PHẬT THUYẾT BÁT VÔ HẠ HỮU HẠ KINH
Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn cùng chúng đại Bí-sô và hàng trời, người ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc, trong thành Thất-la-phiệt. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Bí-sô:

–Các ông nên biết! Ở thế gian này có kẻ phàm phu ít nghe, không có trí tuệ, thường nói không nhàn hạ và có nhàn hạ, nhưng họ không hiểu rõ thế nào là không nhàn hạ, thế nào là nhàn hạ. Nay ta sẽ phân biệt chỉ rõ cho các ông được biết. Các ông hãy lắng nghe, suy nghĩ, ghi nhớ thật kỹ. Có các hữu tình muốn sống theo hạnh của bậc Thánh thì khi tu pháp lành có tám sự việc không nhàn hạ để tu tập. Những gì là tám?

Các ông nên biết!

1. Ở thế gian này có Đại Sư ra đời, đó là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, tuyên thuyết pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, diệt trừ tất cả phiền não, có thể hướng đến Bồ-đề, cứu cánh Niết-bàn, diệt sạch các khổ. Trong khi giảng nói pháp ấy, có người đang bị đọa trong địa ngục, chịu đại khổ não. Đây là trường hợp thứ nhất, muốn trụ trong hạnh của bậc Thánh nhưng bị nạn (vô hạ) không thể tu tập được.

2. Này các Bí-sô! Ở thế gian này có Đại Sư ra đời, đầy đủ mười hiệu, tuyên thuyết pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, diệt trừ tất cả phiền não, có thể hướng đến Bồ-đề, cứu cánh Niết-bàn, trừ sạch các khổ. Khi giảng nói pháp ấy, có người đang bị đọa trong loài ngạ quỷ, chịu đại khổ não. Đây là trường hợp thứ hai muốn trụ trong hạnh của bậc Thánh nhưng bị nạn (vô hạ) không tu tập được.

3. Này các Bí-sô! Ở thế gian này có Đại Sư ra đời đầy đủ mười tôn hiệu, tuyên thuyết pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, diệt trừ tất cả phiền não, có thể hướng đến Bồ-đề, cứu cánh Niết-bàn, trừ sạch các khổ. Khi giảng nói pháp này, có người đang bị đọa trong loài bàng sinh, chịu các khổ não. Đây là trường hợp thứ ba muốn trụ trong hạnh của bậc Thánh nhưng bị nạn (vô hạ) không tu tập được.

4. Này các Bí-sô! Ở thế gian này có Đại Sư ra đời, đầy đủ mười hiệu, tuyên thuyết pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, diệt trừ tất cả phiền não, có thể hướng đến Bồ-đề, cứu cánh Niết-bàn, trừ sạch các khổ. Khi giảng nói pháp này, có người sống nơi cõi trời Trường Thọ, không hiểu biết gì cả. Đây là trường hợp thứ tư muốn trụ trong hạnh của bậc Thánh mà bị nạn (vô hạ) không tu tập được.

5. Này các Bí-sô! Ở thế gian này có Đại Sư ra đời đầy đủ mười hiệu, tuyên thuyết pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, diệt trừ tất cả phiền não, có thể hướng đến Bồ-đề, cứu cánh Niết-bàn, tận trừ các khổ. Khi giảng nói pháp này, có người sống nơi biên địa ban khai không biết thiện ác, với bốn chúng của Ta không hay không thấy. Đây là trường hợp thứ năm, muốn trụ trong hạnh của bậc Thánh nhưng bị nạn (vô hạ) không tu tập được.

6. Này các Bí-sô! Ở thế gian này có Đại Sư ra đời đầy đủ mười hiệu, tuyên thuyết pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, phá trừ tất cả phiền não, có thể hướng đến Bồ-đề, cứu cánh Niết-bàn, diệt trừ các khổ. Khi giảng nói pháp này, có người tuy sinh trong đô thị nhưng bị các quả báo ác đui, điếc, câm, ngọng, dùng tay để thay lời nói, với thiện ác không thể phân biệt được. Đây là trường hợp thứ sáu muốn trụ trong hạnh của bậc Thánh nhưng bị nạn (vô hạ) không tu tập được.

7. Này các Bí-sô! Ở thế gian này có Đại Sư ra đời, đầy đủ mười hiệu, tuyên thuyết pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, diệt trừ tất cả phiền não, có thể hướng đến Bồ-đề, cứu cánh Niết-bàn, diệt sạch các khổ. Khi giảng nói pháp này, có người tuy sinh ở đô thị không bị đui, điếc, câm, ngọng, không dùng tay để thay lời nói, hiểu rõ thiện ác, nhưng lại tin theo tà kiến cho rằng: “Không có bố thí và không có người nhận, không có cúng tế, không có nghiệp duyên thiện ác, không có quả báo dị thục, không có đời này đời sau, không có bà con cha mẹ, không có hữu tình hóa sinh, ở thế gian này không có A-lahán chánh thú chánh hạnh, đời này đời khác đối với hiện pháp đã tự giác ngộ, chánh chứng viên mãn, thảy đều thấu tỏ, sự sinh khởi của ta đã tận, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh, không có những việc như vậy.” Vì họ sinh chấp tà kiến. Đây là trường hợp thứ bảy muốn trụ trong hạnh của bậc Thánh nhưng bị nạn (vô hạ) không tu tập được.

