TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 25

Các kinh liễu nghĩa giáo hóa một đời tuy đề mục khác nhau, sự thuyết pháp có sai biệt, đều nhắm vào ý chỉ nhất tâm, hoàn toàn không quan tâm đến văn chương bên ngoài. Đem một lời trở về Tông Cảnh bao trùm pháp giới đều đồng với sự giải thích này, như gọi là kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Diệu Pháp là chân tâm dứt sạch mọi đối dãi gọi đó là diệu. Liên hoa có nghĩa ra khỏi nước mà không nhiễm trước, tức dụ cho tâm tính theo dòng phàm phu không bị nhiễm cấu, nghịch dòng ra khỏi trần lao chẳng vướng nơi tịnh, cho đến bảy ví dụ ở dưới, so sánh đều giống nhau. Nhà lửa là thể của thức thứ tám, bùng lên lửa tứ đảo bát khổ, thiêu đốt thân ngũ ấm trong tam giới. Quỉ thần dụ cho phiền não lợi sử tà kiến, biên kiến; cầm thú côn trùng dụ cho căn bản phiền não, tùy phiền não độn sử, cho đến tất cả kinh giáo vô lượng pháp môn hoặc nói ví dụ, hoặc nói nhân duyên, hoặc nói rộng nói lược, hoặc nói ngang nói dọc, tất cả những danh tướng cú nghĩa đều là pháp của tâm vương tâm sở. Nếu mê một niệm tâm chấp trước ngoại cảnh, tùy theo chỗ sinh chấp trước là vào nhà lửa. Nếu tỏ ngộ một niệm tâm thông đạt tất cả, không gì chẳng phải thật tướng là ra khỏi nhà lửa. Chỉ vì lúc sinh phiền não có nghiệp lưu lại nơi chốn, là trói buộc, là sinh tử. Nếu rõ phiền não tính không, không có nghiệp xứ là giải thoát, là đắc đạo.

Như kinh Tư Ích ghi: “Phật nói lúc ta ngồi đạo tràng chỉ khởi biết điên đảo phiền não rốt cuộc tính không, vì vô sở đắc nên đắc, vì vô sở tri nên tri. Như nói không được một pháp liền được thọ ký là ý nghĩa này”. Nếu trong phẩm Tín Giải, theo pháp dụ thì trưởng giả là tâm vương, cùng tử là vọng niệm. Một niệm vừa khởi, ngũ âm cùng sinh, trái giác hiệp trần gọi là bỏ cha ra đi. Lưu lạc năm loài gọi là năm mươi năm. Trở về nhà là trở về nguồn cội. Giao phó tài sản là ngộ tâm được thọ ký. Ba cỏ hai cây1 cùng hội về nhất tâm, xây đắp thảo am là bày chân thật, hạt châu buộc nơi chéo áo là Phật tính trong tâm, đào giếng mới tuôn ra suối nguồn trí tuệ từ đất tâm.

Cho đến trong phẩm Quán Âm nói: “Những oán tặc đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới là phiền não mười sử lợi độn khắp mọi nơi não loạn người tu hành gọi là oán tặc. Nếu gặp thuận cảnh mà khởi lên kẻ giặc yếu ớt là mũi tên bằng hoa bắn vào thân thể. Nếu gặp nghịch duyên mà khởi lên giặc hung dữ là mũi tên độc bắn vào tim.

Phiền não lợi sử ở khắp mọi nơi, như kinh nói mọi nơi đều có ly mị vọng lượng, vì y theo lời nói mà chấp pháp, tùy theo chỗ thấy sinh hiểu biết.

Phiền não độn sử ở khắp mọi nơi, như kinh nói các loại ác trùng chạy qua lại lăng xăng, do chạm mất thấy cảnh thuận nghịch đan xen, niệm niệm thương xót, tùy chỗ mà kết hợp.

Có một thương chủ là tâm vương, dẫn theo các thương nhân là sáu thức nhãn v.v…. Thương nhân trao đổi trân bảo, như mắt bị sắc trần làm cho trao đổi trân bảo tính thấy, như tai bị thanh trần làm cho trao đổi trân bảo tính nghe v.v…

Ôm giữ châu báu quí giá là ôm giữ Phật tính. Đi qua con đường nguy hiểm là ba cõi nguy hiểm có bến mê của sáu nẻo. Trong ấy có một người xướng lên là ý căn hay khởi lên sự phân biệt tính toán tùy niệm, thường dẫn dắt ngũ căn vào thiện ác.

Các thiện nam, chớ nên lo sợ, các ông phải nhất tâm xưng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, vì Bồ-tát này hay ban cho chúng sinh sự vô úy. Nếu các ông xưng danh hiệu ấy thì sẽ được thoát khỏi những oán tặc. Nếu thấu rõ nhất tâm thì không có ngoại cảnh, mắt chẳng bị sắc cướp phá, cho đến ý chẳng bị pháp cướp đoạt, liền ngay đó giải thoát.

Do đó kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Trong một hiểu vô lượng
Trong vô lượng hiểu một
Rõ các pháp sinh khởi
Sẽ không còn sợ hãi.

Ở trong nhất tâm hay thấu tỏ muôn pháp sinh diệt không có tự tính, muôn cảnh đều không, chẳng có gì sợ hãi, tức là đem sự vô úy ban cho chúng sinh, tức thời thoát khỏi những căn trần oán tặc này.

Các thương nhân nghe rồi cùng lên tiếng niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát, do xưng niệm danh hiệu kia nên liền được giải thoát, sáu căn đều hội nhất tâm là cùng lên tiếng niệm; vừa thấu tỏ duy tâm các cảnh tự diệt là do xưng niệm danh hiệu kia nên liền được giải thoát, vì không có pháp đối trị, chẳng sinh lòng ưa ghét. Do đó phẩm Phương Tiện nói: “Trong mười phương cõi Phật chỉ có pháp nhất thừa”.

