SỐ 227
KINH TIỂU PHẨM BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm 23: KHEN NGỢI BỒ-TÁT

Khi ấy Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật tức là hành thật nghĩa thậm thâm vi diệu phải không?

Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật tức là hành thật nghĩa thậm thâm vi diệu. Tu-bồ-đề! Nếu Bồtát hành thật nghĩa thậm thâm vi diệu ấy mà lấy làm khó thì không chứng được thật nghĩa ấy. Đó gọi là hàng địa Thanh văn, hoặc là địa Bích-chi-phật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu về thật nghĩa mà Phật đã nói thì sự thực hành của Bồ-tát không khó. Vì sao vậy? Vì người chứng đắc chẳng thể nắm bắt được, pháp dùng để chứng đắc chẳng thể nắm bắt được và pháp được chứng đắc cũng chẳng thể nắm bắt được. Nếu Bồ-tát nghe nói như vậy mà không khinh nghi, sợ sệt, không thoái lui thì phải biết Bồ-tát ấy đã hành Bát-nhã ba-la-mật, mà không thấy ta hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì không phân biệt như vậy nên biết Bồ-tát ấy gần chứng Vô thượng Chánh đẳng giác, xa lìa địa Thanh văn và Bích-chi-phật.

Bạch Thế Tôn! Bồ-tát hành ví như hư không, không có nghĩa là gần hay xa. Vì sao? Vì hư không không có sự phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không nghĩ: “Các Thanh văn, Bích-chi-phật cách xa ta, còn Vô thượng Chánh đẳng giác thì gần ta. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có phân biệt.”

Bạch Thế Tôn! Ví như người huyễn được nhà ảo thuật biến hóa ra, nhưng không nghĩ rằng: “Nhà ảo thuật thì gần ta, còn người xem thì xa ta.” Vì sao vậy? Vì người huyễn do nhà ảo thuật hóa ra không có phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không nghĩ rằng: “Quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật cách xa ta, Vô thượng Chánh đẳng giác thì cách gần ta.” Vì sao vậy? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Ví như cái bóng không nghĩ rằng: “Vật tạo ra ta thì gần ta, còn các việc khác thì cách xa ta.” Vì sao vậy? Vì cái bóng không có phân biệt. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không nghĩ rằng: “Quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật xa ta, còn Vô thượng Chánh đẳng giác thì gần ta.” Vì sao vậy? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Giống như Đức Như Lai không thương, không ghét. Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không có thương, không có ghét. Bạch Thế Tôn, giống như Đức Như Lai không có các sự phân biệt, Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không có các sự phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Giống như hóa thân của Như Lai không nghĩ rằng: “Quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật cách xa ta, còn Vô thượng Chánh đẳng giác thì cách gần ta.” Vì sao vậy? Vì hóa thân của Như Lai không có phân biệt. Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không có phân biệt quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật cách xa ta, còn Vô thượng Chánh đẳng giác thì cách gần ta. Vì sao vậy? Vì Bátnhã ba-la-mật không có phân biệt. Bạch Thế Tôn! Như hóa thân của Như Lai tùy theo việc mà làm, không có phân biệt. Bát-nhã ba-lamật cũng như vậy, tùy theo sự tu tập đều có thể thành tựu mà không có phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Ví như người thợ làm ra các bộ phận người bằng gỗ. Như người nam hoặc người nữ đó tùy theo việc làm đều được thành tựu mà không có phân biệt. Bạch Thế Tôn! Bát-nhã bala-mật cũng như vậy, tùy theo sự tu tập thì việc gì cũng đều được thành tựu nhưng không có phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật tức là hành thật nghĩa kiên cố phải không?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật tức là hành thật nghĩa kiên cố.

Khi ấy, các Thiên tử ở cõi Dục nghĩ: “Nếu có người phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng giác, có thể thực hành Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu như vậy mà không chứng thật tế lại rơi vào địa vị Thanh văn, hoặc là địa Bích-chi-phật nên biết việc làm của Bồ-tát ấy rất khó được sự cung kính, lễ lạy của tất cả thế gian.” Tu-bồ-đề nói với các Thiên tử:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu như vậy mà không chứng đắc thì không lấy làm khó. Vì sự cứu độ vô lượng, vô số chúng sinh nên Bồ-tát phát đại trang nghiêm, nhưng các chúng sinh rốt ráo chẳng thể nắm bắt được, người đáng được độ thì cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhưng nếu họ có thể phát tâm lại thì ta sẽ độ họ. Đó mới gọi là khó.

