KINH GIẢI THÂM MẬT
Samdhinirmocana Sūtra
解深密經

Thích Pháp Chánh hợp dịch

 

Phẩm 7: Địa và Ba la mật

Lúc ấy, Bồ tát Quán Tự Tại bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, Ngài đã nói về mười địa của Bồ tát, đó là Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa, và Pháp vân địa. Lại nói Phật địa là địa thứ mười một. Có bao nhiêu loại thanh tịnh, và bao nhiêu phần dung nhiếp tất cả các địa?”

Đức Phật trả lời: “Có bốn loại thanh tịnh, chia làm mười một phần, dung nhiếp tất cả các địa. Nói bốn loại thanh tịnh dung nhiếp tất cả các địa là thế nào? Tăng thượng ý lạc thanh tịnh nhiếp Sơ địa, tăng thượng giới thanh tịnh nhiếp Nhị địa, tăng thượng tâm thanh tịnh nhiếp Tam địa, tăng thượng tuệ thanh tịnh, ở mỗi địa sau càng lúc trở nên thắng diệu, nhiếp Tứ địa cho đến Phật địa. Đó là bốn loại thanh tịnh dung nhiếp tất cả các địa.

“Thế nào gọi là mười một phần dung nhiếp tất cả các địa? Thoạt tiên, Bồ tát trụ trong thắng giải hành địa1, dùng mười pháp hành2, cực kỳ khéo léo tu tập thắng giải nhẫn, vượt qua địa ấy, chứng nhập giai vị chánh tính ly sinh (Sơ địa).

“Các vị Bồ tát đó, tuy đã viên mãn Sơ địa, nhưng đối với các sự phạm giới vi tế, vẫn còn có thể ngộ phạm, chưa thể hành trì [giới luật] chính xác. Do nhân duyên này, sự tu tập Nhị địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Nhị địa.

“Tuy đã viên mãn Nhị địa, nhưng Bồ tát vẫn chưa thành tựu viên mãn đẳng trì đẳng chí của thế gian3, mà cũng chưa viên mãn được văn trì đà la ni. Do nhân duyên này, sự tu tập Tam địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Tam địa.

“Tuy đã viên mãn Tam địa, nhưng vẫn chưa thể phần lớn an trụ trong các Bồ đề phần đã tu tập được, cũng vẫn chưa thể xả bỏ sự tham đắm vào thiền định và giáo pháp4. Do nhân duyên này, sự tu tập Tứ địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Tứ địa.

“Tuy đã viên mãn Tứ địa, nhưng vẫn chưa như thật quán sát đạo lý của các đế, vẫn chưa xả bỏ được tâm một mực nhàm chán sinh tử, hoặc một mực cầu chứng Niết bàn, và hơn nữa, vẫn chưa tu tập được các Bồ đề phần pháp ẩn chứa trong các phương tiện. Do nhân duyên này, sự tu tập Ngũ địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Ngũ địa.

“Tuy đã viên mãn Ngũ địa, nhưng vẫn chưa như thật quán sát sự lưu chuyển sinh tử, và vì còn nhàm chán sinh tử, cho nên phần nhiều vẫn chưa thể an trụ trong chánh niệm vô tướng5 [của sinh tử]. Do nhân duyên này, sự tu tập Lục địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Lục địa.

“Tuy đã viên mãn Lục địa, nhưng phần lớn, vẫn chưa thể an trụ tu tập không gián đoạn, không khiếm khuyết trong chánh niệm vô tướng. Do nhân duyên này, sự tu tập Thất địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Thất địa.

“Tuy đã viên mãn Thất địa, nhưng lúc an trụ trong vô tướng, vẫn chưa thể xả bỏ công dụng, và đối với [hữu] tướng vẫn chưa được tự tại. Do nhân duyên này, sự tu tập Bát địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Bát địa.

“Tuy đã viên mãn Bát địa, nhưng trong việc truyền bá Chánh pháp, vẫn chưa được tự tại đối với các loại ngôn tự, hình tướng, giải thích, và phân biệt6. Do nhân duyên này, sự tu tập Cửu địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Cửu địa.

“Tuy đã viên mãn Cửu địa, nhưng vẫn chưa chứng đắc và cảm nhận được pháp thân viên mãn. Do nhân duyên này, sự tu tập Thập địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Thập địa.

“Tuy đã viên mãn Thập địa, nhưng đối với tất cả cảnh giới biết được, vẫn chưa đạt được cái thấy biết tinh tế không còn vướng mắc, không còn chướng ngại. Do nhân duyên này, sự tu tập Phật địa vẫn chưa được viên mãn. Muốn được viên mãn, Bồ tát lại cần phải siêng năng tu tập để có thể chứng ngộ. Do nhân duyên [tinh tiến tu tập] này, Bồ tát thành tựu viên mãn Phật địa. Do Phật địa viên mãn, nên tất cả địa khác cũng đều viên mãn. Như vậy, mười một phần này dung nhiếp tất cả các địa.”

Bồ tát Quán Tự Tại bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, tại sao Sơ địa được gọi là Cực hỷ địa, nhẫn đến địa cuối cùng được gọi là Phật địa?”

Đức Phật trả lời: “Sơ địa được gọi là Cực hỷ địa, bởi vì Bồ tát thành tựu mục đích vĩ đại, lần đầu tiên chứng được tâm xuất thế gian cho nên sinh lòng vui mừng vô hạn, cho nên được gọi là Cực hỷ địa (hoặc Hoan hỷ địa).

