KINH GIẢI THÂM MẬT
Samdhinirmocana Sūtra
解深密經

Thích Pháp Chánh hợp dịch

 

Phẩm 6: Phân biệt Du già

Lúc ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, Bồ tát y cứ vào đâu, và an trụ nơi nào để tu tập xa ma tha (chỉ) và tỳ bát xá na (quán) trong Đại thừa?”

Đức Phật bảo Bồ tát Di Lặc: “Ông nên biết nền tảng và nơi an trụ1 của sự tu tập xa ma tha và tỳ bát xá na trong Đại thừa là giáo pháp Bồ tát [mà đức Phật đã tạm thời thiết lập], và sự không xả bỏ tâm nguyện [cầu chứng đắc] A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”

Bồ tát Di Lặc bạch Phật: “Đức Thế tôn nói có bốn loại đối tượng2. Một là đối tượng có ảnh tượng để phân biệt, hai là đối tượng không có ảnh tượng để phân biệt, ba là biên tế của cảnh giới, và bốn là thành tựu sự tu tập3. Trong bốn pháp này, có bao nhiêu pháp là đối tượng của xa ma tha, bao nhiêu pháp là đối tượng của tỳ bát xá na, bao nhiêu pháp là đối tượng của cả hai?”

Đức Phật trả lời: “Một pháp là đối tượng của xa ma tha, tức là không có ảnh tượng để phân biệt; một pháp là đối tượng của tỳ bát xá na, tức là có ảnh tượng để phân biệt; hai pháp là đối tượng của cả hai, tức là biên giới của cảnh giới [tu tập] và sự thành tựu tu tập.”

Bồ tát Di Lặc bạch Phật: “Bồ tát làm thế nào y cứ vào bốn loại đối tượng này để tu tập xa ma tha và tỳ bát xá na?”

Đức Phật trả lời: “Đối với giáo pháp mà ta đã thiết lập, tức là khế kinh, trùng tụng, thọ ký, phúng tụng, tự thuyết, nhân duyên, thí dụ, bổn sự, bổn sinh, phương quảng, vị tằng hữu, và luận nghị, Bồ tát phải nên khéo lắng nghe, khéo thọ trì, đọc tụng thông lợi, khéo suy ngẫm, thấu hiểu rõ ràng. Sau đó, đến một nơi tịch tĩnh, tập trung quán sát [những giáo nghĩa đã học]. Kế đến, tập trung quán sát những dòng tâm thức đang chuyển biến4. Nếu tu tập đúng cách như vậy, sau một thời gian lâu dài, sẽ phát khởi sự khinh an của thân và tâm5. Đây gọi là xa ma tha. Đây là phương cách mà Bồ tát tu tập xa ma tha.

“Dùng sự khinh an của thân và tâm làm cơ sở, đối với các pháp đã khéo tư duy, làm đối tượng cho xa ma tha tập trung như những ảnh tượng, quán sát, thấu rõ, xả ly tâm tướng. Hơn nữa, đối với những ảnh tượng đang quán sát, có thể biện biệt chính xác, biện biệt thấu đáo, suy ngẫm sâu xa, khảo sát tường tận6, hoặc nhẫn, hoặc lạc, hoặc tuệ, hoặc kiến, hoặc quán7, đây gọi là tỳ bát xá na. Bồ tát tu tập như vậy, gọi là khéo tu tập tỳ bát xá na.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, nếu Bồ tát dùng tâm làm đối tượng, và hướng vào trong quán sát, nhưng chưa đạt đến sự khinh an của thân và tâm, thì giai đoạn tu tập đó được gọi là gì?”

Đức Phật trả lời: “Đây chưa phải là sự tập trung của xa ma tha, mà chỉ là sự tập trung tùy thuận vào sự tin hiểu về xa ma tha.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, nếu Bồ tát, chưa đạt đến sự khinh an của thân và tâm, tác ý quán sát những ảnh tượng của các giáo pháp [đang là] đối tượng tập trung của xa ma tha, thì giai đoạn tu tập đó gọi là gì?”

Đức Phật trả lời: “Đây không phải là sự tác ý của tỳ bát xá na, mà chỉ là sự tác ý tùy thuận vào sự tin hiểu tỳ bát xá na.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, con đường tu tập xa ma tha và tu tập tỳ bát xa na là giống nhau hay khác nhau?”

Đức Phật trả lời: “Nên nói là không phải khác, mà cũng không phải không khác. Tại sao không khác? Bởi vì đối tượng quán sát của xa ma tha và tỳ bát xá na đều là tâm. Tại sao không phải không khác? Bởi vì ảnh tượng có phân biệt, đối tượng của tỳ bát xá na, không phải là đối tượng của xa ma tha.” Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, các ảnh tượng được quán sát bởi tỳ bát xá na là khác hay không khác với tâm?”

Đức Phật trả lời: “Nên nói là không khác. Tại sao? Vì các ảnh tượng đó chỉ là thức. Ta nói đối tượng của thức cũng chỉ là sự hiển hiện của thức.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, nếu ảnh tượng (đối tượng sự quán sát), không khác với tâm, làm thế nào tâm lại thấy được chính nó?”

Đức Phật trả lời: “Ở đây, không có một pháp nào thấy được một pháp nào cả, thế nhưng, lúc tâm sinh khởi, thì có ảnh tượng [đồng thời] hiển hiện. Giống như [một người] nhìn một vật đang ở trước mặt kính trong sáng, và thấy ảnh tượng [của vật đó], rồi cho rằng có một ảnh tượng khác biệt với vật đó. Tương tự, khi tâm sinh khởi, hình như có một đối tượng [của sự quán sát] khác với tâm cũng đang sinh khởi.

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, như các hữu tình đang hồn nhiên an trụ trong những ảnh tượng của tâm [thức], chẳng hạn như hình sắc, v.v… Những thứ đó cũng không khác biệt với tâm [thức] hay sao?”

Đức Phật trả lời: “Cũng không khác biệt. Thế nhưng phàm phu, vì những hiểu biết điên đảo, đối với các ảnh tượng [của tâm thức] không thể hiểu biết như thật rằng [những ảnh tượng đó] chỉ là tâm thức, do đó mới nhận thức sai lầm.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào gọi là Bồ tát chuyên tâm tu tập tỳ bát xá na?”

Đức Phật trả lời: “Nếu [người đó] thường chuyên tâm tác ý tư duy về hành tướng của tâm8.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào gọi là Bồ tát chuyên tâm tu tập xa ma tha?”

Đức Phật trả lời: “Nếu [người đó] thường chuyên tâm tác ý tư duy về tâm thức không bị gián đoạn (vô gián tâm).”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào gọi là Bồ tát tu tập xa ma tha (chỉ) tỳ bát xá na (quán) song vận?”

Đức Phật trả lời: “Nếu [người đó] chân chánh tư duy về tâm nhất cảnh tính.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào gọi là hành tướng của tâm?”

Đức Phật trả lời: “Đó là những ảnh tượng có phân biệt [đối tượng của tam ma địa], trong sự tu tập tỳ bát xá na.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào là tâm thức không bị gián đoạn?”

