Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

BẢO THỤ BIẾN QUỐC ĐỆ THẬP TỨ

Phẩm này tường thuật về y báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Cây bằng bảy báu thành hàng khắp cả cõi nước, đẹp đẽ, trang nghiêm, quang sắc lạ lùng, gió lay tấu nhạc, âm điệu hòa nhã. Đây chính là nguyện thứ bốn mươi “cây vô lượng sắc” được thành tựu.

KINH VĂN:

Bỉ Như Lai quốc đa chư bảo thụ: Hoặc thuần kim thụ, thuần bạch ngân thụ, lưu ly thụ, thủy tinh thụ, hổ phách thụ, mỹ ngọc thụ, mã não thụ. Duy nhất bảo thành, bất tạp dư bảo. Hoặc hữu nhị bảo, tam bảo, nãi chí thất bảo, chuyển cộng hợp thành. Căn, hành, chi, cán, thử bảo sở thành, hoa, diệp, quả, thực, tha bảo hóa tác. Hoặc hữu bảo thụ, hoàng kim vi căn, bạch ngân vi thân, lưu ly vi chi, thủy tinh vi sao, hổ phách vi diệp, mỹ ngọc vi hoa, mã não vi quả. Kỳ dư chư thụ, phục hữu thất bảo, hỗ vi căn, cán, chi, diệp, hoa, quả , chủng chủng cộng thành.

VIỆT DỊCH:

Cõi đức Như Lai ấy có nhiều cây báu, hoặc cây thuần bằng vàng, cây thuần bằng bạc, cây lưu ly, cây thủy tinh, cây hổ phách, cây mỹ ngọc, cây mã não. Chỉ do một thứ báu tạo thành, chẳng lẫn các thứ báu khác. Hoặc có cây bằng hai báu, ba báu, cho đến bảy báu lần lượt hợp thành. Rễ, thân, cành, nhánh do các thứ báu này hợp thành. Hoa, lá, quả, hạt do các thứ báu khác hóa thành. Hoặc có cây báu vàng ròng làm rễ, bạch ngân làm thân, lưu ly làm cành, thủy tinh làm ngọn, hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả. Các cây báu khác cũng bằng các thứ bảy báu lần lượt hợp thành rễ, cành, lá, hoa, quả.

GIẢNG:

“Bỉ Như Lai quốc đa chư bảo thụ”: (Cõi Đức Như Lai ấy có nhiều cây báu)

Chữ “bảo” ở đây, theo Hòa Thượng Tịnh Không: Ở thế gian này, sự việc nào có thể giải quyết được vấn đề khó khăn thì gọi là “bảo”. Ví như giàu có là “bảo”, vì có thể giải quyết được đời sống vật chất; trí thức cũng là “bảo” vì thỏa mãn được đời sống tinh thần của con người v.v. Nhưng, quan trọng nhất đối với con người đó chính là vấn đề sinh tử. Nếu có thể tìm được phương cách giải quyết vấn đề này, đó mới chân thật là “đại bảo”, cái “bảo” thù thắng nhất.

Điều này, xét ra chỉ có giáo pháp của đức Phật mới có thể giúp con người giải quyết được vấn đề sinh tử. Phật pháp không những mang đến cho con người trí tuệ chân thật, đức năng chân thật, giải quyết được mọi vấn đề khó khăn trong hiện tại, mà còn có thể giúp con người vượt thoát sinh tử, thành tựu quả đức cứu cánh viên mãn bất sinh bất diệt.

Trong Phật pháp nói “bảo”, đó chính là chân tánh, là Phật tánh vốn có ở con người. Hiện nay, chúng ta đã lạc mất cái kho báu này! Cho nên, trong cuộc sống không tránh được những âu lo, phiền muộn, đau khổ v.v. cứ mãi miết tùy nghiệp lực mà lưu chuyển trong sinh tử!

Chữ “thụ” ở đây, theo Hòa Thượng Tịnh Không, không phải là “cây” như chúng ta thường hiểu, mà là biểu trưng cho sự kiến lập. “Bảo thụ” ở đây ngầm chỉ đạo tràng Chánh pháp của Như Lai. Trong đạo tràng này, nếu mọi người đều tu hành chân chánh thì mỗi thành viên đó chính là “bảo thụ”.“bảo thụ” đông nhiều thì mới “biến quốc”. Chư Phật Như Lai, chư Bồ Tát, chư Thanh Văn, Duyên Giác v.v. đều là “bảo thụ”. Ở thế giới Cực Lạc “bảo thụ biến quốc” khắp cả cõi nước, đến đâu cũng đều thấy hóa thân Tam Thánh; chỗ chỗ đều là đạo tràng tu học vô cùng thù thắng.

