TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 15

Hỏi: Địa vị phàm phu đã ngang hàng chư Phật tại sao không có tác dụng thần thông?

Đáp: Chẳng phải không có mà vì chúng sinh không biết, vì vậy tông Hoa Nghiêm nói: “Chư Phật chứng được cái thể của chúng sinh, sử dụng cái dụng của chúng sinh”. Cho nên hòa thượng Chí Công ca:

Ngày tàn chưa tỏ đất tâm
Nhà người văn tự xa gần ích chi
Đâu từng liễu nghĩa huyền vi
Cũng đừng tác ý công phu tìm cầu
Tránh điều ngang dọc tự do
Giữa đời sống chẳng vướng mùi trần lao
Vẫn trong thanh sắc dụng tâm
Phàm phu chẳng rõ tính toan nỗi gì?

Có học nhân hỏi hòa thượng Đại An1: Thế nào là thần thông của chư Phật ? Sư hỏi: Ông từ đâu đến ?  Đáp: Từ Giang Tây. Sư bảo: Ai cũng nói dối phải không ? Thưa: Hoàn toàn không nói dối. Học nhân lại hỏi: Thế nào là thần thông ? Sư nói: Quả nhiên nói dối. Từ đây ta có thể nghiệm rằng hiện tiền sử dụng hằng ngày mà không hay biết. Chư Phật đem cái nhân ba đại thể tướng dụng của chân như trong tâm chúng sinh làm cái quả ba thân pháp báo hóa thì còn bàn làm gì có hay không có ? Hôm nay nếu thật sự chưa lãnh ngộ thì chẳng những sinh nhân bị sinh, mà liễu nhân cũng bị liễu. Kinh Đại Niết-bàn nói: “Sinh nhân như đất bùn làm bình lọ, liễu nhân như đèn soi chiếu vật”. Nếu đèn trí tuệ chiếu soi thì phàm Thánh nhất như, còn nếu dùng ý thức quan sát thì chân tục in tuồng sai biệt. Nhưng thế gian phần nhiều chấp sự tướng, mê mờ chân lý, cho nên kinh Pháp Hoa nói: “Do phàm phu chấp tướng, nên tùy nghi vì họ nói pháp. Kinh Kim Cang nói: “Kẻ phàm phu tham trước việc ấy”. Do đó tất cả kinh luận đều phá các chấp trước sự tướng thân tâm chúng sanh. Như phẩm Ly Vi trong luận Bảo Tạng nói: “Kinh luận đều đem phàm tình phá căn lượng, mọi thứ phương tiện đều không vướng mắc nơi hình tướng sự việc. Nếu không vướng mắc nơi hình tướng sự việc thì không cần đến lời nói đến cả ly vi”. Cho nên kinh nói: “Tùy nghi nói pháp, ý thú khó hiểu”. Tuy nói các thứ thừa, song đều là phương tiện quyền tiếp để trợ đạo; chẳng phải là niết-bàn cứu cánh giải thoát. Như có người ở trong hư không vẽ các sắc tướng và tạo ra các âm thinh, nhưng hư không không hề thay đổi, cho nên biết chư Phật hóa thân và thuyết pháp cũng lại như thế; trong thật tế đều không có nhất dị. Thế nên trời đất hiệp ly, hư không hiệp vi, vạn vật động tác biến hóa vô vi.

Trong thần có trí, trong trí có thông. Thông có năm thứ, trí có ba thứ. Năm thông là gì ? 1- Đạo thông, 2- Thần thông, 3- Y thông, 4- Báo thông, 5- Yêu thông.

– Yêu thông là hồ ly thường hay biến hóa, gỗ đá tinh thông biến hóa, gá dựa vào người thần khiến cho thông tuệ lạ lùng.

– Báo thông là quỷ thần nghịch tri, chư thiên biến hóa, trung ấm liễu sinh, thần long ẩn biến.

– Y thông là theo pháp mà biết, bằng cách gá vào thân, nhờ bùa phép qua lại, thuốc uống linh biến.

– Thần thông là tĩnh tâm chiếu vật, nhớ về túc mệnh các thứ phân biệt đều tùy định lực.

– Đạo thông là vô tâm ứng vật, duyên hóa muôn loài như trăng trong nước, hoa đốm hư không đều là ảnh tượng không có thật.

Ba trí là gì ? 1- Chân trí, 2- Nội trí, 3- Ngoại trí.

– Ngoại trí là phân biệt căn môn, biết rõ trần cảnh, nhìn thấy cổ kim, thông hiểu việc thế tục.

– Nội trí là tự giác vô minh, đoạn trừ phiền não, tâm ý tịch tĩnh, diệt tận.

– Chân trí là biết rõ không một vật, xưa nay tịch tĩnh thông đạt vô biên, tịnh uế không hai.

Chân trí, đạo thông không thể đặt tên, còn những thứ kia đều là tà ngụy. Ngụy thì không chân, tà thì không chính, hoặc loạn tâm sinh, mê mờ bản tính, thế nên hiểu rõ ly vi, thông đạt vạn vật, tự tính vốn chân xuất hiện nơi các loài.

Trí có tà chính, thông có chân ngụy, nếu chẳng phải pháp nhãn tinh minh thì khó thể biện biệt. Thế nên thế gian phần nhiều tin theo tà ngụy ít chịu tin theo chính chân, không thực hành đại thừa chỉ theo tiểu thừa, cho nên biết diệu lý khó hiển bày. Bách Trượng Quảng Ngữ ghi: “Ứng vật tùy hình biến hiện các loài, lìa ngã và ngã sở vẫn thuộc về tiểu dụng là môn Phật sự thâu nhiếp. Đại dụng là đại thân ẩn nơi vô hình, đại âm náu nơi vô thinh”. Bàng cư sĩ có bài kệ:

Người đời xem trọng tiền bạc
Riêng ta chỉ thích yên tĩnh
Tiền bạc làm loạn nhân tâm
Yên tĩnh dễ thấy chân như
Tâm thông thì pháp cũng thông
Mười tám đoạn hành tung
Chỉ cần tự tâm vô ngại
Lo gì thần chẳng thông.

