VÔ NHẤT ĐẠI SƯ THÍCH THIỀN TÂM MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI

Soạn Giả: Ưu Bà Di, Bồ Tát Giới BẢO ĐĂNG
Giảo Chánh: Sa môn THÍCH HẢI QUANG
Xuất Bản: Pháp Hoa Tự, Tucson-Arizona

 

PHẦN II

A. Giai đoạn chánh thức xuất gia

Đây nhắc sơ lại…

Sau khi cố Hòa thượng giữa lúc đêm khuya dập đầu cúi lạy, bái biệt song thân vẫn đang còn mơ màng trong giấc điệp, khăn gói lén trốn ra khỏi nhà, và kế đến là giã từ người anh thứ năm thân thiết nhất tại nơi bến đò Bình Xuân rồi, với MỘT thân, MỘT bóng, và MỘT tay xách nhỏ mà bên trong chỉ chứa vỏn vẹn có MỘT bộ đồ màu lam ngắn cũ, MỘT mình bước lên đò qua sông trong gió lạnh đêm khuya của một ngày vào cuối mùa xuân năm Ất Dậu (1945).

(Thật là tội nghiệp cho “thân gái dặm trường” giữa chốn trời khuya – nhưng ở đây thì không phải là thân gái mà phải đổi lại là thân “Trượng phu dặm trường” nơi chốn đường xa).

Ngài đáp chuyến xe đò sớm nhứt chạy lộ trình từ Bình Xuân lên Mỹ Tho, Chợ Gạo. Trên chuyến xe này chỉ có một mình ngài là người thanh niên trẻ tuổi, ngoài ra còn lại đều là các khách thương buôn (bạn hàng) có thương vụ cần thiết xuôi ngược mỗi ngày trên con đường này mà thôi.

Xe chạy đi trên con đường “lộ làng” gồ ghề, lồi lõm nên có khi nghiêng qua, ngã lại, xốc xuống, xốc lên (những thập niên của khoảng thời gian này, ngoại trừ các đường liên tỉnh lộ thì được trải đá, lót nhựa êm bằng, đúng tiêu chuẩn, còn các đường lộ của quận, của làng thì chỉ trải bằng đất đỏ (đá ong) hoặc đá xanh cùng với đất bùn mà thôi chớ không có lót nhựa, cho nên lâu ngày bị nắng mưa dầu dải tạo ra nhiều lỗ trũng, gồ ghề, vì vậy mà đường xá bị đầy các vũng nước khi trời mưa và bụi mù khi trời nắng), tựa như đang ngồi trên lưng ngựa, khiến cho ngài liên tưởng đến khixưa Tất Đạt Đa thái tử giữa đêm khuya, bỏ vương cung ngồi trên lưng ngựa Kiền Trắc trốn ra khỏi chốn hoàng thành.

Còn mình thì bây giờ đây cũng đang ngồi trên con ngựa sắt già (bởi vì chiếc xe đò nhỏ này quá ư cũ kỹ) lìa khỏi quê nhà là nơi cắt rún, chôn nhau vào MỘT buổi sáng tinh sương, với MỘT tấm lòng và MỘT cuộc đời “không MỘT vật” của MỘT người tăng sĩ.

(Nghĩ mà thương cho cố Hòa thượng, cái gì cũng có một hết, cho chí đến sau này khi ngài về Đại Ninh ẩn tu đầu tiên cũng chỉ có một mình).

Con đường này suốt sáu, bảy năm qua ngài đã thường xuyên đi đi, về về (bắt đầu từ khi xuống Mỹ Tho học cùng với các thời gian sau đó là đi về thăm gia đình để điều trị bệnh tình cho mẹ, và hốt thuốc cho song thân, nhất là hai năm sau cùng trực tiếp trị bệnh cho thân mẫu thì ngài thường xuyên đi, về trên con đường này lắm) nên không có gì là xa lạ hết, nhưng hôm nay sao bỗng dưng ngài lại thấy nó dường như có một vẻ ảm đạm, đơn buồn!

