VÔ NHẤT ĐẠI SƯ THÍCH THIỀN TÂM MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI

Soạn Giả: Ưu Bà Di, Bồ Tát Giới BẢO ĐĂNG
Giảo Chánh: Sa môn THÍCH HẢI QUANG
Xuất Bản: Pháp Hoa Tự, Tucson-Arizona

 

PHỤ LỤC 1

VỀ VỊ TRUYỀN NHÂN

TRƯỞNG TỬ của cố Hòa thượng Đại Ninh THÍCH THIỀN TÂM

Ni Sư THÍCH NỮ THANH NGUYỆT

(Phương Liên Tịnh xứ, xứ chủ)

Nếu như đã nói đến cố Hòa thượng Đại ninh THÍCH THIỀN TÂM tôn sư mà không nhắc đến vị truyền nhân, trưởng tử của ngài là:

Ni sư Thích nữ THANH NGUYỆT

thì theo như Bảo Đăng tôi nghĩ: đó là một điều thiếu sót lớn lao vậy.Vì thế nên mới có thêm phần phụ lục sau đây để lược sơ qua về vị trưởng tử này của cố tôn sư Hòa thượng.

Mặc dù chưa được một lần nào diện kiến và tiếp chuyện cùng với ni sư, nhưng qua những lời khen tặng của Đại Đức Bổn sư Thích Hải Quang mỗi khi nhắc đến người, nhất là về những sự trung nghĩa, hiếu thuận, khí tiết (trượng phu nhi nữ) và hết lòng đối với tôn sư là cố Hòa thượng, nên Bảo Đăng cũng thấy lòng mình dâng lên ít nhiều cảm mến ở nơi vị nữ TĂNG đặc biệt, xuất cách này.

Theo lời kể lại của Đại Đức Bổn sư và thêm một ít phần góp nhặt của tôi trong các lần về Việt Nam để sưu tầm tài liệu cho quyển sách này, tôi được biết (một cách khái quát) về ni sư như sau:

– Ni sư người Mỹ Tho,con của một vị võ sư nổi tiếng, thân mẫu của người là một nội trợ đức hạnh, từ hòa và là cháu của sư ông: Cố Hòa thượng Linh Phước Tự (Mỹ Tho).

Chắc có lẽ do nơi thiện căn tu tập trong tiền kiếp chiêu cảm nên ngay từ khi còn thơ ấu, ni sư rất mến mộ Phật pháp và ưa thích tu hành.

Trong thời gian cố Hòa thượng còn nhập thất và ẩn tu ở Cái Bè, (lúc đó ni sư còn nhỏ, tuổi khoảng 15) duyên may gặp được ngài, cảm mến qua phong thái và đạo đức của Đại sư, nên người phát tâm cung kính, lễ lạy Hòa thượng, nguyện nương theo tu học và xin xuất gia, tôn Hòa thượng lên làm sư phụ.

Sau khi được Hòa thượng chấp nhận và thế độ cho xuất gia vào khoảng năm 18 tuổi (còn quá trẻ đẹp),ban đầu được cố Hòa thượng ban tứ cho pháp danh là TÂM NGUYỆT (mặt trăng của chơn tâm), người vừa tu vừa được Hòa thượng cho tiếp tục theo học thế pháp (Trung học) để có đủ trình độ kiến thức phổ thông hầu sau này khả dĩ có thể đảm nhận được gánh nặng hoằng dương đạo pháp và chấp chưởng đạo nghiệp, giang sơn của ngài (Phương Liên tịnh xứ, xứ chủ).

Thời gian này Hòa thượng gởi cho Sư Cô y chỉ (học đạo) với ni sư trưởng Diệu Ngộ (tức là ni sư Phổ Đức, chùa Phổ Đức và chùa Thiện Phước, Mỹ Tho).