Này các Thiên tử! Người này muốn cứu độ chúng sinh là muốn độ hư không. Vì sao vậy? Vì hư không xa lìa nên chúng sinh cũng xa lìa. Thế nên phải biết việc làm của Bồ-tát ấy rất là khó. Biết không có chúng sinh nhưng vì chúng sinh mà vị ấy phát Đại trang nghiêm. Cũng như người chiến đấu với hư không nên Phật nói chúng sinh ấy chẳng thể nắm bắt được. Vì chúng sinh xa lìa nên người có thể được độ cũng xa lìa. Vì chúng sinh xa lìa nên sắc cũng xa lìa. Vì chúng sinh xa lìa nên thọ, tưởng, hành, thức cũng xa lìa; vì chúng sinh xa lìa nên tất cả các pháp cũng xa lìa. Nếu Bồ-tát nghe nói như vậy mà không khinh nghi, sợ sệt, không thoái lui thì phải biết Bồ-tát đó đã hành Bát-nhã ba-la-mật. Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Vì nhân duyên gì mà Bồ-tát không khinh nghi sợ sệt và không bị thoái lui?

–Bạch Thế Tôn! Vì không nên không thoái lui, vì vô sở hữu nên không thoái lui. Vì sao? Vì người thoái lui chẳng thể nắm bắt được, pháp thoái lui chẳng thể nắm bắt được và nơi thoái lui cũng chẳng thể nắm bắt được. Bồ-tát nào nghe nói như vậy mà không khinh nghi sợ sệt, không thoái lui thì phải biết Bồ-tát ấy đã hành Bát-nhã ba-la-mật.

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật là như thế. Lúc bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân cùng chúng Phạm Thiên vương chủ tể của chúng sinh, Tự tại Thiên vương và các Thiên tử đều cùng nhau cung kính, lễ lạy vị Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật này. Này Tu-bồ-đề! Không những Thích Đề-hoàn Nhân, Phạm Thiên vương chủ tể của chúng sinh, Tự tại Thiên vương và các Thiên tử mới cung kính lễ lạy vị Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật này, mà chư Thiên các cõi trời như: Phạm thế, Phạm phụ, Phạm chúng, Đại phạm, Quang thiên, Thiểu quang, Vô lượng quang, Quang âm, Tịnh, Thiểu Tịnh, Vô lượng tịnh, Vô biến tịnh, Vô âm, Phước sinh, Quảng quả, Vô quảng, Vô nhiệt, Diệu kiến, Thiện kiến và cùng tất cả chư Thiên trên các cõi trời Vô tiểu cũng đều cung kính và lễ lạy vị Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật này.

Này Tu-bồ-đề! Vô lượng a-tăng-kỳ thế giới chư Phật trong hiện tại đều nhớ nghĩ đến vị Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật này. Tubồ-đề! Nếu Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật thì sẽ được chư Phật hộ niệm, phải biết Bồ-tát ấy tức là bậc không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử như các chúng sinh trong hằng hà sa thế giới đều làm ác ma. Mỗi một chúng sinh ấy đều hóa làm ác ma như vậy, nhưng chúng ma ấy đều không thể nào hại được vị Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật này.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thành tựu được hai pháp thì ác ma không thể phá hoại. Đó là:

  1. Quán sát tất cả các pháp là không.
  2. Không xả bỏ tất cả chúng sinh.

Bồ-tát thành tựu được hai pháp trên đây, ác ma không thể nào hại được.

Này Tu-bồ-đề! Lại có hai pháp ác ma không thể nào phá hoại đó là:

  1. Lời nói phải đi đôi với việc làm.
  2. Được chư Phật hộ niệm.

Bồ-tát thành tựu được hai pháp trên đây thì sẽ được chư Thiên đến cung kính cúng dường thăm hỏi và an ủi như sau: “Này thiện nam, nếu ông thực hành hạnh ấy thì sẽ mau chứng Phật đạo. Nếu thực hành hạnh này thì ông phải cứu độ cho những chúng sinh không được cứu độ, phải làm nhà ở cho những chúng sinh không có nhà ở, phải làm chỗ nương tựa cho những chúng sinh không có chỗ nương tựa, phải làm hòn đảo cho những chúng sinh không có hòn đảo, phải làm con đường thông suốt cho những chúng sinh không có con đường thông suốt, phải làm chỗ cho những chúng sinh không có chỗ quay về, phải đem lại ánh sáng cho những chúng sinh đang bị tối tăm và phải làm lối đi cho những chúng sinh không có lối đi. Vì sao? Vì Bồtát ấy thực hành hạnh Bát-nhã ba-la-mật mà thành tựu được bốn công đức. Khi đang nói pháp Bát-nhã ba-la-mật cho các Tỳ-kheo Tăng ở chung quanh thì Bồ-tát ấy được vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ chư Phật trong số thế giới khắp mười phương ở hiện tại thảy đều khen ngợi, tán thán về danh hiệu của mình.”

Này Tu-bồ-đề! Ví như nay ta đang khen ngợi tán thán thật tướng và danh tự của vị Bồ-tát nói Bát-nhã ba-la-mật và các Bồ-tát khác ở chỗ Phật A-súc. Vì các Bồ-tát ấy thường tu hành phạm hạnh và không bao giờ xa lìa việc thực hành Bát-nhã ba-la-mật này.

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Nay chư Phật ở khắp mười phương trong hiện tại cũng đều khen ngợi tán thán: “Các Bồ-tát trong nước ta nổi tiếng tu hành phạm hạnh và không xa lìa việc thực hành Bátnhã ba-la-mật.”

