TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 74

Hỏi: Sinh tử luân hồi chẳng chờ ngoại duyên, đã do nội thức đây là sự sinh tử tương tục của loài dị sinh hữu lậu. Tịnh pháp tương tục của chư Phật, Bồ-tát cũng là do nội thức hay là riêng có thể thanh tịnh ?

Đáp: Tịnh pháp tương tục nên biết cũng như thế. Luận nói: “Từ vô thỉ đến nay nương gá bản thức có chủng tử vô lậu, do chuyển thức luôn huân tập phát sinh dần tăng thắng cho đến lúc sau rốt thành Phật, chuyển bổ chủng tử của thức tạp nhiễm xưa nay, chuyển được chủng tử thanh tịnh mới khởi, giữ gìn tất cả chủng tử công đức. Do bản nguyện lực tận thuở vị lai khởi các diệu dụng tương tục vô cùng. Do đây nên biết chỉ có nội thức”.

Giải thích: Do chủng tử pháp nhĩ huân tập phát sinh, do năng lực bản nguyện của chư Phật Thế Tôn lợi tha vô tận. Chủng tử thanh tịnh bao gồm chủng tử hiện hành, vì thức thứ tám hay giữ gìn chủng tử. Do đây phải biết đạo lý nhiễm tịnh đã nói ở trên, các pháp tương tục chỉ có nội thức.

Hỏi: Nhân pháp nhị không, diệu lý nhất tâm, tại sao lại nói bốn tướng dời đổi, hai tử tương tục ? Như tướng sinh trong bốn tướng thì trong ngoài không từ đâu, xét biết không có thật; tướng trụ thì niệm niệm chẳng dừng; tướng dị thì tuy dường như dời đổi mà thể vốn biến dịch; tướng diệt thì pháp vốn chẳng thế, nay cũng không diệt ?

Đáp: Bốn tướng có hai loại:

1- Thô y cứ quả báo mà nói, đó là sinh lão bệnh tử.

2- Tế y cứ hoặc nghiệp mà luận, đó là sinh trụ dị diệt.

Như trong luận Khởi Tín giải thích: “Bất giác tâm khởi gọi là sinh; hay thấy hay hiện vọng chấp cảnh giới khởi niệm tương tục gọi là trụ; chấp thủ kế danh gọi là dị; tạo tác các nghiệp gọi là diệt”. Tuy bốn tướng dường như phân nhưng đều là nhất tâm xoay chuyển. Nhưng người đời phần nhiều chấp tướng trụ cho là hiện thấy, hiện tại cần phải suy xét, phá trừ để hiển chân không. Hễ có mọi cảnh giới đều như trong chiêm bao dường như có chẳng phải thật, vì theo tâm hiển hiện, ngoại cảnh vốn không nên tâm cũng vô sinh niệm niệm chẳng dừng.

Luận Đại Trí Độ ghi: “Phật nói các pháp không mảy may thật có; muốn chứng minh việc này nên Phật nói trong chiêm bao thọ hưởng năm dục ví như ý nghĩ của Tu-bồ-đề”. Nếu tất cả pháp tất cánh không, tại sao hiện tại có mắt thấy tai nghe, vì thế đức Phật nói chiêm bao làm thí dụ. Như người chiêm bao tuy không có việc thật nhưng có các việc thấy, nghe, vui, buồn; còn người thức ở bên cạnh không thấy gì cả! Như vậy phàm phu do sức vô minh điên đảo nên vọng có thấy, còn bậc Thánh giác ngộ thì không thấy. Tất các pháp hữu lậu, vô lậu hữu vi, vô vi đều hư vọng chẳng thật nên có thấy nghe.

Lại nói: “Hiện tại sắc cũng không có lúc trụ, sau đó thấy pháp có tướng hoại, phải biết lúc mới sinh tướng hoại diễn tiến vi tế nên chẳng biết. Như người mang guốc, nếu ngày đầu tiên có mới không có cũ, sau đó lẽ ra phải thường mới, chẳng nên có cũ. Nếu không có cũ lẽ ra phải là thường; thường nên không tội, không phước; không tội, không phước thì pháp thế tục hỗn loạn.

Lại nữa, tướng sinh diệt luôn theo sự tạo tác không có lúc trụ. Nếu có lúc trụ thì không sinh diệt. Hễ người bị sinh tử, ban đầu do vọng thức tạo ra phân biệt nghiệp, nhờ đây mà có thân. Nay trước tiên xét thân này tụ tán chẳng phải thật có, vì thân là nghĩa chứa nhóm, do bốn đại trong ngoài tạm hòa hợp thành; suy xét tỉ mỉ tận cùng thì không có sự hòa hợp; vì gió và lửa thường bốc lên, đất và nước luôn chìm xuống, tính của mỗi đại đều không có cái thế cố định. Gió lấy chuyển động làm tính, là mượn vật để hiển bày, chân lý chẳng dời đổi lặng lẽ thường tịch. Lửa lấy sức nóng làm tính, chưa hẳn đều đốt cháy, như lửa trong thân sao chẳng thiêu đốt. Đất lấy cứng rắn làm tính, như đồng, sắt bị nung chảy sẽ thành nước, cứng mềm bất định. Nước lấy ẩm ướt làm tính, gặp lửa liền khô, gặp lạnh thì cứng, gặp nóng thì tan, ngưng chảy không có tự thể; mỗi mỗi đã không, hòa hợp chẳng có. Như một con chó không có tính sư tử, cả bầy chó cũng chẳng thành; như người mù chẳng thấy ánh sáng, họp cả bọn mù cũng chẳng thấy.

