TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 14

Hỏi: Đức Phật Thích-ca khai mở tâm chúng sinh thành tựu tri kiến Phật, Sơ tổ Đạt-ma chỉ thẳng tâm người thấy tính thành Phật. Nếu lãnh hội nhất tâm này, thế nào là cái lý thành Phật ?

Đáp: Nhất tâm bất động các pháp không tính, do vì không tính nên thảy đều thành Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Này Phật tử, lúc Như Lai thành chính giác, trong thân mình đều thấy tất cả chúng sinh thành chính giác, cho đến thấy khắp tất cả chúng sinh nhập niết-bàn, đều cùng một tính, nghĩa là không tính. Không tính gọi là không tướng tính, không tận tính, không sinh tính, không diệt tính, không ngã tính, không phi ngã tính, không chúng sinh tính, không phi chúng sinh tính, không bồ-đề tính, không pháp giới tính, không hư không tính, cũng không có thành chính giác tính. Do vì biết tất cả pháp đều không tính nên được nhất thiết trí, đại bi tương tục cứu độ chúng sinh. Này Phật tử, ví như tất cả thế giới trong hư không hoặc thành hoặc hoại, vô thường thêm bớt. Vì sao ? Vì hư không vô sinh. Chư Phật Bồ-tát cũng như thế, nếu thành hay không thành chính giác cũng không thêm bớt. Vì sao ? Vì bồ-đề vô tướng, vô phi tướng, vô nhất, vô chủng chủng. Này Phật tử, giả sử có kẻ có thể hóa ra Hằng hà sa tâm, mỗi tâm này hóa thành Hằng hà sa Phật đều không sắc, không hình, không tướng; trải qua Hằng hà sa kiếp như thế không ngơi nghỉ. Này Phật tử, ý ông thế nào người ấy hóa chuyển tâm để thành Phật được bao lâu ? Bồ-tát Như Lai Tính Khởi Diệu Đức nói: Theo tôi hiểu đứng trên nhân mà nói thì hóa và chẳng hóa không khác biệt, tại sao lại hỏi được bao lâu ?! Bồ-tát Phổ Hiền nói: Lành thay, lành thay! Này Phật tử, như ông nói, giả sử tất cả chúng sinh trong một niệm đều thành Chính giác, cùng với không thành chính giác không khác biệt. Vì sao ? Vì bồ-đề không tướng. Nếu không có tướng thì không có thêm bớt. Này Phật tử, đại Bồ-tát phải biết như thế, thành đẳng chính giác đồng với bồ-đề nhất tướng vô tướng”.

Sớ thích nói: “Sở dĩ biết Phật trí ở khắp nơi, vì không một chúng sinh nào mà chẳng có bản giác cùng với Phật thể không khác”.

Kinh nói: “Phật trí tuôn chảy khắp nơi tợ như Phật trí ở khắp cả chúng sinh”. Nay hiển bày chúng sinh tự có Phật trí, cho nên nói khắp cả. Đây có ba ý: 1- Không một chúng sinh nào không có thì biết rằng vô tính chẳng phải chúng sinh. 2- Chúng sinh đang ở tại nhân ràng buộc là đã có sẵn quả ra khỏi ràng buộc, cho nên nói có trí tuệ Như Lai, không phải trước có tính rồi sau mới thành, cũng chẳng phải lý trước trí sau. Đây biết niết-bàn đối với ngày trước phương tiện nói có tính, kẻ hậu học còn cho rằng nói cái có giấu cái không, huống là nghe đồng có quả trí ai mà tin được ?! 3- Quả trí ở trong nhân kia tức là quả trí của Phật, vì theo tông Viên giáo tự tha nhân quả không có hai thể. Chẳng phải thế, đây nói chúng sinh có quả, thì nói gì là Phật trí. Thật huyền diệu thêm huyền diệu! Chẳng phải tông Hoa Nghiêm không có lý này.

Có người nghi hỏi: Kinh Niết-bàn nói Phật tính gọi là trí tuệ, khi có trí tuệ thì không có phiền não, nay có Phật trí sao lại làm chúng sinh ? Giải thích: Vì điên đảo nên không chứng, đâu được nói là không, như tráng sĩ quên hạt châu trên trán thì đâu phải không có châu báu trong da, cũng như trước không lìa sự điên đảo tạm có, đã lìa điên đảo thì hiện rõ tính sáng vốn chẳng không như nghèo được của báu chẳng phải hôm nay được trao cho, thế nên e người ta chẳng tu hành niết-bàn, nên nói nhất định có niết-bàn, đó là chấp trước. Cho nên nói rằng nếu nói niết-bàn nhất định không là vọng ngữ; dù có chấp trước có hay không thì lời nói ấy chẳng phải vọng ngữ.

Lại kinh nói về Như Lai tạng có chín thí dụ: 1- Như hoa sen xanh chưa ra khỏi bùn, người ta không quí. 2- Như cô gái nghèo mang Thánh thai. 3- Như của báu lớn ở trong áo bẩn. 4- Như châu ma-ni ở trong hầm xí. 5- Như tượng vàng giấu trong giẻ rách. 6- Như hoa cây am-la chưa trổ. 7- Như hạt gạo trong cối xay. 8- Như vàng trong quặng. 9- Như tượng trong khuôn; đều là ý nghĩa trong trần có Phật thân.

Lý vô tính này có thể thành tất cả, có thể hoại tất cả thì một thành tất cả thành, một hoại tất cả hoại. Một thành tất cả thành tức là nhân quả xen suốt, ở trong đây có hai: Một là chúng sinh Phật không hai, kinh Hoa Nghiêm nói lúc Như Lai thành Chính giác, ở nơi thân mình khắp thấy tất cả chúng sinh thành Chính giác v.v…; kinh Tịnh Danh nói tất cả chúng sinh tức là tướng bồ-đề. Hai là năng sở không hai, kinh Hoa Nghiêm nói đều cùng một tính gọi là vô tính, kinh Tịnh Danh nói vô hành là bồ-đề, vì lìa ý pháp; pháp tức là sở, ý tức là năng, bởi vì tâm cảnh đồng một tính. Chúng sinh với Phật cũng thế, do vì chân tâm không giữ lấy tự tính nên toàn thể tùy duyên mà thành vạn pháp. Tính tức là thể vậy. Vì các pháp duy tâm mà hiện ra đều không có tự thể, hư giả nương nhau không có tính quyết định, vì không có tính nên có thể tùy theo duyên khác biệt mà thành lập tất cả.

