SỐ 227
KINH TIỂU PHẨM BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

Phẩm 27: TÁT-ĐÀ-BA-LUÂN

Đức Phật bảo với Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát muốn cầu Bát-nhã ba-la-mật thì phải thực hành như Bồ-tát Tát-đà-ba-luân hiện đang hành Bồ-tát đạo ở chỗ Phật Lôi Âm Oai Vương vậy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cầu Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Khi xưa Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cầu Bát-nhã ba-la-mật bằng cách: Không theo việc đời, không tiếc thân mạng, không tham cầu lợi dưỡng.

Đang tu tập trong rừng vắng vẻ, Bồ-tát bỗng nghe tiếng giữa hư không bảo:

–Này thiện nam! Từ đây đi về phía Đông ông sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật. Trong khi đi, ông chớ nghĩ đến sự mệt mỏi, chớ nhớ đến sự ngủ nghỉ, chớ nghĩ đến ăn uống, chớ nhớ đến ngày đêm và chớ nghĩ đến lạnh nóng. Các việc như vậy ông chớ nên nhớ nghĩ, cũng đừng có quán sát, tư duy. Hãy xa lìa tâm dua nịnh, không nên tự cao, phải khiêm nhường với người khác. Phải lìa bỏ tướng của tất cả chúng sinh, lìa bỏ tất cả danh dự lợi dưỡng, phải lìa bỏ năm triền cái, lìa bỏ keo kiệt và ganh ghét, cũng đừng phân biệt nội pháp và ngoại pháp. Khi đi ông chớ có nhìn ngó hai bên, chớ nghĩ trước, chớ nghĩ sau, chớ nghĩ trên, chớ nghĩ dưới, chớ nghĩ đến bốn góc và đừng làm lay động sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao vậy? Vì nếu ông làm lay động sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì không thể hành được Phật pháp, sẽ đi vào trong sinh tử. Người như vậy không thể đạt được Bátnhã ba-la-mật.

Tát-đà-ba-luân liền trả lời tiếng nói trên hư không:

–Con sẽ làm đúng như lời dạy của Ngài. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sinh mà con sẽ làm ánh sáng lớn để cho họ tu tập các pháp của Phật.

Trên hư không có tiếng nói:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Ông nên tin hiểu pháp Không, Vô tướng, Vô tác và nên lìa các tướng, lìa hữu kiến, chúng sinh kiến, nhân kiến và ngã kiến để cầu Bát-nhã ba-la-mật.

Này thiện nam! Ông phải tránh xa ác tri thức, nên gần gũi Thiện tri thức. Vì Thiện tri thức có thể nói pháp Không, Vô tướng, Vô tác, vô sinh, vô diệt.

Này thiện nam! Ông có thể thực hành như vậy không bao lâu sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật, hoặc được nghe qua từ kinh điển, hoặc được nghe từ Pháp sư.

Này thiện nam! Nếu được nghe Bát-nhã ba-la-mật thì ông nên tưởng vị ấy như đức Đại sư, ông nên biết muốn báo đáp ân đức của Đại sư thì ông phải nghĩ: “Ta được nghe Bát-nhã ba-la-mật ở đâu thì ở đó là Thiện tri thức của ta. Ta được nghe Bát-nhã ba-la-mật nên ta không bị thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng giác, không xa lìa chư Phật, cũng không sinh vào thế giới không có Phật, được lìa các nạn.” Ông cũng nên nhớ nghĩ sự lợi ích của các công đức như vậy và phải nhớ tưởng Pháp sư này như là Đại sư.

Này thiện nam! Ông đừng đem tâm vì tài lợi thế tục để đi theo Pháp sư, nên lấy phép tôn trọng và cung kính pháp mà đi theo Pháp sư.

Lại nữa, này thiện nam! Ông nên cảnh giác việc của ma. Vì có lúc ác ma tạo điều kiện cho người thuyết pháp được may mắn thọ nhận sắc, thanh, hương, vị, xúc làm vị ấy phải dùng sức phương tiện thọ nhận năm dục đó thì ông cũng đừng vì vậy mà sinh tâm bất tịnh. Ông chỉ nên nghĩ: “Ta không biết sức phương tiện, ta chỉ biết Pháp sư này vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh gieo trồng căn lành mà thọ dụng pháp ấy, còn các Bồ-tát thì không có gì bị chướng ngại.” Này thiện nam, bây giờ ông hãy quán thật tướng của các pháp. Những gì là thật tướng của các pháp?

Phật nói tất cả các pháp là vô cấu. Vì sao vậy? Vì tánh của tất cả các pháp là không, tất cả các pháp là vô ngã, không có chúng sinh; tất cả các pháp là như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như bóng, như quáng nắng. Này thiện nam! Ông phải quán thật tướng của các pháp như vậy để đi theo Pháp sư và không bao lâu ông sẽ biết thông thạo về Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, này thiện nam! Ông phải cảnh giác việc của ma. Nếu Pháp sư đối với người cầu Bát-nhã ba-la-mật mà có đôi lúc tâm không vừa ý, hoặc giận hờn, hay thiếu sự quan tâm thì ông cũng đừng vì việc ấy mà ưu sầu, buồn bã. Chỉ đem tâm kính trọng pháp đi theo Pháp sư, chứ ông đừng sinh tâm chán nản mà lìa bỏ.

–Này Tu-bồ-đề! Được nghe những lời trên hư không như vậy rồi, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền đi về phương Đông. Đi không bao lâu, Bồ-tát liền suy nghĩ: “Vừa rồi sao ta không hỏi tiếng nói trên hư không là từ đây đi về phương Đông gần hay xa và ta phải theo ai để nghe Bát-nhã ba-la-mật.” Bồ-tát liền đứng lại ưu sầu khóc lóc và nghĩ: “Ta đứng ở đây một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày chẳng nghĩ đến mỏi mệt, không nhớ đến ngủ nghỉ, không nhớ nghĩ đến ăn uống, không nhớ nghĩ đến ngày đêm và chẳng nhớ nghĩ đến lạnh nóng, mà cốt yếu là ta phải biết được mình sẽ theo ai để nghe Bát-nhã ba-la-mật.”

Này Tu-bồ-đề! Ví như có người chỉ có một đứa con nên họ hết sức thương yêu, bỗng một hôm nó bị chết làm cho họ rất buồn khổ người ấy chỉ ôm lòng buồn khổ mà không hề nghĩ gì khác. Này Tubồ-đề! Tát-đà-ba-luân cũng như vậy, không có một sự nhớ nghĩ gì khác, chỉ nhớ nghĩ khi nào được nghe Bát-nhã ba-la-mật. Này Tu-bồđề! Khi Bồ-tát Tát-đà-ba-luân ưu sầu khóc lóc như vậy thì liền có Đức Phật đứng trước mặt khen:

–Lành thay, lành thay, này thiện nam! Khi xưa chư Phật quá khứ hành Bồ-tát đạo để cầu Bát-nhã ba-la-mật cũng như ông hiện nay. Thế nên, này thiện nam! Ông lấy sự chăm chỉ thực hành, tinh tấn kính pháp mà đi đến phương Đông cách đây năm trăm do-tuần, có thành tên là Chúng hương. Thành này được hợp thành bằng bảy báu với bảy lớp rộng dọc mười hai do-tuần đều trồng cây Đa-la bảy báu khắp xung quanh. Nhân dân ở đây an lạc, thái bình, đường xá xinh đẹp như bức tranh và cầu cống bến bờ rất rộng rãi, sạch sẽ. Bảy lớp trên thành đều có lâu đài làm bằng vàng Diêm-phù-đề. Mỗi lâu đài có hàng cây bảy báu và có nhiều trái quý báu; các lâu đài ấy cứ theo thứ lớp mà treo vải hồng, dây báu, linh báu, lưới mỏng che khắp. Trên thành ấy gió thổi khua phát ra năm loại kỹ nhạc hòa nhã rất đáng ưa thích và những âm thanh ấy làm vui vẻ cho chúng sinh. Bốn bên thành của lâu đài có ao nước sạch sẽ, lạnh nóng thích hợp, trong đó có thuyền được trang hoàng bằng bảy báu. Các chúng sinh này do nghiệp ở đời trước mới được vui vẻ bơi thuyền dạo chơi khắp ao nước. Trong ao đó, có các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng xen lần nhau rất đẹp và đầy đủ sắc hương che phủ khắp mặt nước và tất cả các loại hoa đẹp trong tam thiên đại thiên thế giới cũng đều có đủ trong ao đó.

