SỐ 229
KINH PHẬT THUYẾT PHẬT MẪU BẢO ĐỨC TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Pháp Hiền
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: HẠNH

Bấy giờ, vì muốn cho bốn chúng vui mừng và đạt được lợi ích, nên Đức Thế Tôn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này.

Phật nói kệ:

Có những Bồ-tát vì thế gian
Diệt trừ phiền não làm chướng ngại,
Phát tâm tịnh tín trụ tịch tĩnh
Thực hành Bát-nhã ba-la-mật đến bờ giác.
Những dòng sông ở Diêm-phù-đề
Làm cho cây cỏ được thắm nhuần,
Vua rồng sống tại ao Vô nhiệt
Dùng oai lực tạo các dòng sông.
Như hàng Thanh văn, đệ tử Phật
Dùng phương tiện thuyết pháp độ sinh,
Vui hạnh Thánh hiền cầu phước báo
Chư Như Lai oai đức thù thắng.
Tại sao Phật nói Pháp nhãn này
Khiến cho đệ tử học pháp Phật
Phương tiện tự chứng và dạy người
Do Phật lực, chẳng phải tự lực.
Bát-nhã tối thượng khó biết được
Phi tâm không thể biết Bồ-đề
Thế nên nghe rồi, không kinh sợ
Bồ-tát thực hành biết trí Phật
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không
Không có chỗ để vướng bụi trần
Tất cả pháp thảy đều không trụ
Hành không thọ, tưởng đắc Bồ-đề.
Bồ-tát nếu cầu trí xuất gia
Xét thấy năm uẩn tướng không thật
Do đó không cầu nơi tịch tĩnh
Đó là trí hạnh của Bồ-tát.
Lại nữa, làm sao đắc được trí
Soi thấy tất cả pháp đều không
Không kinh, không đắm khi xét thấy
Các vị Bồ-tát tự giác, giác tha.
Sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn
Uẩn này thấy làm mà không biết
Bồ-tát xét thấy uẩn đều không
Thực hành vô tướng không chấp trước,
Không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Không hành gọi là hành vô tướng
Nếu hành, chẳng đắc trí tối thượng
Vô tướng, tịch tĩnh, Tam-ma-địa.
Nếu Bồ-tát riêng hành tịch tĩnh
Chư Phật quá khứ đều thọ ký
Thân khổ vui không bị chi phối
Do biết bổn tánh pháp nhân quả,
Với pháp nếu hành chẳng thể đắc
Hành vậy mới là hành trí Phật
Hành không chỗ hành, biết rõ mình
Đó là hành Bát-nhã tối thượng.
Hành vô sở hữu chẳng thể đắc
Ngu si nên chấp tướng có không
Hai pháp có không đều chẳng thật
Biết rõ việc này là Bồ-tát.
Nếu Bồ-tát biết việc huyễn hóa
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy
Tu tịch tĩnh xa lìa các tướng
Đó là hạnh Bát-nhã tối thượng.
Bạn lành, phương tiện làm cho biết
Để nghe Phật mẫu chẳng sợ kinh
Bạn ác đồng hành mà giáo hóa
Như bình đựng nước không bền đâu.
Làm sao được gọi là Bồ-tát?
Tất cả việc vui đều không đắm
Cầu đạo Bồ-đề không chấp trước
Thế mới được gọi là Bồ-tát.
Vì sao gọi là Đại Bồ-tát?
Được nghĩa đệ nhất trong chúng sinh
Trừ các tà kiến cho chúng sinh
Vì thế gọi là Đại Bồ-tát.
Đại thí, đại tuệ, đại oai đức
Phụng hành được Phật thừa tối thượng
Phát tâm Bồ-đề độ chúng sinh
Vì thế gọi là Đại Bồ-tát.
Như hóa vô số loài bốn chân
Và chặt đầu chúng trước mọi người
Thế gian cũng vậy đều huyễn hóa
Bồ-tát biết rồi, không sợ hãi,
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức trói buộc
Biết rõ không thật, không cầu thoát
Hành Bồ-đề, tâm không chấp trước
Đó là các vị Bồ-tát tối thượng.
Làm sao được gọi là Bồ-tát?
Phụng hành Đại thừa độ chúng sinh
Thể tướng Đại thừa như hư không
Do đó Bồ-tát được an vui.
Chiếc xe Đại thừa chẳng thể đắc
Mang theo Niết-bàn đến mọi nơi
Hành mà không thấy như lửa tắt
Vì thế gọi là nhập Niết-bàn
Việc làm Bồ-tát bất khả đắc
Tất cả ba đời đều sạch trong
Sạch trong, không sợ, không hý luận
Đó là hành Bát-nhã tối thượng.
Bồ-tát khi hành hạnh đại Trí
Vì chúng sinh phát đại Từ bi
Làm rồi, không hiện tướng chúng sinh
Đó là hành Bát-nhã tối thượng.
Bồ-tát vì chúng sinh phát nguyện
Tu tập các hạnh có tướng khổ
Là có ngã tướng, chúng sinh tướng
Không phải hạnh Bát-nhã tối thượng
Biết mình và biết các chúng sinh
Cho đến các pháp cũng y vậy
Sinh diệt, không hai, không phân biệt
Đó là hành Bát-nhã tối thượng,
Cho đến mọi thứ trên thế giới
Đều lìa tất cả pháp sinh diệt
Trí cam lồ tối thượng là đây
Vì thế được gọi là Bát-nhã.
Bồ-tát thực hành hạnh như vậy
Rõ biết phương tiện không mong cầu
Biết các pháp bổn tánh không thật
Đó là hành Bát-nhã tối thượng.
Nếu không trụ vào sắc và thọ
Cũng không trụ vào tưởng và hành
Không trụ thức lại trụ chánh pháp
Đó là hành Bát-nhã tối thượng.

