SỐ 227
KINH TIỂU PHẨM BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 3: THÁP

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân, Phạm thiên vương, Tự tại Thiên vương và chủ chúng sinh các Thiên nữ… đều rất vui mừng, đồng thời xướng lên ba lần:

–Vui thay, vui thay, nhờ Đức Phật xuất hiện ở đời nên Tu-bồđề mới có thể diễn thuyết pháp này.

Khi ấy chư Thiên và đại chúng cùng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát không xa lìa việc thực hành Bátnhã ba-la-mật nên xem người ấy như là Phật.

Đức Phật bảo các Thiên tử:

–Đúng vậy, đúng vậy!

Ngày xưa vào thời Phật Nhiên Đăng ở thành Chúng hoa, ta không xa lìa việc thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Khi ấy Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta vô số kiếp về sau, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Các Thiên tử bạch Phật:

–Thật hiếm có, bạch Thế Tôn! Các vị Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật có thể giữ gìn Nhất thiết trí.

Đức Phật nhân vì Thích Đề-hoàn Nhân mà bảo các Thiên tử ở cõi trời Dục giới, sắc giới và bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di:

–Này Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam, tín nữ nào có thể thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật mà hành trì đúng như pháp thì Ma hoặc Thiên ma, Nhân hoặc Phi nhân không hại được hay làm cho họ chết yểu. Thiện nam, tín nữ ấy nhờ thọ trì đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật nên chư Thiên ở trời Đao-lợi phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác và người chưa thọ trì đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật, cũng đến nơi người thọ trì đọc tụng kinh ấy.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ khi thọ trì, đọc tụng ở trong nhà vắng vẻ hoặc đi bên đường, hoặc đi lạc đường thì không sợ hãi.

Khi ấy Tứ Thiên vương bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Nếu thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng Bátnhã ba-la-mật, hành trì đúng như pháp thì chúng con đều phải hộ trì.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Nếu thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật, hành trì đúng như pháp thì con phải hộ trì.

Phạm Thiên vương và các Phạm thiên đều bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, tín nữ thọ trì, đọc tụng hành trì đúng như pháp thì chúng con cũng phải hộ trì.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Thật hiếm có, thưa Thế Tôn! Thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật thì được công đức ở đời hiện tại như vậy.

Bạch Thế Tôn! Nếu người thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật là thọ trì, đọc tụng các Ba-la-mật.

Đức Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Kiều-thi-ca! Người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật là thọ trì các Ba-la-mật.

–Lại nữa Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật thì được công đức như vậy. Ông hãy lắng nghe ta sẽ nói cho ông nghe về công đức như vậy.

Thích Đề-hoàn Nhân vâng lời lắng nghe. Phật bảo:

–Kiều-thi-ca, nếu có người ý muốn hủy hoại trái nghịch pháp này của ta, tuy có tâm ấy nhưng dần dần sẽ bị hủy diệt và không làm được. Vì sao? Này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, tín nữ nào thọ trì đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật, mà bị các sự việc trái nghịch phá hoại vừa phát sinh thì chúng liền bị tiêu diệt cả và người kia không thể hại được.

Này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật thì được công đức đời hiện tại như vậy. Ví như có cây thuốc gọi là Ma-hê, có con rắn đói đi tìm thức ăn, thấy có côn trùng nhỏ muốn ăn, côn trùng chui vào cây thuốc, con rắn nghe mùi thuốc liền bỏ chạy không ngoảnh lại. Vì sao? Vì năng lực của thuốc có thể tiêu trừ nọc độc.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ cũng như vậy. Nếu thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật mà bị các việc hủy hoại trái nghịch phát sinh thì nhờ năng lực của Bát-nhã ba-la-mật nên các việc đó liền bị tiêu diệt.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Ai thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật thì được Tứ Thiên vương Hộ thế đều hộ trì.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Người này không bao giờ nói lời vô ích, có nói lên điều gì thì mọi người đều tin tưởng, người này ít sân nhuế, không ôm lòng thù hận, không bị ngã mạn che lấp, không bị sân nhuế sai khiến.

Này thiện nam, tín nữ! Lúc sân hận suy nghĩ như vầy: “Nếu ta giận thì tàn phá các căn, nhan sắc đổi khác, ta muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng giác làm sao lại chạy theo tâm sân, suy nghĩ như vậy liền được chánh niệm.”

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng Bátnhã ba-la-mật, thì được công đức đời hiện tại như vậy.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật hiếm có, Bát-nhã ba-la-mật là hồi hướng đến nên không có tâm cống cao.

Đức Phật bảo Kiều-thi-ca:

–Thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật, khi vào quân trận mà tụng Bát-nhã ba-la-mật, nếu lúc đóng quân hay xuất quân, thì không thể bị mất mạng hay bị hại, bị gươm dao hay tên, hướng đến mình thì không thể bị thương. Vì sao? Vì Bát-nhã bala-mật là chú thuật vĩ đại chú thuật vô thượng.