Bốn bên thành này có năm trăm khu nhà vườn được trang hoàng bằng bảy loại báu rất đáng ưa thích. Trong mỗi một khu vườn có năm trăm ao nước, mỗi một ao nước rộng dọc mười dặm đều trang hoàng bằng bảy báu xen nhau. Trong các ao nước đều có đủ các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng lớn như bánh xe và che phủ trên mặt nước. Hoa màu xanh thì có ánh sáng xanh, hoa màu vàng thì có ánh sáng vàng, hoa màu đỏ thì có ánh sáng đỏ và hoa màu trắng thì có ánh sáng trắng. Trong các ao nước ấy đều có các loại chim khác nhau như chim le, chim nhạn, uyên ương và các ao khắp cả các khu nhà vườn ấy không phụ thuộc vào ai cả, đó chỉ là do quả báo nghiệp trước của chúng sinh đêm ngày tin hiểu pháp sâu xa và thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên họ mới được phước đức như vậy.

Này thiện nam! Trong thành Chúng hương có lâu đài cao lớn và ở phía trên là cung điện của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, cung điện ấy ngang dọc năm mươi dặm, đều dùng bảy loại báu trang hoàng thành nhiều màu sắc. Tường ấy có bảy lớp cũng bằng bảy báu và xung quanh đều có hàng cây bảy báu bao quanh. Trong cung điện đó có bốn khu nhà vườn thường làm những cuộc vui chơi: Một tên gọi là Thường hỷ; hai tên là Vô ưu; ba tên là Hoa sức; bốn tên là Hương sức. Trong từng khu vườn một có tám ao nước: Một tên là Hiền; hai tên là Hiền thượng; ba tên là Hoan hỷ; bốn tên là Hỷ thượng; năm tên là An ổn; sáu tên là Đa an ổn; bảy tên là Tất định và tám tên là A-tỳ-bạt-trí. Ven bờ các ao nước mỗi mặt đều có các loại báu như: hoàng kim, bạch ngân, lưu ly, pha lê, ngọc mai khôi dùng làm đáy ao, cát vàng trải lên trên. Cạnh của mỗi một ao có tám bậc thềm làm bằng các loại vật báu; khoảng giữa bậc thềm có cây chuối bằng vàng Diêm-phù-đàn và trong các ao nước đều có đủ các loài hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng che phủ trên mặt nước.

Cũng có các loại chim như: Chim le, chim nhạn, uyên ương và khổng tước, tiếng kêu của chúng hòa nhã rất đáng ưa thích. Ven bờ các ao nước đều trồng những cây hương, cây hoa, mỗi khi gió thổi thì hương hoa ấy đều rơi xuống ao nước. Ao ấy thành tựu nước tám công đức và cả mùi hương thơm dường như Chiên-đàn có đầy đủ màu sắc và mùi vị. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt cùng sáu vạn tám ngàn thể nữ đầy đủ năm dục cùng nhau vui chơi và cả nam nữ trong thành này đều vào trong ao Hiền… và vườn Thường hỷ… để cùng nhau vui chơi.

Này thiện nam! Bồ-tát Đàm-vô-kiệt cùng các thể nữ vui chơi xong, ngày ngày ba thời nói Bát-nhã ba-la-mật. Trai gái lớn nhỏ trong thành Chúng hương vì Bồ-tát Đàm-vô-kiệt mà tập hợp đông đảo ở chỗ đó để trải pháp tòa lớn. Bốn chân pháp tòa ấy hoặc làm bằng vàng ròng hoặc bằng bạc, pha lê, lưu ly, phía trên thì trải nệm êm dày nhiều màu sắc và dùng loại lụa trắng ở nước Ca-thi trải phủ trên đó. Tòa cao năm dặm có giăng rèm trướng, bốn bên thành thì rải hoa năm màu và đốt các loại hương để cúng dường pháp. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi ở trên tòa này thuyết pháp Bát-nhã ba-lamật.

Này thiện nam! Dân chúng trong thành kia cung kính cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt như vậy là vì muốn nghe Bát-nhã ba-lamật. Tại đại hội này có trăm ngàn vạn chúng, chư Thiên và người cả thế gian đều tập hợp lại một chỗ. Trong số đó, có người lắng nghe, trong số đó có người tin thọ, có người trì niệm, có người đọc tụng, có người biên chép, có người chánh quán và có người thực hành đúng như pháp. Các chúng sinh ấy đã vượt qua đường ác, không bị thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này thiện nam! Ông hãy đi đến chỗ của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để nghe Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đời đời là Thiện tri thức của ông, vị ấy chỉ dạy lợi ích của sự hoan hỷ để ông đạt đến Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này thiện nam! Khi xưa Bồ-tát Đàm-vô-kiệt hành Bồ-tát đạo để cầu Bát-nhã ba-la-mật cũng như ông ngày nay vậy. Nay ông đi về phương Đông và chớ tính kể ngày đêm, chẳng bao lâu nữa ông sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật.

Khi ấy tâm của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân rất vui mừng. Ví như có người bị trúng mũi tên độc mà không hề nhớ nghĩ gì khác, chỉ nghĩ đến khi nào được gặp thầy thuốc để nhổ mũi tên độc kia ra thì mới trừ hết đau khổ cho ta. Cũng vậy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân lúc đó cũng không nhớ nghĩ gì khác, mà chỉ nghĩ: “Khi nào được gặp Bồtát Đàm-vô-kiệt để Ngài nói Bát-nhã ba-la-mật cho ta. Nếu được nghe Bát-nhã ba-la-mật thì ta sẽ đoạn trừ các hữu kiến.” Khi ấy đang ở tại trụ xứ của mình, Tát-đà-ba-luân đối với tất cả các pháp sinh tưởng vô quyết định và liền nhập các pháp môn Tam-muội. Đó là Tam-muội quán các pháp tính, Tam-muội các pháp không thể chứng đắc, Tam-muội phá các pháp vô minh, Tam-muội các pháp không khác, Tam-muội các pháp chẳng hoại, Tam-muội các pháp chiếu sáng, Tam-muội các pháp xa lìa tối tăm, Tam-muội các pháp không nối tiếp nhau, Tam-muội các pháp tính không thể chứng đắc, Tam-muội tán hoa, Tam-muội không thọ các thân, Tam-muội lìa bỏ hư huyễn, Tam-muội ví như hình bóng trong gương, Tam-muội tất cả chúng sinh nói năng, Tam-muội tất cả chúng sinh vui mừng, Tam-muội thuận theo tất cả điều thiện, Tam-muội đủ thứ lời nói với câu chữ trang nghiêm, Tam-muội không sợ hãi, Tam-muội tánh thường im lặng, Tam-muội vô ngại giải thoát, Tam-muội xa lìa cảnh trần nhơ bẩn, Tam-muội danh tự ngữ ngôn trang nghiêm, Tam-muội tất cả kiến, Tam-muội không ngăn ngại ranh giới, Tammuội như hư không, Tam-muội như kim cang, Tam-muội không thất bại, Tam-muội đắc thắng, Tam-muội chuyển nhãn, Tam-muội tất pháp tính, Tam-muội được an ổn, Tam-muội sư tử gầm thét, Tammuội thắng tất cả chúng sinh, Tam-muội xa lìa nhiễm bẩn của mọi phiền não, Tam-muội không có cấu và tịnh, Tam-muội hoa trang nghiêm, Tam-muội tùy kiên thực, Tam-muội phát xuất các pháp đắc lực không sợ hãi, Tam-muội thông suốt các pháp, Tam-muội hoại tất cả pháp ấn, Tam-muội không sai biệt kiến, Tam-muội xa lìa tất cả kiến, Tam-muội xa lìa tất cả tối tăm, Tam-muội xa lìa tất cả tướng, Tam-muội giải thoát tất cả chấp trước, Tam-muội xa lìa tất cả sự biếng nhác, Tam-muội pháp cực kỳ huyền diệu chiếu sáng, Tam-muội thiện đỉnh cao, Tam-muội không thể đoạt, Tammuội phá ma, Tam-muội phát sinh ánh sáng, Tam-muội thấy chư Phật.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân trụ trong các Tam-muội ấy thì liền thấy chư Phật khắp mười phương nói Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát. Mỗi mỗi chư Phật đều an ủi và khen Bồ-tát ấy:

–Lành thay, lành thay, này thiện nam! Khi xưa chúng ta hành Bồ-tát đạo để cầu Bát-nhã ba-la-mật cũng như ông ngày nay vậy. Chúng ta chứng đắc các Tam-muội ấy, cũng giống như hiện nay ông chứng đắc vậy, ông sẽ hiểu rõ Bát-nhã ba-la-mật, rồi mới trụ vào địa vị không thoái chuyển. Chư Như Lai vì chứng được các Tam-muội đó nên mới chứng Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này thiện nam! Đó là Bát-nhã ba-la-mật. Gọi là các pháp không có sở niệm. Chúng ta trụ ở trong pháp không có vọng niệm mà được thân mình sắc vàng với ba mươi hai tướng, ánh sáng rỡ ràng, trí tuệ không thể nghĩ bàn, Vô thượng Tam-muội, Vô thượng trí tuệ của chư Phật đạt đến tận cùng của các công đức. Các công đức ấy chư Phật nói ra còn không hết, huống gì là Thanh văn và Bích-chi-phật. Thế nên, này thiện nam! Ông phải đem tâm thanh tịnh cung kính và tôn trọng pháp này gấp bội thì sự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác không lấy gì làm khó khăn. Đối với vị Thiện tri thức ông phải nhiệt tâm cung kính, tôn trọng và tin ưa. Này thiện nam! Bồ-tát nào được Thiện tri thức hộ niệm thì vị ấy mau chứng Vô thượng Chánh đẳng giác.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những vị nào là Thiện tri thức của con?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Bồ-tát Đàm-vô-kiệt là vị đời đời chỉ dạy cho ông thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác, làm cho ông được học sức phương tiện Bát-nhã ba-la-mật. Vì vậy, chính Bồ-tát Đàm-vôkiệt là Thiện tri thức của ông, ông phải nên báo ân cho vị ấy.

Này thiện nam! Nếu trong một kiếp, hai kiếp, ba kiếp cho đến một trăm kiếp, hoặc hơn một trăm kiếp mà ông đem tâm cung kính tôn trọng bằng cách: Đội vị ấy trên đầu, cho đến đem tất cả dụng cụ âm nhạc mà cúng dường vị ấy, hoặc đem sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đẹp cả tam thiên đại thiên thế giới dâng lên cúng dường vị Thiện tri thức ấy cũng chưa có thể báo ân trong chốc lát. Vì sao vậy? Vì nhờ năng lực và nhân duyên của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nên ông mới chứng các Tam-muội sâu xa ấy để được nghe phương tiện Bát-nhã ba-la-mật.

Chỉ dạy và an ủi cho Bồ-tát Tát-đà-ba-luân xong, bỗng nhiên Đức Phật liền biến mất. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân từ Tam-muội xuất định thì không thấy chư Phật liền suy nghĩ: “Các Đức Phật ấy trước đây từ đâu đến và nay các vị ấy sẽ đi đến chỗ nào?” Vì không thấy chư Phật nên Bồ-tát Tát-đà-ba-luân ưu sầu và suy nghĩ: “Bồ-tát Đàm-vô-kiệt này đã chứng các thần thông lực Đà-la-ni. Ngài đã từng cúng dường chư Phật thời quá khứ, đời đời Ngài là Thiện trí thức của ta, thường làm lợi ích cho ta, ta hãy đến chỗ của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để thưa hỏi chư Phật này từ đâu đến và sẽ đi về đâu.”

Lúc này, tâm của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân càng cung kính tôn trọng và tin ưa Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và nghĩ: “Hiện nay ta quá nghèo khổ, không có hoa hương, anh lạc, hương đốt, hương xoa, y phục, phướn lọng, vàng bạc, trân châu, pha lê, san hô. Tất cả những vật như vậy ta đều không có thì lấy gì để cúng dường Bồ-tát Đàm-vôkiệt. Bây giờ ta không nên đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt bằng hai tay không, nếu đến như vậy thì lòng ta không yên. Vậy ta sẽ bán thân mình để lấy tài vật vì Bát-nhã ba-la-mật mà cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Vì sao vậy? Vì nhiều đời đến nay ta đã để mất vô số thân nên từ vô thỉ kiếp phải luân hồi trong sinh tử. Vì nhân duyên tham dục nên chịu vô lượng khổ ở địa ngục, chưa từng làm được pháp thân thanh tịnh.”

Này Tu-bồ-đề! Bấy giờ, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đi trên đường, vào trong chợ giữa đô thị lớn và lớn tiếng rao:

–Có ai cần mua người không? Có ai cần mua người không?

Khi nghe tiếng rao đó, ác ma nghĩ: “Bồ-tát Tát-đà-ba-luân vì kính trọng Pháp mà tự bán thân mình để cúng dường Bồ-tát Đàm-vôkiệt với mục đích muốn nghe phương tiện Bát-nhã ba-la-mật.” Bồtát sẽ thực hành Bát-nhã ba-la-mật, mau chóng chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, sẽ được nghe nhiều hiểu rộng giống như nước biển cả, chẳng bị các ma phá hoại, có thể làm tròn tất cả công đức đối với sự lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Các chúng sinh ấy sẽ ra khỏi cảnh giới của ta, tất cả đều chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Bây giờ ta phải đến phá hoại đạo ý của vị ấy mới được.” Và ngay lập tức, ác ngăn che nấp vào mọi người khuyến, cho đến không một ai nghe được tiếng rao của Bồ-tát, chỉ có con gái của một người Trưởng giả là ác ma không thể nào làm chướng ngại được.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân bán mình mà không bán được, liền đứng lại một chỗ khóc kể và than: “Chắc ta mắc tội lớn, muốn bán thân cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật mà chẳng có ai mua cả.”

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Nay ta sẽ thử xem thiện nam tử này có thật sự là đem thâm tâm kính trọng Pháp một cách nhiệt thành mà phải xả bỏ thân mạng hay không?” Nghĩ thế rồi, Thích Đề-hoàn Nhân liền hóa làm một Bà-la-môn đứng bên cạnh Bồ-tát Tát-đà-ba-luân hỏi:

–Này thiện nam! Vì sao mà ông lại ưu sầu khóc kể vậy?

Tát-đà-ba-luân trả lời:

–Vì tôi nghèo khổ, không có của báu nên muốn bán thân lấy của báu đem cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để được nghe Bátnhã ba-la-mật mà chẳng có ai mua cả.

Bà-là-môn nói:

–Này thiện nam! Người thì ta không cần, nhưng hiện nay vì có đám cúng tế lớn nên ta muốn mua tim, máu và tủy của người. Vậy ông có thể bán những thứ ấy cho ta được không?

Tát-đà-ba-luân nghĩ: “Ta được lợi ích lớn rồi, nhất định ta sẽ được nghe phương tiện Bát-nhã ba-la-mật nên khiến cho Bà-là-môn này muốn mua tim, máu và tủy của ta.” Nghĩ xong, Tát-đà-ba-luân rất vui mừng liền nói với Bà-là-môn:

–Nếu ông cần thì tôi sẽ bán hết cho ông.

Bà-là-môn nói:

–Ông cần giá bao nhiêu?

Tát-đà-ba-luân trả lời:

–Tùy ông muốn cho tôi bao nhiêu cũng được.

Ngay khi ấy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền cầm dao bén cắt tay phải cho máu chảy, rồi cắt đùi bên phải muốn đập xương để lấy tủy chảy ra.

Lúc bấy giờ, con gái của một trưởng giả đang ở trên gác, nàng phóng mắt nhìn xa thấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cắt tay phải cho máu chảy ra, rồi chặt đùi bên phải muốn đập xương để lấy tủy chảy ra thì cô suy nghĩ: “Không biết vì nguyên nhân gì mà thiện nam tử này phải làm đau khổ thân mình như vậy, ta sẽ đến hỏi ông ta.” Khi ấy cô gái của Trưởng giả liền xuống lầu và đến chỗ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân hỏi:

–Này thiện nam! Vì duyên cớ gì mà ông phải làm đau khổ thân mình như vậy? Và ông muốn dùng máu, tủy đó để làm gì?

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân trả lời:

–Tôi muốn lấy máu và tủy đem bán cho Bà-la-môn này để có tiền của mà cúng dường pháp Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát Đàm-vôkiệt.