Hiểu biết như thế mới vào được Tông Cảnh, mọi sinh hoạt đều vào luật hạnh, tự nhiên thành tựu tất cả Phật sự. Như Tịnh Danh Tư Ký nói: “Được vào luật hạnh như Ưu-ba-ly được gọi là bậc trì luật, thiện giải. Không cần ngồi thiền chỉ kinh doanh cúng dường mà thường làm Phật sự cầu trong tâm hành”. Trên đây đều căn cứ theo tính dụng tâm thông mà không căn cứ theo sự hiểu biết, theo các nhà kiêm sự nói: Hoặc cho rằng chúng sinh đầy đủ lý, chư Phật tròn đầy sự; hoặc cho rằng chúng sinh tại nhân, chư Phật chứng quả; hoặc cho rằng chúng sinh bị khách trần che lấp, chư Phật hiện bày cùng tận; hoặc cho rằng chúng sinh bị vọng kiến ngăn cách, chư Phật được ngũ nhãn viên thông. Lại Thiên Thai giáo phần nhiều căn cứ bản tích thuyết minh phàm Thánh bất nhị, biện biệt nhân quả chúng sinh với Phật. Cho nên Triệu pháp sư nói: “Bản tích tuy khác nhau song bất tư nghì chỉ có một”, do đó Tôn giả Trạm Nhiên2 căn cứ theo ba quán, bốn giáo mười như, mười thừa, nhất niệm tam thiên v.v… ở nơi tích môn này luận về mười diệu. Nếu biết tích môn này còn kì diệu như thế thì phải biết bản môn thế nào! Nay tóm lược mười môn sắc tâm bất nhị để thuyết minh về tông của quyền thật, biện biệt hóa pháp của năng sở, cho nên nói lấy thật bày quyền thì không hai mà hai; khai quyền hiển thật thì hai mà không hai, đây là thỉ giáo chung giáo thuyết minh bất nhị. Mươi môn đó là:

1- Sắc tâm bất nhị môn:

Từ thập như cho đến vô đế, mỗi thứ đều có tổng biệt. Tổng tại nhất tâm, biệt chia ra sắc tâm. Những gì trong thập như? Tướng chỉ ở nơi sắc, tính chỉ ở nơi tâm; thể lực làm thành duyên nghĩa gồm cả sắc tâm; nhân quả chỉ ở nơi tâm, báo chỉ ở nơi sắc; mười hai nhân duyên, khổ nghiệp gồm cả hai; hoặc (phiền não) chỉ ở nơi tâm; tứ đế thì ba đế trước gồm sắc tâm, diệt đế chỉ ở nơi tâm; nhị đế tam đế đều là phàm tục gồm cả sắc tâm; chân trung chỉ ở nơi tâm; nhất thật đế và vô đế y theo đây có thể thấy. Đã biết biệt rồi, nhiếp biệt vào tổng, tất cả các pháp không gì chẳng phải tâm tính. Nhất tính, vô tính, tam thiên như nhau, nên biết rằng sắc tâm của tâm tức là tâm gọi là biến, biến gọi là tạo. Tạo nghĩa là thể dụng. Đây là phi sắc phi tâm là sắc là tâm, duy sắc duy tâm. Chính do điều này cho nên biết chỉ cần một niệm thấy khắp mình người chúng sinh Phật. Chúng sinh và Phật của người cùng đồng với tâm, huống hồ tâm chúng sinh Phật của mình làm sao trái với nhất niệm, vì thế tất cả cảnh pháp sai khác mà chẳng sai khác.

2- Nội ngoại bất nhị môn:

Cảnh bị quán không ra ngoài nội ngoại. Ngoại là nương gá sắc tâm y chính tức là không giả trung. Do vì không giả trung vi diệu nên thể của sắc tâm bặt dứt. Chỉ có nhất thật tính không có không giả trung, sắc tâm rõ ràng đồng với chân tịnh, không còn bảy phương tiện của chúng sinh sai biệt, không thấy cõi nước sạch nhơ khác biệt mà y chính lưới châu (đế võng) tự nhiên rực rỡ. Nội là trước tiên biết rõ sắc tâm bên ngoài nhất niệm vô niệm, chỉ có nội thể tam thiên tức là không giả trung; đây là pháp bên ngoài toàn là tâm tính. Tâm tính vô ngoại nhiếp khắp tất cả, chư Phật mười phương hữu tình trong pháp giới, tính thể không khác bao trùm tất cả, ai cũng nói nội ngoại sắc tâm ta người, đây là do sắc tâm bất nhị môn làm thành.

3- Tu tính bất nhị môn:

Tính đức chỉ là giới (cõi) như một niệm, nội giới như ba pháp đầy đủ. Tính tuy vốn vậy song nhờ trí mà khởi tu; do tu chiếu tính, do tính phát tu. Tại tính thì toàn tu thành tính, khởi tu thì toàn tính thành tu. Tính không dời đổi, tu thường như thế. Tu có hai thứ: Thuận nghịch tu. Thuận nghĩa là thấu rõ tính làm hạnh, nghịch nghĩa là trái nghịch tính trở thành mê. Mê muội mà thấu rõ hai tâm, tâm tuy không hai, nghịch thuận hai tính. Tính sự luôn sai khác, nhưng do sự chẳng dời đổi thì khiến cho mê tu thành liễu (thấu tỏ), cho nên cần một thời gian mê liễu chiếu tính thành tu. Kiến tính tu tâm, hai tâm cùng mất. Lại thấu rõ thuận tu đối tính có ly có hiệp. Ly nghĩa là tu tính đều có ba, hiệp nghĩa là tu hai, tính một. Tu hai đều có ba cộng lại thành tính ba. Đây là tu tuy đủ chín, song chín chỉ là ba. Do vì đối tính mà nói về tu nên hiệp tu làm hai. Hai cùng với một tính như nước là sóng, hai cũng không hai, cũng không sóng nước. Phải biết tính chỉ cho ba chướng, thế nên đủ ba. Tu từ tính mà thành, thành ba pháp nhĩ, đạt được vô tu tính, chỉ có nhất diệu thừa, không có phân biệt, pháp giới mênh mông sáng sủa. Đây là do nội ngoại bất nhị môn làm thành.

