VÔ NHẤT ĐẠI SƯ THÍCH THIỀN TÂM MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI

Soạn Giả: Ưu Bà Di, Bồ Tát Giới BẢO ĐĂNG
Giảo Chánh: Sa môn THÍCH HẢI QUANG
Xuất Bản: Pháp Hoa Tự, Tucson-Arizona

 

II.- THÂN THẾ VÀ THUỞ ẤU THỜI

A. THÂN THẾ

Cố Hòa thượng sanh quán tại làng Bình Xuân, quận Hòa Đồng, tỉnh Gò Công (nay đổi lại là tỉnh Tiền Giang) thuộc miền Đông Nam bộ.

Sanh trưởng trong một gia đình Nho giáo có khuynh hướng sùng bái đạo Phật. Thân phụ của ngài là cụ ông Nguyễn Văn Hương, một bậc túc nho, có học vấn và là một nông dân có tánh chơn chất, thật thà của người nơi miền ruộng nương rẫy báy. Thân mẫu của Ngài là cụ bà Giác Ân Trần Thị Dung, một người nội trợ, đảm đang, hiền đức nổi tiếng trong làng.

Cả gia đình của Ngài đều được mọi người trong vùng quý trọng, thường gọi là ông bà “Sáu Hương”. Trong dòng con của gia đình theo thứ tự các huynh đệ, tỷ muội, thì Ngài đứng vào hàng thứ 10 (trong số 13 người con của dòng họ).

Theo lời cụ bà Giác Ân, thân mẫu của Ngài kể lại, thì trong một đêm đó, bà đang ngủ mơ màng, chợt thấy ngoài sân có ánh sáng chói rực, vía bà tưởng chắc có lẽ Tây (người Pháp) thả trái sáng ở gần nhà, (vì các khoảng thời gian đó là những năm loạn lạc đánh nhau giữa Tây và Việt Minh) bà e rằng trái sáng rớt xuống sẽ làm cho nhà bị cháy (vì ở miền quê mái nhà lợp bằng lá dừa nước), nên lật đật dậy chạy ra ngoài xem chừng, thì không thấy có lính tráng hay chuyện gì khác hết. Trong khi bà còn đang ngạc nhiên ngó qua lại để tìm kiếm thì bỗng nghe có tiếng gọi rằng:

– Người nữ kia đến đây ta bảo.

Giọng nói rất oai nghiêm vang ra từ phía trên đầu làm cho bà giật mình ngước mắt nhìn lên thì thấy giữa không trung có một lão bà đang từ từ giáng hạ xuống đất, chính cái ánh sáng mà bà tưởng là do trái châu của Tây bắn ra lúc nãy là từ ở nơi thân mình của bà lão này phát ra.

Cụ bà nghĩ đây chắc là tiên, hay Phật gì giáng hạ nên lật đật quỳ xuống lạy dài. Bà lão khen tốt bảo đứng dậy đoạn kêu bà tới gần và trao cho một hài nhi khoảng chừng 3, 4 tháng mà nói rằng:

– Ngươi hãy nhận lấy và nuôi dưỡng đứa bé này cho ta.

Cụ bà ngần ngại không muốn lãnh vì cụ đã trải qua nhiều lần sanh nở, dưỡng nuôi, sự đau đớn và cực khổ đã làm cho bà ngán ngẩm nên chần chờ, do dự sự quyết định.

Bà lão trợn mắt, ra oai mà bảo:

– Đây là La Hầu La quý tử (1) Đây không phải thiệt là La-Hầu-La con của Phật đâu, mà ý nói là 1 người con quý, sau nầy cóthể tu thàh đạo như La-Hầu-La con của đức Thích-Tôn khi xưa vậy chẳng phải người thường, bởi ta thấy ngươi là một người hiền đức nên mới trao cho, sao dám từ chối. Hãy nhận lấy mà nuôi dưỡng, sau này sẽ được nhờ nó độ thoát cho về với Phật.

Phần thấy bà lão trợn mắt, ra oai, lớn giọng, phần nghe nói quý tử nên cụ bà cũng ham, đưa tay bồng lấy đứa bé, thấy nó trắng trẻo, dễ thương nên bà cũng vừa ý đẹp lòng. Vừa bồng hài nhi vào tay xong thì bà lão thăng bổng lên cao đi mất, ánh sáng kia cũng theo bà lão mà tắt đi luôn.

Cụ bà giật mình thức dậy thì ra chỉ là một giấc chiêm bao, trong lòng lấy làm lạ lắm, sáng ra cụ mới kể lại cho chồng nghe giấc mộng hồi khuya.

Cụ Ông bảo:

– Chắc có lẽ trời Phật sẽ cho mình sanh con “quý tử” không chừng.

Kể từ đó bà mang thai và điều đặc biệt là kể từ khi cấn thai đứa con này, cụ bà không chịu được mùi thịt cá, nên ăn chay trường. Ở miền quê thì việc chay lạt rất là đạm bạc chớ không cầu kỳ như ở thành phố nên thức ăn chỉ có toàn là rau luộc, tương chao thôi, ấy vậy mà bà vẫn khỏe mạnh, khác hẳn với mấy lúc trước kia đau ốm rề rề.

Trong xã Bình Xuân có một ngôi chùa làng xưa nho nhỏ, không sư trụ trì, chỉ có một ông từ già giữ chùa thắp nhang, tụng kinh, ông có gia đình bên ngoài nên chùa ít khi mở cửa, chỉ trừ vào các ngày 14, rằm, 30, mồng một mới đến chùa tụng niệm mà thôi. Vì thế nên chùa thường bị lâm vào cảnh nhang tàn, khói lạnh.

Cụ bà thấy vậy nên mỗi ngày dành ít thời giờ đến chùa quét dọn, đốt nhang, dộng chuông. Việc này từ trước đến nay cụ chưa bao giờ biết hay phát tâm làm cả, thế mà kể từ khi có mang đứa con này, đối với các việc chùa chiền, công quả cụ bà lại hăng hái và siêng năng hơn bao giờ hết.

Âu cũng là do thiện căn, phúc đức của đứa con mà bà đang mang trong người chiêu cảm ra vậy.

Cụ ông là một bậc thâm Nho, có đọc nhiều sách vở xưa (viết bằng chữ Hán) vì thế nên cụ biết rằng đứa con tương lai của mình chắc sẽ có một cái gì đó đặc biệt hơn các anh chị của nó, cho nên việc mà cụ bà phát tâm làm công quả, đi chùa, lạy Phật, chẳng những cụ ông không ngăn cản chút nào, trái lại cụ còn khuyến khích thêm nữa.

Ngày cụ bà khai hoa, lúc đó vào khoảng rạng đông, bỗng dưng có một cơn mưa nhỏ, hài nhi chào đời nhẹ nhàng chớ không có làm cho cụ đau đớn nhiều như những người con trước.

Cụ ông chiếu theo ngày giờ và vài ba triệu chứng khi sanh ấu nhi ra, tra cứu trong sách toán mệnh học chữ nho xong rồi bảo cụ bà rằng:

– Đứa con này nguyên nó là căn tiên, cốt Phật đầu thai, chớ không phải là con thường như mấy đứa trước đâu. Có điều nó tuổi Ất Sửu mà sanh ra vào buổi rạng đông tức là nhằm lúc con trâu sắp sửa ra đồng cày ruộng, nên lỗi giờ sanh e sau này nó sẽ tha hương khổ cực, nhưng bù lại khi mới sanh có một đám mưa nhỏ, sách nói về sau, khi lớn lên nó không bị nhiễm vào trong đường tình ái, vợ chồng, và nếu như đi tu ắt sẽ được đắc thành chánh quả.

Ví có các sự việc như vậy nên cả hai cụ đều đặc biệt để ý và rất yêu quý đứa con này.

B. THUỞ ẤU THỜI

Ngài được cha mẹ đặt cho tên là Nguyễn Nhựt Thăng (khác với các anh em được lót chữ văn ở giữa, như người con trai thứ ba thì tên Nguyễn Văn La, thứ năm tên Nguyễn Văn Thông, út tên Nguyễn Văn Thắng) có nghĩa là mỗi ngày càng thêm thăng tiến. (Nhựt là ngày – Thăng là thăng tiến).

Đó là ý của song thân muốn cho Ngài sau này càng ngày càng thêm được thăng hoa, tiến đạt nên mới ban cho đứa con đặc biệt này một cái tên có nhiều ý nghĩa hay ho như vậy.

Mà quả đúng như thế, bé trai này càng ngày (đương nhiên là càng lớn lên) rồi mà tánh tình cũng khác lạ hơn các anh chị em trong nhà nữa. Trong những năm đầu tiên khoảng từ 1 tuổi đến 5 tuổi bé không ưa chạy giỡn, chơi đùa như những đứa trẻ cùng trang lứa khác, mà thường hay ở trong nhà, ra trước bàn thờ đốt nhang, bái xá và theo thân phụ học tập chữ Nho.

(Thời gian của thập niên 1920-1930 này, chữ quốc ngữ chưa được thông dụng như bây giờ nên đa số dân chúng đều học, viết và đọc sách vở, tất cả gần như đều bằng chữ Nho hết. Đến khi vào lớp đầu tiên ở trường làng thầy giáo cũng dạy vỡ lòng cho bằng chữ Nho, và ở vào thời buổi này thì hầu hết bài vở của học sinh nơi các chốn học đường gần như được dạy toàn bằng chữ Hán trích ra từ trong các sách giáo khoa Hán học cả. Vì thế cho nên phần lớn các bậc phụ lão, trưởng bối của thế hệ này còn sót lại đến ngày nay, ít nhiều đều biết đọc và viết chữ Nho hết).

Riêng về cố Hòa thượng thì kể từ khi bắt đầu cắp sách đến trường là đã được dạy chữ Nho một cách cẩn thận và đúng phương pháp từ nơi thân phụ (cũng như ở học đường), vì vậy mà căn bản chữ Hán của ngài rất vững chắc và mau chóng tiến bộ hơn so với các bạn đồng học khác cùng trang lứa.

Ngài rất mực thông minh, lại thêm chăm chỉ và hiếu học cho nên có thể nói là ngài học một mà biết hai và hầu như luôn luôn được điểm hạng đứng đầu lớp trong suốt các thời gian dùi mài kinh sử.

Đến năm lên chín tuổi, thì trình độ chữ Nho văn của ngài đã giỏi, có thể đọc lưu loát được các sách Hán học và viết (chữ Nho) một cách thành thục, thông thạo, tựa như một người đã từng có học, viết qua Hán tự mười mấy năm trường.

Ở miền ruộng rẫy thì đương nhiên là các sách vở giáo khoa bằng chữ Nho không được mấy đầy đủ như chốn thị thành, nhưng cũng may nhờ thân phụ của ngài là một Nho gia, cho nên trong nhà cũng có trữ được vài ba bộ sách Nho học quý giá như là Tứ Thơ, Ngũ Kinh, cùng với năm bảy bộ sách Hán học khác như các bộ truyện Tàu, chuyện xưa, tích cũ của Trung Hoa v.v… chẳng hạn. Nhờ vậy mà sự hiểu biết của ngài rất rộng rãi không kém chi những người có học thức cao ở nơi phố chợ.

Song song với việc học chữ Hán, ngài còn lại phải học thêm chữ Tây và Quốc ngữ, vì thời gian này vẫn còn bị người Pháp cai trị nên việc biết chữ Tây là một điều bắt buộc và cần thiết – còn chữ Quốc ngữ là tiếng mẹ đẻ của mình cho nên phải học nó là lẽ đương nhiên. Vả lại thời gian của những thập niên này thì phong trào học, đọc, viết chữ Quốc ngữ đang được các nhà làm văn hóa Việt Nam phát khởi một cách rầm rộ để chuẩn bị thay thế cho chữ Nho của Tàu và chữ Tây của Pháp vốn đã có một ảnh hưởng sâu rộng từ lâu trong văn hóa nước nhà.

Vào thời kỳ này, khắp nơi gần như ai cũng biết và thuộc lòng các phương thức vận động học chữ quốc như như:

– “Người Việt phải nên học chữ Việt”.

Hoặc là:

– “Tiếng Quốc ngữ, chữ nước ta, Văn hóa nhà, cần phải học”

vân vân… Do đó nên Ngài vừa giỏi chữ Nho, chữ Quốc ngữ và luôn cả chữ Pháp nữa. Nhưng cũng bởi vì gia đình sống ở miền quê, sách vở về tân học không được mấy đầy đủ, cho nên phần lớn quãng đời thơ ấu và các kiến văn của ngài có khuynh hướng nghiêng về bên phía Nho học nhiều hơn.

Các bộ môn Nho văn của cụ ông trước sau đều đã được ngài đọc và nghiền ngẫm thường xuyên, nằm lòng như cháo, cho nên mặc dù tuổi đời còn nhỏ mà ngài đã sớm ngộ được nhiều điều đạo lý của Khổng giáo rồi và cũng vì vậy mà ngài có cái phong cách của một ông “Đồ nho con” đạo mạo, lễ giáo chớ không giống như các trẻ con cùng trang lứa khác trong làng – và ngay cả đến các anh chị em ruột của ngài trong gia đình nữa.

Tánh hạnh của ngài cũng khác thường, ít ưa nói năng cười đùa hay hài hước, tạp nhạp, quá lố.

Những khi rỗi rảnh thay vì đùa giỡn hay bắn bi, đánh đáo… là các trò chơi ưa thích của trẻ con, nhưng ngài lại thường ở nhà, đem sách Nho ra đọc và giảng giải cho thân mẫu nghe tựa như một ông thầy đồ đứng tuổi đang giảng sách vậy. Cho nên thân mẫu của ngài vừa thương vừa quý trọng ngài hơn các người con khác.