Pháp Hoa Danh Tướng ghi: “Kinh nói: Sắc niết-bàn, thọ tưởng hành thức niết-bàn. Ở đây cũng vậy sắc Pháp hoa, thọ tưởng hành thức Pháp hoa. Kinh nói: Sắc chẳng phải nhơ chẳng phải sạch, sắc sinh bát-nhã sinh, sắc tính rỗng không vi diệu gọi là diệu sắc thể. Tự lìa giả danh gọi là pháp, sắc không trần cấu mượn hoa sen là ví dụ. Văn tự tính không gọi đó là kinh, kinh lấy thân tâm làm nghĩa. Như Lai ở tại ấm giới, ấm giới là như, làm gì có sai khác. Đại lược, tổng quát, trước, sau lấy làm tâm yếu. Khải phát đường tâm gọi đó là tựa. Tỏ ngộ tâm tính, đạt bản lai không là ngộ Phật tri kiến. Một sắc tịch diệt, tất cả sắc cũng thế, tất cả thanh cũng thế, là mười phương Phật đồng thuyết Pháp Hoa. Các pháp từ trước đến nay tướng nó thường tự tịch diệt, đây là pháp gì ? Đều là nhãn pháp cho đến ý pháp thân tâm đều tịch diệt. Phật tử tu hành đạo tịch diệt này tức là Phật vậy”.

Vì thế Cổ đức nói: Diệu pháp là trí thể linh diệu của Như Lai. Có kẻ gọi là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đại phương quảng là pháp sở chứng của nhất tâm. Phật Hoa Nghiêm là người năng chứng nhất tâm. Đưa sở về năng, nhân pháp thầm hợp đều là nhất tâm. Đại là phàm Thánh nhất tâm thể lớn của chân như, vì tính chân như ở khắp mọi nơi. Phương là tướng lớn của chân như, vì đầy đủ công đức tính vô lậu. Quảng là dụng lớn của chân như, vì hay sinh ra các thiện căn thế và xuất thế gian. Phật là quả hải vô tác của nhất tâm. Hoa là nhân môn vạn hạnh của nhất tâm. Nghiêm là diệu dụng trang nghiêm của nhất tâm. Kinh là diệu lý vô tận của chân như nhất tâm. Như đập vỡ hạt bụi lấy ra quyền kinh, ngước lên hư không vẽ một nét, cho đến một câu văn, dòng chữ trường hàng, đoản tụng trong tám mươi quyển. Như Thiện Tài thấy năm mươi ba vị thiện tri thức, hoặc người hoặc thân, hoặc nam hoặc nữ v.v…, tất cả đều là pháp môn sở chứng của tự tâm.

Như Tam thừa nói hiểu nhưng chẳng làm, như nói tên người mà không biết người ấy. Nói theo lý nhất thừa của Tông Cảnh là ngay hạnh là giải, như nhìn gương mặt không cần nói tên mà biết rõ người ấy. Hoặc mượn sự vật để nói, hoặc đặt ra tình huống để nói. Như trong đại thừa nói mượn sự vật để hiển bày pháp, tức là lấy việc khác nhau để hiển bày pháp khác nhau. Phần nhiều một việc biểu thị một pháp, như cái nhà biểu thị lòng từ bi, chiếc áo biểu thị sự nhẫn nhục v.v…

Nay nói một việc tức pháp, tức nhân, tức y, tức chính, đầy đủ công đức vô tận, tùy một việc mà bao gồm vô tận. Vì xứng tính là sự thì sự nào có tận ? Từ chân khởi tướng thì tướng nào lại cùng ?

Lại Tam thừa nói về giáo môn, chỉ vì biệt giáo giải thích biệt nghĩa, do đó được lý mà quên giáo. Nếu vào viên tông thì giáo tức là nghĩa, vì khi một pháp vừa khởi thì tất cả vạn pháp đều đồng thời đầy đủ tương ưng. Ngoài một pháp này không còn pháp nào khác.

Do đó kinh nói: Nếu biết từ một pháp sinh ra tất cả pháp thì có thể phân biệt diễn nói; vì mọi nghĩa của tất cả pháp rốt ráo chỉ là một nghĩa, vì nhất tâm hay sinh vạn pháp, diễn nói vô biên nghĩa thú. Trải ra thì đầy khắp pháp giới, trở lại thu nhiếp các pháp nghĩa quy về nhất tâm. Không động nhất tâm mà diễn bày các nghĩa, chẳng hoại các nghĩa mà hiển bày nhất tâm. Tức co lại mà thường triển khai ở trong một lời nói của Như Lai diễn nói vô biên khế kinh. Tức duỗi ra mà thường cuộn lại tất cả pháp môn vô tận như biển đồng tụ hội về đạo tràng nhất pháp. Như cỏ cây ở khắp nơi từ đất sinh ra rồi trở về đất mà diệt; như sóng mòi dấy động từ nước rồi trở về nguồn. Cho nên kinh có bài tụng:

Phật trí thông đạt tịnh vô ngại
Một niệm biết khắp pháp ba đời
Đều từ tâm thức nhân duyên khởi
Sinh diệt vô thường không tự tính.

Cho nên Thanh Lương Sớ ghi : “Kinh Hoa Nghiêm nói chỉ có nhất chân pháp giới, nghĩa là bao gồm vạn hữu là nhất tâm. Hoặc kinh Duy-ma, Trung Hoa dịch là Tịnh Danh, là tự tính thanh tịnh tâm của tất cả chúng sinh. Tâm này chẳng lắng tự trong, chẳng mài tự sáng, nơi phàm nhưng chẳng nhơ, tại Thánh cũng chẳng sạch, nên nói là tự tính thanh tịnh. Nói về danh là vì tâm này không có hình chỉ có danh. Trong văn kinh nói, đem bốn biển mênh mông thu vào lỗ lông, núi Tu-di cao lớn nhét vào hạt cải, bay qua mười phương cõi Phật mà chưa xa rời chỗ cũ, ném đại thiên ra ngoài thế giới mà hàm thức nào biết, nhật nguyệt treo nơi mảy lông mà thức cúng dường hiện ra trong thân, bụng tiếp nhận ngọn lửa của kiếp thiêu nhưng ngọn lửa cũng vẫn như thế, miệng hút hết gió mười phương mà thân không tổn giảm. Đây đều là tự tâm chuyển biến, bất động mà xa gần chợt phân; nhất niệm bao dung, vô ngại mà lớn nhỏ tương nhập.

Thiên Thai Sớ ghi: Nhét núi Tu-di cao lớn vào trong hạt cải mà không thêm bớt, vì bản tướng của núi Tu-di “như”, nên chư thiên ở cung trời Đao-lợi chẳng hay chẳng biết chỗ vào của mình. Chỉ cần được độ là thấy núi Tu-di ở trong hạt cải, đây gọi là pháp môn giải thoát bất khả tư nghì.