Ngài ngồi trong xe và ngắm nhìn ra quang cảnh hai bên đường đang ẩn hiện mờ mờ qua làn sương sớm của buổi rạng đông mà trong lòng tự nghĩ:

– Mấy lúc trước kia, trên con đường này ta vẫn thường xuyên có đi, có về nên gọi là “Hữu lai, hữu khứ” còn lần này thì cũng vẫn trên con đường cũ, ta chỉ có đi mà không có về nên gọi là “Hữu khứ, vô lai” (hoặc nếu có về chăng đi nữa thì chắc là cũng còn lâu lắm).

– Con đường này trước kia đã từng đưa lối cho ta đi đi, về về nơi chốn tại gia ràng buộc, đầy dẫy tục trần. Ngày hôm nay, hỡi người “bạn đường” (lộ) thân mến kia ơi, ta cũng nhờ ngươi đưa lối cho ta đi về nơi chốn thiền môn, lìa xa tục lụy, bỏ cuộc chơi trong chốn bụi hồng mà an điềm trong cuộc sống “giai không”.

Vậy thì thôi, bay giờ đây ta chào và giã từ ngươi nhé, hỡi người “bạn đường” (lộ) mà đã cùng ta kết nghĩa “kim lan” suốt sáu bảy năm trời xuôi ngược đến đi.

Bảo Đăng tôi tìm thấy bài thơ này trong phần gần chót của quyển “Nhựt Thăng Tu sĩ di cảo” như sau:

Thôi chào ngươi nhé bạn đường ơi,
Trần thế nay ta bỏ cuộc chơi.
Một bước chân đi không trở lại,

(Tráng sĩ sang sông không trở lại),(1)

Phật tự từ đây định chốn nơi.
Phai bóng người thân, phai tục lụy,
Dặm nghìn quê cũ tách xa khơi.
Đem thân nương nép tòa sen thắm,
Rực ánh hồng quang tỏa khắp trời.
Nhựt Thăng Tu sĩ
(Trên đường xuất gia)

(1) Tráng sĩ sang sông không trở lại: Câu này lấy sự tích của Tráng sĩ Kinh Kha vào đời Đông Châu, từ nơi nước Yên mang gươm qua sông Dịch Thủy ám sát vua Tần Thỉ hoàng, việc không thành, Kinh Kha bị giết luôn trên điện không trở về nữa. Đây ngài ngụ ý một khi đã xuất gia rồi là quyết không quay trở lại gia đình (Một bước chân đi không trở lại).


Và rồi thời khắc từ từ trôi qua …

Chiếc xe đò cũ kỹ hom hem lìa khỏi lộ làng, tiến vào trong tỉnh lộ Gò Công  Mỹ Tho  Chợ Gạo. Đường xá bắt đầu thấy êm ái hơn cho nên con ngựa sắt già nua kia chỉ còn lắc lư nhè nhẹ như ru hồn người tu sĩ cô đơn vào trong mộng đẹp “thoát trần”.

Bên ngoài, bầu trời từ mờ sương đã chuyển dần sang sáng trắng, nơi phương Đông đã thấy ửng ánh dương hồng và rồi vầng dương từ từ lố dạng, ánh nắng ban mai đầy sức sống bắt đầu chan hòa trên khắp nội cỏ, ngàn cây.

Một ngày mới bắt đầu…

Và cuộc đời của người “Nhựt Thăng Tu sĩ” nay cũng sẽ bắt đầu…

…… Trên một con đường mới khác…….
Chiếc xe ngừng lại tại bến Mỹ Tho……

Ngài một bóng cô đơn, lủi thủi sang xe hướng về nơi định sẵn.

Không bao lâu thì vào đến quận Xoài Hột.

Ngài xuống xe, đếm bước độc hành trên con đường mòn nhỏ dẫn dần về nơi chốn thiền môn…

Trong di cảo có bốn câu thi sau đây:

Mỗi bước mỗi gần thêm cảnh tịnh,
Xa lìa tăm tối, lánh vô minh.
Trần duyên rày dứt, người quen mất,
Tạ chốn bụi hồng, đáo Ngọc Kinh Ngọc Kinh: ý nói là nơi Phật ở

Nhựt Thăng Tu sĩ 1945 (Ất Dậu)
(Hướng chốn am thiền)

(Bảo Đăng xin lược ý của bài thơ này như sau:

– Cứ mỗi bước chân đi là lìa xa thêm cảnh vô minh, tăm tối để đến gần thêm nơi cõi tịnh (tức là nơi giải thoát)

Từ đây ta nguyện dứt mọi duyên trần, quên mất các kẻ quen người xưa, từ tạ chốn bụi hồng mà đến thẳng nơi miền Phật ngự).

