TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 73

Hỏi: Trong tám thức che chân theo vọng, thức nào tạo nghiệp, thức nào làm nhân; thức nào làm y làm thành chủng tử hư vọng ?

Đáp: Năm thức trước nắm lấy trần, thức thứ sáu làm nhân, thức thứ bảy chấp ngã tạo nghiệp, thức thứ tám làm y khiển quả khổ sinh tử không gián đoạn. Kinh Lăng-già có kệ:

Như dòng nước cạn kiệt
Sóng mòi chẳng thể khởi.
Như vậy ý thức diệt
Các thức khác chẳng sinh.

Giải thích: Nghĩa là năm thức trước nắm lấy trần chuyển vào thức thứ sáu, thức thứ sáu ghi nhớ pháp làm nhân, thức thứ bảy làm duyên, thức thứ sáu tạo nghiệp thiện ác bị sinh tử ở vị lai, che chướng thức thứ tám chẳng được hiển hiện. Nếu năm thức chẳng nắm lấy trần thì không có thức thứ sáu, thức thứ sáu không nên thức thứ bảy chẳng sinh, thức thứ bảy chẳng sinh nên không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp thiện ác thì không sinh tử, không sinh tử nên Như Lai tạng tâm lặng lẽ thường trụ, tức là thức thứ sáu, thứ bảy diệt, lập ra thức thứ tám.

Lại thức thứ tám là chỗ nương của thức thứ sáu, thứ bảy và là tác nhân của các thức. Như không nước thì không sóng; thức thứ sáu diệt, thức thứ bảy cũng chẳng sinh, cho nên nói gió một niệm vô minh lay động biển chân như, gió vô minh dừng, các sóng thức chẳng sinh thì biển giác tính lặng lẽ, nguồn giác viên diệu.

Hỏi: Tất cả nhân quả thế gian nối nhau sinh tử chẳng dứt, trong các thức, thức nào là chủ ?

Đáp: Nhân duyên sinh diệt ban đầu nương vào thức a-lại-da làm thể, lấy ý thức làm dụng. Như vậy nhân quả ba đời lưu chuyển chẳng dứt, công do ý thức. Bởi nghĩa này nên gọi ý là tương tục thức.

Luận Khởi Tín nói: “Lại nữa nhân duyên sinh diệt, nghĩa là các chúng sinh nương nơi tâm, ý, thức chuyển. Nghĩa này thế nào ? Bởi nương nơi thức a-lại-da có vô minh bất giác khởi các cảnh giới phân biệt hay thấy, hay hiện, hay nắm tương tục gọi là ý”. Ý còn có năm tên gọi khác: 1- Nghiệp thức là vô minh bất giác tâm động; 2- Chuyển thức là nương nơi động tâm hay thấy cảnh tướng; 3- Hiện thức là hiện tất cả tướng cảnh giới, như gương sáng hiện các sắc tượng, hiện thức cũng thế, năm cảnh đối trước liền hiện không có trước sau, không nhờ công sức; 4- Trí thức là phân biệt nhiễm tịnh các pháp sai biệt; 5- Tương tục thức là luôn tác ý tương ưng chẳng gián đoạn, giữ gìn chắc chắn các nghiệp thiện ác quá khứ thành thục báo khổ vui hiện tại, vị lai nối tiếp. Những việc đã từng trải qua bỗng nhiên nghĩ nhớ, những việc chưa xảy ra thì vọng sinh phân biệt. Thế nên tất cả tam giới đều lấy tâm làm tự tính, lìa tâm thì không có cảnh giới sáu trần. Vì sao ? Tất cả pháp lấy tâm làm chủ, từ vọng niệm khởi. Hễ những điều phân biệt đều là phân biệt tự tâm, tâm chẳng thấy tâm, không có tướng để được, cho nên phải biết tất cả tướng cảnh giới thế gian đều nương nơi vô minh vọng niệm của chúng sinh mà được kiến lập. Như bóng trong gương không có thật thể, tất cả cảnh giới đều chỉ từ tâm hư vọng phân biệt chuyển, tâm sinh thì tất cả pháp sinh, tâm diệt thì tất cả pháp diệt.

Giải thích: Năm loại thức trên gọi chung là ý. Nói theo cội gốc, chỉ nắm lấy nghiệp thức, vì nó rất vi tế làm căn bản cho các thức. Như vậy kiến phần tướng phần của nghiệp thức chưa phân, nhưng các Bồ-tát biết tâm vọng động, không có tiền cảnh, rõ tất cả pháp chỉ là thức lượng, xả bỏ chấp trước bên ngoài thuận theo nghĩa nghiệp thức nên gọi là nghiệp thức.

Tâm chẳng thấy tâm, không có tướng để được, là nói về nghĩa các pháp chẳng có. Kinh Nhập Lăng Già có bài kệ:

Thân giúp sinh giữ gìn,
Nếu như sinh trong mộng
Phải có hai thứ tâm
Nhưng tâm không hai tướng
Như dao chẳng tự cắt
Như tay chẳng tự chạm
Như tâm chẳng tự thấy
Việc này cũng như sau.