Trong số 13 anh chị em của gia đình gồm 4 trai 9 gái thì ngài thường thân cận và gần gũi với người anh thứ năm (tức là cố thân phụ của ĐĐ. Thích Hải Quang hiện giờ) nhiều nhất. Giữa hai huynh đệ này có một sự cảm thông và gắn bó với nhau một cách đặc biệt hơn các anh chị em khác, nên có thể nói rằng hai người vừa là anh em và cũng vừa là đôi bạn tâm giao thân thiết nữa.

Suốt thời gian thơ ấu khắn khít sống bên nhau, hai anh em đã cùng chia sẻ các kiến thức về văn học và các tâm sự vui buồn, mãi cho đến sau này khi lớn lên trong lứa tuổi trưởng thành rồi mới cùng nhau giã biệt, kẻ theo đường đời, người nương lối đạo, (anh năm của ngài lập gia đình vào năm 1940, còn ngài thì bắt đầu vào chùa khoảng giữa năm 1938).

Và cũng chính nhờ vào cái nhân duyên đặc biệt đó khiến xui (như thế) cho nên một số các kỹ niệm về thuở ấu thời của cố Hòa thượng được người anh thứ năm này ghi lại trong cuốn nhật ký của người mang tên là:

“TÂY LIÊN tùy bút lục”

mà Bảo Đăng tôi căn cứ vào đây để làm tài liệu tham chiếu chánh khi viết lại các quãng đời thơ ấu của Ngài nơi quyển sách nhỏ này.

Riêng về cá nhân của cố Hòa thượng, chắc có lẽ nhờ thiện căn tu hành trong quá khứ dẫn lối đưa đường, cho nên mặc dù tuổi đời còn nhỏ mà Ngài lại rất ưa thích nghiên cứu về bộ môn đạo học hơn là các bộ môn khác (một cách đặc biệt). Ngoài các bộ sách Nho học của thân phụ ra, Ngài vẫn thường xuyên đến ngôi chùa xưa trong làng để đọc cùng mượn các Kinh sách Phật giáo về xem và so sánh với các tôn giáo khác, như đạo Nho và đạo Lão, vì vậy mà sau này càng ngày càng lớn lên, kiến văn về đạo học của Ngài rất là uyên bác bao gồm luôn cả Nho – Thích – Đạo (tức là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo (tiên)).

Trong quyển “Tây Liên tùy bút lục” của anh năm của Ngài để lại, có ghi một câu chuyện ngắn rất lạ lùng, phi thường và ký bí như sau:

– Vào năm 1932 tức là năm cố Hòa thượng được bảy tuổi, nhân mục kích sự tử vong (chết) của một người thanh niên chòm xóm, thông thấu cảnh khóc than, sầu khổ của gia đình người chết cùng với các việc khác như là khiêng quan tài ra ngoài đồng chôn cất v.v… Ngài có vẻ suy tư và bồn chồn lo lắng lắm.

Một hôm Ngài hỏi cụ ông rằng:

– Thưa cậu, có phải rồi ai cũng sẽ chết hết chăng? (Ở trong miền Nam, có vài ba địa phương con cái gọi cha bằng cậu, bằng ba hoặc bằng tía – gọi mẹ bằng mợ, bằng má… đó là chuyện thường).

Lấy làm lạ khi thấy con mình mới có bảy, tám tuổi mà biết hỏi chuyện người lớn như vậy, nhưng thân phụ của ngài cũng vẫn đáp:

– Phải, mọi người ai rồi cũng sẽ phải chết hết. Hoặc chết trẻ, chết già, hoặc chết sớm, chết muộn mà thôi. Như thằng sáu Các mà con thấy đám ma đó, nó chết rất trẻ vì mới có 16 tuổi đầu!

Ngài hỏi tiếp:

– Như vậy thì có cách nào làm cho khỏi bị chết hay không?

Thân phụ Ngài đáp:

– Không có cách nào hết, đời vô thường mà, như con với cậu đây có ngày rồi cũng phải chết như những người đi trước mà thôi.

Khi nghe thân phụ trả lời như thế thì ngài làm thinh nhưng mà trên gương mặt của người ấu nhi này đã thấy đượm lên một vẻ buồn lo, suy nghĩ. Đâu có ai biết được trong lòng của cậu bé mới lên 7 tuổi này đang lo nghĩ điều chi?

Từ đó trở đi, gia đình thường thấy Ngài trầm lặng và có vẻ suy tư nhiều hơn dạo trước. Đối với các sinh hoạt thường ngày trong gia đình và giữa các anh chị em với nhau, ngài cũng ít còn hăng hái tham dự vào như những thường nhật đã qua.

Vào một ngày khác, Ngài cũng đem câu hỏi trên mà hỏi nơi thân mẫu của mình.

Cụ bà đáp rằng:

– Xưa nay đâu có người nào khỏi chết bao giờ!

Ngài hỏi:

– Vậy thì làm sao mà được khỏi chết?

Cũng như cụ ông, cụ bà rất lấy làm lạ lùng trước câu hỏi có vẻ người lớn của con mình. Tuy nhiên cụ bà cũng vẫn đáp rằng:

Má đâu có biết được, nếu như mầy muốn khỏi chết thì mầy nên NIỆM TRỜI – NIỆM PHẬT thì may mới khỏi mà thôi.

(Đây là cụ bà trả lời chiếu lệ, lấy có để qua vấn đề cho rồi, chớ cụ đâu có bao giờ ngờ rằng câu trả lời của cụ sẽ trở thành bất tử (nơi quyển sách này) trong tương lai, và hiện tại là gieo vào nơi tâm thức của con mình một sự phấn khởi, hy vọng, cùng với một niềm tin tưởng vững chắc hơn về phương cách giải quyết việc sanh tử trong suốt cả cuộc đời của nó).

Ngài nghe thân mẫu mình dạy như thế thời mừng vui lắm, bởi vì từ bây giờ trở đi, Ngài đã biết làm cách nào để khỏi bị chết rồi. Cho nên bắt đầu từ dạo đó, mỗi ngày khi đi đâu, làm gì và chí đến những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, người ấu nhi 7 tuổi mà đã có một đức TIN kiên quyết này lúc nào cũng lâm râm trì niệm câu:

“NIỆM TRỜI – NIỆM PHẬT, cho con khỏi chết”.

Cậu bé cứ niệm mãi và niệm mãi … như thế với lòng tin tưởng tuyệt đối là mình sẽ không bao giờ bị chết như những người khác hết!

Và cứ như thế, thời gian tuần tự trôi qua … cho đến hai năm sau, lúc đó ngài đã được 9 tuổi, thì có một điều phi thường, lạ lùng xuất hiện:

Sự việc ấy như sau:

Trong một đêm khuya vắng nọ, lúc đó cả nhà đều yên giấc hết, chỉ có một mình cậu bé Nguyễn Nhựt Thăng mới lên 9 tuổi này là còn đang thao thức. Và như thường lệ mỗi đêm của suốt hai năm qua, cậu nằm im trên bộ ván gõ kê gần cửa sổ ở bên hông nhà trên – (gọi là nhà trên vì còn có nhà dưới nữa, thông thường ở miền quê trong Nam thì người ta dùng nhà trên làm phòng ngủ, phòng khách – nhà dưới thì làm nhà chứa lúa, nhà bếp, nhà ăn v.v…) – miệng lâm râm đọc câu:

“NIỆM TRỜI – NIỆM PHẬT, cho con khỏi chết”.
“NIỆM TRỜI – NIỆM PHẬT, cho con khỏi chết”.

Trước khi thiếp đi vào trong giấc ngủ êm ấm của mỗi đêm dài. Bỗng nhiên cậu thấy ngoài sân, qua khung cửa sổ phát ra ánh sáng chói lòa, rực rỡ như ban ngày.

Lấy làm lạ, Nhựt Thăng đồng tử vội lồm cồm ngồi dậy và đi đến bên cửa sổ đứng nhìn ra tìm duyên cớ, thì cậu thấy bên ngoài, giữa không trung từ phía trên trời, có bốn người cao lớn, dung mạo hơi khác thường, chung quanh mình họ có ánh sáng phát ra như trái châu lửa.

Bốn người này khiêng bốn góc của một cái kiệu xưa rất đẹp đang từ từ giáng hạ xuống phía trước sân nhà. Ánh sáng chói lòa, rực rỡ mà cậu thấy ban nãy chính là ánh sáng từ nơi thân của bốn người này phát ra vậy.

Trong khi cậu còn đang ngạc nhiên, sửng sốt và ngây người ra nhìn thì thấy bốn vị này để cái kiệu ở ngoài sân, bay xuyên qua cửa sổ đáp xuống bên cậu làm cho cậu giựt mình, thối lui ra sau, trong lòng có ý lo sợ, thì một vị nói:

– Nhỏ kia, chớ có sợ. Chúng ta là người ở trên trời, hôm nay vì ngươi mà xuống đây. Bởi vì đã hai năm qua rồi, ngày nào ngươi cũng NIỆM TRỜI cầu cho khỏi chết, nên cảm động đến bề trên sai chúng ta xuống đây rước ngươi về trời để cho ngươi được trường sanh bất lão.

Vậy xin hãy yên tâm và theo chúng ta lên kiệu mà đi cho kịp thời giờ.

Ngài nghe nói vậy thì trong lòng mừng lắm, liền bước chân theo bốn vị “thiên nhơn” kia ra sân.

Lúc bốn vị ấy đưa tay ra định tiếp Ngài lên kiệu, bỗng nhiên Ngài sực nhớ lại là mình chưa chào giã biệt cha mẹ và anh năm, nên Ngài mới nói cùng với bốn vị “thiên nhơn” kia rằng:

– Khoan đã, hãy chờ một chút vì tôi còn phải vào nhà tự biệt phụ mẫu cùng với huynh trưởng rồi mới đi theo quý vị lên trời được.

(Vì huynh trưởng là người anh thứ ba lúc đó đi theo kháng chiến xa nhà, nên người anh thứ năm lên làm quyền anh cả).

Nói xong ngài quay người lại định bước vào nhà từ giã cha mẹ, bỗng nhiên nghe bên tai có mấy tiếng chuông “boong boong” ngân lên tất thanh kèm theo mấy câu “NIỆM PHẬT – NIỆM PHẬT”, âm hưởng của giọng niệm Phật này cực kỳ thanh tao và êm dịu làm cho trong tâm Ngài cảm thấy tự nhiên dâng lên một sự ấm áp và khỏe khoắn lạ thường.

Vì bình nhật ngài chuyên trì một câu niệm, mà trong đó có 2 chữ NIỆM PHẬT đã nhập tâm rồi, nên bây giờ khi nghe tiếng NIỆM PHẬT tuyệt vời kia khiến cho lòng Ngài bỗng dưng cảm động, vội vàng cất tiếng niệm Phật hòa theo và quay đầu ngó khắp các nơi tìm kiếm. Thì ngài thấy từ nơi hướng mặt trời lặn (phương Tây) phía trên không trung có một vị đại tăng vóc người cao lớn, mình mặc áo vàng, tay cầm chuỗi hột, dung mạo và thần thái cực kỳ thanh nhã, đang nhìn ngài mỉm cười và từ từ giáng hạ xuống đất, chung quanh mình của vị đại sư này, có một thứ ánh sáng màu vàng tỏa ra vô cùng tươi đẹp.

(Phật Hòa Thượng bảo:

– “Nầy con, nay con nên niệm Phật, đừng nên niệm Trời nữa. Vì niệm Phật mới sống hoài, chớ niệm Trời thì còn có ngày phải chết“.)

Lúc ấy Ngài bỗng cảm thấy thân tâm mình được cực kỳ an lạc, một sự an lạc phi thường, tuyệt diệu không sao tả xiết. Thoạt tiên, khi mới nhìn thấy vị đại sư đó, ngài có cảm tưởng là hình như mình đã được gặp một vài lần ở đâu rồi và Ngài sực nhớ ra liền là mấy lúc trước đây khi theo thân mẫu đến chùa lạy Phật, thì ông Phật trên bàn thờ mà mình cùng với mẹ quỳ lạy đó chính là vị đại sư này chớ không phải ai khác hết.

Ngài mừng lắm, liền bỏ bốn vị “thiên nhơn” kia, chạy đến bên “PHẬT HÒA THƯỢNG” quỳ lạy và ôm lấy chân Ngài.

PHẬT Hòa Thượng lấy tay vuốt đầu ngài và cất giọng thanh tao nói rằng:

– Này con, nay con nên niệm PHẬT, đừng nên niệm TRỜI nữa vì NIỆM PHẬT mới sống hoài, chớ NIỆM TRỜI thì còn có ngày phải chết.

Ngài nghe Phật Hòa Thượng bảo vậy, liền cất to giọng xướng câu: NIỆM PHẬT – NIỆM PHẬT – NIỆM PHẬT.

Phật hòa thượng lấy tay bồng ngài lên, nhìn vào mặt ngài và tươi cười nói:

– Con rất ngoan ngoãn, biết nghe theo lời dạy của ta.

Đoạn đặt ngài xuống, kế đó hòa thượng lấy trong mình của NGÀI ra một con dấu (ấn) màu vàng chói rực, vuông góc bốn cạnh, in lên trán ngài một ẤN rồi nói:

– Nay ta đóng cái “PHẬT ẤN” này lên trán của con để làm tín chứng và thâu nhận con vào làm con ruột của ta. Với cái dấu ấn này đây, ngay sau khi con về nhà ta sẽ không có một ai dám ngăn cản cả.

Vậy con hãy luôn nhớ câu “NIỆM PHẬT, NIỆM PHẬT, NIỆM PHẬT” đừng quên. Ta chờ con đó.

Nói xong PHẬT Hòa Thượng dùng tay xoa đầu ngài niệm một lần nữa, kế đến nghe có tiếng chuông rất thanh ngân lên và NGÀI từ từ thăng lên không hướng về phía trời Tây bay mất.