Luận Bảo Tạng nói: “Lý thanh hư rốt cuộc không có thân thể. Đã biết thân rỗng không, lại chấp ba việc: tình thức, hơi ấm, hơi thở thật có hay làm thành mạng căn trong sinh tử”. Thai giáo nói: “Thân này vô thường, nắm lấy ba yếu tố thọ mạng, hơi ấm, tình thức mà có thân. Thân chỉ là giả danh, ba thứ ấy vô thường không có thân riêng khác. Hơi thở ra vào chấp là thọ mạng, hơi thở ra không trở lại thì thân như gạch ngói, mạng sống làm sao bảo toàn ? Nếu hơi ấm giữ nước, nước tưới nhuận đất, vọng cho thân này là thường còn. Lửa từ duyên sinh, duyên tan thì lửa tắt, thân liền mục rả hôi thối, nghiệp chấp trước và vọng thức trong khoảng sát-na liền đưa đến thọ sanh cõi khác, lại cho rằng ta thường tự tại. Nghiệp vừa dứt, tâm liền thác sinh, thân tan hoại ngay.

Kinh Đại Tập nói: “Sinh ra, trưởng thành, già nua đều là nghiệp trì, ba việc này sinh diệt tương tục chẳng dứt, phàm phu chẳng rõ vọng chấp thân tướng, bất giác hơi thở dứt, ba việc ấy tan rã.

Lại như hơi thở ra vào tương tục trăm ngàn vạn hơi thở ra vào, thân trong mỗi một hơi thở không thật có; trong sát-na tâm thức lần lượt sinh diệt vô lượng, thân trong mỗi một sát-na không thật có, chẳng hôi thối, chẳng mục rã, ba đại thành da thịt xương tủy, suy xét kỹ biết thân hư giả này không thật có. Xa lìa ba việc trên không riêng có thân nên biết thân mạng vốn không, sinh tử hằng tịch, phàm phu chẳng rõ uổng công vào vòng khổ lụy, mạng sống như ngọn đèn tàn trước gió phút chốc phụt tắt; thân tợ hòn bọt trong đầm nước giây lát tiêu tan. Vì thế kinh nói: “Hiểu không bất sinh, biết có bất tử”. Nếu rõ hữu không mà vô ngã, vô ngã thì ai sinh, hiểu vốn không mà chẳng sinh, chẳng sinh thì ai chết! Chỉ cần giữ gìn chủng tử bản thức diệu trạm chân tâm, thể tính viên minh tịch nhiên thường trụ, nơi địa vị dị sinh giữ gìn vô lậu mà thường huân, đến địa vị Phật tiếp nối bồ-đề mà chẳng dứt.

Lại tâm tính xưa nay lìa tướng sinh diệt nhưng có vô minh mê tâm tính của chính mình. Vì trái tâm tính xa lìa tướng tịch tĩnh nên hay sinh khởi bốn tướng. Do sức của bốn tướng vô minh hòa hợp nên hay khiến cho tâm thể sinh trụ dị diệt. Kinh nói: “Pháp thân là chỗ phiêu động của các phiền não, qua lại sinh tử gọi là chúng sinh”. Luận Khởi Tín nói: “Tự tính thanh tịnh tâm do gió vô minh dao động”, bốn tướng lưu chuyển chỉ là một tâm mộng; người ở trong mộng cho là có trước sau, mỗi người tùy theo trí lực cạn sâu mà giác ngộ; bậc đại giác biết bốn tướng trong mộng chỉ là một tâm thanh tịnh không có thể tính để luận bàn trước sau. Cho nên luận nói: “Bốn tướng cùng thời có, không thể tự lập, sinh trụ dị diệt do nhất tâm chuyển, bốn tướng cùng có là do tâm tạo thành”; lìa ngoài nhất tâm không có tự thể riêng, nên nói bốn tướng cùng thời có, không thể tự lập, vì xưa nay bình đẳng đồng một bản giác. Luận Bát-nhã Đăng có bài kệ:

Sinh tử có ranh giới ?

Phật nói hoàn toàn không,

Sinh tử không bờ mé

Trước sau không thật có.

Kinh Bát-nhã nói: “Lại nữa, này Cực Dũng Mãnh, giống như niết-bàn không biên tế, tất cả pháp cũng không biên tế. Vì sao ? Sinh tử lấy niết-bàn làm biên tế, niết-bàn lấy sinh tử làm biên tế. Đã chẳng được sinh tử cũng chẳng được niết-bàn. Sinh tử niết-bàn đã không có thật thì tất cả pháp đều không có biên tế. Như vậy chỉ cần rõ bản giác nhất tâm, niệm niệm khế hợp đạo viên thường; nếu chạy theo vô minh tán ý, trần trần trở thành vòng sinh tử. Được mất do người, pháp không tà chính; lấy bỏ tại ta, đạo bặt thăng trầm. Chỉ tự nội quán, theo phổ môn mà đốn nhập; chỉ cần chính nhãn, giẫm lên nhất đạo để viên thành.

Hỏi: Tướng động thức cùng tính chân tâm đã chẳng phải nhất dị là hoại hay chẳng hoại. Nếu chẳng hoại thì rơi vào thường kiến; nếu hoại thì quy về đoạn diệt ?

Đáp: Đã phi nhất phi dị thì cũng có thể hoại và chẳng thể hoại. Luận Khởi Tín nói: “Tất cả tướng tâm thức chính là tướng vô minh, cùng với bản giác chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải hoại, chẳng phải chẳng hoại. Như nước biển với sóng chẳng phải một, chẳng phải khác. Sóng do gió động, chẳng phải tính nước động; nếu gió dừng sóng liền mất, chẳng phải tính nước diệt. Chúng sinh cũng thế, tự tính thanh tịnh tâm do gió vô minh xao động khởi sóng thức, như vậy ba việc đều không có hình tướng chẳng phải một, chẳng phải khác. Nhưng tâm tính thanh tịnh là gốc của động thức, lúc vô minh diệt động thức diệt theo, trí tính chẳng hoại.

Căn bản vô minh diệt là hợp với tướng gió diệt.

Tương tục tức diệt là nghiệp thức diệt hợp với tướng động diệt.

Trí tính chẳng hoại, tính bản giác thần giải tùy nhiễm gọi là trí tính, là hợp với tính ướt chẳng hoại.

Hỏi: Chủng tử sinh tử chẳng dứt đều do phát nghiệp nhuận sinh, trong phiền não pháp nào phát nghiệp, pháp nào nhuận sinh ?