Sau khi tốt nghiệp Trung học xong (đậu Tú tài 2) Sư Cô được Hòa thượng đồng ý và chấp nhận cho lên Sài Gòn (cũng để vừa tu học nội điển và ngoại điển (Đại học) thêm. Về phần nội điển thì khi Sư Cô lên Sài Gòn, Hòa thượng gởi cho Sư Cô về học tại ni trưởng Từ Nghiêm và nương y chỉ nơi ni trưởng Đạt đạo tại Pháp Quang tự.

Thời gian này Sư Cô thọ đại giới Tỳ Kheo ni và theo thứ tự trong dòng pháp (xuất gia Bồ tát giới) được đổi lại pháp danh là Như nguyệt, nương y chỉ và cầu pháp cùng với vị thầy thứ ba là ni trưởng HUYỀN HỌC, tổng vụ trưởng tổng vụ ni bộ Bắc Tông nơi chùa Từ Nghiêm. Về mặt ngoại điển thì Sư Cô theo học tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Là một Sư Cô Thích nữ có trình độ học thức và một khả năng văn hóa cao (sinh viên Văn khoa), nên trong thời gian này, thừa lệnh của ni cô, Sư Cô đảm nhận chức vụ giáo học, dạy về thế pháp (dạy văn hóa phổ thông) cho chư ni nơi hai ni trưởng Dược sư Từ Nghiêm, đồng thời kiêm nhiệm luôn cả chức vụ y tá trưởng trông coi việc điều trị thuốc men và săn sóc cho chư ni mỗi khi có ốm đau, bệnh hoạn (tiện hơn là phải đi bác sĩ khám bệnh theo lối của người đời).

Kế tiếp sau đó, tuân lịnh của ni bộ và giáo hội, Sư Cô đảm nhiệm chức vụ giám đốc (hiệu trưởng) trường Bồ đề Văn Lang trông nom và dạy về giáo lý căn bản cho các học sinh trong trường.

Khi Hòa thượng về Đại Ninh để ẩn tu vào cuối năm 1968 thì Sư Cô cũng vẫn còn ở nơi chùa Từ Nghiêm và tiếp tục đảm trách các nhiệm vụ của mình trong ni bộ.

Năm 1969 nhân dịp về Đại Ninh thăm thầy (Hòa thượng bổn sư), vì nhận thấy Hòa thượng sống rất đơn chiếc, thiếu thốn tứ sự và bị đệ tử hộ thất là Tr.K.T. làm eo sách, khó dễ (gia đình của vị này có dụng ý muốn “chiếm giữ” cố Hòa thượng để làm “của riêng’ cho mình nên ít nhiều có âm mưu cô lập Hòa thượng không để cho ngài được tự do hành xử mọi chuyện theo ý định).

Thấy thế nên Sư Cô nóng lòng, sốt ruột cho một bậc tôn sư và cũng là Thầy Tổ của mình, sau khi ngỏ lời xin hộ thất và được sự hứa khả của cố Hòa thượng, Sư Cô liền trở về Sài Gòn bạch lên ni bộ xin hoàn trả lại tất cả chức vụ của mình rồi khăn gói, thân gái dặm trường, nhắm hướng Phú An và Đại Ninh trực chỉ.

(Đến đây Bẳo Đăng lược thuật theo sự kể lại của Đại Đức Bổn sư Thích Hải Quang. về việc vì sao mà cố Hòa thượng lại chấp thuận để Sư Cô về hộ thất cho ngài một cách đặc biệt dễ dàng như vậy?)

– Khi còn hầu cận bên cạnh Hòa thượng (trước năm 1977) tự thân của thầy bổn sư có nghe cố Hòa thượng kể lại về lý do này như sau:

Lúc đó cố Hòa thượng đang còn ở tại Hương Quang tịnh thất và từ chúng cũng đã có vân tập về đây một số khá đông rồi. Đêm ấy ngài nằm mơ thấy mình đang đi trên con đường nhỏ xuyên qua một sơn cốc(hẻm núi) thì bỗng nhiên bị cường sơn, thảo khấu (ăn cướp núi) ở đâu không biết ào ra vây phủ đòi nạp tiền “mãi lộ” và áp tới bắt ngài, đang khi ngài còn bối rối thì bỗng nhiên có thêm giông gió thổi đến nữa và rồi mưa rơi như trút nước, làm cho mình mẩy của ngài bị ướt loi ngoi, bùn lầy văng lấm quần áo hết!

