KINH QUÁ KHỨ HIỆN TẠI NHÂN
(Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh)
Tống Thiên Trúc Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La Hán dịch
Tỳ Kheo Nhất Chân Việt dịch 

doahong

 

QUYỂN I

CHƯƠNG I Nhân Duyên Quá Khứ

Duyên khởi

Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc với cây của Thái tử Kỳ Đà. Lúc ấy Thế Tôn cùng chư Tỳ Khưu trụ trong rừng trúc. Chư Tỳ Khưu này vào buổi sáng sớm đắp y trì bát vào thành khất thực, trở về chỗ trụ, ăn xong súc rửa, mỗi vị thu xếp y bát, tụ tập nơi giảng đường, chuẩn bị cùng nhau bàn về nhân duyên quá khứ.

Lúc ấy Thế Tôn dùng tịnh thiên nhãn siêu việt thế gian, nghe tiếng Tỳ Khưu bàn luận với nhau, liền khởi thân dậy đi đến giảng đường, ngồi xuống giữa chúng, hỏi chư Tỳ Khưu:

– Các ông tụ tập muốn nói pháp gì?

Thời các Tỳ Khưu mới bạch Phật rằng:

– Chúng con ăn xong, súc rửa đâu đó, tụ tập cùng nhau ai cũng muốn nghe bàn về nhân duyên quá khứ.

Bấy giờ Thế Tôn nói với chư Tỳ Khưu:

– Các ông muốn nghe nhân duyên quá khứ, thì hãy lắng nghe, lắng nghe, suy xét cho kỹ mà nhớ lấy, ta nay sẽ vì các ông mà nói.

Chư Tỳ Khưu bạch:

– Thưa vâng, Thế Tôn! Chúng con rất muốn được nghe.

Túc duyên: tiên nhân Thiện Huệ
Phổ Quang Phật xuất thế

Phật nói cùng các Tỳ Khưu:

– Vô số a tăng kỳ kiếp trong đời quá khứ, vào lúc ấy có một tiên nhân tên là Thiện Huệ, tịnh tu phạm hành cầu Nhất thiết chủng trí. Vì để thành tựu Đại trí này nên sẵn lòng ở trong sinh tử, đi khắp năm đường. Một thân tử hoại lại thọ thân khác, sinh tử vô lượng, ví như lấy hết cỏ cây của thiên hạ chặt ra làm thẻ để đếm các thân đó, cũng không đếm hết được. Thường thì trời đất này từ lúc bắt đầu cho đến khi chấm dứt gọi là một kiếp, mà Ngài kia trải qua bao thành hoại của trời đất không thể nói ghi ra hết được. Do vì thương cho quần sinh đam mê ái dục, trôi chìm biển khổ, nên khởi từ bi muốn hành cứu bạt. Lại nghĩ như sau: “Nay các chúng sinh chìm trong sinh tử không tự thoát được, đều do tham dục sân khuể ngu si, ham đắm vào sắc thanh hương vị xúc pháp. Ta nay nhất định diệt bệnh ấy cho họ.” Nên tuy sinh vào các cõi luân hồi mà không hề quên tâm nguyện ấy. Đối với các chúng sinh oán thân đều bình đẳng. Dùng bố thí nhiếp bần cùng, trì giới nhiếp phá giới, nhẫn nhục nhiếp sân khuể, tinh tiến nhiếp giải đãi, thiền định nhiếp loạn ý, trí huệ nhiếp ngu si. Cứ thế ngày đêm tăng ích cho chúng sinh, vì khắp tất cả mà làm nơi quy y. Với các Như Lai thì cung kính cúng dường, mong cầu nghe pháp, rồi còn nói lại cho người khác. Thường đem bốn sự phụng cấp chúng Tăng. Đối với Phật Pháp Tăng tôn trọng thủ hộ. Các thực hành ấy không thể kể đếm. Thuở ấy có vua tên Đăng Chiếu, thành tên Đề Ban Bà Để. Nhân dân nước ấy thọ tám vạn tuổi, an ổn giàu có, thịnh vượng cùng cực, muốn gì cũng được, y như chư thiên. Thời quốc vương ấy chính pháp trị thế, không ép uổng dân, không có các khổ chém giết đánh đập, coi tất cả nhân dân như là con một.

Thời vua Đăng Chiếu sinh được Thái tử xinh đẹp khôn bì, đủ mọi oai đức, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Vào ngày sơ sinh bốn phương đều sáng, mặt trăng mặt trời, châu ngọc lửa đèn, chẳng cần dùng đến.

Vua thấy Thái tử có điềm lành ấy, triệu chư thần lại cùng bàn bạc rằng: “Thái tử sơ sinh có điềm kỳ đặc như thế, thì phải chọn cho Thái tử tên là gì đây?” Chư thần đáp rằng: “Nên đặt Thái tử tên là Phổ Quang.” Lại triệu tướng sư để mà chiêm tướng. Tướng sư đáp rằng: “Nay thần thấy Thái tử nếu ở tại gia sẽ làm Chuyển Luân Vương thống lãnh bốn thiên hạ. Còn nếu xuất gia, thời làm Thiên Nhân Tôn, thành Tát bà nhã.” Vua cùng phu nhân hậu cung thể nữ nghe tướng sư nói càng thương càng quý Thái tử vô cùng. Lại còn có trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, nhân, phi nhân, cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.

Bấy giờ Thái tử ở tại hậu cung vì phu nhân và thể nữ mà thuyết đủ mọi pháp. Thái tử đến năm hai vạn chín ngàn tuổi xả vương vị Chuyển Luân, thưa cùng cha mẹ cầu được xuất gia, song không được phép, xin đến ba lần mà vẫn không cho. Thái tử từ bi, chí mong tế độ [muôn loài,] nên đành trái ý mẹ cha để mà thành nên việc lớn. Mới liền tìm đến núi rừng dưới cây, cạo bỏ râu tóc, đắp lên pháp phục, cần tu khổ hành trọn sáu ngàn năm, thành A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, vì các người trời và tám bộ chúng mà chuyển Pháp luân. Pháp luân vi diệu tất cả thế gian, trời người Ma Phạm, đều không chuyển nổi. Dùng ba Thừa pháp giáo hóa chúng sinh, số được lợi ích không kể đếm nổi.

Lúc ấy phụ vương cùng với phu nhân, hậu cung thể nữ, nghe Thái tử Phổ Quang thành A nậu đa la Tam Miệu Tam bồ đề, tâm mừng vô cùng, náo nức vô lượng. Lúc ấy quần thần, nhân dân trong nước, các bà la môn, nghe Thái tử thành Đạo, ai cũng nghĩ rằng: “Thái tử Phổ Quang xả vương vị Chuyển Luân, cạo bỏ râu tóc, đắp lên pháp phục, xuất gia tu Đạo, đắc thành Chính giác. Thì nay bọn ta cũng nên xuất gia.” Nghĩ như vậy rồi đều tìm đến chỗ đức Phật Phổ Quang.

Bấy giờ Phổ Quang Như Lai mới quán tâm họ, tùy nhân duyên họ mà thuyết pháp cho. Đại thần, bà la môn v.v… có bốn ngàn người thành A la hán. Nhân dân trong nước cùng bốn phương khác đến nhập hội chúng có tám vạn người cũng đắc vô trước pháp nhẫn. Lúc ấy Phổ Quang Như Lai cùng với tám vạn bốn ngàn chư A la hán về đến gần biên giới, dạo khắp giáo hóa. Phụ vương nghe tin tâm rất hoan hỉ, ra lệnh trong nước an bằng đường xá, nước thơm tưới đất, treo các lụa là, bảo tràng cờ lọng, rải các hoa quý, trang sức như thế suốt mười hai thâu xà na. Rồi lại nổi trống ban lệnh trong nước ai mà có hoa không được bán riêng mà thâu hết lại cho vua. Lại sắc nhân dân không được cúng dường đức Phật trước ta. Rồi sai đại thần trước trổi kỹ nhạc, thắp hương rải hoa để đi thỉnh Phổ Quang Như Lai.

Thiện Huệ muốn cúng dường Phật Phổ Quang Nhân duyên gặp cô gái bán hoa

Bấy giờ Thiện Huệ tiên nhân đang ở trong núi mộng thấy năm việc kỳ đặc. Một là mộng nằm trên biển lớn. Hai là mộng gối đầu núi Tu di. Ba là mộng tất cả chúng sinh trong biển nhập vào thân mình. Bốn là mộng tay cầm mặt trời. Năm là mộng tay cầm mặt trăng. Mộng thấy thế rồi liền giật mình tỉnh giấc, tâm tự nghĩ rằng “Mộng này của ta không phải duyên thường, biết hỏi ai đây?

Cần phải vào thành hỏi các người trí.” Nghĩ thế xong, mặc áo da nai, tay cầm bình nước và một chiếc dù đi vào thành ấp.

