SỐ 227
KINH TIỂU PHẨM BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 17: CÔNG ĐỨC THÂM SÂU

Lúc bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thật hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn! Đó là đại công đức Bồtát không thoái chuyển thành tựu. Bạch Thế Tôn! Ngài đã nói hằng hà sa số tướng mạo của Bồ-tát không thoái chuyển, Ngài nói tướng mạo ấy, tức là Ngài nói tướng Bát-nhã ba-la-mật sâu xa.

Phật dạy:

–Lành thay Tu-bồ-đề! Ông có khả năng nêu lên các tướng thậm thâm của Bồ-tát. Tu-bồ-đề! Tướng thậm thâm ấy là nghĩa không, tức là nghĩa không hình tướng, không tạo tác, không khởi, không sinh, không diệt, vô sở hữu, không nhiễm, tịch diệt, viễn ly, Niết-bàn.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nhưng nghĩa không ấy, cho đến nghĩa Niết-bàn, chẳng phải là nghĩa của tất cả pháp ư?

–Này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp cũng là nghĩa rất sâu xa. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Sắc thậm thâm; thọ, tưởng, hành, thức cũng thậm thâm. Thế nào là sắc thậm thâm? Như như là thậm thâm. Thế nào gọi là thọ, tưởng, hành, thức thậm thâm? Như như là thậm thâm. Tubồ-đề! Vô sắc là sắc thậm thâm; vô thọ, tưởng, hành, thức là thức thậm thâm.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thật hy hữu, bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã dùng phương tiện vi diệu phá chướng ngại sắc, biểu hiện Niết-bàn; phá chướng ngại thọ, tưởng, hành, thức, biểu hiện Niết-bàn.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đối với Bát-nhã ba-la-mật này, Bồ-tát nếu có thể suy nghĩ và xem xét, như điều Bát-nhã ba-la-mật dạy thì ta nên học như thế; như điều Bát-nhã ba-la-mật nói thì ta nên thực hành như thế, Bồ-tát ấy suy nghĩ và tu tập như thế, cho đến công đức tạo ra một ngày không có số lượng hạn định. Tu-bồ-đề! Ví như người nhiều ham muốn, dục vọng cũng nhiều, cùng với người nữ đoan chính hẹn hò, người nữ này bị công việc trở ngại nên lỗi hẹn không đến. Tu-bồđề! Ý ông thế nào? Người nhiều ham muốn đó thích ứng với pháp gì?

–Bạch Đức Thế Tôn! Người nhiều ham muốn đó sinh ý tưởng nhớ đến cô gái: “Chẳng bao lâu cô ấy sẽ đến cùng với mình ngồi, nằm đùa giỡn.”

–Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Trong một ngày đêm người đó sinh ra bao nhiêu ý nghĩ ham muốn?

–Bạch Đức Thế Tôn! Trong một ngày đêm người đó sinh ra rất nhiều ý nghĩ ham muốn.

–Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào như lời dạy Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu mà tư duy học tập thì không bị thoái lui, xa lìa đường ác, vượt khỏi hiểm nạn trong bao nhiêu kiếp sinh tử. Nhờ tương ứng sâu xa với Bát-nhã ba-la-mật, dù chỉ một ngày, Bồ-tát cũng có thể tạo ra công đức hơn hẳn Bồ-tát tạo công đức bố thí trong hằng hà sa kiếp mà lại xa lìa Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào đối với Bồ-tát cúng dường các bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chiphật, các Phật trong vô số kiếp mà lại xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, phước đó có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Rất nhiều, phước ấy vô lượng, vô biên không thể nói hết.

Phật dạy:

–Nhưng phước ấy cũng không bằng Bồ-tát tu hành theo Bátnhã ba-la-mật thâm sâu dù cho một ngày cũng tạo nhiều phước đức. Vì sao? Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật có khả năng vượt qua Thanh văn, Bích-chi-phật địa, vào quả vị Bồ-tát đắc Vô thượng Bồđề.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Trong hằng hà sa kiếp Bồ-tát Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ mà lại xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, ý ông thế nào, phước đó có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy:

–Nhưng phước ấy cũng không bằng phước của Bồ-tát tu hành đúng pháp theo Bát-nhã ba-la-mật dù chỉ một ngày Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, phước ấy rất nhiều.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Trong hằng hà sa kiếp, Bồ-tát ban bố pháp cho chúng sinh nhưng lại xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, ý ông thế nào? Phước ấy có nhiều không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy:

–Nhưng phước ấy cũng không bằng phước của Bồ-tát tu hành đúng pháp theo Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu dù chỉ một ngày ban bố pháp cho chúng sinh, phước ấy rất nhiều. Vì sao? Vì Bồ-tát không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật tức là không xa lìa Nhất thiết trí.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Trong hằng hà kiếp, Bồ-tát tu tập ba mươi bảy phẩm Trợ đạo nhưng lại xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, ý ông thế nào, phước ấy có nhiều?

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy:

–Nhưng phước ấy cũng không bằng phước của Bồ-tát trụ trong Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu dù một ngày tu tập ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, phước ấy rất nhiều. Vì sao? Vì không có việc Bồ-tát trụ trong Bát-nhã ba-la-mật mà thoái lui Nhất thiết trí.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Trong hằng hà sa kiếp Bồ-tát thực hành tài thí, pháp thí, thiền định, hồi hướng các công đức ấy lên ngôi Vô thượng Bồ-đề nhưng lại xa lìa Bát-nhã ba-la-mật. Ý ông thế nào? Phước ấy có nhiều không?

–Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy:

–Nhưng phước ấy cũng không bằng phước của Bồ-tát tu hành đúng pháp theo Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu dù cho một ngày thực hành tài thí, pháp thí, thiền định, hồi hướng các công đức lên ngôi Vô thượng Bồ-đề, phước ấy rất nhiều. Vì sao? Vì đó là công đức hồi hướng Đệ nhất, nghĩa là không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Ngài nói, tất cả pháp sinh ra đều do ý nhớ tưởng phân biệt thì tại sao nói là Bồ-tát được phước rất nhiều?