“Nhị địa được gọi là Ly cấu địa, bởi vì Bồ tát xa lìa được những sự phạm giới nhỏ nhiệm.

“Tam địa được gọi là Phát quang địa, bởi vì Bồ tát đắc được tam ma địa và văn trì đà la ni, có thể làm nơi nương tựa cho vô lượng ánh sáng trí tuệ.

“Tứ địa được gọi là Diệm tuệ địa, bởi vì Bồ tát đắc được Bồ đề phần pháp, trí tuệ giống như ngọn lửa, thiêu đốt các phiền não.

“Ngũ địa được gọi là Cực nan thắng địa, bởi vì Bồ tát tu tập Bồ đề phần trong các pháp phương tiện, rất là gian nan khó nhọc mới có thể được tự tại.

“Lục địa được gọi là Hiện tiền địa, bởi vì Bồ tát hiện tại đang quán sát sự lưu chuyển của các hành và sau khi nỗ lực tu tập thì chánh niệm vô tướng mới hiển hiện.

“Thất địa được gọi là Viễn hành địa, bởi vì Bồ tát có thể an trụ lâu dài trong chánh niệm vô tướng không gián đoạn, không khiếm khuyết, và sắp sửa đạt đến giai đoạn [hoàn toàn] thanh tịnh.

“Bát địa được gọi là Bất động địa, bởi vì Bồ tát, từ trong chánh niệm vô tướng đạt đến cảnh giới bất động, và trong cảnh giới hữu tướng, không còn bị các hiện hành phiền não làm động loạn.

“Cửu địa được gọi là Thiện tuệ địa, bởi vì Bồ tát đạt được sự thuyết pháp tự tại trên tất cả mọi khía cạnh, và đã đạt được trí tuệ rộng lớn không còn lỗi lầm.

“Thập địa được gọi là Pháp vân địa, bởi vì pháp thân biến mãn, giống như mây che kín bầu trời, bao trùm thân phiền não [rộng lớn như hư không].

“Địa cuối cùng được gọi là Phật địa, bởi vì Bồ tát đã vĩnh viễn đoạn trừ những phiền não chướng và sở tri chướng cực kỳ nhỏ nhiệm, không còn bị vướng mắc, không còn bị chướng ngại, hoàn toàn giác ngộ đối với tất cả cảnh sở tri.”

Bồ tát Quán Tự Tại bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, có bao nhiêu loại vô minh và bao nhiêu loại phiền não cần phải được đối trị?”

Đức Phật trả lời: “Có hai mươi hai loại vô minh và mười một loại phiền não cần phải được đối trị.

“Trong Sơ địa, có hai loại vô minh, một là vô minh về ngã chấp và pháp chấp, hai là vô minh về sự tạp nhiễm của các cõi ác, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Nhị địa, có hai loại vô minh, một là vô minh về sự ngộ phạm các điều giới vi tế, hai là vô minh về sự không biết rõ nghiệp quả của những hành nghiệp đã gây tạo, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Tam địa, có hai loại vô minh, một là vô minh về lòng tham muốn, hai là vô minh về sự viên mãn của văn trì đà la ni, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Tứ địa, có hai loại vô minh, một là vô minh về sự tham đắm vào thiền định, hai là vô minh về sự tham đắm giáo pháp, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Ngũ địa, có hai loại vô minh, một là vô minh về sự một mực xả bỏ sinh tử, hai là vô minh về sự một mực cầu chứng Niết bàn, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Lục địa, có hai loại vô minh, một là vô minh về sự hiện tiền quán sát sự lưu chuyển của các hành nghiệp, hai là vô minh về nhiều sự hiện hành của hình tướng, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Thất địa, có hai loại vô minh, một là vô minh về sự hiện hành của vô tướng, hai là vô minh về sự quá phần thiên trọng chánh niệm vô tướng, và các phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Bát địa có hai loại vô minh, một là vô minh về phát khởi công dụng đối với vô tướng, hai là vô minh về sự tự tại đối với hữu tướng, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Cửu địa có hai loại vô minh, một là vô minh về sự tự tại đối với vô lượng thuyết pháp, vô lượng pháp, câu, văn, chữ, và tuệ biện tổng trì, hai là vô minh về biện tài vô ngại, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Thập địa có hai loại vô minh, một là vô minh về đại thần thông, hai là vô minh về sự ngộ nhập bí mật vi tế, và những phiền não của chúng, cần phải được đối trị.

“Trong Phật địa có hai loại vô minh, một là vô minh về sự chấp trước cực kỳ vi tế đối với cảnh sở tri, hai là vô minh về sự chướng ngại cực kỳ vi tế, và những phiền não của chúng, cần phải đối trị.

“Do hai mươi hai loại vô minh và mười một loại phiền não này, mà mười một địa được thiết lập. Chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề thì xa lìa tất cả những sự ràng buộc [vừa nêu trên].”

Bồ tát Quán Tự Tại bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác quả thật vô cùng hy hữu, đem đến đại lợi ích, đại quả báo, khiến cho các Bồ tát có thể phá trừ màn lưới vô minh rộng lớn, có thể vượt thoát rừng rậm phiền não, hiện tiền chứng đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, các địa vừa nêu trên được thiết lập bởi bao nhiêu loại thù thắng?”

