SỐ 227
KINH TIỂU PHẨM BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: TỰA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, ở núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương xá, Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Đại Tỳ-kheo, đều là các Bậc A-la-hán, lậu hoặc đã hết, như voi chúa đã thuần thục, việc làm đã xong, vứt bỏ gánh nặng, đã được tự lợi dứt sạch hết kết sử, chánh trí giải thoát tâm được tự tại, chỉ trừ A-nan.

Khi ấy, Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông hãy nói về Bát-nhã ba-la-mật mà Bồ-tát nên thành tựu.

Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Tu-bồ-đề bằng khả năng của mình, mà thuyết giảng hay nhờ thần lực của Phật.”

Tu-bồ-đề biết ý nghĩ ấy, nên nói với Xá-lợi-phất:

–Các đệ tử Phật dám nói lên điều gì, đều nhờ thần lực của Phật. Vì sao? Vì người học pháp do Phật nói ra và chứng được, các pháp tướng ấy đã chứng được rồi nên khi nói ra điều gì cũng đúng với pháp tướng, nhờ năng lực của pháp tướng.

Khi ấy Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Phật dạy con hãy giảng những pháp để thành

tựu Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát.

Bạch Thế Tôn! Gọi là Bồ-tát vì có những pháp gì; con không thấy có pháp gì gọi là Bồ-tát cả?

Bạch Thế Tôn! Con không thấy Bồ-tát không chứng đắc Bồtát, cũng không thấy, không chứng đắc Bát-nhã ba-la-mật, vậy nên dạy những Bồ-tát nào về Bát-nhã ba-la-mật? Nếu Bồ-tát nghe lời nói đó, không lo, không sợ, không vứt bỏ, không thoái chuyển, thực hành như vậy là dạy Bồ-tát về Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Khi Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật nên học như vậy, không nghĩ: “Đó là tâm của Bồ-tát.” Vì sao? Vì tâm này không phải là tâm, hành tướng của tâm vốn thanh tịnh. Khi ấy, Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Có tâm, chẳng phải tâm này không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Nếu tâm là chẳng phải tâm, vậy có hay không?

Xá-lợi-phất nói:

–Không.

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất:

–Nếu tâm chẳng phải là tâm, thì không thể có hữu vô. Thế này mà lại nói rằng có tâm không có tâm hay sao?

Xá-lợi-phất hỏi:

–Pháp gì gọi là chẳng phải tâm?

Tu-bồ-đề nói:

–Không phá hoại, không phân biệt. Bồ-tát nghe nói như vậy thì không lo sợ, không mai một, không ẩn nấp, không thoái chuyển, nên biết Bồ-tát này không xa lìa hạnh Bát-nhã ba-la-mật.

Nếu thiện nam, tín nữ nào muốn học quả vị Thanh văn nên nghe Bát-nhã ba-la-mật này, thọ trì, đọc tụng và hành trì đúng như pháp. Muốn học địa vị Bích-chi nên nghe Bát-nhã ba-la-mật này thọ trì, đọc tụng và hành trì đúng như pháp. Muốn học địa vị Bồ-tát cũng nên nghe Bát-nhã ba-la-mật này mà thọ trì, đọc tụng và hành trì đúng như pháp. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật rộng nói pháp mà Bồ-tát cần phải học.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con không thể không thấy Bồ-tát vậy nên dạy Bồ-tát nào về Bát-nhã ba-la-mật?

Bạch Thế Tôn! Con không thấy pháp Bồ-tát có đến hoặc đi, mà cùng Bồ-tát nói lên ngôn ngữ thì với Bồ-tát ấy con sinh ra nghi ngờ.

Bạch Thế Tôn! Lại nữa, ngôn ngữ Bồ-tát không quyết định, không trụ xứ. Vì sao? Vì ngôn ngữ đó là vô sở hữu, vô sở hữu đó cũng không xác định, không xứ sở. Nếu Bồ-tát nghe việc này không lo, sợ, không mai một, không thoái lui, nên biết Bồ-tát đó rốt cuộc trụ vào địa vị không thoái chuyển, trụ không chỗ trụ, không thoái chuyển, nên biết Bồ-tát đó đạt đến không thoái chuyển địa, trụ không chỗ trụ.