Chẳng mấy chốc cổng thiền môn hiện ra trước mắt, đồ sộ uy nghiêm với cổng Tam quan cổ kính trên có tấm biển vàng ghi mấy chữ đỏ to:

SẮC TỨ LINH THỨU TỰ

Ngài dừng bước, bỏ nón ra, quỳ xuống kính cẩn dập đầu cúi lạy.

Có thơ rằng:
Sắc Tứ Linh Thứu chính là đây,
Phú quý, vinh hoa chẳng đắp xây.
Nhựt Thăng Tu sĩ từ nay quyết,
Bỏ đời an ẩn chốn am mây.

Nhựt Thăng Tu sĩ 1945 Ất Dậu

(Đến lễ cổng chùa)

Đoạn ngài đứng lên và gọi lớn:

– Thầy ơi, xin mở cửa dùm, con là Nhựt Thăng nay đã đến đây rồi.

Vị tăng trị sự ra mở cổng, chào mừng rằng:

– Ủa, đạo hữu Nhựt Thăng vừa mới đến đó sao, hãy vào gấp đi, Hòa thượng mấy hôm nay có lòng trông đợi.

Ngài cúi đầu đảnh lễ, theo chân vị tăng trị sự bước thẳng vào chùa.

Phía sau lưng ngài, cánh cổng thiền môn từ từ khép lại, và khép luôn cả cuộc đời của Tu sĩ Nhựt Thăng.

Sau đây là bốn câu thơ cuối cùng trong quyển Nhựt thăng Tu sĩ di cảo.

Từ đây tôi chẳng phải là tôi,
Mà cả trần gian cũng thế thôi.
Họ NGUYỄN, NHỰT THĂNG rày đã chết,
Sau cổng thiền môn đóng kín rồi.
Nhựt Thăng Tu sĩ, Ất Dậu 1945
(Chôn kín đời tôi)

Bảo Đăng tôi xin lược ý bốn câu thơ “siêu tuyệt” này để cho quý đọc giả hiểu rõ thêm ý văn của cố Hòa thượng.

Câu thứ nhất:

Từ đây tôi chẳng phải là tôi,

(Là ý nói đã dứt NGÃ chấp – Tức là không còn chấp ta nữa)

Câu thứ hai:

Mà cả trần gian cũng thế thôi.

(Là ý nói dứt luôn cả Ngã sở – tức là những cái mà ta tưởng là thuộc về ta, của ta).

Câu thứ ba và tư:

Họ NGUYỄN, NHỰT THĂNG rày đã chết,
Sau cổng thiền môn đóng kín rồi.

(Là ý nói từ đây nơi chốn thiền môn, không còn sử dụng tên Nhựt Thăng, họ Nguyễn nữa mà là tên (sau này khi xuống tóc quy y) Thiền Tâm, họ Thích mà thôi).

B. THẾ PHÁT – QUY Y THÍCH MÔN CHI TỬ

(Xuống tóc quy y làm con của Phật).

Sau khi nhập tự rồi, (thì cái việc sắp xếp nơi ăn, chốn ở, cùng với các lời dặn về thanh quy (quy củ trong chùa) v.v… đó là việc đương nhiên, xin miễn lược ra để tránh dài dòng). Sáng ngày hôm sau vị chấp tự tăng hướng dẫn ngài tới đảnh lễ Viện chủ và dâng trình lên Hòa thượng trụ trì Sắc Tứ Tự thơ giới thiệu của Hòa thượng PHẬT ẤN sau đây:

Mỹ Tho,

Vĩnh Tràng Tự  THÍCH PHẬT ẤN Hòa thượng

Kính gởi:

Sắc Tứ, Linh Thứu Tự  THÍCH THÀNH ĐẠO

Đại lão Hòa thượng pháp huynh,

Nam mô A Di Đà Phật

Kính bạch pháp huynh tôn giả,

Người mang thư này tên NHỰT THĂNG, họ NGUYỄN sanh quán tại xã Bình Xuân, huyện Hòa Đồng  tỉnh Gò Công. Tuổi Ất Sửu (1925), cha tên Nguyễn Văn Hương, mẹ tên Trần Thị Dung – năm nay vừa đúng 20 tuổi.