Đáp: Nghiệp tính vốn không, kết thành nhiều thứ, đầu tiên nói về hành tướng hắc bạch, sau đó bàn về căn do phát nhuận.

Trước tiên nói về hành tướng hắc bạch: Kinh Đại Niết-bàn ghi: “Phật dạy: Lại nữa thiện nam, các ông cần phải quán nghiệp. Vì sao ? Người có trí nên nghĩ như sau: thọ tưởng xúc dục chính là phiền não, hay tạo sinh nghiệp, chẳng tạo thọ nghiệp. Như vậy phiền não và nghiệp đồng hành thì có hai thứ: một là tác sinh nghiệp, hai là tác thọ nghiệp, cho nên người trí nên quán nghiệp. Nghiệp có ba thứ, đó là thân, khẩu, ý. Này thiện nam, hai nghiệp thân và khẩu cũng gọi là nghiệp, cũng gọi là nghiệp quả. Ý chỉ gọi là nghiệp, không gọi là quả. Vì là nguyên nhân của nghiệp nên gọi là nghiệp.

Này thiện nam, hai nghiệp thân khẩu gọi là ngoại nghiệp, ý nghiệp gọi là nhân. Vì ba nghiệp này đồng hành với phiền não nên tạo ra hai loại nghiệp đó là sinh nghiệp và thọ nghiệp.

Này thiện nam, nghiệp chính là ý nghiệp, nghiệp phụ là thân nghiệp và khẩu nghiệp. Phát trước tiên nên gọi là ý nghiệp, từ ý nghiệp sinh gọi là thân nghiệp, khẩu nghiệp, thế nên ý nghiệp được gọi là chính. Người trí quán nghiệp rồi, kế đến quán nghiệp nhân. Nghiệp nhân là vô minh xúc, do vô minh xúc chúng sinh cầu hữu; nhân duyên cầu hữu chính là ái; nhân duyên ái nên tạo tác ba nghiệp thân khẩu ý.

Này thiện nam, người trí quán nghiệp nhân rồi, kế đến quán quả báo. Quả báo có bốn thứ: hắc hắc quả báo, bạch bạch quả báo, tạp tạp quả báo, bất hắc bất bạch quả báo.

1- Hắc hắc quả báo: Lúc tạo nghiệp cấu thì quả báo cũng thế.

2- Bạch bạch quả báo: còn gọi là vô lậu nghiệp.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn, trước kia đức Phật nói vô lậu không có quả báo, tại sao nay nói bất bạch bất hắc quả báo ?

Phật dạy: Này thiện nam, nghĩa này có hai: một là cũng quả cũng báo, hai là chỉ là quả chẳng phải là báo. Hắc hắc quả báo cũng gọi là quả, cũng gọi là báo; vì hắc nhân sinh nên được gọi là quả, hay tác nhân nên còn gọi là báo. Tịnh tạp cũng như thế, quả vô lậu nên gọi là quả, chẳng tạo nhân khác nên chẳng gọi là báo.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nghiệp vô lậu này chẳng phải là hắc pháp, vì sao chẳng gọi là bạch ?

– Này thiện nam, vì không có báo nên chẳng gọi là bạch; vì đối trị với hắc nên gọi là bạch. Nay ta nói thọ quả báo gọi là hắc bạch; vì là nghiệp vô lậu chẳng thọ quả báo nên chẳng gọi là bạch, mà gọi là tịch tĩnh, cho nên biết nghiệp chẳng thể tạo tác quả, chẳng thể chạy trốn. Như kinh có bài kệ:

Chẳng phải vào hư không,
Biển cả, hang núi vắng
Chẳng có một nơi nào
Thoát khỏi, chẳng thọ nghiệp.

Chỉ trừ chẳng tạo tác thì không có quả, đắc đạo thì nghiệp dứt. Như Khí-hư Chiên-đà-la tạo nghiệp ác mà được sinh thiên, Ương-quật-ma-la tạo tội ngũ nghịch mà được quả giải thoát, là biết những người thọ thân từ trước đến nay không ai chẳng tạo nghiệp. Giả sử đời nay chẳng tạo những việc từng làm trong quá khứ, chỉ ngộ tông này thì không ai chẳng giải thoát. Vì sao ? Bởi vào Tông Cảnh nhân pháp tự không, nhân không thì chẳng thấy có người hay tác nghiệp, pháp không thì chẳng thấy chỗ thọ quả, chỉ là vọng chấp nhân pháp mà tạo nghiệp, chẳng ngoài tâm cảnh mà thọ khổ, chỉ cần tâm cảnh đều bặt ngay đó giải thoát, cho nên tất cả pháp thiện ác không có tướng cố định, do tâm hồi chuyển, được mất theo duyên. Kinh Đại Niết-bàn ghi: “Phật dạy: Này thiện nam, nếu nói các nghiệp quyết định có báo thì chẳng thể có sự tu tập phạm hạnh giải thoát, niết-bàn, nên biết người này chẳng phải đệ tử của ta mà là quyến thuộc của ma. Nếu nói các nghiệp có định, bất định, hiện báo, sinh báo, hậu báo bất định, duyên họp thì thọ báo, duyên tan thì chẳng thọ báo. Do nghĩa này nên có phạm hạnh, giải thoát, niết-bàn, nên biết người này thật là đệ tử của ta, chẳng phải quyến thuộc của ma (…) như hai người cùng đi vào đường nguy hiểm, một người sáng mắt, một người mù mắt. Người sáng mắt vượt qua không bị tai họa, người mù mắt rơi vào hầm sâu, cho nên biết người được con mắt Tông Cảnh hoàn toàn chẳng rơi vào nơi nguy hiểm của ba cõi, lúc vào hố sâu năm dục, tự nhiên vượt qua không nghi, luôn sống trong sự tỉnh giác”.