4- Nhân quả bất nhị môn:

Tâm chúng sinh vì đã có đầy đủ ba nhân tố, nhân này thành quả gọi là ba loại niết-bàn. Nhân quả không sai khác trước sau một lý. Nếu nhân đức đã đủ thì sao không trụ nơi nhân ? Chỉ vì mê nhân đều tự cho là thật. Nếu rõ tính mê thật sự chỉ trụ nhân nên nghiền ngẫm lâu dài cái nhân này, nhân hiển bày gọi là quả. Chỉ duyên một lý nhân quả, dùng một lý này làm nhân, lý hiển bày không còn tên gọi quả, thì đâu thể còn tên gọi nhân. Nhân quả đã mất, tự mê lý tính. Chỉ do mê trí thân sơ khiến cho mê trở thành dày mỏng; mê có dày mỏng nên miễn cưỡng chia làm ba hoặc, nghĩa mở rộng là lục tức, gọi là trí cạn sâu. Như chiêm bao càng làm cho hư không mờ tối, khi mê muội hết rồi, cái nhân huyễn đã đủ, cái quả hình tượng trong gương đã trọn, vạn hình tượng trong hư không tuy tức nghĩa đồng mà hình tượng trong hư không thật là hình tượng thật, là vì xứng lý bản hữu, do vì hư không nên mê chuyển thành tính, thế nên vì không hai mà hai nên lập ra nhân quả; vì hai mà không hai nên trước sau một thể. Nếu nhân khác với quả, nhân cũng chẳng phải nhân. Biết quả từ nơi nhân, nhân mới chế phục quả, do đó tam thiên tại lý đồng gọi vô minh, tam thiên quả thành đồng gọi là thường lạc, tam thiên không thay đổi thì vô minh tức minh, tam thiên cùng thường thì đều là thể, đều là dụng. Đây là do tu tính bất nhị môn làm thành.

5- Nhiễm tịnh bất nhị môn:

Nếu biết vô thỉ tức pháp tính là vô minh nên có thể rõ ngày nay vô minh là pháp tính. Pháp tính cùng vô minh tạo dựng các pháp gọi đó là nhiễm; vô minh cùng pháp tính ứng theo các duyên gọi đó là tịnh. Nước đục, nước trong sóng nước không sai khác. Trong đục tuy tức do duyên mà đục trở thành sẵn có; đục tuy sẵn có mà toàn thể là trong, vì hai sóng lý thông, toàn thể là dụng. Tam thiên nhân quả đều gọi là duyên khởi, mê ngộ duyên khởi không lìa sát-na, tính sát-na thường duyên khởi một lý. Trong một lý mà chia ra sạch nhơ, biệt thì có sáu cõi nhơ, bốn cõi sạch, thông thì có mười cõi thông cả sạch nhơ. Cho nên biết sát-na thể nhiễm đều sạch, tam thiên chưa hiển thì nghiệm thể vẫn mê nên tương tự vị trở thành sáu căn chiếu khắp, chiếu soi mười cõi đầy đủ rõ ràng, đâu phải người được sáu căn thanh tịnh mà gọi là hoàn toàn được định, Phật ứng thân mười cõi cũng thế, cho đến quả thành tựu cũng đồng với trăm cõi kia, vì thế tâm ban đầu cần phải vừa ngăn vừa chiếu, chiếu nên tam thiên luôn đủ, ngăn nên pháp nhĩ là không, trung. Trọn ngày cùng mất, trọn ngày cùng chiếu, không động đến niệm này, ứng khắp vô biên, tùy cảm hiển bày; sạch nhơ đều dứt, vì hết sạch nhơ nên vẫn nhờ không, trung chuyển nhiễm thành tịnh, do thấu rõ nhiễm tịnh; không, trung tự mất. Đây là do nhân quả bất nhị môn làm thành.

6- Y chính bất nhị môn:

Đã chứng Tỳ-lô-giá-na một thể không hai, chính do nhất niệm tam thiên từ vô thỉ, lấy hai nghìn sinh ấm trong tam thiên làm chính báo, một nghìn cõi nước làm y báo. Y chính đã ở nơi nhất tâm, nhất tâm đâu có chia năng sở. Dù không năng sở song y chính rõ ràng, đây là lý tính danh tự quán hạnh; đã có tướng y không hai nên khiến tự tha, nhân quả nhiếp nhau. Tuy chúng sinh tại lý quả chưa xong nhưng không gì chẳng phải diệu cảnh Tỳ-lô-giá-na. Vậy phải nên thấu rõ pháp thể chư Phật chẳng phải trùm khắp mà trùm khắp, lý tính chúng sinh chẳng phải hạn cuộc mà hạn cuộc, trước sau không thay đổi, lớn nhỏ không ngăn ngại. Nhân quả lý đồng, y chính làm sao khác biệt ? Cho nên cõi sạch nhơ, thân đẹp xấu, trần thân với pháp thân lượng đồng, cõi trần với cõi tịch quang không khác, đây là mỗi mỗi cõi vi trần tất cả cõi, mỗi mỗi trần thân tất cả thân, rộng hẹp đẹp xấu khó nghĩ bàn, nơi chốn sạch nhơ vô cùng tận. Nếu không phải tam thiên không giả trung thì đâu có thể tạo thành cái dụng tự tại. Như vậy mới biết chúng sinh với Phật đồng bỉ thử sự lý thâu nhiếp lẫn nhau. Đây là do nhiễm tịnh bất nhị môn làm thành.

7- Tự tha bất nhị môn:

Việc tùy cơ lợi tha là căn cứ vào gốc, gốc là nhất tính đầy đủ tự tha, mới đến quả vị tự tức ích tha, như lý tính, tam đức, tam đế, tam thiên, tự hành chỉ do không, trung, lợi tha tam thiên đến với vật. Vật cơ vô lượng không ngoài tam thiên, năng ứng dù nhiều song không ngoài mười cõi, mười cõi chuyển hiện không ngoài nhất niệm, cõi nước sinh ra không ngoài tịch quang. Chúng sinh do lý đủ tam thiên nên năng cảm, chư Phật do tam thiên lý đủ nên năng ứng, ứng khắp các căn cơ vui mừng đi đến không sai. Nếu không thế thì đâu thể giống như chiếc gương hiện ảnh tượng. Gương có khả năng hiện ảnh tượng, hình có tính chất sinh ra bóng. Nếu hình ảnh đối trước gương mà chẳng hiện bóng thì gương này có vấn đề. Nếu gương với bóng ngăn cách thì đâu có lẽ này, không có hình ảnh đối trước gương thì đương nhiên không có bóng hiện ra. Nếu gương chưa hiện bóng là do bụi che phủ, nhờ người lau bụi đi thì sự hiện bóng trong gương chẳng liên quan đến lau chùi. Lấy dụ để quán pháp, ý nghĩa có thể biết. Phải biết lý tuy tự tha đầy đủ ắt nhờ duyên liễu (thấu rõ) làm công sức lợi tha. Lại do duyên liễu cùng tính hợp nhất mới có thể xứng tính bày ra mọi việc thì không khởi tự tính mà biến hóa cùng khắp. Đây là do y chính bất nhị môn làm thành.