Nếu có định tính như sắt đá đều có tính cứng chắc không thể thay đổi. Nếu không định tính như nước gặp lạnh thành băng, gặp lửa thì sôi. Cho nên Trung luận có kệ:

Tập (phiền não) nếu có định tính,
Xưa nay không thể đoạn,
Ngày nay làm sao đoạn ?
Đạo (phương pháp) nếu có định tính,
Xưa nay không thể tu,
Ngày nay làm sao tu ?

Cho nên biết nếu có định tính thì tất cả các pháp đều không thành, nếu không có định tính thì tất cả đều thành. Nếu chúng sinh đều có tính tự thể không dời đổi thì mãi mãi làm chúng sinh không do đâu thành Phật. Do đó đồng với lý vô tính. Vì có nghĩa không nên tất cả pháp được thành, ở nơi cứu cánh không tự tại kiến lập tất cả pháp. Nếu một pháp vi trần thành thì tất cả pháp khác ở mười phương hư không giới đồng loạt thành. Nếu có một pháp vi trần không thành thì một mảy may pháp cũng không thành, mất đi nghĩa viên đốn vì một tâm tất cả tâm.

Nếu tỏ ngộ Tông Cảnh thành Phật thì mọi chỗ thành Phật. Do đó kinh Kim Cương nói mọi nơi ở đều có Phật. Nếu có một chỗ vi trần không thành Phật thì chẳng vào trong Tông Cảnh, cho nên kinh nói: “Chỉ một mình ta tam giới lục đạo phàm Thánh không gì chẳng phải ta”. Vì thế biết rằng nếu lìa đây mà tu đều trở thành quyền tiệm, như chờ hoa đốm hư không kết thành quả, hy vọng nấu nước mà thành băng dù trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp cũng chẳng vào chỗ chân thật. Chỉ cần tự quán tâm thấy Phật, rõ biết các pháp không thì không cần động niệm mà đích thân thấy hào quang, không vận động thân mà đi khắp pháp giới. Như đức Phật an cư nhập hạ ở trời Đao-lợi, ngài dùng thần lực chế ngự trời người không cho biết chỗ ở. Nhập hạ xong đức Phật nhiếp thần túc muốn trở về Diêm-phù. Lúc ấy Tu-bồ-đề đang ở trong thất suy nghĩ: Phật ở trời Đao-lợi, ta nên đến chỗ Phật để lễ bái hay là không đến ? Lại nghĩ: Phật thường dạy nếu người nào dùng trí tuệ quán pháp thân Phật, đây gọi là thấy Phật thù thắng. Lúc ấy đức Phật đã từ Đao-lợi xuống đến Diêm-phù-đề, bốn chúng tụ họp đông đủ, trời người gặp nhau, trên tòa có Phật và Chuyển luân vương, chư thiên vân tập rất đông chúng hội trang nghiêm chưa từng có. Tu-bồ-đề nghĩ: Tuy đại chúng hôm nay rất thù thắng nhưng không thể giữ được lâu như vậy, vì pháp sinh diệt đều vô thường. Nhân pháp môn vô thường quán này mà biết các pháp không có thật, khi tu quán này liền được chứng đạo. Khi ấy tất cả chúng đều muốn thấy Như Lai trước tiên để lễ bái cúng dường, có tì-kheo-ni tên Liên Hoa Sắc thường bị người gọi là dâm nữ, vì muốn trừ đi tên xấu bà hóa làm Luân Vương. Luân Vương vừa thấy Phật liền hiện trở lại thân cũ, là tì-kheo-ni lễ bái Phật trước tiên. Đức Phật bảo tì-kheo-ni: Chẳng phải ngươi lễ bái ta trước tiên mà là chính Tu-bồ-đề. Vì sao thế ? Tu-bồ-đề quán các pháp không là thấy được Pháp thân, được cúng dường chân thật, đây là sự cúng dường tối thắng, chẳng phải cúng dường bằng thân mạng mới gọi là cúng dường. Phải biết rằng nếu không tự tin tâm Phật mà cầu thắng duyên khác, công hạnh dù siêng năng mà chẳng phải cứu cánh.

Phẩm Như Lai Xuất Hiện trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Này Phật tử, giả sử có Bồ-tát trong vô lượng trăm nghìn ức na-do-tha kiếp thực hành sáu môn ba-la-mật, tu tập các pháp bồ-đề phần. Song chưa nghe đến pháp môn Như Lai bất tư nghì đại oai đức này, hoặc có nghe mà không tin, không hiểu, không theo, không vào thì không được gọi là Bồ-tát chân thật, vì không thể sinh vào nhà Như Lai. Lại do theo duyên, mà duyên cũng không tự tính thì tất cả không thành, niệm niệm tan rã. Như tùy theo duyên tạp nhiễm sai biệt mà gọi là kiến lập, nên tên là chúng sinh. Ở trong các duyên tìm chúng sinh tính trọn không thể được, chúng sinh thể không tức là nghĩa hoại. Vì có các pháp nên nghĩa không được hiển bày. Nếu nghĩa một chúng sinh này bất thành thì tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới đều bất thành nên gọi một hoại tất cả hoại. Do đó chư Phật biết tất cả pháp đều vô tính nên được thành tựu nhất thiết trí, khởi đồng thể đại bi nối nhau không dứt, tận vị lai rộng độ hữu tình. Đem cái lý nhất tâm vô tính thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh với ta không khác, biết chúng sinh xưa nay nhất tâm bất động thường hợp thiên chân. Vì vô tính nên bất giác tùy duyên lên xuống sáu đường, uổng chịu thống khổ, luống đọa luân hồi, do đó hay khởi lòng đại bi để độ thoát. Nếu không có đạo lý vô tính này thì việc giáo hóa bất thành, thiện ác phàm Thánh không thay đổi được. Nếu có thể giải ngộ như thế là vào pháp môn phương tiện bất tư nghì”.

Kinh Phật Tạng nói: “Nếu các pháp có định tính như chẻ sợi tóc ra làm một trăm phần thì chư Phật không ra đời và cũng không nói các pháp và không chứng đốn nghĩa”. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Ở nơi một niệm đều biết rõ
Khắp hết tất cả các chúng sinh
Thấu rõ chúng sinh tâm tự tính,
Đạt vô tính là đạo tu hành.

