VÔ NHẤT ĐẠI SƯ THÍCH THIỀN TÂM MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI

Soạn Giả: Ưu Bà Di, Bồ Tát Giới BẢO ĐĂNG
Giảo Chánh: Sa môn THÍCH HẢI QUANG
Xuất Bản: Pháp Hoa Tự, Tucson-Arizona

 

PHẦN III: GIAI ĐOẠN XUẤT DƯƠNG HỌC ĐẠO

(Nhắc lại… Trong cuộc đời của cố Hòa thượng có hai lần xuất dương quan trọng:
– Một lần rời quê lên Mỹ Tho học thuốc để trị bệnh cho mẹ khi còn là cư sĩ.
– Và lần này trong tư cách của một học tăng xuất dương (khỏi chùa) đi xa học đạo.)

Trong hết thảy chúng ở chùa thì ngài là một người nhỏ tuổi và mới tu nhất, nhưng ai nấy cũng đều nhìn nhận rằng người tân sa di mới xuất gia đây quả nhiên có một khả năng về đạo học rất uyên thâm và một rí thông minh tuyệt vời, mà từ trước đến nay ít thấy có ai được như vậy cả.

Chẳng những như thế không mà thôi, lại còn đứng thêm về mặt tánh hạnh và sự chuyên cần tu học cũng chẳng thấy có ai hơn được. Do đó cho nên trong chùa mọi người ai cũng đều mến thương và quý trọng ngài hết. Nhất là đại lão Hòa thượng thế độ, kiêm y chỉ sư, Thích Thành Đạo đặc biệt chú ý và có tâm muốn nâng đỡ ngài. Năm nay Hòa thượng cũng đã cao tuổi lắm rồi, ngày về với Phật e chẳng còn lâu, nên Hòa thượng muốn cho ngài có được một cơ hội khác, thuận tiện hơn nữa để phát triển thêm sở học, hầu sau này có thể làm rỡ mặt cho sư môn và mang lại ích lợi nhiều hơn cho Phật giáo. (Vào thời gian này Phật giáo trong miền Nam bị phân tán, chia chẻ ra nhiều chi phái khác nhau nên không được mấy gì khởi sắc cho lắm so với Phật giáo ở ngoài Trung và ngoài Bắc).

Hòa thượng nghĩ rằng:

– Như con chim đại bàng thì phải bay lên khỏi chín từng mây, chớp cánh một cái là vượt xa hàng trăm muôn dặm, con cá kình (ngư) thì phải vẫy vùng nơi chốn bể sâu, con rồng thiêng ắt phải về nơi đại hải hay bay bỗng giữa lừng trời, chớ không thể nào để cho chim đại bàng mà phải bị giam mình ở trong bờ lau, đám sậy, con cá kình phải bị trầm mình nơi chốn suối ao, và con rồng thiêng phải bị vùi thân trong đáy vực được.

Sa di Thiền Tâm đây qua con mắt của ta, quả thật nó có một cái “chân tài, thực học” và một trí huệ phi thường còn đang tiềm ẩn, tựa như viên ngọc quý mà vẫn còn bị nằm trong khối đá vậy. Ta là thầy, thì bổn phận của ta là phải làm sao cho đệ tử càng ngày càng thêm tăng tiến, giỏi dắn hơn lên, phải đập bể đá kia mà đem viên ngọc quý ấy ra ngoài rồi giũa mài cho nó thành một món bảo vật tuyệt vời mới được.

Cho nên ta không thể nào để cho THIỀN TÂM nó phải (bị) lâm vào cái cảnh vùi thân tại ngôi chùa cổ nằm nơi quận nhỏ này mà uổng phí đi cho một đấng “tăng tài” trong Phật pháp được cả.

Ta phải đưa nó lên Sài Gòn và gởi vào trong Phật học viện để cho khả năng của nó được đào luyện phát triển đúng mức hầu sau này nó sẽ trở thành một vị tăng tài cho Phật giáo trước khi ta nhắm mắt lìa trần.

Vì nghĩ như vậy nên Hòa thượng mới gọi ngài vào trong tư thất, bày tỏ ý kiến của mình cho ngài rõ và quyết định đưa ngài xuất dương đi học đạo tại Sài Gòn.

Ban đầu ngài từ chối và thưa rằng mình vốn không có một ý định gì ở nơi danh vọng, tiếng tăm hết mà chỉ muốn an thân nơi chốn chùa nghèo, quận nhỏ, một tâm, một dạ chuyên nhất tu hành cho đến ngày giải thoát mà thôi. Nhưng sau khi nghe Hoà thượng thế độ sư giải bày cặn kẽ mọi lẽ thiệt hơn, nên ngài dập đầu tạ ơn mà bái lãnh.

Mọi thủ tục đã xong, sa di THÍCH THIỀN TÂM bái biệt sư phụ cùng các bạn đồng tu và ngôi Sắc Tứ Linh Thứu tự, đến Mỹ Tho vào Vĩnh Tràng tự đảnh lễ Hòa thượng bổn sư THÍCH PHẬT ẤN thưa rõ lý do và được Hòa thượng hoan hỷ tán đồng rồi, thì ngài khăn gói lên Sài Gòn vào trình diện viện Hóa Đạo Ấn Quang, nơi đây ngài được Hòa thượng Viện chủ THÍCH THIỆN HÒA hoàn tất cho các thủ tục cần thiết sau chót, để ngài đến Phật học đường LIÊN HẢI (Chùa Sùng Đức) trình diện và theo học chúng nơi đây, thụ học chương trình Trung Đẳng Phật pháp.

(Thời gian này là vào đầu năm 1948 – ba năm sau ngày xuất gia).

Đến đây, ngài lại bắt đầu bước thêm vào một đại lộ khác nữa, to lớn và rộng rãi hơn trên con đường tiến tu đạo nghiệp của mình.

Và nơi đây, tại viện Trung Đẳng Phật học Liên Hải, tăng sinh THÍCH THIỀN TÂM lại bắt đầu dùi mài, kinh sử bút nghiêng cùng với chư học chúng từ các nơi khác của hai miền Trung, Nam quy tụ về cùng nhau tu học … (Đến đây Bảo Đăng tôi chỉ xin lược sơ qua chớ không đi sâu vào chi tiết vì các lý do sau:

– Các tài liệu về việc tu học của ngài trong thời gian này hầu hết đều bị thất lạc, nên việc thu thập của Bảo Đăng không được hoàn hảo.

– Để tỉnh giảm bút lực cho các phần khác sau này).

