KINH GIẢI THÂM MẬT
Samdhinirmocana Sūtra
解深密經

Thích Pháp Chánh hợp dịch

 

Phẩm 1: Tựa

Tôi nghe như vầy. Có một thời, đức Thế tôn trụ trong cung điện bao la, được kiến tạo bởi bảy báu trang nghiêm, chói lọi rực rỡ, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp vô biên thế giới.

Cung điện được phân làm vô lượng khu vực, trang sức tuyệt diệu, châu vi không có biên tế, vượt quá ba cõi, trải rộng không thể nghĩ bàn, được tạo lập bởi những thiện căn tối thượng, cực kỳ tự tại, và được hiển hiện bởi tịnh thức vượt quá thế gian.

Đây là nơi an trụ của đức Như lai. Các hàng Đại bồ tát, số lượng nhiều như mây trời, cùng đến tụ hội, và vô số các hàng trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, khẩn na la, ma hầu la già, người và phi nhân cũng đến tham dự.

Đây là nơi tràn đầy mùi vị hoan lạc của chánh pháp, đem đến cho chúng sinh tất cả mọi sự an vui lợi ích, diệt trừ tất cả phiền não, tai ương, ràng buộc ô nhiễm, xa lìa tất cả ma chướng[note] Ma chướng: có bốn loại là phiền não ma, ngũ uẩn ma, thiên ma và tử ma. Bốn loại này gọi là ma bởi vì chúng làm chướng ngại sự tu tập thiện hạnh.[/note].

Đây là nơi an trụ trang nghiêm của đức Như lai, vượt quá tất cả mọi sự trang nghiêm. Đây là con đường của sự tu tập chánh niệm và tuệ giác; là cổ xe chuyên chở tịnh chỉ và diệu quán; là ngưỡng cửa cho đại không, vô tướng, vô nguyện và giải thoát; được trang nghiêm bởi vô lượng công đức, và được kiến lập bởi vô số hoa chúa trân bảo vĩ đại.

Với tuệ giác cực kỳ thanh tịnh, đức Như lai, trong cảnh giới bất nhị, nhập vào giáo pháp vô tướng. Ngài an trụ trong cảnh giới bình đẳng của chư Phật, đạt đến cảnh giới không còn chướng ngại.

Giáo pháp mà Ngài thiết lập, không thể nghĩ bàn, không thể khuynh động, vận hành vô ngại. Thân Ngài biến hiện ở khắp tất cả cõi Phật, du hành nơi pháp tính bình đẳng của quá khứ, hiện tại và vị lai. Trí tuệ của Ngài không còn trì trệ, ngăn ngại đối với tất cả các pháp. Ngài đã thành tựu giác ngộ rộng lớn trong tất cả công hạnh, và đã thấu suốt tất cả các pháp, không còn nghi hoặc.

Những sự hóa hiện của Ngài không thể phân biệt. Trí tuệ của ngài, đối tượng truy cầu của tất cả Bồ tát, đã đạt đến bờ tối thắng của cảnh giới bất nhị của chư Phật. Trí tuệ giải thoát vi diệu của Ngài đã đạt đến cứu cánh, chứng đắc Phật quả bình đẳng, bao trùm tất cả hư không pháp giới, cùng tận vị lai.

Đức Phật được tháp tùng bởi vô lượng đại Thanh văn. Tất cả đều là đệ tử thuần thành, đã chứng được tâm giải thoát và tuệ giải thoát, giữ giới thanh tịnh, tìm cầu pháp lạc, học rộng nghe nhiều, khéo ghi nhớ, khéo suy ngẫm, khéo giảng pháp, khéo tu tập, đã đạt được trí tuệ bén nhạy, trí tuệ nhanh chóng, trí tuệ sâu sắc, trí tuệ cứu độ, trí tuệ quyết đoán thấu đáo, trí tuệ rộng lớn, trí tuệ siêu vượt, thành tựu trí tuệ quý báu, đầy đủ tam minh, đạt đến pháp lạc tối thượng, an trụ trong phước điền rộng lớn, oai nghi tịch tĩnh, thảy đều viên mãn, nhẫn nhục nhu hòa, không còn thoái thất, khéo léo phụng trì giáo pháp của đức Như lai.

Lại có vô lượng chư đại Bồ tát, từ các cõi Phật đều đến tập hội. Các ngài đều an trụ trong Đại thừa, tu tập giáo pháp Đại thừa. Đối với chúng sinh, tâm ý bình đẳng, xa lìa tất cả sự phân biệt, dù đó là sự phân biệt giữa phân biệt và không phân biệt.

Các ngài đã hàng phục tất cả ma oán, xa lìa tất cả ý nguyện tự lợi của các hàng Thanh văn Độc giác, an vui trong pháp vị rộng lớn, vượt thoát năm sự lo sợ[note]Năm sự lo sợ (của những hành giả chưa đạt đến Kiến đạo): (1) sợ sinh hoạt thiếu thốn, (2) sợ tai tiếng, (3) sợ chết, (4) sợ thác

sinh vào cõi ác, (5) sợ oai đức của đám đông. (見道以前之人所起

之五種怖畏:(一)不活畏,(二)惡名畏,(三)死畏,(四)惡道畏,(五)

大眾威德畏),(Powers: (1) fear concerning livelihood, (2) fear of disapproval, (3) fear of death, (4) fear of bad transmigrations, and (5) fear that is timidity when addressing assemblies.)[/note], nhất hướng tiến nhập giai vị bất thoái chuyển, trừ diệt tất cả sự khổ não bức bách cho tất cả chúng sinh.

Các vị đại Bồ tát thượng thủ trong pháp hội là Bồ tát Giải Thậm Thâm Nghĩa Mật Ý (Giải Thâm Mật), Bồ tát Như Lý Thỉnh Vấn, Bồ tát Pháp Dũng, Bồ tát Thiện Thanh Tịnh Tuệ, Bồ tát Quảng Tuệ, Bồ tát Đức Bổn, Bồ tát Thắng Nghĩa Sinh, Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Quán Tự Tại và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10