Đức Phật trả lời: “Nghĩa là tâm thức tập trung vào những ảnh tượng [đang là] đối tượng của xa ma tha.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào là tâm nhất cảnh tính?”

Đức Phật trả lời: “Nghĩa là thấu hiểu rằng ảnh tượng, đối tượng của tam ma địa, chỉ là do [tâm] thức biến hiện; hoặc giả, sau khi đã thấu hiểu điều này, bèn tư duy về chân như.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, tỳ bát xá na có mấy loại?”

Đức Phật trả lời: “Nói sơ lược, có ba loại. Một là tỳ bát xá na hữu tướng, hai là tỳ bát xá na tìm cầu, ba là tỳ bát xá na quán xét.

“Thế nào gọi là tỳ bát xá na hữu tướng? Nghĩa là [tỳ bát xá na] chuyên tâm quán sát những ảnh tượng đang là đối tượng của tam ma địa.

“Thế nào gọi là tỳ bát xá na tìm cầu? Nghĩa là [tỳ bát xá na], dùng trí tuệ tư duy để thấu hiểu những gì chưa được thấu hiểu.

“Thế nào gọi là tỳ bát xá na quán xét? Nghĩa là [tỳ bát xá na] dùng trí tuệ tác ý tư duy, để thấu hiểu triệt để những gì đã thấu hiểu, hầu đạt được sự giải thoát.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, xa ma tha có mấy loại?”

Đức Phật trả lời: “Nên biết trong đây, tùy vào tâm không gián đoạn, có ba loại9.

“Lại có tám loại, nghĩa là từ Sơ thiền cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, mỗi cõi có một xa ma tha riêng biệt.

“Lại có bốn loại, nghĩa là bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả, mỗi loại có một xa ma tha riêng biệt.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Ngài có nói đến xa ma tha tỳ bát xá na phù hợp với giáo nghĩa, và xa ma tha tỳ bát xá na không phù hợp với giáo nghĩa. Thế nào là xa ma tha tỳ bát xá na phù hợp với giáo nghĩa? Thế nào là xa ma tha tỳ bát xá na không phù hợp với giáo nghĩa?”

Đức Phật trả lời: “Nếu Bồ tát y cứ vào giáo nghĩa đã tư duy, tu tập chứng đắc xa ma tha tỳ bát xá na, đây gọi là xa ma tha tỳ bát xá na phù hợp với giáo nghĩa.

“Nếu Bồ tát không chịu tư duy giáo nghĩa đã học tập, mà lại y cứ vào những giáo nghĩa khác để tu tập chứng đắc xa ma tha tỳ bát xá na, chẳng hạn như quán sát tướng bầm xanh, tướng rữa nát, v.v…, hoặc quán tất cả hành tướng đều là vô thường, hoặc quán Niết bàn rốt ráo tịch tĩnh, những loại xa ma tha tỳ bát xá na như vậy, gọi là xa ma tha tỳ bát xá na không phù hợp với giáo nghĩa. Do sự y cứ vào giáo nghĩa để chứng đắc xa ma tha tỳ bát xá na, ta phán định các Bồ tát tùy pháp hành là hạng lợi căn. Do sự không y cứ vào giáo nghĩa mà chứng đắc xa ma tha tỳ bát xá na, ta phán định những Bồ tát tùy tín hành là hạng độn căn.10

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Ngài có nói đến xa ma tha tỳ bát xá na lấy các pháp riêng biệt làm đối tượng, lại nói đến xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể làm đối tượng. Thế nào gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp riêng biệt làm đối tượng? Thế nào gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể làm đối tượng?

Đức Phật trả lời: “Nếu Bồ tát lấy giáo pháp của một bộ khế kinh, sau khi thọ trì, tư duy, tu tập xa ma tha tỳ bát xá na, đây gọi là lấy pháp riêng biệt làm đối tượng [để tu tập]. Nếu Bồ tát lấy giáo pháp của tất cả khế kinh, tập hợp thành một đoàn, một nhóm, một phần, một tụ, tác ý tư duy tất cả giáo pháp này, tùy thuận chân như, hướng đến chân như, tiến nhập chân như, tùy thuận Bồ đề, tùy thuận Niết bàn, tùy thuận chuyển hóa tâm thức, và hướng đến [các pháp] đó. Nếu tiến nhập tất cả pháp đó, giảng nói vô lượng vô số pháp lành, tư duy tu tập xa ma tha tỳ bát xá na như vậy, gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể làm đối tượng.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, như Ngài nói đến xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể nhỏ làm đối tượng, lại nói đến xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể lớn làm đối tượng, lại nói xa ma tha tỳ bát xá na lấy vô lượng pháp tổng thể làm đối tượng. Thế nào gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể nhỏ làm đối tượng? Thế nào gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể lớn làm đối tượng? Thế nào gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy vô lượng pháp tổng thể làm đối tượng?

Đức Phật trả lời: “Nếu lấy khế kinh khác biệt, cho đến lấy luận nghĩa khác biệt, họp thành một nhóm, v.v…, tác ý tư duy, đây gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể nhỏ làm đối tượng.

“Nếu lấy tất cả giáo pháp của những khế kinh, v.v…, đã thọ trì, đã tư duy, họp thành một nhóm, v.v…, tác ý tư duy, chứ không phải tư duy từng khế kinh, v.v…, khác biệt, đây gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể lớn làm đối tượng.

“Nếu lấy vô lượng giáo pháp của đức Như lai, vô lượng câu, văn, chữ11 của giáo pháp, vô lượng giáo nghĩa đã được chiếu soi bởi trí tuệ, họp thành một nhóm, v.v…, tác ý tư duy, chứ không phải chỉ [tác ý tư duy] những giáo pháp đã thọ trì, đã tư duy, đây gọi là xa ma tha tỳ bát xá na lấy vô lượng pháp tổng thể làm đối tượng.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào gọi là Bồ tát chứng đắc xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể làm đối tượng?”

Đức Phật trả lời: “Bồ tát đầy đủ năm điều kiện thì được gọi là chứng đắc [xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể làm đối tượng]. Một là trong lúc đang tư duy, trong từng sát na sát na, phá trừ chỗ nương tựa của phiền não. Hai là lìa xa các loại vọng tưởng, đắc được pháp lạc. Ba là hiểu rõ vô lượng ánh sáng giáo pháp trong mười phương cõi đều không có sự khác biệt. Bốn là các pháp thanh tịnh, không có tướng phân biệt, tương ứng với sự tu tập thành tựu, thường hiển hiện ở trước. Năm là vì muốn thành tựu viên mãn pháp thân, cho nên nhiếp thọ các giai đoạn tu tập cao hơn, để làm nhân cho sự chuyển hóa tâm thức thù thắng vi diệu.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, từ giai đoạn nào thì gọi là thông đạt, từ giai đoạn nào gọi là chứng đắc xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể làm đối tượng?”

