PHẬT NÓI KINH DUYÊN KHỞI HAI
BÀ-LA-MÔN BẠCH Y VÀ KIM TRÀNG

Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN I

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn ngự tại giảng đường Lộc mẫu, gần khu vườn rừng hoang thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có hai vị Bà-la-môn tên là Bạch Y và Kim Tràng, đến chỗ Đức Phật cầu xin xuất gia thành bậc Bí-sô. Khi ấy trời đã xế chiều, Đức Thế Tôn rời phòng đi đến giảng đường Lộc mẫu, dạo quanh kinh hành. Lúc đó Bà-la-môn Bạch Y thấy Phật Thế Tôn đi đến giảng đường Lộc mẫu, dạo quanh kinh hành, bèn gọi Bà-la-môn Kim Tràng nói:

–Này Kim Tràng, sự vui thích ở thế gian, các pháp được gọi là vui thích ấy, tất cả đều là hý luận. Tôi tuy có thực hành (các pháp) nhưng rốt cuộc nó không phải là chân thật, hoặc thân hoặc tâm sanh biếng nhác, mệt mỏi. Do thân tâm biếng lười, mệt mỏi nên sanh ra thất niệm. Do sự thất niệm ấy nên đó là pháp vô thường không bền chắc, không rốt ráo, pháp tiêu tán hư hoại. Ông naykhông nên ưa thích tu tập, thực hành pháp ấy, tức là việc lập bày phụng thờ lửa.

Bà-la-môn Kim Tràng nói:

–Ông làm sao biết được?

Bạch Y đáp:

–Tôi được nghe từ Tôn giả Cù-đàm. Đức Cù-đàm có đại biện tài, biết rõ nghĩa ấy. Ngài đã dạy: Cách thức thờ lửa là tập tục được truyền lại từ một vị Tiên xưa, cho đến phương cách của việc thờ lửa, Ngài cũng đều biết. Ngài nói có một loại Tiên nhân, ở trong hang Sa-môn, Bà-la-môn sanh khởi ý lỗi lầm, nên tạo việc phải phụng sự lửa. Những kẻ lỗi lầm ấy ganh ghét nhau nên tìm kiếm chỗ yếu kém của nhau, chính do vậy nên mới có những lỗi lầm, khiến thọ mạng của các chúng hữu tình giảm bớt. Lại nữa, có chúng sanh ở thế giới khác thọ mạng đã hết mà sanh đến đây, tìm cầu thanh tịnh, bỏ nhà xuất gia, tu hành tinh tấn, tương ưng với chân thật, khéo tác ý chân chánh, thân tâm như thế sẽ vào chánh định. Hướng tâm theo định liền có thể ghi nhớ chỗ ở kiếp trước. Những chúng sanh ấy không ưa ganh ghét, dò xét lỗi lầm của nhau, do đấy nên không khởi lên nguyên nhân của lỗi lầm. Đó là chính pháp thường trú, vững chắc, rốt ráo, là pháp không tiêu tán hư hoại.

Nếu có chúng sanh tìm xét lỗi lầm của nhau, do đó mà cùng tạo ra nhân sanh khởi lỗi lầm, thì đó là pháp vô thường, không vững chắc, không rốt ráo, là pháp tán hoại. Vì vậy, các Bà-la-môn không nên tu tập thực hành như vậy, chớ khởi ý lỗi lầm lập bày phép thờ lửa.

Này Kim Tràng, ông có biết không? Đức Thế Tôn vào lúc xế chiều, rời khỏi tịnh thất, đến giảng đường Lộc mẫu, dạo quanh kinh hành. Ông nay có thể cùng ta đồng đi đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt lễ dưới chân Phật. Khi Phật kinh hành, chúng ta theo sau cũng đi kinh hành. Đức Thế Tôn sẽ vì chúng ta tùy nghi nói pháp.

Bà-la-môn Kim Tràng Nói:

–Lành thay! Tôi sẽ đi.

Bấy giờ hai vị Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng cùng nhau bàn luận xong, đồng đi đến chỗ Phật. Khi đến nơi, hai vị đầu mặt lễ dưới chân, theo sau kinh hành. Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Bạch Y và Kim Tràng:

–Các ông nên biết, những Bà-la-môn tự cho là thấu rõ ba minh, thuộc chủng tộc cao thượng, dòng họ thanh tịnh, theo việc thờ lửa trời, từ trong dòng tộc thù thắng mà sanh, cha mẹ đều thanh tịnh; khéo sanh trong dòng tộc hiền thiện, cho đến bảy đời, cha mẹ đều tôn quý thanh cao, dòng tộc thù thắng, không tội lỗi, không bị phỉ báng. Được như thế đều nhờ nơi dòng họ thanh tịnh. Lại tự cho rằng thông suốt năm thứ Ký luận:

  1. Những pháp căn bản mẫu mực, thấu tỏ Ba minh.
  2. Định danh các vật.
  3. Cai-tra-bà-na.
  4. Văn, chữ, chương, câu.
  5. Lời nói khéo léo, êm ả, vui tươi.