Đức Phật trả lời: “Có tám loại thù thắng. Một là sự thanh tịnh của ý hướng cao thượng7; hai là sự thanh tịnh của tâm; ba là sự thanh tịnh của lòng bi; bốn là sự thanh tịnh của Ba la mật; năm là sự thanh tịnh của sự được thấy, cúng dường, thừa sự chư Phật; sáu là sự thanh tịnh của sự thành tựu hữu tình; bảy là sự thanh tịnh của sự sinh; và tám là sự thanh tịnh của oai đức. Các sự thanh tịnh này trong Sơ địa triển chuyển gia tăng và càng lúc càng thù thắng cho đến Phật địa. Ngoại trừ Phật địa không có sự thanh tịnh của sự sinh.

“Lại nữa, các công đức trong Sơ địa đều hiện hữu bình đẳng trong các địa trên, nên biết công đức của mỗi địa đều thù thắng, thế nhưng, công đức của các Bồ tát trong mười địa đầu tiên đều có thể bị vượt hơn (hữu thượng), chỉ có công đức của Phật địa là vô thượng.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, tại sao Ngài nói rằng sự thọ sinh của Bồ tát thù thắng hơn sự thọ sinh của bất cứ loài hữu tình nào khác?”

Đức Phật trả lời: “Có bốn nhân duyên. Một là sự thọ sinh của Bồ tát là do sự tích tập thiện căn cực kỳ thanh tịnh, hai là do sức mạnh của định ý, ba là do lòng bi muốn cứu độ hữu tình, bốn là do có khả năng trừ diệt nhiễm ô của chính mình và của kẻ khác.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào Ngài nói các Bồ tát có thể thực thi hạnh nguyện rộng lớn, hạnh nguyện vi diệu, hạnh nguyện thù thắng?”

Đức Phật trả lời: “Có bốn nhân duyên, nghĩa là các Bồ tát có thể khéo biết rõ sự an lạc của Niết bàn, có thể mau chóng chứng đắc Niết bàn, nhưng lại xả bỏ hiện chứng sự an lạc, phát đại nguyện tâm, không duyên vào bất cứ đối tượng nào, không mong cầu bất cứ điều gì, và như thế, vì muốn lợi ích các hữu tình, đã ở trong sinh tử dài lâu, nhận chịu những sự thống khổ kịch liệt. Vì lý do này ta nói các Bồ tát thực thi các hạnh nguyện rộng lớn, hạnh nguyện vĩ đại, hạnh nguyện thù thắng.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Bồ tát có bao nhiêu học xứ cần phải học?”

Đức Phật trả lời: “Nói đơn giản, học xứ của Bồ tát có sáu loại. Đó là bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tiến ba la mật, thiền
định ba la mật, và trí tuệ ba la mật.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong sáu loại học xứ cần phải học, bao nhiêu loại được xếp vào tăng thượng giới học, bao nhiêu loại được xếp vào tăng thượng tâm học, và bao nhiêu loại được xếp vào tăng thượng tuệ học?”

Đức Phật trả lời: “Nên biết ba loại học xứ đầu được xếp vào tăng thượng giới học, thiền định được xếp vào tăng thượng tâm học, và trí tuệ được xếp vào tăng thượng tuệ học. Còn tinh tiến được xếp vào cả ba.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Trong sáu loại học xứ cần phải tu học này, mấy loại được xếp vào tư lương phước đức, mấy loại được xếp vào tư lương trí tuệ?”

Đức Phật trả lời: “Nếu được xếp vào tăng thượng giới học thì sẽ được xếp vào tư lương phước đức. Nếu được xếp vào tăng thượng tuệ học thì sẽ được xếp vào tư lương trí tuệ. Còn tinh tiến và thiền định được xếp vào cả hai loại tư lương.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, sáu loại học xứ này, Bồ tát phải tu học như thế nào?”

Đức Phật trả lời: “Bồ tát tu học từ năm phương diện sau đây: Thứ nhất, thoạt tiên phải có lòng tin hiểu sâu xa đối với giáo pháp Ba la mật đa chân chánh vi diệu trong Bồ tát tạng. Thứ hai, tinh tiến tu tập trí tuệ vi diệu phát sinh từ sự văn, tư, tu mười pháp hành. Thứ ba, giữ gìn tâm Bồ đề trong tất cả mọi tình huống. Thứ tư, gần gũi chân thật thiện tri thức. Thứ năm, tinh tiến tu tập thiện pháp không gián đoạn.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, vì sao số lượng học xứ chỉ có sáu?”

Đức Phật trả lời: “Có hai lý do. Một là lợi ích tất cả hữu tình, hai là đối trị tất cả phiền não. Ba ba la mật đầu lợi ích tất cả hữu tình, ba ba la mật sau đối trị tất cả phiền não.

“Ba ba la mật đầu lợi ích tất cả hữu tình, nghĩa là các Bồ tát, tu tập bố thí, tích chứa tài vật để làm lợi ích hữu tình; tu tập trì giới, không gây tổn hại, bức bách, não loạn, để làm lợi ích hữu tình; tu tập nhẫn nhục, có thể nhẫn thọ những sự tổn hại, bức bách, não loạn do kẻ khác gây ra, để làm lợi ích hữu tình.