8- Tam nghiệp bất nhị môn:

Đối với việc hóa tha môn chia làm tam mật, tùy thuận vật lý mà được tên khác nhau, tâm luân xem xét căn cơ, nhị luân sắp bày giáo hóa, hiện thân thuyết pháp chưa từng sai sót. Tại thân chia ra chân ứng, tại pháp phân chia quyền thật. Hai thân sai khác cớ sao nói rằng tức là pháp thân, hai thuyết trái nghịch cớ sao nói rằng đều thành Phật đạo ? Nếu chỉ có pháp thân thì Phật không xuất thế, nếu chỉ có Phật đạo ai bày tam thừa; thân còn chẳng phải thân, thuyết ắt chẳng phải thuyết. Thân miệng bình đẳng đồng với ý luân kia, tâm sắc nhất như không tính toán mà hóa độ, thường sâu sắc tột độ ứng xử thích hợp với hoàn cảnh và đối tượng, đâu chẳng phải trăm cõi là một cõi tâm, cõi không gì chẳng phải ba nghiệp. Cõi nước còn nhất niệm thì ba nghiệp làm sao sai khác ? Quả dụng không thiếu, nhân ắt xứng với quả. Nếu tin nhân quả mới biết tam mật có sẵn, ba nghiệp trăm cõi đều là không giả trung, cho nên khiến cho xứng hợp cơ nghi đến khắp nơi là quả. Mỗi mỗi ứng sắc, mỗi mỗi ngôn âm, không gì chẳng phải ba nghiệp trăm cõi đầy đủ, hóa rồi lại hóa là nghĩa này ư ? Cho nên nhất niệm phàm tâm đã có lý tính tam mật tướng hải nhất trần báo sắc đồng ở nơi bản lý Tỳ-lô-giá-na mới gọi là tam vô sai biệt. Đây là do tự tha bất nhị môn làm thành.

9- Quyền thật bất nhị môn:

Đại huệ bình đẳng thường giám sát pháp giới, cũng từ lý tính chín quyền một thật. Thật còn có chín cõi, quyền cũng như thế. Quyền thật hợp nhau, nhất niệm trăm cõi cũng không thể phân biệt, nhiệm vận thường như thế. Đạt đến quả là do khế hợp nhất lý phi quyền phi thật, cũng quyền cũng thật. Giống như trước tâm luân tự tại khiến cho thân miệng đi đến căn cơ quyền thật, ba nghiệp nhất niệm không trái quyền thật, không động mà bày ra đâu nên ngăn cách khác biệt đối đáp, tức lấy quyền thật phù hợp nơi thân thì lấy chân ứng làm tên gọi. Ba nghiệp lý đồng, quyền thật thầm hợp. Đây là do tam nghiệp bất nhị môn làm thành.

10- Thụ nhuận bất nhị môn:

Vật lý xưa nay tính đủ quyền thật, từ vô thỉ huân tập hoặc quyền hoặc thật. Quyền thật do huân tập nên lý luôn bình đẳng; gặp thời thành thói quen, hạnh nguyện giúp vào. Nếu không có bản nhân huân tập cũng uổng công sắp bày, do huân tập tự sai khác, chứ chẳng phải do tính sai khác. Tính tuy không khác ắt nhờ huyễn phát. Huyễn cơ, huyễn cảm, huyễn ứng, huyễn phó, năng hóa sở hóa đều chẳng phải quyền thật. Nhưng do chúng sinh phi quyền phi thật mà trở thành căn cơ quyền thật, Phật cũng phi quyền phi thật mà có ứng hóa quyền thật. Vật cơ ứng hợp thân độ không thiên lệch, đồng với thường tịch quang không gì chẳng phải pháp giới. Cho nên biết tam thiên cùng ở tại tâm địa, cùng với tâm địa Phật không khác. Đây là do quyền thật bất nhị môn làm thành.

Trên đây đều căn cứ vào lý sự quyền thật nhân quả năng sở v.v… giải thích, nói chung thì hai môn lý sự phi nhất phi dị. Như luận Đại Trí Độ nói: “Có hai môn: Một là tất cánh không môn, hai là phân biệt hảo ác môn”.

Nay y theo trong môn phân biệt thì lý sở y là gốc, sự năng y là ngọn. Lại lý nhiệm mầu khó biết là thù thắng, sự thô thiển dễ thấy là hạ liệt. Nay chỉ có thể theo thù thắng mà không thể theo hạ liệt, chỉ được lý bản, bản lập mà đạo sinh thì sự tự nhiên thành. Lại lý thật ứng duyên không ngại lý của sự; sự nhân lý mà lập không mất sự của lý. Nay những kẻ chẳng vào viên tín thì đều tự khi hạ phàm, suy tôn cực Thánh, đây là chẳng những mất sự mà lý cũng hoàn toàn không. Chỉ cần tỏ ngộ tông nhất tâm vô ngại tự tại thì tự nhiên lý sự dung thông, chân tục xen suốt. Nếu chấp sự mà mê lý thì trọn kiếp trầm luân; hoặc ngộ lý mà bỏ sự thì chẳng phải viên chứng, lý sự chẳng ngoài tự tâm, tính tướng đâu trái nhất chỉ! Nếu nhập Tông Cảnh đốn ngộ chân tâm thì không còn lời phi lý phi sự, huống là chấp lý chấp sự. Chỉ cần sau khi được bản cũng không bỏ viên tu, như có học nhân hỏi hòa thượng Bản Tịnh3: Sư còn tu hành không ? Đáp: Ta tu hành không giống ông. Ông trước tu rồi sau mới ngộ, còn ta trước ngộ rồi mới tu. Thế nên nếu trước tu rồi sau mới ngộ là công phu hữu công, công phu này thuộc sinh diệt. Nếu trước ngộ rồi mới tu đây là công phu vô công, công phu này không phải đồ bỏ. Do đó Tin Tâm Minh nói:

Muốn tâm thanh tịnh
Không tâm dụng công.