Thiện nam, tín nữ học chú thuật này không tự mình nghĩ ác, không nghĩ việc ác của người khác, không nghĩ việc ác của mình và người đó là học chú thuật này, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, chứng đắc trí Nhất thiết trí, có thể xem xét tâm của chúng sinh.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Nếu nơi nào có để kinh Bát-nhã ba-la-mật này, có đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật thì nhân hoặc phi nhân, không thể hại được. Chỉ có người nào đã tạo ra nghiệp phải chịu quả báo.

Này Kiều-thi-ca! Ví như bốn bên đạo tràng hoặc người, hoặc súc sinh, không thể não hại. Vì sao? Vì chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại đều thành Phật ở đó, đã thành Phật, đang thành Phật và sẽ thành Phật nơi đó, nên tất cả chúng sinh ở đó, không lo sợ, không ai có thể não hại được.

Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-la-mật này là nơi mà người tốt nên cung kính, cúng dường lễ bái.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, tín nữ nào biên chép thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường tôn trọng tán thán Bát-nhã ba-la-mật, đem hương hoa đẹp, chuỗi anh lạc, hương thoa, hương đốt hương bột, đủ loại hương và tràng phan bảo cái mà đem ra cúng dường. Đối với xá-lợi của Như Lai cúng dường cung kính, tôn trọng, tán thán, đem hương hoa đẹp, chuỗi anh lạc, hương thoa hương đốt, hương bột, đủ loại hương và tràng phan bảo cái mà đem ra cúng dường thì hai phước đức đó, phước đức nào nhiều hơn.

–Này Kiều-thi-ca! Ta lại hỏi ông, ông hãy tùy ý trả lời. Ý ông thế nào? Như Lai thực hành đạo gì dựa nơi thân mà đạt đến Nhất thiết trí, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác?

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai học Bát-nhã ba-la-mật, nên được thân này và chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.

–Này Kiều-thi-ca! Đức Phật không phải nhờ thân này mà gọi

là Như Lai, nhờ đạt đến Nhất thiết trí cho nên gọi là Như Lai.

Này Kiều-thi-ca! Nhất thiết trí của chư Phật từ Bát-nhã ba-lamật sinh ra, thân này là chỗ Nhất thiết trí nương tựa, Như Lai nhờ vào thân này đạt đến trí Nhất thiết trí, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác, thân này là chỗ trí Nhất thiết trí nương dựa nên sau khi ta diệt độ xá-lợi được cúng dường.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ nào biên chép Bát-nhã bala-mật, thọ trì, đọc tụng, cúng dường, cung kính, tôn trọng tán thán, đem hương hoa tốt đẹp, chuỗi anh lạc, hương thoa, hương đốt, hương bột, đủ loại hương và tràng phan bảo cái mà đem ra cúng dường là cúng dường Nhất thiết trí. Cho nên người biên chép kinh Bát-nhã bala-mật, cúng dường, cung kính, tôn trọng tán thán, nên biết người này được phước đức rất nhiều. Vì sao? Vì cúng dường trí Nhất thiết trí.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Người Diêm-phù-đề không cúng dường, cung kính, tôn trọng tán thán kinh Bát-nhã ba-la-mật là không biết lợi ích lớn như vậy chăng?

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Ý ông thế nào? Cõi Diêm-phù-đề có bao nhiêu người tin tuyệt đối nơi Phật, Pháp, Tăng?

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Rất ít người tin tưởng tuyệt đối nơi Phật, pháp, tăng. Bạch Thế Tôn! Cõi Diêm-phù-đề rất ít người đạt đến quả vị Tu-đà-hoàn, đạt quả Tư-đà-hàm, đạt quả A-na-hàm, đạt quả vị A-lahán, đạt đến Bích-chi-phật lại càng ít hơn. Người hành đạo Bồ-tát cũng lại càng ít hơn nữa.

–Kiều-thi-ca, đúng vậy, đúng vậy! Cõi Diêm-phù-đề rất ít người tin tưởng tuyệt đối nơi Phật cho đến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác. Người hành đạo Bồ-tát lại cũng ít hơn.

Này Kiều-thi-ca! Vô lượng, vô biên, a-tăng-kỳ chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, nhưng chỉ có một, hai người trong số đó trú ở địa vị không thoái chuyển. Thế nên phải biết thiện nam, tín nữ nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, cho đến thọ trì, đọc tụng, cúng dường, cung kính, tôn trọng tán thán Bát-nhã ba-la-mật, thì sao người ấy nên suy nghĩ: “Khi chư Phật ở đời quá khứ thực hành đạo Bồ-tát cũng học pháp này, chúng ta nên học trọng pháp này, Bát-nhã ba-la-mật là bậc Đạo sư của ta.”