Ngài cúi mọp đầu xuống đất, quỳ lạy tiễn đưa.

Trong khi ngài còn đang bàng hoàng nuối tiếc, đứng ngẩn người ra nhìn theo hướng bay của PHẬT Hòa Thượng, chợt nghe có tiếng nói xì xào vang lên ở phía sau mình nên vội vã quay người ngó lại, thì thấy bốn vị “thiên nhơn” kia đứng ở đàng xa, đang dụm đầu vào nhau bàn tán, một lát sau cả bốn người chạy đến và ngó vào mặt ngài một cách chăm chú.

Có một vị “thiên nhơn” nói rằng:

– Nay trên trán của đồng tử này đã có dấu “PHẬT ẤN” đóng vào rồi thì nó là con của PHẬT, chúng ta làm sao dám mang nó đi. Vậy phải trở về trình lại.

Đoạn bốn “thiên nhơn” ấy quay mình trở lại khiên cái kiệu trống không, bay bổng lên cao đi mất!

Nhựt Thăng đồng tử đứng ngơ ngẩn một hồi rồi đi trở vào nhà, kế đó giựt mình tỉnh giấc, trong lòng lấy làm lạ lắm. Sau này khi kể lại cho người anh thứ năm nghe câu chuyện này, ngài vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết và thắc mắc hoài một việc, Ấy là:

Rõ ràng khi sự việc xảy ra như vậy, lúc đó mình còn thức chớ đâu có ngủ, thế mà khi đi trở vào nhà lại thấy mình vừa ngủ dậy nghĩa là sao?

Hơn nữa khi lấy sờ lên trán ngay chỗ được “đóng ấn” vẫn còn thấy nổi lên một cục thịt u to bằng đồng điếu, (mấy tháng sau mới lặn).

Vi hai anh em cùng đồng nhau trong lứa tuổi ấu niên nên không một ai hiểu và giải-đáp được cái thắc mắc “bí mật” nầy được cả……….

(Đến đây Bảo Đăng tôi xin mạn phép dừng bút lại đôi chút để chú giải và làm minh (sáng) cái ý nghĩa của sự việc phi thường này ngõ hầu cho quý đọc giả hiểu thêm mà phát tâm trân trọng:

Sách có câu:

Hữu cầu tất ứng

và trong Kinh cũng có dạy rằng:

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.

(Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn).

mà chúng ta vẫn thường tụng niệm mỗi khi vào trong khóa lễ hằng ngày chính là đây, là trường hợp này vậy.

Như cố Hòa thượng của chúng ta khi còn thơ ấu – Mà đã thơ ấu như thế tức là còn mang tâm đồng tử. “Tâm đồng tử” này Kinh còn gọi một tên khác nữa là “Tâm vô phân biệt” chỉ có ở nơi Phật, Bồ tát cùng các vị thánh nhơn giải thoát mà thôi.

Gọi là “Tâm vô phân biệt” là vì trong tâm ấy tuyệt nhiên không có các niệm trần: ghét, thương, phải quấy cho chí đến thiện, ác … cả. Tâm ấy vắng lặng đồng như hư không.

Chúng ta thấy trong Kinh có các vị đồng tử chẳng hạn như là Thiện Tài đồng tử, Văn Thù Sư Lợi đồng tử v.v… mà Phật vẫn thường nhắc đến, là người học Phật, chúng ta phải hiểu rằng hai vị đồng tử Thiện Tài và Văn Thù đây không phải là hai đứa con nít đâu, mà chính là hai vị đại Bồ tát ở trong “Cảnh giới bất tư nghì giải thoát”, sở chứng của hai người đồng như chư Phật, duy chỉ thiếu có một điều là chưa thành bậc đại giác (Phật) mà thôi.

Sở dĩ gọi danh xưng là đồng tử cho hai Ngài là vì tâm của hai Ngài đã hoàn toàn dứt hết các vọng niệm phân biệt của chúng sanh và trở nên thuần chơn, trong sạch, tinh anh như tờ giấy trắng  lại giống như tâm của đứa con nít mới sanh ra chẳng vướng chút niệm trần.

Và vì thế nên được gọi là “đồng tử”. Tất cả các đại Bồ tát khác ở mười phương cúng đều được Phật gọi là đồng tử, vì quý NGÀI đã tu chứng được cái tâm “vô phân biệt” này hết rồi.

Trở lại và tiếp tục câu chuyện trên – Ta nhận xét thế nào và thấy gì qua sự việc này?

Ta nhận xét và thấy rằng:

1. Bởi vì lúc đó cố Hòa thượng còn gọi là một “đồng nhi” mới lên 8, 9 tuổi nên tâm của ngài rất là “đồng tử”, rất là CHƠN thật, lại thêm sanh ra và lớn lên nơi chốn rẫy bái, vườn ruộng quê mùa, nơi mà đa số dân chúng đều có tâm chơn thật (hơn người ở chốn thị thành).

2. Cả gia đình ngài cũng đều quê mùa – chơn thật.

3. Môi trường sống chung quanh ngài (các anh chị em trong gia đình) cũng đều chơn thật.

Ba, bốn cái “chơn thật” đó đã sớm hun đúc và nhào luyện con người đồng tử này khiến cho tâm Ngài trở nên thuần CHƠN, đạo đức và có nhiều niệm TIN TƯỞNG nơi đấng PHẬT trời.

Nghe mẹ dạy hễ “NIỆM TRỜI  NIỆM PHẬT” thì khỏi chết, nên cái tâm đồng tử, chơn thật của Ngài khiến Ngài liền tín nhận không một chút nghi ngờ, liên tiếp suốt hai năm dài, Ngài chấp trì danh hiệu ấy không xao lãng, và như thế mà vô tình ngài đã hành đúng theo lời Phật dạy về chữ ĐỨC TIN và chữ CHẤP TRÌ.

Kinh “Hoa Nghiêm” dạy:

“… lòng TIN là bước đầu vào đạo… là mẹ của tất cả công đức… lòng TIN hay nuôi lớn căn lành… lòng TIN hay thành tựu quả Bồ đề của PHẬT.

Cho nên cổ đức nương theo ý đó, dạy rằng:

Niềm tin là bước đạo sơ nguyên…
(Liên Du)

Và cũng bởi vì TIN cũng chấp trì danh hiệu “NIỆM TRỜI  NIỆM PHẬT” như thế suốt nhiều ngày, tháng, năm, không xen tạp, do đó mà phát sanh ra một sự “Cảm ứng”.

Chúng ta thấy sự cảm ứng của ấu nhi Nguyễn Nhựt Thăng này được chia làm hai phần:

a). Cảm ứng đến TRỜI (Thiên cảm ứng) vì trong câu niệm có hai chữ ”NIỆM TRỜI”.

b). Cảm ứng đến PHẬT (Phật cảm ứng) vì trong câu niệm có hai chữ ”NIỆM PHẬT”.

Do vì sự cảm ứng này đã đến thời điểm “chín mùi” rồi, cho nên đồng một lúc cả hai TRỜI  PHẬT đều hiện thân xuống chứng.

Trời thì cho rước về Trời để sống hoài nhưng (vì có học giáo lý cho nên ta biết rằng) cõi trời cũng vẫn còn nằm trong vòng sanh tử, chớ đâu có được trường tồn, bất diệt. Vì thế cho nên PHẬT mới hiện đến để minh chánh lại cho đồng tử Nguyễn Nhựt Thăng khỏi bị gạt lầm giữa hai cái “Bất lão” và “Bất tử”. Bởi vì thiên dân ở cỏi trời chỉ được bất lão (không già) thì có, chớ bất tử (không chết) thì không có.

Mà cái chủ đích, cái tác ý của Nhựt Thăng đồng tử là làm sao cho được “Bất tử” kìa chớ không phải là “Bất lão”. Vì thế nên PHẬT mới khai thị cho đồng tử rằng:

– “Này con, nay con nên niệm PHẬT đừng nên niệm TRỜI nữa, vì niệm PHẬT mới sống hoài, chớ niệm TRỜI thì còn có ngày phải chết”.

Cũng bởi do cái túc nhân (2) Túc nhân: là cái nhân mình gây tạo ra trong quá khứ, đại khái thì có 2 loại túc nhân: Một là túc nhân thiện, hai là túc nhân ác – lại có thêm 2 loại túc nhân khác, một là túc nhân có tu (đạo) – hai là túc nhân không tu (đời) sâu dày dẫn dắt, khiến xui nên sau khi nghe xong lời dạy kia, ngài niệm PHẬT liền không đắn đo, do dự vì vậy mà được Phật thọ ký vãng sanh ngay lập tức, tiêu biểu cho việc thọ ký này là đóng con dấu “PHẬT ẤN” vào trán.

Sở dĩ ngài được thọ ký vãng sanh lẹ làng như thế là nhờ vô tình mà ngài hội đủ được bốn điều kiện sau đây:

1). Bỏ ngay bốn “thiên nhơn” không một chúc nuối tiếc và chạy liền về phía PHẬT  đây là tượng trưng cho hạnh “tốc xả tam giới(3) Tốc xả tam giới: Tức tốc rời bỏ 3 cõi là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Theo pháp môn Tịnh Độ, thì khi lâm chung chỉ cần giữ được chánh niệm (tức là khi gần chết chỉ cần nhớ niệm được chừng 10 câu Phật hiệu rồi tắt hơi, kẻ ấy sẽ nương theo nguyện lực của đức A DI ĐÀ Thế tôn siêu ra khỏi tam giới, và lập tức vãng sanh về Cực lạc Tịnh độ. .

2). Ôm lấy chân Phật  đây là tượng trưng cho hạnh “nhứt tâm quy mạng(4) Nhất tâm quy mạng: là một lòng nương về (nơi Phật) chớ không nương theo ai khác, dù kẻ đó là Trời, rồng, thần tiên, đi nữa cũng nhứt định chối từ.

3). Niệm Phật liên tục ba câu: đây là tượng trưng cho hạnh niệm Phật trọn vẹn cả ba thời: Ban đầu, giữa và rốt sau.

(Niệm Phật tam thời túc) (5) Niệm Phật tam thời túc: Niệm phật có đầu, có giữa, có cuối, nghĩa là từ khi phát tâm nguyện niệm Phật cho đến khi chết vẫn giữ y như vậy không thay đổi. Nếu trái nguyện thì gọi là “bất túc” thí dụ như ban đầu có niệm, vài ba năm sau thì không còn niệm nữa, v.v… Các trường hợp này đều không đủ tam thời và bất túc.

4). Được tâm vô phân biệt của đồng tử  tức là tượng trưng cho nhứt tâm hạnh.

Đây rõ ràng là bốn cái yếu tố chánh để được vãng sanh về cõi Cực lạc thế giới của đức A DI ĐÀ Thế tôn trong Tịnh Độ pháp môn. Mà sau này khi lớn lên, xuất gia và trở thành một bậc đại tăng danh đức rồi, Ngài chuyên ròng tu hạnh niệm Phật và hoằng dương pháp môn Tịnh Độ, nổi danh là một Việt Nam Tịnh Độ tôn sư lừng lẫy nhứt của thế hệ đương thời.

Còn về việc “thắc mắc” của Ngài trong lúc nhỏ tức là:

– “Không hiểu tại sao rõ ràng THỨC chớ đâu có NGỦ thế mà khi đi trở vào nhà lại thấy mình vừa mới NGỦ DẬY”?

Và đây cũng chính là cái thắc mắc của tôi khi tôi đọc quyển “Tây Liên tùy bút lục” đến đoạn này.

Tôi có hỏi Đại Đức bổn sư Thích Hải Quang để nhờ thầy minh nghĩa rằng:

– Bạch thầy sao vậy?

Thầy giải đáp như sau:

– Thật ra, việc ấy cũng không có gì khó hiểu cho lắm. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì mình không thể nào dùng cái nhục thân tứ đại bất tịnh này để gặp và thấy chư Thiên, chư Phật được. Bởi thân tứ đại của ta là thân “Thô phù(6) Thô phù: to lớn nặng nề (vì chứa đầy tứ đại và nghiệp nhân phiền não còn thân của quý NGÀI là thân “thạnh tịnh” và “cực vi tế” (7) Cực vi tế: là vô cùng nhỏ nhiệm gần như là vô hình, vô ảnh vậy. Mắt thường không thể nào thấy được mà phải dùng thiên nhãn mới trông rõ mà thôi. Trong Niết Bàn kinh nói: “Lúc ấy trong hư không, một khoảng trống nhỏ bằng đầu mũi kim cũng dung chứa vô lượng thiên chúng.”. Như vậy cũng đủ thấy cái “Cực vi tế” ấy như thế nào rồi.. Muốn thấy thân thanh tịnh và cực vi tế ấy thì không thể dùng nhục nhãn (là con mắt thịt của mình) để thấy mà phải dùng “thức nhãn”(tức là con mắt của pháp thân) mới thấy được mà thôi.

Khi đồng tử Nguyễn Nhựt Thăng “LỒM CỒM NGỒI DẬY VÀ ĐI ĐẾN BÊN CỬA SỔ ĐỂ NHÌN” thì chính ngay lúc đó là lúc mà cái THỨC (tức là cái hồn) của Ngài ngồi dậy và bước đi ra khỏi thân tứ đại chớ không phải cái xác của Ngài đi đâu, thân xác của Ngài thì vẫn còn nằm ngủ mê ở trên bộ ván, hay nói cho dễ hiểu là:

“Xác thân nằm đó, hồn đi chơi rồi”

Việc này cũng như chiêm bao vậy. Có hai loại chiêm bao chánh là: mộng và mị.

– Sao gọi là “mộng” và sao gọi là “mị”?

