KINH GIẢI THÂM MẬT
Samdhinirmocana Sūtra
解深密經

Thích Pháp Chánh hợp dịch

 

Phẩm 8: Thành tựu Phật sự

Lúc ấy, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn. Ngài nói về pháp thân Như lai, như vậy pháp thân Như lai có những đặc tính gì?”

Đức Phật bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi: “Pháp thân Như lai được đặc trưng bởi thành tựu viên mãn sự chuyển hóa tâm thức1, do sự tu tập thấu triệt các pháp giải thoát Ba la mật đa trong các Địa.

“Các đặc tính này không thể nghĩ bàn vì hai lý do: một là không thể hý luận2, hai là xa lìa các sự tạo tác. Thế nhưng, chúng sinh bám víu vào những hý luận cho rằng có sự tạo tác.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Bạch đức Thế tôn, sự chuyển hóa tâm thức của Thanh văn Duyên giác có gọi là pháp thân hay không?”

Đức Phật trả lời: “Đó gọi là giải thoát thân, không gọi là pháp thân. Do giải thoát thân cho nên ta nói rằng Thanh văn Độc giác bình đẳng với chư Phật. Do pháp thân mà ta nói có sự khác biệt [giữa Thanh văn Độc giác và Phật]. Sự khác biệt [giữa Thanh văn Độc giác và Phật] là sự khác biệt của vô lượng công đức vô cùng thù thắng, dù toán số thí dụ cũng không diễn tả được.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, làm sao biết được hành tướng sinh khởi của Như lai?”

Đức Phật trả lời: “Tất cả hành nghiệp tạo tác của hóa thân của Như lai, giống như thế giới sinh khởi tất cả mọi loài. Do đó nó được trang nghiêm và duy trì bởi tất cả công đức của Như lai. Nên biết, hóa thân có sự sinh khởi, còn pháp thân không có sự sinh khởi.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, làm sao biết được phương tiện thiện xảo trong sự thị hiện của hóa thân?”

Đức Phật trả lời: “Khắp trong tất cả cõi Phật, đồng thời thị hiện nhập thai vào trong các gia đình quyền quý, hoặc các gia đình giàu sang, kế đến, theo thứ tự, thị hiện đản sinh, trưởng thành, hưởng thọ ngũ dục, xuất gia, tu hành khổ hạnh, sau đó xả bỏ sự khổ hạnh, thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. Đây gọi là phương tiện thiện xảo của sự thị hiện hóa thân.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong thân tất cả các đức Như lai, có bao nhiêu loại ngôn ngữ và âm thanh khác biệt dùng để giáo hóa hữu tình, khiến cho kẻ chưa thành thục sẽ được thành thục, kẻ đã thành thục nương vào sự giáo huấn này sẽ mau được giải thoát?”

Đức Phật trả lời: “Nói sơ lược, ngôn ngữ và âm thanh của đức Như lai có ba loại: một là kinh tạng, hai là luật tạng (điều phục), ba là luận tạng (bổn mẫu).”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, kinh tạng là gì, luật tạng là gì, luận tạng là gì?”

Đức Phật trả lời: “Nếu ta y cứ vào các thể loại khác nhau mà hiển bày giáo pháp, đây gọi là kinh tạng, nghĩa là y cứ vào bốn thể loại, chín thể loại, hoặc hai mươi chín thể loại.

“Bốn thể loại là: (1) nghe, (2) tin, (3) tu tập, và (4) chứng ngộ.

“Chín thể loại là: (1) xác định hữu tình, (2) sự thọ dụng của hữu tình, (3) sự sinh khởi của hữu tình, (4) sự thọ sinh đời sau của hữu tình, (5) sự nhiễm tịnh của hữu tình, (6) sự khác biệt của hữu tình, (7) người giảng pháp, (8) sự giảng pháp, (9) chúng hội nghe pháp.

“Hai mươi chín thể loại. Các thể loại liên quan đến tạp nhiễm có: (1) hành động; (2) chuyển động theo thứ tự; (3) nếu trong sự chuyển động chấp có bổ đặc già la, đây là gây tạo nhân tố cho sự tiếp tục luân chuyển đời sau; (4) chấp có sự chuyển động cũng gây tạo cho nhân lưu chuyển đời sau.