Lại nữa bạch Thế Tôn! Khi Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, không nên trụ trong sắc; không nên trụ trong thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Nếu trụ trong sắc là hành theo sắc. Nếu trụ trong thọ, tưởng, hành, thức là hành theo thức hoặc hành theo pháp, thì không thể thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, không thể tu tập Bát-nhã ba-la-mật, không đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật thì không thể thành tựu Nhất thiết trí. Vì sao? Vì sắc không thọ nhận tưởng; thọ, tưởng, hành, thức không thọ nhận tưởng. Nếu sắc không thọ nhận thì không phải là sắc. thọ, tưởng, hành, thức không thọ nhận thì chẳng phải là thức. Bát-nhã ba-la-mật cũng không thọ nhận, Bồ-tát học như vậy để thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Đó gọi là pháp của Bồ-tát không thọ nhận với Tam-muội rộng lớn vô lượng vô định. Tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật không thể hủy hoại. Vì sao? Vì Tam-muội đó không thể lấy tướng mà chứng đắc. Nếu Tam-muội này có thể dùng tướng mà chứng đắc, thì Phạm chí Tiên Ni không nên sinh tín tâm đối với trí Nhất thiết trí. Phạm chí Tiên Ni này dùng hữu lượng trí nhập vào pháp ấy, đã nhập vào rồi thì không thọ nhận sắc, không thọ nhận thọ, tưởng, hành, thức. Phạm chí này không lấy sự nghe được để mà thấy; trí này không lấy sắc bên trong để thấy; trí này không lấy sắc nên ngoài để thấy; lìa sắc bên trong hay bên ngoài để thấy; trí này cũng không lìa sắc bên trong hay bên ngoài để thấy; trí này không lấy thọ, tưởng, hành, thức bên trong để thấy; trí này không lấy thọ, tưởng, hành, thức bên ngoài để thấy, trí này không lấy thọ, tưởng, hành, thức bên trong hay bên ngoài để thấy, trí này cũng không lìa thọ, tưởng, hành, thức bên trong hay bên ngoài để thấy. Đây là trí Nhất thiết trí mà Phạm chí Tiên Ni tin và hiểu rõ, do chứng đắc thực tướng của các pháp nên được giải thoát. Khi được giải thoát rồi thì ở trong các pháp không chấp giữ, không xả bỏ, cho đến Niết-bàn cũng không chấp giữ, không xả bỏ.

Bạch Thế Tôn! Đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát. Không thọ nhận sắc, không thọ nhận thọ, tưởng, hành, thức. Tuy không thọ nhận sắc, không thọ nhận thọ, tưởng, hành, thức nhưng chưa đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng của Phật, quyết không nhập Niết-bàn ở giữa đường.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên suy nghĩ như vậy. Những pháp nào gọi là Bát-nhã ba-la-mật, ai là người hành Bát-nhã ba-la-mật. Nếu pháp không thể nắm bắt được là Bát-nhã ba-la-mật chăng? Nếu Bồ-tát suy nghĩ như vậy, lúc quán sát sẽ không kinh sợ, không mai một, không thoái chuyển, nên biết Bồ-tát này không xa lìa sự thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Lúc ấy, Xá-lợi-phất hỏi với Tu-bồ-đề:

–Nếu sắc xa lìa sắc tánh; thọ, tưởng, hành, thức xa lìa thức tánh; Bát-nhã ba-la-mật xa lìa Bát-nhã ba-la-mật tánh, thì cớ sao nói Bồ-tát không xa lìa hạnh Bát-nhã ba-la-mật?

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng như vậy, Xá-lợi-phất! Sắc xa lìa sắc tánh; thọ, tưởng, hành, thức xa lìa thức tánh; Bát-nhã ba-la-mật xa lìa Bát-nhã ba-lamật tánh; pháp này đều xa lìa tự tánh, tánh tướng cũng xa lìa.

Xá-lợi-phất nói:

–Nếu Bồ-tát học trong đó có thành tựu Nhất thiết trí không?

Tu-bồ-đề nói như vậy:

–Xá-lợi-phất, Bồ-tát học như vậy có thể thành tựu Nhất thiết trí. Vì sao? Vì tất cả pháp vô sinh không thành tựu. Nếu Bồ-tát thực hành như vậy thì thân cận Nhất thiết trí.

Khi ấy Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất:

–Nếu Bồ-tát thực hành sắc hành làm hành tướng, nếu sinh ra sắc hành làm hành tướng, nếu diệt sắc hành làm hành tướng, nếu lìa sắc hành làm hành tướng, nếu không sắc hành làm hành tướng, thì ta thực hành, hành động này cũng là hành tướng. Nếu thực hành thọ, tưởng, hành, thức làm hành tướng, nếu sinh thức hành làm hành tướng, nếu diệt thức hành làm hành tướng, nếu lìa thức hành làm hành tướng, nếu không thức hành làm hành tướng thì ta thực hành hành động này cũng là hành tướng.

Ai nghĩ: “Người có thể làm như vậy là thực hành Bát-nhã bala-mật, thì cũng là hành tướng”, nên biết Bồ-tát này chưa khéo biết phương tiện.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Nay Bồ-tát thực hành thế nào gọi là hành Bát-nhã ba-la-mật?

Tu-bồ-đề nói:

–Nếu Bồ-tát không thực hành sắc, không thực hành sắc sinh, không thực hành sắc diệt, không thực hành sắc hoại, không thực hành sắc không, không thực hành thọ, tưởng, hành, thức, không thực hành thức sinh, không thực hành thức diệt, không thực hành thức hoại, không thực hành thức không, đó gọi là hành Bát-nhã ba-lamật. Không nhớ nghĩ hành Bát-nhã ba-la-mật, không nhớ nghĩ không thực hành, không nhớ nghĩ hành hay không hành, cũng không nghĩ không làm không phải không làm, gọi là thực hành Bát-nhã ba-lamật. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả pháp không thọ nhận tưởng. Đó gọi là các pháp của Bồ-tát không thọ nhận chánh định vô lượng, vô định. Tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật không thể phá hoại. Bồ-tát thực hành định này mau chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.