–Tu-bồ-đề! Khi Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng có thể quán sát tạo ra công đức. Tướng công đức ấy là không, không thật có, hư dối, không thật, không kiên cố. Nếu Bồ-tát quán sát như vậy thì không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, không xa lìa Bátnhã ba-la-mật thậm thâm tức đắc vô lượng, vô số phước đức.

–Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng và a-tăng-kỳ có khác nhau như thế nào?

–Tu-bồ-đề! A-tăng-kỳ là số lượng không thể đếm hết, vô lượng là quá hơn con số đó, không thể tính lường.

–Bạch Đức Thế Tôn! Vậy thì sắc có vô lượng; thọ, tưởng, hành, thức có vô lượng không?

Phật dạy:

–Có, này Tu-bồ-đề! Sắc vô lượng; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô lượng.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nghĩa của vô lượng như thế nào? Vô lượng là nghĩa gì?

–Tu-bồ-đề! Vô lượng nghĩa là không, tức là nghĩa vô tướng, vô tác.

–Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng chỉ là nghĩa không, hay còn có nghĩa nào khác nữa?

–Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Ta không nói tất cả pháp là không ư?

–Bạch Thế Tôn! Ngài có nói.

–Này Tu-bồ-đề! Nếu không tức là vô tận, nếu không tức là vô lượng, thì nghĩa của pháp này không có sai khác. Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói vô tận, vô lượng, không, không tướng, không tạo tác, không khởi, không sinh, không diệt, vô sở hữu, không nhiễm, Niếtbàn, chỉ là nói danh từ phương tiện mà thôi.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thật hy hữu, bạch Đức Thế Tôn! Thật tướng của các pháp không thể nói được, mà nay Ngài nói được. Bạch Thế Tôn! Như con hiểu lời Ngài nói thì tất cả pháp đều không thể nói được.

–Đúng vậy, đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp đều không thể nói được.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tướng không của tất cả pháp không thể nói được. Không thể nói nghĩa ấy, không có thêm và không có bớt. Nếu như vậy, Bố thí ba-la-mật cũng phải không thêm không bớt, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật cũng phải không thêm không bớt. Nếu các Ba-la-mật ấy không tăng, không giảm thì tại sao Bồ-tát dựa vào sự không tăng, không giảm của Bát-nhã ba-la-mật để đắc Vô thượng Bồ-đề hoặc gần Vô thượng Bồ-đề.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát dựa vào sự tăng hoặc giảm của Bala-mật thì không thể gần Vô thượng Bồ-đề.

–Đúng vậy, đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Không thể nói nghĩa không tăng không giảm, khéo biết phương tiện lúc Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, tu Bát-nhã ba-la-mật, không nghĩ Bố thí ba-lamật tăng hoặc giảm, mà nghĩ Bố thí ba-la-mật chỉ có danh tự. Khi Bồ-tát bố thí khởi niệm và các thiện căn đều là những tướng hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát khéo biết phương tiện hành Bát-nhã ba-la-mật, tu Bát-nhã ba-la-mật, không nghĩ Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật hoặc tăng hoặc giảm.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát khéo biết lúc phương tiện hành Bát-nhã ba-lamật, tu Bát-nhã ba-la-mật, không nghĩ Bát-nhã ba-la-mật hoặc tăng hoặc giảm mà nghĩ Bát-nhã ba-la-mật chỉ có danh tự. Khi Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật khởi niệm, khởi tâm và các thiện căn đều là những tướng hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những gì là Vô thượng Chánh đẳng giác?

–Này Tu-bồ-đề! Vô thượng Bồ-đề tức là Như như không tăng, không giảm. Bồ-tát nào thực hành phải nghĩ như thế đó tức là gần Vô thượng Bồ-đề.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Không thể nói nghĩa tuy không có tăng giảm nhưng không thoái lui các niệm và không thoái lui các Bala-mật. Bồ-tát thực hành những việc đó thì gần Vô thượng Bồ-đề nhưng cũng không thoái lui hạnh Bồ-tát, do đó Bồ-tát nghĩ mình được gần Vô thượng Bồ-đề.

–Bạch Đức Thế Tôn! Tâm trước của Bồ-tát gần Vô thượng Bồ-đề, tâm sau của Bồ-tát cũng gần Vô thượng Bồ-đề. Bạch Đức Thế Tôn! Tâm trước tâm sau mỗi mỗi không đồng nhau, tâm sau tâm trước cũng không đồng nhau. Bạch Đức Thế Tôn, nếu tâm trước tâm sau không đồng nhau thì tại sao các thiện căn của Bồ-tát được tăng trưởng?

–Tu-bồ-đề! Như khi thắp đèn, ánh sáng ban đầu nhờ vào tim đèn, ánh sáng sau cũng nhờ vào tim đèn, ý ông nghĩ thế nào về việc ấy?

–Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng phải ban đầu thắp đèn mà không xa lìa tim đèn, cũng chẳng phải lúc sau thắp đèn mà không xa lìa tim đèn.

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, tim đèn đó có cháy không?

–Bạch Đức Thế Tôn! Đúng là nhờ tim đèn mới cháy được.

–Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy, chẳng phải nhờ tâm ban đầu đắc

Vô thượng Bồ-đề mà xa lìa tâm ban đầu, chẳng phải tâm sau đắc Vô thượng Bồ-đề mà xa lìa tâm sau.

–Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ pháp nhân duyên thâm sâu ấy, chẳng phải tâm ban đầu của Bồ-tát đắc Vô thượng Bồ-đề mà không xa lìa tâm ban đầu, chẳng phải tâm sau của Bồ-tát đắc Vô thượng Bồ-đề mà không xa lìa tâm sau.

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, nếu tâm đã diệt rồi thì tâm ấy mới sinh phải không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không phải vậy!

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, nếu tâm sinh là tướng diệt phải không?

–Bạch Đức Thế Tôn, là tướng diệt!

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, nếu là tướng diệt thì pháp sẽ diệt chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không phải vậy!

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, trụ trong Như cũng là như trụ phải không?

–Bạch Đức Thế Tôn! Trụ trong như cũng là như tru.