“Ba la mật sau đối trị tất cả phiền não, nghĩa là do Bồ tát tu tập tinh tiến, tuy chưa vĩnh viễn hàng phục tất cả phiền não, cũng chưa vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập khí, nhưng vẫn có thể dũng mãnh tu tập các pháp thiện. Các phiền não không thể khuynh động sự tăng trưởng của thiện pháp. Do Bồ tát tu tập thiền định nên vĩnh viễn hàng phục phiền não. Do Bồ tát tu tập trí tuệ nên vĩnh viễn đoạn trừ tập khí.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào mà số lượng của các Ba la mật khác chỉ có bốn?”

Đức Phật trả lời: “Bởi vì bốn Ba la mật sau trợ giúp cho sáu Ba la mật đầu. Các Bồ tát dùng các phương tiện thiện xảo của ba Ba la mật đa đầu nhiếp thọ hữu tình, đưa họ đến những cõi giới thiện lành, cho nên ta nói Phương tiện [thiện xảo] ba la mật đa trợ giúp ba Ba la mật đa đầu.

“Nếu các Bồ tát, trong [khi tu tập] hiện pháp, khởi nhiều phiền não, không thể tu tập miên mật, ý hướng tầm thường, hiểu biết nông cạn, tâm không thể an trụ, đối với Bồ tát tạng, không thể nghe hiểu, không thể khéo tu tập, sự tu tập thiền định không thể dẫn phát trí tuệ xuất thế gian, những kẻ đó chỉ thu thập được chút ít những tư lương phước đức tầm thường kém cỏi; nhưng vì muốn trong đời vị lai, phiền não giảm thiểu, tu tập tinh tiến, cho nên họ đã sinh khởi chánh nguyện, vì thế ta nói Nguyện ba la mật trợ giúp Tinh tiến ba la mật.

“Nếu có Bồ tát, gần gũi thiện tri thức, lắng nghe chánh pháp, tư duy đúng lý, do nhân duyên này, ý hướng tầm thường trở thành ý hướng cao thượng, có thể đạt đến sự thể ngộ vượt bực. Đây gọi là Lực Ba la mật. Do lực lượng này, nội tâm có thể an định, cho nên ta nói Lực ba la mật trợ giúp Thiền định ba la mật.

“Nếu Bồ tát, đối với Bồ tát tạng, đã có thể nghe hiểu, khéo léo tu tập, phát sinh thiền định, đây gọi là Trí ba la mật đa. Do trí tuệ này, có thể dẫn phát trí tuệ xuất thế gian, cho nên ta nói Trí ba la mật trợ giúp Bát nhã ba la mật.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, vì sao Ngài lại giảng nói sáu Ba la mật theo thứ tự như vậy?”

Đức Phật trả lời: “Bởi vì Ba la mật trước làm chỗ y cứ để dẫn sinh Ba la mật sau. Nghĩa là, nếu Bồ tát không còn tham luyến thân mạng tài sản thì có thể thọ trì giới luật thanh tịnh, vì muốn hộ trì giới luật nên tu tập nhẫn nhục, sau khi tu nhẫn nhục thì có thể phát khởi sự tinh tiến, sau khi tinh tiến thì có thể tu tập thiền định, tu tập thiền định đầy đủ thì có thể đạt được trí tuệ xuất thế gian. Vì lý do này, ta đã giảng nói các Ba la mật theo thứ tự như vậy.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, mỗi Ba la mật đa được phân thành mấy loại?”

Đức Phật trả lời: “Mỗi Ba la mật đa được phân thành ba loại. Bố thí có ba loại, một là tài thí, hai là pháp thí, ba là vô úy thí.

“Giới có ba loại, một là giới xa lìa pháp ác, hai là giới tu tập pháp lành, ba là giới lợi ích chúng sinh.

“Nhẫn nhục có ba loại, một là nhẫn sự oán hại, hai là nhẫn sự khổ não, ba là nhẫn sự khảo sát chân lý.

“Tinh tiến có ba loại, một là tinh tiến giống như mặc áo giáp, hai là tinh tiến chuyên tâm tu tập pháp thiện, ba là tinh tiến chuyên tâm lợi ích chúng sinh.

“Thiền định có ba loại, một là thiền định trong trạng thái an lạc, không còn phân biệt, tịch tĩnh, vô cùng tịch tĩnh, không còn tội chướng, đối trị những sự khổ của phiền não; hai là thiền định dẫn phát công đức; ba là thiền định dẫn phát sự lợi ích hữu tình.

“Trí tuệ có ba loại, một là trí tuệ duyên với thế tục đế, hai là trí tuệ duyên với thắng nghĩa đế, ba là trí tuệ lợi ích hữu tình.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, vì nhân duyên nào Ngài nói Ba la mật đa là Ba la mật đa?”

Đức Phật trả lời: “Có năm nhân duyên. Một là không ô nhiễm, hai là không mong cầu, ba là không tội chướng, bốn là không phân biệt, năm là hồi hướng chân chánh. Không ô nhiễm, nghĩa là không bị các pháp trái ngược với các Ba la mật làm ô nhiễm. Không mong cầu, nghĩa là tâm không bị dính mắc với quả báo [dị thục] và sự báo đáp của các Ba la mật. Không tội chướng, nghĩa là các Ba la mật không bị xen lẫn bởi các pháp tạp nhiễm, và các pháp phương tiện không bị sai lạc. Không phân biệt, nghĩa là không y theo ngôn từ mà chấp trước vào các đặc tính của Ba la mật. Hồi hướng chân chánh, nghĩa là đem tất cả công đức tu tập Ba la mật đa đều hồi hướng Vô thượng Bồ đề.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, các pháp nào gọi là trái ngược với Ba la mật đa?”