Tu-bồ-đề nương oai thần của Phật mà nói:

–Nếu Bồ-tát thực hành định này không nhớ nghĩ không phân biệt: “Đây là định ta nên vào trong định này, ta đang vào định, ta đã vào định rồi.” Nếu không phân biệt như vậy thì biết Bồ-tát này được chư Phật thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát đã thực hành định này được chư Phật thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác; định này có thể chỉ giáo không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Dạ không, thưa ngài Xá-lợi-phất! Vì sao vậy? Thiện nam không phân biệt đó là Tam-muội. Vì sao vậy? Vì tánh Tam-muội vốn không có sở hữu.

Đức Phật khen ngợi Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Ta nói ông là người tối thượng về nhập Tam-muội Vô tránh, như lời ta dạy. Bồ-tát nên học Bát-nhã ba-lamật như vậy, nếu người học như vậy gọi là học Bát-nhã ba-la-mật.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát học như vậy là học pháp nào?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát học như vậy, là đối với các pháp không chỗ học. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất đó là các pháp không phải như phàm phu đã chấp trước.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là có?

Phật dạy:

–Như không chỗ có gọi là có; như vậy các pháp không chỗ có nên gọi là vô minh, phàm phu phân biệt vô minh, tham đắm chấp trước vô minh, đọa lạc ở hai bên không biết, không thấy, nhớ tưởng phân biệt, đối với pháp không thật có nên tham đắm danh sắc, do tham đắm chấp trước đó nên không biết không thấy các pháp vốn không có sở hữu, không ra khỏi, không tin tưởng, không an trú, thế nên đọa trong hạng phàm phu tham đắm chấp trước.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát học như vậy, cũng không học Nhất thiết trí.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát học như vậy, cũng không học Nhất thiết trí, học như vậy cũng gọi là học Nhất thiết trí, thành tựu Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có ai hỏi người huyễn học Nhất thiết trí sẽ thành tựu Nhất thiết trí không thì con sẽ trả lời như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Ta hỏi ông tùy ý trả lời. Ý ông thế nào? Huyễn khác sắc, sắc khác huyễn, huyễn khác thọ, tưởng hành, thức không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Huyễn không khác sắc, sắc không khác huyễn, huyễn tức là sắc, sắc tức là huyễn, huyễn không khác thọ, tưởng, hành, thức. Thức không khác huyễn, huyễn tức là thức, thức tức là huyễn.

Đức Phật bảo:

–Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Năm thọ ấm gọi là Bồ-tát được không?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát học Vô thượng Chánh đẳng giác, nên học như người huyễn. Vì sao vậy? Phải biết năm ấm tức là huyễn. Vì sao? Vì nói sắc như huyễn, nói thọ, tưởng, hành, thức như huyễn, thức là lục tình năm ấm.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát mới phát tâm nghe lời nói đó sẽ không kinh sợ và thoái lui chăng?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu người mới phát tâm Bồ-tát, theo ác tri thức thì sẽ kinh sợ mai một, thoái thất, nếu gần gũi bạn lành được nghe lời nói ấy thì không kinh sợ mai một, thoái thất.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những gì là bạn ác của Bồ-tát?

Phật dạy:

–Những ai dạy ta xa lìa Bát-nhã ba-la-mật làm cho không ưa

thích Bồ-đề; lại dạy ta tập tánh chấp giữ hình tướng, phân biệt trang sức những bài tụng văn hoa hòe; lại dạy ta học kinh pháp Thanh văn và Bích-chi-phật, làm các việc ma. Đây gọi là bạn ác của Bồ-tát.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những gì là bạn lành của Bồ-tát.

Phật dạy:

–Người nào dạy ta học Bát-nhã ba-la-mật là chỉ cho ta việc ma và các tai họa của ma. Sau đó dạy ta xa lìa các việc ma và các tai họa của ma. Này Tu-bồ-đề! Đây gọi là bạn lành của Đại Bồ-tát phát tâm Đại thừa và Đại trang nghiêm.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Gọi là Bồ-tát, vậy Bồ-tát có ý nghĩa gì?

Đức Phật dạy:

–Đó là người học tất cả pháp không chướng ngại và cũng biết tất cả pháp như thật là nghĩa Bồ-tát.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu biết tất cả pháp thì gọi là nghĩa của Bồtát, còn nghĩa gì gọi là Ma-ha-tát?

Đức Phật dạy:

–Làm người đứng đầu đại chúng nên gọi là nghĩa Ma-ha-tát.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con muốn nói về nghĩa Ma-ha-tát.

Đức Phật bảo:

–Con hãy nói đi.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Bồ-tát nào thuyết ra pháp để đoạn trừ ngã kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, nhân kiến, hữu kiến, vô kiến, đoạn kiến, thường kiến… và đó gọi là nghĩa Ma-ha-tát. Tâm không chấp trước trong pháp đó gọi là nghĩa Ma-ha-tát.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Tại sao đối với sự việc này tâm không chấp trước.