Chương trình Trung đẳng Phật pháp cho một vị tăng (nồng cốt của giáo hội) kéo dài trong ba năm liên tiếp, vì vậy cho nên thời gian ngài theo học tại nơi đây bắt đầu từ năm 1948 cho đến cuối năm 1950 mới hoàn tất và tốt nghiệp xong trình độ Trung đẳng Phật học. Trong giai đoạn này (từ 1948-1950), tình trạng Phật giáo miền Nam (như đã có lược sơ qua ở phần trước) vẫn còn bị phân tán và thiếu tổ chức cho nên mặc dù Phật tử tuy là đông nhiều, nhưng đại đa số đều không thông hiểu Phật pháp, còn về phía chư tăng ni đa phần cũng không được đào tạo Phật pháp đúng mức trong chức vụ đảm nhiệm, cho nên các Hòa thượng lớn đều có vẻ lo âu và cùng nhau bàn tính suy tìm một phương cách mới để chấn hưng giáo hội, bằng cách đào tạo thêm tăng tài và phổ biến giáo lý một cách rộng rãi hơn nữa từ thành thị đến thôn quê, hầu cho các tầng lớp dân chúng và Phật tử được ít nhiều hiểu biết thêm về quốc giáo của mình.

Và như vậy cho đến mùa Xuân năm 1950 (Canh Dần)  (Lúc đó cố Hòa thượng còn đang theo học những chương trình chót của lớp Trung Đẳng Phật pháp nơi Phật học viện Liên Hải) – thì các Hòa thượng lớn (bậc thầy) mới bắt đầu thực hiện được phần đầu của kế hoạch.

Rồi kế tiếp sau đó, hai Phật học đường có tiếng tăm của Miền nam lúc bấy giờ là: Phật học đường Liên Hải và Phật học đường Mai Sơn được kết hợp và nhập chung lại thành ra một Phật học viện lớn hơn và duy nhất đó là:

“PHẬT HỌC ĐƯỜNG NAM VIỆT”

(cũng vẫn còn) đặt trụ sở tại chùa SÙNG ĐỨC (Chợ Lớn) Chư tăng sinh của cả hai Phật học đường đều được sáp nhập lại vào trong Phật học đường Nam Việt dưới sự Đốc giáo (Hiệu trưởng kiêm Giáo sư trưởng) của Hòa Thượng Viện chủ kiêm Trụ trì Viện hóa Đạo Ấn Quang THÍCH THIỆN HÒA. Và đương nhiên là Cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm của chúng ta cũng theo về nơi Phật học đường Nam Việt mới (cùng một trụ sở là Chùa Sùng Đức) và tại nơi đây ngài đã hoàn tất xong chương trình Trung Đẳng Phật Pháp vào cuối năm 1950.

Thời gian từ khi ngài rời khỏi bổn tự Sắc Tứ Linh Thứu, bổn sư THÍCH PHẬT ẤN cùng với thầy thế độ kiêm y chỉ sư THÍCH THÀNH ĐẠO để lên Sài Gòn tu học và tốt nghiệp xong lớp Trung Đẳng này trước sau là 3 năm cả thảy (1948-1950).Cũng trong thời gian này (vào khoảng đầu năm 1950 cố Hòa Thượng thọ cụ túc đại giới (tỳ kheo giới) tại đại giới đàn Ấn Quang, bái Hòa Thượng hội chủ, kiêm viện trưởng viện Hóa Đạo Ấn Quang THÍCH THIỆN HÒA làm y chỉ sư và cầu pháp sư, để nương theo tu học trên con đường đạo nghiệp. (Như vậy thì trước sau cố Hòa thượng có tất cả là 3 thầy dẫn dắt trong đường đạo).

1. Mỹ Tho, Vĩnh tràng tự, Hòa thượng THÍCH PHẤT ẤN: bổn sư.

2. Xoài Hột, Sắc Tứ Linh Thứu Tự, Đại lão Hòa thượng THÍCH THÀNH ĐẠO: Y chỉ sư và thế độ sư (Thầy xuống tóc cho mình thì gọi là thế độ sư).

3. Sài gòn, Ấn Quang Tự, Hòa thượng THÍCH THIỆN HÒA: Y chỉ sư và cầu pháp sư.

Sau khi mãn khóa học này, các học chúng có người thì trở về chùa xưa tiếp tục lo phần hóa đạo, có người thì vẫn ở lại Sài gòn để tiếp tục học thêm.

Chư Hòa Thượng trong ban Giáo thọ của Phật học đường Nam Việt nương trong thế thuận lợi này mở tiếp lớp: “CAO ĐẲNG PHẬT HỌC I” để đào tạo thêm các tăng tài cho giáo hội với trình độ cao cấp, khả dĩ có đầy đủ khả năng làm hưng thịnh cho Phật giáo trong thế hệ kế tiếp (quý thầy lớn hiện tại) sau này. Khóa I Cao đẳng Phật pháp này được thành hình vào cuối năm 1950, và bắt đầu khai giảng lớp học đầu tiên vào tháng Giêng năm 1951 (Thời gian này Phật học đường Nam Việt được dời trụ sở từ chùa Sùng Đức về chùa Ấn Quang).

Cố Hòa thượng THÍCH THIỀN TÂM của chúng ta được tuyển chọn để tham dự vào lớp học mới này. Lúc đó do vì danh tiếng của Phật học đường Nam Việt được phổ cập khắp cả miền Nam, nên chư tăng từ khắp các nơi vân tập về xin ghi danh nhập học rất nhiều (trên 100 vị học tăng).

Cũng trong giai đoạn này vì là một Phật học viện lớn, chư học tăng lại đông, ban giáo thọ hiện tại không thể nào lo cho xuể được (thiếu nhân lực) nên phải tuyển chọn một số các thầy xuất sắc, có đầy đủ khả năng, trình độ của lớp Cao đẳng … ra phụ giúp, và cố Hòa thượng được tuyển chọn vào trong ban giám học với chức vụ “TRI CHÚNG” (tức là làm trưởng tràng, trực tiếp trông coi, nhắc nhở và điều khiển sinh hoạt cho các học chúng).

Năm đó cố Hòa thượng vừa được 24 tuổi.

Và mặc dầu rằng còn trẻ nhưng vị Tri chúng này đều được tất cả mọi người mến thượng, quý trọng (mà mãi cho đến về sau này, những thầy học cùng khóa với ngài lúc bấy giờ, mỗi khi nhắc đến thầy Thiền Tâm ai nấy cũng đều kính nể cả).

Trong số các học tăng của lớp Cao Đẳng Phật pháp đầu tiên này (Sau đó còn có lớp thứ hai và thứ ba nữa) thì thầy Thiền Tâm lúc nào cũng vẫn luôn luôn là một tăng sinh đứng đầu trong lớp về các phương diện:

+ Tài đức.
+ Khả năng và thiện chí.

– Trên bình diện học vấn, ngài rất mực thông minh, học đâu hiểu đó và thông suốt cặn kẻ mọi đề tài, cho nên các giáo thọ sư đều rất mến thương, nâng đỡ.

– Về đức hạnh thì cố Hòa thượng là một người nghiêm trang, ít nói. Hoặc như khi có việc gì cần phải nói năng, khuyên nhắc thì ngài rất từ tốn, dịu dàng không làm cho một ai bị tổn thương hay xúc não cả.

