LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 4

Như Nhật Tử Vương Sở Vấn Kinh nói: Phật nói: Đại vương ! Người nhiễm dục kia tham đắm việc dục, ưa thấy người nữ hành pháp nhiễm dục, không thích gần gũi Sa-môn Bà-la-môn đủ giới đức vì bị người có giới đức chán ghét. Giảm mất các pháp tín, giới, văn, xả, tuệ, các thứ ô uế mùi hôi bất tịnh tràn đầy nên sinh đam nhiễm không biết chán bỏ, ở nơi ô uế như loài giòi trùng, xa lìa sự hổ thẹn, diệt mất pháp nhân thiên, tàn phế thân mạng, người trí quở trách, bị nữ nhân hàng phục, làm nô lệ cho phụ nữ, lấy đờm dãi các thứ bất tịnh làm vị ngon, ở trong cảnh bất tịnh cùng bò dê gà lợn chồn và lừa v.v… đồng sở hành, xa lìa tình yêu thương hiếu thảo với cha mẹ Samôn Bà-la-môn, giảm nhẹ tịnh tín với Phật pháp phải đọa trong loài địa ngục ngạ quỷ súc sinh, leo lên cây sắt chỉa ba bên bờ hiểm nguy sợ hãi rơi xuống đại địa ngục A-tì như đẳng hoạt, hắc thằng, chúng hợp hiều kiếu, đại hiều kiếu, viêm nhiệt, đại viêm nhiệt đều do nữ nhân kia. Quen thân đùa giỡn luyến ái vui cười say sưa hoan lạc ca xướng múa hát, chỉ biết nghĩ những chuyện như vậy nên không nghĩ cầu xuất ly.

Lại nữa, không nghĩ cha mẹ sinh ra nuôi nấng rất khó nhọc, 10 tháng cưu mang chịu đựng dơ dáy gian khổ, đến khi sinh ra rồi lại thêm nhiều khổ não nuôi dưỡng bú mớm thương yêu cho đến trưởng thành dạy dỗ các sự nghiệp trong Diêm-phù-đề muốn cho con được yên ổn lợi lạc. Bấy giờ cha mẹ vì muốn con được yên ổn lợi lạc nên lựa chọn dòng họ thượng lưu cưới vợ cho con. Con thương yêu vợ không nghĩ tôn trọng hiếu dưỡng bỏ phế mẹ cha. Sau cha mẹ già yếu con còn tìm cách khiến cha mẹ ra khỏi nhà mình. Phật nói: Đại vương ! Đại vương hãy quan sát người ấy không có lòng thương yêu, sinh tâm lìa bỏ, khởi tâm tổn hại, không nghĩ cha mẹ sinh đẻ nuôi dưỡng gian khó lại vì con thường tạo sự an lạc, con lại bội ơn đuổi cha mẹ ra khỏi nhà mình để được tự do với vợ con, ăn mặc sung sướng phủ phê. Do nhân duyên ấy xả bỏ nẻo thiện làm điều phi pháp, chắc chắn phải đọa trong các ác thú.

Lại nữa nói rõ tất cả hữu tình cùng làm tà hạnh, chỉ có Bồ-tát mới không làm. Đó là sát sinh trộm cắp dục tà hạnh v.v… Làm như vậy rồi chắc chắn phải gặp quả không ưa thích. Như Kinh Nguyệt Đăng Tam-muội có bài kệ rằng:

Người ngu mê đắm các việc dục,

Gần gũi nữ nhân thân nhiễm bẩn.

Trở lại vào trong nhiễm bẩn kia

Theo nghiệp đọa tại các nẻo ác.

Phật chẳng khen ngợi việc dục nhiễm,

Cũng chẳng cho gần gũi nữ nhân.

Sợi dây sợ hãi bị trói buộc,

Dây dục phụ nữ rất bền chắc.

Lửa dục đốt cháy phải lìa xa,

Như rắn độc dữ trí phải biết.

Người nữ không tin không thể nhờ,

Người trí đường này ắt phải biết.