Tu-bồ-đề thưa:

–Không tâm cho nên trong sự việc này tâm không chấp trước.

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phát tâm Đại thừa đại trang nghiêm. Đó gọi là nghĩa Ma-ha-tát.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đã nói là Bồ-tát phát khởi đại trang nghiêm. Vì sao gọi là phát khởi đại trang nghiêm?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát suy nghĩ: “Ta nên độ vô lượng, vô biên, vô số chúng sinh. Độ chúng sinh rồi, không có chúng sinh diệt độ.” Vì sao? Vì tướng của các pháp như vậy. Ví như nhà ảo thuật đứng ngã tư đường hóa làm những người bị đứt đầu, ý ông thế nào? Há có người bị thương hay bị chết không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Dạ không, bạch Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát cũng như vậy. Độ vô lượng, vô số chúng sinh rồi, không có chúng sinh diệt độ, hoặc Bồ-tát nghe việc này rồi không lo, không sợ, nên biết Bồ-tát này phát đại trang nghiêm.

Tu-bồ-đề thưa:

–Như con hiểu rõ giáo nghĩa của Đức Phật thuyết ra nên biết đây là Bồ-tát phát đại trang nghiêm, mà tự trang nghiêm mình. Vì sao vậy? Nhất thiết trí là pháp không tạo tác, cũng không dấy khởi, nhưng vì chúng sinh nên phát khởi đại trang nghiêm. Chúng sinh này cũng là pháp không làm không phát sinh. Vì sao vậy? Vì sắc không trói, không mở, nên thọ, tưởng, hành, thức cũng không trói, không mở.

Phú-lâu-na nói với Tu-bồ-đề:

–Sắc không trói, không mở; thọ, tưởng, hành, thức không trói, không mở phải không?

Tu-bồ-đề nói:

–Sắc không trói, không mở; thọ, tưởng, hành, thức không trói, không mở.

Phú-lâu-na nói:

–Những gì là sắc không trói, không mở? Những gì là thọ, tưởng, hành, thức không trói, không mở?

Tu-bồ-đề nói:

–Sắc của người huyễn này không trói, không mở; thọ, tưởng, hành, thức của người huyễn là không trói, không mở. Không chỗ có nên không trói, không mở. Xa lìa nên không trói, không mở. Vô sinh nên không trói không mở. Đó gọi là Bồ-tát phát đại trang nghiêm mà tự trang nghiêm mình.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại thừa? Thế nào là Bồ-tát có xu hướng Đại thừa? Thừa này trụ ở chỗ nào và từ đâu mà ra? Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại thừa là không có lường, không đếm được.

–Thừa này từ chỗ nào mà ra? Trụ ở chỗ nào?

–Thừa này ở trong ba cõi mà ra, ở nơi Nhất thiết trí. Không thừa chính là nơi xuất ra thừa. Vì sao? Vì pháp xa lìa và người xa lìa đều không sở hữu thì pháp nào không xa lìa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ma-ha-diễn nghĩa là vượt lên tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la.

Bạch Thế Tôn! Ma-ha-diễn sánh bằng với hư không. Như hư không thọ nhận vô lượng, vô số chúng sinh. Ma-ha-diễn cũng như vậy, thọ nhận vô lượng chúng sinh, như hư không, không có chỗ đến, chỗ đi, chỗ dừng lại. Ma-ha-diễn cũng vậy, không phân biệt đời trước, đời giữa và đời sau. Vì vậy gọi là Ma-ha-diễn.

Đức Phật khen ngợi Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Các vị Đại Bồ-tát Ma-ha-diễn đúng như lời ông nói.

Lúc ấy Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ngài bảo Tu-bồ-đề thuyết Bát-nhã ba-la-mật mới nói là Ma-ha-diễn.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Điều con nói đó không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật chăng?

–Không, Tu-bồ-đề! Lời ông đã nói tùy thuận với Bát-nhã bala-mật.

–Bạch Thế Tôn! Con không có được các Bồ-tát ở đời quá khứ, cũng không thấy có được các Bồ-tát ở đời hiện tại, đời vị lai. Sắc là vô biên nên Bồ-tát cũng vô biên; thọ, tưởng, hành, thức vô biên nên Bồ-tát cũng vô biên.

Bạch Thế Tôn! Như thế tất cả nơi chốn, tất cả thời gian, tất cả chủng loại, Bồ-tát không thể có được, vậy nên dạy Bát-nhã ba-lamật cho Bồ-tát nào. Con không thể không thấy Bồ-tát, vậy nên dạy pháp nào mà vào Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Thế Tôn! Gọi là Bồ-tát thì chỉ có danh tự. Ví như đã nói ngã, pháp ngã nhưng rốt ráo là không sinh.

Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp tánh cũng như vậy. Những gì ở trong đây là sắc, thì không chấp trước, không sinh thọ, tưởng, hành thức nào là không trước không sinh. Sắc là Bồ-tát thì không thể được. thọ, tưởng, hành, thức là Bồ-tát thì không thể được, không thể được cũng không thể được.