–Tu-bồ-đề! Trụ trong như cũng là như trụ thì đó tức là thường chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, như đó có thậm thâm không?

–Bạch Đức Thế Tôn! Như đó thật thậm thâm.

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, như đó tức là tâm chăng?

–Không phải, bạch Đức Thế Tôn!

–Tu-bồ-đề! Xa lìa như tức xa lìa tâm phải không?

–Không phải, bạch Đức Thế Tôn!

–Tu-bồ-đề! Ông có thấy như ấy không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, người nào hành như vậy là hành thậm thâm phải không?

–Bạch Đức Thế Tôn! Người nào hành như vậy là không có việc gì để hành. Vì sao? Vì người đó không hành tất cả các hành.

–Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật thì hành ở chỗ nào?

–Bạch Đức Thế Tôn! Hành trong Đệ nhất nghĩa.

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Bồ-tát hành Đệ nhất nghĩa là hành nhân tướng chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào, Bồ-tát đó có hủy hoại các tướng không?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Tu-bồ-đề! Thế nào gọi là Bồ-tát hủy hoại các tướng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát không học như vậy và nghĩ mình hành Bồ-tát đạo nên đối với thân này phải đoạn các tướng, nếu đoạn các tướng thì chưa đủ Phật đạo, sẽ làm Thanh văn, bạch Thế Tôn, nhưng nhờ lực đại phương tiện nên Bồ-tát biết lỗi các tướng nhưng không chấp vô tướng.

Khi ấy Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề:

–Thưa Hiền giả! Nếu trong mộng Bồ-tát tu ba pháp môn giải thoát: không, vô tướng, vô tác thì có tăng thêm Bát-nhã ba-la-mật không? Nếu ban ngày được tăng thêm thì trong mộng cũng phải tăng thêm chứ? Vì sao? Vì Đức Phật nói ngày đêm, trong mộng không khác nhau.

Thưa Tôn giả! Nếu Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật tức là có Bátnhã ba-la-mật, cho nên trong mộng cũng phải tăng thêm Bát-nhã ba-la-mật. Xá-lợi-phất! Người nào tạo nghiệp trong mộng, nghiệp đó có quả báo không? Đức Phật nói tất cả pháp đều như mộng, không có quả báo, nhưng khi tỉnh dậy phân biệt nên có quả báo. Xá-lợi-phất, người nào sát sinh trong mộng và khi thức dậy biết rõ mình thích sát sinh thì nghiệp đó thế nào?

–Tu-bồ-đề! Không có duyên thì không có nghiệp, không có duyên thì tư duy không sinh. Như thế, này Tu-bồ-đề! Không có đủ duyên thì không có nghiệp, không có đủ duyên thì tư duy không sinh, nếu tâm hành theo trong các pháp thấy, nghe, hiểu, biết thì có tâm nhận cấu bẩn, có tâm nhận tịnh. Cho nên, này Xá-lợi-phất! Có nhân duyên tạo nghiệp chứ chẳng phải không có, có nhân duyên sinh tư duy chứ chẳng phải không có.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Nếu Bồ-tát bố thí trong mộng, hồi hướng lên ngôi Vô thượng Bồ-đề, việc bố thí đó có được gọi là hồi hướng không?

–Xá-lợi-phất! Bồ-tát Di-lặc đã được Đức Phật thọ ký Vô thượng Chánh đẳng giác, nay đang ngự tại tòa, Hiền giả có thể đến hỏi Bồ-tát sẽ giải đáp việc này.

Xá-lợi-phất liền đến hỏi Bồ-tát Di-lặc. Bồ-tát Di-lặc nói với Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Nay ta lấy danh tự Di-lặc để trả lời, hoặc giả lấy sắc để trả lời chăng? Lấy thọ, tưởng, hành, thức để trả lời chăng? Hoặc giả lấy sắc trống không để trả lời chăng? Lấy thọ, tưởng, hành, thức trống không để trả lời chăng? Sắc trống không ấy không thể giải đáp; thọ, tưởng, hành, thức trống không ấy không thể giải đáp. Này Xá-lợi-phất! Ta đều chẳng thấy pháp ấy có thể có chỗ trả lời, cũng chẳng thấy người đáp, việc đã đáp, người dùng pháp để đáp và pháp có thể đáp, ta cũng không thấy các pháp đó được thọ ký Vô thượng Bồ-đề.

Xá-lợi-phất nói với Bồ-tát Di-lặc:

–Thưa Bồ-tát! Theo lời thuyết pháp của ngài, có thể chứng được pháp đó không?

Di-lặc nói:

–Tôi không chứng đắc theo sự thuyết pháp ấy.

Xá-lợi-phất nghĩ: “Bồ-tát Di-lặc có trí tuệ thậm thâm, hành Bát-nhã ba-la-mật suốt cả ngày đêm.” Lúc bấy giờ, Đức Phật biết tâm niệm của Xá-lợi-phất, ngài nói với Xá-lợi-phất:

–Ý ông thế nào, ông thấy pháp đó chăng và có thể nương vào pháp đó để đắc A-la-hán được chứ?

Xá-lợi-phất đáp:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát cũng vậy, có phương tiện hành Bátnhã ba-la-mật nên không nghĩ pháp đó được thọ ký Vô thượng Bồđề, đã được thọ ký, đang được thọ ký, sẽ được thọ ký. Bồ-tát nào hành như vậy tức là hành Bát-nhã ba-la-mật, không còn sợ không được đắc Vô thượng Bồ-đề. Ta luôn tinh tấn thực hành như vậy nên chắc chắn sẽ đắc Vô thượng Bồ-đề.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát phải nên thường không lo sợ, cho dù ở trong ác thú cũng không lo sợ. Vì sao? Vì Bồ-tát nên nghĩ nếu mình bị ác thú ăn thịt thì mình sẽ bố thí, nguyện thực hành đầy đủ Bố thí ba-la-mật sẽ được gần Vô thượng Bồ-đề. Ta tinh tấn thực hành như vậy nên khi đắc Vô thượng Bồ-đề trong thế giới ấy không có.