Người có trí nhãn đâu thể lầm tự cho mình được, huống là người tỏ ngộ trọn không rơi vào hầm hố. Người chưa tỏ ngộ làm sao biết lục tức, bọn cuồng huệ theo văn tự đâu thể rõ nhất tâm ? Nay chỉ cần trước tiên viên tín vô ngại thì tự ở nơi địa vị quán hạnh, Cổ nhân nói: Một đời có thể xong há nói dối sao! Nhất định không thể mê tính mà tu, chấp quyền hại thật, bỏ gốc theo ngọn, nhận vọng bỏ chân, căn cứ theo danh ngôn thế đế, chấp lấy sự huân tập vô thỉ, dùng lời nói dể định nghĩa, lập lý giải để minh tông, một bề theo trần trái giác. Như người xưa nói: Bị vọng tình kéo dắt bao giờ mới ngộ, đành cô phụ một điểm sáng linh đài! Lại đại sư Chân Giác ca:

Giác tức liễu chẳng dụng công
Tất cả hữu vi pháp chẳng đồng
Trụ tướng bố thí sinh thiên phước
Giống như tên bắn lên hư không
Sức hết tên liền rơi xuống đất
Chiêu quả đời sau bất như ý
Đâu như vô vi thật tướng môn
Vượt lên vào thẳng đất Như Lai
Chỉ được gốc rễ chớ lo ngọn
Như ngọc lưu ly ngậm bảo nguyệt
Đã hay biết rõ châu như ý
Tự lợi lợi tha không ngừng nghỉ.

Như ở thế gian người có phước chứa kín trong kho ngọc quí ma-ni, pháp nhĩ cũng nhờ các thứ mài luyện rồi sau mới tự nhiên tuôn mưa báu, người ngộ tâm đắc đạo cũng như vậy. Người này đã vào địa vị Phật thì tự nhiên được vạn hạnh trang nghiêm, bi trí đầy đủ, như Bồ-tát ở ngôi pháp vân địa trong kinh Hoa Nghiêm giống như viên ngọc ma-ni to có mười phẩm tính. Phẩm Thập Địa ghi: “Này Phật tử! Ví như viên ngọc ma-ni to có mười phẩm tính vượt qua các báu. Những gì là mười ? Một là sinh ra từ biển cả, hai là được thợ khéo mài giũa, ba là tròn trịa không khuyết, bốn là trong sạch không vết nhơ, năm là trong ngoài sáng sủa, sáu là dễ xuyên thấu, bảy là xâu lại bằng sợi chỉ báu, tám là đặt ở trên cao tràng lưu ly, chín là phóng ánh sáng khắp nơi, mười là hay theo ý vua rơi tuôn các vật báu. Như tâm chúng sinh đầy đủ nguyện ấy, Phật tử nên biết Bồ-tát cũng lại như thế có mười việc vượt qua các Thánh. Những gì là mười ? Một là phát tất cả trí tâm, hai là trì giới đầu-đà chính hạnh minh tịnh, ba là thiền định tam-muội tròn đầy không thiếu, bốn là đạo hạnh thanh bạch, lìa các cấu uế, năm là phương tiện thần thông trong ngoài thấu suốt, sáu là duyên khởi trí tuệ khéo hay xuyên suốt, bảy là xỏ xâu bằng sợi chỉ phương tiện trí, tám là đặt ở trên cao tràng tự tại, chín là quan sát hạnh chúng sinh nương theo chỗ nghe biết mà đem lại ánh sáng, mười là thụ nhận Phật trí, vào hàng chư Phật hay vì chúng sinh làm nhiều Phật sự”. Cho nên biết rằng ngộ đạo như được hạt châu, đâu không có việc mài giũa trang nghiêm v.v…

Hỏi: Nếu không có thần biến lấy gì nhiếp hóa ?

Đáp: Nếu hoàn toàn chấp lấy sự tướng thần thông thì trái với chỉ thú chân thật. Như Phụ Hành Ký nói: “Người tu tam-muội, bỗng nhiên có thần thông, phải mau trừ bỏ, vì là pháp hữu lậu hư vọng”. Cho nên Chỉ Quán nói: Hay chướng bát-nhã. Gì là chủng trí bát-nhã ? Chủng trí bát-nhã là tự đầy đủ các pháp, bặt dứt các tướng”. Từ khi chưa đủ đến nay chỉ cần an ổn nơi lý, đâu cần thần thông! Nếu chuyên về thần thông thì chướng lý; chẳng những chướng lý lại còn bị tai ương, như bọn Uất-đầu, Thắng Ý chính là loại người này.