Bạch Thế Tôn! Tất cả xứ, tất cả thời, tất cả các Bồ-tát không thể có được. Vậy nên dạy pháp nào mà vào Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Thế Tôn! Bồ-tát chỉ có danh tự như ngã rốt ráo không sinh, các pháp tánh cũng như vậy. Ở đây những gì là sắc thì không chấp trước không sinh. Những gì là thọ, tưởng, hành, thức thì không chấp trước không sinh. Các pháp tánh cũng như vậy, tánh này cũng không sinh, không sinh cũng không sinh.

Bạch Thế Tôn! Con dạy các pháp không sinh vào Bát-nhã bala-mật có được không? Vì sao? Vì xa lìa pháp không sinh, thì không thể được Bồ-tát thực hành Vô thượng Chánh đẳng giác. Nếu Bồ-tát nghe nói như vậy mà không lo sợ, nên biết Bồ-tát này thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Thế Tôn! Bồ-tát khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật, quán sát như vậy thì các pháp đối với pháp không chấp nhận là sắc. Vì sao? Vì sắc không sinh thì chẳng phải là sắc, sắc không diệt thì chẳng phải là sắc, không sinh, không diệt, không hai, không phân biệt. Nếu nói sắc tức là pháp không hai.

Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật này không thọ nhận thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì thức không sinh, tức chẳng phải là thức, thức không diệt tức chẳng phải là thức, không sinh, không diệt, không hai không phân biệt, nếu nói thức tức là pháp không hai.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Như tôi hiểu rõ nghĩa Tu-bồ-đề nói. Bồ-tát tức là không sinh. Nếu Bồ-tát là không sinh. Vì sao vậy? Vì chúng sinh mà thọ nhận hành động khó làm nên chịu khổ não.

Tu-bồ-đề nói:

–Ta không muốn cho Bồ-tát có hành động khó làm. Vì sao? Vì sinh ý tưởng khó làm và ý tưởng khổ hạnh, nên không có thể lợi ích, cho vô lượng, vô số chúng sinh. Đối với chúng sinh phải sinh ý nghĩ dễ dãi, ưa thích, như cha mẹ, như con, như của mình thì có thể làm lợi ích cho vô lượng, vô số chúng sinh. Như pháp của ta, tất cả xứ, tất cả thời, tất cả các loại đều không thể được. Bồ-tát nên sinh ý nghĩ đối với pháp trong ngoài như vậy. Nếu Bồ-tát dùng tâm thực hành như vậy gọi là khó làm.

Như Xá-lợi-phất đã nói: “Bồ-tát không sinh.” Như thế Xá-lợiphất, Bồ-tát thật không sinh!

Xá-lợi-phất nói:

–Chỉ vì Bồ-tát không sinh nên Nhất thiết trí cũng không sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Nhất thiết trí cũng không sinh.

Xá-lợi-phất nói:

–Nhất thiết trí không sinh thì phàm phu cũng không sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Phàm phu cũng không sinh.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Nếu Bồ-tát không sinh thì pháp Bồ-tát cũng không sinh. Nhất thiết trí không sinh thì pháp Nhất thiết trí cũng không sinh. Phàm phu không sinh thì pháp phàm phu cũng không sinh. Nay vì không sinh đắc không sinh nên Bồ-tát chứng đắc Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề nói:

–Ta không muốn làm cho pháp vô sinh có chỗ chứng đắc. Vì sao? Vì pháp vô sinh không có chỗ chứng đắc.

Xá-lợi-phất nói:

–Sinh của sinh và sinh của vô sinh, lời ông nói đó là sinh hay là vô sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Các pháp vô sinh, lời nói cũng vô sinh, nhạo thuyết ưa thích thuyết pháp cũng vô sinh, như thế là vui thích thuyết pháp.

Xá-lợi-phất nói:

–Lành thay, lành thay, này Tu-bồ-đề! Ở trong số người thuyết pháp, ông là người thuyết pháp bậc nhất. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì tùy theo điều tôi hỏi, ông đều có khả năng trả lời.

Tu-bồ-đề nói:

–Pháp là như vậy, đệ tử của chư Phật nương nơi pháp không y chỉ mà trả lời câu hỏi. Vì sao? Vì tất cả pháp không định.

Xá-lợi-phất nói:

–Lành thay, lành thay! Đây là năng lực của Ba-la-mật nào?

Tu-bồ-đề nói:

–Đây là năng lực của Bát-nhã ba-la-mật.

Xá-lợi-phất nói:

–Khi Bồ-tát nghe nói và bàn luận như vậy, không nghi ngờ, không hối hận, không lấy làm khó, nên biết: Bồ-tát hành đúng hạnh này, không rời niệm này.

Xá-lợi-phất nói:

–Nếu Bồ-tát không xa lìa hạnh này, không xa lìa ý nghĩ này. Tất cả chúng sinh cũng không xa lìa hạnh này không xa lìa ý nghĩ này. Tất cả chúng sinh cũng sẽ là Bồ-tát. Vì sao? Vì chúng sinh không xa lìa ý nghĩ này.