Phẩm 2: ĐẾ THÍCH

Kệ Hoan hỷ địa nhiếp Bố-thí ba-la-mật:
Thường cùng vô thường, các khổ, vui
Ngã và vô ngã thảy đều không
Không trụ hữu vi và vô vi
Trụ vô tướng, hành, Phật cũng vậy.
Nếu có cầu Thanh văn, Duyên giác
Cho đến Phật quả cũng như vậy,
Không trụ pháp nhẫn không thể được
Như qua sông lớn, không thấy bờ.
Người nghe pháp này chứng đắc định
Thành Chánh đẳng giác, chứng Niết-bàn,
Thấy tất cả như là chính mình
Như Lai gọi họ là đại Trí.

Phật tử đang an trụ ở bốn (Bổ-đặc-già-la) loài hữu tình do đó phải hành Đại trí hạnh:

Pháp lành chân thật.
Tâm không thoái lui.

Xứng đáng được người cúng dường, xa lìa cấu uế, không phiền não, không mong cầu.

Bình đẳng với bạn lành.
Bồ-tát hành đại Trí như vậy
Không học Thanh văn và Duyên giác
Ưa học Nhất thiết trí Như Lai
Học mà không học gọi là học,
Học không nhận sắc, không tăng giảm
Cũng lại không học các thứ pháp
Nhiếp thọ lạc học Nhất thiết trí
Người nào có công đức xuất ly
Sắc chẳng có trí chẳng không trí
Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy,
Tự tánh tánh sắc như hư không
Bình đẳng không hai, không phân biệt
Bổn tánh vọng tưởng không tới bờ
Cảnh giới chúng sinh cũng như vậy.
Tự tánh hư không không khác gì
Trí tuệ thế gian biết cũng vậy
Trí tuệ vô sắc Phật đã nói
Lìa tất cả tưởng đến bờ kia
Người nào lìa được các tưởng rồi
Ý lời người đó trụ chân như
Người đó sống lậu hằng sa kiếp
Không nghe Phật nói tiếng chúng sinh
Chúng sinh không sinh tánh thanh tịnh
Đó là hành Bát-nhã tối thượng.
Phật thuyết ra đủ các ngôn ngữ
Gồm đủ nghĩa Bát-nhã tối thượng
Phật quá khứ thọ ký cho ta
Đời vị lai chứng quả Bồ-đề.