Con gái của trưởng giả hỏi:

–Này thiện nam! Ông bán máu và tủy đem cúng dường vị Bồ-

tát kia để được những lợi ích gì?

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân trả lời:

–Vị Bồ-tát ấy sẽ nói pháp phương tiện lực Bát-nhã ba-la-mật cho tôi. Nếu học theo pháp đó thì tôi sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng giác, được thân sắc vàng, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, phóng ra ánh sáng vô lượng đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại trí, mười tám pháp Bất cộng, sáu Thần thông, chẳng thể nghĩ bàn thanh tịnh, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, chứng Trí tuệ vô thượng của Phật, vô thượng Pháp bảo, rồi ta sẽ phân bố cho tất cả chúng sinh.

Khi ấy con gái của trưởng giả nói với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Những lời nói của ngài vừa thật là hiếm có và đệ nhất vi diệu. Vì mỗi một pháp, mà ngài lại có thể xả bỏ thân mạng. Này thiện nam, nếu nay ngài cần các thứ châu báu, vàng bạc, trân châu, lưu ly, pha lê, hổ phách, san hô, cho đến hoa hương, anh lạc, phan lọng cùng các y phục thì con sẽ cho ngài tất cả để ngài đem đến cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Vậy ngài đừng tự gây khổ cho mình nữa. Hiện nay, con cũng muốn theo ngài đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để gieo trồng căn lành và cầu được pháp thanh tịnh như vậy.

Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân hiện lại nguyên hình của mình rồi đứng trước Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và nói:

–Lành thay, lành thay, này thiện nam! Vì kính trọng pháp mà tâm của ông bền vững như vậy. Khi chư Phật quá khứ hành Bồ-tát đạo cũng như ông ngày nay cầu nghe phương tiện Bát-nhã ba-la-mật các Ngài mới chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Này thiện nam, thật sự ta chẳng cần tim, máu, tủy gì của người cả, mà ta chỉ muốn đến thử ông, vậy ông nguyện xin những gì ta sẽ cho.

Tát-đà-ba-luân nói:

–Vậy ông hãy cho tôi Vô thượng Chánh đẳng giác đi, Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Điều này sức ta không thể làm được chỉ có chư Phật Thế Tôn mới có, hãy cầu xin điều gì khác ta sẽ cho.

Tát-đà-ba-luân nói:

–Nếu ông bất lực trước sự cầu xin của tôi thì hãy làm cho thân tôi trở lại như cũ.

Vừa nói dứt lời thì thân của Tát-đà-ba-luân liền trở lại như cũ không hề có vết sẹo gì cả. Thích Đề-hoàn Nhân cho Tát-đà-ba-luân mãn nguyện rồi, biến mất.

Bấy giờ con gái của trưởng giả nói với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Ngài nên đến nhà con, con sẽ thưa với cha mẹ để xin của báu và vì nghe pháp mà cha mẹ của con sẽ cho của báu để ngài đem cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.

Thế rồi Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cùng con gái của trưởng giả đi về nhà cô ta. Con gái ông trưởng giả vào thưa với cha mẹ:

–Thưa cha mẹ! Xin cha mẹ hãy cho con hoa hương, anh lạc, các thứ y phục với những vật báu và hãy cung cấp cho năm trăm gái hầu theo con để cùng đi với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đến cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Vị Bồ-tát ấy sẽ nói pháp cho chúng con và nhờ nghe được pháp đó chúng con sẽ chứng đắc pháp của chư Phật.

Cha mẹ của cô gái nói:

–Hiện giờ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đang ở đâu?

Cô gái trả lời:

–Hiện giờ vị ấy đang ở ngoài cửa. Rồi cô lại kể: Vị ấy phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng giác chỉ vì muốn cứu độ tất cả vô lượng chúng sinh đang chịu khổ não trong sinh tử. Vì kính trọng pháp mà vị ấy muốn bán thân thân chẳng có ai mua nên đứng lại ưu sầu, khóc kể và than: “Ta muốn bán thân mà chẳng có ai mua cả.” Lúc ấy có một Bà-là-môn thấy vậy nói với vị ấy: “Nay cớ gì mà ông muốn bán thân mình?” Tát-đà-ba-luân trả lời: “Vì kính trọng pháp mà tôi muốn bán thân để cúng dường Bồ-tát Đàm-vôkiệt, tôi sẽ theo vị kia để được nghe pháp của chư Phật.” Người Bàla-môn nói: “Ta không cần người, nhưng nay ta sắp cúng tế lớn nên chỉ cần tim, máu và tủy của người, ông có bán không?” Nghe hỏi vị này rất vui mừng, tay cầm dao bén cắt tay phải cho máu chảy, rồi chặt đùi bên phải muốn đập xương để lấy tủy chảy ra. Lúc ấy, con đang ở trên lầu gác trông thấy từ xa sự việc như vậy liền suy nghĩ: “Người này vì cớ gì mà phải làm cho thân mình khốn khổ, để ta đến hỏi xem sao?” Khi nghe con hỏi thì Bồ-tát Tát-đà-ba-luân trả lời với con: “Vì quá nghèo khổ không có của cải nên tôi muốn bán tim, máu, tủy cho Bà-là-môn.” Con lại hỏi tiếp: “Này thiện nam! Ông muốn có tài vật ấy để làm gì?” Vị Bồ-tát trả lời con: “Vì kính trọng pháp nên tôi muốn có tài vật để cúng dường Bồ-tát Đàm-vôkiệt.” Con lại hỏi: “Này thiện nam! Nếu cúng dường như vậy thì ông sẽ được những lợi ích gì?” Bồ-tát trả lời: “Cúng dường như vậy tôi sẽ được sự lợi ích của các công đức vô lượng không thể nghĩ bàn.” Khi nghe nói công đức vô lượng của chư Phật không thể nghĩ bàn thì tâm con rất vui mừng và nghĩ: “Thiện nam này làm điều thật là hiếm có, vì kính trọng pháp mà vị ấy phải chịu bỏ thân để tự thân nhận lấy những khổ não như thế. Vậy ta phải làm thế nào để cúng dường pháp vì hiện nay gia đình ta có rất nhiều của cải.” Đối với việc vì pháp mà cúng dường này, lập tức con phát đại nguyện và thưa với vị ấy: “Này thiện nam! Ngài đừng làm đau khổ cho bản thân như vậy, con sẽ cho ngài nhiều của cải quý báu để đem cúng dường cho Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Con cũng muốn theo ngài đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để cúng dường và nay con cũng muốn chứng pháp Vô thượng của chư Phật như ngài vừa nói.” Nay xin cha mẹ hãy cho phép con được theo vị thiện nam này đến cúng dường Bồtát Đàm-vô-kiệt.

Cha mẹ cô gái trả lời:

–Những điều con vừa tán thán vị Bồ-tát này thật là hiếm có, thật khó có ai để sánh nổi. Vị ấy nhất tâm nhớ nghĩ pháp như vậy là bậc Đệ nhất tối thắng trong tất cả thế giới, chắc chắn có thể đem lại an vui cho tất cả chúng sinh nên vị ấy muốn cầu cho bằng được việc khó đó. Nay cha mẹ cho phép cúng năm trăm thị nữ con theo vị ấy, chúng ta cũng muốn gặp Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.

Cô gái này vì muốn đi cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nên thưa với cha mẹ:

–Thưa cha mẹ! Con không dám làm gián đoạn công đức của người.