Đức Phật trả lời: “Từ Sơ địa gọi là thông đạt, từ Tam địa gọi là chứng đắc. Trong đây, các Bồ tát sơ học cũng nên theo đó mà học hỏi tu tập, tuy [trình độ tu tập] chưa được khả quan, nhưng cũng không nên biếng nhác, bỏ phế.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, xa ma tha tỳ bát xa na, vì sao gọi là hữu tầm hữu tứ tam ma địa, vì sao gọi là vô tầm duy tứ tam ma địa, vì sao gọi là vô tầm vô tứ tam ma địa?”

Đức Phật trả lời: “Nếu xa ma tha tỳ bát xa na, đối với các đối tượng, nếu có sự lãnh thọ quán sát rõ ràng thô thiển, thì gọi là hữu tầm hữu tứ tam ma địa. Nếu xa ma tha tỳ bát xá na, đối với các đối tượng, tuy không có sự lãnh thọ quán sát rõ ràng thô thiển, nhưng vẫn có những sự lãnh thọ quán sát vi tế, thì gọi là vô tầm duy tứ tam ma địa. Nếu xa ma tha tỳ bát xá na, không có sự tác ý lãnh thọ quán sát đối với các đối tượng, thì gọi là vô tầm vô tứ tam ma địa. Lại nữa, nếu xa ma tha tỳ bát xá na có sự tầm cầu, thì gọi là hữu tầm hữu tứ tam ma địa; nếu xa ma tha tỳ bát xá na có sự quán sát, thì gọi là vô tầm duy tứ tam ma địa; nếu xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể làm đối tượng, thì gọi là vô tầm vô tứ tam ma địa.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào là hành tướng của đình chỉ, thế nào là hành tướng của đề khởi, thế nào là hành tướng của buông xả?”

Đức Phật trả lời: “Nếu tâm bị điệu cử, hoặc sợ tâm bị điệu cử, lúc ấy đem tâm tập trung vào đối tượng không đáng ưa, hoặc tập trung vào tâm không gián đoạn, đây gọi là đình chỉ.

“Nếu tâm bị trầm một, hoặc sợ tâm bị trầm một, lúc ấy tập trung vào đối tượng đáng ưa, hoặc tập trung vào hành tướng của tâm, đây gọi là đề khởi.

“Nếu đang chuyên tâm tu tập xa ma tha, hoặc đang chuyên tâm tu tập tỳ bát xá na, hoặc đang tu tập xa ma tha tỳ bát xá na (chỉ quán) song vận, mà bị hai tùy phiền não (điệu cử và trầm một) làm nhiễm ô, lúc ấy không cần phải gắng sức tập trung, hoặc tập trung vào cái tâm đang nới lỏng, đây gọi là buông xả.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, các Bồ tát tu tập xa ma tha tỳ bát xá na biết giáo pháp, biết giáo nghĩa. Thế nào gọi là biết giáo pháp, thế nào gọi là biết giáo nghĩa?”

Đức Phật trả lời: “Các Bồ tát đó biết rõ giáo pháp do năm tướng: một là biết tên gọi, hai là biết câu, ba là biết văn, bốn là biết riêng biệt, năm là biết tổng thể.

“Thế nào là biết tên gọi? Nghĩa là biết sự giả lập khái niệm về đặc tính của tất cả các pháp nhiễm tịnh. Thế nào là biết câu? Nghĩa là biết sự sắp xếp các tên gọi hầu có thể duy trì và kiến lập ý nghĩa của các pháp nhiễm tịnh. Thế nào là biết văn? Nghĩa là biết các chữ mà tên gọi và câu nương tựa vào. Thế nào là biết riêng biệt? Nghĩa là biết các pháp một cách rời rạc. Thế nào là tổng hợp? Nghĩa là biết tổng thể của các pháp. Như thế, tất cả gộp chung làm một, gọi là biết giáo pháp. Đây gọi là Bồ tát biết giáo pháp.

“Các Bồ tát đó biết rõ giáo nghĩa do mười tướng: một là biết tính tận sở hữu, hai là biết tính như sở hữu, ba là biết nghĩa năng thủ, bốn là biết nghĩa sở thủ, năm là biết nghĩa kiến lập, sáu là biết nghĩa thọ dụng, bảy là biết nghĩa điên đảo, tám là biết nghĩa không điên đảo, chín là biết nghĩa tạp nhiễm, mười là biết nghĩa thanh tịnh.

“Tính tận sở hữu, tức là biên tế của tất cả chủng loại khác biệt của các pháp tạp nhiễm và pháp thanh tịnh, chẳng hạn, năm số cho uẩn, sáu số cho nội xứ (sáu nhập), sáu số cho ngoại xứ (sáu trần), v.v…, và như vậy, tương tự cho tất cả các pháp khác.

“Tính như sở hữu, tức là chân như của tất cả các pháp tạp nhiễm và pháp thanh tịnh. Có bảy loại chân như: Một là lưu chuyển chân như, nghĩa là các hành không có sự bắt đầu và không có sự cùng tận (vô thỉ vô chung). Hai là tướng chân như, nghĩa là tính vô ngã của tất cả hữu tình và của tất cả các pháp. Ba là liễu biệt chân như, nghĩa là tất cả các hành đều chỉ là thức [biến hiện]. Bốn là an lập chân như, nghĩa là khổ thánh đế mà ta đã giảng nói. Năm là tà hạnh chân như, nghĩa là tập thánh đế mà ta đã giảng nói. Sáu là thanh tịnh chân như, nghĩa là diệt thánh đế mà ta đã giảng nói. Bảy là chánh hành chân như, nghĩa là đạo thánh đế mà ta đã giảng nói.

“Nên biết, trong đây, do lưu chuyển chân như, an lập chân như, tà hạnh chân như mà tất cả hữu tình đều bình đẳng bình đẳng; do tướng chân như và liễu biệt chân như mà tất cả các pháp đều bình đẳng bình đẳng; do thanh tịnh chân như mà tất cả Thanh văn bồ đề, Độc giác bồ đề, A nậu đa la tam miệu tam bồ đề đều bình đẳng bình đẳng; do chánh hành chân như mà trí tuệ của sự nghe chánh pháp, lấy cảnh giới tổng thể làm đối tượng, và tu tập xa ma tha tỳ bát xá na thù thắng, đều bình đẳng bình đẳng.

“Nghĩa năng thủ, tức là năm căn, tâm, ý, thức, và các tâm pháp khác. Nghĩa sở thủ, nghĩa là sáu trần. Hơn nữa, nghĩa năng thủ cũng là nghĩa sở thủ.

