PHẬT NÓI KINH NHÂN TIÊN
Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Pháp Hiền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật cùng đông đủ đại chúng ở trong tinh xá Côn-tả-ca, tại thành Na-đề-ca.

Bấy giờ Tôn giả A-nan ở riêng mộtmình, suy nghĩ như thế này: “Đức Thế Tôn trước đây đã có nói về các nước, các thành như nước Áng-nga, nước Ma-già-đà, nước Cathi, nước Kiều-tát-la, nước Mật nhĩ-sa, nước Đại lực sĩ, nước Bônnoa, nước Tô-ma, nước A-thuyết-ca, nước Phược-đế, nước Câu-lỗ, nước Bán-tả, nước Phược-tha, nước Thú-la-tây-na, nước Dạ-phượcna, nước Cam-mô-nhạ… Các nước này có những bậc Thanh văn đã vào Niết-bàn, Đức Phật đều đã nói về chỗ sanh và quả báo của những vị ấy. Chỉ có nước Ma-già-đà là có các vị thuộc hàng thượng thủ Ưu-bà-tắc đã mạng chung. Những vị ở nước này chưa ai được Đức Thế Tôn nói về chỗ thác sanh của họ”.

Tôn giả A-nan nghĩ như vậy rồi liền ra khỏi tinh xá, đi đến chỗ Phật ngự. Đến nơi, Tôn giả trịch áo bày vai bên phải, gối quỳ sát đất, cúi đầu lễ bên chân Đức Thế Tôn xong, đứng trước Phật bạch:

–Các phương, các nước (như trước đã nói), con theo hầu Đức Phật được nghe đều đã rõ biết, cho đến theo Phật nghe pháp, cũng được biết rõ. Như chỗ thác sanh của các vị Ưu-bà-tắc trong thành Na-đề-ca, Phật cũng đã nói. Trong thành Na-đề-ca kia, lại có năm trăm vị Ưu-bà-tắc cũng đã mạng chung. Các Ưu-bà-tắc ấy khéo đoạn ba chướng, chứng quả Tu-đà-hoàn, ngược dòng sanh tử, bảy lần trở lại nhân gian, bảy lần sanh lên cõi trời, rõ giới hạn của khổ, quyết chứng Bồ-đề.

Lại nữa, trong thành Na-đề-ca còn có ba trăm vị Ưu-bà-tắc cũng lần lượt mạng chung. Các vị ấy cũng đoạn được ba chướng cùng tham, sân, si. Một lần trở lại nhân gian, rõ được giới hạn của khổ, chứng quả Tư-đà-hàm.

Lại nữa, trong thành Na-đề-ca, còn có hai trăm năm mươi vị Ưu-bà-tắc lần lượt mạng chung. Các Ưu-bà-tắc ấy đoạn năm thứ phiền não và tùy phiền não, chứng quả A-na-hàm, không trở lại nhân gian, không còn luân chuyển. Các việc như vậy con cũng đã rõ biết. Riêng nước Ma-già-đà có các vị Ưu-bà-tắc thượng thủ, sau khi mạng chung, những vị ở nước này chưa có ai được Đức Thế Tôn nói về chỗ thác sanh của họ. Cúi mong Đức Thế Tôn vì con mà giảng nói các vị Ưu-bà-tắc ở nước Ma già-đà được thác sanh ở đâu? Hạnh nghiệp tu tập được quả báo gì?

Bạch Đức Thế Tôn, lại ở nước Ma-già-đà có vua Tần-bà-sa-la một lòng quy hướng Đức Phật, hiểu biết Chánh pháp, tôn trọng Tăng già, trọn đời luôn nhớ nghĩ không quên. Sau khi mạng chung, nhân dân trong nước đều khen ngợi công đức của vua. Họ nói: “Đây chính là bậc Pháp vương, nguyện cho Pháp vương sanh ở cõi lành, được an vui thù thắng”.

Bạch Đức Thế Tôn, vì sao Ngài chưa nói đến chỗ thác sanh, ý nguyện, quả vị của vua? Cúi mong Đức Thế Tôn giảng nói từng sự việc.

