TỨ NIỆM XỨ
SỐ 1918
QUYỂN 02
Đại sư Trí Giả ở chùa Tu Thiền Núi Thiên Thai đời Tùy thuyết giảng.
Đệ tử là Chương An Quán Đảnh ghi
Chia làm ba chương:
- ĐẠI Ý
- DỪNG TÂM
- NIỆM XỨ
I. ĐẠI Ý
Tánh, cọng và duyên niệm xứ trước chỉ thấy lý sinh diệt, phát chân dứt kiết là quả cùng tột, vẫn là bốn khô độ vụng. Nay Bốn Thánh đế Vô sinh ngay sự mà chân, thô tế quán như nhau, đều như huyễn hóa là bốn tươi độ khéo. Đại kinh chép: Thanh văn có khổ, có khổ đế. Bồ-tát hiểu khổ nên không khổ, mà có chân đế. Đại phẩm chép: Muốn được Thanh văn, muốn được Duyên giác, muốn được Bồ-tát đều nên học Bát-nhã. Nên gọi là bốn niệm xứ Thông giáo.
Thông có tám nghĩa: lý, giáo, trí, đoạn, hạnh, vị, nhân, quả.
Lý thông: Đồng duyên tức sắc là không.
Giáo thông: Đồng vâng theo thuyết Vô sinh.
Trí thông: Các pháp chẳng sinh thì Bát-nhã sinh.
Đoạn thông: Nếu Tu-đà-hoàn dứt, thì đồng là pháp nhẫn vô sinh.
Hành thông: Đồng nương Đại thừa.
Vị thông: Đồng là Càn Tuệ địa cho đến Phật địa.
Nhân thông: Đồng học Bát-nhã Ba-la-mật.
Quả thông: Đồng đến Tát-bà-nhã.
Ba hạng người trên có tám nghĩa chẳng khác, nên gọi là Thông.
Lại nữa, thông có ba nghĩa:
- Nhân quả đều thông.
- Nhân thông, quả chẳng thông.
- Thông Biệt, thông Viên.
Nhân quả đều thông: Như tám thông trên đã nói. Cận thông thiên chân, bốn khô độ vụng.
Nhân thông, quả chẳng thông: Là quả riêng đến tiếp, Thông nhờ được thấy Phật tánh thành song thọ bốn tươi.
Thông Biệt, thông Viên: Biệt – Viên nhân quả đều khác với Thông, nhờ Thông mở đường được nhập vào nhân Biệt – Viên, thành quả song thọ chẳng khô chẳng tươi.
Nếu thông nhân quả chính là tiểu-đại-bán-mãn. Chia môn cũng là phân tích thể khéo vụng. Thanh văn tạng, Bồ-tát tạng, dê nai khác đường. Cái gì là Ba tạng? Chưa dứt hoặc vẫn là phàm phu trụ hạ nhẫn vị hàng phục hoặc Kiến tư, dùng thệ nguyện nương năm thông, trụ sinh tử để giáo hóa chúng sinh. Nhị thừa dứt chính sử độ vụng, giữ Niết-bàn, chẳng thể tiến lên trước, nên từ đây chia môn. Nếu ba hạng người đồng dùng đạo, không nói năng, thì người dứt phiền não là Mãn tự. Cửa Đại thừa phần nhiều bao dung, tức mở thành ba: 1. Thông. 2. Biệt. 3. Viên. Thể các pháp như huyễn hóa, không sinh không diệt, không đoạn mà đoạn. Ba người thông vị từ Càn Tuệ tánh địa là phục đạo, Kiến địa đến Thất địa dứt chánh đã trọn. Duyên giác căn tánh lanh lợi có thể hàng phục tập khí, địa vị ngang với Bát địa. Nếu Bồ-tát đã dứt chánh hết, lưu tập khí trợ giúp thệ nguyện chịu sinh tử để giáo hóa chúng sinh. Bát địa, Cửu địa dứt trần sa, vô tri, học đạo chủng trí. Đây tức là ý người Thông giáo chung cho ba thừa.
Nếu thông ở Biệt, ban đầu nhân Thông môn được nhập Thập Trụ, dứt hết hoặc giới nội; Thập hạnh dứt trần sa giới ngoại, học đạo chủng trí; Thập hồi hướng học Trung đạo; Thập điạ phá vô minh thấy Phật tánh. Đó là ý thông ở Biệt.
Ý thông ở Viên: Ban đầu nhờ Thông môn nhập vào Thập tín, dứt hoặc giới nội, hồn nhiên tự hết lậu hoặc đăng Trụ vị thấy Phật tánh, dứt vô minh. Thập hạnh, Thập hồi hướng đều dứt hoặc riêng. Đây là ý thông Viên.
Nên biết Đại thừa đoạn phục khác hẳn Tiểu thừa. Như trong Tập ứng, Bồ-tát từ Sơ phát tâm tương ưng với Tát-bà-nhã, là ý Thanh văn nhất thiết trí thông Thông giáo.
Nếu Bồ-tát từ sơ phát tâm du hí thần thông thanh tịnh cõi nước Phật, thành tựu chúng sinh là ý thông Biệt.
