ẤN QUANG ĐẠI SƯ
(Tổ thứ 13 Tịnh Độ Tông)
doahong

SÁCH

AUDIO

Trung Hưng Tịnh Tông Ấn Quang Đại Sư Hạnh Nghiệp ký

Sư húy Thánh Lượng, tự là Ấn Quang[1], biệt hiệu là Thường Tàm Quý Tăng (vị tăng thường hổ thẹn), con nhà họ Triệu huyện Cáp Dương, tỉnh Thiểm Tây. Thuở nhỏ theo học sách Nho với anh ruột, coi việc bảo vệ cái học của đạo Thánh (Nho giáo) là trách nhiệm của chính mình, phụ họa những lời bàn luận báng Phật của lũ Hàn – Âu. Về sau, bị bệnh mấy năm, mới tỉnh ngộ trước kia sai trái, mau chóng sửa đổi tâm trước. Duyên xuất thế chín muồi, năm hai mươi mốt tuổi liền xuống tóc với hòa thượng Đạo Thuần ở Liên Hoa Động Tự tại Nam Ngũ Đài thuộc Chung Nam Sơn. Khi ấy nhằm năm Tân Tỵ, tức năm Quang Tự thứ bảy (1881) nhà Thanh. Năm sau, thọ Cụ Túc dưới tòa của Ấn Hải Định luật sư chùa Song Khê, huyện Hưng An, tỉnh Thiểm Tây.

Sư vừa ra đời được sáu tháng liền bị bệnh mắt, gần như mù; về sau tuy lành nhưng mục lực đã bị tổn thương, hễ mắt hơi bị đỏ liền chẳng nhìn được vật gì nữa! Khi thọ Cụ Túc, do thấy Sư viết chữ đẹp, phàm tất cả những giấy tờ thuộc về pháp sự cần phải viết trong thời gian thọ giới, [ban chức sự giới đàn] đều giao cho Sư viết thay. Viết chữ quá nhiều, mắt liền đỏ ngầu như ứa máu. May mắn là trước đấy, khi Sư được giao nhiệm vụ tiếp khách ở chùa Liên Hoa tỉnh Hồ Bắc, trong một lần phơi kinh đã đọc được một cuốn Long Thư Tịnh Độ Văn rách nát nên biết tới pháp môn Niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ chính là đạo trọng yếu để liễu sanh thoát tử. Do bệnh mắt ấy mà ngộ được “thân ta là gốc khổ” nên trong những lúc rảnh rỗi đều chuyên niệm Phật hiệu. Đêm xuống, sau khi mọi người đã ngủ, Sư liền ngồi dậy niệm Phật. Ngay cả khi viết chữ, tâm cũng chẳng rời Phật. Vì thế, tuy ráng gượng bệnh viết chữ, Sư vẫn có thể miễn cưỡng chống chọi được. Đến khi viết xong thì mắt cũng lành hẳn. Do vậy, Sư hiểu sâu xa công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn nên tự hành, dạy người, một mực lấy Tịnh Độ làm chỗ quy hướng; đầu mối là do đây!

Sư tu Tịnh Độ càng lâu càng chuyên dốc, nghe nói chùa Tư Phước núi Hồng Loa chính là đạo tràng chuyên tu Tịnh Độ, năm hai mươi sáu tuổi (tức năm Bính Tuất, nhằm năm Quang Tự 12 – 1886) liền từ giã thầy qua đó. Tháng Mười năm ấy, Sư vào Niệm Phật Đường [của chùa Tư Phước], được thấm nhuần ân trạch của tổ Triệt Ngộ để lại, Tịnh nghiệp tăng tiến lớn lao. Tháng Giêng năm sau xin tạm nghỉ phép để triều bái Ngũ Đài. Triều bái xong, vẫn trở về Tư Phước. Sư từng đảm nhiệm các chức vụ Thượng Khách Đường, Hương Đăng, Liêu Nguyên[2] v.v… Trong ba năm, ngoài Chánh Hạnh Niệm Phật ra, Sư nghiên cứu, xem đọc các kinh điển Đại Thừa. Do vậy, thâm nhập Kinh Tạng, thầm khế hợp mầu nhiệm tâm Phật, đường tắt tu hành lý sự vô ngại. Năm ba mươi tuổi (tức năm Canh Dần, nhằm năm Quang Tự 16 – 1890), Sư tới chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh giữ chức Hành Đường. Năm ba mươi mốt tuổi (tức năm Tân Mão, nhằm năm Quang Tự 17 – 1891), Sư trụ tại chùa Viên Quảng.

Hai năm sau (tức năm Quý Tỵ, nhằm năm Quang Tự 19 – 1893), hòa thượng Hóa Văn chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà lên kinh đô thỉnh Đại Tạng, thiếu người giúp sức kiểm duyệt, lo liệu. Mọi người do thấy Sư làm việc tinh tế, cẩn thận, bèn tiến cử. Cụ Hóa Văn thấy Sư đạo hạnh siêu trỗi, đến khi trở về phương Nam liền thỉnh Sư cùng theo làm bạn, cho ở nơi lầu Tàng Kinh của chùa. Đại chúng trong chùa thấy Sư dốc chí tinh tu đều khâm phục sâu xa, nhưng Sư vẫn bình dị, chẳng hề tự mãn.

Mùa Hạ năm Đinh Dậu, tức năm Quang Tự 23 (1897), đại chúng trong chùa kiên trì thỉnh Sư giảng kinh một phen. Từ tạ không được, Sư bèn giảng bộ Di Đà Tiện Mông Sao một lượt. Giảng xong, Sư liền bế quan bên cạnh điện Châu Bảo hai lượt, tổng cộng sáu năm[3], học lẫn hạnh càng tăng tấn gấp bội. Sau khi xuất quan, do các hòa thượng Liễu Dư, Chân Đạt v.v… đặc biệt lập một liên bồng (thảo am để niệm Phật) cúng dường nên trước sau Sư đã cùng với pháp sư Đế Nhàn ở đó. Không lâu sau, đại chúng lại đón Sư về Pháp Vũ.

Năm Sư bốn mươi bốn tuổi (tức năm Giáp Thìn, nhằm năm Quang Tự 30 – 1904), do thỉnh Đại Tạng Kinh cho chùa Đầu Đà ở Ôn Châu, cụ Đế Nhàn lại thỉnh Sư lên kinh đô giúp trông coi mọi việc. Xong việc, Sư trở về Nam, bèn trụ tại lầu kinh chùa Pháp Vũ. Sư xuất gia ba mươi mấy năm, sống đời thanh bạch, từ đầu đến cuối ẩn giấu tài năng, chẳng thích qua lại với người khác, cũng chẳng muốn ai biết đến danh tự của mình để mong ngày đêm Di Đà, sớm chứng Niệm Phật tam-muội.