Tôn giả lại thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, nước Ma-già-đà kia là nơi Đức Phật thành Chánh giác, tối cao thù thắng không thể so sánh, nơi thắng địa này vị vua ấy là chủ, cúi mong Đức Thế Tôn vì vua nói chỗ thác sanh.

Lúc ấy Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của Tôn giả A-nan bằng cách im lặng. Tôn giả A-nan thấy Phật im lặng, biết là đã nhận lời thỉnh, liền cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn rồi trở về chỗ cũ.

Bấy giờ, đêm đã gần mãn, trời sáng, sắp đến giờ thọ thực, Đức Thế Tôn đắp y mang bình bát vào thành Na-đề-ca lần lượt khất thực. Được thức ăn, Ngài trở về trú xứ, xếp y, rửa chân, trải tòa ngồi để thọ thực. Thọ thực xong, Ngài đi kinh hành, rồi trở lại chỗ ngồi suy nghĩ về câu hỏi của Tôn giả A-nan: “Quốc vương nước Ma-già-đà và các vị Ưu-bà-tắc đã mạng chung ở đây sẽ sanh về chỗ nào? Do hạnh nguyện gì, được quả báo thế nào?”

Khi suy niệm như vậy, do thần lực của Phật, ở trong không trung có tiếng xưng tên:

–Bạch Thế Tôn, con là Nhân Tiên. Bạch Đức Thiện Thệ, con là Nhân Tiên.

Khi ấy Đức Thế Tôn nghe tiếng ở không trung, liền từ tòa ngồi đứng dậy, đi đến chỗ các vị Thanh văn. Các chúng Thanh văn vây quanh Phật và an tọa. Tôn giả A-nan đi tới chỗ Phật, trịch áo bày vai bên phải, lễ dưới chân Đức Phật, đứng ở phía trước, bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà ngài hoan hỷ hơn bình thường?

Đức Thế Tôn bảo A-nan:

–Như ông đã thưa thỉnh: “Vua Tần-bà-sa-la và các vị Ưu-bà-tắc sau khi mạng chung ở đây sẽ sanh về chỗ nào? Do hạnh nguyện gì, được quả báo ra sao?” Ta muốn đem ý nghĩa này chỉ bày cho thế gian, nhưng thời gian nói chưa đến. Ta luôn nhớ nghĩ mà an trú qua đêm, đến giờ ăn vào thành khất thực, trở về chỗ cũ, thọ thực xong, đi kinh hành, lui về tòa ngồi. Vì đã đến thời có thể giảng nói nên Ta đã nhớ nghĩ, quán sát vấn đề ông hỏi. Quốc vương nước Ma-già-đà kia và các vị Ưu-bà-tắc chết ở đây, sanh ở kia và hạnh nguyện thọ quả báo của họ theo thứ tự như thế. Do thần lực của Ta, ở trong hư không có tiếng xưng tên: “Bạch Thế Tôn, con là Nhân Tiên. Bạch Đức Thiện Thệ, con là Nhân Tiên”.

Phật lại bảo:

–Này A-nan, ông xưa nay có nghe tên như vậy không?

A-nan bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, con chưa nghe tên như vậy. Khi con nghe tên này lông toàn thân như dựng ngược.

Tôn giả A-nan nói như vậy, lại nghe trong không trung có tiếng:

–Bạch Thế Tôn, con là vua Tần-bà-sa-la. Bạch Đức Thiện Thệ, con là vua Tần-bà-sa-la. Con nay hướng về Đức Phật hai, ba lần tự xưng tên tuổi, dòng họ. Bạch Đức Thế Tôn, Nhân Tiên ngày xưa sau khi mạng chung, sanh vào cõi người, được làm vua loài  người, chứng quả Tu-đà-hoàn, nay là đời thứ bảy con được sanh vào Thiên cung Tỳ-sa-môn, cũng gọi là Nhân Tiên. Bạch Đức Thế Tôn,hiện naycon là con của Tỳ-sa-môn thiên vương, khéo rõ biết lời dạy vi diệu an lạc, tịch tĩnh của Phật. Sau này con sẽ chứng quả Tư-đà-hàm.