Nếu từ sơ phát tâm liền ngồi đạo tràng, xoay bánh xe pháp, độ chúng sinh là Bồ-tát làm như Phật, là ý thông Viên.
Đại luận nêu ví dụ ba người đi bộ, cỡi ngựa và thần thông. Cỡi ngựa tuy mau hơn đi bộ mà không bằng thần thông, một niệm liền đến.
Ví như Viên giáo sức lớn không ngại các giáo khác.
Lại Đại Luận, nói Đăng Chú rằng: Càn Tuệ là sơ viêm, Phật địa là hậu viêm. Đây là Thông giáo gọi Càn Tuệ chẳng phải đoạn đạo mà là sơ viêm. Chính là luận chủ nêu ra bao dung dẫn người hiểu như thế, dùng tương tự bấc đèn làm sơ viêm. Nếu nói Nhị địa là Bồ-tát đoạn đạo, ở đây giữ tánh địa là đoạn đạo. Đến Lục địa bằng A-la-hán. Hoặc giữ tám nhân địa là đoạn đạo, ở đây lấy Tam địa làm đoạn đạo, Thất địa bằng A-la-hán, mà nay chẳng lấy Nhị địa, Tam địa mà lấy Càn Tuệ, nên biết là Thông. Ban đầu của ba người lấy tự đạo làm sơ viên.
Lại có người nói: Hoan hỷ là Sơ viêm, Phật địa là hậu viêm, đây là theo Biệt giáo, đoạn đạo là sơ viêm. Theo Biệt giáo, Sơ địa thấy lý thường trụ, dứt vô minh, thấy Trung đạo nên gọi Hoan hỉ là Sơ viêm.
Lại có người nói: Sơ trụ là Sơ viêm, Phật địa là Hậu viêm. Đây là ý của Viên giáo. Sơ trụ thấy trung tánh viên, dứt một phẩm vô minh, nên Sơ trụ là Sơ viêm. Đây là nghĩa Thông giáo, Thông biệt, Thông viên.
Bốn môn của Thông giáo:
Đại Luận chép: Tất cả thật, tất cả chẳng thật, tất cả vừa thật, vừa chẳng thật, tất cả chẳng phải thật, chẳng phải chẳng thật, vì nói với đạo nhân, nghe liền được ngộ, đều gọi là tất đàn Đệ nhất nghĩa, v.v…
Phẩm Quán Pháp của Trung Luận chép: Lại tạo bốn câu chứng thật tướng các pháp; ba người cùng được tức lệ này. Nếu huyễn hóa hữu môn thì chung cho năm người. Bốn môn mỗi môn có năm người, thế thì có hai mươi người. Ba Tạng tuy bốn mà phần nhiều dùng Hữu môn, Thông phần nhiều dùng Không môn, Biệt phần nhiều dùng môn vừa không vừa hữu; Viên phần nhiều dùng môn phi không phi hữu. Thiên Thân tuy nói Biệt-Viên mà phần nhiều nói về giai cấp Biệt. Long Thọ nói về minh ảnh tượng huyễn hóa, dùng mười dụ để dụ, lại là giáo lý có chẳng lìa không, không chẳng mất có, chẳng phải có chẳng phải không, chẳng thể nghĩ bàn.
Hỏi: Nếu vậy cũng có Ba Tạng ba người đồng nhập, sao chẳng gọi là Thông? Thông cũng có khác nhau giữa ba người, sao không gọi là Biệt?
Đáp: Ba Tạng ba người mà một người không vào nên không gọi là Thông. Thông tuy ba người mà đều vào không nên gọi là Biệt.
Hỏi: Thông là môn Mãn tự, mà người xưng Thông vì sao lại dừng, như tro, đoạn ư?
Đáp: Ví như cửa đài Chu Tước, tuy chung cả sang hèn, có người dừng ở thất riêng, có người đến phủ tỉnh, có người gặp được vua. Như
trước đã giải thích, Thông chung với Biệt, chung với Viên, nghĩa này có thể biết. Lại ví như do tâm mà có ngủ, có mộng. Mộng dụ cho không, ngủ dụ cho giả, tâm dụ cho trung. Thanh văn quán Tứ đế vô sinh, như huyễn như hóa để nhập Không. Duyên giác quán mười hai nhân duyên vô sinh, như huyễn như hóa để nhập Không, Bồ-tát quán sáu độ vô sinh, như huyễn như hóa để nhập Không, chẳng thấy sâu Giả – Trung, nên đồng trụ hôi đoạn (dứt bặt như tro nguội). Nếu tìm mộng biết được ngủ, tìm ngủ biết được tâm thì chẳng những thấy không mà còn thấy chẳng không, cũng thấy phi không phi bất không. Giải thích Đại ý xong.
II. NĂM PHÁP QUÁN DỪNG:
Danh số đồng với trước, vì sao có khác?