Trên đường đi qua chỗ các ngoại đạo ở, có năm trăm người làm thượng thủ. Thiện Huệ nghĩ rằng “Nay ta thử đem giấc mộng ra hỏi, cũng là để xem họ tu thế nào?” Mới cùng các người ấy giảng luận đạo nghĩa, phá các dị kiến của họ. Thời năm trăm người phải chịu nhận thua, xin làm đệ tử, đối với Thiện Huệ hết lòng cung kính. Mỗi vị lấy một đồng tiền bạc dâng lên cúng. Lại có năm trăm ngoại đạo khác thấy Thiện Huệ biện tài thông minh cũng sinh tùy hỉ. Lúc ấy các ngoại đạo bàn nói với nhau là nay Phổ Quang Như Lai xuất hiện nơi đời…Thiện Huệ tiên nhân nghe lời nói ấy toàn thân sởn ốc, tâm vui không cùng, nôn nao vô lượng. Liền cùng ngoại đạo chia tay ra đi.

Ngoại đạo hỏi rằng “Thầy định đi đâu?” Đáp rằng “Ta nay tìm đến nơi Phật Phổ Quang định dâng cúng dường.” Ngoại đạo bạch rằng “Nếu thầy đã đi, chúng tôi cũng muốn theo cùng.” Thiện Huệ đáp rằng “Ta nay có duyên cần phải đi trước.” Bấy giờ Thiện Huệ mang theo năm trăm đồng bạc theo đường mà đi. Chúng ngoại đạo kia lưu luyến buồn thương, từ biệt quay về.

Thiện Huệ đi tới, thấy người của vua đắp bằng đường xá, nước thơm tưới đất, bày tràng cờ lọng, trang nghiêm mọi thứ, mới cất tiếng hỏi “Do nhân duyên gì mà làm như vậy?” Người của vua đáp “Có Phật xuất hiện nơi đời hiệu là Phổ Quang. Nay Đăng Chiếu Vương thỉnh mời vào thành, cho nên phải mau mau trang nghiêm đường xá.” Thiện Huệ lại hỏi người làm đường “Ông biết chỗ nào có các hoa quý không?” Đáp rằng “Đạo sĩ! Đăng Chiếu đại vương nổi trống ban lệnh hoa quý trong nước đều không được bán, thâu hết về vua.” Thiện Huệ nghe rồi tâm rất buồn phiền, ý vẫn không yên, cố tìm các chỗ có hoa.

Bỗng gặp một cô gái hầu của vương gia, đem dấu bẩy cành hoa sen xanh, đi ngang qua. Sợ lệnh vua ban nên dấu trong bình. Thiện Huệ chí thành cảm các hoa sen ló ra khỏi bình. Thiện Huệ xa thấy liền truy hô lên:

– Đại tỷ, xin ngừng! Hoa kia có bán chăng?

Cô hầu nghe hỏi kinh ngạc vô cùng, thầm tự nghĩ rằng “Ta dấu hoa rất kín sao nam tử kia lại thấy được hoa mà đòi mua vậy?”

Cô quay lại ngó bình quả thấy hoa ló ra, hết sức là lạ lùng, cô đáp:

– Hoa sen xanh này là để đem về cung dành dâng lên Phật, không thể ai có được.

Thiện Huệ lại nói:

– Xin lấy năm trăm tiền bạc đổi lấy năm cành được chăng?

Cô hầu ý nghi, thầm tưởng rằng “Giá của hoa này không quá vài đồng, mà nay nam tử dám đem năm trăm tiền bạc cầu mua năm cành.” Mới hỏi rằng:

– Ông muốn lấy hoa để làm gì vậy?

Thiện Huệ đáp rằng:

– Nay có Như Lai xuất hiện trong đời. Đăng Chiếu đại vương thỉnh Phật về thành, nên tôi cần hoa để mà dâng cúng. Đại tỷ biết cho, chư Phật Như Lai rất khó mà gặp, như Ưu đàm bát hoa lâu lắm mới hiện.

Cô hầu lại hỏi:

– Cúng dường Như Lai để cầu chuyện gì?

Thiện Huệ đáp rằng:

– Do vì muốn thành Nhất thiết chủng trí, độ thoát vô lượng chúng sinh đau khổ.

Khi cô hầu nghe lời nói ấy, tâm thầm nghĩ rằng vị nam tử này dung nhan đoan chính, khoác áo da nai che đậy cơ thể, chí thành như thế, chẳng tiếc tiền mua. Mới nói lời rằng:

– Tôi nay sẽ đưa hoa này cho ngài, nguyện tôi đời đời thường làm vợ ngài.

Thiện Huệ đáp rằng:

– Tôi tu phạm hành cầu đạo vô vi, không thể hứa hẹn duyên sinh tử ấy.

Cô hầu liền nói:

– Nếu không chịu theo tâm nguyện của tôi, thì hoa không có.

Thiện Huệ lại nói:

– Nếu cô quyết định không cho tôi hoa, thì đành theo nguyện của cô. Song tôi hay bố thí, không trái ý người. Nếu như có người đến xin với tôi đầu mắt tủy não ngay cả vợ con, xin cô đừng ngăn làm hoại tâm thí của tôi.

Cô hầu đáp rằng:

– Lành thay, lành thay! Xin kính vâng mệnh. Nay tôi thân gái yếu mềm không thể mạo muội tiến gần, xin gửi ngài hai đóa hoa để hiến cúng Phật, cho tôi đời đời không chuyển nguyện này, đẹp xấu có nhau, ghi khắc trong tâm, xin Phật biết cho.

Bấy giờ, vua Đăng Chiếu cùng với các con và các quan thuộc, bà la môn v.v… mang hương hoa tươi tốt, đủ loại cúng dường, ra ngoài nghinh đón Phổ Quang Như Lai. Nhân dân toàn quốc cũng đều đi theo.

Lúc ấy năm trăm đệ tử của Thiện Huệ cùng nói với nhau: “Hôm nay quốc vương cùng các thần dân tất cả đều đến gặp Phật Phổ Quang. Đại sư hôm nay cũng sẽ đến đó. Chúng ta cũng nên đến đó lễ kính đức Phật.” Nói xong cùng nhau lên đường. Đi chưa được bao lâu đã trông thấy Thiện Huệ đàng xa. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ vô cùng, rồi đi cùng nhau đến chỗ đức Phật Phổ Quang. Đã thấy vua Đăng Chiếu đang ở trước Phật cúng dường lễ bái đầu tiên. Rồi cứ tuần tự đến các đại thần, ai nấy lễ kính và rải hoa thơm, hoa đều rơi xuống đất.

Đến khi Thiện Huệ và năm trăm đệ tử thấy mọi người ai cũng cúng dường xong rồi, mới ngắm kỹ sắc tướng tốt đẹp của Như Lai, lại do muốn cứu bạt tất cả chúng sinh khổ, và cũng để viên mãn Nhất thiết chủng trí, nên liền rải năm cành hoa, hoa dừng lại hết trên không, hóa thành đài hoa. Sau lại rải tiếp hai cành, cũng dừng lại trong không, kèm hai bên Phật. Bấy giờ quốc vương cùng các quyến thuộc, tất cả thần dân, trời rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, nhân và phi nhân các loài, thấy chuyện lạ kỳ này, đều ca ngợi là chưa từng có.

Phổ Quang Phật thọ ký Thiện Huệ

Lúc ấy Phổ Quang Như lai dùng Trí vô ngại ca ngợi Thiện Huệ rằng:

– Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, ông do sự thực hành này, mà qua khỏi vô lượng a tăng kỳ kiếp sẽ được thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni, Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Ngay vào lúc Thiện Huệ được thọ ký, vô lượng trời rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, nhân và phi nhân, rải các diệu hoa tràn ngập trong không, cùng phát thệ rằng “Khi Ngài Thiện Huệ thành Phật đạo trong tương lai, chúng con nguyện đều làm quyến thuộc của Ngài.” Khi ấy Phổ Quang Như Lai mới thọ ký cho rằng:

– Các ông đều được sinh vào nước ấy.

Khi Như Lai thọ ký xong rồi, vẫn thấy Thiện Huệ còn búi tóc kiểu tiên nhân và mặc áo da nai. Như Lai muốn giúp xả bỏ đi cách ăn mặc ấy, nên liền hóa đất thành ra chỗ bùn lầy. Thiện Huệ thấy Phật phải đi qua chỗ ấy, mà đất thì lầy lội, tâm thầm nghĩ rằng “Làm sao ta để cho bàn chân với tướng bánh xe ngàn căm ấy dẵm vào đó mà đi qua được!” Nên liền cởi áo da ra để trải lên đất, song không phủ hết được chỗ lầy, nên lại xõa tóc ra để che cho trọn. Như Lai liền bước lên trên ấy mà đi qua. Nhân đó thọ ký rằng:

– Ông sau này thành Phật, sẽ ở trong đời ác năm trược độ các trời người, mà không thấy đó là khó, trọn đều như Ta vậy.

Khi Thiện Huệ nghe lời ấy rồi, hân hoan nôn nao, mừng không kềm nổi. Ngay lúc ấy liền hiểu rõ tất cả các pháp là Không, đắc vô sinh nhẫn, thân vọt lên hư không, cách mặt đất bẩy cây đa la, nói kệ ca ngợi Phật:

Nay gặp bậc dẫn đạo thế gian khiến cho con mở khai mắt huệ, vì con mà thuyết thanh tịnh pháp khử trừ lìa xa mọi chấp trước. Nay gặp đấng tối tôn trời người khiến cho con chứng được vô sinh, nguyện tương lai đạt được kết quả y như Lưỡng Túc Tôn không khác.