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật khi thuyết pháp đều khen ngợi tán thán các vị Bồ-tát phải không?

Phật dạy:

–Không, này Tu-bồ-đề! Khi chư Phật thuyết pháp, có vị Bồtát được khen ngợi tán thán nhưng có vị không được khen ngợi tán thán.

Tu-bồ-đề! Khi thuyết pháp, chư Phật hay khen ngợi các vị Bồtát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Khi chư Phật thuyết pháp, những vị Bồ-tát chưa chứng không thoái chuyển thì các Ngài có khen ngợi tán thán không?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Những Bồ-tát nào chưa chứng địa vị không thoái chuyển thì chư Phật cũng khen ngợi tán thán. Vì những gì mà Bồ-tát có thể học theo ở Phật A-súc thì vị ấy đều được hành đạo. Bồ-tát như vậy, tuy chưa chứng không thoái chuyển cũng được chư Phật khen ngợi, tán thán.

Tu-bồ-đề! Vị nào có khả năng học theo tướng hành đạo của Bồ-tát đó thì Bồ-tát như vậy, dù chưa chứng không thoái chuyển, cũng được chư Phật khen ngợi tán thán.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Có Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật và tin hiểu tất cả các pháp Vô sinh mà chưa chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn. Cũng có vị tin hiểu tất cả các pháp là không mà ở trong địa vị không thoái chuyển vị ấy chưa được tự tại. Cũng có vị có thể thực hành tướng tịch tịnh của tất cả các pháp mà chưa vào địa vị không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Những Bồ-tát thực hành như vậy cũng được chư Phật khen ngợi tán thán khi các Ngài thuyết pháp. Còn vị nào chưa chứng không thoái chuyển mà được chư Phật khen ngợi tán thán khi các Ngài thuyết pháp thì vị ấy sẽ xa lìa được địa Thanh văn, Bích-chiphật, gần địa vị Phật và chắc chắn vị ấy sẽ được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy thì khi chư Phật thuyết pháp, vị ấy sẽ được các Ngài khen ngợi, tán thán. Và ông phải biết rằng Bồ-tát ấy sẽ chắc chắn đạt đến địa vị không thoái chuyển.

Phẩm 24: CHÚC LỤY

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát nào nghe Bát-nhã ba-la-mật ấy một cách thâm sâu rồi tin hiểu, không nghi ngờ, không hối hận, không lấy làm khó thì Bồtát ấy sẽ ở nơi Phật A-súc và chỗ của các Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-lamật một cách thâm sâu và cũng tin hiểu như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào có thể tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật đúng như Phật đã nói thì người ấy chắc chắn sẽ đạt đến địa vị không thoái chuyển. Tu-bồ-đề! Chỉ nghe Bát-nhã ba-la-mật mà người ấy còn được lợi ích như vậy, huống gì tin hiểu và thực hành đúng như lời dạy đó thì họ sẽ trụ vào Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu lìa chân như lại không có pháp nào để đắc thì ai sẽ trụ vào Nhất thiết trí? Ai sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác và ai sẽ thuyết pháp?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Theo lời ông hỏi, nếu lìa chân như lại không có pháp nào để đắc thì ai sẽ trụ vào Nhất thiết trí, ai sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng giác và ai sẽ thuyết pháp. Đúng vậy, đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Lìa chân như thì sẽ không có pháp nào trụ trong chân như cả. Vì chân như còn không thể đắc, huống gì là có người trụ vào chân như. Vì vậy, chân như không thể chứng Vô thượng Chánh đẳng giác, mà lìa chân như cũng không thể chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Do đó, chân như không có thuyết pháp, mà lìa chân như cũng không có ai thuyết pháp cả.

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Không có người trụ vào chân như thì sẽ không có ai chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Không có ai thuyết pháp mà Bồ-tát nghe pháp ấy một cách thâm sâu nhưng không nghi ngờ, không hối hận, không lấy làm khó mà muốn chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác thì đó mới thật là khó.

Tu-bồ-đề nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Kiều-thi-ca! Như lời ông nói, Bồ-tát nghe pháp ấy một cách thâm sâu nhưng không nghi ngờ, không hối hận, không lấy làm khó mà muốn chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác thì đó là điều rất khó. Này Kiều-thi-ca! Tất cả các pháp là không thì trong pháp này ai sẽ nghi ngờ, ai sẽ hối hận và ai sẽ lấy làm khó?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa với Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Như lời thầy nói thì đều nương vào không mà không có gì ngăn ngại. Ví như mũi tên bắn lên hư không nó đi không có gì ngăn ngại. Thưa Tôn giả Tu-bồ-đề! Con nói chỗ không ngăn ngại cũng như vậy.

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con nói như vậy và trả lời như vậy là nói đúng theo lời của Như Lai và trả lời đúng như pháp phải không?

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Ông nói như vậy và trả lời như vậy là đúng theo lời nói của Như Lai và trả lời đúng như pháp. Như vậy là ông đã trả lời đúng với chánh pháp.