Mắt cá và ngọc sáng đồng chất mà lý chia ra cong thẳng, thể phân ra khéo vụng, đã phân biệt ở trước. Đại Kinh nói về quả báo năm Ấm, sắc – thọ – tưởng – hành – thức cũng là một pháp. Phàm phu bị khổ bị não; Nhị thừa duyên bất tịnh, vô thường ra khỏi sinh tử; Bồ-tát quán Ấm tức là ở chân, lại không có lý khác. Như người phước mỏng thấy vàng thành rắn bị nó hại. Người có phước thấy báu được lấy dùng. Khổ đế như thế, ba đế kia cũng vậy. Chúng sinh không biết, chìm trong khổ, gây ra hai mươi lăm hữu, xoay vần lên xuống không có ngày giải thoát. Vì thế Bồ-tát khởi lòng đại bi, phát thệ nguyện rộng lớn; cứu khổ ban vui. Tuy phát thệ nguyện mà sở độ như độ hư không, tuy thề đoạn như chiến đấu với hư không, tuy an như ở trên không mà trồng cây, tuy diệt mà thật không đắc độ. Quán tất cả pháp không thật có, không thật có nên không, không nên chẳng sinh, chẳng sinh nên chẳng diệt, rốt ráo thanh tịnh. Hành giả tuy quán như thế mà tâm trôi dạt như con chó chạy theo cục đất. Nếu muốn nhiếp phục tán loạn, ngủ vùi, như cá sấu được Ấm áp, nên biết không tu dừng tâm, thì tâm không được trụ, tuy hiểu là làm lành ngay mà như người có mắt không chân thì không xuống ao được. Nếu khéo dùng bốn tất-đàn, tu năm dừng tâm liền được trụ quán. Như nhà kín, không gió, chiếu soi vật rõ ràng. Nên biết a-na-ba-ma là cửa đầu tiên vào đạo của Chư Phật ba đời. Lại nói: Cũng là cửa cam lộ. Kinh Kim Quang Minh nói: Tức mở cửa cam lộ, vào xứ thực v.v… Đã tin hiểu nên tu năm dừng tâm là a-na-ba-na. Người giác quán nhiều nên quán hơi thở vào chẳng sinh, hơi thở ra chẳng diệt. Chẳng sinh chẳng diệt thì hơi thở tức là rỗng không, năng quán sở quán đều chẳng thật có, chẳng thật có tức là chân, chân tức tâm dừng. Người nặng về tham dục nên quán tham dục không phải cấu uế, tham dục chẳng phải sạch, chẳng phải dơ nên không sinh, chẳng phải sạch nên không diệt. Chẳng sinh chẳng diệt nên tức là không. Không tức chân, chân nên tâm dừng. Người nhiều tức giận nên quán từ bi. Từ bi thì giận chẳng sinh cũng chẳng diệt. Chẳng sinh chẳng diệt tức là không. Không tức chân, chân nên tâm dừng. Lại quán người mắng là ai, ai là người bị mắng, thế nào là mắng. Người mắng đồng với Chư Phật, người bị mắng đồng với rốt ráo không, pháp mắng đồng với tát-bà-nhã. Người đánh, người bị đánh và pháp đánh cũng giống như thế. Mỗi âm thanh không thể thấy mắng, nhiều âm thanh cũng không thể thấy mắng. Chỉ nên tự trách quá khứ nhiều phiền não, đời nay tức giận lẫy lừng, nếu không nhẫn được, tâm sẽ bị nọc độc sinh tử không bờ mé, phải nên dứt cho nó dừng. Người nặng về chấp ngã, nên quán thân mình, như xẻ trâu làm bốn phần, chỉ thấy bốn đại, sáu chủng, năm Ấm, mười hai nhập, mười tám giới, chỗ nào có ngã? Liền phá được ngã kiến.
Người nặng về ngu si, đối với nhân duyên, quán nhân duyên ba đời. Phá hai đời đoạn thường, phá quả báo, ngã một đời phá tánh, ta khéo dùng năm pháp trị tâm. Tâm sẽ an trụ, được quán vô sinh, vô sinh hiện tiền thì phá được phiền não. Có chân, có thiện gọi là Sơ thiền. Đại Luận chép: Quán hành là tánh trí tuệ, vì sao nói là Tam-muội?
Đáp: Nếu trong tâm bất định mà tu, đây là trí tuệ điên đảo, như trước nói người cuồng ngu, há là ý chân thiện của Hiền Thánh. Lúc tu như thế, các thứ cảnh phát ra một cảnh Ấm, giới, nhập cho đến cảnh Bồ-tát, khéo nên biết rõ, lấy bỏ thích hợp, chánh quán vô sinh phá nó, mỗi mỗi đều là Đại thừa, cho đến hai mươi loại hoại thiền giác, mười thứ thành thiền giác, đều phải hiểu biết. Nên Đại Kinh chép: Quả cala-la có chín phần, quả trấn-đầu-ca mới có một phần, người trong thành không biết ăn phải thì chết. Nếu hành giả rõ mười pháp tức là trấn-đầuca. Mười pháp là:
Khéo biết vô sinh chánh nhân duyên cảnh: như không, không tướng, không phương hướng trên dưới, tâm tánh cũng như vậy.
Chân chánh phát tâm.
Chỉ quán tu tập, phá ái kiến các pháp nghiêng lệch.
