VÔ NHẤT ĐẠI SƯ THÍCH THIỀN TÂM MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI

Soạn Giả: Ưu Bà Di, Bồ Tát Giới BẢO ĐĂNG
Giảo Chánh: Sa môn THÍCH HẢI QUANG
Xuất Bản: Pháp Hoa Tự, Tucson-Arizona

 

PHỤ LỤC 2

NHỮNG VẦN THƠ THƯƠNG NHỚ

Phật tử Bảo Đăng
Trích lục

Lời người trích lục:

Các bài thơ trong phần phụ lục dưới đây được trích ra từ trong thi tập:

Ân sư Ngùi Tưởng
Hải Quang bách vịnh thi” (1)

do Đại đức bổn sư THÍCH HẢI QUANG – Viện chủ kiêm Trụ trì PHÁP HOA Tự Tucson – Arizona cảm tác ra từ những thời gian trước kia cho đến ngày biết được tin chú ruột của Thầy – Hòa thượng Đại Ninh THÍCH THIỀN TÂM, một bậc thầy tôn sư hoằng dương về Tịnh độ tông của Phật giáo Việt Nam – viên tịch ngày 14/12 dl 1992 (21-11Âl Nhâm Thân).

Vì nhận thấy có một sự liên hệ mật thiết, đặc biệt khác hơn các trường hợp thông thường giữa Đại Đức Bổn sư và Cố Hòa thượng qua các phương diện sau đây:

– Tình thân cốt nhục trong tông tộc (chú cháu ruột)

– Nghĩa thầy trò tình sư đệ

– Thúc phụ (chú ruột cũng như cha) v.v…

Hơn nữa, từ ngày cố Hòa Thượng viên tịch đến nay, vì bận nhập thất, ẩn tu vô thời hạn (theo lịch của Hòa Thượng khi còn sanh tiền) nơi miền Trung Mỹ, một làng quê nhỏ, hẻo lánh, xa xôi nên thầy không về Việt Nam, Phương Liên Tịnh xứ, để thọ tang sư phụ và cũng là chú ruột của mình được (Vả lại, vì giữa hai nước Việt Mỹ không có sự bang giao về chánh trị, nên quý Thầy  vì bị cái huông hoạt động chánh trị do một số quý Thầy khác ngoài hải ngoại chủ trương  cho nên, nhất là ở bên Mỹ, không có một vị tăng nhân nào dám đơn thân về lại quê nhà. Hoàn cảnh của Đại Đức Bổn sư Thích Hải Quang đây cũng vậy).

Và như thế, theo thói thường tình của người đời là: nếu như không cạn xét, cùng suy, ắt sẽ cho rằng thầy lỗi đạo với cha chú, thầy tổ và bất nghĩa với sư môn.

Do vì cũng có ý muốn minh xác lại cho thầy một phần nào về trường hợp nầy, nên Bảo Đăng tôi, bằng vào một cách gián tiếp, mạn phép Đại đức trích đăng vào đây một ít bài thơ, mà trong đó Bảo Đăng thấy đã gói trọn không biết bao nhiêu là tâm tình tha thiết của Đại Đức đối với Thầy Tổ, huynh đệ và sư môn, mà chưa hỏi qua ý kiến của thầy qua nguyên bản của thi tập:

– “Ân sư Ngùi Tưởng, Hải Quang bách vịnh thi” mà thầy còn để lưu lại trong tư thất (liêu) của thầy nơi bổn tự nhân dịp về lễ tiểu tường (đám giỗ đầu) của cố Hòa Thượng năm rồi (1993).

Các phần trích lục dưới đây, Bảo Đăng xin đặt tạm cho một tên là:

– “NHỮNG VẦN THƠ THƯƠNG NHỚ

Và sau đây là một số ít – những bài thơ – được trích lục ra từ nơi thi tập…

 

* Bài thơ thứ 5/100:

NHỚ

NHỚ thuở con đi lắm ngậm ngùi,
NHỚ thầy đưa tiễn, cạn niềm vui.
NHỚ câu nhắn nhủ thầy ban dạy,
NHỚ vững đường tu chớ bước lui.
NHỚ dáng thanh thanh thầy bước dạo,
NHỚ thất Phương – Liên lắm ngọt bùi.
NHỚ NGUYỆT ni sư ngày giả biệt,
NHỚ hoài tấc – dạ thuở nào nguôi.