Quán sát Bồ-đề đạo tối thắng,

Đó là trước gần gũi Phật.

Quán rồi tròn thánh đạo Bồ-đề,

Đạt được chư Phật trí vô thượng.

Như Kinh Chính Pháp Niệm Xứ nói: Tội nhân trong các địa ngục các ngục tốt thường ngày ngày nói rằng tội nhân các ngươi tự tạo ác nghiệp quyết định không mất, tùy theo chỗ tạo, vô số nghiệp hành bất thiện cũng vậy nay chịu vô số các khổ tương đương với nhân mà nhận lấy quả không khác, do các chủng tử nên thụ quả cũng vậy. Do đó tội nhân các ngươi nay đọa trong đại địa ngục viêm nhiệt là do tự mình tạo nhân bất thiện nghiệp nhẫy đầy mà nay chịu quả nghiệp bất thiện cũng nhẫy đầy như vậy. Như vậy trải trăm ngàn năm do tội đã tạo, ở nơi bất tử không lợi lạc dục. Bấy giờ tội nhân kia chịu tội địa ngục mãn rồi hoặc tạm phóng thích liền cầu cứu hộ. Tội nhân xa thấy như đám mây đen to lớn vô cùng, lại có bầy chó dữ mõm như kim cương lớn tiếng gào sủa chạy đến bao vây, tội nhân thấy rồi bỏ chạy bốn hướng, tức thì bầy chó đuổi theo cắn táp ăn thịt tội nhân da thịt rách nát thân thể đứt lìa rơi ra từng đoạn cho đến khi ăn hết không sót chút nào. Bị ăn như vậy rồi, do nghiệp lực duy trì nên sinh trở lại lần hồi lớn lên rồi lại bị ăn. Tất cả những nghiệp quả báo đó là do sát sinh ăn thịt hại hữu tình mà có quả báo như vậy.

Lại nữa, quả báo của nghiệp trộm cắp là như tội nhân kia tuy thấy tạo nghiệp quả báo thật sự mà vì ác nghiệp mê hoặc theo đuổi không thôi, xâm phạm lấy của người khác làm của mình. Do tội này mà ngục tốt bắt lấy tội nhân dùng đao bén cắt đứt tay chân, đứt rồi liền lại. Thấy các tội nhân cũng đều bỏ chạy bị các ngục tốt bắt lại hoặc dùng kiếm nhọn, hoặc thước-cát-đế, hoặc đô-ma-la, hoặc chày giã, đều có lửa cháy, chặt chém đánh đập các cách trị phạt. Tất cả đây là quả báo nghiệp bất thiện của trộm cắp. Trải qua vô số trăm ngàn năm ở trong địa ngục này, cho đến tan hoại hết nghiệp quả trộm cắp mãn hạn rồi mới được phóng thích.

Lại nữa, nói về quả báo của dục tà hạnh. Người nhiễm dục thấy người nữ kia ở trong địa ngục sông tro khi nổi khi chìm kêu gào sợ hãi mà địa ngục ấy sôi sục rất dữ trạng như dòng nước. Bấy giờ người nữ kia khóc lóc kêu người ấy rằng: Tôi tự tạo nghiệp nay đọa nơi địa ngục sông tro hiểm ác này không ai cứu không nơi nhờ cậy xin cứu hộ tôi. Bấy giờ người nhiễm dục nghe tiếng người nữ kêu khóc, nghiệp si mê nổi dậy, tức thời chạy đến nhảy vào dòng sông ấy. Người này nhảy vào, dòng nước nóng chạm thân khắp người tan chảy không sót tí nào, rồi nghiệp lực duy trì chết xong sống lại. Lại nữa, như trước thấy người nữ kia nơi sông tro kêu cứu, người ấy thấy vậy cũng chạy đến nắm người nữ thì người nữ kia trở lại nắm lấy người ấy dùng cây gậy bằng sắt nóng đánh đập máu chảy đầm đìa toàn thân tan nát. Người nhiễm dục kia do nghiệp lực duy trì chết rồi sống lại. Nhiễm nhân quá nặng nên lại trở lại kéo người đàn bà như trước cùng ở nơi sông tro. Trong đại địa ngục trải vô số trăm ngàn năm cho đến nghiệp quả nhiễm dục mới được phóng thích. Rồi lại hoàn sinh như kinh nói rõ.