Lại đem nước bốn biển vào trong lỗ lông mà không quấy nhiễu các loài thủy tộc, vì bản tướng của biển “như”, nên các loài rồng, quỉ thần, a-tu-la v.v… chẳng hay chẳng biết chỗ vào của mình; ở đây chúng sinh cũng không bị quấy nhiều, đây gọi là đại dụng bất khả tư nghì. Chính vì thật huệ hợp với chân tính nên có được tác dụng khó lường kia. Như luận Đại Trí có kệ:

Thủy ngân và vàng ròng
Hay tô đắp sắc tượng
Công đức và pháp thân
Nơi nơi đều ứng hiện.

Nếu núi Tu-di cao lớn chui vào hạt cải mà không thêm bớt, cũng không chật hẹp, chẳng hay chẳng biết có cảnh bất tư nghì giải thoát, dấu tích ở nơi y báo được tự tại, nghĩa này rất khó hiểu.

Có sư nói thần lực có khả năng như thế; nay cho rằng tính bất tư nghì không phải trời, người, a-tu-la, Phật làm ra thì thần lực làm gì có khả năng ấy ?

Có sư nói nhỏ không có tướng nhỏ, lớn không có tướng lớn cho nên vào được; nay cho rằng nhỏ là nhỏ, lớn là lớn, tự tính này lớn nhỏ không vào được, vì nhỏ lớn lớn nhỏ đã là nhỏ lớn của tha tính thì làm sao vào được ?

Xin giải thích: kinh Hoa Nghiêm nói trong một hạt bụi nhỏ có chứa nghìn quyển kinh, quán tâm nhất niệm vô minh của chúng sinh là tâm Như Lai. Nếu thấy tâm này thì có thể nhét Tu-di vào trong hạt cải rất dễ dàng. Những sự việc bất tư nghì dưới đây cùng kiếp nói không hết đều là ý này. Vì sao như thế ? Kinh nói: Sự giải thoát của chư Phật phải tìm nơi tâm hành của chúng sinh. Nếu quán tâm hành chúng sinh được sự giải thoát của chư Phật, trụ nơi sự giải thoát này thì có thể hiện ra các sự việc bất tư nghì như thế. Vì sao ? Phương tiện giáo nói hàng nhị thừa được lý thiên chân giải thoát là tư nghì giải thoát, như được hạt châu pha lê không thể tuôn châu báu. Đại thừa viên giáo nói hàng Bồ-tát trung đạo được chân tính viên chân giải thoát, là bất tư nghì giải thoát, như được hạt châu như ý có thể tuôn đại thiên châu báu.

Thấy chân tính tâm hành chúng sinh thì được chân tính hạt cải cùng Tu-di nhất như không hai. Nếu được chân tính của hạt cải nhỏ thì có thể dung nạp núi Tu-di to lớn. Nếu được chân tính của Tu-di thì dù Tu-di to lớn cũng không ngại chui vào hạt cải nhỏ xíu. Một ý này có thể dụ cho các việc dưới đây.

Lại nói trong ấy chúng sinh không hay biết, chỉ có những kẻ được độ mới thấy tức là chúng sinh đã không thấy lý chân tính nhỏ lớn thì đâu thể biết.

Nếu có thể quán chân tính này vào quán hạnh là tương tợ tức, nhân đây ắt được Như Lai diệt độ, cho nên nói mới thấy việc ấy. Vì thế kinh Pháp Hoa nói sáu căn thanh tịnh chỉ riêng mình biết, người khác không thấy được.

Kinh nói: Lại đem nước bổn biển vào trong lỗ lông là chính báo được tự lại. Nếu lĩnh hội chân tính bất tư nghì của nước biển là chân tính bất tư nghì của một sợi lông thì có thể đem nước bốn biển vào trong lỗ lông, ở nơi thân chính báo không bị tổn hại.

Phụ Hành Ký giải thích: Căn cứ vào một niệm sát-na tâm khởi nên nói là nhỏ. Chính một niệm này đầy đủ pháp thân, tất cả Phật pháp là có thể dung nạp Tu-di cao lớn. Lớn nhỏ thường khắp, lý sự vô ngại, vì sự lý xưa nay tương tức. Cho nên chẳng dứt phiền não mà vào niết-bàn, chỉ cần phàm phu một niệm sát-na tâm đầy đủ thể pháp thân bất tư nghì, vì xưa nay tương tại. Thế nên những người trong phương tiện giáo mê lý bất tư nghì tương tại, cho dù nghe thường trụ mà đoạn trừ lậu hoặc khác nhau, cho đến người trong biệt giáo vẫn còn hiểu khác. Chỉ có viên giáo trước sau nhất như cho nên năm phần pháp thân không hơn phàm chất. Vì vậy nói muốn thấy tâm Như Lai chỉ cần quán tâm chúng sinh thì chư Phật, chúng sinh là danh, vì tâm thường khế hợp tông chỉ; hữu tình vô tình là hiệu, vì pháp vốn đồng nguồn. Nhận danh hiệu thì thế đế sai biệt, quán thể tính thì chân môn nhất đẳng.

Kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp Sư Công Đức ghi: “Bồ-tát đối với thân thanh tịnh đều thấy mọi việc trên thế gian, chỉ riêng tự mình biết rõ, người khác không thấy được”. Người xưa giải thích: Vì sao chẳng thấy ? Vì có ngã tướng. Vô ngã liền thấy tính. Thấu rõ nhân pháp đều không thì chân tâm tự hiện, tức là thân thanh tịnh. Tất cả cảnh giới trên thế gian đều hiện ở trong chân tâm. Cho nên kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Các pháp được sinh ra đều do duy tâm”. Tính không không có bạn gọi là một mình. Nắm lấy ấm giới nhập gọi là người khác, bị ấm che lấp không thấy tự tính. Bàng cư sĩ có kệ:

Cư sĩ vốn không bệnh
Phương trượng hiện có bệnh
Chỉ lo hàng nhị thừa
Theo sự chẳng ra khỏi
Do đó quở đồ nhơ
Thuần nói ba-la-mật
Thượng phương một bát cơm
No bụng cả bảy ngày
Không nhờ sáng nhật nguyệt
Tâm vương chiếu thất này
Văn-thù hỏi bất nhị
Quên lời công tự thành
Quá khứ đã như thế
Hiện tại cũng đồng nhất
Nếu hay đạt lý ấy
Không cầu đều thành Phật.