Thích Hải Quang
Trại tiếp cư tị nạn Terampa – Indonésia (tháng 5/1979)

Lời chú giải của người trích lục:

– Bài thơ nầy được cảm tác ra vào khoảng 1 tháng sau ngày thầy rời khỏi quê nhà và đến được nơi trại tị nạn bên Indonésia. Ý thơ đã nói lên lòng nhung nhớ đến thầy, bạn và sư môn của Đại Đức (rất nhiều).

* Bài thơ thứ 16/100:

TỰ THÁN

(Tự than thở)

Từ dạo biệt thầy những đến nay,
Đất khách thân con luống lạc loài.
Đã biết bao lần tuôn lệ đổ,
Bao lần sầu khổ mấy ai hay!
Chấp tay nguyện đức DI ĐÀ độ,
Nhứt bộ hồi quy đoạn khứ lai (2)
Ghi khắc kim ngôn thầy nhắn gởi,
Gìn câu niệm Phật đoạn trần ai.

Thích Hải Quang 1986
(Lancaster – Pennsylvania)

Bài thơ nầy được cảm tác ra trong các thời gian thầy cô thân cô thế làm Phật sự tại Lancaster (và bị hội Phật giáo nơi đây lợi dụng sức, tài, tiền bạc (của tín thí cúng dường cho thầy).

Có thể nói đây là một giai đoạn mà thầy buồn nản nhất.

* Bài thơ thứ 29/100:

ĐỌC THƯ THẦY

(Thơ của Hòa thượng gởi qua Mỹ dạy cháu mình)

Hải Quang con gắng vững đường tu,
Ba cõi không an vốn ngục tù (3)
Mạt kiếp tâm người gian hiểm lắm,
Nhắn gởi về con một chữ NHU.
Thân khổ, cảnh đời bao nỗi khổ,
Câu PHẬT gìn tâm phá ám u
Cõi tạm chớ ham điều huyễn ảo,
Trời TÂY, AN LẠC mới thiên thu.

Thích Hải Quang
(New York City – 1990)

– Bài thơ nầy Đại Đức cảm tác ra vào năm 1990 tại Newyork trong thời gian mà tâm tư của thầy đầy ưu não vì bị Hội Phật giáo nơi đây phản bội, lợi dụng và vu khống… khiến thầy buồn, phải bỏ chùa ra đi.

* Bài thơ thứ 60/100:

CẦU THẦY LÀNH BỆNH

(Nhân nhận được tin báo sư phụ thầy, Hòa thượng Đại Ninh đau nặng)

Mấy lượt nghe tin, mấy lượt buồn,
Bịnh thầy nan trị chắc không suôn!
Tiền khiên nghiệp kết đành cam chịu,
Con chấp tay quỳ lụy đổ tuôn.
Khấn nguyện PHẬT TRỜI xin hộ độ,
Cho thầy sớm khỏe lướt qua truông.
Viễn xứ con còn thân lữ thứ,
Chờ gặp thầy ôi chớ vội buông.

Thích Hải Quang
(Tháng 2/1991 Pháp Hoa Tự Tucson – Arizona)

– Bài thơ nầy được cảm tác ra vào đầu năm 1991 tại chùa Pháp Hoa Tucson, Az sau ba bốn lần nhận được thơ báo tin Hòa Thượng (bổn sư) Đại Ninh đau nặng, e qua không khỏi được.

* Bài thơ thứ 70/100:

KHÓC THẦY

(Nhân biết được tin Hòa thượng Đại Ninh – chú ruột và cũng là Sư phụ – viên tịch)

Cúi đầu đảnh lễ đến phương xa,
Nửa khóc ân sư, nửa ruột rà. (4)
Đất khách không về thân lữ thứ,
Đau lòng thương hận, tủi cho ta.
Thúc phụ hoàn nguyên tám giới ngoại, (5)
Quả mãn, công thành đoạn kiếp ma. (6)
Tâm hương con kính dâng Hòa Thượng,
Nguyện thầy lạc quốc chứng liên hoa

Thích Hải Quang 18/12 dl/92
(Hương Vân Tịnh thất – NE)