Tu-bồ-đề nói:

–Lành thay, lành thay, Xá-lợi-phất! Ông muốn xa lìa ngã mà thành tựu nghĩa ngã. Vì sao vậy? Vì chúng sinh không có tánh, nên biết niệm không có tánh. Chúng sinh xa lìa nên niệm cũng xa lìa. Chúng sinh không nắm bắt được nên niệm cũng không nắm bắt được.

Này Xá-lợi-phất! Tôi muốn làm cho Bồ-tát dùng niệm này để thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Phẩm 2: THÍCH ĐỀ-HOÀN NHÂN

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân cùng với bốn vạn Thiên tử đều ở trong hội. Tứ Thiên vương cùng với hai vạn Thiên tử đều ở trong hội, Phạm Thiên vương chủ Ta-bà thế giới cùng với một vạn Phạm Thiên vương đều ở trong hội. Cho đến vô số ngàn Thiên chúng Tịnh cư đều ở trong hội. Ánh sáng do nghiệp báo của các Thiên chúng này rất sáng, nhưng do thần lực ánh sáng của Phật nên không hiện được.

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân nói với Tu-bồ-đề:

–Vô số Thiên chúng này đều cùng hội hợp, muốn nghe Tu-bồđề nói nghĩa Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát làm sao trụ nơi Bát-nhã bala-mật?

Tu-bồ-đề nói Thích Đề-hoàn Nhân và các Thiên chúng:

–Này Kiều-thi-ca! Ta nương oai thần của Phật mà thuyết Bátnhã ba-la-mật. Nếu các Thiên tử chưa phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, nay nên phát tâm. Nếu người đã vào chánh vị rồi, thì không thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì sao? Vì đã ngăn cách sinh tử. Người này nếu phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, tôi cũng tùy hỷ, không ngăn cách công đức đó. Vì sao vậy? Bậc thượng nhân nên cầu pháp cao thượng.

Khi ấy, Đức Phật khen ngợi Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Ông đã khuyến khích Bồ-tát như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con phải báo đáp công ân của Đức Phật như chư Phật và các đệ tử ở đời quá khứ, dạy Như Lai trụ ở pháp không, cũng dạy học các Ba-la-mật. Như Lai học pháp này chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.

Bạch Thế Tôn! Con sẽ hộ niệm cho các Bồ-tát như vậy, nhờ sự hộ niệm của con, các bậc Bồ-tát sẽ mau thành Vô thượng Chánh đẳng giác.

Tu-bồ-đề nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Kiều-thi-ca! Ông nhất tâm lắng nghe Bồ-tát trụ nơi Bátnhã ba-la-mật.

Này Kiều-thi-ca! Bồ-tát phát khởi đại trang nghiêm ở nơi Đại thừa, lấy pháp không mà trụ nơi Bát-nhã ba-la-mật, không nên trụ nơi sắc, không nên trụ thọ, tưởng, hành, thức. Không nên trụ nơi sắc là thường hay vô thường; không nên trụ nơi thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường. Không nên trụ nơi sắc là khổ, hoặc vui; không nên trụ nơi thọ, tưởng, hành, thức là khổ hoặc vui. Không nên trụ nơi sắc là tịnh hoặc bất tịnh; không nên trụ nơi thọ, tưởng, hành, thức là tịnh hoặc bất tịnh. Không trụ nơi sắc là ngã hoặc vô ngã; không nên trụ nơi thọ, tưởng, hành, thức là ngã hoặc vô ngã. Không nên trụ nơi sắc là không hoặc bất không; không nên trụ nơi thọ, tưởng, hành, thức là không hoặc bất không. Không nên trụ nơi Tu-đà-hoàn quả, không nên trụ nơi Tư-đà-hàm quả, không nên trụ nơi A-na-hàm quả, không nên trụ nơi A-la-hán quả, không nên trụ nơi Bích-chi-phật đạo, không nên trụ nơi Phật, không nên trụ nơi quả vị vô vi Tu-đà-hoàn, không nên trụ nơi quả vị phước điền Tư-đà-hoàn; không nên trụ nơi quả Tu-đà-hoàn cho đến bảy lần sinh tử. Không nên trụ nơi quả vị vô vi Tư-đà-hàm, không nên trụ nơi quả phước điền Tư-đà-hàm, nên không trụ nơi quả Tư-đàhàm một lần sinh lại thế gian này sẽ được hết khổ. Không nên trụ noiư quả vị vô vi A-na-hàm, không nên trụ nơi quả phước điền Ana-hàm, không nên trụ quả A-na-hàm ở thế gian kia diệt độ. Không nên trụ nơi quả vị vô vi A-la-hán, không nên trụ quả vị phước điền A-la-hán, không nên trụ A-la-hán đời này nhập Vô dư Niết-bàn. Không nên trụ Bích-chi-phật đạo vô vi quả, không nên trụ Bíchchi-phật đạo phước điền, không nên trụ Bích-chi-phật vượt qua địa vị Thanh văn, không đến địa vị Phật mà nhập Niết-bàn, không trụ nơi Phật pháp mà làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh, chúng sinh diệt độ cũng không lường được.