Khéo biết thông, bít. Trong ái kiến, khổ tập là bít, diệt đạo là thông.
Dùng ba mươi bảy phẩm điều hòa thích hợp.
Tu trợ đạo khai mở ba môn giải thoát.
Khéo biết vị thứ.
An nhẫn.
Thuận theo đạo, pháp ái không sinh.
Mười pháp này thành tựu tức vào địa vị Bồ-tát, được đạo Ba thừa, v.v…
Hỏi: Những phiền não nào làm chướng định tuệ?
Đáp: Có người nói ái sinh phiền não chướng tuệ, tán loạn vô tri tướng định. Lại có người nói một trăm lẻ tám phiền não chướng định, tánh đắc ràng buộc chướng tuệ. Nay chẳng như thế, chỉ tùy chỗ nào nghiêng về đó nhiều thì là chướng.
Hỏi: Những nhà Thông giáo nói về sáu tức thế nào?
Đáp: Vô sinh là Lý tức, Huyễn hóa là Danh tự tức, Càn tuệ địa là Quán hành tức, Tánh địa là Danh tự tức, Bát địa trở lên là Phần Chân tức, Phật địa là Cứu cánh tức.
III. NÓI VỀ BỐN NIỆM XỨ:
Niệm là vô sinh quán tuệ, xứ là cảnh bị quán.
A. Nói về những phiền não thuộc ái.
Đại Phẩm chép: Ngay nơi sắc là không, chẳng phải sắc diệt thành không, tự tánh của sắc là không. Không tức là sắc, sắc tức là không, quán không chẳng có sắc, quán sắc chẳng có không. Quán trí cảnh đều không sinh không diệt. Trí tức là cảnh, cảnh tức là trí. Chẳng phải trí diệt có cảnh mà tánh của trí tự là cảnh. Ngay nơi sinh mà chẳng sinh nên gọi là vô sinh. Chẳng phải nói không có sinh gọi là Vô sinh. Quán nội thân, ngoại thân, nội ngoại thân, tất cả sắc pháp hoặc thô hoặc tế đều như huyễn hóa, tức là theo thân mà tu tánh niệm xứ. Thọ, Tâm, Pháp đều là tánh khổ. Tánh khổ tức không, đều như huyễn hóa. Nếu tu cộng niệm xứ cũng nên niệm pháp không để tu tâm. Quán bất tịnh, bối xả, thắng xứ, nhất thiết xứ đều tức là không. Đó là ý cộng. Duyên niệm xứ, duyên Phật vô sinh phương đẳng, mười hai bộ kinh, cho đến biết căn tánh chúng sinh tức là không, v.v…
* Thế nào là tu thân tánh niệm xứ sắc? Hoặc thô hoặc tế đều quán chung như mộng huyễn, như tiếng vang, như biến hóa. Thức này duyên bất tịnh như thân nầy của ta lúc còn là ca-la-la, hai giọt tinh cha huyết mẹ làm duyên, nghiệp phiền não làm nhân. Nhân duyên hòa hợp sinh ra báo thân này, chín lỗ thường chảy mủ đàm, mũi dãi. Ba mươi sáu vật, tánh, tướng, hạt giống rốt ráo bất tịnh, tham đắm chấp là sạch là cái thấy điên đảo. Nếu thấy là bất tịnh thì phá được chấp tịnh điên đảo. Trung Luận nói hạt lúa kiếp đầu tiên vô sinh vì thế gian hiện thấy, hạt lúa kiếp sơ không diệt vì thế gian hiện thấy. Nhân duyên nhóm họp gọi là sinh, nhân duyên tan gọi là diệt. Tan nên không thường, nhóm nên không đoạn, đó gọi là thế gian không thường không đoạn. Văn này chính là biểu thị hạt giống bên trong, mười hai nhân duyên hòa hợp không sinh không diệt.
Hỏi: Nếu hạt giống sinh tức là từ tự sinh. Nếu từ tinh cha huyết mẹ sinh tức là tha tánh sinh. Tự hạt giống và tinh cha huyết mẹ hòa hợp tức là cọng sinh. Nếu không phải hạt giống cũng không phải tinh cha huyết mẹ thì là vô nhân sinh. Nếu từ hạt giống sinh thì đâu cần tinh cha huyết mẹ. Nếu từ hòa hợp thì thuộc về duyên nào? Nếu không có tha (cha mẹ) thì làm sao có được tự (hạt giống)? Không tự thì từ ai sinh ra hạt giống của ông, để có thể tự sinh? Khi chưa có tha (cha mẹ) không có tự (hạt giống). Nếu đã có tự (hạt giống) thì không từ người (tha).