Kinh Bất Thối Chuyển Pháp Luân nói: “Bấy giờ, có ba vị Bồ-tát rải mạn-đà liên hoa lên Đức Phật, rồi suy nghĩ: Ta rất tin hiểu pháp này, không nghi hoặc. Bồ-tát thứ nhất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu có người nói với Như Lai rằng con chính là Như Lai, đối với việc này con không chút nghi hoặc. Bồ-tát thứ hai lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu có người nói với Thế Tôn rằng con chính là Thế Tôn, đối với việc này con không chút nghi ngờ. Bồ-tát thứ ba bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu có người nói với A-la-ha tam-miệu tam-phật-đà, con chính là A-la-ha tam-miệu tam-phật-đà, đối với việc này con không chút nghi hoặc. Cho đến tôn giả A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, tại sao Bồ-tát nói như thế. Phật nói: Vì ba vị Bồ-tát này khéo biết giả danh nên nói như thế! Họ biết các pháp phàm Thánh đều là giả danh, từ tâm kiến lập. Nếu có thể thấu rõ tất cả bình đẳng thì biết các pháp phàm Thánh không ra ngoài giả danh, giả danh không ra ngoài tính chân như”.

Như kinh Đại Bát-nhã ghi: “Bấy giờ, Thiện Hiện nói với chư Thiên cõi dục, cõi sắc: Này các vị thiên chúng, nói Thiện Hiện tôi là đệ tử chân chính của Phật, tùy Như Lai sinh ra. Thế nào là Thiện Hiện tùy Như Lai sinh ra ? Nghĩa là tùy Như Lai chân như sinh ra. Vì sao ? Như Lai chân như không đến không đi, Thiện Hiện chân như cũng không đến không đi, cho nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sinh ra. Như Lai chân như tức là tất cả pháp chân như. Tất cả pháp chân như tức là Như Lai chân như. Như thế chân như không có chân như tính cũng không phi chân như tính. Thiện Hiện chân như cũng như thế, cho nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sinh ra”.

Giải thích: Như Lai chân như chính là tất cả pháp chân như, chẳng phải riêng Thiện Hiện tùy Như Lai sinh, cho đến tất cả pháp giới chúng sinh đều tùy Như Lai sinh. Vì Như Lai chân như chính là chân như của chính mình, như thế chân như không có chân như tính. Chân như này không thể dùng chỗ tột cùng của lời nói mà kiến lập được, cho nên nói gọi là như như sớm đã biến đổi rồi. Đã không có chân như tính, cũng không phi chân như tính, thấu hiểu như thế mới là cứu cánh chân như.

Kinh Nhạn Dịch nói: “Bấy giờ, Xá-lợi-phất hỏi các tì-kheo: Đại đức, vì sao nói rằng ban đầu tôi xuất gia với lục sư ? Các tỳ-kheo nói: Đại đức Xá-lợi-phất, từ nay lục sư cùng với Phật đồng một tướng không thêm không bớt. Đại đức Xá-lợi-phất chúng tôi biết chư sư không khác những kẻ xuất gia.

Xá-lợi-phất nói: Này đại đức, tại sao nói từ nay Phật chẳng phải là Thế Tôn của tôi. Các tì-kheo nói: Đại đức Xá-lợi-phất, từ nay trở đi tôi tự nhiên hiểu rõ, không nhờ ai giúp cả. Tôi tự quy y, chẳng phải quy y ai khác. Tự quy tự tôn nên nói Phật chẳng phải là Thế Tôn của tôi. Vì sao ? Vì tôi không lìa Phật, Phật không lìa tôi.

Xá-lợi-phất nói: Đại đức, vì sao nói từ nay về sau nói không có nghiệp ? Các tì-kheo nói: Đại đức Xá-lợi-phất, từ nay về sau tôi biết tất cả thuyết cứu cánh niết-bàn, trong ấy không có điều phục và chẳng có không điều phục, vì vậy nói tôi không có nghiệp”.

Kinh Như Lai Tạng ghi: “Thế Tôn bảo Kim Cương Tuệ: Thiện nam, với Phật nhãn ta quan sát trong các phiền não tham sân si của tất cả chúng sinh có Như Lai trí, Như Lai nhãn, Như Lai thân ngồi kiết già bất động. Thiện nam, tất cả chúng sinh tuy ở trong các thân phiền não nhưng có Như Lai tạng thường không nhiễm ô, đức tướng đầy đủ, không khác gì ta”.

Kinh Lăng Già ghi: “Như Lai tạng tự tính thanh tịnh, chuyển ba mươi hai tướng vào trong thân tất cả chúng sinh”. Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, cư sĩ Ti-sắt-chi-la được pháp môn Bồ-tát giải thoát bất bát niết-bàn tế, thường cúng dường tòa chiên-đàn, Phật tháp, nói với Thiện Tài: Lúc mở cửa tháp Như Lai tôi liền được tam-muội gọi là Phật chủng vô tận. Thiện nam, trong mỗi niệm tôi đều vào tam-muội, mỗi niệm đều được biết tất cả việc thù thắng. Thiện nam, tôi chỉ được môn giải thoát mà Bồ-tát được chẳng nhập niết-bàn. Như các đại Bồ-tát dùng một niệm trí biết khắp ba đời, một niệm vào khắp tất cả tam-muội. Mặt trời Như Lai trí luôn chiếu soi tâm kia, đối với tất cả pháp không có phân biệt, thấu rõ tất cả Phật thảy đều bình đẳng, Như Lai và ta cùng tất cả chúng sinh đều không hai, biết tất cả pháp tự tính thanh tịnh, không suy tư không chuyển động mà hay vào khắp cả thế gian xa lìa sự phân biệt, trụ Phật pháp ấn đều có thể khai ngộ pháp giới chúng sinh.

Lại tụng:

Cảnh giới tâm chẳng có hạn lượng
Cảnh giới Phật cũng lại như thế
Cảnh giới tâm sinh khởi từ ý
Cảnh giới Phật nên quán như thế.

Kinh Pháp Hoa nói: “Như vậy ta thành Phật đến nay đã lâu lắm, thụ mạng vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, thường trụ bất diệt”. Trong chúng có kẻ nghi cho rằng thành đạo đã lâu thường ở đây giáo hóa, khoảng giữa có các đức Phật Nhiên Đăng, Tỳ-bà-sa, Thi-khí v.v… thành đạo, nhập diệt, thuyết pháp, độ sinh, lại là ai ? Người xưa giải thích trong đây nói Phật Nhiên Đăng v.v… thành đạo nhập diệt đều là lấy trí tuệ phương tiện thiện xảo phân biệt nói về Phật khác, chẳng phải lìa thân ta mà riêng có Phật khác. Kim Cương Kinh Luận nói: “Trong thân chúng sinh có Phật cũng chẳng phải bí mật; ngoài thân có Phật cũng chẳng phải bí mật. Nhẫn đến chẳng phải trong thân, chẳng phải ngoài thân có Phật; chẳng phải phi nội, chẳng phải phi ngoại có Phật, thảy đều chẳng phải bí mật. Chúng sinh chính là thế nên gọi là bí mật”.