Nhưng chuông trống trong cung, tiếng vẳng ra ngoài, đức dầy ắt tỏa sáng, trọn chẳng thể giữ kín được mãi! Kỷ nguyên Dân Quốc, Sư năm mươi hai tuổi, cư sĩ Cao Hạc Niên bèn đem mấy bài văn của Sư đăng trên tờ Phật Học Tùng Báo ở Thượng Hải, ghi tên là Thường Tàm. Người ta tuy chẳng biết là ai, nhưng văn tự Bát Nhã đã đủ để dẫn dắt, phát khởi thiện căn cho độc giả. Đến năm Dân Quốc thứ sáu (1917, Sư năm mươi bảy tuổi), cư sĩ Từ Úy Như nhận được ba lá thư của Sư gởi cho bạn bèn ấn hành, đề tựa là Ấn Quang Pháp Sư Tín Cảo. Năm Dân Quốc thứ bảy (1918, Sư năm mươi tám tuổi), ông ta lại sưu tập được hai mươi mấy bài văn của Sư, đem in ở Bắc Kinh, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao. Năm Dân Quốc thứ tám (1919, Sư năm mươi chín tuổi), ông ta sưu tập được thêm văn chương của Sư, bèn in thêm cuốn Tục Biên; tiếp đó gộp Sơ Biên lẫn Tục Biên thành một cuốn. Trong hai năm Dân Quốc thứ chín và thứ mười, bộ sách ấy lại được tăng thêm một số bài nữa. Trước sau đều được đúc bản kẽm tại Thương Vụ Ấn Thư Quán, khắc bản gỗ tại Dương Châu Tàng Kinh Viện. Trong khoảng từ năm Dân Quốc 11 (1922) cho đến năm Dân Quốc 15 (1926), mấy lần tăng thêm bài viết, lại nhờ Trung Hoa Thư Cục ấn hành, đề tựa là Tăng Quảng Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao.

Ôi! Văn để chở đạo, bộ Văn Sao của Sư được lưu thông, đạo của Sư giáo hóa bèn thấm đẫm khắp cả nước, như Tịnh Độ Quyết Nghi Luận, Tông Giáo Bất Nghi Hỗn Lạm Luận và những bức thư như “Thư gởi cho hòa thượng Thể An chùa Đại Hưng Thiện” v.v… đều là “từng lời thấy được lẽ chân, từng chữ đều quy tông” vậy. Trên hợp với ý chỉ của đức Phật, dưới ngầm hợp tâm chúng sanh, tỏa rạng ý chỉ mầu nhiệm sâu thẳm của Thiền lẫn Tịnh, quyết trạch sự khó – dễ, quả thật đã vạch trần được những chỗ tiền nhân chưa nêu rõ.

Trong lời Bạt của ông Từ có câu: “Đại pháp suy vi tới nay đã tột cùng, nào ngờ trong đời này vẫn còn có bậc đầy đủ chánh tri chánh kiến như Sư vậy, do đó vẫn còn có bậc tiếp nối huệ mạng của Phật”. Ông ta còn viết: “Văn của Sư không một chữ nào chẳng có lai lịch, thâm nhập, hiển xuất, khế hợp khéo léo thời lẫn cơ, quả thật là món thuốc tốt lành chữa bệnh đúng lúc trong thời Mạt Pháp”. Thật có thể nói là khéo hiểu pháp yếu, dốc cạn tấm lòng kính ngưỡng.

Do đó, thoạt đầu Từ cư sĩ đích thân cầm sách, đưa mẹ tới Phổ Đà, dốc cạn lòng Thành lễ bái thân cận, khẩn cầu Sư tiếp nhận rộng dung cho quy y dưới tòa, Sư vẫn kiên trì không chấp thuận, dạy mẹ con ông Từ hãy sang quy y với pháp sư Đế Nhàn chùa Quán Tông ở Ninh Ba. Năm Dân Quốc thứ tám (1919), anh em ông Châu Mạnh Do đưa bà nội kế lên núi, lại bốn lượt khẩn cầu Sư chấp nhận cho họ làm đệ tử. Sư xét thời cơ, về mặt lý khó thể từ khước được nữa, bèn đặt pháp danh cho mỗi người. Từ đấy, Sư mới bắt đầu chấp nhận cho người khác quy y mà đấy cũng thật sự là duyên khởi của bộ Văn Sao vậy.

Văn chương của Sư không những tinh xác, sâu xa nơi Phật lý mà ngay cả đạo xử thế “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu tề trị bình, ngũ luân, bát đức” v.v… của nhà Nho nếu chẳng trái với ba phước của Tịnh nghiệp thì Sư ắt đều nêu tỏ đến tột cùng. Văn lẫn nghĩa đều tao nhã, mực thước, do vậy Lạc Dương giấy đắt đỏ[4], người ta tranh nhau thỉnh đọc. Vì thế, những thiện nam tín nữ hâm mộ đạo đức của Sư, khát vọng được làm đồ đệ ngày càng đông đảo. Hoặc là vượt biển trèo non để thỉnh cầu Sư rộng lòng tiếp độ, hoặc thư qua tin lại, cầu xin ban pháp danh. Hơn hai mươi mấy năm qua, người quy y dưới tòa của Sư quả thật chẳng thể tính đếm được! Ngay cả những người vâng theo lời dạy tu hành, ăn chay niệm Phật, tinh tu Tịnh nghiệp được toại ý sanh Tây cũng khó thể nêu trọn. Văn tự của Sư nhiếp hóa chúng sanh, lợi ích thế gian chẳng thể nghĩ bàn!

Những lời Sư chỉ dạy người học đi thẳng vào tai, chỉ bày tận mặt, vốn phát xuất từ kinh luận, lưu lộ từ tim gan, chẳng lìa nhân quả, chẳng dính dấp thói văn chương sáo rỗng. Những kẻ đáng được chiết phục dẫu là bậc tôn túc trong nhà Thiền hay kẻ đứng đầu giới Nho sĩ, hễ gặp mặt liền bị Sư quở trách; [còn kẻ không có cơ duyên chiết phục được], dẫu là những vị quan chức hiển đạt, Sư vẫn trọn chẳng nhờ cậy đến. Kẻ đáng nhiếp thọ, dẫu hàng hậu sinh mạt học, Sư cũng chưa từng cự tuyệt, khước từ. Dẫu là nông phu, nữ tỳ, Sư cũng ưu ái đáp lời [thỉnh hỏi]. Một niềm hoài bão “lợi khắp ba căn” bình đẳng; không mang ý niệm thân – sơ, chỉ dựa theo lý. Nhưng Sư nghĩ: Thời cuộc đang buổi cuối mùa, nếu không đề xướng nhân quả báo ứng sẽ chẳng thể vãn hồi thói tệ suy đồi nhằm uốn nắn lòng người; căn cơ con người kém hèn nếu không có thật hạnh tín nguyện niệm Phật, quyết chẳng thể liễu sanh tử, thoát luân hồi. Vì thế, chẳng nề sang – hèn, hiền – ngu, trai – gái, già – trẻ, hễ có ai thưa hỏi, Sư đều dùng thật sự, thật lý “không làm các điều ác, vâng làm các điều lành, nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi” để ra rả nhắc nhở, khơi gợi, khiến cho ai nấy sanh lòng cảnh tỉnh, thấu hiểu sâu xa, lập được căn cơ làm người, sống trong cõi đời. Tiến hơn nữa là dùng con đường trọng yếu, bằng phẳng “thật sự vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương” để dạy người ta thiết thực phụng hành hòng làm đường tắt nhằm siêu phàm nhập thánh. Tuy thấu hiểu Tông – Giáo sâu xa, Sư trọn chẳng bàn huyền nói diệu, [chỉ nói những lời lẽ cụ thể, thông tục] khiến cho ai nấy đều hiểu biết và hành được. Kẻ nghe dạy không ai chẳng được hưởng lợi ích. Đấy chính là như Liên Trì đại sư đã bàn định về Biện Dung lão nhân[5] như sau: “Đấy chính là chỗ đáng kính của ông cụ ấy!”