Hỏi: Nghiệp quá khứ và sáu thức tâm của ông đều không phải. Nếu vặn hỏi rằng việc nầy diệt, nghiệp gá vào tâm thức đến hiện tại. Sáu thức sinh diệt, nghiệp cũng sinh diệt, không phải là tự sinh. Nếu diệt thì chẳng nên phụ vào tâm mà đến. Nếu không nương thức a-lại-da thì nghĩa không thành. Nếu vặn hỏi rằng từ cha mẹ sinh là từ tha sinh. Ông tự sinh còn chẳng thể sinh, làm sao từ tha sinh? Nếu có tự tánh thì có tha tánh năng sinh, nếu không tự tánh cha mẹ thì ai làm “tha”? Nếu tự tha chung lại có thể sinh. Ông ở tự tha, nếu năng sinh cùng với cái bị sinh cả hai đã không thể hòa hợp cũng không thể sinh. Nếu có thể sinh thì mắc hai lỗi: Tự đã chẳng sinh, tha cũng chẳng sinh. Tức hai thứ không thể sinh, hai pháp giúp nhau thành sinh thì là tự hay là tha? Như hai hạt cát không có dầu, hợp lại cũng không có dầu. Nếu tự – tha không thể sinh, lúc hợp cũng không thể sinh. Nếu hợp mà có thể sinh, thì đáng lẽ hai hạt cát không có dầu, lúc hợp phải có dầu. Nếu hợp cả hai không có dầu, nên biết tự tha vốn không thể sinh, hợp cũng không thể sinh. Như một người mù không thấy, hai người mù cũng không thấy. Nếu vặn hỏi rằng không phải hạt giống cũng không phải cha mẹ sinh, mà từ vô nhân sinh. Không nhân được quả, quả lẽ ra lại không. Như không đất mà có thể sinh ra bình thì cũng nên từ cây sinh v.v… là vô nhân. Nên từ nhân duyên sinh còn không thật có huống chi là vô nhân. Cho nên, nhân quả đảo lộn, người tội mà được phước v.v… Phá hoại pháp thế gian. Nếu không có thế đế thì không có xuất thế, là người tà kiến nguy hiểm. Nếu bốn câu trách sinh có thể được thì là vô sinh. Vô sinh mà sinh thì gọi là giả sinh. Giả sinh chẳng phải sinh, chỉ có danh tự. Chữ này không sinh cũng chẳng phải bất sinh. Chữ này không chỗ có nên tự, tha, cộng, vô nhân, rốt ráo không thấy chỗ thân sinh chẳng thật có. Nếu không chỗ sinh cũng không chỗ diệt, sinh diệt chẳng sinh diệt, không phải sinh diệt không phải chẳng sinh diệt, thanh tịnh bình đẳng chánh quán. Quán sắc nhỏ nhiệm của thân như lân hư trần thì có mười phương phần. Nếu có mười phương phần tức đủ bốn vi sắc, hương, vị, xúc tạo thành. Sắc là tự, hương vị là tha, tức là nhân làm thành nghĩa giả. Nếu từ sắc sinh tức là tự tánh sinh; nếu từ hương vị sinh tức từ tha tánh sinh; hợp lại là cộng sinh, lìa sắc lìa hương vị là Vô nhân sinh. Bốn câu xem xét lại thì sinh không thật có, cho nên nói Vô sinh. Vô sinh mà nói sinh, đó là giả sinh, gọi là tế sắc vô sinh. Như luận chép: Nếu có sắc cực vi tế thì bốn vi tạo thành. Lại nói: Nếu có sắc cực vi tức là có, mười phương phần thì không gọi là cực vi. Bốn vi thành sắc, đây là nhân thành giả. Quán nhân giả nầy thành như mộng huyễn. Sắc tế, sắc thô không sinh là khổ Thánh đế. Kinh Tư Ích nói: Bồ-tát biết khổ vô sinh là Khổ Thánh đế. Sắc thân nầy xét trong bốn câu nhân thành vô sinh gọi là niệm xứ thân.
Hỏi: Sắc này từ diệt sinh hay từ bất diệt sinh? Từ diệt bất diệt sinh, hay từ lìa diệt bất diệt sinh? Nếu từ bất diệt sinh là tự sinh, còn từ diệt sinh thì từ tha sinh, nếu từ diệt bất diệt sinh là cộng sinh. Còn lìa sinh thì vô nhân sinh?
Luận nói: Không tự, không tha, không cộng, không vô nhân, bốn câu sinh đều không thật có, cho nên nói Vô sinh. Vô sinh mà nói sinh gọi là giả sinh. Sắc bất tịnh để phá cái điên đảo cho là Tịnh.
Lại hỏi: Sắc này là nhờ sắc hay nhờ Vô sắc cho đến cộng, lìa đều chẳng thật có, cho nên không sinh. Không sinh mà nói sinh, cho nên giả sinh đều là bất tịnh, phá tịnh điên đảo là Tánh của niệm xứ thân, dùng Trí tuệ tánh quán thuộc ái thân sắc sinh tướng, được tuệ giải thoát Tu-đà-hoàn. Cho đến tuệ giải thoát A-la-hán. Nếu lúc quán như thế mà chưa thể đắc đạo, đối với pháp nầy sinh đắm trước là ngu si. Pháp là vô nhiễm, nếu nhiễm ở pháp cho đến Niết-bàn, thì là đắm nhiễm theo tình. Ba loại niệm xứ như trong “Ba Tạng” ở trước nói. Nếu theo lý thì ba loại niệm xứ tức như trong “Thông” nói. Theo tình là sự tướng, theo lý là Vô sinh. Niệm xứ cho đến tâm – pháp cũng giống như thế.