Bồ-tát ở trong oán tặc không sợ sệt. Vì sao? Vì pháp của Bồ-tát là không tiếc thân mạng và nghĩ nếu thân mạng ta bị cướp đoạt thì không sinh sân giận, nguyện thực hành đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật để được gần Vô thượng Bồ-đề. Ta tinh tấn thực hành như vậy nên khi đắc Vô thượng Bồ-đề trong thế giới ấy không có giặc oán thù và các sự cướp bóc tàn ác.

Bồ-tát ở chỗ không có nước, không lo sợ và nghĩ mình phải nên thuyết pháp để trừ sự khát cho tất cả chúng sinh, nếu có người chết vì khát thì ta nghĩ chúng sinh đó không có phước đức nên ở chỗ không có nước. Ta tinh tấn thực hành như vậy nên khi đắc Vô thượng Bồ-đề trong thế giới ấy, dù ở chỗ không có nước, ta cũng khiến cho chúng sinh tinh tấn tu các phước đức, tự nhiên trong thế giới xuất hiện dòng nước có tám công đức.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát ở chỗ đói khát không lo sợ và nghĩ ta nên tinh tấn thực hành như vậy để khi đắc Vô thượng Bồ-đề thì trong thế giới ấy không có nạn đói khát, được đầy đủ khoái lạc như ý. Giống như trên cõi trời Đao-lợi các vị trời suy nghĩ điều gì thì sẽ được toại nguyện. Bồ-tát gặp những việc như vậy mà không lo sợ, nên biết Bồ-tát đó có thể đắc Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát ở chỗ bệnh tật không nên lo sợ. Vì sao? Vì trong đó không có pháp bệnh tật và nghĩ ta nên tinh tấn thực hành như vậy để khi đắc Vô thượng Bồ-đề thì tất cả chúng sinh trong thế giới ấy không có ba thứ bệnh, vì thế ta nên tinh tấn thực hành theo hành sự của chư Phật.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Bồ-tát nghĩ về Vô thượng Bồ-đề rất lâu mới có thể đắc không nên lo sợ. Vì sao? Vì thế giới từ trước đến nay như chỉ trong một tâm niệm, không nên sinh ý tưởng lâu xa, không nên nghĩ đời trước là lâu xa, đời trước tuy là lâu xa, nhưng vẫn cùng một niệm tương ứng. Vậy Xá-lợi-phất, Bồ-tát nghĩ lâu dài về Vô thượng Bồ-đề và có thể đắc được mà không lo sợ thoái lui.

Phẩm 18: HẰNG-GIÀ-ĐỀ-BÀ

Lúc bấy giờ, trong hội có người nữ tên Hằng-già-ba-đề từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối phải chấm đất, chăp tay hướng về Đức Phật bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đối với việc này con không lo sợ, trong đời tương lai con sẽ nói những điều thiết yếu này cho chúng sinh.

Vừa dứt lời, người nữ dùng hoa vàng tung lên cúng Phật, những cánh hoa ấy trụ trong hư không ngay đỉnh đầu Đức Phật. Bấy giờ Đức Phật mỉm cười.

A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên phải, quỳ gối phải chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật rồi thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì Ngài mỉm cười, pháp thường của chư Phật là không có nhân duyên thì không mỉm cười?

Đức Phật bảo A-nan:

–Này A-nan! Kiếp Tinh tú đời vị lai, người nữ Hằng-già-đề-bà này được thành Phật, hiệu Kim Hoa. Nay chuyển thân nữ được thành thân nam sinh ra ở cõi của Phật A-súc. Ở cõi của Đức Phật kia, Hằng-già-đề-bà thường tu phạm hạnh, sau khi mạng chung, từ một cõi Phật này đến một cõi Phật khác… cũng luôn tu phạm hạnh cho đến khi đắc Vô thượng Bồ-đề vẫn không xa lìa chư Phật. Thí như Chuyển luân thánh vương đi từ lâu đài này đến lâu đài khác, từ khi sinh đến mạng chung chân không giẫm đất. Người nữ này cũng vậy, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác thường tu phạm hạnh cho đến đắc Vô thượng Bồ-đề vẫn không xa lìa chư Phật.

A-nan liền nghĩ: “Lúc ấy hội chúng Bồ-tát đi đến hội chư Phật”. Biết ý nghĩ của A-nan, Đức Phật liền bảo:

–Đúng vậy, đúng vậy! Nên biết khi ấy hội chúng Bồ-tát đi đến hội chư Phật. Này A-nan! Thời Phật Kim Hoa, chúng Thanh văn vào Niết-bàn số đến vô lượng, không thể tính kể, trong thế giới ấy không có các nạn ác thú, oán tặc cũng không bị tai họa đói khát, bệnh tật. Khi Phật Kim Hoa đắc Vô thượng Bồ-đề không có các sự lo sợ như vậy.

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ban đầu người nữ ấy gieo trồng thiện căn vào thời nào?

Này A-nan! Ban đầu người nữ ấy gieo trồng thiện căn vào thời Phật Nhiên Đăng, dùng thiện căn ấy hồi hướng lên ngôi Vô thượng Bồ-đề và cũng dùng hoa vàng rải lên cúng dường Phật Nhiên Đăng để cầu Vô thượng Bồ-đề. A-nan! Khi ấy, ta dùng năm cánh hoa rải lên cúng dường Phật Nhiên Đăng. Phật Nhiên Đăng biết thiện căn ta thành tựu liền thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Bấy giờ, người nữ này nghe ta được thọ ký liền phát nguyện vào đời vị lai mình cũng được thọ ký như vậy. Như nay, người nữ ấy được thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Như vậy, này A-nan! Ban đầu người nữ ấy gieo trồng thiện căn vào thời Phật Nhiên Đăng và phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như thế người nữ ấy tu tập lâu dài hạnh Vô thượng Bồ-đề.

Phật dạy:

–Đúng vậy. Này A-nan! Người nữ ấy tu tập lâu dài hạnh Vô thượng Bồ-đề.

