KINH GIẢI THÂM MẬT
Samdhinirmocana Sūtra
解深密經

Thích Pháp Chánh hợp dịch

 

Phẩm 3: Đặc tính của tâm ý thức

Lúc ấy, Bồ tát Quảng Tuệ bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, Ngài đã đề cập đến các vị Bồ tát thông đạt ý nghĩa bí mật của tâm ý thức. Như vậy là Ngài muốn đề cập đến những vị Bồ tát nào, và định nghĩa những vị Bồ tát đó như thế nào?”

Đức Phật trả lời: “Hay lắm. Ông đã có thể hỏi ta về một vấn đề thâm sâu như vậy. Ông đặt ra câu hỏi này là vì muốn lợi ích an lạc vô lượng chúng sinh. Hơn nữa, bởi vì ông có lòng từ bi đối với thế gian và hàng trời, người, a tu la, v.v…, và muốn cho họ đạt được nghĩa lợi an lạc, cho nên mới nêu lên câu hỏi này. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ giảng rõ ý nghĩa bí mật của tâm ý thức.

“Ông nên biết rằng, trong vòng sinh tử, những loài hữu tình này thác sinh vào những loài hữu tình khác, hoặc trong loài noãn sinh, hoặc trong loài thai sinh, hoặc trong loài thấp sinh, hoặc trong loài hóa sinh, và thân phần của họ trải qua những giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn phát triển, thoạt tiên, tâm và thức chứa đựng tất cả những tiềm năng phát triển, hòa hợp, và tăng trưởng, dựa vào hai loại chấp thọ1. Một là chấp thọ các căn sắc chất và nơi y tựa của chúng. Hai là chấp thọ tập khí phân biệt danh thanh sắc tướng, hý luận ngữ ngôn đàm luận.

Cõi dục và cõi sắc có đủ hai loại chấp thọ này, còn cõi vô sắc thì không có đủ.

“Thức này gọi là thức a đà na, bởi vì nó theo đuổi và nắm giữ thân thể. Nó cũng được gọi là thức a lại da, bởi vì nó được chứa đựng và tiềm ẩn trong thân thể2 trong mọi hoàn cảnh an nguy. Nó cũng được gọi là tâm, vì nó có thể tích tập, tăng trưởng sắc, thanh, hương, vị, xúc, v.v…

“Do thức a đà na làm nơi nương tựa và làm động cơ kiến lập mà sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức sinh khởi. Khi nhãn căn (mắt), và sắc trần tác duyên phát sinh nhãn thức, thì có phân biệt ý thức phát sinh, cùng với nhãn thức đồng thời vận hành trên cùng một đối tượng.

“Tương tự, khi nhĩ, tỵ, thiệt, thân, và đối tượng (thanh, hương, vị, xúc) tác duyên phát sinh nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, và thân thức, thì cũng sẽ có phân biệt ý thức phát sinh, cùng các thức này đồng thời vận hành trên cùng một đối tượng.

“Khi chỉ có một nhãn thức vận hành, thì chỉ có một phân biệt ý thức đồng thời vận hành với nhãn thức. Khi có hai, ba, bốn, và năm thức vận hành, thì cũng chỉ có một phân biệt ý thức đồng thời vận hành với năm thức đó.

“Giống như dòng nước lớn chảy mạnh, nếu có nhân duyên chỉ sinh khởi một ngọn sóng, thì chỉ có một ngọn sóng phát sinh; nếu có nhân duyên sinh khởi hai hoặc nhiều ngọn sóng, thì sẽ có hai hoặc nhiều ngọn sóng phát sinh. Thế nhưng, dòng nước tự nó vẫn tiếp tục chảy mãi, không ngừng nghỉ, không gián đoạn.

“Lại giống như một mặt gương sáng sạch, nếu có nhân duyên hiển hiện một hình ảnh, thì chỉ có một hình ảnh hiển hiện; nếu có nhân duyên hiển hiện hai hoặc nhiều hình ảnh, thì sẽ có hai hoặc nhiều hình ảnh hiển hiện. Thế nhưng, mặt gương tự nó không biến thành hình ảnh, mà công năng hiển hiện hình ảnh của mặt gương cũng không bao giờ cùng tận.

“Tương tự, do thức a đà na, giống như dòng nước lớn chảy mạnh này, làm nơi nương tựa, làm động cơ kiến lập, nếu có nhân duyên sinh khởi một nhãn thức, thì chỉ có một nhãn thức vận hành, nếu có nhân duyên sinh khởi hai cho đến năm thức, thì sẽ có hai cho đến năm thức vận hành.

“Mặc dù các Bồ tát do pháp trụ trí3 làm nơi nương tựa, làm động cơ kiến lập, khéo thấu hiểu ý nghĩa bí mật của tâm ý thức, nhưng chư Như lai vẫn không xem họ là Bồ tát khéo thấu hiểu ý nghĩa bí mật của tâm ý thức.

“Nếu có Bồ tát, như thật quán sát nội tâm, không thấy a đà na, không thấy a đà na thức, không thấy a lại da, không thấy a lại da thức, không thấy sự tích tập, không thấy tâm, không thấy sắc, nhãn căn hoặc nhãn thức, không thấy âm thanh, nhĩ căn, hoặc nhĩ thức, không thấy [mùi] hương, tỵ căn hoặc tỵ thức, không thấy [mùi] vị, thiệt căn hoặc thiệt thức, không thấy thân, xúc [chạm] hoặc thân thức, không thấy pháp, ý căn hoặc ý thức, đây gọi là Bồ tát khéo thấu hiểu thắng nghĩa đế. Như lai phán định họ là Bồ tát khéo thấu hiểu thắng nghĩa đế, và cũng gọi là Bồ tát khéo thấu hiểu ý nghĩa bí mật của tâm ý thức.”

Lúc ấy, đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên bèn nói bài kệ sau:
Thức a đà na rất vi tế,
Tất cả chủng tử như thác lũ,
Ta không giảng nói cho phàm ngu,
Sợ họ phân biệt chấp làm ngã.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10