KINH GIẢI THÂM MẬT
Samdhinirmocana Sūtra
解深密經

Thích Pháp Chánh hợp dịch

 

Phẩm 2: Đặc tính của thắng nghĩa đế

Tiết 1. Bồ tát Giải Thâm Mật

Lúc ấy, Bồ tát Như Lý Thỉnh Vấn hỏi Bồ tát Giải Thâm Mật: “Thưa Ngài, nghe nói tất cả pháp là bất nhị. Tất cả pháp là bất nhị, thì tất cả pháp là gì, tại sao tất cả pháp là bất nhị?”

Bồ tát Giải Thâm Mật trả lời: “Nói tổng quát, tất cả pháp có hai loại: hữu vi và vô vi1. Trong đây, pháp hữu vi không phải là hữu vi, cũng không phải là vô vi; pháp vô vi không phải là vô vi, cũng không phải là hữu vi.”

Bồ tát Như Lý Thỉnh Vấn lại hỏi: “Tại sao pháp hữu vi không phải hữu vi cũng không phải vô vi, pháp vô vi không phải vô vi cũng không phải hữu vi?”

Bồ tát Giải Thâm Mật trả lời: “ ‘Hữu vi’ là một định nghĩa do đức Phật tạm thời giả lập, do đó, nó chỉ là một sự diễn tả theo khái niệm. Nếu đã là một sự diễn tả theo khái niệm, thì rốt cuộc nó cũng chỉ là một sự diễn tả của những khái niệm khác nhau, không phải chân thật, và như vậy, nó không phải là hữu vi.

“Nếu nói ‘vô vi’, thì cũng bị rơi vào ngôn ngữ. Giả như nói đến bất cứ pháp nào ngoài hai pháp hữu vi và vô vi, thì cũng bị rơi vào cạm bẩy của ngôn ngữ [giống như hai trường hợp trên].

“Nhưng điều này cũng không có nghĩa là không có pháp nào để diễn đạt. Pháp đó là gì? Các bậc thánh, do trí tuệ và chính kiến2, xa lìa ngữ ngôn văn tự, hiện chứng Chánh đẳng giác; vì muốn cho các chúng sinh khác cũng được thể nhập Chánh đẳng giác xa lìa ngữ ngôn văn tự này, cho nên các ngài đã tạm thời thiết lập danh ngôn và đặc tính, và gọi những sự vật nào đó là pháp hữu vi.

“Vô vi cũng là một định nghĩa do đức Phật tạm thời giả lập, do đó, nó cũng là một sự diễn tả theo khái niệm. Nếu đã là một sự diễn tả theo khái niệm, thì rốt cuộc nó cũng chỉ là một sự diễn tả của những khái niệm khác nhau, không phải chân thật, và như vậy, nó không phải là vô vi.

“Nếu nói pháp là hữu vi, thì cũng bị rơi vào ngôn ngữ. Giả như nói đến bất cứ pháp nào ngoài hai pháp vô vi và hữu vi, thì cũng bị rơi vào cạm bẩy của ngôn ngữ [giống như hai trường hợp trên].

“Nhưng điều này không có nghĩa là không có pháp nào để diễn đạt. Pháp đó là gì? Các bậc thánh, do trí tuệ và chính kiến, xa lìa ngữ ngôn văn tự, hiện chứng Chánh đẳng giác; vì muốn cho các chúng sinh khác cũng được thể nhập Chánh đẳng giác xa lìa ngữ ngôn văn tự này, cho nên các ngài đã tạm thời thiết lập danh ngôn và đặc tính, và gọi những sự vật nào đó là pháp vô vi.”

Bồ tát Như Lý Thỉnh Vấn lại hỏi: “Các bậc thánh đã xa lìa ngữ ngôn văn tự, hiện chứng Chánh đẳng giác, làm thế nào có thể giả lập danh ngôn diễn tả pháp hữu vi, vô vi, khiến chúng sinh thấu hiểu, hầu thể nhập Chánh đẳng giác xa lìa ngữ ngôn văn tự?”