“Hoặc thuần kim thụ, thuần bạch ngân thụ, lưu ly thụ, thủy tinh thụ, hổ phách thụ, mỹ ngọc thụ, mã não thụ. Duy nhất bảo thành, bất tạp dư bảo” (Hoặc cây thuần bằng vàng, cây thuần bằng bạc, cây lưu ly, cây thủy tinh, cây hổ phách, cây mỹ ngọc, cây mã não, chỉ do một thứ báu tạo thành,chẳng lẫn các thứ báu khác):  Theo Hòa Thượng Tịnh Không, chữ “thuần” ở đây là biểu trưng cho Pháp Bảo chỉ “một môn thâm nhập” để thành tựu “căn bản trí”. “Một môn thâm nhập” là bí quyết để khai mở trí tuệ.

Theo sách chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Chữ thủy tinh tiếng Phạn là Pha lê. Pha lê có bốn màu: tía, hồng, trắng, biếc.

Lưu ly là tiếng Phạn, đó chính là ngọc bích; Hán dịch là “thanh sắc bảo”. Loại bảo thạch này màu xanh dương óng ánh và rất cứng chắc, hiếm có trong đời nên được xem là quý báu; các thứ báu khác chẳng thể phá vỡ được nó.

Hổ phách, mã não cũng đều là các thứ báu trong thế gian.

Nói chung, bảy báu kể trên chỉ là miễn cưỡng tạm dùng tên các thứ báu trong thế gian để chúng ta dễ lãnh hội, chớ thật ra hết thảy vạn vật ở thế giới Cực Lạc đều rất lạ lùng, kỳ diệu, đẹp đẽ vượt hẳn mười phương, không như những vật báu phàm tục trong cõi đời ô trược này.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Chữ “thất” trong “thất bảo” ở đây không phải là số tự, không phải là bảy loại, mà chỉ là biểu trưng cho sự viên mãn thành tựu, do vô lượng vô biên trân bảo hình thành bảo thụ.

Theo Vãng sinh Luận, những cây báu đó biểu thị công đức trang nghiêm thành tựu ở thế giới Cực Lạc.

Luận ghi: “Mượn tánh chất các thứ trân bảo để trang nghiêm khéo léo viên mãn”. Hiểu nông cạn, thì câu “mượn tánh chất các thứ trân bảo” diễn tả cây cối do diệu bảo tạo thành. Hiểu sâu sắc hơn, câu ấy diễn tả tánh đức của Phật A Di Đà. Tánh đức của Phật A Di Đà vốn sẵn hết thảy diệu bảo; trong mỗi thứ trân bảo đều đầy đủ diệu đức của hết thảy trân bảo. Câu “trang nghiêm khéo léo viên mãn”, hiểu một cách nông cạn, đó chính là những điều như “vinh sắc quang diệu” (màu sắc rạng rỡ, ánh sáng chói ngời) và “xuất ngũ âm thanh” (phát ra tiếng ngũ âm) sẽ được đề cập ở đoạn kế. Hiểu sâu hơn, câu ấy có nghĩa là mỗi cây báu đều viên minh cụ đức.

Kế đến, “hoặc hữu nhị bảo, tam bảo, nãi chí thất bảo, chuyển cộng hợp thành” (hoặc có cây bằng hai báu, ba báu, cho đến bảy báu lần lượt hợp thành): Câu này đại biểu cho nhiều môn, thành tựu “hậu đắc trí”.

“Căn bản trí” là  “vô tri”; tiến thêm một bậc là “vô sở bất tri”, chính là “hậu đắc trí”. Cho nên, “vô tri” là gốc. Muốn “vô sở bất tri” (không gì không biết), trước nhất phải “vô tri”. Thật tế, “căn bản trí” chính là thiền định. Định có thể sinh Tuệ. Định sinh Tuệ chính là “vô tri” nhưng “vô sở bất tri” đạo lý này rất khó hiểu! Chúng ta dùng ví dụ: Như tấm gương hoàn toàn không có tướng, không lưu lại ấn tượng nào, đồng nghĩa với “vô tri”. Nhưng, khi khởi tác dụng, nó có thể hiện tất cả tướng. Hiện tất cả tướng là “vô sở bất tri”.

Nên biết: “căn bản tr픓hậu đắc trí” khởi tác dụng là đồng thời. Người chân thật giác ngộ, họ dùng tâm như tấm gương soi. Họ có thể ứng phó mọi mặt, nhưng trong tâm hoàn toàn không lưu lại một dấu vết nào.