Nói về thần biến chân thật thì không gì chẳng phải diễn bày môn nhất thừa, bàn về lý vô sinh, một lời nói hợp đạo thì đang ở trong sinh tử mà chứng niết-bàn, chứng kiến minh tông. Ngay trần lao mà thành Chính giác, trong sát-na chuyển phàm thành Thánh, trong chốc lát biến có thành không, tác dụng như thế chẳng phải thần biến sao ? Do đó kinh Bảo Tích ghi: “Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: Thế Tôn! Thuyết pháp là đại thần biến, nếu là kẻ căn cơ hạ liệt chư Phật đại từ không bỏ họ cô độc, một thời dùng phương tiện lá vàng dỗ con nít khóc”. Kinh Duy-ma nói: “Dùng thần thông hóa độ chúng sinh ngu si. Nếu là bậc thượng thượng căn chỉ dạy họ quán thân thật tướng, quán Phật cũng thế”. Ngày xưa có Bành Thành Vương hỏi các vị đại đức: Nếu kẻ nào chứng quả liền được thành Thánh, hãy cho tôi xem nách trái ra nước, nách phải ra lửa, bay lên hư không phóng ánh sáng chấn động đất đai, tôi liền lễ bái các ông làm thầy. Đại sư Ngưu Đầu đáp: Lành thay, lành thay! Không thể nghĩ bàn. Nay ông đòi hỏi ta chứng minh điều ấy, e rằng trái đạo. Xét kỹ việc thành Phật như thế, nhà ảo thuật cũng thành Phật, huống chi các vị đại đức và các bậc đại sĩ chứng đắc. Xưa đức Thích-ca ở trong tăng chúng diễn nói đạo vô thượng, song không khác biệt với tăng. Duy-ma ở trong thế tục nói quả giải thoát cũng không khác biệt với tục. Phu nhân Thắng Man nói pháp đại thừa, tướng phụ nữ không thay đổi; tì-kheo Thiện Tinh thực hành hạnh xiển-đề, tướng tăng không đổi. Đây là căn cứ nội tâm mà hiểu cùng chẳng hiểu cho là sai khác, đâu có liên quan đến sắc thân nam nữ tướng mạo y phục đẹp xấu. Nếu nói hình tướng tùy theo chứng đắc mà thay đổi, tướng mạo theo chỗ tỏ ngộ mà biến đổi là Thánh thì Cù-đàm thay đổi hình tướng mới thành Thích-ca, Duy-ma đổi tướng mới thành Kim Túc. Tức là biết chứng là tâm chứng, chẳng phải thay đổi hình tướng. Ngộ là tri biến, chẳng liên quan đến tướng sai khác. Ví như ở thế gian người nhậm chức quan là thay đổi chức quan chứ đâu thay đổi tướng mạo ? Lại cổ nhân nói: Chẳng thay đổi người ngày trước, chỉ thay đổi địa vị ngày trước. Cho dù thay hình đổi dạng thiên biến vạn hóa cũng đều do nhất tâm làm ra, nhẫn đến thần thông tác dụng ẩn hiện tự tại, biến nhỏ thành lớn, đổi ngắn làm dài, đâu lìa nhất tâm. Cho nên biết mọi việc không gì chẳng do tâm, chỉ cần chứng tự tâm lập tức thành Thánh. Vì thế kinh Kim Cang nói: “Nếu cho ba mươi hai tướng là Như Lai thì Chuyển luân Thánh vương tức là Như Lai”. Bài kệ nói rằng:

Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người này hành đạo tà
Không thấy được Như Lai.

Cổ nhân nói: Nếu không thấu đạt lý này, dù mỗi bước chân giẫm trên hoa sen cũng đồng như ma. Bàng cư sĩ có kệ:

Sắc thinh cầu Phật đạo
Kết quả trở thành ma.

Nếu nhất định chấp lấy thần thông thắng tướng làm Phật, không chỉ nhà ảo thuật thành Thánh mà cả đến thiên ma ngoại đạo, yêu tinh, quỉ mị, thần, rồng, sò v.v… đều thành Phật, do cảm đủ nghiệp báo ngũ thông nên có thể biến hóa. Nếu không dùng thật tướng xem xét thì làm sao biện biệt chân ngụy ? Chỉ cần trước ngộ Tông Cảnh, pháp nhãn tròn sáng thì lý nào không thông, sự nào không thấu, tất cả môn nhiếp hóa Phật sự tự nhiên thành tựu.

Luận Hoa Nghiêm ghi: “Kinh nói: Nhập thiền định được thần thông Phật, vì tâm xứng nguồn lý, không có thể xuất nhập, không có thể tĩnh loạn, không có tính tạo tác, thuận lý tự chân, không sinh không diệt, lý chân trí ứng, tính tự trùm khắp ba đời mười phương. Nhất thời ứng khắp, đối hiện sắc thân, tùy trí ứng mà hóa độ quần sinh nhưng không đến đi, cũng không biến hóa gọi là thần thông Phật. Trí không nương gá không hình không sắc, thể không đến đi, tính tự trùm khắp, chẳng phải ba đời thâu nhiếp mà có thể ứng khắp ba đời gọi là thần thông”. Thế nên kinh nói: “Trí vào ba đời mà không qua lại, vì ba đời do tình chấp chúng sinh vọng lập chẳng phải thật có. Vì trí thể không hình không sắc không tạo không tác mà ứng với quần sinh gọi đó là thần. Viên mãn mười phương không pháp nào không biết, không căn nào chẳng hay gọi đó là thông”. Lại ghi: Kinh Pháp Hoa nói:

Các thứ nghĩa tính tướng
Ta cùng mười phương Phật,
Hay rõ biết việc này,
Thanh văn và Duyên giác
Chư Bồ-tát bất thoái,
Thảy đều không thể biết.

Những việc này tức là môn trước tam thừa, vì chưa rõ tướng thế gian thường trụ là pháp trụ pháp vị. Tam thừa đồng chán ghét khổ tập, ưa thích tu diệt đạo, họ chưa rõ khổ tập vốn chỉ là tri khởi, chẳng biết rằng diệt đạo vốn tự không tu không tạo không tác, hóa độ quần sinh như huyễn trụ thế, vì tính dứt sạch vô minh tức là Phật. Một niệm tương ưng một niệm là Phật, một ngày tương ưng một ngày là Phật, cần gì phải chịu sinh tử trải qua ba a-tăng-kỳ. Chỉ tự thấu tỏ nghiệp ba đời thì có thể không còn nghiệp nữa, nhậm vận tiếp độ chúng sinh tức là Phật, cần gì biến đổi mới gọi là thành Phật Trời rồng biến đổi là Phật sao ? Hàng tam thừa cũng biến đổi cớ sao phải đợi đến ba a-tăng-kỳ mới thành Phật ? Trên bậc Thập địa mới có thể kiến tính, cho nên kinh nói: “Nếu đem sắc tính đại thần lực mà muốn trông thấy Bậc Điều Ngự đó là cái thấy bệnh hoạn điên đảo, vì không biết pháp tối thắng Phật là giác”. Biết nghiệp tính chân, nghiệp không có sinh diệt, không đắc không chứng, chẳng ẩn chẳng hiện, tính không biến hóa xưa nay như tức là Phật, cho nên tùy duyên ở trong sáu đường thực hành hạnh Bồ-tát, biến hóa thần thông tiếp dẫn kẻ mê, Phật chẳng phải biến hóa. Kinh Tịnh Danh nói: “Tuy thành Chính giác chuyển pháp luân mà chẳng bỏ đạo Bồ-tát, vì là hạnh Bồ-tát”. Do đây Thiện Tài thập trụ sơ tâm ở chỗ tì-kheo Đức Vân trên đảnh Diệu Phong được pháp môn ức niệm nhất thiết chư Phật cảnh giới trí tuệ quang minh phổ kiến liền thành Chính giác. Sau đó mới đến các thiện tri thức cầu đạo Bồ-tát, thực hành hạnh Bồ-tát. Phải biết lúc giác ngộ thể dụng tức tâm không tạo tác chính là Phật nên không cần tu hành. Giả sử phải thực hành viên mãn cũng không thay đổi, cho nên như hóa Phật lúc thị hiện các tướng như khổ hạnh, ăn lúa mạch, cắt tóc, đắp y, từ bỏ những đồ trang sức là vì hóa độ ngoại đạo. Trong kinh đức Phật tự hòa hội, chẳng phải đức Phật tự phải làm như thế. Một niệm nhậm vận vô tác, trí tuệ Phật hiện tiền, không đắc không chứng tức là Phật. Còn như Thiện Tài sau khi chứng giác mới cầu đạo bồ-đề hạnh Bồ-tát. Vì sao thế ? Vì sau khi giác ngộ đạo mới có thể trong thế tục mà không bị trói buộc, mới có thể vì chúng sinh thuyết pháp cởi mở trói buộc. Nếu tự mình còn bị trói buộc mà lại đi cởi trói cho kẻ khác thì điều này không thể có. Phải biết muốn thực hành hạnh Bồ-tát trước phải thành Chính giác.

