SỐ 229
KINH PHẬT THUYẾT PHẬT MẪU BẢO ĐỨC TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Pháp Hiền
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Phẩm 23: PHÁP VƯƠNG

Mặt trời chiếu sáng khắp thế gian
Xua tan mây, che, diệt bóng tối
Ánh sáng đom đóm và các sao
Cho đến trăng tròn đều bị khuất.
Bồ-tát trụ không, vô tướng, nguyện
Thực hành hạnh đại Trí tối thượng
Vượt qua La-hán và Duyên giác
Phá trừ tất cả các tà kiến
Như vương tử bố thí vật báu
Tự tại làm lợi ích chúng sinh
Chúng sinh vui vẻ đều thuận theo
Không lo có người nối ngôi vua.
Bồ-tát siêng năng hành đại Trí
Thí pháp cam lồ lợi quần sinh
Tất cả trời người đều yêu thích
Nhất định sẽ chứng ngôi Pháp vương.

Phẩm 24: NGÃ

Ma sợ Bồ-tát đắc Pháp vương
Tuy ở Thiên cung cũng thường sợ
Phóng lửa, sấm sét, hiện các tướng,
Muốn làm cho Bồ-tát thoái tâm
Bồ-tát đại Trí, tâm không động,
Ngày đêm thường quán nghĩa
Bát-nhã Như chim trên không, tâm thư thái,
Tất cả việc ma đều không sợ.
Nếu Bồ-tát khởi tâm sân giận
Ngày đêm chia rẽ hoặc đấu tranh
Thì ma hoan hỷ và phấn chấn
Bởi Bồ-tát này lìa Phật trí
Bồ-tát sân hận hoặc tranh cãi
Quỷ Tỳ-xá-tả sẽ tìm cách
Nhập trong thân tâm Bồ-tát ấy
Ma làm Bồ-tát thoái, Bồ-đề.
Bồ-tát đã hoặc chưa thọ ký
Hoặc khởi sân hận hoặc tranh cãi
Cho đến tâm niệm đều sai quấy
Biết rồi lại càng siêng tu hành
Bồ-tát nghĩ nhớ đến chư Phật
Đều từ nhẫn nhục chứng Bồ-đề
Pháp sám hối giữ gìn chánh hạnh
Là pháp Phật dạy để tu hành.

Phẩm 25: GIỚI

Nếu học giới pháp có chấp tướng
Với giới pháp mà không khéo học
Giới và phi giới, không hai tướng
Như vậy mới là học Phật pháp.
Nếu có Bồ-tát trụ vô tướng
Thọ trì không lìa gọi trì giới
Vui vẻ phụng hành học Phật pháp
Gọi là khéo học, không chấp trước
Bậc Đại trí tu học như vậy
Tâm vĩnh viễn không sinh pháp ác
Như mặt trời qua lại hư không
Phóng ngàn ánh sáng phá tăm tối.
Nếu học Bát-nhã, trụ vô vi
Bao gồm tất cả Ba-la-mật
Thân kiến nhiếp sáu mươi hai kiến
Bát-nhã thọ giữ cũng như vậy.
Ví như có người đủ các căn
Mạng sống diệt nên các căn diệt
Các Bồ-tát thực hành đại Trí
Cũng hành tất cả Ba-la-mật
Các công đức Thanh văn, Duyên giác
Bồ-tát đại Trí đều nên học
Tuy học, nhưng chẳng trụ chẳng cầu
Là nghĩa phải học của sự học.

Phẩm 26: HUYỄN HÓA

Ai phát chí nguyện mà vui theo
Bồ-đề tối thượng không thoái chuyển.
Ba ngàn Tu-di nặng không lường
Tùy hỷ pháp lành còn nặng hơn.
Chúng sinh vì cầu pháp giải thoát
Tất cả tùy hỷ tạo chứa phước
Pháp công đức Phật là hồi hướng
Cho khắp thế gian dứt hết khổ
Bồ-tát không chấp các pháp không
Hiểu rõ vô tướng, vô quái ngại
Nội tâm chẳng cầu trí giác ngộ
Là hành Ba-la-mật tối thượng
Như cõi hư không, không chướng ngại
Không được gì cũng không có gì
Bồ-tát đại Trí cũng như vậy
Trụ hạnh tịch tĩnh như hư không
Như nhà ảo thuật tạo hóa nhân
Mọi người thấy trò huyễn đều vui
Người huyễn tuy biểu diễn các tướng
Tên họ thân tâm đều không thật
Hành Bát-nhã hạnh cũng như vậy
Vì thế gian, nói chứng Bồ-đề
Cho đến các sự việc tạo tác
Như huyễn sư, hiện mà không chấp
Chư Phật hóa hiện các Phật sự
Tạo tác đều không có ngã tướng
Bồ-tát đại Trí hành như vậy
Tất cả hiện hành như huyễn hóa
Như người thợ mộc khéo tay nghề
Một cây gỗ tạo nhiều hình tướng,
Bồ-tát đại Trí cũng như vậy
Trí không chấp, hành tất cả hạnh.