“Nghĩa kiến lập, tức là trong thế giới vật chất (khí thế giới) có thể kiến lập tất cả thế giới của hữu tình. Chẳng hạn như đất của một thành ấp, của mười thành ấp, của trăm thành ấp, của ngàn thành ấp, của trăm ngàn thành ấp; hoặc một vùng đất lớn, trăm vùng đất lớn, ngàn vùng đất lớn, trăm ngàn vùng đất lớn; hoặc một Nam thiệm bộ châu, trăm Nam thiệm bộ châu, ngàn Nam thiệm bộ châu, trăm ngàn Nam thiệm bộ châu; hoặc một tứ đại châu, trăm tứ đại châu, ngàn tứ đại châu, trăm ngàn tứ đại châu; hoặc một tiểu thiên thế giới, trăm tiểu thiên thế giới, ngàn tiểu thiên thế giới, trăm ngàn tiểu thiên thế giới; hoặc một trung thiên thế giới, trăm trung thiên thế giới, ngàn trung thiên thế giới, trăm ngàn trung thiên thế giới; hoặc một tam thiên đại thiên thế giới, trăm tam thiên đại thiên thế giới, ngàn tam thiên đại thiên thế giới, trăm ngàn tam thiên đại thiên thế giới; hoặc câu chi tam thiên đại thiên thế giới, trăm câu chi tam thiên đại thiên thế giới, ngàn câu chi tam thiên đại thiên thế giới, trăm ngàn câu chi tam thiên đại thiên thế giới; hoặc vô số tam thiên đại thiên thế giới, trăm vô số tam thiên đại thiên thế giới, ngàn vô số tam thiên đại thiên thế giới, trăm ngàn vô số tam thiên đại thiên thế giới; hoặc vô số trăm ngàn vi trần trong một tam thiên đại thiên thế giới – tất cả vô lượng vô số thế giới vật chất ở trong mười phương.

“Nghĩa thọ dụng, tức là như ta đã nói, các loài hữu tình, vì muốn thọ dụng cho nên tích giữ tài vật. “Nghĩa điên đảo, tức là vì tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo12, cho nên đối với các nghĩa năng thủ, v.v…, chấp vô thường là thường, chấp khổ là vui, chấp bất tịnh là tịnh, chấp vô ngã là ngã.

“Nghĩa không điên đảo, tức là trái ngược với [bốn] sự điên đảo vừa nêu trên13, và có thể trừ diệt những sự điên đảo ấy.

“Nghĩa tạp nhiễm, tức là ba loại tạp nhiễm trong ba cõi, một là phiền não tạp nhiễm, hai là nghiệp tạp nhiễm, và ba là thọ sinh tạp nhiễm.

“Nghĩa thanh tịnh, tức là các Bồ đề phần xa lìa sự trói buộc của ba loại tạp nhiễm vừa nêu trên14. Ông nên biết mười tướng vừa nói trên dung nhiếp tất cả các nghĩa.

“Lại nữa, do vì có thể biết rõ năm nghĩa, các Bồ tát được gọi là biết nghĩa. Năm nghĩa nào? Một là biết tất cả sự vật, hai là biết tất cả nghĩa, ba là biết tất cả nhân, bốn là biết tất cả quả, năm là hiểu rõ tất cả những điều này.

“Biết tất cả sự vật, tức là tất cả sự vật đã được biết rõ, tức là các uẩn, hoặc các căn, hoặc các trần, v.v…, tất cả những sự vật đó.

“Biết tất cả nghĩa, tức là tất cả các phẩm loại khác biệt của những cảnh giới cần phải biết rõ, chẳng hạn như thế tục, hoặc thắng nghĩa, hoặc công đức, hoặc lỗi lầm, hoặc duyên, hoặc thời gian, hoặc tướng sinh, hoặc tướng trụ, hoặc tướng diệt, hoặc bệnh, hoặc khổ, hoặc tập, v.v…, hoặc chân như, hoặc thật tế, hoặc pháp giới, v.v…, hoặc rộng rãi, hoặc vắn tắt, hoặc trả lời trực tiếp, hoặc trả lời gián tiếp, hoặc trả lời bằng cách hỏi ngược lại, hoặc trả lời bằng cách im lặng, hoặc ẩn mật, hoặc rõ ràng, tất cả những loại như vậy. Đây gọi là biết tất cả nghĩa.

“Biết tất cả nhân, tức là các Bồ đề phần có thể thấu hiểu hai phần trên (biết tất cả sự vật và biết tất cả nghĩa), tức là [tứ] niệm trụ, hoặc [tứ] chánh cần, v.v…

“Biết tất cả quả, nghĩa là vĩnh viễn đoạn trừ tham sân si, [tu tập] tỳ nại da và vĩnh viễn đoạn trừ tham sân si, chứng đắc bốn sa môn quả, và tất cả công đức thế gian và công đức xuất thế gian, hoặc chung hoặc riêng, của hàng Thanh văn và của Như lai, mà ta đã giảng nói15.

“Hiểu rõ tất cả, tức là sau khi chứng đắc, dùng trí tuệ giải thoát, vì người khác mà giảng nói khéo léo, khai thị rộng rãi. Nên biết năm nghĩa này hàm nhiếp tất cả các nghĩa khác.

“Lại nữa, do vì biết rõ bốn nghĩa, các Bồ tát gọi là biết nghĩa. Bốn nghĩa nào? Một là nghĩa tâm chấp thọ, hai là nghĩa lãnh nạp, ba là nghĩa liễu biệt, bốn là nghĩa tạp nhiễm thanh tịnh. Nên biết bốn nghĩa này dung nhiếp tất cả nghĩa.

“Lại nữa, do vì biết rõ ba nghĩa, các Bồ tát gọi là biết nghĩa. Ba nghĩa nào? Một là nghĩa văn, hai là nghĩa nghĩa, ba là nghĩa giới. Nói nghĩa văn, nghĩa là danh, thân, v.v…

“Nói nghĩa nghĩa, lại có mười loại. Một là tướng chân thật, hai là tướng biến tri, ba là tướng vĩnh đoạn, bốn là tướng tác chứng, năm là tướng tu tập, sáu là tướng phẩm loại khác biệt của các tướng chân thật, v.v…, bảy là tướng phụ thuộc của tướng năng y sở y, tám là tướng của các pháp chướng ngại tướng biến tri, v.v…, chín là tướng của các pháp tùy thuận nhau, mười là tướng công đức và tướng họa hoạn của tướng biến tri và không biến tri.

“Nói nghĩa giới, tức là năm loại giới. Một là khí thế giới, hai là hữu tình giới, ba là pháp giới, bốn là sở điều phục giới, năm là điều phục phương tiện giới. Năm nghĩa như vậy, dung nhiếp tất cả các nghĩa.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, đối với sự thấu hiểu những nghĩa vừa nêu trên, có gì khác biệt giữa sự thấu hiểu bằng trí tuệ do sự nghe pháp, bằng trí tuệ do sự tư duy, hoặc bằng trí tuệ do sự tu tập16 xa ma tha tỳ bát xá na?”

Đức Phật trả lời: “Trí tuệ do sự nghe pháp nương vào văn tự, chỉ y theo lời nói, chưa thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu, tuy hướng đến giải thoát, nhưng chưa hoàn toàn lãnh thọ ý nghĩa của sự giải thoát.

“Trí tuệ do sự tư duy cũng nương tựa vào văn tự, nhưng không chỉ y theo lời nói, mà cũng có thể hiểu được ý nghĩa, dù chưa được rõ ràng; tuy tùy thuận giải thoát, nhưng cũng vẫn chưa hoàn toàn lãnh thọ được ý nghĩa của sự giải thoát.