“Các thể loại liên quan đến thanh tịnh có: (5) hệ niệm vào cảnh sở duyên; (6) tinh tiến tu tập; (7) an tâm trong sự tu tập; (8) an trụ trong pháp lạc; (9) phương tiện siêu vượt tất cả nhân duyên khổ; (10) biết rõ đối tượng của sự tu tập, có ba: (a) biết rõ chỗ y cứ của phiền não, (b) biết rõ chỗ y cứ của tà hạnh, (c) biết rõ chỗ y cứ của sự diệt trừ tăng thượng mạn.

“Những thể loại còn lại là: (11) nền tảng của sự tu tập, (12) sự chứng ngộ của sự tu tập, (13) bản thân của sự tu tập, (14) khiến cho sự tu tập trở nên kiên định, (15) hành tướng của sự tu tập, (16) đối tượng của sự tu tập, (17) thiện xảo trong sự quán sát phiền não đã được hoặc chưa được đọan trừ, (18) tán loạn trong sự tu tập, (19) không tán loạn trong sự tu tập, (20) nền tảng của sự không tán loạn, (21) sự trợ lực khiến cho không xả bỏ việc tu tập tinh tiến, (22) công đức của sự tu tập, (23) an định của sự tu tập, (24) hành tướng của các bậc thánh, (25) hành tướng của quyến thuộc của các bậc thánh, (26) thông đạt chân lý, (27) chứng đắc Niết bàn, (28) chánh kiến thế gian trong tỳ nại da siêu vượt chánh kiến thế gian của ngoại đạo, và (29) không tu tập đưa đến sự thoái chuyển. Trong giáo pháp tỳ nại da, sự không tu tập, chứ không phải sự phạm giới, đưa đến sự thoái chuyển.

“Nếu nơi nào ta y cứ vào pháp Thanh văn và pháp Bồ tát mà nêu rõ giới biệt giải thoát và sự tương ứng của nó, thì gọi là tỳ nại da.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, hành tướng của giới biệt giải thoát có mấy loại?”

Đức Phật trả lời: “Có bảy loại: một là nêu rõ quỹ tắc thọ giới, hai là nêu rõ sự tùy thuận các pháp tha thắng, ba là nêu rõ sự tùy thuận của sự hủy phạm giới cấm, bốn là nêu rõ tính chất của sự phạm giới, năm là nêu rõ tính chất của sự không phạm giới, sáu là nêu rõ nghi tắc sám hối thanh tịnh [sự phạm giới], và bảy là nêu rõ nghi tắc xả giới.

“Nếu nơi nào ta dùng mười một loại đặc tính để quyết đoán, phân biệt, nêu rõ các pháp, thì gọi là luận tạng (bổn mẫu). Mười một loại đặc tính nào? Một là đặc tính của thế tục, hai là đặc tính của thắng nghĩa, ba là đặc tính của đối tượng [của Bồ đề phần], bốn là đặc tính của các hành nghiệp [của Bồ đề phần], năm là đặc tính của tự tính [của Bồ đề phần], sáu là đặc tính của thành quả [của Bồ đề phần], bảy là đặc tính của sự lãnh thọ tu tập [của Bồ đề phần], tám là đặc tính của các pháp chướng ngại [của Bồ đề phần], chín là đặc tính của các pháp tùy thuận [của Bồ đề phần], mười là đặc tính của những họa hoạn [của Bồ đề phần], và mười một là đặc tính của những công đức [của Bồ đề phần].

“Đặc tính của thế tục có ba loại, một là nêu rõ bổ đặc già la, hai là nêu rõ tự tính của biến kế sở chấp, và ba là nêu rõ tác dụng của các pháp.

“Đặc tính của thắng nghĩa, tức là nêu rõ bảy loại chân như.

“Đặc tính của đối tượng [của Bồ đề phần], tức là nêu rõ chủng loại của tất cả các pháp.

“Đặc tính của các hành, tức là tám hành quán. Thế nào là tám hành quán? Một là quán sát chân thật, hai là quán sát an trụ, ba là quán sát lỗi lầm, bốn là quán sát công đức, năm là quán sát ý hướng, sáu là quán sát lưu chuyển, bảy là quán sát lý do, và tám là quán sát tổng và biệt.