Phẩm 27: DIỆU NGHĨA

Bồ-tát đại Trí hành như vậy
Trời, người chắp tay, cung kính lễ
Cho đến cõi Phật trong mười phương
Được vô số công đức cúng dường.
Giả sử hằng hà sa cõi Phật
Có các chúng sinh đều làm ma
Mỗi sợi lông biến vô biên tướng
Không thể quấy nhiễu được Bồ-tát
Bồ-tát đại Trí có bốn lực
Bốn ma không thể làm lay động
Thực hành không, không bỏ chúng sinh
Bồ-tát từ bi lợi lạc khắp
Phật mẫu Bát-nhã ba-la-mật
Bồ-tát hiểu rõ càng tin trọng
Trong tâm chân thật mà phụng hành
Nên biết là hành Nhất thiết trí.
Pháp giới như thật, chẳng thể đắc
Giống như hư không, không xứ sở
Như chúng sinh nghĩ đến Thiên cung
Như loài chim nghĩ đến cây trái
Bồ-tát đại Trí hành như vậy
An trụ vào công đức tịch tĩnh
Pháp không thể thấy cũng không nói
Bồ-đề chẳng đắc chẳng không đắc
Có các Thanh văn và Duyên giác
Chuyên tu hành chánh định tịch tĩnh
Ưa vui tịch tĩnh, được giải thoát
Chỉ có Phật vượt qua tất cả
Bồ-tát nương thiền đến bờ kia
Không trụ tịch tĩnh, hành như không
Như chim bay, cánh không chạm đất
Như cá bơi tự do trong nước,
Nếu Bồ-tát vì các chúng sinh
Nên cầu Phật trí chưa từng có
Bố thí pháp: tối thượng đệ nhất
Đó là người hành hạnh tối thượng.

Phẩm 28: TÁN HOA

Như Lai nói Giới ba-la-mật
Là đệ nhất trong tất cả giới
Người trí muốn giữ tất cả giới
Nên học Phật Giới ba-la-mật.
Pháp tạng này là mẹ chư Phật
Đó là pháp an vui thứ nhất
Mười phương chư Phật trong ba đời
Không ngừng sinh vào pháp giới này.
Tất cả cây cối và hoa quả
Đều từ nơi đất mà sinh trưởng
Đất không chán ghét, không ôm giữ
Không giảm, không tăng, không mỏi mệt.
Phật và các Thanh văn, Duyên giác
Pháp an ổn cho trời và người
Đều từ Bát-nhã mà sinh ra
Bát-nhã không tăng, cũng không giảm
Các loài chúng sinh trong thế gian
Tất cả đều từ vô minh sinh
Nhân duyên hòa hợp, có thân khổ
Vô minh không tăng, cũng không giảm
Cho đến các pháp môn phương tiện
Đều từ Bát-nhã mà sinh ra.
Pháp phương tiện tùy duyên mà chuyển,
Bát-nhã không tăng, cũng không giảm.
Bồ-tát hiểu rõ mười hai duyên
Cho đến Bát-nhã không tăng giảm
Như mặt trời trong mây chiếu sáng
Phá tan vô minh chứng Bồ-đề.