Do Sư bình thường, thiết thực, không có gì kỳ lạ, ngôn – hạnh hợp nhất, cho nên những kẻ chân tu thật sự thực hành đều thích thân cận đến nỗi những kẻ gõ cửa quan phòng để hỏi đạo cũng nhiều chẳng thể đếm xuể! Hơn nữa, Sư coi trọng pháp, tôn kính đạo, danh văn lợi dưỡng đều chẳng bận lòng. Năm Dân Quốc 11 (1922, Sư sáu mươi hai tuổi), Tri Sự huyện Định Hải là Đào Tại Đông, Đạo Doãn đạo Cối Kê là Hoàng Hàm Chi ghi chép tổng hợp về đạo hạnh của Sư trình thỉnh Đại Tổng Thống Từ [Thế Xương] ban tặng một tấm biển ngạch “Ngộ Triệt Viên Minh” gởi tới Phổ Đà, hương hoa cúng dường, cực thịnh một thời, Tăng – tục ngưỡng mộ, vui thích. Sư dường như chẳng hay biết, có người hỏi đến, Sư đáp bằng những lời lẽ như: “Đã dựng lầu gác trong hư không, chẳng có thật đức, hổ thẹn khôn cùng, có gì vinh dự đâu?” Nay đang gặp lúc cõi đời bước vào vận Mạt, con người ganh đua sùng chuộng khoe khoang rỗng tuếch, tư cách điềm đạm, thanh bạch như Sư thật đáng đẩy lùi cơn sóng cuồng loạn đang ụp xuống, làm cột chống giữa dòng [nước chảy xiết], dù đạo hay tục đều được hưởng rất nhiều điều tốt đẹp.

Sư tiết kiệm đối với chính mình, nhưng đối xử nồng hậu với người. Hễ được thiện tín nam nữ cúng dường tiền hương kính đều đem gieo phước điền thay cho người ta, dùng tiền ấy để lưu thông kinh sách và cứu tế kẻ đói nghèo, chỉ cân nhắc nặng – nhẹ để xem chỗ nào cần cứu gấp trước rồi thực hiện! Như trong năm Dân Quốc 15 (1926, Sư sáu mươi sáu tuổi), Trường An bị vây hãm. Sau khi Trường An được giải vây, Sư liền vội gom món tiền ba ngàn đồng vốn định dùng in Văn Sao để cậy người mau đem gởi đi cứu tế.

Hễ nghe cấp báo chỗ nào bị tai nạn, Sư liền tận lực đề xướng quyên trợ để mong cứu giúp. Năm Dân Quốc 24 (1935, Sư đã bảy mươi lăm tuổi), Thiểm Tây bị hạn hán dữ dội, nhận được thư thông báo của cư sĩ Vương Ấu Nông, Sư liền lấy sổ ngân hàng, sai người chuyển gấp một ngàn đồng sang đó để cứu trợ nhanh chóng. Chuyển xong, lại bảo thầy Đức Sâm duyệt sổ sách, thấy trong trương mục chỉ còn hơn một trăm đồng! Hết thảy những khoản tiền cần dùng trong chùa Báo Quốc đều nhờ vào đấy để duy trì, Sư cũng không bận tâm tới.

Năm Dân Quốc 25 (1936, Sư bảy mươi sáu tuổi), nhận lời thuyết pháp trong pháp hội Hộ Quốc Tức Tai ở Thượng Hải, nghe tình hình Tuy Viễn gặp tai nạn nghiêm trọng, Sư liền nói rõ với đại chúng, đem món tiền hương kính của hơn một ngàn người quy y cầu giới lúc ấy tổng cộng là hai ngàn chín trăm mấy mươi đồng đều quyên tặng hết, rồi lại tự đề xướng bằng cách bỏ ra khoản tiền một ngàn đồng vốn dùng để in sách. Khi trở về Tô Châu, mọi người ra trạm xe đón tiếp Sư, thỉnh Sư ghé Linh Nham để xem cảnh tượng trong gần một năm qua; Sư đang gấp rút trở về Báo Quốc để lấy sổ ngân hàng rút tiền đem gởi đi cứu trợ, nhưng rồi cũng theo mọi người lên núi, Sư liền chỉ dạy đại chúng hãy cứu giúp tai nạn. Tấm lòng Sư [cứu trợ tai ương] sâu đậm giống như chính mình đang bị đói, bị chết đuối đều luôn giống như vậy.

Các cư sĩ Ngụy Mai Tôn, Vương Ấu Nông v.v… phát khởi thành lập chùa Pháp Vân làm đạo tràng phóng sanh niệm Phật ở sông Tam Xoa, Nam Kinh, thỉnh Sư tham gia và ước định quy củ nhà chùa. Tiếp đó, do cư sĩ Nhậm Tâm Bạch thương lượng, thỉnh các vị đại cư sĩ ở Thượng Hải như Phùng Mộng Hoa, Vương Nhất Đình, Diêu Văn Phu, Quan Quýnh Chi, Hoàng Hàm Chi v.v… sáng lập viện Mồ Côi Phật Giáo tại đấy, mỗi mỗi đều nhờ cậy vào oai đức, danh vọng của đại sư để khơi gợi lòng tin tưởng của người khác hòng được thành tựu.

Hơn nữa, đối với chuyện nuôi dạy con em nghèo hèn trong viện Mồ Côi, Sư càng cực lực giúp cho thành tựu. Khoản kinh phí cho viện Mồ Côi do Sư khuyên người khác giúp đỡ và do chính Sư quyên tặng đều là những con số khá lớn. Ngay như viện Mồ Côi do hội Phật giáo thành phố Thượng Hải đảm nhiệm, cũng được Sư cực lực giúp đỡ.

Đối với chuyện pháp thí thì kể từ khi ấn tống An Sĩ Toàn Thư và sáng lập Hoằng Hóa Xã trở đi, trong hai mươi mấy năm ấn hành các loại kinh sách không dưới bốn năm trăm vạn bộ, hình Phật cũng hơn trăm vạn bức. Hoằng dương pháp hóa cũng thấm đẫm rộng khắp trong ngoài nước. Nhìn chung, mỗi một lời nói, mỗi một hạnh của Sư không gì chẳng nhằm thay Phật tuyên nói, giáo hóa để mong cứu vãn thế đạo, nhân tâm, khiến cho hiền tài được nẩy sanh nhằm tạo phước cho nước, làm lợi cho dân.