– Về khả năng và thiện chí thì ngài luôn luôn thích ứng và chu toàn bất cứ một trách nhiệm nào đã được các thầy lớn giao phó một cách hoàn hảo chớ không tắc trách hay bỏ dỡ nửa chừng.

Hòa thượng Viện chủ kiêm đốc giáo THÍCH THIỆN HÒA luôn luôn hài lòng với ngài và thường nói với chư giáo thọ sư khác rằng:

– Thiền Tâm là một con người đặc biệt, sau này nó sẽ làm lợi ích cho Phật Giáo rất nhiều. Tôi mong mỏi sao cho có được nhiều người như nó vậy thì trong tuổi già tôi mới có thể an tâm tịnh dưỡng.

Khoảng đầu năm 1952, Hòa thượng Hội chủ THIỆN HÒA, cùng với một số quý thầy khác trong Hội Phật Học Nam Việt như Thầy Nhựt Liên  Thầy Quảng Minh, v.v… đến Trà Ôn (Vĩnh Bình) cung thỉnh Hòa thượng THÍCH THIỆN HOA (trụ trì chùa Phật Quang, làng Bang Chang, Quận Trà Ôn) về Sài Gòn để cùng chung lo Phật sự, tiếp độ học chúng, đào tạo tăng tài. Và sau đó, vào đầu năm 1953, Hòa thượng THIỆN HOA (cùng với ban giám học của ngài thêm 7 vị nữa) lên đến Sài Gòn, thay thế Hòa Thượng THIỆN HÒA giữ chức Đốc giáo Phật Học Đường Nam Việt. Thời gian này cố Hòa thượng Thiền Tâm đang theo học các chứng chỉ chót của lớp Cao đẳng và ngài cũng đã tiếp tay với Hòa Thượng THIỆN HOA rất nhiều trong chức vụ Tri chúng và ban giám học, nhờ vậy mà sanh hoạt của chư học tăng được rất nhiều thuận duyên tốt đẹp để an tâm tu học.

Cuối năm 1954, lớp I Cao đẳng Phật Pháp hoàn tất, trong số hơn 100 học tăng chỉ có 13 vị được tốt nghiệp, (tất cả học chúng còn lại chỉ đủ sức để được cấp chứng chỉ mà thôi), trong số 13 vị tốt nghiệp ấy thì cố Hòa thượng được xếp đứng đầu với điểm hạng “Tối Ưu” qua bài văn “KHUYẾN TU” BẤT HỦ (mãi cho đến bây giờ, đã hơn 40 năm qua rồi mà bài văn này vẫn luôn luôn là một bài văn có giá trị siêu tuyệt).

Đến đây, Bảo Đăng tôi thấy việc rất cần thiết là phải nên ghi lại bài văn Khuyến Tu ấy vào nơi quyển sách này hầu cho chư đọc giả có duyên xem đến, nhơn đó mà được thêm ít nhiều thức tỉnh, lập tâm nơi bước đường tu, nhất là về pháp môn Tịnh Độ:

KHUYẾN TU
(TRÍ HIỀN, THÍCH THIỀN TÂM)
Soạn dịch:
Dẫn nhập:
Xưa Nhan Bính. Như Như cư sĩ.
Dẫn luận kinh, ý ý khuyên cầu.
Bút nhàn khuyên giữa canh thâu,
Tỉnh ai trần lụy, đổi sầu làm tươi.
 
Thân bào ảnh lắm người yêu quý, (1)
Yêu quý than cho lụy vì than,
Cuộc vui những ước vô ngần,
Nào hay vui vẫn là nhân chác sầu!
Kiếp phù thế bóng câu cửa sổ,
Vóc huyễn hư giọt lộ long hoa,(2)
Đôi mươi trẻ, tám mươi già,
Số người yểu thọ, khó qua vô thường.
Dép dưới giường, trên giường bỗng biệt,
Sống ngày nay dễ biết ngày mai,
Mạng người hô hấp cho hay,
Nghĩ cơn vĩnh biệt, tuyền đài mà đau!
Xót duyên kiếp vì sao ngắn ngủi,
Chấp than chi để tủi cho thân,
Da bao những thịt, xương, gân,
Xác người như thể đóng phân sạch gì.
Tóc, răng, móng khác chi đất bợn,
Mũi, dãi, đờm ghê tởm xiết bao,
Bên ngoài rệp đút, muỗi đeo.
Bên trong sán, lãi lẫn vào nhớp chưa?
Nỗi nóng bức, ngày trưa tiết hạ,
Cơn lạnh lung đêm giá trời đông,
Xét thân nhơ khổ vô cùng,
Xả lòng tham luyến, khởi long thoát ly.
 
Trách người thế mê chi lắm nhẻ,
Sánh phong lưu phô vẻ y quan, (3)
Kẻ khờ cũng học đài trang (4)
Để lòng điên đảo, theo đàng sắc thanh.
Đầu xương sọ cài trâm thắt lụa,
Đảy da hôi ướp xạ, xông hương,
Khéo đòi nhung gấm phô trương
Chỉ tuồng che lớp vô thường hôi tanh.
Những mãn tưởng ngày xanh muôn tuổi,
Lắm cơ mưu theo đuổi yên hoa.
Ngờ đâu tay điếc, mắt lòa,
Diêm vương sắp rước đến tòa U Minh.
Làn tóc bạc đưa tin quỷ sứ,
Góc răng long nhắn ý quy âm,
Càng tài, càng sắc, càng dâm,
Càng cho đọa lạc, càng lầm mà thôi
Cuộc hành lạc một thời tham tiếc,
Nẻo luân hồi muôn kiếp đắng cay,
Đến khi sắp xuống Diêm đài,
Thịt xương đau nhức, chân tay rụng rời,
Vợ lưu luyến, đầy vơi giọt lệ,
Con tiếc thương, kể lễ khóc than.
Dầu cho quyến thuộc muôn ngàn,
Có ai thay thế cho chàng được đâu!
 
Kẻ sống nặng hoằng gánh tủi,
Người chết đi dong ruỗi phách hồn,
Đường âm mờ tựa đêm hôm,
Trông ra quạnh quẻ bồn chồn chỉnh ghê.
Nại hà đến lạnh tê gió lốc, (5)
Quỷ môn quan ghê gốc tiếng thương,
Bảy ngày lìa quá cõi dương,
Âm ty đã trải trăm đường khảo tra.
Tào quan xử thét la chẳng vị, (6)
Ngục tốt hờn, xoa, chủy đâu tha. (7)
Đài gương nghiệp cảnh chói lòa, (8)
Soi tường thiện, ác chối qua được nào.
Người nhân đức đưa vào cõi phước,
Kẻ hung hoang giải trước hình ty,
Đọa đày thảm khổ xiết chi,
Mới hay nhân quả mấy khi sai lầm.
Rừng đao kiếm bao năm hết tối, (9)
Kiếp lông, sừng nhiều nỗi đa mang, (10)
Trả đền cho dứt nghiệp oan,
Mới mong thoát khỏi con đàng long đong.
Dù ai có to lòng, lớn mật,
Mặc chàng hay báng Phật, khinh Tăng, (11)
Chẳng qua đối trước Diêm quân,
Cúi đầu, co gối chịu phần khảo tra.
 
