ẤN QUANG ĐẠI SƯ VĂN SAO
TINH HOA LỤC
印光大師文鈔菁華錄
Pháp sư Liễu Nhiên và Đức Sâm giám định
Đệ tử quy y Lý Tịnh Thông ở Hải Diêm
kính cẩn biên tập
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang & Đức Phong

 

MỤC LỤC

 

Lời tựa tái bản bộ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục

Trong phần Lưu Thông của kinh lá bối thường khen ngợi [công đức] biên chép kinh. Về sau, do kỹ thuật khắc bản, đúc chữ được phát minh, thay vì khen ngợi công đức chép kinh, công đức giảng giải ý nghĩa kinh được đề cao. Xét ra, tuy nghĩa ấy chẳng phải chỉ có một, nhưng cả cõi đời chỉ thường biết tới những ý nghĩa hạn cuộc trong phạm vi phước đức. Nay ta thấy trong khắp xó chợ cùng quê, có nơi nào chẳng có kinh Phật? Đấy chẳng phải là chánh pháp được xiển dương, lưu thông, mà chỉ là phước đức “khắc, in” được thực hiện phổ biến vậy! Thật ra, kẻ phát tâm hoằng dương, tuyên truyền, chẳng xét xem những điều sâu xa, huyền nhiệm trong các kinh có phù hợp căn cơ hay không, chỉ mong cầu phước đức cho chính mình, trao thuốc trái bệnh đến nỗi người nhận lãnh ngơ ngác, người căn cơ bậc thượng chỉ giữ xuông lòng kính trọng cúng dường, kẻ căn cơ bậc hạ xếp cất trên gác cao, lợi sanh ở chỗ nào? Lưu thông ở chỗ nào?

Tôi lại còn nghe nói: Thời Chánh Pháp, căn cơ khế hợp Luật, thời Tượng Pháp căn cơ khế hợp Thiền, thời Mạt Pháp căn cơ chỉ khế hợp Tịnh. Như vậy thì Tịnh, Luật, Thiền há chẳng phải là giống hệt như nhau hay sao? Chỉ xét về Thể thì các pháp giống hệt nhau, nhưng nếu xét về mặt Tướng và Dụng lại muôn vàn sai khác. Nếu chẳng có thật tánh giống hệt như nhau, sẽ không thể xiển dương pháp thể bất biến; nếu không có phương tiện muôn vàn sai khác, làm sao thành Tướng – Dụng tùy duyên? Như vậy là Tịnh đề cao phương tiện lớn lao để dẫn về cái Thật, có phương cách thiện xảo nhằm khai hiển, giữ, bỏ. Dẫn về cái Thật thì chỉ có đức Phật thấu hiểu cùng tận, cho nên phải tin; do thiện xảo thích hợp khắp ba căn cho nên dễ hành. Thời tiết ấy, căn cơ ấy, há coi thường được chăng?

Vị tổ đời thứ mười ba của Tịnh Tông là Ấn Công dùng lời văn, từ ngữ hiện thời để hoằng truyền đạo đáng tin dễ hành này; người được Ngài giáo hóa rất rộng, người đắc độ rất đông. Người ta biên tập lời Ngài dạy thành bộ Văn Sao, tập hợp những lời dạy ngắn gọn, đơn giản, trọng yếu, lưu truyền khắp trong ngoài nước, nhưng kẻ độn căn vẫn còn sợ rườm rà, chẳng thể thọ trì được, há chẳng phải là điều đáng nuối tiếc hay sao? Có bậc Khai Sĩ đi trước là Tịnh Thông, trích lấy những chỗ đơn giản nhất trong những lời dạy đơn giản, gạn lọc những điều trọng yếu nhất trong những điều trọng yếu, biên soạn thành bộ Tinh Hoa Lục, vừa khế cơ, vừa lợi sanh, nhưng số lượng sách được lưu thông vẫn cảm thấy chưa đủ!

Cư sĩ Triệu Mậu Lâm ở Cổ Ngô cũng là bậc cao túc của Tổ, chuyên nhất Tịnh nghiệp, nguyện thiết tha hoằng dương, ngẫu nhiên có được một bản hoàn chỉnh của sách này, liền vui mừng, nhóm họp những người cùng mến chuộng [sách này] để ấn hành, mong tiếp tục hoằng truyền tổ đức hòng cứu khắp đời Mạt. Nguyện ấy, duyên ấy, chẳng phải chỉ thuộc về phước đức, mà còn có phần giúp đỡ lợi sanh, lưu thông sâu đậm! Lời tựa ban đầu của sách này đã trình bày cặn kẽ ý chỉ, nay vẫn còn đó, hãy đọc sẽ hiểu tường tận. Tôi và Triệu cư sĩ là bạn đồng môn, được ông ta sai viết lời tựa mới, tuy chẳng dám chối từ, e ngại mình đã phải trộm hớt lấy lời bàn của người trước mà ý nghĩa vẫn chẳng bằng, nên chỉ trần thuật duyên khởi tái bản nhằm giãi bày tấm lòng tùy hỷ mà thôi!

Ngày Trùng Dương năm Mậu Thân, tức năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 57 (1968), đệ tử Lý Bỉnh Nam kính đề.