Phật liền khen ngợi:

–Lành thay! Hay thay! Ông là Nhân Tiên. Rất tốt! Ông nên như vậy mà tu hành không buông lung. Này Nhân Tiên, do nhân duyên gì mà ông được quả Tu-đà-hoàn?

Nhân Tiên đáp:

–Con không tạo nhân gì, cũng không có duyên gì đặc biệt, chỉ biết Phật pháp vi diệu tối thắng, tin tưởng sâu sắc, thực hành theo nên liền chứng được sơ quả. Bạch Thế Tôn, theo lệnh của Thiên vương Trì Quốc, con đi đến chỗ Thiên vương Tăng Trưởng, do đó mà biết được Đức Thế Tôn ở tại tinh xá Côn-tả-ca, riêng ngồi một mình, suy niệm về Quốc vương nước Ma-già-đà và các Ưu-bà-tắc, từ đây mạng chung sanh về chỗ nào? Do hạnh nguyện gì? Được quả báo gì?

Đức Phật muốn giảng nói các sự kiện như vậy. Bạch Đức Thế Tôn, con từ chỗ phụ vương Tỳ-sa-môn đích thân nghe được việc ấy, nhớ giữ không quên. Vì vậy con nay chính do nhân duyên ấy nên đi đến chỗ Phật để nói sự việc đó.

Phật dạy:

–Này Nhân Tiên, nay đã đúng thời, ông nên rộng nói.

Khi ấy Nhân Tiên vâng lời của Thế Tôn dạy, liền thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, một thời con nghe phụ vương Tỳ-sa-môn nói với chúng trời: “Các vị Thánh giả nên một lòng lắng nghe. Tôi ngày xưa ở cõi trời Ba mươi ba, đang thuyết pháp trong một hội chúng đặc biệt, chư Thiên đều vân tập đầy đủ và trời Hộ thế cũng có trong hội ấy, đều ngồi theo phương hướng của mình. Thiên vương Trì Quốc ngồi ở hướng Đông, quay mặt về hướng Tây. Thiên vương Tăng Trưởng ngồi ở hướng Nam, quay mặt về hướng Bắc. Thiên vương Quảng Mục ngồi ở hướng Tây, quay mặt về hướng Đông. Ta ngồi ở hướng Bắc, quay mặt về hướng Nam. Đại chúng nghe pháp ngồi trước mặt trời Hộ thế. Khi ấy chư Thiên và trời Hộ thế… đều muốn nghe pháp, đi đến hội chúng đó. Sau khi nghe pháp, trở về cung điện của mình, bỗng có ánh sáng lớn soi khắp cả hội chúng đến nỗi che khuất ánh sáng của chư Thiên. Bấy giờ trời Đế-thích bảo chư Thiên:

–Các vị nên biết, ánh sáng lớn này soi khắp hội chúng, khiến cho ánh sáng và sắc tướng của ta và của cả chư Thiên bị che không thể hiển hiện. Vì vậy chẳng bao lâu Đại Phạm thiên vương sẽ đến trong hội chúng này. Vì sao vậy? Phàm Đại Phạm thiên vương đi đến chỗ nào, trước hiện tướng lành. Chư Thiên các vị chớ rời khỏi chỗ ngồi, để biết vì sao hiển hiện ánh sáng này.

Chư Thiên và trời Hộ thế thưa Đế-thích:

–Chúng tôi thừa lệnh không đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cho đến khi biết được lý do xuất hiện ánh sáng.