Hồn phách đã xa chơi âm giới,
Thi hài còn nơi cõi dương gian,
Có tiền mua lớp áo quan,
Không tiền vùi chốn núi hoang lạnh lùng.
Chất da thịt sẽ cùng tan rã,
Tấm hình hài lần hóa tanh hôi,
Chỉ trong hôm sớm mà thôi,
Chầy năm bảy bửa, sớm thời ít hôm.
Nét kiều diễm chập chờn xuân mộng,
Kiếp tài hoa hình bóng bạch vân,
Khi xưa tài sắc mười phân,
Mà nay một nấm cô phần lạnh tanh. (12)
Thời oanh liệt, anh hùng đâu tá,
Nỗi ái ân hư, giả còn chi,
Phất phơ cành liễu xanh rì,
Giấy tiền treo đó, đường ghi mối sầu.
Bóng chiều rủ xuống mầu cỏ biếc,
Bia mồ trơ một chiếc vắng không,
Nghĩ thôi rơi lệ chạnh lòng,
Đời người đến thế là xong cuộc đời.
 
Ví chăng biết tìm nơi giải thoát,
Nương về ngôi chánh giác quy y,
Luân hồi dứt hằn có khi,
Bên trời bát nhã còn chi lo phiền.
Lối ma quỷ đừng riêng sinh sống,
Đất từ bi có giống Hoa Đàm, (13)
Giữ long thiến, dứt long tham,
Gái, trai, Tăng, tục đều ham tu hành.
Rõ cảnh mộng chớ quanh đường mộng, (14)
Biết miền chơn hãy chóng tu chơn, (15)
Dần dà tính thiệt so hơn,
Tuổi xuân qua mất để hờn về sau.
Sáu chữ Phật cùng nhau gắng niệm, (16)
Chín phẩm đài sen, chiếm ngôi vinh,
Chớ nên mình phụ lấy mình,
Trách sao Diêm Lão vô tình chẳng dung. (17)
Bỏ điều ác xin cùng tu thiện,
Chừa lỗi xưa, cải tiến đường sau,
Lại vì quyến thuộc bảo nhau,
Cùng khuyên già trẻ sớm mau tu trì.
Khiến mỗi kẻ đồng quy bến giác,
Cho mọi người đều thoát song mê,
Dù cho lao khổ dám nề,
Đài sen đốt mảnh hương thề nguyền xin….
Xin dốc tưởng tin theo lời Thánh, (18)
Đừng để cho rỗi rãnh, ưu du, (19)
Kiếp này nếu chẳng chuyên tu,
Chỉnh e kiếp khác công phu lỡ làng.
TRÍ HIỀN
(THÍCH THIỀN TÂM)

 

Sau khi khoá I Cao đẳng Phật pháp bế giảng rồi (và trước khi chuẩn bị mở khóa II kế tiếp) thì Hòa Thượng hội chủ THÍCH THIỆN HÒA (Viện trưởng Viện hóa đạo kiêm Trụ trì Ấn Quang tự), Hòa thượng THÍCH THIỆN HOA (Đốc giáo Phật học đường Nam Việt) và ban giảng sư của Phật học đường hội hợp tất cả 13 vị Đại Đức Tăng sinh tốt nghiệp lại phân phối và giao phó cho trách nhiệm xứng hợp theo khả năng chuyên môn của mỗi vị hầu cho việc hoằng dương đạo pháp được rộng rãi và mau chóng có kết quả hơn.

Trong đó cố Hòa thượng được chỉ định giữ trọng trách hoằng dương về môn Tịnh Độ.

Trước chư vị tôn sư, giáo thọ, cố Hòa thượng quỳ đảnh lễ và xin được nhập thất chuyên tu về Tịnh Độ thêm một thời gian nữa vì hiện tại ngài thấy sức tu của mình hãy còn quá yếu kém, nếu đứng ra đảm nhận trách nhiệm liền bây giờ thì e rằng không thể nào kham nổi.

Mặc dù nhiều phen được sự khuyến nhắc và an ủi từ nơi Hòa thượng Hội chủ và Hòa thượng Đốc giáo nhưng ngài vẫn không đổi ý định nhập thất chuyên tu của mình. Biết không thể nào lay chuyển được quyết tâm của ngài, Hòa thượng Hội chủ (và cũng là thầy cầu pháp của ngài nữa) mới phán rằng:

– Này Thiền Tâm, con muốn nhập thất chuyên tu thêm thì thầy đây cũng không ép, nhưng ta cho con một thời gian nào đó thôi. Hễ khi nào ta thấy vừa đủ, hoặc là giáo hội có việc cần đến khả năng chuyên môn của con và ta cho người đến thỉnh thì con phải trở về liền chớ không được chối từ lần nào nữa hết nghe không?

Con nên nhớ, ơn thầy, tổ, ơn giáo hội đào tạo cho con thành tài thì con phải đền đáp lại. Ta đây tuổi đời ngày càng cao, sức khỏe ngày càng kém, con đừng để cho tấm thân già của ta phải bị lâm vào cảnh “Trâu già chẳng nệ dao phay” nghe …

Cố Hòa thượng đảnh lễ phục mệnh và trước chư vị tôn sư trong ban giáo thọ ngài hứa sẽ y giáo phụng hành, sau này nếu như giáo hội có việc cần đến thì sẽ trở về để cùng chung lo và trực tiếp gánh vác Phật sự chớ không dám từ nan thêm nữa.

Và rồi sau đó …

Ngài rời Phật học viện lên đường, chọn trụ xứ thích hợp để nhập thất tịnh tu.

Trước hết ngài trở về Mỹ Tho, đến quận Cái Bè cất cốc, nhập thất chuyên tu về Tịnh độ (1955) liên tiếp trong 5 năm (1955-1960). Thời gian này mặc dù bị rất nhiều chướng duyên, ma khảo (như bị dèm pha, nói xấu, vu bang, hủy nhục, v.v…) nhưng ngài vẫn không sờn lòng hay thối chuyển, mà trái lại hơn bao giờ hết, ngài càng kiên cường giữ vững chí nguyện và quyết tâm “Hạ thủ công phu” cho việc tu tập của mình.

