KINH GIẢI THÂM MẬT
Samdhinirmocana Sūtra
解深密經

Thích Pháp Chánh hợp dịch

 

Phẩm 4: Đặc tính của tất cả các pháp

Lúc ấy, Bồ tát Đức Bổn bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, Ngài đã đề cập đến các vị Bồ tát khéo thông đạt thật tính của các pháp. Như vậy là Ngài muốn đề cập đến những vị Bồ tát nào, và Ngài phán định những vị Bồ tát đó như thế nào?”

Đức Phật trả lời: “Hay lắm. Ông đã có thể hỏi ta về một vấn đề thâm sâu như vậy. Ông đặt ra câu hỏi này là vì muốn lợi ích an lạc vô lượng chúng sinh. Hơn nữa, bởi vì ông có lòng từ bi đối với thế gian và hàng trời, người, a tu la, v.v…, và muốn cho họ đạt được nghĩa lợi an lạc, cho nên mới nêu lên câu hỏi này. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ giảng rõ đặc tính của các pháp.

“Tất cả các pháp có ba đặc tính: một là biến kế chấp tính, hai là y tha khởi tính, ba là viên thành thật tính.

“Biến kế chấp tính, là tự tính sai biệt của các pháp được định nghĩa bởi những danh ngôn giả lập, để tùy thuận sự phát khởi ngôn thuyết của thế gian.

“Y tha khởi tính, là tự tính duyên sinh sai biệt của các pháp, nghĩa là cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, v.v…, cho đến chiêu cảm đại khổ tụ tập.

“Viên thành thật tính, là chân như bình đẳng của các pháp. Các Bồ tát có thể hiện chứng bình đẳng chân như này bằng cách nỗ lực tinh tiến, tập trung chính đáng, và tư duy không sai lạc. Do nhân duyên như vậy mới có thể thông đạt. Từ sự thông đạt này dần dần tu tập, cho đến khi chứng ngộ Vô thượng Bồ đề mới thực sự viên mãn.

“Biến kế chấp tính giống như màng mắt1 của một người bị bệnh mắt đục. Y tha khởi tính giống như những ảo tượng khác biệt, chẳng hạn như tóc, lông, ong, ruồi, dây leo, v.v…, hoặc các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v…, hiện ra trước mắt người bị bệnh mắt đục.

“Viên thành thật tính giống như một cặp mắt sáng, không còn bị bệnh mắt đục, nhìn thấy cảnh vật như thật, không còn thác loạn.

“Ví như pha lê trong suốt, nếu hợp với màu xanh, thì sẽ trông giống như ngọc xanh2, điều này khiến mọi người lầm lẫn, cho rằng đó là ngọc xanh thật. Nếu hợp với màu đỏ, thì sẽ giống như hồng ngọc3, điều này khiến mọi người lầm lẫn, cho rằng đó là hồng ngọc thật. Nếu hợp với màu lục, thì sẽ giống như ngọc lục bảo4, điều này khiến mọi người lầm lẫn, cho đó là ngọc lục bảo thật. Nếu hợp với màu vàng, thì sẽ giống như vàng, điều này khiến cho mọi người lầm lẫn, cho đó là vàng thật.

“Những màu sắc xanh, đỏ, lục, vàng áp đặt trên pha lê, cũng giống như những tập khí ngữ ngôn của biến kế sở chấp tính áp đặt vào y tha khởi tính. Còn sự lầm lẫn cho rằng pha lê là ngọc xanh, hồng ngọc, ngọc lục bảo, vàng, v.v…, cũng giống như biến kế sở chấp tính áp đặt vào y tha khởi tính. Bản thân của pha lê trong suốt cũng giống như y tha khởi tính. Vả lại, những hình tướng của ngọc xanh, hồng ngọc, ngọc lục bảo, hoặc vàng hiển hiện trên pha lê chưa từng hiện hữu chân thật, chưa từng có tự tính chân thật, thì những đặc tính do biến kế chấp tính áp đặt trên y tha khởi tính cũng chưa từng hiện hữu chân thật, chưa từng có tự tính chân thật. Nên biết, trường hợp của viên thành thật tính cũng giống như vậy.

“Có thể biết được biến kế sở chấp tính, do bởi sự phối hợp giữa danh và tướng. Có thể biết được y tha khởi tính, do bởi biến kế sở chấp tính chấp chặt vào [y tha khởi tính], để duyên vào các sự vật khác. Có thể biết được viên thành thật tính, do bởi sự không chấp trước vào những nhận thức [sai lạc] của biến kế sở chấp tính áp đặt trên y tha khởi tính.

“Nếu các Bồ tát có thể biết như thật những đặc tính của biến kế sở chấp tính áp đặt trên y tha khởi tính, thì sẽ biết được sự vô tướng của các pháp. Nếu biết như thật những đặc tính của y tha khởi tính, thì sẽ biết được sự tạp nhiễm của các pháp. Nếu biết như thật viên thành thật tính, thì sẽ biết được sự thanh tịnh của các pháp. Nếu Bồ tát, từ y tha khởi tính, biết như thật sự vô tướng của các pháp, thì có thể dứt trừ sự tạp nhiễm. Nếu có thể dứt trừ sự tạp nhiễm, thì có thể chứng ngộ sự thanh tịnh của các pháp.

“Như vậy, các Bồ tát, do bởi sự thấy biết như thật biến kế sở chấp tính, y tha khởi tính, và viên thành thật tính, họ biết được như thật sự vô tướng, sự tạp nhiễm, và sự thanh tịnh của các pháp. Do sự biết như thật các pháp là vô tướng, có thể dứt trừ sự tạp nhiễm, và do dứt trừ sự tạp nhiễm, có thể chứng đắc sự thanh tịnh. Các Bồ tát [chứng đắc sự thanh tịnh] này được gọi là Bồ tát khéo thông đạt thật tính của các pháp, và đức Như lai cũng phán định họ như thế.”

Lúc ấy, đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên, bèn nói bài kệ sau:
Nếu không thấu rõ pháp vô tướng,
Không thể đoạn trừ pháp tạp nhiễm,
Bởi không đoạn trừ pháp tạp nhiễm,
Không chứng pháp thanh tịnh vi diệu.
Vì không quán lỗi của các hành,
Đam mê phóng dật, hại chúng sinh,
Biếng nhác trong pháp trụ, pháp động,
Mất cả hai bên, thật đáng thương.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10