“Quán sát chân thật, nghĩa là chân như của các pháp.

“Quán sát an trụ, nghĩa là an lập bổ đặc già la; hoặc là an lập tự tính của biến kế sở chấp của các pháp; hoặc là an lập sự thường xuyên giảng pháp, phân biệt đối tượng để giảng pháp, giảng pháp bằng sự hỏi ngược, giảng pháp bằng sự im lặng; hoặc là an lập sự ẩn mật, sự nêu rõ, sự ký biệt, và sự sai biệt.

“Quán sát lỗi lầm, nghĩa là nêu rõ các pháp tạp nhiễm có vô lượng họa hoạn khác biệt.

“Quán sát công đức, nghĩa là nêu rõ các pháp thanh tịnh có vô lượng lợi ích khác biệt.

“Quán sát ý hướng3, có sáu loại: (1) chân nghĩa, (2) chứng đắc, (3) chỉ dạy, (4) xa lìa hai cực đoan, (5) không thể nghĩ bàn, và (6) ẩn ý4.

“Quán sát lưu chuyển, nghĩa là tướng hữu vi ba đời và bốn loại duyên5.

“Quán sát lý do, có bốn loại: (1) tùy thuộc lẫn nhau6, (2) tác dụng, (3) luận chứng thành tựu, và (4) quy luật tự nhiên.

“Tùy thuộc lẫn nhau, nghĩa là nói về nhân hoặc duyên có thể sinh khởi các hành và những lời giải thích kèm theo, đây gọi là lý do tùy thuộc lẫn nhau.

“Tác dụng, nghĩa là hoặc nhân, hoặc duyên, giúp nhận rõ các pháp, hoặc có thể thành biện, hoặc giả, sau khi sanh khởi, tạo tác các nghiệp dụng. Đây gọi là lý do tác dụng.

“Luận chứng thành tựu, nghĩa là hoặc nhân, hoặc duyên, có thể khiến cho những điều đã được kiến lập, đã được giảng giải, đã được nêu lên, sẽ được thành lập, khiến cho được giác ngộ chân chánh. Đây gọi là luận chứng thành tựu.

“Luận chứng thành tựu có hai loại, một là chính xác, hai là không chính xác. Do năm đặc tính mà gọi là chính xác, và do bảy đặc tính mà gọi là không chính xác.

“Do năm đặc tính nào mà gọi là chính xác? Một là nhận thức trực tiếp, hai là nhận thức bằng kinh nghiệm, ba là suy luận bằng sự dẫn chứng, bốn là sự chính xác hoàn hảo, và năm là lời giảng dạy chính xác.

“Nhận thức trực tiếp, nghĩa là trực tiếp nhận thấy tính chất của tất cả các hành là vô thường, là khổ, tính chất của tất cả các pháp là vô ngã. Đây là những điều mà thế gian có thể nhận biết trực tiếp.

“Nhận thức bằng kinh nghiệm, nghĩa là (a) giai đoạn sát na của tất cả các hành, (b) trong đời sau, các nghiệp tịnh, hoặc bất tịnh đều không bị mất mát. Các điều này là dựa vào sự vô thường thô thiển mà có thể nhận thức được; dựa vào những sự khác biệt giữa các hữu tình mà có thể nhận thức được; hoặc y cứ vào các hành nghiệp hiện tại mà có thể nhận thức được; hoặc y cứ vào các nghiệp quả hoặc khổ hoặc vui, hoặc tịnh hoặc bất tịnh, của hữu tình mà có thể nhận thức được. Từ những nhân duyên này, có thể dùng sự so sánh mà nhận biết được những điều chưa thấy nghe. Những điều như vậy đều được gọi là nhận thức bằng kinh nghiệm.

“Suy luận bằng dẫn chứng, nghĩa là dẫn chứng những kiến thức phổ thông, chẳng hạn sự khổ sinh tử của tập hợp của các hành, hoặc dẫn chứng những điều hiểu biết và kinh nghiệm của sự thiếu tự do, hoặc dẫn chứng những điều hiểu biết về sự thạnh suy. Đây gọi là suy luận bằng sự dẫn chứng.

