LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 1

Quy mạng 10 phương không giới hạn,

Hiện trụ tất cả trong thế giới,

Quá hiện vị lai chư Như Lai,

Bồ-tát Thanh Văn Duyên Giác chúng.

Người có trí phải biết thân người khó được, trong khoảng sátna thành tựu các thắng hạnh lại càng khó. Nếu trong đó không khởi tư duy làm việc lợi ích thì uổng một đời. Làm sao có thể đối với ngôn giáo thanh tịnh của Như Lai phát tâm dũng mãnh siêng năng lãnh nạp nghe thụ. Đây có 2 việc gọi là thân người khó được, chính pháp khó nghe, gặp Phật ra đời lại càng rất khó.

Hỏi: Trong đây lấy gì ấn chứng rằng gặp Phật rất khó ?

Đáp: Trong vô số kinh đều nói như vậy. Đây là định lượng. Hơn nữa, theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói: Phật nói: Các Bí-sô ! Như Lai ứng cúng chính đẳng chính giác trải qua trăm ngàn câu-chi kiếp na-dữu-đa thời kỳ lâu xa như vậy hoặc có hoặc không Như Lai xuất thế. Đây là rất khó như hoa Ưu-đàm một lần hiện vậy.

Kinh Quyết Định Vương nói: Phật nói: A-nan ! Chư Phật xuất thế đồng thời với hoa Ưu-đàm xuất hiện. Hoa ấy như vàng có ánh sáng diệu tịnh nở ra có mùi hương lạ tỏa ra trong một do-tuần. Ánh sáng hoa ấy có thể phá trừ tối tăm, có thể khiến người nghĩ đến liền được thanh tịnh, có thể dứt bệnh khổ, có thể soi sáng, có thể xua đuổi mùi ô uế, có thể cho ra mùi thơm. Mùi hương ấy có thể dứt sự tăng tổn trong 4 cõi. Hoa ấy cũng không theo chuyển luân vương xuất hiện khắp các nơi, chỉ có kim luân vương mới có thể ứng hiện, huống chi với các loại hữu tình phá giới. Chỉ có Phật xuất thế hoa ấy mới cùng xuất hiện.

Trong đó làm sao biết được hoa Ưu-đàm kia trong thời gian lâu xa hoặc có hoặc không ? Như trong Duyên Khởi có nói phía Bắc ao lớn Vô nhiệt não có quả núi tên Ngũ phong, trên núi có rừng hoa Ưu-đàm. Nếu khi Phật Thế Tôn từ thiên cung Đâu-suất giáng sinh nhân gian đầu vào thai mẹ thì hoa Ưu-đàm kia mới chớm ra hoa, khi Phật Thế Tôn xuất thai hoa tăng trưởng có dáng hoa nở, khi Phật Thế Tôn thành quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề hoa Ưu-đàm kia nở rộ, khi Phật Thế Tôn xả bỏ thọ mạng và duyên hành thì hoa héo, khi Phật Thế Tôn nhập Niết-bàn thì hoa quả điêu tàn rơi rụng. Hoa ấy lớn bằng bánh xe.

Kinh Giác Trí Phương Quảng nói: Đại Danh Xưng tiên vương báo chúng tiên rằng: Các nhân giả ! Nếu Bồ-tát tạm thời được gặp Như Lai xuất thế thuyết pháp giáo hóa tức thì tương ứng.

Kinh Hoa Nghiêm nói: Trong câu-chi kiếp gặp Phật xuất thế nghe thụ chính pháp tôn trọng tin phụng, đây chân thật là rất khó được.

Kinh Hiền Kiếp nói: Sau kiếp Hiền này 65 kiếp không có Phật ra đời. Sau đó có kiếp gọi là Đại Danh Xưng. Trong một kiếp ấy có 10 ngàn Phật xuất hiện ở đời. Sau kiếp Đại Danh Xưng 80 ngàn kiếp không có Phật ra đời. Sau đó có kiếp gọi là Tinh Dụ. Trong một kiếp đó có 80 ngàn Phật xuất hiện ra đời. Sau kiếp Tinh Dụ trải qua 3 trăm kiếp không có Phật ra đời. Sau đó có kiếp tên là Công Đức Trang Nghiêm. Trong một kiếp đó có 8 vạn 4 ngàn Phật xuất hiện ra đời.