– Cộng niệm xứ: Hành giả quán niệm xứ tu tám bối xả, các Thiền trong sự cho đến huân tu v.v… như mắt sáng mở to thấy lúa gạo, các thứ bất tịnh khác nhau. Đại Luận nói về tưởng xương, tức giải thích mười lực, bốn vô sở úy, mười tám bất cộng, v.v… cho đến tưởng thiêu đốt. Các luận sư nghi văn lầm, vì sao từ tưởng xương lại giải thích mười lực, vô sở úy? Nay Sư nói người không hiểu được ý luận, trong đây là tu cộng niệm xứ, lại xương người chẳng hư hoại đều thành giải thoát, ba minh, sáu thông, tám giải thoát đều đầy đủ. Thọ, Tâm, Pháp cũng giống như thế. Vì thành tựu Đại thừa nên chẳng phải luận lầm.
– Duyên niệm xứ: Duyên mười hai bộ kinh của Phật, bốn biện tài nói pháp đều vô ngại, giáo hóa chúng sinh, tâm duyên trùm khắp. Bốn loại tinh tấn của bốn niệm xứ gọi là bốn chánh cần. Bốn thứ định gọi là bốn như ý túc. Năm thiện sinh gọi là căn, phá phiền não gọi là lực. Phân biệt đạo dụng gọi là bảy giác chi. An ổn đi trong đạo gọi là tám chánh đạo.
B. Phá phiền não thuộc về kiến:
Quán thân như huyễn hóa, chẳng dơ chẳng sạch. Nếu khởi kiến chấp cho là tịnh hay bất tịnh, vừa tịnh vừa bất tịnh, chẳng tịnh chẳng bất tịnh, đó là sự thật, nói khác là nói dối. Kiến chấp nầy là nương vào sắc. Nếu nói các thứ tịnh này quá khứ như khứ, chẳng như khứ, vừa như khứ vừa chẳng như khứ, chẳng phải như khứ chẳng phải chẳng như khứ. Vị lai hữu biên, vô biên, vừa hữu biên vừa vô biên, không phải hữu biên không phải vô biên, tức Ấm, lìa Ấm. Mười bốn câu vặn hỏi theo năm Ấm ba đời, sáu mươi hai thân kiến. Năm Ấm vô ký vô uế nầy đều có đủ ba giả.
Tịnh pháp trần đối với ý căn sinh ra ý thức, là ý sinh hay trần sinh? Là hợp sinh hay là sinh? Nếu ý sinh là tự sinh, cho đến lìa sinh là vô nhân, tức phá “nhân thành giả”.
Nếu ý căn diệt sinh, chẳng diệt sinh, vừa diệt vừa chẳng diệt sinh, chẳng phải diệt chẳng phải chẳng diệt sinh đều rơi vào bốn câu thì phá “tương tục giả”.
Nếu đợi không mà thức sinh, hoặc đợi có mà thức sinh, hoặc đợi vừa có vừa không mà thức sinh, nếu đợi chẳng phải có chẳng phải không mà thức sinh đều rơi vào bốn câu thì phá “tương đãi giả”.
Sở phá năng phá có mười hai câu là phá mười bốn câu vặn hỏi, sáu mươi hai kiến bất tịnh trong hữu kiến. Trong vô kiến cũng có mười hai câu tam giả năng phá. Cũng có mười hai câu phá kiến chấp vừa tịnh vừa bất tịnh, vừa hữu vừa vô. Mười hai câu năng giả phá ba quán, cũng có mười hai câu phá kiến chấp chẳng phải tịnh chẳng phải bất tịnh, chẳng phải hữu chẳng phải vô. Cũng mười hai câu phá năng quán, cũng mười hai câu phá, dụng tánh niệm xứ quán nó để phá. Niệm xứ thân, chín mươi sáu câu phá sinh kiến chẳng thật có, thành vô sinh, thân tánh niệm xứ.
C. Kế quán niệm xứ thọ phá sinh kiến:
Kinh nói: Thọ thọ, thọ bất thọ, thọ vừa thọ vừa bất thọ, thọ chẳng phải thọ chẳng phải bất thọ. Lại nói: Hành cũng bất thọ.
- Thế nào là thọ thọ, bất hành cũng bất thọ?
- Thế nào là thọ bất thọ, hành bất hành cũng bất thọ?
- Thế nào là thọ vừa thọ vừa bất thọ, chẳng phải hành chẳng phải bất hành cũng bất thọ?
- Thế nào là thọ chẳng phải thọ chẳng phải bất thọ?
+ Thọ thọ nên là hữu kiến, là kiến nương thọ mà khởi.
+ Thọ bất thọ cho nên là vô kiến, là kiến nương thọ mà khởi.
+ Thọ vừa thọ vừa bất thọ nên là vừa hữu kiến vừa vô kiến, là kiến nương thọ mà khởi.
+ Thọ chẳng phải thọ chẳng phải bất thọ, nên là phi hữu phi vô kiến, là kiến nương thọ mà khởi.