 

* Bài thơ thứ 76/100:

THỌ TANG THẦY

(Lễ thọ tang Hòa thượng bổn sư Tại PHÁP HOA Tự, Tucson – Arizona)

Chánh điện PHÁP HOA lễ sự bày,
Án tiền vang dậy tiếng kinh khai.
Khăn tang một sải đầu con đội,
Cúi lạy niềm riêng giọt vắn, dài.
Những tưởng có ngày còn gặp lại,
Ngờ đâu từ đó hết duyên may (7)
Nén hương con nguyện cầu linh giác,
Tam giới từ đây bất tái lai.
(Mà cõi trời Tây sớm đáo lai)

Thích Hải Quang 19/12 dl – 1992
(Pháp Hoa Tự, Tucson – Ngày về làm lễ chịu tang)

Lời chú giải của người trích lục:

Thơ xưa có câu rằng:

Dép dưới giường trên giường bỗng biệt
Sống ngày nay dễ biết ngày mai
Mạng người hô hấp cho hay,
Nghĩ cơn vĩnh biệt, tuyền đài mà đau.

Thích Thiền Tâm
(Khuyến tu kệ)

Ôi! Có cảnh sanh tử, ly biệt nào mà không gây nhiều đau khổ ư? Ta bà cõi tạm nầy nào có chi vui!

* Bài thơ thứ 82/100:

LẠY TẠ ƠN THẦY

Lệ nhòa đôi mắt hướng PHƯƠNG LIÊN, (8)
Cúi lạy ơn thầy đã dạy khuyên.
Lạc quốc quê xưa thầy trở bước,
Ta bà con ở lắm truân chuyên.
Cốt nhục rẽ chia từ đấy biệt,
Cố quận thầy nay dứt não phiền. (9)
Ngũ trược, luân hồi thầy thoát hẳn,
Qua bờ sanh tử, đáo Tây thiên. (10)

Thích Hải Quang
(Hương vân tịnh thất – NE tháng 2/93)

 

Lời người trích lục: – Bài thơ nầy thầy cảm tác ra sau lễ thọ tang và trở về Ohama nhập thất lại – trong ý niệm lạy tạ ơn dạy khuyên, giáo hóa của cố Hòa Thượng cho thầy:

– “Ơn giáo dưỡng, một đời nên huệ mạng,
Nghĩa ân sư, muôn kiếp khó đền bồi”

* Bài thơ thứ 93/100:

SẦU LY BIỆT

Vẫn biết rày thầy ngự bảo liên,
Vô sanh, An dưỡng dứt tiền khiên.
Nhưng tình cốt nhục, ân sư biệt,
Lệ sầu sao khỏi động niềm riêng!
Bao năm chú, cháu cùng hôm sớm,
Đất khách thân côi ứa lụy phiền.
Trời Tây con nguyện thầy nay được,
Sen vàng, hiệp chưởng lễ KIM TIÊN (11)

Thích Hải Quang 5/1993
(Hương vân thất – Nebraska)

Lời người trích lục: Bài thơ nầy ĐƯỢC CẢM TÁC RA cũng trong hoàn cảnh nhớ thương và buồn tử biệt tại Hương vân thất của thầy ở Ohama:

Có câu rằng:

Xót cảnh kẻ đi người ở lại,
Tình sâu sao nén lệ sầu tuôn!

* Bài thơ thứ 95/100:

NGÙI NHỚ DÁNG XƯA

(Nhớ Lại từ dung của thầy và cũng là chú ruột mình)

Con nhớ lời thầy đã dạy khuyên:
– “HẢI QUANG con gắng đoạn tình riêng, (12)
Chớ để trần lao ngăn cản bước,
Lỡ uổng tiền căn, mất tịnh duyên.”
Lời dặn năm xưa nay vẫn tại,
Mà bóng thầy đâu dáng dịu hiền?
Ta bà nhơ khổ thầy ra khỏi,
An dưỡng trời Tây vĩnh viễn yên.

Thích Hải Quang 8/93
(Hương vân tịnh thất – NE)

Lời người trích lục: Bài thơ nầy thầy cảm tác ra để mà thương, mà nhớ lại từ dung và bóng dáng thầy xưa của mình cùng với những lời khuyên răn dạy dỗ ngày nào của cố Hòa Thượng đã dành cho thầy.