Này Kiều-thi-ca! Những gì mà Tu-bồ-đề đã nói đều dựa vào không. Tu-bồ-đề còn không có Bát-nhã ba-la-mật để đắc, huống gì là thực hành theo Bát-nhã ba-la-mật. Không có quả Vô thượng Chánh đẳng giác để chứng huống gì có người chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Không có Nhất thiết trí để chứng, huống gì có người chứng Nhất thiết trí. Không có chân như để chứng, huống gì có người chứng chân như. Không có pháp vô sinh để chứng, huống gì có người chứng pháp vô sinh. Không có các lực để chứng, huống gì có người chứng các lực. Không có pháp vô sở úy để chứng huống gì có người chứng pháp vô sở úy và không có pháp nào để đắc, huống gì có người thuyết pháp.

Này Kiều-thi-ca! Tu-bồ-đề thường ưa thích hạnh viễn ly và ưa thích hạnh vô sở đắc. Này Kiều-thi-ca! Những sự thực hành đó của Tu-bồ-đề mà so với sự thực hành của vị Bồ-tát này thì dù trăm phần cũng không bằng một phần, hoặc trăm ngàn vạn ức phần cũng không bằng một phần, cho đến toán số ví dụ cũng không thể nào sánh kịp với Bồ-tát ấy.

Này Kiều-thi-ca! Chỉ trừ sự thực hành của Đức Như Lai ra, còn Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật này so với các sự thực hành khác thì vị ấy là bậc Đại tối thắng, vô thượng vi diệu. Nếu đem sự thực hành của vị Bồ-tát này so với sự thực hành của hàng Thanh văn, Bích-chi-phật thì vị ấy là bậc Đại tối thắng, vô thượng vi diệu. Thế nên, này Kiều-thi-ca! Nếu ai muốn trở thành bậc Tối thượng trong tất cả chúng sinh thì vị ấy phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vị Bồ-tát đã hành.

Bấy giờ trong đại hội các Thiên tử ở cõi trời Đao-lợi đem hoa Mạn-đà-la rải lên Đức Phật. Có sáu trăm vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy mặc áo để hở vai bên phải, quỳ gối bên phải chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật, nhờ thần lực của Phật nên hai tay các vị ấy đều vóc đầy hoa, rồi liền đem hoa này rải tung lên Đức Phật. Rải hoa xong các vị ấy liền thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ thực hành hạnh Tối thượng ấy.

Đức Phật liền mỉm cười. Theo thường pháp của chư Phật khi mỉm cười thì từ nơi miệng của các Ngài phát ra vô lượng màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng. Các ánh sáng ấy chiếu khắp cả vô lượng, vô biên thế giới lên đến trời Phạm thiên, rồi trở lại bao quanh thân ba vòng và nhập vào đỉnh đầu của các Ngài.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, mặc áo bày vai phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật và bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Như Lai lại mỉm cười? Khi chư Phật mỉm cười là đều có nhân duyên cả.

Phật bảo A-nan:

–Này A-nan! Vào thời kiếp Tinh tú sẽ có sáu trăm vị Tỳ-kheo được chứng thành Phật và đồng một hiệu là Tán Hoa. Này A-nan! Số Tỳ-kheo Tăng và chư Như Lai ấy đều ngang bằng nhau, tuổi thọ của chư vị cũng bằng nhau và đều sống đến hai vạn kiếp. Từ đó về sau, các Tỳ-kheo kia sinh ra nơi nào cũng được xuất gia, thế giới của họ thường mưa hoa năm màu rất đẹp. Thế nên, này A-nan! Nếu ai muốn thực hành hạnh tối thượng ấy thì nên thực hành Bátnhã ba-la-mật. Bồ-tát nào muốn thực hành theo hạnh của Như Lai thì nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Này A-nan! Nếu Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nên biết người ấy sau khi mạng chung từ cõi nhân gian, hoặc giả mạng chung ở trên cõi Đâu-suất, đời sau sẽ sinh ở chốn nhân gian. Bởi vì sao? Vì trong loài người và trên cõi trời Đâu-suất, mọi người dễ thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Này A-nan! Nếu Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật mà tin thích, thọ trì, đọc tụng, ghi chép; ghi chép rồi đem Bát-nhã ba-la-mật đó chỉ dạy làm lợi ích cho các Bồ-tát khác thì nên biết vị ấy được Như Lai trông thấy, phải biết vị ấy đã gieo trồng các căn lành với chư Phật mà không trồng căn lành cùng đệ tử.

Này A-nan! Bồ-tát nào học Bát-nhã ba-la-mật mà không khinh nghi sợ sệt, ngược lại còn tin thích, thọ trì, đọc tụng và thực hành đúng như pháp thì nên biết vị ấy được đến chỗ Phật ở hiện tại. Lại nếu có Bồ-tát nào tin Bát-nhã ba-la-mật mà không chê bai, không chống báng thì nên biết vị ấy đã cúng dường chư Phật.

Này A-nan! Nếu người nào đã trồng căn lành với Phật mà cầu quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật thì căn lành ấy không hư vọng, cũng không lìa Bát-nhã ba-la-mật.