Trong 5 năm nhập thất nơi trụ xứ này, mặc dù đêm ngày chuyên cần tu niệm, nhưng ngài cũng không vì đó mà quên mất đi bi nguyện độ sanh của mình. Thời gian 5 năm tại đây ngài đã dịch thuật xong quyển:

1/. “Ấn Quang Văn Sao” của Ấn Quang Đại Sư, vị tổ thứ 13 của tông Tịnh độ, dưới đề tựa là “ LÁ THƯ TỊNH ĐỘ” (1956) dài khoảng 200 trang, bằng một lối hành văn cực kỳ nhẹ nhàng, trong sáng, bình dị mà không quê mùa, cao siêu mà không khó hiểu, (Trong tất cả các bậc thầy đương kim, chỉ riêng mỗi một mình cố Hòa Thượng là có cách hành văn đặc biệt này mà thôi). Qua quyển “Lá thư Tịnh độ” này, ngài đã khai quang được một số lớn vấn đề “bị nghi ngờ” của pháp môn Tịnh Độ, khiến cho rất nhiều tín đồ Phật giáo đương thời hiểu rõ thêm cùng phát tâm tin tưởng và thực hành việc niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh.

2/. Kế tiếp đến từ năm 1957  1959 ngài hoàn tất công việc soạn thuật bộ “TỊNH HỌC TÂN LƯƠNG” gồm có 2 quyển dài gần 800 trang giấy.

Sao gọi là Tịnh độ Tân lương?

Y theo đề tựa của bộ sách mà thích nghĩa Tịnh độ là môn học dạy về Tịnh độ  Tân lương là món lương thực mới của mình.

Mà nếu như đã gọi là: “Lương thực mới”. Tất nhiên cũng phải có “lương thực cũ”.

– Thế nào gọi là lương thực cũ và lương thực mới?

– Lương thực cũ đây là gạo, đường, dưa, muối, v.v… cùng với các thứ thực phẩm ăn uống khác nữa của người đời dùng để trưởng dưỡng sắc thân. Sở dĩ gọi là cũ vì nó đã có từ lâu xa lắm rồi (tức là vật thực).

– Lương thực mới đây là món ăn tinh thần của Phật dạy bảo và lưu hậu lại (gọi là pháp thực) đây là một thứ thức ăn mới (tân lương) mà hầu như tất cả chúng sanh trên cõi đời này ít ai hiểu biết và chịu ăn nó cả, ngoại trừ các bậc trí huệ, có căn tu sâu dầy và nghe theo lời Phật dạy, muốn được giải thoát như Phật mới chịu ăn món “tân lương pháp thực” này mà thôi.

Trong bộ sách cố Hoà Thượng đã chỉ dẫn cặn kẽ và hiển bày ra cho tất cả các hàng tứ chúng thấy rõ sự lợi ích thiết thực của pháp môn Tịnh độ cùng với sự việc hiện đời đới nghiệp vãng sanh bằng cách trì niệm hồng danh của đức Phật A Di Đà nơi cõi Tây Phương Cực lạc thế giới xứng hợp với 48 đại nguyện của ngài.

Đến đây ta thấy gì?

– Ta thấy rằng mặc dù ngài bận nhập thất tịnh tu, mới thoáng nghe qua thì tưởng đâu ngài là người tiêu cực, vô trách nhiệm, hay đi sai với đường lối của giáo hội và các bậc Thầy Tổ (lúc bấy giờ), nhưng thật ra bằng vào phương pháp phiên dịch kinh điển và viết sách hoằng dương Tịnh độ như thế này, ngài đã làm lợi ích cho Phật tử nhiều gấp trăm, ngàn lần của một vị trụ trì bình thường nơi chùa to, đền rộng nữa.

Đây là hai bộ sách hiển dương giáo pháp Tịnh độ đầu tiên của Đại Đức Liên Du Thích Thiền Tâm sau 5 năm rời khỏi ghế nhà trường và tiến bước trên con đường vừa tinh cần tu học vừa hoằng dương đạo pháp. Đặc biệt là giáo môn Tịnh độ.

– Khoảng thời gian kế tiếp (từ giữa năm 1960 cho đến cuối năm 1962) ngài chuyển về vùng Vang Qưới ở tỉnh Bến Tre nhập thất thất tịnh tu tiếp. Trong thời gian hai năm nhập thất tại nơi đây, cố Hòa thượng đã hoàn tất việc phiên dịch các bộ sách có tánh cách hiển dương rộng rãi vế giáo môn Tịnh độ sau đây:

1. – HƯƠNG QUÊ CỰC LẠC

Đây là một quyển sách nhỏ dài khoảng 100 trang, nội dung trích lục lại các lời dạy của chư Phật, chư Bồ tát và chư Tổ sư về pháp môn Tịnh độ (toát yếu) xứng với tên của quyển sách, (Hương quê Cực lạc là món ăn quê hương của miền Cực lạc) làm kim chỉ nam cho người tu Tịnh độ).

Trong đây có phần tựa đề vịnh về giáo môn Tịnh độ rất là chí thiết như sau:

(trích lược)

 

Trôi nổi lìa cha mấy hạ, đông,
Trời TÂY gia nghiệp nguyện làm xong.
Tay vàng mong tưởng ơn dìu dắt,
Dám để TỪ TÔN mỏi mắt trông.
 
Khổ nhiều vui ít cõi Ta bà,
Muốn thoát trầm luân dễ được mà.
Lãng tử về quê lòng rộn rã,
Cha lành xem lại thật Di Đà.
 
Bảy hàng cây báu ánh lòa lòa,
Chín phẩm sen vàng bốn sắc hoa.
Nhiếp cả sáu căn thành tịnh niệm,
Mới hay AN DƯỠNG thật quê nhà.

Liên du THÍCH THIỀN TÂM (Dịch)

2. – TỊNH ĐỘ THẬP NGHI LUẬN:

Đây là một quyển sách giải đáp hầu hết các mối thắc mắc và hoài nghi về tông Tịnh độ của những người học Phật đương thời. Nhờ vậy mà pháp môn niệm phật càng ngày càng được quảng bá rộng rãi hơn và số người tu theo Tịnh độ mỗi lúc mỗi một nhiều thêm.

3. – Soạn ra một phương pháp tu Tịnh độ cho các Phật tử tu tập tên là: TỊNH ĐỘ PHÁP NGHI.

– Giai đoạn thứ ba trong việc nhập thất của ngài là từ đầu năm 1963 cho đến đầu năm 1964 tại Tịnh Giác Duyên (Chợ Gạo  Mỹ Tho).

Thời gian một năm sau cùng tịnh tu tại đây, ngài đã phiên dịch xong bộ kinh QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ(Thập lục Quán kinh) một trong ba quyển kinh chánh yếu của giáo môn Tịnh độ, giải bày và hiển rõ về Thế giới Cực Lạc của đức A Di Đà Phật tại phương Tây. Qua quyển kinh này, ngài đã khiến cho vô số người thời bấy giờ (và cả đến về sau nữa) phát tâm bất thối chuyển tu theo pháp môn Tịnh độ.

– Kế tiếp đến là ngài phiên dịch và hoàn tất quyển: PHẬT THUYẾT THIỆN ÁC NHƠN QUẢ BÁO ỨNG KINH (theo thể điệu văn vần) dạy cho chư Phật tử nói riêng và chung cho mọi người thấy rõ lẽ nhân quả báo ứng của các hành động Thiệc ác.