Bồ tát Giải Thâm Mật trả lời: “Giả như có một nhà ảo thuật, hoặc đệ tử của ông ấy, ở nơi ngả tư đường, tập hợp cỏ, lá, gỗ, sỏi đá, v.v…, biến hiện thành những ảo tượng như voi, ngựa, xe, binh lính, ngọc ma ni, chân châu, ngọc lưu ly, xa cừ, ngọc bích, san hô, các loại kho chứa tiền tài, ngũ cốc, v.v…3

“Những chúng sinh ngu si mê muội, tri thức lầm lạc, thiếu sự hiểu biết, cho rằng những ảo tượng voi ngựa, v.v…, mà họ đã thấy rõ ràng chúng được biến hiện, là những sự kiện có thật. Họ bám chặt vào sự nhận thức của mình, và cho rằng chỉ có những gì họ đã nhận thức được là đúng, và tất cả những sự hiểu biết khác đều là sai lầm. Những chúng sinh đó cần phải quán sát lại những gì mà họ đã thấy nghe hiểu biết.

“Những chúng sinh không dốt nát, mê muội, có trí tuệ nhận xét sáng suốt, đối với những sự kiện huyễn hóa vừa nêu trên, biết rằng những gì mình thấy nghe, như voi, ngựa, v.v…, được biến hiện từ cỏ, lá, v.v…, đều không phải sự thật. Họ nhận thức rằng những ảo tượng đó mê hoặc giác quan, biến hiện thành những sự kiện sai khác. Họ không bám víu vào những sự kiện thấy nghe và cho đó là chân thật. Tuy thế, để có thể bày tỏ quan điểm của mình, họ cũng sử dụng ngôn từ để diễn tả. Những chúng sinh này không cần phải quán xét lại những gì mà họ đã thấy nghe hiểu biết.

“Như vậy, nếu chúng sinh ngu muội, chưa chứng được tuệ giác xuất thế gian của bậc thánh, không thể thấu hiểu được chân tướng sự vật siêu vượt phạm vi ngôn ngữ, thì khi họ thấy hoặc nghe pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi, họ bèn nghĩ rằng thật có một pháp hữu vi, hoặc thật có một pháp vô vi. Họ bám vào những gì họ đã thấy nghe hiểu biết, và cho rằng chỉ có những sự kiện đó là chân thật, ngoài ra, tất cả những sự kiện khác đều là sai lầm. Những chúng sinh đó cần phải quán xét lại những gì họ đã thấy nghe hiểu biết.

“Còn những chúng sinh không ngu muội, đã thấy được chân lý, và đã chứng được tuệ giác xuất thế gian của bậc thánh, thấu rõ bản tính chân thật của các pháp siêu vượt phạm vi ngôn ngữ thế gian, thì khi thấy hoặc nghe đến pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi, họ biết không có những pháp hữu vi, hoặc vô vi chân thật, mà chúng chỉ là những hành tướng khởi lên do sự phân biệt, cũng giống như những ảo tượng mê hoặc sự phán xét sáng suốt, khiến cho chúng sinh sinh khởi những ý niệm về hữu vi, hoặc vô vi, hoặc sinh khởi những ý niệm về sự khác biệt giữa pháp hữu vi và pháp vô vi. Họ không bám víu vào những điều mà họ đã thấy nghe hiểu biết, hoặc cho rằng chỉ có những điều đó là sự thật. Để tỏ bày sự hiểu biết của mình, họ cũng sử dụng ngữ ngôn văn tự. Những chúng sinh này không cần phải quán xét lại những gì mà họ đã thấy nghe hiểu biết.

“Hơn nữa, trong những trường hợp như vậy, các bậc thánh y cứ vào trí tuệ và tri kiến, đã xa lìa ngữ ngôn văn tự, chứng đắc tuệ giác xuất thế gian. Sau đó, vì muốn các chúng sinh khác nhận thức được bản thể chân thật siêu vượt ngữ ngôn này, các ngài bèn giả lập danh tướng, gọi đó là pháp hữu vi và pháp vô vi.”