“Chính xác hoàn hảo, nghĩa là năng lực quyết đoán sự chính xác qua những nhận biết trực tiếp, nhận thức bằng kinh nghiệm, hoặc suy luận bằng dẫn chứng. Đây gọi là sự chính xác hoàn hảo.

“Lời giảng dạy chính xác, nghĩa là lời dạy của bậc Nhất thiết trí, chẳng hạn như dạy Niết bàn rốt ráo tịch tĩnh, v.v… Đây gọi là lời giảng dạy chính xác.

“Do năm đặc tính vừa nêu trên nên được gọi là [quán sát] chính xác. Bởi vì nó chính xác, cho nên [Bồ tát] phải nên tu tập.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Nhất thiết trí có mấy đặc tính?”

Đức Phật trả lời: “Nói tóm lược, có năm loại. (a) Âm thanh của một bậc Nhất thiết trí xuất hiện thế gian, sẽ được vang vọng khắp nơi, mọi chúng sinh đều nghe biết; (b) thành tựu ba mươi hai tướng tốt của bậc đại trượng phu; (c) đầy đủ mười lực, có thể đoạn trừ tất cả nghi hoặc của chúng sinh; (d) đầy đủ bốn sự không sợ, có thể giảng pháp hàng phục tất cả tà luận, mà không bị bất cứ luận điệu nào của ngoại đạo có thể chiết phục; (e) từ giáo pháp và tỳ nại da mà đức Phật đã khéo giảng dạy, trong hiện đời tu tập bốn sa môn quả bằng các pháp bát chánh đạo, v.v…, có thể chứng nghiệm năm giai đoạn: sinh khởi, hiện tướng, đoạn trừ nghi hoặc, hàng phục kẻ khác mà không bị họ hàng phục, và hiện tại có thể chứng đắc thánh quả. Năm loại này gọi là đặc tính của Nhất thiết trí.

“Như vậy, luận chứng thành tựu là do hiện lượng, do tỷ lượng, do thánh giáo lượng7, và do năm đặc tính nêu trên nên gọi là chính xác.

“Do bảy đặc tính nào mà gọi là [luận chứng] không chính xác? Một là xác định bằng sự tương tự với những thể loại khác; hai là xác định bằng sự tương phản với với những thể loại khác; ba là xác định bằng sự tương tự với tất cả thể loại; bốn là xác định bằng sự tương phản với tất cả thể loại; năm là xác định bằng dẫn chứng tương phản; sáu là không phải sự chính xác toàn diện; bảy là không phải lời giảng dạy chính xác.

“Nếu một sự kiện được xác định bằng ý thức nghĩ tưởng đến tất cả [thể loại], thì được gọi là xác định bằng sự tương tự với tất cả thể loại khác.

“Nếu đặc tính, bổn tính, nghiệp, pháp, nhân, quả, và sự khác biệt của các sự kiện được cố định bởi sự khác biệt trong từng đặc tính khác biệt của chúng, thì được gọi là xác định bằng sự tương phản với tất cả thể loại khác.

“Nếu một sự kiện được xác định bởi sự tương tự với các thể loại khác và, trong thí dụ của nó, bao hàm đặc tính của tất cả thể loại khác biệt, thì chủ trương của nó sẽ không thể được sáng tỏ, đây gọi là không phải sự chính xác toàn diện.

“Nếu một sự kiện được xác định bởi sự khác biệt với tất cả thể loại khác, và trong thí dụ của nó, bao hàm tất cả thể loại tương tự, thì chủ trương của nó sẽ không được sáng tỏ, đây gọi là không phải sự chính xác toàn diện. Vì không phải là sự chính xác toàn diện, cho nên không phải là một sự quán sát khéo léo thanh tịnh, và vì không thanh tịnh, cho nên [Bồ tát] không nên tu tập.

“Nếu đặc tính của nó được trưng dẫn bởi các thí dụ khác biệt (dẫn chứng tương phản), hoặc nếu nó không phải là lời giảng dạy chính xác, nên biết thể tính của chúng đều không thanh tịnh.