Phẩm 3: XÂY THÁP ĐƯỢC CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG

Kệ Vô cấu địa nhiếp Trì giới ba-la-mật:
Người nào thường thọ trì Bát-nhã
Việc làm thích hợp với chư Phật
Dao, kiếm, thuốc độc, nước và lửa
Cho đến các ma không thể hại,
Người nào sau khi Phật diệt độ
Lập tháp bảy báu để cúng dường
Đầy khắp ngàn câu-chi như vậy
Tháp Phật ở hằng sa thế giới,
Vô số ngàn câu-chi chúng sinh
Dùng các thứ hương hoa vi diệu
Cúng dường vô số Phật ba đời
Vô lượng công đức đã đạt được,
Cũng không bằng viết kinh Bát-nhã
Chư Phật do đấy mà sinh ra
Người thọ trì đọc tụng cúng dường
Công đức bội phần cúng tháp Phật.
Đại Minh Bát-nhã, Mẹ chư Phật
Hay trừ khổ não khắp thế gian
Mười phương chư Phật trong ba đời
Học Bát-nhã được Vô thượng sư,
Hành Bát-nhã làm lợi chúng sinh
Học đại Trí chứng quả Bồ-đề
Các niềm vui hữu vi, vô vi
Tất cả vui từ Bát-nhã sinh.
Như gieo các giống trên mặt đất
Được hòa hợp nên sinh nhiều màu
Năm Ba-la-mật và Bồ-đề
Đều từ Bát-nhã mà sinh ra,
Như vua Chuyển luân khi xuất hành
Dẫn đường là bảy báu, bốn binh
Nương theo hạnh Bát-nhã tối thượng
Tất cả pháp công đức nhóm hợp.

Phẩm 4: CÔNG ĐỨC

Kệ Phát quang địa nhiếp Nhẫn nhục ba-la-mật:

Đế Thích nghi ngờ bạch Phật rằng:

Hằng hà sa số cõi nước Phật
Cõi Phật vô số như hạt cải.
Lực Bát-nhã rõ hết cõi Phật
Hiểu rõ Bát-nhã như vậy rồi,
Làm sao không cúng dường cõi Phật.
Ví như vua được người kính trọng
Người trụ Bát-nhã cũng như vậy,
Công đức Bát-nhã ở cõi Phật
Ngọc ma-ni giá trị không bằng,
Cúng dường tủ kinh, nơi để kinh
Sẽ được phước đức quý vô lượng.
Phật diệt độ, cúng dường xá-lợi
Không bằng cúng dường Bát-nhã kinh,
Người nào ưa thọ trì cúng dường
Người đó sẽ mau được giải thoát
Trước hành Bố-thí ba-la-mật
Kế là Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền định,
Thọ trì thiện pháp không thể hoại
Chắc chắn sinh ra tất cả pháp
Như các loại cây cõi Diêm-phù
Với nhiều màu sắc, hình khác nhau,
Tuy bóng mỗi cây có sai khác
Nhưng đều gọi chung là bóng cây.
Năm Ba-la-mật, tên tuy khác
Bát-nhã ba-la cùng một tên,
Tất cả hồi hướng quả Bồ-đề
Đồng quy về một vị giác ngộ.

Phẩm 5: PHƯỚC LƯỢNG

Kệ Diễm tuệ địa nhiếp Tinh tấn ba-la-mật:

Các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Bồ-tát xét thấy đều vô thường
Mỗi mỗi hiện hành mà không biết
Người trí thấy không pháp, không sinh.
Không có sắc, thọ, tưởng, hành,thức
Pháp này không đắc cũng không sinh
Biết rõ tất cả pháp đều không
Đó là hành Bát-nhã tối thượng.
Như hóa hiện hằng sa cõi Phật
Các chúng sinh chứng quả La-hán
Nếu có ghi chép kinh Bát-nhã
Bảo người thọ trì được cộng đức,
Làm sao tu học hạnh của Phật
Dốc tin Bát-nhã các pháp không
Mau chứng Thanh văn và Duyên giác
Cho đến đạo Vô thượng Bồ-đề.
Thế gian không giống, không sinh cây
Cành lá hoa quả đều không có
Không Phật, ai chỉ tâm Bồ-đề,
Không Phạm-thiên, Đế Thích, Thanh văn
Như mặt trời chiếu khắp chư Thiên
Làm cho thành tựu các thứ nghiệp.
Phật trí tâm Bồ-đề cũng vậy
Các pháp công đức từ trí sinh,
Nếu ao Vô nhiệt không có rồng
Thì cõi Diêm-phù không có sông,
Không có sông, hoa quả không sinh
Không có các báu trong biển lớn.
Thế gian không Phật không đại Trí
Không trí, công đức không tăng trưởng,
Cũng không Phật pháp để trang nghiêm
Không châu báu trong biển Bồ-đề.
Như đom đóm sáng ở thế gian
Tất cả đều hợp lại một chỗ,
So ánh mặt trời chiếu thế gian
Không bằng một phần số vi trần.