Bồ tát Giải Thâm Mật muốn lặp lại ý nghĩa này, bèn nói bài kệ sau:

Phật nói bất nhị, vượt ngữ ngôn,
Thâm sâu, vượt cảnh giới phàm phu,
Kẻ ngu bị ảo tượng mê hoặc,
Chấp hai bên, hý luận sai lầm.
Rơi vào bất định, hoặc tà định,
Bị trôi lăn sinh tử lâu dài,
Nếu như đi ngược lý bất nhị,
Đời sau sinh làm kiếp trâu dê.

Tiết 2. Bồ tát Pháp Dũng

Lúc ấy, Bồ tát Pháp Dũng bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, phía đông cõi này, quá bảy mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên Cụ Đại Danh Xưng, đức Phật hiệu Quảng Đại Danh Xưng. Con đã từ cõi Phật ấy đến đây.

“Lúc đang ở đó, con đã từng thấy một nơi có bảy mươi bảy ngàn ngoại đạo[note] Ngoại đạo (Tīrthika): chỉ cho tất cả các giáo phái không phải Phật giáo. Có năm lỗi khiến ngoại đạo không thể hiểu được thắng nghĩa: một là tự cho mình là đúng, hai là tự phụ, ba là cuồng tín, bốn là hay quy tội cho người khác, và năm là hay tranh cãi. (Powers: opinionated, conceit, exaggerated adherence, imputation, and argumentativeness). [/note] và các bậc sư trưởng của họ tụ tập với nhau để khảo sát về đặc tính của thắng nghĩa đế4. Bọn họ cùng nhau suy ngẫm, quán xét, truy cầu, nhưng vẫn không tìm được ý nghĩa chân thật của thắng nghĩa đế. Chung quy, chỉ là một hỗn tạp của những sự giải thích khác biệt, mâu thuẫn, lệch lạc, cho nên bọn họ trở nên xung đột, tranh cãi, mồm miệng tuôn ra những lời lẽ ác độc, đâm thọc, mạ lỵ để não hại lẫn nhau, sau đó giải tán, mỗi người một nẻo.

“Lúc đó con thầm nghĩ, ‘Sự xuất hiện của một vị Phật trên thế gian quả thật là vi diệu hiếm có; bởi do chư Phật xuất hiện thế gian mà chúng sinh có thể thấu hiểu và chứng ngộ thắng nghĩa đế siêu vượt tất cả cảnh giới của suy tư, nghị luận.’ ”

Đức Phật nói: “Đúng vậy. Quả đúng như lời ông nói. Ta đã chứng ngộ thắng nghĩa đế siêu vượt tất cả cảnh giới của suy tư và nghị luận. Và ta đã giảng giải, trình bày, phân tích, định nghĩa, khiến cho chúng sinh hiểu rõ. Tại sao? Thắng nghĩa đế mà ta đề cập là cảnh giới nội chứng của các bậc thánh, còn suy tư và nghị luận là cảnh giới của những phàm phu ngu muội. Do đó, ông nên biết rằng thắng nghĩa đế siêu vượt tất cả đối tượng của suy tư và nghị luận.

“Thắng nghĩa đế mà ta đề cập không thuộc về cảnh giới hình tướng, còn tư duy và nghị luận thuộc về cảnh giới hình tướng. Do đó, ông nên biết rằng thắng nghĩa đế siêu vượt tất cả đối tượng của tư duy và nghị luận.

“Thắng nghĩa đế mà ta đề cập không thể diễn tả bằng ngữ ngôn, còn tư duy và nghị luận có thể diễn tả bằng ngữ ngôn. Do đó, ông nên biết rằng thắng nghĩa đế siêu vượt tất cả đối tượng của tư duy và nghị luận.

“Thắng nghĩa đế mà ta đề cập không thể biểu thị; còn tư duy và nghị luận có thể biểu thị. Do đó, ông nên biết rằng thắng nghĩa đế siêu vượt tất cả đối tượng của tư duy và nghị luận.