Rồi cô ta lập tức sửa soạn trang nghiêm năm trăm cỗ xe và ra lệnh cho năm trăm cô gái hầu đem các loại hoa, các thứ y phục, các loại hương bột, hương xoa, vàng bạc, châu báu, anh lạc và các thức ăn ngon để chở cùng một xe của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân, còn năm trăm thị nữ cùng cung kính vây quanh xe rồi họ từ từ đi về hướng Đông. Từ xa mọi người trông thấy thành Chúng hương, thành này có bảy lớp được trang nghiêm bằng bảy báu rất đáng ưa thích, có bảy lớp hào thành và bảy lớp hàng cây. Thành ấy ngang dọc mươi hai do-tuần, cuộc sống của nhân dân ở đây rất là giàu có, an ổn và phồn thịnh. Lại có năm trăm ngả đường được sửa sang rất xinh đẹp như là bức tranh, còn cầu cống thì rộng rãi và sạch sẽ. Từ xa, trông thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi trên pháp tòa ở giữa thành và có vô lượng trăm ngàn vạn chúng vây quanh để nghe Ngài thuyết pháp thì tâm của họ rất hoan hỷ, ví như Tỳ-kheo được chứng Thiền thứ ba. Vừa thấy xong họ nghĩ: “Chúng ta không nên ngồi trên xe đi thẳng đến chỗ của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.” Thế rồi, mọi người đều xuống xe cùng đi bộ vào, Tát-đà-ba-luân cùng trưởng giả nữ và năm trăm thị nữ cung kính vây quanh, mỗi người cầm các thứ vật báu trang nghiêm đi đến chỗ của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Chỗ của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt có lâu đài bảy báu và được trang hoàng bằng cây Ngưu đầu Chiên-đàn, có treo trân châu, võng lưới cùng linh báu xen nhau. Bốn góc lâu đài mỗi góc đều treo minh châu để làm ánh sáng. Có bốn lò hương bằng bạc trắng đốt Hắc trầm thủy để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Trong đài báu của ngài có giường lớn làm bằng bảy thứ báu quý, trên giường có bốn hòm báu, dùng lá bằng vàng để biên chép Bát-nhã ba-la-mật rồi đặt vào trong hòm ấy, bốn bên lầu đài ấy treo rủ xuống các phướn báu.

Khi ấy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cùng với năm trăm thị nữ xa trông thấy đền đài được trang hoàng bằng các loại châu báu, họ lại thấy Thích Đề-hoàn Nhân cùng vô lượng trăm ngàn chư Thiên đem các loại hoa trời như hoa Mạn-đà-la, hoa Kim ngân, hoa Chiên-đàn để rải trên đài báu, lại trên hư không chư Thiên cũng trổi các thứ kỹ nhạc như vậy nên Tát-đà-ba-luân hỏi Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Kiều-thi-ca! Cớ sao mà ông cùng chư Thiên đem các loại

hoa trời Mạn-đà-la, Kim ngân, Chiên-đàn để tung rải trên bảo đài này và trổi những loại kỹ nhạc trời trên hư không vậy?

Thích Đề-hoàn Nhân trả lời:

–Này thiện nam! Ngài không hay biết ư? Vì trên đài báu đó có pháp tên là Đại Bát-nhã ba-la-mật, pháp ấy là mẹ của các Bồ-tát. Nếu Bồ-tát nào học theo pháp ấy thì sẽ được tất cả các công đức của Phật pháp và mau chứng Nhất thiết trí.

Tát-đà-ba-luân hỏi:

–Này Kiều-thi-ca! Đại Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của các Bồ-tát hiện giờ đang để chỗ nào? Nay tôi muốn trông thấy.

Thích Đề-hoàn Nhân trả lời:

–Này thiện nam! Bát-nhã ba-la-mật được viết trên lá bằng vàng, đựng ở trong hòm bằng bảy báu này, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đóng ấn bằng bảy báu lên đó, tôi không thể chỉ cho ngài thấy được.

Bấy giờ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cùng con gái của trưởng giả với năm trăm thị nữ mỗi người cầm đủ các thứ hoa hương, anh lạc, phướn lọng, y phục, vàng bạc, trân bảo liền lấy một nửa để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, còn một nửa để dâng lên cúng dường Bồtát Đàm-vô-kiệt. Bấy giờ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đem đủ các loại hoa hương, anh lạc, phan lọng, y phục, vàng bạc, hoa báu và trổi các thứ kỹ nhạc để cúng dường Đại Bát-nhã ba-la-mật, xong rồi hướng đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, lại dâng lên các loại hoa hương, anh lạc, bột chiên-đàn, vàng bạc, hoa báu vì pháp mà rải tung lên cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Những vật báu vừa rải tung lên thì chúng liền kết hợp lại thành lọng báu trụ giữa hư không và bốn bên lọng ấy rủ xuống những tràng phan báu. Tát-đà-ba-luân và năm trăm thị nữ thấy thần lực này, tâm của họ rất vui mừng và nghĩ: “Thật là điều chưa từng có. Thần lực của Đại sư Đàm-vô-kiệt như vậy, ngài chưa thành Phật mà sức thần thông của ngài còn như thế, huống gì là ngài chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.”

Ngay khi ấy, con gái trưởng giả và năm trăm thị nữ rất cung kính, tôn trọng Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nên tất cả các cô đều phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng giác: “Nhờ nhân duyên trồng căn lành này mà ở đời vị lai chúng con sẽ được thành Phật. Khi hành Bồ-tát đạo thì chúng con cũng được công đức như vậy. Giống như hiện nay Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đã cúng dường cung kính tôn trọng Bát-nhã bala-mật và giảng rộng cho mọi người được thành tựu sức phương tiện cũng như ngài vậy.”

Ngay tức thời, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cùng với con gái trưởng giả và năm trăm thị nữ sụp đầu mặt lạy sát chân Bồ-tát Đàm-vôkiệt, rồi họ chắp tay cung kính và lui đứng qua một bên.

Bấy giờ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân thưa với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt:

–Thưa Đại sư! Trước đây, khi con cầu Bát-nhã ba-la-mật, đang ở trong rừng vắng vẻ, bỗng nhiên con nghe tiếng giữa hư không bảo: “Này thiện nam! Từ đây đi về phương Đông thì ông sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật”, con liền đi về phương Đông. Đi không bao lâu con lại suy nghĩ: “Tại sao lúc nãy, ta không hỏi trên hư không đường về phương Đông xa hay gần và ta phải theo ai để được nghe Bát-nhã ba-la-mật.” Rồi con ưu sầu buồn bã và đứng lại bảy ngày, không nhớ nghĩ đến sự ăn uống và các việc thế gian, con chỉ nhớ nghĩ về Bát-nhã ba-la-mật. Và nghĩ: “Tại sao ta không hỏi tiếng nói giữa hư không là đường đi về phương Đông cách đây gần hay xa và ta phải theo ai để được nghe Bát-nhã ba-la-mật.” Vừa nghĩ như vậy thì tức thời có một Đức Phật hiện đứng trước mặt con và dạy: “Này thiện nam, từ đây về phương Đông cách năm trăm do-tuần và có thành tên là Chúng hương. Trong thành đó có Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đang nói pháp Bát-nhã ba-la-mật cho đại chúng và ông sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật ở trong đó.” Thế là con ở trong tất cả pháp, sinh ra ý tưởng không có chỗ nương dựa và dừng trụ, cũng đạt được vô lượng môn Tam-muội. Con trụ vào các Tammuội đó, con liền thấy mười phương chư Phật nói Bát-nhã ba-lamật cho các đại chúng và chư Phật có khen ngợi con: “Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Khi xưa hành Bồ-tát đạo, ta cũng đạt được các pháp môn Tam-muội như vậy. Và nhờ trụ vào trong các Tam-muội ấy, ta mới có thể thành tựu các pháp của chư Phật.” Chư Phật dạy bảo và an ủi con xong thì các Ngài đều biến mất. Con từ các Tam-muội tỉnh thức xong rồi nghĩ: “Chư Phật này từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” Vì không biết nhân duyên đến và đi của chư Phật con liền suy nghĩ: “Bồ-tát Đàm-vô-kiệt là vị đã từng cúng dường chư Phật thời quá khứ, ngài đã gieo trồng căn lành sâu xa, khéo học các phương tiện nên ắt hẳn ngài có thể nói chư Phật từ đâu đến và sẽ đi về đâu cho ta biết.”

Chỉ xin ước nguyện Đại sư, nay ngài hãy vì con mà nói rõ chư Phật từ đâu đến và sẽ đi về đâu cho con biết, khiến con thường được thấy chư Phật.

Phẩm 28: ĐÀM-VÔ-KIỆT

Bấy giờ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Này thiện nam! Chư Phật vốn không có chỗ từ đâu đến, cũng không có chỗ đi. Vì sao? Vì các pháp vốn như thật, bất động nên các pháp như thật, bất động đó tức là Như Lai.

Này thiện nam! Vô sinh vốn không đến không đi nên vô sinh đó tức là Như Lai. Vì thật tế vốn không đến, không đi nên thật tế tức là Như Lai. Vì không vốn không đến, không đi nên không đó tức là Như Lai. Vì sự dứt bỏ vốn không đến, không đi nên sự dứt bỏ đó tức là Như Lai. Vì xa lìa vốn không đến, không đi nên xa lìa đó tức là Như Lai. Vì tịch diệt vốn không đến, không đi nên sự tịch diệt đó tức là Như Lai. Vì tánh của hư không vốn không đến, không đi nên tánh của hư không đó tức là Như Lai.