Này Kiều-thi-ca! Sau khi ta diệt độ hay ở đời hiện tại, Bồ-tát thường nương nơi Bát-nhã ba-la-mật này. Nếu thiện nam, tín nữ nào sau khi ta diệt độ vì cúng dường Như Lai, nên xây tháp bảy báu, trọn đời đem hương hoa tốt đẹp, hương thoa, hương bột, y phục tràng phan cúng dường tháp này. Ý ông thế nào? Người thiện nam, tín nữ này do nhân duyên đó được phước đức có nhiều không?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy:

–Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, tín nữ nào cúng dường Bát-nhã ba-la-mật cung kính, tôn trọng, tán thán đem hương hoa tốt đẹp, hương thoa, hương bột, y phục tràng phan bảo cái mà cúng dường nên được phước đức rất nhiều.

Này Kiều-thi-ca! Không nói gì đến một tháp nếu có tháp bảy báu đầy khắp cả Diêm-phù-đề, thiện nam, tín nữ suốt cả cuộc đời đem hương hoa cho đến kỹ nhạc cúng dường các tháp đó. Ý ông thế nào? Do nhân duyên này, được phước đức nhiều không?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, tín nữ nào cúng dường Bátnhã ba-la-mật và cung kính tôn trọng, tán thán, đem hương hoa tốt đẹp, hương thoa, hương bột y phục, tràng phan, bảo cái phước đức đó rất nhiều.

Này Kiều-thi-ca! Xây dựng tháp bảy báu như thế đầy đủ cõi Diêm-phù-đề, nếu dựng tháp bảy báu đầy cả bốn thiên hạ, nếu có người trọn đời đem hương hoa, kỹ nhạc cúng dường, lại có người cúng dường Bát-nhã ba-la-mật thì được phước đó rất nhiều.

Này Kiều-thi-ca! Xây dựng tháp bảy báu như thế khắp cả bốn thiên hạ nếu xây dựng tháp bảy báu khắp cả tiểu thiên thế giới Châu-lê-ca, có người nào suốt đời đem hương hoa cho đến tràng phan bảo cái cúng dường, lại có người cúng dường Bát-nhã ba-lamật, thì phước đức đó rất nhiều.

Này Kiều-thi-ca! Xây dựng tháp bảy báu ở tiểu thiên thế giới ở Châu-lê-ca như thế, nếu dựng tháp bảy báu đầy khắp cả hai ngàn trung thế giới, có người nào trọn đời đem hương hoa tốt đẹp cho đến tràng phan, bảo cái để cúng dường hoặc có người nào cúng dường Bát-nhã ba-la-mật thì phước đức đó nhiều hơn.

Này Kiều-thi-ca! Xây dựng tháp bảy báu ở hai ngàn trung thế giới như thế, nếu có tháp bảy báu khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, thiện nam, tín nữ nào suốt đời đem hương hoa tốt đẹp cho đến tràng phan bảo cái để cúng dường.

Này Kiều-thi-ca! Ý ông thế nào? Người ấy nhờ nhân duyên đó nên được phước đức có nhiều không?

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca! Nếu lại có người cúng dường quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, tán thán hương hoa cho đến tràng phan bảo cái, thì phước đức đó hơn trước rất nhiều.

Này Kiều-thi-ca! Hãy để tháp bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới lại, giả sử làm cho tam thiên đại thiên thế giới, tất cả chúng sinh trong một lúc làm được thân người, tất cả người này đều xây tháp bảy báu, suốt đời đem tất cả hương hoa tốt đẹp tràng phan bảo cái ca hát để cúng dường tháp bảy báu này.

Này Kiều-thi-ca! Ý ông thế nào? Những người này nhờ nhân duyên đó phước đức có nhiều không?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nào cúng dường

kinh Bát-nhã ba-la-mật, cung kính tôn trọng, tán thán… dùng hoa hương cho đến tràng phan… thì phước ấy rất nhiều.

Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Người nào cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật tức là cúng dường Nhất thiết trí của chư Phật trong ba đời.

Bạch Thế Tôn! Để tất cả chúng sinh ở tam thiên đại thiên thế giới đều xây tháp bảy báu lại. Nếu khắp cả mười phương hằng sa số thế giới mà chúng sinh đều được thân người, thì mỗi người đó đều xây tháp bảy báu trong một kiếp hoặc một kiếp giảm, đem hương hoa tốt đẹp cho đến kỹ nhạc để cúng dường tháp đó. Nếu lại có người cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, cúng dường hương hoa tốt đẹp, cho đến kỹ nhạc thì phước đức đó rất nhiều.

Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Kiều-thi-ca!