Đây là sự thật, ngoài ra là nói dối, quá khứ như khứ, bất như khứ, vừa như khứ vừa bất như khứ, chẳng phải như khứ chẳng phải bất như khứ. Vị lai hữu biên, vô biên, cho đến chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, tức Ấm lìa Ấm là mười bốn câu vặn hỏi. Theo ba đời có sáu mươi, tức Ấm lìa Ấm họp thành sáu mươi hai. Trong hữu kiến tam giả năng sở có hai mươi bốn câu phá sinh kiến. Trong vô kiến tam giả năng sở cũng có hai mươi bốn câu phá kiến chấp vô sinh. Trong vừa hữu vừa vô kiến, tam giả năng sở có hai mươi bốn câu phá kiến chấp vừa sinh vừa vô sinh. Trong kiến chấp phi hữu phi vô, tam giả năng sở có hai mươi bốn câu phá phi sinh phi vô sinh, hợp thành chín mươi sáu câu phá sinh kiến thành vô sinh. Thọ tánh Tứ niệm xứ.
D. Quán Tâm tánh bốn niệm xứ:
Quán tâm thường, vô thường cho đến Phi thường phi vô thường, là kiến nương thức mà khởi. Quá khứ như khứ cho đến phi như khứ phi bất như khứ. Vị lai hữu biên vô biên, cho đến phi hữu biên phi vô biên, tức và lìa là mười bốn câu vặn hỏi; theo ba đời là sáu mươi, tức và lìa là sáu mươi hai kiến.
Trong thường kiến, tam giả năng sở có hai mươi bốn câu.
Trong vô thường kiến, tam giả có hai mươi bốn câu.
Trong vừa thường vừa vô thường kiến, tam giả năng sở có hai mươi bốn câu.
Trong phi thường phi vô thường kiến, tam giả năng sở có hai mươi bốn câu, là chín mươi sáu câu phá sinh kiến thành vô sinh.
E. Pháp tánh bốn niệm xứ:
Quán hữu ngã, vô ngã, vừa hữu ngã vừa vô ngã, phi hữu ngã phi vô ngã là kiến đều nương theo pháp mà khởi. Bốn kiến quá khứ, bốn kiến vị lai, tức và lìa là bốn câu vặn hỏi trên. Theo năm Ấm ba đời là sáu mươi hai kiến. Trong hữu kiến tam giả năng sở phá có hai mươi bốn câu phá, ở sau cũng lệ theo đó, chín mươi sáu câu phá ngã kiến, đó gọi là bốn niệm xứ cho đến tám chánh đạo là ba mươi bảy phẩm trong phá thuộc kiến. Nên kinh nói: Ta dứt tất cả các kiến trói buộc v.v…, dùng đao trí tuệ cắt đứt.
Nếu Cộng niệm xứ quán chín tưởng, tám bối, v.v… tất cả thiền cũng được gọi là giải quán chẳng phải thật quán. Ba mươi bảy phẩm kể như trước, Thọ, Tâm, Pháp cũng như như thế.
Duyên niệm xứ quán trong kiến có tất cả Phật pháp, vô sinh, bốn đế, giáo lý, danh tự, cú nghĩa thông đạt không trệ ngại, tùy căn tánh ưa thích của chúng sinh mà đối trị thích hợp, dùng nghĩa Đệ nhất mà nói pháp cho họ. Đó là phá thuộc kiến, trong phiền não tu ba loại bố niệm xứ tướng riêng.
Hỏi: Vì sao Thông giáo nói phi khổ phi lạc là ba mươi bảy phẩm kế ở trước, Thọ, Tâm, Pháp cũng giống như thế. Quả khổ chẳng phải khổ chẳng phải lạc, lẽ ra là lạc?
Đáp: Đây làm bốn câu. Nên nói chung phi khổ phi lạc. Đây khác bốn câu chẳng thể nói của Thông giáo, vì có nhân duyên nên nói phi khổ phi lạc, kết thành khổ vui sinh diệt, là ý của Ba Tạng. Nếu phi khổ phi lạc kết thành khổ vui của không khổ không vui thì thuộc về Thông giáo.
Tịnh Danh nói năm nghĩa của Ca-chiên-diên:
Năm thọ Ấm thông đạt không, không có chỗ khởi là nghĩa khổ, kết niệm xứ Thọ.
Như quán Bất Tịnh trong Đại Phẩm, tức là Đại thừa đều không thật có, nên dùng tâm bất tịnh này quán sắc. Tự nghĩ thân ta chưa thoát khỏi pháp này. Chưa khỏi sinh trong ba cõi, còn phải thọ trăm ngàn sinh tử, nên nói chưa thoát pháp này. Dẫn phẩm Quảng Thừa thành niệm xứ Thân.
Các pháp bất sinh bất diệt là nghĩa vô thường, kết thành Tâm niệm xứ quán.
Đối với ngã vô ngã mà chẳng hai là nghĩa vô ngã, kết thành Pháp niệm xứ quán.