Lại kinh tụng rằng:

Văn-thù pháp luôn thế
Văn-thù là Phật tuệ.

Bất động trí là thể, Văn-thù là dụng, vì đem môn thể dụng của căn bản trí cùng với tất cả tín tâm làm thể dụng nhân quả, vì y theo bản; cho đến quả cứu cánh viên mãn cùng với nhân không sai khác, vì không có hai tính nên mới gọi là sơ phát tâm (tâm ban đầu) và tất cánh tâm (tâm sau cùng) hai thứ tâm không sai biệt. Nói về thập tín tâm này khó phát, khó tin, khó vào, người nghe đến đều cho rằng mình là phàm phu làm sao có thể thành Phật ? Vì thế giả sử có tin được chút ít liền đòi hỏi có thần thông đạo lực do dó phải biết cần có chính tín mới đem chính tín chính kiến pháp lực gia hạnh đúng như pháp mà tiến tu, vô minh dần dần mỏng, trí tuệ giải thoát sáng tỏ. Y theo mình được pháp cạn sâu, từ từ có được thần thông đức dụng. Tin còn chưa xong nói gì đến thần thông ? Nói từ từ là không thay đổi một thời gian, một pháp tính, một trí tuệ, vì từ từ trong chỗ không nương gá, không sở đắc để nghĩa thập huyền lục tướng được viên mãn. Trong lý pháp tính không có tiệm đốn, chỉ vì vô thỉ vô minh khó thuần thục cho khế lý nên mới có tiệm.

Hỏi: Phật nghĩa là giác. Vậy giác những pháp gì ?

Đáp: Pháp vô pháp gọi là chân pháp, giác vô giác gọi là chân giác, thì diệu tính không nương gá, thiên chân sáng sủa. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Phật pháp không thể giác
Rõ đây là giác pháp
Chư Phật tu như thế
Một pháp cũng không có.

Kinh Vô Tự Bảo Khiếp nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Thắng Tư Duy bạch Phật: Thế nào là một pháp Như Lai chứng giác ? Thiện nam, không có một pháp để Như Lai giác. Thiện nam, ở nơi pháp vô giác là Như Lai giác. Thiện nam, Như Lai chứng giác tất cả pháp không sinh, Như Lai chứng giác tất cả pháp chẳng diệt. Thế nên có giác là chúng sinh, không giác thì đồng gỗ đá, thảy đều chẳng phải chân tính, không khế hợp vô duyên, giác vô giác mới đồng đại chỉ. Không giác nên chẳng giống chúng sinh, giác nên chẳng như gỗ đá thì một giác tất cả giác, không giác không bất giác; không giác nên tuệ giải vắng lặng, không bất giác nên rỗng suốt sáng soi. Lại thấy tâm thường trụ gọi là giác, một thành tất cả thành, một giác tất cả giác, bặt lời dứt nghĩ, chẳng hoại giả danh cho nên nói mới thành Chính giác”.

Hỏi: Lúc sơ tâm liền thành Chính giác, tại sao lại nói hậu tâm là bồ-đề ?

Đáp: Chẳng phải sơ tâm chẳng phải hậu tâm, cũng chẳng lìa sơ tâm hậu tâm. Như luận Đại Trí Độ nói: “Chẳng những do sơ tâm được mà còn chẳng lìa sơ tâm được. Vì sao thế ? Nếu chỉ nhờ sơ tâm được mà chẳng nhờ hậu tâm thì Bồ-tát sơ phát tâm liền phải là Phật. Nếu không có sơ tâm thì làm sao có tâm thứ hai, thứ ba. Tâm thứ hai, thứ ba lấy sơ tâm làm nhân duyên căn bản. Cũng không chỉ hậu tâm cũng không lìa hậu tâm mà hậu tâm cũng không lìa sơ tâm. Nếu không có sơ tâm thì không có hậu tâm. Sơ tâm tụ họp vô lượng công đức, hậu tâm liền đầy đủ, đầy đủ nên có thể dứt phiền não tập khí, được đạo vô thượng. Này Tu-bồ-đề, trong đó tự nói nhân duyên khó, sơ tâm hậu tâm tâm số pháp bất câu. Bất câu nghĩa là quá khứ đã diệt không hòa hợp được. Nếu không hòa hợp được thì thiện căn chẳng tụ, thiện căn chẳng tụ làm sao thành đạo vô thượng ?”