Thiện nam, tín nữ nhờ nhân duyên cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật này nên được phước đức rất nhiều, vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn. Vì sao?

Này Kiều-thi-ca! Tất cả Nhất thiết trí của chư Phật đều do Bátnhã ba-la-mật mà sinh ra.

Này Kiều-thi-ca! Nhờ nhân duyên này nếu có thiện nam, tín nữ nào cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, tán thán, đem cúng dường hương hoa tốt đẹp cho đến kỹ nhạc, thì hơn cả công đức trước, trăm phần không bằng một phần, ngàn phần, muôn phần, trăm ngàn muôn phần, trăm ngàn muôn ức phần không bằng một phần, cho đến toán số thí dụ, vốn không thể nào bằng kịp.

Phẩm 4: MINH CHÚ

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân cùng với bốn vạn Thiên tử ở trong hội này nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Kiều-thi-ca! Nên thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật.

Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Kiều-thi-ca! Ông thọ trì và đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật, nếu A-tu-la sinh ý nghĩ muốn đánh nhau với chư Thiên ở cõi trời Đao-lợi thì lúc đó ông nên tụng niệm kinh Bát-nhã ba-la-mật. Nhờ nhân duyên đó nên ác tâm của A-tu-la liền tiêu diệt.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật là Đại minh chú, Bát-nhã ba-la-mật là Vô thượng chú, Bát-nhã ba-la-mật là Vô đẳng đẳng chú.

Phật dạy:

–Đúng như thế, đúng như thế, này Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-lamật là bài chú rất sáng chói, Bát-nhã ba-la-mật là bài chú tột bậc, Bát-nhã ba-la-mật là bài chú siêu tuyệt không gì sánh nổi. Vì sao?

Này Kiều-thi-ca! Chư Phật ở đời quá khứ nhờ Minh chú này chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, chư Phật ở đời vị lai cũng nhờ chú này sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, chư Phật ở đời hiện tại trong mười phương cũng nhờ chú này chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.

Này Kiều-thi-ca! Nhờ Minh chú này nên mười điều thiện xuất hiện ở đời. Bốn thiền, bốn Vô lượng tâm, bốn Vô sắc định, năm Thần thông xuất hiện ở đời. Nhân Bồ-tát này nên mười điều thiện xuất hiện ở đời. Bốn thiền, bốn Vô lượng tâm, bốn Vô sắc định, nă, Thần thông xuất hiện ở đời. Nếu chư Phật không xuất hiện ở đời thì chỉ nhân nơi Bồ-tát nên mười điều thiện, bốn thiền, bốn Vô lượng tâm, bốn Vô sắc định, năm Thần thông xuất hiện ở đời. Ví như khi mặt trăng không xuất hiện thì ánh sáng của các ngôi sao chiếu khắp thế gian.

Đúng như vậy, Kiều-thi-ca! Khi ấy ở thế gian không có Phật Thế Tôn đã có thiện hạnh, chánh hạnh đều từ Bồ-tát sinh ra, sức phương tiện của Bồ-tát đều do Bát-nhã ba-la-mật sinh ra.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ nào cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, tán thán được phước đức ở đời này.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Đạt được phước đức nào ở hiện tại.

–Này Kiều-thi-ca! Đó là thiện nam, tín nữ không bị chất độc làm hại, không bị lửa thiêu đốt, suốt đời không bị chết yểu. Lại nữa, thiện nam, tín nữ nào bị kiện cáo, tụng niệm kinh Bát-nhã bala-mật thì việc kiện cáo đó liền tiêu diệt, những người tìm tòi khuyết điểm ở nơi ta đều không được thuận tiện dễ dàng. Vì sao? Vì đã được Bát-nhã ba-la-mật hộ trì.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ nào đọc tụng kinh Bátnhã ba-la-mật, nếu người ấy đi đến chỗ của quốc vương hoặc là chỗ của vương tử, đại thần, mọi người đều vui vẻ thăm hỏi cùng chuyện trò với người ấy. Vì sao? Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-la-mật vì thương xót tất cả chúng sinh nên xuất hiện. Thế nên Kiều-thi-ca! Những người tìm tòi khuyết điểm ở nơi ta đều không được thuận tiện dễ dàng.

Khi ấy, một trăm người xuất gia theo ngoại đạo, muốn tìm khuyết điểm của Phật, họ bèn hướng đến chỗ Phật.

Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Đây là một trăm người xuất gia theo ngoại đạo muốn tìm khuyết điểm của Phật nên đi đến chỗ Phật. Ta đã được Phật truyền trao kinh Bát-nhã ba-la-mật, vậy nên tụng niệm, vì các ngoại đạo này đi đến chỗ Phật, hoặc có thể ngăn trở về việc thuyết Bát-nhã ba-la-mật.” Suy nghĩ như vậy rồi Thích Đề-hoàn Nhân liền tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật, đã được Đức Phật truyền trao cho.