Thế nên, này A-nan! Nay ta đem pháp Bát-nhã ba-la-mật này giao phó cho ông. A-nan, pháp mà ta đã nói dùng chỉ Bát-nhã bala-mật, nếu có ai thọ trì mà lại quên mất thì lỗi của người ấy còn ít. Còn ông nếu thọ trì Bát-nhã ba-la-mật mà quên mất, thậm chí chỉ một câu thì lỗi ấy rất nặng. Thế nên, này A-nan! Ta đã đem Bátnhã ba-la-mật dặn dò và phó chúc cho ông. Vậy, những gì ông đã nghe và thọ trì phải luôn đọc tụng để tâm được an trú trong niệm thông suốt lợi ích và điều ông đã nghe và thọ trì, đều phải nên đọc tụng, thảy đều khiến cho thông suốt lanh lợi và ý niệm tốt lành ở trong lòng. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật là kho tàng giáo pháp của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Này A-nan! Nếu người nào muốn đem tâm Từ cung kính cúng dường ta trong đời hiện tại thì người ấy nên đem tâm đó cúng dường Bát-nhã ba-la-mật rồi thọ trì, đọc tụng và thực hành đúng như pháp tức là vị ấy đã cúng dường ta rồi. Này A-nan! Người ấy không những cúng dường ta mà còn cúng dường chư Phật đời quá khứ, vị lai và hiện tại. Này Anan! Nếu ông kính trọng và không bỏ ta thì cũng nên kính trọng và không bỏ Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Cho đến một câu phải cẩn thận và chớ để quên mất. Này A-nan! Chính vì nhân duyên ấy mà ta giao phó Bát-nhã ba-la-mật cho ông. Nếu một kiếp, trăm kiếp hay ngàn muôn ức na-do-tha kiếp, cho đến trong hằng hà sa kiếp ta nói cũng không hết.

Này A-nan! Ta chỉ nói lược qua thôi, như ta nay là nước, đối với hàng Trời, Người, A-tu-la trong tất cả thế gian, mười phương chư Phật thời quá khứ và hiện tại cũng là nước; Bát-nhã ba-la-mật cũng là nước, đối với hàng Trời, Người, A-tu-la trong tất cả thế gian mà ta đem Bát-nhã ba-la-mật giao phó cho ông.

Đức Phật lại bảo A-nan:

–Nếu người nào kính trọng Phật, kính trọng Pháp, kính trọng Tăng, kính trọng chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở đời quá khứ, hiện tại, vị lai thì vị ấy phải đem sự kính trọng đó mà kính trọng Bát-nhã ba-la-mật. Đây tức là dụng mà ta đã giáo hóa.

Này A-nan! Nếu có người nào thường xuyên thọ trì đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật, nên biết vị ấy được thọ trì Vô thượng Chánh đẳng giác của chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại.

Này A-nan! Khi Bát-nhã ba-la-mật sắp bị tiêu diệt mà có người muốn ủng hộ và giúp đỡ thì người ấy đã ủng hộ và giúp đỡ Vô thượng Chánh đẳng giác của chư Phật ở quá khứ, vị lai và hiện tại. Vì sao vậy? Này A-nan! Vì Vô thượng Chánh đẳng giác của chư Phật đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. A-nan! Nếu Vô thượng Chánh đẳng giác của chư Phật quá khứ đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. Vô thượng Chánh đẳng giác của chư Phật vị lai cũng đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra và Vô thượng Chánh đẳng giác của chư Phật hiện tại trong vô lượng, vô số thế giới cũng đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra. Vì thế cho nên, này A-nan! Nếu Bồ-tát muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng giác thì phải khéo học sáu pháp Ba-la-mật. Vì sao? Vì sáu pháp Ba-la-mật là mẹ của các Bồ-tát sinh ra chư Phật. Nếu Bồtát học sáu pháp Ba-la-mật ấy thì sẽ được chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Thế nên, này A-nan! Một lần nữa ta đem sáu pháp Ba-lamật giao phó cho ông. Vì sao vậy? Vì sáu pháp Ba-la-mật này chính là kho tàng giáo pháp vô tận của chư Phật trong ba đời.

Này A-nan! Nếu ông dựa vào pháp Tiểu thừa để giảng nói cho người Tiểu thừa, chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều nhờ vào pháp đó mà chứng A-la-hán thì ông chỉ là người đệ tử được công đức rất ít, không đáng kể. Nhưng này A-nan! Nếu ông đem sáu pháp Ba-la-mật đó thuyết giảng cho các hàng Bồ-tát thì ông sẽ là đệ tử của ta và được công đức đầy đủ, điều đó làm ta rất hoan hỷ.

Này A-nan! Nếu vị nào đem pháp Tiểu thừa chỉ dạy cho các chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới được chứng A-la-hán thì các phước đức của sự bố thí, trì giới và tu thiện của họ há có nhiều không?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Đức Phật bảo A-nan:

–Phước đức ấy tuy nhiều, nhưng không bằng hàng Thanh văn thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát dù chỉ một ngày thì phước đức của vị ấy rất nhiều.