Các Ký luận này trong kinh điển Vệ-đà, các bậc thầy Bà-lamôn đều biết rõ. Này Bạch Y, các Bà-la-môn ở trong Ba minh, há chẳng bị khinh hủy, lăng nhục và bị chê bai phỉ báng sao?

Hai Bà-la-môn Bạch Y, Kim Tràng đều bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, các Bà-la-môn ở trong Ba minh, làm sao không bị khinh hủy lăng nhục và không bị các điều chê bai phỉ báng.

Nhưng trong kinh điển Ba minh của Bà-la-môn lại nói như thế này:

“Các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh, là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh ra, là dòng dõi Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương truyền trao. Vì vậy các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh.” Bạch Thế Tôn, chúng con, Bạch Y và Kim Tràng cũng do quyến thuộc trói buộc, không được giải thoát, mất dần pháp lành, tăng trưởng pháp ác. Bạch Thế Tôn, đó cũng chính vì con là Bà-lamôn có Ba minh như trong kinh điển cũng bị các việc khinh hủy, lăng nhục, chê bai, phỉ báng. Phật dạy hai vị Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng:

–Các ông nên biết, những Bà-la-môn ở trong Ba minh, sở dĩ rước lấy sự khinh khi, hủy báng và chê bai là do Bà-la-môn nói như thế này: “Các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh, là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh ra, là dòng dõi Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương truyền trao. Vì vậy các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh!”

Này Bạch Y, các Bà-la-môn ấy tuy nói như vậy, nhưng ngượclại thì phá hoại, làm suy yếu tự thân, còn làm tổn thương mất mát.

Các Bà-la-môn ấy bị phá hoại là do bởi không thành thật, lại khởi  chấp trước, đi ngược với chánh pháp mà còn sanh tâm chê trách, nhàm chán lánh xa. Do đấy liền sanh khởi tranh luận. Vì sao vậy?

Này Bạch Y, nếu có Bà-la-môn cho là khi sanh, thời gian cũng khác, trong thai cũng khác, chấp chặt vào quan điểm: “Do thời gian sanh khác nên mới thanh tịnh, mà các Bà-la-môn cũng đồng sanh chỗ thanh tịnh như vậy”, cho nên nói thế này: “Các Bà-la-môn là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh ra, là dòng dõi Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương truyền trao. Vì vậy các Bà-la-môn chính thật là thanh tịnh, là Bà-la-môn chân chánh!”

Bạch Y, ông nên biết, có bốn chủng loại, tức là bốn chủng tộc.

Thế nào là bốn?

–Là chủng tộc Sát-đế-lợi, chủng tộc Bà-la-môn, chủng tộc Tỳ- xá, và chủng tộc Thủ-đà-la.

Này Bạch Y, như vậy trong bốn chủng tộc ấy, người tạo nghiệp xấu nhận lấy quả báo xấu, chẳng phải là việc làm thù thắng, bị người trí chê trách, chết đọa đường ác. Lại trong bốn chủng tộc, có người tạo nghiệp tốt, thọ nhận quả báo tốt, là việc làm thù thắng, được người trí khen ngợi, chết sanh cõi trời.

Này Bạch Y, thế nào gọi là nghiệp ác? Đó là: sát sanh, trộm cắp, tà nhiễm, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, ác khẩu, tham lam, sân hận và tà kiến. Đấy là nghiệp ác. Thế nào là nghiệp tốt? Ấy là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà nhiễm, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không tham, không sân, chánh kiến. Đấy là nghiệp tốt. Lại nữa Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý niệm, cho rằng với các nghiệp xấu như sát sanh,… chịu lấy quả báo xấu, chẳng phải việc làm thù thắng, bị người trí chê trách, xa lánh, các chủng tộc Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la kia đều có, mà chỉ riêng chủng tộc Bà-la-môn không có việc ấy.

Hai Bà-la-môn Bạch Y và Kim Tràng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vì sao lại nói lời ấy, việc ấy không phải như vậy.