Thiện Huệ xuất gia

Khi Thiện Huệ nói lời tán thán ấy xong, từ trong không hạ xuống, bước đến trước Phật, năm vóc mọp xuống đất, bạch Phật rằng:

– Xin đấng Thế Tôn vì thương xót con mà cho xuất gia.

Bấy giờ Phổ Quang Như Lai đáp rằng:

– Thiện lai, Tỳ Khưu!

Thiện Huệ râu tóc tự rụng, cà sa khoác thân, liền thành sa môn. Lúc ấy có hai người già nghèo khổ, mỗi người có một trăm thân thuộc đi cùng, thấy tướng đẹp của Phật, oai đức rờ rỡ, tự cảm thương thân nghèo cùng không gì cúng dường. Tức thời Như Lai thương họ tâm thành, liền biến đất trước mặt sinh các cỏ dại, khiến hai người nghèo thấy đất không sạch, phát tâm hoan hỉ ra sức quét dọn. Phổ Quang Như Lai mới thọ ký rằng:

– Các ngươi qua vô lượng a tăng kỳ kiếp, khi Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong đời, các ông sẽ là các đệ tử Thanh văn đệ nhất.

Khi Phổ Quang Như Lai thọ ký cho hai người nghèo rồi, liền cùng tám vạn bốn ngàn Tỳ khưu cùng vua Đăng Chiếu và bà la môn, các thần dân v.v… trước sau vây quanh, đi vào thành Đề Ban Bà Để. Lúc ấy vua Đăng Chiếu cùng các quyến thuộc đem bốn sự cúng dường lên Phổ Quang Như Lai và tám vạn bốn ngàn Tỳ khưu. Trải qua bốn vạn năm, vua bèn xả ngôi vị giao lại cho con, rồi cùng với quyến thuộc mình và quyến thuộc của phu nhân, mỗi bên tám vạn bốn ngàn người, đều theo Phật pháp xuất gia tu Đạo, đắc đà la ni chư pháp tam muội.

Thiện Huệ tỳ khưu cũng theo Phổ Quang Như Lai mà được vua cúng dường trọn bốn vạn năm, đối với các pháp đắc tam muội thâm sâu, giáo hóa chúng sinh không kể đếm hết. Khi ấy Thiện Huệ tỳ khưu bạch Phổ Quang Như Lai rằng:

– Thế Tôn, con thuở xưa còn ở trong núi sâu, có nằm mộng thấy năm việc kỳ đặc: Một là mộng thấy nằm trong biển lớn, hai là mộng thấy gối đầu trên núi Tu Di, ba là mộng thấy tất cả chúng sinh trong biển đều nạp vào trong thân mình, bốn là mộng thấy tay cầm mặt trời, năm là mộng thấy tay cầm mặt trăng. Xin cùng Thế Tôn giải nói ý nghĩa của giấc mộng ấy cho con.

Thời Phổ Quang Như Lai đáp rằng:

– Lành thay! Nếu ông muốn biết rõ nghĩa của giấc mộng ấy, ta sẽ nói cho ông nghe: Mộng nằm trong biển lớn nghĩa là thân ông hiện giờ còn ở trong biển lớn sinh tử. Mộng gối đầu trên núi Tu di là nghĩa ra khỏi sinh tử và đắc được Niết bàn. Mộng thấy tất cả chúng sinh trong biển lớn nhập vào thân mình là sẽ ở trong biển lớn sinh tử mà làm chỗ quy y cho các chúng sinh. Mộng tay cầm mặt trời là trí huệ quang minh chiếu khắp pháp giới. Mộng tay cầm mặt trăng là dùng trí phương tiện nhập vào sinh tử, dùng pháp thanh lương hóa đạo chúng sinh, khiến lìa nhiệt não. Nhân duyên của mộng này cho thấy ý nghĩa trong tương lai ông sẽ thành Phật. Thiện Huệ nghe xong, hoan hỉ nôn nao, không sao kềm nổi, lễ Phật lui ra.

Rồi thì Phổ Quang Như Lai không lâu sau đó nhập vào Niết bàn. Thiện Huệ tỳ khưu hộ trì chính Pháp trọn hai vạn năm. Dùng pháp ba Thừa giáo hóa chúng sinh, người được lợi ích không sao kể hết.

Thiện Huệ chuyển sinh trong trời người

Đến khi Thiện Huệ tỳ khưu mệnh chung nơi đó, liền sinh lên trên làm Tứ Thiên Vương dùng Pháp ba Thừa dạy các thiên chúng.

Tuổi trời thọ tận, hạ sinh nhân gian làm Chuyển luân thánh vương, vua của bốn thiên hạ, bảy báu đầy đủ: một là báu kim luân, hai là báu voi trắng, ba là báu ngựa hồng thẵm, bốn là báu ngọc thần, năm là báu ngọc nữ, sáu là báu thần chủ tạng, bảy là báu thần chủ binh. Lại có đủ ngàn con trọn đều dũng mãnh hàng phục mọi oán địch. Và dùng chính pháp trị dân, không ai oán than, thường dùng thập thiện dạy dỗ nhân dân.

Từ đó thọ tận sinh trời Đao Lợi làm chúa trời đó. Thọ chung lại sinh xuống làm Chuyển luân thánh vương. Khi thọ mệnh chung, cứ thế sinh lên cho đến Phạm Thiên thứ bảy làm Thiên Vương, rồi lại sinh xuống là Thánh chủ. Mỗi phen như thế có đến ba mươi sáu lần, trong khoảng giữa ấy hoặc làm tiên nhân hoặc làm sáu thầy ngoại đạo, hoặc làm bà la môn, hoặc làm tiểu vương. Biến hiện như thế không thể kể đếm hết được.

Sinh Trời Đâu Suất Chuẩn bị giáng thai

Đến khi Thiện Huệ bồ tát công hành đã mãn, vị lên đến thập địa, trụ nhất sinh bổ xứ, gần thành Nhất thiết chủng trí, sinh lên trời Đâu Suất, tên là thánh Thiện Huệ, làm chúa của chư thiên, thuyết giảng về sự thực hành của nhất sinh bổ xứ và hiện đủ loại thân khắp mười phương quốc độ, vì các chúng sinh mà tùy theo thuyết pháp. Khi sắp đến kỳ hạn sinh xuống thành Phật, thời Ngài quán năm sự: (1) Một là quán chúng sinh thiện căn chín rồi hay chưa? (2) Hai là quán thời đến rồi hay chưa đến? (3) Ba là quán các quốc độ xem quốc độ nào ở trung tâm? (4) Bốn là quán các chủng tộc xem chủng tộc nào hưng thịnh tôn quý? (5) Năm là quán nhân duyên quá khứ ai là người chân chính nhất để làm cha mẹ mình?

Quán năm sự xong, Ngài mới xét rằng: “Nay các chúng sinh này đều là những người đã được ta thành thục từ lúc sơ phát tâm đến nay, đều có thể thọ nhận được diệu pháp thanh tịnh. Trong tam thiên đại thiên thế giới này thời nước Ca Tỳ La Bái Đâu tại Diêm Phù Đề là ở tại trung tâm nhất. Các chủng tộc thì họ Thích Ca là đệ nhất, vốn dòng dõi Cam Giá, là hậu duệ của Thánh Vương.” Lại quán thấy phu thê Bạch Tịnh Vương nhân duyên quá khứ có thể làm cha mẹ mình. Lại quán thấy Ma Gia phu nhân tuổi thọ ngắn ngủi, có mang Thái tử trọn đủ mười tháng, Thái tử sẽ sinh, và sinh xong bẩy ngày thì mẹ mình mệnh chung.

Quán như thế xong lại suy xét: “Ta nay nếu hạ sinh ngay thì sẽ không thể làm lợi ích cho khắp hết các chư thiên được.” Nên Ngài ở ngay thiên cung mà hiện ra năm điềm cốt cho chư thiên biết rõ Bồ Tát đã đến kỳ hạn sinh xuống thành Phật: (1) Một là mắt Bồ Tát hiện nháy động, (2) hai là hoa trên đầu héo, (3) ba là y bị bám bụi, (4) bốn là dưới nách toát mồ hôi, (5) năm là không thích chỗ mình ngồi nữa.

Khi chư thiên bỗng thấy Bồ Tát có các tướng lạ như thế, tâm đều hoảng hốt, toàn thân chân lông máu tuôn như mưa, nói cùng nhau rằng “Bồ Tát không lâu nữa sẽ bỏ chúng ta đi.” Bấy giờ Bồ Tát lại hiện ra năm điềm lành: (1) một là phóng ánh sáng bao la phổ chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, (2) hai là đại địa chấn động mười tám cách, (3) ba là cung điện của các Ma ẩn mất không thấy nữa, (4) bốn là trăng trời tinh tú không còn chiếu sáng nữa, (5) năm là trời rồng tám bộ thân đều chấn động không sao kềm lại được. Lúc ấy chư thiên Đâu Suất đã thấy Bồ Tát có năm tướng kia, lại thấy năm sự hi hữu hiện ngoài, mới tụ tập hết lại, đến chỗ Bồ Tát, đầu mặt lễ chân Bồ Tát, bạch rằng:

– Tôn giả, chúng tôi hôm nay thấy các điềm ấy, toàn thân chấn động, không sao an được. Xin hãy vì chúng tôi mà giải thích các nhân duyên này.