Đối với bản thân, Sư chỉ ăn cho khỏi đói, chẳng cầu ngon miệng, áo chỉ đỡ lạnh, chán bỏ những thứ đẹp đẽ, rực rỡ. Có ai cúng dường những quần áo, thức ăn quý đẹp, Sư không từ khước nhưng cũng chẳng dùng, đem tặng ngay cho người khác. Nếu là những phẩm vật thông thường, Sư liền bảo giao cho nhà kho để đại chúng cùng hưởng, quyết chẳng tự dùng. Đấy tuy là hạnh nhỏ, nhưng cũng đáng để Phật tử trong đời Mạt tôn kính noi theo.

Sư duy trì bảo vệ pháp môn, công khó nghĩ bàn! Trọng yếu nhất là như trước khi xảy ra cuộc chiến với Âu Châu, chánh phủ có quyết nghị về chuyện dời kiều dân Đức Quốc đến ở tại Phổ Đà. Sư sợ gây trở ngại cho sự thanh tu của đại chúng liền đặc biệt gởi thư cho cư sĩ Trần Tích Châu cậy ông này trình bày cặn kẽ với những nhân vật quan trọng. Việc ấy liền bị bãi bỏ.

Năm Dân Quốc 11 (1922, Sư sáu mươi hai tuổi), các vị như hội trưởng Hội Ước Vọng Thực Hiện Thành Tựu Nghĩa Vụ Giáo Dục tỉnh Giang Tô đệ trình lên tỉnh trưởng kế hoạch mượn chùa miếu để làm trường học xin chuẩn y, Tri Sự Định Hải là Đào Tại Đông gởi thư cho Sư cậy cứu vãn. Sư lập tức viết xin hai vị Vương Ấu Nông, Ngụy Mai Tôn tìm cách lo liệu và nhờ hòa thượng Diệu Liên bôn ba, liền được chánh quyền đương thời ban hành sắc lệnh bảo vệ rõ ràng.

Năm Dân Quốc 16 (1927, Sư sáu mươi bảy tuổi), tình thế chánh trị bắt đầu thay đổi, tài sản nhà chùa trọn không có gì bảo vệ, mấy lần sắp bị họa diệt giáo, nhưng Phổ Đà đứng mũi chịu sào, do Sư xả mạng tận lực đấu lý mới kéo dài được hơi tàn. Tới khi ông X… khi nắm quyền Nội Chánh[6], mấy lượt đề nghị tịch thâu tài sản nhà chùa để khuếch trương giáo dục, rốt cuộc tăng – tục cả nước đều kinh hoảng bó tay. May mắn là Sư và cụ Đế Nhàn ở Thượng Hải đã tập hợp các vị cư sĩ nhiệt tâm hộ pháp cùng thương nghị, trước hết trình bày cặn kẽ với ông X… tiếp đó phái đại biểu đi thỉnh nguyện. Bàn bạc rồi chưa kịp thực hiện, gặp lúc ông X… sắp về nghỉ, lại ban hành điều lệ đuổi Tăng đoạt tài sản nhằm chiếm đoạt theo thứ tự hòng đạt mục đích diệt tôn giáo. May mắn là khi điều lệ vừa được công bố, ông X… liền phải chuyển giao quyền lực, Bộ Trưởng Triệu Thứ Lũng tiếp nhận chức vụ ấy. Sư đặc biệt gởi thư trình bày biện pháp, quyết định ấy liền bị thủ tiêu không còn dấu vết. Tiếp đấy, Sư nhờ các vị cư sĩ như Tiêu Dịch Đường v.v… dốc sức chạy vạy, điều lệ ấy mới được tu chỉnh, tăng lữ được bình an.

Năm Dân Quốc 22-23 (1933-1934, Sư 73, 74 tuổi), ngôi chùa cổ Tư Phước ở huyện Phụ Dương, tỉnh An Huy là nơi vẫn còn ba bức tượng Phật do Uất Trì Kính Đức[7] đã tạo trong thời Đường, cả chùa bị chiếm làm trường học. Bích Sơn Tự và thảo am Quảng Tế ở núi Ngũ Đài tỉnh Sơn Tây gặp phải ách vận ngang trái, hai nơi đều phải ra kiện tụng nơi cửa công. Chánh quyền địa phương nghe lời trình bày của một bên, hai chùa sắp phải phế diệt; mỗi nơi đều được Sư gởi một bức thư, đột nhiên xoay chuyển được sự nhận thức của chính quyền. Nhờ đấy, chùa Quảng Tế được lập vững vàng thành một đạo tràng thập phương chân chánh, thành một cơ sở để vĩnh viễn yên tâm tu đạo. Chùa Tư Phước cũng nhờ đấy mà được bảo toàn, dần dần được trung hưng.

Năm Dân Quốc 24 (1935, Sư bảy mươi lăm tuổi), trong hội nghị giáo dục toàn quốc, trưởng ty giáo dục X… đề nghị sung công tài sản nhà chùa trong cả nước làm tài sản cho cơ quan giáo dục[8], biến chùa miếu trong toàn quốc thành trường học, lập nghị quyết, nộp lên bộ Nội Chánh, viện Đại Học để xin xét duyệt, đăng tải trên báo chí. Mọi người chấn động, kinh sợ. Khi ấy, Lý Sự Trưởng hội Phật Giáo là pháp sư Viên Anh và các Sư giữ chức Ủy Viên Xử Lý Thường Vụ như Đại Bi, Minh Đạo, các vị cư sĩ như Quan [Quýnh Chi], Hoàng [Hàm Chi], Khuất [Văn Lục] v.v… cùng đến gõ cửa quan phòng của Sư tại Báo Quốc xin ý kiến. Sư khuyên họ nên gắng sức bảo vệ đạo và chỉ bày biện pháp. Họ trở về Thượng Hải nhóm họp, công khai đề cử đại biểu lên bộ thỉnh nguyện. Nhờ Sư sáng suốt hướng dẫn, giáo nạn giải trừ.

Tài sản nhà chùa ở Giang Tây từ năm Dân Quốc 22 (1933) đến năm Dân Quốc 25 (1936, Sư bảy mươi sáu tuổi), trong vòng bốn năm, ba lần bão táp dấy động lớn lao, gần như lâm vào tình thế bị diệt sạch không còn gì! Tuy do Đức Sâm nhiều năm kiệt lực kêu gào, hội Phật giáo Trung Quốc cũng nhiều lần lập cách giải trừ, rốt cuộc được từ quang của Sư gia bị, cảm động các vị đại hộ pháp cùng đứng lên lo toan, cứu vãn khiến cho mỗi mỗi đều đạt đến kết quả mỹ mãn, giữ gìn an toàn. Đấy là những chuyện lớn lao dễ thấy, chứ còn những chuyện vặt vãnh khác thì qua một lá thư, hoặc mấy lời [nhắn nhủ], liền tiêu trừ được kiếp nạn, cởi gỡ mầm họa thì lúc nào, nơi đâu cũng thường có, không thể kể hết được! Nếu không phải là đạo đức của Sư đủ để trên cảm được trời rồng, dưới động được lòng người, há được như thế hay sao?