Nếu người tạo nghiệp xấu sẽ nhận lấy quả báo xấu. Các chủng tộc Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la đều có những việc đó, mà riêng Bà-la-môn sao lại tránh khỏi?

Phật dạy:

–Này Bạch Y, ông lại chớ nên sanh khởi ý niệm, cho rằng các nghiệp xấu Bà-la-môn không có, còn ba chủng tộc kia thì có. Lời ấy là hợp với câu nói trong kinh Ba minh bảo rằng Bà-la-môn là con của Phạm thiên, từ miệng thanh tịnh sanh ra, là dòng dõi của Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương trao truyền, nguồn gốc thọ sanh thanh tịnh, nên là Bà-la-môn chân chánh.

Này Bạch Y, ông lại chớ sanh khởi ý niệm này: nếu trong bốn chủng tộc đều có nghiệp xấu, thì lời ấy không tương ưng với lời dạy trong kinh Ba minh.

Lại nữa, Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý nghĩ, cho rằng với các nghiệp tốt như: không sát sanh… sẽ nhận lấy quả báo tốt, là việc làm thù thắng, được kẻ trí khen ngợi, các hàng Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thủ đà, trong các chủng tộc ấy không có, chỉ riêng Bà-la-môn mới có.

Bạch Y và Kim Tràng bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, sao nói như thế được? Việc ấy không phải như vậy. Nếu người tạo nghiệp tốt sẽ nhận lấy quả báo tốt, các hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà đều có như vậy, không riêng Bà-la-môn mới có.

Phật dạy:

–Này Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý, cho là các nghiệp tốt chỉ Bà-la-môn mới có, ngoài ra ba chủng tộc kia thì không. Lời ấy tức tương ứng với lời dạy trong kinh Ba minh. Do Bà-la-môn là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh, là dòng dõi của Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương trao truyền. Do nguồn gốc sanh thanh tịnh nên mới là Bà-la-môn chân chánh.

Này Bạch Y, ông lại chớ sanh khởi ý niệm này: nếu trong bốn chủng tộc đều có nghiệp tốt thì lời ấy là không tương ứng với lời dạy trong kinh Ba minh.

Lại nữa Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý niệm, cho rằng Sát-đế- lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la, trong các chủng tộc ấy làm các việc sát sanh… tức các nghiệp xấu, khi thân hoại mạng chung, đọa ở địa ngục mà riêng Bà-la-môn không có như vậy.

Bạch Y và Kim Tràng bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn sao lại nói như vậy được? Việc ấy không phải thế. Các hàng Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà, trong các chủng tộc ấy ai tạo nghiệp xấu thì khi thân hoại mạng chung đều bị đọa địa ngục, mà riêng Bà-la-môn sao không bị đọa?

Phật dạy:

–Này Bạch Y, ông lại chớ sanh khởi ý cho rằng người tạo nghiệp ác bị đọa ở địa ngục, Bà-la-môn thì không, còn ba chủng tộc kia thì có. Lời ấy là tương ứng với lời dạy trong kinh Ba minh. Do Bà-la-môn là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh, là dòng dõi của Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương trao truyền, nguồn gốc sanh thanh tịnh nên mới gọi là Bà-la-môn chân chánh.

Này Bạch Y, ông lại chớ nên sanh khởi ý nghĩ: nếu trong bốn chủng tộc có tạo nghiệp xấu ác đều bị đọa địa ngục thì lời này là không tương ứng với lời dạy trong kinh Ba minh.

Lại nữa, này Bạch Y, ông chớ sanh khởi ý nghĩ: vì không sát sanh… tức tạo các nghiệp tốt khi thân hoại mạng chung được sanh ở cõi trời. Các hàng Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Thủ-đà-la kia đều không được việc ấy, mà chỉ riêng Bà-la-môn là được việc ấy.

Bạch Y và Kim Tràng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, sao lại nói như vậy? Việc ấy không như thế.

Các hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la, người nào tạo nghiệp tốt thì khi thân hoại mạng chung đều được sanh cõi trời, đâu riêng Bà-la-môn mới có.

Phật dạy:

–Này Bạch Y, ông lại chớ sanh khởi ý nghĩ, cho rằng tạo nghiệp tốt được sanh ở cõi trời, chỉ Bà-la-môn mới có, ngoài ra ba chủng tộc kia thì không. Lời ấy thích ứng với lời dạy trong kinh Ba minh, do Bà-la-môn là con của Phạm vương, từ miệng thanh tịnh sanh, là dòng dõi của Phạm vương, từ Phạm vương hóa sanh, được Phạm vương truyền trao, nguồn gốc sanh trưởng thanh tịnh, nên là Bà-la-môn chân chánh.