Bồ Tát liền trả lời chư thiên rằng:

– Thiện nam tử! Phải biết các hành đều vô thường. Ta không lâu nữa sẽ bỏ thiên cung này mà sinh xuống Diêm Phù Đề.

Khi chư thiên nghe nói thế rồi, thời khóc lóc thở than, tâm rất áo não, toàn thân rướm máu như hoa ba la xà, hoặc có vị không thấy thích tòa ngồi của mình nữa, hoặc có vị bỏ hết mọi thứ trang nghiêm, hoặc có vị lăn lộn dưới đất chẳng biết gì nữa, hoặc có vị thấm thía thở than vô thường khổ đau… Lúc ấy có một thiên tử nói bài kệ rằng: Bồ Tát ở nơi đây khai pháp nhãn bọn ta, nay bỏ chúng ta đi như mù xa đạo sư. Hoặc như đang qua sông bỗng bị mất thuyền, cầu, và như hài nhi nhỏ chết mất mẹ hiền từ.

Chúng ta cũng như vậy mất đi chỗ nương tựa, trôi dạt dòng sinh tử rốt không có duyên ra. Chúng ta trong đêm dài bị tên si bắn trúng, đã mất đại y vương ai cứu chúng ta đây. Nằm liệt giường vô minh mãi chìm biển ái dục, dứt tuyệt Tôn Giả huấn chẳng thấy ngày xuất ra.

Khi ấy Bồ Tát thấy các thiên tử khóc lóc áo não, lại nghe bài kệ luyến mộ kia, mới dùng từ âm khuyên rằng:

– Thiện nam tử, hễ là người phải sinh rồi thì không ai lại không chết, ân ái hợp hội ắt có biệt ly. Trên đến trời A ca nị trá, dưới đến A tỳ địa ngục, trong khoảng giữa ấy tất cả các chúng sinh không ai không bị lửa lớn vô thường thiêu đốt. Thế nên các ông không nên cứ lưu luyến tôi như thế. Nay tôi với các ông đều chưa lìa khỏi lửa hừng sinh tử. Cho đến tất cả nghèo giầu quý tiện đều không ai miễn thoát được. Theo đó, Bồ Tát liền nói kệ rằng: Các hành vô thường là pháp sinh diệt. Sinh diệt diệt xong, tịch diệt là lạc.

Rồi Bồ Tát nói với chư thiên tử rằng:

– Bài kệ này chính là bài kệ mà chư Phật quá khứ đều cùng nói. Pháp thuộc các hành này từ tính đến tướng đều là như vậy. Nay các ông đừng có sầu não, tôi ở trong sinh tử đã vô lượng kiếp rồi, nay chỉ còn lại một đời nữa, không lâu nữa sẽ được lìa khỏi chư hành. Các ông phải biết nay chính là lúc độ thoát chúng sinh, tôi cần phải hạ sinh xuống Diêm Phù Đề, nước Ca Tỳ La Bái Đâu, dòng dõi Cam Giá, chủng tộc họ Thích, vương gia Bạch Tịnh. Tôi sinh vào nơi ấy, lìa xa cha mẹ, xả bỏ vợ con cùng vương vị Chuyển Luân, xuất gia học đạo, cần tu khổ hành, hàng phục ma oán, thành Nhất thiết chủng trí, chuyển bánh xe Pháp mà tất cả thế gian người trời, Ma, Phạm, đều không chuyển nổi. Cũng y theo pháp thức mà quá khứ chư Phật đã hành, lợi ích khắp hết tất cả chúng trời người, dựng đại Pháp tràng lật đổ Ma tràng, cạn biển phiền não, tịnh đường “bát chính”. Dùng các Pháp ấn, ấn tâm chúng sinh. Mở đại Pháp hội thỉnh các người trời. Các ông lúc ấy cũng đều có trong hội ấy mà hưởng thụ Pháp thực. Do nhân duyên ấy nên không nên sầu não. Nói rồi Bồ tát dùng kệ tụng rằng: Ở đây ta không lâu sẽ xuống Diêm Phù Đề, Ca Tỳ La Bái Đâu, sinh cung vua Bạch Tịnh. Từ phụ mẫu thân thuộc, xả vương vị Chuyển Luân, xuất gia hành học Đạo thành Nhất thiết chủng trí. Kiến lập chính Pháp tràng làm cạn biển phiền não, đóng bít cửa ác thú, tịnh khai đường “bát chính”. Quảng lợi khắp trời người, số lượng không thể đếm, Do bởi nhân duyên ấy không nên sinh sầu não.

Khi ấy Bồ Tát chân lông toàn thân đều phóng quang minh. Còn các thiên tử nghe Bồ Tát nói, và thấy thân ngài phóng đại quang minh, thời hoan hỉ nôn nao, lìa các ưu khổ. Mỗi vị tâm niệm “Bồ

Tát không lâu sẽ thành Chính giác.”

CHƯƠNG II Thành Quả Hiện Tại

1. Bồ Tát giáng thai

Lúc đó Bồ Tát thấy đã đến lúc giáng thai, bèn cưỡi voi trắng sáu ngà, lìa khỏi cung Đâu Suất. Vô lượng chư thiên trổi các âm nhạc, thắp các hương thơm, rải diệu hoa trời, đi theo Bồ Tát đầy khắp hư không, phóng đại quang minh chiếu khắp mười phương.

Vào ngày mùng tám tháng tư, lúc sao mai xuất hiện, ngài giáng thần vào thai mẹ. Lúc ấy Ma Gia phu nhân đương lúc nửa tỉnh nửa mê, thấy Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà bay từ trong không xuống, từ sườn bên phải nhập vào mình, ảnh hiện ra bên ngoài như ở trong lưu ly vậy. Phu nhân cơ thể an lạc khoan khoái như uống cam lồ. Ngó lại thân mình sáng như nhật nguyệt chiếu, tâm rất hoan hỉ, hân hoan không cùng. Thấy cảnh ấy rồi thì chợt bừng tỉnh, sinh tâm hi hữu vô cùng. Lập tức tìm đến vua Bạch Tịnh, bạch cùng vua rằng:

– Thần thiếp vừa rồi nửa tỉnh nửa mê, dường như là mộng, thấy các điềm lành, hết sức đặc biệt.

Vua mới đáp rằng:

– Vừa rồi trẫm cũng thấy có đại quang minh, nay lại thấy sắc diện của khanh khác hẳn bình thường. Khanh hãy kể lại ta nghe thấy các điềm lành gì?

Phu nhân bèn kể lại hết mọi chuyện như trên, rồi nói kệ như sau: Thấy vị cưỡi voi trắng trắng sạch như nhật nguyệt, Thích, Phạm, các thiên chúng đều theo cầm bảo tràng, thắp hương, rải thiên hoa cùng trổi các âm nhạc, tràn ngập khắp hư không, vây quanh cùng đi xuống, đến nhập sườn phải thiếp y như trong lưu ly. Nay kể lại đại vương, là điềm lành gì vậy?

Khi vua Bạch Tịnh nghe Ma Gia phu nhân kể các điềm lành nọ, thời vui mừng náo nức không sao kềm được, liền sai mời các bà la môn giỏi đoán tướng vào, dùng diệu hương hoa, đủ loại món ăn mà cúng dường. Cúng dường xong xuôi, vua cho xem sườn phải của phu nhân và kể lại các điềm lành, rồi nói với các bà la môn:

– Xin hãy đoán xem có gì khác thường không?

Các bà la môn liền chiêm đoán rồi tâu rằng:

– Đại vương, phu nhân có mang Thái tử này, các tướng tốt đẹp nói không sao hết. Nay chỉ nói lược qua cho đại vương nghe thôi: Đại vương phải biết, người con trong thai của phu nhân hiện nay sẽ làm vinh hiển chủng tộc Thích Ca. Lúc giáng thai phóng đại quang minh, chư thiên Thích, Phạm, hầu hạ vây quanh. Điềm ấy chính là điềm bậc Chính giác. Nếu không xuất gia sẽ làm Chuyển Luân thánh vương, vua bốn thiên hạ, bảy báu tự đến, ngàn con đầy đủ.

Vua nghe các bà la môn nói xong thấy hạnh phúc vô cùng, náo nức vô lượng, bèn đem vàng bạc, tạp bảo, voi ngựa xe cộ, cùng các thôn ấp ra để cung cấp cho các bà la môn ấy. Phần Ma Gia phu nhân cũng đem các thể nữ và các trân bảo ra mà phụng thí cho.