Nếu kết phi thường phi vô thường thành thường, phi cấu phi tịnh kết thành tịnh; phi khổ phi lạc kết thành lạc; phi ngã phi vô ngã kết thành ngã tức thành nghĩa của Biệt giáo. Thường, lạc, ngã, tịnh dứt 19 hoặc, trải qua Biệt giáo mà chứng.
Nếu làm phi cấu phi tịnh chiếu soi cả cấu tịnh, phi khổ phi lạc chiếu soi cả khổ lạc, phi thường phi vô thường chiếu soi cả thường, vô thường, phi ngã phi vô ngã chiếu soi cả ngã vô ngã, kết thành Viên giáo. Viên tâm tu tập chẳng dứt phiền não mà nhập Niết-bàn.
Ở trong Càn Tuệ địa tu ba thứ bốn niệm xứ tướng chung. Như trong Ba tạng trước phân biệt. Nhưng có khác thể như huyễn như hóa, pháp tức không. Đó là vô sinh bốn niệm xứ tướng chung. Nếu là niệm xứ tướng chung tu thân tức không, tất cả pháp Ấm – nhập – giới cũng giống như thế. Đó là niệm xứ thân. Thọ, tâm, pháp cũng giống như thế. Quán vị này là niệm xứ tướng chung.
Tu bốn chánh cần, như ý, căn, lực, giác, đạo, ba mươi bảy phẩm. Cộng và duyên niệm xứ cũng giống như thế. Tuy chưa phát tướng noãn, mà tương tự nước pháp vô lậu. Mà quán năm Ấm Tổng tướng, trí tuệ sâu xa, bén nhạy hơn niệm xứ Biệt tướng. Cho nên gọi niệm xứ tướng chung, thuộc càn Tuệ địa ngoại phàm.
Bích-chi-ca-la danh mục lớn nhỏ, như trước cũng tu ba thứ niệm xứ mười hai nhân duyên. Vô minh quá khứ chỉ là phiền não bất tịnh. Các hành năm Ấm chỉ là năm Ấm thiện ác. Từ thức cho đến thọ là quả báo năm Ấm vô ký. Hoặc thô hoặc tế, đều quán như huyễn như hóa. Đó gọi là Tánh niệm xứ nhân duyên giác. Cộng và duyên niệm xứ theo như trước.
Cũng có ba loại tánh, cộng, duyên để quán ba hạng người Đại, Tiểu.
Bồ-tát phát tâm Bồ-đề, từ bi, thệ nguyện quán ba loại niệm xứ Thân, Thọ, Tâm, Pháp này. Lúc tu tánh thân, quán thân sắc nầy đều vô sinh, như huyễn, như hoá có thể phát các pháp Noãn, Đảnh, v.v… thành tựu năm pháp quán dừng tâm.
Bốn niệm xứ tướng chung của Biệt giáo gọi là Phục nhẫn. Bốn thiện căn gọi là Nhu thuận nhẫn. Tám nhân địa phát chân dứt kiết gọi là Vô sinh nhẫn. Tu-đà-hoàn gọi là quả Vô sinh pháp nhẫn, Tư-đà-hàm gọi là Du hý thần thông. A-na-hàm gọi là Ly dục thanh tịnh. A-la-hán gọi là Dĩ biện địa (việc làm đã xong). Bát địa gọi là Bích-chi-phật địa.
Tánh niệm xứ quán thành tựu, phá giới nội kiến-tư hoặc chung, được nhất thiết trí, bằng với A-la-hán.
Bát địa tu giới nội đạo chủng trí, phá giới nội trần sa, vô tri là Cộng niệm xứ.
Cửu địa trở lên học nhất thiết chủng trí là Duyên niệm xứ.
Thập địa nên biết là như Phật, Phật là Phật của Thông giáo, thành tựu bốn khô, trang nghiêm song thọ; nên nói Bốn niệm xứ ngồi đạo tràng, dứt hoặc chung, chánh tập dứt, thấy được lý thiên chân (chân lý còn thiên lệch). Đối với Nhị đế quán chiếu thuần thục, đó là ngồi đạo tràng.
– Bát Niết-bàn là hai loại Niết-bàn hữu dư và vô dư.
– Xoay bánh xe pháp là xoay bánh xe pháp thiên chân vô sinh của Thông giáo, khiến tất cả chúng sinh đồng nhập pháp tánh thiên chân, chẳng phải pháp tánh Trung đạo bất không. Kinh Pháp Hoa chép: Chúng ta đồng vào pháp tánh, chẳng thấy Phật tánh. Nhị thừa đều được lý này và có ngồi đạo tràng, xoay bánh xe pháp. Mà La-hán chẳng dứt tập khí, chỉ là bốn khô, trang nghiêm song thọ. Nhưng Ba Tạng là quán môn độ vụng, đã vụng mà hiểu không cũng cạn. Như năm nghĩa của Ca-chiên-diên là thể của Thông giáo, quán môn giả nhập vào không đã sâu. Ba Tạng là sự quán, là sơ sài. Thông giáo là lý quán, là dày kín. Ba Tạng gá sự là ngụy, Thông giáo duyên lý là chân. So sánh đến lúc chứng được chân thì không còn khác nhau.