“Căn, hành, chi, cán” (Rễ, thân, cành, nhánh). Cũng theo Hòa Thượng Tịnh Không: chữ “căn” là căn bản, là gốc rễ, được hiểu như là một tổng công ty, còn “hành, chi, cán” là các công ty con. Đây là nói đến cách tổ chức.

“Hoa, diệp, quả, thực, tha bảo hóa tác” (Hoa, lá, quả, hạt, do các thứ báu khác hóa thành) biểu trưng cho các sản phẩm trong công ty, cúng dường tất cả đại chúng xã hội.

Kế đến: “Hoặc hữu bảo thụ, hoàng kim vi căn, bạch ngân vi thân, lưu ly vi chi, thủy tinh vi sao, hổ phách vi diệp, mỹ ngọc vi hoa, mã não vi quả” (Hoặc có cây báu, vàng ròng làm rễ, bạch ngân làm thân, lưu ly làm cành, thủy tinh làm ngọn, hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả).

Sau cùng là tổng kết “Kỳ dư chư thụ, phục hữu thất bảo, hỗ vi căn, cán, chi, diệp, hoa, quả , chủng chủng cộng thành” (Các cây báu khác cũng bằng các thứ bảy báu lần lượt hợp thành rễ, cành, lá, hoa, quả): Ý nói trong xã hội không phải chỉ duy nhất có một công ty mà còn nhiều công ty khác, thảy đều có thất bảo như vậy. Trong thất bảo, quan trọng nhất là trí tuệ. Thực tiễn trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày,chính là thực tiễn luân lý, đạo đức đó chính là “bảo”. Trong Phật pháp nói “bảo” là: Thập thiện, ngũ giới, lục độ v.v.

KINH VĂN:

Các tự dị hàng, hàng hàng tương trị, hành hành tương vọng, chi diệp tương hướng, hoa thực tương đương, vinh sắc quang diệu, bất khả thắng thị.

VIỆT DỊCH:

Ðều mọc thành hàng khác biệt, hàng hàng thẳng lối, thân cây ngang nhau, cành lá hướng vào nhau, hoa quả tương đương, màu sắc rạng rỡ, ánh sáng chói ngời, chẳng thể thấy trọn.

GIẢNG:

Đoạn kinh văn trên diễn tả cây cối ở thế giới Cực Lạc là tự nhiên sinh trưởng, không cần ai tác ý, thiết kế, cắt tỉa, vun trồng. Nhưng, lúc nào cũng mọc rất chỉnh tề, đẹp đẽ, quang sắc sáng ngời. Ấy đều do tánh đức viên mãn thành tựu.

Các tự dị hàng, hàng hàng tương trị, hành hành tương vọng” (Ðều mọc thành hàng khác biệt, hàng hàng thẳng lối, thân cây ngang nhau): Có nghĩa là các cây báu mọc theo thứ loại, từng hàng riêng biệt rất có trật tự. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Đây cũng là trật tự trong tánh đức, là “lễ” mà chư vị cổ thánh tiên hiền đã dạy. “Tam lễ” mà Trung Quốc truyền từ đời này sang đời khác là: Chu lễ, nghi lễ và lễ ký, đều nói về trật tự.

– Tinh thần và biểu hiện của “lễ” từ đâu mà có?

– Từ tự tánh mà có.

Thánh nhân đem từng điều, từng điều trong tánh đức viết ra để dạy cho người mê thất tự tánh, nên cần phải siêng năng học tập. Y theo những gì Thánh nhân để lại mà cố gắng hành trì, hoàn toàn không có chút miễn cưỡng, lâu ngày tánh đức sẽ tự nhiên hiện tiền, nên có câu: “Quen tay hay việc”. Đây là “trang nghiêm thành tựu” trong Vãng Sinh Luận (chúng ta đã học ở phần trước).

Phần Định Thiện Nghĩa trong Quán Kinh Sớ giảng chữ “hàng hàng tương trị” (hàng hàng thẳng lối) như sau:

“Cõi ấy cây cối tuy nhiều nhưng mọc thành hàng tề chỉnh, ngay ngắn chẳng tạp loạn”.

“Chi diệp tương hướng, hoa thực tương đương” (Cành lá hướng vào nhau, hoa quả tương đương)

Về chữ “thực” (hạt), sách Hội Sớ giảng: “Thực nghĩa là hạt của quả; quả và hạt chẳng trổ sai chỗ nên bảo là tương đương”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Chữ “tương đương” này cũng là biểu pháp của tánh đức viên minh cụ túc.