Đức Phật trả lời: “Nói sơ lược có sáu loại. Một là cho rằng các lạc thú, như là sự vui sướng, dục lạc, tài sản, phú quý, quyền thế, là công đức và ưu điểm8. Hai là tùy tiện buông lung các hành nghiệp của thân, miệng, ý, và thấy đó là công đức và ưu điểm. Ba là không nhẫn nhịn khi bị kẻ khác nhục mạ, và thấy đó là công đức và ưu điểm. Bốn là thấy sự biếng nhác tu tập và sự tham đắm dục lạc là công đức và ưu điểm. Năm là thấy sự sinh hoạt tạp nhạp trong hoàn cảnh ồn náo hỗn loạn là có công đức và ưu điểm. Sáu là thấy những sự thấy, nghe, hay, biết trong ngôn thuyết và hý luận là có công đức và ưu điểm.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, những gì là quả báo của Ba la mật đa?”

Đức Phật trả lời: “Có sáu loại. Một là được tài lợi lớn; hai là thác sinh về cõi lành; ba là được nhiều sự vui sướng, không còn oán đối, không còn bị phá hoại; bốn là làm nhà lãnh đạo; năm là thân không còn bị não hại; sáu là dòng họ vinh hiển.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Những pháp nào khiến cho các Ba la mật đa bị tạp nhiễm?”

Đức Phật trả lời: “Nói sơ lược có bốn loại. Một là không có lòng từ bi, hai là không đúng lý, ba là không có sự miên mật, bốn là không có sự tha thiết. Không đúng lý, nghĩa là đang lúc tu tập một Ba la mật, bỏ phế không chịu tu tập các Ba la mật khác.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, thế nào gọi là phương tiện không thiện xảo?”

Đức Phật trả lời: “Các Bồ tát, lúc đang tu tập các Ba la mật đa lợi ích chúng sinh, nếu chỉ dùng tài vật để làm lợi ích cho họ rồi cho đó là đủ, mà không chịu giúp cho họ xa lìa pháp ác, tu tập pháp lành, thì đây gọi là phương tiện không thiện xảo. Tại sao? Không phải chỉ giúp đỡ chúng sinh như thế, mà cho là đủ.

“Ví như phân bò, dù ít dù nhiều, chung quy cũng không thể làm cho nó có mùi thơm. Như vậy, chúng sinh bị khổ lưu chuyển sinh tử, bổn tính vốn là khổ, không thể đưa họ đến sự an lạc bằng cách tạm thời bố thí tài vật. Chỉ có cách đem họ an trụ trong chánh pháp vi diệu mới được gọi là sự lợi ích chân thật.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Các Ba la mật đa có bao nhiêu sự thanh tịnh?”

Đức Phật trả lời: “Ta không bao giờ nói có sự thanh tịnh nào khác ngoài năm loại (không ô nhiễm, không mong cầu, không tội chướng, không phân biệt, và hồi hướng chân chánh) đã nói ở trên. Thế nhưng, y cứ vào các sự kiện trên, một cách tổng quát và riêng biệt, ta sẽ nói về hành tướng thanh tịnh của các Ba la mật đa.

“Nói tổng quát, có bảy hành tướng thanh tịnh của các Ba la mật đa. Một là không cầu người khác biết đến sự tu tập Ba la mật đa của mình9; hai là sau khi biết rõ các Ba la mật đa, không trở nên thiên vị và cuồng tín; ba là đối với các Ba la mật đa, không sinh tâm nghi ngờ rằng có đạt được Vô thượng Bồ đề hay không; bốn là không bao giờ tự khen mình, hủy báng hoặc xem thường người khác; năm là không bao giờ sinh tâm kiêu mạn hoặc buông lung; sáu là không bao giờ thành tựu được chút ít mà cho là đủ; bảy là không bao giờ vì pháp Ba la mật đa này mà khởi tâm đố kỵ hoặc bỏn sẻn với người khác.

“Nói riêng biệt, cũng có bảy hành tướng thanh tịnh của các Ba la mật đa, nghĩa là Bồ tát tùy thuận tu tập bảy hành tướng thanh tịnh của sự bố thí mà ta đã giảng dạy. Một là bố thí thanh tịnh bằng vật bố thí thanh tịnh, hai là bố thí thanh tịnh bằng sự trì giới thanh tịnh, ba là bố thí thanh tịnh bằng kiến giải thanh tịnh, bốn là bố thí thanh tịnh bằng tâm thanh tịnh, năm là bố thí thanh tịnh bằng lời nói thanh tịnh, sáu là bố thí thanh tịnh bằng trí tuệ thanh tịnh, và bảy là bố thí thanh tịnh bằng cách tẩy trừ các cấu nhiễm. Đây gọi là hành tướng của bảy loại bố thí thanh tịnh.

“Lại nữa, các Bồ tát cần phải, một là biết rõ tất cả luật nghi, tất cả học xứ cần phải học, hai là biết rõ cách thức sám hối thanh tịnh các điều giới đã phạm, ba là trì giới miên mật, bốn là trì giới kiên cố, năm là trì giới chí thiết, sáu là thường tùy thuận giới pháp10, và bảy là tu học tất cả các học xứ. Đây gọi là hành tướng thanh tịnh của bảy loại trì giới.