“Trí tuệ do sự tu tập, nương vào văn tự, mà cũng không nương vào văn tự, y theo lời nói, mà cũng không y theo lời nói, khéo hiểu rõ ẩn ý, những sự hiểu biết [về pháp] đó, như những ảnh tượng mà tam ma địa quán sát, hiển hiện trước mắt; rất tùy thuận giải thoát, và có thể lãnh hội ý nghĩa thành tựu giải thoát. Đây là sự khác biệt giữa ba sự thấu hiểu nêu trên.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, các Bố tát tu tập xa ma tha tỳ bát xá na biết pháp, biết nghĩa, thế nào gọi là trí, thế nào gọi là kiến?”

Đức Phật trả lời: “Ta dùng vô lượng phương pháp giảng nói sự khác biệt giữa trí và kiến. Nay ta sẽ vì ông nói sơ lược hành tướng của chúng. Nếu tu tập xa ma tha tỳ bát xá na lấy pháp tổng thể làm đối tượng mà phát sinh diệu tuệ, đây gọi là trí. Nếu tu tập xa ma tha tỳ bát xá na, lấy pháp riêng biệt làm đối tượng mà phát sinh diệu trí, đây gọi là kiến.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, các Bồ tát tu tập xa ma tha tỳ bát xá na làm thế nào để tác ý, tác những ý nào, làm thế nào để trừ khiển các tướng?”

Đức Phật trả lời: “Do quán sát chân như17 mà trừ khiển tướng pháp và tướng nghĩa. Khi [tâm] không bám víu18 vào tên gọi (danh) hoặc tự tính của tên gọi, mà cũng không quán sát chỗ y cứ của nó, đó gọi là trừ khiển. Tương tự, đối với câu, và chữ cũng trừ khiển như vậy. Cho đến trường hợp của giới, khi tâm không còn bám víu vào giới và tự tính của giới, mà cũng không quán sát chỗ y cứ của nó, thì đó gọi là trừ khiển.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, đối với hành tướng của chân như [đã được thể ngộ], cái hành tướng đó có thể bị trừ khiển hay không?”

Đức Phật trả lời: “Trong cái chân như mà đã Bồ tát đã thể ngộ, không có tướng mà cũng không có bám víu. Như vậy, có gì để trừ khiển? Khi ta nói ‘thấu hiểu ý nghĩa chân như có thể trừ khiển tất cả hành tướng của tất cả pháp nghĩa’, cái sự thấu hiểu này không có pháp nào khác có thể trừ khiển nó.” Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, như Ngài đã nêu các thí dụ là không thể nhìn rõ mặt mình [ảnh hiện] trong một chậu nước bẩn, hoặc trên một mặt kiếng dơ, hoặc trên mặt ao nước đang bị quấy động. Nếu ngược lại với những trường hợp trên, thì có thể thấy được [mặt mình]. Nếu [Bồ tát] không khéo tu tâm, ắt không thể như thật quán sát chân như. Nếu khéo tu tâm thì có thể quán sát. Như vậy, Ngài đang nói về tâm quán sát đó là tâm nào, và chân như được quán sát đó là loại nào?”

Đức Phật trả lời: “Có ba loại tâm có thể quán sát, tức là [tâm] do nghe pháp mà thành tựu, hoặc do tư duy pháp mà thành tựu, hoặc do tu tập pháp mà thành tựu. Còn chân như được quán sát đó là liễu biệt chân như.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, như vậy, các Bồ tát thấu hiểu pháp nghĩa, vì muốn trừ khiển các tướng nên siêng năng tu tập các công hạnh. Có mấy loại tướng khó trừ khiển, và pháp nào có thể trừ khiển chúng?”

Đức Phật trả lời: “Có mười loại tướng [khó trừ khiển], và [tánh] Không có thể trừ khiển chúng.

Mười loại tướng nào?

“Một là do hiểu biết pháp nghĩa, nên có các loại hành tướng của văn tự. Điều này do ‘Nhất thiết pháp không’ có thể trừ khiển.

“Hai là do sự hiểu biết ý nghĩa an lập của chân như, nên có các hành tướng của sự chuyển biến tương tục của sinh, trụ, dị, diệt. Điều này do ‘Tướng không’ và ‘Vô tiên hậu không’ có thể trừ khiển.

“Ba là do sự hiểu biết về nghĩa năng thủ, cho nên có các hành tướng của tham luyến thân mạng và của ngã mạn. Điều này do ‘Nội không’ và ‘Vô sở đắc không’ có thể trừ khiển.

“Bốn là do sự hiểu biết về nghĩa sở thủ, cho nên có các hành tướng của sự tham luyến tài vật.

Điều này do ‘Ngoại không’ có thể trừ khiển.

“Năm là do sự hiểu biết ý nghĩa thọ dụng tương ứng với nam nữ, thừa sự, tài vật, cho nên có các hành tướng an lạc bên trong và thanh tịnh bên ngoài. Điều này do ‘Nội ngoại không’ và ‘Bổn tính không’ có thể trừ khiển.

“Sáu là do sự hiểu biết về nghĩa kiến lập, cho nên có vô lượng hành tướng. Điều này do ‘Đại không’ có thể trừ khiển.

“Bảy là do sự hiểu biết về vô sắc, cho nên có hành tướng của sự tịch tĩnh giải thoát bên trong.

Điều này do ‘Hữu vi không’ có thể trừ khiển.

“Tám là do sự hiểu biết về nghĩa của tướng chân như, cho nên có hành tướng của nhân vô ngã và pháp vô ngã, hoặc là hành tướng của duy thức và hành tướng của thắng nghĩa. Điều này do ‘Tất cánh không’, ‘Vô tính không’, ‘Vô tính tự tính không’ và ‘Thắng nghĩa không’ có thể trừ khiển.

“Chín là do sự hiểu biết về nghĩa của thanh tịnh chân như, cho nên tướng vô vi, tướng không biến dị. Điều này do ‘Vô vi không’, ‘Vô biến dị không’ có thể trừ khiển.

“Mười là do sự quán sát tư duy về tánh Không để đối trị hành tướng, cho nên có hành tướng của tánh Không. Điều này do ‘Không không’ có thể trừ khiển.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, lúc trừ khiển mười hành tướng đó, là trừ khiển những gì, từ hành tướng nào mà được giải thoát?”

Đức Phật trả lời: “Đó là trừ khiển ảnh tượng mà tam ma địa tập trung quán sát. Từ tướng tạp nhiễm mà được giải thoát, và tướng tạp nhiễm cũng bị trừ khiển. Nên biết, từ những ưu thế mạnh hơn mà nói rằng loại Không này trừ khiển loại hành tướng này, nhưng không phải một loại Không [trong các loại Không kể trên] chẳng thể đối trị tất cả hành tướng. Ví như vô minh, không phải không thể sinh khởi các pháp tạp nhiễm khác, chẳng hạn như sinh, cho đến lão tử, thế nhưng, từ ưu thế mạnh hơn cho nên chỉ nói là vô minh sinh ra hành. Đây là vì hành là duyên gần nhất. Đạo lý ở đây cũng tương tự như vậy.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong đây loại Không nào là tổng tính tướng của các loại Không, để cho Bồ tát sau khi hiểu rõ loại Không này, sẽ không đánh mất tính tướng của pháp Không, và đồng thời, xa lìa tính tự phụ.”