Trong đây hỏi: Làm sao biết thân người khó được ?

Đáp: Trong các khế kinh đều nói như vậy. Như Kinh Tạp A-hàm nói: Phật nói: Các Bí-sô ! Ví như nước chảy tràn đầy cõi đại địa, có người dùng một khúc cây khoét một lỗ rồi thả xuống nước. Khúc cây ấy nhẹ nổi trôi theo gió. Gió Đông thì trôi về hướng Tây, gió Tây thì trôi về hướng Đông, Nam Bắc gió thổi cũng như vậy. Có một con rùa chột sống trong nước đó thọ mạng đến vô số trăm tuổi. Cứ một trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần chui vào lỗ bộng cây. Các Bí-sô ! Các vị nghĩ sao ? Con rùa chột mắt kia sống lâu như vậy, trăm năm mới nổi lên một lần có thể gặp được lỗ bộng cây nổi chăng ? Các Bí-sô nói: Thưa Thế Tôn không. Phật nói: Các Bí-sô ! Gặp Phật ra đời thuyết pháp hóa độ giác ngộ chính đạo được đến Niết-bàn cũng cực ký khó như vậy. Hoặc được thân người, thời phần đầy đủ cũng khó.

Trong đây hỏi: Làm sao biết thời phần đầy đủ là khó được ?

Đáp: Trong các khế kinh đều nói như vậy. Như Kinh Tăng Nhất A-hàm nói: Phật nói: Các Bí-sô ! Có 8 cái khó không biết thời nhân không nên tu phạm hạnh. Những gì là 8 ? Nếu khi Phật xuất thế tuyên thuyết pháp yếu hóa độ hữu tình khiến đến Niết-bàn mà có một loại hữu tình đang ở trong địa ngục. Đó là cái khó thứ nhất về thời phần tu phạm hạnh. Nếu khi Phật xuất thế tuyên thuyết pháp yếu hóa độ hữu tình khiến đến Niết-bàn mà có một loại hữu tình đang ở trong loài súc sinh. Đó là cái khó thứ hai về thời phần tu phạm hạnh. Nếu khi Phật xuất thế tuyên thuyết pháp yếu hóa độ hữu tình khiến đến Niết-bàn mà có một loại hữu tình đang ở trong ngạ quỷ. Đó là cái khó thứ ba về thời phần tu phạm hạnh. Nếu khi Phật xuất thế tuyên thuyết pháp yếu hóa độ hữu tình khiến đến Niết-bàn mà có một loại hữu tình đang ở trong cõi trời Trường thọ. Đó là cái khó thứ tư về thời phần tu phạm hạnh. Nếu khi Phật xuất thế tuyên thuyết pháp yếu hóa độ hữu tình khiến đến Niết-bàn mà có một loại hữu tình đang ở nơi biên địa ác nhuế hại xứ. Đó là cái khó thứ năm về thời phần tu phạm hạnh. Nếu khi Phật xuất thế tuyên thuyết pháp yếu hóa độ hữu tình khiến đến Niết-bàn mà có một loại hữu tình tuy ở giữa trung nguyên mà câm điếc, các căn không đủ không hiểu nghĩa thiện ác. Đó là cái khó thứ sáu về thời phần tu phạm hạnh. Nếu khi Phật xuất thế tuyên thuyết pháp yếu hóa độ hữu tình khiến đến Niết-bàn mà có một loại hữu tình sinh ở trung nguyên, không câm điếc, các căn đầy đủ, có thể biết thiện ác nhưng khởi tà kiến chấp trước điên đảo cho rằng không thí, không lợi, cũng không thờ lửa, không làm các nghiệp thiện ác quả báo, không có đời này không có đời khác, không cha không mẹ, không thế gian Sa-môn Bà-la-môn, không chính thú chính đạo, không có trí giải A-la-hán, đời này đời khác dùng sức thần thông tự mình chứng quả thánh. Đó là cái khó thứ bảy về thời phần tu phạm hạnh. Hoặc lại có một loại hữu tình sinh ở trung nguyên, không câm điếc, 6 căn đầy đủ, biết thiện ác, lại có chính kiến không chấp điên đảo bảo rằng có thí có lợi, cho đến có A-la-hán chứng thánh quả, nhưng Phật không xuất thế không thuyết pháp yếu. Đó là cái khó thứ tám về thời phần tu phạm hạnh.