2. Bồ Tát trụ thai

Từ khi Bồ Tát vào ngự trong thai cho đến sau đó, Ma Gia phu nhân mỗi ngày còn tu tập thực hành sáu ba la mật. Chư thiên tự động đến hiến thực, phu nhân không còn thấy thích các vị của thế gian nữa. Ba ngàn đại thiên thế giới đều thường sáng rực. Các chỗ tối mò trong đó mà ánh sáng nhật nguyệt không chiếu đến được, nay đều sáng tỏ. Chúng sinh trong ấy ai nhìn thấy nhau đều cùng nói rằng “Ở đây bỗng đâu lại sinh ra chúng sinh kìa!” Khi Bồ Tát giáng thai, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động mười tám cách, gió mát và thơm khởi khắp bốn phương, các kẻ bệnh tật đều lành lặn hẳn, tham dục sân si cũng đều ngưng diệt.

Khi ấy ở thiên cung Đâu Suất có một thiên tử suy nghĩ như vầy: “Bồ Tát đã sinh vào cung vua Bạch Tịnh rồi, ta cũng phải hạ sinh nhân gian thôi. Bồ Tát thành Phật, ta sẽ được là quyến thuộc Ngài trước hết mà cúng dường nghe Pháp.” Nghĩ thế rồi lập tức hạ sinh vào trong thành nơi vương cung, hoặc thuộc chủng tính Minh Nguyệt, hoặc chiên đà la hoặc nhiều vương gia. Lại có thiên tử sinh vào hoàng gia nước Xá Vệ. Lại có thiên tử sinh vào hoàng gia nước Thâu La Quyết Xoa. Lại có thiên tử sinh vào hoàng gia nước Độc Tử. Lại có thiên tử sinh vào hoàng gia nước Bạt La. Lại có thiên tử sinh vào hoàng gia nước Lô La. Lại có thiên tử sinh vào hoàng gia nước Đức Xoa Thi La. Lại có thiên tử sinh vào hoàng gia nước Câu La Bà. Lại có thiên tử sinh vào nhà bà la môn. Lại có thiên tử sinh vào nhà trưởng giả, cư sĩ, tỳ xá, thủ đà la. Lại có năm trăm thiên tử sinh vào trong nhà dòng họ Thích. Các thiên tử như thế, con số có đến chín mươi chín ức hạ sinh nhân gian.

Lại từ trời Tha Hóa Tự Tại cho đến Tứ Thiên Vương hạ sinh xuống không kể đếm hết được. Lại có Thiên vương ở cõi Sắc cùng các quyến thuộc cũng đều hạ sinh xuống làm các tiên nhân.

Bồ Tát tại thai, đi đứng nằm ngồi không hề trở ngại, lại không làm cho mẹ bị các khổ sở. Bồ Tát sáng sớm ở trong thai mẹ vì chư thiên cõi Sắc mà nói mọi thứ Pháp. Đến giữa ngọ lại vì chư thiên cõi Dục mà nói Pháp nữa. Vào lúc mặt trời lặn lại vì chư quỷ thần mà nói pháp. Vào đêm ba thời cũng y như vậy, thành thục lợi ích vô lượng chúng sinh.

Bồ Tát tại thai, phu nhân như thể nữ có ai lại lễ bái cúng dường hoặc ai lại chúc mừng rằng sẽ thành được Chuyển Luân thánh vương, Bồ Tát nghe rồi tâm không ưa thích. Còn như ai lại cầu chúc rằng sẽ thành được Nhất thiết chủng trí, Bồ Tát nghe rồi tâm rất hoan hỉ.

3. Bồ Tát xuất thai, đản sinh

Bồ Tát ở trong thai mãn mười tháng, thân thể các chi tiết cùng các tướng hảo đều đã trọn đủ, và cũng làm cho mẹ các căn đều tịch tịnh, thích ở các nơi vườn rừng, không thích ồn náo. Thời vua Bạch Tịnh tâm thầm tưởng: “Phu nhân có mang ngày tháng sắp tròn, mà không thấy có vẻ gì là sắp sinh hết.” Khi đang nghĩ thế thời vừa lúc phu nhân sai người bạch vua: “Thiếp nay muốn ra dạo chốn vườn rừng ngắm cảnh.”

Vua nghe nói thế lòng càng vui mừng, liền hạ lệnh bên ngoài quét dọn sạch sẽ vườn Lam Tỳ Ni. Còn sai trồng trọt các diệu hoa quả, suối rạch ao hồ đều làm sạch trong, hành lang bực thềm đều dùng bẩy báu để mà tô điểm, phỉ thúy, uyên ương, phượng hoàng, loan yến, đủ loại chim chóc hòa hót trong đó. Lại treo các cờ lọng bằng lụa, rải hoa đốt hương, trổi các âm nhạc, y như khu vườn Hoan Hỉ của Đế Thích. Lại hạ lệnh trên quãng đường đến đó đều phải sạch sẽ trang hoàng đủ loại. Lại hạ lệnh chuẩn bị mười vạn cỗ xe bằng bẩy báu, mỗi xe khắc chạm tuyệt đẹp. Lại hạ lệnh bên ngoài chuẩn bị bốn đội binh: tượng binh, kỵ binh, xa binh và bộ binh. Lại tuyển chọn trong hậu cung các thể nữ nhan sắc đẹp đẽ, không lớn tuổi, không nhỏ tuổi, tâm tính nhu mì, thông minh lanh lẹ, có đến tám vạn bốn ngàn cô, để mà hầu hạ Ma Gia phu nhân. Lại chọn ra tám vạn bốn ngàn đồng nữ xinh xắn, đeo diệu anh lạc, các đồ trang sức, bưng các hương hoa đến vườn Lam Tỳ Ni ở trước. Vua lại sắc các quần thần bách quan khi phu nhân đi thì đều phải tháp tùng theo hầu.

Rồi phu nhân bước lên xe báu cùng các quan thuộc và các thể nữ trước sau tháp tùng, đồng đến vườn Lam Tỳ Ni. Khi ấy lại có trời rồng tám bộ cũng đều tùy tùng đầy khắp hư không.

Khi phu nhân vào trong vườn rồi, các căn đều tịch tĩnh. Mười tháng đã tròn mãn, vào ngày mùng tám tháng tư, lúc mặt trời vừa mọc, phu nhân thấy trong vườn có một cây đại thụ tên Vô ưu, hoa rộ thơm ngát, cành lá xum xuê, đang thời cực thịnh, mới đưa cánh tay phải lên định kéo xuống hái. Khi ấy Bồ Tát từ sườn bên phải từ từ bước ra. Ngay lúc ấy dưới cây cũng sinh ra bảy cành hoa sen bằng bảy báu, lớn như bánh xe. Bồ Tát liền rơi lên trên hoa sen, không người đỡ dắt, tự đi bảy bước, đưa cánh tay phải lên, hống tiếng sư tử:

– Ta ở giữa mọi loài trời người này là tối tôn tối thắng. Vô lượng sinh tử đến dây là tận. Đời này lợi ích tất cả người trời.

Nói lời ấy xong, Tứ Thiên Vương liền lấy lụa trời đón lấy thân Thái tử đặt lên trên giường báu. Thích Đề Hoàn Nhân tay cầm lọng báu, Đại Phạm thiên vương thì cầm phất trần trắng, đứng hầu hai bên phải trái. Nan Đà long vương, Ưu Ba Nan Đà long vương từ trên hư không tuôn nước thanh tịnh, dòng ấm dòng mát, rót trên thân Thái tử, thân màu hoàng kim với ba mươi hai tướng phóng đại quang minh chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Trời rồng tám bộ cũng ở trên không trổi âm nhạc trời, ca ngâm tán tụng, xông các hương thơm, rải các diệu hoa. Lại mưa xuống các y trời cùng với anh lạc lất phất tung bay, đếm không hết nổi.

Khi Ma Gia phu nhân sinh Thái tử rồi, thân an khoái lạc, không chút khó nhọc, hân hoan rạo rực, đứng yên dưới cây. Trước sau tự nhiên bỗng sinh bốn giếng, nước rất trong thơm đủ tám công đức. Khi ấy Ma Gia phu nhân cùng các quyến thuộc cứ tùy tiện sử dụng tẩy rửa. Lại có các vua dạ xoa đều cùng bao quanh bảo vệ cho Thái tử và Ma Gia phu nhân.

Đương lúc ấy, người Diêm phù đề lên cho đến trời A ca nị trá, tuy lìa khỏi hỉ lạc, song đều về đây hoan hỉ tán thán bậc Nhất thiết chủng trí, nay hiện ra đời, vô lượng chúng sinh đều được lợi ích. “Xin Ngài mau thành đạo Chính giác, chuyển bánh xe Pháp, quảng độ chúng sinh.” Chỉ có Ma vương riêng ôm sầu não, ngồi đứng không yên.