Luận Bảo Tạng ghi: “Không trừ một pháp, không đắc một pháp, chẳng tu một pháp, chẳng chứng một pháp, tính tịnh thiên chân, có thể gọi là đại đạo! Chân nhất là do quán khắp cả thiên hạ phải chăng là chân nhân! Ai được đạo lý này thì đồng hàng với bậc chân nhân”.

Thiên Thai giáo nói: “Quán chúng sinh trong mười pháp giới chính là Phật, chúng sinh ấm với Phật ấm không mảy may sai khác, Phật sự ba đời cùng bốn oai nghi chúng sinh đều đầy đủ”.

Luận Hoa Nghiêm ghi: “Nếu thấy tính một ít cũng được Phật thừa, như một giọt nước trong biển cả, cho đến nhiều giọt nước; trong mỗi giọt nước đều có biển cả. Như vậy Bồ-tát thập tín, thập địa trong ngũ vị, trong mỗi vị đều có Phật quả, vì không lìa Phật tính mà được các công hạnh, nhờ Phật tính mà tiến tu. Như kinh Hoa Nghiêm ngay toàn Phật quả, bất động trí, thập trí Như Lai khai thị cho phàm phu tin tu. Như có phàm phu lên ngay bảo vị, đích thân được vương vị thì biết hết quần thần và tất cả phẩm vị; pháp môn và hành tướng của Bồ-tát trong kinh Hoa Nghiêm cũng như vậy. Từ lúc mới phát tâm bắt đầu từ thập trụ liền thấy pháp thân Như Lai, trí quả Phật tính vô tác, thực hành tất cả vạn hạnh của Phổ Hiền, tùy duyên không dính mắc thảy đều vô tác”. Kinh Niết-bàn nói: “Phật tính chẳng phải là pháp tạo tác, chỉ bị khách trần phiền não che lấp. Thế nên từ sơ trụ do vô tác tam-muội tự thể ứng chân, phiền não khách trần hoàn toàn không có thể tính, chỉ có thể dụng chân thật không có tham sân si, nhiệm vận tức là Phật. Cho nên một niệm tương ưng một niệm thành Phật, một ngày tương ưng một ngày thành Phật, cần gì phải trải qua nhiều kiếp tiệm tu, đến ba a-tăng-kỳ mới đắc quả”. Tâm còn vướng vào sự suy lường thời kiếp làm chướng ngại nhận thức, pháp môn của chư Phật vốn chẳng hạn cuộc thời gian, tính thời lập kiếp thì không phải là Phật thừa. Lại kinh nói: “Vô lượng thế giới vi trần số kiếp có chư Phật xuất thế, người gần gũi cúng dường hiểu rõ trí vô tác trùm khắp cả, không pháp gì chẳng phải Phật, Phật tức là pháp. Mười phương hư không không có khiếm khuyết, trên đầu sợi lông, cây kim đều là tất cả pháp, tất cả Phật. Còn có chút mảy may tâm nhiễm tịnh thị phi thì không thể thấy Phật, hãy dùng con mắt trí tuệ quán sát”.

Lại nói: “Sở dĩ nêu ra cõi Phật nhiều như số vi trần, vì trí mãn hạnh viên không gì chẳng phải Phật, thảy đều thừa sự tức là Thánh phàm đồng thể không một việc gì chẳng phải Phật pháp, với phổ nhãn nhìn thấu tâm cảnh kia không gì chẳng phải Phật, vì trí tùy theo các hạnh mà tất cả đều là Phật. Nếu một pháp một vật không phải là Phật kiến thì phải biết đó là tà kiến, chẳng phải chính kiến. Tức là có năng sở thị phi nổi lên, chẳng được vào cảnh giới trí nhãn của Phổ Hiền, Văn-thù. Cho nên nếu có dị tưởng tạp niệm nổi lên liên tục thì gọi là chúng sinh, thì năng sở thị phi tranh nhau hưng khởi tức là tà kiến. Nếu thấu rõ vọng niệm vô tướng, ngoại cảnh tự hư ảo thì tất cả sát trần không gì chẳng phải Chính giác”. Do đó Luận Thích Ma-ha-diễn nói: “Một niệm vừa khởi không có tướng ban đầu, nghĩa là tâm khởi không có sơ tướng có thể biết mà nói biết sơ tướng tức là vô niệm, đây là trừ nghi khiến sinh thắng giải”. Nghĩa là có chúng sinh nghi rằng: Lúc đạo cực giải thoát về bản giác, sơ tướng vi tế sinh, biết được có chăng ? Hay là biết được không chăng ? Nếu biết được có thì đạo cực giải thoát sẽ chẳng phải là vô niệm. Vì sao ? Vì biết có niệm ban đầu thì có niệm ban đầu. Nếu biết được không thì đạo cực giải thoát sẽ không thể có. Vì sao ? Đã không có niệm ban đầu thì đợi niệm nào không mà lập giải thoát nên có cái nghi như thế! Nay tự thông đạt nói rằng tướng sở tri từ xưa đến nay tự tính không vô, trí năng tri từ xưa đến nay không sinh khởi; đã không có tướng sở giác cũng không có trí năng giác thì đâu thể được nói sơ tướng vi tế trí tuệ có thể biết mà nói biết sơ tướng, tức là hiện bày đạo lý vô niệm. Vì sao ? Lý pháp tính tuy không có sơ tướng sở tri cũng không có trí thỉ giác năng tri mà có thể thông đạt không có tướng sở tri, không có trí năng tri, không có giác sở hữu, đều chẳng phải không vô. Cho nên ngày nay y theo đạo lý này có thể nói: Biết sơ tướng vậy. Thế nên tất cả chúng sinh không gọi là giác, vì từ xưa đến nay chưa từng lìa niệm nên nói là vô thỉ vô minh, tức là thành lập nghĩa vô niệm ở trên. Nghĩa là kim cương đã trở lại cho tất cả chúng sinh, vì niệm vô minh nghiệp tướng mạnh quá nên chưa thể xuất ly, đây hiện bày tất cả chúng sinh đều có niệm gọi là chúng sinh, tất cả chư Phật đều được vô niệm gọi là Phật.