“Thắng nghĩa đế mà ta đề cập dứt tuyệt mọi sự tranh luận, còn tư duy và nghị luận thuộc về phạm vi tranh luận. Do đó, ông nên biết rằng thắng nghĩa đế siêu vượt tất cả đối tượng của tư duy và nghị luận.

“Ví như5 có người, suốt đời đã quen với các mùi vị cay đắng, không thể suy tư, so sánh, tin tưởng những mùi vị thơm ngọt của đường và mật.

“Những người, trong thời gian lâu dài, đã quen thói tham nhiễm, bị lửa tham dục thiêu đốt, không thể suy tư, so sánh, tin tưởng cảnh giới an lạc tịch tĩnh, do nội tâm đã diệt trừ ngũ dục, của các bậc thánh.

“Những người, trong thời gian lâu dài, đắm mê ngôn từ, ưa thích lời lẽ văn hoa, không thể suy tư, so sánh, tin tưởng cảnh giới nội tâm an lạc tịch tĩnh của các bậc thánh.

“Những người, trong thời gian lâu dài, bám víu vào những biểu thị của sự thấy, nghe, hiểu, biết, đam mê những biểu thị của thế gian, không thể suy tư, so sánh, tin tưởng cảnh giới Niết bàn, đã rốt ráo trừ diệt ngã kiến, cùng tất cả những biểu thị.

“Những người, trong thời gian lâu dài, quen thói tranh cãi liên quan đến ngã và ngã sở, ưa thích sự tranh luận thế gian, không thể suy tư, so sánh, tin tưởng sự kiện không có vấn đề tranh cãi liên quan đến ngã và ngã sở của châu Bắc Câu Lô. Bởi thế, ông nên biết rằng những người ưa thích tranh luận không thể suy tư, so sánh, tin tưởng thắng nghĩa đế siêu vượt tất cả những đối tượng của tư duy và nghị luận.”

Lúc ấy, đức Phật muốn lặp lại ý nghĩa này, bèn nói bài kệ sau:

Cảnh giới nội chứng, không hành tướng,
Không thể diễn đạt, không biểu thị,
Thắng nghĩa đế dứt trừ tranh luận,
Siêu vượt hành tướng của tư nghì.

Tiết 3. Bồ tát Thiện Thanh Tịnh Tuệ

Lúc ấy, Bồ tát Thiện Thanh Tịnh Tuệ bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, ngài giảng giải vấn đề [thắng nghĩa đế] này thật là tuyệt diệu. Đặc tính của thắng nghĩa đế mà ngài đề cập quả thật vô cùng nhỏ nhiệm sâu xa, thật khó thấu hiểu, siêu vượt tất cả những khía cạnh đồng nhất và khác biệt của tất cả các pháp.

“Con đã từng thấy có một nhóm Bồ tát, đang tu tập giai vị ‘tín hành địa6, tụ họp tại một nơi, bàn luận về sự đồng nhất hoặc khác biệt giữa thắng nghĩa và các hành. Có một số Bồ tát cho rằng không có sự khác biệt giữa thắng nghĩa và các hành, một số cho rằng không phải thắng nghĩa đồng nhất với các hành, mà thắng nghĩa khác biệt với các hành. “Có một số khác do dự, nghi ngờ, nói rằng không biết ai đúng, ai sai, ai tu tập đúng lý, ai tu tập không đúng lý, trong khi một số cho rằng thắng nghĩa đồng nhất với các hành, một số khác lại cho rằng thắng nghĩa khác biệt với các hành.

“Thấy thế, con bèn nghĩ rằng ‘Những vị này thật là ngu muội. Họ không sáng suốt, không tốt, không tu tập đúng lý, không thể hiểu rằng thắng nghĩa đế vô cùng nhỏ nhiệm thâm sâu, siêu vượt tất cả sự đồng nhất và khác biệt của các hành.’ ”

Đức Phật nói: “Quả đúng như lời ông nói. Bọn họ thật là ngu muội. Bọn họ không sáng suốt, không tốt, không tu tập đúng lý, không thể hiểu rằng thắng nghĩa đế vô cùng nhỏ nhiệm thâm sâu, siêu vượt tất cả sự đồng nhất và khác biệt của các hành. Tại sao? Bởi vì những kẻ tu tập giống như bọn họ, không thể thấu hiểu, mà cũng không thể chứng ngộ thắng nghĩa đế.