Trong đây phải biết chớ nên chấp đắm của cải giàu có cho đến thọ mạng. Người sinh đắm trước tức là tà hạnh.

Như Thắng Quân Vương Sở Vấn Kinh nói: Phật nói: Đại vương ! Ví như thế gian hoặc nam hoặc nữ chiêm bao thấy nào là vườn rừng nào núi non, nhân dân, phố xá đẹp đẽ đáng yêu, khi thức dậy tất cả đều không có. Đại vương ! Lại như các rừng cây trái chồi nhánh thân lá lúc đầu xanh tươi dần biến sắc đỏ, lần lượt trổ hoa, hoa nở không lâu rồi kết trái, trái rụng rồi thấy điêu tàn. Như trước hoa quả đều vô sở hữu. Nay Đại vương cũng vậy. sự sung sướng của bậc vương giả trên thế gian là sự giàu có sung túc ngũ dục lạc. Nói rộng là voi ngựa xe cộ kho lẫm của cải lúa thóc cung điện vườn tược vàng bạc châu báu văn võ bá quan cung phi mỹ nữ đồng nam đồng nữ cho đến tất cả vương tộc thân chi. Tất cả những thứ như vậy đều nên xả bỏ mà cầu xuất ly. Tất cả những thứ ấy đều là vô thường, không bền chắc, không cứu cánh, là pháp biến đổi, không chân thật, không ở lâu, là dao động, sát-na tan mất. Rốt cuộc là tội, là mất hết, là tiêu diệt, cực hạn là pháp giảm mất, là sợ hãi, là sầu não sinh nhiều ưu khổ, là tổn, là đọa, là đoạn, là phá, là pháp chia tan. Đại vương phải biết như vậy.

Lại như có 4 núi lớn từ 4 phương đến. Núi ấy vững chắc không phá không vỡ chóp đỉnh đầy đủ từ trên hư không nhất thời rơi xuống đất. Bấy giờ các loại hữu tình trên đất cho đến tất cả cây cối thảo mộc đều bị phá hủy. Các loài hữu tình và cây cối thảo mộc không thể tránh khỏi. Dẫu cho có sức mạnh cũng không thể chạy trốn, cũng không có phương cách nào có thể ngăn chận được. Đại vương ! Bốn sự sợ hãi lớn lớn kia nếu đến cũng như vậy. Tất cả hữu tình đều không thể tránh. Dẫu có sức mạnh cũng không thể chạy trốn, cũng không có phương cách nào ngăn chận được.

Những gì là 4 ? Nỗi sợ hãi của cái già đến phá hoại tướng thanh xuân. Nỗi sợ hãi về bệnh tật đến phá hoại pháp an lạc. Nỗi sợ hãi về cái chết đến hoại diệt mạng sống. Tà hạnh nếu sinh phá mất chính hạnh.

Đại vương ! Lại như sư tử là chúa trong các loài thú, nếu muốn vào trong bầy thú bắt lấy một con ăn thịt thì tùy ý muốn chẳng có gì khó. Nhưng sư tử kia tuy có sức mạnh lớn, nếu vào trong miệng của bầy chim đại ác thì không tự tại chút nào mà còn bị ăn không sót.