Tịnh Danh Tư Ký của ngài Ngưu Đầu nói: Kinh nói ở trong lỗ lông thấy thân bà Ma-da. Trong thai bà Ma-da đi vô lượng bước như rảo bước trong bất khả thuyết vi trần thế giới. Một ngày đi vô lượng bước là pháp môn gì ? Cũng như nói trong thất chứa đựng ba vạn hai nghìn tòa sư tử. Lại nói núi Tu-di vào trong hạt cải. Trong kinh Niết-bàn nói núi Tu-di treo trên cọng sen. Trong Đại Phẩm nói trên đầu kim có vô biên thân Bồ-tát. Chỉ là một ý mà hiểu nhiều cách, cần phải tìm cầu ở trong quán trí tâm hành. Nếu xét trên sự tướng thì không thể được.

Kinh nói: Đây gọi là pháp môn giải thoát bất khả tư nghì, nói tất cả pháp đương thể tự giải thoát, sắc lớn nên Bát-nhã lớn, sắc như hư không, muôn pháp cũng thế, cho nên biết những lời Phật dạy, tuy căn cứ theo sự mà nói, nhưng đều là ngay tướng rõ tông, hoàn toàn không có ý khác. Cho nên kinh Pháp Hoa nói: “Mười phương tìm cầu không có thừa nào khác, chỉ hướng về một pháp”.

Trong Luận Hoa Nghiêm, hòa thượng Linh Biện hỏi: Các tướng lớn nhỏ nhơ sạch khác biệt thì làm sao được tương tức ?

Đáp: Vì tính chẳng phải tính, như hình tượng vào trong gương, tượng vốn hiện trong gương, gương như cũ mà chứa hình tượng, đều không thêm bớt vì vô tính. Một niệm trụ nơi tất cả thế giới bất tư nghì, cho nên tâm chứa đựng vô biên công đức.

Có người nói kinh Kim cương Bát-nhã Ba-la-mật là dụ cho bản tâm bất động, như Kim cương bát-nhã chân trí là linh đài diệu tính. Đạt trí này là đến bờ niết-bàn; mê trí này thì trụ bến mê sinh tử.

Trong kinh nói: “Nên không chỗ trụ mà sinh tâm kia”. Khởi niệm là trụ trước, nếu tâm không khởi thì muôn pháp không sinh, là tâm trùm khắp mọi nơi, mọi nơi ở khắp tâm. Liễu đạt như thế liền vào tự tông, cho nên nói rằng chỗ nào có kinh này là chỗ đó có Phật, vì tâm khắp thì pháp khắp, vì pháp là Phật; vì trí thông thì cảnh thông, vì cảnh là tâm.

Như kinh Hoa Nghiêm ghi: “Như Lai thành chính giác rốt ráo không sinh diệt”. Như một lỗ lông khắp cả pháp giới, tất cả lỗ lông đều cũng như thế, nên biết không có chỗ nào mà không có thân Phật, vì sao ? Khi Như Lai thành Chính giác không nơi nào mà không đến. Thế nên không ngộ tự tâm ở khắp mọi nơi thì ngoài tâm thấy pháp điên đảo luân hồi, đâu thể thành bậc Thiện thệ chính biến tri.

Như kinh nói: “Cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng là thấy Như Lai”. Vì chợt có một chút niệm khởi là rơi vào kiến văn, từ phân biệt sinh đều chẳng phải chân thật. Nếu không liễu đạt vô tướng là tướng là phàm phu chấp tướng. Nếu liễu đạt tướng là vô tướng thì thành bậc đại giác duy tâm. Đã không thể chấp tướng cầu ngộ, cũng không thể lìa tướng tìm chân, chẳng tức chẳng ly, tính giác tự hiện.

Lại nói: “Tất cả chư Phật và pháp vô thượng chính đẳng chính giác của chư Phật đều từ kinh này mà ra”. Vì mười phương ba đời tất cả Như Lai ngộ tâm thành Phật, cho đến Tam bảo, Tứ đế đều từ tâm này mà ra. Giác ngộ điều này gọi là Phật, tuân theo điều này gọi là Pháp, hòa hợp điều này gọi là Tăng.

Kim cương Biện Tông nói: “Kinh Kim cương bát nhã ba-la-mật là pháp môn ngộ tâm của tất cả Như Lai. Thấu rõ vọng tâm vô minh là chân tâm diệu huệ, nên nói là ngộ tâm”.

Kinh Kim Cương nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”. Ngộ vọng tâm ba đời bất khả đắc liền có chân tâm, nên nói là ngộ tâm.

Luận Bát-nhã Bất Hoại Giả Danh ghi: “Nếu tâm Bồ-tát không trụ pháp mà thực hành bố thí, như người có con mắt nhờ ánh sáng mặt trời chiếu mới thấy các thứ sắc. Như người có con mắt là dụ cho được vô sinh nhẫn. Ánh sáng mặt trời chiếu là dụ cho quyết định liễu tri các pháp vô tính. Thấy các thứ sắc là dụ cho ngộ tất cả pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đồng chẳng khác, chẳng đến chẳng đi, vô sở đắc v.v… Bồ-tát chẳng trụ mà thực hành bố thí như thế chóng thành Chính giác được đại niết-bàn.

Giải thích: Tại sao chẳng trụ mà bố thí thì chóng chứng bồ-đề ? Vì thấu rõ tất cả pháp tức tâm tự tính chẳng trụ nơi pháp tịch chiếu vô biên, thành ra chạm mắt là bồ-đề, được tam-muội hiện tiền. Nếu trụ một pháp liền bị cảnh chi phối, mất đi ánh sáng của tâm trí, bước vào chỗ tối tăm của ngu si.

Kim Cương Kinh Nghĩa ghi: “Thường thấy tự tính niệm niệm chẳng lìa, nên nói là có Phật. Lúc thấy tính thì Hằng sa số kiếp chỉ như lúc này, nên nói là bấy giờ. Biết tâm tức Phật là đã được Phật phó chúc. Nơi pháp chẳng trụ mà thực hành bố thí, trong cõi nước mười phương chỉ có pháp nhất thừa, chỉ là nhất tâm. Tâm là pháp, pháp là tâm, còn trụ pháp nào nữa, nên nói là chẳng trụ. Nếu lìa tâm riêng có pháp để được thì sinh tâm cố chấp, trụ nơi pháp tướng, đó là kẻ không có con mắt, cho nên gọi là pháp tối thượng đệ nhất hi hữu. Người tu pháp này hiện đời thành Phật, mười phương hợp thành một tướng, thấy tất cả Phật và các chúng sinh vốn không sai khác, thấy việc trong ba đời giống như khảy ngón tay, đây chẳng phải là pháp hi hữu sao ?