“Tại sao? Nếu thắng nghĩa đế hoàn toàn không khác biệt với các hành, thì tất cả chúng sinh đều đã thấy được thắng nghĩa, và tất cả chúng sinh cũng đã chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng, hoặc giả, tất cả chúng sinh cũng đều đã chứng đắc Vô thượng Bồ đề.

“Nếu thắng nghĩa đế hoàn toàn khác biệt với các hành, những kẻ đã kiến đế không thể trừ diệt các hành. Nếu không thể trừ diệt các hành, họ sẽ bị hành tướng trói buộc, không được giải thoát. Nếu những kẻ kiến đế, trong trường hợp này, bị trói buộc bởi hành tướng không được giải thoát, họ cũng sẽ bị phiền não7 trói buộc. Bởi vì không được giải thoát khỏi hai sự trói buộc này, những kẻ kiến đế sẽ không thể chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng, hoặc không thể chứng đắc Vô thượng Bồ đề.

“Thế nhưng, hiện nay không phải tất cả chúng sinh đều đã kiến đế, không phải tất cả chúng sinh đều đã chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng, cũng không phải tất cả chúng sinh đều đã chứng đắc Vô thượng Bồ đề, cho nên, nếu cho rằng thắng nghĩa đế hoàn toàn không khác biệt với các hành thì đây là điều phi lý.

“Lại nữa, hiện nay, không phải những kẻ kiến đế không thể trừ diệt các hành, mà trái lại, họ đã trừ diệt được; không phải họ không thể giải thoát khỏi sự trói buộc của hành tướng, mà trái lại, họ đã giải thoát được; không phải họ không thể giải thoát khỏi sự trói buộc của phiền não, mà trái lại, họ đã giải thoát được. Và bởi vì đã giải thoát khỏi hai sự trói buộc, cho nên họ có thể chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng, và cũng có thể chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Bởi thế, nếu cho rằng thắng nghĩa đế hoàn toàn khác biệt với các hành, thì đây là điều phi lý.

“Nếu thắng nghĩa đế hoàn toàn không khác biệt với các hành, thì khi các hành trở thành tạp nhiễm, thắng nghĩa đế cũng phải trở thành tạp nhiễm. Nếu thắng nghĩa đế hoàn toàn khác biệt với các hành, thì đặc tính chung8 của các hành không thể là đặc tính của thắng nghĩa đế. Thế nhưng, hiện nay thắng nghĩa đế không trở thành tạp nhiễm, và đặc tính chung của các hành cũng là đặc tính của thắng nghĩa đế, cho nên không thể nói rằng thắng nghĩa đế hoàn toàn đồng nhất với các hành, hoặc thắng nghĩa đế hoàn toàn khác biệt với các hành.

“Nếu thắng nghĩa đế hoàn toàn không khác biệt với các hành, thì đặc tính của thắng nghĩa đế tiềm tàng trong các hành không có sự sai biệt, và như vậy, tất cả các hành tướng cũng không có sự sai biệt. Nếu như thế, các hành giả tu tập quán sát các hành, sau khi thấy, nghe, hay, biết, không còn cần phải tìm cầu hành tướng của thắng nghĩa đế.

“Nếu thắng nghĩa đế hoàn toàn khác biệt với các hành, thì những sự tu tập đạt đến vô ngã và vô tự tính sẽ không phải là đặc tính của thắng nghĩa đế. Hơn nữa, nếu thắng nghĩa đế và các hành hoàn toàn khác biệt, chúng phải được thành lập như hai cá thể riêng biệt là thanh tịnh và tạp nhiễm.