Khi ấy, Tu-bồ-đề hỏi Đức Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ-tát muốn hành Bát-nhã ba-lamật phải tu tập không như thế nào? Phải vào Không Tam-muội như thế nào?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật phải quán sắc không, phải quán thọ, tưởng, hành, thức không, nên dùng nhất tâm để quán pháp không thể thấy, cũng không thể chứng.

–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Ngài nói Bồ-tát chẳng chứng không, thế nào là Bồ-tát vào Không Tam-muội mà chẳng chứng Không?

–Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát vốn đã sinh tâm quán không đầy đủ, nhưng quán không mà chẳng chứng không, đây là thời gian Bồtát học chứ chẳng phải thời gian để chứng và không buộc tâm vào duyên thâm sâu ấy. Khi đó Bồ-tát không thoái lui tâm hộ trì đạo pháp và không diệt tận lậu hoặc Vì sao? Vì Bồ-tát đó có trí tuệ lớn và thiện căn thâm sâu, nên nghĩ đây là thời gian học chứ chẳng phải thời gian chứng và chỉ vì đắc Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Ví như người nam khỏe mạnh, không thể bị quật ngã, dung nghi nghiêm chánh, mọi người đều kính mến. Người nam ấy hiểu rõ binh pháp, vũ khí tinh nhuệ, đầy đủ sáu mươi bốn thứ và cũng thông suốt các kỹ thuật khác. Được mọi người kính mến nên làm bất cứ việc gì cũng thành công, do có điều kiện thuận lợi nên làm nhiều lợi ích, càng làm mọi người thêm cung kính, tăng thêm sự vui vẻ. Người đó có nhân duyên là phải đưa cha mẹ, vợ con vượt qua đường nguy hiểm, thoát khỏi chỗ khó khăn, được an ổn và khuyên cha mẹ, vợ con chớ sợ hãi, nói rằng con đường này tuy nhiều nguy hiểm, có oán tặc nhưng chắc chắn được an ổn, không bị người khác làm trở ngại và gây khó khăn. Trí lực của người ấy, thành tựu trước đây không có ai địch nổi, có thể đưa cha mẹ, vợ con thoát khỏi các tai nạn này, được vui vẻ đến thành ấp xóm làng, nhà cửa không bị tổn thương, oán tặc thấy không dám sinh ác tâm. Vì sao? Vì người này thông suốt tất cả kỹ nghệ, ngay trong đường hiểm biết hóa ra nhiều người tay cầm vũ khí đông hơn giặc làm bọn giặc khiếp sợ rã đám. Vì thế biết chắc người này được an ổn, không bị các họa hoạn.

Như vậy này Tu-bồ-đề! Bồ-tát duyên tất cả chúng sinh nên buộc tâm vào Từ Tam-muội, vượt qua các kết sử và pháp hỗ trợ kết sử, vượt qua các ma và kẻ giúp đỡ ma, vượt qua Thanh văn, Bíchchi-phật địa, trụ vào Không Tam-muội mà không trừ lậu hoặc.

Này Tu-bồ-đề! Khi ấy, Bồ-tát hành pháp môn giải thoát không mà không chứng vô tướng cũng không rơi vào hữu tướng. Ví như con chim đang bay trên hư không, không bị rơi giữa đường, ở trong hư không mà không trụ vào hư không. Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy, hành không, học không, hành vô tướng, học vô tướng vô tác, học vô tác, chưa đầy đủ pháp của chư Phật nhưng không rơi vào không, vô tướng, vô tác.

Ví như người bắn tên giỏi, bắn tên lên hư không, mũi này nối tiếp mũi kia, tùy ý nối tiếp nhau mà không rớt xuống đất. Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, nhờ phương tiện hộ trì nên không chứng thật tế đệ nhất mà chỉ muốn thành tựu thiện căn Vô thượng Bồ-đề. Khi chứng Vô thượng Bồ-đề thì mới chứng thật tế đệ nhất. Cho nên, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật nên suy tư về thật tướng của các pháp như thế mà không chịu chứng.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Việc làm của Bồ-tát rất khó khăn, rất là hiếm có, có thể học được như vậy mà cũng không giữ lấy sự chứng đắc.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát ấy không bỏ tất cả chúng sinh nên phát đại nguyện như vậy. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát phát tâm không bỏ tất cả chúng sinh và độ họ vào Không Tam-muội giải thoát môn, Vô tướng, Vô tác Tam-muội giải thoát môn, khi ấy Bồ-tát không chứng thật tế nửa chừng. Vì sao? Vì Bồ-tát nhờ phương tiện hộ trì.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát muốn vào định thâm sâu như thế, đó gọi là Không Tam-muội giải thoát môn, Vô tướng, Vô tác Tammuội giải thoát môn, thì trước hết Bồ-tát ấy nên suy nghĩ đã từ lâu chúng sinh chấp vào tướng chúng sinh, chấp có sự chứng đắc, Vô thượng Bồ-đề, vậy ta nên vì họ thuyết pháp đoạn các kiến chấp này. Khi đó Bồ-tát liền vào Không Tam-muội giải thoát môn. Đó là Bồ-tát dùng tâm ấy và nhờ năng lực phương tiện ban đầu nên không chứng đắc nửa chừng, cũng không mất Tam-muội Từ, Bi, Hỷ, Xả. Vì sao? Vì Bồ-tát nhờ thành tựu năng lực phương tiện nên thiện pháp tăng trưởng gấp bội, các căn thông lợi và cũng tăng trưởng các Lực, các Giác chi.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghĩ đã từ lâu chúng sinh hành theo ngã tướng, cho rằng ta chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, ta nên thuyết pháp đoạn tướng ấy. Khi đó Bồ-tát vào Vô tướng Tam-muội giải thoát môn, đó là Bồ-tát dùng tâm ấy và nhờ năng lực phương tiện ban đầu nên không chứng đắc nửa chừng, cũng không mất Tam-muội Từ, Bi, Hỷ, Xả. Vì sao? Vì Bồ-tát nhờ thành tựu năng lực phương tiện nên thiện pháp tăng trưởng gấp bội, các căn thông lợi và cũng tăng trưởng các Lực, các Giác chi.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghĩ đã từ lâu chúng sinh sống theo thường tưởng, lạc tưởng, tịnh tưởng, ngã tưởng và cho những tưởng ấy đắc Vô thượng Bồ-đề, vậy ta nên thuyết pháp đoạn trừ những tưởng ấy, đó là pháp vô thường chẳng phải thường, là khổ chẳng phải vui, là bất tịnh chẳng phải tịnh, là vô ngã chẳng phải ngã. Đó là Bồ-tát dùng tâm ấy và nhờ năng lực phương tiện ban đầu, tuy chưa đắc Tam-muội Phật, chưa đầy đủ Phật pháp, chưa chứng Vô thượng Bồ-đề nhưng Bồ-tát có thể vào Vô tác Tam-muội giải thoát môn, không chứng đắc nửa chừng.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghĩ đã từ lâu chúng sinh hành theo hữu tướng, đã có sở đắc, nay cũng có sở đắc; trước hành theo hữu tướng, nay cũng hành theo hữu tướng; trước hành điên đảo, nay cũng hành điên đảo; trước hành hòa hợp, nay hành sống hòa hợp; trước hành hư vọng, nay cũng hành hư vọng; trước hành tà kiến, nay cũng hành tà kiến. Nên Bồ-tát siêng năng hành tinh tấn, đắc Vô thượng Bồ-đề và thuyết pháp trừ các tướng ấy của chúng sinh.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghĩ đến tất cả chúng sinh nên dùng tâm và năng lực phương tiện để quán pháp tướng thâm sâu hoặc không, hoặc không tướng, không tạo tác, không khởi, không sinh, vô sở hữu. Tu-bồ-đề! Không có việc Bồ-tát thành tựu trí tuệ như vậy mà còn rơi vào sinh tử trong ba cõi.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát muốn đắc Vô thượng Bồ-đề nên hỏi các Bồ-tát khác học các pháp ấy như thế nào; sinh tâm như thế nào?