Khi ấy Đại Phạm thiên vương dùng thân hình đồng tử bỗng nhiên xuất hiện trong chúng hội ấy, đầu có năm búi tóc, sắc tướng đầy đủ, liền nói kệ bảo chư Thiên:

Ông nương Phật Thế Tôn
Là mắt sáng cõi trần
Khéo nói pháp vi diệu
Được nghe câu tịch tĩnh.
Quý vị chúng chư Thiên
Sắc tướng oai lực lớn
Nhân tu phạm hạnh Phật
Do đấy sanh cõi trời.
Lại có vị tịnh hạnh
Đủ sắc, thọ, danh xưng
Là Phật tử trí lớn
Không lâu sanh cõi này.
Chư Thiên nghe lời ấy
Tâm sanh nhiều hoan hỷ
Nương về Phật Thế Tôn
Tin tưởng pháp vi diệu.
Khi Phạm vương nói kệ
Đủ năm thứ diệu âm
Chấn động rất sâu xa
Người nghe vui chân thật.

Khi Đại Phạm thiên vương nói kệ có đủ năm thứ diệu âm, đó là: âm thanh của bậc Đại phạm, âm thanh như chim Ca-lăng-tần-già, âm thanh như tiếng trống lớn, âm thanh như tiếng sấm vang rền và âm thanh luôn được yêu thích.

Phạm vương ở trong hội chúng, thâu hình đồng tử lại, hiện ra thân lớn. Ý nghĩa ấy là thế nào? Đại Phạm thiên vương tùy tâm ưa thích của đại chúng mà hiện thân kia. Hiện ra thân lớn có hai loại đức tính:

  1. Đầy đủ sắc tướng.
  2. Danh xưng vang khắp.

Thí như vàng ròng có hai đức tính, nghĩa là màu sắc và danh tiếng. Đại Phạm thiên vương ở trong Thiên chúng hiện hai loại than cũng lại như vậy.

Khi Phạm thiên vương đến hội chúng, Thiên chúng trong hội không đứng dậy, cũng không làm lễ. Lúc đó Thiên chúng chắp tay ngồi yên, đều khởi ý nghĩ: “Ôi! Đây là chủ của thế giới Ta-bà!”. Đại Phạm thiên vương ở trước chúng hội dùng thân đã hiện, lại hiện than lớn hơn.

Khi ấy Phạm thiên vương biết tâm niệm của Thiên chúng, ngay trong thân lớn lại hiện lớn gấp bội. Ở trong hội chúng Thiên vương liền bay lên hư không ngồi kiết già, ví như đại lực sĩ ngồi vững trên đất, Đại Phạm thiên vương ngồi cũng như vậy.

Bấy giờ Đại Phạm thiên vương lại bảo Thiên chúng:

–Sở dĩ hiện được thân lớn là do năng lực của Bốn thần túc. Chỉ có Đức Thế Tôn mới biết, mới thấy, có thể nói, có thể tu, lại cũng có thể hiển hiện. Vì vậy cho nên các vị cũng nên thành tâm tu thần túc này, cho đến hiện được thần thông, được lợi ích lớn. Bốn thần túc ấy là: Dục, Cần, Tâm, Tuệ.

Thiên chúng lại suy nghĩ: “Ôi! Đại Phạm thiên vương, mong biến hóa chư Thiên chúng tôi tất cả đều như thân Phạm vương, trong chỗ ngồi của mỗi Phạm thiên đều có một thiên vương ngồi”.

Bấy giờ Đại Phạm thiên vương biết tâm niệm của Thiên chúng, liền dùng thần lực thâu nhiếp thân chư Thiên, hóa thành thân Phạm vương, ở trong mỗi chỗ ngồi kia đều có một Thiên vương ngồi. Tâm niệm của Thiên chúng đều thỏa mãn và an lạc. Ví như vua Sát-đế-lợi nhận vua cha lễ quán đảnh để kế thừa vương vị, tâm niệm được thỏa mãn nên rất an vui, các Thiên chúng kia cũng lại như vậy.

Bấy giờ Đại Phạm lại bảo Thiên chúng:

–Chư Thiên và các vị trời Hộ thế nên một lòng lắng nghe! Trong các bậc Thánh chỉ có Phật Như Lai là Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với Bốn thần túc có thể giảng nói rộng khắp, đã tu tập lâu dài, có năng lực biến hiện. Vì vậy các vị cần phải phát lòng thành, siêng năng tu tập, sẽ được biến hiện tự tại, đạt được nhiều lợi ích.