Trong mơ ngài nghĩ rằng:

– Mới vừa bị sơn tặc cướp đồ đạc xong bây giờ lại bị thêm mưa và bùn lầy làm cho dơ bẩn nữa. Bữa nay sao mà xui xẻo quá. Đang nghĩ ngợi và buồn như vậy thì ngài thấy từ phía trên không trung sa xuống ba con rồng trắng (bạch long) bao bọc chung quanh ngài, kế đó gió, mưa, sấm sét rơi rớt ào ào, nổ vang trời động đất, Hòa thượng thấy vậy mới ngồi xuống chắp tay niệm Phật, một hồi lâu mưa dông chấm dứt, ngài mới đứng dậy mà đi, thì thấy ba con bạch long kia cả mình đều bị xơ xác hết (vì đem thân che gió mưa cho Hòa thượng) ngài mới khen rằng:

– Giỏi lắm, biết xả thân làm hộ pháp giúp ta như vậy, sau này thầy sẽ đền ơn.

Ba rồng ấy gật đầu chào rồi hiệp thân lại thành ra một con rồng duy nhất, bay bổng lên không đi mất.

Sau khi thức dậy ngài mới suy nghĩ ý nghĩa của điềm mộng thì ngài biết rằng sau này khi tử chúng vân tập về đây nương theo mình tu tập rồi thì thế nào mình cũng sẽ bị họ quấy rối, gieo tiếng thị phi và tranh danh, đoạt lợi với mình trong cảnh “trâu cột ghét trâu ăn” làm cho mình bị tổn thương (mang tiếng tăm)không ít – và quả nhiên y chang như vậy (đó là việc sau  xin miễn viết lên vì không là bản ý và phần chánh trong đoạn phụ lục này).

Còn ba con rồng kia là hộ pháp đến giúp mình. Vậy thì ứng vào ai đây nhỉ? Cố Hòa thượng tự hỏi như vậy …và ngài chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra cho biết.

Đến khi Sư Cô Như Nguyệt từ Sài Gòn lên thăm thì ngài nghĩ cô chính là con rồng ấy vì Sư Cô tuổi Thìn(Canh Thìn) nhưng ngài cũng còn thắc mắc một điều là trong mơ ngài thấy đến ba con rồng kia. Vậy thì hai con nữa là ai? Trong mấy ngày Sư Cô Như Nguyệt ở Đại Ninh thăm thầy và sau đó Sư Cô ngỏ lời xin được về ở luôn tại đây để hộ thất cho cố Hòa thượng thuận duyên chuyên tu hơn thì ngài cũng chưa chấp thuận nữa. Nhân dịp hỏi kỹ lại ngày tháng năm sinh của cô – để cho có thêm yếu tố quyết định Yes hay No – thì ngài mới chợt khám phá ra rằng Sư Cô sanh nhằm vào ngày THÌN, tháng THÌN và năm THÌN(3 con rồng nằm trong một người Thích nữ này).

Nhớ đến điềm chiêm bao trước đây, nên ngài biết rằng người đệ tử hộ thất, hộ pháp cho mình trong những năm dài còn lại tới đây chính là vị Sư Cô này – đệ tử thế độ – của mình chớ không phải là ai khác nữa.

Do vì lý do đó nên ngài mới chấp nhận dễ dàng cho Sư Cô được về bên cạnh ngài như vậy trong khi có rất nhiều người “nạp đơn, ứng tuyển” để được làm thị giả hầu ngài mà ngài vẫn không cho và đây cũng là một nguyên nhân khiến cho ngài (và cả Sư Cô nữa) bị nhiều tai tiếng sau này.