Kế đến nói về căn do phát nhuận: Phân biệt phiền não chính phát nghiệp, câu sinh phiền não trợ phát nghiệp. Phát là nghĩa động tác, nghiệp là nghĩa chiêu cảm. Câu sinh hay nhuận sinh, phân biệt hay tạo nghiệp chiêu sinh lỗi nặng, câu sinh hay nhuận sinh lỗi nhẹ. Nếu phân biệt phát khởi nghiệp trời người là câu sinh trợ phát. Vì nghiệp trời người khó phát, cần phải nhờ câu sinh trợ giúp. Nếu phân biệt phát khởi nghiệp ba đường ác thì chẳng nhờ câu sinh trợ giúp, vì phân biệt mãnh lợi nên chẳng cần trợ phát.

Hỏi: Hai thứ câu sinh và phân biệt khác biệt thế nào ?

Đáp: Xưa giải thích ý chính của kinh luận thì phân biệt là thô, câu sinh là tế.

Luận Duy Thức nói: “Câu sinh ngã chấp, từ vô thỉ đến nay nội lực hư vọng huân tập thường đi chung với thân, chẳng đợi tà giáo và tà phân biệt, tự nhiên chuyển nên gọi là câu sinh”. Luận Thập Địa nói: “Thường theo hiện hành, chẳng duyên tác ý, từ vô thỉ đến nay nhiệm vận mà có, chẳng nhờ tác ý, phân biệt, tầm tứ; như trẻ con thấy mẹ liền mừng rỡ, đây là câu sinh tham, thấy người lạ thì khóc ré, đây là câu sinh sân, là chẳng nhờ duyên khác như phân biệt, tầm tứ, vì tự nhiên khởi nên biết câu sinh tế.

Luận Duy Thức nói: “Phân biệt ngã chấp, cũng do ngoại duyên đời hiện tại mới khởi, chẳng phải cùng có với thân, phải nhờ đến tà giáo, tà sư và tà phân biệt sau đó mới khởi”. Trong ba duyên trên, hai duyên trước là thô, tự tư duy thứ ba là tế. Kinh nói: “Duyên lực đoạn mất thiện căn, sinh ra ở địa ngục là nối tiếp; nhân lực đoạn mất thiện căn, cái chết ở địa ngục cũng nối tiếp”. Như vậy tà tư duy là nhân lực, hai duyên còn lại là duyên lực. Do đó, kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: Phật bảo A-nan: Tất cả chúng sinh luân hồi thế gian do hai thứ điên đảo phân biệt mà thấy sai ngay đó phát sinh đương nghiệp luân chuyển. Thế nào là nhị kiến ? Một là chúng sinh biệt nghiệp vọng kiến, hai là chúng sinh đồng phận vọng kiến. Thế nào là biệt nghiệp vọng kiến ? Này A-nan, như người thế gian bệnh mắt, ban đêm thấy ánh đèn có vầng sáng năm sắc chồng chất. Ý ông thế nào ? vầng sáng hiện ra nơi ánh đèn ấy là sắc của ánh đèn hay là của cái thấy ?

Này A-nan, nếu là sắc của ánh đèn thì người mắt sáng sao chẳng đồng thấy, nhưng vầng sáng này chỉ có người bệnh mắt thấy. Nếu là sắc của cái thấy, cái thấy đã thành sắc thì người bệnh mắt ấy thấy vầng sáng gọi là gì ?

Lại nữa A-nan, nếu vầng sáng lìa ánh đèn riêng có thì khi nhìn thấy bình phong, màn trướng, bàn ghế cũng thấy vầng sáng; nếu lìa cái thấy riêng có vầng sáng thì lẽ ra không liên quan đến mắt tại sao người bệnh mắt thấy vầng sáng ? Thế nên phải biết sắc thật sự tại ánh đèn, thấy bệnh là vầng sáng, vầng sáng và cái thấy đều do mắt bệnh, thấy được bệnh mắt chẳng phải bệnh, trọn chẳng nên nói do ánh đèn, hay do cái thấy. Trong ấy có chẳng phải ánh đèn, chẳng phải cái thấy, như mặt trăng thứ hai chẳng phải là thể, chẳng phải là bóng. Vì sao ? Vì thấy mặt trăng thứ hai do ấn con mắt mà thành; những người có trí chẳng nên nói cái ấn con mắt này nguồn gốc là hình, phi hình, lìa kiến, phi kiến. Việc này cũng như thế, do con mắt bệnh tạo thành. Hiện tại muốn gọi cái gì là ánh đèn, là cái thấy huống là phân biệt chẳng phải ánh đèn, chẳng phải cái thấy. Thế nào là đồng phận vọng thấy ? Này A-nan, cõi Diêm-phù-đề này, trừ giữa biển cả có ba ngàn châu, giữa đại châu đông tây gồm có 3200 nước lớn, ngoài ra châu nhỏ trong các biển hoặc có hai ba trăm nước, hoặc một hai nước, cho đến 30, 40, 50 nước. Này A-nan, nếu trong ấy có một châu nhỏ chỉ có hai nước, nhưng chỉ người trong một nước đồng cảm ác duyên thì chúng sinh nước ấy thấy tất cả cảnh giới không tốt lành hoặc thấy trong hai ngày, hoặc thấy trong 2 tháng; cho đến những tướng xấu như vầng sáng, hoa tai, sao chổi, cầu vòng chúng sinh nước ấy thấy, còn chúng sinh nước khác chẳng thấy, chẳng nghe.