Lại như trong các kinh liễu nghĩa nói chúng nghe pháp từ ngoài mười phương thế giới đến là ngộ tâm mà đến. Nếu mê tông này liền cách xa ở ngoài phương khác.

Luận Hoa Nghiêm ghi: “Từ ngoài thế giới nhiều như số vi trần mười cõi Phật đến, là nói từ mê vào tín, nên gọi là đến. Nói trong thế giới ấy có Phật hiệu là Bất Động Trí là thuyết minh đức Phật Bất Động Trí là phàm Thánh mười phương cùng có trí căn bản sáng suốt nơi đây. Trí hay khởi tín tâm nên gọi là đến. Tất cả chúng sinh thường tự có Phật Bất Động Trí này. Nếu chấp tướng theo mê thì trần chướng vô tận. Nếu một niệm giác mê đạt tướng thì thanh tịnh như hư không. Chỉ vì theo mê gọi là ngoài, ngộ tâm gọi là đến. Thật ra cõi Phật vốn không xa gần trong ngoài v.v…, cũng không đến đi, vô biên cõi Phật không ngoài lỗ lông, hạt bụi nhỏ. Nay nói xa gần, ý muốn cho kẻ mới phát tâm có tâm rộng lớn. Nói từ trong thế giới kia đến, là nói từ mê ngộ nhập nên nói là đến. Thế nên vào Tông Cảnh theo lý phải tuyệt học. Một giáo có thể thuyết minh thuyết của trăm họ, một lời có thể bao quát gốc của muôn loài.

Hoặc nói Hương Tích cách đây có bốn mươi hai Hằng sa thế giới tức là trải qua bốn mươi hai địa vị trong pháp môn tâm địa.

Hoặc nói rải hoa anh lạc trong hư không thành đài báu bốn trụ là bốn đức thường lạc ngã tịnh của niết-bàn. Do đó kinh Hoa Nghiêm nói: Hoa cái v.v… đều do vô sinh pháp nhẫn sinh khởi. Hoặc Phật nói khi ấy Lộc vương chính là thân ta, tức là kết hợp xưa nay nói về pháp tự tâm nhất tế. Hoặc trong giáo hễ có tiếng nói giữa hư không lập tức dứt nghi đều là đốn ngộ tự tâm chẳng phải cảnh giới khác. Hoặc trong kinh Pháp Hoa dời trời người đến nơi khác tức là ba lần biến đổi ruộng tâm. Hoặc trong kinh Duy-ma đem Diệu Hỷ đến cõi này, đây là ngay uế rõ tịnh. Hoặc thất vuông một trượng chứa tòa cao, bảo cái hiện ra đại thiên, chưa lìa Đâu-suất mà đã nhập niết-bàn, không rời khỏi thọ vương mà lên trời Đao-lợi, nắm tay trải qua vô lượng kiếp lên gác thấy nhân quả ba đời, giữa chặng mày Thích-ca xuất hiện các vị Bồ-tát nhiều như mây, lỗ lông Phổ Hiền bày ra cảnh giới chư Phật, bát nhỏ chứa vô hạn thức ăn ngon, ngước lên hư không vô lượng trân bảo tuôn xuống, chẳng động nơi này mà ngồi khắp đạo tràng, mười cõi nước báu hợp làm một cõi, nghe kinh trong năm mươi tiểu kiếp như khoảng sát-na, hiện thần thông trong bảy ngày kéo dài bằng một đại kiếp, cho đến Hằng sa pháp tụ, vô lượng nghĩa môn; nêu một dụ cho số nhiều đều không ra ngoài pháp tự tâm, cho nên biết rằng việc làm tùy theo thế gian của Bồ-tát đều biểu thị nhất tâm. Vì thế kinh Tịnh Danh nói: “Chẳng bỏ đạo pháp mà hiện việc phàm phu”.

Như kinh Hoa Nghiêm ghi: Một niệm ở khắp mọi nơi, vì tất cả chúng sinh thị hiện thành Chính giác, đây là pháp thân viên lâm của Bồ-tát bao trùm tận hư không tất cả thế giới.

Lại nói: Tất cả Bồ-tát thực hành du hí thần thông đều được tự tại, đây là cung điện của Bồ-tát, vì khéo dạo chơi các thiền giải thoát tam-muội trí huệ. Thế nên chính báo, y báo đều thành Phật pháp.

Do đó Tịnh Danh Tư Ký ghi: Đem Diệu Hỷ đến cõi này là nói tịnh uế không hai. Cõi kia tuy đến nhập vào cõi này, cũng không thêm bớt, vì bản tính như. Tuy đến nhưng rốt cuộc không động, đây là ý nghĩa gì, hãy khéo tư duy! Cho nên biết rằng muôn pháp bày ra ẩn hiển qua lại hoặc sự hoặc lý đều không ra ngoài nhất tâm.

Hiểu như thế mới hợp với Phật tâm, phát trí tuệ sáng suốt như nghìn mặt trời chiếu hư không, bao gồm các nghĩa như trăm sông chảy về biển. Rốt cuộc không có một pháp nào hiện ở ngoài tâm và ở trong tâm. Cho đến dưới gồm chúng sinh vô minh, trên gồm chư Phật chủng trí đều là diệu chỉ tính không vô sinh.

Như kinh Ma-ha Bát-nhã nói: “Khi ấy Thích Đề Hoàn Nhân và chư thiên trong tam thiên đại thiên thế giới biến hóa ra hoa rải lên đức Phật, Bồ-tát, tỳ-kheo tăng và Tu-bồ-đề và cũng để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Bây giờ, hoa của chư thiên rải đầy khắp cả hư không hóa thành đài hoa đoan nghiêm thù thắng vi diệu.

Tu-bồ-đề thầm nghĩ từ trước đến nay ta chưa từng thấy hoa trời ấy. Đây là hoa do biến hóa, chẳng phải từ cây trổ hoa mà là từ cây tâm sinh ra. Thích Đề Hoàn Nhân biết được ý nghĩ của Tu-bồ-đề, bèn nói với ngài: Đại đức, không phải hoa sinh ra hoa, cũng chẳng phải cây ý sinh ra. Tu-bồ-đề nói: Kiều-thi-ca, ông nói không phải hoa sinh ra hoa, cũng chẳng phải cây ý sinh ra. Kiều-thi-ca, nếu là pháp chẳng sinh thì không gọi là hoa.