Các Bí-sô ! Phải biết có một thứ thời phần hòa hợp nên tu phạm hạnh là Phật xuất thế tuyên thuyết pháp yếu, sơ thiện trung thiện hậu thiện, văn nghĩa sâu xa thuần nhất không xen tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh trong trắng, mà có một loại hữu tình sinh ở trung nguyên, không câm điếc, 6 căn đầy đủ, biết thiện ác, chính kiến đầy đủ không khởi điên đảo kế chấp cho rằng có thí có lợi cũng có thờ lửa, có quả báo nghiệp làm thiện làm ác, có đời này có đời khác, có cha có mẹ, có thế gian Sa-môn Bà-la-môn, có chính thú chính đạo, có trí giải A-la-hán nơi đời này đời khác dùng tự thông lực mà chứng thánh quả. Đó là một thứ thời phần hòa hợp.

Phẩm Nguyệt Tạng trong kinh Đại Tập nói: Các nhân giả ! Thời phần hòa hợp như cây hương thụ đúng thời, cực ký khó được.

Trong đây nên hỏi: Kia nói như vậy được thân người làm sao có thể được thanh tịnh bình đẳng, thanh tịnh sở thuyết ?

Đáp: Có 10 thứ công đức. Nếu có thể viên mãn thì được thân người thanh tịnh bình đẳng. Những gì là 10 ?

Như Kinh Siêu Việt Hạ Tộc nói:

  1. Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân trong phát tâm Bồ-đề rồi tức sinh tịnh tín.
  2. Rộng nhiều thanh tịnh muốn thấy thánh hiền.
  3. Ưa nghe chính pháp.
  4. Không sinh xan tham tật đố khắp hành đại thí.
  5. Thân đoan chính buộc giữ niệm vui đạo Niết-bàn.
  6. Đem tâm không ngại thiẹn tâm rộng thí.
  7. Tin có các nghiệp và các nghiệp báo.
  8. Không khởi phân biệt.
  9. không cầu vô ngại cũng không nhiễm tuệ.
  10. Không phá hoại nghiệp quả thiện ác.

Nếu hiểu biết 10 thứ như vậy rồi, đối với mạng duyên này chớ làm các ác.

Trong đây nên hỏi: Sao gọi là tin ?

Đáp: Tin nghĩa là thuận hướng thánh hiền không làm các ác.

Như Kinh Phá Nhiễm Tuệ nói: Trong các thiện pháp, tin là dẫn đầu. Trong đó tin có nghĩa gì ? Là nghĩa tin thuận. Đây có thể đầy đủ trí không chướng ngại của Như Lai mà có thể tuyên thuyết chính pháp rất sâu khó thấy khó biết. Vĩnh viễn đoạn dứt các trói buộc của ái, nghĩa là không hãn không nhãn diệt, không nhĩ tỹ thiệt thân ý, không nhĩ tỹ thiệt thân ý diệt. Không trụ chẳng phải không trụ, không ý lạc chẳng phải không ý lạc. Đủ 60 thứ âm thanh văn cú, lần lượt ngữ nghiệp thanh tịnh trắng sạch, thân cực tịnh, tâm hiện các thứ sắc tướng mà Phật Như Lai không chỗ nào không biết không chỗ nào không thấy, không gì không thành chứng, không gì không hiểu rõ. Như Lai dùng mắt thanh tịnh, mắt phổ biến, vĩnh đoạn lỗi lầm, xa lìa tham ái, phá các si ám hơn cả mắt thịt có thể quán chiếu đảnh tướng rất sâu, tuyên thuyết vô thượng đệ nhất nghĩa đế. Tất cả Phật pháp tuy phân biệt mà không chống báng duyên khởi. Đó gọi là tin.

Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Sao gọi là sức tin ? Nghĩa là trong tất cả Phật pháp hiện tiền ấn thuận, tin hiểu không nghi cũng không tìm cầu gì khác. Quyết định thật tin vào nghiệp và nghiệp báo. Lòng tin không xen tạp. Trong không vô tướng vô nguyện ra làm các hạnh và sinh lòng tin thanh tịnh tất cả các pháp. Nghĩa là bố thí có quả của bố thí, giữ giới có quả của giữ giới, nhẫn nhục có quả của nhẫn nhục, tinh tiến có quả của tinh tiến, thiền định có quả của thiền định, trí tuệ có quả của trí tuệ. Kia nói như vậy là tướng thanh tịnh có thể sinh lòng tin thanh tịnh tín trong sự hiểu tốt Đại thừa. Đó là tín lực. Nếu lại hiểu rõ các chấp trước, gọi là tín căn. Hoặc căn hoặc lực gọi chung là tín.

Lại nữa trong đây sao gọi là tín lực ? Tín nghĩa là ấn thuận, có thể tin tiếng người khác. Sao tu Bồ-tát là tin tiếng người khác ? Như là nghe người chỉ dạy phát tâm Bồ-đề tu hạnh Bồ-tát. Bồ-tát y chỉ vào Ba-la-mật-đa, phương tiện khéo léo và 4 nhiếp pháp. Tất cả Phật pháp, Bồ-tát pháp v.v… nghe tiếng từ người khác rồi rất sinh tịnh tín. Đó gọi là tín lực.

Kinh Bồ-tát Tạng nói: Phật nói: Xá-lợi tử ! Tu hạnh Bồ-tát đây là trong phát tâm Bồ-đề rồi tức sinh tịnh tín, rộng nhiều thanh tịnh muốn thấy thánh hiền ưa nghe chính pháp, tin một cách quyết định có các nghiệp và quả báo của nghiệp, đoạn 10 nghiệp bất thiện tu 10 nghiệp thiện, tin có Sa-môn Bà-la-môn và chính thú chính đạo mà lại nghe nhiều, sở văn tương ưng tâm ý hòa hợp, siêu việt nghi hoặc không thụ hậu hữu. Đối với chư Phật Bồ-tát và Thanh Văn v.v… là các bậc chân thiện tri thức, thường thân cận khởi tâm ái trọng, tin các thiện tri thức ấy nói về các nghiệp và quả báo của nghiệp. Biết các pháp khí ấy đã vì nói các ngôn luận rất sâu, như luận về không vô tướng vô nguyện, vô hành vô sinh vô khởi, luận về vô ngã vô nhân, vô hữu tình vô thọ giả và luận duyên sinh. Nghe các ngôn luận ấy rồi tâm không nghi ngờ, cũng không chấp, tùy nhập vào tất cả pháp uẩn xứ giới v.v… đều không nhiễm trước. Tin tất cả pháp tự tính đều không, dùng Phật trí suy tìm, thuần nhất không phóng dật.

Sao gọi là không phóng dật ? Nghĩa là nếu khi các căn khởi tán loạn phải tự tâm điều phục, tha tâm tùy hộ.

Kinh Nguyệt Quang Bồ-tát nói: Có các hữu tình khởi tịnh tín tâm đối với Tam Bảo mà thật khó được. Ví như ngọc báu như ý khó tìm được.

Kinh Nhập Như Lai Công Đức Trí Bất Tư Nghị Cảnh Giới nói: Thánh Trừ Cái Chướng Bồ-tát bạch Diệu Cát Tường Bồ-tát rằng: Có 5 pháp các Bồ-tát Ma-ha-tát phải hiểu thật ưu việt. Hoặc đây hoặc kia a-tăng-kì công đức tối thắng đều đạt được hết.

Những gì là 5 ?

  1. Tất cả pháp không.
  2. Tất cả pháp không đối trị.
  3. Tất cả pháp không sinh.
  4. Tất cả pháp không diệt.
  5. Tất cả pháp không thể ghi nói.