Là một tục gia đệ tử của tôi pháp danh là Trí Hiền, vì muốn tránh chướng duyên ngăn cản và truy tìm của song thân cùng với gia đình trên đường xuất gia tu học cầu giải thoát, nên được tôi chấp nhận cho phép y rời Vĩnh Tràng bổn tự đến nơi pháp huynh và quý tự để xin xuống tóc xuất gia.

Ngưỡng mong pháp huynh thương xót lấy Trí Hiền và vì tôi mà mở lòng từ bi, chấp nhận làm Thế độ sư và y chỉ sư để cho y được tăng thượng thêm pháp duyên trên con đường tu học hiện tại và tương lai.

Nam mô từ mẫn cố, đại từ mẫn cố.

Bái bạch.

Trụ trì Vĩnh Tràng Tự
Hòa thượng THÍCH PHẬT ẤN

Sau khi xem xong thư giới thiệu rồi, Đại lão Hòa thượng Sắc Tứ Linh Thứu Tự lấy làm hoan hỷ, hứa khả và chọn ngày để xuống tóc, xuất gia.

(Đến đây, qua lời kể lại của ĐĐ. Bổn sư THÍCH HẢI QUANG, Bảo Đăng tôi xin lược thuật lại về việc này như sau:

Theo lời cố Hòa thượng kể lại cho cháu ruột và cũng là đệ tử, ĐĐ. bổn sư Thích Hải Quang biết:

– Trong những lần bổ thuốc sau chót cho cụ bà thì ngài có đến đảnh lễ Hòa thượng bổn sư Phật Ấn nơi Vĩnh Tràng tự và trình bạch về việc mẹ đã lành bệnh cùng với ý định xuất gia của mình.

Hòa thượng có hỏi:

– Con thấy ba má con có vui lòng và đồng ý để cho con đi tu không?

– Dạ, bạch Hòa thượng không, chắc thế nào cũng bị khóc lóc, bi thương ngăn cản vì con thấy phụ mẫu của con nặng tình với con lắm. E rằng ngày con thưa xin được chánh thức xuất gia có nhiều trở ngại.

Hòa thượng hỏi:

– Vậy con tính làm sao nói cho ta nghe thử.

Ngài đáp:

– Bạch Hòa thượng con định nửa đêm lén trốn nhà và ba má, con đi xuống đây, Hòa thượng xuống tóc cho con xuất gia, đặt ba má con vào trong việc đã rồi, thì dầu cho có muốn ngăn cản cũng không được.

Hòa thượng cười nói:

– Việc nửa đêm lén trốn nhà, bỏ cha mẹ đi tu thì được vì xưa kia Phật và một số chư vị Tổ sư cũng đều có làm y như vậy. Còn cái việc muốn xuống tóc tại đây để đặt ba má con trong sự đã rồi thì không được.

Ngài mới hỏi:

– Bạch Hòa thượng sao vậy?

Hòa thượng đáp:

– Vì ba má con sẽ xuống đây tìm kiếm, khóc lóc, hay làm bộ té xỉu lên, xỉu xuống thì khó cho ta mà cũng khó cho con. (Thiệt là một lão Hòa thượng có nhiều kinh nghiệm về việc này hết sức!)

Ngài hỏi:

– Bạch Hòa thượng, vậy thì làm sao cho ổn?

Hòa thượng đáp:

– Việc cũng không có gì khó, đó là phải trốn đi tới một chỗ khác, chỗ mà xưa nay ba má con chưa từng nghe biết hay lui tới lần nào, vậy thì mới xong. Như xưa kia Thái Tử Sĩ Đạt Ta rời khỏi nước nhà qua nơi xứ khác mới yên ổn tu được, chớ nếu ở trong xứ thì vua cha đem quân tới rước về, làm sao tu?