Đến đây, một lần nữa ta thấy gì qua việc hoằng pháp của ngài trong vòng 10 năm nhập thất tịnh tu?

– Ta thấy rằng: suốt trong thời gian nhập thất đó, ngài vừa tự tu vừa lo việc hóa đạo với 6 quyển kinh, luận, và một pháp nghi tu Tịnh độ mà trong đó ngài vừa phiên dịch, vừa trước tác, vừa soạn thuật đã đem lại lợi ích rất nhiều cho chư Phật tử, góp thêm vào những viên gạch vàng để xây dựng cho nền tảng của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam hiện tại và cả ở tương lai.

Vào khoảng sau Tết năm 1964…

Lúc đó trên Sài gòn, tại Viện Hóa Đạo nơi Chùa Ấn Quang, Hòa thượng Hội chủ THÍCH THIỆN HÒA cùng với Giáo Hội đã hình thành được một dự án quan trọng cho việc đào tạo tăng tài để làm nồng cốt cho việc hoằng hóa Phật pháp về sau.

Bởi sau khi các khóa Phật pháp cao đẳng I, II, III tại Phật học đường NAM VIỆT đã đào tạo được khoảng chừng 50 vị Thượng Tọa nổi danh và có thực tài về Phật học rồi  mấy năm kế tiếp đó vì tình trạng chiến tranh (nội chiến giữa hai miền Nam Bắc) cùng với các biến loạn về chánh trị trong nước và riêng tại Sài gòn đã làm cho việc Hóa đạo và đào tạo chư tăng ni của Giáo hội bị ảnh hưởng chậm trễ rất nhiều, có thể xem như là bị gián đoạn hẳn trong một thời gian dài kể từ năm 1959 đến nay (1964).

Sau năm 1963 (chế độ của họ Ngô Đình bị sụp đổ qua cuộc đảo chánh) thì Phật giáo mới bắt đầu ổn định trở lại. Các thầy lớn trong Phật học đường Nam Việt khi xưa mà đại diện là Hòa thượng THÍCH THIỆN HÒA quyết định tái tục lại chương trình đào tạo tăng tài thế hệ mới để chuẩn bị thay thế quý ngài (nay vốn tuổi đã cao và yếu kém sức khỏe). Bởi quý Ngài nghĩ rằng nếu không làm như thế thì hỏi ai là những người có đủ khả năng để tiếp nối chúng ta trong công việc hoằng dương và bảo tồn đạo pháp sau ngày chúng ta “cỡi hạc quy tiên hay về chầu Phật tổ”?

Và rồi chương trình thành lập một: “VIỆN TRUNG ĐẲNG CHUYÊN BIỆT PHẬT HỌC” được thành hình.

Địa điểm tuyển chọn là AN DƯỠNG ĐỊA (tức là Chùa Huệ nghiêm ngày nay) tại Phú Lâm, gần Xa Cảng miền Tây, thuộc ngoại ô thành phố Sài gòn.

Khi bắt đầu xúc tiến chương trình Hòa Thượng Hội chủ mới tự nghĩ rằng:

– Ai là người có đầy đủ khả năng để đứng ra gánh vác và điều hành việc Phật sự quan trọng này?

Và người đầu tiên Hòa Thượng nghĩ đến là Thượng Tọa Thích Thiền Tâm, chỉ có “NÓ” mới đủ sức mà thôi. Và tiếp theo đó Hòa thượng cũng nghĩ nhớ đến rằng.

– Khi xưa lúc xin phép ta đi nhập thất tịnh tu “NÓ” có hứa là sau này sẽ trở về gánh vác Phật sự và nếu như giáo hội có việc cần đến thì sẽ không có lý do nào để từ nan thêm nữa.

Bây giờ đã đến lúc TA và Giáo hội cần đến “NÓ”. Vậy thì ta còn chần chừ gì nữa mà không triệu “NÓ” trở về. (Ngoài ra Hòa Thượng còn nghĩ thêm đến 2 vị khác trong khoá I Cao đẳng Phật học khi xưa là TT.THÍCH BỬU HUỆ và TT. THÍCH THANH TỪ nữa).

Vì suy nghĩ như thế nên sau đó Hòa Thượng cho đại diện mang thơ của NGÀI đến chỗ hai vị THIỀN TÂM và BỬU HUỆ đang nhập thất ẩn tu, truyền lịnh triệu hồi.

Trong thơ “triệu hồi” gởi cho cố Hòa Thượng có mấy câu chí tình của NGÀI như sau:

“Như lời con hứa năm xưa … nhận được thơ của TA con hãy mau sắp xếp trở về, … lo việc Phật sự… đừng để cho TA mong đợi, … chớ nên để cho tấm thân già của TA đây phải bị lâm vào trong cảnh “Trâu già không nệ dao phay” thêm nữa…

Nhận được “Triệu hồi thư” của ân sư gởi đến và đọc xong những lời lẽ chí tình của NGÀI, cố Hòa Thượng bâng khuâng cảm động, và nghĩ nhớ lại bổn phận của mình đã từ lâu “thiếu sót” đối với Ân Sư (là Hòa thượng hội chủ) … Vả lại trong ba vị Sư phụ của mình khi xưa thì ngày nay hai vị đã viên tịch rồi (Hòa thượng PHẤT ẤN và Hòa thượng THÀNH ĐẠO) chỉ còn lại có một vị sư phụ sau cùng đây thôi. Ơn đức của THẦY ta chưa đền báo.

Và do vì nghĩ như thế nên ngài thu xếp lại mọi việc trở về Sài Gòn, đến Ấn Quang tự đảnh lễ Sư phụ THÍCH THIỆN HÒA và nhận lãnh trách nhiệm (cùng với hai bạn đồng song là Bửu Huệ và Thanh Từ) bắt tay vào việc thành lập: “VIỆN TRUNG ĐẲNG CHUYÊN BIỆT PHẬT HỌC” tại Chùa Huệ Nghiêm. (Sau này đổi tên lại là viện Cao đẳng PHẬT HỌC HUỆ NGHIÊM).

Trường bắt đầu hoạt động vào giữa năm 1964.

– Thượng Tọa THÍCH THIẾN TÂM giữ chức Viện trưởng Kiêm đốc giáo của Phật học viện. (Trưởng giáo).

– Thượng tọa THÍCH BỬU HUỆ và THÍCH THANH TỪ làm phụ tá.

Vì sao gọi là “Chuyên biệt Phật học”?

– Sở dĩ gọi tên “Chuyên biệt Phật học” bởi vì tôn chỉ của trường (trước và sau khi thành hình cùng hoạt động) là chỉ thuần dạy về “NỘI ĐIỂN” TỨC LÀ Kinh pháp và giáo lý cho Chư Tăng ni mà thôi, tuyệt nhiên không có xen lẫn vào bất cứ một bộ môn nào khác (như chánh trị chẳng hạn).