– Mộng đây tức là “Mộng thực” do nơi tâm tịnh và thức nhãn mà thấy được các việc sẽ xảy ra trong tương lai. Khi thức dậy thì nhớ biết rõ ràng từng chi tiết không lầm lộn. Như chiêm bao thấy khóc thì lúc thức dậy vẫn còn thổn thức và nước mắt chứa chan, thấy bị rượt chạy thì khi thức dậy vẫn còn bị mệt mỏi và chân tay bải hoải, rã rời v.v…

– Mị đây tức là giả dối, do nơi mơ tưởng thái quá mà thành, đây gọi là “A lại da biến tướng” tức là nó duyên theo tâm tưởng mà hiện ra chớ không có thật, khi thức dậy thì quên hết hoặc có nhớ thì đầu đuôi lộn xộn, chút sau thì liền quên bẵng đi ngay.

Như trường hợp của cố Hòa thượng đây thì được gọi là mộng và cũng tương tự như phép xuất hồn ở bên đạo tiên vậy. Tối lại thì họ nằm xuống ngủ, mũi ngáy khò khò, mà hồn đã xuất ra đi dạo chơi nơi Bồng lai tiên cảnh rồi, sáng mới trở về nhập lại vào thân, thức dậy như thường.

Tôi hỏi:

– Bạch thầy cố Hòa thượng lúc đó mới có 9 tuổi mà làm sao Ngài có được khả năng xuất hồn như vậy?

Đại Đức bổn sư đáp:

– Đương nhiên là Ngài không có khả năng ấy đâu. Nhưng sở dĩ hồn (thức) của Ngài xuất ra được như vậy là nhờ nơi thần lực của bốn vị thiên nhơn kia muốn rước (hồn) Ngài đi mà thôi và nếu như trường hợp này mà suôn sẻ, tức là không nhờ Phật hiện thân ra ngăn cản, thì thần thức của Ngài sẽ lên kiệu về “Chầu trời” ngay trong đêm đó rồi còn sống đâu mà tu hành và làm đại lão Hoà thượng thọ đến 68 tuổi sau này được.

Kể từ khi cố Hòa thượng chiêm bao thấy các sự việc như thế và được đóng “Phật ấn” vào trán rồi thì mấy hôm sau ngay chính giữa trán của Ngài nổi lên một “cục thịt u” lớn như đồng xu ai nấy cũng đều trông thấy (mấy tháng sau mới lặn mất).

Phụ mẫu của Ngài cùng với các huynh đệ trong gia đình và các người quen biết chung quanh thấy lạ nên hỏi duyên cớ, Ngài chỉ nói rằng vì sơ ý đụng vào cột nhà nên bị u đầu mà thôi.

– Từ đó trở đi, tự nhiên Ngài phát trí huệ một cách lạ lùng mới có 9, 10 tuổi đầu mà Ngài đã có thể đọc và hiểu chữ Nho một cách rõ ràng như một người đã từng học Hán văn mười mấy năm dài. Các bộ sách Nho văn của thân phụ như là: Tứ thơ, ngũ kinh, v.v… Ngài đều thông thuộc hết, chẳng những thế mà ngài còn hiểu được tường tận nghĩa lý của nó như một nhà Nho chánh hiệu (Nho giả) không khác.

Những khi rỗi rảnh Ngài thường ưa đem sách Nho ra đọc và giảng giải cho thân mẫu của Ngài nghe một cách mạch lạc và có phương pháp rõ ràng khiến cho phụ mẫu của Ngài cũng phải sửng sờ kinh ngạc. Vì thế cho nên trong số các con của gia đình thì Ngài là người được phụ mẫu thương, quý nhiều nhất.

Một ngày nọ, bỗng nhiên Ngài hỏi anh của Ngài rằng:

– Anh năm còn nhớ giấc chiêm bao mà tôi kể cho anh nghe lúc trước chăng?

Anh năm của Ngài đáp:

– Có, tôi còn nhớ rõ lắm, với lại nữa những gì mà chú kể tôi nghe, tôi đều vào trong quyển vở riêng của tôi để sau này làm kỷ niệm.

Ngài cười nói:

– Vậy cũng tốt, nay tôi có bài thơ này trao cho anh để anh giữ luôn cho trọn bộ.

Trong lúc anh năm của Ngài còn đang ngạc nhiên không hiểu thơ gì sao mà đứa em nhỏ của mình lại biết làm thơ? Thì Ngài trao cho anh tờ giấy tập, trong đó ghi một bài thơ (tuyệt diệu bất hủ) như sau:

Niệm PHẬT niệm TRỜI công đức huân
Mẫu từ lời dạy trẻ liền tuân
Mưa nắng hai mùa chuyên gắng niệm
Tứ thánh, kiệu vàng giáng hạ “KHUÂN”
Thương trẻ bị lầm, chơn PHẬT hiện
Ấn vàng in trán khiến “Đình KHUÂN”
Từ nay thôi niệm trời con nhé,
Niệm PHẬT sống hoài bất biến xuân
Nhựt Thăng
(Những ngày thơ ấu)

Rõ ràng đây là một bài thơ Đường luật, thất ngôn bát cú rất khó làm, chưa chắc gì thân phụ của Ngài là một nhà nho (hoặc là chính chúng ta đi nữa) mà có thể sáng tác được, huống chi là một đứa trẻ mới có 9, 10 tuổi đầu!

Vả lại, từ khi Ngài chào đời và lớn lên chừng tuổi này, trước sau vẫn ở nơi quê mùa, ruộng rẫy, chưa từng lên chốn thị thành hay gặp một cao nhơn nào khác ngoài phụ mẫu, và ông giáo học trường làng ra, vậy thì làm thế nào, và làm sao mà Ngài lại có thể sáng tác được một bài thơ tuyệt vời, đúng niệm luật như vậy được?

Qua bài thơ trên ta thấy chỉ nội trong vòng 8 câu thi thôi mà Ngài tóm lược hết tất cả giấc mộng và việc hành trì của Ngài suốt hơn hai năm về trước. Nếu không phải là Phật đã ban cho Ngài cái trí huệ khác thường, thì không có cách chi mà một đồng nhi mới 9, 10 tuổi đầu lại có thể hạ bút thành thi, và đó là một bài thơ rất có giá trị về đạo học, nhất là riêng cho pháp môn Tịnh Độ (mà Ngài hoằng dương sau này).

Riêng cá nhân tôi khi xem quyển “Tây liên tùy bút lục” và đọc đến bài thơ này, tôi cảm phục Cố Hòa thượng vô cùng. Tôi hồi tưởng lại thuở Ngài còn ấu thơ mà đầy đủ tài đức như vậy… và bây giờ thì:

Nước trời đà cách biệt từ dung,
Mộ biếc chỉ hắt hiu thu thảo.

Khiến cho lòng tôi đau xót, ngậm ngùi, nuối tiếc một bậc tôn sư đạo hạnh đã vĩnh viễn ra đi.

Ôi thôi!
Từ đó trở đi không gặp lại,
Trời Tây ẩn dạng bóng thần long.

Và mặc dầu ý của bài thơ trên đã rõ ràng như thế, như Bảo Đăng tôi vẫn còn e rằng các đọc giả trẻ tuổi, theo tân học không rõ thấu hết nghĩa chăng? Nếu như vậy thì luống phụ công ơn của Sư Ông đã có lời nhắn gởi qua “thơ ý” cho lớp người mai hậu sau khi ngài viên tịch là phải nên nhớ niệm Phật và niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh.

Để bảo đảm được “chắc ý” hơn, tôi xin lược giảng ý nghĩa của bài thơ này cho dễ hiểu như sau:

Câu thứ nhất:
Niệm Phật, niệm trời công đức huân,

(Là ý, nói khi ta niệm Phật niệm trời (tức là niệm Thiên) là ta đã huân tập (chất chứa) đầy đủ công đức rồi).

Câu thứ hai:
Mẫu từ lời dạy trẻ liền tuân.

(Là ý nói lời của mẹ hiền đã dạy như thế thì con trẻ tuân theo liền không đắn đo gì hết).

Câu thứ ba:
Mưa nắng hai mùa chuyên gắng niệm,

(Là ý nói hai năm  một năm có 1 mùa mưa và 1 mùa nắng – chuyên cần và gắng sức niệm như lời mẹ dạy).

Câu thứ tư:
Tứ thánh, kiệu vàng giáng hạ KHUÂN.

(Lá ý nói bốn ông thánh ở trên trời khiêng cái kiệu vàng xuống KHUÂN (mang vác) ngài lên trời).

Câu thứ năm:
Thương trẻ bị lầm chơn Phật hiện.

(Là ý nói Phật động lòng từ bi khi thấy con trẻ bị lầm cầu về cõi trời là nơi vẫn còn nằm trong vòng sanh tử nên hiện thân ra chỉ dẫn lại cho đúng).

Câu thứ sáu:
Ấn vàng in trán khiến “Đình khuân”

(Là ý nói Phật lấy cái ấn vàng “Tam bảo ấn” in lên trán để làm dấu đây là con của Phật, khiến 4 ông thánh kia phải đình chỉ lại việc khuân ngài về chầu trời).

Câu thứ 7 và thứ 8:
Từ nay thôi niệm Trời con nhé,
Niệm Phật sống hoài bất biến xuân

(Là ý nói nếu như muốn sống mãi trong mùa xuân bất biến nơi cõi Cực lạc Tịnh độ thì từ nay trở đi nên niệm Phật (A DI ĐÀ) chớ đừng có niệm TRỜI. Vì cõi trời vẫn còn có biến đổi và hoại diệt).

Đây quả thật là một bài thơ của ngài khuyên các hàng thiện, tín đời sau phải nên phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực lạc chớ không phải là một bài thơ theo lối thông thường. Theo ý tôi nghĩ thì lúc Ngài làm bài thơ này và mang đến trao cho anh năm của ngài lưu giữ cả điềm mộng lẫn bài thơ (Trong quyển Tây liên tùy bút lục) chắc là có Phật, Bồ tát gì đó tá trợ, khiến cho Ngài làm nên việc này để lưu hậu chăng?

Sở dĩ Bảo Đăng tôi nghĩ như thế là vì sau khi đọc kỹ lại những lời Ngài hỏi và nói với anh của Ngài, tôi nhận thấy trong đó có tàng ẩn cái phong cách của một người trưởng thượng, nhất là qua câu:

– “Vậy cũng tốt, nay tôi có bài thơ này trao anh để anh giữ luôn cho trọn bộ”.

Chắc có lẽ quý vị đồng ý với tôi về điểm này?

Hơn nữa, khoảng giữa bút lục cũng có một vài dòng ghi về Ngài như sau:

“Mấy lúc sau này mình thấy chú Thăng nó có vẻ gì hơi khác lúc trước, đi đứng và nói chuyện giống như một “ông sư con chưa cạo đầu” không bằng.

Và ở đoạn khác có câu:
“Làm cho mình không dám coi thường chú nó nữa”.

Mà quả thật vậy, một đồng nhi mới có 9, 10 tuổi đầu mà đã có thể sáng tác được một bài thơ Đường đầy đủ ý nghĩa như thế thì gọi là một “Ông sư con”và “không dám coi thường”cũng không có chi là quá đáng.

Riêng về phần Ngài, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng sự thông minh và hiểu biết của Ngài không phải nhỏ. Mỗi lần ngồi trên ghế uống trà, nghe Ngài đọc sách và giảng giải nghĩa lý cho cụ bà nghe, cụ ông cũng phải lắc đầu khâm phục.

Cụ ông vẫn thường nói với cụ bà rằng:

– Trong một đám con của mình thì thằng Thăng nó cũng tựa như là long phụng…

Còn cụ bà thì nhắc:

– Tôi nhớ trước kia trong chiêm bao, khi trao nó cho tôi bà tiên có nói rằng: đây là La hầu La quý tử… Vậy La Hầu La là ai vậy?

Cụ ông giải thích:

– La Hầu La là con của Phật lúc ngài còn làm Thái tử ở vương cung. Sau này khi Thái tử xuất gia và tu thành Phật rồi thì ngài về độ La Hầu La theo Ngài đi tu luôn.

Cụ bà nghe nói như vậy thì trong lòng lấy làm lo lắm, bởi vì bà sợ rằng một ngày nào đó, đứa con của bà yêu quý nhất sẽ bỏ nhà đi tu.

Bà đem ý đó bày tỏ cùng chồng.
Cụ ông an ủi:

– Nó có phần nó. Bà đừng lo nghĩ nhiều mà thêm bệnh. (Bởi vì bà cụ sanh sản nhiều lần  13 đứa con, nên sức khỏe yếu kém, đau bệnh dây dưa không dứt, chính vì việc này mà cố Hòa thượng phải đi học đông y để trị bệnh cho mẹ. Đó là việc sau).

Về tư cách cá nhân của Ngài, tuy là còn thơ ấu, nhưng tánh siêng năng, hiếu học, giỏi dắn và thông minh của ngài đã khiến cho mọi người trong xóm đều trầm trồ khen ngợi và thường đem Ngài ra làm gương để rầy la, dạy dỗ con cháu của mình.

Chẳng hạn như là: 

Mầy hư quá biết không? Bộ mầy không thấy thằng Mười Thăng con của Bà sáu Hương sao, người ta bằng tuổi mầy thôi mà giỏi như vậy, còn mầy thì…

Hoặc là: 

Mầy đã dốt đặc rồi mà còn thêm làm biếng học nữa, sao không noi theo gương của thằng Mười Thăng con Bác sáu Hương mà (bắt chước chớ) không lo học hành thì sau này chỉ còn có nước là đi chăn trâu mà thôi con ạ….