Từ đây trở xuống hiện bày cảnh giới thỉ giác cùng khắp viên mãn, nghĩa là bậc đại giác đã đến bờ kia, biết rõ tất cả vô lượng chúng sinh nhất tâm lưu chuyển tạo ra bốn tướng sinh trụ dị diệt, cho nên luận nói nếu được vô niệm thì biết tâm chúng sinh tướng sinh trụ dị diệt, do nghĩa gì biết được như thế ? Lúc tự được vô niệm thì tất cả chúng sinh đều bình đẳng, nên Luận nói: Một hành giả khi được vô niệm thì tất cả chúng sinh đều được vô niệm, vì mỗi chúng sinh đều có bản giác. Nghĩa này thế nào ? Nghĩa là một hành giả được thỉ giác viên mãn đồng bản giác thì cùng khắp trong tâm bản giác của tất cả vô lượng chúng sinh, chẳng phải tự tính bản giác. Vì sao ? Tự tính bản giác bao trùm khắp chúng sinh giới. Bậc giác ngộ thanh tịnh được vô niệm thì tất cả chúng sinh đều được vô niệm. Bậc giác ngộ thanh tịnh dứt vô minh thì tất cả chúng sinh cũng dứt vô minh. Vì sao đoạn trên nói kim cương đã trả lại cho tất cả chúng sinh nhưng vì niệm vô minh nghiệp tướng quá mạnh nên chưa xuất ly do đó không gọi là giác. Nếu chúng sinh chưa hề ra khỏi vô thỉ vô minh mà đồng với chư Phật được vô niệm đây chỉ là lời nói chứ không có thật nghĩa, đâu thể nói tất cả chúng sinh đều có bản giác cũng có thỉ giác. Môn quyết đoạn này có hai:

1- Tự tông quyết đoạn: Luận theo chính tông, vì muốn hiện bày tất cả chúng sinh đồng nhất tương tục không sai biệt, khi hành giả đoạn vô thỉ vô minh thì tất cả chúng sinh cũng đồng đoạn hết. Một người tu hành viên mãn thỉ giác thì tất cả chúng sinh cũng đồng viên mãn. Thế nên trong kinh Tam Thân Bản Hữu ghi: “Bấy giờ, Thế Tôn bảo Văn-thù: Văn-thù-sư-lợi, ta nhờ nhị đẳng mà thành Chính giác: Một là đoạn đẳng, hai đắc đẳng. Nói về đoạn đẳng là lúc đạo cực giải thoát mới phát khởi, tất cả chúng sinh có vô thỉ vô minh nhất thời rốt ráo quyết đoạn liền. Nói về đắc đẳng là khi ta mới thành đạo viên mãn thỉ giác thì tất cả chúng sinh đều đầy đủ. Đây gọi là nhị đẳng”.

2- Vọng diệt quyết đoạn: Do bậc viên mãn hướng về chúng sinh nên không một pháp nào mà không thanh tịnh; do chúng sinh hướng về bậc vô thượng tôn, vào vô minh tạng không có giác tri đều thanh tịnh không có chướng ngại nên nghĩa vô niệm được thành lập, vào vô minh tạng không có giác tri.

Từ đây trở xuống dung hòa các thỉ giác khiến cho đồng bản giác, nghĩa là khi năm mươi một phần viên mãn thỉ giác, thật sự không có quả lần lượt thù thắng, cũng không có chỗ tột cùng cứu cánh viên mãn. Vì sao ? Tất cả thỉ giác bốn tướng cùng lúc mà được trụ lại đều không tự lập. Từ xưa đến nay một vị bình đẳng, tự tính viên mãn, đồng một tướng giác không hai, cho nên Luận nói: Thật ra không có thỉ giác sai khác, vì bốn tướng cùng lúc mà có đều không tự lập, xưa nay bình đẳng đồng nhất giác. Khởi Tín Sớ nói: “Bỗng nhiên đại ngộ, biết rõ tự tâm, xưa không chỗ chuyển, nay không chỗ tranh, bản lai bình đẳng, các thứ mộng niệm làm động nguồn tâm”. Giác tâm sơ khởi là nói về tướng tâm sở giác; sơ khởi là nương vào vô minh mà tâm thể sinh khởi khiến động niệm. Nay chứng biết lìa bản giác không gì chẳng giác thì động niệm là tĩnh tâm, nên nói giác tâm sơ khởi, như lầm đông là tây, khi ngộ rồi thì biết tây chính là đông. Tâm không có sơ tướng là do bất giác mà tâm sinh khởi, nay đã giác rồi nên tâm không khởi do đó nói là không có sơ tướng. Nay cứu cánh vị động niệm đều dứt chỉ còn nhất tâm nên nói không có sơ tướng. Vô minh hết sạch, trở về cội nguồn nhất tâm lại không còn khởi động nên nói được thấy tâm tính, tâm thì thường trụ, lại không chỗ tiến gọi là cứu cánh giới. Chưa đến nguồn tâm, mộng niệm chưa hết, muốn diệt cái động niệm này hướng đến bờ kia mà nay đã thấy tâm tính, mộng tướng đều hết, biết rõ tự tâm vốn không lưu chuyển, vô minh dứt sạch thường tự nhất tâm, cho nên chứng biết Phật địa vô niệm, đây là nêu ra nhân mà chứng quả vậy.

Mã Tổ nói: “Nếu ông muốn biết tâm thì ngữ ngôn chính là tâm của ông, gọi tâm này làm Phật, cũng là thật tướng pháp thân Phật, cũng gọi là đạo”.

Kinh nói: “Có ba a-tăng-kỳ trăm nghìn danh hiệu tùy theo thế gian mà ứng xử đặt tên, như hạt châu ma-ni tùy sắc, chạm xanh liền xanh, chạm vàng liền vàng. Thể nó chẳng phải tất cả sắc như ngón tay không tự chạm, như dao không tự cắt, như gương không tự soi. Tùy duyên được thấy đều có tên riêng của nó. Tâm này với hư không có cùng tuổi thọ, cho đến luân hồi trong sáu đường thọ lãnh đủ loại hình tướng thì tâm này chưa từng sinh chưa từng diệt. Do vì chúng sinh không biết tự tâm, mê tình vọng khởi các nghiệp rồi thụ báo, mê mờ bản tính của mình lại vọng chấp cái thân tứ đại thấy có sinh diệt mà tính linh giác thật sự không sinh diệt.