Nếu như những việc thấy trong chiêm bao là thật có liền có hai tướng năng kiến, sở kiến nhưng thật sự trong chiêm bao không có hai pháp. Các tâm trong ba cõi đều như chiêm bao, lìa ngoài tâm không thể phân biệt, nên nói tất cả phân biệt là phân biệt tự tâm nhưng tự tâm chẳng thể tự thấy như dao chẳng tự cắt, tay chẳng tự chạm nên nói tâm chẳng thấy tâm. Đã không có tha để thấy thì cũng chẳng thể tự thấy. Sở kiến không thì năng kiến chẳng thành, hai tướng năng sở đều không thật có cho nên nói không có tướng để được. Lại nhất tâm theo vô minh lay động năm loại thức nên nói tam giới duy tâm chuyển. Tâm này tùy sự huân tập dường như hiện bày tuy có các thứ nhưng xét tận cùng nhân duyên chỉ do tâm tạo tác; lìa hiện thức thì không có sáu trần cảnh. Trái lại xét sáu trần chỉ là nhất tâm nên nói lìa tâm thì không có cảnh v.v…

Hỏi: Hiện tại có sáu trần cảnh làm thế nào duy tâm ?

Đáp: Vì tất cả pháp đều là tâm này tùy theo huân tập mà sinh khởi lại không có dị thể nên nói duy tâm.

Nghi hỏi: Cái gì tạo tác các pháp ?

Đáp: Do vọng niệm huân tập nên sinh khởi các pháp, cho nên nói từ vọng niệm khởi.

Lại hoài nghi: Pháp đã duy tâm, tại sao tôi chẳng thấy ? Những gì tôi thấy chỉ là dị tâm.

Giải thích: Dị tâm là do vọng niệm phân biệt tạo tác nên gọi là vọng niệm sinh. Cảnh đã duy thức không có pháp khác nên các thứ phân biệt đều là tự tâm là trần vô tướng, thức chẳng tự duyên, vì thế không có trần, thức chẳng sinh thì tâm chẳng thấy tâm. Nhiếp luận nói: “Không có biệt pháp hay nắm lấy biệt pháp, vì năng sở đã hết nên không tướng để được, tâm sinh các pháp sinh, tâm diệt các pháp diệt”.

Luận Du-già hỏi: Những người tu quán hạnh lúc thấy biến kế sở chấp không tướng sẽ nói vào tính gì ? Đáp: Vào viên thành thật tính.

Hỏi: Lúc vào viên thành thật tính sẽ nói trừ dẹp tính gì ? Đáp: Trừ dẹp y tha khởi tính. Do đó nên biết quán duy thức thành thì không có thức. Kinh Lăng Già có kệ:

Tâm lượng của vô tâm
Ta nói là tâm lượng.

Theo luận này, vô minh lay động chân như trở thành duyên khởi sinh diệt; gió vô minh diệt sóng thức liền dừng, chỉ là chân như bình đẳng. Cảnh giới này lìa ngoài tâm không có thể tính; lại cũng chính là tâm nên cũng vô thể, như ngoài gương vô thể, trong gương cũng vô thể. Nghi hỏi: Đã là vô thể tại sao hiển hiện rõ ràng ?

Giải thích: Đều là sự hiển hiện giả dối trên chân tâm, thế nào có thể tính để được.

Nghi hỏi: Làm sao biết hiển hiện trên tâm ?

Giải thích: Vì tâm sinh nên các pháp sinh, do thế lực vô minh bất giác tâm động hiển hiện tất cả cảnh giới thì tâm theo huân tập lay động nên nói là sinh. Nếu hết vô minh thì các cảnh giới diệt theo, các thức phân biệt đều diệt sạch nên nói tâm diệt thì các pháp diệt. Đây là tâm nguyên trở lại thanh tịnh, nên nói là diệt. Tâm đã theo bất giác vọng hiện các cảnh thì xét biết các cảnh duy tâm vô thể. Lúc tâm chưa hình thành, các việc động tĩnh không gì chẳng ứng tự tâm, như có thơ:

Một lần nói là một lần nhớ
Nói mình cũng là nói đến người
Nhớ mình cũng là nhớ đến người
Cho nên biết tâm ứng nghìn dặm.

Dù ở nơi xa xôi nhưng nhớ nghĩ đến, ta đều biết. Thế nên vạn sự duy tâm, biết trước nên được phù hợp tâm linh, là nghĩa này vậy.

Như Ngô Bá Vũ ở Thái Sơn thất lạc em trai hơn 20 năm; lúc gặp nhau ở chợ vẫn tranh giành nhau, Bá Vũ cảm thấy tâm thần đau đớn xót xa nên hỏi thăm mới biết là anh em.

Hỏi: Nhân duyên sinh diệt lấy gì làm nhân, lấy gì làm duyên để sinh khởi ?

Đáp: Cổ đức giải thích: Thể tướng của nhân duyên sinh diệt có hai:

1- Tâm thể a-lại-da chẳng giữ gìn tự tính biến khởi các pháp là nhân sinh diệt; căn bản vô minh huân tập lay động tâm thể là duyên sinh diệt. Lại nữa, vô minh trụ địa là căn bản các phiền não khởi các pháp sinh diệt nên nói là nhân sinh diệt; cảnh giới sáu trần lay động sóng mòi bảy thức là duyên sinh diệt. Y cứ hai nghĩa này để hiện nhân duyên, các tướng sinh diệt nhóm họp sinh khởi nên gọi là chúng sinh, nhưng không có biệt thể chỉ nương vào tâm thể nên nói là y tâm, tức là tướng tự tâm của a-lại-da.