Ngài hỏi:

– Bạch Hòa thượng, vậy con phải đi đâu đây?

Hòa thượng đáp:

– Cũng ở trong tỉnh Mỹ Tho này, có chùa Sắc Tứ Linh Thứu, trụ trì chùa đó là bậc đàn anh của ta, để ta gởi con tới đó thì xong … Vậy bây giờ con cứ về đi, ở trong gia đình bình thường coi như không có gì hết, chừng nào muốn “tẩu thoát” thì ghé qua ta mà lấy thư giới thiệu.

Y theo kế hoạch đó, cho nên trong lần bổ thuốc sau cùng cho phụ mẫu thì ngài có đến Hòa thượng bổn sư thưa trước ngày đi và nhận từ nơi bổn sư bức thư giới thiệu (ở trên).

Còn Hòa thượng Phật Ấn thì mấy hôm sau đó ngài mới tự thân đi xuống Xoài Hột, gặp riêng Hòa thượng Thành Đạo bàn tính và gởi gấm xong xuôi đâu đó hết rồi.

Vì vậy mà khi cố Hòa thượng của chúng ta đang đêm đào tẩu khỏi chốn “hoàng cung” của song thân thì ngài trực chỉ đến Sắc Tứ Linh Thứu tự luôn chớ không có ghé qua chùa Vĩnh Tràng lại.

Đến nơi rồi ngài kêu cửa và vị tăng tri sự ra đón tiếp như vừa kể ở phần trên …)

Và rồi … hơn một tháng sau …

Vì xét thấy ngài đã hội đủ hết các điều kiện xuất gia sau đây:

– Có thư gởi gắm và giới thiệu của Hòa thượng bổn sư (Thích Phật Ấn, Vĩnh Tràng Tự).
– Năm tuổi đầy đủ (đúng 20 tuổi)
– Đủ tướng trượng phu.

(Ở trong Phật pháp, từ 20 tuổi trở lên và 70 tuổi sắp xuống (tức là tuổi từ khoảng 20 đến 70) thì được gọi là Trượng phu, vì ở tuổi này có thể đủ sức để chịu đựng được 10 việc sau đây: LẠNH, NÓNG, GIÓ, MƯA, ĐÓI KHÁT, GIỮ GIỚI, ĂN NGÀY MỘT BỮA (Ngọ), NHẪN CHỊU ĐƯỢC CÁC LỜI NÓI HUNG ÁC, KHÔNG SỢ ĐỘC TRÙNG (như sâu bọ, rắn rít, bò cạp, và các loại độc vật khác v.v …).

– Đã từng có ở chùa (Hơn bốn năm).

– Hiểu biết kinh điển, giáo lý.

– Rành rẽ và thông thuộc các nghi thức công phu, bái sám căn bản nơi chốn thiền môn.

– Lý lịch, căn cước, gốc tích phân minh, rõ ràng (đầy đủ tên cha mẹ, và sanh quán, chứng tỏ đây là một hảo nhân).

Vả lại vì cũng đã chọn được ngày lành, tháng tốt và đầy đủ được hết các duyên nên Trụ trì Sắc Tứ Linh Thứu Tự, Đại lão Hòa thượng Thích Thành Đạo Pháp sư cho họp tăng chúng lại, lập đàn, thế phát quy y để cho ngài được chánh thức xuất gia, nhập đạo và ban tứ cho ngài pháp danh là: THÍCH THIỀN TÂM.