Này A-nan, nay ta sẽ vì ông đem hai việc tiến thoái này để thuyết minh. Này A-nan, như chúng sinh kia biệt nghiệp vọng thấy vầng sáng hiện trong ánh đèn, tuy hiện dường như cảnh, cái thấy ấy do con mắt bệnh tạo thành. Mắt bệnh thấy mỏi là chẳng phải sắc tạo ra, nhưng thấy được bệnh mắt trọn không có lỗi thấy. Ví dụ hiện tại ông dùng mắt ông thấy núi sông cõi nước và các chúng sinh đều do con mắt bệnh từ vô thỉ làm thành. Thấy và duyên thấy (kiến và kiến duyên) dường như cảnh hiện tiền, không có cái giác minh của mình thấy mắt bệnh sở duyên. Biết thấy là con mắt bệnh bản giác minh tâm giác duyên chẳng phải con mắt bệnh, giác sở giác là mắt bệnh, cái giác chẳng phải mắt bệnh, cái thấy này thật sự thấy tại sao lại gọi là biết nghe, biết thấy ? Thế nên nay ông thấy ta với ông là mười loại chúng sinh nơi thế gian đều là thấy con mắt bệnh hay chẳng phải thấy con mắt bệnh. Tính của cái thấy chân tinh ấy chẳng phải con mắt bệnh nên chẳng gọi là thấy.

Này A-nan, như chúng sinh đồng phận vọng thấy kia dụ cho một người biệt nghiệp vọng thấy, một người bệnh mắt cùng một nước, họ thấy vầng sáng do con mắt bệnh vọng sinh. Chúng sinh đồng phận hiện điềm chẳng lành cùng nghiệp mà thấy các chướng ác khởi lên đều do cái thấy từ vô thỉ vọng sinh. Ví như trong ba nghìn châu cõi Diêm-phù-đề gồm cả bốn biển lớn trong thế giới ta-bà, cho đến các cõi nước hữu lậu và các chúng sinh mười phương đồng là diệu tâm giác minh vô lậu.

Kiến văn giác tri hư vọng bệnh duyên hòa hợp vọng sinh, hòa hợp vọng tử. Nếu có thể xa lìa các duyên hòa hợp và chẳng hòa hợp thì diệt trừ các nhân sinh tử, viên mãn tính bồ-đề bất sinh diệt, bản giác bản tâm thanh tịnh thường trụ”.

Lăng Nghiêm Kinh Sớ Thích ghi: “Biệt nghiệp vọng kiến là phân biệt phiền não; đồng phận vọng kiến là câu sinh vô minh. Ban đêm nhìn thấy năm vầng sáng dụ cho năm kiến chấp, uẩn dụ cho ánh đèn. Năm kiến chấp này khởi trên các uẩn vọng sinh phân biệt là tính biến kế, tình có lý không.

Sắc thật sự tại đèn, thấy bệnh là vầng sáng, nghĩa là y tha uẩn tính duyên khởi chẳng phải không nên nói sắc thật sự tại đèn; ngã kiến thể không từ vọng tâm khởi nên nói thấy bệnh là vầng sáng, vầng sáng và cái thấy đều do con mắt bệnh, vì năng chấp sở chấp phân biệt hoặc.

Thấy con mắt bệnh chẳng phải bệnh nghĩa là đang lúc chứng chân biết rõ biến kế thoát thể hoàn toàn không. Phân biệt hoặc dứt sạch, đồng một chân tính lìa năng thủ sở thủ do đó trọn chẳng nên nói là đèn, là cái thấy và chẳng phải đèn, chẳng phải cái thấy. Đây là giải thích câu “kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến” ở trên. Như mặt trăng thứ hai chẳng phải thể, chẳng phải vầng sáng, nghĩa là xưa nay không có mặt trăng lấy cái gì làm hình. Hình đã chẳng có thì phi hình cũng không, là chẳng phải một tướng, năng sở đều bặt huống là phân biệt chẳng phải đèn, chẳng phải cái thấy.

Nhưng thấy mắt bệnh trọn không có lỗi thấy nghĩa là biết mắt bệnh là bệnh của mắt, chẳng chấp vầng sáng là thật có nên không có lỗi thấy.

Kiến và kiến duyên dường như cảnh hiện tiền đều do vọng tâm biến khởi, chẳng phải cảnh thật có, kiến phần và tướng phần đều chẳng lìa tâm huống chi biến kế tính chỉ có bóng không có chất. Đây là giải thích vọng kiến.

Cái giác minh của mình thấy con mắt bệnh sở duyên vốn là bản nguyên chân giác, vì chân hay biết vọng, rõ vọng kiến và sở duyên đều là con mắt bệnh.

Biết thấy là mắt bệnh, bản giác minh tâm giác duyên chẳng phải con mắt bệnh là kết hợp hai cái biết chân vọng trên. Vọng thấy chính là con mắt bệnh, chân tâm năng giác chẳng phải con mắt bệnh. Chỉ biết thể của vọng duyên kia chẳng phải con mắt bệnh nên nói giác duyên chẳng phải con mắt bệnh.

Giác, sở giác là con mắt bệnh nghĩa là nhấn mạnh vọng giác, năng sở đều là mắt bệnh.

Cái giác chẳng phải con mắt bệnh nghĩa là nhấn mạnh chân giác chẳng phải mắt bệnh.

Hai cái thấy chân vọng này đều lìa năng kiến, sở kiến, nên nói cái thấy này thật sự thấy, vì lúc chứng chân không có hai cái thấy này. Năng kiến, sở kiến đã chẳng lập tại sao gọi là biết nghe, biết thấy ?

Thế nên hiện nay ông thấy ta với ông và mười loại chúng sinh nơi thế gian đều là thấy mắt bệnh hay chẳng phải thấy mắt bệnh, tính của cái thấy chân tinh ấy chẳng phải mắt bệnh nên chẳng gọi là thấy. Vì sao chân kiến chẳng gọi là thấy ? Vì không có bệnh mắt, chỉ do bệnh thấy có năng sở liền thấy tự tha ở thế gian khác nhau, nên nói đều là thấy con mắt.

Nói chẳng phải thấy con mắt bệnh là chân kiến chẳng phải là mắt bệnh, vì thật ra không có tướng thấy có thể lập nên chẳng gọi là mắt bệnh. Đã chẳng gọi là mắt bệnh cũng chẳng gọi là cái thấy, là nói về ý nghĩa lìa cái thấy. Thế nên có thấy là vọng, biến kế tình sinh, như người mắt nhặm nhìn thấy vầng sáng của ánh đèn ban đêm. Không thấy là chân, viên thành trí hiện, như người mắt sáng nhìn thấy hư không trong sáng.