Bấy giờ Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Bồ-tát nên trụ thế nào?” Tu-bồ-đề biết ý nghĩ đó nói với Xá-lợi-phất:

–Ý ông thế nào? Như Lai trụ ở chỗ nào?

Xá-lợi-phất nói:

–Như Lai không chỗ trụ không trụ, ở tâm gọi là Như Lai. Như Lai không trụ hữu vi tánh, cũng không trụ vô vi tánh.

Này Xá-lợi-phất! Vị Đại Bồ-tát cũng nên trụ như vậy. Như Đức Như Lai trụ ở tất cả pháp, không phải trụ, không phải không trụ.

Khi ấy trong đại chúng có các Thiên tử suy nghĩ: “Chương cú và lời nói của các chúng Dạ-xoa, chúng ta còn có thể hiểu biết ý nghĩa, còn những điều bàn luận của Tu-bồ-đề, thì chúng ta khó có thể hiểu được.”

Tu-bồ-đề biết điều suy nghĩ trong lòng các Thiên tử, ngài liền nói với các Thiên tử:

–Ở đây không thuyết giảng, không chỉ dạy, không lắng nghe.

Các Thiên tử suy nghĩ: “Tu-bồ-đề muốn làm cho nghĩa dễ hiểu này trở thành nghĩa sâu xa.”

Tu-bồ-đề biết ý nghĩa đó nói với các Thiên tử:

–Nếu hành giả muốn chứng Tu-đà-hoàn quả, muốn trụ Tu-đàhoàn quả thì không xa lìa pháp nhẫn này, muốn chứng Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả, muốn chứng đắc Bích-chi-phật đạo, muốn chứng đắc Phật pháp, cũng không rời pháp nhẫn này.

Khi ấy, các Thiên tử suy nghĩ: “Những người nào có thể tùy thuận được lời nói của Tu-bồ-đề?”

Tu-bồ-đề biết ý nghĩ đó nói với các Thiên tử:

–Người huyễn có thể tùy thuận nghe ta nói mà không nghe và không chứng. Các Thiên tử suy nghĩ: “Chỉ người nghe là như huyễn, chúng sinh cũng như huyễn. Tu-đà-hoàn cho đến Bích-chi-phật đạo cũng như huyễn.”

Tu-bồ-đề biết ý nghĩ đó nói với các Thiên tử:

–Ta nói chúng sinh như huyễn, như mộng, Tu-đà-hoàn quả như huyễn, như mộng; Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả, Bích-chi-phật đạo cũng như huyễn như mộng.

Các Thiên tử nói:

–Tu-bồ-đề cũng nói Phật pháp như mộng như huyễn.

Tu-bồ-đề nói:

–Ta nói Phật pháp cũng như huyễn như mộng, ta nói Niết-bàn cũng như huyễn như mộng.

Các Thiên tử thưa:

–Bạch Đại Đức Tu-bồ-đề! Ngài nói Niết-bàn cũng như huyễn như mộng hay sao?

Tu-bồ-đề nói:

–Chư Thiên tử, giả sử lại có pháp lớn hơn Niết-bàn, ta cũng nói như huyễn như mộng. Này các Thiên tử! Huyễn mộng Niết-bàn không có hai, không có khác nhau.

Khi ấy Xá-lợi-phất, Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, Ma-ha Câu-hyla, Ma-ha Ca-chiên-diên hỏi Tu-bồ-đề:

–Ngài thuyết nghĩa Bát-nhã ba-la-mật như vậy. Ai là người có thể thọ nhận nghĩa Bát-nhã ba-la-mật.

Khi ấy A-nan nói:

–Nghĩa Bát-nhã ba-la-mật được nói như vậy chỉ có bậc không thoái chuyển đầy đủ chánh kiến và A-la-hán mãn nguyện thì có thể thọ nhận.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng vậy, thuyết nghĩa Bát-nhã ba-la-mật là không thể thọ nhận. Vì sao? Vì ở trong Bát-nhã ba-la-mật này không có pháp có thể nói và không có pháp có thể chỉ dạy: vì nghĩa đó cho nên không thể thọ nhận.

Lúc ấy Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Trưởng lão Tu-bồ-đề đang rưới mưa pháp, ta có thể hóa ra hoa trời tung rải dâng lên cúng dường Tu-bồ-đề.” Thích Đề-hoàn Nhân hóa ra hoa, rải dâng cúng Tu-bồ-đề.

Tu-bồ-đề suy nghĩ: “Thích Đề-hoàn Nhân ở trên cung trời Đaolợi đã rải hoa, ta chưa từng thấy hoa đó, nó từ trong tâm ý hóa ra, không phải là do cây trổ ra.”

Thích Đề-hoàn Nhân biết ý nghĩ đó nên nói với Tu-bồ-đề:

–Hoa đó chẳng phải là hoa sống, cũng chẳng phải là sinh từ tâm ý.

Tu-bồ-đề nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Kiều-thi-ca! Ông nói hoa đó chẳng phải là hoa sống cũng chẳng phải là sinh từ tâm ý. Nếu chẳng phải do pháp sinh thì không gọi là hoa?

Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Trí tuệ của Trưởng lão Tu-bồđề rất sâu sắc, không phá hoại giả danh mà thuyết ra nghĩa chân thật.” Suy nghĩ rồi nói với Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy, Tu-bồ-đề! Như lời Tu-bồ-đề nói, Bồ-tát nên học như vậy. Bồ-tát học như vậy thì không học Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả, Bích-chi-phật đạo. Nếu không học địa vị đó, thì đó gọi là học Phật pháp và học Nhất thiết trí. Nếu học Phật pháp, học Nhất thiết trí thì học Phật pháp vô lượng, vô biên. Nếu người học Phật pháp vô lượng, vô biên, không vì sắc tăng giảm mà học, không vì học thọ, tưởng, hành, thức tăng giảm mà học; không vì thọ nhận sắc mà học; không vì thọ nhận thọ, tưởng, hành, thức mà học. Người đó học ở pháp không chấp thủ, không chỗ diệt, nên gọi là học.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Hành giả không vì chấp thủ Nhất thiết trí, không vì diệt Nhất thiết trí nên phải học như vậy.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng vậy, Xá-lợi-phất! Bồ-tát cho đến Nhất thiết trí không chấp thủ, không hoại diệt nên học. Khi quán sát như vậy, có thể học Nhất thiết trí, có thể thành tựu Nhất thiết trí.

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân hỏi Xá-lợi-phất:

–Bát-nhã ba-la-mật của Đại Bồ-tát, phải nên cầu thế nào?

Xá-lợi-phất bảo:

–Người học Bát-nhã ba-la-mật nên tìm cầu ở trong sự thay đổi của Tu-bồ-đề.

Thích Đề-hoàn Nhân hỏi Tu-bồ-đề:

–Đó là thần lực của ai?

Tu-bồ-đề nói:

–Đó là thần lực của Phật. Này Kiều-thi-ca! Như ông đã hỏi cầu Bát-nhã ba-la-mật ở đâu? Bát-nhã ba-la-mật không nên cầu trong sắc, không nên cầu trong thọ, tưởng, hành, thức; cũng không lìa sắc mà cầu, cũng không lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu. Vì sao? Vì sắc chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật; lìa sắc cũng không phải là Bát-nhã ba-la-mật; thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật; lìa thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật.

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Đại Ba-la-mật là Bát-nhã ba-la-mật. Vô lượng ba-la-mật là Bát-nhã ba-la-mật, Vô biên ba-la-mật là Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng vậy, đúng vậy, Kiều-thi-ca! Đại Ba-la-mật là Bát-nhã ba-la-mật; Vô lượng ba-la-mật là Bát-nhã ba-la-mật; Vô biên ba-lamật là Bát-nhã ba-la-mật. Này Kiều-thi-ca! Sắc là vô lượng nên Bátnhã ba-la-mật là vô lượng; thọ, tưởng, hành, thức là vô lượng nên Bátnhã ba-la-mật là vô lượng. Duyên là vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật là vô biên, chúng sinh vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật là vô biên.

Này Kiều-thi-ca! Sao gọi là duyên vô biên nên Bát-nhã ba-lamật là vô biên, các pháp không trước, không giữa và không sau, thế nên duyên vô biên và Bát-nhã ba-la-mật vô biên.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Các pháp vô biên, đời trước không

thể được, đời này và đời sau không thể được. Thế nên duyên vô biên, Bát-nhã ba-la-mật vô biên.

Thích Đề-hoàn Nhân nói với Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Sao gọi là chúng sinh vô biên và Bát-nhã ba-la-mật vô biên.

–Này Kiều-thi-ca! Chúng sinh vô lượng, vô số không thể đếm được. Thế nên chúng sinh vô biên và Bát-nhã ba-la-mật vô biên.

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Đại Đức Tu-bồ-đề! Chúng sinh có nghĩa gì?

Tu-bồ-đề nói:

–Nghĩa chúng sinh tức là nghĩa pháp. Ý ông thế nào? Đã nói chúng sinh thì chúng sinh có nghĩa gì?

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Nghĩa của chúng sinh là phi pháp, cũng chẳng phải là phi pháp, đó là danh tự giả không có căn bản, không có nhân, gượng lập danh tự nên tạm gọi là chúng sinh.

Tu-bồ-đề nói:

–Ý ông thế nào? Ở trong đây thật có chúng sinh, có thể thuyết giảng, có thể chỉ bày không?

–Không.

Tu-bồ-đề nói:

–Kiều-thi-ca! Nếu không thể thuyết giảng, không thể chỉ bày về chúng sinh thì tại sao nói chúng sinh vô biên, Bát-nhã ba-la-mật vô biên?

Này Kiều-thi-ca! Nếu Như Lai thọ mạng lâu dài như hằng hà sa kiếp thuyết giảng cho chúng sinh, chúng sinh thật có chúng sinh, sinh diệt không?

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Không! Vì chúng sinh từ xưa đến nay thường thanh tịnh.

–Này Kiều-thi-ca! Thế nên phải biết chúng sinh vô biên, Bátnhã ba-la-mật vô biên.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10