Lúc ấy, đức Phật khen Bồ tát Di Lặc: “Lành thay, lành thay. Hôm nay ông có thể hỏi đức Như lai ý nghĩa thâm sâu như vậy, khiến cho các Bồ tát không còn đánh mất tính tướng của pháp Không. Tại sao? Nếu các Bồ tát đánh mất tính tướng của pháp Không, thì sẽ đánh mất tất cả Đại thừa. Cho nên ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói tổng tính tướng. Các Bồ tát phải nên rốt ráo xa lìa biến kế sở chấp tính của tất cả pháp tạp nhiễm [hoặc thanh tịnh] trong y tha khởi tính và trong viên thành thật tính, và trong đây không còn có một sự bám víu nào cả. Đây gọi là tổng tính tướng trong Đại thừa.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, pháp xa ma tha tỳ bát xá na này có thể dung nhiếp bao nhiêu loại thù thắng tam ma địa?”

Đức Phật trả lời: “Như ta đã nói vô lượng Thanh văn, Bồ tát, Phật có vô lượng thù thắng tam ma địa, nên biết xa ma tha tỳ bát xá na dung nhiếp tất cả [tam ma địa đó].”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, pháp xa ma tha tỳ bát xá na này lấy gì làm nhân?”

Đức Phật trả lời: “Pháp xa ma tha tỳ bát xá na này lấy chánh kiến phát sinh từ sự trì giới thanh tịnh, nghe pháp thanh tịnh và tư duy thanh tịnh làm nhân.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, pháp xa ma tha tỳ bát xá na này lấy gì làm quả?”

Đức Phật trả lời: “Pháp xa ma tha tỳ bát xá na này lấy giới luật thanh tịnh, tâm thanh tịnh và tuệ thanh tịnh làm quả. Hơn nữa, nên biết rằng tất cả pháp thiện thế gian, và pháp thiện xuất thế gian của tất cả Thanh văn và tất cả chư Phật đều là thành quả của sự tu tập xa ma tha tỳ bát xá na này.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, pháp xa ma tha tỳ bát xá na này có thể tạo tác những hành nghiệp nào?”

Đức Phật trả lời: “Hành nghiệp của chúng là khiến có thể giải thoát khỏi hai loại trói buộc, tức là thoát khỏi trói buộc của hành tướng và trói buộc của phiền não.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong năm loại trói buộc mà Ngài nói đến, loại nào chướng ngại xa ma tha, loại nào chướng ngại tỳ bát xá na, loại nào chướng ngại cả hai?”

Đức Phật trả lời: “Tham luyến thân mạng, tài sản chướng ngại xa ma tha; không ưa thích tu học thánh giáo chướng ngại tỳ bát xá na; ưa thích lối sống tạp nhạp và lấy sự thành tựu nho nhỏ cho là đủ, chướng ngại cả hai. Do chướng ngại thứ nhất, không thể tiến tu; do chướng ngại thứ hai, không thể tu tập công hạnh rốt ráo.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong năm loại chướng cái (Hán: ngũ cái), mấy loại chướng ngại xa ma tha, mấy loại chướng ngại tỳ bát xá na, mấy loại chướng ngại cả hai?”

Đức Phật trả lời: “Nên biết (1) điệu cử và ác tác chướng ngại xa ma tha; (2) hôn trầm, thụy miên và (3) nghi pháp chướng ngại tỳ bát xá na; (4) tham dục và (5) sân khuể chướng ngại cả hai.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào gọi là sự tu tập xa ma tha được viên mãn thanh tịnh?”

Đức Phật trả lời: “Đến khi nào khéo léo hoàn toàn trừ diệt hôn trầm thụy miên, thì được gọi là sự tu tập xa ma tha được viên mãn thanh tịnh.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào gọi là sự tu tập tỳ bát xá na được viên mãn thanh tịnh?”

Đức Phật trả lời: “Đến khi nào khéo léo hoàn toàn trừ diệt điệu cử ác tác, thì được gọi là sự tu tập tỳ bát xá na được viên mãn thanh tịnh.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, lúc xa ma tha tỳ bát xá na được thành tựu, có bao nhiêu loại tâm tán động mà Bồ tát cần phải biết?”

Đức Phật trả lời: “Nên biết có năm loại. Một là tán động bởi tác ý, hai là tán động ngoài tâm, ba là tán động trong tâm, bốn là tán động bởi cảnh tướng, năm là tán động bởi phiền não.

“Nếu các Bồ tát xả bỏ sự tác ý tương ưng với Đại thừa, mà bị rơi vào sự tác ý tương ưng với Thanh văn Độc giác, thì gọi là tán động bởi tác ý.

“Nếu tâm khởi tùy phiền não trong việc theo đuổi cảnh tướng tạp loạn của năm loại dục lạc vi diệu bên ngoài, hoặc tâm buông thả theo đuổi cảnh tượng bên ngoài, thì gọi là tán động ngoài tâm.

“Nếu do vì hôn trầm, thụy miên, hoặc do trầm một, hoặc do tham luyến mùi vị của tam ma bát đề, hoặc do theo đuổi một tam ma bát đề, mà tâm bị tùy phiền não làm nhiễm ô, thì gọi là tán động trong tâm.

“Nếu đối với những ảnh tượng trong tâm [đối tượng] của đẳng chí, lại tác ý tư duy về những cảnh tướng bên ngoài, thì gọi là tán động bởi cảnh tướng.

“Nếu lúc quán sát nội tâm, sinh khởi những cảm thọ, do vì phiền não nên chấp đó là ngã rồi sinh khởi ngã mạn, thì gọi là tán động bởi phiền não.19

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, pháp xa ma tha tam ma bát đề này, từ Sơ địa cho đến Phật địa, có thể đối trị những chướng ngại nào?”

Đức Phật trả lời: “Ở Sơ địa, pháp xa ma tha tỳ bát xá na này đối trị chướng ngại tạp nhiễm sinh ra bởi nghiệp phiền não trong cõi ác. Ở Nhị địa, đối trị chướng ngại hiện hành bởi sự ngộ phạm giới luật vi tế. Ở Tam địa, đối trị chướng ngại của sự tham dục. Ở Tứ địa, đối trị chướng ngại của sự tham ái thiền định và tham ái giáo pháp. Ở Ngũ địa, đối trị chướng ngại của sự một mực xả bỏ sinh tử, một mực cầu nhập Niết bàn. Ở Lục địa, đối trị chướng ngại của sự xuất hiện của nhiều cảnh tướng. Ở Thất địa, đối trị chướng ngại của sự hiện hành vi tế. Ở Bát địa, đối trị chướng ngại của: (1) đối với vô tướng, vẫn còn tạo tác công dụng, (2) đối với hữu tướng, vẫn còn chưa được tự tại. Ở Cửu địa, đối trị chướng ngại của sự chưa được tự tại đối với tất cả các loại ngôn từ thiện xảo. Ở Thập địa, đối trị chướng ngại của sự chưa chứng được viên mãn pháp thân. Ở Phật địa, đối trị tối cực vi tế phiền não chướng và sở tri chướng.