Lại biệt nghiệp vọng kiến, như tăng thượng ác nghiệp khiến sinh làm hổ, rắn v.v… Tổng báo bất động này tự thọ biệt báo, chỉ từ nghiệp thức biến ra. Nghiệp bất đồng thì chẳng thấy như chỉ có mắt nhặm mới thấy vầng sáng trước ngọn đèn; nếu người mắt không nhặm thì chẳng nhìn thấy.

Đồng phận vọng kiến, như cùng tạo nghiệp địa ngục a-tỳ cùng thọ tổng báo, đồng khổ vô gián. Nếu chẳng đồng ác nghiệp ấy thì chẳng thấy. Như chỉ những người chung một nước đồng cảm ác duyên cùng thấy những cảnh giới bất tường, còn chúng sinh nước khác chẳng cùng ác duyên nên chẳng thấy cũng chẳng nghe. Cho nên biết khổ duyên, lạc duyên, tổng báo, biệt báo do đều do nhân duyên hòa họp liền sinh, nhân duyên ly tán liền diệt, chưa từng có một pháp chẳng phải từ tâm ta lưu xuất ? Kinh nói: “Nếu hay xa lìa các duyên hòa hợp thì thấy bản tâm thanh tịnh thường trụ.”

Lại nữa, phân biệt phiền não thô phù do tà tư mới khởi; câu sinh vô minh vi tế từ nhiệm vận thường sinh. Tuy phân thô tế nhưng đều là vọng thức. Như người biệt nghiệp vọng thấy do con mắt nhặm mà thấy vầng sáng; tợ người đồng phận vọng kiến do chướng ác mà thấy tai họa lạ lùng trong nước; tuy chia ra cảnh đồng biệt nhưng đều là vọng tâm có thể chứng nghiệm. Trong cõi chúng sinh hễ có những việc thấy nghe đều như vầng sáng của một người biệt nghiệp và điều bất tường của nhiều người đồng phận. Nếu có thể biết vầng sáng là do con mắt bệnh làm thành, những điều bất tường là do chướng ác sinh khởi thì vầng sáng không còn, hai mặt nhật trên trời biến mất. Nếu nhất tâm bất động, muôn duyên bặt dứt thì bệnh thấy nghe hòa hợp phân biệt đều tiêu, họa căn bản sinh tử câu sinh dứt sạch.

Hỏi: Trong ba đường ác có đủ phân biệt và câu sinh chăng ?

Đáp: Ngài Hộ Pháp nói: Trong ba đường ác chúng sinh không phân biệt nên chẳng tạo nghiệp, như phiền não của loài khỉ vượn đều là câu sinh cường thịnh, chẳng phải phân biệt phiền não; dù có tạo nghiệp cũng chỉ là biệt báo. Nếu nó có phân biệt phiền não tạo tổng báo thì vĩnh viễn không có ngày ra khỏi.

Hỏi: Đã có chủng tử phân biệt, vì sao nó chẳng tạo tổng báo ?

Đáp: Vì thiếu chủ bạn. Hiện hành là chủ, chủng tử trợ giúp là bạn.

Hỏi: Nếu nói chúng sinh trong ba đường ác chẳng tạo nghiệp, tại sao quỉ Đại Lực đánh vào đầu ngài Xá-lợi-phất liền đọa địa ngục, chim anh vũ nghe pháp Tứ đế được sinh thiên ?

Đáp: Đây là tạo biệt báo, nghiệp này có năng lực trợ giúp tổng báo trước kia; tổng báo được giúp có thể theo sức nghiệp mà đi lên hay đi xuống.

Cổ đức hỏi: Trong cõi trời, người quyết định tạo nghiệp chăng ?

Đáp: Bắc-câu-lâu châu chẳng tạo nghiệp tổng báo và biệt báo, vì không có tướng phân biệt, ba châu kia thì phát nghiệp, và ở châu này người ngu si chẳng phát nghiệp.

Hỏi: Trước nói chúng sinh nơi ba đường ác không phân biệt, vì sao biết được cha mẹ v.v…, như quạ hiền trở lại mớm thức ăn; chó mèo biết người vui buồn ?

Đáp: Đây chẳng phải phân biệt phiền não, mà đó là nhậm vận phân biệt, chẳng phải phiền não phân biệt.

Hỏi: Có mấy loại vô minh phát nghiệp ?

Đáp: Có bốn loại: tùy miên, triền vô minh, tương ưng, bất cộng. Ngoại pháp dị sinh có đủ bốn loại, nội pháp dị sinh chỉ có ba loại, trừ bất cộng vô minh. Vào đệ thất tâm trong Tín vị và trong gia hạnh vị là nội pháp. Trước đệ thất tâm nơi Tín vị và trong Tư lương vị, vì có thoái chuyển nên là ngoại pháp.

Trong nội pháp dị sinh, đốn ngộ là tạo nghiệp, tiệm ngộ là chẳng tạo nghiệp. Trong đốn ngộ, bi tăng là tạo nghiệp, trí tăng là chẳng tạo nghiệp. Từ Bát Địa trở đi quyết định chẳng phát nghiệp, vì phiền não thể không. Từ Thất Địa trở về trước, hoặc có người nói Thánh nhân lấy vô lậu làm duyên nên chẳng phát nghiệp. Cho dù có câu sinh nhưng chỉ là trợ nguyện nhuận sinh mà thôi.

Lại nói: “Từ Thất Địa trở về trước lúc câu sinh khởi cũng tạo thiện nghiệp biệt báo”.

Hỏi: Vì sao bậc Thánh chẳng tạo nghiệp tổng báo ?

Đáp: Vì không có phân biệt phiền não, vì lấy vô lậu làm duyên, vì trái nghịch sinh tử, nên chỉ dùng câu sinh tưới nhuận nghiệp tổng báo cũ, thọ phần đoạn sinh tử ở trong loài người, trừ cõi Bắc-câu-lâu châu, tu quán vô ngã, vô phân biệt chẳng thể tạo nghiệp.