Năm pháp như vậy phải hiểu rõ một cách ưu việt. Như số các oai nghi và chỗ tác dụng hơn cả số vi trần của cõi Diêm-phù-đề, Như Lai hoàn toàn không phát ngộ cũng không phân biệt, nhưng tùy theo tâm ý chúng sinh, hoặc đúng thời không đúng thời tất cả thường chuyển. Các Bồ-tát Ma-ha-tát đối với đây phải sinh thắng giải.

Kinh Tinh-hạ-tao-na-nhĩ Duyên Khởi nói: Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni Như Lai vì hóa độ hữu tình làm việc lợi ích, trong số kiếp nhiều như cát sông Khắc-già trải tu các hạnh hiện thành chính giác, các Bồ-tát Ma-ha-tát đối với sự việc này phải sinh tin hiểu. Lại nữa, Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni Như Lai được thụ ký nơi Phật Nhiên Đăng, trong khoảng giữa trải tu các thắng hạnh, khắp vào cảnh giới chư Phật trải kiếp số không giới hạn cho đến nay hiện thành chính giác, đối với sự việc này phải sinh tin hiểu. Lại nữa, Thế Tôn Thíchca Mâu-ni Như Lai thấy nhân duyên sát hại dòng họ Thích, vì hóa độ hữu tình làm việc lợi ích nên trải kiếp số vô biên tu thắng hạnh hiện thành chính giác, đối với sự việc này phải sinh tin hiểu. Cho nên phải biết tất cả hữu tình nếu phát tâm Bồ-đề là điều khó được,

Hỏi: Phát tâm Bồ-đề thật khó được. Vậy làm sao có thể phát khởi ?

Đáp: Có nhiều kinh nói. Vả lại theo Kinh Hoa Nghiêm nói: Hữu tình trong thế gian nếu phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tambồ-đề thật là khó được. Phải biết tâm Bồ-đề như hạt giống của thế gian, bởi thế gian tất cả thiện pháp đều phải gieo trồng như tất cả cảnh giới Phật pháp. Vì tất cả việc làm ác có thể đốt cháy hết, giống như kiếp hỏa tai tất cả pháp bất thiện có thể tiêu hoại. Giống như đại địa, tất cả nghĩa có thể thành tựu. Như ma-ni bảo vương, tất cả ý lạc đều viên mãn. Giống như hiền bình vớt ra khỏi dòng sinh tử. Như lưỡi câu và mồi tốt, tất cả thế gian trời người A-tu-la cho đến tất cả Phật pháp, tất cả công đức Phật đều ngợi khen công đức tâm Bồ-đề, như đền tháp Phật. Bởi vì sao ? Vì trong đó có đủ các cảnh giới thắng hạnh của Bồ-tát. Lại nữa tâm Bồ-đề này xuất sinh tất cả chư Phật quá khứ vị lai hiện tại. Thiện nam tử ! Ví như có thứ thuốc tên là thiết kim quang, một lượng thuốc này có thể hóa một ngàn lượng sắt thành vàng, không phải một ngàn lượng sắt có thể hoại một lượng thuốc thánh này. Người phát tâm Bồ-đề cũng như vậy. Nếu một khi có thể phát thì sẽ được hồi hướng trí nhiếp thụ thiện căn vi diệu thánh dược của tâm nhất thiết trí, có thể khiến tất cả nghiệp phiền não chướng đều thành vàng nhất thiết trí của tất cả pháp, chứ không phải tất cả nghiệp phiền não kia có thể nhiễm ô cái tâm nhất thiết trí. Thiện nam tử ! Lại như cầm đuốc vào trong nhà tối, bao nhiêu tối tăm tích chứa trăm ngàn năm trong căn nhà kia đều bị phá tan và được chiếu sáng. Phát tâm Bồ-đề cũng như vậy. Như cầm cây đuốc đại quang minh của tâm nhất thiết trí vào trong căn nhà tâm ý tối tăm của hữu tinh, khi vào thì vô minh tối tăm của tất cả nghiệp phiền não chướng tích tụ không thể nói từ trăm ngàn kiếp đến nay thảy đều tiêu trừ vì ánh sáng đại trí xuất sinh chiếu sáng. Thiện nam tử ! Lại như chiếc mão đội đầu bằng ngọc đại như ý diệu bảo của Đại long vương, không bị oán địch đến xâm hại khủng bố. Các Bồ-tát Ma-ha-tát cũng vậy, chiếc mão đội đầu diệu bảo của tâm Bồ-đề và tâm đại bi không bị tất cả các ác của ác thú dám đến xâm hại khủng bố. Lại như có tất cả vàng bạc châu báu tràng hoa y phục các thứ thắng diệu lạc ở noi ánh sáng của nhật nguyệt viên tịnh chiếu soi, tập họp tất cả cũng không bằng giá trị của như ý bảo vương. Tâm phát Bồ-đề cũng như vậy, tất cả thiện căn hoặc hữu lậu hoặc vô lậu của tất cả hữu tình, tất cả trời người và tất cả Thanh Văn Duyên Giác ứng hiện nơi tận cùng của trí nhất thiết trí chiếu soi đạo tràng trong pháp giới trong 3 đời đều không thể sánh bằng giá trị của tự tại bảo vương của tâm phát Bồ-đề. Lại như sữa bò sữa dê đầy trong biển lớn, nếu sữa sư tử chừng bằng một dấu chân rơi vào trong biển thì sữa bò sữa dê không thể ngưng kết cũng không hòa hợp. Tâm Bồ-đề cũng như vậy, các nghiệp phiền não tích chứa không thể nói trăm ngàn kiếp như biển lớn, Như Lai đại trượng phu sư tử phát tâm nhất thiết trí như một giọt sữa rơi vào trong biển thì các nghiệp phiền não vĩnh viễn hết không còn sót, giải thoát của tất cả Thanh Văn Duyên Giác cũng không hòa hợp. Lại như thân cận người dũng mãnh thì tất cả oán ác không thể xâm hại. người phát tâm Bồ-đề cũng như vậy, nếu thân cận Bồ-tát dũng mãnh thì tất cả oán ác tác không thể xâm hại. Lại như ngọc kim cương tuy có khuyết điểm hoặc không hoàn chỉnh nhưng vẫn hơn các ngọc báu khác và có thể làm ra các đồ trang sức có giá trị. Ngọc báu kim cương đó cũng không mất danh tiếng của nó, có thể cứu tế cho người nghèo khổ. Tâm Bồ-đề thiểu phần cũng vậy, giống như ngọc báu kim cương có khuyết điểm, tuy chưa trọn vẹn hoàn toàn nhưng công đức trang nghiêm còn quá hơn tất cả Thanh Văn Duyên Giác. Bồ-tát ấy danh tiếng cũng không mất, có thể cứu giúp kẻ nghèo thiếu không có thánh tài.