Đức Phật lấy việc trước mắt để thí dụ trả lời, như bấc đèn chẳng phải ngọn lửa ban đầu cũng chẳng lìa ngọn lửa ban đầu, chẳng phải ngọn lửa sau cùng cũng chẳng lìa ngọn lửa sau cùng mà bấc đèn cháy sáng.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ông tự thấy bấc đèn cháy chẳng phải ban đầu chẳng phải sau cùng mà bấc đèn cháy. Ta cũng dùng Phật nhãn thấy Bồ-tát được đạo vô thượng chẳng nhờ sơ tâm được, cũng không lìa sơ tâm; cũng chẳng do hậu tâm được cũng không lìa hậu tâm mà được đạo vô thượng. Đèn dụ cho Bồ-tát đạo, bấc dụ cho vô minh phiền não, ngọn lửa như sơ địa tương ưng trí tuệ, cho đến kim cang tam-muội tương ưng trí tuệ đốt cháy bấc vô minh phiền não, cũng chẳng phải ngọn lửa trí sơ tâm, cũng chẳng phải ngọn lửa trí hậu tâm mà bấc vô minh phiền não cháy hết được thành đạo vô thượng. Lại như ngọn đèn tuy niệm niệm diệt mà hay liên tục phá tan tăm tối, tâm cũng như thế, tuy niệm niệm không trụ trước sau không đi cùng mà có thể nối tiếp nhau thành giác tuệ, thành đạo vô thượng. Thanh Lương Sớ ghi: “Kinh Hoa nghiêm nói biết rõ cảnh giới như huyễn, như mộng, như bóng, như vang, như biến hóa. Nếu các vị Bồ-tát có thể quán hạnh tương ưng như thế, ở trong các pháp chẳng sinh nhị giải (hai thứ chấp) thì tất cả Phật pháp chóng được hiện tiền, lúc mới phát tâm liền được vô thượng chính đẳng chính giác, biết tất cả pháp chính là tự tính của tâm, thành tựu tuệ thân, chẳng nhờ kẻ khác mà ngộ”. Sơ tâm là thỉ, Chính giác là chung, tại sao nói sơ tâm liền thành Chính giác ? Cho nên nói vì biết tất cả pháp chính là tự tính của tâm, giác ngộ tự tính pháp liền gọi là Phật. Kinh tụng:

Tâm Phật đâu có khác,
Chính giác giác thế gian.

Phát này là khai phát, không phải là phát khởi. Cái gì gọi là tướng hiện tiền ? Trí Phật chẳng phải xa xôi, nhưng vì tình mê cho rằng xa vời. Nếu một khi tình hết trí hiện thời nhất thể chẳng phải xa vời. Đã nói biết tất cả pháp chính là tự tính của tâm thì biết tâm này chính là tính của tất cả pháp. Nay lý hiện tự tâm tức là tính của tâm đã đầy đủ vô biên đức. Nói thành tựu tuệ thân là các pháp quán ở trên đều dứt, chính pháp vững mạnh, các kiến chấp hết, trí Phật liền khởi. Giác tâm thì lý hiện, lý hiện thì trí viên. Như gương sạch sáng tỏ, chẳng phải trước chẳng phải sau, chẳng phải mới chẳng phải cũ, tịch chiếu sáng sủa. Nói chẳng nhờ kẻ khác mà ngộ là thành tựu tuệ thân ở trên, tức là trí vô sư tự nhiên. Lại chẳng do người mà ngộ là tự giác, biết tất cả pháp là giác tha, thành tựu tuệ thân là giác mãn. Thành tựu tuệ thân ắt nhờ lý phát, thấy tâm tính đâu lại có cái khác, nếu thấy có cái gì khác thì đâu gọi là ngộ. Đã nói rằng tâm tính tự cũng không còn, tịch mà hay biết gọi là Chính giác. Cho nên kinh Pháp Hoa ghi: “Vì một đại sự nhân duyên nên Phật xuất hiện ở thế gian, khai thị ngộ nhập tri kiến Phật”. Nhất tức là nhất đạo xưa nay không dời đổi. Đại là tâm thể của phàm Thánh. Mười phương chư Phật vì một đại sự này xuất hiện nơi đời đều khiến cho chúng sinh khai mở tri kiến trong tự tâm. Nếu lập ra các thứ sai biệt là tri kiến của chúng sinh; nếu gom về nhất đạo là tri kiến của nhị thừa; nếu một cũng chẳng phải nhờ một là tri kiến của Bồ-tát; nếu đang lúc nhất niệm khai tâm là tri kiến của Phật như nghìn mặt trời chiếu rạng tức là Tổ sư Tây lai, tức là chư Phật phổ hiện, cho nên nói niệm niệm Thích-ca xuất thế, bước bước Di-lặc hạ sinh. Chỗ nào ở ngoại tự tâm riêng cầu chư Phật thì biết chúng sinh vốn tự đầy đủ trí Phật. Nếu muốn khởi tâm riêng cầu thì trở thành tính biến kế. Thế nên Lục Tổ nói: “Bản tính tự có trí bát-nhã, tự dùng trí tuệ quán chiếu không nhờ văn tự”. Nếu được như thế thì cần gì lập văn tự; nay vì chưa được nên phải nhờ văn tự chỉ dẫn mới thấy tự tính. Nếu lúc phát minh tức là bỗng nhiên trở về bản tâm, ở trong bản tâm không pháp chẳng rõ, cho nên nói ngộ pháp vô niệm thì vạn pháp đều thông; ngộ pháp vô niệm thì thấy cảnh giới chư Phật, là biết vào pháp môn vô niệm thì thành Phật chỉ trong khoảng sát-na. Nếu khởi tâm cầu đạo thì uổng công mệt trí trong trần lao. Như đức Phật Thích-ca từ quá khứ vô lượng kiếp đến nay phụng sự cúng dường vô số Hằng hà sa chư Phật đều chẳng được nhớ. Vì sao ? Vì nương gá việc đã làm và sự chứng đắc. Đến thời Phật Nhiên Đăng, do ngài dâng cúng năm đóa hoa sen mà được thụ ký hiệu Thích-ca, Ngài mới đạt năm ấm tính không, tâm không dính mắc, thấy được thiên chân Phật, liền vào cửa vô đắc, cho nên đem hoa sen dâng lên Phật Nhiên Đăng dùng để chứng minh. Vì thế kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Tính không tức là Phật
Không thể nào suy lường.

Trong nháy mắt còn không cần khởi suy lường há phải uổng công trọn kiếp.