“Thế nhưng, hiện nay tất cả các hành tướng đều có sự sai khác, không phải hoàn toàn không khác biệt, và các hành giả tu tập quán sát các hành, sau khi thấy, nghe, hay, biết, vẫn phải tìm cầu hành tướng của thắng nghĩa đế. Vả lại, những sự tu tập đạt đến vô ngã và vô tự tính đều được gọi là đặc tính của thắng nghĩa đế. Và hơn nữa, tạp nhiễm và thanh tịnh sẽ không thể đồng thời được thành lập như hai cá thể khác biệt. Cho nên, không thể cho rằng thắng nghĩa đế và các hành là hoàn toàn không khác biệt, hoặc là hoàn toàn khác biệt.

“Ví như, khó có thể nói rằng màu trắng của vỏ ốc là một hay khác với vỏ ốc. Tương tự cho màu hoàng kim của vàng. Lại nữa, khó có thể nói rằng âm điệu tuyệt mỹ của tiếng đàn là một hay khác với tiếng đàn. Khó có thể nói rằng mùi thơm của trầm đen là một hay khác với trầm đen. Khó có thể nói rằng mùi cay của hồ tiêu là một hay khác với hồ tiêu. Tương tự với mùi cay của hồ tiêu, vị bùi nơi trái bơ cũng vậy. Khó có thể nói rằng sự láng mịn của lụa đâu la miên là một hay khác với lụa đâu la miên. Khó có thể nói rằng đề hồ được biến chế từ thục tô là một hay khác với thục tô. Cũng vậy, khó có thể nói rằng tính vô thường của các hành là một hay khác với các hành, tính khổ của các pháp hữu lậu là một hay khác với các pháp hữu lậu, và tính vô ngã của tất cả các pháp là một hay khác với tất cả các pháp. Hơn nữa, khó có thể nói rằng hành tướng động loạn và tạp nhiễm của tính tham là một hay khác với tính tham; hai trường hợp sân và si cũng giống như vậy. Tương tự, không thể nói rằng hành tướng của thắng nghĩa đế là một hay khác với các hành.

“Ta đã chân thật thể ngộ đặc tính của thắng nghĩa đế, rất nhỏ nhiệm, cực kỳ nhỏ nhiệm, rất sâu xa, cực kỳ sâu xa, rất khó thông đạt, cực kỳ khó thông đạt, siêu vượt sự đồng nhất và khác biệt của tất cả các hành. Sau khi thể ngộ, ta đã giảng giải, khai thị, phân tích, định nghĩa, và làm sáng tỏ cho tất cả mọi người.”

Đức Phật muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu trên bèn nói bài kệ sau:

Thắng nghĩa và các hành,
Siêu vượt một và khác,
Nếu phân biệt một, khác,
Đây là sự sai lầm.
Chúng sinh bị hình tướng,
Và phiền não trói buộc,
Cần phải tu chỉ quán,
Mới đạt được giải thoát.

Tiết 4. Trưởng lão Tu Bồ Đề

Lúc ấy, đức Phật hỏi ngài Tu Bồ Đề: “Ông biết có bao nhiêu người có tính tự phụ9, vì bị tính tự phụ chi phối nên đã tự mãn với sự hiểu biết của mình? Ông biết có bao nhiêu người không tự phụ với sự hiểu biết của mình?”

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, con biết có rất ít người không tự phụ với sự hiểu biết của mình. Nhưng con biết có vô lượng vô số người tự phụ với sự hiểu biết của mình.

“Có một lần, con đang ở một nơi tịch tĩnh trong một khu rừng lớn. Khi ấy, có nhiều vị tỳ kheo đang ở gần đó. Vào buổi chiều, con thấy các tỳ kheo lần lượt tụ họp. Mỗi người, y cứ vào thành quả của sự tu tập, trình bày những tâm đắc của mình. Trong nhóm đó, có một số tỳ kheo, do tâm đắc về uẩn, tâm đắc về đặc tính của uẩn, tâm đắc về sự sinh khởi của uẩn, tâm đắc về sự diệt tận của uẩn, tâm đắc về sự chứng ngộ sự diệt tận của uẩn, xác định sự hiểu biết của mình.