2- Chân vọng hòa hợp các thức duyên khởi, dùng bốn trường hợp để nói:

– Vì Như Lai tạng chỉ là chẳng sinh diệt như tính ướt của nước.

– Bảy thức chỉ là sinh diệt như sóng của nước.

– Thức a-lại-da cũng sinh cũng diệt, cũng chẳng sinh diệt như hiển gồm cả động tĩnh.

– Vô minh điên đảo chấp trước chẳng phải sinh diệt, chẳng phải chẳng sinh diệt, như gió mạnh nổi sóng chẳng phải nước chẳng phải sóng.

Hỏi: A-lại-da đã gồm cả động tĩnh thì chẳng nên chỉ ở môn sinh diệt ?

Đáp: Vì từ tĩnh khởi thành động, không riêng có thể động, thế nên tính tĩnh tùy theo động cùng ở trong môn sinh diệt, chẳng phải thức a-lại-da có đủ động tĩnh ở trong môn sinh diệt, và Như Lai tạng bất dộng cùng ở trong môn này, vì sao ? Vì sự sinh diệt ấy không có biệt thể như nước tạo ra sóng. Luận Khởi Tín nói: “Vô minh làm nhân, cảnh giới làm duyên, sinh ra ba thức tế, sáu tướng thô thì theo duyên mê muội mà chìm đắm sáu nẻo. Thỉ giác làm nhân, năm độ làm duyên thì theo duyên ngộ giải mà bước lên nhất thừa”. Lại nói mê thì có Hằng sa pháp vọng nhiễm, là nhiễm duyên sinh mà tịnh duyên diệt; ngộ thì có Hằng sa công đức thanh tịnh, là tịnh duyên khởi mà nhiễm duyên mất. Nhưng chỉ có nhất tâm tạo tác, không còn nghĩa nhị nguyên; nói theo mê theo ngộ nhưng thật ra không có năng sở, cho nên luận nói: “Vì tất cả pháp đều từ tâm khởi, vọng niệm sinh. Những gì phân biệt đều là phân biệt tự tâm, tâm chẳng thấy tâm, hoàn toàn vô tướng”.

Cổ đức giải thích: Sóng và nước dụ cho hai môn chân như và sinh diệt; tính ướt của nước dụ cho chân như của tâm, tính động của sóng dụ cho sự sinh diệt của tâm. Tính động của sóng không khác tính ướt thì sinh diệt không khác chân như, là dùng nước để biện tính bất biến của sóng mà duyên khởi. Tính ướt của nước không khác tính động thì không có chân như lìa sinh diệt, là dùng sóng để nói nước bỏ duyên mà tức chân.

Đáp: Đại thừa nói có ba pháp ghi nhớ:

1- Tự chứng phần hay ghi nhớ kiến phần.

2- Niệm trong biệt cảnh hay ghĩ nhớ sự việc đã qua.

3- Chủng tử trong thức chẳng vọng sinh tự hiện hành.

Duy Thúc Sớ nói: “Những cảnh chưa từng trải qua hẳn không thể nhớ đến, như hiện hành sắc từng bị kiến phần duyên về sau hẳn phải nhớ. Nếu chẳng từng bị tướng phần duyên, về sau hẳn chẳng thể ghi nhớ. Vì kiến phần năng duyên nơi quá khứ và hiện tại chỉ duyên tướng phần, mà chưa từng tự duyên. Trước đã diệt tâm, đã thành quá khứ, ngày nay có lý do gì hay tự ghi nhớ, vì ngày xưa chẳng từng duyên trở lại kiến phần của nó cho nên ngày nay tâm tâm sở pháp hay tự ghi nhớ. Do ngày xưa có tự chứng phần duyên kiến phần, vì chứng minh nó duyên cảnh tạo ra lượng quả nên ngày nay có thể ghi nhớ.

Hỏi: Theo giáo thì địa vị hữu lậu trong môn sinh diệt có mấy loại sinh tử ?

Đáp: Đại lược có hai loại: phần đoạn và biến dịch. Thức luận nói: “Một là phần đoạn sinh tử, nghĩa là các nghiệp thiện, bất thiện hữu lậu do thế lực phiền não chướng trợ duyên cảm quả dị thục thô phù trong ba cõi, thân mạng dài ngắn tùy theo sức nhân duyên mà có hạn lượng cố định nên gọi là phần đoạn. Hai là bất tư nghì biến dịch sinh tử, nghĩa là các nghiệp vô lậu có phân biệt do sở tri chướng trợ duyên cảm quả dị thục vi tế thù thắng, do sức bi nguyện cải chuyển thân mạng không có hạn lượng cố định nên gọi là biến dịch. Chỗ cảm ứng của định nguyện vô lậu diệu dụng khó lường gọi là bất tư nghì, hoặc gọi là ý sinh thân, vì thành tựu tùy theo ý nguyện. Như khế kinh nói: “Thủ là duyên nghiệp nhân hữu lậu tiếp nối đời sau mà sinh ra ba cõi”. Như vậy vô minh tập địa làm duyên, từ nghiệp nhân vô lậu có A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát đã được tự tại có ba loại ý sinh thân, cũng gọi là biến hóa thân, vì định lực vô lậu xoay chuyển khiến nó biến hóa khác xưa.