(Đến đây tôi chợt nhớ đến bài hát “em bé quê”của nhạc sĩ Phạm Duy tự nhiên tôi mĩm cười, tôi nghĩ rằng bà cụ nào mà la rầy con “chỉ có nước đi chăn trâu thôi”… là vì bà chưa nghe bài hát này có câu rằng:

Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chớ… Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau mà miệng hát nghêu ngao…

Cho nên đối với con nít thuộc loại làm biếng học mà mình hăm he nó đi chăn trâu nó đâu có sợ, bởi vì nó nghĩ rằng đi chăn trâu sướng hơn đi học nhiều như là khỏi bị học bài, khỏi bị thầy giáo khẻ tay khi không thuộc bài … v.v…)

Trong những chuỗi ngày thơ ấu của cố Hòa thượng, ngoại trừ những sinh hoạt bình nhật cá nhân và đại gia đình ra, thỉnh thoảng nếu như có ai là người tinh tế và để ý một chút ắt sẽ thấy ở nơi con người của Ngài – nhất là về phần tánh tình – có rất nhiều nét đặc biệt khác thường mà một đứa trẻ ở vào tuổi ngang bằnghoặc lớn hơn (như các anh chị của ngài) không sao có được.

– Chằng hạn như về sự an nhiên và điềm đạm của Ngài thì lúc nào cũng êm đềm và phẳng lặng như mặt nước hồ thu, sự thông minh và hiểu rộng (về sách vở) của Ngài thì cả làng, xã không ai dám sánh, đặc biệt nhất là TÂM ĐẠO của Ngài thì chẳng những các anh chị em trong gia đình thôi, mà cho chí đến bậc phụ mẫu của Ngài cùng với những người lối xóm, chung quanh cũng không có một ai theo kịp.

Người không học đạo ắt sẽ không hiểu vì sao mà lại có những sự việc khác lạ như vậy ở nơi người ấu nhi mới 9, 10 tuổi này. Nhưng vì có học và hiểu đạo, nên chúng ta biết rằng, sở dĩ những đức tánh đó đều hội đủ và thể hiện ra ở nơi người đồng tử này là do nơi “thiện căn” và “chủng tử” tu hành trong tiền kiếp của Ngài nó huân tập (chất chứa) lại phát ra (trong hiện kiếp này) nhất là khi Ngài còn đang ở vào trong lứa tuổi ấu thơ, vô tư, không tội vạ (vô phân biệt).

Tại sao các thiện căn và chủng tử này chỉ phát hiện ra phần nhiều ở vào trong lứa tuổi đồng tử mà hiếm xảy ra nơi người lớn?

Bởi vì ở lứa tuổi đồng tử thì tâm chưa có vọng sanh ra các cấu uế, phiền não, nhơn, ngã, thị phi, thấp cao, phải quấy … v.v… cho nên cái tâm ấy nó “thuầnchơn” sạch sẽ và trắng trong như một tấm lụa trắng chưa có nhuộm màu, vì vậy mà nó rất dễ dàng phản ảnh lại các túc căn tiền kiếp.

Còn ở nơi người lớn thì ngược lại cái tâm “thuần chơn” đó đã bị các duyên đời cùng các trần lao, phiền não, cấu trược, … khác dẫn dắt kéo lôi, nên chìm đi mà vọng sanh ra điên đảo, mê lầm, mất phần sở thủ, giống như mảnh lụa đã nhuộm màu rồi thì đâu còn trong trắng nữa, cho nên vì thế mà quên hết các thiện căn túc tập trong quá khứ của mình. Rồi từ đó trở đi cho chí đến ngày cuối của cuộc đời, cứ theo duyên trần cùng với những nghiệp (mới) tạo ra trong hiện kiếp đây trôi lăn trong trầm lụy.

Tôi đã thấy rất nhiều sự việc như vậy:

Xin đơn cử ra đây một bằng cứ:

– Lúc nhỏ tôi có một người bạn gái, chị cũng bình thường như những thiếu nữ khác thôi chớ không có gì đặc sắc cho lắm. Đến khi lập gia đình rồi thì vợ chồng chị sanh một đứa con trai (đầu lòng và duy nhất) đứa bé có dung mạo rất khả ái, ai nhìn thấy đều cũng sanh lòng cảm mến hết.

Ấu nhi này có một đặc biệt là nó không ăn và không chịu được các mùi hành, tỏi, thịt, cá. Mỗi lần cha mẹ cho ăn các thứ này thì nó ói và khóc đi như chết vậy. Trái lại với cơm trắng, tàu hủ, nước tương, rau luộc thì nó ăn ngon lành vui vẻ.

Hai vợ chồng chị đều thấy lấy làm lạ, và phải chi con mình nó ăn như vậy chừng 5, 7 tháng, một hai năm thì còn miễn cưỡng chịu được, đằng này đến khi lên 4, 5 tuổi sắp đi học rồi mà nó vẫn y chang như cũ, khiến cha mẹ lo ngại, sợ nó ốm o, bịnh hoạn, không đầy đủ sinh tố và sức khỏe. Nhà chị là một gia đình khá giả lại có độc nhất một mụn con này nên cưng lắm, do vậy nên từ đó vợ chồng chị mới bắt đầu tìm đủ mọi cách, nào gạt gẩm (như trộn nước thịt, cá vào cơm) ép buộc, dụ dỗ (ăn thịt thì cho tiền, cho kẹo v.v…) khiến sao cho con mình ăn được thịt cá mới nghe, cứ riết như vậy cho đến năm đứa nhỏ lên 8 tuổi, thì vợ chồng chị hoàn toàn thành công, chiến thắng và ca khúc khải hoàn, còn đứa bé thì từ đó trở đi chỉ ưa ăn toàn là cá thịt, lâu lâu vợ chồng chị thử cho ăn lại như xưa (xem sao) thì nó chê và không còn thèm nữa.

Lúc đó tôi còn nhỏ tuổi, chưa có học và hiểu biết gì về đạo pháp nên mặc dù thấy như vậy mà cũng không có ý kiến hay khuyên ngăn chi hết (và cũng không quan tâm đến nữa). Sau này khi lớn khôn, lập gia đình, học hiểu đạo pháp và làm Phật sự… mỗi khi nhớ đến việc này là lòng tôi bùi ngùi, cảm khái, thương cho đứa bé kia và cũng thương cho một bậc làm cha mẹ sai lầm, đến nổi dìm mất và tiêu hủy đi cái căn tu của con mình trong quá khứ.

Còn ở nơi cố Hòa thượng đây, nhờ được sanh trưởng trong một gia đình quê mùa, chơn chất nơi rẫy bái, ruộng vườn, cha mẹ tuy không hiểu nhiều về Phật lý, nhưng đều có khuynh hướng Phật giáo, vả lại vì ở quê làm ruộng thì chỉ tạm đủ sống qua ngày, đâu có dư dả bạc tiền để ăn cho nhiều thịt, cá như các người giàu sang nơi thành thị, mà phần lớn những bữa ăn trong gia đình chỉ dùng toàn các loại rau, đậu trồng phía sau vườn nhà, các con muốn ăn uống thế nào phụ mẫu cũng không ép uống, vả lại nhiều con quá 13 đứa con thì làm sao có đủ tiền để mua thịt cá ăn mỗi ngày, phần thì chợ búa ở xa, mỗi lần muốn đi chợ phải chèo ghe mất mấy tiếng đồng hồ mới đến, nên ông bà cụ còn cầu cho các con ăn càng nhiều rau đậu, tương chao, dưa muối bao nhiêu lại càng tốt bấy nhiêu.

Và như vậy mà vô tình ông bà cụ đã tùy thuận theo căn tánh của mỗi đứa con mình, đứa nào căn đời thì theo đời, người nào căn đạo thì theo đạo chớ không cưỡng ép.

Cũng đồng trong hai sự việc vô tình, nhưng trường hợp vô tình của ông bà cụ đây là “vô tình thuận duyên” cho các con, còn vô tình của vợ chồng người bạn tôi ở trên là một “vô tình tai hại” cho thiện căn của con mình trong quá khứ và đường đạo cùng sự giải thoát của nó ở tương lai.

Cũng nhờ như thế cho nên cố Hòa thượng của chúng ta khi còn thơ ấu đã được dịp ăn chay “thả cửa” thỏa thích, no lòng (khỏi lo ói mửa) lại thêm vào đó là có tâm niệm PHẬT, niệm TRỜI cho nên cảm ứng đến bề trên xuống rước… và được Phật đóng “Phật ấn” vào trán thọ ký vãng sanh, khỏi bị mai một đi cái thiện căn tu hành trong tiền kiếp.

Đây gọi là “trong cái rủi có cái may” vậy.
– Sao gọi là rủi mà có may?

– Rủi là sanh ra trong gia đình nghèo, quê mùa rẫy bái nên không được mặc quần áo đẹp sang, lên xe xuống ngựa, ăn uống dư thừa. Còn may là khỏi bị mất thiện căn tiền kiếp, sau này xuất gia, đi tu, trở thành một vị cao tăng đủ đầy đạo hạnh và được giải thoát vãng sanh, mang lại tiếng tốt cho gia đình, niềm tin cho Phật tử cùng đạo pháp, khiến cho ngàn vạn người lưu luyến tiếc thương, danh lưu vạn thuở.

Còn như trường hợp đứa bé con của vợ chồng người bạn tôi ở trên thì gọi là “trong may mà có rủi” vậy. Rốt lại thì cuộc đời của nó sau này khi lớn khôn lên rồi thì cũng vị kỷ, cũng cá nhân, cũng lục lục thường tài và cuối cùng rồi nó cũng chết đi một cách tầm thường như những người khác trong xã hội vậy mà thôi.

Đáng tiếc, đáng tiếc!!!

Điều này người đời mấy ai biết, ai hay và để tâm lưu ý đến mà hồi đầu tu niệm?

Qua ý này, cổ đức bài thơ rằng:

Nhựt lặn giờ Dậu,
Tàn dương sắp tàn, màn đêm rũ.
Tử sanh việc lớn biết chăng ai?
Kẻ ngu tầm mắt nhìn gần gũi.
Luyến tiền tài,
Thích trà rượu.
Dong rủi đông tây không biết đủ!
Bôn ba chẳng rảnh niệm Di Đà,
Già chết kề bên đành thúc thủ!
(Hoàng Phủ Sĩ Phương)
(Liên du dịch)

Bảo Đăng xin lược qua ý của bài thơ này:

– Giờ Dậu bắt đầu từ 7 giờ tối, hoàng hôn đến rồi và mặt trời sắp lặn, tàn dương chỉ còn sót lại vài ba tia sáng chói, le lói ở cuối chân trời. Màn đêm đang từ từ buông xuống.

Đây là tượng trưng cho khoảng thời gian già héo và các ngày cuối cùng của cuộc đời ta sẽ còn không bao lâu nữa.

Sống, chết là việc lớn lao nhất trên cõi đời này mà người thế gian có biết hay chăng? Hãy xử sự như người có trí huệ, hiểu biết cao xa, chớ đừng nên làm như các kẻ ngu mê vô trí, thấy hiện tại mà chẳng thấu tương lai, trọn đời chỉ có biết tiền bạc, rượu chè, bôn ba nơi đường danh, nẻo lợi, tham cầu hoài, được bao nhiêu cũng không thấy đủ. Thảng như có ai nhắc đến việc niệm Phật, tu hành thì lắc đầu nói rằng không có rảnh rang, hoặc để thủng thẳng rồi sẽ tính…vv…

Quang âm thấm thoát, thời tiết đổi dời, tháng lại qua ngày qua… Già chết đến nơi thì chỉ còn có một cách là cúi đầu thúc thủ trước Diêm vương, rồi theo nghiệp đọa vào trong địa ngục mà thôi, tránh sao cho thoát.

Chừng đó làm sao ăn năn cho kịp!

Khoảng gần cuối năm 1935, lúc cố Hòa thượng được hơn 10 tuổi, thì lại có thêm một việc ngẫu nhiên, lạ lùng khác nữa xảy ra làm căn bản cho con đường xuất gia tu học của ngài sau này.

Sự việc ấy như sau:

– Buổi sáng hôm đó nhằm ngày nghỉ học, ngài theo thân phụ ra đồng để cắt cỏ lúa (Gọi là cắt cỏ lúa bởi vì nhà nông sau khi cấy lúa xuống ruộng xong rồi, thì một thời gian ngắn sau cỏ dại cũng bắt đầu mọc lên xen lẫn với lúa, lúa mọc cao thì cỏ dại cũng mọc cao theo,vì vậy mà phải cắt bỏ cỏ dại này thì lúa mới tốt bằng không thì sẽ bị cỏ làm cho yếu sức đi. Khi trổ bông ra sẽ không có nhiều hột và như thế sẽ bị thất mùa. Việc này các giới nông gia ở miền Tây đều biết rõ hết).

Trong lúc đang cùng với thân phụ cắt cỏ lúa ở trong ruộng, ngài bất chợt nhìn lên và thấy trên bờ lộ có một vị tăng sĩ, mình mặc áo vàng chân đang bước đi nhàn nhã… Bỗng dưng ngài cảm thấy lòng mình bồi hồi xúc động, hình ảnh vị “PHẬT HÒA THƯỢNG” trong mơ năm xưa bỗng dưng hiện ra rõ ràng nơi tâm khảm, khiến cho đầu óc của ngài bàng hoàng, ngây ngất như vừa uống xong một ly rượu mạnh.

Ngài liền dừng tay lại, đứng thẳng người lên, sửng sốt ngó theo vị Hòa thượng đang đi ấy một hồi rồi tự nhiên bước chân ra khỏi ruộng lúa, leo lên bờ đê và chạy ùa theo Hòa thượng khiến cho thân phụ ngài ngạc nhiên hết sức.

Khi chạy qua khỏi Hòa thượng, khoảng chừng 5, 6 thước rồi, ngài liền quỳ đại xuống mặt lộ, đón đầu Hòa thượng đang đi đến, lạy đùa một hơi 3, 4 lạy.