“Quy luật tự nhiên, nghĩa là đức Như lai xuất hiện thế gian, hoặc không xuất hiện thế gian, pháp tính an trụ, pháp trụ pháp giới, đây gọi là quy luật tự nhiên.

“Quán sát tổng và biệt, nghĩa là trước tiên nêu lên một lời dạy tổng quát, sau đó phân biệt các lời dạy khác nhau, cho đến khi tất cả đều được minh bạch.

“Đặc tính của tự tính [của Bồ đề phần], tức là các hành nghiệp liên quan đến Bồ đề phần, chẳng hạn như niệm trụ, v.v…, mà ta đã giảng nói, đây gọi là đặc tính của tự tính.

“Đặc tính của thành quả [của Bồ đề phần], tức là sự đoạn trừ tất cả phiền não thế gian và xuất thế gian, cùng sự dẫn phát tất cả quả báo công đức thế gian và xuất thế gian, đây gọi là đặc tính của thành quả.

“Đặc tính của sự lãnh thọ tu tập [của Bồ đề phần], tức là dùng trí tuệ giải thoát để lãnh thọ những sự tu tập, và rộng vì người khác mà tuyên thuyết khai thị [các pháp tu tập], đây gọi là đặc tính của sự lãnh thọ tu tập.

“Đặc tính của các pháp chướng ngại [của Bồ đề phần], tức là các pháp nhiễm ô có thể làm chướng ngại sự tu tập các Bồ đề phần, đây gọi là đặc tính của các pháp chướng ngại.

“Đặc tính của các pháp tùy thuận [của Bồ đề phần], tức là siêng năng tu tập các Bồ đề phần, đây gọi là đặc tính của các pháp tùy thuận.

“Đặc tính của những họa hoạn [của Bồ đề phần], tức là biết rõ những họa hoạn của các pháp chướng ngại, đây gọi là đặc tính của những họa hoạn.

“Đặc tính của những công đức [của Bồ đề phần], tức là công đức của các pháp tùy thuận, đây gọi là đặc tính của những công đức.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, xin Ngài vì các Bồ tát nói sơ lược những ý nghĩa cốt yếu8 của kinh tạng, luật tạng và luật tạng, khác với ngoại đạo [và Nhị thừa], để các Bồ tát y cứ vào những ý nghĩa cốt yếu này, có thể thâm nhập ý nghĩa bí mật sâu xa của các pháp.”

Đức Phật trả lời: “Hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói sơ lược những ý nghĩa cốt yếu để các ông y cứ vào đây mà có thể ngộ nhập các ngôn từ bí mật mà ta giảng nói.

“Các pháp, tạp nhiễm hoặc thanh tịnh, ta nói chúng đều không có tác dụng (vô tác), và không có bổ đặc già la. Vì các pháp xa lìa mọi sự tạo tác, cho nên không phải là pháp tạp nhiễm, trước đó tạp nhiễm rồi sau đó trở thành thanh tịnh, hoặc pháp thanh tịnh, được thanh tịnh từ sự tạp nhiễm trước đó. Các phàm phu trong sinh tử, bám víu vào các pháp, đối với những đặc tính khác biệt của tấm thân thô trược, bị phiền não mê hoặc, bèn chấp có ta và của ta. Từ cái nhìn sai lạc này, bèn cho rằng có cái ta thấy hình sắc, nghe âm thanh, ngữi mùi hương, nếm mùi vị, xúc chạm, hiểu biết, ăn uống, tạo tác, trở nên ô nhiễm, trở nên thanh tịnh. Bị các loại thế lực tà vạy như vậy thúc đẩy. Nếu người nào biết rõ các sự thật như vậy, thì có thể vĩnh viễn dứt bỏ tấm thân thô trược, đạt đến trình độ tất cả phiền não không còn có chỗ dung thân, vô cùng thanh tịnh, xa lìa hý luận, không còn tạo tác, không còn bị thúc đẩy. Nên biết, đây gọi là những điều sơ lược về ý nghĩa cốt yếu khác với Nhị thừa và ngoại đạo.”