Nay ông tỏ ngộ tính này gọi là trường thọ, còn gọi là Như Lai thọ lượng, gọi là bản không bất động tính. Trước sau chư Thánh chỉ thể hội tính nay là đạo. Kiến văn giác tri vốn là bản tính của ông, cũng gọi là bản tâm, không thể lìa tâm này mà riêng có Phật. Tâm này vốn có nay có chẳng nhờ tạo tác, vốn tịnh nay tịnh chẳng chờ lau chùi. Tự tính niết-bàn, tự tính thanh tịnh, tự tính giải thoát, tâm tính của ông vốn tự là Phật, không cần tìm Phật nào khác, ông chính là kim cương định chẳng cần tác ý ngưng tâm giữ định, cho dù ngưng tâm thúc niệm cũng chẳng phải cứu cánh”. Chí Công hòa thượng trong Sinh Phật Bất Nhị Khoa nói:

Chúng sinh với Phật không hai,
Đại trí không khác kẻ ngu.
Tìm chi ngọc báu bên ngoài,
Trong thân tự có minh châu.
Chính đạo tà đạo không hai,
Biết rõ phàm Thánh như nhau,
Mê ngộ vốn không sai biệt,
Niết-bàn sinh tử nhất như.
Cứu cánh phan duyên không tịch,
Tìm cầu ức tưởng thanh hư,
Không có một pháp để được,
Lặng lẽ thẳng vào vô dư.

Phó đại sĩ tụng:

Về nguồn cần chi thứ lớp cầu
Pháp tính không trước sau
Một niệm một thời tu.

Lại tụng:

Phàm phu tu Thánh đạo
Quả địa tập phàm nhân
Hằng đi không cất bước
Thường độ mà không độ.

Đại sư Chân Giác ca:

Cỏ phì nhị Tuyết Sơn không tạp
Thuần xuất đề hồ ta thường nạp
Một tính viên thông tất cả tính
Một pháp bao trùm tất cả pháp
Mặt trăng hiện khắp mọi dòng sông
Nghìn bóng trăng chỉ một vầng nguyệt
Pháp thân chư Phật vào ngã tính
Ngã tính cùng hiệp với Như Lai
Một địa đầy đủ tất cả địa
Phi sắc phi tâm phi hạnh nghiệp
Khoảnh khắc viên thành tám vạn môn
Sát-na diệt hết a-tỳ nghiệp
Tất cả sổ câu phi số câu
Nào có liên hệ linh giác ta!

Bách Môn Nghĩa Hải nói: “Người phát bồ-đề liễu đạt lý vô tính của tất cả chúng sinh và hạt bụi v.v… do trí thành Phật bồ-đề, cho nên ở trong thân Phật bồ-đề thấy tất cả chúng sinh thành đẳng Chính giác. Lại chúng sinh và hạt bụi mảy lông v.v… thảy đều do cái lý Phật bồ-đề thành chúng sinh, cho nên ở trong thân chúng sinh bồ-đề thấy chư Phật tu hạnh bồ-đề. Thế nên Phật là Phật của chúng sinh, chúng sinh là chúng sinh của Phật, cho dù có khai hiệp trọn không sai biệt. Thấy như thế gọi là bồ-đề tâm, khởi đồng thể đại bi giáo hóa chúng sinh”.

Đông Lâm hỏi: Chúng sinh là mê, chư Phật là ngộ. Thể tuy là một song theo dụng có sai biệt. Nếu nhờ chúng sinh mà thông hiểu Phật thì Phật cũng thành mê; nếu nhờ Phật mà thông hiểu chúng sinh thì chúng sinh cũng thành ngộ.

Đáp: Vì chẳng phải chúng sinh là chúng sinh, vì chẳng phải Phật là Phật, không ngại tồn tại mà thường cướp đoạt, không ngại phá hoại mà luôn làm thành, tùy duyên mà đặt tên chúng sinh há có chúng sinh thật sự; giả lập tên gọi pháp thân há có chư Phật để cầu! Sao khỏi nhận lầm nguồn chân! Nơi một tướng mà hằng có, vào năm đường mà thường không. Trên phàm tình thì hai cõi khó thông về trí thì nhất như dễ thành tựu. Sau đó cùng phủ định, cùng khẳng định liền cùng hoại, cùng thành, thấy chư Phật trong thân chúng sinh, quán chúng sinh nơi thể chư Phật. Ngưỡng Sơn hỏi Qui Sơn: Chân Phật ở nơi đâu ? Qui Sơn đáp: Dùng sự suy tư không suy tư mà suy tư trở lại mình, suy tư hết trở về cội nguồn, tính tướng thường trụ, sự lý không hai, chân Phật như như, đây là không trụ không lìa, thấy được chân Phật đạt đạo bình đẳng. Cho nên nói đạo của lục đạo là ác lìa thiện và thiện lìa ác; đạo của Nhị thừa là vô lậu lìa lậu hoặc; đạo của Bồ-tát là trung đạo lìa nhị biên; đạo của chư Phật là không lìa không đến. Vì sao ? Vì tất cả pháp tức là Phật đạo. Tiên đức nói: Đại đạo duy tâm, tức tâm là Phật, chỉ y theo nhất tâm mà tu, tức là căn bản trí, còn gọi là vô phân biệt trí, tức là hay phân biệt vô cùng tự có đủ nhất thiết trí nên chẳng giống khởi tâm biến kế. Vì thế biết rằng hễ có tâm thảy đều thành Phật. Như hôm nay đi là Phật đi, ngồi là Phật ngồi, nói là Phật nói, im lặng là Phật im lặng. Cho nên nói y chính a-tỳ thường ở nơi tự tâm của cực Thánh, pháp thân chư Phật không lìa một niệm của hạ phàm, vì không tin nên chắc chắn làm phàm phu, bằng thấu rõ thì xưa nay thành Phật. Nhưng nghĩa thành Phật căn cứ theo tính quá mơ hồ, tùy tướng đối cơ liền có nhiều thứ. Như Hoa Nghiêm Diễn Nghĩa nói: Tùy pháp môn bất đồng mà có nhiều thứ khác nhau, lược có bốn loại:

1- Căn cứ theo tính, tức là nhất chân pháp giới.

2- Căn cứ theo tướng, tức là vô tận sự pháp.

3- Tính tướng xen suốt, hiển bày hai môn này bất tức bất ly.

4- Vì tính dung hợp tướng, đức dụng trùng trùng.

Thứ nhất là thể môn, hỏi: Thể là Phật phải không ?

Đáp: Ứng hợp thành bốn câu:

1- Là Phật, vì pháp tính thân không chỗ nào chẳng đến. Kinh nói: Tính không tức là Phật.