Thấy một chú bé không rõ từ đâu ở phía sau chạy tới đón đầu mình rồi “a thần phù” quỳ xuống lạy đùa “bất kể hà xứ” như vậy, ban đầu thì hòa thượng hơi có vẻ ngạc nhiên một chút, nhưng rồi ngài cũng dừng chân lại, lấy tay vò đầu chú bé khôi ngô và dễ thương kia mấy cái mà khen rằng:

– Con giỏi lắm, biết cung kính chư tăng và lạy chào ta là một người hòa thượng.

Khen xong hòa thượng lại tiếp tục bước đi theo hướng của mình.

Ngài đứng bơ vơ một mình trên đường lộ, ngây người ngó theo, có lẽ do nơi thiện căn và túc duyên trong tiền kiếp đối với hòa thượng cho nên ngài cảm thấy tự đáy lòng mình dâng lên một niềm thương mến và lưu luyến vị hòa thượng đang đi ấy vô bờ, ngài liền chạy theo và một lần nữa cũng y như trước, quỳ xuống đón đầu hòa thượng cung kính lạy chào.

Hòa thượng rất lấy làm ngạc nhiên vì đây là lần thứ hai mà chú bé dễ thương kia chạy theo đón đầu mình đảnh lễ, tuy nhiên ngài cũng dừng bước lại, vò đầu chú bé và khen ngợi thêm một lần nữa rồi lại tiếp tục bước đi theo hướng của mình.

Nhưng hòa thượng đi chưa đầy trăm thước thì ngài thấy vẫn y chang là chú bé khi nảy chạy vù qua mặt mình rồi quỳ xuống đón đầu lạy bất kể, tựa như tế sao vậy. Hòa thượng ngạc nhiên quá sức, vì lần thứ nhất thôi hãy xem như là bình thường đi, đến lần thứ hai thì thấy hơi “là lạ” rồi bây giờ là lần thứ ba nó đón đầu mình mà lạy thiếu điều muốn nhào đầu, nhào cổ! Vậy là sao? Từ trước đến nay mình chưa bao giờ và bị lạy một cách kỳ lạ, đặc biệt giữa đường, giữa lộ như vậy hết. Cớ chi một đứa con nít nhỏ xíu lại có lòng cung kính người tu đến thế?

Thôi thì “bất quá tam” (không quá 3 lần) ta sẽ hỏi cho ra lẽ mới được. Đoạn hòa thượng trụ lại, đỡ cậu bé đứng lên và khom lưng xuống nhìn kỹ vào gương mặt của nó một hồi, bổng dưng ngài nhận thấy có một sự việc gì đó rất đáng lưu ý ở nơi con người của cậu bé này, nên ngài mới khen rằng:

– Tốt lắm, giỏi lắm, này con, con đã 3 lần con có lòng cung kính chạy theo đón đầu ta làm lễ bái như vậy tất cũng đủ biết rằng con có căn tu rất lớn rồi. Sách có câu: “Trọng thầy mới được làm thầy”. Nay con có lòng quý trọng người tu và riêng ta là một hòa thượng như thế thì sau này khi lớn lên ắt con sẽ được đi tu và rồi cũng sẽ trở thành một hòa thượng như ta ngày hôm nay vậy.

Con tên gì, cha mẹ là ai và nhà cửa ở đâu có gần đây hay không?

Đồng tử cung kính đáp:

– Bạch hòa thượng, con tên Nguyễn Nhựt Thăng, năm nay con được 10 tuổi. Nhà con cũng ở gần đây chớ không xa mấy.

Hòa thượng bảo:
– Hãy dẫn ta đến gặp mặt ba má con có được không?
Đồng tử đáp:

– Bạch hòa thượng được. Tiện dịp ba con đang làm cỏ lúa ở gần đây, để con hướng dẫn hòa thượng đến.

Đoạn dẫn hòa thượng tới gặp thân phụ của ngài nơi ruộng lúa và giới thiệu.

Hòa thượng nói với thân phụ của ngài rằng:

– Cậu bé con của ông đây có căn tu lớn lắm chớ không phải tầm thường đâu. Tôi đã xem kỹ tướng của nó rồi thì thấy nhơn duyên nó sau này là nhơn duyên xuất gia chớ không phải ở ngoài đời. Ông nên cho nó đi tu chớ đừng nên giữ nó ở gia đình mà tội nghiệp cho nó bị mai một cái thiện căn tu hành trong kiếp trước uổng lắm.

Tôi là Hòa thượng PHẬT ẤN trụ trì chùa Vĩnh Tràng tại chợ Mỹ Tho. Nếu như về sau ông muốn cho đứa bé này đi tu, hãy dẫn nó đến gặp tôi ở đấy.

Sau đó rồi hòa thượng từ giã hai cha con và tiếp tục đi lo công việc của mình, để lại trong cõi lòng của đồng tử Nhựt Thăng ngàn nỗi muôn nhớ nhung, hoài vọng.

(Đến đây tôi xin dừng lại một phút để nhắc quý đọc giả lưu ý một điều quan trọng, đặc biệt nhất.

Đó là:

– Hơn một năm về trước cố Hòa thượng của chúng ta nằm mơ thấy được “Phật Hòa thượng” đóng một cái PHẬT ẤN vào trán và nhận ngài làm Phật tử, tách ngài ra khỏi cảnh giới của chư thiên.

– Hơn một năm sau ngài lại gặp được một vị hòa thượng cũng tên PHẬT ẤN hứa sẽ tiếp độ ngài đi tu. Hai cái PHẬT ẤN này tự nhiên trùng hợp lại. Rõ ràng là cái việc xuất gia, đi tu và thành đạo của ngài sau này không phải là một sự ngẫu nhiên đâu mà chính là Phật đã có định trước (tiền định) cho ngài rồi vậy.

Sau lần được diện kiến, đảnh lễ và hầu cùng với PHẬT ẤN Hòa thượng nơi quan lộ rồi, từ đó trở đi ngoài giờ học và cách sinh hoạt bình nhật trong gia đình ra, ngài dành hầu hết các thời giờ rỗi rảnh của mình đến lễ Phật nơi ngôi chùa cổ ở trong làng nhiều hơn có đôi khi ở đó luôn cả buổi mới về nhà.

Tánh tình của ngài vốn dĩ đã trầm lặng, nay lại còn trầm lặng và trang nghiêm hơn khiến cho phụ mẫu của ngài đôi lúc cũng phải thầm e ngại và để ý quan sát các chuyển biến về nội tâm nơi đứa con trai nhỏ của mình. Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm của hai cụ đều cùng có chung một niềm cảm nghĩ rằng:

– Rồi một ngày nào kia, đứa con trai nhỏ yêu quý của mình chắc cũng sẽ bỏ nhà đi tu mà thôi và sau này có thể nó cũng trở thành một người hòa thượng giống như ông hòa thượng mà mình đã gặp dạo nào không chừng.

Và rồi thời gian như thế…

Tuần tự trôi qua…

Lúc đó cố hòa thượng của chúng ta đã hơn được 11 tuổi.

Buổi tối hôm đó, anh năm của ngài tình cờ lật quyển sách “Hiếu Kinh” mà ngài đang đọc ngay trên trang giấy có đánh dấu xem dở thì thấy có một tờ giấy tập trắng nhỏ kẹp bên trong, trên có ghi một bài thơ như sau:

NỔI LÒNG TU SĨ
Trong mơ biết mình tên TU SĨ.
Họ TRẦN niên kỷ khoảng năm mươi.
Xuất gia từ thuở mười ba tuổi.
Nhập tự tòng sư học Kệ Kinh.
Ba mươi năm lẻ say mùi đạo,
Lỡ một ngày kia phạm sát sinh.
Công quá một đời như bọt nước,
Thức giấc lệ buồn đẫm ướt mi.
Nhựt Thăng Tu Sĩ.

Mấy ngày sau đó, khi hai anh em nằm (ngủ) cạnh bên nhau cũng như thường lệ, anh năm của ngài có hỏi về nguyên do của bài thơ trên thì được ngài cho biết như sau: Có một đêm vào khoảng 3, 4 giờ sáng thì ngài nằm chiêm bao, mơ thấy mình đi trên con đường mòn nhỏ dẫn lên sườn đồi thì nghe sau lưng có tiếng ai gọi lớn rằng:

– Ê, Tu sĩ, Tu sĩ. Trần Tu sĩ chờ ta đi với.

Lúc đó ngài cũng không mấy gì để ý đến, vì không phải là tên của mình nên cứ mặc nhiên, lầm lủi bước đi vế phía trước mặt thì nghe cũng vẫn là tiếng gọi đó vang lên y như trước. Trong tâm ngài lấy làm ngạc nhiên và nghĩ rằng chẳng lẽ phía sau lưng mình còn có thêm một người nào khác nữa đi theo sao? liền quay đầu lại xem thử thì không thấy ai hết. Đang khi còn lấy làm lạ thì thấy từ phía xa xa ở dưới chân đồi có một người vừa chạy lên vừa lấy tay vẫy gọi mình bảo “chờ ta với”.

Thấy vậy nên ngài dừng lại chờ xem có chuyện gì không, một lúc sau thì người kia chạy lên đến nơi, đó là một lão ông khoảng chừng 7, 8 mươi tuổi, dáng người quắc thước, phong cách hiên ngang, nắm lấy tay ngài vừa cười vừa nói:

– Ê, Tu sĩ hèn lâu mới gặp lại nhà ngươi. Xem ngươi cũng không khác gì lúc xưa cho lắm.

Ngài lấy làm lạ, hỏi lão ông ấy rằng:
– Thưa cụ, chẳng hay cụ đang nói với ai vậy?
Lão ông ấy đáp:

– Thì ta đang nói chuyện với ngươi mà. Bộ ngươi quên ta và ngươi là ai sao?

Tu sĩ chính là ngươi đó.
Ngài nói:

– Thưa cụ, chắc cụ nhận lầm người rồi đó, cháu tên Nguyễn Nhựt Thăng chớ đâu phải tên Tu sĩ.

Lão ông nói:

– Vậy ngươi hãy xem kỹ lại mình rồi sẽ cùng ta nói chuyện tiếp.

Nghe lão ông bảo vậy, tuy trong lòng lấy làm lạ nhưng ngài cũng nghe theo, cúi đầu ngó xuống trước ngực thì thấy toàn thân của mình đã biến thành ra một người đàn ông khác lạ từ lúc nào rồi, người mới này khoảng 5 mươi, mình mặc áo nâu sòng, chân mang dép râu, đầu cạo trọc tóc, rõ ràng là hình tướng của một ông thầy tu nghèo nơi miền sơn cước.

Trong khi ngài còn ngẩn ngơ không hiểu vì sao bỗng nhiên mình lại hóa thành một người khác như vậy, thì lão ông lại vỗ tay cười ngất mà nói rằng:

– Quả là vui, quả là vui, hèn lâu mới gặp lại cố nhân. Nhưng mà này, ngươi đừng lấy làm lạ, để ta nói rõ cho ngươi hiểu. Đây là thân trong kiếp trước của ngươi đó. Nguyên trong kiếp trước ta cùng ngươi đồng tu tại đây. Ta họ Đồng, ngươi họ Trần, người trong vùng gọi là Trần Tu sĩ, ngươi xuất gia năm 13 tuổi và cùng ta ở tại ngôi chùa trên kia.

Nói đoạn nắm tay ngài dẫn lên trên đồi thì thấy nơi đó còn vết tích tường long, mái đổ của một ngôi cổ tự (chùa xưa) hoang tàn, khắp nơi cây cỏ mọc đầy, rêu phong cô tịch.

Lão ông ấy giải thích tiếp:

– Khi xưa ngươi cùng ta ở đây trên 30 năm, tu hành cũng khá. Sáng hôm đó ngươi có chuyện phải xuống đồi, trên đường đi vô tình phạm nhằm một vụ ngộ sát… Mấy năm sau ngươi bị bệnh rồi qua đời trong sự sầu buồn, hối hận… Bây giờ ngươi đã chuyển sang kiếp khác với thân xác và tên họ mới của kiếp này đây. Do nơi túc căn dẫn dắt nên khiến cho ngươi trong mơ nhớ lại cảnh cũ mà quay trở về tìm.

Ngài nghe vậy mới hỏi:
– Việc ấy đã bao lâu rồi và bây giờ đây ngài đang làm gì?
Lão ông thở dài nói:

– Trên 200 năm rồi, ngươi bây giờ thì như thế đó. Còn ta cũng chưa được siêu, vẫn nay ở nơi đây làm một người thổ địa coi sóc cuộc đất này.

Trong lúc ngài còn đang bùi ngùi, đi vòng quanh ngôi cổ tự xem lại cảnh xưa thì vấp phải một cục gạch té nhào.

Giựt mình tỉnh dậy thì trời gần sáng…
Do đó nên mới có ra bài thơ này như vậy.

Kế tiếp anh năm ngài hỏi vì sao mà cuối bài thơ lại ký tên là NHỰT THĂNG TU SĨ, thì ngài giải thích như sau:

– NHỰT THĂNG là tên của cha mẹ kiếp này ban cho nên phải quý trọng và đặt ở đầu để tượng trưng cho lòng kính thương cùng biết ơn hiện tiền phụ mẫu, còn TU SĨ là tên của kiếp tiền sanh. Sở dĩ ghép liền hai tên lại với nhau như thế là để hàm ý hai tên ấy vốn của một người, cũng như để nhắc nhở và nung chí cho mình luôn luôn nhớ rằng kiếp trước ta là một tu sĩ rồi thì kiếp này phải cố gắng lập chí tiến tu tiếp thêm chớ để cho phải bị mê trần.

(Và cũng vì thế nên từ đó về sau cho đến trước ngày đi tu, bài thơ nào của ngài đặt ra, phía cuối cũng đều ký tên là Nhựt Thăng Tu sĩ hết).