Thắng Quân Vương Vấn Kinh nói: Phật nói: Đại vương ! Hay thay hay thay, Đại vương có thể yêu thích mong cầu đối với Phật pháp. Như Đại vương hiện nay trị vì nước Kiêu-tát-la làm lợi ích an lạc tất cả nhân dân, cứu vớt tế độ an ủi dắt dẫn khiến về với chính đạo. Nếu Đại vương có thể rộng làm lợi ích hữu tình khiến phát tâm nhất thiết trí, viên mãn tất cả Phật pháp đến chứng đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề đó là lợi ích lớn. Lại nữa Đại vương, nơi rừng Kì-đà kia thường có vô số trăm ngàn thánh hiền ẩn cư trong đó sinh tưởng tôn trọng. Đại vương ! Các thánh hiền ấy đối với chính đẳng giác thích muốn tin cầu nguyện khen ngợi sinh tâm tùy hỷ. Các thánh hiền ấy hoặc thân ngữ ý hãy rất sinh tin tưởng tôn trọng. Bởi vì sao ? Đại vương ! địa phương ấy có vô số trăm Phật xuất hiện, vô số trăm lần chuyển pháp luân, vô số trăm thánh chúng liên tục được độ. Như vậy cho đến vô số trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa chư Phật xuất hiện như số cát sông Khắc-già chuyển bánh xe chính pháp hóa độ thánh chúng. Các thánh hiền ấy đều thảy đều thích muốn tin cầu nguyện phát sinh Bồ-đề.

QUYỂN 1 HẾT

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10