dùng chở của cải, trên đường đi bị chìm làm mất hết của cải. Vì thương nhân không có phương tiện tốt để giữ gìn chiếc thuyền nên mất nhiều của cải, tự chuốc sầu khổ.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy, đối với quả Vô thượng Bồ-đề có tín cho đến có tinh tấn nhưng không được phương tiện Bát-nhã bala-mật bảo hộ nên chưa đạt đến Nhất thiết trí, thoái lui giữa đường làm mất của quý. Rồi tự chuốc lấy sầu khổ. Bồ-tát thoái lui giữa đường tức là rơi vào Thanh văn hoặc Bích-chi-phật địa; Bồ-tát mất của báu tức là mất của báu Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề! Ví như trong biển lớn, thuyền được sửa sang chắc chắn dùng chở của cải, trên đường đi không bị chìm đắm, tùy chỗ muốn đến sẽ đến được. Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy, đối với quả Vô thượng Bồ-đề có tín cho đến tinh tấn, được phương tiện Bát-nhã bala-mật bảo hộ, nên biết Bồ-tát đó không thoái lui giữa đường đối với quả Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì pháp là như vậy.

Nếu Bồ-tát đối quả Vô thượng Bồ-đề có tín cho đến có tinh tấn, được phương tiện Bát-nhã ba-la-mật bảo hộ thì không rơi vào Thanh văn hay Bích-chi-phật địa. Nhờ các công đức đó nên được hướng đến quả Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Ví như người già một trăm hai mươi tuổi có nhiều bệnh tật như phong, hàn, nóng, lạnh…

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, đang nằm trên giường người đó có thể ngồi dậy được không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Tu-bồ-đề! Người đó có lúc đứng dậy được.

–Bạch Đức Thế Tôn! Giả sử người đó có thể ngồi dậy nhưng không thể đi xa mười dặm, hoặc hai mươi dặm. Vì sao? Vì người đó đã già yếu, nhiều bệnh tật, tuy ngồi dậy được nhưng không thể đi xa.

–Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy, tuy phát tâm Vô thượng Bồ-đề, có tín cho đến có tinh tấn; đối với Vô thượng Chánh đẳng giác, vị ấy có lòng tin cho đến có tinh tấn, nhưng không được phương tiện Bátnhã ba-la-mật bảo hộ, nên chưa đạt được Nhất thiết trí, thoái chuyển giữa đường rơi vào Thanh văn hay Bích-chi-phật địa.

Tu-bồ-đề! Người già một trăm hai mươi tuổi bị bệnh phong, hàn, nóng, lạnh muốn ngồi dậy phải có hai người khỏe mạnh đến đỡ hai bên và nói lời an ủi: “Cụ muốn đến đâu chúng tôi sẽ đưa đến đó, không sợ ngã giữa đường.”

Bồ-tát cũng vậy, đối với quả Vô thượng Bồ-đề có tín cho đến có tinh tấn, được phương tiện Bát-nhã ba-la-mật bảo hộ, nên biết Bồ-tát đó không thoái lui giữa đường và có thể đạt đến quả Vô thượng Bồ-đề.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10