Trong đây trừ những kẻ quá ngu muội, trên cõi trời chỉ trừ cõi trời vô tưởng, vì vô tâm nên chẳng tạo nghiệp. Bốn loại vô minh đều có thể phát nghiệp. Tùy miên là chủng tử, ba thứ còn lại là hiện hành.

Hỏi: Vô minh phát nghiệp, tham ái nhuận sinh, bao nhiêu pháp có thể nhuận sinh trong phiền não ?

Đáp: Người xưa giải thích: Năm nhánh chủng tử như thức v.v… phải cần có phiền não tham v.v… trợ giúp tưới nhuận mới sinh được. Câu sinh hoặc nghiệp gồm có sáu món câu sinh, mười món phân biệt và hai mươi món tùy phiền não. Trong 36 phiền não này, một pháp tham là chính trung chính nhuận, năm pháp câu sinh là chính trung trợ nhuận, mười pháp phân biệt là trợ trung trợ nhuận.

Bốn trường hợp liệu giản:

1- Có tham ái mà nhuận sinh là chỉ cho thức thứ sáu, vì năm thức trước chẳng cường thịnh.

2- Có tham ái mà chẳng nhuận sinh là thức thứ bảy tuy có tham ái nhưng vì là duyên bên trong và ở trong sở tri chướng nên chẳng nhuận sinh.

3- Có sinh-chi (nam căn, nữ căn) mà tham ái nhuận là nam căn, nữ căn trong tất cả thân phàm phu.

4- Có sinh-chi mà chẳng có tham ái nhuận là thân sau cùng của Bồ-tát, Đại thừa nói là do hóa hiện, là sinh-chi trong thân biến dịch.

Hỏi: Tâm là nhân khởi hoặc, thân là gốc tạo nghiệp. Có mấy thứ thân, thân nào hay tạo nghiệp ?

Đáp: Có bốn thứ thân:

1- Sinh hữu: là trung hữu sau, bản hữu trước, lúc đang kết sinh tương tục, trong sát-na năm uẩn khởi gọi là sinh hữu.

2- Bản hữu: là sinh hữu sau, tử hữu trước, năm uẩn xuất hiện ở khoảng giữa gọi là bản hữu, vì do nghiệp tổng báo chiêu vời. Câu-xá có bài tụng: “Bản hữu là tử trước, cư sinh sát-na sau”.

3- Tử hữu: là bản hữu sau, trung hữu trước, lúc sắp chết, đang chết các uẩn diệt gọi là tử hữu.

4- Trung hữu: là tử hữu sau, sinh hữu trước, giữa hai sinh hữu và tử hữu nên gọi là trung hữu. Câu-xá có bài tụng: “Trong hai hữu sinh tử, năm uẩn là trung hữu”, nghĩa là hai thân sinh hữu và tử hữu không thể phát nghiệp, vì vô tâm; hai thân trung hữu và bản hữu có thể tạo nghiệp.

Hỏi: Trụ nơi thân trung hữu lúc sắp thọ sinh hành tướng thế nào ?

Đáp: Căn cứ theo 24 bất tương ưng hành, một pháp trung hữu thế tốc, ở trong thế tốc có sĩ dụng thế tốc.

Người xưa giải thích: Thân trung hữu đến chỗ thọ sinh nhanh chóng gọi là sĩ dụng thế tốc.

Nói trung là đối với trước sau để đặt tên hữu thì có thân tình thức, là thân hữu tình trong năm đường ở giữa hai thân tử hữu và sinh hữu nên gọi là trung hữu, cũng lấy năm uẩn dị thục làm thể, vì cùng thân bản hữu là do nghiệp chiêu vời, thân trung hữu bèn như thân bản hữu đang sinh có hình trạng giống con người, thân trung hữu dường như con người, năm loài kia cũng như thế. Như trẻ con năm, sáu tuổi vóc hình tuy nhỏ nhưng các căn lanh lợi. Thân bản hữu hay tạo tác các sự nghiệp, đối với cha mẹ khởi tưởng điên đảo mà sinh yêu ghét. Thân trung hữu này chỉ có đồng loại và người có thiên nhãn thanh tịnh mới thấy. Thân trung hữu chỉ ăn mùi hương; lúc trụ nơi trung hữu tính, nó trung tính chẳng thiện, chẳng ác; nơi địa vị trung hữu rất chậm thọ sinh, nhưng không quá 49 ngày cũng phải đi thọ sinh. Nếu cực thiện cực ác, thân trung hữu bất luận xa gần chỉ trong sát-na liền đi thọ sinh, khởi tâm điên đảo đi đến cảnh tham muốn, là thức thứ tám kết sinh môn. Nơi loài thai sinh và noãn sinh, thân trung hữu thấy cha mẹ hòa hợp liền sinh tưởng điên đảo mà thọ sinh; ở loài thấp sinh và hóa sinh, thân trung hữu do nghiệp lực trước kia nên chẳng lựa chọn xa gần, đắm nhiễm xứng tình, ngay chỗ nhiễm hương liền thọ sinh.

Hỏi: Mắt của đồng loại thấy thân trung hữu, chẳng biết mắt trung hữu có thể thấy thân bản hữu chăng ?

Đáp: Cũng thấy thân bản hữu. Luận Du-già nói: “Có người nói chỉ thấy nam; có người nói chỉ thấy nữ, như vậy chỉ gần gũi chỗ kia, chẳng thấy chỗ của cha mẹ mà chỉ thấy nam căn và nữ căn”.

Lại, nếu thân trung hữu bạc phước sẽ sinh vào nhà hạ tiện, bần cùng; lúc chết và nhập thai, những người này chỉ nghe những âm thanh hỗn loạn khó chịu; nếu thân trung hữu có phước đức sẽ sinh vào nhà giàu sang, khi ấy tự nhiên nghe những âm thanh dịu dàng dễ chịu; cho đến các cảnh hương, vị, xúc cũng có lên xuống.

Hỏi: Địa vị cuối cùng của thân trung hữu đều khởi ái thọ sinh chăng ?