“Vinh sắc quang diệu” (ánh sáng chói ngời): Chữ “vinh” là phồn thịnh; “sắc” là hình sắc. “Vinh sắc” nghĩa là hình sắc tươi tốt, xum xuê. “Quang diệu” là quang minh chiếu diệu.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Trân bảo ở thế giới Cực Lạc là tự nhiên phóng quang, không phải ánh sáng phản xạ. Người người đều phóng quang; vạn vật, cây cỏ, hoa lá v.v. trên đại địa thế giới Tây phương Cực Lạc, mỗi mỗi đều phóng quang, nên thế giới Cực Lạc không cần nhật nguyệt mà vẫn chiếu sáng.

“Bất khả thắng thị” (chẳng thể thấy trọn) có nghĩa là: Phong quang ở thế giới Cực Lạc, chúng ta xem mãi cũng không bao giờ hết. Nói cách khác: Bất cứ trân bảo nào ở thế giới Cực Lạc đều không thể nghĩ bàn, không cách chi miêu tả hay tưởng tượng được. Trong khi đó trân bảo của thế giới chúng ta là từ A-lại-da thức biến hiện nên chỉ là giả, vô thường, sát-na sinh diệt.

Phần Định Thiện Nghĩa trong Quán Kinh Sớ cũng ghi: “Các rừng cây báu đều từ tâm vô lậu của đức Di Đà biến hiện ra. Do tâm Phật là vô lậu nên những cây ấy cũng vô lậu. Thậm chí chẳng có già, chết, cũng chẳng có cây non, cũng chẳng có cây mới đâm chồi rồi lớn dần dần. Hễ mọc lên thì đồng thời mọc ngay, kích thước, số lượng giống hệt nhau. Vì sao vậy? Cõi ấy là cõi vô sinh, vô lậu thì há lại có sinh, tử, tăng trưởng dần dần hay sao?”

Do cõi Cực Lạc là cõi vô sinh, nên rừng cây cũng trụ trong vô sinh, tức là Vô lượng thọ. Hữu tình lẫn vô tình đều bình đẳng nhất vị, cảm ứng tự nhiên, vĩnh hằng bất biến. Thật không thể nghĩ bàn! Do không thể nghĩ bàn, nên cây sẽ tự nhiên vang ra âm thanh kỳ diệu, hòa tiếng vào nhau như đoạn kinh dưới đây sẽ kể.

KINH VĂN:

Thanh phong thời phát, xuất ngũ âm thanh, vi diệu cung thương, tự nhiên tương hòa. Thị chư bảo thụ, châu biến kỳ quốc.

VIỆT DỊCH:

Gió mát đúng thời thổi, cây phát ra tiếng ngũ âm Cung, Thương vi diệu tự nhiên hòa tiếng. Các cây báu ấy mọc khắp cả cõi nước.

GIẢNG:

“Thanh phong thời phát” (Gió mát đúng thời thổi). Sách Hội Sớ nói: “Gió thanh tịnh vô lậu nên bảo là thanh phong. Đúng thời thổi qua nên bảo là thời phát”. Điều này thật quá ư tuyệt diệu! Lúc nào muốn có gió thì gió liền đến; không muốn thì nó không còn. Nói gió vô lậu vì gió này không phải phát sinh từ A-lại-da.

“Xuất ngũ âm thanh” (Phát ra tiếng ngũ âm). Theo chú giải của cụ Hoàng: “ngũ âm thanh” tức là ngũ thanh: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Năm âm thanh này họp lại chính là nhạc giao hưởng, bao gồm tất cả các âm thanh; cũng chính là gốc của nhạc luật Trung Quốc cổ đại. Sau này thêm vào hai âm Biến Cung và Biến Chủy thành ra bảy âm thanh, chính là bảy “notes” trong nhạc lý hiện đại. Có thể nói: Âm nhạc là cùng một ngôn ngữ. Tuy dân tộc khác nhau, văn tự, ngôn ngữ khác nhau, nhưng âm nhạc thì mỗi người đều có thể nghe và lãnh hội được. Nên nhớ: Âm nhạc không phải dùng ngôn ngữ để câu thông mà dùng tâm linh câu thông.

Trong thời cổ đại, biểu diễn văn nghệ như: Thi ca, âm nhạc, hí kịch v.v. đều phải tuân theo quy tắc như Khổng Tử nói: “vô tư tà” khiến người nghe không có tư duy hay ý niệm tà ngụy, nên gọi là nhã chánh, đoan chánh. Có như vậy thì đặc tính của xã hội mới được hài hòa, nhân tâm chánh trực. Nói cách khác, âm nhạc không những là phương tiện để giải trí mà còn tiềm ẩn tính cách giáo dục.