Nơi phần kế chót của quyển “Nhưt Thăng di cảo”, Bảo Đăng có tìm thấy được một bài thơ ghi lại các “nỗi lòng” của cố Hòa thượng trong ngày lễ xuống tóc xuất gia (thế phát thọ giới) rất là cảm động như sau:

NỖI LÒNG TU SĨ (4)
Lạy này tạ hết những niềm thương,
Phụ mẫu đệ huynh khắp mọi đường.
Lạy thứ hai, tay nâng dâng trả,
Tình nhà, nợ nước, nghĩa quân vương.
Lạy thứ ba con xin kính lễ,
Ơn dầy sanh dưỡng mấy mươi sương.
Lạy thứ tư, từ nay vĩnh biệt,
Chôn đời, theo Phật chốn Đoài phương (1)
Thích Thiền Tâm
(Ngày thọ giới)

(1) Đoài phương: là phương Tây – trong đạo Tiên có một pháp môn tên là Bát quái gồm 8 cung, là: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Tám cung này được phân bố ra khắp cả bốn phương Đông – Tây – Nam  Bắc, trong đó thì cung Đoài được an trí tại Phương Tây.

Câu thơ chót này ý nói: kể từ nay, ngài đã chôn vùi cuộc đời trần tục của mình để theo Phật A Di Đà nơi miền Tây phương Cực lạc rồi và một người tu sĩ Phật giáo sau khi lạy xong bốn lạy này (lạy tạ tình nhà, lạy tạ nợ nước, ơn vua, lạy tạ ơn sinh dưỡng lạy vĩnh biệt từ thân) thì từ đó trở đi cho đến cuối cuộc đời không còn lạy bất cứ một ai nữa, ngoại trừ Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng mà thôi.

Kể từ nay…

Sau cánh cổng của ngôi SắcTứ Linh Thứu Tự này, chàng thanh niên trẻ tuổi, đẹp trai, tài hoa, phong nhã, thi phú văn chương… của lứa tuổi đôi mươi tên là Nguyễn Nhựt Thăng ngày nào, giờ đây đã chết y như lời ngài nói trong thơ rằng:

Họ Nguyễn, Nhựt Thăng giờ đã chết,
Sau cổng thiền môn đóng kín rồi.

Lành vậy thay.

Kính Bạch Đại Đức Liên Du Thích Thiền Tâm, tất cả đệ tử, đồ tôn chúng con xin cúi đầu đảnh lễ.

Trong phần cuối cùng của di cảo, có bài thơ như sau:

Từ nay tên gọi THÍCH THIỀN TÂM,
Chôn vùi dĩ vãng chốn xa xăm.
Nguyễn Nhựt Thăng kia rày khuất dạng,
Đã chết lâu rồi, tự mấy năm!

TRÍ HIỀN, THÍCH THIỀN TÂM

Năm tháng trôi qua…

Đêm ngày thắm thoát, mùa tiết lần lượt sau trước đổi dời, thời gian chuyển biến âm thầm, không một phút giây nào ngừng nghỉ!

Ôi! đó có phải là Tạo vật đã hiện ra cái tướng lưỡi rộng, dài, diễn nói pháp mầu khiến cho chúng sanh nhận thấy rõ là kiếp người vô thường, vinh hoa giả tạm, để mà mau tìm đường giải thoát cho khỏi bị trầm luân mãi mãi trong vòng sanh tử đó chăng?

Kể từ khi ngài xuống tóc xuất gia cho đến nay, thoáng đó mà đã gần hai năm dài qua mau trong âm thầm lặng lẽ, người Tăng sĩ trẻ tên Thích Thiền Tâm vẫn một dạ miệt mài và tinh tấn nơi bước đường tu, cách biệt hẳn với duyên đời theo đúng như chí nguyện xa xưa của mình trong giờ phút bước chân xuống đò sang sông (Bình Xuân) hơn một năm về trước, là:

Vì sợ tử sanh cam lỗi đạo,
Nguyện đấng huyên đường chẳng xót xa.

Và cũng như qua ý thơ của cụ ông ngày nào:

Vì sợ tử sanh con lỗi đạo,
Hướng về Phật tự lướt xông pha?

Phải, đúng như vậy.

Chính vì sợ tử sanh là cái việc trọng đại, ghê gớm nhứt ở trên cõi đời này mà từ quá khứ đến nay (cùng trong buổi tương lai nữa), nó không dung tha cho bất cứ một ai và riêng mình cả, nên ngài mới:

Bỏ quê, bỏ xứ, bỏ người thân,
Lìa hết thương yêu dứt ruột rà …

Mà dõng mãnh cắt ái, từ thân, gọt bỏ đi mái tóc xanh để trở thành một người tăng ni.