Lòng vô duyên từ bi của Sư thấm đến nhà tù và các dị loại. Năm Dân Quốc 11-12 (1922-1923), nhận lời thỉnh của Tri Sự huyện Đông Hải là Đào Tại Đông chọn lựa giảng sư đến nhà giam tuyên giảng, Sư bèn sai pháp sư Trí Đức tiếp nhận lời thỉnh. Sư dạy hãy tuyên giảng An Sĩ Toàn Thư v.v… nói đến các ý chỉ trọng yếu như nhân quả báo ứng, pháp môn Tịnh Độ, nhiều tù nhân cũng được cảm hóa. Đến khi các vị cư sĩ Vương Nhất Đình, Trầm Tinh Thúc v.v… ở Thượng Hải đề xướng thành lập Giang Tô Giám Ngục Cảm Hóa Hội (hội cảm hóa tù nhân Giang Tô) thỉnh Sư làm hội trưởng danh dự, giảng sư Đặng Phác Quân, Thích Tắc Châu (đây là tên ngoài đời của thầy Minh Đạo), Kiều Tuân Như v.v… đều là đệ tử quy y của Sư. Do được Sư dạy, họ đều lấy “tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai biệt” và chú trọng nhân quả, đề xướng Tịnh Độ làm những hạng mục chủ yếu để giảng diễn. Cai tù, phạm nhân nhờ đó sửa lỗi hướng thiện, những kẻ hướng lòng về đại pháp, ăn chay niệm Phật cũng rất đông.

Đối với dị loại thì trong tháng Hai năm Dân Quốc 19 (1930, Sư bảy mươi tuổi), từ chùa Thái Bình ở Thượng Hải dọn đến Báo Quốc tại Tô Châu, rệp bám theo chăn màn, rương đựng quần áo, cực nhiều. Chúng sanh trưởng đông đúc đến nỗi từ quan phòng, phòng khách, cho đến cửa sổ và ghế ở bên ngoài từ Hạ đến Thu đâu đâu cũng thường thấy rệp bò qua, bò lại. Có đệ tử nghĩ Sư tuổi già chẳng kham bị chúng quấy nhiễu, từng nhiều lượt xin vào quan phòng thay Sư bắt cho hết, Sư đều cứng cỏi cự tuyệt không chấp thuận, lại nói: “Chuyện này chỉ trách chính mình thiếu đạo đức. Bậc cao tăng thời cổ chẳng chịu đựng được rận rệp quấy nhiễu, bèn nói: ‘Súc sanh! Bọn ngươi đến quấy rối quá, hãy dọn đi nơi khác’, rận rệp liền kéo nhau bỏ đi. Ta nay tu trì không ra gì, chẳng có cảm ứng ấy, còn nói chi nữa?” Rồi cứ điềm nhiên ở, trọn chẳng để ý tới.

Đến năm Dân Quốc 22 (1933, Sư bảy mươi ba tuổi), rệp tự nhiên tuyệt tích, Sư cũng chẳng bảo với ai. Đến tiết Đoan Ngọ gần đây, Đức Sâm chợt nhớ tới, hỏi Sư, Sư đáp: “Không còn nữa!” Sâm cho rằng Sư tuổi già mắt hoa, vì thế nằng nặc xin vào trong phòng kiểm tra. Quả thật đã hết sạch, trọn chẳng còn tung tích gì nữa! Đấy cũng là chúng vì Sư mà dọn nhà đi rồi!

Trong khi bế quan, ngoài công khóa Tịnh nghiệp ra, Sư thường trì chú Đại Bi gia trì vào nước hay gạo, đem ban cho những người bệnh nguy ngập thầy thuốc đã bó tay liền thấy hiệu nghiệm lạ lùng. Một ngày nọ, tại lầu Tàng Kinh chùa Báo Quốc phát hiện có vô số mối, Sư ở trong núi nghe tiếng, ban nước Đại Bi bảo đem rưới lên. Từ đấy, mối cũng tuyệt tích. Đấy chính là chuyện trong mùa Hạ năm Dân Quốc 27 (1938), pháp lực thần ứng của Sư rất nhiều chuyện giống như thế.

Sư vốn chẳng thích quyến thuộc, vì thế không có đệ tử xuất gia thế độ. Nhưng khát ngưỡng, thân cận, nhiều phen được vâng nhận giáo huấn, thấm gội pháp ích sâu đậm thì hai chúng tại gia chẳng thể kể xiết, tăng lữ xuất gia trừ lão pháp sư Đế Nhàn là liên hữu thân thiết nhất ra, những kẻ được Sư nhiếp thọ đã lâu, nuôi nấng bằng pháp nhũ, nhưng vẫn được Sư đối đãi như liên hữu thì có hòa thượng Liễu Dư đã mất, hiện thời còn hai vị hòa thượng Liễu Thanh và Chân Đạt. Đích thực được xếp vào hàng học trò, đã qua đời là các thầy Viên Quang, Khang Trạch, Huệ Cận, Minh Đạo, hiện tại vẫn còn thì có hai vị hòa thượng Diệu Liên, Tâm Tịnh và hai thầy Liên Nhân, Minh Tây, Diệu Chân, Liễu Nhiên, Đức Sâm v.v… cùng các sư hiện thời sống tại hai chùa Linh Nham và Báo Quốc. Đấy chỉ là nói về những kẻ thường thân cận Sư đã lâu, chứ những người được Sư chỉ dạy, nâng đỡ nhiều lượt, gội ân, đội đức còn hơn ân sư thế độ, hoặc tùy duyên thưa hỏi, gởi thư hỏi đạo và gội ân trạch do đọc Văn Sao của Sư và các sách do Sư lưu thông thì cũng chẳng thể nào kể xiết!

Sư tuy không thâu nhận đồ đệ, nhưng đa số những Phật tử chân chánh trong ngoài nước quả thật đều tôn Sư làm thầy. Sư lại từng thề chẳng làm Trụ Trì chùa miếu, tự làm khách sống tại Pháp Vũ, hai mươi mấy năm, giấu kín tung tích, tu tập chuyên ròng, rất ít qua lại với người khác. Từ năm Dân Quốc thứ bảy (1918), in An Sĩ Toàn Thư trở đi, nhiều lượt do có việc phải đến đất Hỗ, khổ nỗi thiếu chỗ yên cư. Năm Dân Quốc 11 (1922), khi Chân Đạt tu bổ chùa Thái Bình đã lập riêng một gian tịnh thất cho Sư. Từ đấy mỗi khi đến đất Hỗ, Sư luôn cắm tích trượng tại Thái Bình. Các vị quân tử tận lực bảo vệ pháp môn như Ngụy Mai Tôn ở Nam Kinh, Vương Ấu Nông ở Tây An, Vương Huệ Thường ở Duy Dương, Hứa Chỉ Tịnh ở Giang Tây, Phạm Cổ Nông ở Gia Hưng, các vị cư sĩ Phùng Mộng Hoa, Thí Tỉnh Chi, Vương Nhất Đình, Văn Lan Đình, Châu Tử Kiều, Khuất Văn Lục, Hoàng Hàm Chi, Quan Quýnh Chi v.v… tại Thượng Hải hoặc do chuyện riêng mà hỏi đạo, hoặc vì làm chuyện từ thiện trong xã hội mà phải thưa hỏi cũng có lúc đến Thái Bình, xin Sư chỉ dạy. Còn như các nơi gởi thư càng khó thể kể xiết. Danh tiếng của Thái Bình Lan Nhã được lan truyền khắp xa gần, cũng do Sư mà được rạng rỡ.