Này Bạch Y, ông lại chớ nên sanh khởi ý nghĩ cho rằng nếu người trong bốn chủng tộc tạo nghiệp tốt đều được sanh cõi trời. Lời ấy là không thích ứng với lời dạy trong kinh Ba minh.

Lại nữa, Bạch Y, Ta trước đã nói: các pháp như vậy, hoặc lành, chẳng lành, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc có tội hoặc không tội, hoặc thuộc phần tịnh hoặc thuộc phần nhiễm, hoặc hơn hoặc kém, hoặc rộng hoặc hẹp, Các pháp như vậy chuyển biến tùy theo thời nhưng các Bà-la-môn một mực chấp chặt. Ta nói người ấy thật là kẻ si mê, nên tự thức tỉnh tâm của mình để được hiểu biết.

Này Bạch Y, lại các hàng Bà-la-môn, hoặc khởi luận bàn về họ hàng, hoặc luận bàn về dòng tộc, hoặc luận bàn về giáo nghĩa và khởi ý nghĩ thế này: “Người khác phải lập tòa ngồi, dâng nước, hiến cúng, đứng dậy trước để nghinh đón, chắp tay hỏi chào, thăm viếng Ta. Ta không cần đối với người khác làm các việc như vậy”. Người khởi ý nghĩ ấy, Ta nói người ấy là không thấy chánh pháp.

Lại nữa, Bạch Y, nếu có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn chấp trước khi nói về dòng họ, chủng tộc, hoặc lại chấp trước khi luận bàn về giáo nghĩa. Ta nói đó chẳng phải là Sa-môn, Bà-la-môn có hạnh xa lìa chân chánh.

Này Bạch Y, nếu có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn không chấp trước khi nói về dòng họ, cũng không chấp trước khi bàn về chủng tộc, lại cũng không chấp trước khi bàn về giáo nghĩa. Ta nói đó là Sa-môn, Bà-la-môn có hạnh xa lìa chân chánh, hiểu biết chân chánh.

Lại nữa, Bạch Y, đại vương Thắng Quân, chủ nước Kiều-tát-la, thấy Sa-môn Cù-đàm là con của tộc họ Thích, từ trong dòng họ Thích bỏ nhà xuất gia. Vua Thắng Quân kia đối với người con của tộc họ Thích hoan hỷ, vui thích, cung kính lễ bái, đứng lên trước để nghinh đón, chắp tay thưa hỏi. Này Bạch Y, đại vương Thắng Quân, chủ nước Kiều-tát-la, đối với Phật Như Lai hoan hỷ, vui thích, cung kính lễ bái, đứng dậy trước nghinh đón, chắp tay thưa hỏi. Nhà vua kia không phải vì Sa-môn Cù-đàm là dòng tộc cao quý thù thắng, vua cũng không khởi ý về dòng tộc cao quý, thù thắng; không vì Sa-môn Cù-đàm có tướng hảo đoan nghiêm, vua cũng không khởi ý nghĩ về tướng hảo; cũng không vì Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, vua cũng không sanh khởi ý nghĩ về tiếng tăm. Do đấy nên biết pháp vốn là như thế.

Này Bạch Y, pháp ấy xưa nay là lớn lao, tối thượng, vô cùng cao quý, thù thắng. Chánh kiến như vậy là mẹ của các pháp, là sự tăng thượng, là chốn quay về rốt ráo.

Lại nữa, Bạch Y, nếu có người tâm an trú trong chánh tín đối với Ta, người ấy tức được tăng trưởng vững chắc, đã căn bản ra khỏi sanh tử, không mất niềm tin thanh tịnh. Vì sao vậy? Bởi vì Sa-môn hay Bà-la-môn, hoặc chư Thiên, Ma vương, Phạm chí, tất cả ba cõi đều là con Ta, đều đồng một pháp không có sai biệt, từ miệng của chánh pháp sanh ra, cùng một pháp, từ pháp mà hóa sanh, là con của pháp chân chánh.

Này Bạch Y, nếu có người hỏi: “Tất cả các ông đều có cha mẹ, họ hàng, dòng tộc, vì sao xả bỏ?” thì nên nói: “Chúng tôi đều là Samôn, con của họ Thích”. Bạch Y nên biết pháp vốn như vậy. Pháp ấy xưa nay rất cao tột lớn lao, vô cùng cao quý thù thắng. Chánh kiến như vậy là mẹ của các pháp, là sự tăng thượng, là chốn quay về rốt ráo.

Pages: 1 2 3