Này A-nan! Đặt một ngày này, nếu từ sáng sớm đến giờ ăn, đặt từ sáng sớm đến giờ ăn, thậm chí một khắc lậu; đặt một khắc lậu ấy, thậm chí trong thoáng chốc, người ấy nói pháp cho hàng Bồ-tát, phước đức và căn lành của tất cả Thanh văn và Bích-chi-phật không thể so sánh với người ấy và nhớ nghĩ như vậy mà thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng giác, sẽ không có sự việc như thế.

Này A-nan! Nếu Bồ-tát thực hành như vậy và nhớ nghĩ như vậy mà Vô thượng Chánh đẳng giác bị thoái chuyển thì không có sự việc này.

Phẩm 25: THẤY PHẬT A-SÚC

Khi Đức Phật thuyết giảng pháp Bát-nhã ba-la-mật, cho bốn bộ chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già, Nhân phi nhân… trong đại hội họ đều nhờ thần lực của Phật, mọi người thấy mình đang cung kính trang nghiêm vây quanh Đức Phật A-súc ở trong đại hội đó để nghe thuyết pháp, giống như nước trong biển cả không hề có sự di động. Khi ấy các vị Tỳ-kheo đều là bậc A-la-hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, tâm được tự tại. Cho đến vô số, vô lượng các Đại Bồ-tát, cũng cùng nhau cung kính vây quanh. Bấy giờ Đức Phật thu nhiếp thần lực, bốn chúng trong đại hội đều không thấy Đức Như Lai và cõi nước trang nghiêm của hàng Thanh văn Bồ-tát.

Đức Phật bảo A-nan:

–Này A-nan! Tất cả các pháp cũng như vậy, nó không phải là đối tượng của con mắt. Cũng như hiện nay Phật A-súc và các vị Ala-hán cùng các chúng Bồ-tát đều không hiện ra nữa. Vì sao vậy? Vì pháp không thấy pháp, pháp không biết pháp. Này A-nan! Tất cả pháp không phải để biết, không phải để thấy, không có người tạo tác nên không có sự tham trước, cũng không có phân biệt. Này A-nan! Tất cả các pháp không thể nghĩ bàn, giống như người huyễn và tất cả các pháp cũng không có người thọ nhận nên nó không bền vững. Bồ-tát nào thực hành như vậy thì gọi là hành Bát-nhã ba-la-mật và đối với các pháp vị ấy không còn chấp trước nữa. Bồ-tát học như vậy thì gọi là học Bát-nhã ba-la-mật.

Này A-nan! Nếu Bồ-tát muốn đạt đến tất cả pháp ở bờ bên kia giải thoát thì phải học Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Này A-nan! Vì học Bát-nhã ba-la-mật là sự học tối thắng đệ nhất ở trong các sự học và nó sẽ làm an lạc, lợi ích cho thế gian. Này A-nan! Người học như vậy thì sẽ làm chỗ nương tựa cho những ai không có chỗ nương tựa và người nào học như vậy thì sẽ được chư Phật chấp nhận, chư Phật khen ngợi. Chư Phật nhờ học như vậy mới có năng lực dùng ngón chân làm chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới.

Này A-nan! Chư Phật nhờ học Bát-nhã ba-la-mật ấy mà chứng tất cả các pháp Tri kiến vô ngại trong đời quá khứ, vị lai và hiện tại. Này A-nan! Chính vì thế mà ta nói Bát-nhã ba-la-mật là Tối thượng vi diệu.

Này A-nan! Nếu ông muốn suy lường Bát-nhã ba-la-mật thì phải suy lường hư không. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật là vô lượng. Này A-nan! Ta không nói Bát-nhã ba-la-mật có giới hạn và có số lượng. A-nan, danh tự, chương cú, ngôn ngữ còn có số lượng, nhưng Bát-nhã ba-la-mật thì không có số lượng.

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Bát-nhã ba-la-mật vô lượng?

Phật dạy:

–Này A-nan! Vì Bát-nhã ba-la-mật là vô tận nên nó vô lượng; vì Bát-nhã ba-la-mật xa lìa nên nó vô lượng. Này A-nan! Chư Phật thời quá khứ đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra, nhưng Bát-nhã ba-lamật chẳng tận. Chư Phật thời vị lai đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra, nhưng Bát-nhã ba-la-mật chẳng cùng tận. Trong vô lượng thế giới đều từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra nhưng Bát-nhã ba-la-mật bất tận, vì thế nên, Bát-nhã ba-la-mật đã bất tận, nay bất tận và sẽ bất tận. Này A-nan! Nếu người muốn tận Bát-nhã ba-la-mật là muốn tận hư không.