Đến năm Dân Quốc 17 (1928, Sư sáu mươi tám tuổi), nhân chán ngán giao thông quá thuận tiện, thư từ quá nhiều, công chuyện quá bận bịu, Sư gấp muốn tìm chỗ quy ẩn. Chân Đạt bèn cùng với các vị đại cư sĩ Quan Quýnh Chi, Trầm Tinh Thúc, Triệu Vân Thiều bàn bạc. Ba vị cư sĩ liền dâng chùa Báo Quốc ở Tô Châu để cúng dường, liền sai hai vị Hoằng Tán và Minh Đạo sang đấy tiếp nhận trước. Chân Đạt dùng mấy ngàn đồng trùng tu.

Vì thế, năm Dân Quốc 18 (1929), Sư rời núi [Phổ Đà] qua Thượng Hải, giảo duyệt ấn hành các sách, gấp mong kết thúc để quy ẩn. Khi ấy, có mấy vị cư sĩ đệ tử ở Quảng Đông như Hoàng Tiểu Vỹ v.v… tạo dựng tinh xá, quyết muốn đón Sư sang Hương Cảng, Sư đã nhận lời qua đấy. Chân Đạt do thấy miền Giang – Chiết là vùng đất Phật tín chúng rất đông, một mực kiên quyết giữ lại. Rốt cuộc do có pháp duyên, tháng Hai năm Dân Quốc 19 (1930, Sư bảy mươi tuổi), Sư sang Tô Châu, liền bế quan ngay tại Báo Quốc. Trước đấy tại Linh Nham ở Mộc Độc, Chân Đạt đã thỉnh ý Sư, lập ra đạo tràng thập phương chuyên tu Tịnh nghiệp, hết thảy quy ước, chương trình đều vâng theo chí hướng của Sư để định. Ba bốn năm qua, do nhà cũ chật hẹp, chẳng đủ chỗ chứa đại chúng, đúng là phải tìm cách sửa chữa xây dựng viện, phòng, lo liệu tu bổ. Gặp đúng dịp Sư đến đất Tô, rất gần Linh Nham, xếp đặt trong ngoài, có nhiều duyên gặp gỡ Sư để xin ý kiến, vâng theo lời chỉ dạy. Ngày càng chấn hưng, Linh Nham cho đến nay được tôn là đạo tràng thứ hai của Tịnh tông nước ta há có phải là ngẫu nhiên ư?

Trong khi bế quan, vào những khi rảnh rỗi ngoài lúc tụng niệm công khóa ra, Sư tu chỉnh hoàn bị các bộ Sơn Chí của Phổ Đà, Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa v.v… và trả lời thư từ của đệ tử, học nhân vấn pháp. Nay bốn bộ Sơn Chí đã sớm được xuất bản, lưu thông, các thư từ phúc đáp cũng đã có Văn Sao Tục Biên ấn hành, đa phần đều là những lá thư sau khi Sư đã đến Tô Châu ban ra. Có thể nói là hằng thuận chúng sanh chẳng hề nhọc mệt vậy!

Đến mùa Đông năm Dân Quốc 26 (1937, Sư bảy mươi bảy tuổi), do thời cuộc bức bách, do tình thế chẳng thể sống tại nội thành Tô Châu được nữa, bất đắc dĩ, thuận theo lời thỉnh của bọn Diệu Chân v.v… Sư dời tích trượng sang Linh Nham, an cư mới được trọn ba năm, nào ngờ ngôi chùa nơi Trí Tích Bồ Tát hiển thánh lại trở thành chỗ thầy bọn ta thị tịch quy chân?

Sư thị tịch biết trước lúc mất. Mùa Xuân năm Dân Quốc 29 (1940), trong thư trả lời cư sĩ Chương Duyên Tịnh có viết: “Nay đã tám mươi, sáng chẳng đảm bảo được tối”. Lại nói: “Quang là kẻ sắp chết, đâu có thể lưu lại quy củ ấy?” Đến mùa Đông, nhằm ngày Hai Mươi Bảy tháng Mười, Sư thị hiện bệnh nhẹ, đến Một giờ chiều ngày Hai Mươi Tám, liền triệu tập toàn thể các chức sự trong núi và các cư sĩ đến quan phòng hội đàm, bảo đại chúng rằng: “Chức vụ Trụ Trì Linh Nham không thể bỏ trống lâu hơn nữa, liền sai Diệu Chân đảm nhiệm”. Đại chúng tán đồng, bèn định lấy ngày mồng Chín tháng Mười Một là kỳ hạn nhậm chức, Sư bảo “trễ quá!” liền đổi thành ngày mồng Bốn, vẫn nói “Trễ rồi!” Sau đấy chọn ngày mồng Một, Sư gật đầu nói: “Được đấy!”, liền khai thị cho đại chúng về đường lối của bổn tự hơn hai tiếng đồng hồ. Về sau, tuy tinh thần đã suy dần, vẫn an nhiên cùng với các vị như Chân Đạt v.v… bàn bạc mọi chuyện điềm nhiên, thư thái như thường, chẳng có dáng vẻ bệnh tật gì.

Tối ngày mồng Ba, Sư dùng được một chén cháo loãng. Ăn xong, Sư bảo bọn Chân Đạt: “Pháp môn Tịnh Độ trọn chẳng có gì lạ lùng, đặc biệt chi khác, chỉ cốt sao khẩn thiết chí thành không ai chẳng được Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh”. Sau đấy, Sư tỏ vẻ mệt nhọc, nhiệt độ thân thể giảm xuống. Một giờ rưỡi sáng ngày mồng Bốn, Sư từ giường ngồi dậy nói: “Niệm Phật thấy Phật, quyết định sanh Tây”. Nói xong liền lớn tiếng niệm Phật. Hai giờ mười lăm phút, bảo đem nước rửa tay xong, đứng dậy nói: “Được A Di Đà Phật tiếp dẫn, ta phải đi rồi. Mọi người phải niệm Phật, phải phát nguyện, phải sanh Tây Phương”. Nói xong, liền chuyển sang ngồi trên ghế, mặt hướng về Tây, thân ngồi ngay ngắn. Hơn ba giờ, thầy Diệu Chân đến, được Sư dặn dò: “Ngươi phải duy trì đạo tràng, hoằng dương Tịnh Độ, đừng học thói kẻ cả”, rồi sau đó không nói gì nữa, môi chỉ mấp máy niệm Phật, đến gần năm giờ, trong tiếng niệm Phật của đại chúng, Sư an tường về Tây.