“Lại nữa, Bồ tát khởi lòng tin sâu đậm đối với quả báo của những hành nghiệp mà mình đã tạo, khi những sự bất lợi xảy đến, không khởi tâm bực tức, thóa mạ, không giận dữ, không hành hung, không khủng bố cũng không sỉ nhục11 [đối phương], không dùng những việc bất lợi để làm hại họ, cũng không oán hận, nếu có người khuyên bảo, không nên làm họ buồn phiền, cũng không đợi người khác đến khuyên bảo12 [mà tự mình nên sửa đổi trước], không phải vì sợ hãi hoặc vì cảm tình mà nhẫn nhục, cũng không phải vì thọ ơn mà nhẫn nhục13. Đây gọi là hành tướng thanh tịnh của bảy loại nhẫn nhục.

“Lại nữa, (1) Bồ tát hiểu rõ tính chất bình đẳng của sự tinh tiến, (2) không phải vì dũng mãnh nỗ lực tinh tiến mà tự cao, (3) hoặc xem thường người khác, (4) đầy đủ đại thế lực, (5) đầy đủ đại tinh tiến, (6) có năng lực dũng mãnh kiên cố, (7) không bao giờ xả bỏ các pháp thiện. Đây gọi là hành tướng thanh tịnh của bảy loại tinh tiến.

“Lại nữa, nếu Bồ tát đắc được tam ma địa thông đạt hữu tướng, tam ma địa viên mãn, tam ma địa câu phần14, tam ma địa vận chuyển, tam ma địa vô sở y, tam ma địa khéo tu trị, và vô lượng tam ma địa tu học Bồ tát tạng. Đây gọi là hành tướng thanh tịnh của bảy loại thiền định.

“Lại nữa, nếu Bồ tát xa lìa hai cực đoan [tăng và giảm]15, tu tập trung đạo thì gọi là trí tuệ. Do trí tuệ này mà biết rõ như thật ý nghĩa của pháp môn giải thoát, nghĩa là ba pháp môn giải thoát: không, vô tướng, vô nguyện. Biết rõ như thật ý nghĩa của tự tính, nghĩa là ba loại tự tính: biến kế sở chấp, y tha khởi và viên thành thật. Biết rõ như thật ý nghĩa của vô tự tính: tướng vô tự tính, sinh vô tự tính và thắng nghĩa vô tự tính. Biết rõ như thật ý nghĩa của thế tục đế, tức là ngũ minh (nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh). Biết rõ như thật ý nghĩa của thắng nghĩa đế, tức là bảy loại chân như. Lại còn phải an trụ phần lớn trong sự vô phân biệt, với một nguyên lý thuần nhất, xa lìa các hý luận, quán sát vô lượng tổng pháp, có thể khéo tu tập thành tựu sự tương ứng với các pháp. Đây gọi là hành tướng thanh tịnh của bảy loại trí tuệ.

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, năm loại nêu trên có những hành nghiệp gì?”

Đức Phật trả lời: “Năm loại vừa nêu trên có năm hành nghiệp. Nghĩa là các Bồ tát, (1) vì không nhiễm ô, cho nên trong hiện pháp, đối với các Ba la mật đa, không hề buông lung, thường chí thiết siêng năng tu tập; (2) vì không mong cầu, cho nên vun trồng nhân tố cho sự không buông lung trong đời vị lai; (3) vì không tội chướng, cho nên có thể chân chánh tu tập các Ba la mật đa cực kỳ viên mãn, cực kỳ thanh tịnh, cực kỳ thành thạo; (4) vì không phân biệt, cho nên mau chóng thành tựu các phương tiện Ba la mật đa thiện xảo; (5) vì hồi hướng chân chánh, cho nên bất luận thác sinh về cõi nào, các Ba la mật đa và những quả báo thiện lành của chúng đều sẽ trở nên vô cùng tận, cho đến khi chứng đạt Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong các Ba la mật mà Ngài đã đề cập, đặc tính nào vĩ đại nhất, đặc tính nào không nhiễm ô, đặc tính nào rực rỡ nhất, đặc tính nào không thể động, đặc tính nào thanh tịnh nhất?”

Đức Phật trả lời: “Tính không nhiễm ô, tính không mong cầu, tính hồi hướng chân chánh là vĩ đại nhất. Tính không tội chướng, tính không phân biệt, không có sự ô nhiễm, cân nhắc sự việc là rực rỡ nhất. Chứng nhập giai vị bất thoái chuyển là không thể động. Thành tựu Thập địa và Phật địa là thanh tịnh nhất.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, vì nhân duyên gì, những quả báo thiện lành của các pháp Ba la mật đa [mà các Bồ tát tu tập được] không cùng tận, và các pháp Ba la mật đa cũng không cùng tận?”

Đức Phật trả lời: “Nếu các Bồ tát tu tập không gián đoạn, thì những thành quả đó sẽ triển chuyển phát sinh không ngừng nghỉ.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, vì sao các Bồ tát tin sâu và ưa thích các Ba la mật đa, hơn là các thành quả tốt đẹp của chúng?”