Lúc ấy, đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên, bèn nói bài kệ sau: Tất cả pháp tạp nhiễm, thanh tịnh,

Đều là vô tác và vô ngã,
Bởi thế ta nói không tạo tác,
Không có nhiễm, tịnh, hoặc trước sau.
Đối thân thô trược, do phiền não,
Chấp trước vào ta và của ta,
Do đây cho rằng có ta thấy,
Ta ăn, ta làm, ta nhiễm, tịnh.
Nếu có người nào biết như thật,
Vĩnh viễn dứt bỏ thân thô trược,
Không còn nhiễm tịnh, không hý luận,
Không tạo tác, hoặc bị thôi thúc.

Lúc ấy, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, làm sao biết được hành tướng sinh khởi của tâm Như lai?”

Đức Phật trả lời: “Đức Như lai không được hiển hiện bởi [hành tướng của] tâm ý thức, nhưng đức Như lai được sinh khởi bởi tâm không tác ý9.

Điều này giống như một sự biến hóa.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, nếu pháp thân của chư Như lai xa lìa các sự tác động, nếu đã không có tác động, làm sao các tâm  pháp có thể sinh khởi?”

Đức Phật trả lời: “Do các lực thôi thúc phát sinh bởi sự tu tập các phương tiện Bát nhã, v.v…, mà có tâm sinh khởi. Giống như lúc đang đi vào giấc ngủ không mộng mị, không phải trong lúc đang tỉnh thức tạo tác nên sức thôi thúc [để tỉnh giấc], mà là do lúc sắp ngủ, đã tạo tác sức thôi thúc [để tỉnh giấc], nên [đang lúc ngủ] có sự tỉnh giấc. Tương tự, như trong lúc đang nhập Diệt tận định, không phải lúc khởi định mà tạo tác sức thôi thúc [để xuất định], mà là trước khi nhập định đã tạo tác sức thôi thúc này, [và nhờ sức thôi thúc này] để được xuất định. Như vậy, giống như hai trường hợp, từ giấc ngủ mê và nhập Diệt tận định được tỉnh giác, đức Như lai, do trước đó đã tu tập sức thôi thúc từ các phương tiện Bát nhã, v.v…, nên có tâm pháp sinh khởi.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, hóa thân của đức Như lai là có tâm, hay không có tâm?”

Đức Phật trả lời: “Không phải có tâm, mà cũng không phải không có tâm. Vì sao? Không có tâm độc lập, nhưng có tâm vì người khác.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, cõi nước của đức Như lai và cảnh giới hoạt động của đức Như lai, hai loại này có gì khác biệt?”

Đức Phật trả lời: “Cõi nước của đức Như lai là tất cả các cõi tịnh độ được trang nghiêm bởi vô lượng công đức không thể nghĩ bàn mà tất cả chư Phật đều cùng chung hưởng dụng. Cảnh giới hoạt động của đức Như lai có năm loại khác biệt. Một là hữu tình, hai là thế gian, ba là giáo pháp, bốn là điều phục, và năm là phương tiện điều phục. Đây gọi là năm loại khác biệt.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, đức Như lai thành tựu Chánh đẳng chánh giác, chuyển chánh pháp luân, nhập Đại niết bàn. Ba loại như vậy có những hành tướng nào?”

Đức Phật trả lời: “Nên biết ba loại này đều là bất nhị, nghĩa là không thành Chánh đẳng chánh giác, cũng không phải không thành Chánh đẳng chánh giác; không chuyển pháp luân, cũng không phải không chuyển pháp luân; không nhập Niết bàn, cũng không phải không nhập Niết bàn. Tại sao? Pháp thân của Như lai thì rốt ráo thanh tịnh, còn
hóa thân của Như lai thì thường thị hiện.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, các chúng sinh đối với hóa thân của đức Phật, chỉ cần thấy, nghe, phụng sự đều có thể phát sinh công đức, như vậy, đức Như lai có nhân duyên gì đối với họ?”

Đức Phật trả lời: “Đức Như lai là nhân duyên tăng thượng của họ, còn hóa thân được gia trì bởi công đức lực của đức Như lai.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Nếu pháp thân Như lai không có tác động, vì nhân duyên gì mà lại vì chúng sinh phóng ra ánh sáng rạng rỡ, và lại còn phóng ra ảnh tượng của vô số hóa thân, trong khi thân giải thoát của các hàng Thanh văn, Độc giác không có công năng đó?”