Dựa theo sự việc trong mấy ngày ấy, hết thảy sự xếp đặt như gấp rút cử Diệu Chân thật sự giữ chức Trụ Trì v.v… tuy chẳng nói rõ nguyên do, nhưng đích thực là bản lãnh đã biết trước lúc mất. Thân không có hết thảy bệnh khổ, ách nạn, tâm không có hết thảy tham luyến, mê hoặc, các căn vui vẻ, thư thái, chánh niệm phân minh, xả báo an tường như nhập Thiền Định. Xét ra, Sư suốt đời tự hành, dạy người và tướng lành lúc lâm chung, phẩm sen vãng sanh quyết chẳng thể là Trung, Hạ được!

Sư sanh vào giờ Thìn ngày Mười Hai tháng Chạp năm Hàm Phong 11 (1861), tức năm Tân Dậu, tịch vào giờ Mão ngày mồng Bốn tháng Mười Một năm Canh Thìn, tức năm Dân Quốc 29 (1940), thọ tám mươi tuổi, Tăng lạp sáu mươi năm. Linh Nham nhờ Sư mà được trung hưng, lại được Sư thị hiện khuôn mẫu sanh Tây, thời tiết nhân duyên, có những chuyện chẳng thể nghĩ bàn được! Do vậy, cung kính chọn trong năm sau, tức năm Tân Tỵ, nhằm ngày Rằm tháng Hai, đúng ngày Phật nhập Niết Bàn, đúng dịp Sư về Tây được một trăm ngày, liền nổi lửa trà-tỳ[9], kính đưa linh cốt về lập tháp thờ tại vách Đông Nam của rặng Thạch Cổ trong núi này.

Sư lá rụng về cội, ngộ chứng như thế nào, bọn phàm phu sát đất chúng ta đều chẳng có Tha Tâm Đạo Nhãn không dám bình luận xằng bậy! Chỉ đọc bộ Văn Sao của Sư mấy lượt được ấn hành và bộ Tục Biên mới được in trong năm nay và các sách do Sư đích thân lưu thông cũng như hạnh chân thật “đề xướng niệm Phật, phát huy những chỗ nhiệm mầu trong lẽ đạo, tự hành, dạy người, chuyên dốc thiết tha tu trì” đủ chứng tỏ Sư là bậc thừa nguyện tái lai không còn ngờ chi nữa. Phàm ai tín nguyện niệm Phật, thấu hiểu tông chỉ đích xác của Tịnh tông, sẽ chẳng đến nỗi còn có những bàn bạc, nghi ngờ chi cả! Bọn Chân Đạt được theo hầu Sư lâu nhất, biết khá cặn kẽ, nay lược thuật đại khái hạnh nghiệp của Sư, ghi thành bài ký.

Mồng Tám tháng Chạp năm Canh Thìn, Trung Hoa Dân Quốc năm 29 (1940), Chân Đạt, Diệu Chân, Liễu Nhiên, Đức Sâm v.v… đảnh lễ kính thuật.

***

[1] Tổ Ấn Quang có pháp danh là Thánh Lượng, pháp tự là Ấn Quang (pháp tự là tên được đặt khi thọ giới Sa Di). Khi thọ giới Cụ Túc lại được đặt tên nữa là pháp hiệu. Tuy thế, có những sơn môn, khi giới tử thọ Cụ Túc Giới, vị bổn sư (hay Đàn Đầu Hòa Thượng) không đặt pháp hiệu. Có những vị suốt đời chỉ dùng pháp danh, không dùng tới pháp tự hay pháp hiệu.

Lâm Tế Tông ở Trung Hoa chia ra rất nhiều chi phái nhỏ (đều có chung danh xưng là Lâm Tế Chánh Tông). Sau thời ngài Vạn Phong Thời Ủy và Đạo Mân, chư thiền sư tiếp tục lập ra những dòng kệ truyền thừa khác nhau. Chẳng hạn, ngài Ngọc Lâm Thông Tú (quốc sư dưới đời vua Thuận Trị – Khang Hy) cũng lập ra một bài kệ riêng để truyền thừa như sau: “Pháp hoằng tế tổ, chân tông thiệu tục, vĩnh truyền anh tuấn, tịnh minh phạm hạnh, nham trì tuyên cổ, gia mô đại căn” (法宏濟祖,真宗紹續,永傳英俊,淨明梵行, 巖持宣古,嘉謨大根). Điểm qua những bài pháp phái kệ của tông Lâm Tế Trung Hoa hiện thời, căn cứ trên pháp danh Thánh Lượng của tổ Ấn Quang, chúng tôi mạo muội đoán rằng vị thầy truyền giới cho tổ Ấn Quang thuộc chi phái Long Trì của tông Lâm Tế (trong Văn Sao Tục Biên, Tổ chỉ cho biết vị thầy truyền giới của mình thuộc Lâm Tế Chánh Tông, không nói rõ pháp hiệu, pháp tự của Bổn Sư). Bài kệ truyền pháp phái của Lâm Tế Chánh Tông, hệ phái Long Trì (龍池) như sau: “Giác tánh bổn thường tịch, tâm duy pháp giới đồng, như duyên hoằng thánh giáo, chánh pháp vĩnh xương long” (覺性本常寂,心惟法界同,如緣宏聖教,正法永昌隆). Cũng xin nói thêm, trong những bài tiểu sử của tổ Ấn Quang đăng trên Internet, chúng tôi thấy biệt hiệu Thường Tàm Quý (常慚愧: thường hổ thẹn) hoặc gọn hơn là Thường Tàm (常慚) của Tổ Ấn Quang không hiểu do vô tình hay cố ý thường bị sửa thành Thường Tâm. Sửa như vậy đã vô tình đánh mất ý khiêm tốn lớn lao của Tổ khi chọn biệt hiệu ấy.

[2] Đây là các chức vụ thường thấy trong những ngôi tùng lâm lớn:

  1. Thượng Khách Đường: Những vị Tăng đảm nhiệm tiếp đón khách (Tri Khách) đến vãng cảnh chùa, trình báo Phương Trượng khi có khách muốn gặp gỡ, trình báo với vị Liêu Nguyên để sắp xếp nơi ăn chốn ở cho khách thập phương hay khách Tăng muốn ở lại chùa đều thuộc Khách Đường. Ở đây, Sư đảm nhiệm trông coi việc tiếp đón, sắp xếp chỗ ăn ở cho những vị khách quan trọng.
  2. Hương Đăng: Vị Sư trông coi nhang đèn trong Phật điện, hướng dẫn, giải thích nếu khách thập phương có thắc mắc, thỉnh chuông khi khách vãn cảnh chùa lên lễ Phật, bày biện, tiếp nhận lễ vật của khách dâng cúng lên bàn thờ, đồng thời giữ cho bàn Phật luôn được sạch sẽ tinh khiết.
  3. Liêu Nguyên: Chức vụ có trách nhiệm quản thủ các liêu xá trong một ngôi tùng lâm, còn được gọi bằng các danh xưng Tọa Nguyên, Tòa Nguyên, Liêu Thủ Tòa, hay Đệ Nhất Tọa. Chức vụ này có trách nhiệm coi sóc những phẩm vật trong Tăng phòng như kinh sách, trà nước, củi than, cung cấp các thứ cần dùng cho tăng chúng, chỉ huy những người dưới quyền quét tước, dọn dẹp cho liêu phòng sạch sẽ. Vị này còn có trách nhiệm phân xử, dàn xếp nếu có tranh chấp xảy ra giữa các liêu phòng, nhắc nhở những quy ước trong tùng lâm hay răn đe những kẻ vi phạm quy ước cộng trụ trong tùng lâm. Hiện thời, Liêu Nguyên còn phải kiêm thêm trách nhiệm quản thủ Vân Thủy Đường (tăng phòng dành cho những vị thượng khách).