Này thiện nam! Nếu lìa các pháp đó thì sẽ không có Như Lai. Như của các pháp và Như của chư Như Lai đều là một Như, không hai, không khác.

Này thiện nam! Như đó chỉ có một, không có hai, không có ba, nếu lìa các số ấy thì sẽ không có gì cả.

Này thiện nam! Ví như vào tháng cuối cùng của mùa xuân, lúc giữa ngày nóng bức, có người thấy ánh nắng dợn sóng bèn đuổi theo mong tìm được nước.

Này thiện nam! Ý ông thế nào? Nước ấy từ đâu đến? Từ biển

Đông đến hay là từ biển Nam, Tây, Bắc đến?

Tát-đà-ba-luân thưa với Đại sư:

–Thưa Đại sư! Trong sóng nắng còn không có nước, huống gì có chỗ đến và chỗ đi. Nhưng vì kẻ ngu si không có trí ở chỗ không có nước mà sinh ra ý nghĩa có nước, chư thật sự không có nước.

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói với Tát-đà-ba-luân:

–Này thiện nam! Nếu có người nào dựa vào sắc thân và âm thanh của Đức Như Lai mà sinh tâm đắm trước thì những hạng người ấy sẽ phân biệt và tưởng rằng chư Phật có đến và có đi. Phải biết những hạng người này là ngu si, không có trí: như chỗ không có nước mà tưởng rằng có nước. Vì sao? Vì không thể dùng sắc thân để thấy chư Phật Như Lai được. Bởi vì chư Phật Như Lai đều là Pháp thân. Này thiện nam! Thật tướng của các pháp vốn không có đến và không có đi nên chư Phật Như Lai cũng lại như vậy.

Này thiện nam! Ví như nhà ảo thuật biến hóa ra các binh voi, binh ngựa, binh xe, binh bộ, nhưng chúng vốn không đến, đi, nên biết chư Phật không đến, không đi cũng lại như vậy.

Này thiện nam! Giống như người trong giấc chiêm bao thấy có Như Lai hoặc một, hoặc hai, hoặc mười, hoặc hai mươi, hoặc năm mươi, hoặc một trăm hay hơn một trăm Như Lai, nhưng khi thức dậy rồi thậm chí chẳng thấy một Đức Như Lai, trong giấc mộng không có pháp nhất định đều là hư vọng. Này thiện nam! Ý ông thế nào? Chư Như Lai ấy có từ đâu đến và sẽ đi về đâu không?

Tát-đà-ba-luân bạch Đại sư:

–Trong giấc mộng không có pháp quyết định đều là hư vọng.

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói:

–Này thiện nam! Chư Như Lai nói tất cả các pháp đều là hư vọng giống như giấc mộng. Nếu người nào không biết các pháp là hư vọng như giấc mộng, thì người ấy chỉ dùng sắc thân, danh tự, ngôn ngữ, chương cú mà sinh tâm đắm trước. Những hạng người như vậy, vì không hiểu thật tướng của các pháp nên mới phân biệt chư Phật có đến, có đi. Nếu người nào đối với chư Phật mà phân biệt có đến và đi thì phải biết kẻ đó là phàm phu không có trí. Do đó, họ luôn luôn bị sinh tử trong sáu đường, xa lìa Bát-nhã ba-lamật và xa lìa Phật pháp.

Này thiện nam! Người nào có thể như thật biết chư Phật nói tất cả các pháp là hư vọng như chiêm bao thì người ấy đối với các pháp không phân biệt có đến, có đi, có sinh, có diệt. Vì nếu không phân biệt tất cả các pháp thì người ấy nhờ thật tướng của các pháp mà quán Như Lai; nếu nhờ thật tướng của các pháp mà biết Như Lai thì người ấy không phân biệt Như Lai hoặc đến, hoặc đi. Nếu có khả năng biết thật tướng của các pháp như vậy thì người ấy đã hành Bát-nhã ba-la-mật, gần Vô thượng Chánh đẳng giác, gọi người ấy là đệ tử chân chánh của Phật. Do đó, được nhận sự cúng dường trong nước nhưng không uổng phí, vì người đó là ruộng phước của thế gian.

Này thiện nam! Ví như trong biển lớn có các loại trân bảo, nhưng các trân bảo này không từ phương Đông đến, cũng không từ phương Nam, phương Tây, phương Bắc, mà đến cũng chẳng từ bốn phương góc trên dưới mà đến, chỉ do nhân duyên phước đức của chúng sinh nên biển sinh ra các trân bảo này. Chẳng phải không nhân duyên mà có, khi các báu diệt mất nó cũng không đi đến mười phương. Hễ các duyên hợp thì có, còn các duyên diệt thì rời tan.

Này thiện nam! Thân của chư Như Lai cũng lại như vậy, không có pháp quyết cố định nên cũng không từ mười phương đến, cũng chẳng không có nguyên nhân mà có vật gì sinh ra mà không có nguyên nhân của nó, chỉ do nguồn gốc tạo tác của nghiệp mà sinh ra nên mới có quả báo. Vì vậy, các duyên hợp thì có, còn các duyên diệt thì không có.

Này thiện nam! Ví dụ như âm thanh của cây đàn không hầu nó không từ đâu đến cũng không đi về đâu, nó chỉ phụ thuộc vào các nhân duyên như có dây đàn, có cái phím, có cây côn, có người dùng tay để đánh đàn. Khi các duyên hợp thì có tiếng đàn, tiếng đàn ấy không phải từ dây đàn phát ra, không từ cái phím, không từ cây côn, cũng không phải từ tay của người phát ra, mà nó chỉ do các duyên hợp lại mới phát ra tiếng đàn và những tiếng đàn ấy cũng không từ đâu đến. Hễ các duyên tan rã thì nó diệt, nó cũng không đi về đâu cả.

Này thiện nam! Thân của chư Như Lai cũng lại như vậy, đều phụ thuộc vào các nhân duyên của vô lượng phước đức mà được thành tựu, chứ không từ một nhân duyên hay một phước đức nào mà sinh. Cũng chẳng không có nhân và không có duyên mà có. Hễ các duyên hợp thì chúng có, nhưng không từ đâu đến; khi các duyên tan thì chúng diệt, nhưng chúng cũng không đi về đâu.

Này thiện nam! Phải nên quán sát tướng đến và đi của chư Như Lai như vậy và cũng nên quán sát tướng của các pháp như vậy.

Này thiện nam! Nếu ông quán sát các Đức Như Lai và tất cả pháp như thế, đó là không đến, không đi, không sinh, không diệt, thì nhất định ông sẽ đạt đến Vô thượng Chánh đẳng giác, cũng được hiểu rõ phương tiện Bát-nhã ba-la-mật.

Khi Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói với Tát-đà-ba-luân về pháp không đến, không đi của chư Như Lai thì cả đại địa trong tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động, cung điện của chư Thiên cũng đều chấn động, cung điện của các ác ma không còn hiện ra nữa. Lúc ấy cây cối, cỏ hoa trong tam thiên đại thiên thế giới đều nghiêm hướng về Đại Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và đều trổ ra những loại hoa đẹp sái mùa.

Bấy giờ ở giữa hư không, Thích Đề-hoàn Nhân và Tứ Thiên vương đem mưa bột chiên-đàn cùng các loại hoa trời nổi tiếng rải tung lên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và nói với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Thưa Nhân giả! Nhờ Ngài mà hôm nay chúng con được nghe điều quan trọng nhất, Đệ nhất nghĩa đế. Điều khó gặp gỡ ở tất cả thế gian, nay bản thân thấy song không thể nào theo kịp. Mà nay đích thân chúng con đích thân thấy nhưng không thể làm được.

Khi ấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân thưa với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt:

–Vì nhân duyên gì mà cả đại địa chấn động?

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt trả lời:

–Trước đây do ông hỏi về việc không đến, không đi của Đức Như Lai, khi ta trả lời cho ông có tám ngàn người đắc Vô sinh pháp nhẫn, tám mươi na-do-tha chúng sinh phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng giác, tám vạn bốn ngàn chúng sinh xa lìa cảnh trần nhơ bẩn, thấy được chân đế một cách rõ ràng sáng tỏ ở trong các pháp.