Đại vương ! Mũi tên độc bắn chết người cũng vậy. Trúng phải tên này thì người sinh mê loạn không cứu chữa được, lóng đốt muốn đứt máu huyết cạn khô, khát nước rất ngặt mặt trông khủng khiếp tay chân rời rã không còn sức lực, nước dãi nước mắt chảy trào đại tiểu tiện nhơ nhớp khắp thân, mắt tai mũi lưỡi thân ý các thức không hoạt động, cổ họng nghẹt muốn nói không được, thầy thuốc bó tay không chữa được, không làm sao ăn uống. Người này lúc bấy giờ theo nghiệp lực muốn chạy nẻo đường khác. Từ vô thủy đến nay sinh già bệnh chết luân hồi lưu chuyển tuần hoàn không thôi. Thức này bỏ thức khác lại dựa, dư nghiệp mạng này lại lấy thân khác. Diêm-ma ngục tốt thật là đáng sợ, thường ở trong đêm dài tăm tối, khi sắp xả thức hơi thở ra vào dần dần yếu đi một mình đơn độc không bạn bè, thế giới này mãn rồi đi thế giới khác, độc hành trên đường rộng dài thật kinh sợ mà sinh cực kỳ kinh sợ, đi trên đường sâu thẳm vào nơi hết sức tối tăm rất gian nan hiểm trở, chìm trong biển lớn sinh tử, gió nghiệp thổi phiêu dạt vô định chẳng biết phương hướng chẳng biết đến đâu. Bấy giờ không ai cứu không nơi quy về.

Phật nói: Đại vương ! Bấy giờ chỉ có thiện pháp mới là chỗ quy về nương tựa mới là kẻ cứu hộ. Đại vương ! Sự giàu có sung sướng của thế gian đều là vô sở đắc chớ sinh đắm trước, mọi tạo tác đều là tà hạnh, cho nên đại vương phải tu chính hạnh.

Nói chính hạnh là, như Phẩm chân thật nói: Nếu nhà vua thực hành 8 thứ tưởng tức là chính pháp tương ưng hộ thế. Những gì là 8 ?

  1. Những người cô độc không con cái thì tưởng mình như con.
  2. Giúp đỡ bạn ác tưởng như cứu người bệnh.
  3. Thấy khổ khởi tưởng cứu giúp.
  4. Thấy vui khởi tưởng hoan hỷ.
  5. Với kẻ oán đối tùy quán nhân duyên khởi tưởng lìa tội lỗi.
  6. Với các bạn lành khởi tưởng theo hộ.
  7. Thấy các giàu có sung sướng tưởng như thuốc chữa bệnh.
  8. Với thân khởi tưởng vô thường.

Lại như Kinh Phá Ác Tuệ nói: Nếu nhà vua có thể đầy đủ 4 pháp nên thụ vương quán đảnh, tức thành pháp không thoái đọa mau chóng được Như Lai ứng cúng chính đẳng giác, ái niệm đạt được phú lạc rộng lớn đầy đủ. Những gì là 4 ?

  1. Hộ trì giáo pháp Như Lai khiến được trụ lâu.
  2. Xả bỏ tội pháp bất thiện.
  3. Giữ lấy pháp môn không vô tướng vô nguyện.
  4. Phát khởi tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Trong đây sao gọi là xả bỏ tội pháp bất thiện ?

Như Phẩm Nhật tạng nói: Phật nói: Đại vương ! Trong đời vị lai các Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, nơi họ một loại tu hành chính pháp mà xâm phạm đoạt lấy tất cả nhà cửa ruộng vườn tôi tớ đồ dùng nằm ngồi thuốc thang cho đến tứ túc v.v… hoặc tự dùng hoặc cho người khác dùng, các Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủđà này ngay trong đời hiện tại gặp phải 20 pháp không được ưa thích.

Những gì là 20 ?

  1. Hiền thánh lìa bỏ.
  2. Đi đến đâu cũng bị chê bai.
  3. Bạn tốt xa lìa.
  4. Sinh nhiều oán đối.
  5. Của cải vật dụng bị phá hoại.
  6. Sinh nhiều tán loạn.
  7. Thân phần tàn khuyết.
  8. Mất ngủ.
  9. Sầu não bức bách.
  10. Uống bị trúng độc.
  11. Bạn bè khinh khi.
  12. Thường tranh cãi với người.
  13. Cha mẹ vợ con tôi tớ bà con giáo lệnh không thi hành.
  14. Những gì che giấu, của cải bí mật bị người phát giác.
  15. Những người mình giữ bí mật những việc bí mật bị người khác nói.
  16. Của cải tiêu tan 5 phần.
  17. Bị bệnh nhẹ bệnh nặng xâm nhập.
  18. Người chăm sóc thuốc thang đều lìa bỏ.
  19. Máu thịt cạn khô chịu các khổ não.
  20. Thân thể bê bết đại tiểu tiện mà chết.