Trung Quốc thời xưa không có nhiều trường học, cũng không có nhiều thầy giáo. Những nghệ nhân này biểu diễn, giúp cải thiện nếp sống xã hội được đoan chánh, tốt đẹp hơn, đích thật là họ đã làm nên việc tốt, tích vô lượng công đức.

Hiện nay, xã hội đã loạn! Biểu diễn nghệ thuật chỉ nhằm dẫn khởi con người đến thất tình lục dục, tham sân si mạn. Giáo dục đã có vấn đề! Đã dạy hư con người!

Thời cổ đại, mấy ngàn năm về trước, sở dĩ có được nền trị an lâu dài; rất có thể do người Trung Quốc biết tôn trọng giáo dục gia đình, lấy giáo dục gia đình làm cơ sở. Lúc ấy, nhà nhà đều có từ đường, nhà nhà đều có gia phổ. Trong gia phổ nhất định có gia quy, gia huấn, gia nghiệp, gia học (tức tư thục). Đó chính là tông chỉ giáo dục, tổng nguyên tắc chung của mỗi gia đình.

Thời cổ đại, làm quan rất nhàn nhã, vui tươi và hạnh phúc: Vừa có địa vị, có lương cao, lại không có việc làm. Vì sao vậy? Vì xã hội lúc đó thanh bình, mỗi gia đình đều có giáo dục tốt, ai ai cũng là người tốt, không có người phạm pháp. Người xưa nói rất hay: “Kiến quốc quân dân, giáo dục vi tiên”. Muốn kiến lập một chính quyền, lãnh đạo nhân dân cả nước, điều quan trọng nhất đó chính là giáo dục.

Hiện nay, giáo dục không còn ở hàng đầu mà ở hàng cuối. Thay vào đó là công thương xí nghiệp. Đây là biểu hiện sự tranh giành tất yếu của con người! Mọi người đều tranh đua thì xã hội sẽ động loạn. Hai ngàn năm trăm năm về trước, Mạnh Tử gặp Lương Huệ Vương đã nói rất rõ ràng: Không thể đem lợi lộc đặt ở hàng đầu. Nếu đem lợi đặt ở hàng đầu thì trên dưới đều giao tranh vì lợi, quốc gia này sẽ gặp tai ương.

“Vi diệu cung thương”, theo Hòa Thượng Tịnh Không: Trung Quốc ngày xưa nói âm thanh là “ngũ thanh”; câu “vi diệu cung thương” là lấy Cung, Thương tượng trưng cho tất cả âm thanh. “Tự nhiên tương hòa”, tự nhiên hòa quyện với nhau thành âm điệu du dương, mỹ miều không sao kể xiết! Sự việc này khiến chúng ta liên tưởng ở thế giới Cực Lạc, tất cả những dị biệt như: Không cùng một âm thanh; không cùng một ngôn ngữ; không cùng một quốc gia, chủng tộc; không cùng một tôn giáo, văn hóa v.v. thảy đều có thể sống hòa thuận với nhau. Đây chính là thành tựu lợi ích của đa nguyên văn hóa, đem đến hạnh phúc mỹ mãn, tự tại an vui cho tất cả chúng sinh.

Chữ “tương hòa” là âm thanh tương ứng với nhau. Sách Hội Sớ bảo:“Do nguyện lực thành tựu, chẳng cần phải gõ  hay thổi nên bảo là tự nhiên hòa tiếng”. Điều này thật vô cùng tuyệt diệu! Không cần người diễn tấu; khi muốn nghe thì tự nhiên nghe được.

“Thị chư bảo thụ châu biến kỳ quốc” (Các cây báu ấy mọc khắp cả cõi nước): Từ trên giáo dục mà nói, ở thế giới Cực Lạc, tất cả mọi hoạt động đều là tài liệu dạy học, hoàn toàn tương ứng với Hoa Nghiêm. Cây phát ra tiếng nhịp nhàng, hiển thị từ một nhánh cỏ đến một cành cây trong cõi Cực Lạc đều viên minh cụ đức.

Nhục thân Kim Cang Xá Lợi của Đại Lão HT Thích Hải Hiền

Một câu Di Đà vua các pháp
Lưu lại Kim Cang bất hoại thân

Đại Lão Hòa Thượng Thích Hải Hiền đã tự tại vãng sinh vào ngày 17/01/2013 trụ thế 112 năm. Nguyện Lão Hòa Thượng sớm ngày đảo giá từ hàng, thừa nguyện tái lai, rộng tưới cam lồ phổ độ chúng sinh.

Nam Mô A Di Đà Phật