Vào không chẳng chứng không, vào vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sinh, vô sở hữu, không chứng vô sở hữu nhưng có thể tu tập Bát-nhã ba-la-mật. Các Bồ-tát đáp chỉ niệm không, niệm không tướng, không tạo tác, không khởi, không sinh, vô sở hữu, mà không dạy về tâm ban đầu, nói về tâm ban đầu, nên biết Bồ-tát đó ở vào thời Phật quá khứ chưa được thọ ký Vô thượng Bồ-đề, chưa trụ vào địa vị không thoái chuyển. Vì sao? Vì Bồ-tát đó không thể nói, không thể trình bày, không thể trả lời tướng bất cộng của Bồ-tát không thoái chuyển, nên biết Bồ-tát đó chưa đến địa vị không thoái chuyển.

–Bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào để biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển?

–Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghe hay không nghe đều có thể đáp đúng như vậy, nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên đó nên có nhiều chúng sinh hành Bồ-đề, nhưng ít có Bồ-tát đáp đúng như vậy.

–Tu-bồ-đề! Ít có Bồ-tát được thọ ký không thoái chuyển, nếu được thọ ký thì có thể đáp đúng, nên biết Bồ-tát đó có thiện căn minh mẫn, thanh tịnh, tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la đều không thể sánh kịp.

Phẩm 19: A-TỲ-BẠT-TRÍ GIÁC MA

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Cho dù Bồ-tát Ma-ha-tát ở trong mộng cũng không tham trước ba cõi, Thanh văn, Bích-chi-phật địa, quán tất cả pháp như mộng nhưng không chấp lấy pháp chứng đắc. Tu-bồ-đề nên biết, đó là tướng Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu trong giấc mộng, Bồ-tát thấy Đức Phật ngồi trên tòa cao, ở giữa đại chúng Ngài đang thuyết pháp cho vô số trăm ngàn vạn Tỳ-kheo và vô số trăm ngàn vạn ức đại chúng đang cung kính vây quanh. Tu-bồ-đề nên biết! Đó là tướng Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Trong mộng, Bồ-tát tự thấy thân mình phát ánh sáng rực rỡ trên hư không đang thuyết pháp cho đại chúng, khi tỉnh giấc, nghĩ biết ba cõi như mộng, quyết chắc ngay khi ấy Bồ-tát đắc Vô thượng Bồ-đề vì chúng sinh thuyết pháp như vậy. Tu-bồ-đề nên biết đó là tướng Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Làm thế nào để biết khi Bồ-tát đắc Vô thượng Bồ-đề, trong thế giới ấy không có tên gọi ba đường ác? Này Tu-bồ-đề! Nếu trong mộng Bồ-tát thấy súc sinh liền phát nguyện siêng năng hành tinh tấn để khi đắc Vô thượng Bồ-đề, trong thế giới ấy không có tên gọi ba đường ác. Tu-bồ-đề nên biết! Đó là tướng Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát thấy lửa cháy trong thành ấp liền suy nghĩ các tướng này giống các tướng mình thấy trong mộng. Bồtát thành tựu các tướng ấy, nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển. Bồ-tát nghĩ mình cần có các tướng ấy để được không thoái chuyển. Nhờ sức mạnh của lời thật ấy nên lửa trong thành ấp bị dập tắt. Nếu lửa bị dập tắt nên biết đời trước Bồ-tát đó đã được Phật thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Nếu lửa không bị dập tắt thì nên biết Bồ-tát đó chưa được thọ ký. Ngọn lửa đốt cháy từ nhà này đến nhà khác, từ làng này đến làng khác thì nên biết chúng sinh đó phá pháp nên bị trọng tội. Vì phá pháp nên nay bị quả báo. Tu-bồ-đề do nhân duyên ấy nên biết đó là tướng Bồ-tát không thoái chuyển.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nay ta sẽ nói lại tướng của Bồ-tát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Người nam hoặc người nữ nào bị quỷ quấy nhiễu, đối với việc này Bồ-tát liền nghĩ mình đã được Đức Phật thọ ký Vô thượng Bồ-đề, trong thâm tâm chỉ muốn đắc Vô thượng Bồ-đề, nếu việc làm của mình thanh tịnh, xa lìa tâm Thanh văn, Bích-chi-phật thì quyết chắc đắc Vô thượng Bồ-đề chứ chẳng phải không chứng đắc. Trong mười phương hiện tại vô lượng a-tăng-kỳ Đức Phật, không có việc gì mà chư Phật không biết, không thấy, không đắc, không chứng, nếu chư Phật biết thâm tâm của mình thì quyết chắc mình được đắc Vô thượng Bồ-đề. Nhờ sức mạnh của lời thật này, phi nhân liền thả người nam hoặc người nữ ấy và biến mất. Khi Bồ-tát nói những lời như vậy mà phi nhân không đi, thì nên biết Bồ-tát đó chưa được Phật thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Khi Bồ-tát nói những lời như vậy mà phi nhân đi, thì nên biết Bồ-tát đó đã được Phật thọ ký Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có Bồ-tát chưa được thọ ký mà phát nguyện nếu mình được Phật thọ ký thì phi nhân sẽ thả người và bỏ đi. Nhưng ngay khi ấy có ác ma đến chỗ người đó làm phi nhân bỏ đi. Vì sao? Vì oai lực của ác ma hơn phi nhân nên phi nhân bỏ đi. Đối với việc này Bồ-tát liền tự nghĩ rằng, nhờ năng lực của mình mà phi nhân bỏ đi chứ không biết nhờ năng lực của ác ma, vì thế Bồ-tát ấy khinh miệt, chê bai các Bồ-tát khác: “Ta được Đức Phật thọ ký Vô thượng Bồ-đề còn những người khác chưa được thọ ký Vô thượng Bồ-đề.” Do nhân duyên đó, Bồ-tát tăng thêm lòng kiêu mạn, do nhân duyên kiêu mạn nên Bồ-tát xa lìa Nhất thiết trí và trí tuệ vô thượng của Phật. Bồ-tát do một ít nhân duyên nên sinh ra kiêu mạn, nên biết Bồ-tát đó không có năng lực phương tiện, quyết chắc rơi vào Thanh văn địa hoặc Bích-chi-phật địa. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Vì nhân duyên thệ nguyện nên phá sinh việc ma. Đối với việc này nếu Bồ-tát không gần gũi bậc Thiện tri thức thì sẽ bị ma trói chặt. Tu-bồ-đề! Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ác ma muốn dùng nhân duyên danh tự để phá hoại làm não loạn Bồ-tát, hóa làm đủ thứ hình dạng đến chỗ Bồtát, nói:

–Này thiện nam! Ông đã được chư Phật thọ ký Vô thượng Bồđề, tên của ông là như vậy, cha mẹ là như vậy, anh chị em là như vậy cho đến cha mẹ bảy đời cũng như vậy, ông sinh ở nước nọ, thành nọ, xóm làng nọ, nhà nọ, nếu tính nết ông nhu hòa thì liền nói đời trước tính nết nhu hòa, nếu tính nết ông nóng nảy cũng lại nói đời trước tính nết nóng nảy, hoặc ông thọ pháp A-luyện-nhã, hoặc khất thực, hoặc đắp y bá nạp, hoặc sau bữa ăn không uống nước có chất bã, hoặc ăn một lần, hoặc ăn có điều độ, hoặc ở bãi tha ma, hoặc ngồi ở đất trống, hoặc ngồi dưới gốc cây, hoặc thường ngồi không nằm, hoặc ngồi kiết già, hoặc ít muốn biết đủ, xa lìa, hoặc không dùng dầu xoa chân, hoặc ưa ít nói, ít luận bàn, ác ma cũng nói đời trước ông thọ pháp A-luyện-nhã, cho đến việc ông ưa thích ít nói và ít luận bàn. Đời nay ông có công đức Đầu-đà, đời trước cũng có công đức Đầu-đà”, Bồ-tát nghe nói đến danh tự và công đức Đầu-đà như trên, do nhân duyên đó nên liền sinh tâm kiêu mạn, tức thời ác ma lại nói tiếp: “Ở quá khứ ông đã được thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì nay ông đã có tướng mạo công đức không thoái chuyển.”

Tu-bồ-đề! Ta đã nói những tướng mạo chân thật của Bồ-tát không thoái chuyển, người đó không có những tướng ấy. Tu-bồ-đề nên biết người đó bị ma mê hoặc. Vì sao? Vì tướng mạo của Bồ-tát không thoái chuyển người đó không có, nhưng nghe ác ma nói đến danh tự liền khinh miệt, chê bai các Bồ-tát khác. Tu-bồ-đề! Nên biết Bồ-tát nhân danh tự mà phát sinh việc ma.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Lại có Bồ-tát nhân danh tự mà phát sinh việc ma. Đó là ma đến chỗ Bồ-tát nói: “Ông đã được thọ ký Vô thượng Bồ-đề, khi thành Phật có hiệu như thế.” Nguyện xưa của Bồtát có danh hiệu giống với lời ma nói nhưng vì vô trí không có phương tiện nên Bồ-tát nghĩ khi mình đắc Vô thượng Bồ-đề sẽ có danh hiệu đúng như lời Tỳ-kheo này nói. Bồ-tát ấy bị vướng vào mê hoặc của ma, tin nhận lời Tỳ-kheo do ma hóa ra, chỉ vì nhân duyên danh tự mà Bồ-tát khinh miệt, chê bai các Bồ-tát khác. Này Tu-bồđề! Bồ-tát đó không có những tướng mạo chân thật của Bồ-tát không thoái chuyển, họ đã xa lìa Nhất thiết trí, trí tuệ vô thượng Phật. Bồtát nào xa lìa phương tiện và Thiện tri thức thì sẽ gặp ác tri thức và rơi vào Thanh văn hoặc Bích-chi-phật địa.