Khi ấy Tu-bồ-đề nghĩ: “Việc này rất là sâu xa, ta phải thưa hỏi Phật.” Liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật là vô tận chăng?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật là vô tận. Vì hư không vô tận nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô tận.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Bát-nhã ba-la-mật là vô tận thì phải làm thế nào để sinh ra Bát-nhã ba-la-mật?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Vì sắc vô tận nên sinh ra Bát-nhã ba-la-mật; vì thọ, tưởng, hành, thức vô tận nên sinh ra Bát-nhã ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào khi ngồi đạo tràng mà quán sát nhân duyên như vậy thì vị ấy sẽ không rơi vào hàng nhị biên Thanh văn, Bích-chi-phật. Đó là pháp Bất cộng của Bồ-tát. Nếu Bồ-tát quán pháp nhân duyên như vậy thì sẽ không rơi vào địa Thanh văn, Bíchchi-phật. Vị ấy mau gần Nhất thiết trí và chắc chắn sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này Tu-bồ-đề! Nếu các Bồ-tát có sự thoái chuyển thì không được suy nghĩ như thế, Bồ-tát không biết thực hành Bát-nhã ba-lamật thì làm sao dùng pháp vô tận để quán mười hai nhân duyên?

Nếu các Bồ-tát không thoái chuyển, đều được sức phương tiện như vậy; đó gọi là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng pháp vô tận như thế để quán mười hai nhân duyên.

Nếu khi Bồ-tát quán như vậy mà chẳng thấy các pháp không có nhân duyên sinh, cũng không thấy các pháp thường, cũng không thấy có người tạo tác và cũng không thấy có người thọ nhận các pháp. Tu-bồ-đề! Đó gọi là Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật quán pháp mười hai nhân duyên.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật mà không thấy sắc, không thấy thọ, tưởng, hành, thức, không thấy thế giới của Phật này hay không thấy thế giới của Phật kia; cũng không thấy có pháp, thấy thế giới của Phật này hay thế giới của Phật kia.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào có thể hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy thì khi ấy ác ma sẽ ưu sầu như sắp bị mũi tên bắn vào tim. Ví như người có cha mẹ mới chết nên họ rất đau buồn. Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật làm cho bọn ác ma rất ưu sầu cũng như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chỉ có một ác ma ưu sầu hay là tất cả ma trong tam thiên thế giới đều ưu sầu?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Các ác ma ấy đều ưu sầu, mỗi ác ma ở chỗ ngồi, bản thân không thể nào an ổn. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy thì hàng Trời, Người, A-tu-la trong tất cả thế gian không thể nào hại được vị ấy, cũng không thấy có pháp nào làm cho họ bị thoái chuyển lại Vô thượng Chánh đẳng giác. Thế nên, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng giác thì phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy. Khi Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy thì vị ấy sẽ đầy đủ Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn bala-mật và Thiền định ba-la-mật. Khi Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật thì đầy đủ được các pháp Ba-la-mật, cũng có thể đầy đủ cả sức phương tiện nữa. Bồ-tát ấy hành Bát-nhã ba-la-mật, nếu có những gì phát sinh thì vị ấy liền biết ngay. Thế nên này Tu-bồ-đề! Bồ-tát muốn được sức phương tiện đó thì nên học Bát-nhã ba-la-mật và phải tu tập Bát-nhã ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật và khi sinh Bát-nhã ba-la-mật thì phải nhớ nghĩ chư Phật hiện tại trong vô lượng, vô biên thế giới ở hiện tại, thì Nhất thiết trí của chư Phật đều từ Bátnhã ba-la-mật sinh ra. Khi Bồ-tát nhớ nghĩ như vậy thì phải suy nghĩ như vầy: “Như mười phương chư Phật đã chứng đắc thật tướng của các pháp thì ta cũng sẽ chứng đắc.” Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì cũng phải sinh niệm như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào có thể sinh niệm như vậy, cho đến khoảnh khắc thời gian khảy móng tay thì công đức của vị ấy sẽ vượt hơn công đức của người bố thí trong hằng hà sa kiếp, huống gì chỉ trong một ngày hay nửa ngày. Phải biết Bồ-tát ấy chắc chắn sẽ đạt đến bậc không thoái chuyển và phải biết Bồ-tát ấy được chư Phật hộ niệm. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát được chư Phật hộ niệm thì vị ấy sẽ không sinh vào chỗ nào khác mà chắc chắn chứng quả Vô thượng Chánh đẳng giác. Bồ-tát ấy rốt cuộc không rơi vào ba đường ác, thường sinh vào cảnh giới tốt lành và không xa lìa chư Phật.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật và sinh Bát-nhã ba-la-mật, cho đến khoảnh khắc thời gian bún ngón tay mà còn được công đức như vậy, huống gì một ngày hoặc hơn một ngày như Bồ-tát Hương Tượng hiện đang ở chỗ Phật A-súc hành Bồ-tát đạo mà không bao giờ xa lìa hạnh Bát-nhã ba-la-mật.

Khi Đức Phật nói pháp xong các chúng Tỳ-kheo và tất cả hàng Trời, Người, A-tu-la… trong đại hội, đều rất hoan hỷ vui mừng.

Phẩm 26: TÙY TRI

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tất cả pháp không có sự phân biệt nên biết Bát-nhã ba-lamật cũng như vậy. Tất cả pháp không hư hoại nên biết Bát-nhã bala-mật cũng như vậy. Tất cả pháp chỉ là danh tự giả hợp nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả pháp do ngôn ngữ diễn nói mà có, nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy.