Sau khi về Đại Ninh xong, Sư Cô được cố Hòa thượng đổi pháp danh lại là THANH NGUYỆT (trăng tỏ đêm rằm) và dùng pháp danh mới này mãi cho đến ngày nay.

Là một nhi nữ thuộc về loại “trắng da, dài tóc” (ý quên, ở đây phải gọi là trắng da, trọc tóc mới đúng vì đương sự là một Sư Cô), từ lâu đã quen nơi chốn thị thành, chùa cao, miếu rộng, nay theo thầy về Đại Ninh là chốn núi rừng heo hút, sơn lam, chướng khí chập chùng (nghĩ cũng đáng thương và tội nghiệp lắm) nên Sư Cô thường hay bị bịnh hoạn èo uột, lặt lìa, có nhiều lúc tưởng đâu sắp sửa về “chầu Phật tổ”!

Từ đó về sau, trải qua biết bao gian khổ nhọc nhằn khó mà kể cho xiết được … rất nhiều đệ tử khác vì chịu không nổi các sự vất vả, thiếu thốn nơi chốn núi rừng nên lần lượt bỏ ngài trở về thành phố hết, chỉ riêng còn lại có mỗi một mình Sư Cô là bao giờ và lúc nào cũng vậy, vẫn kiên tâm trì chí và quyết sống chết với thầy, không vì bị các chướng duyên và miệng đời thị phi mà trốn chạy như bao nhiêu người khác.

Là một Sư Cô có trình độ học thức cao, lại thêm đảm đang, tháo vát nên một tay người lo lắng hầu hết mọi chuyện trong ngoài, nhiều khi dùng thân của mình như là một cái mộc sống để “đỡ đạn” cho thầy, nhờ như vậy nên cố Hòa thượng mới được yên ổn để tịnh tu cho đến ngày viên tịch.

Có người hỏi Sư Cô rằng:

– Vì sao còn trẻ, đẹp (quá) như vậy mà Sư Cô lại chịu cam tâm chôn vùi tuổi xuân của mình trong lớp áo nâu sòng nơi chốn thiền môn, suốt đời nếm toàn mùi tương, chao, dưa muối. Trong khi các cô gái khác cùng lứa tuổi thì vẫn ở ngoài đời, vui cùng mộng ước cao sang, chồng con hạnh phúc?

Ni sư không trả lời thẳng vì lý do này, lý do kia mà người chỉ dùng vài đoạn thơ để bày tỏ sự cảm nghĩ về đời qua ý của mình như sau:

Xét phận hồng nhan nghĩ chạnh lòng,
Khi nhìn hoa héo giữa đêm đông.
Đang hồi thơm đẹp ong quanh quẩn,
Hương sắc tàn phai bướm lạnh lùng.
Thuở trước còn mơ tiên lẫn tục,
Bây giờ đã rõ sắc là không.
Mười hai bến nước trong hay đục,
Trong, đục do mình khó cậy mong!
Khó cậy mong nhờ bạn thủy chung,
Chi bằng năm tháng giữ thung dung.
Tiêu dao ngày tháng qua chân lý,
Tiếng kệ lời kinh ấy bạn lòng.
Lướt chiếc thuyền từ qua bể ái,
Ơn đền, nghĩa trả cửa huyền mong.
Ngự tòa sen báu nên danh phận,
Ấy đạo hồng nhan thoát cõi hồng.

Thiệt rất là hay, đáng khen, đáng trọng vậy thay!

Đó mới đáng là trượng phu nhi nữ vậy. Nhơn viết đến đây, Bảo Đăng chợt nhớ lại cổ thi cũng có bài thơ(với ý tương tự) như sau:

Hoa đào chớm nở dập dìu ong,
Đến khi hoa rụng hết trông ai nhìn!
Hỏi chúa hoa chẳng lời đáp lại,
Xuân ba phần còn mãi hay không?
Hay là nửa cuốn dòng sông,
Nửa rơi trên đất, chập chồng gió sương!