Đáp: Ở địa vị trung hữu, thức thứ sáu trước tiên khởi ái nhuận sinh, còn chấp thủ kết sinh làm chỉ có thức thứ tám. Nếu là trung hữu nam thì duyên vào mẹ khởi ái sinh dục tâm, nếu là trung hữu nữ thì duyên vào cha khởi ái sinh dục tâm. Do khởi hai thứ tâm luyến ái ấy liền kết hợp thân mình với cảnh yêu thích, rồi rỉ chảy nước bất tịnh dẫn đến thai tạng chấp làm thân của mình, sau đó liền tâm sinh hoan hỉ và thân trung hữu lập tức lặn mất, thọ lãnh thân sinh hữu.

Kinh Bảo Tích ghi: “Lúc thân trung hữu nhập thai mẹ, tâm điên đảo sinh sự hiểu biết tà vạy, sinh tưởng lạnh lẽo, tưởng gió mưa, tưởng mây mù. Sau khi khởi tưởng liền tùy theo nghiệp nặng nhẹ lại khởi mười thứ tâm hư vọng: 1- Tôi vào nhà, 2- Tôi lên lầu, 3- Tôi lên phòng, 4- Tôi ngồi giường, 5- Vào thảo am, 6- Vào thảo xá, 7- Vào đồng cỏ, 8- Vào rừng rậm, 9- Vào lỗ vách tường, 10- Vào sọt tre. Khởi niệm rồi liền vào thai mẹ.

Hỏi: Thân trung hữu màu sắc thế nào ?

Đáp: Luận Du-già nói: “Tạo ác nghiệp thân trung hữu như màu áo đen, hoặc như đêm mịt mù. Tạo thiện nghiệp thân trung hữu như màu áo trắng, hoặc như đêm sáng trăng”.

Kinh Bảo Tích nói: “Trung hữu nơi địa ngục như cây bị đốt đen điu, trung hữu nơi bàng sinh như khói, trung hữu nơi ngạ quỉ như nước, trung hữu nơi trời người như áo trắng”.

Hỏi: Như thân con người biến làm hổ, rắn v.v… có thân trung hữu chăng ?

Đáp: Ngài Từ Ân nói: Không có thân trung hữu, vì chẳng chuyển đổi tổng báo, chỉ thuận hiện chuyển biệt báo, nếu là tổng báo thức thứ tám thì chẳng chuyển. Lại như trong địa ngục nghìn muôn lần sống chết cũng không có thân trung hữu, vì chẳng chuyển tổng báo.

Hỏi: Như đem con đỉa phơi khô thành bụi, sau đó cho vào nước, mỗi hạt bụi liền trở thành con đỉa có thân trung hữu chăng ?

Đáp: Đây chỉ là một loại hữu tình đồng nghiệp, cùng gá nơi đây làm tăng thượng duyên mà thọ sinh, chẳng phải biến thành nhiều con đỉa. Nếu không phải thế thì phạm lỗi hữu tình giới tăng thêm.

Hỏi: Bình Đẳng Vương thấy thân trung hữu chăng ?

Đáp: Chẳng thấy.

Hỏi: Như có người bị quan âm ty đuổi bắt là thân gì ?

Đáp: Chỉ thuộc thân bản hữu. Có người nói: Vì người này có nghiệp, nên trên thức tâm của chính mình vọng thấy quỉ vương Diêm-la, nguyên do đều từ trên độc ảnh cảnh tự biến khởi, lìa thức không thấy. Do đó Duy Thức có bài tụng:

Cảnh theo nghiệp thức chuyển
Cho nên nói duy tâm.

Vì thế biết thức là nguồn của thiện ác, tâm là gốc của khổ vui, thế nhân chỉ biết tìm dòng theo ngọn, mất gốc quên nguồn; luống rèn luyện hạnh trải ba tăng-kỳ, trái chân càng xa; uổng tích công đức qua nhiều kiếp, vẫn còn cách đạo. Thế nên Thánh nhân đắc quả, tỏ ngộ mà cam xưng tuyệt phận; đại sĩ xuất trần, đối diện mà chưa được chứng chân, đâu thể so sánh với hạng tà vạy giả dối, ngoại đạo chấp vào minh sơ, như con khỉ bị mắc bẫy nhựa, hoảng hốt phát cuồng mà có thể trông mong tin nhận sao ? Vì vậy biết Tông Cảnh khó tin, người ngộ rất hiếm, không chỉ được tông mà còn có thể thấu suốt nhân quả, cho nên nói “tin sâu đại thừa chẳng chê bai nhân quả”. Thế nên tất cả hàm thức chỉ do tự tâm tạo nhân thiện ác nhận lấy quả khổ vui. Hoặc lúc ở thân trung hữu tạo nhân thiện thì thấy ánh sáng bạch tịnh, khởi nhân ác thì thấy ánh sáng hắc ám. Hoặc ngày ở trong thai, người tạo bạch nghiệp thấy lên lầu gác, người tạo hắc nghiệp thấy vào nơi gai góc. Đối với người xuất thế gian, y báo chính báo cũng phân biệt ưu liệt. Nếu người có phước thì hiện tướng hàm én mặt rồng thụ hưởng vinh hoa nhà cao cửa rộng. Nếu kẻ bạc phước thì thân tướng nhỏ bé, ở nơi tồi tàn rách nát, có thể gọi là gió hòa vang thuận, hình ngay bóng thẳng, nhân quả đồng thời gặp duyên chẳng mất thì nên quán pháp giới tính tất cả duy tâm tạo.

Luận Nội Đức nói: “Tiểu thừa cho y báo do nghiệp mà có, Đại thừa cho vạn vật do thức tạo. Tùy huyễn nghiệp mà bày trời đất, theo vọng tâm mà hiện cỏ đất, như con mắt bệnh thấy hoa đốm trong hư không, như ngủ mơ thấy tướng sinh, lão. Nếu ngộ nơi tâm nghiệp thì chỉ nghe Phật đạo.