Đại vương ! Như vậy 20 pháp không được ưa thích hiện đời họ mau gặp phải do họ đã xâm đoạt của người tu hành chính pháp để tự thụ dụng hoặc cho người thụ dụng. Do nhân duyên ấy chết rồi đọa địa ngục A-tì, hết một kiếp khát uống nước đồng sôi đói nuốt hoàn sắt nóng thân mặc áo lửa chịu các khổ lớn như vậy. Hết một kiếp rồi từ địa ngục ra lại sinh vào loài ngạ quỷ ở nơi đồng hoang đất đai khô cằn đầy hiểm nạn. Bốn phương lửa cháy gió thổi, đất cứng như sắt, trải vô số trăm ngàn năm chịu khổ nơi đó. Sau đó tạm thời hoặc đã diệt rồi làm một cục thịt ở trong biển lớn đến trăm do-tuần do nghiệp nhân đời trước khiến chung quanh trăm do-tuần biển kia đều thành nước đồng sôi. Như vậy trải nhiều trăm ngàn năm chịu khổ địa ngục ở trong biển lớn. Từ biển ấy diệt rồi trở lại sinh nơi đồng hoang lớn đầy hiểm nạn này hóa thành cục thịt to bằng quả núi bị gió nóng 4 phía thổi, các loài chim bay thú chạy 4 phương kéo đến ăn. Qua thời gian dài hoặc tạm diệt trở lại sinh trong địa ngục lớn. Địa ngục diệt rồi thường thường thụ khổ quả đại ác ấy. Sau đó xong một kiếp mới được thân người. Tuy sinh trong cõi nước Phật nhưng đủ 5 thứ ô trược không có trí tuệ, mắt lé lại câm điếc.

Đại vương ! Tất cả như vậy đều do xâm đoạt của kẻ tu hành chính pháp kia.

Như Phẩm Nguyệt tạng nói: Các nhân giả ! Người xuất gia trong pháp của ta, khởi đại tội là sát sinh, thâu đạo, dục tà hạnh, vọng ngữ v.v…các nghiệp cực kỳ bất thiện. Nghĩa là Sát-đế-lợi kia, la-nhã cho đến châu thành, làng xóm, quan thuộc ở nơi người xuất gia hoặc đất nước, châu thành trụ xứ, chùa chiền tinh xá làm những việc ngăn cấm không cho cư trú, hoặc dùng lời ép buộc, tiếng xấu mắng nhiếc, hoặc ngược đãi thân thể như đánh đập, tất cả những nơi kia tuần hoàn đều không giải thoát, đối với cõi trời cõi người có chỗ giảm mất, phải đọa địa ngục lớn A-tì.

Bấy giờ chư thiên cho đến Yết-tra-bố-đơn-na v.v… tùy đến nơi tất cả đại chúng đều phát tâm thanh tịnh cao tột đối với Tam Bảo, dùng các tướng cực kỳ tôn trọng đồng nói rằng: Chúng con từ nay trở đi thề hộ vệ tất cả trong giáo của Thế Tôn. Nơi nào có Bísô, Bí-sô-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, dưới đến người phá Phật giới, dưới đến người không giữ giới hạnh trong Phật pháp chỉ cạo tóc mặc ca-sa chúng con đối với họ cũng khởi tưởng đại sư đều vì hộ trợ tất cả phương tiện sinh hoạt. Nếu lại có ở địa phương nào hoặc có quan chức đối với người cạo tóc mặc ca-sa mà dùng các duyên uy hiếp đánh đập, chúng con sẽ bỏ cảnh giới của họ mà không hộ giúp, trong nước nếu có xảy ra các thứ dua nịnh không thật, đấu tranh, sát hại, tật dịch, đói kém, binh nước khác xâm lấn quấy nhiễu, mưa gió thất thường, hạn hán lụt lội, giống má thất thoát, có những sự nhiễu hại như vậy chúng con không ngăn chận. Chúng con sẽ bỏ trống cảnh giới mà đi sang nước khác có đệ tử Phật để hộ giúp.

