KINH KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG
Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 1
Phẩm 1: TỰA
Tôi nghe như vầy:
Một thuở Đức Bạc-già-phạm ở trên đỉnh núi Thứu phong tại thành Vương xá với pháp giới thậm thâm thanh tịnh, cảnh giới của các Đức Phật, nơi ở của Như Lai, cùng với chúng đại Tỳ-kheo, chín vạn tám ngàn người. Những vị ấy đều là A-la-hán, có khả năng điều phục như đại tượng vương, các lậu đã trừ, không còn phiền não, đạt tâm giải thoát và tuệ giải thoát, việc làm đã xong, xả bỏ những gánh nặng, đạt được lợi mình, hết các hữu kết, được đại tự tại, trụ giới thanh tịnh, phương tiện khéo léo, trí tuệ trang nghiêm, chứng tám giải thoát, đã đến bờ kia. Những vị ấy tên là Tỳ-kheo A-nhã Kiều-trần-như, Tỳ-kheo A-thuyết-thị-đa, Tỳ-kheo Bà-thấp-ba, Tỳkheo Ma-ha Na-ma, Tỳ-kheo Bà-đế-lợi-ca, Đại Ca-diếp-ba, Ưu-lâutần-loa Ca-diếp, Dà-gia Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Xá-lợi Tử, Đại Mục-kiền-liên… chỉ còn A-nan-đà trụ ở bậc Hữu học. Những bậc Đại Thanh văn như vậy… đều vào lúc quá trưa, ra khỏi định, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, lùi về ngồi một bên.
Lại có các Đại Bồ-tát gồm trăm ngàn vạn ức vị. Những vị ấy có uy đức lớn như Đại Long vương, tiếng lành vang khắp nơi, mọi người đều biết, bố thí trì giới thanh tịnh, thường ưa phụng trì hạnh nhẫn nhục tinh tấn trải qua vô lượng kiếp, vượt qua những tịnh lự, chuyên niệm hiện tiền, mở mang cửa tuệ, khéo tu phương tiện, tự tại vô ngại, thần thông vi diệu, đạt được môn Tổng trì, biện tài vô ngại, đoạn trừ các phiền não, lụy nhiễm đều dứt, chẳng bao lâu sẽ thành Nhất thiết chủng trí, hàng phục ma quân, đánh lên trống pháp chế ngự những ngoại đạo khiến cho họ khởi tâm thanh tịnh, chuyển bánh xe diệu pháp hóa độ trời, người, cõi Phật mười phương đều trang nghiêm, hữu tình trong sáu đường đều được lợi lạc, thành tựu đại trí, đầy đủ đại nhẫn, trụ ở tâm đại Từ bi, có lực lớn kiên cố, phụng sự các Đức Phật, chẳng nhập Niết-bàn, phát lòng thệ nguyện rộng lớn đến tận đời vị lai, ở chỗ Phật gieo trồng các nhân thanh tịnh, đối với pháp ba đời, ngộ nhẫn vô sinh, vượt qua cảnh giới hành hóa của hàng Nhị thừa, dùng đại thiện xảo hóa độ thế gian, đối với lời dạy của bậc Đại sư, đều có khả năng diễn bày pháp bí mật, tính Không thậm thâm đều đã rõ biết, không còn nghi hoặc. Những Bồ-tát ấy tên là Bồ-tát Vô Chướng Ngại Chuyển Pháp Luân, Bồ-tát Thường Phát Tâm Chuyển Pháp Luân, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Diệu Cát Tường, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Tổng Trì Tự Tại Vương, Bồ-tát Đại Biện Trang Nghiêm Vương, Bồ-tát Diệu Cao Sơn Vương, Bồ-tát Đại Hải Thâm Vương, Bồ-tát Bảo Tràng, Bồ-tát Đại Bảo Tràng, Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Bảo Thủ Tự Tại, Bồ-tát Kim Cang Thủ, Bồ-tát Hoan Hỷ Lực, Bồ-tát Đại Pháp Lực, Bồ-tát Đại Trang Nghiêm Quang, Bồ-tát Đại Kim Quang Trang Nghiêm, Bồ-tát Tịnh Giới, Bồ-tát Thường Định, Bồ-tát Cực Thanh Tịnh Tuệ, Bồ-tát Kiên Cố Tinh Tấn, Bồ-tát Tâm Như Hư Không, Bồ-tát Bất Đoạn Đại Nguyện, Bồ-tát Thí Dược, Bồ-tát Liệu Chư Phiền Não Bệnh, Bồ-tát Y Vương, Bồ-tát Hoan Hỷ Cao Vương, Bồ-tát Đắc Thượng Thọ Ký, Bồ-tát Đại Vân Tịnh Quang, Bồ-tát Đại