Hỏi: Luận nói: “Sở tri chướng chẳng chướng giải thoát, vì không thể phát nguyện nhuận sinh tác dụng”, nên cần gì giúp cho việc chiêu cảm quả khổ sinh tử ?

Đáp: Vì thành tựu hai điều lợi ích nên cần phải tư sinh. Luận nói: “Vì tự chứng bồ-đề lợi lạc người khác”,  nghĩa là hàng Độc giác, Thanh văn bất định tính và Bồ-tát được đại nguyện tự tại vì đã dứt hẳn phiền não chướng nên không còn bị phần đoạn sinh tử. Vì sợ bỏ phế sự tu hạnh Bồ-tát lâu dài bèn dùng sức định thù thắng vô lậu như pháp kéo dài tuổi thọ là nguyên nhân giúp hiện thân khiến họ mãi mãi cùng với quả chẳng dứt, sức định luôn trợ giúp như thế cho đến chứng đắc vô thượng bồ-đề, họ lại cần gì sở tri chướng trợ giúp. Đã chưa viên chứng vô tướng đại bi, chẳng chấp bồ-đề và hữu tình là thật có, không do đâu phát khởi bi nguyện mạnh mẽ.

Lại sở tri chướng chướng đại bồ-đề là dứt hẳn lưu thân cửu trụ. Lại sở tri chướng là chỗ nương của hữu lậu, nếu chướng này không thì định kia chẳng có, cho nên nơi thân trụ có sức trợ giúp lớn, Sự trợ giúp của định lực cho lưu thân hữu lậu thuộc về thân phần đoạn, vì là cảnh sở tri của nhị thừa và dị sinh. Sự trợ giúp của định lực cho vô lậu thuộc về thân biến dịch, vì chẳng phải cảnh ấy. Do đó tính biến dịch sinh tử thuộc về quả dị thục hữu lậu, nơi nghiệp vô lậu là quả tăng thượng.

Giải thích: Bồ-tát được đại nguyện tự tại đã dứt sạch phiền não chướng, nghĩa là Bồ-tát Bát địa trở đi tuy mượn phiền não sinh tử để thọ sinh nhưng chẳng giống phàm phu và nhị thừa nói hiện hành và chủng tử thấm nhuận, do khởi phiền não lợi ích nghiệp thế hữu tình mới có thể cảm được quả sinh tử. Nếu phục được phiền não thì nghiệp thế liền hết, cho nên phải có pháp chấp trợ nguyện thọ sinh. Vì thế đã dứt hẳn phiền não thì không còn thọ quả phần đoạn. Đã có hai thứ lợi ích thì quán biết báo phần đoạn hết, sợ bỏ phế sự tu hạnh Bồ-tát lâu dài bèn vào thẳng định vô lậu. Nguyện lực thù thắng như pháp kéo dài tuổi thọ của A-la-hán là nguyên nhân giúp hiện thân khiến cho nghiệp vĩnh viễn quả chẳng dứt.

Đã chưa viên chứng vô tướng đại bi, chẳng chấp bồ-đề và hữu tình là thật có thì không do đâu phát khởi bi nguyện mạnh mẽ, nghĩa là đã chưa thành Phật viên chứng vô tướng đại bi nhất vị giải thoát bình đẳng; nếu chẳng chấp bồ-đề để cầu, hữu tình để độ là thật có thì không do đâu có thể khởi đại bi, đại nguyện. Vì cho sở tri chướng có thể cầu, có thể độ là trước hết mới có thể phát khởi nghiệp vô lậu. Nói nghiệp là nhân, vì nó thù thắng; vô minh là duyên, vì nó xa vời; chẳng phải như phiền não giúp nghiệp hữu lậu, chỉ duyên nghĩa đồng, chút phần tương tợ.

Lại sở tri chướng chướng đại bồ-đề, vì trực tiếp chướng trí, vì dứt trừ sạch sở tri chướng lưu thân cửu trụ cho là duyên, vì là duyên sở đoạn.

Lại sở tri chướng là chỗ nương của tất cả hữu lậu, do có chướng này nên các hành pháp chẳng thành vô lậu. Nếu không có cái chướng sở y này thì hữu lậu năng y quyết định chẳng có. Ngày nay đã lưu thân cửu trụ do có sở tri chướng làm duyên, nên nói chướng này ở nơi thân trụ có sức trợ giúp lớn nói là duyên. Biến dịch sinh tử là do Bồ-tát thành tựu bi nguyện viên mãn bồ-đề, phần đoạn sinh tử là do vọng tâm của phàm phu tạo nên, niệm niệm tham đắm vào vòng khổ lớn, không có ngưng nghỉ. Như kinh Đại Niết-bàn ghi: “Phật bảo Ca-diếp: Chúng sinh ở thế gian bị điên đảo che tâm, tham đắm tướng sinh, chán ghét sự bệnh hoạn, già nua, chết chóc.