“Tương tự như số tỳ kheo tâm đắc về uẩn, có một số khác tâm đắc về xứ, một số khác tâm đắc về duyên khởi, cũng [trình bày sự tâm đắc của mình] giống như vậy. Lại có một số tâm đắc về [tứ] thực10, tâm đắc về đặc tính của thực, tâm đắc về sự sinh khởi của thực, tâm đắc về sự diệt tận của thực, tâm đắc về sự chứng ngộ sự diệt tận của thực, xác định sự hiểu biết của mình.

“Lại có một số tâm đắc về đế (Anh: truths), tâm đắc về đặc tính của đế, tâm đắc sự hiểu biết thấu suốt về đế, tâm đắc về sự vĩnh viễn đoạn trừ của đế, tâm đắc về sự chứng ngộ về đế, tâm đắc về sự tu tập về đế, xác định sự hiểu biết của mình.

“Lại có một số tâm đắc về giới11, tâm đắc về đặc tính của giới, tâm đắc về chủng loại giới, tâm đắc về sự khác biệt của giới, tâm đắc về sự diệt tận của giới, tâm đắc về sự chứng ngộ về sự diệt tận của giới, xác định sự hiểu biết của mình.

“Lại có một số tâm đắc về [tứ] niệm trụ[note] [Tứ] niệm trụ: là thân, thọ, tâm và pháp (nghĩa là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã). (Niệm trụ: Cleary: points of mindfulness; Keenan: stations of recollection; Powers: mindful establishments) [/note], tâm đắc về đặc tính của niệm trụ, tâm đắc về phương cách và đối tượng của niệm trụ, tâm đắc về sự tu tập niệm trụ, tâm đắc về niệm trụ chưa sinh khởi khiến cho sinh khởi, tâm đắc về niệm trụ đã sinh khởi khiến cho an trụ vững chắc không quên, tu tập khiến cho tăng trưởng rộng lớn, xác định sự hiểu biết của mình.

“Tương tự như số tỳ kheo tâm đắc về [tứ] niệm trụ, có một số tỳ kheo khác tâm đắc về [tứ] chánh cần, tâm đắc về [tứ] thần túc, tâm đắc về [ngũ] căn, tâm đắc về [ngũ] lực, tâm đắc về [thất] giác chi, cũng giống như thế.

“Lại có một số tỳ kheo tâm đắc về bát chánh đạo, tâm đắc về phương pháp và đối tượng của bát chánh đạo, tâm đắc về sự tu tập bát chánh đạo, tâm đắc về bát chánh đạo chưa sinh khởi khiến cho sinh khởi, tâm đắc về bát chánh đạo đã sinh khởi khiến cho an trụ vững chắc, tu tập khiến cho tăng trưởng rộng lớn, xác định sự hiểu biết của mình.

“Sau khi nhìn thấy các tỳ kheo ấy, con tự nghĩ thầm: ‘Các vị tỳ kheo này, mỗi người đều y cứ vào sở đắc của sự tu tập mà trình bày các pháp, xác định sự hiểu biết của mình. Rõ ràng các vị tỳ kheo đó đều có tính tự phụ. Bởi vì bị tính tự phụ chi phối, cho nên họ đã không thấu hiểu đặc tính đồng nhất và phổ biến của thắng nghĩa đế.

“ ‘Bởi thế, đức Thế tôn quả thật là tuyệt diệu, Ngài đã khéo giảng giải tỏ tường. Như đức Thế tôn có nói thắng nghĩa đế rất nhỏ nhiệm, cực kỳ nhỏ nhiệm, rất sâu xa, cực kỳ sâu xa, rất khó thông đạt, cực kỳ khó thông đạt, bao hàm đặc tính đồng nhất và phổ biến.’ Các hàng tỳ kheo tu tập Phật pháp, đối với thắng nghĩa đế đồng nhất và phổ biến này còn khó thông đạt, huống hồ là ngoại đạo.”