Vân Trì Pháp, Bồ-tát Đại Vân Danh Xưng Hỷ Lạc, Bồ-tát Đại Vân Hiện Vô Biên Xưng, Bồ-tát Đại Vân Sư Tử Hống, Bồ-tát Đại Vân Ngưu Vương Hống, Bồ-tát Đại Vân Cát Tường, Bồ-tát Đại Vân Bảo Đức, Bồ-tát Đại Vân Nhật Tạng, Bồ-tát Đại Vân Nguyệt Tạng, Bồtát Đại Vân Tinh Quang, Bồ-tát Đại Vân Hỏa Quang, Bồ-tát Đại Vân Điển Quang, Bồ-tát Đại Vân Lôi Âm, Bồ-tát Đại Vân Tuệ Vũ Sung Biến, Bồ-tát Đại Vân Thanh Tịnh Vũ Vương, Bồ-tát Đại Vân Hoa Thọ Vương, Bồ-tát Đại Vân Thanh Liên Hoa Hương, Bồ-tát Đại Vân Bảo Chiên Đàn Hương Thanh Lương Thân, Bồ-tát Đại Vân Trừ Ám, Bồ-tát Đại Vân Phá Ế… vô lượng các Đại Bồ-tát như vậy… khi quá trưa, đều ra khỏi định, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, lui ngồi một bên. Lại có năm ức tám ngàn đồng tử Lị-xa-tỳ: Đồng tử Sư Tử Quang, Đồng tử Sư Tử Tuệ, Đồng tử Pháp Thọ, Đồng tử Nhân-đà-la Thọ, Đồng tử Đại Quang, Đồng tử Đại Mãnh, Đồng tử Phật Hộ, Đồng tử Pháp Hộ, Đồng tử Tăng Hộ, Đồng tử Kim Cang Hộ, Đồng tử Hư Không Hộ, Đồng tử Hư Không Hống, Đồng tử Bảo Tạng, Đồng tử Cát Tường Diệu Tạng… do những người như vậy làm Thượng thủ. Họ đều an trụ ở Bồ-đề vô thượng, ở trong Đại thừa thâm tín hoan hỷ. Họ đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, lui về ngồi một bên.
Lại có bốn vạn hai ngàn Thiên tử là Thiên tử Hỷ Kiến, Thiên tử Hỷ Duyệt, Thiên tử Nhật Quang, Thiên tử Nguyệt Kế, Thiên tử Minh Tuệ, Thiên tử Hư Không Tịnh Tuệ, Thiên tử Trừ Phiền Não, Thiên tử Cát Tường… mà những Thiên tử như vậy làm thượng thủ. Họ đều phát nguyện lớn, hộ trì Đại thừa, tiếp nối làm cho chánh pháp hưng thịnh, chẳng bị đoạn tuyệt. Họ đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một bên.
Lại có hai vạn tám ngàn Long vương như: Long vương Liên Hoa, Long vương Ê-la-diệp, Long vương Đại Lực, Long vương Đại Hống, Long vương Tiểu-ba, Long vương Trì Sử Thủy, Long vương Kim Diện, Long vương Như Ý… mà những Long vương như vậy làm thượng thủ, đối với pháp Đại thừa, họ thường ưa thọ trì, phát tâm thâm tín, xưng dương ủng hộ, đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía.
Lại có ba vạn sáu ngàn các Dược-xoa do vua trời Tỳ-sa-môn làm thượng thủ là Dạ-xoa Am-bà, Dạ-xoa Trì-am-bà, Dạ-xoa Liên Hoa Quang Tạng, Dạ-xoa Liên Hoa Diện, Dạ-xoa Diệu Mi, Dạ-xoa Hiện Đại Bố, Dạ-xoa Động Địa, Dạ-xoa Thôn Thực… những Dạ-xoa như vậy đều ưa thích Chánh pháp của Như Lai, thâm tín hộ trì chẳng biết mỏi mệt, đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu quanh về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía.