Lại những lời nói này là vô sở hữu, không có xứ sở nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Cái dụng của tất cả pháp là hư vọng, giả hợp nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả các pháp là vô lượng nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Sắc là vô lượng nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. thọ, tưởng, hành, thức là vô lượng nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả các pháp là vô lượng, nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả các pháp là tướng thông đạt nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả pháp xưa nay vốn thanh tịnh nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả pháp không có ngôn thuyết nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả pháp là đồng diệt nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả pháp như Niết-bàn nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả pháp không đến, không đi, không chỗ sinh nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả pháp không ta, không người nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Thánh hiền rốt ráo thanh tịnh nên biết Bát-nhã bala-mật cũng như vậy. Xả bỏ tất cả ghánh nặng nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì sao?

Sắc không có hình tướng, không có xứ sở nên tự tánh nó là không, vì thọ, tưởng, hành, thức không có hình tướng, không có xứ sở nên tự tánh nó cũng là không. Tất cả pháp không nhiệt não nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả pháp không nhiễm ô, không xa lìa nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì sao? Vì sắc là vô sở hữu nên nó không nhiễm ô, không xa lìa; vì thọ, tưởng, hành, thức cũng vô sở hữu nên nó không nhiễm ô, không xa lìa. Tất cả pháp vốn thanh tịnh nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì tất cả các pháp không bị trói buộc nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Tất cả các pháp là Bồ-đề giác bằng Phật tuệ nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì tất cả các pháp đều là Không, Vô tướng, Vô tác nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì tất cả các pháp là thuốc nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì tất cả các pháp là tướng phạm hạnh, tướng từ bi, không lỗi lầm, không sân giận nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì biển cả không bờ bến nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Hư không bao la nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì mặt trời chiếu sáng vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Sắc lìa nên biết Bát-nhã ba-lamật cũng như thế. Vì thọ, tưởng, hành, thức lìa nên Bát-nhã ba-lamật cũng như vậy. Tất cả các âm thanh là vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Các tánh là vô biên nên biết Bát-nhã ba-lamật cũng như vậy. Tập hợp vô lượng pháp lành nên biết Bát-nhã bala-mật cũng như vậy. Tam-muội của tất cả các pháp là vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Phật pháp là vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì pháp là vô biên nên biết Bátnhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì không là vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì tâm và tâm sở là vô biên nên biết Bátnhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì các tâm sở hoạt động vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì thiện pháp là vô lượng nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì bất thiện pháp là vô lượng nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Như Sư tử rống nên biết Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy. Vì sao?

Sắc như biển lớn và thọ, tưởng, hành, thức như biển lớn. Sắc như hư không nên thọ, tưởng, hành, thức như hư không. Vì sắc như núi Tu-di trang nghiêm nên thọ, tưởng, hành, thức như núi Tu-di trang nghiêm. Vì sắc như ánh sáng mặt trời nên thọ, tưởng, hành, thức như ánh sáng mặt trời. Vì sắc như âm thanh vô biên nên thọ, tưởng, hành, thức như âm thanh vô biên. Sắc như tính của chúng sinh là vô biên, nên thọ, tưởng, hành, thức như tánh của chúng sinh vô biên. Vì sắc như địa nên thọ, tưởng, hành, thức cũng như địa. Vì sắc như thủy đại nên thọ, tưởng, hành, thức cũng như thủy đại. Vì sắc như hỏa đại nên thọ, tưởng, hành, thức cũng như hỏa đại. Vì sắc như phong đại nên thọ, tưởng, hành, thức cũng như phong đại. Vì sắc như không đại nên thọ, tưởng, hành, thức cũng như không đại. Vì sắc lìa tướng tập thiện nên thọ, tưởng, hành, thức cũng lìa tướng tập thiện. Vì sắc lìa pháp hòa hợp nên thọ, tưởng, hành, thức cũng lìa pháp hòa hợp. Vì sắc là Tam-muội vô biên nên thọ, tưởng, hành, thức là Tammuội vô biên. Vì sắc xa lìa sắc và sắc của sắc tánh, Phật pháp như vậy nên thọ, tưởng, hành, thức xa lìa thức và thức của thức tánh, Phật pháp như vậy. Vì tướng của sắc vô biên nên tướng của thọ, tưởng, hành, thức cũng vô biên. Vì sắc không vô biên nên thọ, tưởng, hành, thức không cũng vô biên. Vì sự hoạt động của sắc và tâm là vô biên nên sự hoạt động của thọ, tưởng, hành, thức và tâm cũng là vô biên. Vì thiện và bất thiện trong sắc chẳng thể nắm bắt được, nên thiện và bất thiện trong thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì sắc không thể hoại nên thọ, tưởng, hành, thức không thể hoại. vì sắc là sư tử rống nên thọ, tưởng, hành, thức là sư tử rống. Ông phải biết Bát-nhã ba-la-mật này cũng như vậy.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10