Lúc ấy, đức Phật nói với ngài Tu Bồ Đề: “Đúng vậy, đúng vậy. Ta đã chân thật hiện chứng thắng nghĩa đế rất nhỏ nhiệm, cực kỳ nhỏ nhiệm, rất sâu xa, cực kỳ sâu xa, rất khó thông đạt, cực kỳ khó thông đạt. Sau khi hiện chứng chánh đẳng giác, ta đã giảng giải, trình bày, khai thị, phân tích, định nghĩa, làm sáng tỏ [vấn đề] cho tất cả mọi người.

“Vì sao? Ta đã chỉ rõ trong tất cả các uẩn, đối tượng12 thanh tịnh tức là thắng nghĩa đế. Ta đã chỉ rõ trong tất cả các xứ, duyên khởi, thực, đế, giới, [tứ] niệm trụ, [tứ] chánh cần, [tứ] thần túc, [ngũ] căn, [ngũ] lực, [thất] giác chi, [bát] chánh đạo, đối tượng thanh tịnh tức là thắng nghĩa đế. Đối tượng thanh tịnh này, trong tất cả các uẩn, là đặc tính đồng nhất, vô sai biệt. Tương tự như trong trường hợp các uẩn, trong tất cả các xứ, cho đến trong tất cả các chi chánh đạo, [đối tượng thanh tịnh] là đặc tính đồng nhất, vô sai biệt. Do đạo lý này, nên biết thắng nghĩa đế tức là đặc tính đồng nhất, vô sai biệt.

“Lại nữa, các tỳ kheo tu tập thiền quán, sau khi đã thông đạt chân như của một uẩn, sự vô ngã của các pháp trong ý nghĩa tuyệt đối, thì họ không cần phải tìm cầu sự thông đạt chân như, cùng sự vô ngã của các pháp trong ý nghĩa tuyệt đối nơi các uẩn khác, hoặc trong các xứ, duyên khởi, [tứ] niệm trụ, [tứ] chánh cần, [tứ] thần túc, [ngũ] căn, [ngũ] lực, [thất] giác chi, [bát] chánh đạo, chân như, thắng nghĩa, v.v…, mà chỉ cần dùng sự tùy thuận vào trí tuệ bất nhị thông đạt chân như vô ngã này làm bàn đạp, kế đến quán sát và thể chứng thắng nghĩa đế phổ biến và đồng nhất. Vì lý do này, nên biết rằng thắng nghĩa đế là phổ biến và đồng nhất.

“Lại nữa, như các uẩn có các tướng khác biệt, các xứ, duyên khởi, thực, đế, giới, niệm trụ, chánh cần, thần túc, căn, lực, giác chi, chánh đạo, v.v…, cũng có các tướng khác biệt. Nếu trí tuệ bất nhị thông đạt chân như vô ngã cũng có các tướng khác biệt, thì chân như thắng nghĩa vô ngã này cũng có nhân, và từ nhân sinh ra. Nếu từ nhân sinh ra thì phải là pháp hữu vi. Nhưng nếu là hữu vi thì không còn là thắng nghĩa. Nếu không phải là thắng nghĩa thì lại phải tiếp tục tìm cầu thắng nghĩa đế.

Cho nên, không thể cho rằng chân như thắng nghĩa vô ngã tính này là có nhân và từ nhân sinh ra, mà pháp hữu vi cũng không phải là thắng nghĩa đế. Nếu đã thể chứng thắng nghĩa đế này thì không phải còn tìm cầu thắng nghĩa đế khác. Trong tất cả mọi thời gian, dù đức Như lai xuất thế, hoặc không xuất thế, các pháp tính đều an trụ, pháp giới đều an lập.

Do đạo lý này mà biết rằng thắng nghĩa đế là phổ biến và đồng nhất. Ví như, trong các hình tướng màu sắc khác biệt, hư không không có hình tướng, không có phân biệt, phổ biến và đồng nhất. Như vậy, trong tất cả các pháp, tính chất khác biệt, hình tướng khác biệt, thắng nghĩa đế là phổ biến và đồng nhất.

Đức Phật muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu trên bèn nói bài kệ sau:
Thắng nghĩa đế phổ biến đồng nhất,
Phật nói không có sự khác biệt,
Người nào thấy có sự khác biệt,
Đó là người tự phụ, ngu si.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10