Vì vậy cho nên mới được danh xưng là “Chuyên biệt Phật học” và chỉ thuần túy đào tạo tăng tài cho giáo hội trong chức năng “Như Lai xứ giả” sau này. (Viện Phật học chuyên biệt Huệ Nghiêm đào tạo cả 3 trình độ Phật pháp: Sơ đẳng – Trung đẳng và Cao đẳng). Qua sự điều khiển và hướng dẫn của ngài trường hoạt động rất tốt đẹp. Hàng trăm học chúng các nơi của hai miền Trung và Nam lần lượt tựu về ghi danh theo học.

Nhận thấy nếu chỉ thuần học nội điển không mà thiếu trình độ văn hóa phụ vào thì sau này các viện hóa đạo như giảng kinh, viết sách Phật học v.v… sẽ không được khởi sắc cho lắm. Hơn nữa ngài cũng nhớ lại trường hợp của mình khi xưa (lúc còn ở Vĩnh Tràng tự, nếu như bổn sư PHẤT ẤN Hòa Thượng không khuyến khích học ngoại điển thì mình làm sao được như bây giờ). Thêm vào nữa là đa phần các Phật tử đời nay thường mong tâm kiêu mạn, ưu trề nhún chê khen quý thầy, như là: đấy chỉ là một thầy tu dốt nát, thất học chưa xong hết sơ học trường làng …

Hoặc: nói năng vấp váp, trình bày, thuyết giảng lộng cộng không thông suốt v.v…

Đại khái là vậy.

Vì muốn tránh các trường hợp như thế xảy ra (sau này) vả lại vì cũng muốn nâng đỡ cho tất cả tăng sinh của Học Viện Huệ Nghiêm (là hậu thân của Phật học đường Nam Việt trước kia) giỏi cả hai mặt đời và đạo, nên ngài quyết định mở thêm việc học ngoại điển (học văn hóa phổ thông theo như chương trình hiện hành của Bộ Quốc gia Giáo dục) cho chư Tăng sinh học chúng của trường.

Qua dự án này, ngài cho mời các vị giáo sư chuyên môn và danh tiếng của các trường Trung học ngoài đời đến Phật học viện dạy cho chư Tăng.

Các bộ môn cần thiết như Đại số, Hình học, Vật lý, Hoá học, Vạn vật, Sử ký, Địa dư, Văn chương, Sinh ngữ, Triết học v.v… đều được đem ra dạy cho chư Tăng học hết.

(Chính nhờ vào chương trình này cho nên hấu hết chư Tăng sinh của Phật học viện Huệ Nghiêm đều tương đối giỏi về văn hóa (phổ thông) người thấp nhất cũng đã xong được trình độ của lớp 9,10).

Hòa thượng Hội chủ kiêm Viện trưởng, Trụ trì Viện Hóa đạo và Ấn Quang tự THÍCH THIỆN HÒA cùng với một số quý thầy lớn khác của Phật học đường NAM VIỆT khi xưa (còn sót lại vài ba vị) đều rất lấy làm vui mừng và an ủi khi thấy các học trò cũ của mình ngày nào nay đã nối tiếp được đường lối và chí nguyện của quý NGÀI trong việc giáo hóa và đào tạo chư Tăng cho thế hệ kế tiếp.

Kể từ nay, quý NGÀI đã có thể an tâm tĩnh dưỡng tuổi già và cực lực tu hành cho việc giải thoát mai hậu trong những chuỗi ngày tàn còn sót lại của cuộc đời mình.

Còn riêng về cá nhân của cố Hòa Thượng, trong chức vụ Đốc Giáo của Phật học viện, thì nhờ vào tài năng, kiến thức, uy tín, đức hạnh, lòng từ bi cùng sự tổ chức, lãnh đạo khéo léo của ngài và 2 vị phụ tá nên Học viện càng ngày càng thêm nổi tiếng khắp nơi trong nước. Từ trong Nam ra đến ngoài Trung (và ngược lại) trong các chốn tòng lâm, mỗi khi nhắc đến Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm thì mọi người đều biết rằng đây là một Phật học đường chuyên đào tạo Tăng Tài cho Giáo hội, quy mô không kém gì PHẬT HỌC ĐƯỜNG NAM VIỆT xưa kia.

(Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lúc bấy giờ rất hoan hỷ và hài lòng về Phật học đường Huệ Nghiêm này).

Vì muốn báo đền ơn đức của các sư phụ (như bổn sư, thế độ sư, giáo thọ sư, cầu pháp sư, y chỉ sư v.v…) cùng công ơn đào tạo của Giáo Hội và đàn na tín cúng cho nên trong thời gian này cố Hòa Thượng còn đảm trách thêm các nhiệm vụ khác mà Giáo Hội và Viện Hóa Đạo giao phó nữa, như là:

– Giảng dạy Phật Pháp tại phân khoa Phật học Viện Đại học Vạn Hạnh.

– Giáo thọ sư tại các ni trường Dược Sư và Từ Nghiêm. (Đào tạo được rất nhiều ni sư lỗi lạc cho ni bộ Bắc Tông). Trong giai đoạn này, mặc dầu luôn bận rộn với chức vụ và các chương trình giảng dạy nhưng không vì thế mà ngài quên đi công việc hoằng pháp lợi sanh của mình, do vậy nên ngài vẫn tiếp tục soạn thuật và phiên dịch thêm kinh sách để cho chư Tăng ni và các Phật tử có được đầy đủ thêm tài liệu tu học.

Thời gian từ năm 1964  1967, trước sau ngài đã hoàn thành được các bộ kinh, sách sau đây:

– Năm 1964 – 1965: Hoàn thành công việc soạn thuật bộ sách “PHẬT HỌC TINH YẾU” gồm có 3 thiên (quyển 1, 2, 3) dài trên 1.200 trang. Qua bộ sách này ngài đã gom được vào trong đó một số lớn những đề mục quan yếu trích từ trong các kinh điển mà hàng tứ chúng rất cần thiết phải biết đến, phải học hiểu cho cuộc đời tu hành, hoằng pháp và kiện toàn thêm các kiến thức về Phật pháp căn bản (Trung đẳng) của mình.

– Năm 1965 – 1966: Ngài hoàn tất việc biên soạn quyển “NIỆM PHẬT THẬP YẾU” gồm có 10 chương dài gần 400 trang (Kể luôn cả các phần bổ túc sau này trên 50 trang (1979-1980) (Các ấn bản đang lưu hành hiện nay đều thiếu mất phần bổ túc quan trọng này)

Trong quyển sách này ngài đã giải thích, hướng dẫn và giảng dạy cặn kẽ (đến mức cùng cực) về pháp môn Tịnh độ mà từ trước đến nay chưa có một vị đại sư nào (kể luôn cả các vị thầy lớn (tổ) khi xưa (của Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và ngay chính đến các sư phụ của ngài trong Phật học đường Nam Việt trước kia nữa) mà có thể hoằng dương được giáo môn Tịnh độ một cách quy mô và rõ ràng tới tận cùng xương tủy như thế cả.