Vừa nghe xong tâm của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân rất là hoan hỷ và nghĩ: “Nay ta được lợi ích tốt lành rồi, ta cũng đã nghe trong Bátnhã ba-la-mật về việc không đến, không đi của chư Phật, Được làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh như vậy nên căn lành của ta đã đến lúc đầy đủ đối với địa vị Vô thượng Chánh đẳng giác, tâm ta không còn hồ nghi và hối tiếc gì nữa, chắc chắn ta cũng sẽ thành Phật.”

Nhờ nhân duyên được nghe pháp mà tâm của Bồ-tát Tát-đàba-luân rất hoan hỷ, ngài liền bay lên hư không cao bảy cây Đa-la và nghĩ: “Nay ta phải đem vật gì để cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt?”

Biết được tâm niệm của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân, Thích Đề-hoàn Nhân liền lấy hoa trời Mạn-đà-la đem đưa cho Tát-đà-ba-luân và nói:

–Ngài hãy đem hoa này dâng lên cúng dường Bồ-tát Đàm-vôkiệt. Này thiện nam, chúng con sẽ giúp đỡ để ngài tròn sở nguyện. Vì nhờ nhân duyên cầu pháp của ngài mà làm cho vô lượng chúng sinh được lợi ích. Này thiện nam, người như vậy rất là khó được gặp. Vị ấy có thể vì tất cả chúng sinh mà phải trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp qua lại luân hồi trong sinh tử.

Bấy giờ, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân nhận hoa Mạn-đà-la của Thích Đề-hoàn Nhân rồi rải lên cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, từ trên hư không hạ xuống, ngài cúi đầu làm lễ rồi bạch với Đại sư:

–Từ ngày hôm nay con xin đem thân này để cung phụng và tôn thờ Đại sư.

Thưa xong, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân chắp tay và lui đứng qua một bên.

Bấy giờ con gái ông trưởng giả và năm trăm thị nữ thưa với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Hôm nay chúng con cũng xin đem thân này để phụng thờ

Ngài. Vì nhờ nhân duyên trồng căn lành này của ngài nên chúng con mới được pháp lành như vậy. Chúng con nguyện đời đời thường cúng dường chư Phật và luôn luôn cùng nhau gần gũi với chư Phật.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân trả lời các cô gái:

–Nếu các cô thành tâm đem thân mình để phụng sự ta thì các cô phải thực hành theo điều hướng dẫn của ta.

Các cô gái thưa:

–Chúng con đã thành tâm đem thân mình để phụng sự cho ngài rồi thì chúng con sẽ thực hành theo những điều mà ngài hướng dẫn.

Bấy giờ Tát-đà-ba-luân đem con gái trưởng giả cùng năm trăm thị nữ mang đủ các loại vật báu trang nghiêm và năm trăm cỗ xe kính dâng lên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và thưa:

–Nay con đem con gái trưởng giả cùng với năm trăm thị nữ đến để phụng sự Đại sư và cả năm trăm cỗ xe này nữa xin ngài hãy tùy ý mà sử dụng.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân khen Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Lành thay, lành thay! Vị Đại Bồ-tát nên học tất cả các pháp xả như vậy. Vì nhờ có tất cả các pháp xả đó mà Bồ-tát mới có thể mau chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Xưa kia, các vị Bồ-tát vì nghe phương tiện Bát-nhã ba-la-mật cũng như ngài ngày nay đã cúng dường Đại sư vậy. Chư Phật quá khứ khi xưa hành Bồ-tát đạo các Ngài cũng trụ trong pháp xả đó như ngài vì nghe Bát-nhã ba-lamật mà cúng dường Pháp sư để nghe phương tiện Bát-nhã ba-lamật. Và cũng nhờ trụ trong pháp xả ấy tu tập mà các Ngài mới chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng giác.

Khi ấy, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt muốn khiến cho Bồ-tát Tát-đàba-luân được đầy đủ căn lành nên nhận con gái trưởng giả cùng năm trăm thị nữ và năm trăm cỗ xe. Nhận xong, Bồ-tát Đàm-vôkiệt giao lại cho Tát-đà-ba-luân, rồi từ tòa cao đứng dậy mà đi vào cung.

Lúc này mặt trời đã lặn, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền suy nghĩ: “Ta vì pháp đến đây thì chớ nên ngồi nằm, mà phải theo hai việc:

Hoặc là đi, hoặc là đứng để đợi Pháp sư đi ra cung điện thuyết pháp.”

Bấy giờ, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt suốt bảy năm thường nhập vô lượng Tam-muội của Bồ-tát và trụ trong vô lượng phương tiện Bátnhã ba-la-mật, ngài quán sát thấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cũng suốt bảy năm mà chỉ đi hoặc đứng, không hề ngủ nghỉ, không nhớ nghĩ các dục, chẳng nhớ nghĩ đến vị ngon, vị ấy chỉ nhớ nghĩ: “Khi nào Bồ-tát Đàm-vô-kiệt xuất thiền thì ta sẽ trải pháp tòa để ngài ngồi thuyết pháp. Ta sẽ quét dọn đất sạch sẽ và rải các loại hoa.”

Trong thời gian Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đang thuyết giảng phương tiện Bát-nhã ba-la-mật thì con gái trưởng giả và năm trăm thị nữ cũng suốt bảy năm họ đều thực hành theo những việc như Tát-đà-baluân.

Bấy giờ Tát-đà-ba-luân nghe tiếng giữa hư không bảo:

–Này thiện nam! Bảy ngày sau, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt xuất định và ngài sẽ ngồi trên pháp tòa trong thành để thuyết pháp.

Vừa nghe tiếng giữa hư không nói như vậy, Tát-đà-ba-luân rất vui mừng. Ngài cùng với con gái trưởng giả và năm trăm thị nữ trải Đại pháp tòa cho Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Lúc này, các cô gái cởi thượng y của mình chất lên làm pháp tòa và nghĩ: “Bồ-tát Đàm-vôkiệt sẽ ngồi trên pháp tòa này mà giảng nói phương tiện Bát-nhã ba-la-mật.”

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân muốn lấy nước để vẩy trên đất chỗ pháp tòa, nhưng tìm nước không được. Vì sao? Vì ác ma ẩn giấu làm cho nước không hiện ra và nghĩ: “Tát-đà-ba-luân tìm nước không được thì ông sẽ buồn rầu, tâm niệm của ông ấy sẽ thay đổi căn lành không tăng trưởng và trí tuệ sẽ không chiếu sáng.” Tát-đà-ba-luân tìm nước không được liền nghĩ: “Ta phải cắt thân mình lấy máu để rưới vẩy trên đất. Vì sao vậy? Vì bụi đất ở đây sẽ dính vào Đại sư. Tại sao ta phải dùng thân này? Vì không bao lâu thân này sẽ hư hoại. Nay ta thà vì pháp mà chịu mất thân, chứ không để thân này chết một cách vô ích. Cũng vì tham mê năm dục mà chính ta phải mất vô số thân nên phải qua lại trong sinh tử. Ta chưa từng được vì pháp mà chết như vậy.” Tát-đà-ba-luân liền lấy dao bén cắt khắp thân để lấy máu vẩy lên đất.

Con gái trưởng giả và năm trăm thị nữ cũng bắt chước Bồ-tát Tát-đà-ba-luân, mỗi mỗi người đều cắt thân lấy máu để vẩy lên đất. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và các cô gái đó cho đến một niệm cũng không có tâm nào khác. Do đó, bọn ác ma không thể nào phá hoại và làm chướng ngại căn lành của họ.

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Thật chưa từng có ai như vậy. Chỉ vì kính trọng pháp một cách kiên trì và muốn phát Đại trang nghiêm mà Bồ-tát Tát-đà-ba-luân không tiếc thân mạng. Vị ấy đã đem thân tâm hướng đến Vô thượng Chánh đẳng giác thì sẽ được chứng Vô thượng Chánh đẳng giác để cứu độ và giải thoát cho vô lượng chúng sinh đang bị khổ não trong sinh tử.”

Ngay khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân liền biến máu vẩy trên đất thành nước chiên-đàn màu đỏ của trời, còn bốn bên pháp tòa khoảng một trăm do-tuần thì mùi thơm chiên-đàn của trời tỏa khắp nơi, Thích Đề-hoàn Nhân khen ngợi:

–Lành thay, lành thay, này thiện nam! Sức tinh tấn của Ngài thật không thể nghĩ bàn. Với tâm kính trọng Pháp và cầu Pháp của ngài quả là cao tột.