“Do vì có thể vĩnh viễn diệt trừ các chướng ngại như vậy, cho nên rốt ráo chứng đắc tất cả tri kiến, không chấp trước, không chướng ngại, y vào những sự tu tập mà thành tựu viên mãn mục đích, kiến lập pháp thân tối cực thanh tịnh.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Bồ tát làm thế nào nương tựa vào sự siêng năng tu tập xa ma tha tỳ bát xá na để chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề?”

Đức Phật trả lời: “Bồ tát thành tựu xa ma tha tỳ bát xá na, y cứ vào bảy loại chân như. Đối với giáo pháp đã được nghe và đã tư duy, dùng định tâm thù thắng hướng nội, chân chánh tư duy về chân như đã được khéo thẩm định, khéo tư lường, khéo an lập. Do vì chân chánh tư duy về chân như, đối với sự hiện hành của tất cả hành tướng vi tế còn có thể xả bỏ, huống hồ là những hành tướng thô thiển.

“Hành tướng vi tế, tức là hành tướng mà tâm chấp thọ, hoặc lãnh nạp, hoặc liễu biệt, hoặc những hành tướng tạp nhiễm, thanh tịnh, hoặc hành tướng bên trong, hoặc hành tướng bên ngoài, hoặc hành tướng vừa bên trong vừa bên ngoài, hoặc hành tướng của sự cho rằng ta đang tu hành lợi lạc tất cả hữu tình, hoặc hành tướng của chánh trí, hành tướng của chân như, hoặc hành tướng của khổ tập diệt đạo, hoặc hành tướng hữu vi, hoặc hành tướng vô vi, hoặc hành tướng thường, hoặc hành tướng vô thường, hoặc hành tướng của khổ có tính biến đổi, hoặc hành tướng của khổ không có tính biến đổi, hoặc hành tướng của pháp hữu vi có tướng khác biệt, hoặc hành tướng của pháp hữu vi có tướng đồng nhất, hoặc hành tướng của sự ‘vì biết tất cả cho nên tất cả là có’, hoặc hành tướng của nhân vô ngã, hoặc hành tướng của pháp vô ngã. Tâm có thể xả bỏ những hành tướng như vậy. Bồ tát an trụ lâu dài trong pháp tu tập, thường phải khéo léo tu tập tâm đối trị tất cả các sự trói buộc, chướng cái, tán động.

“Từ đây về sau, đối với bảy loại chân như, có bảy sự khác biệt. Do sự chứng đắc trong tâm, phát sinh trí tuệ thông đạt, đây gọi là kiến đạo. Do chứng đắc kiến đạo, nên gọi là tiến nhập Bồ tát chánh tính ly sinh20, được sinh vào nhà Như lai, chứng đắc Sơ địa.

“Lại có thể thọ dụng công đức thù thắng của địa này. Trước đó, Bồ tát do vì đã thành tựu xa ma tha tỳ bát xá na, cho nên cũng đạt được hai loại tri giác là (1) tri giác về ảnh tượng có phân biệt và (2) tri giác về ảnh tượng không có phân biệt. Bồ tát đó hiện tiền đã chứng được Kiến đạo, cho nên chứng đắc thêm (3) tri giác về sự biên tế21. Lại nữa, trong tất cả các địa về sau, đạo nghiệp càng lúc càng thăng tiến, nghĩa là tác ý tư duy ba tri giác vừa nêu trên.

“Như một người dùng cái nêm nhỏ để tháo cái nêm lớn, tương tự, Bồ tát dùng phương pháp lấy nêm nhỏ tháo nêm lớn này để khiển trừ hành tướng bên trong, khiến cho tất cả hành tướng tùy thuận tạp nhiễm đều bị trừ khiển. Do hành tướng đã bị trừ khiển cho nên phiền não cũng bị trừ khiển, vĩnh viễn diệt trừ phiền não của các hành tướng. Dần dần, trong các địa về sau, Bồ tát đào luyện tâm mình, giống như thợ bạc luyện vàng, cho đến khi chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đạt được mục tiêu mà mình mong muốn thành tựu. Như vậy, Bồ tát do khéo léo tu tập xa ma tha tỳ bát xá na, chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Bồ tát tu tập cách nào để dẫn phát oai đức rộng lớn?”

Đức Phật trả lời: “Nếu Bồ tát khéo biết rõ sáu điều thì có thể dẫn phát oai đức rộng lớn. Một là khéo biết tâm sinh, hai là khéo biết tâm trụ, ba là khéo biết tâm xuất, bốn là khéo biết tâm tăng, năm là khéo biết tâm giảm, sáu là khéo biết phương tiện.

“Thế nào là khéo biết tâm sinh? Nghĩa là biết rõ như thật sự sinh khởi sai biệt của mười sáu hành tâm, thì gọi là khéo biết tâm sinh. Sự sinh khởi sai biệt của mười sáu hành tâm như sau:

“Một là sự sinh khởi của thức dung chứa và chấp trì22, mà sáu thức trước không thể biết được, tức là thức a đà na.

“Hai là sự sinh khởi của thức duyên với các loại hành tướng, tức là ý thức phân biệt lập tức nắm bắt tất cả cảnh giới của sắc, thanh, v.v…, và sự tri giác cảm thọ lập tức nắm bắt cảnh giới trong và ngoài, hoặc ý thức phân biệt, trong khoảnh một niệm nhanh như nháy mắt, có thể nhập vào nhiều loại định, thấy được nhiều cõi Phật, thấy được nhiều đức Phật.

“Ba là sự sinh khởi của thức duyên với cảnh tướng nhỏ, tức là thức của cõi dục.

“Bốn là sự sinh khởi của thức duyên với cảnh tướng lớn, tức là thức của cõi sắc.

“Năm là sự sinh khởi của thức duyên với vô lượng cảnh tướng, tức là thức của Không vô biên xứ và thức của Thức vô biên xứ.

“Sáu là sự sinh khởi của thức duyên với cảnh tướng vi tế, tức là thức của Vô sở hữu xứ.

“Bảy là sự sinh khởi của thức duyên với cảnh tướng biên tế, tức là thức của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

“Tám là sự sinh khởi của thức vô tướng, tức là thức xuất thế gian và thức duyên với sự diệt [độ].

“Chín là sự sinh khởi của thức đi kèm với sự khổ, tức là thức ở cõi địa ngục.

“Mười là sự sinh khởi của thức đi kèm với tạp thọ, tức là thức của cõi Dục.

“Mười một là sự sinh khởi của thức đi kèm với sự hoan hỷ, tức là thức của cõi Sơ thiền và Nhị thiền.