Phẩm 6: TÙY HỶ CÔNG ĐỨC

Kệ Nan thắng địa nhiếp Thiền ba-la-mật:

Lại có công đức của Thanh văn
Hành bố thí, trì giới quán chiếu
Không bằng Bồ-tát phát nhất tâm
Tùy hỷ chút ít phần tích phước.
Lại có vô số na-do-tha
Vô biên hằng sa các cõi Phật
Quá khứ, hiện tại Phật đã nói
Pháp bảo đoạn trừ tất cả khổ,
Từ khi phát tâm Vô thượng giác
Cho đến thành Phật và nhập diệt
Nếu có bao nhiêu công đức Phật
Đều thành phương tiện Ba-la-mật.
Thanh văn, Hữu học và Vô học
Các pháp lành hữu lậu, vô lậu
Bồ-tát hồi hướng khắp tất cả
Nên vì thế gian chứng Bồ-đề.
Bồ-tát bố thí tâm không trụ
Trụ tâm chính là tướng chúng sinh,
Có thấy, có niệm là chấp trước
Chẳng phải hồi hướng, thí Bồ-tát.
Như vậy chẳng phải thí vô tướng
Nên biết pháp này có diệt tận
Việc phi pháp chẳng phải tâm thí
Mới được gọi là hồi hướng thí.
Có tướng thí chẳng phải chân thí
Hồi hướng vô tướng chứng Bồ-đề,
Như thức ăn ngon có thuốc độc
Pháp tự chấp tướng cũng như vậy.
Cho nên hồi, thí cần phải học
Chúng lành của Phật đều nên biết,
Là sinh, là tướng, là oai lực
Thảy đều tùy hỷ hồi hướng thí.
Đem công đức hồi hướng Bồ-đề,
Bồ-tát bố thí đều vô tướng
Bố thí như vậy Phật ấn chứng
Vậy mới gọi là dũng mãnh thí.

Phẩm 7: ĐỊA NGỤC

Kệ Hiện tiền địa nhiếp Trí tuệ ba-la-mật:

Vô số người mù không thấy đường
Không một người nào vào được thành
Tu hành sáu độ thiếu Bát-nhã
Không có năng lực để giác ngộ,
Ví như vẽ tượng, không vẽ mắt
Do không có mắt không sinh động.
Có thọ hành đối với trí tuệ
Gọi là có mắt và có sức.
Pháp trắng đen hữu vi, vô vi
Giống như vi trần không thể được
Trí tuệ quán chiếu như hư không
Gọi là Bát-nhã xuất thế gian.
Bồ-tát tin chắc vào hạnh Phật
Cứu độ vô số khổ chúng sinh
Nếu còn chấp trước tướng chúng sinh
Chẳng phải hành Bát-nhã tối thượng.
Bồ-tát nếu hành hạnh tối thượng
Quá khứ chưa từng cầu đại Trí
Nay nghe Bát-nhã tưởng như Phật
Mau chứng tịch tĩnh đạo Bồ-đề
Quá khứ vô số kiếp tin Phật,
Không tin Bát-nhã ba-la-mật
Mà lại không tin Bát-nhã ba-la-mật
Hoặc sinh tâm sân hận, phỉ báng
Là người ngu si đọa A-tỳ.
Người nào muốn chứng các trí Phật
Mà không tôn trọng pháp Bát-nhã
Như người buôn vào biển cầu báu
Mất hướng đi đành phải trở về.

Phẩm 8: THANH TỊNH

(Phẩm này bao gồm Phẩm 9- KHEN NGỢI)

Kệ Viễn hành địa nhiếp Phương tiện ba-la-mật:

Sắc thanh tịnh nên quả thanh tịnh
Sắc quả đều đồng Nhất thiết trí
Nếu khi Nhất thiết trí thanh tịnh
Như cõi hư không, không hư hoại.
Bồ-tát vượt ra khỏi ba cõi
Đoạn hết phiền não mà hiện sinh
Không già, bệnh, chết, hiện diệt độ
Đó tức là hành hạnh Bát-nhã.
Thế gian chìm đắm trong sắc dục
Người ngu như trong cơn gió lốc
Như nai chạy quanh ở trong chuồng
Người trí như chim bay trên không.
Không chấp trước sắc, không thọ, tưởng
Cũng không hành, thức là thanh tịnh
Lìa được phiền não nhơ như vậy
Giải thoát là hành đại Trí Phật.
Bồ-tát hành đại Trí như vậy
Được lìa các tướng, thoát luân hồi
Như mặt trời thoát khỏi nhật thực
Ánh sáng chiếu xa khắp thế gian,
Lửa đốt cây cỏ và rừng núi
Như tất cả pháp tánh thanh tịnh
Quán như vậy cũng không phải quán
Đó là hành Bát-nhã tối thượng.