Này thiện nam! Chư Phật thời quá khứ cũng đều như vậy, các Ngài đem tâm chuyên cần tinh tấn để kính trọng pháp và cầu pháp. Và cũng nhờ sự tu tập đó mà chư Phật chứng Vô thượng Chánh đẳng giác.

Bấy giờ Tát-đà-ba-luân nghĩ: “Ta vì Bồ-tát Đàm-vô-kiệt mà đã trải pháp tòa quét dọn và rưới đất sạch sẽ, bây giờ làm sao trên đất này lại tìm được hoa thơm mà trang hoàng để cúng dường tại tòa thuyết pháp của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt?”

Biết tâm niệm của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân, Thích Đề-hoàn Nhân liền đem ba ngàn hoa trời Mạn-đà-la trao cho Tát-đà-ba-luân và nói:

–Này thiện nam! Ngài hãy lấy hoa trời Mạn-đà-la này mà trang hoàng đất ấy để cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.

Nhận hoa xong, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền lấy một nửa đem rải trên đất, còn một nửa ngài cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.

Bảy ngày trôi qua, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đã xuất định và cùng vô lượng trăm ngàn vạn chúng cung kính vây quanh theo ngài đi đến chỗ pháp tòa. Và trên pháp tòa ấy, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật.

Vừa thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, tâm của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân rất vui mừng. Ví như Tỳ-kheo đang chứng vào cảnh Thiền thứ ba. Ngay khi ấy Tát-đà-ba-luân và năm trăm thị nữ liền lấy hoa rải tung lên cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và tất cả họ đều cúi đầu mặt lạy sát dưới chân ngài rồi lui đứng qua một bên.

Nhân vì Tát-đà-ba-luân mà Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói với đại chúng:

–Vì các pháp bình đẳng nên Bát-nhã ba-la-mật cũng bình đẳng.

Vì các pháp xa lìa nên Bát-nhã ba-la-mật cũng xa lìa.

Vì các pháp bất động nên Bát-nhã ba-la-mật cũng bất động.

Vì các pháp vô niệm nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô niệm.

Vì các pháp vô úy nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô úy.

Vì các pháp là một vị nên Bát-nhã ba-la-mật cũng một vị.

Vì các pháp vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô biên.

Vì các pháp vô sinh nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô sinh.

Vì các pháp vô diệt nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô diệt.

Như hư không vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô biên.

Như biển lớn vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô biên.

Như núi Tu-di trang nghiêm nên Bát-nhã ba-la-mật cũng trang nghiêm.

Như hư không không có phân biệt nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không có phân biệt.

Vì sắc vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô biên.

Vì thọ, tưởng, hành, thức vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô biên.

Vì địa chủng vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô biên.

Vì thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng và không chủng vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô biên.

Như Kim cang bình đẳng nên Bát-nhã ba-la-mật cũng bình đẳng.

Vì các pháp không hư hoại nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không hư hoại.

Vì tánh của các pháp chẳng thể nắm bắt nên tánh của Bát-nhã ba-la-mật cũng chẳng thể nắm bắt.

Vì các pháp không bình đẳng nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không bình đẳng.

Vì các pháp không có sự tạo tác nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không có sự tạo tác.

Vì các pháp không thể nghĩ bàn nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không thể nghĩ bàn.

Khi ấy ngay chỗ ngồi, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền đắc Tammuội các pháp bình đẳng, Tam-muội các pháp xa lìa, Tam-muội các pháp Bất động, Tam-muội các pháp vô niệm, Tam-muội các pháp không sợ hãi, Tam-muội các pháp một vị, Tam-muội các pháp không có biên giới, Tam-muội các pháp vô sinh, Tam-muội các pháp vô diệt, Tam-muội các pháp hư không vô biên, Tam-muội biển cả không bờ bến, Tam-muội núi Tu-di trang nghiêm, Tam-muội như hư không không có sự phân biệt, Tam-muội sắc vô biên, Tam-muội thọ, tưởng, hành, thức vô biên, Tam-muội địa chủng vô biên, Tam-muội thủy chủng, hỏa chủng, không chủng vô biên, Tam-muội như kim cang bình đẳng, Tam-muội các pháp bất hoại, Tam-muội tánh các pháp tánh chẳng thể nắm bắt, Tam-muội các pháp không gì sánh bằng, Tam-muội các pháp không có chỗ tạo tác, Tam-muội các pháp không thể nghĩ bàn Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đã đắc sáu trăm vạn pháp môn Tam-muội như vậy.

Phẩm 29: DẶN DÒ VÀ GIAO PHÓ

Bấy giờ Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Khi Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đắc sáu trăm vạn pháp môn Tam-muội rồi, liền thấy chư Phật hằng hà sa thế giới khắp mười phương, cùng cả chúng đại Tỳ-kheo cung kính vây quanh và tất cả đều dùng văn tự, chương cú, tướng mạo để nói Bát-nhã ba-la-mật. Cũng như hiện nay ta đang ở trong tam thiên đại thiên thế giới này cùng cả các đại chúng cung kính vây quanh đều dùng văn tự, chương cú, tướng mạo để nói Bát-nhã ba-la-mật đó vậy. Từ đó về sau, Bồtát Tát-đà-ba-luân được trí tuệ đa văn không thể nghĩ bàn, như nước trong biển lớn, đời đời sinh ra chỗ nào cũng không bao giờ xa lìa chư Phật. Trong đời hiện tại, vị ấy thường sinh ra chỗ chư Phật và đoạn trừ tất cả các nạn.

–Này Tu-bồ-đề! Ông phải biết nhờ nhân duyên của Bát-nhã ba-la-mật này mà vị ấy mới đầy đủ đạo Bồ-tát. Thế nên, các Bồ-tát nào muốn được tất cả trí tuệ thì phải tin hiểu và thọ trì Bát-nhã bala-mật rồi đọc tụng, nhớ nghĩ chân chánh và thực hành đúng như pháp cùng đem giảng nói rộng rãi cho mọi người. Cũng nên hiểu rõ việc biên chép quyển kinh, rồi đem các thứ hoa hương, anh lạc, hương bột, hương xoa, tràng phan và trổi các thứ kỹ nhạc để cung kính cúng dường, tôn trọng và ngợi khen. Đó là lời dạy của ta.

Khi ấy Phật bảo A-nan:

–Ý ông thế nào? Phật là Đại Sư của ông phải không?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Phật là Đại Sư của con; Như Lai là Đại Sư của con.

Phật bảo A-nan:

–Ta là Đại Sư của ông, ông là đệ tử của ta. Nếu ngay trong đời hiện tại này, ông đem ba nghiệp thân, khẩu, ý để cúng dường, cung kính và tôn trọng ta thì sau khi ta diệt độ, ông cũng phải lấy đó mà cúng dường, cung kính và tôn trọng Bát-nhã ba-la-mật như vậy!

Phật nói như thế lần thứ hai, lần thứ ba rồi bảo:

–Này A-nan! Nay ta đem Bát-nhã ba-la-mật này phó chúc cho ông, ông hãy cẩn thận giữ gìn, chớ để quên mất. Đừng làm người đoạn mất hạt giống sau cùng.

Này A-nan! Cứ theo thời gian nào Bát-nhã ba-la-mật còn ở đời thì ông phải biết lúc đó sẽ có Phật ở đời thuyết pháp.

Này A-nan! Nếu có người nào biên chép Bát-nhã ba-la-mật, rồi thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ chân chánh, thực hành đúng như pháp và thuyết giảng rộng rãi cho mọi người thì người ấy đã đem hoa hương, cho đến trổi các kỹ nhạc để cung kính, cúng dường, tôn trọng và ngợi khen Bát-nhã ba-la-mật. Phải biết người này thường được gặp Phật, thường được nghe pháp và thường gần gũi Phật.

Đức Phật nói Bát-nhã ba-la-mật xong, các Đại Bồ-tát như đức Di-lặc…, các chúng Thanh văn như Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề, Mụckiền-liên, Ma-ha Ca-diếp…, trong thế gian tất cả Trời, Người, A-tula…, nghe Đức Phật thuyết pháp rồi liền hoan hỷ và tin thọ.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10