Vậy thế nào được gọi là tưởng đến cái “khổ sanh tử” mà xuất gia? Tổ sư dạy như sau:

– Ta cùng chúng sanh, nhiều kiếp đến nay hằng ở trong cùng sanh tử, chưa từng được thoát ly, khi ở cõi này, lúc thế giới khác, siêu đọa trong phút giây, xuống lên ngàn muôn nẻo! Cửa quỷ sớm đi rồi chiều lại, âm ty nay thoát bỗng mai vào – lên non đao rừng kiếm, thân thể đứt lìa. Nuốt sắt nóng dầu sôi, ruột gan rã cháy – khóc than trong lửa, rên siết trong băng – Muôn lần sống chết nội ngày đêm, giây phút khổ đau bằng thế kỷ  lúc ấy dù biết tội khổ, nhưng ăn năn sao kịp!

Đến khi ra khỏi, vội liền quên mất, vẫn tạo tội như thường. Tâm không hằng như lữ khách ruổi dong, thân chẳng định hướng cửa nhà thay đổi. Cát bụi cõi đại thiên không tính nổi số thân luân chuyển, nước đầy trong bốn bể, chẳng nhiều bằng giọt lệ biệt ly!

Nếu không lời Phật nói, thì việc này ai thấy, ai nghe! Ví như chẳng xem kinh, lý ấy đâu hay, đâu biết? Thảng hoặc luyến mê như trước, chỉnh e y cũ luân hồi. Rồi ra trăm kiếp nghìn sanh, khó hối một lần trăm lẫn. Giờ tối vội qua mà chẳng lại, thân người dễ nhưng khó tìm.

Âm cảnh mịt mờ,
Xót nỗi biệt ly dài đặt.
Tam đồ ác báo,
Thương cho thống khổ ai thay!
Vậy nên phải:
Dứt nguồn sanh tử,
Cạn bể dục si.
Độ thoát mình người,
Đồng lên giác ngạn.
Muôn đời siêu, đọa,
Duy ở kiếp này.
Không bê trễ được.

(Liên Tông Thập nhứt Tổ – Thiệt Hiền Đại sư)
(Phương liên Tịnh xứ Vô Nhất Đại sư Thích Thiền Tâm dịch)

Là một người hiểu đạo lý (một cách thâm sâu). Cho nên kể từ sau ngày xuất gia trở thành sa môn Thích tử, cố Hòa thượng hằng luôn tinh tấn, chuyên cần, quán xét cái nỗi khổ sanh tử đáng sợ như thế mà niệm Phật ngày đêm (như khi còn nhỏ, lúc mới lên 7 tuổi mà đã biết niệm Trời, niệm Phật rồi vậy). Nhứt quyết trong hiện đời này, nương theo nguyện lực của đức A Di Đà Thế tôn, đới nghiệp về Tây, biệt đường sanh tử. (Có như vậy mới xứng đáng được với cái Phật ấn của Phật đã in lên trán thọ ký ngày nào).

Có đôi lúc trên pháp tọa giảng kinh hoặc thuyết pháp, cố Hòa thượng thường vì tứ chúng mà khai thị về cái chết như sau:

……..Như có người bị tội nặng, vua dạy đem ta chém chết, người ấy có thể dùng lời nói dịu dàng khéo léo, hoặc dâng lên của cải, tiền bạc, châu báu v.v… mà được khỏi tội.

Nhưng sự chết thì không như thế.

Dầu cho dùng hết tất cả lời nói dịu dàng, dâng lên hết tất cả châu báu trên thế gian này cũng chẳng thể nào thoát được. Cái chết là một hiểm nạn, không gì giúp đỡ được, ví như đi đường xá xa xôi mà chỉ có đơn độc một mình. Cái chết nó vào không cần có cửa nẻo mà vẫn đến chỗ, đến nơi, khi nó đến nơi (ta) rồi dù (ta) không đau đớn nhưng chẳng thể chữa lành………..