********

Lời tựa của bộ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục

Kinh Đại Tập dạy: “Mạt pháp ức ức nhân tu hành, hãn nhất đắc đạo, duy y niệm Phật, đắc độ sanh tử” (Trong đời Mạt Pháp, ức ức người tu hành, hiếm một ai đắc đạo, chỉ có nương vào pháp niệm Phật là thoát khỏi sanh tử). Pháp Niệm Phật này chính là đạo để thượng thánh lẫn hạ phàm cùng tu, là pháp để người trí lẫn kẻ ngu cùng hành. Do pháp này chuyên cậy vào Phật lực nên lợi ích thù thắng, vượt trỗi những giáo pháp theo đường lối thông thường. Chỉ có pháp môn Tịnh Độ là chẳng dễ khiến cho con người sanh lòng tin nhất! Đối với những câu như “vô sanh mà sanh, vô niệm mà niệm”, nếu chẳng phải là bậc thấu hiểu sâu xa ý chỉ “tâm làm, tâm là”, sao không bị lầm lẫn cho được? Do vậy, đức Thế Tôn ta đối với chỗ vốn không nói năng lại thường nói thật nhiều, không có gì khác hơn là vì muốn cho hết thảy chúng sanh hiểu rõ giác tánh họ đang sẵn có, tiến hướng Phật quả, biết tự tánh chính là Di Đà thì mới có thể bàn luận “duy tâm Tịnh Độ”, “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Nếu có thể tin chắc thật, nguyện thiết tha, tận lực hành, sẽ cảm ứng đạo giao, đã nắm chắc bằng khoán vãng sanh.

Tôi thấy những kẻ cuồng huệ trong cõi đời, cứ hở ra bèn ngỡ Tịnh Độ là nông cạn, dễ dàng, rồi coi thường, muốn cầu những pháp được gọi là huyền diệu khác để mong được ngộ chứng, nào biết một môn Tịnh Độ quả thật ngầm khế hợp Phật tâm, là giáo pháp chí viên, chí đốn! Tâm Phật vô vi, chẳng vướng mắc nơi pháp số. Niệm Phật: Tâm năng niệm rành rành phân minh, nhưng trọn chẳng thể được, chẳng phải là do hữu vi lại khế hợp vô vi đó sao? Trọn chẳng thể được nhưng rành rành phân minh, chẳng phải là thầm hợp đạo mầu đó ư? Do vậy, người niệm Phật, niệm nào cũng là Phật. Cho nên biết: Sáu chữ gồm trọn muôn pháp, một môn chính là phổ môn, toàn Sự chính là Lý, toàn vọng chính là chân, toàn tánh khởi tu, toàn tu nơi tánh, nương vào y báo, chánh báo cõi ấy để hiển lộ tự tâm của ta, Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng lìa nhau, tiến thẳng trên đường giác. Khoảng cách mười vạn ức [cõi Phật] cách đây chẳng xa, chín phẩm đều có thể đạt lên, hoàn tất ngay trong một đời. Hết sức bình thường, nhưng tột bậc huyền diệu, những kẻ chứng nhập tối tăm, tham cứu mù quáng kia há mong sánh vai được sao!

Ấn Quang đại sư thừa nguyện tái lai, đề xướng một chánh lệnh duy nhất, chẳng bàn luận tâm tánh cao vời, nhưng hiển lộ trọn vẹn diệu tâm. Hoằng Nhất đại sư gọi Tổ là “người duy nhất trong suốt ba trăm năm qua”, há có phải là đề cao quá đáng! Củi căn cơ hóa độ đã hết, lửa ứng hiện phải tắt, nhưng lời nhỏ nhiệm, ý chỉ bao la đã rộng ban cho hậu học, quả thật là chẳng khi nào, không nơi nào [có ai khác] làm được như vậy cả! Bộ Văn Sao của Sư tuy chỗ nào cũng chỉ quy [Tịnh Độ], nhưng đối với người bận chuyện túi bụi, muốn tìm một tác phẩm vừa đọc liền thấy rõ, liền thâm nhập lãnh hội thì đã có cuốn Văn Sao Tinh Hoa Lục do cư sĩ Lý Tịnh Thông biên tập. Sách này gồm ba trăm ba mươi đoạn, lý hiển chân thường, lời lẽ không trùng lặp, hết sức khéo léo, chắt lọc, trong cõi đời hiếm có sách nào sánh bằng; tâm trọng đạo tôn sư của cư sĩ lại càng khó có. Tôi biết sách này một khi được lưu hành, muôn người được hưởng lợi ích. Uốn nắn lòng người để giúp đạt đến bình trị sẽ nhờ vào sách này vậy! Viên Anh kính cẩn nhận lấy xem xong, vui mừng, hớn hở, khó thể dùng lời lẽ nào để giãi bày, chỉ đành lược thuật mấy lời giãi bày đem xếp trước phần chánh văn để ghi lại cái duyên tốt đẹp nhằm thưa với những vị đồng tâm, chứ đâu dám viết tựa!

Ngày Rằm mùa Đông năm Nhâm Thìn (1952), lão nạp Viên Anh đề tại Viên Minh Giảng Đường, Thượng Hải.