Đức Phật trả lời: “Ví như, tuy không có sự tác động, từ pha lê lửa và pha lê nước của mặt trời mặt trăng phóng ra ánh sáng rực rỡ, chứ không phải từ các pha lê lửa và pha lê nước [bình thường] khác; điều này là do sức gia trì của những hữu tình có oai đức lớn, hoặc do sức gia trì của những nghiệp tăng thượng của hữu tình. Lại nữa, những đường nét đẹp xuất hiện trên các hạt châu ma ni đã được các nghệ nhân khéo léo điêu khắc, chứ không phải từ những hạt châu chưa được [nghệ nhân] điêu khắc. Tương tự, duyên vào sự khéo léo dùi mài, tu tập phương tiện Bát nhã trong vô lượng pháp giới, tích tập thành pháp thân Như lai, từ đó phóng ra ánh sáng trí tuệ rực rỡ, cùng phóng ra vô số hóa thân, điều này không phải chỉ do [sự chứng đắc] thân giải thoát mà có thể tạo tác được những việc như vậy.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, như Ngài có nói, do oai đức trụ trì của chư Phật Bồ tát, khiến cho chúng sinh cõi Dục, sinh vào những gia đình phú quý, như sát đế lợi, bà la môn, v.v…, thân tướng, tài bảo, thảy đều viên mãn; hoặc sinh lên cõi Sắc, cõi Vô sắc, tất cả thân tướng, tài bảo, thảy đều viên mãn. Không biết điều này có ẩn ý gì?”

Đức Phật trả lời: “Oai đức của chư Phật Bồ tát trụ trì, nghĩa là ở bất cứ nơi nào, hoặc giáo pháp, hoặc tu tập, có thể khiến cho chúng sinh thu hoạch được thân tướng và tài bảo viên mãn, nghĩa là chư Phật Bồ tát tùy thuận căn cơ của chúng sinh mà giảng nói giáo pháp và đường hướng tu tập. Nếu có chúng sinh nào đối với giáo pháp và đường hướng tu tập này mà có thể chân chánh tu hành, thì họ, ở khắp tất cả mọi nơi, đều được thân tướng và tài bảo viên mãn. Còn nếu có chúng sinh nào xâm phạm, khinh khi, hủy báng giáo pháp hoặc đường hướng tu tập, hơn nữa, đối với đức Như lai, khởi tâm tổn hại và tâm sân hận, thì kẻ đó, sau khi chết đi, thọ sinh vào bất cứ nơi nào, thân tướng và tài bảo đều thấp kém. Do nhân duyên này, nên biết rằng oai đức trụ trì của chư Phật Bồ tát, không những có thể khiến cho thân tướng tài bảo trở nên viên mãn, mà cũng có thể khiến cho thân tướng tài bảo trở nên suy tổn.”

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Trong các cõi nước tạp uế, việc gì dễ được, việc gì khó được?”

Đức Phật trả lời: “Trong các cõi nước tạp uế, có tám việc dễ được và hai việc khó được. Tám việc nào dễ được? Một là ngoại đạo; hai là chúng sinh thọ khổ; ba là sự khác biệt giữa dòng họ, gia thế, thịnh suy; bốn là tạo tác các ác hành; năm là hủy phạm giới luật; sáu là ác đạo; bảy là các thừa thấp kém; tám là các Bồ tát ý hướng thấp kém. Hai việc nào khó được? Một là sự tập họp của những Bồ tát có ý hướng và hành vi cao thượng; hai là chư Phật xuất hiện thế gian. Các cõi tịnh độ có những sự tương phản với những điều vừa nêu trên.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong pháp môn Giải Thâm Mật, phần này gọi là gì? Con phải phụng trì thế nào?

Đức Phật trả lời: “Phần này gọi là Giáo pháp liễu nghĩa về sự thành tựu các công hạnh của đức
Như lai. Đối với giáo pháp này, ông nên phụng trì.”

Lúc đức Phật nói xong Giáo pháp liễu nghĩa về sự thành tựu các công hạnh của đức Như lai, trong pháp hội có bảy mươi lăm ngàn vị đại Bồ tát chứng đắc Viên mãn pháp thân.

HẾT

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10