Khi ấy, các Thiên vương ngồi nơi chỗ ngồi của Phạm vương đều sanh niệm nghi ngờ: “Chỉ có một Đại Phạm vương, ngồi trong chỗ của ta. Vì sao khi ngài nói thì chư Thiên đều nói, nếu ngài im lặng thì chư Thiên cũng im lặng.” Lại nữa, thiên chủ Đế-thích cũng khởi ý niệm như vầy: “Ôi, Đại Phạm thiên vương, nguyện thâu nhiếp thân hình vốn có của Thiên chúng chúng tôi, biến thành một thân lớn, ngồi ở trong chỗ của ta”. Lúc đó Đại Phạm thiên vương biết ý niệm của Đế-thích, liền thâu thân hình của Thiên chúng, hiện ra mộtthân lớn, ngồi kiết già ở trong chỗ ngồi của Đế-thích. Đại Phạm thiên vương đã sử dụng sức thần túc, mỗi mỗi biến hiện như thế.

Làm công việc biến hóa rồi, lại bảo chư Thiên và các vị trời Hộ thế:

–Đức Phật Thế Tôn dùng diệu lực của Bốn thần túc này và pháp Thanh văn trước kia đã hóa độ tám vạn vị Ưu-bà-tắc ở nước Ma-già-đà khéo đoạn ba chướng, dứt hết giới hạn của khổ, chứng quả Tu-đà-hoàn, ở trên cõi trời và trong nhân gian bảy lần qua lại.

Có người sanh ở cõi trời Tha hóa tự tại, có người sanh ở cõi trời Hóa lạc, có người sanh cõi trời Ba mươi ba, có người sanh cõi Tứ thiên vương, có người sanh ở vương cung dòng Sát-đế-lợi, có người sanh vào nhà thượng thủ Bà-la-môn, có người sanh trong nhà

trưởng giả giàu có lớn.

Lại nữa, trong các Thiên tử, có vị suy nghĩ: “Ôi! Làm sao có được bốn vị Phật xuất hiện ở đời. Ôi! Làm sao có được tám vị Phật xuất hiện ở đời”. Đại Phạm thiên vương biết tâm niệm của chư Thiên nên bảo:

–Thiên chúng các ông chớ nên nghĩ như vậy. Suy nghĩ muốn có bốn Đức Phật xuất hiện ở đời, cho đến tám Đức Phật xuất hiện ở đời, việc ấy không thể có được. Các Hiền giả nên biết, tôi nghe Phật dạy rằng không có hai Đức Phật cùng lúc xuất hiện ở đời, làm sao có đến bốn Đức Phật, tám Đức Phật cùng xuất hiện ở đời? Chư Hiền chỉ nên nguyện: Thể vô lậu của Đức Phật Thế Tôn, thọ mạng luôn tang trưởng, trú lâu ở đời.

Lúc ấy chư Thiên lại nghĩ: “Làm sao Đại Phạm thiên vương lại biết rõ tất cả tâm niệm của ta?” Tất cả chư Thiên trong lòng đều sanh sợ hãi, buồn lo. Khi ấy Đại Phạm thiên vương bảo đại chúng:

–Các vị Thiên chúng và trời Hộ thế hãy một lòng lắng nghe, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác giảng nói chánh pháp Nhất thừa, khiến các chúng sanh xa lìa ưu bi, khổ não, đều được thanh tịnh, chứng lý chân thật. Lại nữa, ta sẽ bảo cho các vị: có ba loại pháp Như Lai đều biết. Ba loại pháp ấy là gì? Đó là nếu có người thân trước đã tạo nghiệp bất thiện, ý nghĩ bất thiện, sau do gần gũi bạn lành, lắng nghe diệu pháp, buộc niệm tư duy, đoạn dứt điều bất thiện của thân. Thân tạo nghiệp lành, đoạn dứt ý không lành, ý nghĩ đến hạnh lành. Người này từ trong an lạc sanh an lạc, trong vui thích lại sanh vui thích. Ví như có người ở chỗ hoan hỷ sanh tâmhoan hỷ, tự vui lại sanh vui. Người kia vui thích an lạc cũng lại như vậy. Đó là pháp loại thứ nhất.