……..Cái chết khi nó đến rồi thì không ai ngăn được, không ai thoát được. Nó không phá phách gì mà người luôn luôn sầu khổ, nó không có hình tướng hay màu sắc xấu xa chi mà làm cho tất cả trời, người thảy đều kinh sợ, nó hằng ở bên bản thân mọi người mà chẳng ai biết, ai hay. Do vậy cho nên biết rằng cái chết là một điều đại khổ…

(Thời pháp này, tên là “Thời pháp vô thường” mà cố hòa thượng đã giảng tại Phương Liên Tịnh xứ đạo tràng vào trước năm 1975).

Trong thời gian này, thỉnh thoảng cũng có đôi lúc ngài nghĩ tưởng đến song thân, vì ngài cũng dư biết lúc ngài ở nơi xã Bình Xuân xa xôi kia hiện có bóng dáng của hai người đang thổn thức đau buồn và có lẽ gần như mỗi ngày đều tựa cửa mong ngóng tin con.

Xót cảnh mẹ hiền thân tựa cửa,

(Xót cảnh cha già trong quạnh vắng)

Mỏi mòn tin nhạn chốn xa xăm …

Nhưng tình đời xưa nay vẫn thế, bởi có hợp tất phải có tan, có vui tất phải có buồn, có sanh tất phải có tử … Nếu như ta không dõng mãnh cắt ái, ly gia, noi theo con đường đi của chư Phật, ắt thân hiện tại đây sẽ phải bị lâm vào trong cái cảnh “cá chậu chim lồng” nơi thường tình nhân thế là sự ràng buộc, yêu ái của gia đình và rồi ở buổi tương lai sẽ lại tiếp tục chịu trầm luân mãi mãi trong vòng sanh tử mà thôi.

Vì thế cho nên thà cam bề lỗi đạo với huyên đường là chẳng thể chung thân hầu hạ sớm hôm còn hơn là bị suốt đời giam thân vào trong trầm lụy.

Qua ý đó, ngài đề bút biên thành một bài thơ sau đây:

Cũng biết từ khi vắng bóng con,
Huyên đường sao tránh khỏi thon von.
Sớm hôm tựa cửa chờ tin nhạn.
Tháng lại ngày qua chắc mỏi mòn!
Nhớ con xin niệm Di Đà Phật,
Nhờ đức từ bi đỡ héo hon.
Lỗi chẳng chung thân hầu sớm tối,
Vì chưng muốn thoát chốn lồng son.
Thích Thiền Tâm
(Bài thơ không gởi)

Bài thơ này mặc dù ngài đã biên xong nhưng vẫn còn nằm trên bàn viết chớ không có gởi về chốn gia đường, (Bảo Đăng được bài thơ này nhân khi xuống chùa Sắc Tứ truy tìm thêm các tài liệu về thời thơ ấu của cố Hòa thượng (1993) do một Phật tử lớn tuổi trao lại), theo như thiển ý, có lẽ vì đây chỉ là một bài thơ “tự cảm” nên ngài không gởi nó đi chăng? theo lời của đạo hữu này kể lại thì khi xưa nhân có một lúc quét dọn trong phòng của cố Hòa thượng, người nhặt được nó ở trên mặt đất và lưu giữ cho đến nay để làm kỷ niệm.

Và sau đó (gần 2 năm sau ngày xuất gia), song thân của ngài mới nhận được một bức thơ cùng một bài thi từ nơi ngài gởi về mà trong đó ngài vừa thăm, vừa thuyết pháp, vừa khuyên nhắc niệm Phật (đã có ghi ở đoạn trước) tu hành và cũng vừa an ủi cho mẹ cha vơi bớt đi phần nào nỗi niềm thương nhớ.

Trong đó có mấy câu chí tình, chí đạo như sau:
(Lặp lại):…………..
Tụ tán xưa nay lý vẫn thường,
Mất còn, tan hợp bận chi thương.
Bình tâm nghĩ lại đừng bi lụy,
Năm tháng lạnh lùng bạc tóc sương.
Nếu có nhớ con xin niệm PHẬT,
Phát lòng quy hướng chốn Tây Phương.
Nguyền cho cậu, má tâm thường nhớ,
Cực Lạc là quê chỗ náu nương.
(Thích Thiền Tâm)