Này Ca-diếp, Bồ-tát không như thế, quán lúc mới sinh đã thấy tai họa.

Này Ca-diếp, như có cô gái xinh đẹp đeo chuỗi ngọc đi vào nhà, gia chủ thấy liền hỏi:

– Cô tên gì, con nhà ai ?

Thiếu nữ đáp:

– Tôi là Công Đức Đại Thiên.

Chủ nhà hỏi:

– Chỗ cô ở có những gì ?

Thiếu nữ đáp:

– Tôi thường ở chung với vàng, bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, voi, ngựa, xe cộ, tôi tớ.

Chủ nhà nghe nói mừng rỡ vô cùng bảo:

– Hôm nay tôi thật có phước đức khiến cô đến nhà tôi.

Ông ta liền thắp hương rải hoa cúng dường cung kính lễ bái.

Khi ấy ông ta lại thấy ngoài cửa có một cô gái hình tướng xấu xí, áo quần nhơ bẩn rách rưới, da dẻ nhăn nheo, trắng bệch, ông ta liền hỏi:

– Cô tên gì, con nhà ai ?

Cô gái ấy đáp:

– Tôi tên là Hắc Ám.

Ông lại hỏi: Vì sao tên là Hắc Ám.

– Tôi đến nơi nào thì khiến cho của cải nơi ấy đều hao tổn.

Chủ nhà nghe nói, liền cầm dao bén và bảo:

– Nếu cô không đi chỗ khác, tôi sẽ giết cô.

Cô gái đáp:

– Ông thật là ngu si không có trí tuệ.

– Tại sao nói tôi ngu si không có trí tuệ.

– Người trong nhà ông là chị của tôi, tôi thường cùng chị ấy sinh hoạt chung; nếu ông đuổi tôi cũng là đuổi chị ấy.

Chủ nhà trở vào nhà hỏi Công Đức Thiên:

– Ngoài kia có một cô gái xưng là em của cô, đúng thế chăng ?

Công Đức Thiên đáp:

– Đúng là em tôi, tôi với nó luôn cùng sinh hoạt chưa từng xa lìa. Ở bất cứ nơi nào tôi thường làm điều thiện, còn nó thường làm điều ác, tôi thường làm việc lợi ích, nó thường làm việc tổn hại. Nếu ông thương tôi thì cũng nên thương nó; nếu ông cung kính tôi thì cũng nên cung kính nó.

Chủ nhà liền nói:

– Nếu có những việc tốt xấu ấy, tôi chẳng cần đến, các cô hãy đi đi!

Khi ấy, hai thiếu nữ cùng nhau trở về nhà cũ, chủ nhà mừng rỡ vô cùng.

Giải thích:

Công Đức Thiên là dụ cho sinh, Hắc Ám dụ cho chết, chỉ là hai pháp sinh tử thế gian, là gốc của các điều ác, là nguồn của sự khổ đau; hiền Thánh cùng quở, ngu si che phủ.

Chủ nhà thấy việc ấy rồi, nghĩa là tâm thuộc về cảnh gọi là thấy.

Liền hỏi rằng, nghĩa là đem sự hiểu biết về sinh cầu cái sinh thực sự gọi là hỏi.

Cô gái đáp, nghĩa là cảnh đối với tâm gọi là đáp.

Công Đức Thiên, dụ cho sinh là tướng xuất ra.

Công Đức báo với chủ nhân, nghĩa là đầy đủ ánh sáng sáu thức chiếu soi cảnh giới sáu trần gọi là Công Đức Thiên.

Hệ thuộc ai là nói thuộc hoặc nghiệp.

Hôm nay tôi có phước đức, là trước kia tu nhân lành, ngày nay thọ báo trời gọi là đến nhà tôi.

Lại ở ngoài cửa là nghĩa chết bỏ thân thể.

Hệ thuộc nhà ai là duyên ứng thì không thuộc về cái chết.

Tôi tên là Hắc Ám, chết là tướng ẩn mất, tuy có năm căn mà không có tri giác gọi là hắc ám.

Tôi thường sinh hoạt chung với chị ấy có nghĩa là sinh và tử cùng đi đôi với nhau.

Chủ nhà liền nói: Nếu có những việc tốt xấu ấy tôi chẳng cần đến, nghĩa là thấy sinh không vui, thấy chết chẳng buồn.

Khi ấy, chủ nhà thấy hai cô gái bỏ đi, ông mừng rỡ vô cùng nghĩa là lúc chứng Sơ Địa xa lìa phần đoạn sinh tử nhập Hoan hỉ địa, nên nói mừng rỡ vô cùng.

Hỏi: Chỉ có nội thức không ngoại duyên, tại sao lại nói sáu nẻo luân hồi sinh tử tương tục ?

Đáp: Thức luận có bài tụng:

Do tập khí các nghiệp
Tập khí hai chấp thủ
Dị thục trước đã hết
Dị thục khác lại sinh.