Trở lại bài thơ trên, ta nhận thấy tuy rằng về thơ và cách ghép vần thì cũng bình thường không mấy chi xuất sắc cho lắm, nhưng bởi vì nó được sáng tác ra từ nơi một “em bé quê” mới có 11 tuổi đầu chưa từng được ai dạy và học qua cách thức làm thơ cả, nhất là thơ “thất ngôn bát cú” một loại thơ rất khó làm thì có thể được gọi là lạ lùng, hiếm có và đáng cho ta cúi đầu khâm phục lắm.

Sự việc này cũng đủ để chứng tỏ rằng cái trí huệ “tiềm ẩn” trong con người của ngài thật là phi thường, nó chỉ chờ được cơ hội thuận tiện và đầy đủ là phát tiết ra ngoài mà thôi. Nơi đây ta có thể dùng một thí dụ để minh lại cái ý nghĩa này:

– Như trường hợp của một cái hồ đã chứa đầy nước ở trong rồi. Bây giờ chỉ có cần người nào đó đến mở vòi “robinet” một cái thôi là nước sẽ chảy ra ngoài để hữu dụng tức thời vậy.

(Đây cũng là một điều may mắn lớn cho ngài là không bị mai một đi cái công tu hành trong quá khứ như những người khác là hoàn toàn bị “Mê khi cách ấm, muội lúc ra thai” mà các tổ sư vẫn thường giảng giải và ghi trong sách vở).

Lại nữa ta nhận thấy qua cách thức của ngài trả lời với người anh về việc ghép lại hai tên của kiếp này và kiếp trước cùng với việc quý trọng tên của cha mẹ hiện tiền đặt cho mình thôi, điều đó cũng đủ để chứng tỏ rằng ngài là một con người “biết ơn và biết trả ơn”, biết “nhớ cội nguồn mà không vong bổn”. Đây chính là một cái hạnh rất cần phải có và không thể nào thiếu được của người sa môn trong Phật đạo vậy.

Còn về việc ngài chọn lấy bốn chữ “NHỰT THĂNG TU SĨ” để ký tên vào cuối mỗi bài thơ hầu nhắc nhở và “nung chí anh hùng” để nhớ lại tiền căn mà lập chí tiến tu cho khỏi bị mê trần, thì quả là một việc khiến cho chúng ta càng tăng thêm sự bội phục cố Hòa thượng của chúng ta hơn bao giờ hết!

Tại sao? Luận về việc này thì ta thấy, hễ là người phàm đời sanh nơi cõi thế thì ai cũng vậy, kể từ khi bắt đầu đi học, có được chúc ít đầu óc để suy nghĩ và phân biệt rồi thì cha mẹ cùng các thân quyến chung quanh nhắc nhở và “nung chí anh hùng” cho con cháu mình rằng:

– Con ơi, ráng học hành giỏi dắn, để sau này đi thi đỗ đạt, làm quan cho vinh hiển gia đình rồi cưới vợ đẹp, đẻ con xinh, nhà rộng cửa cao, bạc tiền dư dã, người hầu kẻ hạ, xuống ngựa lên xe… khỏi uổng phí đi cái kiếp con người…v.v…

Đó là cách thức của người thế gian dạy dỗ và nung chí cho con cháu của mình, từ xưa đến nay thảy đều y chang như vậy. Bởi vì ai nấy cũng đều nghĩ rằng đó là một việc dĩ nhiên không thể nào trái được.

Chớ có mấy ai nghĩ đến việc nhắc nhở, dạy dỗ và nung chí cho con cháu của mình biết rằng đời là bể khổ, lớn lên rồi phải nên học theo cách giải thoát, xuất gia của Tất Đạt Đa thái tử con của Tịnh phạn nơi vương thành Ca-tỳ-la-vệ ngày xưa đâu!

Bởi thế cho nên, Tổ Sư có bài thơ cảnh tỉnh rằng:

Công danh khoa bảng,
Riêng chiếm ngao đầu.
Vui mừng đắc ý buổi thanh thu.
Ấn vàng người tinh đẩu,
Danh đẹp thơm trường cửu.
Ối chà chà!
Bao nhiêu thanh thiếu những mong cầu.
Tóc xanh thành bạch thủ,
Khi tỉnh giấc hoàng lương,
Một tiếng cười khan đời mộng ảo!
Bởi thế nên đem,
Quý hiển công danh xóa sạch làu.
Liên Trì đại sư – Liên Tông Bát Tổ

(Liên Du – Thích Thiền Tâm dịch)

(Đến đây, Bảo Đăng tôi xin dừng lại một chút để lược ý của bài thơ (Siêu tuyệt” này cho quý độc giả hiểu thêm về lời dạy của tổ sư:

Đại khái ý thơ dạy rằng:

– Trên đời này, các thanh niên nam nữ khi lớn lên đi học rồi ai nấy cũng đều mang mểnh trong tâm mình một ý niệm là sau này ta sẽ đỗ cao (chiếm ngao đầu) – như đỗ trạng nguyên ngày xưa vậy  Kế đó vua sẽ phong ra làm quan to, và ban cho ta quyền cao, chức trọng cùng với một cái ấn vàng sáng rực, chói ngời, công danh lừng lẫy, khắp nơi ai cũng đều biết tiếng khen ta là một người trẻ tuổi tài cao mà cúi đầu bái phục … Hỏi ở trên đời này còn có việc nào hân hạnh hơn nữa chớ?

Nhưng các bậc thánh nhơn với cái trí tuệ chơn thật đều giác ngộ rằng tất cả duyên đời đều như do mộng, rồi ngó lại các hàng thanh thiếu chí nguyện chỉ có mong cầu (các duyên đời) như thế mà động lòng từ bi thương xót, phải buộc miệng than rằng:

– Ối chà chà! (Tựa như ối! than ôi vậy)

Bởi vì quý ngài thấy rõ rằng:

– Tóc xanh rồi cũng biến thành đầu bạc (tóc xanh thành bạch thủ) – Công danh khoa bảng, phú quý cho mấy kết lại rồi cũng là không, như thư sinh kia khi tỉnh giấc Hoàng lương rồi, cười khan mấy tiếng mà than rằng “Đời là mộng ảo” rồi đi vào núi ẩn tu.

Cho nên cuối bài thơ, tổ sư kết lại rằng:

Bởi thế nên đem,
Quý hiển công danh xóa sạch làu.

Ba chữ “xóa sạch làu” đây có nghĩa là xóa cho nó sạch bách đi đừng để cho còn chút tàn tích nào lưu lại trong tâm của mình hết.

Vả lại cổ thi cũng có thơ rằng:
– Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy?
Thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
– Quân bất kiến,
Cao đường minh cảnh bi bạch phát?
Triêu như thanh ty,
Mộ như tuyết!
Nghĩa là:

– Chàng ơi! chàng có thấy nước của con sông Hoàng hà (bên Trung Hoa) từ trên lưng chừng trời cao đổ xuống, rồi theo dòng Trường Giang cuồn cuộn bôn ba ra ngoài bể cả, mà không bao giờ quay trở lại nguồn xưa chăng?

– Chàng ơi! chàng có thấy hai đấng sanh thành (Cao đường) của chàng tuy rằng nhà cao cửa rộng như thế nhưng vẫn sầu buồn vì mái tóc mới ngày nào xanh tươi mà giờ đây đã bạc màu sương tuyết rồi không?

Tạm dịch:
Chàng có thấy sông Hoàng hà,
Con sông vĩ đại nước sa lưng trời.
Theo dòng cuồn cuộn ra khơi,
Ngược về đồi núi có đời nào đâu!
Chàng có thấy tóc bạc đầu,
Nhà cao, gương sáng âu sầu vì ai?
Ban mai tóc hỡi xanh dài,
Chiều về trắng xóa như đài tuyết sương!

Mà giựt mình thức tỉnh hay không?

Tuy nhiên ta phải bình tâm mà nhận định rằng không phải bất cứ một ai ở trên cõi đời này cũng đều tỉnh mộng một cách dễ dàng trước mọi duyên đời cám dỗ, kéo lôi như thế cả đâu, ngoại trừ trường hợp của một số rất ít người đại căn, đại trí, đếm trên đầu ngón tay mới có thể được mà thôi.

Như cố Hòa thượng Đại Ninh của chúng ta đây là một, và cái sự cảnh tỉnh đó nó bắt đầu từ khi ngài còn là một đồng nhi nhỏ tuổi, rồi cứ như thế mà tuần tự tăng trưởng theo ngày tháng trôi qua cùng với số tuổi đời tuổi đạo càng thêm chồng chất…. Cho đến lúc an lành nhắm mắt A DI ĐÀ Phật về miền An lạc trường xuân.

***

KỶ NIỆM VUI CỦA THUỞ ẤU THỜI

Không phải cố Hòa thượng của chúng ta trong thuở ấu thời tối ngày sáng đêm chỉ biết lo có việc nghiên cứu giáo lý, kinh sách hay là lúc nào cũng nghiên cẩn, trầm tịch như một “ông sư con” thôi đâu, nếu như vậy thì cái nhà thành ra cái chùa rồi! Buồn chết đi được, chịu sao cho nổi!

Bởi vì hễ sống ở trên cõi đời này thì dầu sao đi nữa mình cũng phải có một đôi lúc nào đó hả miệng, nhăn răng ra mà cười rộ lên cho cuộc đời có được đôi chút hương vị vui tươi, mát mẻ chớ, nếu không thì chắc chắn là sẽ sớm thành người “già non, chín háp” hay trở nên một ông cụ non, thì anh em chung quanh làm sao chịu thấu!

Trong quyển “Tây liên bút lục” có ghi lại một vài kỷ niệm vui của cố Hòa thượng thuở còn thơ ấu mà Bảo Đăng tôi sẽ lần lượt trích thuật hầu quý vị, để chúng ta cùng chung với Sư Ông nở hoa ra các nụ cười cho đời vui vẻ, trẻ trung, chớ nếu tối ngày cứ chắp tay niệm “Nam mô Phật” hay “Bạch Hòa thượng” hoài thì chỉ còn có nước “nhập thất, bế quan” vô thời hạn như Đại Đức bổn sư Thích Hải Quang mà thôi!

Khoảng năm cố Hòa thượng được 10 tuổi (1935), có một gánh “hát bội pha hồ quảng” ghé qua xã Bình Xuân, đóng đô tại đình làng để trình diễn và cống hiến nghệ thuật sân khấu cho các khán giả địa phương trên đường viễn du, lưu diễn khắp nơi của họ.

(Vào những thập niên này thì có năm ba đoàn hát nhỏ cỡ hạng B, hạng C, vì không có được những đào, kép nổi danh và cũng không có nhiều tiền để mướn rạp hát thường trực, nên phải lên đường đi lưu diễn, nay chỗ này, mai chỗ khác, đa số là trình diễn ở những vùng làng quê xa xôi tỉnh thị nơi mà người dân địa phương chỉ chuyên chú chăm lo khoai sắn, ruộng vườn, ít bao giờ có dịp được đi xem hát xướng.

Vì vậy mà lâu lâu, năm thuở mười thì, cứ mỗi lần có đoàn hát nào ghé qua trình diễn thì bà con mừng lắm, ủng hộ hết mình, khen dồi nức nở, đôi khi còn thưởng thêm tiền nữa, chớ ít khi nào trề nhúng, khen chê hay dở như khán giả nơi chốn thị thành.

Tôi đã được nghe một số quý cụ xưa ở quê kể lại là mỗi lần có được một đoàn hát về trình diễn như thế thì cả làng xã đều rộn rịp, tươi vui hẳn lên. Cứ khoảng chiều về, cơm nước xong xuôi rồi, kể lại nghe tiếng trống của đoàn hát đánh lên đùng đùng như thúc giục, là ai nấy lớn, bé, trẻ, già chi cũng đều nô nức, phấn khởi. Trẻ thì lo sửa soạn áo quần, già thì lo têm trầu, vấn thuốc mang theo (để ăn và để hút khi xem hát), gần lộ thì đi bộ, xa nữa như ở trong sông rạch thì chèo ghe, tất cả đều nhắm hướng đình tiền trực chỉ.

Đến khi mặt trời lặn rồi thì nơi sân đình làng đèn “măng sông” năm sáu ngọn đốt lên sáng rực, khán giả tụ tập về đông nghẹt để mua vé vào cửa, vé cũng có hạng nhất, nhì, ba và hạng cá kèo (hạng này chỉ đứng coi thôi chớ không có ghề ngồi).

Sân khấu thì đặt trên một bục gỗ cao ở phía trong đình, mặt hướng ra ngoài sân rộng, chung quanh có phên tre “cà tăng” làm vách bao bọc kín mít, có lính làng canh gác đàng hoàng không cho xem cọp (tức là xem lậu không mua vé).

Thường thì khoảng 7 giờ tối là tuồng hát bắt đầu mở màn trình diễn)

Buổi tối hôm đó đoàn hát bội pha hồ quảng “TRĂNG THU” trình diễn hầu chư vị khán giả thân mến của thị xã Bình Xuân vở tuồng tích nhan đề “PHẠM CÔNG, CÚC HOA” rất là hay ho, đặc sắc. Tuồng hát này đã được diễn đi, diễn lại cả 10 ngày nay rồi mà khán giả vẫn còn đông nghẹt và yêu cầu “tái nạm” ủa quên tái diễn nữa.

Nguyên vở hát Phạm Công, Cúc Hoa này có một cốt chuyện rất là cảm động, trong đó đầy đủ hết mọi tình tiết éo le cùng với hiếu, trung, nhân nghĩa v.v… mà từ lâu đã được hầu hết mọi người (nhất là dân chúng ở miền quê) ái mộ, đọc xem và biết đến.