Lại nữa, có người trước đã thọ năm dục, tạo nghiệp bất thiện, sau gần gũi bạn lành, lắng nghe diệu pháp, buộc niệm tư duy, bỏ được dục lạc, lại cũng không tạo các nghiệp bất thiện. Người ấy trong an lạc sanh an lạc, trong thích ý lại sanh thích ý. Ví như có người từ hoan hỷ lại sanh hoan hỷ, vui lại sanh vui. Người ưa vui Phật pháp cũng lại như vậy. Đó là loại pháp thứ hai.

Lại nữa, có người với pháp bất thiện rõ biết như thật, cũng với pháp thiện rõ biết như thật, cho đến Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng biết rõ như thật. Sau lại gần gũi bạn lành, với pháp bất thiện và các pháp thiện, cho đến Khổ, Tập, Diệt, Đạo đối với các pháp này lại tang hiểu biết tinh vi gấp bội. Người ấy từ trong an lạc sanh an lạc, trong thích ý lại sanh thích ý. Ví như có người trong hoan hỷ lại sanh hoan hỷ, vui lại sanh vui. Người ưa vui giáo pháp cũng lại như vậy. Đó là loại pháp thứ ba.

Đại Phạm thiên vương lại bảo chư Thiên và các vị trời Hộ thế:

–Các Thánh giả nên một lòng lắng nghe. Có bốn loại pháp Đức Phật Thế Tôn thảy đều thấy biết. Bốn loại pháp ấy là gì? Đó là thân, thọ, tâm, pháp. Đức Như Lai dùng trí tuệ quán bốn pháp này, hoặc trong hoặc ngoài rõ biết như thật, trí tuệ hiện hành, tu tập viên mãn, khéo nói chánh pháp Nhất thừa Bồ-đề, khiến chúng sanh đều được thanh tịnh, xa lìa ưu bi khổ não, chứng được lý của pháp vi diệu.

Đại Phạm thiên vương lại nói với chư Thiên và các vị trời Hộ thế:

–Các Thánh giả nên một lòng lắng nghe. Có pháp Tám chánh đạo, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác thảy đều thấy biết. Tám pháp ấy là gì? Đó là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Như vậy là Tám chánh đạo, tức là pháp dùng để đi vào con đường chánh định. Nếu có tu tập như vậy được Chánh tư duy, thực hành phạm hạnh, tu tập viên mãn, đạt được an vui của Phạm thiên. Lại còn Chánh ngữ là tất cả lời nói chân chánh, đầy đủ tất cả các hình thái của nó, nói đúng theo phạm hạnh, phân biệt làm sáng tỏ giáo pháp, được ý chỉ như thật, nói lời Chánh ngữ là mở cửa cam lồ, chỉ pháp Nhất thừa, khiến chúng sanh đều được thanh tịnh, xa lìa khổ não ưu bi, chứng được lý vi diệu của Phật pháp.

Lúc bấy giờ Nhân Tiên bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, các loại pháp quan trọng con nói đều là do Đại Phạm thiên vương ở cung trời Đế-thích đã vì chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, bốn vị trời Hộ thế và chư Thiên chúng… mà giảng nói như thế. Phụ vương của con là Tỳ-sa-môn thiên vương trở về cung điện đã nói, con đều ghi nhớ không quên. Nay nương nhờ oai lực lớn của Đức Như Lai, vì Tôn giả A-nan muốn biết chỗ sanh, chỗ diệt, hạnh nguyện quả báo của vua Tần-bà-sa-la, con nay đối trước Phật như thật nói ra.

Đức Phật khen:

–Lành thay! Hay thay! Ông nay khéo nói như thế.

Bấy giờ Nhân Tiên nói pháp ấy xong, Tôn giả A-nan và các vị trong chúng hội được nghe pháp ấy hoan hỷ tín thọ, lễ Phật lui ra.