Tu-bồ-đề! Trong hiện tại, Bồ-tát nào hối hận đối với các tâm xa lìa Thanh văn hoặc Bích-chi-phật trước kia thì sẽ được ở lâu trong sinh tử, gieo lại nhân Bát-nhã ba-la-mật, đắc Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì tâm phạm bốn tội nặng được ví như một Tỳ-kheo phạm một hoặc hai trong bốn tội nặng thì chẳng phải là Sa-môn, chẳng phải con dòng họ Thích. Bồ-tát vì danh tự mà xem thường các Bồ-tát khác sẽ mắc tội nặng trong bốn tội nặng.

Tu-bồ-đề! Bốn tội nặng đó cũng giống như tội nặng ngũ nghịch. Nghĩa là vì danh tự mà sinh tâm kiêu mạn. Này Tu-bồ-đề! Vì nhân duyên danh tự mà phát sinh việc ma vi tế này, Bồ-tát phải hiểu rõ và nên xa lìa.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ác ma thấy Bồ-tát có hạnh viễn ly liền đến chỗ Bồ-tát nói: “Thiện nam! Hạnh viễn ly là hạnh thường được Như Lai khen ngợi.” Này Tu-bồ-đề! Ta không nói Bồ-tát viễn ly là đến nơi A-luyện-nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, dưới gốc cây, nơi hoang vắng.

–Bạch Đức Thế Tôn! A-luyện-nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, dưới gốc cây, nơi hoang vắng đều không được gọi là viễn ly, vậy thì những chỗ nào gọi là viễn ly?

–Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào xa lìa tâm Thanh văn hoặc Bích-chiphật, như vậy gọi là viễn ly hoặc gần xóm làng cũng gọi là viễn ly hoặc ở chỗ A-luyện-nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, dưới gốc cây, nơi hoang vắng cũng gọi là viễn ly. Này Tu-bồ-đề! Như vậy ta đã nói những hạnh viễn ly. Bồ-tát ngày đêm tu tập hạnh viễn ly hoặc gần xóm làng cũng gọi là viễn ly, hoặc ở chỗ A-luyện-nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, dưới gốc cây, nơi hoang vắng cũng gọi là viễn ly.

Tu-bồ-đề! Viễn ly mà ác ma ca ngợi như: A-luyện-nhã, không xứ, chỗ thanh vắng, trong núi, Bồ-tát tuy có hạnh viễn ly như vậy nhưng không xa lìa tâm Thanh văn hoặc Bích-chi-phật, không tu Bátnhã ba-la-mật, không làm đầy đủ Nhất thiết thí, đó gọi là hành động không chuyên nhất; Bồ-tát hành viễn ly như vậy thì không thanh tịnh, sinh tâm khinh miệt, chê bai các Bồ-tát khác.

Bồ-tát tuy sống gần xóm làng nhưng tâm thanh tịnh, xa lìa tâm Thanh văn hoặc Bích-chi-phật, không làm các điều ác, chứng các thiền định, được giải thoát Tam-muội và thần thông lực, thông đạt Bát-nhã ba-la-mật. Còn Bồ-tát nào không có những phương tiện thiện xảo ấy, cho dù Bồ-tát ở chỗ hoang vắng rộng đến trăm do-tuần đi nữa thì cũng chỉ có chim thú, giặc cướp, ác quỷ đến ở đó mà thôi. Dầu trải qua trăm ngàn vạn ức năm hoặc hơn số đó mà không biết tướng viễn ly chân thật, nghĩa là viễn ly đối với sự viễn ly chân thật, không biết rõ thâm tâm và phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì Bồ-tát đó cũng chỉ gọi là ồn ào.

Bồ-tát tham đắm và nương vào sự viễn ly ấy làm ta không vui. Vì sao? Vì trong những hạnh viễn ly mà ta cho phép không thấy có hạng người đó, người đó không có hạnh viễn ly như vậy.

Tu-bồ-đề! Lại có ác ma đến chỗ Bồ-tát trụ trên hư không, nói: “Lành thay, lành thay! Việc làm của ông đúng là viễn ly được Đức Phật ca ngợi, nhờ sự viễn ly đó nên ông mau đắc Vô thượng Bồ-đề.” Bồ-tát đó rời khỏi chỗ viễn ly đến xóm làng thấy các Tỳkheo khác đang cầu Phật đạo với tâm tánh hòa nhã, liền sinh tâm kiêu mạn, cho các Tỳ-kheo ấy sống ồn ào. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát đó cho sự ồn ào là sự viễn ly chân thật, cho sự viễn ly chân thật là sự ồn ào, do nói lỗi lầm của các vị kia nên không sinh tâm cung kính họ. Điều đáng cung kính lại khinh mạn, điều đáng khinh mạn lại cung kính. Bồ-tát lại suy nghĩ: “Ta thấy phi nhân nhớ ta mà đến, giúp đỡ ta mà đến, Đức Phật nói hạnh viễn ly này là chân thật và ta đã thực hành, còn ông ở gần xóm làng, ai nhớ đến ông, ai giúp đỡ ông.” Nghĩ như vậy rồi Bồ-tát đó liền khinh miệt, chê bai các Bồ-tát khác tu hạnh thanh tịnh.

Này Tu-bồ-đề! Nên biết người đó là Bồ-tát Chiên-đà-la; là Bồ-tát ô uế, nhơ nhớp, bất tịnh, chỉ có hình dạng giống Bồ-tát; là giặc lớn của tất cả thế gian, Trời, Người, đội lớp Sa-môn để làm giặc cướp. Tu-bồ-đề! Người cầu Phật đạo không nên gần gũi hạng người đó. Vì sao? Vì người đó gọi là tăng thượng mạn.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào mến tiếc Nhất thiết trí, Vô thượng Bồđề, trong thâm tâm muốn đắc Vô thượng Bồ-đề, muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh thì không nên gần gũi hạng người đó.

Hành giả cầu Phật đạo chỉ làm lợi ích cho riêng mình thì nên nhàm chán xa lìa, sợ hãi ba cõi, đối với loài người nên sinh tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả và tinh tấn thực hành để khi đắc Vô thượng Bồ-đề không có những điều xấu đó. Hành giả sinh tâm như vậy sẽ mau đoạn trừ các điều xấu ác. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành như vậy là Bồ-tát có năng lực Bát-nhã ba-la-mật.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10