[3] Nguyên văn “tức ư Châu Bảo điện trắc bế quan, lưỡng kỳ lục tải” (liền bế quan cạnh điện Châu Bảo, hai kỳ sáu năm). Do câu văn ở đây dễ gây hiểu lầm Sư bế quan hai kỳ, mỗi kỳ sáu năm, nên chúng tôi xin mạn phép nói thêm: Trong đoạn văn phía trước, các tác giả cho biết năm Quang Tự 17 (1891), Sư được ba mươi mốt tuổi và còn trụ tại chùa Viên Quảng ở Bắc Kinh. Hai năm sau (1893, tức năm Quang Tự 19), Sư ba mươi ba tuổi, giúp hòa thượng Hóa Văn kiểm giảo Đại Tạng Kinh rồi theo về Phổ Đà trong năm ấy. Bốn năm sau, tức năm Quang Tự 23 (1897), đại chúng thỉnh Sư giảng kinh. Sư giảng xong liền bế quan. Tiếp đó, bài văn trên đây cho biết Sư xuất quan, qua ở Liên Bồng một thời gian, rồi mới trở về Pháp Vũ để theo pháp sư Đế Nhàn lên Bắc Kinh thỉnh Đại Tạng năm Sư bốn mươi bốn tuổi (năm Quang Tự 30, tức năm 1904). Từ năm 1897 đến năm 1904 là 7 năm, như vậy, tổng cộng thời gian đại sư bế quan sau khi giảng kinh chỉ có thể là sáu năm. Nói cách khác, câu “lưỡng kỳ lục tải” chỉ có nghĩa Sư bế quan tại Phổ Đà hai lần và thời gian tổng cộng là sáu năm.

[4] Nguyên văn ‘chỉ quý Lạc Dương’ (giấy đắt đỏ tại Lạc Dương); đây vốn là một thành ngữ chỉ văn chương hay đẹp được mọi người đua nhau sưu tập, sao chép, săn đón. Nguyên ủy của thành ngữ này là do trong đời Tấn, Tả Tư viết bài Tam Đô Phú rất hay, những nhà giàu có tại kinh đô Lạc Dương đua nhau cho người sao chép đến nỗi giá giấy ở Lạc Dương đắt vọt hẳn lên.

[5] Biện Dung hòa thượng là vị đại lão trong Tông môn thời đại sư Liên Trì mới học đạo. Nghe danh, ngài Liên Trì liền lặn lội tới xin tham yết. Khi tới chân núi, Sư đi bằng đầu gối, lết tới trước tòa của ngài Biện Dung, tỏ ý cung kính tột bậc. Ngài Biện Dung dạy: “Ông hãy nên giữ bổn phận, đừng tham danh cầu lợi, đừng vin nắm, chỉ cần nhân quả phân minh, nhất tâm niệm Phật”. Người đứng xung quanh phì cười, cho là ngài Liên Trì đã tốn công cung kính vô ích ; nhưng ngài Liên Trì trân trọng cảm tạ sâu đậm, thường nói được ngài Biện Dung ban lời khai thị ấy, Sư dùng cả đời vẫn không hết.

[6] Trước đấy, đại tổng thống Phùng Ngọc Tường của chánh quyền Bắc Dương đã mượn cớ đả đảo mê tín để chiếm đoạt tài sản các chùa Bạch Mã, Thiếu Lâm, Tướng Quốc tại Hà Nam, đồng thời trục xuất tăng ni, bắt họ hoàn tục. Bộ trưởng Nội Chánh Bộ (tức bộ trưởng bộ Nội Vụ) thời ấy chính là Tiết Đốc Bật, là người đã ban hành sắc lệnh Quản Lý Chùa Miếu gồm 21 điều, dung dưỡng cho các quan chức địa phương và bọn tay chân thừa cơ mượn danh biến chùa miếu thành trường học để cướp đoạt chùa miếu ở rất nhiều nơi, nhất là vùng Giang Tô.

Tiết Đốc Bật (1889-9173), người huyện Giải, tỉnh Sơn Tây, từng là đảng viên cốt cán của Quốc Dân Đảng, thoạt đầu làm Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp của chánh quyền Bắc Dương, rồi tỉnh trưởng tỉnh Cam Túc, bộ trưởng Dân Chánh, rồi làm bộ trưởng Nội Chánh. Do vụ chiếm đoạt tài sản chùa miếu gây nên công phẫn lớn lao trong giới Tăng tục, chánh phủ Bắc Dương của Phùng Ngọc Tường phải điều ông ta sang làm bộ trưởng bộ Thủy Lợi. Năm 1948, ông từ bỏ chức vụ đi làm luật sư tại Thượng Hải. Không rõ bằng cách nào, vào năm 1955, ông ta lại tái xuất hiện làm Phó Chánh Ủy thành phố Thượng Hải dưới thời Mao Trạch Đông, rồi leo dần lên tới chức vụ ủy viên Bộ Chánh Trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho đến khi mất.

[7] Uất Trì Cung (585-658), tự là Kính Đức, người xứ Thiện Dương, Sóc Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), danh tướng khai quốc đời Đường, cùng với Tần Quỳnh được coi là hai vị Môn Thần (thường được người Hoa vẽ hai bên cửa vào dịp Tết, hoặc họa hình trên cổng các miếu thờ thần để xua đuổi, trấn áp ma quỷ).

[8] Nhân vật X nói ở đây là Thai Sảng Thu (1897-1976), vốn là người huyện Thai, tỉnh Giang Tô. Ông ta tốt nghiệp với học vị thạc sĩ giáo dục tại đại học Chicago, rồi tiến sĩ giáo dục tại đại học Columbia, Hoa Kỳ. Kể từ năm 1931, ông ta đã nhiều lần đề nghị kế hoạch cướp đoạt chùa miếu để biến thành trường học. Trong năm 1935, trong hội nghị giáo dục ông ta đã công khai kiến nghị và thuyết phục giáo chức tiến hành. Họ Thai từng đảm nhiệm giáo sư đại học, hiệu trưởng, viện trưởng các trường đại học tại Hoa Nam, từng làm Ủy Viên của Giáo Dục Ủy Viên Hội dưới thời Dân Quốc. Khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập, ông ta lại chạy vạy để được phân công về dạy tại đại học Phụ Nhân rồi dạy tại đại học Bắc Kinh cho đến khi về hưu.

[9] Trà-tỳ (Jhāpeti), còn phiên âm là Xà Tỳ, Xà Tỵ, Da Duy, có nghĩa là hỏa thiêu.