Như Kinh Địa Tạng nói: Phật nói: Địa Tạng ! Quá khứ có nước tên Bán-tả-la, vua tên Tối Thắng Quân. Bấy giờ theo luật pháp nước ấy có người bị tội tử hình. Để hộ mạng, người ấy lén cạo râu tóc dùng tấm ca-sa y quấn nơi cổ. bấy giờ quan thi hành án tử hình bắt tội nhân trói 5 chỗ lại đuổi đi đến khu rừng hoang vắng mênh mông tên Vĩ-thể-yết-lam-phược-ca bỏ đó mà về. Đêm đó trong khu rừng ấy có La-sát nữ tên Ác Nhãn cùng 5 ngàn quyến thuộc đến vào rừng chợt thấy người kia bị trói 5 chỗ, râu tóc cạo quấn tấm ca-sa, thấy rồi liền đi nhiễu quanh bên phải đảnh lễ rồi ra khỏi rừng. Tiếp đến có La-sát nữ tên Khư-nhĩ-la-nại-đế cùng một ngàn quyến thuộc, tiếp đến có La-sát nữ tên Tranh Nanh Phát, tiếp đến có La-sát nữ tên Kiếm Khẩu lần lượt đến vào trong rừng đều thấy người kia râu tóc cạo quấn tấm ca-sa, thấy rồi tuy chúng đang đói rất ngặt nhưng không dám ăn thịt đảnh lễ rồi bỏ đi.

Lại nữa, quá khứ có vua tên Tối Thắng Phúc. Vua ấy có một bề tôi mưu trí giao kẻ tử tội cho con voi say. Người ấy dùng tấm ca-sa đỏ lén mặc lên người. Khi con voi say đưa vòi cuốn 2 chân tội nhân tận lực sắp vật xuống đất, bấy giờ voi thấy tội nhân thân mặc tấm ca-sa đỏ, thấy rồi liền sinh tâm thanh tịnh bèn đặt nhẹ tội nhân trên đất quỳ phục xuống trước tội nhân chảy nước mắt sám hối tạ tội, rồi dùng vòi chùi rửa 2 chân. Phật nói: Địa Tạng ! Hơn nữa hãy xem con voi kia tuy thụ thân bàng sinh thấy người mặc tấm ca-sa còn bỏ đi không tạo tội nghiệp, huống chi đời vị lai có Chiên-đà-la La-nhã và quan chức, Sa-môn, Bà-la-môn, trưởng giả v.v… là người Chiên-đàla vốn thật ngu muội làm ra thông minh khinh mạn dùng lời lẽ nịnh hót lừa gạt người đời nói ta là người cầu vô thượng Đại thừa. Bọn chúng là người Chiên-đà-la ngu si không biết sợ, không thấy quả báo đời sau. Ở trong pháp của ta, nơi những người xuất gia, dù là pháp khí dù chẳng phải pháp khí, nếu dùng mọi cách để dò xét dòm ngó lỗi lầm, dùng lời ác khắc trách hay roi vọt đánh đập, cấm cản sinh hoạt, lại dùng các thứ tục sự mà đặt ra điều lệ quy chế, hoặc trì hoãn kéo dài thời gian, hoặc lén thừa công việc tìm kiếm lỗi lầm mà đặt điều quy chế, như vậy cho đến hại mạng, những người như vậy trong 3 đời tất cả chư Phật Thế Tôn sinh tội lỗi rất lớn phải đọa trong địa ngục lớn A-tì liên tục đốt cháy đoạn dứt thiện căn, tất cả người trí thứờng xa lánh.

QUYỂN 4 HẾT

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10