Lại có bốn vạn chín ngàn Yết-lộ-trà vương mà vua Hương Tượng Thế Lực làm thượng thủ. Và còn Càn-thát-bà, A-tô-la, Khẩnna-la, Ma-hô-lạc-dà… tất cả thần tiên của núi rừng sông biển, cùng các vị vua của các nước lớn, các hậu phi trong cung, nam nữ tịnh tín, đại chúng trời, người… tất cả đều đến hội họp, đều nguyện ủng hộ Đại thừa Vô thượng, đọc tụng, thọ trì, ghi chép, lưu bố… Tất cả đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía. Như vậy đại chúng Thanh văn, Bồ-tát, trời, người, tám bộ rồng thần… đã vân tập rồi, mỗi mỗi đều hết lòng chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn dung, mắt chưa từng rời bỏ, nguyện ưa muốn nghe diệu pháp thù thắng. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn, vào lúc xế trưa ngày hôm đó, ra khỏi định, quan sát đại chúng mà nói lời tụng rằng:
Diệu pháp Kim Quang Minh
Vua đứng đầu các kinh
Thậm thâm khó được nghe
Cảnh giới của chư Phật.
Ta sẽ vì mọi người
Tuyên nói kinh điển này
Cùng bốn phương bốn Phật
Uy thần chung hộ trì.
Phương Đông Phật A-súc
Phương Nam Phật Bảo
Tướng Vô Lượng Thọ phương
Tây Phương Bắc Thiên Cổ Âm.
Ta lại diễn diệu pháp
Bậc nhất trong các sám
Hay diệt tất cả tội
Các nghiệp ác không còn.
Và tiêu mọi khổ hoạn
Thường ban vui không lường
Căn bản Nhất thiết trí
Các công đức trang nghiêm.
Chúng sinh thân chẳng đủ
Tuổi thọ tổn giảm dần
Các tướng ác hiện ra
Thiên thần đều lìa bỏ
Bạn bè đều hờn giận
Quyến thuộc đều chia lìa
Đó, đây cùng ngang trái
Của quý đều tản mất
Sao xấu điềm quái lạ
Bị độc hại, trúng tà
Hoặc lại nhiều lo buồn
Bị khổ sở bức ngặt
Ngủ thường thấy ác mộng
Nhân đây sinh não phiền
Người đó phải tắm gội
Mặc áo sạch tinh thơm
Đối kinh vi diệu này
Thậm thâm được Phật khen
Lòng chuyên chú không loạn
Đọc tụng, nghe, giữ gìn.
Do uy lực kinh này
Được lìa xa tai nạn
Và mọi khổ nạn khác
Tất cả đều trừ diệt.
Bốn vua trời Hộ thế
Và quyến thuộc đại thần
Vô số các Dạ-xoa
Đều một lòng ủng hộ
Thiên nữ Đại Biện Tài
Thủy thần sông Ni-liên
Thần mẹ Ha-lợi-để
Chúng địa thần Kiên Lao
Vua trời Phạm Đế Thích
Khẩn-na-la, Long vương
Và vua chim cánh vàng
Chúng trời A-tô-la
Những Thiên thần như vậy
Cùng đem theo bà con
Đều đến hộ người đó
Ngày đêm chẳng rời bỏ.
Ta sẽ nói kinh này
Phật hành xứ thậm thâm
Lời mật giáo chư Phật
Ngàn muôn kiếp khó gặp.
Người nào nghe kinh này
Vì người khác tuyên dương
Hoặc lòng sinh tùy hỷ
Hoặc thiết lễ cúng dường.
Với những người như vậy
Sẽ ở vô số kiếp.
Thường được sự cung kính
Của Trời, Người, Thần, Rồng,
Phước đức nhiều vô lượng
Số hơn cát sông Hằng.
Người đọc tụng kinh này
Đều được những công đức
Mười phương đều tôn trọng
Các Bồ-tát thâm hành
Ủng hộ người trì kinh
Khiến lìa các khổ nạn.
Người cúng dường kinh này
Như trước tắm gội thân
Ăn uống và xoa hương
Ý luôn khởi từ bi.
Nếu muốn nghe kinh này
Lòng vô cấu, thanh tịnh
Thường sinh niệm hoan hỷ
Tăng trưởng các công đức
Nếu đem lòng tôn trọng
Người lắng nghe kinh này.
Được sinh vào cõi người
Lìa xa các khổ nạn.
Căn lành được thuần thục
Được chư Phật ngợi khen
Mới được nghe kinh này
Và đạt pháp Sám hối.