Phẩm 29: TỤ TẬP

Đại Bồ-tát tu bốn Thiền định
Vào nơi dục lạc mà không trụ
Lại không trụ vào bốn Thiền định
Sẽ được quả Bồ-đề tối thượng.
Đắc Bát-nhã, an trụ thiền định
Vào chánh định của bốn Vô sắc
Chứng đắc đại thiền định tối thượng
Mà lại không học các lậu tận.
Tạng công đức này chưa từng có
Thực hành chánh định, không chấp tướng
An trụ không, phá trừ ngã kiến
Tâm tưởng muốn sinh vào Dục giới.
Ví như người cõi Diêm-phù-đề
Chưa sinh chư Thiên, sinh Bắc châu
Thấy cảnh giới ấy muốn sinh đến
Đã được sinh rồi lại trở về,
Bồ-tát tu tập các công đức
Tương ưng với thực hành chánh định
Tuy cùng phàm phu trụ Dục giới
Phải như hoa sen không dính nước.
Bồ-tát độ thoát các chúng sinh
Viên mãn Tịnh độ ba-la-mật
Không cầu sinh vào cõi Vô sắc
Mà cầu Bồ-đề ba-la-mật.
Ví như trời người được kho báu
Tuy được nhưng tâm không ưa thích
Hoặc là trời người có sinh tâm
Muốn thu lại bái: không thể được.
Bồ-tát đại Trí không thích trụ
Bốn thiền, tịch tĩnh, Tam-ma-địa
Ra khỏi chánh định, tịch tĩnh ấy
Vì thế gian mà vào cõi Dục.
Nếu Bồ-tát thực hành chánh định
Không thích La-hán và Duyên giác
Cho đến tâm tán loạn, hung ác
Không biết mê loạn, không công đức
Năm dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc
Và các hàng Duyên giác, Thanh văn
Pháp như vậy đều nên lìa bỏ
Thiền định không rời tâm Bồ-đề
Bồ-tát một lòng vì chúng sinh
Tu hành Tinh tấn ba-la-mật
Cũng như người làm việc cho chủ
Làm lợi ích chúng sinh cũng vậy
Dốc hết lòng chuyên tâm làm việc
Tuy bị trách cứ mà không giận
Lúc nghĩ, lúc làm thường để tâm
Chỉ sợ chủ của mình quở trách.
Bồ-tát vì cầu quả Bồ-đề
Làm lợi chúng sinh, như người ở
Đã chứng đắc Vô thượng Bồ-đề
Lợi sinh như lửa đốt cỏ cây,
Ngày đêm siêng hành hạnh lợi tha
Làm rồi, trong tâm không ngã tướng
Như mẹ thương con thường bảo hộ
Nóng lạnh, tuy khổ tâm không mệt.

Phẩm 30: THƯỜNG HOAN HỶ

Bồ-tát ưa lợi lạc chúng sinh
Sửa sang cõi Phật, làm thanh tịnh
Thường hành Tinh tấn ba-la-mật
Không như tâm nhỏ nhặt mỏi mệt,
Bồ-tát đại Trí, vô số kiếp
Vì Bồ-đề, tu hành khổ hạnh
Không lìa Tinh tấn ba-la-mật
Tâm không giải đãi, chắc chứng được
Lúc mới phát tâm vì Bồ-đề
Cho đến khi chứng đắc tịch tĩnh
Ngày đêm thường thực hành tinh tấn
Bồ-tát đại trí nê như vậy
Có người nói phá núi Tu-di
Mới chứng quả Vô thượng Chánh giác
Nghe vậy, tâm giải đãi, thoái lui
Đó là lỗi của Bồ-tát ấy.
Bồ-tát đại trí nghe lời đó
Cho núi Tu-di là rất nhỏ
Trong một niệm có thể phá hoại
Cũng không trụ, chứng quả Bồ-đề,
Thân, tâm, lời nói, hành tinh tấn
Độ thoát thế gian làm lợi lớn
Hoặc chấp tướng, ngã, sinh giải đãi
Mà không thể chứng quả Bồ-đề.
Không tướng thân tâm, không chúng sinh
Lìa các tướng, trụ pháp không hai
Vì cầu quả Vô thượng Bồ-đề
Thực hành Tinh tấn ba-la-mật.
Bồ-tát đại Trí làm lợi lạc
Làm cho người nghe được hoan hỷ
Thuyết pháp, không thuyết, không người nghe,
Là Nhẫn ba-la-mật tối thượng
Như châu báu đầy ba ngàn cõi,
Cúng dường Phật, Duyên giác, La-hán
Không bằng biết công đức pháp nhẫn,
Trăm ngàn vạn phần không bằng một
Bồ-tát hành nhẫn được thanh tịnh
Ba mươi hai tướng, đến bờ kia
Tất cả chúng sinh đều ưa thích
Nghe pháp tin nhận mà điều phục
Hoặc có chúng sinh dùng Chiên-đàn,
Xoa thân Bồ-tát để cúng dường
Hoặc bị lửa thiêu đốt thân mình,
Tâm vẫn bình đẳng không sân giận
Bồ-tát đại Trí trì nhẫn này
Hoặc vì Duyên giác và Thanh văn
Cho đến chúng sinh trong thế gian
Đều hồi hướng quả Phật Bồ-đề
Ví như tham năm dục thế gian
Cam chịu khổ đau trong ba đường
Bồ-tát vì cầu quả Bồ-đề
Tại sao không siêng hành nhẫn nhục,
Bị cắt đứt đầu, chân, mũi, tai
Chịu các khổ tra khảo trói buộc
Khổ não như vậy đều nhẫn được
Đó là trụ Nhẫn ba-la-mật.