2- Chẳng phải Phật, vì dứt hết năng sở giác làm tính của nó, vì bình đẳng chân pháp giới chẳng phải Phật, chẳng phải chúng sinh.

3- Cũng là Phật chẳng phải Phật, vì pháp tính thân không có tự tính.

4- Đều chẳng phải Phật, vì tính và vô tính đều dứt sạch.

Kinh tụng:

Trong không không có hai
Không hai cũng lại không
Ba đời tất cả không
Chư Phật thấy như thế.

Thứ hai là tướng môn, có hai: Một là tình, hai là phi tình. Vì chân tâm tùy duyên mà biến thành năng sở. Hai môn này đều chia ra nhiễm tịnh, nghĩa là vô minh huân chân như thành nhiễm duyên dấy khởi, chân như huân vô minh thành tịnh duyên dấy khởi; nhiễm tạo ra muôn loài, tịnh đưa đến thành Phật, vì tu tịnh duyên dứt trừ nhiễm duyên mới được thành Phật. Căn cứ theo hai nghĩa này thì chúng sinh và Phật bất đồng, ở trong tịnh duyên còn có nhân quả, nhân có thuần tạp, quả có y chính. Nếu theo thuần môn, Bồ-tát chỉ tu một hạnh tận vị lai; nếu theo tạp môn thì tu cả muôn hạnh tận vị lai; nếu theo nhân môn thì tận vị lai thường là Bồ-tát; nếu theo quả môn thì tận đời vị lai thường là Như Lai. Kinh nói: “Vì là chúng sinh cho nên niệm niệm đều mới mẻ thành đẳng Chính giác”. Nếu theo song biện môn thì tận vị lai tu nhân đắc quả; nếu theo song phi môn thì tận vị lai phi nhân phi quả liền đồng chân tính. Ba môn trước đều có đủ bi trí, đều dung hợp tâm cảnh.

Thứ ba là tính tướng xen suốt, có bốn môn:

1- Vì tính theo tướng giống như môn thứ hai.

2- Gởi tướng về tính giống như môn thứ nhất.

3- Cả hai tồn tại vô ngại có đủ hai môn trên, y theo đây thì bi trí cùng vận dụng, tính tướng cùng dẹp bỏ, tịch chiếu đồng thời, thành đại tự tại.

4- Đoạt nhau cùng mất thì tính tướng đều dứt, không đồng quả hải không thành cùng bất thành.

Thứ tư là vì tính dung hợp tướng, tướng tuy rất sai biệt song không tướng nào mà chẳng tức tính, tính đức vô tận toàn thể ở trong tướng. Vì tính dung hợp tướng nên tướng giống như tính khiến cho các môn trên dều không chướng ngại. Nhân quả xen suốt thuần tạp dung hợp, sự sự đan nhau trùng trùng vô tận. Nay theo trong tính môn chính là Phật môn, không cần ba môn còn lại. Theo tướng môn tức là hữu tình môn, là tịnh chẳng phải nhiễm, là quả chẳng phải nhân. Đứng về môn giao triệt, Phật thì tính tướng dung hợp, chúng sinh thì hội tướng về tính. Kinh điển chính thức đứng về đệ tứ môn vì tính dung hợp tướng, một thành tất cả đều thành, nghĩa là đem tịnh tính của Phật dung hợp nhiễm tướng của chúng sinh, đem một tính Phật dung hợp nhiều tính chúng sinh khiến cho nhiều nhiễm sinh ra tùy theo một chân tính, đều giống như Phật đã thành Phật rồi. Chẳng phải chỉ có hữu tình lãnh hội, mọi loài dung hợp nhau làm Phật thể không gì chẳng thành. Tăng Triệu nói: “Thể hội vạn vật mà thành đạo chỉ có Thánh nhân sao ?” Lại nói: “Cho nên Thánh nhân cùng đồng một thể, vạn vật không gì chẳng phải ta”. Vì tính Phật dung hợp tính vạn vật mà đồng thành Phật, vì tính vạn vật dung hợp tướng Phật khiến cho ba nghiệp bình đẳng với muôn loài. Đây chính là ý kinh mà chẳng phải các môn còn lại, cho nên nói tùy môn bất đồng. Đây là môn thành Phật. Đốn giáo phần nhiều đồng với tính môn, chung giáo đồng với tính tướng giao triệt môn. Thỉ giáo có hai môn: Huyễn hữu tức không đồng với hội tướng quy tính, chỉ duy tâm hiện phần nhiều đồng với đệ nhị môn, Tiểu thừa nhân thiên đều đồng với tướng môn. Do đây có người nói: Vô tình thành Phật là đứng về mặt tính tướng tương dung, vì tính của hữu tình dung hợp tướng của vô tình, vì tướng của vô tình tùy theo tính mà dung hợp đồng với tướng của hữu tình, cho nên nói vô tình thành Phật. Nếu đem cái nghĩa vô tình không thành Phật dung hợp với tướng hữu tình thì cũng có thể nói chư Phật và chúng sinh không thành Phật.

Vì thành với chẳng thành, hữu tình cùng vô tình tính không hai, vì pháp giới vô hạn, vì Phật thể cùng khắp, vì sắc không không hai, vì pháp không có tính cố định, vì mười thân viên dung, vì duyên khởi theo nhau, vì chúng sinh giới vô tận, vì là nhân bao trùm khắp nơi, vì xa lìa đoạn kiến thường kiến, vì vạn pháp hư dung cho nên nói một thành thì tất cả thành. Chẳng nên cho rằng vô tình cũng có tính giác cùng với hữu tình thành Phật. Nếu chấp nhận nó thành thì nó có thể tu nhân, vô tình biến thành hữu tình, hữu tình biến thành vô tình, đều đồng tà kiến. Thế nên tính chẳng có khéo vụn, nhưng sự hiểu biết thì có tinh thô, kẻ trí sáng thì thấy ngay tức khắc, người ngu thì ngộ phải trải qua trần kiếp. Do đó Cổ đức nói: Phật thể u huyền chẳng phải sắc uẩn, cũng không lìa sắc uẩn, tính nhất dị rỗng không, chân tính tự hiện. Như kinh Mật Nghiêm có bài kệ:

Bóp nát cả quặng vàng
Trong quặng không thấy vàng
Người trí khéo nung luyện
Vàng thật mới hiển hiện.
Phân tích các sắc tướng
Nhẫn đến thành cực vi
Tìm kiếm trong các uẩn
Hoặc nhất hoặc dị tính
Phật thể không thể thấy
Song chẳng phải không Phật.