8. Này các Bí-sô! Ở thế gian này không có Đại Sư ra đời, không có mười danh hiệu, không nghe pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, không trừ phiền não, không hướng tới Bồ-đề, không đến Niết-bàn, không có khổ não. Có người tuy sinh trong đô thị không bị đui, điếc, câm, ngọng, không dùng tay để thay lời nói, hiểu rõ thiện ác, không sinh tà kiến và nói như vầy: “Có bố thí có thọ nhận, có cúng tế, có nghiệp duyên thiện ác, có quả báo dị thục, có đời này đời sau, có bà con cha mẹ, có hữu tình hóa sinh. Ở thế gian này có bậc A-la-hán chánh thú chánh hạnh, đời này đời khác trong hiện pháp đạt được giác ngộ, chứng được quả viên mãn, tất cả đều hiểu rõ, sự sinh khởi của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh, các pháp này đều có.” Tuy họ sinh chánh kiến nhưng không có phương pháp để hướng dẫn, khai ngộ, đưa đến giải thoát. Đây là trường hợp thứ tám muốn trụ trong hạnh của bậc Thánh nhưng bị nạn (vô hạ) không tu tập được.

Này các Bí-sô! Ở thế gian này có Đại sư ra đời, đầy đủ mười tôn hiệu, tuyên thuyết pháp vi diệu mà chư Phật đã chứng, khéo trừ tất cả phiền não, có thể hướng đến Bồ-đề, cứu cánh Niết-bàn, diệt sạch các khổ. Khi giảng nói pháp ấy, có người sinh trong đô thị, các căn đầy đủ, hiểu rõ thiện ác, cho đến sinh chánh kiến. Các ông nên biết! Người đó tu tập không bị nạn. Các ông đã được sinh trong đô thị, gặp Ta ra đời, được nghe giáo pháp, các căn đầy đủ, hãy nên tinh tấn dũng mãnh, siêng năng tu các điều thiện. Đối với pháp thiện, luật thì phải như lời giảng dạy mà hành trì, lần lượt dạy bảo nhau, lần lượt sám hối với nhau, thường giữ ba nghiệp thanh tịnh, luôn tu mười thiện, đừng làm những việc vô ích mà phải hối hận về sau.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên mà nói kệ:

Ta đã nói xong tám loại nạn
Nguyện chúng sinh, sinh nơi không nạn
Nếu sinh chỗ nạn không nghe kinh
Các vị nhất tâm nghe cho kỹ.
Các khổ não cột đồng núi sắt
Lửa cháy, phân nhơ, rừng đao kiếm
Trong địa ngục phải chịu khổ ấy
Ở đó làm sao nghe chánh pháp?
Cổ như kim, đói khát bức thân
Mưa rơi sông suối thành lửa dữ
Trong ngạ quỷ phải chịu khổ ấy
Ở đó làm sao nghe chánh pháp?
Luôn luôn lo sợ bị giết hại
Cứ muốn lần lượt ăn nuốt nhau
Trong bàng sinh phải chịu khổ ấy
Ở đó làm sao nghe chánh pháp?
Được sinh vào cõi trời Hữu đảnh
Là nhờ phước đức từ đời trước
Sống lâu, hiểu biết không rõ ràng
Ở đó làm sao nghe chánh pháp?
Sinh nơi biên địa không văn minh
Tai không từng nghe tiếng nói pháp
Quê mùa, không biết vùng mọi rợ
Ở đó làm sao nghe chánh pháp?
Do đời trước thân tạo nghiệp ác
Đui, điếc, ngọng, câm các căn thiếu
Đần độn làm người giống như bò
Người ấy làm sao nghe chánh pháp?
Người nào không tin nơi Tam bảo
Nói không nhân quả, không tôn trưởng
Do tà kiến này phá tâm họ
Người đó đâu thể nghe chánh pháp?
Chư Phật Đại Sư không xuất hiện
Không đem pháp diệu truyền thế gian
Luôn sống trong đời đầy u ám
Là thời đâu thể nghe chánh pháp?
Người nào sống nơi không bị nạn
Không còn tám nạn nói ở trên
Giống như người bệnh gặp lương y
Nên hãy chí tâm nghe chánh pháp!
Ngươi đã được thân người
Lại được nghe chánh pháp
Không chứng được quả Thánh
Thường sinh chỗ có nạn.
Ta nói tám chốn nạn
Là chỗ nạn chúng sinh
Ai sinh chỗ không nạn
Trong đời thật hiếm có.
Ngươi được làm thân người
Lại được nghe chánh pháp
Hãy yêu mến chính mình
Nên trừ mạn, phiền não.
Ai được nghe chánh pháp
Mà không làm theo pháp
Luân hồi trong tám nạn
Chịu đủ các khổ não.
Đã xa lìa chỗ nạn
Thường cầu nghe chánh pháp
Ở trong sinh già chết
Không bao lâu thoát khỏi.
Đã được làm thân người
Nghe pháp mà buông lung
Sau này sẽ khổ não
Như người buôn mất của.
Người nào nghe ta nói
Biết nạn và không nạn
Cho nên hãy tinh tấn
Chánh tu nơi phạm hạnh.
Ta nói người mắt sáng
Biết tránh xa điều ác
Chánh niệm luôn phòng hộ
Không theo các hữu lậu.
Đoạn tất cả thùy miên
Chiến thắng ma oán lớn
Vượt qua biển sinh tử
Được lên bờ Niết-bàn.

Đức Thế Tôn nói kệ xong, đại chúng Tỳ-kheo, trời, người nghe Phật giảng nói đều hoan hỷ, lãnh thọ phụng hành.