(1) Ba mươi bốn điềm lành

Vào ngay lúc ấy, có đến ba mươi bốn điềm lành cảm ứng như sau: (1) Một là mười phương thế giới trọn đều sáng rực. (2) Hai là ba ngàn đại thiên thế giới chấn động mười tám cách, gò đống bằng phẳng. (3) Ba là tất cả cây khô đều tươi tốt lại, trong nước bỗng sinh các loài cây quý lạ. (4) Bốn là vườn tược sinh các quả ngon ngọt rất lạ. (5) Năm là đất bằng sinh hoa sen báu lớn như bánh xe. (6) Sáu là các kho tàng trong đất đều tự lộ ra. (7) Bảy là các kho châu báu phóng đại quang minh. (8) Tám là các y phục vi diệu của chư thiên tự nhiên hạ xuống. (9) Chín là trăm sông vạn ngòi tĩnh lặng lắng trong. (10) Mười là gió lặng mây tan trong không minh tịnh. (11) Mười một là hương thơm ngào ngạt từ khắp bốn phương bay lại. (12) Mười hai là mọi bệnh tật trong nước đều hết sạch. (13) Mười ba là cung xá trong nước không đâu không sáng rực, đèn đuốc không cần đến nữa. (14) Mười bốn là nhật nguyệt tinh tú dừng lặng không chuyển nữa. (15) Mười lăm là sao Tỳ xá khư hiện xuống nhân gian đợi Thái tử sinh. (16) Mười sáu là các Phạm thiên vương cầm lọng báu trắng giăng che trên cung. (17) Mười bảy là khắp tám phương các thầy tiên nhân đem báu lại hiến dâng. (18) Mười tám là đồ ăn cõi trời trăm vị tự nhiên hiện ra trước mặt. (19) Mười chín là vô số bình báu đựng đầy cam lồ. (20) Hai mươi là các xe cõi trời chở báu vật đến. (21) Hai mươi mốt là vô số voi con trắng đầu đội hoa sen đứng sắp hàng ở trước điện. (22) Hai mươi hai là các ngựa trời màu đỏ thẵm chở báu tự nhiên hiện đến. (23) Hai mươi ba là năm trăm sư tử chúa trắng từ Tuyết sơn xuất hiện, không còn chút hung dữ, tâm tràn hoan hỉ, nằm đầy trước cửa thành. (24) Hai mươi bốn là các thiên nữ kỹ nhạc ở trên không tấu lên các âm nhạc tuyệt diệu. (25) Hai mươi lăm là các ngọc nữ cõi trời cầm các phất trần lông công hiện trên tường cung điện. (26) Hai mươi sáu là các ngọc nữ cõi trời mỗi cô cầm bình vàng đựng đầy nước thơm bày ra lơ lửng trong không. (27) Hai mươi bẩy là chư thiên ca tụng tán thán đức hạnh của Thái tử. (28) Hai mươi tám là địa ngục ngừng nghỉ, đau đớn hành hạ không hoạt động nữa. (29) Hai mươi chín là độc trùng ẩn tránh thuần phục, ác điểu sinh tâm lành. (30) Ba mươi là các hạng ác luật nghi nhất thời từ bi. (31) Ba mươi mốt là các phụ nữ có mang trong nước sinh ra đều là con trai. (32) Ba mươi hai là tất cả thần cây hóa hiện hình người đến lễ hầu. (33) Ba mươi ba là vua các nước khác mỗi vị đều mang báu quý đồng đến thần phục. (34) Ba mươi bốn là tất cả người trời đều không nói lời phi thời.

Khi các thể nữ thấy các điềm lành ấy thì hân hoan vô cùng, nói với nhau rằng: “Nay Thái tử sinh mà có các sự việc cát tường như thế, xin cho ngài được trường thọ, không có các bệnh khổ và đừng để cho chúng tôi phải chịu các sầu đau khổ não.” Nói xong lấy gấm thật mịn của cõi trời bao Thái tử lại, đem đến cho phu nhân. Thời Tứ thiên vương ở trên không cung kính theo hầu, Thích Đề Hoàn Nhân đem lọng lại che. Lại có hai mươi tám đại quỷ thần vương chia ra ở bốn góc vườn thủ vệ phòng hộ.

(2) Đón Thái tử về thành

Bấy giờ có một cô hầu thông minh lanh lẹ từ vườn Lam Tỳ Ni trở về đến cung, đến trước vua Bạch Tịnh, bạch cùng vua rằng: – Đại vương oai đức càng thêm to lớn! Ma Gia phu nhân đã sinh Thái tử, dung mạo đẹp đẽ, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, theo trên hoa sen, tự đi bảy bước, đưa cánh tay phải lên hống tiếng sư tử: “Ta ở giữa mọi loài trời người này là tối tôn tối thắng. Vô lượng sinh tử đến đây là tận. Đời này lợi ích tất cả trời người!” Có đủ thứ các điềm đặc biệt như thế, nói không hết được.

Khi vua Bạch Tịnh nghe cô hầu kia nói như thế xong, hoan hỉ náo nức không thể kềm được, cởi ngay xâu anh lạc mà ban thưởng cho. Sau đó vua Bạch Tịnh lập tức chuẩn bị bốn binh, quyến thuộc vây quanh, cùng với một ức chủng tộc Thích Ca trước sau tháp tùng. Vào đến vườn Lam Tỳ Ni, thấy trong vườn trời rồng tám bộ đều có mặt đủ. Đến nơi phu nhân thấy thân Thái tử tướng hảo lạ thường, hân hoan náo nức, y như sông biển sóng xô ào ạt. Lại sợ con mình đoản thọ, lòng bỗng âu lo, ví như núi chúa Tu di khó mà chuyển động, chỉ khi đại địa chuyển động thì núi mới động. Vua Bạch Tịnh bản tính điềm tĩnh, thường ít vui lo, nay thấy Thái tử vừa mừng vừa lo cũng y như vậy. Ma Gia phu nhân tính tình ôn hòa, đã sinh Thái tử, thấy các điềm lạ, càng thêm lắng dịu.

Khi ấy vua Bạch Tịnh chắp tay lễ các thiên thần, bước đến ẵm Thái tử đặt lên xe voi bảy báu, rồi cùng với các quần thần, hậu cung thể nữ, chư thiên trong không trổi các âm nhạc, đi theo vào đến thành. Khi ấy vua Bạch Tịnh cùng các Thích tử chưa biết Tam Bảo nên đem Thái tử vào đến đền thờ chư Thiên. Thái tử vào đến, hình tượng Phạm thiên đều từ tòa đứng dậy lễ dưới chân Thái tử, và nói với vua rằng:

– Đại vương phải biết: Nay Thái tử này là tôn quý nhất trong hàng trời người. Hư không thiên thần đều phải lễ kính. Đại vương không lẽ không thấy như vậy sao mà còn đem đến đây lễ ta? Khi vua Bạch Tịnh cùng các Thích tử, quần thần trong ngoài nghe thấy thế rồi đều ca ngợi là chưa từng có. Mới đem Thái tử ra khỏi đền thờ Trời trở về hậu cung. Ngay vào lúc ấy các dòng họ Thích cũng đồng một ngày sinh năm trăm bé trai. Trong doanh trại vua, voi sinh voi con trắng, ngựa sinh ngựa câu trắng, bò dê cũng sinh con ngũ sắc. Các thú như vậy có đến năm trăm loài. Các cô hầu trong hoàng gia cũng sinh năm trăm bộc đồng. Khi ấy trong cung năm trăm kho tàng tự nhiên phát hiện. Mỗi một kho tàng có bảy kho báu bao quanh. Lại có các thương nhân từ các nước lớn từ biển tìm báu trở về nước Ca Tỳ La Bái Đâu, các thương nhân này mỗi vị mang các kỳ bảo lại hiến dâng cho vua. Vua Bạch Tịnh mới hỏi các thương nhân: “Các ngươi vào biển tìm các châu báu đều được cát lợi, không gì nguy hiểm chăng? Và các đồng bạn không ai thất lạc chứ?” Các thương nhân đáp: “Đại vương! Mọi đường đi qua rất là an ổn.”

(3) Đặt tên và đoán tướng

Vua nghe nói thế rất là hài lòng, lập tức cho mời các bà la môn. Các bà la môn tới rồi, mới bày các thức cúng dường. Hoặc cho ngựa xe cùng với bảy báu, ruộng nhà tôi tớ, cúng dường xong xuôi, bế Thái tử ra và nói với các bà la môn rằng: – Hãy vì Thái tử mà đặt tên cho.

Các bà la môn bàn bạc với nhau rồi tâu cùng vua:

– Thái tử khi sinh, tất cả kho báu đều cùng xuất hiện, mọi điềm hiện ra không gì không cát tường. Do ý nghĩa ấy mà xin đặt tên Thái tử là Tát Bà Tất Đạt.

Lời nói vừa xong, trên không thiên thần liền nổi trống trời, xông hương rải hoa, xướng lời “lành thay!” Chư thiên cùng nhân dân tức thì cùng nói lên: “Tát Bà Tất Đạt!”

Khi ấy, tám vị vua khác, cũng vào ngày ấy, giống vua Bạch Tịnh, đều sinh Thái tử. Các quốc vương ấy ai cũng vui mừng: “Ta nay sinh con có các điềm lạ như vậy!” Mà không hề hay rằng các điềm lành ấy là do Tát Bà Tất Đạt mà có vậy. Và mỗi vua cũng đều họp các bà la môn lại để đặt tên tốt cho con mình. (1) Thái tử của thành Vương Xá tên là Tần Tỳ Sa La. (2) Thái tử nước Xá Vệ tên là Ba Tư Nặc. (3) Thái tử nước Thâu La Câu Trá tên là Câu Yết Bà. (4) Thái tử nước Độc Tử tên là Ưu Đà Diên. (5) Thái tử nước Bạt La tên là Uất Đà La Diên. (6) Thái tử nước Lô La tên là Tật Quang. (7) Thái tử nước Đức Xoa Thi La tên là Phất Ca La Bà La. (8) Thái tử nước Câu La Bà tên là Câu La Bà.