Đức Phật trả lời: “Có năm nhân duyên. Một, Ba la mật đa là nhân cho sự hỷ lạc tuyệt diệu nhất; hai, Ba la mật đa là nhân cho sự lợi ích rốt ráo cho tất cả chúng sinh; ba, Ba la mật đa là nhân cho những quả báo thiện lành trong đời vị lai; bốn, Ba la mật đa không phải là nơi nương tựa của các pháp tạp nhiễm; năm, Ba la mật đa, rốt ráo, không phải là pháp biến đổi hoại diệt.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Mỗi Ba la mật có mấy loại uy đức thù thắng nhất?”

Đức Phật trả lời: “Mỗi Ba la mật đa có bốn loại uy đức thù thắng nhất. Một là tu tập Ba la mật đa có thể xả bỏ tâm bỏn sẻn, tâm phá giới, tâm phẫn hận, tâm biếng nhác, tâm tán loạn và kiến chấp16; hai là tu tập Ba la mật đa có thể làm tư lương cho Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề; ba là tu tập Ba la mật đa, trong hiện đời, có thể tự lợi ích, đồng thời làm lợi ích tất cả hữu tình; bốn là tu tập Ba la mật đa, trong đời vị lai đạt được vô lượng vô tận những quả báo thiện lành.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, cái gì là nhân, cái gì là quả, cái gì là sự lợi ích của Ba la mật đa?”

Đức Phật trả lời: “Các Ba la mật đa đó, đại bi là nhân, những quả báo thiện lành vi diệu, và sự lợi ích tất cả hữu tình là quả, viên mãn quả vị Vô thượng Bồ đề rộng lớn là sự đại lợi ích.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, nếu các Bồ tát đầy đủ tất cả vô tận tài bảo, thành tựu tâm Đại bi, vì sao trên thế gian hiện nay vẫn có những người bần cùng khốn khổ?”

Đức Phật trả lời: “Đây là do những hành nghiệp tội lỗi của chúng sinh. Các Bồ tát thường ôm lòng lợi ích chúng sinh, và cũng thường đầy đủ vô tận tài bảo, nếu như chúng sinh không bị ác nghiệp của chính họ làm chướng ngại, thì làm gì mà còn có những sự bần cùng trên thế gian này. Ví như loài ngạ quỷ bị sự nóng khát bức bách cơ thể, nhưng khi nhìn biển lớn, đều thấy khô cạn. Đây không phải là lỗi của biển lớn, mà là do nghiệp lực tội lỗi của họ. Như vậy, Bồ tát bố thí tài bảo cũng giống như biển lớn, không có lỗi gì cả, còn chúng sinh, cũng giống như ngạ quỷ, do tự ác nghiệp khiến không hưởng được sự bố thí của Bồ tát.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, do Ba la mật nào mà Bồ tát thấu rõ vô tự tính của tất cả các pháp?”

Đức Phật trả lời: “Do Bát nhã ba la mật đa mà Bồ tát thấu rõ vô tự tính của tất cả các pháp.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Nếu Bát nhã ba la mật đa có thể thấu rõ vô tự tính của các pháp, tại sao lại không thấu rõ tự tính của các pháp?”

Đức Phật trả lời: “Ta chưa bao giờ nói vô tự tính thấu rõ vô tự tính. Vô tự tính tách lìa văn tự, chỉ được thể ngộ trong tâm, nhưng cũng không thể tách lìa văn tự mà có thể giảng nói [về vô tự tính] được.

Cho nên ta nói Bát nhã ba la mật đa có thể thấu rõ vô tự tính.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, Ngài dạy về Ba la mật đa, gần Ba la mật đa, đại Ba la mật đa, thế nào là Ba la mật đa, gần Ba la mật đa, và đại Ba la mật đa?”

Đức Phật trả lời: “Nếu các Bồ tát, trải qua vô lượng thời gian, tu hành các pháp bố thí, v.v…, thành tựu pháp lành, nhưng các phiền não vẫn còn hiện hành, họ chưa thể chế phục phiền não, mà ngược lại bị phiền não chế phục, đây là trong giai đoạn tín hành địa, tín tâm còn yếu, tu tập tín tâm, nên gọi là Ba la mật đa.

“Lại ở trong vô lượng thời gian tu tập bố thí, v.v…, dần dần tăng tiến, thành tựu pháp lành, tuy các phiền não vẫn còn hiện hành, nhưng họ đã có thể chế phục phiền não, mà không bị phiền não chế phục, đây là từ Sơ địa trở lên, gọi là gần Ba la mật đa.

“Lại ở trong vô lượng thời gian tu tập bố thí, v.v…, dần dần tăng tiến, thành tựu pháp lành, tất cả phiền não đều không còn hiện hành, đây là từ Bát địa trở lên, gọi là đại Ba la mật đa.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong các Ba la mật đa, có mấy loại phiền não tùy miên17?”

Đức Phật trả lời: “Nói sơ lược có ba loại. Một là tùy miên hại bạn, nghĩa là trong năm địa trước (Sơ địa đến Ngũ địa). Tại sao? Phiền não hiện hành là bạn trợ giúp của phiền não câu sinh[note] Câu sinh phiền não: là phiền não bẩm sinh, đi kèm với thức thứ bảy (Mạt-na thức 末 那 識), còn gọi là nhậm vận phiền não (任 運煩 惱). Đây là những phiền não được mang theo từ đời trước, do vậy đeo bám rất sâu. Những phiền não này thường được giải trừ trong giai vị Tu đạo (修 道). Ngược lại, những phiền não phát sinh do (trí) phân biệt trong đời này (phân biệt phiền não 分 別 煩 惱), có thể được giải trừ sớm hơn trong giai vị Kiến đạo (見 道). [/note]. Đến giai đoạn này (lên Lục địa) thì [phiền não hiện hành] vĩnh viễn không còn phát khởi nữa, cho nên gọi đó là tùy miên hại bạn.