* Bài thơ thứ 100/100:

TỎ NỖI LÒNG TÔI

(Cho ni sư trưởng tửTHÍCH THANH NGUYỆT, là huynh đệ đồng sư, đồng môn)

Gởi về Tịnh xứ nổi lòng tôi
Tin thầy viên tịch đoạn trường ôi!
Thúc phụ quy TÂY không ước hẹn,
Não nề tôi đếm chuỗi ngày trôi.
Nhắn NGUYỆT ni sư xin chớ trách,
Không về trong cảnh lửa dầu sôi.
Từ khi an thất miền sơn cước. (13)
Hẩm hút phận nghèo, lại cúc côi! (14)
An dưỡng trời Tây vĩnh viễn yên.

Thích Hải Quang
(21/11Âl 1995, Quý Dậu niên, sau ngày lễ Tiểu tướng của sư thúc phụ)

 

LỜI KẾT:

Kính bạch thầy;

Trên đây là những “Vần thơ thương nhớ” của thầy dành cho Sư Tổ, cùng với các cảnh cũ, quê xưa… mà thầy đã thể hiện được qua nội tâm mình trong tập thơ ÂN SƯ NGÙI TƯỞNG.

Con xin chân thành sám hối với thầy vì đã thêm vào phần phụ lục nầy mà không trình qua ý kiến và sự đồng ý của thầy trước. Nhưng con tin rằng thầy sẽ hiểu cho tâm con và vui lòng hỷ thứ cho.

Con xin thành kính đảnh lễ và nguyện cho thầy sớm được bình tâm trong câu niệm Phật nơi tịnh thất.

Các đệ tử chúng con nơi PHÁP HOA Tự Tucson, Arizona nầy, bao giờ cũng vẫn là những đệ tử ngoan của thầy, luôn biết ơn (giáo hóa) và biết báo ơn

Đệ tử,

Ưu bà di BẢO ĐĂNG
Kính bái

 

CHÚ THÍCH:

(1) Ân sư ngùi tưởng  Hải Quang bách vịnh thi.

(100 bài thơ tưởng nhớ đến thầy của ĐĐ. Hải Quang)

(2) Câu nầy ý nói: Một bước về cõi Phật là không còn sanh tử nữa (Một bước về Tây chẳng đến, đi)

(3) Ba cõi đây là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới thiên, cả ba cõi nầy vẫn còn nằm trong vòng sanh tử.

(4) Nửa phần khóc thầy, nửa phần khóc chú

(5), (6): thúc phụ (chú, cha) đã hầu Phật, ra khỏi 3 luân hồi rồi – công thành, quả mãn không còn bị lâm vào cảnh sanh tử nữa. Bài thơ nầy (và các bài thơ kế) thầy cảm tác ra tại Hương Vân tịnh thất – là nơi thầy bế thất, ẩn tu tại Nebraska, sau khi được biết tin (cố) Hòa thượng viên tịch ở bên quê nhà, tủi thân vì mình không về thọ tang được.

(7) Ngờ đâu từ ngày ly biệt đó đến nay không còn có duyên may được gặp lại chú – thầy (cố Hòa thượng) thêm lần nào nữa cả.

(8) Phương Liên: Là phương liên tịnh xứ, nơi trụ xứ của cố Hòa thượng Đại Ninh Thích Thiền Tâm.

(9) Cố quận: ý nói cõi Cực lạc là nơi quê cũ (của người tu Tịnh độ) cầu được sanh về.

(10) Đáo tây thiên: là về lại nơi cõi Tây phương của Đức A DI ĐÀ PHẬT.

(11) Kim Tiên: là chỉ cho đức A DI ĐÀ PHẬT

(12) Ý nói tình lục thân quyến thuộc

(13) Câu nầy ý nói khi về bế quan tịnh tu tại miền quê nhỏ ở Omaha – Nebraska

(14) Từ đó (khi nhập thất) đến nay nơi ấy thầy chỉ có một thân, một mình, sống đói nghèo, thiếu và côi cút nơi xứ lạ người xa – làm sao về quê được (mà trách)!!

 

Bản điện tử tại trang Tạng Thư Phật Học
www.tangthuphathoc.net