Do vì hiểu và thấy biết được bộ mặt thật của đời như vậy nên ni sư lúc nào cũng vẫn an nhiên và phấn khởi trong đường tu tập của mình, mặc dù là ở chốn “khỉ ho, cò gáy” mà lòng chẳng thấy chút đơn độc, sầu buồn nào hết.

Ni sư có bày tỏ tâm mình qua ý thơ sau:

Hạnh đẹp, nâu sòng đẹp,
Lòng an, cảnh lặng an.
Thềm hoa trăng bạc sáng,
Nhà tịnh gió hương lan.
Sắc, không đường lối tỏ,
Sen ngọc nở hồng nhan.

Quả đúng là một vị Sư Cô có đầy đủ chí khí và chân tài, thực học, rất xứng đáng được cố Hòa thượng tuyển chọn làm trưởng tử và là truyền nhân chấp chưởng y bát, môn hộ của ngài sau khi Đại sư viên tịch.

Trong biên bản (sau ngày cố Hòa thượng quy Tây xong) gởi cho Hòa thượng Thích Từ Mẫn, viện chủ Linh Sơn tự kiêm chánh đại diện cho giáo hội tại tỉnh Lâm Đồng, Hòa thượng Thích Pháp Lan có ghi mấy lời bình luận về ni sư trưởng tử Thích nữ Thanh Nguyệt như sau:

“Sách có câu: “Thiên văn bất như nhứt kiến”, ngàn lần nghe, không bằng một lần thấy. Tôi thấy ni sư Thanh Nguyệt là người ni chân tu, có trình độ, có hiếu hạnh, có uy tín rất nhiều.

Bạch Hòa thượng, đây là bất sai nhứt từ, đúng y như việc thấy, việc nghe khi trước”.

Cho đến nay, hơn một năm trôi qua sau ngày cố Hòa thượng Đại Ninh quy Tây, một mình ni sư trưởng tử(cùng với các môn đồ pháp quyến thân tín) vẫn kiên trì bảo toàn chánh pháp của ngài và chấp chưởng sư môn, thay quyền cố sư phụ giáo hóa các hàng môn đệ.

Phương Liên tịnh xứ đây tuy đã vĩnh viễn vắng bóng của cố Hòa thượng tôn sư, nhưng ni sư trưởng tử vẫn còn đây và trên đồi ngọn tháp “hoài vọng tôn sư” kia vẫn còn mang đầy đủ hình bóng cùng với kỷ niệm của ngài – trên đất Mỹ, cháu ruột của ngài là Đại Đức Bổn sư Thích Hải Quang vẫn mãi còn tiếp tục nối chí Đại sư, hoằng dương Tịnh độ và thầy sẽ phổ biến rộng rãi giáo pháp của ngài hơn nữa nơi quốc ngoại.

Thế nên danh tiếng của “PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ, MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG” và dòng pháp của cố Hòa thượng Đại Ninh tôn sư vẫn còn mãi mãi vang danh, không bao giờ đoạn tuyệt.

Bảo Đăng xin được dừng bút nơi đây.

Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo hằng luôn gia hộ cho ni sư trưởng tử – Phương Liên xứ chủ, Mật Tịnh đạo tràng Thích nữ Thanh Nguyệt hằng luôn được đầy đủ đạo lực để bảo tồn sự nghiệp đại pháp của sư ông và trong buổi tương lai khi quả mãn, công thành cũng sẽ được cùng hội ngộ với tôn sư nơi chín phẩm sen của miền An dưỡng.

Hoàn tất vào tiết

Trọng đông – Quý Dậu niên
Ngày mồng 1 tháng 12 Âl
Phật tử BẢO ĐĂNG
Cẩn bút.