Khi ấy, từ xa thấy Đức Phật, các ngoại đạo quay đầu bỏ đi.

Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Do nhân duyên nào nên các ngoại đạo thấy Phật lại bỏ đi?”

Đức Phật biết ý nghĩ đó bảo Xá-lợi-phất:

–Thích Đề-hoàn Nhân này tụng niệm kinh Bát-nhã ba-la-mật, ngoại đạo như vậy, không một người nào có thiện tâm, họ đều mang ác ý đến tìm tòi khuyết điểm của Phật, vì thế cho nên ngoại đạo đều bỏ đi.

Khi ấy ác ma suy nghĩ: “Bốn chúng và chư Thiên ở cõi Dục giới và Vô sắc giới, đang ngồi trước mặt Phật. Trong ấy tất là có Bồtát được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng giác. Vậy ta nên quấy nhiễu họ, liền hóa làm bốn loại binh hướng đến chỗ Phật.”

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân suy nghĩ: “Ma hóa ra bốn binh đi đến chỗ Phật, bốn loại binh tướng này vua Tần-bà-sa-la ở nước Magià-đà cũng không có, vua Ba-tư-nặc thuộc nước Kiều-tát-la cũng không có, các Thích tử cũng không có, các Lê-xa đều không có. Nay binh tướng này chắc chắn do ác ma làm ra. Suốt đêm dài hạng ma này muốn tìm tòi khuyết điểm của Phật và làm não loạn chúng sinh, ta nên tụng niệm kinh Bát-nhã ba-la-mật.”

Thích Đề-hoàn Nhân thầm tụng niệm kinh Bát-nhã ba-la-mật. Tùy theo việc tụng niệm của ông, ác ma dần dần lui quân.

Khi ấy chư Thiên Đao-lợi hóa làm hoa trời ở trên hư không rải cúng dường Phật và suy nghĩ cầu nguyện cho kinh Bát-nhã ba-la-mật tồn tại lâu dài ở cõi Diêm-phù-đề. Người ở cõi Diêm-phù-đề sẽ được tụng niệm tu tập kinh Bát-nhã ba-la-mật. Khi ấy chư Thiên lại rải hoa trời lên cúng dường Phật và nói:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh thực hành tu tập Bát-nhã ba-la-mật thì ma và thiên ma không hại người ấy được.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có người được nghe Bát-nhã ba-la-mật là đã từng gần gũi các Đức Phật, không phải nhờ ít công đức mà được như vậy huống là thọ trì, đọc tụng hành trì đúng như pháp. Vì sao? Bạch Thế Tôn, Nhất thiết trí của Bồ-tát phải nên cầu trong Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Thế Tôn! Ví như châu báu lớn phải tìm tòi ở trong biển lớn. Bạch Thế Tôn, châu báu là Nhất thiết trí của chư Phật phải tìm cầu trong Bát-nhã ba-la-mật.

Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Kiều-thi-ca! Nhất thiết trí của chư Phật đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra.

Khi ấy A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn không ca ngợi Đàn-na ba-la-mật, không nói lời ca ngợi Thi-la ba-la-mật, Sằn-đề ba-la-mật, Tỳ-lê-da ba-la-mật, Thiền-na ba-la-mật, vì sao Ngài chỉ nói lời ca ngợi Bátnhã ba-la-mật.

Phật bảo:

–A-nan! Bát-nhã ba-la-mật là dẫn đầu năm pháp Ba-la-mật.

Này A-nan! Ý ông thế nào? Nếu bố thí mà không hồi hướng Nhất thiết trí thì có thành Đàn-na ba-la-mật không?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn, dạ không!

–Nếu Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ mà không hồi hướng Nhất thiết trí thì có thành Bát-nhã ba-la-mật không?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn, dạ không!

–Này A-nan! Thế nên Bát-nhã ba-la-mật là dẫn đầu năm pháp Ba-la-mật.

Này A-nan! Ví như các hạt giống được gieo trong mặt đất. Do nhân duyên hòa hợp nên được sinh trưởng, không nương nhờ mặt đất này thì hạt giống không sinh trưởng.

Này A-nan! Như vậy năm pháp Ba-la-mật trụ trong Bát-nhã ba-la-mật mà được tăng trưởng và được Bát-nhã ba-la-mật hộ trì hướng đến Nhất thiết trí. Thế nên A-nan, Bát-nhã ba-la-mật là hướng dẫn năm pháp Ba-la-mật.

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, tín nữ này thọ trì, đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật thì được công đức, hành trì đúng như pháp, thì Như Lai nói cũng không hết.

Phật bảo Kiều-thi-ca:

–Ta không chỉ nói công đức người này do thọ trì đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật, hành trì đúng như pháp.