Thích Đề Hoàn Nhân nói: Đại đức, chẳng những hoa chẳng sinh, mà sắc cũng chẳng sinh, thọ tưởng hành thức cũng chẳng sinh.

Tu-bồ-đề nói: Kiều-thi-ca, chẳng những hoa chẳng sinh, sắc cũng chẳng sinh. Nếu chẳng sinh đây chẳng gọi là sắc, thọ tưởng hành thức cũng chẳng sinh. Nếu chẳng sinh đây chẳng gọi là thức. Lục nhập, lục thức, lục xúc, nhân duyên của lục xúc sinh ra các thọ cũng như thế. Đàn ba-la-mật chẳng sinh; nếu chẳng sinh đây chẳng gọi là đàn ba-la-mật; cho đến bát-nhã ba-la-mật chẳng sinh; nếu chẳng sinh đây chẳng gọi là bát-nhã ba-la-mật; cho đến nhất thiết chủng trí chẳng sinh; nếu chẳng sinh đây chẳng gọi là nhất thiết chủng trí. Cho nên biết rằng muôn pháp đều vô sinh, nghìn lối đều trở về Tông Cảnh.

Như Cổ đức nói: Ba thân, mười ba-la-mật của Phật, cho đến các hạnh lợi tha của Bồ-tát đều y theo tự pháp mà dung chuyển, là do trong tâm chúng sinh có thể lớn của chân như. Nay tu hành dẫn xuất pháp thân, là do trong tâm có tướng lớn của chân như. Nay tu hành dẫn xuất báo thân là do trong tâm có dụng lớn của chân như. Nay tu hành dẫn xuất hóa thân, là do trong tâm có pháp tính không xan tham của chân như. Nay tu hành theo pháp tính không xan tham dẫn xuất đàn ba-la-mật v.v… Do đó kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Pháp Văn-thù luôn thế
Pháp vương chỉ một pháp
Tất cả không ngại người
Lối ra khỏi sinh tử.

Lại tụng:

Kim cương Thiết-vi số vô lượng
Đều hay đặt để nơi đầu lông
Nếu rõ cực lớn có tướng nhỏ
Bồ-tát do đây mà phát tâm.

Do vì lớn nhỏ vô tính, rộng hẹp tùy duyên. Nếu có thể thấy rõ tướng cực lớn không gì ngoài tức là tướng cực nhỏ không gì trong, đều là pháp môn tâm địa trên một mảy lông, gọi là thấy đạo, cho nên nói Bồ-tát do sơ phát tâm hiểu như thế, không chuyển thân phàm phu, sinh vào nhà Như Lai, trở thành Phật tử chân chính.

Nghĩa Hải ghi: Sinh vào nhà Phật nghĩa là chân như pháp giới vô sinh, bồ-đề niết-bàn là nhà. Như lúc thấy sáu trần vô sinh vô tính, tức là trí này từ pháp vô sinh hiển, đây là sinh vào nhà Phật.

Kinh tụng:

Với pháp chẳng phân biệt
Là từ chân như sinh.

Lại nói: Khắp trong Phật pháp ba đời mà hóa sinh nhưng khế hợp nghĩa lý gọi là sinh vào nhà Phật. Phật tử này cũng gọi là Phật xuất thế. Cho nên biết rằng còn bám vào văn ngôn đều là dấu vết của tâm. Cho đến xưng là chân như cũng gọi là dấu tích. Nếu có thể tìm kiếm dấu vết mà được gốc, tự nhiên bặt dấu trở về cội gốc. Hoặc mê dấu chạy theo trần thì mất gốc. Do đó thấu rõ bản tích tuy khác mà đồng là một bất tư nghì. Mê muội thì bản tích đều mê, theo tình tự sai khác. Cho nên kinh Đại Bảo Tích nói: “Ta chứng bồ-đề không có dấu vết sai biệt”. Những gì gọi là dấu vết ? Chân như, pháp tính đều gọi là dấu vết, các pháp thật tế cũng gọi là dấu vết, không sinh không diệt cũng gọi là dấu vết. Ngày nay phần nhiều chấp dấu vết phương tiện ngôn giáo, đánh mất cái gốc của chính nghĩa nhất tâm. Thế nên những gì Tông Cảnh trình bày đều là tìm kiếm dấu vết để được gốc. Tuy trích dẫn rất nhiều lời lẽ giải thích ân cần tỉ mỉ cũng chỉ vì điều này. Cho nên kinh Thiên Vương Bát-nhã nói: “Bậc lợi căn nghe nói kinh văn liền biết nghĩa. Nếu có thể nghe kinh văn liền biết nghĩa, thấy pháp biết tâm, vừa vào Tông Cảnh liền dứt sạch hoài nghi thì chẳng cần thiên nhãn mà thấy suốt cõi nước mười phương, chẳng cần thiên nhĩ mà nghe âm thanh khắp pháp giới, chẳng nhờ thần túc thông mà chóng đến mười phương hư không, ngồi yên bất động mà chư Phật thường hiện tiền”.

Như kinh Bát Chu Tam-muội nói: “Do đâu chư Phật đứng trước mình nhập tam-muội như thế. Này Bạt-đà-hòa, có tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di giới hạnh đầy đủ, tâm chuyên nhất niệm Phật, Phật A-di-đà ở phương Tây tại cõi nước Tu-ma-đề, ở giữa chúng Bồ-tát nói pháp, ngài nghe được tiếng niệm Phật ấy dù cách xa nghìn ức vạn cõi Phật.

Phật bảo Bạt-đà-hòa: Như người nằm mơ thấy vàng, bạc, châu báu, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc, vui sướng vô cùng. Đến khi tỉnh dậy thuật lại việc trong chiêm bao. Bạt-đà-hòa, Bồ-tát hoặc sa-môn, bạch y khi nghe danh hiệu Phật A-di-đà ở phương Tây nên nghĩ nhớ đức Phật phương ấy, nên trì tịnh giới, nhất tâm niệm Phật hoặc một ngày đêm, hoặc bảy ngày đêm. Qua bảy ngày sau thấy Phật A-di-đà trong chiêm bao, không thấy khi thức dậy. Như những điều thấy trong chiêm bao không biết là ngày đêm, không biết bên trong, cũng không thấy bên ngoài. Cũng không cần ở trong tối mà nói không thấy, cũng không cần che phủ mà nói không thấy. Như vậy Bạt-đà-hòa, tâm Bồ-tát đang lúc nghĩ nhớ như thế, cõi nước chư Phật gọi là Đại A-di-sơn, trong đó chỗ tối tăm đều được mở toang, mắt cũng không che, tâm cũng không ngại, đại Bồ-tát này không cần thiên nhãn mà thấy suốt, không cần thiên nhĩ mà nghe thấu, không cần thần túc mà đến cõi Phật kia, chẳng ở nơi đây mạng chung chẳng sinh vào cõi Phật khác, ngồi nơi đây thấy Phật A-di-đà, nghe Phật nói pháp thảy đều thọ trì, ra khỏi tam-muội cũng được đầy đủ, rồi thuật lại cho người khác nghe việc ấy.