Cho đến ngày hôm nay (và có thể là mãi mãi về sau) quyển NIỆM PHẬT THẬP YẾU của Cố Hòa Thượng bao giờ cũng vẫn luôn luôn là một quyển sách hoằng dương Tịnh độ (Tông) có giá trị và nổi tiếng bậc nhất (so với các sách cùng loại của Phật giáo Việt Nam). Được xem như là một quyển sách “Gối đầu (nằm) của Phật tử chuyên tu Tịnh độ.

– Năm 1966 – 1967: Hai quyển kinh sách sau đây được hoàn tất:

1. – DUY THỨC HỌC CƯƠNG YẾU (biên soạn) dài gần 300 trang – quyển sách này giảng dạy hầu hết các phần quan yếu trong bộ môn Duy thức học.

2. – ĐẠI BI TÂM ĐÀ RA NI KINH: (Còn gọi là Thiên thủ, Thiên nhãn Vô ngại Đại bi Tâm Đà ra ni kinh) dài trên 150 trang – đây là một quyển kinh Mật tông, giảng dạy và hiển dương về oai lực của chú Đại bi, một thần chú rất phổ thông đang được dùng trong hầu hết các khóa lễ hiện nay nơi Phật tự.

(Đấy là chưa kể đến các bài vở Giáo khoa do ngài biên soạn ra để dạy trong 3 trình độ Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng cho các Tăng sinh nơi Phật học viện Huệ nghiêm, các Ni trường Dược Sư – Từ Nghiêm và Viện Đại học Vạn Hạnh – các bài vở này nếu gom lại có thể dài đến hơn ngàn trang giấy.)

Một lần nữa đến đây ta nhận thấy gì?

– Ta nhận thấy rằng cố Hòa thượng quả nhiên là một bậc thầy lớn, một bậc đại sư về Phật học. Đối với đạo pháp và chư Phật tử lúc nào ngài cũng quan hoài đến bằng một tấm lòng trân trọng và thương sót chí tình, chí đạo mà trong đó tâm của ngài tuyệt nhiên chẳng hề khởi lên một ý niệm cầu tìm nào dù là một chút nhỏ về các việc phù tục lợi danh. (như một số lớn chư tăng đương thời vướng phải)

Chú thích:

(1) Câu này ý nói: Thân tứ đại của ta không bền, nó mong manh như bóng, như bọt, không thường còn, sống chết không biết lúc nào, vậy mà người đời lầm tưởng là nó trường tồn nêng nâng niu yêu quý nó (rốt cuộc bị đoạ vì nó).

(2) Thân vóc này nó mau già, bệnh, chết, cũng giống như giọt sương (giọt lộ) đọng ở giữa bông hoa vậy, lúc sáng sớm còn thấy có nó, đến khi mặt trời lên một chút sau thì tan mất (bốc hơi) – Đây cũng ý nói là không bền.

(3) Vậy mà còn làm ra vẽ giàu sang, phô trương áo quần nhung lụa (bọc bên ngoài cái thân hôi thúi)

(4) Cho đến đứa ngu khờ (đây là dụ cho tất cả chúng sanh) cũng muốn làm sang đẹp – Đây là cái bịnh yêu, ái, chấp thủ (tập khí) của tất cả chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến giờ.

(5) Nại Hà: là tên của một con sông ở dưới âm phủ nằm phân chia ranh giới của cõi dương (sống) và cõi âm (chết). Bắc ngang qua sông là một cái cầu vồng nhỏ bề ngang chừng bằng bắp tay tên là Nại Hà kiều. Hồn người chết phải đi ngang qua cầu ấy. Trên cầu có gió lạnh thổi lên, nếu hồn là người hung ác, tội nặng… thì bị lạnh cóng, tê hết tay chơn, té xuống sông, bị rồng rắn ở dưới ăn thịt (và bị đọa vào địa ngục)

(6) Tào quan: Tào là âm tào (âm phủ) – Mấy vị quan lại dưới âm phủ như phán quan chẳng hạn. Đối với người có tội thì họ la hét, xử phạt thẳng tay không có vị tình dù kẻ đó là Trời, rồng, vua chúa đi nữa (pháp bất vị thân)

(7) Xoa, Chủy: Tên của một thứ vũ khí thời xưa – Xoa: giống như một cái lò xoa (ruột gà) nhọn và bén, đâm vào bụng rồi rút ra thì ruột, gan, tim phổi theo nó mà đổ đống ra ngoài – Chủy: tựa như quả tạ, đập xuống một cái là dẹp lép như tờ giấy.

(8) Đài gương nghiệp cảnh: ở âm phủ có lập một cái đài cao, trên đó có bài trí một tấm kiếng (gương) rất lớn. Nếu vong hồn nào chối nói là không có gây tội vv…thì phán quan đem ra trước kiếng này, bao nhiêu tội ác của người đó trước sau đều hiện rõ ra trong kiếng, hết đường chối cãi, phải bị xử phạt xứng đáng.

(9) Rừng đao kiếm: Rừng cây mà từ thân, nhánh, lá, bông, trái đều bằng gươm đao hết. Người trên thế gian làm nghề đồ tể, hoặc săn bắn khi chết bị đọa vào đây, thấy có thú dữ rượt bắt, sợ quá leo lên cây trốn. Kế đó có gió mạnh thổi tới, toàn thể cây đều hóa ra gươm, đao theo sức gió mà khua động chém người đó nát ra từng miếng nhỏ.

(10) Bị đọa làm thú vật mang lông, đội sừng (như trâu, bò vv…)
(11) Những kẻ kiêu ngạo khinh chê, hủy báng Tam Bảo.

(12) Cô phần: Nấm mộ, mã người chết.

(13) Trong tâm mình sẳn có Phật (tánh) rồi. Đất từ bi đây là Tâm địa (như trong kinh Tâm địa quán dạy vậy)

(14) Người học Phật đã biết cõi đời này là mộng, tất cả sự việc đều chẳng bền như đồ vật trong chiêm bao (mộng) rồi thì đừng có bám theo mộng đó (người đời do ngu mê nên sống trong mộng (giả dối) mà cứ tưởng là thiệt).

(15) Biết giải thoát là chơn thì nên tu theo lời Phật dạy để bỏ giả cõi trần mà quay về cảnh chơn nơi cõi Phật.

(16) Sáu chữ Phật: là lục tự Di đà tức là câu “Nam mô A Di Đà Phật”.

(17) Diêm lão: là vua Diêm Vương, cứ y theo tội mà xử chẳng có dung tha.

(18) Xin hãy tin theo lời Phật dạy, thánh dạy (mà phản tỉnh tu hành) đừng nghe theo các lời tà ma, ngoại đạo.

(19) Rỗi rãnh, ưu du: Làm biếng nhác (ưu du) ý của câu này nói phải nên siêng tu.