Này Kiều-thi-ca! Nếu có thiện nam, tín nữ nào cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật cung kính, tôn trọng, tán thán đem hương hoa tốt đẹp cho đến tràng phan bảo cái để cúng dường, ta cũng nói người ấy được công đức.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con cũng phải hộ trì thiện nam, tín nữ, cúng dường kinh Bát-nhã ba-la-mật cung kính, tôn trọng, tán thán, đem hương hoa tốt đẹp cho đến tràng phan bảo cái để cúng dường.

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ này thọ trì, đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật. Nếu có bao nhiêu trăm ngàn chư Thiên đại chúng vì nghe pháp, nên đi đến chỗ đó; khi Pháp sư ấy thuyết pháp cho chư Thiên, thì Phi nhân được tăng thêm khí lực. Nếu Pháp sư mệt nhọc không ưa thuyết pháp, thì chư Thiên cung kính pháp nên làm cho Pháp sư vui vẻ thuyết pháp.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ như vậy là được công đức ở đời hiện tại.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ nào khi nói Bát-nhã bala-mật ở bốn chúng thì tâm họ không lo sợ sẽ có người đến vấn nạn và chê trách. Vì sao? Vì người này đã được Bát-nhã ba-la-mật hộ trì nên không thấy người nào tìm được chỗ dở và Bát-nhã ba-la-mật cũng không có chỗ dở. Người này như vậy là hộ trì Bát-nhã ba-lamật không lo sợ có người đến vấn nạn và chê trách.

Này Kiều-thi-ca! Đó cũng là công đức hiện tại của thiện nam, tín nữ này.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ này đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật là được cha mẹ thương mến, được họ hàng bạn bè tốt, được Sa-môn, Bà-la-môn cung kính, vượt qua sự buồn rầu, kiện tụng một cách như pháp.

Này Kiều-thi-ca! Đó là công đức ở đời hiện tại của thiện nam, tín nữ.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Nơi nào để kinh Bát-nhã ba-la-mật thì chư Thiên trên cõi trời Tứ Thiên vương đề phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, đều đi đến chỗ Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, đọc tụng cúng dường đảnh lễ rồi đi. Chư Thiên trên cõi trời Đao-lợi, Dạ-ma-thiên, Đâu-suất-đà thiên, Tha hóa lạc, Tha hóa tự tại thiên, Phạm thiên, Phạm thế thiên, Phạm phụ thiên, Phạm chúng thiên, Đại Phạm thiên, Quang thiên, Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang âm thiên, Tịnh thiên, Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên, Vô âm hành thiên, Phước sinh thiên, Quảng quả thiên, Vô quảng thiên, Vô nhiệt thiên, Diệu kiến thiên, Thiện kiến thiên, Vô tiểu thiên… đề phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác đều đi đến chỗ Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, đọc tụng cúng dường đảnh lễ rồi đi.

Này Kiều-thi-ca! Người đừng bảo là chỉ có chư Thiên ở Vô tiểu thiên đến cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, mà chư Thiên trong cõi Dục giới, Sắc giới thuộc tam thiên đại thiên thế giới phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác đều đến chỗ Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, đọc tụng cúng dường đảnh lễ lui ra.

Thiện nam, tín nữ nên suy nghĩ: “Trong mười phương vô số cõi nước, có chư Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-na, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… đều đến chỗ Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, đọc tụng, cúng dường đảnh lễ. Khi ấy ta nên cúng dường pháp Bát-nhã ba-la-mật. Chỗ ở của thiện nam, tín nữ nào mà có kinh Bát-nhã ba-la-mật thì điện đường hoặc phòng xá không thể bị hủy hoại, trừ hành nghiệp đời trước tất nhiên phải chịu.”

Này Kiều-thi-ca! Đó cũng là công đức hiện tại của thiện nam, tín nữ.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, tín nữ này làm sao biết khi nào chư Thiên đến thọ trì đọc tụng cúng dường, cung kính kinh Bát-nhã ba-la-mật.

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ thấy ánh sáng lớn biết chắc chắn Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… đi đến chỗ đó.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ ngửi được mùi hương kỳ lạ, nên biết chư Thiên đến chỗ đó.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Nơi nào thiện nam, tín nữ ở nên làm cho sạch sẽ, nhờ sạch sẽ nên Phi nhân đều hoan hỷ đi đến chỗ đó; có tiểu quỷ nào ở nơi đó thì không chịu nổi oai đức lớn lao của chư Thiên nên lánh xa. Nhờ theo oai đức lớn của chư Thiên thường đến nên tâm họ thích pháp lớn, do đó bốn phía của trụ xứ không nên để dơ uế bất tịnh.