Các nghiệp là phước nghiệp, tội nghiệp, bất động nghiệp, là tư nghiệp thiện, bất thiện hữu lậu. Quyến thuộc của tư nghiệp cũng gọi là nghiệp, vì đồng chiêu dẫn đầy đủ dị thục quả. Tuy vừa khởi vô gián liền diệt, không nghĩa hay chiêu dẫn dị thục quả đương lai mà huân tập bản thức khởi tự công năng thì công năng này gọi là tập khí, là do khí phần của nghiệp huân tập thành, lược bỏ nghiệp hiện tại nên gọi là tập khí. Như vậy tập khí xoay vần tương tục đến khi thành thục chiêu vời dị thục quả, đây hiển bày tăng thượng duyên thù thắng của quả đương lai. Tướng, kiến, danh sắc, tâm và tâm sở gốc ngọn, sự bám giữ ấy đều thuộc hai chấp thủ. Sở huân ấy phát trực tiếp hay sinh công năng trên bản thức gọi là tập khí của hai chấp thủ. Đây hiển bày dị thục quả đời đương lai và tương ứng với chủng tử của các nhân duyên nghĩa là chủng tử của nghiệp cùng có với chủng tử của hai chấp thủ, là nghĩa sơ duyên và thân duyên trợ giúp lẫn nhau, nghiệp đưa đến thọ sinh, vì thế bài tụng đầu nói dị thục trước là quả dị thục đời trước; dị thục khác là quả dị thục đời sau. Tuy chủng tử của hai chấp thủ thọ quả vô cùng, nhưng tập khí của nghiệp thọ quả có tận, do quả dị thục tính biệt khó chiêu; đẳng lưu, tăng thượng tính đồng dễ cảm. Do cảm các chủng tử của nghiệp đời khác thành thục, lúc quả dị thục trước thọ dụng dứt, sau đó hay sinh ra quả dị thục khác. Do sinh tử luân chuyển vô cùng, đâu cần ngoại duyên mới được tiếp nối. Bài tụng này ý nói: do nghiệp hai chấp thủ sinh tử luân hồi đều chẳng lìa thức, tâm, tâm sở pháp, vì là tính ấy.

Giải thích:

Tuy vừa mới khởi vô gián liền diệt, không nghĩa hay dẫn đến dị thục quả đương lai, nghĩa là tuy hiện tác dụng mà không có cái thể quá khứ hay chiêu vời quả dị thục đương lai, và lúc nghiệp của hiện hành đang tạo, huân tập bản thức khởi lên công năng của tự nghiệp. Công năng chính là tập khí. Tập khí xoay vần nối tiếp đến khi thành thục chiêu vời quả dị thục.

Tướng kiến, danh sắc, tâm và tâm sở, gốc ngọn. Chấp thủ ấy thuộc về hai thủ.

1- Tướng kiến, nghĩa là chấp lấy năng thủ và sở thủ gọi là hai chấp thủ.

2- Chấp lấy danh sắc: Sắc là sắc uẩn, danh là bốn uẩn, tức là chấp lấy năm uẩn.

Trước nói trong tướng cũng gồm chấp lấy vô vi, vì là bản chất, đây chỉ hiển bày chấp lấy thân sở duyên, vì chẳng thể duyên được pháp ngoài tâm. Lại biến ra ảnh tướng phần của vô, cũng thuộc về danh vì chẳng lìa tâm.

3- Chấp lấy tâm và tâm sở, vì tất cả pháp năm uẩn chẳng lìa hai pháp này.

4- Gốc ngọn: nghĩa là chấp lấy quả trực tiếp, vì thức thứ tám là căn bản của các dị thục. Lại tổng báo phẩm gọi là gốc, biệt báo phẩm của dị thục thức còn lại gọi là ngọn, tức là chấp lấy một dị thục.

5- Chấp thủ ấy là bốn chấp thủ trên.

Các chấp thủ này đều thuộc về hai chấp thủ tức là chấp thủ của hiện hành. Tuy chủng tử của hai chấp thủ thọ quả vô cùng mà tập khí của nghiệp có tận, do quả dị thục tính biệt khó chiêu, đẳng lưu và tăng thượng tính đồng dễ cảm, nghĩa là chủng tử của hai chấp thủ thọ quả vô cùng; Nhiếp Luận nói tập khí có tận. Tại vì sao ? Do quả dị thục:

1- Tính biệt: là cùng với nghiệp tính sai khác, phần nhiều chẳng thuận nhau.

2- Khó chiêu: là nghiệp tuy chiêu vời được nhưng qua đời khác quả mới chín.

Tập khí của nghiệp có tận như xạ hương hay cỏ hôi đều có sự khô héo.

Quả đẳng lưu và quả tăng thượng:

1- Tính đồng: là thể tính thuận nhau.

2- Dể cảm: vì đồng thời sinh.

Thế nào là đẳng lưu ? Thế nào tăng thượng ?

Tăng thượng rộng lớn bao phủ, nhưng đẳng lưu hẳn phải tăng thượng. Đẳng lưu nghĩa là chủng tử cùng hiện hành và tự chủng tử là nhân đồng loại câu sinh. Tăng thượng không có thể riêng, vì là tính đẳng lưu.