Phẩm 10: XƯNG TÁN CÔNG ĐỨC

Kệ Bất động địa nhiếp Nguyện ba-la-mật và Thiện tuệ địa nhiếp Lực ba-la-mật:

Đế Thích thiên chủ bạch Phật rằng:

Tại sao Bồ-tát hành trí tuệ?
Phật đáp uẩn giới số vi trần
Bồ-tát không có uẩn giới này.
Bồ-tát hành lâu nên biết được
Tạo thắng duyên với vô số Phật
Người mới học nghe liền nghi ngờ
Hoặc không mong cầu mà không học,
Như người đi sâu vào đường hiểm
Bỗng thấy mục đồng ở cuối đường
Tâm an ổn không lo sợ giặc
Biết gần đến thành không còn xa.
Nếu nghe Bát-nhã tối thượng rồi
Lại mong cầu được quả Bồ-đề
Như được an ổn không sợ hãi
Tâm vượt La-hán, Duyên giác địa.
Ví như người đến xem biển lớn
Trước thấy núi rừng và cây lớn
Thấy cảnh tốt đẹp đáng mến này
Biết gần đến biển chẳng còn xa,
Nếu Bồ-tát phát tâm vô thượng
Nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa này
Tuy rằng chưa được Phật thọ ký
Nhưng quả Bồ-đề cũng không xa.
Như mùa xuân cây cỏ sinh trưởng
Biết không lâu sẽ có hoa quả
Nếu người thọ trì được Bát-nhã
Không bao lâu sẽ chứng Bồ-đề,
Cũng như người nữ đã mang thai
Đủ mười tháng ắt đến ngày sinh
Nếu Bồ-tát nghe Bảo Đức Tạng
Là điềm lành báo mau thanh Phật.
Người hành Bát-nhã ba-la-mật
Thấy sắc không tăng cũng không giảm
Thấy pháp, phi pháp như pháp giới
Không cầu tịch tĩnh tức Bát-nhã.
Người thực hành không nghĩ Phật pháp
Không nghĩ đủ lực và tịch tĩnh
Hành vô tướng: lìa nghĩ, không nghĩ
Là hành hạnh Bát-nhã tối thượng.

Phẩm 11: MA

Kệ Pháp vân địa nhiếp Trí tuệ – bờ bên kia:

Phật bảo Thiện Hiện hãy lắng nghe!
Phàm phu, Thanh văn và Duyên giác
Đó gọi là địa vị Như Lai.
Nếu tất cả như nhau không ngại
Có khen ngợi nhưng lìa lời nói
Dựa vào mà quán chiếu Như Lai
Cho đến đạt thành Sở tác trí,
Trụ giữ Phật địa đại kim cang
Quán sát vô tướng trụ hư không
Nên biết không lìa giống của Phật.
Thiện Hiện lại bạch Đức Thế Tôn:
Thế nào là ma sự Bồ-tát?
Phật bảo việc ma ấy rất nhiều,
Nay ta lượt nói cho ông rõ.
Ma có vô lượng sự biến hóa
Nên khi chép Bát-nhã tối thượng
Mau lìa cung trời như điện chớp
Đến với thế gian làm việc ma,
Hoặc thị hiện thích nói điều muốn
Hoặc không nghe nhận, lại sân hận
Không nói tên họ và dòng dõi
Việc ma như vậy cần nên biết.
Ngu si không trí, không phương tiện
Không rễ làm sao có lá cành
Nghe Bát-nhã rồi cầu kinh khác
Như bỏ cả voi chỉ lấy chân;
Như người đã được trăm món ăn
Mà lại cho cơm là ngon nhất
Bồ-tát đã được Bát-nhã rồi
Lại bỏ mong cầu quả La-hán;
Hoặc là ưa cầu được lợi dưỡng
Chấp trước dòng họ, lưu dấu vết
Xả bỏ chánh pháp, làm phi pháp
Đó là ma dẫn vào tà đạo.
Người nào nghe pháp tối thượng này
Đối với Pháp sư nên tin trọng. Biết ma,
Pháp sư không chấp trước
Dầu thân có vui hay không vui.
Lại có vô số các thứ ma
Nhiễu loạn vô số chúng Bí-sô
Mong cầu trì tụng Bát-nhã này
Không thể được, bảo vật vô giá,
Trí tuệ Phật mẫu thật khó được
Bồ-tát sơ tâm muốn mong cầu
Mười phương chư Phật đều hộ vệ
Tất cả các ma không thể hại.

Pages: 1 2 3