Chính ngay trong gia đình của cố Hòa thượng cũng có một quyển truyện này, người nào biết đọc cũng đều có xem qua hết và đặc biệt cụ bà là ưa thích nhất, mỗi khi muốn nghe thì cụ bà thường “ra lịnh” cho cố Hòa thượng hoặc đôi khi là anh năm của ngài đọc lớn lên trong khi đó thì cụ bà nằm tréo chân trên võng, nhắm mắt, lim dim, chắc lưỡi hít hà, ngậm ngùi thương cảm mà thưởng thức cốt truyện.

Vì vậy nên hôm nay cố Hòa thượng của chúng ta cùng với các anh chị em và gia đình có ý định đi xem một lần cho biết để coi các đào, kép diễn xuất như thế nào, có hay và đúng theo trong truyện sách hay không? Do đó cho nên chiều nay cả gia đình ngài cũng như một số các bà con khác trong xóm, sau khi cơm nước và sửa soạn mọi thứ xong xuôi rồi, đồng ra khỏi nhà, nhắm hướng đình làng tiến bước.

Dọc đường nghe vài người nói thì vỡ hát này cảm động lắm, ai nấy xem qua rồi cũng đều thương cảm hết, nhất là quý bà, quý cô thì khóc ròng mùi mẫn, lấy tay quẹt nước mắt liền liền và hỉ mũi nghe rồn rột.

Đại khái thì tuồng hát này diễn lại câu chuyện của Tiểu thư Cúc Hoa lấy chồng tên Phạm Công, hai người yêu thướng nhau khắng khít lắm, có hai đứa con, gái lớn tên Nghi Xuân, trai nhỏ tên Tấn Lực, tuổi còn thơ ấu. Mẹ chồng thì bạc ác, khắc nghiệt không thương con dâu, hành hạ đủ điều … Kế đến Cúc Hoa tiểu thư lâm bệnh qua đời, Phạm Công gà trống nuôi con, nhưng hai con còn nhỏ quá cứ theo cha hỏi má đâu hoài làm cho Phạm Công càng thêm nhớ vợ hiền mà mang lòng sầu khổ đớn đau.

Cứ mỗi khi chiều về thì chàng dắt hai con ra ngoài mộ của vợ ngồi than thở, xót xa, ngậm ngùi tưởng nhớ … Để tăng thêm phần cảm động cho khán giả nên đạo diễn bối trí phong cảnh của đoạn hát này buồn một cách đặc biệt lắm như là: gió thu heo hắt thổi lá vàng rơi lả tả trên nấm mồ đầy cỏ úa, rêu phong trong buổi chiều tà, Phạm Công cùng với hai con ngồi bên đầu mả, kẻ kêu em hỡi, người gọi mẹ ơi về với con, chúng con nhớ mẹ lắm v.v…

Mà muốn có lá vàng rơi lả tả như vậy thì đạo diễn phải cho người bưng một thúng lá vàng leo lên trần nhà ngay chổ nấm mộ, chờ khi nào ở dưới này Phạm Công thốt lời than thở thì hốt vài ba nắm lá vàng khô từ từ rải xuống làm y như lá thu đang rơi trong gió chiều vậy, thêm vào đó thì đèn màu trên sân khấu phựt lên ánh sáng mờ ảo của buổi chiều tà… Hỡi ôi! Cái bối cảnh thảm sầu như vậy thì hỏi khán giả nào ai mà không ngậm ngùi sa nước mắt chớ?

Có lẽ hôm đó người phụ trách phần việc leo lên nóc nhà rải “lá vàng rơi” quên lễ tổ, hay là bị tổ trác gì đó không biết, mà nhè nhằm ngay lúc đoạn hát này đang mùi mẫn, khán giả ai nấy cũng đều động lòng sa nước mắt thương cảm hết thì y ta bỗng nhiên bị trợt chân té nhào xuống sân khấu nghe một cái rầm, lăn cù đèo, lá vàng đổ đống, văng ra tung tóe, làm cho ba cha con Phạm Công kẻ đang khóc vợ, người đang khóc mẹ giựt mình, hoảng hồn đứng dậy, dắt tay nhau chạy tuốt luốt (vào hiện trường), còn y ta thì bị trặc mắc cá chân đứng lên không được, nằm trên sân khấu la “chời đất ơi, chết cha ngộ dồi” inh ỏi.

Báo hại cho bà con khán giả, trong đó có Hòa thượng của chúng ta cùng với gia đình ôm bụng cười bò lăn ra đất. Cái giai thoại khôi hài đặc biệt này, trong bút lục, anh năm của ngài ghi lại như sau:

– … Chưa bao giờ mình thấy chú THĂNG nó cười vui vẻ đến đổi chảy nước mắt, lăn cù ra đất như vậy làm cho mình cũng vui lây …

Riêng Bảo Đăng tôi khi đọc quyển bút lục đến đoạn này cũng ôm bụng cười lăn thiếu điều thở không muốn kịp … chẳng hay quý vị như thế nào?

Đây là một chuyện.

Đến đây, trước khi bước qua một chương khác, Bảo Đăng tôi lại xin kể tiếp cho quý vị đọc giả, Phật tử nghe thêm một kỷ niệm vui khác của cố Hòa thượng chúng ta.

Lại thêm một lần nữa vào năm cố Hòa thượng được 12 tuổi (1937), lúc đó cũng có một đoàn hát ghé ngang qua chợ Bình Xuân sau dịp Tết nguyên đán để trình diễn hầu giúp vui đầu năm cho bà con sở tại.

(Ở miền quê, thông thường thì vào khoảng gần cuối năm – tức là trước Tết nguyên đán – các nông gia đã thu hoạch xong các nông vụ, hoa màu và đem lúa cất vào kho chứa để chuẩn bị cho một cái Tết an vui nhàn nhã sắp đến dĩ nhiên là nếu năm đó trúng được mùa lúa).

Sau khi qua Tết rồi thì họ nghỉ “xả hơi” thêm một tháng nữa  tức là suốt tháng giêng âm lịch – sau đó mới bắt đầu lại các nông tác thường lệ.

Có thơ rằng:
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà.
Tháng tư thì đậu đã già,
v.v…

Và cũng vì như thế cho nên ở lành Bình Xuân, nơi chôn nhau, cắt rún của cố Hòa thượng chúng ta, mọi người cũng theo cái thông lệ của ông cha để lại đó mà nghỉ “xả hơi” suốt tháng Giêng của Tết nguyên đán sau một năm dài ruộng nương gian nan, mỏi mệt.

Trong một tháng nghỉ đó, thường thì gia đình đoàn tụ và thăm viếng lẫn nhau, thí dụ như con gái đã lập gia đình rồi thì cùng chồng và cháu ngoại về thăm, con trai thì cùng vợ và cháu nội về viếng …

Nhưng mà trong suốt cái tháng giêng “ăn chơi” đó, thì cái điều mà người dân lành nơi miền quê mong muốn cùng ao ước nhất là được đi xem hát, và nếu như có một gánh hát hưu diễn nào về hát nhằm vào thời gian này thì kể như là “ăn chắc” và hốt bạc vì sẽ được bà con khán giả tận tình ủng hộ).

Tháng giêng của Tết năm đó (1937) làng Bình Xuân lại được thêm một năm vui khác nữa sau cái vui may mắn trúng mùa lúa của họ là có một đoàn “hát bộ hồ quảng” ghé ngang qua xã nhà trình diễn nghệ thuật để hầu “quý khán giả” sở tại liên tiếp hơn nửa tháng của buổi đầu xuân này.

Không cần phải nói nhiều thì quý đọc giả cũng biết là đoàn hát được toàn thể dân chúng trong làng ủng hộ nồng nhiệt. Suốt hơn hai tuần lễ này, đoàn hát tái diễn đến hai lần, vở hát tuồng tích tựa đề là “Tôn Tẩn hạ san” (Tôn Tẩn xuống núi).

(Hồi xưa, thường thì một vở hát thuộc loại tuồng tích như vậy có khi kéo dài đến hơn cả tuần, tức là tối hôm nay diễn một đoạn rồi tạm ngưng, tối mai diễn đoạn kế tiếp v.v… cho đến khi nào vở hát kết thúc mới thôi, các khán giả mê tuồng, mê hát, mê ca diễn, mê đào kép … đêm nào cũng mua vé để xem tiếp cho đến hồi kết cuộc. Nếu như gặp nhằm tuồng hát nào hay, đào kép đẹp và ca ngâm xuất sắc thì có khi khán giả sẽ yêu cầu tái diễn thêm).

Năm đó vở tuồng “Tôn Tẩn hạ san” này đạt đủ các tiêu chuẩn trên nên được yêu cầu tái diễn, vậy mà đêm nào khán giả cũng đông, chật hết cả rạp.

Riêng về gia đình của cố Hòa thượng, thì ông bà cụ thân sinh và một số chị em của ngài cũng đã có đi xem vở tuồng này trong lần diễn đợt đầu rồi, kỳ tái diễn này thì ông bà cụ cho phép các con ai chưa được xem qua thì đi, nhằm tới phiên cố Hòa thượng của chúng ta và anh năm của ngài được phép làm khán giả.

Đại khái thì vở tuồng mà ai cũng khen hay hết này diễn lại sự tích xưa, vào thời Đông Châu liệt quốc lúc vua Tần Thủy Hoàng gôm thâu sáu nước … đang đánh chiếm tới nước TỀ, vì tình trạng nguy ngập nên vua TỀ quốc cho quân sư lên núi THIÊN THAI cầu Á phụ (cha nuôi) là Nam Phụng Vương “Tôn Tẩn lão tổ” giáng phàm cứu giúp.

Vở hát này có nhiều tình tiết bi đát lắm, đặc biệt nhất là hai chữ TRUNG  HIẾU của Nho giáo được đạo diễn khai thác triệt để cho nên vở tuồng diễn rất hay và kéo dài đến 4, 5 ngày mới hết làm cho khán giả đã phải nhiều lần sụt sùi thương cảm.

Trở lại việc hai anh em của cố Hòa thượng chúng ta xem vở hát này đến đêm nay là đêm thứ tư, vở tuồng sẽ diễn đến một đoạn rất đặc biệt là “Tôn Tẩn lão tổ” hạ san – Đây là phần hay nhất mà khán giả chờ đợi và vỗ tay kịch liệt hơn cả vì ai cũng thích thấy Tôn Tẩn tiên ông bay trên trời cao và từ từ giáng hạ xuống sân khấu trong dáng điệu “tiên phong tạo cốt”, tay cầm gậy báu, lưng giắt cờ tiên, mình chiếu hào quang sáng rực.

Để hoàn mãn được đoạn hát này thì đạo diễn phải cho người kép thủ vai Tôn Tẩn cột một sợi dây luộc nhỏ ngang eo lưng, rồi cho thêm một người phụ khác đứng trên kèo nhà, kéo sợi dây có buộc Tôn Tẩn đó quay vòng quanh sân khấu 3, 4 lượt, ban đầu cao rồi từ từ hạ thấp dần xuống khi nào chân của Tôn Tẩn chạm xuống sân khấu là xong phần trách nhiệm của y.

Còn người thủ vai Tôn Tẩn khi đã xuống đến sân khấu rồi thì phải lẹ tay mở sợi dây buộc quanh lưng của mình ra (vì đèn mờ cho nên khán giả không thấy sợi dây). Đó là xong cái việc đằng vân giáng hạ  tức là cởi mây hạ xuống.

Kế đến là việc làm sao cho thân hình của Tôn Tẩn lão tổ chiếu ra hào quang chớp nháng thì đạo diễn cho quấn dây điện chung quanh mình của người kép thủ vai này (đương nhiên là bên trong phải có mặc một lớp áo lót bằng nhựa để cách điện). Trong khi còn đang bay vòng vòng ở trên thì người phụ trách ánh sáng tắt bớt đèn đi cho sân khấu trở nên mờ ảo, đồng thời y ta cũng mở công tắc điện liên hệ lên làm cho dây điện quấn quanh mình của Tôn Tẩn lão tổ xẹt ra nhiều tia hào quang sáng chớp chớp như pháo bông vậy.

Lần đầu tiên thì đoạn hát này diễn ra rất hay và suông sẻ, nhưng lần này và đặc biệt là đêm nay có lẽ vì bị trục trặc kỹ thuật khi quấn dây điện, hay là quên bái tổ trước khi hát cho nên bị tổ trác không chừng, vì vậy mà đúng vào lúc Tôn Tẩn lão tổ đang bay vù vù quanh sân khấu chuẩn bị giáng hạ thì dây điện bị “mát” đi cho nên Tôn Tẩn tiên ông bị “điện giựt”, y ta vừa bay vừa la lên thất thanh rằng:

– Ối! cha mẹ ơi, trời đất ơi, điện giựt chết tôi,… rồi té nhào xuống sân khấu vừa la làng vừa bò lết quính quíu khiến cho người cầm dây đứng trên kèo nhà bị trợt chân té luôn xuống một cái đùng trúng ngay vào lúc Tôn Tẩn” đang lồm cồm đứng dậy khiến cho hai người ôm nhau lăn nhào đùn cục trên sân khấu, báo hại các khán giả trong đó có cố Hòa thượng của chúng ta ôm bụng cười lăn chiêng, nghiêng ngã.

Và đây là hai cái kỷ niệm vui, đáng nhớ nhất trong cuộc đời thơ ấu của cố Hòa thượng, mà mãi về sau này, chí đến khi ngài đã lớn tuổi rồi, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa ngài đều nở ra các nụ cười tươi vui thoải mái – Hai người thân nghe cố Hòa thượng kể lại chuyện này cũng thấy ngài cười tươi vui vẻ lúc còn sanh tiền là Ni sư Thích nữ Thanh Nguyệt (trưởng tử) và ĐĐ. bổn sư Thích Hải Quang (thị giả, cháu ruột) vào thời gian cách đây gần khoảng 20 năm về trước.