Lại là quả đẳng lưu nên tính đồng, là quả tăng thượng nên dễ cảm. Lại chủng tử hướng đến hiện hành là tăng thượng; hướng đến chủng tử cùng loại là đẳng lưu; chủng tử nghiệp hướng đến hiện hành và chủng tử, vì đều khác tính nên chỉ là dị thục. Lúc quả dị thục trước không còn thọ dụng, lại chẳng thể sinh ra quả dị thục khác, vì cảm chủng tử của nghiệp đời khác đương sau thành thục. Trong thân hiện tại lúc quả dị thục trước không còn thọ dụng, tức là thân này sắp chết, nghiệp thành thục kia lại có thể sinh ra quả khác, do đó sinh tử không gián đoạn. Do đây nghiệp quả nối tiếp, sinh tử tương tục, lưu chuyển vô cùng, cần gì nhờ đến duyên ngoài tâm mới được sinh tử tương tục. Lúc tương tục thức này không gián đoạn, nếu chưa chạm cảnh quán xét kỹ càng rõ biết tự tâm thì đối cảnh sinh nghi, chấp có pháp hiện tiền, tất cả sinh tử đều là nghi tình; chỉ cần rõ duy tâm tự nhiên không lỗi. Như nghi là rắn mà mắc bệnh thì trong lòng đâu có thật cảnh, như treo túi cát để quên cơn đói, đây chỉ là tự tâm tưởng khởi.

Theo truyện Lạc Quảng trong Tấn thư, Lạc Quảng có người thân xa cách lâu ngày chẳng đến nhà, ông ta hỏi nguyên cớ, người ấy đáp: “Trước kia khi được mời uống rượu, tôi thấy trong bát rượu có rắn, nên có ý gớm ghiếc sợ uống vào sẽ mắc bệnh. Vào thời ấy, trên vách các dinh thự ở Hà Nam, đều có treo sừng thú, trên sừng hay vẽ hình con rắn, Lạc Quảng suy nghĩ con rắn trong bát rượu là bóng của chiếc sừng và đặt bát rượu trước mặt, người thân ấy tự nhiên tiêu tan ý nghĩ mắc bệnh.

Theo chương “tư thực” của Luật tạng, Cổ Sư Nghĩa Môn Thủ Sao ghi: “Tư thực, như vào những năm đói kém, trẻ con khóc lóc nằng nặc xin mẹ cho ăn. Bà mẹ liền treo túi cát rồi nói gạt con mình: “Đây là cơm”. Trong bảy ngày, đứa bé ngó lom lom túi cát cho là cơm nên nín khóc. Sau đó bà mẹ đem túi xuống mở ra, chỉ cho bé xem, đứa bé thấy cát nên vô cùng thất vọng vì thế mạng chung. Do đó nghiệm biết sinh lão bệnh tử đều là tự tâm, địa thủy hỏa phong trọn không có thể riêng. Thế nên chúng sinh mê đắm sinh tử, nhị thừa chán sợ sinh tử là vì đều chẳng rõ không có pháp ngoài tâm; sự lấy bỏ sai khác nhưng chẳng phải giải thoát, vì sao ? Vì chúng sinh bị sinh tử trói buộc, nhị thừa bị niết-bàn ràng rịt.

Kinh Lăng Già nói: “Lại nữa Đại Huệ, hàng Thanh văn sợ sinh tử nên vọng tưởng khổ mà cầu niết-bàn, chẳng biết tướng sai biệt của sinh tử, niết-bàn đều là hư vọng phân biệt mà có. Vọng chấp các căn cảnh vị lai diệt hết cho là niết-bàn, chẳng biết rằng sự chuyển y của tạng thức là đại niết-bàn. Người ngu chẳng biết cảnh giới tự tâm mà chư Phật thuyết trong quá khứ, hiện tại, vị lai nên chấp cảnh ngoài tâm nên luôn ở trong sinh tử lưu chuyển chẳng dứt.

Hỏi: Sinh tử tương tục, do hai chủng tử có chia ra danh ngôn ngã chấp, hai thứ tập khí làm thành quả dị thục, nghiệp sinh tử đến trước đi sau ấy quyết định thuộc thức nào ?

Đáp: Thức thứ tám là căn bản của các dị thục, nếu không có thức này sinh tử chẳng thành, vì bảy chuyển thức trước có gián đoạn, chẳng phải chủ. Thức thứ tám còn gọi là chấp trì thức, vì hay nắm giữ chủng tử, căn thân. Một niệm ban đầu có nghĩa chấp thú kết sinh tương tục chính là nghĩa giới thú sinh. Chấp thú kết sinh này chẳng bao gồm quả vị, trên bậc Bát Địa chẳng có chấp thú kết sinh. Hiện tại chỉ nắm lấy nghĩa chấp trì chủng tử căn thân, nên nghĩa chấp trì này bao gồm tất cả vị. Đây là lúc sinh đầu tiên chui vào thai thành thể, cho đến khi chết các thức mờ tối ly tán, chỉ có dị thục thức sau cùng chấp thọ thân, bỏ nơi chấp thọ liền sinh cảm giác lạnh, vì ba thứ thọ, noãn, thức chẳng lìa nhau. Lúc cảm giác lạnh khởi chính là phi tình, vì tuy biến cũng duyên nhưng chẳng chấp thọ. Do đó phàm, Thánh đều lấy đây làm chỗ nương tựa. Bỏ mạng sống hay đến thọ sinh, thức này luôn làm chủ.