Những điều nói trên đều là pháp môn đốn nhập, hoàn toàn vì bậc thượng căn, chẳng phải là quyền tiệm. Nay thuyết minh phần nào Phật chỉ, ca ngợi sơ lược kinh văn, đại ý đều y cứ vào sự giải thích của cổ đức thì lý nào không tận, việc nào không cùng! Nhưng về sau các bậc hiền trí không còn sáng suốt nữa, vì ý Phật thâm áo, một câu có thể sinh vô lượng nghĩa.

Hỏi: Như trên nói hạt cải chứa Tu-di, sợi lông hút biển cả, chỉ là nhất tâm, Tu-di vào hạt cải hay không vào hạt cải. Nếu nói vào thì tại sao kinh nói vì Tu-di bản tướng như. Nếu nói không vào thì tại sao kinh nói chỉ có kẻ được độ mới thấy đó ?

Đáp: Nếu nói vào thì mất đi tự tính của các pháp. Nếu nói không vào thì trở thành nhị kiến.

Lại có người nói: Nhỏ là nhỏ đối với lớn, lớn là lớn đối với nhỏ. Hoặc nói: Hạt cải, Tu-di đều không có tự tính đây là lấy không nạp không, có gì kì đặc ? Cho nên biết chưa vào Tông Cảnh, tình kiến khó quên, hạn cuộc lớn nhỏ nơi phương hướng, lập thấy nghe nơi diệu đạo, khiến cho nhất chân tiềm ẩn, vạn pháp chẳng dung.

Nay nói về chính nghĩa, nghĩa là vào mà không vào thì biết bản tướng của Tu-di, không vào mà vào thì hiểu tự tông của các pháp. Hoàn Nguyên Quán  ghi: “Nói vào nghĩa là tính tướng đều mất, thể đồng pháp giới, vào mà không tướng vào”. Kinh có bài kệ:

Cảnh giới Như Lai sâu
Lượng lớn như hư không
Tất cả chúng sinh vào
Mà thật chẳng chỗ vào.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Đều vào pháp giới mà không chỗ vào”. Nếu riêng có một chỗ vào thì đánh mất bản tướng, không thể nói các pháp; vì đương thể tự trống rỗng gọi là vào pháp giới, không riêng để vào thì chẳng hoại các thứ.

Lại kinh nói: “Tuy các pháp chẳng đồng chẳng khác mà nói đồng khác”. Cho nên biết căn cứ sự tướng thì rõ ràng chẳng vào, mới được cùng trợ nhau và cùng khắp cả. Nếu vào thì mất duyên, chẳng có cái nghĩa các duyên sai khác. Nếu chẳng vào thì hoại tính dụng, không được lực dụng xen suốt thì không có cái nghĩa cùng trợ nhau và cùng khắp cả. Nếu đủ cả vào và chẳng vào thì thành cái nghĩa cùng tồn tại vô ngại. Đầy đủ ba duyên này mới thành duyên khởi, thấu rõ duyên tính này thì có thể biến thông, nên vuông mà có thể tròn, nhỏ mà có thể lớn, hẹp mà có thể rộng, ngắn mà có thể dài, không gì chẳng phải thần đức tự tại của tâm ta thì chạm mắt đều là Tu-di vào trong hạt cải, giơ chân trụ nơi bất tư nghì giải thoát. Cho nên cổ nhân nói: Nhét Tu-di vào trong hạt cải, ném đại thiên ra ngoài thế giới là việc bình thường của tâm ta, đâu nhờ đến phương cách khác ? Đây là toàn lực của chúng sinh, không phải đợi chứng Thánh mới có. Do đó chư Phật trong pháp bất nhị hiện thần thông vi diệu, Bồ-tát ở trong lý vô tính thành tựu Phật sự lớn. Cho nên Tín Tâm Minh nói:

Cực lớn đồng nhỏ,
Chẳng thấy bên ngoài;
Cực nhỏ đồng lớn,
Quên hết cảnh giới.

Phó đại sĩ có bài tụng:

Tu-di cha hạt cải
Hạt cải bố Tu-di
Núi sông thản nhiên bằng
Gỏ băng đem nấu trà.

Thế nên một pháp làm chủ, nghìn lối tranh nhau vào năm ngọn núi chênh vênh mà không chót vót, bốn biển bao la mà không sâu thẳm, tam độc tứ đảo mà chẳng phải phàm, bát giải lục thông mà chẳng phải Thánh.

Hỏi: Thế nào là nơi thản nhiên bằng phẳng ?

Đáp: Biển cả sâu nghìn tầm, núi cao đến muôn nhẫn, mặt trời mọc giữa đêm, hoa nở giữa mùa thu.

Hỏi: Như trên nói ý chỉ tức tâm tức Phật. Phật Tổ ở Tây Thiên, Trung Quốc đồng tuyên nói, lý sự rõ ràng như thấy trước mắt. Tại sao lại nói phi tâm phi Phật ?

Đáp: Tức tâm tức Phật là biểu thuyên, là trực tiếp biểu thị chân lý để thân chứng tự tâm, thấy tính rõ ràng. Còn phi tâm phi Phật là già thuyên, là che giấu tội lỗi, dẹp nghi phá chấp, dẹp trừ tình kiến, y thông ý giải nhận lầm sự việc, vì tâm Phật đều bất khả đắc, cho nên nói là phi tâm phi Phật. Đây là pháp môn quét sạch năng tâm, quyền lập đốn giáo, dứt sạch không nương gá, đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, cho nên đây cũng là lối vào thẳng tắt. Nếu viên giáo là pháp tình tận thể lộ, có già có biểu, phi tức phi ly, thể dụng tương thâu, lý sự vô ngại. Học giả ngày nay đã không có con mắt trí tuệ, lại còn thiếu sự học rộng, nghiêng nặng về việc ngăn chặn tội lỗi mà không thấy lý viên thường, không biện chủ tớ, nào phân chân ngụy. Như bỏ đi biển cả mà giữ lại hòn bọt, bỏ vàng lấy gạch, nắm bọt nước cho là của báu, cho sỏi đá là châu ngọc. Do đó kinh nói: “Như kẻ trộm ngu si, vứt bỏ vàng ngọc, khuân lấy gạch ngói”. Nay biên tập sách này chủ yếu cũng vì việc trên, bởi tâm với Phật đều là danh tự thế gian, thị cùng với phi đều là cái thấy phân biệt, bàn suông nghĩ rỗng làm sao trở về chân thật. Do đó Tổ sư nói: “Nếu nói tâm này là Phật như trâu có sừng, nếu nói phi tâm phi Phật như thỏ không sừng, đều là đối dãi gượng gọi là chuyện nhảm nhí”.