‘Hai là tùy miên yếu kém, nghĩa là ở Lục địa và Thất địa, phiền não hiện hành trở nên rất nhỏ nhiệm, nếu tu tập đối trị thì chúng sẽ không hiện hành nữa.

“Ba là tùy miên vi tế, nghĩa là từ Bát địa trở lên, các phiền não không còn hiện hành nữa, nhưng vẫn còn sở tri chướng làm nơi nương tựa của chúng.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, các tùy miên này được nêu rõ bởi sự đoạn trừ bao nhiêu loại lỗi lầm18?”

Đức Phật trả lời: “Chỉ do hai loại. Nghĩa là đoạn trừ những lỗi lầm ngoài da, nêu rõ hai loại tùy miên đầu. Lại do đoạn trừ những lỗi lầm trong thịt nêu rõ tùy miên thứ ba. Nếu như đoạn trừ lỗi lầm trong xương19, ta nói Bồ tát đó xa lìa tất cả tùy miên, đạt đến quả vị Phật.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, phải trải qua bao nhiêu vô số kiếp mới có thể đoạn trừ những lỗi lầm đó?”

Đức Phật trả lời: “Phải trải qua ba vô số kiếp, hoặc vô lượng kiếp, nghĩa là số lượng kiếp mà năm, tháng, nửa tháng, ngày đêm, một giờ, nửa giờ, khoảng chốc lát, khoảng nháy mắt, khoảng sát na, v.v…, không thể tính đếm.”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, những phiền não được sinh khởi bởi Bồ tát trong các địa, có đặc tính gì, có lỗi lầm gì, có công đức gì?”

Đức Phật trả lời: “Có đặc tính không nhiễm ô. Tại sao? Các Bồ tát ở trong định của cõi Sơ địa, đã khéo thông đạt tất cả pháp, do nhân duyên này, Bồ tát biết rõ, chứ không phải không biết, mà khởi phiền não, cho nên nói rằng có đặc tính không nhiễm ô. Trong tự thân của Bồ tát đó không phát sinh sự khổ. Vị Bồ tát không lỗi lầm đó sinh khởi phiền não như vậy là để đoạn trừ ‘nguyên nhân sinh khổ’ cho chúng sinh, vì thế mà được vô lượng công đức.”

Bồ tát Quán Tự Tại nói: “Bạch đức Thế tôn, thật là kỳ diệu. Vô thượng Bồ đề có những công đức lợi ích to lớn như thế. Có thể khiến cho một vị Bồ tát [đang còn] sinh khởi phiền não mà vẫn siêu vượt thiện căn của tất cả hữu tình, Thanh văn, Độc giác, huống chi vô lượng các công đức khác [của Bồ tát].”

Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, như Ngài đã nói, dù là Thanh văn thừa, hoặc là Đại thừa, đều chỉ là Nhất thừa. Điều này có ẩn ý gì?”

Đức Phật trả lời: “Như ta, trong Thanh văn thừa, đã giảng nói các loại tự tính của các pháp, chẳng hạn như năm uẩn, hoặc sáu căn, hoặc sáu trần, v.v…, các loại như vậy. Trong Đại thừa, ta cũng giảng nói những pháp đó, đồng một pháp giới, đồng một ý nghĩa sâu xa, cho nên ta không nói các thừa là khác biệt. Nếu như trong đó, hoặc [có người] y cứ vào lời nói mà vọng khởi ý nghĩa khác nhau, một loại ‘tăng’, một loại ‘giảm’; hoặc đối với sự khác biệt giữa các thừa mà cho là ‘đối nghịch nhau’, và như thế, dần dần phát sinh tranh luận. Đây chính là ẩn ý mà ta muốn đề cập đến.”

Lúc ấy, đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên, bèn nói bài kệ sau:

Nội dung các thừa, chỗ đối trị,
Phát nguyện, tu học đều thù thắng,
Y cứ Đại thừa do Phật nói,
Nếu khéo tu tập sẽ thành Phật.
Phật nói giáo pháp đủ các loại,
Dù là thừa thấp, hoặc thừa cao,
Nhưng vì có cùng một ý hướng,
Nên nói các thừa không khác nhau.
Nếu y lời, nghĩa, khởi phân biệt,
Hoặc là tăng thêm, hoặc giảm bớt,
Nói hai thừa này mâu thuẫn nhau,
Vì hiểu sai lạc, khởi tranh cãi.

Lúc ấy, Bồ tát Quán Tự Tại lại hỏi: “Bạch đức Thế tôn, trong pháp môn Giải Thâm Mật, phần này gọi là giáo pháp gì? Con phải phụng trì thế nào?”

Đức Phật trả lời: “Giáo pháp này gọi là giáo pháp liễu nghĩa về Địa và Ba la mật. Đối với giáo pháp liễu nghĩa về Địa và Ba la mật này, ông nên phụng trì.”

Lúc đức Phật giảng xong giáo pháp liễu nghĩa Địa và Ba la mật này, trong pháp hội có bảy mươi lăm ngàn Bồ tát chứng đắc Đại thừa Quang minh Tam ma địa.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10