Hỏi: Sinh tử lưu chuyển có mấy chỗ nương tựa ?

Đáp: Sinh tử lưu chuyển có ba chỗ nương tựa. Kinh nói: “Có ba loại lưu chuyển: một là xứ lưu chuyển, nơi tâm thấy xứ do ngã phân biệt; hai là sự lưu chuyển, nơi ngoại lục xứ do ngã chấp thủ; ba là như thị lưu chuyển, các nghiệp dị thục tương tục lưu chuyển.

Hỏi: Do tập khí của hai chấp thủ thành sinh tử hẳn phải do công năng hiện hành mới thành tập khí, lại hiện hành pháp nào huân thành sinh tử ?

Đáp: Ban đầu do vô minh ngu muội phát nghiệp, kế đến do tình ái tham đắm nhuận sinh, cho nên nói từ si có ái nên ta bị bệnh, do si ái nên niệm niệm tương tục, nên biết niệm là sinh tử.

Kinh nói: “Khởi một niệm thiện thọ thân trời người, khởi một niệm ác thọ thân ba đường khổ. Vì vậy biết ngày đêm niệm niệm tạo thân sinh tử vị lai nào có cùng tận”.

Bài tựa trong kinh An Ban Thủ Ý ghi: “Trong khoảng cái búng tay, tâm có 960 lần chuyển; một ngày một đêm có 13 ức ý niệm. Ý có một thân, tâm chẳng tự biết như đại chủng kia”.

Kinh Bồ-tát Xử Thai ghi: “Trong khoảng một cái búng tay có 32 ức trăm nghìn niệm, niệm niệm thành hình tướng, mỗi hình tướng đều có thức; uy thần của Phật vào trong thức vi tế đều khiến cho được hóa độ. Thức này giáo hóa chẳng phải vô thức”.

Hỏi: Pháp sinh tử là có hay là không ?

Đáp: Chẳng phải có, chẳng phải không. Vì sao ? Nếu nói là có thì địa thủy hỏa phong trong ngoài của một thân đều là tính không chưa từng tụ tán, vì thế sinh của vô sinh đáng gọi là sinh; diệt của vô diệt đáng gọi là diệt

Kinh Am-đề-giá Nữ Sư Tử Hống Liễu Nghĩa ghi: “Nếu có thể biết rõ bốn duyên địa thủy hỏa phong rốt cuộc chưa từng tự được hòa hợp mà có thể tùy theo cơ nghi mà nói đến, đây là nghĩa sinh. Cho đến nếu có thể biết rõ địa thủy hỏa phong rốt cuộc chưa từng tự bị tan hoại mà có thể tùy theo cơ nghi mà nói đến, đây là nghĩa tử”.

Nếu nói là không, vì chân như nhiễm tịnh chẳng giữ tự tính, bất giác tùy duyên khởi lên sinh diệt hư huyễn nên nói “pháp thân lưu chuyển trong năm đường gọi là chúng sinh”.

Hai loại sinh tử của phàm Thánh đã nói ở trên phải biết trung đạo của sinh tử mới có thể xa lìa đoạn kiến và thường kiến. Thế nên vô sinh của sinh thì chân tính lặng lẽ; sinh của vô sinh thì nghiệp quả rõ ràng. Chân tính lặng lẽ nên không thể chấp thường, nghiệp quả rõ ràng nên không thể chấp đoạn.

Lại nữa, chư Phật xuất thế còn như hoa đốm trong hư không, loạn sinh loạn diệt, huống chi chúng sinh điên đảo sinh tử như chiêm bao giả dối làm sao thật có! Dung đại sư nói: “Tất cả phàm Thánh từ tam đồ trở lên, từ bậc chủng trí trở xuống đều vọng tưởng cho là có, đều là ở trong chiêm bao. Như người trong chiêm bao thấy ở nơi địa ngục nên tìm mọi cách thoát khỏi sự thống khổ; người này chỉ cần phấn chấn tỉnh thức thì mọi việc đều không. Những gì tạo ra trong mộng sẽ trở lại thọ báo trong mộng, như người say rượu luôn xoay chuyển theo vật. Do đó tất cả chúng sinh uống rượu vô minh, nằm trên đất ngũ trụ, mê muội mãi mãi không biết lúc nào tỉnh thức ? Bỗng nhiên được thấy tính như tỉnh rượu. Kinh có bài kệ:

Như người uống rượu say
Tan rượu sau đó tỉnh
Được thể vô thượng Phật
Là chân pháp thân ta.

Nếu vào trong Tông Cảnh rõ ngay thật tính, trở lại quán xét danh tướng sinh tử thế gian hư dối như diễn viên, người máy, tuy thay đổi vô vàn nhưng một tính rõ ràng bất động. Hòa thượng Thảo Đường có bài kệ:

Diễn viên vốn chỉ là một người
Lúc làm quan, lúc làm nô tỳ
Tên gọi trang phục tuy thay đổi
Trước sau chủ tớ trọn không khác.