Phẩm 31: XUẤT PHÁP

Trì giới sẽ được danh tiếng tốt
Lại cũng chứng được Tam-ma-địa
Trì giới, làm lợi cho chúng sinh
Sau sẽ chứng đắc quả Bồ-đề.
Tâm trọng Duyên giác và Thanh văn
Thấy người phá giới, nói lỗi họ
Tuy thật trì giới cầu Bồ-đề
Nhưng là trì giới theo năm dục.
Muốn chứng pháp công đức Bồ-đề
Trì giới đầy đủ, làm lợi lạc
Còn như phá hủy các giới luật
Tức là hoại diệt quả Bồ-đề
Bồ-tát tuy thích thọ năm dục
Quy y Phật, Pháp và Thánh chúng Nghĩ:
Ta sẽ chứng Nhất thiết trí
Đó là trụ Giới ba-la-mật.
Bồ-tát trải qua vô số kiếp
Không ngừng vâng giữ mười điều thiện
Tâm ưa Duyên giác và La-hán
Làm phạm trọng tội Ba-la-di,
Trì giới hồi hướng quả Bồ-đề
Mà không mong cầu lợi cho mình
Chỉ nghĩ lợi ích cho chúng sinh
Đó là Trì giới ba-la-mật.
Nếu Bồ-tát thực hành Phật đạo
Đối chúng sinh khuyên lìa các tướng
Không còn thấy các lỗi phá giới
Đó là khéo trì giới tối thượng.
Bồ-tát cần phải lìa các tướng
Không ngã, không nhân và thọ mạng
Không chấp giới tướng và hành tướng
Đó là sự trì giới thù thắng.
Như vậy là trì giới đầy đủ
Tất cả không ngại, không phân biệt
Cho đầu, mắt, tay, chân không tiếc
Những điều ưa thích, đều không đắm
Hiểu rõ pháp vốn không, vô ngã
Nên không còn tham luyến thân này
Huống chi tài vật sao không bỏ
Và chẳng của mình cũng ghét ghen.
Thí cả trong ngoài, sinh ngã mạn
Là bệnh Bồ-tát, chẳng phải cho
Nếu khởi ganh ghét, sinh loài quỷ
Hoặc sinh làm người thì nghèo khổ
Biết nguyên nhân nghèo của chúng sinh
Bồ-tát thường phát tâm bố thí
Cho nhiều như cây cỏ bốn châu
Rộng lớn như vậy cũng vô tướng
Bồ-tát đại Trí bố thí rồi
Nghĩ đến chúng sinh trong ba cõi.
Bồ-tát cũng vì các chúng sinh
Thảy đều hồi hướng quả Bồ-đề
Bố thí như vậy, không chấp trước
Cũng không mong cầu được phước báo
Các bậc Đại trí vì tất cả
Nhân cho tuy ít, quả không lường
Cho đến chúng sinh trong ba cõi
Tất cả đều tôn trọng của cho
Như công đức cúng dường chư Phật
Cùng Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn
Bồ-tát đại Trí dùng phương tiện
Đem phước đức bố thí, hồi hướng
Cho tất cả các loài chúng sinh
Đều chứng quả Vô thượng Chánh giác.
Như rất nhiều ngọc lưu ly giả
Không bằng viên ngọc lưu ly thật
Hồi hướng chúng sinh trong thế gian
Không bằng hồi hướng Vô thượng giác.
Bồ-tát bố thí cho thế gian
Không ngã mạn và không tham ái
Tu hành lại được tăng trưởng nhanh
Như mặt trăng ra khỏi đám mây.

Phẩm 32: THIỆN HỘ

Bồ-tát bố thí, giúp người nghèo
Làm cho thoát khổ, được giàu có
Vĩnh viễn không đọa vào ngạ quỷ
Và dứt trừ được các phiền não
Trì giới, xa lìa đường súc sinh
Bỏ tám tà niệm, được chánh niệm
Nhẫn nhục sẽ được sắp đẹp nhất
Như vàng thế gian đều ưa thích
Pháp lành tinh tấn được vô biên
Có nhiều công đức không cùng tận.
Tu hành thiền định lìa năm dục
Do đó chứng đắc các thần thông
Được hiểu vô biên Phật pháp tạng
Rõ nguyên ngân các pháp xưa nay.
Phật biết các lỗi trong ba cõi
Nên Chuyển pháp luân để diệt khổ
Pháp này, Bồ-tát được viên mãn
Cõi Phật thanh tịnh, chúng sinh tịnh
Thọ trì hạt giống Phật và Pháp
Hạt giống Thánh chúng và các pháp
Vị thầy thuốc tối thượng thế gian
Dùng phương thuốc tuệ nói Bồ-đề
Tạng bảo đức có các thứ dược
Làm cho chúng sinh đều chứng đạo.

Pages: 1 2 3