Nếu từ danh nhận thể, chợt ngộ bản tâm, chứng chân tri của mình, rõ ràng không mê muội, hoàn toàn không nhận danh trệ thể, khởi tâm sở đắc, lấy bỏ đều dứt, thị phi quét sạch, cũng chẳng một bề lìa tâm mà vọng khởi cái thấy tuyệt ngôn, cũng chẳng một bề tức tâm mà bị chế giễu chấp ngón tay.

Luận Hoa Nghiêm nói: Trệ danh thì danh lập, bỏ lời thì lời sinh, đều là trái giác hợp trần, quên mình theo vật. Nếu thật sự tỉnh giác, hiện chứng tự tông thì còn không có trí tâm năng chứng và diệu lý sở chứng, huống là có vọng tưởng hay biết hay hiểu, có đắc có thú ?

Gần đây có những người tham thiền mà không được ý chỉ, không tin lời nói tức tâm tức Phật, nhận xét là những điều giáo thừa nói chưa sâu kín, ta tự có tông môn hướng thượng, chỉ chú trọng thuyết phi tâm phi Phật, đều là chỉ hươu thành ngựa, mong ngộ gặp mê, chấp bóng là thật, lấy bệnh làm pháp. Chỉ cần môn phong cao vút, hỏi đáp sắc bén, phát cuồng huệ mà giữ si thiền, mê phương tiện mà trái tông chỉ, lập hình thức mà vẫn bám lấy đạo lý như đem đồ giả vào vàng thật; giữ quy củ mà định góc cạnh như thêm nước vào trong sữa. Một bề biện luận trên ngôn ngữ, theo sự hiểu biết của ý căn, đều là năng sở chưa dứt, danh tướng chưa phá, cho nên hoàn toàn không ngộ đạo, chỉ chạy theo hư vọng luân hồi, khởi cái thấy ngã pháp mà khinh thường bậc thượng lưu; cậy lầm tri giải mà chà đạp kẻ chưa học, hủy hoại chính pháp của Phật, phế bỏ sự tu hành làm nhân trợ đạo, chê bai quả bồ-đề của nhị thừa, diệt mất giống lành của trời người, chỉ muốn làm bậc thượng sĩ nghiên cứu lẽ huyền vi bắt chước vô ngại vô tu, không biết rằng rơi vào vô tri trở thành không kiến ngoại đạo. Chỉ thấy bóng dáng và dấu vết mà không xem xét đến viên thường, chứa nhóm sự hiểu biết không ngừng nghỉ luống tự mệt mỏi. Nếu thật sự thấy tính thì tâm cảnh tự rỗng không, sống ẩn dật, âm thầm tu tập. Như Khổng Tử lạc bến hỏi ngư phủ, ngư phủ hỏi lại: Người ta có tật sợ bóng ghét dấu nên chạy nhanh không dừng nghỉ cho đến kiệt sức mà chết. Chẳng biết ở chỗ râm thì mất bóng; ở nơi yên tĩnh thì mất dấu. Thật quá ngu si! Sao không một lòng vì đạo dứt trừ thị phi, tự nhiên vượt lên thường tình trở lại thuần phác. Nếu dùng đạo để tự dưỡng thì chẳng mất, dùng đạo để độ người thì chẳng dối, dùng đạo để trị quốc thì quốc thái, dùng đạo để tu gia thì gia an, cho nên không thể quên đạo trong chốc lát”. Do đó Đạo Đức Kinh nói: “Mất đạo thì còn đức, mất đức thì còn nhân, mất nhân thì còn nghĩa, mất nghĩa thì còn lễ. Mất lễ thì lòng trung tín ngày càng mỏng manh, khởi đầu cho sự loạn lạc”.

Trang Tử nói: “Năm sắc không tạp loạn cái gì là nét đẹp, năm thanh không tạp loạn cái gì là âm luật, bạch ngọc không tỳ vết cái gì là ngọc quí ? Đem đồ hư hỏng làm vật dụng là sai lầm của người thợ, lấy sự hủy báng đạo đức làm nhân nghĩa là lỗi của Thánh nhân, vua đốt phù phá ấn nên đạo tặc tự hết, phá huỷ cân đấu nên dân chúng không tranh cãi, Thánh nhân sinh thì đạo tặc khởi, Thánh nhân chết thì đạo tặc hết. Cho nên biết nhân nghĩa lễ trí tín lợi cho thiên hạ thì ít, mà hại cho thiên hạ thì nhiều, làm sao khai thị pháp môn đại uy đức rộng lớn bất tư nghì như thế để cho quần sinh mười phương thấm nhuần, có thể gọi là thấu suốt tông chỉ nhiệm mầu, thầm hợp lẽ chân. Như voi chúa qua sông mỗi bước chân đều thấu đáy, như Dưỡng Do bắn tên mỗi mũi đều xuyên cây dương, đây đều là câu văn chỉ thẳng, lời nói tận nguồn, nghĩa viên đốn. Chẳng phải môn quyền nghi, như trăng chợt hiện trong nước không có đến đi, tợ gương sáng chiếu soi nào có trước sau ?

Thủ Lăng Nghiêm Sớ Sao ghi: Nếu nghe kinh này liền ngộ được tất cả chúng sinh như mảy lông ở trong bản giác của ta, biết rõ tất cả mọi vật đều không tự tính thì trừ được vô minh. Vô minh trừ rồi nhất thời đốn chứng liền thấu hiểu không từ nơi tu mà được, như Quán Âm nhập lưu vong sở, A-nan vui mừng vì không phải trải qua a-tăng-kỳ mà đắc pháp thân v.v… đây đều là đốn vậy.