Bấy giờ vua Bạch Tịnh hạ lệnh tất cả các quần thần khiến tìm các bậc thông minh đa văn trí huệ giỏi về đoán tướng mà mọi người đời ai cũng biết đến. Quần thần nghe rồi tứ phương tìm kiếm. Cùng lúc vua cho dựng lên một điện lớn ở vườn sau, cửa ngỏ lan can bảy báu trang điểm. Thời các quần thần gặp ngay năm trăm bà la môn thông minh giỏi tướng, thấy các điềm lạ nên tìm đến vua, gặp ngay lúc vua cho vời vào, vội vã đến liền. Các thần bạch vua:

– Các bà la môn biết về tướng số đều đã đến rồi.

Vua nghe vui mừng sắc lệnh ra mời vào ngồi trong điện, rồi bày các thức cúng dường. Các bà la môn bạch với vua rằng:

– Chúng tôi nghe đại vương vừa mới sinh Thái tử có các tướng tốt và các điềm lạ thường, xin cho chúng tôi được xem Thái tử. Thời vua ra lệnh bồng Thái tử ra. Các bà la môn thấy Thái tử tướng tốt oai nghiêm đều khen là chưa từng có. Vua mới hỏi rằng:

– Nay xin đoán tướng Thái tử, các tướng ra sao?

Các bà la môn nói:

– Chúng sinh ai cũng muốn con mình tốt đẹp. Nay Thái tử mà đại vương sinh đây vô cùng trân quý, không gì phải âu lo.

Rồi lại nói tiếp:

– Thái tử đại vương sinh đây tuy nói là con của vua, song chính lại là con mắt của thế gian người trời.

Vua lại hỏi:

– Sao biết được như vậy?

Bà la môn đáp:

– Chúng tôi thấy Thái tử sắc thân sáng rực y như vàng ròng. Lại có các tướng tốt hết sức tỏ rõ. Nếu xuất gia sẽ thành Nhất thiết chủng trí. Nếu tại gia sẽ là Chuyển Luân thánh vương, thống lãnh bốn thiên hạ. Ví như với sông rạch, biển sẽ là đệ nhất, trong tất cả các núi, Tu di là hơn hết, còn với các ánh sáng, mặt trời là vô thượng, tất cả mọi mát mẻ không gì hơn trăng sáng, thì người trời thế gian, Thái tử đây tối thượng.

Vua nghe lời ấy tâm mừng vô cùng, tan hết mọi âu lo. Các bà la môn lại bạch vua rằng:

– Có một phạm tiên tên A Tư Đà có đủ ngũ thông, ở tại Hương sơn. Ngài ấy có thể giải đáp hết mọi thắc mắc của vua. Các bà la môn nói thế xong từ biệt vua mà đi.

(4) A Tư Đà đoán 32 tướng

Khi ấy vua Bạch Tịnh thầm tưởng: “Tiên nhân A Tư Đà ở tại Hương sơn, đường đi hiểm nghèo không ai đến được. Làm cách nào mời ngài đến đây được?” Khi vua vừa nghĩ vậy, thì tiên nhân A Tư Đà ở xa đã biết ý vua, lại trước đó đã thấy các điềm lạ, cảm nhận được là Bồ Tát vì để phá tan sinh tử mà hiện thọ sinh, nên dùng lực thần thông bay lên trên không, đến ngay cửa vương cung. Tức thời người giữ cửa vào bạch vua rằng: “A Tư Đà tiên nhân bay theo trong không mà đến, hiện đang ở ngoài cửa.” Vua nghe mừng rỡ liền hạ lệnh mời vào, vua đến ngay nơi cửa tự mình nghinh tiếp. Khi gặp tiên nhân cung kính lễ bái mà hỏi rằng: – Tôn giả đến rồi mà ở ngay nơi cửa không vào là vì quân giữ cửa không cho vào hay sao?

Tiên nhân đáp rằng:

– Không ai cấm cản, song đã đến để gặp nhau, thì đúng lễ phải bạch vua trước.

Rồi theo vua vào đến hậu cung, vua cung kính mời ngồi, hỏi thăm rằng:

– Tôn giả tứ đại thường an hòa chăng?

Tiên nhân đáp:

– Nhờ ân đại vương nên được an lạc.

Thời vua Bạch Tịnh bạch tiên nhân rằng:

– Tôn giả hôm nay giáng hạ tới đây, là vì chủng tộc chúng tôi sẽ đại hưng thịnh, từ nay trở đi ngày thêm cát tường, hay vì chỉ đi ngang qua mà ghé lại đây?

Tiên nhân đáp rằng:

– Tôi tại Hương sơn thấy ánh sáng lớn và các điềm kỳ đặc, lại y theo tâm niệm của đại vương, do các nhân duyên ấy mà mới đến đây. Tôi dùng thần lực bay trên không mà đến, nghe chư thiên ở trên nói: “Thái tử con vua chắc chắn sẽ thành Nhất thiết chủng trí, độ thoát người trời. Lại Thái tử con vua từ sườn phải sinh, hạ xuống hoa sen bảy báu, rồi bước bảy bước, cất cánh tay phải lên hống tiếng sư tử: Ta ở trong trời người là tối tôn tối thắng, vô lượng sinh tử đến đây là dứt. Đời này lợi ích tất cả trời người.” Lại nữa, chư thiên bao quanh cung kính. Tôi nghe các việc kỳ đặc như thế. Tuyệt thay, đại vương, hãy vui mừng lên! Nay tôi có thể thấy Thái tử được chăng?

Vua liền dẫn tiên nhân đến chỗ Thái tử. Vua cùng phu nhân bồng Thái tử ra định lễ tiên nhân, thời tiên nhân vội ngăn vua lại, nói:

– Đây là bậc tối tôn trong ba cõi trời người, lẽ nào lại bắt lễ tôi vậy.Thời tiên nhân đứng dậy chắp tay, lễ dưới chân Thái tử. Vua cùng phu nhân bạch tiên nhân rằng:

– Xin được tôn giả coi tướng cho Thái tử.

Tiên nhân đáp:

– Vâng.

Rồi liền coi tướng, coi xong mọi tướng, tiên nhân sầu thảm rơi lệ không cầm lại được. Vua cùng phu nhân, thấy tiên nhân sầu thảm rơi lệ, thời toàn thân run bắn hãi sợ, hoảng hốt không cùng, như cơn sóng lớn chấn động thuyền nhỏ, hỏi tiên nhân rằng:

– Con trẫm sơ sinh đủ các điềm lành, có gì bất tường mà lại khóc thương như vậy?

Bấy giờ tiên nhân mới nghẹn ngào đáp rằng:

– Đại vương, Thái tử đủ hết các tướng tốt, không có gì bất tường đâu.

Vua lại hỏi tiếp:

– Xin hãy đoán tướng Thái tử cho trẫm được biết, có trường thọ hay không? Có đắc ngai vị Chuyển Luân vương, làm vua bốn thiên hạ hay không? Trẫm tuổi đã xế bóng, muốn đem đất nước giao hết cho con, rồi sẽ ẩn rừng núi mà xuất gia học đạo. Chí nguyện ấy có thành hay không là đều do nơi đây. Tôn giả hãy đoán xem chắc chắn là thế nào? Thời tiên nhân mới đáp:

– Đại vương! Thái tử có đủ ba mươi hai tướng: (1) Một là, lòng bàn chân bằng phẳng như đáy hộp. (2) Hai là, lòng bàn chân có hình bánh xe, với trục bánh có đủ ngàn căm. (3) Ba là, ngón tay ngón chân dài hơn người thường. (4) Bốn là, bàn tay bàn chân mềm mại hơn hẳn các phần khác trên thân. (5) Năm là, gót chân rộng và đầy tròn. (6) Sáu là, các ngón chân có lưới mềm kết hợp lại hơn hẳn mọi người. (7) Bảy là, mu bàn chân cao bằng đẹp tương xứng với gót chân. (8) Tám là, bắp đùi y nê diên thon dài đẹp như nai chúa y nê diên. (9) Chín là, khi đứng thẳng hai tay chạm đến đầu gối. (10) Mười là, tướng âm tàng như ngựa chúa hay voi chúa. (11) Mười một là, thân rộng lớn như thân cây ni câu loại. (12) Mười hai là, mỗi lỗ chân lông sinh một thân lông, sắc xanh, mềm mại và cuốn về phía phải. (13) Mười ba là, lông gợn hướng lên, sắc xanh, mềm mại và cuốn về phía phải. (14) Mười bốn là, tướng màu vàng kim, loại màu vi diệu hơn hẳn vàng cõi Diêm phù đàn. (15) Mười lăm là, thân quang tỏa ra đến một trượng. (16) Mười sáu là, da mỏng, mịn và trơn, không bám bụi trần, không dính ruồi muỗi. (17) Mười bảy là, bảy chỗ đầy tròn: hai lòng bàn chân, hai lòng bàn tay, hai vai và sau gáy, đều là tướng đầy đặn rõ ràng. (18) Mười tám là, dưới hai nách tròn đầy như ngọc ma ni. (19) Mười chín là, thân như sư tử. (20) Hai mươi là, thân rộng ngay ngắn. (21) Hai mươi mốt là, vai tròn đẹp. (22) Hai mươi hai là, miệng có bốn mươi răng. (23) Hai mươi ba là, răng trắng đều khít, chân răng ăn sâu xuống. (24) Hai mươi bốn là, bốn răng trắng nhất và lớn. (25) Hai mươi lăm là, hàm vuông vức như hàm sư tử. (26) Hai mươi sáu là, khi nếm vị đều được thượng vị, vì hai chỗ trong cuống họng tiết ra tân dịch. (27) Hai mươi bảy là, lưỡi rộng, mềm, mỏng, có thể che khắp mặt trọn đến chân tóc và tai. (28) Hai mươi tám là, tiếng phạm âm trầm và vang xa, giống như tiếng chim ca lăng tần già. (29) Hai mươi chín là, mắt mầu như kim tinh. (30) Ba mươi là, lông mi như lông mi của ngưu vương. (31) Ba mươi mốt là, tướng bạch hào giữa hai lông mày, mềm trắng như bông đâu la miên. (32) Ba mươi hai là, trên đỉnh đầu có nhục kế. Thân có đủ hết các tướng quý như thế thời nếu ở tại gia, vào năm hai mươi chín tuổi, sẽ làm Chuyển Luân thánh vương. Còn nếu xuất gia sẽ thành Nhất thiết chủng trí, quảng độ tất cả người trời. Song Thái tử con vua đây chắc chắn sẽ học đạo và đắc thành A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, không lâu sẽ chuyển Pháp luân thanh tịnh, lợi ích người trời, khai mở ra con mắt cho thế gian. Tôi nay đã thọ quá rồi, đã trăm hai mươi tuổi, không lâu sẽ mệnh chung, sinh Vô tưởng thiên, không được thấy Phật hiện ra đời, không được nghe kinh pháp, nên mới tự cảm thương như vậy.

Vua lại hỏi tiên nhân:

– Tôn giả, vừa rồi coi tướng, ngài nói có hai đường: một là sẽ làm vua, hai là sẽ thành Chính giác. Nay cớ gì lại nói quyết định sẽ thành Nhất thiết chủng trí?

Thời tiên nhân nói:

– Tướng pháp theo như tôi biết, thời nếu có đủ ba mươi hai tướng mà không nằm đúng chỗ, hoặc không rõ ràng, thì người ấy sẽ làm Chuyển Luân thánh vương. Còn nếu ba mươi hai tướng mà đều đúng chỗ và lại hoàn toàn hiển rõ, thì người ấy ắt thành Nhất thiết chủng trí. Nay tôi thấy các tướng của Thái tử con đại vương đây đều ở đúng chỗ, lại hết sức rõ ràng, thế nên mới biết chắc là sẽ thành Chính giác.

Tiên nhân nói xong lời ấy cho vua nghe rồi, liền từ biệt ra đi.

(5) Vua phòng liệu ngăn ngừa xuất gia Ma Gia phu nhân mệnh chung

Khi vua Bạch Tịnh nghe lời nói quyết đoán của tiên nhân rồi, lòng rất sầu não, lo sợ con mình xuất gia. Nên mới tuyển lựa năm trăm cô hầu hiền hậu giỏi giang để làm dưỡng mẫu nuôi dưỡng Thái tử. Trong đó, cô thì cho bú, cô thì ẵm bế, cô thì tắm rửa, cô thì giặt giũ. Cung cấp cho Thái tử như thế đủ hết, không thiếu thứ gì. Lại còn xây cho Thái tử cung điện theo ba thời ấm mát, lạnh, nóng, mỗi điện một nơi. Điện nào cũng trang điểm bằng bảy báu, y thường phục sức đều theo mỗi thời.

Vua sợ Thái tử xuất gia học đạo, nên làm cửa thành khi mở và đóng âm thanh vang xa đến bốn muơi dặm. Lại tuyển chọn năm trăm kỹ nữ dung nhan đẹp đẽ, không mập không gầy, không cao không thấp, không trắng không đen, tài năng tuyệt vời, cô nào cũng đa tài, rồi dùng các châu báu trang điểm trên thân. Cứ mỗi phen là trăm cô chia nhau ngày đêm kề bên. Trước cửa các điện bày các cây trái ngon ngọt, cành lá xum xuê, hoa trái tốt tươi. Lại có các ao tắm sạch sẽ trong lắng. Bên ao các cỏ thơm, các hoa sen đủ màu phô khoe sắc thắm, kể không hết được. Chim chóc lạ kỳ có đến trăm ngàn loại rực rỡ đẹp mắt vô cùng, cốt làm Thái tử vui thích.

Thái tử sinh ra vừa trọn bảy ngày thì mẫu thân mệnh chung. Do có mang Thái tử công đức rất lớn, nên sinh lên trời Đao Lợi tự nhiên được hưởng thụ. Thái tử trước đã biết phúc đức mình rất to lớn không có người nữ nào có thể nhận lễ của mình, thế nên nhân lúc mẹ sắp mệnh chung mới chịu thác sinh. Khi ấy di mẫu của Thái tử là Ma Ha Ba Xà Ba Đề nhũ dưỡng Thái tử như mẹ ruột không khác. Vua Bạch Tịnh lại hạ lệnh làm thiên quan bằng bảy báu và anh lạc mà ban cho Thái tử.

5. Thái tử lớn khôn trong cung

(1) Thái tử học chữ

Thái tử dần dần lớn khôn, vua ban cho đủ các loại xe: voi, ngựa, bò, dê. Mọi thứ đồ chơi của trẻ nhỏ, không gì không ban cấp. Trong thời gian ấy khắp nước nhân dân ai cũng thực hành nhân ái bố ân, ngũ cốc phong nhiêu, mưa gió thuận hòa. Lại không giặc giã trộm cắp, an ổn khoái lạc. Tất cả đều do lực phúc đức của Thái tử mà ra. Vua lại cung cấp năm trăm bộc đồng trong số có Xa Nặc v.v.., con của các cô hầu, để hầu hạ Thái tử.

Đến năm bảy tuổi, phụ vương suy nghĩ “Thái tử đã lớn, phải cho học chữ.” Rồi chọn trong nước vị bà la môn thông minh giỏi về các thư loại, mời về dạy Thái tử. Khi ấy có bà la môn tên Bạt Đà La Ni cùng năm trăm bà la môn làm quyến thuộc, đáp lời mời của vua đến. Vua bạch với bà la môn rằng:

– Muốn cầu tôn giả làm thầy của Thái tử, không biết có được chăng?

Bà la môn đáp:

– Tôi biết được gì xin truyền hết lại cho Thái tử.

Vua bèn dựng lên nhà học cho Thái tử, trang sức bằng bảy báu, bàn ghế học cụ làm hết sức đẹp. Rồi chọn ngày tốt lành đem Thái tử đến giao cho bà la môn để dạy Thái tử học.

Khi bà la môn đem sách dạy đọc bốn mươi chín mẫu tự ra dạy Thái tử, Thái tử coi qua sách ấy rồi hỏi vị thầy rằng:

– Loại chữ kiểu này, trong cõi Diêm Phù Đề có tất cả bao nhiêu loại?

Thầy giáo im lặng không trả lời được. Thái tử lại hỏi tiếp:

– Như một chữ “A ” này thì có bao nhiêu nghĩa?

Thầy lại lặng im chẳng biết đáp sao! Trong lòng thẹn thùng nên đứng dậy khỏi chỗ, lễ dưới chân Thái tử, tán thán rằng:

– Khi Thái tử mới ra đời bước đi bảy bước, tự nói rằng: “Trong cõi trời người này là tối tôn tối thắng!” Lời nói này quả không sai. Xin Thái tử nói cho biết trong Diêm Phù này có bao nhiêu loại chữ như vậy?

Thái tử đáp rằng:

– Trong Diêm Phù Đề hoặc có loại chữ Phạm, có chữ Khư lâu, có chữ Liên hoa, có đến sáu mươi bốn loại như thế. Riêng chữ “A” này vốn là âm thanh Phạm. Nghĩa của chữ ấy là “không thể hoại”, cũng có nghĩa là “vô thượng chính chân đạo”. Các nghĩa như thế vốn vô lượng vô biên.

Khi ấy, thầy bà la môn hết sức hổ thẹn, đến gặp vua bạch rằng: “Đại vương! Thái tử là bậc thầy bậc nhất trong người trời, thì sao lại khiến tôi đi dạy người được?” Khi vua nghe bà la môn nói thế càng sinh vui mừng, ngợi khen là chưa từng có, rồi hậu hĩ cúng dường cho thầy bà la môn mọi thứ cần dùng.

Phàm tất cả mọi nghệ thuật, sách vở, nghị luận, toán số, bắn cung cưỡi ngựa, Thái tử trọn đều tự nhiên mà biết rõ hết.

Pages: 1 2 3 4