“Mười hai là sự sinh khởi của thức đi kèm với sự an lạc, tức là thức của cõi Tam thiền.

“Mười ba là sự sinh khởi của thức đi kèm với sự không khổ không vui, tức là thức của cõi Tứ thiền, cho đến thức của cõi Phi tưởng phi phi tưởng.

“Mười bốn là sự sinh khởi của thức đi kèm với sự nhiễm ô, tức là thức tương ứng với phiền não và tùy phiền não.

“Mười lăm là sự sinh khởi của thức đi kèm với pháp thiện, nghĩa là thức tương ứng với tín, giới, v.v…

“Mười sáu là sự sinh khởi của thức đi kèm với sự vô ký, tức là thức không tương ứng với cả pháp thiện lẫn pháp ác.

“Làm sao biết được tâm an trụ? Tức là như thật biết rõ liễu biệt chân như.

“Làm sao biết được tâm thoát ly? Tức là như thật biết rõ sự thoát ly khỏi hai sự trói buộc: sự trói buộc của cảnh tướng và sự trói buộc của phiền não. Sự hiểu biết này khiến cho tâm thoát ly khỏi hai sự trói buộc đó.

“Làm sao biết được tâm tăng trưởng? Tức là như thật biết rõ tâm có thể đối trị sự trói buộc của của cảnh tướng và phiền não, biết rõ tâm lúc nào tăng trưởng, lúc nào tích tập, hoặc lúc nào tâm được tăng trưởng, lúc nào được tích tập. Đây gọi là khéo tăng trưởng.

“Làm sao biết được tâm tổn giảm? Tức là như thật biết rõ tâm có thể đối trị sự trói buộc của của cảnh tướng và phiền não, biết rõ tâm lúc nào suy thoái, tâm lúc nào tổn giảm, [tâm lúc nào] vừa suy thoái vừa tổn giảm.

“Làm sao khéo biết phương tiện? Tức là như thật hiểu biết về [bát] giải thoát23, [bát] thắng xứ24, và [thập] biến xứ25, về sự tu tập, hoặc trừ khiển.

“Như vậy, các Bồ tát đối với oai đức rộng lớn, hoặc đã dẫn phát, hoặc sẽ dẫn phát, hoặc đang dẫn phát.”

Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, như Ngài có nói trong cảnh giới của Vô y dư niết bàn, tất cả các cảm thọ bị vĩnh viễn trừ diệt không còn tàn dư. Trong đây, những cảm thọ nào bị vĩnh viễn trừ diệt?”

Đức Phật trả lời: “Nói tóm lược, có hai loại cảm thọ bị vĩnh viễn trừ diệt không còn tàn dư. Một là cảm thọ nơi phiền não nương tựa, hai là cảm thọ quả báo của phiền não26.

“Cảm thọ nơi phiền não nương tựa có bốn loại. Một là cảm thọ nơi sắc thân, hai là cảm thọ nơi tâm thức, ba là cảm thọ quả báo trong hiện tại, và bốn là cảm thọ quả báo trong tương lai. Cảm thọ quả báo trong hiện tại, tức là đang cảm thọ; cảm thọ quả báo trong tương lai, tức là trong tương lai, nhân sẽ cảm thọ cảnh giới của quả báo.

“Cảm thọ quả báo của phiền não cũng có bốn loại. Một là cảm thọ của sự nương tựa giữ gìn, hai là cảm thọ tài vật, ba là cảm thọ sự thọ dụng, bốn là cảm thọ sự tham luyến.

“Trong cảnh giới của Hữu y dư niết bàn, tất cả những cảm thọ của những quả báo chưa được viên mãn đều bị trừ diệt. Thường hiển hiện là những cảm thọ được sinh khởi từ ánh sáng trí tuệ [để đối trị với hai cảm thọ nêu trên27], và những cảm thọ của những quả báo đã được viên mãn. Hoặc giả, hai cảm thọ của những quả báo chưa viên mãn và cảm thọ của những quả báo đã viên mãn đều bị trừ diệt, chỉ còn lại cảm thọ được sinh khởi từ ánh sáng trí tuệ.

“Trong cảnh giới vô y dư Niết bàn, lúc bát Niết bàn, cảm thọ được sinh khởi từ ánh sáng trí tuệ cũng bị trừ diệt. Vì thế, ta nói trong cảnh giới của Vô y dư niết bàn, tất cả các cảm thọ bị vĩnh viễn trừ diệt không còn tàn dư.”

Sau khi đức Phật nói xong, Ngài bảo Bồ tát Di Lặc: “Lành thay, lành thay. Hiện nay ông có thể khéo nương tựa con đường tu tập Du già viên mãn cực kỳ thanh tịnh vi diệu, cho nên đã thưa hỏi đức Như lai. Ông đối với pháp tu Du già đã đạt được sự quyết định cực kỳ thiện xảo. Ta đã vì ông mà giảng nói con đường tu tập Du già viên mãn cực kỳ thanh tịnh vi diệu, mà các bậc Chánh đẳng giác trong quá khứ và vị lai cũng đã giảng nói và sẽ giảng nói tương tự như vậy. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đều phải nương tựa vào đây mà tinh tiến dũng mãnh chân chánh tu học.”

Lúc ấy, đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên, bèn nói bài kệ sau:

Trong pháp Du già được giả lập,
Nếu như phóng dật, mất nghĩa lớn,
Nương tựa pháp này, và Du già,
Chân chánh tu tập, được quả Phật.
Thấy có sở đắc, khó thoát ly,
Nếu cho thấy đó là đắc pháp,
Kẻ ấy xa cách pháp Du già,
Giống như khoảng cách trời và đất.
Ngoan cố, không làm lợi chúng sinh,
Giác ngộ xong, siêng lợi hữu tình,
Người trí, siêng tu vô số kiếp,
Được vui tối thắng, lìa tạp nhiễm.
Nếu vì mong cầu mà thuyết pháp,
Gọi là lìa dục, lại cầu dục,
Kẻ ngu, được trân bảo vô giá,
Ngược lại đi làm kẻ ăn mày.
Nên lìa tranh cãi, ồn, hý luận,
Phát khởi tâm tinh tiến bậc thượng,
Vì độ loài trời và thế gian,
Phải nên tu học pháp Du già.

Lúc ấy, Bồ tát Di Lặc lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong pháp môn Giải Thâm Mật, phần này gọi là giáo pháp gì? Con phải phụng trì thế nào?”

Đức Phật trả lời: “Phần này gọi là giáo pháp liễu nghĩa về Du Già. Đối với giáo pháp liễu nghĩa về Du Già này, ông nên phụng trì.”

Lúc đức Phật giảng xong giáo pháp liễu nghĩa Du Già này, trong pháp hội sáu trăm ngàn chúng sinh phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, ba trăm ngàn Thanh văn viễn trần ly cấu, đắc pháp nhãn tịnh, một trăm năm mươi ngàn Thanh văn vĩnh viễn tận trừ phiền não, tâm được giải thoát, bảy mươi lăm ngàn Bồ tát chứng được Quảng đại du già tác ý.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10