Lại nữa Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ ấy thân không mệt nhọc, ngủ nghỉ yên ổn nên không thấy ác mộng, hoặc khi nằm mộng thì chỉ thấy chư Phật, tháp miếu của chư Phật, chúng A-lahán và các chúng Bồ-tát tu tập sáu pháp Ba-la-mật, học Nhất thiết trí làm thế giới của Phật thanh tịnh. Lại nghe Đức Phật tên đó, nước đó, đang thuyết pháp cho bao nhiêu trăm ngàn vạn ức chúng cung kính vây quanh Ngài.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ nào, trong giấc mộng thấy như vậy, thức dậy an vui, khí lực đầy đủ, thân thể nhẹ nhàng. Thiện nam, tín nữ này không tham đắm về ăn uống. Ví như Tỳkheo ngồi thiền từ định xuất ra là nhờ học thiền cho nên không tham đắm về ăn uống. Này Kiều-thi-ca! Vì là do phi nhân làm cho khí lực tăng lên.

Này Kiều-thi-ca! Muốn được công đức hiện tại như vậy thì nên thọ trì đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật hành trì đúng pháp.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam, tín nữ nào nếu không thể thọ trì đọc tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật hành trì đúng như pháp, thì nên biên chép Bát-nhã ba-la-mật cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán, đem hương hoa tốt đẹp hương thoa, hương bột, hương đốt và đủ loại hương y phục tràng phan bảo cái kỹ nhạc để cúng dường.

Phẩm 5: XÁ-LỢI

Khi ấy Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:

–Này Kiều-thi-ca! Xá-lợi khắp cả cõi Diêm-phù-đề là một phần, Bát-nhã ba-la-mật là một phần trong hai phần đó ông chọn lấy phần nào.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con lấy phần Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Bạch Thế Tôn, chẳng phải con không cung kính xá-lợi, nhưng vì xálợi là từ Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra, nhờ Bát-nhã ba-la-mật huân tập nên được cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Con ở trên cung trời Đao-lợi trong Thiện pháp đường, con có chỗ thường ngồi. Chư Thiên tử cõi trời Đao-lợi đến cúng dường cho con, nếu con không có chỗ ở đó thì chư Thiên tử cung kính làm lễ đi nhiễu tòa ngồi của con rồi mới đi. Vì họ suy nghĩ Thích Đề-hoàn Nhân ngồi ở tòa này thuyết pháp cho chư Thiên. Xálợi của chư Phật cũng vậy từ Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra là chỗ ở của Nhất thiết trí cho nên được cúng dường như vậy.

Thưa Thế Tôn! Trong hai phần con xin lấy phần Bát-nhã ba-lamật.

–Bạch Thế Tôn! Đặt xá-lợi khắp cả cõi Diêm-phù-đề, hoặc xá-lợi khắp cả tam thiên đại thiên thế giới là một phần Bát-nhã bala-mật là một phần. Trong hai phần con xin lấy phần Bát-nhã ba-lamật. Vì sao? Vì xá-lợi của chư Phật từ Bát-nhã ba-la-mật sinh ra nên được cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Ví như là người mắc nợ thường lo sợ chủ, vì nhờ thân cận phụng sự nhà vua nên chủ nợ trở lại lo sợ cung kính người mắc nợ có dựa vào năng lực của nhà vua.

Bạch Thế Tôn! Xá-lợi cũng như vậy nương nơi Bát-nhã ba-lamật mà được cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật như vua, xá-lợi như người gần gũi nhà vua. Xá-lợi của Như Lai nương nơi tất cả Bát-nhã bala-mật mà được cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Tất cả trí tuệ của chư Phật, cũng từ Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra, cho nên trong hai phần con xin lấy một phần Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Thế Tôn! Như bảo châu vô giá có công đức như vậy, chỗ để hạt châu đó là phi nhân không thể hại được. Hoặc người nam, hoặc người nữ, hoặc người lớn, hoặc người nhỏ nếu bị phi nhân hại thì khi đem châu báu đến chỗ đó, phi nhân bỏ đi. Nếu có bệnh nóng, lấy hạt châu thoa lên thân có thể trừ diệt; nếu có bệnh phong lấy hạt châu xoa lên thân, phong liền biến mất; nếu có bệnh lạnh cũng dùng bảo châu xoa lên thân liền hết lạnh. Hạt bảo châu lúc trời tối hạt châu làm sáng; khi nóng có thể làm mát; lúc lạnh có thể làm ấm; để hạt bảo châu nơi nào thì rắn độc không thể vào được. Người nam hoặc người nữ; hoặc người lớn hoặc người nhỏ, bị trùng độc chích đốt, đem hạt châu đưa cho họ thì độc liền tiêu. Nếu con mắt bị bệnh đem bảo châu xoa lên mắt thì mắt được lành.