Nếu ngộ nhập Tông Cảnh thì thành Phật không lìa một niệm, niệm trước là phàm, niệm sau là Thánh, đây giống như biệt giáo hiển bày, nay không động đến vô minh mà toàn thể thành Chính giác. Hoa Nghiêm Luận nói: “Như đem ngôi báu truyền trao cho kẻ tầm thường, như đêm mộng dài tỉnh thức liền tan”. Phó đại sĩ tâu với Lương Võ Đế rằng: Nay muôn đem như ý bảo châu thanh tịnh, giải thoát soi sáng khắp mười phương ánh sáng vi diệu không thể tư nghì, ý muốn tặng cho bậc nhân chủ. Nếu người lãnh thụ sẽ chóng được vô thượng chính đẳng chính giác. Do đó nên biết nếu một niệm tín thụ tức khắc liền tiến lên bậc giác ngộ. Cho nên kinh Duy-ma ghi: “Duy-ma-cật nói: Khi các ông phát tâm bồ-đề tức là đã xuất gia, tức là đã đầy đủ rồi”. Lại kinh Pháp Hoa ghi: “Khi ấy Long nữ có một hạt bảo châu giá trị tam thiên đại thiên thế giới đem dâng lên đức Phật, Phật liền nhận, Long nữ nói với Bồ-tát Trí Tích cùng Tôn giả Xá-lợi-phất: Tôi dâng bảo châu, đức Thế Tôn nhận, việc ấy có nhanh không ? Đáp: Rất nhanh. Long nữ nói: Dùng thần lực của ông xem tôi thành Phật, lại còn nhanh hơn việc ấy”. Vì thế nên biết tất cả chúng sinh đều có tâm châu sáng rực, lý không trước sau, sáng tối tùy cơ. Hạt châu ấy hoặc nhân đánh nhau mà lún trong da, đối trước gương mà hiển hiện; hoặc nhân đi chơi mà rơi xuống đáy nước, chờ nước lặng yên mới lấy được; hoặc ở trong búi tóc của Chuyển luân vương khi nào lập được công lớn mới được ban thưởng; hoặc buộc trong áo kẻ nghèo hèn, nhờ kẻ khác chỉ cho mới biết là vẫn còn. Tông Cảnh minh chứng cho việc này. Tin như thế rốt ráo không thừa, tức là một niệm biết tất cả pháp, là đạo tràng thành tựu nhất thiết trí. Theo như các vị Thánh khai thị tâm Phật rõ ràng. Giả sử có kẻ hoài nghi thoái thất, dù chưa tin nhận, song lý thành Phật chưa từng tổn khuyết. Như kẻ chẳng biết vàng mà cho là đồng sắt, đồng sắt chỉ có hư danh, tính chất vàng chưa hề thay đổi. Nay do cố chấp nên chẳng biết xưa phải còn nay chẳng phải, cũng không phải xưa mê mà nay mới ngộ. Trên đây dẫn chứng dài dòng quanh co để chứng minh chỉ vì trong sinh tử có tính bất tư nghì, trong trần lao có thân đại bồ-đề nhưng những kẻ nghiệp chướng nặng nề không tin, cam chịu vô phần nói rằng mình suốt kiếp làm phàm phu không thể tiếp nối Phật thừa, gìn giữ pháp khí, bèn một bề thuận theo nghiệp chúng sinh, trái tính giác chạy theo trần, khiến biển sinh tử thêm sâu, lưới phiền não càng dày. Vì thế góp nhặt tất cả lời dạy chư Phật để giải thích các điều nghi khiến cho dưới lời nói phát minh thấy rõ tự tính vô sinh, mới biết không khác chư Phật, vạn pháp vốn đồng, mới tin được lời chân thật đem đến sự lợi ích sâu xa như vậy.

Hỏi: Lục Tổ nói thiện ác đều không nghĩ đến thì tự nhiên được vào tâm thể. Hòa thượng Động Sơn nói: Học được việc thù thắng của Phật vẫn là dụng tâm sai lầm thì làm sao luận rộng về ý chỉ thành Phật ?

Đáp: Tông Cảnh Lục đúng là luận về nghĩa rày, vì tâm ngầm hạp với tính, Phật lý hợp chân không, đâu ở ngoài tâm vọng cầu thắng cảnh khác. Như Hoa Nghiêm Ký nói: “Liễu đạt chân không mà còn chẳng chịu làm việc thiện huống là làm việc ác sao ?”. Tà thuyết “không” nghĩa là rỗng tuếch không vật, hoặc nói tự tại không ngại tạo ác. Nếu chân thật biết không thì thiện thuận với lý sợ sinh động loạn còn không khởi tâm ưa thích thiện, ác là nghịch với lý mà thuận theo vọng tình, đâu thể tạo ác! Nếu nói tự tại không ngại tạo ác thì sao không tự tại chẳng ngại tu thiện dứt ác ? Đối với việc tu thiện còn sợ sinh tâm chấp trước thì tại sao không sợ phóng túng làm ác! Rõ ràng tà kiến là chúng sinh ác, cho đến nhập lý quán Phật còn sợ khởi tâm, huống chi những suy nghĩ tạo nghiệp trái với chí lý. Thế nên kinh Lăng Già ghi: “Phật bảo Đại Huệ: Các bậc Thánh trước kia biết rõ chuyển tướng truyền thụ vọng tưởng vô tính, đại Bồ-tát ở một nơi yên tĩnh tự giác quan sát, không do kẻ khác mà lìa vọng tưởng, luôn hướng lên thăng tiến vào đất Như Lai, đây gọi là tướng tự giác Thánh trí”. Lại nói: “Tất cả không có niết-bàn, không có niết-bàn của Phật, không có Phật niết-bàn, xa lìa năng giác sở giác. Sở giác là tướng, năng giác là kiến. Xa lìa giác và sở giác gọi là tự giác Thánh trí”. Do vì không còn năng sở nên thành Phật. Chỗ thấy biết có hạn lượng học từ người khác mà muốn vào sâu biển bát-nhã thì không thể đạt đến ngọn nguồn, như ném một thăng muối xuống sông Hằng thì nào có nhằm nhò gì ?! Nếu nội chiếu phát minh thấu triệt cội nguồn các pháp thì không lý nào chẳng sáng tỏ, không sự nào chẳng bao gồm. Như kinh nói: “Phật dạy, ta ở trong pháp vô niệm được sắc thân vàng ròng ba mươi hai tướng phóng ánh sáng chiếu không sót một thế giới”.