Bạch Thế Tôn! Lại hạt châu này nếu để trong nước thì hạt châu cùng màu với nước. Nếu dùng túi bằng lụa màu trắng đựng bảo châu bỏ vào trong nước thì nước biến thành màu trắng. Nếu dùng túi xanh vàng đỏ tím đựng hạt châu bỏ vào trong nước, thì nước biến thành xanh, vàng, đỏ, tím, nước đục biến thành trong, hạt châu này thành tựu công đức như vậy.

Khi ấy A-nan hỏi Thích Đề-hoàn Nhân:

–Đây là vật báu ở cõi Diêm-phù-đề hay là vật báu ở cõi trời.

Thích Đề-hoàn Nhân đáp:

–Đây là vật báu ở cõi trời, người ở cõi Diêm-phù-đề cũng có vật báu này nhưng công đức ít mà nặng, công đức hạt châu ở cõi trời nhiều mà nhẹ, vật báu người so sánh của trời, không thể dùng toán số mà thí dụ được sự chênh lệch.

Bạch Thế Tôn! Nếu đem hạt châu bỏ vào trong hộp, tuy lấy hạt châu ra khỏi hộp rồi, vì công đức của hạt châu đó, nhưng hộp vẫn quý giá.

Bạch Thế Tôn! Bởi vì công đức Nhất thiết trí của Bát-nhã bala-mật nên sau khi Như Lai diệt độ, xá-lợi được cúng dường. Vì xálợi của Như Lai là chỗ trụ xứ Nhất thiết trí, trong hai phần con xin lấy phần Bát-nhã ba-la-mật.

Bạch Thế Tôn! Đặt xá-lợi như thế đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, lại nếu xá-lợi khắp cả hằng hà sa số trong thế giới một phần, Bát-nhã ba-la-mật là một phần, trong hai phần đó con xin lấy phần Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Vì trí Nhất thiết trí của chư Phật Như Lai đều từ Bát-nhã ba-la-mật mà sinh ra Nhất thiết trí đã huân tập, nên xá-lợi được cúng dường.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam, tín nữ muốn thấy như thật chư Phật mười phương vô lượng, vô số, nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nên tu tập Bát-nhã ba-la-mật.

Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Kiều-thi-ca! Chư Phật quá khứ đều do Bát-nhã ba-la-mật chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, chư Phật vị lai cũng do Bát-nhã ba-la-mật mà chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, chư Phật hiện tại ở mười phương vô lượng, vô số thế giới cũng nhân Bát-nhã ba-la-mật chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ma-ha Ba-la-mật chính là Bát-nhã ba-lamật, Phật nhân Bát-nhã ba-la-mật này đều biết tâm tâm sở hành của tất cả chúng sinh.

Phật dạy:

–Kiều-thi-ca! Vì suốt đêm dài, Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật.

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát chỉ thực hành Bát-nhã ba-la-mật, ngoài ra không thực hành các pháp Ba-la-mật khác ư?

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Bồ-tát đều thực hành Lục độ. Nếu khi Bố thí thì Bát-nhã ba-la-mật đứng đầu, hoặc khi Trì giới, hoặc Nhẫn nhục, hoặc Tinh tấn, hoặc Thiền định, hoặc quán các pháp thì Bátnhã ba-la-mật đứng đầu. Ví như những cây cối ở cõi Diêm-phù-đề với những hình dáng khác nhau, màu sắc khác nhau, lá hoa trái khác nhau, nhưng cái bóng của nó đều không khác nhau, năm pháp Ba-la-mật cũng như vậy, vào trong Bát-nhã ba-la-mật không có phân biệt.

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật này có công đức lớn, có công đức vô lượng, vô biên, có công đức không gì sánh bằng. Nếu có người biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, tán thán, đem hương hoa tốt đẹp cho đến tràng phan bảo cái để cúng dường. Nếu có người sao chép kinh Bát-nhã ba-la-mật so với người kia, hai công đức, công đức nào nhiều hơn?

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Ta hỏi lại ông, ông tùy ý trả lời cho ta. Ý ông thế nào? Nếu có người được xá-lợi của Phật, rồi chỉ tự mình cúng dường hoặc lại có người được xá-lợi của Phật, rồi tự mình cúng dường và bảo người khác cúng dường, hai công đức đó, công đức nào nhiều hơn?

Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có người được xá-lợi của Phật, tự mình cúng dường và bảo người khác cúng dường thì phước đức đó rất nhiều.

Phật dạy:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, tín nữ biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, tán thán, đem hương hoa tốt đẹp, cho đến tràng phan bảo cái để cúng dường thì không bằng thiện nam, tín nữ biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật tự mình cúng dường và bảo người khác cúng dường thì phước ấy rất nhiều.

Phật dạy:

–Này Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam, tín nữ ấy ở chốn nào, thuyết giảng kinh Bát-nhã ba-la-mật cho người thì được phước đức ấy rất nhiều.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10